Skip Ribbon Commands
Skip to main content

DỰ THẢO ONLINE

Nơi cử tri tham gia vào hoạt động lập pháp của quốc hội
Thứ hai, 06/05/2024

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Cần tách bạch tín ngưỡng và tôn giáo

Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu cho rằng cần thiết phải quy định nội dung này trong dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì, không được làm gì, đồng thời làm căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, một số hành vi bị nghiêm cấm còn khái quát, khó định lượng.
Mặt khác, dự thảo Luật mới chỉ quy định những hành vi bị nghiêm cấm chung mà chưa làm rõ hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với cá nhân; hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với tổ chức; do vậy, sẽ dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện và khó xác định chế tài xử lý. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng quy định này cũng như pháp luật có liên quan. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Bạch Ngân đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm việc cấm lợi dụng quyền tự do tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, xâm hại thuần phong mỹ tục. Đồng quan điểm, đại biểu Trương Minh Chiến đề nghị cần thiết lập thêm các hành vi bị nghiêm cấm để không lợi dụng tự do tín ngưỡng vào hoạt động mê tín dị đoan, chuộc lợi.
Xác định nội hàm “tín ngưỡng” và “tôn giáo”
Về Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị trong phần nội dung cần tách bạch các quy định liên quan đến tín ngưỡng và các quy định liên quan đến tôn giáo, không nên ghép chung hai khái niệm này vào một nội dung như dự thảo Luật.
Theo ĐB Thân Đức Nam, mặc dù cụm từ “tôn giáo” có nội hàm tín ngưỡng và nền tảng tồn tại của tôn giáo là từ tín ngưỡng, nhưng tôn giáo hoàn toàn khác với tín ngưỡng. Vì tín ngưỡng gắn liền với truyền thống văn hóa, lịch sử của một dân tộc, đất nước với nhiều loại hình hoạt động, mà phổ biến là thờ cúng tổ tiên, cúng đền, lễ hội dân gian...
Tín ngưỡng là tâm linh nên không thể quản lý, mà chỉ hạn chế, khắc phục các hành vi mang tính chất mê tín, dị đoan, gây tác động xấu đến đời sống xã hội. Trong khi đó, tôn giáo được tổ chức thành những tổ chức chặt chẽ. Nhiều tôn giáo mang tính quốc tế, có ảnh hưởng đến xã hội mạnh mẽ, đôi khi ảnh hưởng đến cả hệ tư tưởng của một quốc gia. Có tôn giáo thành quốc giáo như các nước hồi giáo, nên cần đặt ra một khuôn khổ pháp lý để các tôn giáo hoạt động, bảo đảm quyền của những người theo hoặc không theo tôn giáo như Điều 24 Hiến pháp đã quy định.
Về công nhận tổ chức tôn giáo và pháp nhân tôn giáo quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, ĐB đề nghị xem lại điều kiện “hoạt động ổn định trong 10 năm”, vì thiếu thuyết phục. Bởi thời gian 10 năm không có cơ sở khoa học nào để xác định. ĐB cho rằng, nếu một loại tôn giáo nào đó đã tồn tại, hoạt động ít hơn 10 năm, tức là trước khi đủ điều kiện để công nhận, thì trong thời gian này có xem là hoạt động bất hợp pháp không? Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, quy định lại các điều luật này.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị luật quy định rõ việc có cho phép tổ chức, cá nhân tôn giáo mở trường tư, bệnh viện tư không? Đồng thời, ĐB đề nghị bổ sung các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ cũng được thực hiện các hoạt động y tế, bảo trợ xã hội với tư cách cá nhân như pháp lệnh hiện hành, miễn sao việc thực hiện các quyền này của cá nhân tôn giáo không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác như quy định tại Khoản 4 Điều 15 Hiến pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) nhận định, thời gian qua các tôn giáo đã làm được nhiều việc tốt, phát huy có hiệu quả tinh thần tốt đời, đẹp đạo. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch đang tích cực lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại. Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần chỉ ra được mặt trái của tín ngưỡng, tôn giáo để điều chỉnh, quản lý, đảm bảo các tín ngưỡng, tôn giáo đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, ĐB cũng nhất trí với nhiều đại biểu khác, đề nghị luật quy định tín ngưỡng riêng, tôn giáo riêng nhằm thể hiện rõ tính độc lập, riêng biệt giữa hai chế định này.
Đại biểu tham gia thảo luận tại tổ.
Bao nhiêu tuổi được coi là trẻ em?
Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), có hai điểm mới là nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 tuổi và mở rộng đối tượng trẻ em bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài, không rõ quốc tịch sống trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, ĐB cho rằng, đối chiếu với Công ước quốc tế về quyền trẻ em cho thấy quy định của công ước này có độ mở, chứ không bó buộc.
Cụ thể, Điều 1 Công ước quy định, trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ các Luật liên quan đến trẻ em quy định tuổi trưởng thành sớm hơn. Như vậy, quy định mở của Công ước cho phép các quốc gia thành viên Công ước xác định tuổi trẻ em phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của nước mình. Từ ngày đất nước đổi mới, điều kiện sống được cải thiện, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ngày càng phát triển nhanh hơn, sớm hơn. Về mặt nhận thức, đến tuổi 16 đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập, có thể bắt đầu cuộc sống lao động. Theo Bộ luật Lao động thì người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên; Luật Thanh niên quy định thanh niên là người từ đủ 16 đến dưới 30 tuổi. Trong Bộ luật Hình sự, việc phân biệt trẻ em và không phải trẻ em càng quan trọng, vì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thực tế thời gian qua cho thấy, tội phạm hình sự ngày càng trẻ hóa. Nếu xếp những đối tượng chưa thành niên vi phạm pháp luật này là trẻ em, chắc chắn chế tài xử phạt sẽ nhẹ hơn và đây không phải là giải pháp hữu hiệu. Mặt khác, những kẻ âm mưu, cầm đầu trong tội phạm có tổ chức có thể lợi dụng quy định này để xúi giục trẻ em vi phạm pháp luật. Do đó, ĐB đề nghị cân nhắc kỹ khi quy định tăng tuổi trẻ em lên đến dưới 18 tuổi.