Skip Ribbon Commands
Skip to main content

DỰ THẢO ONLINE

Nơi cử tri tham gia vào hoạt động lập pháp của quốc hội
Thứ bảy, 04/05/2024

  • Lĩnh vực: Các vấn đề xã hội
  • Cơ quan trình dự thảo: Ủy ban thường vụ Quốc hội
  • Cơ quan chủ trì soạn thảo: Ban Công tác đại biểu
  • Cơ quan thẩm tra: Ủy ban Xã hội
  • Dự kiến thảo luận tại: Khóa XV - Đang cập nhật
  • Dự kiến thông qua tại: Khóa XV - Đang cập nhật
  • Trạng thái: Chưa thông qua

Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định về đối tượng, nguyên tắc, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tặng Kỷ niệm chương, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng Kỷ niệm chương; thẩm quyền, trình tự hồ sơ xét tặng và tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” (sau đây gọi là Kỷ niệm chương).

11/04/2023
01
Lần dự thảo 1
5.4.--DTNQ-KNC.docx

(Dự thảo Nghị quyết đăng tải xin ý kiến góp ý của Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, ngày lấy ý kiến kể từ ngày 04/04/2023)

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Công tác đại biểu tại Tờ trình số…./TTr-BCTĐB ngày… tháng….năm 2023.
QUYẾT NGHỊ:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về đối tượng, nguyên tắc, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tặng Kỷ niệm chương, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng Kỷ niệm chương; thẩm quyền, trình tự hồ sơ xét tặng và tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” (sau đây gọi là Kỷ niệm chương).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân thuộc đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương.
2. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến việc đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.
Điều 3. Kỷ niệm chương
1. Kỷ niệm chương là hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tặng cho cá nhân có đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam.
          2. Mẫu Kỷ niệm chương và Bằng chứng nhận Kỷ niệm chương được ban hành kèm theo Nghị quyết này có biểu trưng, hình dáng, kích thước, màu sắc thể hiện theo quy định của bộ nhậndiện Quốc hội Việt Nam, phù hợp với quy định chung của Nhà nước.
Điều 4. Nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương
1. Việc xét tặng Kỷ niệm chương đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, công khai minh bạch, dân chủ, công bằng, kịp thời, đúng quy định của pháp luật và quy định của Nghị quyết này.
2. Kỷ niệm chương chỉ xét tặng một lần cho cá nhân, không có hình thức truy tặng. Trường hợp bất khả kháng mà bị hỏng, bị mất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cấp lại.
3. Việc xét tặng Kỷ niệm chương vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội hoặc dịp kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên ngày 06 tháng 01 hằng năm hoặc xét tặng đột xuất đối với các trường hợp đặc biệt. Đối với đại biểu Quốc hội xét tặng vào năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội.
4. Không xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đã được tặng “Kỷ niệm chương hoạt động Quốc hội”.
Điều 5. Quyền và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc tặng Kỷ niệm chương
1. Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương được nhận biểu trưng kèm theo Bằng chứng nhận Kỷ niệm chương, tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương có trách nhiệm gìn giữ Kỷ niệm chương và phát huy truyền thống của Quốc hội, gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
3. Cơ quan, tổ chức đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định về trình tự, hồ sơ, thời hạn gửi hồ sơ và đảm bảo tính chính xác của hồ sơ theo quy định của Nghị quyết này và các quy định khác có liên quan về thi đua, khen thưởng. Cá nhân có trách nhiệm kê khai trung thực về tiêu chuẩn, điều kiện để được xét tặng Kỷ niệm chương.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về việc đề nghị và xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
 
 
Điều 6. Xử lý vi phạm
1. Khi phát hiện cá nhân báo cáo không trung thực về các tiêu chuẩn, điều kiện để được xét tặng Kỷ niệm chương thì cá nhân đó sẽ bị hủy bỏ tên tại Nghị quyết tặng Kỷ niệm chương và bị thu hồi hiện vật khen thưởng đã nhận; đồng thời xem xét xử lý kỷ luật phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trình tặng thưởng Kỷ niệm chương cho cá nhân có trách nhiệm lập thủ tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Ban Công tác đại biểu) hủy Nghị quyết tặng Kỷ niệm chương và thu hồi hiện vật khen thưởng giao nộp về Ban Công tác đại biểu.
Điều 7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo
Trình tự, thủ tục, thời hạn và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về xét tặng Kỷ niệm chương thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 8. Kinh phí phục vụ tặng Kỷ niệm chương
Kinh phí phục vụ tặng Kỷ niệm chương bao gồm: kinh phí chi cho việc in Bằng chứng nhận Kỷ niệm chương, chế tác (logo) biểu trưng của Quốc hội, hộp, khung, tiền thưởng và kinh phí khác do Văn phòng Quốc hội bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Chương II
ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 9. Đối tượng xét tặngKỷ niệm chương
1. Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương gồm:
Phương án 1:
a) Đại biểu Quốc hội các khóa;
b) Cán bộ, công chức và nguyên cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài; cá nhân là người nước ngoài có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam.
Phương án 2:
a) Đại biểu Quốc hội các khóa;
b) Cán bộ, công chức và nguyên cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp; công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
d) Người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài; cá nhân là người nước ngoài có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam.
2. Đối tượng chưa xét tặng Kỷ niệm chương:
a) Cá nhân đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc có liên quan đến các vụ án hình sự mà chưa có kết luận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Cá nhân đang trong thời gian thi hành một trong các hình thức kỷ luật;
c) Cá nhân đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được thụ lý, đang được xác minh làm rõ.
3. Đối tượng không xét tặng Kỷ niệm chương:
a) Cá nhân bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bị cách chức;
b) Cá nhân bị kỷ luật buộc thôi việc, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án phạt tù.
Điều 10. Tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng Kỷ niệm chương
1. Đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b và c, khoản 1, Điều 9 của Nghị quyết này chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu về đạo đức lối sống, trách nhiệm nêu gương; không bị kỷ luật trong thời gian xét tặng Kỷ niệm chương và đạt các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
*Phương án 1:
a) Đại biểu Quốc hội có thời gian tham gia làm đại biểu Quốc hội ít nhất 01 nhiệm kỳ Quốc hội và thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
b) Cán bộ, công chức, nguyên cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác, công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội từ đủ 05 năm trở lên.
*Phương án 2:
a) Đại biểu Quốc hội có thời gian tham gia làm đại biểu Quốc hội ít nhất 01 nhiệm kỳ Quốc hội và thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
b) Cán bộ, công chức, nguyên cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác, công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội từ đủ 05 năm trở lên.
c)Công chức, viên chức, người lao động công tác tại Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp và công chức, người lao động công tác tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, có thời gian công tác tại Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân từ đủ 12 năm trở lên đối với nữ, từ đủ 14 năm trở lên đối với nam.
Trường hợp cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cử đi học tập hoặc công tác được tính là thời gian công tác để xét tặng Kỷ niệm chương. Trường hợp cá nhân không công tác liên tục thì thời gian xét tặng Kỷ niệm chương được cộng dồn thời gian thực tế cá nhân đó công tác tại các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Trường hợp cá nhân đang trong thời gian thi hành một trong các hình thức kỷ luật, thời gian chịu hình thức kỷ luật không được tính vào thời gian công tác để xét tặng Kỷ niệm chương;
2. Cá nhân quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 9 (hoặc điểm c khoản 1 điều 9 nếu theo phương án 1) của Nghị quyết này chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Có công lao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoặc có những đóng góp trực tiếp, hiệu quả vào quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam;
b) Có công lao trong việc tăng cường mối quan hệ quốc tế giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước.
Điều 11. Những trường hợp ưu tiên xét tặng Kỷ niệm chương
1. Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b và c, khoản 1, Điều 9 của Nghị quyết này được tặng một trong các danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”, “Anh hùng lao động”, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập có thành tích đóng góp đối với hoạt động của Quốc hội được đề nghị xét tặng ngay sau khi có quyết định khen thưởng.
2. Tính đến thời điểm nghỉ hưu, cá nhân còn thiếu từ 01 tháng đến dưới 12 tháng so với quy định thì được ưu tiên xét tặng Kỷ niệm chương trước khi nghỉ hưu.
Chương III
THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ HỒ SƠ XÉT TẶNG
VÀ TỔ CHỨC TRAO TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 12. Thẩm quyền, trình tự xét tặng Kỷ niệm chương
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tặng Kỷ niệm chương theo đề nghị của Ban Công tác đại biểu.
2. Chủ tịch Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành Nghị quyết về việc tặng Kỷ niệm chương.
Điều 13. Thẩm quyền, trình tự đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương  
1. Đối với cá nhân là đại biểu Quốc hội:
a) Trước kỳ họp cuối cùng của mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm thông báo tới các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội về việc xét tặng Kỷ niệm chương.
b) Các cơ quan, tổ chức sau đây có trách nhiệm lập danh sách/hồ sơ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Ban Công tác đại biểu trước ngày 01 tháng 10 hằng năm để thẩm định, tổng hợp) xem xét, quyết định:
Ban Công tác đại biểu lập danh sách/hồ sơ đối với Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các Phó Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội;
Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội lập danh sách/hồ sơ các đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương;
Đoàn đại biểu Quốc hội lập danh sách/hồ sơ các đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách địa phương và đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội công tác tại địa phương.
2. Các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội lập danh sách/hồ sơ các cán bộ, công chức, nguyên cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp lập danh sách/hồ sơ công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
4. Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập danh sách/hồ sơ công chức, người lao động Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
5. Cá nhân không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 13 của Nghị quyết này do các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất.
6. Đối với các trường hợp được quy định tại Điều 11 Nghị quyết này, căn cứ đề nghị các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội hoặc ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ban Công tác đại biểu tổng hợp và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Điều 14. Hồ sơ đề nghị tặng Kỷ niệm chương
1. Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương, gồm:
a) Tờ trình đề nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo mẫu tại mẫu 01);
b) Danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương (theo mẫu tại mẫu 02, 03);
c) Bản kê khai Lý lịch (mẫu 04).
d) Báo cáo thành tích đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị quyết này (mẫu 05);
e) Những trường hợp thuộc diện ưu tiên xét tặng được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11 của Nghị quyết này phải gửi kèm theo bản sao Quyết định khen thưởng, Bằng công nhận và các văn bản khác có liên quan.
g) Cá nhân là người nước ngoài phải có ý kiến hiệp y của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an.
2. Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương gửi về Ban Công tác đại biểu (số lượng 01 bộ), đồng thời gửi kèm hồ sơ điện tử.
Điều 15. Tổ chức việc trao tặng Kỷ niệm chương
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương cho đại biểu Quốc hội đương nhiệm tại kỳ họp thường lệ cuối cùng của Quốc hội. 
2. Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân nguyên là đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và cán bộ, công chức, nguyên là cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi nghỉ hưu công tác tại cơ quan mình (trừ trường hợp đã được trao tặng theo quy định tại khoản 1 điều này) và cá nhân do các cơ quan đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.
3. Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân nguyên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương, đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm và cá nhân do Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương, công chức, người lao động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
4. Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân là công chức, viên chức, người lao động của cơ quan mình.
Điều 16. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 và thay thế cho Hướng dẫn số 695/HD-UBTVQH14 ngày 24/02/2021 về việc tặng Kỷ niệm chương hoạt động Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Không tìm thấy ý kiến nào
Không có mục thảo luận

Tờ trình về Nghị quyết quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam”

Cơ quan ban hành: Ban Công tác đại biểu

Ngày ban hành: 04/04/2023

Số hiệu:276/TTr- BCTĐB

Mô tả:

(Tài liệu kèm theo Dự thảo Nghị quyết đăng tải xin ý kiến góp ý của Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, ngày lấy ý kiến kể từ ngày 04/04/2023)

 

5.4.-TTr-NQ-KNC-bản-lấy-số.doc

Phụ lục Biểu mẫu 01: Về việc đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam”

Cơ quan ban hành: Ban Công tác đại biểu

Ngày ban hành:

Số hiệu:

Mô tả:

(Tài liệu kèm theo Dự thảo Nghị quyết đăng tải xin ý kiến góp ý của Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, ngày lấy ý kiến kể từ ngày 04/04/2023)

5.4.-PHU-LUC-5.4.docx
Không có tài liệu nào