Đang nghiên cứu về hôn nhân đồng tính
Sáng nay, 24 – 7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đối thoại trực tuyến với nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó có ý kiến hỏi về kết hôn đồng tính, công tác hộ tịch, lừa đảo sổ nhà đất, xử lý tham nhũng…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đối thoại trực tuyến với nhân dân tại
Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng 24 - 7. Ảnh: Chinhphu.vn.
Hiện nay, vẫn cấm hôn nhân đồng tính
Trao đổi về vấn đề công nhận hay không công nhận kết hôn đồng tính, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, đây là vấn đề đang gây ra những tranh luận sôi sổi, tốn nhiều giấy mực báo chí xung quanh việc công nhận hay không công nhận, hay bằng cách nào đó hợp thực hóa hôn nhân đồng tính.
Theo ông Cường, hiện luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam cấm hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn tồn tại hai luồng ý kiến. Thứ nhất, cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế, thậm chí có thể sửa luật để cho phép hôn nhân đồng tính. Luồng ý kiến thứ hai là không đồng ý sửa luật, đặc biệt là ở Việt Nam.
|
Công Khanh - Thái Nguyên vẫn hạnh phúc sau 6 năm kết hôn. |
“Theo tôi được biết, đến nay đã có 23 nước công nhận quyền của người đồng tính, 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, 44 nước khác thừa nhận quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính.” – Bộ trưởng Cường nói.
“Cá nhân tôi cho rằng, việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc trên rất nhiều khía cạnh xã hội và pháp lý như quyền tự do cá nhân, sự tương thích với văn hóa, tập quán của xã hội và gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm, hậu quả xã hội của quy định pháp luật… Các vấn đề này đang được nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).” – Bộ trưởng Cường thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Cường, dù công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính thì cũng không được tạo ra định kiến xã hội đối với cộng đồng và cá nhân người đồng tính. Đồng thời, Nhà nước cũng nên có cơ chế pháp lý để bảo vệ những lợi ích chính đáng về nhân thân, tài sản hoặc con (nếu có) giữa những người cùng giới tính có quan hệ sống chung với nhau.
Có nên hạ độ tuổi kết hôn của nữ giới?
Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, nên hạ tuổi kết hôn của nữ từ 18 xuống 16 tuổi, bộ trưởng Cường dẫn chứng, pháp luật các nước trên thế giới quy định khác nhau về độ tuổi kết hôn của nam, nữ. Có nước qui định thấp, ví dụ như ở Thái Lan, nam và nữ đều phải từ đủ 17 tuổi trở lên; ở Nhật Bản, nam phải đủ 18 tuổi và nữ phải đủ 16 tuổi...
Các nước XHCN Đông Âu, Liên Xô cũ trước đây quy định 16 tuổi. Nhưng cũng có nước qui định cao như Việt Nam, nữ từ 18 tuổi trở lên, nam từ 20 tuổi trở lên; ở Trung Quốc, nam từ đủ 22 tuổi trở lên, nữ từ đủ 20 tuổi trở lên.
Ông Cường lý giải rằng, sự khác biệt do nhiều yếu tố như truyền thống, văn hóa, chính sách dân số...
“Đúng là khi sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, dư luận có ý kiến cho rằng nên hạ thấp tuổi được phép kết hôn. Thực tế, ở một số vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, dân tộc..., người dân sớm chung sống và có con, mà không công nhận là vợ chồng thì rất thiệt thòi cho họ, mà trước hết là phụ nữ.” – Bộ trưởng thừa nhận.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, quy định độ tuổi 18 tuổi mới được kết hôn đối với nữ có từ năm 1959, việc thay đổi là rất hệ trọng, cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc về các khía cạnh xã hội và pháp lý khác nhau như: tập quán, văn hóa, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản, học tập, lập thân, lập nghiệp…
“Chúng ta cũng phải xét đến độ tuổi đủ năng lực hành vi dân sự theo qui định của pháp luật.” – Người đứng đầu bộ Tư pháp cho biết.
Mại dâm có nên được coi là nghề?
Độc giả Khánh Ngân (Trần Hưng Đạo, thành phố Cà Mau) đặt vấn đề, có công nhận mại dâm là một nghề hay không?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, hiện cũng đang có hai luồng ý kiến về vấn đề này. Thứ nhất cho rằng nên công nhận mại dâm là một nghề với quy chế quản lý đặc thù.
|
Có nên coi mại dâm là một nghề. Ảnh: Internet. |
Theo bộ trưởng Cường, làm như thế thì sẽ dễ dàng hơn trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, ngăn ngừa bệnh lây lan qua đường tình dục, phòng, chống buôn bán phụ nữ và các tội phạm khác liên quan, nhưng đây là vấn đề lớn, liên quan đến truyền thống, đạo đức, văn hóa xã hội.
Cũng vì thế, có luồng ý kiến thứ hai không đồng tình với quan điểm trên.
“Cá nhân tôi cho rằng cần phải tiếp tục có những nghiên cứu rất thấu đáo trên tất cả các phương diện về đạo đức, xã hội, kinh tế, pháp luật và quyền con người thì mới có thể có ý kiến chính thức theo phương án nào.” – Bộ trưởng Cường nói.
Trước ý kiến cho rằng, kể cả khi không hợp thức hóa thì mại dâm vẫn tồn tại và diễn ra, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, mại dâm là một hiện tượng xã hội và dù muốn hay không thì nó vẫn tồn tại cùng với sự tồn tại của xã hội.
"Có lẽ đã đến lúc, cần có sự đổi mới trong thái độ đối xử với người bán dâm theo hướng tăng cường các giải pháp kinh tế - xã hội phù hợp hơn là biện pháp mang tính chế tài tư pháp để giải quyết vấn đề" - Ông Cường nói.
Dẫn chứng, bộ trưởng bộ Tư pháp cho rằng, với việc bỏ biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm trong Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua cho thấy chúng ta cũng đã có cách nhìn nhận cởi mở hơn về vấn đề xã hội này.
"Đây cũng là một nhận thức mới xem người bán dâm như một nạn nhân của xã hội. Cần phải đồng bộ thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế xã hội để giúp những người này thay vì việc chỉ xử phạt tư pháp." - Bộ trưởng Cường cho biết.