Skip Ribbon Commands
Skip to main content

DỰ THẢO ONLINE

Nơi cử tri tham gia vào hoạt động lập pháp của quốc hội
Thứ năm, 21/11/2024

Dự thảo Luật Hôn nhân - Gia đình: “Trẻ hóa” độ tuổi kết hôn?

Xóa bỏ hoàn toàn hôn nhân thực tế?
 
Sau 12 năm đi vào cuộc sống với nhiều biến động của đời sống kinh tế - xã hội, Luật HNGĐ năm 2000 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong các quy định về áp dụng phong tục tập quán, về chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hôn nhân thực tế), về giới tính trong kết hôn, về độ tuổi kết hôn, về cấm kết hôn giữa những người có quan hệ họ hàng thân thích…, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
 
Theo ông Nguyễn Hồng Hải (Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp), một trong những tồn tại của Luật HNGĐ chậm được khắc phục chính là tình trạng nam nữ chung sống không có đăng ký. Mặc dù Luật HNGĐ năm 2000 quy định, các trường hợp chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn thì không được thừa nhận là có quan hệ vợ chồng nhưng hiện tượng chung sống như vợ chồng vẫn đang tồn tại trên thực tiễn, làm phát sinh nhiều hậu quả về con cái, nhân thân và tài sản giữa các bên trong quá trình sống chung.
 
Vì vậy, ông Hải cho rằng, dự luật sửa đổi định hướng sẽ thừa nhận hôn nhân thực tế trong một số trường hợp nhất định, đồng thời quy định về hậu quả pháp lý của việc chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Ông Nguyễn Văn Cừ (Trường Đại học Luật Hà Nội) lại ủng hộ việc xóa bỏ hoàn toàn hôn nhân thực tế bởi “đã không là vợ chồng thì quan hệ nhân thân, tài sản không được bảo vệ, đã không là vợ chồng thì không được khởi kiện ly hôn”.
 
Ông Cừ còn mạnh dạn đề xuất, nếu xóa bỏ thì tất cả những người đang chung sống như vợ chồng hiện nay đều được coi là có hôn thú. Trong trường hợp vẫn công nhận, chỉ co hẹp đối với hôn nhân thực tế ở vùng xa, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Trong khi đó, bà Ngô Thị Hường (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn hôn nhân thực tế vì pháp luật hiện nay vẫn đang công nhận hôn nhân thực tế trước năm 1987. “Cái này phụ thuộc phong tục tập quán, nhiều nơi người dân không coi trọng đăng ký kết hôn bằng việc tổ chức đám cưới” – bà Hường phân tích.
 
“Trẻ hóa” độ tuổi kết hôn?
 
Luật HNGĐ hiện hành quy định nữ từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi được kết hôn nhưng bất cập rõ nhất của quy định về độ tuổi này trong thực tiễn là sự thiệt thòi cho nữ giới. Cụ thể, nữ bước sang tuổi 18 kết hôn được coi là hợp pháp và họ được quyền tự do ly hôn. Có điều, quyền tự do ly hôn của họ không thể thực hiện nếu sau khi kết hôn và đến thời điểm có yêu cầu ly hôn họ chưa đủ 18 tuổi bởi pháp luật về tố tụng dân sự lại quy định, cá nhân phải đủ 18 tuổi mới có thể tự mình là chủ thể của quan hệ tố tụng. Vì vậy, dự luật sửa đổi dự kiến quy định nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên được kết hôn.
 
Theo bà Hường, không nên tranh cãi về độ tuổi kết hôn ở khía cạnh “tròn hay đủ”, mà phải dựa trên cơ sở tâm sinh lý của người kết hôn, phong tục tập quán… khi “rất nhiều trường hợp không đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn chung sống, vẫn sinh con đẻ cái”. Bà Hường thậm chí kiến nghị, hạ tuổi kết hôn đối với nữ là 16 hoặc 17.
 
Tuy nhiên, qua theo dõi tổng hợp ý kiến của địa phương, bà Bùi Thị Dung Huyền (Viện Khoa học xét xử, TANDTC) cho biết, đa số các TAND cho rằng quy định như hiện nay là phù hợp. Theo bà Huyền, khó có thể dựa vào đặc điểm tâm sinh lý của người kết hôn để cho phép kết hôn mà pháp luật phải có quy định chung, đó là nữ phải đủ 18 tuổi và nam đủ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn.