Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
- 27/10/2018
Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Võ Trọng Việt cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo: thu hút nội dung Điều 14 dự thảo Luật Chính phủ trình để thiết kế xây dựng thành 2 điều: Điều 17 về “Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức Việt Nam” và Điều 18 về “Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có yếu tố nước ngoài tổ chức tại Việt Nam có nội dung bí mật nhà nước”; thu hút nội dung Điều 37 dự thảo Luật Chính phủ trình để thiết kế xây dựng thành 02 điều: Điều 25 về “Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý bí mật nhà nước” và Điều 26 về “Trách nhiệm của người tiếp cận, người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước”; bổ sung Điều 28 về quy định chuyển tiếp đối với việc áp dụng thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; bỏ các điều quy định về biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước tại Mục 4 Chương III dự thảo Luật Chính phủ trình; bỏ Điều 29 quy định nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước; đồng thời, thu hút nội dung quy định tại các Điều 30, 31, 32, 33, 34, 35 và 36 dự thảo Luật Chính phủ trình để thiết kế thành 01 Điều quy định về “Trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức” như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định về tiêu chuẩn đối với người làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để quy định cụ thể tiêu chuẩn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc xác định tiêu chuẩn và phân công công tác đối với “người làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước” thì trước hết phải xác định cụ thể các vị trí việc làm có liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước. Nội dung này liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương. Hơn nữa, bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến nhiều lĩnh vực như văn thư, lưu trữ, cơ yếu…, trong văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành của từng lĩnh vực đã có quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước. Vì vậy, việc quy định về nội dung này trong dự thảo Luật là không cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cũng cho biết, nhiều nội dung lớn của dự thảo Luật như khái niệm bí mật nhà nước; phân loại bí mật nhà nước; phạm vi bí mật nhà nước; danh mục bí mật nhà nước; sao, chụp bí mật nhà nước; thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước đã tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH.
Ngoài các nội dung trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, lược bỏ và tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý một số nội dung khác có liên quan; đồng thời, chỉnh lý kỹ thuật văn bản, sắp xếp lại các nội dung bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan để bảo đảm tính khả thi của dự thảo.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát lại tòan bộ Dự thảo luật để không bị mâu thuẫn, chồng chéo với các Luật hiện hành và các Cam kết Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; đồng thời bảo vệ bí mật nhà nước nhưng không ảnh hưởng đến quyền cơ bản của con người, của công dân.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và cho rằng Dự thảo đã được nghiêm túc tiếp thu, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; nhiều nội dung lớn được các đại biểu tập trung thảo luận để làm rõ. Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này theo đúng quy trình.