Thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Thảo luận tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) cơ bản thống nhất với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại Kỳ họp này, bởi đây là các luật quan trọng trong hệ thống các cơ quan tư pháp, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành thảo luận Tổ 01

Các đại biểu tập trung góp ý hoàn thiện phạm vi sửa đổi, bổ sung; mô hình tổ chức của các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa thanh tra chuyên ngành với kiểm tra chuyên ngành; việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân; việc thành lập các tòa chuyên biệt; chế định kiểm sát viên…

Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị, nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Qua rà soát các nghị quyết, đại biểu lưu ý thể chế hóa trong Luật Thanh tra về các quy định liên quan đến quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, chia sẻ dữ liệu quốc gia, hình thành sàn giao dịch dữ liệu.

Thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Cùng với đó, thể chế các quan điểm về việc bảo đảm bảo vệ hữu hiệu quyền tự do kinh doanh, đảm bảo quyền thực thi hợp đồng kinh tế tư nhân, đảm bảo nguyên tắc chỉ thanh tra kiểm tra một năm một lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm, xây dựng hệ thống cảnh bảo sớm, tăng cường kiêm tra, thanh tra trực tuyến, ưu tiên kiểm tra thanh tra từ xa, miễn kiểm tra đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật.

Một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung các quy định liên quan đến số hóa các quy trình và hoạt động thanh tra; bổ sung điều riêng quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra, kết nối với các cơ sở dữ liệu khác, đặc biệt là kết nối với cơ sở dữ liệu thanh tra với kiểm toán.

Đại biểu đánh giá cao dự thảo đã có các quy định nhằm tránh trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tại Chương 7. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu làm rõ và bổ sung thêm các quy định về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm giữa các cơ quan trong hoạt động thanh tra, từ khâu lập kế hoạch đến triển khai hoạt động thanh tra; việc chia sẻ, tích hợp dữ liệu với các bên liên quan; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Toàn cảnh thảo luận Tổ 01

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, trên thực tế, việc đánh giá, tổng kết thi hành pháp luật, kiến nghị thi hành pháp luật thông qua hoạt động thanh tra chưa thực sự hiệu quả. Đại biểu nhấn mạnh đến vai trò của việc tổng kết thực tiễn giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhưng các quy định trong dự thảo luật chưa được cụ thể hóa rõ ràng. Vì vậy, trong lần sửa đổi này, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về sơ kết, tổng kết của cơ quan thanh tra với cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực trong việc cung cấp thông tin dữ liệu để hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan.

Quan tâm đến việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra, đa số đại biểu tán thành với quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như trong Luật hiện hành. Quy định như vậy phù hợp với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra, nhất là việc thu gọn các cơ quan thanh tra sau sắp xếp. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội băn khoăn về sự phù hợp và tính khả thi của việc áp dụng chung một trình tự thủ tục của hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Theo đại biểu, thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành đang thực hiện theo trình tự và thủ tục khác nhau.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định như vậy có khắc phục được hạn chế yếu kém thời quan qua như lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái quyền hạn, tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, nhiều địa phương chậm thực hiện kết luận thanh tra…”, Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nêu quan điểm.

Thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu

Cũng tại thảo luận Tổ 01, các ý kiến thống nhất với sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng. Dự thảo luật được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi, sửa đổi thêm một số nội dung lớn liên quan đến chế định Kiểm sát viên nhưng chưa thuyết minh làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn của việc đề xuất sửa đổi, chỉ nêu lý do để đồng bộ với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, trong khi chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân là khác nhau. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần bám sát quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về căn cứ xây dựng luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; cân nhắc thận trọng việc mở rộng phạm vi sửa đổi trong bối cảnh thời gian xây dựng Luật rất khẩn trương, chưa có điều kiện để lấy ý kiến rộng rãi, đánh giá kỹ lưỡng tác động của những nội dung mới được đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung sửa đổi, đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật. Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân theo mô hình tổ chức 03 cấp.

Đại biểu cho rằng, số lượng các vụ giám đốc thẩm, tái thẩm tăng cao, nên nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao nặng nề. Đại biểu đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục tổng kết nghiên cứu kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi một số luật về tố tụng, tránh quá tải cho Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời bao quát đầy đủ việc triển khai thi hành và nội dung chuyển tiếp, bảo đảm tính đồng bộ.

Một số đại biểu nhất trí với đề nghị tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 đến 17 người (theo quy định Luật hiện hành) lên 23 đến 27 người. Tuy nhiên cần làm rõ căn cứ vì sao tăng lên con số này, cần làm rõ tính hợp lý của việc tăng số lượng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao; lý giải rõ việc tăng số lượng để có đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm mới tiếp nhận từ Tòa án nhân dân cấp cao, bảo đảm chất lượng và thời hạn xét xử…

Lan Hương - Phạm Thắng/Cổng thông tin điện tử Quốc hội