Tạo cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của khoa học và công nghệ

Là một trong những vấn đề quan tâm của các nhà quản lý, các nhà khoa học và toàn xã hội, đặc biệt trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 6 Ban Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã ban hành Nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Nhiều quy định chưa đủ mạnh
Luật KH&CN năm 2000 là đạo luật đầu tiên của lĩnh vực KH&CN, là kết quả pháp điển hóa các quy định của pháp luật về KH&CN, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng đầy đủ, thống nhất và đồng bộ về KH&CN. Thông qua đó, nhiều hoạt động đã được triển khai nhằm đổi mới về tổ chức, về quản lý, về hoạt động KH&CN trên thực tế từ năm 2000 đến nay. Cũng nhờ cơ sở pháp lý này mà hoạt động KH&CN đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm AN-QP. Tuy nhiên, đến nay Luật đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với điều kiện mới. Theo nhận định của PSG.TS Đoàn Năng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ KH&CN, khi nền kinh tế thị trường đã được định hình rõ nét, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, KH&CN trên thế giới phát triển mạnh mẽ chính vì vậy, cần phải sửa đổi Luật KH&CN nhằm tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho những bước phát triển đột phá của KH&CN phục vụ yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam Trần Việt Hùng cũng khẳng định một số quy định của Luật hiện nay đã không khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm công nghệ. Một số nội dung chính sách mới của Đảng và Nhà nuớc về KH&CN cũng chưa kịp thời được luật hoá… Chính vì vậy hiện nay việc thống kê các hoạt động KH&CN, đội ngũ KH&CN cũng như những thông tin về tiến bộ KH&CN trong nước và thế giới của chúng ta vẫn còn rất hạn chế, gây khó khăn cho việc xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách phát triển KH&CN của nước ta.
Cần nhiều chính sách cụ thể
Liên quan đến việc đóng góp, sửa đổi Luật, PGS.TS Đoàn Năng cho rằng cần tập trung khắc phục tất cả những bất cập, đặc biệt tập trung giải quyết các vấn đề như: sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN để bảo đảm đầu tư xây dựng các tổ chức KH&CN một cách có hiệu quả; đổi mới các quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN… Chú trọng đến các giải pháp tăng cường xã hội hóa hoạt động KH&CN, ông Trần Việt Hùng nhấn mạnh cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động KH&CN, đặc biệt là hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ trong doanh nghiệp. Một vấn đề cũng được nhiều nhà khoa học quan tâm đó là đào tạo đội ngũ trí thức KH&CN có chất lượng cao, đáp ứng đuợc yêu cầu CNH-HĐH của đất nước.
Vướng mắc hiện nay là ai cũng nói về KH&CN là then chốt, là động lực phát triển nhưng làm thế nào để có thể thoát ra khỏi khó khăn hiện tại là điều cần làm nhất- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trương Quang Khánh đã nhận định như vậy. Theo thứ trưởng thì với cơ chế hiện nay đã buộc các nhà khoa học phải nói dối, vì vậy việc sửa đổi Luật trong đó bắt buộc phải dành 10% trước thuế vào phát triển khoa học thay vì khuyến khích như trước đây là rất cần thiết.
Phân cấp mạnh cho Bộ trưởng Bộ KH&CN
Trước thực tế cơ chế quản lý, xác định nhiệm vụ KH&CN (sử dụng ngân sách nhà nước) đang còn nhiều bất cập, PGS.TS Đoàn Năng cho biết, dự thảo Luật đã có bước đổi mới rất mạnh mẽ trong việc xây dựng quy trình, thủ tục cũng như trách nhiệm xác định các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước. “Hiện nay, dự thảo luật phân cấp mạnh cho Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định các nhiệm vụ khoa học cụ thể cấp Nhà nước 5 năm và hàng năm. Trước đây, việc này phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và mất rất nhiều thời gian mà lại không cần thiết vì trong Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia đã có các quy định về KH&CN”- ông Năng nhấn mạnh.  
Bước đổi mới tiếp theo là các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp các đề nghị của các tổ chức, cá nhân về nhiệm vụ KH&CN, sau đó lập danh mục nhiệm vụ cấp nhà nước gửi Bộ KH&CN quyết định. Trong trường hợp này, các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh đóng vai trò cơ quan đề xuất đặt hàng nhiệm vụ cấp nhà nước. Bộ KH&CN thay mặt nhà nước ký hợp đồng đặt hàng với các tổ chức, cá nhân theo quy trình mà luật đã quy định. Sau khi đánh giá nghiệm thu đạt yêu cầu, bên đề xuất đặt hàng có trách nhiệm nhận lại kết quả và tổ chức đưa vào sản xuất đời sống, đánh giá hiệu quả ứng dụng và định kỳ báo cáo Bộ KH&CN. Nếu là nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh thì bộ, ngành và UBND tỉnh tự ký hợp động đặt hàng, tự tổ chức đánh giá nghiệm thu và đưa kết quả đó vào sản xuất, đời sống.
Tại phiên họp lần thứ nhất Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia nhiệm kỳ 2012 – 2016, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện nay nhiều đề tài khoa học chưa được đưa nhiều vào thực tiễn bởi còn thiếu việc đặt hàng đề tài từ các bộ, tỉnh thành, ban ngành… các đề tài này đều do các nhà khoa học tự đề xuất và thực hiện. Sau khi hoàn thành nếu như không có đơn vị nào có nhu cầu chuyển giao thì đành “cất đi”. Phó thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, các bộ, ngành cần phải tự đề xuất đặt hàng cho chính đơn vị của mình. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đang tiến hành triển khai các mức về khoán chi sao cho có hiệu quả và quản lý được sản phẩm đầu ra của đề tài. 
Ngũ Hiệp/Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân