Sửa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp: còn lắm ngổn ngang

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại tính chuyện sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, dù cả hai luật này mới được sửa năm 2014. Dự thảo luật này vừa được công bố để lấy ý kiến đã đưa ra một số đề xuất đáng chú ý. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngổn ngang cả về quan điểm và phương hướng thay đổi.
Tiếp tục cắt giảm 21 ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến Luật Đầu tư mới bãi bỏ tiếp 21 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như dịch vụ logistics; vận tải biển; đại lý tàu biển; sản xuất, phát hành và phổ biến phim; du lịch lữ hành; biểu diễn nghệ thuật; trình diễn thời trang; tổ chức thi người đẹp, người mẫu...
Có thể coi đây là một tín hiệu tích cực từ dự thảo luật bởi vấn đề không chỉ là sẽ cắt giảm bao nhiêu ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mà quan trọng hơn, dự thảo củng cố xu hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh và tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, giúp doanh nghiệp  mạnh dạn gia nhập thị trường và yên tâm kinh doanh.
Hy vọng cùng với quá trình dự thảo, sẽ có thêm nhiều tiếng nói từ các hiệp hội, doanh nghiệp để có thêm nhiều ngành nghề nữa được cắt giảm.
Thời hạn góp vốn điều lệ: xưa ba năm, nay ba tháng, mai lại... ba năm?
Một đề xuất đáng lưu ý của dự thảo luật là thời gian để cổ đông và thành viên góp vốn điều lệ công ty. Thời hạn dự kiến được nâng lên thành ba năm kể từ ngày công ty được thành lập. Lý do được đưa ra là thời hạn 90 ngày như theo Luật Doanh nghiệp 2014 hiện nay là quá ngắn, gây khó khăn cho các thành viên, cổ đông trong việc góp vốn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn. Đề xuất này có thể sẽ gây ra nhiều tranh cãi.
Thời hạn góp vốn được coi là công cụ để hạn chế tình trạng đăng ký vốn khống, vốn ảo như đã xảy ra  sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 được ban hành. Với mục tiêu khơi dậy tinh thần lập nghiệp và khuyến khích thành lập doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 1999 không quy định chặt chẽ thời hạn góp vốn này.  Do vậy, có hiện tượng các doanh nghiệp ào ào đăng ký vốn khống, vốn ảo lên đến hàng vài chục tỉ đồng để giải quyết “cái khâu oai” dù chưa góp đồng nào. Trước tình trạng đó, Luật Doanh nghiệp 2005 siết thời hạn góp vốn trong công ty cổ phần xuống còn ba tháng kể từ ngày thành lập, nhưng vẫn cho phép thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn được góp vốn điều lệ trong vòng ba năm. Luật Doanh nghiệp 2014 quyết liệt nhất khi quy định thời hạn góp vốn điều lệ là ba tháng, áp dụng cho cả công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Như một thói quen, luật siết quá thì doanh nghiệp than. Tuy nhiên phải nói thẳng rằng cần phải có một thời hạn cuối cùng cho việc góp vốn, bởi việc góp đủ vốn là nghĩa vụ cơ bản của thành viên góp vốn hoặc cổ đông và cũng là trách nhiệm của họ với các đối tác khi giao dịch với công ty. Việc dự thảo luật quay trở lại với phương án ba năm dường như quá dễ dãi và liệu có khuyến khích các thành viên, cổ đông “tay không bắt giặc”? Tôi cho rằng ba tháng thực sự rất ngắn nhưng ba năm lại quá dài. Dự thảo cần một thống kê về thời gian góp vốn thực tế của các doanh nghiệp trong thời gian qua để đưa ra một thời hạn hợp lý.
Đầu tư ra nước ngoài: Mở cửa để doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn
Dự thảo luật cũng yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải xin chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nếu muốn đầu tư vào doanh nghiệp sở hữu cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc sử dụng đất tại các khu vực liên quan đến an ninh, quốc phòng.
Điểm sáng trong dự thảo luật là Luật Đầu tư mới dự kiến bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài hiện áp dụng với các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Dự thảo thay thế cơ chế cấp phép trên bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại ngân hàng. Cơ chế mới là cởi mở nhưng đi vào thực chất. Việc đầu tư ra nước ngoài, về thủ tục, sẽ chủ yếu được điều chỉnh bởi pháp luật của nước mà nguồn vốn sẽ được đầu tư, luật Việt Nam ít có ảnh hưởng trong việc đầu tư này. Cái mà Việt nam có thể kiểm soát là nguồn vốn xuất phát từ Việt Nam. Do vậy, quản lý nguồn vốn qua cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài là chính xác và thông minh.
Với cơ chế mới, doanh nghiệp Việt Nam được chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài và khi cần chuyển tiền ra nước ngoài thì đăng ký với ngân hàng mà không phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như hiện nay.
Tất nhiên sẽ có nhiều ý kiến phản đối đề xuất này của dự thảo luật, nhất là đứng từ góc độ kiểm soát ngoại hối. Lý do lớn nhất chính là lo sợ về việc “chảy máu ngoại tệ” - vốn khiến nhiều cơ quan quản lý nhà nước “ác cảm” với đầu tư ra nước ngoài. Sẽ cần một sự thay đổi lớn về tư tưởng để đề xuất này thành hiện thực.
Cởi mở hơn đối với M&A vốn ngoại...
Theo Luật Đầu tư 2014, khi muốn góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải có được  sự chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần trước khi thực hiện giao dịch. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài vẫn cần phải xin chấp thuận này khi họ muốn tăng mức vốn điều lệ của doanh nghiệp tại Việt Nam, dù không làm tăng tỷ lệ sở hữu. Quy định như vậy của Luật Đầu tư 2014 là khá chặt, nhiều trường hợp có thể nói là không thực sự cần thiết.
Khắc phục hạn chế của Luật Đầu tư 2014, dự thảo luật đã quy định rõ chỉ khi nào việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài mới phải xin chấp thuận cho việc góp vốn, mua cổ phần này.  Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho các giao dịch mua bán- sáp nhập doanh nghiệp (M&A) của nhà đầu tư nước ngoài và có thể giúp thị trường M&A sôi động hơn.
...Nhưng siết vì lý do an ninh quốc gia
Dự thảo luật cũng yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải xin chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nếu muốn đầu tư vào doanh nghiệp sở hữu cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc sử dụng đất tại các khu vực liên quan đến an ninh, quốc phòng. Có thể hiểu rằng an ninh quốc gia là lý do đứng đằng sau đề xuất mới này. Tôi cho rằng quy định này là phù hợp bởi Luật Đầu tư cũng cần một chốt chặn chính thức đối với những dự án có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Tuy vậy, vẫn còn băn khoăn về tính hiệu quả khi sử dụng Luật Đầu tư để giải quyết các lo lắng về an ninh quốc gia. Về nguyên tắc, các vấn đề về an ninh quốc gia phải được điều chỉnh bởi luật về an ninh, chứ không phải luật về đầu tư. Ví dụ, theo dự thảo luật, việc xin chấp thuận trước khi đầu tư chỉ bắt buộc khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp sở hữu cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc sử dụng đất tại các khu vực nhạy cảm đến an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp trong nước hiện nay, dù về pháp lý, do người Việt Nam làm chủ và hoàn toàn là doanh nghiệp trong nước, nhưng thực chất, nguồn vốn từ nước ngoài và do người nước ngoài quản lý. Nhờ khoác cái “áo” trong nước, việc đầu tư có yếu tố nước ngoài này dễ dàng thoát khỏi sự ràng buộc của Luật Đầu tư. Nói cách khác, Luật Đầu tư sẽ bất lực trong trường hợp này. Những trường hợp này chỉ có thể giải quyết bằng luật về an ninh quốc gia.
Ngoài ra, sẽ cần phải thực hiện quy định này rất cẩn trọng để nó không trở thành rào cản đối với mục tiêu phát triển kinh tế tại các vùng biên giới, ven biển.
Nguyễn Thị Nga - Nguyễn Thị Minh Thư/Thời báo Kinh tế Sài Gòn