Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự

Sáng 25-11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Trình bày báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, về yêu cầu thi hành án quy định tại Điều 31, ĐBQH có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quy định của dự thảo Luật giữ quy định 2 cơ chế ra quyết định thi hành án: Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và ra quyết định thi hành án theo yêu cầu. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị bỏ quy định về đơn yêu cầu thi hành án.
 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, quy định về cơ chế ra quyết định thi hành án là một trong những vấn đề quan trọng của Luật này. Tuy nhiên, ý kiến của các vị ĐBQH về phương án “bỏ quy định về đơn yêu cầu thi hành án” chưa có sự đồng thuận cao. Cụ thể, có 309/497 ĐBQH cho ý kiến (299 phiếu hợp lệ), trong đó có 119 phiếu (23,9%) tán thành với loại ý kiến thứ nhất; 169 phiếu (34%) tán thành với loại ý kiến thứ hai.
Thực tiễn cũng cho thấy, cơ chế ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu đã bảo đảm nguyên tắc tự định đoạt, thỏa thuận, tự nguyện của đương sự trong giải quyết các quan hệ dân sự. Hiệu quả hạn chế trong thi hành án dân sự hiện nay chủ yếu do thực thi, không phải do vướng mắc từ quy định này. Vì vậy, dự thảo Luật vẫn sẽ giữ nguyên quy định tại Điều 31. 
Về thẩm quyền ra quyết định thi hành án tại Điều 36 cũng có 2 luồng ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quy định của dự thảo Luật giữ quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giao Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành.
Đây cũng là nội dung quan trọng được UBTVQH xin ý kiến ĐBQH bằng phiếu. Kết quả: Có 309/497 ĐBQH cho ý kiến (299 phiếu hợp lệ). Trong đó, có 162 phiếu (32,6%) tán thành với loại ý kiến thứ nhất; 137 phiếu (27,5%) tán thành với loại ý kiến thứ hai. Như vậy, cả hai phương án đều không nhận được sự đồng ý của đa số ĐBQH. Đồng thời, xét thấy việc bổ sung quy định chỉ giao Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành về thực chất chỉ mang tính hình thức, không có tác dụng nhiều đến hiệu quả thi hành án dân sự và cũng không phải là vấn đề bức xúc cần sửa đổi.
Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án như hiện hành đã được thể hiện trong dự thảo Luật.
Với những nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung dự thảo với 418/424 ĐB tán thành (tỷ lệ 84,1%); có 4 đại biểu không tán thành (tỷ lệ 0,8%); có 2 ĐB không biểu quyết chiếm tỷ lệ 0,4%.
Hoàng Lan/Quân đội Nhân dân Online