Skip Ribbon Commands
Skip to main content

DỰ THẢO ONLINE

Nơi cử tri tham gia vào hoạt động lập pháp của quốc hội
Thứ sáu, 03/05/2024

  • Lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ & Môi trường
  • Cơ quan trình dự thảo: Chính phủ
  • Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công thương
  • Cơ quan thẩm tra: Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường
  • Dự kiến thảo luận tại: Khóa XV - Đang cập nhật
  • Dự kiến thông qua tại: Khóa XV - Đang cập nhật
  • Trạng thái: Chưa thông qua

Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về chính sách phát triển điện lực; quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện lực, hoạt động mua bán điện; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành hệ thống điện; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện.

02/04/2024
01
Lần dự thảo 1
1.-dt-to-trinh-du-an-luat-dl-sua-doi-.docx
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Điện lực.
CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Luật này quy định về chính sách phát triển điện lực; quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện lực, hoạt động mua bán điện; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành hệ thống điện; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có các hoạt động khác liên quan đến hoạt động điện lực trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Điện lực và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Điện lực có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của Luật Điện lực.
2. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Điện lực có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về ngành, lĩnh vực điện lực khác với quy định của Luật Điện lực thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Điện lực, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.
3. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
1. An toàn đập, hồ chứa thủy điện là việc thực hiện các biện pháp thiết kế, thi công, quản lý, khai thác nhằm bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa thủy điện, các công trình có liên quan, an toàn cho vùng hạ du đập.
2. An toàn điện là hệ thống các biện pháp tổ chức và phương tiện kỹ thuật để ngăn chặn các tác động có hại và nguy hiểm đối với con người và thiết bị từ nguồn điện trong quá trình sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện.
3. Bán buôn điện là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực này cho đơn vị điện lực khác để bán lại cho bên thứ ba.
4. Bán lẻ điện là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực cho khách hàng sử dụng điện.
5. Biểu giá điện là bảng kê các mức giá và khung giá điện cụ thể áp dụng cho các đối tượng mua bán điện theo các điều kiện khác nhau.
6. Cấp điện áp là một trong những giá trị của điện áp danh định được sử dụng trong hệ thống điện, bao gồm:
a) Hạ áp là cấp điện áp danh định đến 01 kV;
b) Trung áp là cấp điện áp danh định trên 01 kV đến 35 kV;
c) Cao áp là cấp điện áp danh định trên 35 kV đến 220 kV;
d) Siêu cao áp là cấp điện áp danh định trên 220 kV.
7. Chủ sở hữu đập thủy điện là cơ quan, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình thủy điện hoặc được giao sở hữu đập thủy điện.
8. Công trình điện lực là tổ hợp các phương tiện, máy móc, thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, mua bán điện; hệ thống bảo vệ công trình điện lực; hành lang bảo vệ an toàn lưới điện; đất sử dụng cho công trình điện lực và công trình phụ trợ khác.
9. Dịch vụ phụ trợcác dịch vụ cần thiết được cung cấp từ các phần tử trong hệ thống điện để duy trì hệ thống điện truyền tải vận hành ổn định, tin cậy.
10. Dự án đầu tư mở rộng nguồn điện là dự án đầu tư mở rộng theo quy định của Luật Đầu tư.
11. Dự án điện lực là tập hợp các đề xuất có liên quan đến sử dụng vốn để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình điện trong thời hạn và chi phí xác định.
12. Điện năng lượng mới là điện được sản xuất từ một hoặc kết hợp từ hai trong các nguồn sau đây:
a) Hydro, amoniac;
b) Nguồn năng lượng mới khác để sản xuất điện do Chính phủ quy định nhưng không phải là một trong các nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu, điện năng lượng tái tạo, điện hạt nhân.
13. Điện năng lượng tái tạo là điện được sản xuất từ một hoặc kết hợp từ hai trong các nguồn năng lượng sơ cấp sau:
a) Năng lượng mặt trời;
b) Năng lượng gió;
c) Thủy điện;
d) Sinh khối;
đ) Từ chất thải (mọi nguồn chất thải của quy trình sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt; trừ chất thải từ nhà máy sử dụng nguyên liệu đầu vào là hóa thạch);
e) Từ thủy triều, sóng biển, hải lưu, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác theo quy định của Chính phủ.
14. Điện tự sản tự tiêu là điện được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ (điện tự sử dụng) không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.
15. Điện tự sử dụng là điện được sản xuất và sử dụng tại cùng địa điểm lắp đặt do cùng một pháp nhân hoặc cá nhân thực hiện.
16. Điều độ hệ thống điện là hoạt động chỉ huy, điều khiển quá trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện trong hệ thống điện quốc gia theo quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và phương thức vận hành đã được xác định.
17. Điều hành giao dịch thị trường điện lực là hoạt động quản lý và điều phối các giao dịch mua bán điện và dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện lực.
18. Điều tiết điện lực là tác động của Nhà nước vào các hoạt động điện lực và thị trường điện lực nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm tính công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
19. Đơn vị điện lực là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan.
20. Đơn vị quản lý số liệu đo đếm điện năng là đơn vị quản lý vận hành hệ thống thu thập, xử lý, lưu trữ số liệu đo đếm điện năng phục vụ thị trường điện, bao gồm Đơn vị Điều độ hệ thống điện quốc gia, Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, Đơn vị phát điện, Đơn vị truyền tải điện, Đơn vị phân phối điện theo phạm vi quản lý số liệu đo đếm của đơn vị.
21. Giá bán buôn điện là giá bán điện của đơn vị điện lực này bán cho đơn vị điện lực khác để bán lại.
22. Giá bán lẻ điện là giá bán điện của đơn vị điện lực bán cho khách hàng sử dụng điện.
23. Hành lang bảo vệ an toàn lưới điện là khoảng không gian lưu không bao gồm chiều rộng, chiều dài và chiều cao chạy dọc theo công trình đường dây tải điện hoặc bao quanh trạm điện và được quy định cụ thể theo cấp điện áp, quy cách thiết bị và môi trường lắp đặt.
24. Hệ thống điện quốc gia là hệ thống các trang thiết bị phát điện, lưới điện và các trang thiết bị phụ trợ được liên kết với nhau và được chỉ huy thống nhất trong phạm vi cả nước.
25. Hoạt động điện lực là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan.
26. Khách hàng sử dụng điện là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng, không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác.
27. Khách hàng sử dụng điện lớn là khách hàng sử dụng điện có công suất và sản lượng tiêu thụ lớn theo quy định của Bộ Công thương phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện.
28. Không liên kết với hệ thống điện quốc gia là kết nối điện không thuộc đối tượng quy định tại khoản 31 Điều này.
29. Khung giá điện là phạm vi biên độ dao động cho phép của giá điện giữa giá thấp nhất (giá sàn) và giá cao nhất (giá trần).
30. Kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện là việc kiểm tra, thí nghiệm, đánh giá theo quy trình về mức độ an toàn của thiết bị, dụng cụ điện trước khi đưa vào sử dụng, trong quá trình sử dụng, vận hành trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
31. Liên kết với hệ thống điện quốc gia là kết nối điện thông qua giải pháp vật lý, kỹ thuật để đấu nối với hệ thống điện quốc gia phía sau công tơ đo đếm điện. Trường hợp điện mặt trời mái nhà liên kết với lưới điện của đơn vị phân phối, bán lẻ điện và lưới điện của đơn vị phân phối, bán lẻ điện có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thì thuộc trường hợp có liên kết với hệ thống điện quốc gia.
32. Lưới điện đồng bộ đấu nối nguồn điện là hệ thống đường dây tải điện (trên không, cáp ngầm), máy biến áp và trang thiết bị phụ trợ để truyền dẫn điện từ nhà máy điện đến điểm đấu nối với lưới điện truyền tải hoặc lưới điện phân phối.
33. Lưới điện là hệ thống đường dây tải điện (trên không, cáp ngầm), máy biến áp và trang thiết bị phụ trợ để truyền dẫn điện. Lưới điện, theo mục đích sử dụng và quản lý vận hành, được phân biệt thành lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối.
34. Lưới điện phân phối là phần lưới điện bao gồm các đường dây tải điện và trạm điện có cấp điện áp đến 110 kV.
35. Lưới điện truyền tải là phần lưới điện bao gồm các đường dây tải điện và trạm điện có cấp điện áp trên 110 kV.
36. Nguồn điện tự sử dụng là nguồn điện do tổ chức, cá nhân sản xuất để sử dụng tại chỗ cho chính mình, không kinh doanh bán điện dưới mọi hình thức.
37. Nhà máy điện gió ngoài khơi là nhà máy điện gió có toàn bộ tuabin điện gió được xây dựng ngoài phạm vi vùng biển 06 hải lý và có độ sâu đáy biển lớn (được xác định cụ thể theo số liệu khảo sát thực tế do Chính phủ quy định).
38. Nhà máy điện gió trên biển là nhà máy điện gió có toàn bộ tuabin điện gió được xây dựng và vận hành trên vùng biển Việt Nam được xác định theo pháp luật về biển.
39. Nhà máy điện gió trên đất liền là nhà máy điện gió có toàn bộ tuabin điện gió được xây dựng và vận hành trên đất được xác định theo pháp luật về đất đai.
40. Thị trường điện giao ngaythị trường mua, bán điện năng trong các chu kỳ giao dịch do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện thực hiện theo quy định tại các cấp độ của thị trường điện lực cạnh tranh.
41. Thiết bị đo đếm điện là thiết bị đo công suất, điện năng, dòng điện, điện áp, tần số, hệ số công suất, bao gồm các loại công tơ, các loại đồng hồ đo điện và các thiết bị, phụ kiện kèm theo.
42.   Thông số kỹ thuật chuyên ngành là các thông số kỹ thuật chính thể hiện quy mô (ngoại trừ quy mô công suất của nhà máy điện), vị trí và một số thông số kỹ thuật của thiết bị khác có liên quan của các hạng mục công trình/công trình.
43.   Thông tin điện lực và năng lượng tái tạocác số liệu, dữ liệu, thông tin về cung cấp, chuyển đổi và sử dụng điện; đặc điểm kỹ thuật của hạ tầng cơ sở điện lực; giá điện; chỉ tiêu thống kê điện lực và các thông tin khác liên quan đến điện (bao gồm: than, dầu khí, năng lượng tái tạo, năng lượng mới).
44.   Thủy điện nhỏ là các dự án nhà máy thủy điện có quy mô công suất lắp máy nhỏ hơn hoặc bằng 30 MW.
45.   Tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy điện là tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy điện.
46.   Trộm cắp điện là hành vi lấy điện trái phép không qua công tơ, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số công tơ và các hành vi lấy điện gian lận khác.
1. Phát triển điện lực bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia.
2. Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng.
3. Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây:
a) Điều độ hệ thống điện quốc gia;
b) Xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Chính phủ quy định chi tiết điểm b khoản này.Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
c) Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.
4. Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động điện lực, sử dụng điện nhằm tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường; khuyến khích nghiên cứu, phát triển, sản xuất và sử dụng thiết bị hiện đại phục vụ yêu cầu phát triển điện lực.
5. Chính sách phát triển điện nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo:
Ưu tiên phát triển điện phục vụ nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cụ thể:
a) Thu hút mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện lực, đẩy nhanh quá trình điện khí hóa nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo;
b) Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được sử dụng điện để sản xuất và phục vụ đời sống;
c) Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động phát điện, phân phối điện, kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư, tài chính và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về khuyến khích đầu tư;
d) Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng lưới điện hoặc các trạm phát điện sử dụng năng lượng tại chỗ, năng lượng mới, năng lượng tái tạo để cung cấp điện cho vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo;
đ) Ưu tiên cung cấp điện đầy đủ, kịp thời cho các trạm bơm thủy nông phục vụ tưới tiêu, chống úng, chống hạn.
Điều 6. Hợp tác quốc tế trong hoạt động điện lực
1. Mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế về hoạt động điện lực trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia và các bên cùng có lợi. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động điện lực tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân ở trong nước hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế trong hoạt động điện lực.
2. Hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới:
a) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phát triển năng lượng mới, năng lượng sạch;
b) Đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về năng lượng tái tạo, năng lượng mới;
c) Đào tạo nâng cao nguồn nhân lực quản lý trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới;
d) Nhà nước cấp ngân sách và ưu tiên thu hút mọi nguồn lực hợp pháp cho nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thí điểm trong lĩnh vực năng lượng mới và một số lĩnh vực năng lượng tái tạo theo quy định của Chính phủ.
Điều 7. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về điện lực
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, đơn vị điện lực trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và trường học tổ chức phổ biến, giáo dục và hướng dẫn nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về điện lực.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về điện lực.
3. Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan xây dựng nội dung giáo dục về biện pháp phòng ngừa tai nạn hoặc sự cố do điện gây ra, kỹ năng sơ cứu người bị điện giật để bổ sung vào chương trình giáo dục phù hợp với lứa tuổi.
1. Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật này.
2. Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực.
3. Đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật.
4. Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện.
5. Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
6. Trộm cắp điện.
7. Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp, trừ trường hợp được quy định tại Điều 88 của Luật này.
8. Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện.
9. Trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ.
10. Sử dụng lưới điện cao áp vào những mục đích khác khi chưa được sự thoả thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp.
11. Thả diều, vật bay gần lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện.
12. Trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện cao áp trên không, trạm điện.
13. Bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện hoặc quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện.
14. Đào đất gây lún sụt lưới điện cao áp, trạm điện.
15. Sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác.
16. Nổ mìn, mở mỏ; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất hoá học gây ăn mòn hoặc hư hỏng các bộ phận của lưới điện.
17. Đốt nương rẫy, sử dụng các phương tiện thi công làm hư hỏng, sự cố lưới điện, trạm điện, nhà máy điện.
18. Điều khiển các phương tiện bay có khoảng cách đến bộ phận gần nhất của lưới điện cao áp nhỏ hơn 100m, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện được phép theo quy định.
19. Để cây đổ vào đường dây điện khi chặt tỉa cây hoặc lợi dụng việc bảo vệ, sửa chữa lưới điện cao áp để chặt cây.
20. Vi phạm các quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
21. Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.
22. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.
23. Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về điện lực.
CHƯƠNG II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰN DỰ ÁN ĐIỆN LỰC
Mục 1.  QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC
1. Quy hoạch phát triển điện lực gồm quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư xây dựng dự án điện lực.
2. Việc lập quy hoạch phát triển điện lực phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và các nguyên tắc sau đây:
a) Căn cứ vào chiến lược phát triển năng lượng quốc gia;
b) Phù hợp với định hướng phát triển các nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện gồm cả nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
3. Thời kỳ quy hoạch phát triển điện lực và tầm nhìn quy hoạch phát triển điện lực theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
1. Bộ Công Thương tổ chức lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập nội dung phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh.
3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Điều 11. Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh. Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và kế hoạch thực hiện phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh phải đáp ứng các nội dung tại Điều 45 Luật Quy hoạch và một số nội dung chủ yếu sau đây:
a) Dự báo chi tiết kết quả nhu cầu phụ tải điện;
b) Kế hoạch đầu tư nguồn điện và lưới điện;
c) Các giải pháp, nguồn lực thực hiện.
2. Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và kế hoạch thực hiện phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh được điều chỉnh nội dung để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực tiễn triển khai các dự án điện lực, biến động của nhu cầu phụ tải điện.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và đánh giá thực hiện quy hoạch phát triển điện lực theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Mục 2
ĐẦU TƯ XÂY DỰNG DỰ ÁN ĐIỆN LỰC
1. Đầu tư xây dựng dự án điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực hoặc kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, các quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực (nếu có). Nội dung đánh giá sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực như sau:
a) Phù hợp với quan điểm, mục tiêu phát triển quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển điện lực quốc gia (bao gồm nguồn điện, lưới điện) trong quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh.
b) Thuộc danh mục dự án quan trọng, ưu tiêu đầu tư của ngành điện trong quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực.
2. Dự án đầu tư xây dựng điện lực chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực hoặc kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực thì phải thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển điện lực theo Luật Quy hoạch hoặc kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực theo quy định tại Điều 11 Luật này, trừ các trường hợp các dự án sản xuất điện sử dụng nguồn nhiệt dư từ dây chuyền sản xuất sản phẩm, nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện cho mục đích tiêu thụ tại chỗ không bán điện và không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, các dự án lưới điện hạ áp.
3. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng điện lực có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và các quy định khác liên quan.
4. Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình nguồn điện, Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến điểm đấu nối theo thỏa thuận đấu nối.
5. Tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cải tạo, mở rộng công trình điện lực phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, khuyến khích sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế hiện đại trong trường hợp Việt Nam chưa có quy định quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn.
6. Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng điện lực, nếu phát sinh nhu cầu cần phải điều chỉnh các thông số kỹ thuật chuyên ngành, căn cứ đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Công Thương thẩm định, xem xét để quyết định. Việc điều chỉnh nêu trên phải đảm bảo không làm thay đổi mục tiêu, phương án phát triển nguồn điện, lưới điện của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt.
7. Quản lý nhà nước đối với đầu tư dự án điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong Quy hoạch tỉnh:
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố định kỳ hằng năm rà soát, báo cáo gửi Bộ Công Thương tình hình thực hiện các dự án điện trong địa bàn, đề xuất xử lý các dự án chậm triển khai theo quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, đồng thời đề xuất danh mục các dự án thay thế các dự án bị chậm tiến độ. Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tiến độ của dự án, thu hồi dự án theo các quy định của pháp luật hiện hành và không trái với quy định pháp luật về đầu tư;
b) Bộ Công Thương định kỳ hằng năm rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung danh mục các dự án thay thế các dự án bị chậm tiến độ và điều chỉnh tiến độ, quy mô các dự án đầu tư xây dựng điện lực trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Điều 14. Đầu tư xây dựng các dự án điện khẩn cấp
1. Các dự án điện khẩn cấp là các dự án đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Các dự án đầu tư xây dựng công trình nguồn điện cần phải xây dựng, đưa vào vận hành gấp để bù đắp lượng công suất nguồn điện thiếu hụt so với kế hoạch thực hiện quy hoạch do chậm tiến độ của các dự án xây dựng công trình nguồn điện khác;
b) Các dự án lưới điện có vai trò quan trọng trong việc truyền tải công suất nguồn điện giữa các khu vực, cần phải đưa vào vận hành gấp để chống quá tải của lưới điện hoặc các dự án cần đầu tư gấp để đảm bảo đồng bộ với các dự án nguồn điện.
2. Các trường hợp không được xem xét là dự án điện khẩn cấp: các dự án điện lực không thực hiện đúng tiến độ theo quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực do các nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư về năng lực thực hiện, khả năng thu xếp vốn không đảm bảo và các nguyên nhân chủ quan khác.
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục công trình điện khẩn cấp, chấp thuận nhà đầu tư và các cơ chế đặc thù để thực hiện công trình điện khẩn cấp, bao gồm: khảo sát, thiết kế xây dựng công trình; hình thức lựa chọn nhà thầu và các cơ chế đặc thù khác theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng. Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện các cơ chế đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các công việc liên quan khác đến quá trình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật có liên quan.
Chính phủ quy định chi tiết nội dung khoản 3 Điều này.
Điều 15. Đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo
1. Nhà nước sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước cho đầu tư và hoạt động điện lực không có hiệu quả kinh tế.
2. Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư đường dây dẫn điện từ sau công tơ đến nơi sử dụng điện cho các hộ dân thuộc diện chính sách xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo xác nhận của Ủy ban nhân dân địa phương.
3. Nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng tái tạo để cấp điện bao gồm:
a) Hỗ trợ về vốn đầu tư;
b) Hỗ trợ về lãi suất vay vốn đầu tư;
c) Ưu đãi về thuế.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ.
4. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo, nâng cấp lưới điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Mục 3
LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ DỰ ÁN NGUỒN ĐIỆN, LƯỚI ĐIỆN
Điều 16. Lựa chọn nhà đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện đấu nối đồng bộ nguồn điện, dự án lưới điện
1. Lựa chọn nhà đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện đấu nối đồng bộ nguồn điện, dự án lưới điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đầu tư công thực hiện theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
2. Lựa chọn nhà đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện đấu nối đồng bộ nguồn điện, dự án lưới điện không đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:
a) Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu;
b) Lựa chọn nhà đầu tư không thông qua đấu thầu đối với các dự án quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Các dự án nguồn điện và lưới điện đấu nối đồng bộ nguồn điện, các dự án lưới điện, lựa chọn nhà đầu tư không thông qua đấu thầu phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước;
b) Các nguồn điện và lưới điện đấu nối đồng bộ nguồn điện, lưới điện khẩn cấp;
c) Các dự án nguồn điện, lưới điện được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư;
d) Các dự án đầu tư mở rộng nguồn điện và lưới điện đấu nối đồng bộ, các dự án lưới điện, các dự án nguồn điện tự sử dụng;
đ) Dự án thuộc danh mục các nguồn điện khẩn cấp cần phải lựa chọn ngay nhà đầu tư thay thế theo quy định tại Điều 22 Luật này để bảo đảm tính liên tục trong quá trình thực hiện dự án.
 e) Các dự án nguồn điện, lưới điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh 05 năm của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
4. Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nhà đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện đấu nối đồng bộ, các dự án lưới điện trong trường hợp quy định tại điểm a, điểm b và điểm đ khoản 3 Điều này.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ ngành có liên quan tổ chức thẩm định Hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư các dự án được quy định tại điểm a, điểm b và điểm đ khoản 3 Điều này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
6. Các dự án quy định tại điểm c và điểm d khoản 3 Điều này thực hiện trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo pháp luật về đầu tư.
1. Dự án nguồn điện và lưới điện đấu nối đồng bộthực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sau khi được cấp có thẩm quyền chấp chủ trương đầu tư.
2. Thẩm quyền tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như sau:
a) Bộ Công Thương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện đấu nối đồng bộthuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án tổ chức lựa chọn nhà đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện đấu nối đồng bộdo mình chấp thuận chủ trương đầu tư.
3. Trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện và lưới điện đấu nối đồng bộđược thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.
Điều 18. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nhà đầu tư các dự án được quy định tại điểm a, điểm b và điểm đ khoản 3 Điều 16
1. Tờ trình chấp thuận nhà đầu tư.
2. Hồ sơ đề xuất chấp thuận nhà đầu tư.
3. Dự thảo quyết định chấp thuận nhà đầu tư.
Mục 4
XỬ LÝ CÁC DỰ ÁN NGUỒN ĐIỆN CHẬM TIẾN ĐỘ
Điều 19. Tiến độ dự án nguồn điện
1. Tiến độ đưa vào vận hành của dự án nguồn điện trong quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư phải phù hợp với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực, trừ trường hợp dự án nguồn điện được phép điều chỉnh tiến độ theo quy định pháp luật về đầu tư.
2. Cam kết tiến độ của nhà đầu tư dự án nguồn điện phải được thể hiện trong Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh được ký giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án. Trường hợp các nhà đầu tư được lựa chọn không thông qua đấu thầu thì cam kết tiến độ của nhà đầu tư được thể hiện trong hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư.
3. Cam kết tiến độ của nhà đầu tư các dự án nguồn điện bao gồm tối thiểu các mốc tiến độ sau:
a) Thời điểm phê duyệt dự án đầu tư;
b) Thời điểm ký Hợp đồng mua bán điện và thu xếp xong tài chính;
c) Thời điểm khởi công dự án nguồn điện;
d) Thời điểm đưa dự án vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Điều 20. Điều chỉnh các mốc tiến độ dự án
1. Dự án chỉ được điều chỉnh tiến độ trong các trường hợp sau đây:
a) Bị chậm do xảy ra sự kiện bất khả kháng được quy định trong Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh;
b) Dự án không đạt được mốc tiến độ cam kết do hành vi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó;
c) Chậm tiến độ do bên thứ ba liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ phát triển dự án;
d) Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi dự án, thu hồi chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư mới.
2. Trong trường hợp việc điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án dẫn đến thay đổi tiến độ đưa dự án vào vận hành so Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực thì thực hiện theo điểm a khoản 7 Điều 13 Luật này.
Điều 21. Theo dõi, đánh giá tiến độ các dự án nguồn điện
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án nguồn điện chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá các dự án nguồn điện chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
2. Định kỳ 06 tháng hoặc đột xuất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án nguồn điện có trách nhiệm gửi thông báo đến các nhà đầu tư về kết quả đánh giá tiến độ dự án nguồn điện.
3. Đối với mỗi lần chậm quá 60 ngày làm việc so với mỗi mốc tiến độ đã cam kết trong Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án yêu cầu nhà đầu tư dự án khẩn trương hoàn thành hạng mục công việc bị chậm và đảm bảo không ảnh hưởng tới mốc tiến độ tiếp theo. Sau 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản yêu cầu lần thứ nhất, trường hợp nhà đầu tư dự án vẫn chưa hoàn thành mốc tiến độ chậm trước đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án có văn bản thông báo lần thứ hai. Tổng số lần thông báo đối với mỗi mốc tiến độ tối đa không quá 02 lần.
4. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án có văn bản thông báo lần thứ nhất về việc chậm mốc tiến độ, trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành mốc tiến độ đã bị chậm và tiến độ tổng thể của Dự án bị chậm lũy kế lên tới 12 tháng so với tiến độ cam kết trong Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án có văn bản thông báo ý định chấm dứt hoạt động dự án để xem xét giao nhà đầu tư khác thực hiện.
Điều 22. Cơ chế xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án có trách nhiệm xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dự án nguồn điện chậm tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định khác có liên quan về chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.
2. Sau khi nhà đầu tư bị xử lý theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định khác có liên quan, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án lựa chọn nhà đầu tư thay thế hoặc thay thế dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực.
CHƯƠNG III
PHÁT TRIỂN ĐIỆN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO, NĂNG LƯỢNG MỚI
Điều 23. Chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới
1. Đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện; có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo:
a) Dự án điện năng lượng tái tạo (trừ dự án thủy điện có công suất từ 30 MW trở lên), điện năng lượng mới được hưởng ưu đãi theo pháp luật về đầu tư, đất đai, biển, thuế, phí và tín dụng đầu tư;
b) Ngoài các quy định tại điểm a khoản này, dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới được hưởng chính sách ưu đãi theo khoản 3 Điều này.
2. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo theo nhu cầu phụ tải và trên cơ sở khai thác, tận dụng điều kiện tự nhiên trong từng vùng, khu vực, trên đất liền, trên biển và hải đảo nhằm khai tác tài nguyên bền vững, hợp lý. Bố trí hợp lý các nguồn điện ở các địa phương trong vùng nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện, đảm bảo tin cậy cung cấp điện tại chỗ, giảm tổn thất kỹ thuật, giảm truyền tải điện đi xa.
3. Trên cơ sở mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo từng thời kỳ trong Quy hoạch phát triển điện lực, Chính phủ quyết định cụ thể chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
4. Chính sách quản lý, thống kê tiềm năng và đầu tư thí điểm:
a) Nhà nước cấp ngân sách đầu tư cho nghiên cứu, đánh giá tổng thể về hiện trạng và tiềm năng của điện mặt trời, điện gió, điện địa nhiệt, sóng biển, thủy triều và hải lưu;
b) Khảo sát tiềm năng và lập bản đồ điện gió trên bờ, điện gió trên biển Việt Nam, phục vụ xây dựng quy hoạch và định hướng phát triển để phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương;
c) Thủ tướng Chính phủ quyết định mô hình, dự án ứng dụng và khai thác thử nghiệm sản xuất điện từ địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, hydrogen và amoniac để phục vụ xây dựng cơ chế giá thị trường cho loại hình này.
Điều 24. Phát triển điện năng lượng tái tạo
Dự án điện năng lượng tái tạo bao gồm nhà máy phát điện, trạm biến áp và đường dây đấu nối.
1. Khuyến khích việc đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo kết hợp với lưu trữ điện. Dự án năng lượng tái tạo đầu tư mới, mở rộng, cải tạo được phép kết hợp các loại nguồn điện năng lượng tái tạo để tăng sản lượng phát điện nhưng công suất phát điện vào hệ thống điện quốc gia không vượt quá công suất được phê duyệt trong giai đoạn quy hoạch.
2. Ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại các vùng đất khô cằn hoặc khó phát triển nông nghiệp theo đánh giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Hệ số sử dụng đất của nhà máy điện mặt trời không vượt quá 0,7 ha/01 MW đến năm 2030, 0,5 ha/01 MW sau năm 2030. Hệ số sử dụng đất của nhà máy điện gió trên đất liền không vượt quá 0,35 ha/01 MW.
3. Dự án điện năng lượng tái tạo sau khi đưa vào khai thác, sử dụng được thay thế các thiết bị có thông số khác với thông số kỹ thuật đang vận hành nhưng phải bảo đảm công suất phát điện vào hệ thống điện quốc gia không vượt quá công suất được ghi trong giấy phép hoạt động điện lực hoặc hợp đồng mua bán điện.
Điều 25. Điện năng lượng tái tạo tự sử dụng, tự sản tự tiêu
1. Dự án điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu được liên kết với hệ thống điện quốc gia, tổng quy mô phát triển phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
2. Dự án điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu có công suất thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hoặckế hoạch triển khai quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được xác định là phù hợp với khoản 1 Điều 13 Luật này.
3. Công trình xây dựng có lắp đặt bổ sung điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.
4. Dự án điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu có liên kết với hệ thống điện quốc gia, được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) vào hệ thống điện quốc gia. Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì nhà nước ghi nhận sản lượng điện đó với giá không đồng.
5. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm ổn định hệ thống điện.
6. Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ được phép phát triển điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu.
7. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự thủ tục phát triển, hạch toán sản lượng điện dư của dự án điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu.
Điều 26. Phát triển điện gió ngoài khơi
1. Dự án điện gió ngoài khơi bao gồm các công trình chính như sau:
a) Công trình Nhà máy điện.
b) Công trình Lưới điện.
2. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và khoản 2 Điều 92 Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân được giao làm chủ đầu tư không được chuyển nhượng quá 49% tổng mức đầu tư của dự án hoặc phần vốn góp. Cấp chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng phần vốn góp.
Điều 27. Quản lý, vận hành điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
Ngoài việc tuân thủ các quy định về vận hành hệ thống điện tại Chương VI Luật này, các đơn vị phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới có trách nhiệm:
1. Đầu tư hệ thống quan trắc thông số nguồn năng lượng sơ cấp của dự án (bức xạ mặt trời, tốc độ gió, nhiệt độ, lưu lượng mưa, dòng chảy và các thông số môi trường liên quan khác) và thống kê sản lượng điện của nhà máy hằng năm.
2. Hằng năm, cung cấp các dữ liệu tại khoản 1 Điều này tới Bộ Công Thương để quản lý, theo dõi.
CHƯƠNG IV
GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC
1.   Các lĩnh vực hoạt động điện lực phải được cấp phép gồm: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn thiết kế công trình điện lực, tư vấn giám sát thi công công trình điện lực.
2.   Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép để thực hiện một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực.
3.   Phạm vi sử dụng của giấy phép hoạt động điện lực:
a)   Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực tư vấn thiết kế công trình điện lực, tư vấn giám sát thi công công trình điện lực có giá trị sử dụng trong phạm vi cả nước;
b) Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện được cấp cho đơn vị điện lực hoạt động phát điện có dự án phát điện hoặc một phần dự án phát điện (có thể hoạt động phát điện độc lập, được tách riêng thành giai đoạn đầu tư) đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng;
c)   Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện được cấp cho đơn vị điện lực hoạt động truyền tải điện có phạm vi quản lý, vận hành lưới điện truyền tải cụ thể;
d) Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối điện được cấp cho đơn vị điện lực hoạt động phân phối điện có phạm vi địa lý lưới điện cụ thể;
đ) Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ điện được cấp cho từng đơn vị bán buôn điện, bán lẻ điện theo phạm vi địa lý cụ thể.
Điều 29. Điều kiện cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực  
1.       Điều kiện chung đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực:
a)       Là tổ chức, cá nhân được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, gồm:
- Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
- Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;
- Hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
b)      Việc cấp giấy phép hoạt động điện lực về phát điện, truyền tải, phân phối điện phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt;
c)       Có dự án hoặc phương án hoạt động điện lực đối với hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện;
d)      Có hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực;
đ) Tổ chức, cá nhân hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện phải tuân thủ quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.
2.       Giấy phép hoạt động điện lực được sửa đổi, bổ sung trong các trường hợp sau đây:
a)   Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khi có sự thay đổi một trong các nội dung quy định trong giấy phép hoạt động điện lực;
b) Trường hợp cần bảo vệ lợi ích kinh tế - xã hội và lợi ích công cộng, cơ quan cấp giấy phép có quyền sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực về truyền tải điện, phân phối điện. Việc sửa đổi hoặc bổ sung đó phải phù hợp với khả năng của đơn vị được cấp giấy phép;
c)   Trường hợp có sai sót về các nội dung ghi trong giấy phép đã cấp, cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm sửa đổi giấy phép đã cấp.
3.       Giấy phép hoạt động điện lực được cấp lại, gia hạn trong các trường hợp sau:
a) Giấy phép hoạt động điện lực còn thời hạn bị mất, bị hỏng được cấp lại bản sao theo đề nghị của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép;
b) Đối với giấy phép hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện còn thời hạn dưới 06 tháng, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép có đề nghị thì được cấp lại, gia hạn giấy phép trong trường hợp nội dung giấy phép không có thay đổi so với giấy phép cũ và đáp ứng đủ điều kiện quy định.
4.       Cấp phép đối với hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực:
a) Điều kiện hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực chỉ áp dụng đối với các hạng mục công trình liên quan trực tiếp đến công trình điện lực (nhà máy điện, công trình đường dây và trạm biến áp), các hạng mục công trình xây dựng khác áp dụng theo quy định pháp luật về xây dựng;
b) Bảng phân hạng về quy mô của công trình điện áp dụng trong hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực:
 
Thủy điện, năng lượng tái tạo
Nhiệt điện và năng lượng mới phi tái tạo
Đường dây và trạm biến áp
Hạng 1
Không giới hạn quy mô công suất
Không giới hạn quy mô công suất
Không giới hạn quy mô cấp điện áp
Hạng 2
Đến 300 MW
Đến 300 MW
Đến 220 kV
Hạng 3
Đến 100 MW
 
Đến 110 kV
Hạng 4
Đến 30 MW
 
Đến 35 kV
5.       Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực phải nộp phí theo quy định của pháp luật về p;
6.       Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện, hồ sơđề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với từng lĩnh vực hoạt động điện lực; quy định trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực.
Điều 30. Trường hợp miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực
1. Các trường hợp sau đây được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực:
a) Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở phát điện để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và có công suất lắp đặt dưới mức công suất theo quy định của Chính phủ;
b) Tổ chức, cá nhân hoạt động phát điện có công suất lắp đặt dưới mức công suất theo quy định của Chính phủ;
c) Tổ chức, cá nhân kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn mức quy định của Chính phủ từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo;
d) Tổ chức, cá nhân hoạt động phát điện lên lưới điện quốc gia thì được miễn trừ giấy phép bán buôn điện;
đ) Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực;
e) Tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công các công trình lưới điện có điện áp cao nhất dưới 1kV.
2. Tổ chức, cá nhân được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân thủ các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật quản lý vận hành, các quy định về giá điện, điều kiện về kỹ thuật, an toàn của Luật này.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, kiểm tra tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quy định cụ thể mức công suất được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực tại điểm a, điểm bvà điểm c khoản 1 Điều này.
Điều 31. Nội dung của giấy phép hoạt động điện lực
1. Tên, địa chỉ trụ sở của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
2. Lĩnh vực hoạt động điện lực.
3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
4. Phạm vi hoạt động điện lực.
5. Kỹ thuật, công nghệ sử dụng trong hoạt động điện lực (đối với loại hình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện).
6. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực.
Điều 32. Thời hạn giấy phép hoạt động điện lực
1. Thời hạn tối đa trong giấy phép hoạt động điện lực cấp cho đơn vị hoạt động điện lực quy định như sau:
TT
Lĩnh vực hoạt động điện lực
Thời hạn của giấy phép
1
Tư vấn chuyên ngành điện lực
05 năm
2
Phát điện
 
a)
Nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
20 năm
b)
Nhà máy điện không thuộc danh mục nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
10 năm
3
Truyền tải điện
20 năm
4
Phân phối điện
10 năm
5
Bán buôn điện, bán lẻ điện
10 năm
2. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực sẽ được cấp theo thời hạn của giấy phép cũ trong trường hợp cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép do thay đổi một trong các nội dung ghi trên Giấy phép gồm: tên, địa chỉ trụ sở của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép.
3. Thời hạn gia hạn của lĩnh vực hoạt động không được vượt quá một nửa thời hạn hoạt động của lĩnh vực đó trong giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp.
4. Tổ chức, cá nhân đề nghị thời hạn giấy phép hoạt động điện lực ngắn hơn thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì cấp theo thời hạn đề nghị, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Căn cứ điều kiện thực tế về hạng mục công trình điện, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn ngắn hơn thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 33. Thu hồi giấy phép hoạt động điện lực
1. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu ngừng hoạt động điện lực hoặc chuyển giao hoạt động điện lực đã được cấp phép cho tổ chức, cá nhân khác;
b) Không bảo đảm một trong các điều kiện hoạt động điện lực cấp phép do Chính phủ quy định;
c) Không thực hiện đúng một trong những nội dung sau đây ghi trong giấy phép hoạt động điện lực: loại hình hoạt động điện lực, phạm vi hoạt động điện lực;
d) Cho thuê, cho mượn, tự ý sửa chữa giấy phép hoạt động điện lực;
đ) Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực;
e) Không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện các biện pháp khắc phục theo yêu cầu trong thời hạn quy định;
2. Chính phủ quy định chi tiết nội dung quy định tại điểm b, điểm e khoản 1 Điều này.
Điều 34. Thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực
1. Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cấp giấy phép hoạt động điện lực cho các đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, đơn vị bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động điện lực thực hiệncấp giấy phép hoạt động điện lực cho tổ chức, cá nhân có hoạt động phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện với quy mô nhỏ trong phạm vi địa phương, hoạt động tư vấn điện theo quy định của Chính phủ.
3. Cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. Việc sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực phải phù hợp với khả năng thực hiện của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép.
4. Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Điều 35. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực được cấp phép
1. Quyền của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực:
a) Được hoạt động điện lực theo nội dung quy định trong giấy phép;
b) Đề nghị cấp lại, gia hạn, sửa đổi hoặc bổ sung lĩnh vực hoạt động điện lực khi có đủ điều kiện theo quy định;
c) Được cung cấp các thông tin cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật trong lĩnh vực được cấp giấy phép.
2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực:
a) Hoạt động điện lực theo đúng nội dung quy định trong giấy phép;
b) Đảm bảo các điều kiện hoạt động điện lực được cấp trong giấy phép trong suốt thời gian hoạt động;
c) Nộp đầy đủ các loại phí có liên quan tới giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật;
d) Báo cáo cơ quan cấp giấy phép, chậm nhất 60 ngày trước khi ngừng hoạt động điện lực;
đ) Không được sửa chữa nội dung, chuyển nhượng, cho thuê hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;
e) Chịu sự kiểm tra, thanh tra và chấp hành quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng giấy phép và các điều kiện hoạt động điện lực đã đăng ký;
g) Đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực khi thay đổi tên, địa chỉ đang ký kinh doanh của đơn bị được cấp giấy phép hoạt động điện lực;
h) Báo cáo cơ quan cấp giấy phép về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực được cấp phép, trước ngày 15 tháng 12 hằng năm;
i) Gửi bản sao giấy phép hoạt động điện lực được cấp cho bên mua điện (đối với giấy phép phát điện) để làm cơ sở cho bên mua điện thực hiện hợp đồng mua bán điện dài hạn;
k) Đơn vị điện lực được cấp phép hoạt động: truyền tải điện, phân phối điện, bán lẻ điện phải tiếp tục duy trì hoạt động truyền tải, phân phối, bán lẻ điện trong trường hợp giấy phép hết hạn hoặc bị thu hồi trong thời gian chưa có đơn vị thay thế.
CHƯƠNG V. HOẠT ĐỘNG MUA BÁN ĐIỆN
1. Bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh.
2. Tôn trọng quyền được tự chọn đối tác và hình thức giao dịch của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh.
3. Nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện cạnh tranh nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả.
1. Thị trường điện cạnh tranh phát triển theo các cấp độ sau đây:
a) Thị trường phát điện cạnh tranh;
b) Thị trường bán buôn điện cạnh tranh;
c) Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
2. Trước khi bắt đầu vận hành các cấp độ thị trường điện cạnh tranh, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ cấu ngành điện, cơ sở hạ tầng hệ thống điện và thị trường điện, cải cách cơ chế giá điện và xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền phải được hoàn thành để phù hợp với yêu cầu vận hành của các cấp độ thị trường điện cạnh tranh.
3. Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh; quy định nguyên tắc hoạt động, lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh, rà soát và điều chỉnh lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ.
1. Các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh bao gồm:
a)   Đơn vị phát điện;
b) Đơn vị truyền tải điện;
c)   Đơn vị phân phối điện;
d) Đơn vị bán buôn điện;
đ) Đơn vị bán lẻ điện;
e)   Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;
g) Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực;
h) Đơn vị quản lý số liệu đo đếm điện năng;
i)    Khách hàng sử dụng điện.
2. Bộ Công Thương quy định điều kiện tham gia của các đối tượng tại khoản 1 Điều này phù hợp với từng cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh.
Điều 39. Mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ
1. Đối tượng mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh bao gồm:
a) Đơn vị phát điện;
b) Đơn vị bán buôn điện;
c) Đơn vị bán lẻ điện;
d) Khách hàng sử dụng điện.
2. Việc mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh được thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Mua bán thông qua hợp đồng có thời hạn giữa bên bán điện và bên mua điện;
b) Mua bán giao ngay giữa bên bán điện và bên mua điện thông qua đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực;
c) Mua bán thông qua hợp đồng kỳ hạn giữa bên bán điện và bên mua điện.
3. Giá mua bán điện giao ngay được hình thành theo từng chu kỳ giao dịch của thị trường điện lực và do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực công bố.
1. Các hoạt động, điều hành giao dịch trên thị trường điện cạnh tranh bao gồm:
a) Lập kế hoạch vận hành thị trường điện;
b) Mua bán điện giao ngay trên thị trường điện;
c) Chào giá và xác định giá thị trường;
d) Cung cấp các dịch vụ phụ trợ và giá dịch vụ phụ trợ;
đ) Lập hoá đơn và thanh toán giữa các đối tượng mua bán điện quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật này và các đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ;
e) Cung cấp, công bố thông tin liên quan đến hoạt động, điều hành giao dịch trên thị trường điện lực cho các bên liên quan;
g) Cung cấp các dịch vụ giao dịch và lập hoá đơn thanh toán đối với phần điện năng và công suất được mua bán theo hình thức giao ngay và các dịch vụ phụ trợ;
h) Tiếp nhận và xử lý các kiến nghị liên quan đến hoạt động giao dịch mua bán điện trên thị trường điện lực để bảo đảm sự ổn định, hiệu quả và ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh;
i) Giám sát vận hành thị trường điện;
k) Báo cáo về hoạt động giao dịch mua bán điện trên thị trường điện lực với cơ quan điều tiết điện lực.
2. Bộ Công Thương quy định các nội dung tại khoản 1 Điều này phù hợp với từng cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Điều 41. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh
1. Quyền của các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh:
a) Đơn vị phát điện có các quyền sau đây:
- Cạnh tranh bán điện cho bên mua điện theo hợp đồng có thời hạn, hợp đồng kỳ hạn và chào giá bán điện giao ngay trên thị trường điện lực;
- Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phát điện trong thị trường điện;
- Các quyền khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
b) Đơn vị bán buôn điện có các quyền sau đây:
- Cạnh tranh mua, bán điện trên thị trường điện lực theo hợp đồng có thời hạn, theo hợp đồng kỳ hạn;
- Định giá bán buôn điện trong khung giá bán buôn điện đã được duyệt để cạnh tranh mua bán điện trên thị trường điện lực;
- Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động bán buôn điện trong thị trường điện;
- Các quyền khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
c) Đơn vị bán lẻ điện có các quyền sau đây:
- Cạnh tranh mua, bán điện trên thị trường điện lực theo hợp đồng có thời hạn, hợp đồng kỳ hạn;
- Định giá bán trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật này;
- Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động bán lẻ điện trong thị trường điện;
- Các quyền khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
d) Khách hàng sử dụng điện có các quyền sau đây:
- Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của đơn vị bán lẻ điện trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;
- Được lựa chọn bên bán điện trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;
- Khách hàng sử dụng điện lớn có quyền mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện thông qua hợp đồng có thời hạn, hợp đồng kỳ hạnmua điện giao ngay trên thị trường điện lực;
- Các quyền khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
đ) Đơn vị truyền tải, phân phối điện có các quyền sau đây:
- Tiếp cận các thông tin, quy định vận hành thị trường điện các cấp độ;
- Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền tải, phân phối điện với các đối tượng tham gia mua bán điện cạnh tranh trên thị trường điện theo các cấp độ;
- Các quyền khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
2. Nghĩa vụ của các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh
a) Đơn vị phát điện có các nghĩa vụ sau đây:
- Tuân thủ quy định trong thị trường điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
b) Đơn vị bán buôn, bán lẻ điện có các nghĩa vụ sau đây:
- Tuân thủ quy định trong thị trường điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan;
- Cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến thị trường điện theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
c) Khách hàng sử dụng điện có các nghĩa vụ sau đây:
- Tuân thủ quy định trong thị trường điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan;
- Khách hàng sử dụng điện lớn có nghĩa vụ xác nhận các thông tin liên quan đến vận hành thị trường điện giao ngay về sản lượng, bảng kê thanh toán;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
d) Đơn vị truyền tải, phân phối điện có các nghĩa vụ sau đây:
- Tuân thủ quy định trong thị trường điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan;
- Không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia cạnh tranh trên thị trường điện sử dụng dịch vụ truyền tải điện;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
Điều 42. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực
1. Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực có các quyền sau đây:
a) Vận hành thị trường điện giao ngay;
b) Yêu cầu các đơn vị điện lực liên quan cung cấp các số liệu phục vụ công tác điều hành giao dịch trên thị trường điện theo quy định của pháp luật;
c) Đầu tư, lắp đặt, quản lý, vận hành Hệ thống thu thập số liệu đo đếm và Hệ thống quản lý số liệu đo đếm trong phạm vi quản lý theo từng cấp độ của thị trường điện;
d) Đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin thị trường điện trong phạm vi quản lý để phục vụ hoạt động của thị trường điện theo các cấp độ thị trường điện;
đ) Xây dựng và trình duyệt giá điều hành giao dịch thị trường điện lực;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ quy định trong thị trường điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan;
b) Điều hoà, phối hợp hoạt động giao dịch mua bán điện và dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện lực;
c) Công bố các thông tin kế hoạch vận hành thị trường điện năm tới, tháng tới, tuần tới, lập lịch ngày tới, chu kỳ tới;
d) Công bố giá điện giao ngay và giá dịch vụ phụ trợ;
đ) Cung cấp các dịch vụ giao dịch và lập hóa đơn thanh toán đối với điện năng và công suất được mua bán trên thị trường điện giao ngay và dịch vụ phụ trợ;
e) Quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thông tin quản lý thị trường điện và hệ thống viễn thông - công nghệ thông tin chuyên ngành phục vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện;
g) Tiếp nhận, thẩm định, đánh giá và xác nhận hồ sơ đăng ký tham gia thị trường điện của các đơn vị có nhu cầu tham gia thị trường điện;
h)Giám sát hoạt động tham gia thị trường điện của các thành viên;
i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Mục 2. MUA BÁN ĐIỆN VÀ DỊCH VỤ CUNG CẤP ĐIỆN
Điều 43. Hợp đồng mua bán điện có thời hạn giữa đơn vị phát điện và bên mua điện
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra giá hợp đồng theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn của đơn vị phát điện tham gia thị trường điện cạnh tranh theo mô hình một đơn vị mua duy nhất theo đề nghị của bên bán điện và bên mua điện, phù hợp với phương pháp xác định giá hợp đồng mua bán điện do Bộ Công Thương hướng dẫn.
2. Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn các nội dung chính của hợp đồng mua bán điện có thời hạn áp dụng trên thị trường điện.
Điều 44. Mua bán điện giữa đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện
1. Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích ngoài sinh hoạt: Nội dung hợp đồng do các bên thỏa thuận. Bên mua điện có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực theo quy định của Chính phủ.
2. Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải có các nội dung cơ bản sau:
a) Thông tin của các bên trong hợp đồng bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có);
b) Tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ và địa chỉ sử dụng điện;;
c) Giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán;
d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
đ) Trách nhiệm bảo vệ thông tin của bên mua điện;
e) Trường hợp chấm dứt thực hiện hợp đồng và trách nhiệm phát sinh do chấm dứt thực hiện hợp đồng;
g) Trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự;
h) Phương thức giải quyết tranh chấp;
i) Thời điểm giao kết hợp đồng, thời hạn của hợp đồng;
k) Thỏa thuận phạt vi phạm;
l) Các nội dung khác do hai bên thỏa thuận;
3. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt và hồ sơ đề nghị đăng ký mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt của bên mua điện.
4. Bộ Công Thương hướng dẫn về hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt.
Điều 45. Hợp đồng kỳ hạn
1. Hợp đồng kỳ hạn ký kết giữa bên mua điện và bên bán điện bao gồm các nguyên tắc chính sau đây:
a) Sản lượng của hợp đồng kỳ hạn do bên mua điện và bên bán điện thoả thuận, thống nhất;
b) Giá của hợp đồng kỳ hạn do bên mua điện và bên bán điện thoả thuận, thống nhất và không được vượt quá khung giá phát điện do cơ quan có thẩm quyền ban hành;
c) Giá tham chiếu của hợp đồng kỳ hạn là giá thị trường điện giao ngay do Đơn vị điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện tính toán, công bố;
d) Bên mua điện và bên bán điện thực hiện thanh toán cho nhau khoản chênh lệch giữa giá hợp đồng kỳ hạn đã thỏa thuận và giá tham chiếu đối với sản lượng hợp đồng đã thoả thuận, thống nhất.
2. Bộ Công Thương có trách nhiệm ban hành Hợp đồng kỳ hạn mẫu áp dụng đối với sản phẩm hàng hóa điện năng;
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn về cơ chế thuế giá trị gia tăng đối với giao dịch Hợp đồng kỳ hạn trong thị trường điện.
Điều 46. Mua bán điện với nước ngoài
1. Việc mua bán điện với nước ngoài không làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng sử dụng điện, lợi ích của Nhà nước và an ninh năng lượng quốc gia phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
2.  Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài.
Điều 47. Mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện
1. Các trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện bao gồm:
a) Mua bán điện thông qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp;
b) Mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia.
2. Việc mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
a) Tuân thủ các quy định liên quan của pháp luật về quy hoạch, cấp phép hoạt động điện lực, hoạt động mua bán điện và các hoạt động khác có liên quan;
b) Phù hợp với các cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 48. Thanh toán tiền điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện
1. Đối với khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt, nội dung thanh toán tiền điện do bên bán điện và bên mua điện thỏa thuận trong hợp đồng.
        2. Đối với khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt:
a) Bên mua điện phải thanh toán đủ và đúng thời hạn số tiền điện ghi trong hóa đơn cho bên bán điện theo biểu giá điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tiền điện được thanh toán theo hình thức thanh toán do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện (thanh toán tại trụ sở, nơi ở của bên mua điện hoặc tại địa điểm thuận lợi do hai bên thoả thuận hoặc thanh toán trực tuyến qua ngân hàng và các ví điện tử hoặc các hình thức khác);
b) Bên mua điện chậm trả tiền điện phải trả cả tiền lãi của khoản tiền chậm trả cho bên bán điện;
c) Bên bán điện thu thừa tiền điện phải hoàn trả cho bên mua điện, kể cả tiền lãi của khoản tiền thu thừa;
d) Lãi suất của số tiền chậm trả hoặc thu thừa do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng mà bên bán điện có tài khoản ghi trong hợp đồng tại thời điểm thanh toán;
đ) Bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện xem xét lại số tiền điện phải thanh toán. Khi nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 15 ngày. Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của bên bán điện, bên mua điện có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hoà giải. Trong trường hợp không đề nghị hoà giải hoặc hoà giải không thành, bên mua điện có quyền khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong thời gian chờ giải quyết, bên mua điện vẫn phải thanh toán tiền điện và bên bán điện không được ngừng cấp điện;
e) Ghi chỉ số công tơ: bên bán điện ghi chỉ số công tơ điện mỗi tháng một lần vào ngày ấn định, cho phép dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số công tơ trước hoặc sau một ngày, trừ trường hợp bất khả kháng, hoặc theo các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.
3. Ngừng giảm cung cấp điện trong trường hợp không thanh toán tiền điện theo quy định:
Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì sau 15 ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra. Sau khi bên mua điện thanh toán tiền điện và thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị cấp điện trở lại theo quy định pháp luật về điện lực (bao gồm cả chi phí cấp điện trở lại) thì bên bán điện phải thực hiện cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực.
4. Thanh toán tiền điện thủy nông:
a) Thời hạn thanh toán đối với điện năng được doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi sử dụng để tưới, tiêu cho lúa, rau, màu, cây công nghiệp trồng xen canh trong vùng lúa, rau, màu do hai bên mua, bán điện thỏa thuận nhưng tối đa không quá một trăm hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được thông báo thanh toán tiền điện.
b) Nhà nước cấp kinh phí thanh toán tiền điện bơm nước chống úng, chống hạn vượt định mức theo quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản này.
5. Hóa đơn thanh toán tiền điện được lập theo chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện. Hình thức thông báo thanh toán tiền điện do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện. Chính phủ quy định chi tiết về việc xác định tiền điện thanh toán trong các trường hợp thiết bị đo đếm điện không chính xác so với tiêu chuẩn quy định,bên mua điện sử dụng điện trong thời gian hệ thống thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng làm cho công tơ điện ngừng hoạt động và bên mua điện sử dụng điện trong thời gian công tơ điện bị mất.
6. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải tranh chấp về thanh toán tiền điện theo quy định là Sở Công Thương hoặc cơ quan, tổ chức khác do hai bên thỏa thuận.
Điều 49. Ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện
1. Việc ngừng, giảm cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện đã ký. Bên mua điện và bên bán điện phải thỏa thuận, thống nhất các trường hợp ngừng, giảm cung cấp điện không khẩn cấp cụ thể và hình thức thông báo ngừng giảm cung cấp điện trong hợp đồng mua bán điện.
2. Các trường hợp ngừng, giảm cung cấp điện:
a) Ngừng, giảm cung cấp điện không khẩn cấp: bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày bằng hình thức thông báo được thống nhất trong hợp đồng mua bán điện, việc ngừng giảm cung cấp điện phải thực hiện theo đúng kế hoạch hoặc thông báo trước của bên bán điện;
b) Ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp: bên bán điện được phép ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp do sự cố, do sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người, trang thiết bị hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện. Bên bán điện phải thông báo sớm nhất nhưng không chậm hơn 24h kể từ khi ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp cho bên mua điện về tình trạng cấp điện và thời gian dự kiến cấp điện trở lại.
c) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Điện lực, Luật Xây dựng, pháp luật về bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Đất đai.
3. Bộ Công Thương quy định chi tiết về ngừng, giảm cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện, phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại.
Điều 50. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị phát điện
1. Quy định các quyền của Đơn vị phát điện:
a) Bán điện cho bên mua điện theo hợp đồng có thời hạn;
b) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phát điện;
c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Quy định các nghĩa vụ của Đơn vị phát điện:
a) Trường hợp có nguy cơ đe doạ đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị phải ngừng hoặc giảm mức phát điện nếu không có giải pháp khác;
b) Thông báo ngay cho đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có sự cố về phát điện;
c) Đầu tư trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua, trừ trường hợp có thoả thuận khác với đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện hoặc bên mua điện bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật;
d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 51. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện
1. Quy định quyền của Đơn vị truyền tải điện:
a) Xây dựng và trình duyệt giá truyền tải điện;
b) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động truyền tải điện;
c) Đấu nối vào lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Quy định nghĩa vụ của Đơn vị truyền tải điện:
a) Bảo đảm cung cấp dịch vụ truyền tải và các dịch vụ phụ trợ cho các bên có liên quan;
b) Trường hợp có nguy cơ đe doạ đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị phải ngừng hoặc yêu cầu đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia giảm mức truyền tải điện nếu không có giải pháp khác;
c) Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện truyền tải và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện truyền tải đáp ứng nhu cầu truyền tải điện theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; đầu tư thiết bị đo đếm điện và các thiết bị phụ trợ, trừ trường hợp có thoả thuận khác với đơn vị phát điện, đơn vị phân phối điện hoặc khách hàng sử dụng điện bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật;
d) Thông báo ngay cho đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có sự cố về lưới điện truyền tải;
đ) Bảo đảm quyền đấu nối của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải được giao quản lý vận hành, do mình đầu tư xây dựng; trường hợp từ chối đấu nối thì thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương;
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 52. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện
1. Quy định quyền của Đơn vị phân phối điện:
a) Xây dựng và trình duyệt giá phân phối điện;
b) Được vào khu vực quản lý của bên mua điện để thao tác, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế mới trang thiết bị điện của đơn vị phân phối điện;
c) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phân phối điện;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Quy định nghĩa vụ của Đơn vị phân phối điện:
a) Bảo đảm cung cấp dịch vụ phân phối điện cho khách hàng sử dụng điện, đơn vị bán lẻ điện, đơn vị bán buôn điện đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, an toàn theo hợp đồng, trừ trường hợp lưới điện phân phối bị quá tải theo xác nhận của cơ quan điều tiết điện lực;
b) Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện phân phối và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện phân phối đáp ứng nhu cầu điện theo quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên mua điện trên cơ sở bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật;
c) Trường hợp có nguy cơ đe doạ đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị phải ngừng hoặc giảm mức phân phối điện nếu không có giải pháp khác;
d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 53. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị bán buôn điện
1. Quy định quyền của Đơn vị bán buôn điện:
a) Mua điện trực tiếp của bên bán điện theo hợp đồng có thời hạn;
b) Sử dụng dịch vụ truyền tải, phân phối điện, dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện phù hợp với từng cấp độ của thị trường điện lực;
c) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động bán buôn điện;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Quy định nghĩa vụ của Đơn vị bán buôn điện:
a) Bán điện theo đúng số lượng, chất lượng và giá điện đã được thoả thuận trong hợp đồng;
b) Bồi thường khi gây thiệt hại cho bên mua hoặc bên bán điện theo quy định của pháp luật;
c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 54. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị bán lẻ điện
1. Quy định quyền của Đơn vị bán lẻ điện:
a) Mua điện trực tiếp của bên bán điện theo hợp đồng có thời hạn;
b) Sử dụng dịch vụ truyền tải điện, phân phối điện, dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện phù hợp với từng cấp độ của thị trường điện lực;
c) Được vào khu vực quản lý của bên mua điện để kiểm tra, ghi chỉ số công tơ và liên hệ với khách hàng;
d) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động bán lẻ điện;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Quy định nghĩa vụ của Đơn vị bán lẻ điện:
a) Bán điện theo đúng số lượng, chất lượng và giá điện đã được thoả thuận trong hợp đồng;
b) Bồi thường khi gây thiệt hại cho bên mua hoặc bên bán điện theo quy định của pháp luật;
c) Cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến lượng điện bán lẻ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 55. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện
1. Quy định quyền của khách hàng sử dụng điện:
a) Được cung cấp đủ số lượng công suất, điện năng, bảo đảm chất lượng điện đã được thoả thuận trong hợp đồng;
b) Yêu cầu bên bán điện kịp thời khôi phục việc cấp điện sau khi mất điện;
c) Được bồi thường thiệt hại do bên bán điện gây ra theo quy định của pháp luật;
d) Yêu cầu bên bán điện kiểm tra chất lượng dịch vụ điện, tính chính xác của thiết bị đo đếm điện, số tiền điện phải thanh toán;
đ) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến dịch vụ và bên bán lẻ điện;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Quy định nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện:
a) Thanh toán tất cả các khoản tiền phát sinh từ hợp đồng mua bán điện;
b) Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện các quy định về quản lý nhu cầu sử dụng điện;
c) Sử dụng dịch vụ truyền tải, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện phù hợp với từng cấp độ của thị trường điện lực;
d) Khách hàng có trách nhiệm sử dụng điện đúng đối tượng và mục đích theo quy định về thực hiện giá bán điện;
đ) Thông báo kịp thời cho bên bán điện khi phát hiện những hiện tượng bất thường có thể gây mất điện, mất an toàn cho người và tài sản;
e) Tạo điều kiện để bên bán điện kiểm tra, sửa chữa, ghi chỉ số công tơ và liên hệ với khách hàng;
g) Bảo đảm các trang thiết bị sử dụng điện đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện;
h) Bồi thường khi gây thiệt hại cho bên bán điện theo quy định của pháp luật;
i) Bảo vệ công tơ điện đặt trong phạm vi quản lý của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện; không được tự ý tháo gỡ, di chuyển công tơ điện. Khi có nhu cầu di chuyển công tơ điện sang vị trí khác, phải được sự đồng ý của bên bán điện và phải chịu chi phí di chuyển.
k) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 56. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện lớn
1. Khách hàng sử dụng điện lớn có các quyền quy định tại khoản 1 Điều 55 của Luật này và được sử dụng dịch vụ truyền tải điện theo quy định tại Hợp đồng ký với đơn vị truyền tải điện.
2. Nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện lớn:
a) Có các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật này;
b) Thực hiện chế độ sử dụng điện theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, biện pháp bảo đảm tiêu chuẩn điện áp, an toàn điện và nội dung khác đã được thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện, truyền tải điện.
GIÁ ĐIỆN
Điều 57. Chính sách giá điện
1. Đảm bảo phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện của đơn vị điện lực; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
2. Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
3. Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và có hiệu quả.
4. Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia mua bán điện trên thị trường điện và giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực; Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hộitheo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
5. Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định.
6. Có cơ chế giá điện phù hợp trong việc nhập khẩu điện với nước ngoài.
7. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện. Giá điện đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực.
Điều 58. Giá điện
1. Quy định về giá bán lẻ điện:
a) Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện;
 b) Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá, Thủ tướng Chính phủ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực;
c) Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong trường hợp cần thiết để ổn định phát triển kinh tế - xã hội;
d) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện bình quân, khung giá bán buôn điện bình quân, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Khung giá phát điện bình quân (trừ nhà máy điện đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhà máy điện do nhà nước độc quyền xây dựng và vận hành theo Điều 5 Luật này và nhà máy thủy điệnnhỏ), khung giá bán buôn điện bình quân, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ.
3. Giá hợp đồng mua bán điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn của các nhà máy điện (trừ nhà máy điện đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhà máy điện do nhà nước độc quyền xây dựng và vận hành theo Điều 5 Luật này và nhà máy thủy điện nhỏ), giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận theo phương pháp do Bộ Công Thương hướng dẫn nhưng không được vượt quá khung giá phát điện bình quân, khung giá bán buôn điện bình quân đã được phê duyệt.
4. Trường hợp chưa thỏa thuận được về giá phát điện, giá bán buôn điện để ký hợp đồng mua bán điện có thời hạn, bên bán điện và bên mua điện có quyềnthỏa thuận mức giá tạm thời để áp dụng cho đến khi thỏa thuận được mức giá chính thức.
5. Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt lộ trình cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó giá bán điện có nhiều thành phần gồm giácố định và giá biến đổi cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép và cơ chế giá điện khuyến khích để áp dụng thí điểm cho khách hàng tham gia vào chương trình quản lý nhu cầu điện.
6. Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định chi phí và giá điện nhà máy điện do nhà nước độc quyền xây dựng và vận hành theo quy định tại Điều 5 Luật này và nhà máythủy điệnnhỏ.
Điều 59. Căn cứ lập và điều chỉnh giá điện
1. Chính sách giá điện.
2. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ.
3. Quan hệ cung cầu về điện.
4. Các chi phí sản xuất, kinh doanh điện và lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực.
5. Cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
6. Báo cáo tài chính, số liệu chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toánhằng năm của đơn vị điện lực.
Điều 60. Giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo
1. Giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực nối lưới điện quốc gia được thực hiện theo quy định tại Điều 58 của Luật này.
        2. Thủ tướng Chính phủ quy định giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
CHƯƠNG VI. VẬN HÀNH, ĐIỀU ĐỘ HỆ THỐNG ĐIỆN QUỐC GIA
1. Hệ thống điện quốc gia phải bảo đảm nguyên tắc vận hành an toàn, ổn định, chất lượng và tối ưu kinh tế - kỹ thuật hệ thống điện.
2. Nguyên tắc lập lịch huy động và vận hành nguồn điện:
a)    Đảm bảo an toàn, cân đối cung cầu điện;
b)   Đảm bảo các ràng buộc kỹ thuật của hệ thống điện;
c)    Đảm bảo các yêu cầu về chống lũ, tưới tiêu và duy trì dòng chảy sinh thái theo quy định;
d)   Đảm bảo thực hiện các thỏa thuận về sản lượng điện và công suất trong các Hợp đồng mua bán điện, xuất, nhập khẩu điện; các ràng buộc tiêu thụ nhiên liệu sơ cấp cho phát điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
e)    Đảm bảo nguyên tắc tối ưu kinh tế - kỹ thuật hệ thống điện.
3. Điều độ hệ thống điện quốc gia được chỉ huy thống nhất bởi Đơn vị Điều độ hệ thống điện quốc gia.
4. Các đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trong phạm vi quản lý để đảm bảo vận hành an toàn và giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố.
5. Bộ Công Thương quy định về nguyên tắc vận hành, điều độ, thao tác, xử lý sự cố, khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia.
Điều 62. Quy định về hệ thống truyền tải điện
1. Trang thiết bị điện, lưới điện đấu nối vào lưới điện truyền tải phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vận hành hệ thống điện truyền tải, đấu nối lưới điện truyền tải.
2. Bộ Công Thương quy định chi tiết yêu cầu kỹ thuật, đấu nối và vận hành lưới điện truyền tải. 
Điều 63. Quy định về hệ thống phân phối điện
1. Trang thiết bị điện, lưới điện đấu nối vào lưới điện phân phối phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vận hành hệ thống điện phân phối, đấu nối lưới điện phân phối.
2. Bộ Công Thương quy định chi tiết yêu cầu kỹ thuật, đấu nối và vận hành lưới điện phân phối.
Điều 64. Quy định về quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện
1.   Khách hàng sử dụng điện có trách nhiệm thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện để tối ưu vận hành hệ thống điện, giảm chênh lệch công suất giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm của biểu đồ phụ tải hệ thống điện.
2.   Các đơn vị điện lực có trách nhiệm nghiên cứu phụ tải điện và thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện để tối ưu vận hành hệ thống điện.
3.   Chính phủ hướng dẫn chi tiết về quản lý nhu cầu điện.
4.   Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện.
Điều 65. Liên kết lưới điện với nước ngoài
Liên kết lưới điện với nước ngoài thông qua hệ thống điện quốc gia phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
1. Không làm ảnh hưởng đến độ an toàn, tin cậy và tính ổn định trong vận hành hệ thống điện quốc gia.
2. Đáp ứng các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật quản lý vận hành hệ thống điện quốc gia.
Điều 66. Tiết kiệm trong phát điện
1. Đơn vị phát điện có trách nhiệm lựa chọn công nghệ phát điện tiên tiến, thân thiện với môi trường, có hiệu suất cao, quản lý và thực hiện phương thức vận hành tối ưu thiết bị phát điện để tiết kiệm nhiên liệu và các nguồn năng lượng dùng phát điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường.
2. Bộ Công Thương quy định định mức tiêu hao điện tự dùng cho các loại nhà máy điện.
Điều 67. Tiết kiệm trong truyền tải, phân phối điện
Hệ thống đường dây tải điện, phân phối điện và trạm điện phải bảo đảm các thông số và tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật tiên tiến, được vận hành với phương thức tối ưu nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục và giảm thiểu tổn thất điện năng.
Điều 68. Quy định về đo đếm điện
1. Bên bán điện, đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư và lắp đặt toàn bộ các thiết bị đo đếm điện và thiết bị phụ trợ cho việc đo đếm điện, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật.
2. Thiết bị đo đếm điện phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường và được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật về đo lường.
3. Vị trí lắp đặt công tơ đo đếm điện năng phải bảo đảm an toàn, mỹ quan, thuận lợi cho bên mua điện kiểm tra chỉ số công tơ và bên bán điện ghi chỉ số công tơ.
4. Bên bán điện có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện theo đúng yêu cầu và thời hạn quy định của pháp luật về đo lường.
5. Khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm điện không chính xác, bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện kiểm tra; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện phải kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế xong. Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, bên mua điện có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương tổ chức kiểm định độc lập. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của bên mua điện, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định. Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động theo đúng Tiêu chuẩn Việt Nam thì bên mua điện phải trả phí kiểm định. Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động không đúng Tiêu chuẩn Việt Nam thì bên bán điện phải trả phí kiểm định.
Điều 69. Bảo đảm chất lượng điện năng  
1. Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện phải bảo đảm điện áp, tần số dòng điện phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam, công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng. Trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn điện áp, tần số dòng điện, công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng đã ký mà gây thiệt hại cho bên mua điện thì bên bán điện phải bồi thường cho bên mua điện theo quy định của pháp luật.
2. Bên mua điện có trách nhiệm bảo đảm các trang thiết bị sử dụng điện của mình hoạt động an toàn để không gây ra sự cố cho hệ thống điện, không làm ảnh hưởng đến chất lượng điện áp của lưới điện.
Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia
1. Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia có các quyền sau đây:
a) Chỉ huy, điều khiển các đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện thực hiện phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia;
b) Chỉ huy xử lý các tình huống khẩn cấp hoặc bất thường trong hệ thống điện quốc gia; huy động công suất, điện năng của các nhà máy điện trong hệ thống điện quốc gia; chỉ huy việc thao tác lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối; ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện trong trường hợp có nguy cơ đe doạ đến sự vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện quốc gia;
c) Xây dựng và trình duyệt giá điều độ vận hành hệ thống điện;
d) Yêu cầu các đơn vị điện lực có liên quan cung cấp thông tin về đặc tính kỹ thuật, khả năng sẵn sàng tham gia vận hành và mang tải của các trang thiết bị phát điện, truyền tải điện và phân phối điện; nhu cầu sử dụng điện của khách hàng để xác định phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia;
đ) Đánh giá cân đối cung cầu hệ thống điện trung hạn.
2. Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, ổn định, kinh tế;
b) Tuân thủ các quy định về điều độ hệ thống điện quốc gia trong thị trường điện lực, lưới điện truyền tải và các hướng dẫn của cơ quan điều tiết điện lực, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực; không phân biệt đối xử trong việc huy động công suất, điện năng của các đơn vị phát điện trong hệ thống điện quốc gia;
c) Lập và thực hiện phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia trên cơ sở kế hoạch, phương thức huy động công suất các nhà máy điện và các dịch vụ phụ trợ do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực công bố;
d) Thông báo số lượng công suất, điện năng và các dịch vụ phụ trợ đã được huy động để đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực lập hoá đơn thanh toán;
đ) Báo cáo kịp thời với cơ quan điều tiết điện lực và thông báo cho đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực về những tình huống khẩn cấp hoặc bất thường đe dọa nghiêm trọng đến sự vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện quốc gia.
Điều 71. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực trong vận hành
1. Các đơn vị điện lực có các quyền sau đây:
a) Đấu nối vào hệ thống điện quốc gia khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật;
b) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan.
2. Các đơn vị điện lực có có các nghĩa vụ sau đây sau đây:
a) Bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị thuộc phạm vi quản lý vận hành an toàn, ổn định, tin cậy;
c) Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;
d) Báo cáo các thông tin liên quan đến về khả năng sẵn sàng, độ dự phòng của các trang thiết bị, các thông tin liên quan theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, cơ quan điều tiết điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 72. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng khi đấu nối vào lưới điện
1. Khách hàng sử dụng điện có các quyền sau đây:
a) Được đấu nối trực tiếp vào hệ thống điện quốc gia;
b) Được cung cấp đủ số lượng công suất, điện năng, bảo đảm chất lượng điện đã được thoả thuận trong hợp đồng;
c) Được cung cấp hoặc giới thiệu thông tin liên quan đến việc mua bán điện và hướng dẫn về an toàn điện;
d) Yêu cầu bên bán điện kiểm tra chất lượng dịch vụ điện, tính chính xác của thiết bị đo đếm điện;
2. Khách hàng sử dụng điện có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm trang thiết bị sử dụng điện, trang thiết bị đấu nối đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện;
b) Thực hiện các lệnh thao tác của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;
c) Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện các quy định về quản lý nhu cầu sử dụng điện;
d) Thông báo kịp thời cho bên bán điện khi phát hiện những hiện tượng bất thường có thể gây mất điện, mất an toàn cho người và tài sản.
CHƯƠNG VII. BẢO VỆ CÔNG TRÌNH ĐIỆN LỰC VÀ AN TOÀN TRONG LĨNH VỰC ĐIỆN
Mục 1. BẢO VỆ CÔNG TRÌNH ĐIỆN LỰC
1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình điện lực.
2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời với đơn vị điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện các nguy cơ, hiện tượng mất an toàn điện, các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ trang thiết bị điện,  công trình điện lực và an toàn điện.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình điện lực.
Điều 74. Trách nhiệm phối hợp thực hiện khi xây dựng, cải tạo, kết thúc sử dụng công trình điện lực và các công trình khác
1. Khi xây dựng, cải tạo hoặc mở rộng công trình khác có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện, chủ đầu tư phải có thỏa thuận thống nhất phương án thực hiện với đơn vị điện lực.
2. Khi sửa chữa, cải tạo, xây dựng và lắp đặt trang thiết bị điện và công trình điện lực có khả năng ảnh hưởng đến công trình khác thì đơn vị điện lực phải phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết.
3. Trường hợp các bên liên quan không thỏa thuận được thì yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương giải quyết và triển khai thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Khi không còn khai thác, sử dụng thì công trình điện lực phải được xử lý, quản lý bảo đảm an toàn theo quy định của Chính phủ.
Điều 75. Hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp
1. Hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp là khoảng không gian giới hạn dọc theo đường dây tải điện hoặc bao quanh trạm điện và được quy định cụ thể theo từng cấp điện áp.
2. Hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp bao gồm:
a) Hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không;
b) Hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm;
c) Hành lang bảo vệ an toàn trạm điện.
3. Chính phủ quy định cụ thể về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
Điều 76. Bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không
1. Chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà ở, công trình đã được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không không được sử dụng mái hoặc bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình vào những mục đích có thể vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp và phải tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình.
2. Trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình phải thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng, cơi nới, cải tạo, sử dụng nhà ở, công trình này.
3. Không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500 kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó. Trường hợp công trình đặc thù trong hành lang bảo vệ an toàn đương dây trên không có điện áp từ 500kV trở lên đáp ứng các điều kiện về an toàn điện được phép tồn tại theo quy định của Chính phủ.
4. Cây trồng trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không phải đảm bảo khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Trường hợp cây trồng phát triển vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện thì chủ sở hữu đất hoặc cây trồng phải có trách nhiệm chặt, tỉa phần cây trồng vi phạm.
5. Cấm tiến hành mọi công việc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không nếu sử dụng thiết bị, dụng cụ, phương tiện có khả năng vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp, trừ công việc phục vụ vận hành, sửa chữa lưới điện. Trường hợp đặc biệt, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc áp dụng công nghệ phù hợp hoặc do yêu cầu cấp bách của công tác quốc phòng, an ninh, phải có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.
6. Ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường bộ, đường sắt, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng 4,5 mét cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.
Trường hợp điểm cao nhất trên phương tiện tham gia giao thôngcó chiều cao lớn hơn 4,5 mét thì chủ phương tiện phải liên hệ với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp để thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết.
7. Ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường sắt dành cho tàu chạy điện, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng 7,5 mét cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.
8. Ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với giao thông đường thủy nội địa, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng chiều cao tĩnh không theo cấp kỹ thuật của đường giao thông thủy nội địa cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Phương tiện vận tải thủy khi đi qua điểm giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường giao thông thủy nội địa phải bảo đảm chiều cao không vượt quá chiều cao tĩnh không theo cấp kỹ thuật của đường thủy nội địa đó.
Khoảng cách an toàn phóng điện của đường dây dẫn điện trên không giao chéo với tuyến giao thông đường biển được quy định cho từng trường hợp cụ thể.
9. Khi tiến hành các công việc trên mặt đất, dưới lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước ở gần hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không có khả năng ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của đường dây hoặc có nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện thì đơn vị tiến hành những công việc đó phải có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.
10. Bộ Công Thương quy định về khoảng cách an toàn phòng điện theo cấp điện áp.
Điều 77. Bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm
1. Cấm đào hố, chất hàng hoá, đóng cọc, trồng cây, khai thác khoáng sản,  xây dựng nhà ở và các công trình khác, thả neo tàu thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm.
2. Cấm thải nước và các chất ăn mòn cáp, trang thiết bị vào hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm.
3. Trường hợp thải nước và các chất khác ngoài hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm mà có khả năng xâm nhập, ăn mòn, làm hư hỏng cáp thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng nhà ở, công trình có nước, chất thải phải có trách nhiệm xử lý để không làm ảnh hưởng tới cáp.
4. Khi thi công các công trình trong đất hoặc nạo vét lòng sông, hồ, vùng biển trong phạm vi hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm, bên thi công phải thông báo trước ít nhất 10 ngày cho đơn vị quản lý công trình lưới điện và phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đường cáp điện ngầm.
Điều 78. Bảo vệ an toàn trạm điện
1. Không được xây dựng nhà ở, công trình và trồng các loại cây cao hơn 02 mét trong hành lang bảo vệ an toàn trạm điện; không xâm phạm đường ra vào của trạm.
2. Nhà ở, công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ của trạm điện phải bảo đảm không làm hư hỏng bất kỳ bộ phận nào của trạm.
Điều 79. Kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị, dụng cụ điện thuộc Danh mục thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định an toàn kỹ thuật có trách nhiệm kiểm định thiết bị, dụng cụ điện trước khi đưa vào sử dụng, trong quá trình sử dụng, vận hành trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
2. Việc kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện phải do tổ chức kiểm định đáp ứng các quy định pháp luật về tổ chức đánh giá sự phù hợp và được Bộ Công Thương chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện.
3. Trình tự, thủ tục cấp, cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện thực hiện theo quy định về đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp theo pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
4. Bộ Công Thương quy định chi tiết Danh mục thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định; nội dung kiểm định; hình thức, chu kỳ kiểm định; quy trình kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện; huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ kiểm định viên.
5. Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện cơ sở, vật chất kỹ thuật,máy móc thiết bị phục vụ kiểm định; tiêu chuẩn kiểm định viên đáp ứng yêu cầu kiểm định; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện.
1. Khi thực hiện các công việc xây dựng, vận hành, thí nghiệm, kiểm định, sửa chữa đường dây dẫn điện, thiết bị điện, công trình điện phải tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện.
2. Đối với các nhà máy điện, trạm điện, đường dây dẫn điện chuẩn bị đưa vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư phải bàn giao đầy đủ tài liệu thiết kế, thi công, hoàn công và các tài liệu kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật về xây dựng cho đơn vị quản lý vận hành.
3. Tại các vị trí vận hành công trình điện có người trực phải có đầy đủ các quy trình: Vận hành thiết bị, xử lý sự cố điện; sơ đồ lưới điện, nội quy phòng cháy, chữa cháy, sổ nhật ký vận hành, dụng cụ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, biển cấm, biển báo an toàn về điện và các dụng cụ phương tiện khác theo quy định.
  4. Tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, vận hành, kiểm định, xây lắp, sửa chữa đường dây điện, thiết bị điện, công trình điện phải tuân thủ các quy định về báo cáo tai nạn điện, vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, huấn luyện, sát hạch cấp thẻ an toàn điện và các quy định khác về an toàn điện. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí người có đủ điều kiện về kinh nghiệm, năng lực chuyên môn phù hợp để huấn luyện, sát hạch và cấp thẻ an toàn điện cho người lao động tham gia công việc tại Điều này.
5. Bộ Công Thương quy định chi tiết về huấn luyện, sát hạch cấp thẻ an toàn điện; thống kê, báo cáo tai nạn điện và vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; biển báo an toàn về điện và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện.
Điều 81. An toàn trong phát điện
1. Nhà máy điện, trạm phát điện phải được xây dựng, quản lý, vận hành phù hợp với quy định về khoảng cách an toàn đối với khu dân cư và các tuyến đường giao thông đường bộ; được bảo vệ nghiêm ngặt, xung quanh phải có tường rào bảo vệ, biển báo an toàn về điện, về phòng cháy, chữa cháy có biện pháp đảm bảo ngăn ngừa những người không có nhiệm vụ xâm nhập phép vào nhà máy điện, trạm phát điện.
2. Đập, hồ chứa thủy điện và các công trình phụ trợ phục vụ nhà máy thủy điện phải được xây dựng, quản lý, vận hành đảm bảo các quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện quy định tại Điều 82 Luật này.
3. Phòng đặt trang thiết bị điện phải được bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ; có biển báo an toàn về điện, đường thoát hiểm, hệ thống chiếu sáng đầy đủ, hệ thống thông gió làm mát thiết bị, cửa thông gió phải có lưới bảo vệ chống sự xâm nhập của các loài động vật, hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu của môi trường.
4. Tùy theo đặc tính kỹ thuật và yêu cầu bảo vệ của từng loại trang thiết bị điện, phải đặt lưới bảo vệ, vách ngăn và treo biển báo an toàn về điện; phải bảo đảm khoảng cách an toàn từ lưới bảo vệ hoặc vách ngăn đến phần mang điện của trang thiết bị không được nhỏ hơn khoảng cách quy định và có các biện pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu của môi trường đến hoạt động của trang thiết bị điện.
5. Tại các khu vực có chất dễ cháy, nổ, hệ thống điện phải được thiết kế, lắp đặt theo quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ; chỉ được sử dụng loại thiết bị, dụng cụ phòng chống cháy, nổ chuyên dùng.
6. Hệ thống cáp điện trong nhà máy điện, trạm phát điện phải đáp ứng các quy định về an toàn sau đây:
a) Cáp điện phải được sắp xếp trật tự theo chủng loại, tính năng kỹ thuật, cấp điện áp và được đặt trên các giá đỡ hoặc trong mương cáp. Phải có biện pháp ngăn ngừa sự suy giảm cách điện của cáp trong các môi trường bất lợi.  Cáp điện đi qua khu vực có ảnh hưởng của nhiệt độ cao phải được cách nhiệt và đi trong ống bảo vệ;
b) Hầm cáp, mương cáp phải có nắp đậy kín, thoát nước tốt, bảo quản sạch sẽ, khô ráo. Không được để nước, dầu, hóa chất, tạp vật tích tụ trong hầm cáp, mương cáp. Hầm cáp phải có tường ngăn để tránh hỏa hoạn lan rộng; có hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng điện áp an toàn phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện.
7. Các trang thiết bị và hệ thống chống sét, nối đất trong nhà máy điện, trạm phát điện, trạm phân phối điện phải được lắp đặt đúng thiết kế được cấp thẩm quyền phê duyệt và được nghiệm thu, kiểm tra định kỳ theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện.
8. Sử dụng các thiết bị, dụng cụ điện có chứng chỉ chất lượng hoặc nhãn mác đăng ký chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định pháp luật khác có liên quan. Các thiết bị, dụng cụ điện phải được kiểm định an toàn kỹ thuật theo đúng quy định.
9. Trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn về điện, chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý vận hành phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp cần thiết để cấp cứu người bị nạn, giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản; phải tổ chức điều tra xác định, phân tích nguyên nhân; kiểm điểm, xác định trách nhiệm.
Điều 82. An toàn đập, hồ chứa thủy điện
1. Việc đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác và quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện phải tuân thủ các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, bảo vệ hành lang nguồn nước theo pháp luật về xây dựng thủy lợi, tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và các quy định tại Điều này.
2. Tích nước hồ chứa thủy điện:
a) Trước khi đưa công trình thủy điện vào sử dụng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản về phương án tích nước hồ chứa thủy điện phục vụ giai đoạn vận hành thử nghiệm công trình và giai đoạn trước khi đưa công trình vào vận hành chính thức;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt nhà máy thủy điện là cơ quan thẩm quyền chấp thuận phương án tích nước hồ chứa thủy điện. Trường hợp công trình thủy điện thuộc địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt nhà máy thủy điện có trách nhiệm lấy ý kiến các tỉnh có liên quan trước khi chấp thuận phương án tích nước hồ chứa thủy điện.
3. Kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện:
a) Trước mùa mưa bão hằng năm, chủ sở hữu đập có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện và báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy điện gửi Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh có liên quan;
b) Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh có liên quan kiểm tra công tác đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của các chủ sở hữu đập thuộc danh mục hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt và hồ chứa nằm trên địa bàn 02 tỉnh trở lên;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra công tác đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của các chủ sở hữu đập thuộc địa bàn quản lý trừ các đối tượng thuộc điểm b khoản 2 Điều này.
d) Bộ Công Thương ban hành danh mục hồ chứa thủy điện trên địa bàn 02 tỉnh trở lên và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt.
a) Chủ sở hữu đập thủy điện có trách nhiệm lắp đặt, vận hành hệ thống camera giám sát phục vụ công tác vận hành, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ và cập nhật thường xuyên thông tin, dữ liệu vận hành vào cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy điện quốc gia;
b) Bộ Công Thương xây dựng cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy điện quốc gia; quy định quản lý, sử dụng, cập nhật cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy điện; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất việc chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy lợi và cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hồ chứa nước.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 83. An toàn trong truyền tải điện, phân phối điện
1. Chủ đầu tư công trình lưới điện phải chịu trách nhiệm:
a) Đặt biển báo, thiết bị cảnh báo an toàn về điện tại các trạm điện, cột điện;
b) Sơn màu và đặt đèn tín hiệu trên đỉnh cột tại các cột có độ cao và vị trí đặc biệt để bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
2. Ở các vị trí giao chéo giữa đường dây dẫn điện cao áp trên không, đường cáp điện ngầm với đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, luồng hàng hải việc đặt và quản lý biển báo, biển cấm đối với phương tiện vận tải được thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Chủ đầu tư công trình xây dựng sau phải chịu chi phí cho việc đặt biển báo, biển cấm.
3. Khi bàn giao công trình lưới điện, chủ đầu tư công trình phải giao cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện đầy đủ các tài liệu kỹ thuật, biên bản nghiệm thu, quyết định giao đất, cho thuê đất và các tài liệu liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.
4. Đơn vị quản lý vận hành lưới điện phải định kỳ tổ chức kiểm tra, bảo trì, bảo đảm cho hệ thống vận hành an toàn theo quy định; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về an toàn điện, bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
5. Khi sửa chữa, bảo dưỡng công trình lưới điện, đơn vị quản lý vận hành lưới điện và đơn vị thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ và đúng trình tự các biện pháp an toàn theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện.
6. Đoạn đường dây cao áp vượt qua nhà ở, công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc phải sử dụng cột đỡ dây điện là loại cột thép hoặc cột bê tông cốt thép, dây điện không được phép có mối nối trong khoảng cột, trừ dây điện có tiết diện từ 240 milimét vuông trở lên thì cho phép không quá một mối nối cho một pha và phải bảo đảm các tiêu chuẩn khác của pháp luật về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Đơn vị quản lý vận hành lưới điện không được vận hành quá tải đoạn đường dây này.
7. Các cáp điện đi ngầm trong đất, nằm trong kết cấu công trình khác hoặc đi chung với đường dây thông tin, phải bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định tại tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8. Các thiết bị và hệ thống chống sét, nối đất của lưới điện truyền tải và phân phối phải được lắp đặt đúng thiết kế và được nghiệm thu, kiểm tra định kỳ theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện.
Điều 84. An toàn trong đấu nối vào hệ thống điện quốc gia
1. Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và khách hàng sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật và thực hiện các thủ tục về đấu nối theo quy định của Bộ Công Thương được đấu nối hệ thống điện của mình vào hệ thống điện quốc gia.
2. Lưới điện độc lập phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Công Thương mới được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
Điều 85. An toàn trong sử dụng điện cho sản xuất
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng điện để sản xuất phải thực hiện các quy định về an toàn điện, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện tương ứng.
2. Các thiết bị, hệ thống thiết bị sử dụng điện, hệ thống chống sét, nối đất phải được nghiệm thu, kiểm tra định kỳ, kiểm tra bất thường và sửa chữa, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện. Sơ đồ của các hệ thống này phải đúng với thực tế và phải được lưu giữ cùng với hồ sơ sửa chữa, bảo dưỡng và các biên bản kiểm tra trong suốt quá trình hoạt động.
3. Trạm điện, trang thiết bị điện cao áp và đường dây cao áp nội bộ phải được lắp đặt và quản lý vận hành theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện.
4. Các thiết bị điện phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết bị điện hạ áp, bảo vệ chống điện giật, nối đất, nối không các thiết bị điện để chống tai nạn điện giật.
5. Các đường dẫn điện, dây điện phải được thiết kế, lắp đặt bảo đảm mặt bằng sản xuất thông thoáng, tránh được các tác động cơ học, hóa học có thể gây hư hỏng. Không dùng các kết cấu kim loại của nhà xưởng, máy móc, đường ống kim loại để làm dây “trung tính làm việc”, trừ trường hợp đặc biệt phải có thiết kế riêng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
6. Hệ thống điện tại các khu vực có chất dễ cháy, nổ phải được thiết kế, lắp đặt và sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 81 của Luật này.
7. Các thiết bị điện dùng trong khai thác khoáng sản, dụng cụ điện, thiết bị điện di động, máy hàn, điện phân, mạ điện phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 86. An toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ
1. Công trình trước khi được cấp điện sử dụng phải đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn về phòng cháy và tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng tương ứng theo pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và xây dựng.
2. Tổng công suất sử dụng của trang thiết bị điện dùng trong văn phòng, phục vụ sinh hoạt và dịch vụ phải phù hợp với công suất thiết kế; dây dẫn điện phải có tiết diện và độ bền cách điện phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật.
3. Các trang tiết bị điện phải được kiểm tra, bảo trì theo quy định, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện và không gây nguy hiểm cho người sử dụng.
4. Lưới điện hạ áp chỉ được xây dựng, lắp đặt sau khi thiết kế đã được duyệt.
5. Đường dây dẫn điện, thiết bị điện và thiết bị đóng cắt, bảo vệ lắp đặt ngoài trời, trong nhà phục vụ cho sinh hoạt, dịch vụ phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
6. Việc lắp đặt, sửa chữa, bảo trì hệ thống điện phải tuân thủ các quy định về an toàn điện và không cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông, cứu thương, chữa cháy.
7. Khách hàng sử dụng điện có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn điện, tổ chức kiểm tra an toàn hệ thống điện của mình, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện; Không tự ý tăng công suất sử dụng so với hợp đồng mua bán điện đã ký khi chưa có sự chấp thuận của đơn vị quản lý vận hành hoặc bên bán điện.
8. Bên cung cấp, bán điện có trách nhiệm kiểm tra hệ thống điện của khách hàng và các điều kiện về an toàn đấu nối, sử dụng điện trước khi cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện. Trong quá trình cấp điện, thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện nguy cơ mất an toàn để có biện pháp ngăn chặn hoặc dừng cấp điện.
9. Cơ quan quản lý nhà nước về điện lực tại địa phương có trách nhiệm kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về an toàn điện trong sinh hoạt và dịch vụ.
10. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 87. An toàn điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo phải thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện.
2. Người vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo phải được huấn luyện, sát hạch và cấp thẻ an toàn điện. Người sử dụng lao động có trách nhiệm huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện cho người lao động.
3. Chỉ đơn vị điện lực vận hành lưới điện mới được tổ chức sửa chữa, lắp đặt các trang thiết bị điện, mạng điện trong phạm vi quản lý của mình.
Điều 88. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp
1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.
2. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
3. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, có biển báo nguy hiểm, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện.
4. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình quy định khu vực được phép sử dụng hàng rào điện.
5. Bộ Công Thương quy định tiêu chuẩn và điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp.
Điều 89. Xử lý sự cố điện
1. Trường hợp xảy ra sự cố điện, đơn vị điện lực trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp xảy ra sự cố điện nghiêm trọng đến mức thảm họa lớn thì việc ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp ứng phó phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
CHƯƠNG VIII. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐIỆN LỰC
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện bao gồm:
a) Rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tiến độ, quy mô các dự án đầu tư điện lực trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia;
b) Thực hiện quản lý nhà nước về điều tiết hoạt động điện lực;
c) Thực hiện quản lý nhà nước về tiết kiệm điện, an toàn điện, an toàn đập và hồ chứa thủy điện.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện theo quy định tại Luật này và phân công của Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có cơ quan chuyên môn làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân thực hiện quản lý hoạt động điện lực tại địa phương theo quy định của Chính phủ.
5. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về:
a) Hoạt động đầu tư xây dựng các dự án, công trình điện theo phân cấp;
b) Tiết kiệm điện, an toàn điện, an toàn đập và hồ chứa thủy điện thuộc phạm vi quản lý;
c) Cấp giấy phép hoạt động điện lực theo phân cấp; vận hành hệ thống điện, giá điện và mua bán điện thuộc phạm vi quản lý;
 d) Phối hợp và hỗ trợ các bộ, cơ quan ngang bộ khác tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra và giám sát các dự án đầu tư xây dựng dự án, công trình điện trên địa bàn do mình quản lý. Chịu trách nhiệm về quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý được phân công;
đ) Định kỳ hằng năm rà soát, báo cáo Bộ Công Thương tình hình thực hiện các dự án điện trong địa bàn, đề xuất xử lý các dự án chậm triển khai theo quy định pháp luật về đầu tư, đất đai.
Điều 91. Nội dung quản lý nhà nước về điện lực
a) Lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch phát triển điện lực;
b) Lập, phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực;
c) Tổ chức thực hiện, đánh giá, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực;
d) Bộ Công Thương hướng dẫn, tổ chức thực hiện thống kê hằng năm và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin điện lực và năng lượng tái tạo. Nhà nước bố trí ngân sách thực hiện nhiệm vụ này;
đ) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch.
2. Nội dung đầu tư phát triển điện lực:
a) Thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
b) Tổ chức đấu thầu lựa chọn đầu tư theo các quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
c) Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đối với các dự án, công trình điện theo quy định pháp luật về xây dựng.
3. Nội dung điều tiết hoạt động điện lực:
a) Xây dựng các quy định về vận hành hệ thống điện và thị trường điện lực cạnh tranh;
b) Cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực;
c) Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về giá điện;kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh và thực hiện giá điện;kiểm tra giá hợp đồng mua bán điện trong hợp đồng mua bán điện có thời hạn giữa đơn vị phát điện và đơn vị mua điện đối với các đơn vị thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật này;
d) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về điều tiết hoạt động điện lực.
4. Nội dung về an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện;
b) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực thi pháp luật về an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
c) Quản lý hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện; hoạt động huấn luyện, sát hạch cấp thẻ kiểm định viên, thẻ an toàn điện.
d) Thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền quy trình vận hành; phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trong quá trình xây dựng, vận hành công trình thủy điện;
đ) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG IX. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 92. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều, phụ lục của các luật liên quan
1. Sửa đổi tại Phụ lục 1 Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 như sau: thay thế cụm từ “Quy hoạch phát triển điện lực” thành “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia”.
2. Bổ sung một số điều của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 như sau:
a) Bổ sung khoản 2 Điều 29 như sau:
“2. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này được thực hiện sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 77 và các dự án đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh 05 năm của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trừ các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội .”;
b) Bổ sung khoản 5 và khoản 6 Điều 31 như sau:
“5. Dự án điện gió ngoài khơi thuộc khu vực biển trong các trường hợp sau đây: chưa xác định thuộc địa giới hành chính của một tỉnh cụ thể; thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ; thuộc địa giới hành chính của 02 tỉnh trở lên;
6. Dự án cáp điện ngầm trên biển trừ trường hợp các dự án đầu tư thuộc khoản 1 Điều 56 của Luật này.”;
c) Bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 32 như sau:
“đ) Dự án điện gió ngoài khơi có đề nghị nhà nước giao hoặc cho thuê khu vực biển ngoài đối tượng được quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật này.”.
3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 như sau:
a) Thay thế cụm từ “công trình thủy lợi” tại Điều 41 và Điều 44 thành “công trình thủy lợi, thủy điện”;
b) Sửa đổi khoản 3 Điều 41 như sau:
“3. Thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện được quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi do Bộ quản lý;
b) Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy điện trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên và công trình thủy điện quan trọng đặc biệt;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, trừ công trình thủy lợi quy định tại điểm a và điểm b khoản này.”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 44 như sau:
“2. Thẩm quyền cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc cấp phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.”.
Điều 93. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày … tháng … năm 20…..
2. Luật Điện lực số 28/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 24/2012/QH13, Luật số 28/2018/QH14, Luật số 03/2022/QH15 và Luật số 16/2023/QH15 (sau đây gọi chung là Luật Điện lực số 28/2004/QH11) hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành trừ các quy định cụ thể tại Điều … (Quy định chuyển tiếp) Luật này.
Điều 94. Quy định chuyển tiếp
Đơn vị được cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của Luật Điện lực số 28/2004/QH11 và các Luật sửa đổi, bổ sung thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép hoạt động điện lực đó.
Không tìm thấy ý kiến nào
Không có mục thảo luận

Dự thảo Tờ trình Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Cơ quan ban hành: Bộ Công thương

Ngày ban hành:

Số hiệu:

Mô tả:

Tài liệu đăng tải lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

1.-dt-to-trinh-du-an-luat-dl-sua-doi-.docx
Không có tài liệu nào