Skip Ribbon Commands
Skip to main content

DỰ THẢO ONLINE

Nơi cử tri tham gia vào hoạt động lập pháp của quốc hội
Thứ năm, 21/11/2024

Đội ngũ sĩ quan phải là lực lượng nòng cốt trong xây dựng quân đội

Dự hội nghị có các đồng chí: Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm TCCT; Trung tướng Lương Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm TCCT và đại biểu các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng (BQP), Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3, Quân đoàn 1...

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sĩ quan QĐNDVN được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3-6-2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008.

Sau gần 5 năm thực hiện, Luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ sĩ quan, bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng được nâng lên; các chế độ, chính sách từng bước được cải thiện, góp phần để quân đội hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chủ trì hội nghị.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật Sĩ quan QĐNDVN năm 2008 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc và bất cập cần sửa đổi, bổ sung đó là: Chức vụ cơ bản của sĩ quan theo Luật hiện hành là 11 nhóm, trong khi phụ cấp chức vụ lại quy định 14 nhóm, dẫn đến việc chồng chéo, bất cập trong ban hành nghị định, quyết định về nhóm phụ cấp của các chức vụ tương đương còn lại. Tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm của sĩ quan nữ cấp tá, cấp tướng chưa phù hợp với yêu cầu sử dụng trong thời bình và xây dựng đội ngũ sĩ quan. Cùng với đó, việc phong, tăng quân hàm cấp tướng, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị cần đưa các chức vụ có bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng vào luật để “luật hóa”, nhằm quy định chặt chẽ việc phong, thăng quân hàm cấp tướng đảm bảo đúng theo quy định của Luật và Hiến pháp. Luật quy định sĩ quan chênh lệch hai bậc quân hàm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được xét thăng quân hàm trước thời hạn trong tổ chức thực hiện còn bất cập, thiếu nhất quán, nhất là đối với sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý...

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN giữ nguyên 5 chương, 51 điều như Luật hiện hành; trong đó sửa đổi, bổ sung nội dung và sửa về kỹ thuật để phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật tại 9 điều, gồm: Điều 2, 11, 13, 15, 17, 18, 25, 35 và 50.

Các đại biểu dự hội nghị.

Theo đó, tại hội nghị, đại biểu các cơ quan BQP và các đơn vị đã tập trung đóng góp sửa đổi, bổ sung những nội dung đang vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện như: Vị trí, chức năng của sĩ quan; chức vụ của sĩ quan; tuổi phục vụ của sĩ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất với chức vụ sĩ quan; thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ; thăng quân hàm sĩ quan trước niên hạn; thẩm quyền quyết định đối với sĩ quan; sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ...

Các ý kiến cơ bản nhất trí cao với các phương án của Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung đưa ra, đồng thời cũng nêu lên một số vấn đề như việc quy định tuổi cho đối tượng sĩ quan công tác ở một số cơ quan, đơn vị đặc thù cần kéo dài thời gian. Cần nghiên cứu kỹ trần quân hàm của một số cơ quan BQP cho phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, việc thăng quân hàm cho sĩ quan trước thời hạn phải là lãnh đạo, chỉ huy nếu như chỉ hoàn thành tốt và xuất sắc chức trách, nhiệm vụ thì chưa đủ, cần phải có đủ phẩm chất chính trị, uy tín của tập thể và được bình bầu danh hiệu Chiến sĩ thi đua...

Kết luận hội nghị, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao các ý kiến tham gia đóng góp tâm huyết của các đại biểu, thể hiện tinh thần trách nhiệm chính trị trong đóng góp vào Dự thảo Luật.

Đây là cơ sở quan trọng để Ban Soạn thảo tổng hợp trình Chính phủ và báo cáo trước Quốc Hội. Thượng tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, sĩ quan QĐNDVN là cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước XHCN Việt Nam, do đó việc xây dựng đội ngũ sĩ quan cần hết sức chú ý quan điểm giai cấp trong Quân đội nói chung, đội ngũ sĩ quan nói riêng, để làm sao QĐNDVN trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng mãi mãi là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó đội ngũ sĩ quan phải là lực lượng nòng cốt trong xây dựng quân đội.