Vẫn nóng chuyện lương giáo viên
- 21/03/2018
Trước thông tin đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí bậc THCS không được đưa vào Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, dư luận cho rằng đó là một điều thật đáng tiếc bởi đây là 2 vấn đề được quan tâm, đóng góp ý kiến nhiều nhất trong suốt thời gian qua.
Cần kiên trì
Là người từng rất nhiều lần ủng hộ việc tăng lương giáo viên và miễn học phí cấp THCS, GS.VS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục) chia sẻ, ông cảm thấy rất thất vọng khi cả 2 đề xuất trên đều không được đề cập trong Dự thảo Luật Giáo dục (như trong tờ trình mà Bộ GD&ĐT thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua).
Ông phân tích thêm về vấn đề vì sao phải tăng lương cho nhà giáo và tăng thế nào là cần thiết, theo đó một số cán bộ hành chính và một số ngành nghề khác, họ sống nhờ lương và cả các khoản phụ cấp khác (gọi chung là thu nhập). Tùy ngành nghề mà thu nhập cũng cao thấp khác nhau, có ngành khá cao. Trong khi đó thu nhập của giáo viên không có gì ngoài lương. Thưởng Tết các ngành khác có tiền triệu, thậm chí vài chục triệu, vài trăm triệu thì giáo viên chẳng bao giờ có.
Do đó, GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng, giáo viên không chỉ được hưởng mức lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương, mà còn cần phải có thang bảng lương đặc thù dành riêng bởi giáo viên là một nghề đặc thù, gắn với trình độ chuyên môn đào tạo và với một loại hình lao động.
Còn theo phân tích từ GS Đào Trọng Thi, cá nhân ông thấy đó là một điều đáng tiếc vì 2 đề xuất nói trên nếu đưa vào Luật Giáo dục sẽ là một bước tiến rất lớn trong chính sách về giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Theo ông Thi, giải thích của Bộ Nội vụ rằng hiện “nhà giáo được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề - là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước”, là không hợp lý. Bởi mức cao nhất 70% là với một bộ phận nhỏ, chứ không phải phụ cấp đứng lớp của tất cả các giáo viên đều là như vậy. Đấy là chỉ đối với giáo viên cấp tiểu học, còn như cấp đại học thì phụ cấp chỉ bằng 25%- bằng cấp mà công chức nào cũng được hưởng chứ không cần đến ưu tiên. Như vậy bằng với chỗ thấp nhất, không thể nói đó là ưu tiên hơn được. Đó không thể coi là “được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” trong hệ thống các đơn vị hành chính và sự nghiệp theo Nghị quyết của Trung ương nêu. Dù trong Nghị quyết của Đảng trong suốt 20 năm nhắc đi nhắc lại rằng các cơ quan nhà nước tích cực thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng.
“Như vậy giải thích của Bộ Nội vụ không thỏa đáng vì chưa tương xứng với tinh thần của Nghị quyết”- GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
Có thể có quy định ngoại lệ
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, các đại biểu đã rất quan tâm tới đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí bậc THCS thể hiện trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Đây là vấn đề rất thiết thực, vì sao lại không được đề cập…
Cụ thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) đặt câu hỏi về trách nhiệm thẩm định của Bộ Tư pháp về dự án Luật Giáo dục sửa đổi mới trình vừa qua. Bà Minh đề cập quy định lương của nhà giáo phải được xếp cao nhất trong thang bảng lương hiện nay, quy định phổ cập giáo dục 9 năm, trong dự thảo Luật ban đầu đã đưa vào nhưng sau thẩm định của Bộ Tư pháp lại đưa ra.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long xin khất nội dung về quy định phổ cập giáo dục tới bậc THCS và miễn học phí ở bậc học này. Còn về lương giáo viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, thống nhất quan điểm giáo viên phải được hưởng mức cao nhất trong thang bảng lương.
Theo ông Long, Chính phủ đang chuẩn bị đề án cải cách tiền lương. Lương và phụ cấp được quy định ở nhiều văn bản khác. Nguyên lý nhất quán là các vấn đề chính sách thì không quy định trong luật chuyên ngành. Nếu đưa quy định tăng lương nhà giáo vào luật giáo dục sửa đổi sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc này. Nếu đợi quy định chung về cải cách tiền lương thì lâu nên hướng giải quyết là có thể sẽ có quy định ngoại lệ đối với chế độ tiền lương cho giáo viên.