Skip Ribbon Commands
Skip to main content

DỰ THẢO ONLINE

Nơi cử tri tham gia vào hoạt động lập pháp của quốc hội
Thứ bảy, 18/05/2024

Ủy Ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội giám sát tình hình thực hiện BHXH năm 2012

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội; Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại diện các bộ, ngành chức năng, cơ quan kiểm toán nhà nước.

Trong chương trình làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo tình hình thực hiện BHXH năm 2012 do Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội dự thảo và báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2012 do Bộ Tài chính dự thảo. Về cơ bản, dự thảo báo cáo của 02 bộ đánh giá cao kết quả thực hiện Luật BHXH cũng như công tác quản lý, sử dụng Quỹ BHXH trong năm 2012. Công tác ban hành văn bản pháp luật về BHXH đã được quan tâm và thực hiện tương đối kịp thời với tổng số 18 Nghị định của Chính phủ, 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 33 Thông tư của các bộ, ngành, trong đó có 03 văn bản về công tác quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, tạo điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý cho tổ chức thực hiện.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHXH tiếp tục được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó, nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và toàn xã hội từng bước được nâng lên.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đối tượng tham gia BHXH tiếp tục tăng. Tính đến hết 31/12/2012, số người tham gia BHXH bắt buộc là trên 10.436 ngàn người (trong đó có trên 8.304 ngàn người tham gia BHTN), tăng 332.371 người (tương ứng 3,3%) so với năm 2011; số người tham gia BHXH tự nguyện là 139.643 người, tăng 43.243 người (tương ứng 44,9%) so với năm 2011.

Công tác xét duyệt hồ sơ, giải quyết chi trả các chế độ BHXH cho người lao động đảm bảo đúng quy định của pháp luật. việc triển khai thí điểm hình thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống Bưu chính tiếp tục được nhân rộng, cùng với việc thực hiện cải cách và công khai các thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH.

Việc thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH đã góp phần ổn định đời sống người nghỉ hưu. Sau đợt điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng theo Nghị định 35/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 và Nghị định số 31/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ, mức lương hưu bình quân hiện tại của người về hưu đã đạt mức 3,019 triệu đồng/người/tháng, trong đó mức lương hưu bình quân của đối tượng do ngân sách chi trả là 2,893 triệu đồng/người/tháng và của đối tượng do nguồn Quỹ BHXH chi trả là 3,118 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với việc Chính phủ cơ cấu tại tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam, thành lập 01 Ban Quản lý đầu tư Quỹ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 113/2012/TT-BTC ngày 17/7/2012 quy định chi tiết về hoạt động đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm do BHXH Việt Nam quản lý.

Bên cạnh những kết quả đạt được, dự thảo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội và Bộ Tài chính cũng tập trung làm rõ một số vấn đề tồn tại trong tổ chức thực hiện Luật BHXH, trong đó có những vấn đề tồn tại do bất cập từ cơ chế chính sách. Đó là số lao động tham gia BHXH tăng mới còn khá khiêm tốn và chưa thực sự đạt được độ bao phủ như mong muốn do quy định về đối tượng tham gia BHXH (hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên) đã tạo kẽ hở cho người sử dụng lao động lách luật; tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT còn khá phổ biến do các chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe; lạm dụng trợ cấp BHXH ngắn hạn, BHTN được phát hiện khá nhiều tại các địa phương; các quy định về đầu tư Quỹ BHXH tại Luật BHXH cũng còn có những bất cập và chưa phù hợp với thực tiễn; quy định tổ chức BHXH là đơn vị sự nghiệp nhưng chi phí quản lý bộ máy lại tính theo cơ quan hành chính là không hợp lý…

Từ kết quả giám sát thực hiện Luật BHXH, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tình trạng lạm dũng Quỹ BHTN xảy ra không đơn thuần chỉ từ phía người lao động mà ở đây còn có sự cấu kết của người sử dụng lao động; hay như tình trạng lạm dụng quỹ ốm đau, thai sản còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà ở đây là Bộ Y tế trong việc hướng dẫn cấp giấy nghỉ ốm cũng như xác nhận bệnh dài ngày. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng nhận định, từ con số mà các bộ, ngành chức năng báo cáo, chỉ riêng trong năm 2012, cả nước có 601.020 người được giải quyết BHXH một lần (tăng hơn 122.000 người so với năm 2011), trong khi số tham gia BHXH tăng mới chỉ đạt trên 332 ngàn người, đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự trong lực lượng quân đội và công an nhân dân khi xuất ngũ cũng đều nhận trợ cấp một lần, xét về mặt chính sách vĩ mô chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu An sinh xã hội bởi nhóm đối tượng này sẽ không có cơ hội nhận lương hưu khi hết tuổi lao động và sẽ trở thành gánh nặng cho ngân sách khi về già…

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, việc phân tích những bất cập, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện Luật BHXH là hết sức cần thiết, đặc biệt gấp rút khi tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013 này, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHXH sẽ được thông qua. Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban yêu cầu, các bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ theo sự phân công của Chính phủ, làm rõ thêm những tồn tại, vướng mắc, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHXH phải tiến đến mô hình đóng – hưởng, cân đối thu – chi, phải có phương thức tăng diện bao phủ BHXH đến mọi người lao động, đảm bảo lộ trình đã được đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị “đến năm 2020 có trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH”. Việc đề xuất mô hình quản lý BHXH phải được nghiên cứu thấu đáo, mô hình tổ chức phải phù hợp với thực tiễn và tăng tính kiểm soát, bảo đảm được chính sách An sinh xã hội lâu dài./.