Xây dựng hành lang pháp lý cho nghề công tác xã hội
- 01/02/2018
Việt Nam có đối tượng hưởng chính sách xã hội rất đông với hàng chục triệu người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 25% dân số thuộc diện bảo trợ xã hội, cần được trợ giúp bởi các cán bộ công tác xã hội.
Thế nhưng, nghề công tác xã hội lại chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, mà được quy định tản mạn ở nhiều Nghị định, Luật chuyên ngành, thậm chí nhiều nội dung về công tác này chưa được quy định.
Bên cạnh đó, không ít người vẫn còn có những nhầm lẫn về nghề công tác xã hội. Có người hiểu nghề công tác xã hội là tất cả những người làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội, nhưng cũng không ít người nhìn nhận công tác xã hội đơn thuần chỉ là hoạt động từ thiện…
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, công tác xã hội rất quan trọng và là một trong những mảng chính của ngành lao động, người có công và xã hội. Đây là một lĩnh vực quan trọng nhằm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội và quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010- 2020 (Đề án 32) là Việt Nam cần phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội và nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Đến năm 2020 cần đào tạo mới và đào tạo lại được 60.000 nhân viên công tác xã hội với các trình độ khác nhau. Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới, nghề công tác xã hội đã phát triển chuyên nghiệp.
Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất xây dựng Luật Nghề công tác xã hội và kỳ vọng khi luật này ra đời sẽ giúp chuẩn hóa đội ngũ người làm công tác xã hội chuyên nghiệp, đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của xã hội.
Sau 7 năm triển khai Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010- 2020, đến nay, cả nước đã hình thành và phát triển gần 500 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có gần 40 trung tâm công tác xã hội chuyên sâu. Tuy nhiên, do công tác xã hội chưa được công nhận là một nghề chuyên nghiệp nên phần lớn những người làm công tác này chưa qua đào tạo bài bản, dẫn đến thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực chăm sóc, trợ giúp… cho các đối tượng bảo trợ xã hội cũng không cao.
Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, có một số luật cũng đã đề cập tới công tác bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội nhưng chưa quy định cụ thể về công tác xã hội. Còn ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, hoạt động nghề nghiệp, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho các nhóm đối tượng yếu thế của các nhân viên công tác xã hội gặp rất nhiều khó khăn trong thực tế do chưa được quy định trong Luật.
Theo Ban soạn thảo, các nhóm chính sách chính của Dự thảo Luật Nghề công tác xã hội gồm: Xây dựng đội ngũ người làm công tác xã hội chuyên nghiệp; xác định các lĩnh vực, hình thức, nội dung hoạt động công tác xã hội; thiết lập, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động công tác xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Nghề công tác xã hội cần quy định cụ thể về khung pháp lý chuẩn hóa nghề công tác xã hội, có những chính sách quy định ở tầm luật liên quan đến vị trí, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của các Trung tâm công tác xã hội, trình tự thủ tục cung cấp dịch vụ công tác xã hội và những quy định về thẩm quyền của cán bộ, nhân viên công tác xã hội trong việc giải quyết các vụ việc cụ thể cũng như những vấn đề của xã hội.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh, Luật Nghề công tác xã hội có liên quan tới rất nhiều Luật chuyên ngành như Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật. Do đó, tổ soạn thảo cần phải rà soát tất cả các luật liên quan để tránh chồng chéo, trùng lặp.