Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống khủng bố

Chiều ngày 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống khủng bố. Nhiều đại biểu cho rằng cần làm rõ một số khái niệm và quy định quan trọng, như: Khủng bố là gì? Cơ cấu, hoạt động Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố? có nên thành lập lực lượng chuyên trách phòng, chống khủng bố? Đa số ý kiến đại biểu cho rằng nên giao nhiệm vụ phòng, chống khủng bố cho lực lượng công an và quân đội đảm nhiệm.

Làm rõ Khái niệm khủng bố

Nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn khi dự thảo luật chưa làm rõ được khái niệm khủng bố. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (đoàn TP Hải Phòng) đề nghị: “Ban soạn thảo cần quy định khái niệm khủng bố là gì? vì không có khái niệm thì sẽ không làm rõ được bản chất của khủng bố. Nếu khủng bố theo cách liệt kê các hành vi cụ thể được coi là thuộc nhóm hành vi khủng bố là thiếu độ chính xác. Hơn nữa nêu khái niệm khủng bố theo cách liệt kê các hành vi thì không liệt kê được một cách đầy đủ các hành vi khủng bố”. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) phân tích, và chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý của việc liệt kê như trong dự thảo, từ đó kiến nghị: “Theo tôi, muốn phân biệt được khủng bố và không khủng bố thì phải lấy được động cơ, mục đích hành vi phạm tội làm căn cứ để xác định. Xem xem đối tượng, nhóm đối tượng có tổ chức hay không có tổ chức, mục đích phạm tội của chúng hướng tới là gì, vì chính trị, vì lý tưởng hay vì mục đích nào khác thì mới có thể xác định về khủng bố”.

Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đã tập trung góp ý về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố. Nhiều đại biểu tán thành việc thành lập Ban chỉ đạo này, nhưng đề nghị phải có quy định cụ thể, hợp lý về cơ cấu, tổ chức.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn Bắc Kạn) tán thành với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố nhưng không đồng tình với quy định trong Dự thảo - trong trường hợp cần thiết Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo. Vì như vậy, có nghĩa, nếu không cần thiết, Thủ tướng Chính phủ chưa quyết định thành lập cũng như chưa chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố. Trong khi đó để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống khủng bố, việc thành lập Ban chỉ đạo để chỉ đạo các mặt trong công tác này đảm bảo ổn định, kịp thời là hết sức quan trọng và cần thiết. Trên thực tế hiện nay mô hình Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố từ Trung ương đến địa phương đã có mô hình và từng bước được hoạt động.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Đức Hạnh (đoàn Lào Cai) kiến nghị, “Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố nên là Ban chỉ đạo kiêm nhiệm, song được hoạt động thường xuyên. Không nên quy định khi cần thiết hoặc khi có tình huống mới thành lập vì như thế dễ dẫn đến bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra. Mặt khác, Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố thường xuyên hoạt động để nắm được các thông tin, nắm tình hình để chỉ đạo các hoạt động, chỉ đạo diễn tập... để kiểm tra, đôn đốc.

Về lực lượng chuyên trách phòng, chống khủng bố, đại biểu Hạnh cho rằng, trong điều kiện hiện nay, trước mắt chưa cần thiết phải có lực lượng chuyên trách phòng, chống khủng bố. Cùng với đó đại biểu Hạnh đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu tổ chức: Lực lượng chuyên trách làm công tác tham mưu tổng hợp, hướng dẫn, chỉ đạo ở Trung ương; lực lượng tác chiến là lực lượng kiêm nhiệm được bổ sung nhiệm vụ cho các lực lượng hiện có trong công an, quân đội; tăng cường công tác huấn luyện, diễn tập, bổ sung các trang thiết bị, các vũ khí đặc chủng cho lực lượng này đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Xuân Dũng/Báo điện tử Quân đội nhân dân