Skip Ribbon Commands
Skip to main content

DỰ THẢO ONLINE

Nơi cử tri tham gia vào hoạt động lập pháp của quốc hội
Thứ hai, 06/05/2024

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai

Trong 2 ngày làm việc, các đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ đóng góp ý kiến vào 2 dự án luật gồm: dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo và dự án Luật về hội. Qua đó, các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ là cơ sở để hoàn thiện, nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ hai.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: việc ban hành 2 dự thảo Luật này là rất cần thiết để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền lập Hội của công dân và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đòi hỏi phải tiếp tục cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến các hoạt động nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong cả nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tăng cường việc tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến đối với những vấn đề quan trọng mà các đại biểu Quốc hội chuyên trách cần nghiên cứu và cho ý kiến trước.
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu Quốc hội chuyên trách phát huy trí tuệ, tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận, có nhiều ý kiến thiết thực, xác đáng vào 2 dự án luật nêu trên, góp phần vào thành công của hội nghị.
Ngay sau đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhiều điểm tiến bộ trong dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo
Đây là dự thảo luật đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 vào cuối năm 2015 và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo lấy ý kiến các cơ quan hữu quan, các chuyên gia về pháp luật và tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ngay sau kỳ họp.
Đánh giá dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến đại biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cho rằng dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được kết cấu lại khoa học, chặt chẽ hơn, gồm 9 chương, 8 mục và 69 điều. Bên cạnh việc sắp xếp, bổ sung một số điều luật và đổi tên các chương, mục, dự thảo Luật đã thiết kế một chương mới (Chương II) gồm 4 điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Đa số các đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh Luật là điều chỉnh quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Các đại biểu cho rằng dự án Luật có nhiều điểm tiến bộ so với Pháp lệnh như: việc mở rộng phạm vi chủ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đưa ra quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; dành một chương riêng quy định cụ thể về sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, từ thiện, nhân đạo; quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam, đồng thời xây dựng chương quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo...
Cần bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm
Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại Điều 5 của dự thảo luật, các đại biểu cho rằng cần thiết phải quy định đầy đủ, toàn diện và chặt chẽ hơn. Bởi nếu các hành vi bị nghiêm cấm được quy định theo phương thức liệt kê thì còn thiếu rất nhiều. Các đại biểu cho rằng, chỉ với 5 hành vi được liệt kê tại Điều 5 trong dự thảo hoàn toàn là chưa đủ và cần phải bổ sung. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh- Hà Nội đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm việc cấm các hoạt động tín ngưỡng kích động bạo lực, xâm hại động vật. Đại biểu chỉ rõ, trong thời gian qua, nhiều lễ hội chém lợn, đâm trâu... người tham dự chạy đến lấy tiền quét vào máu rồi mang về để trên bàn thờ diễn ra vô cùng tàn bạo, mất vệ sinh, mang tính chất mê tín dị đoan, phản cảm đã tạo ra dư luận xấu về hình ảnh văn hóa Việt Nam trong và ngoài nước. Do vậy, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị bổ sung thêm hành vi này vào nhóm các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 5 của dự thảo luật để chấn chỉnh các lễ hội như trên, đồng thời đồng bộ hóa lòng nhân ái của con người đối với động vật, khuyến khích con người yêu thương, chăm sóc động vật như tinh thần của Luật thú y, Pháp lệnh bảo vệ động vật hoang dã… mà chúng ta đã có.
Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, đại biểu Lưu Thành Công- Vĩnh Long cũng đề nghị bổ sung thêm quy định về việc nghiêm cấm các hành vi mê tín, dị đoan vào Điều 5 của dự thảo luật này.
Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo?
Theo Báo cáo giải trình của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng; chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Việc giao chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho Bộ nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Do đó, quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, về vấn đề này, hiện có tới ba loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất là đề nghị phải có một cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo độc lập để phản ánh đúng tính phức tạp, quan trọng của lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay. Loại ý kiến thứ hai đề nghị khi chưa thể sắp xếp được thì giữ nguyên như hiện nay. Loại ý kiến thứ ba đề nghị đưa chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất quản lý và bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần.
Qua thảo luận, một số đại biểu bày tỏ quan điểm ủng hộ việc giao chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng Bộ này là cơ quan nhà nước phù hợp chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng cho rằng, hoạt động tôn giáo vốn là một hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân, do đó nên giao chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch quản lý sẽ hợp lý hơn.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu khác lại cho rằng, cần phải có một cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo độc lập để phản ánh đúng tính phức tạp, quan trọng của lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay. Đại biểu Trần Duy Vượt- Gia Lai phân tích, với tình hình tôn giáo đặc biệt phức tạp như trên địa bàn Tây Nguyên, nếu giao chức năng quản lý cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ lại giao cho Sở thì việc quản lý vẫn chưa sát vì theo đại biểu Sở cũng có rất nhiều việc cần làm. Bởi vậy, giao nhiệm vụ này cho một cơ quan độc lập để quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sẽ tốt hơn.
Một số đại biểu khác cho rằng, cần phải có sự cân nhắc thận trọng đối với vấn đề này, đề nghị nếu chưa sắp xếp được cơ quan quản lý thì nên giữ nguyên như hiện nay. Nghĩa là, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng.
Phát biểu kết thúc buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao các ý kiến đóng góp góp thẳng thắn, chân thành của các đại biểu chuyên trách tại hội nghị; cho rằng đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng và thiết thực để chuẩn bị cho các nội dung sẽ trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 2.