Skip Ribbon Commands
Skip to main content

DỰ THẢO ONLINE

Nơi cử tri tham gia vào hoạt động lập pháp của quốc hội
Thứ năm, 21/11/2024

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Viêt Nam: Tách lương ra khỏi quân hàm

Theo nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, hiện nay việc lấy quân hàm để xác định lương và chế độ, chính sách cho sĩ quan và người hưởng lương là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho cơ cấu đội ngũ sĩ quan mất cân đối và có nhiều bất cập giữa trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan. "Vì vậy, cần đổi mới chính sách tiền lương theo hướng tách lương khỏi quân hàm bảo đảm tiền lương được xác định theo vị trí việc làm và chức danh, để việc phong, thăng quân hàm trong lực lượng vũ trang đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an, góp phần bảo đảm chế độ, chính sách, phát huy đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, khoa học-kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”-ông Khoa nhấn mạnh.
 
Dù cho rằng Luật đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, với nhiều nội dung như không phong tướng đối với Tổng giám đốc công ty loại 1, như vậy cấp tướng sẽ giảm 3,1%. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, vẫn có vài nội dung Luật chưa quán triệt, khi quy định phong tướng chưa chặt chẽ. "Cùng chức danh Cục trưởng nhưng có người Trung tướng, có người Thiếu tướng. Hay có nhiều chức vụ cấp tướng nhưng không gắn liền với nhiệm vụ chức năng như bảo hiểm, giám đốc bảo tàng”-Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
 
Bên cạnh đó, về thẩm quyền quyết định đối với sĩ quan, một số ý kiến cho rằng quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức một số chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là chưa phù hợp với Khoản 3, Điều 98 của Hiến pháp. Theo đó, thẩm quyền của Thủ tướng chỉ "bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ”. Sau khi đề nghị cần làm rõ khái niệm "chức vụ tương đương”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nói: "Hiến pháp quy định Chủ tịch nước phong hàm cấp tướng. Còn Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thứ trưởng và "chức vụ tương đương” bộ, cơ quan ngang bộ. Vì vậy, cần làm rõ "chức vụ tương đương” là như thế nào, và phải quy định thẳng vào trong Luật.
 
Theo Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội, thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ và quy định phong cấp bậc hàm có yêu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau. Thực tiễn cho thấy, thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ và thẩm quyền phong cấp hàm không nhất thiết tương ứng. Bổ nhiệm chức vụ để bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ linh hoạt kể cả trong thời bình và trong thời chiến, còn phong, thăng quân hàm là để khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo, chỉ huy và vinh danh quá trình cống hiến khi hoàn thành các chức vụ được giao. "Để phù hợp với quy định của Hiến pháp, đề nghị nghiên cứu đối với các chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tư lệnh, Chính ủy Quân khu, Quân chủng quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 25 nên giao thẩm quyền này cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”- Ủy ban Quốc phòng-An ninh cho hay.
 
Để bảo đảm thứ bậc trong lãnh đạo, chỉ huy, đảm bảo cơ cấu đội ngũ sĩ quan cấp tướng, tránh lạm dụng phong cấp hàm trong lực lượng vũ trang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề rằng: "Tôi chưa thật sự thông lắm việc cấp trưởng bằng cấp phó. Chúng ta không có bộ máy nào mà cấp phó bằng cấp trưởng. Thứ trưởng bằng Bộ trưởng. Để cấp phó bằng cấp trưởng là không ổn. Luật về công an và quân đội đều phải thống nhất. Không thể tồn tại chế độ đồng Bộ trưởng, đồng Tổng cục trưởng”.