Sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân: Những đề xuất quan trọng
- 25/09/2013
Tại cuộc hội thảo mới đây về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã đề cập đến nhiều vấn đề mới trong định hướng sửa đổi về bộ máy tổ chức, nhiệm vụ, thẩm quyền của TAND và TAQS các cấp. Và với thực trạng hiện nay, việc sửa đổi này là hết sức cần thiết. Nguyên Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Tú đã nêu ra một số vấn đề quan trọng cần phải sửa đổi cho phù hợp.
Những thành tựu và sự bất cập
Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2002, hệ thống TAND đã được kiện toàn và phát triển, trong những năm qua đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành là giải quyết, xét xử các loại vụ án, cùng với các cấp, các ngành đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, tổ chức bộ máy, nhiệm vụ và thẩm quyền của hệ thống TAND cũng bộc lộ những bất cập hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc CCTP mà Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã đề ra. Do đó, việc nghiên cứu đánh giá về thực trạng và đề xuất kiến nghị những nội dung cần sửa đổi bổ sung về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ và thẩm quyền của TAND, TAQS các cấp là cần thiết.

(Một cuộc hội thảo về sửa đổi Luật Tổ chức TAND)
Hiện nay, cả nước có 700 TAND cấp huyện, 63 TAND cấp tỉnh và TANDTC. Tổng biên chế của ngành là 15.237 người, gồm: Biên chế của TANDTC là 722 người, trong đó có 120 Thẩm phán TANDTC; tổng biên chế của TAND cấp tỉnh là 4.088 người, trong đó có 1.170 Thẩm phán trung cấp; biên chế TAND cấp huyện là 10.427 người, trong đó có 4.865 Thẩm phán trung cấp và sơ cấp.
Hệ thống TAQS về cơ bản được tổ chức theo địa bàn quân khu, hiện nay gồm có: TAQS Trung ương; 9 TAQS cấp quân khu và 17 TAQS khu vực. Thẩm quyền của TAQS các cấp là xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức bộ máy TAQS sự gọn nhẹ, phù hợp với thẩm quyền từng cấp xét xử.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tú, nguyên Phó Chánh án TANDTC, hệ thống tổ chức TAND theo luật hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, số lượng TAND cấp huyện như hiện nay là quá lớn và đang có xu hướng tăng lên vì nhu cầu thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện. Vì vậy rất khó khăn trong lĩnh vực đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực, trong khi cơ quan này là nơi giải quyết xét xử theo thủ tục sơ thẩm trên 80% các loại vụ án thuộc thẩm quyền của ngành Toà án.
Bên cạnh đó, TAND cấp huyện được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện, vì vậy hình thành tâm lý coi Toà án cấp huyện như đơn vị chức năng thuộc đơn vị hành chính cấp huyện, mặc nhiên hạ thấp địa vị pháp lý của TAND cấp và ảnh hưởng đến tính độc lập tương đối của cơ quan này.
Xuất phát từ tình hình chung của xã hội, diễn biến tội phạm, tình hình các tranh chấp không đồng đều giữa các đơn vị hành chính cấp huyện. Do đó, có Toà án cấp huyện hàng năm phải giải quyết, xét xử trên dưới 3.000 vụ án các loại (tình trạng quá tải) nhưng có Tòa chỉ trên dưới 100 vụ án các loại. Tồn tại, bất cập nêu trên đã và đang diễn ra, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, nhất là các Toà án cấp huyện bị rơi vào tình trạng quá tải.
Cũng theo ông Tú, bất cập lớn nhất hiện nay là tình trạng quá tải về xem xét giải quyết đơn đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại TANDTC, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác của Tòa.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do pháp luật hiện hành quy định TANDTC vừa có thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vừa có thẩm quyền xét xử phúc thẩm, nên phải dàn trải nguồn lực để thực hiện 2 nhiệm vụ này, trong khi đó không thể phân cấp cho Tòa án cấp dưới thực hiện. Về cơ cấu tổ chức, trong đó có quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi mở phiên họp để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia. Quyết định của Hội đồng phải được quá nửa tổng số thành viên tán thành - nghĩa là thành viên Hội đồng Thẩm phán phải tham gia đầy đủ các phiên họp, mà các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC đều giữ các chức vụ chủ chốt của TANDTC.
Những đề xuất sửa đổi
Ông Trần Văn Tú cho rằng, trong trường hợp Hiến pháp mới sửa đổi được Quốc hội thông qua, trong đó có bổ sung về chức năng nhiệm vụ của Toà án theo hướng TAND thực hiện quyền tư pháp, thì chức năng nhiệm vụ của hệ thống Toà án được quy định theo hướng: TANDTC, TAND các cấp, các TAQS và các Tòa án khác do luật định là những cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án có nhiệm vụ xét xử, giải quyết các vụ việc và những nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, về chức năng nhiệm vụ của hệ thống Toà án có bổ sung mới, đó là nhiệm vụ thực hiện quyền tư pháp, để nhằm thực hiện một số việc về hạn chế quyền nhân thân của công dân như quyết định đưa công dân vào trường giáo dưỡng, quyết định về bắt buộc chữa bệnh… mà hiện nay các việc này do cơ quan hành chính thực hiện.
Khi sửa đổi, bổ sung Luật cần quy định 9 nguyên tắc như: Việc xét xử của Tòa án có Hội thẩm tham gia theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán; Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Tòa án; Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp do luật định… như Hiến pháp đã quy định.
Khi hệ thống Toà án được tổ chức lại theo tinh thần CCTP thì TANDTC sẽ không còn thẩm quyền xét xử phúc thẩm. Vì vậy, sẽ không còn các Toà phúc thẩm trong cơ cấu tổ chức của TANDTC. Đồng thời, theo Nghị quyết số 49/NQ-TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị thì việc đổi mới tổ chức của TANDTC cần được thực hiện theo hướng: Chức năng nhiệm vụ của TANDTC là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.
TANDTC có nhiệm vụ, quyền hạn như: Tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, giải thích pháp luật và phát triển án lệ; giám đốc việc xét xử của Tòa án các cấp; giám đốc việc xét xử của Tòa án đặc biệt và các Tòa án khác, trừ trường hợp có quy định khác khi thành lập các Tòa án đó; trình Quốc hội dự án luật và trình UBTVQH dự án pháp lệnh theo quy định của pháp luật; TANDTC có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; giải quyết những việc khác do pháp luật quy định…
Ông Tú cũng đề xuất, về công tác quản lý các TAND, có thể thành lập Tổng cục quản lý Toà án. Tổng cục quản lý Tòa án có nhiệm vụ quản lý, xây dựng lực lượng, đảm bảo cơ sở vật chất của ngành TAND. Tổng cục quản lý Toà án bao gồm các đơn vị giúp việc là: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính, Thanh tra ngành Toà án và Trường Cán bộ Toà án…