Tin tổng hợp Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Quan trọng nhất là tăng tính tự chủ

Dự thảo Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi vừa được trình lên thảo luận tại UBTVQH ngày 14-8, nhằm hoàn thiện để chuẩn bị trình lên QH trong kỳ họp thứ 4, khóa XIII sắp tới. Tuy nhiên, tại đây, còn nổi lên một số vấn đề lớn gây tranh luận. Nổi bật nhất là về các quy định liên quan đến bản chất tổ chức HTX.
Về cơ bản, UBTVQH có 2 nhóm ý kiến: Thứ nhất, HTX là một tổ chức kinh tế do các thành viên lập ra nhằm mục đích hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp các thành viên cải thiện hoạt động kinh tế, thu nhập, nâng cao mức sống của mình; thành viên vừa là chủ sở hữu, vừa là người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX. HTX trước hết phải bảo đảm cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thành viên theo nhu cầu. Đây chính là nội hàm "hợp tác” của khái niệm "hợp tác xã”. Thứ hai, đã cùng nhau góp vốn, góp sức, sản xuất, kinh doanh thì bản chất không khác gì doanh nghiệp, đề nghị giữ nguyên khái niệm về HTX như quy định hiện hành của Luật HTX năm 2003. "HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp”. Tức là HTX được cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường, không giới hạn tỷ lệ và không ràng buộc phải ưu tiên phục vụ thành viên và thành viên có quyền lựa chọn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các nhà cung cấp khác, không nhất thiết là của HTX nhằm tạo động lực cạnh tranh và phát triển cho HTX.
Tin tổng hợp Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Quan trọng nhất là tăng tính tự chủ
(Hợp tác xã làng nghề truyền thống. (Ảnh: Tuổi Trẻ).)
Tuy nhiên, vấn đề then chốt trong việc bàn thảo về dự thảo Luật HTX (sửa đổi) lần này có phải là như vậy không? Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Theo quan điểm của Đảng và Nhà nước, phải lấy DNNN và kinh tế HTX làm chủ lực cho nền kinh tế. Do vậy, củng cố HTX là để tạo "sân chơi” cho những người yếu thế trong xã hội mà ở đó, họ có thể hợp tác mà vượt qua khó khăn từng bước xóa đói, giảm nghèo, đi lên. Theo quan điểm này, không chỉ đến nay việc củng cố hệ thống HTX trên phạm vi toàn quốc mới diễn ra, nhưng, các thành viên trong UBTVQH cũng phải thẳng thắn thừa nhận, chưa bao giờ có mô hình nào "chạm” được mục đích này một cách thực sự. Vì sao?
Trước khi trả lời câu hỏi này, có thể tham khảo hai phương án tổ chức Liên minh HTX được được ban soạn thảo và UB Kinh tế trình. Phương án 1: Liên minh HTX là tổ chức đại diện của HTX, Liên hiệp HTX, có tư cách pháp nhân, có điều lệ riêng, là hội đặc thù, hoạt động theo quy định của pháp luật về hội. Liên minh HTX được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Điều lệ Liên minh HTX cấp trung ương do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Điều lệ liên minh HTX cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt. Phương án 2: Liên minh HTX là hội đặc thù, tổ chức đại diện của HTX, liên hiệp HTX, có tư cách pháp nhân, có điều lệ riêng, do các HTX, liên hiệp HTX tự nguyện cùng nhau thành lập và hoạt động theo quy định của điều lệ và pháp luật về hội. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi phản biện: Nếu lựa chọn phương án 2 sẽ thể hiện tính tự chủ cao hơn trong nước và trên trường quốc tế. Rất nhiều các tổ chức hội đặc thù khác không cần Thủ tướng phê duyệt điều lệ vẫn đang hoạt động tốt. Nếu xét về hỗ trợ thì cũng như vậy, các tổ chức này vẫn được hỗ trợ rất đáng kể và hiệu quả, mặc dù điều lệ của họ không phải do Thủ tướng phê duyệt.
Đơn cử câu chuyện của HTX nông nghiệp thời bao cấp. Có thời, chúng ta đã can thiệp quá sâu vào tính tự chủ của HTX về mọi mặt, cả về bộ máy tổ chức, quản lý và định hướng hoạt động, khiến cho nó không còn là sân chơi của những người yếu thế nữa. Thời của khoán 100, rồi khoán hộ trong nông nghiệp ra đời đã giúp họ cảm thấy đỡ yếu thế so với trước. Không ai phủ nhận được thành quả này của sự cởi trói cho nông nghiệp, nông dân, cũng như không ai có thể bảo vệ được cho sự bất cập của mô hình tổ chức HTX quan liêu, kém hiệu quả trước đây. Từ ví dụ trên, có thể thấy: Đúng là xã viên HTX đang còn rất yếu thế, nhưng, thứ mà họ muốn không phải là những động thái cứu trợ với cả hỗ trợ một cách bao cấp như trước đây mà họ muốn có một hành lang pháp lý một cách tự chủ thực sự để giải phóng tiềm năng, điều kiện của mình. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Luật HTX có từ 2003, đến nay được 10 năm rồi, nhưng HTX không vẫn không phát triển được, không đạt yêu cầu theo Nghị quyết TƯ 5 cũng là do chúng ta chưa giải quyết được vấn đề này.
Vậy là, dù chúng ta có chấp nhận khái niệm bản chất của HTX cũng như chấp nhận phương án tổ chức bộ máy như thế nào chăng nữa, cũng phải quan tâm đến quyền tự chủ thực sự của nó. Chỉ có thể tự chủ thực sự về mọi mặt từ bộ máy lãnh đạo, điều hành, vốn, phương án sản xuất, kinh doanh đến phân chia lợi nhuận, loại hình này mới thực sự tồn tại và phát huy tác dụng.

Trần Ngọc Kha/daidoanket.vn