Sửa đổi Hiến pháp 1992: Tăng tính tự chủ cho HĐND
- 21/12/2012
Ngày 19-12, tại Hà Nội, Viện NCLP và Khoa Luật của Trường Đại học Tổng hợp Chicago (Mỹ) đã tổ chức hội thảo Kinh nghiệm lập hiến của Việt Nam và Hoa Kỳ. Mô hình tổ chức bộ máy nhà nước Trung ương; tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương, mối quan hệ giữa bộ máy nhà nước ở Trung ương và địa phương; mô hình tài phán Hiến pháp là 3 vấn đề chính được tập trung thảo luận tại Hội thảo.
Sơ đồ tổ chức của HĐND tỉnh, thành phố (Ảnh Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng)
Cần xác định rõ chức năng của HĐND
Theo TS Đinh Xuân Thảo- Viện trưởng Viện NCLP, việc sửa đổi Hiến pháp và mức độ sửa đổi Hiến pháp cần xuất phát từ sự đánh giá đúng những thay đổi đã diễn ra ở đất nước ta và nhu cầu bức thiết được đặt ra nhằm làm cho những thay đổi đó được tiếp tục phát triển theo một chiều hướng ổn định, lâu dài. Chính vì lẽ đó, 3 nội dung được hội thảo đề cập tới tại Hội thảo cũng là 3 vấn đề quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp lần này.
Liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, mối quan hệ giữa bộ máy nhà nước ở Trung ương và địa phương nhiều gợi ý cũng đã được đề xuất. Trong đó, cần xác định rõ vị trí, chức năng của HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương; không nên tổ chức HĐND và UBND rập khuôn giống nhau ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã; sự khác biệt về mô hình tổ chức và chức năng nhiệm vụ của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn...
HĐND về thực chất là cơ quan có vai trò chấp hành trong phạm vi một đơn vị hành chính. Trong một Nhà nước đơn nhất theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, tập trung cao ở Quốc hội, thì vai trò chấp hành của HĐND các cấp càng được tô đậm hơn.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, nếu việc cải cách hành chính được đẩy mạnh theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương và tạo không gian pháp lý đủ rộng để các địa phương phát huy lợi thế và đặc thù vốn có của mình, thì vai trò tự chủ của HĐND và UBND ở địa phương sẽ được phát huy hơn. Trên thực tế, do sự phân cấp giữa Trung ương và các cấp địa phương chưa rõ ràng nên hoạt động của HĐND khó mà tránh được tính hình thức. Do đó, Hiến pháp lần này cần xác định HĐND là cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương cũng như giám sát việc thực hiện pháp luật và các quy định do HĐND ban hành.
Cần có sự phân biệt?
Đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam nhưng từ thực tế cho thấy quản lý nhà nước về các mặt đời sống xã hội trên địa bàn đô thị còn nhiều lúng túng, gây bức xúc cho xã hội. Rõ ràng, quản lý nhà nước đối với đời sống đô thị là khác xa so với quản lý nhà nước ở nông thôn. Mặc dù vậy, Hiến pháp 1992 vẫn quy định việc thiết lập các đơn vị hành chính đô thị cũng như nông thôn, trên cùng một mặt bằng pháp lý, một cấp chính quyền không có sự khác biệt. Dù là tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương đều là một cấp chính quyền "gọi chung là cấp tỉnh”, "gọi chung là cấp huyện” và "gọi chung là cấp xã”.
Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, đô thị là nơi tập trung nhiều dân cư với mật độ cao, địa giới hành chính và điều kiện sinh sống của người dân khá chật hẹp; là nơi dễ tập trung, phát sinh tệ nạn xã hội gây phức tạp trong quản lý…Trong khi đó, các đặc điểm của nông thôn tương phản với các đặc điểm của đô thị, nếu được đặt vào cùng một khuôn khổ pháp lý thì rất khó trong quản lý nhà nước đối với đô thị. Vì vậy, mô hình chính quyền địa phương cần có sự phân biệt giữa đô thị và nông thôn. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu để quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND với sự phân biệt rõ giữa đô thị và nông thôn, có sự phân loại các đơn vị cùng cấp với nhau.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc xây dựng khung tổ chức thống nhất cho các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền địa phương các cấp, phù hợp với đặc điểm của đô thị và của nông thôn, không rập khuôn như hiện nay là rất cần thiết. Song vấn đề đặt ra ở đây là cần tạo cơ sở hiến định làm khung cho từng đơn vị hành chính ở từng cấp, địa bàn trên cơ sở phát huy sự chủ động, tự chủ trong khuôn khổ pháp luật chung nhằm khai thác được tiềm năng lợi thế để xây dựng, phát triển từng đơn vị hành chính.