Trình Quốc hội Dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân
- 22/05/2014
Sáng nay 22 - 5, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trình Quốc hội Dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) (sửa đổi). Dự án luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến VKSND trong Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của VKSND theo yêu cầu cải cách tư pháp; nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) có kết cấu 7 chương, 13 mục, 107 điều. So với Luật tổ chức VKSND hiện hành, dự thảo giảm 4 chương, tăng 57 điều. Trong đó, sửa đổi 73 điều, bổ sung 34 điều mới, không có điều nào giữ nguyên. Dự thảo Luật đã làm rõ vị trí, vai trò của VKSND trong mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Dự thảo Luật đã xác định rõ các nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của VKSND trong phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động tư pháp; trách nhiệm quyết định việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân; tăng cường vai trò của VKSND trong các lĩnh vực phi hình sự, nhằm bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần; quy định rõ VKSND có trách nhiệm giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của VKSND.
Dự thảo Luật đã lần đầu tiên quy định rõ đối tượng, nội dung, phạm vi, mục đích của từng chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xác định rõ các mặt công tác và thẩm quyền cơ bản của VKSND trong từng lĩnh vực, đặt nền tảng cho việc hình thành cơ sở lý luận về chức năng của VKSND, bảo đảm thống nhất nhận thức và hoạt động có hiệu quả trên thực tế.
Cùng với đó, Dự thảo Luật đã thể chế hóa yêu cầu cải cách tư pháp “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”; đồng thời, cụ thể hóa các nguyên tắc tư pháp tiến bộ được quy định trong Hiến pháp năm 2013 có liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKSND như: Nguyên tắc suy đoán vô tội, tranh tụng trong xét xử, nhờ người bào chữa, xét xử kịp thời, xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp…
Dự án luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng cường vai trò của công tố ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, tăng cường trách nhiệm của VKSND trong quá trình điều tra, chủ động thực hiện các biện pháp nhằm làm rõ sự thật của vụ án, bảo đảm tính đúng đắn của hoạt động điều tra, xác định Cơ quan điều tra của VKSND có vai trò, trách nhiệm quan trọng trong đấu tranh phòng chống các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.