Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lực lượng Dự bị động viên

Sáng 11-6, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên

Qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên là cần thiết nhằm nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; đồng thời, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Lực lượng dự bị động viên; khắc phục những vướng mắc, bất cập và hạn chế sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, nhất là các luật điều chỉnh quan hệ xã hội trong trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để Lực lượng dự bị động viên hoạt động hiệu quả, hiệu lực. 

Các đại biểu cũng thống nhất cho rằng: Với vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện từ Bộ Quốc phòng cho đến cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác huy động Lực lượng dự bị động viên thời gian qua đạt kết quả tốt, chất lượng dự bị động viên được nâng lên; được thể hiện ở vai trò, vị trí, việc thực hiện nhiệm vụ của Lực lượng dự bị động viên khi huy động thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra và các nhiệm vụ khác... đạt kết quả tốt.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo trong xây dựng dự án luật, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Đoàn Nghệ An) nhấn mạnh, đây là luật chuyên ngành, do đó, để xây dựng Quân đội nói chung, xây dựng lực lượng dự bị nói riêng thì dự luật phải đáp ứng được nhiều yếu tố, trong đó có 2 yếu tố cơ bản là “kế thừa nghệ thuật quân sự của cách mạng Việt Nam” và “đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, là chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh phi truyền thống...”

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lực lượng Dự bị động viên
Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Đoàn Nghệ An) phát biểu thảo luận. Ảnh: TTXVN.

Điện tử hóa thông tin về lực lượng dự bị động viên

Góp ý vào những nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) quan tâm đến việc quản lý lực lượng dự bị động viên. Theo đại biểu, các quy định về quản lý lực lượng dự bị động viên tại dự án luật cho thấy việc quản lý đối với lực lượng này vẫn được quản lý theo phương thức quản lý truyền thống, thủ công, như lập sổ đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký...

“Để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới về cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin và cũng để góp phần khắc phục hạn chế trong công tác quản lý quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật, đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về thiết lập cơ sở dữ liệu và thực hiện điện tử hóa thông tin về lực lượng dự bị động viên, giao Bộ Quốc phòng có thẩm quyền xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu, phục vụ cho hoạt động quản lý lực lượng dự bị động viên; giao các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp có trách nhiệm cập nhật và trao đổi thông tin trên cơ sở dữ liệu”, đại biểu kiến nghị. 

Bảo đảm quyền lợi của lực lượng dự bị động viên

Quan tâm đến quyền lợi của lực lượng dự bị động viên, từ thực tiễn, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) đề nghị cần xây dựng cơ chế phù hợp trong xây dựng, quản lý lực lượng dự bị động viên, quân nhân dự bị.

Đại biểu phân tích: Những đối tượng này phần lớn là quân nhân xuất ngũ về địa phương, làm việc tại các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế hay doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, khi huy động tham gia lực lượng dự bị động viên chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp này, từ đó sẽ gây khó khăn cho việc phân công lao động của các doanh nghiệp. Vì thế, mỗi lần động viên, các công ty, doanh nghiệp không muốn “nhả” người ra vì sợ ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu người lao động là quân nhân dự bị thì khi chấp hành thời gian huấn luyện, họ có thể bị chấm dứt hợp đồng, mất việc làm; hoặc nếu không chấp hành sẽ vi phạm luật...

Nhấn mạnh thực tiễn “có người vừa kết thúc huấn luyện dự bị động viên xong thì trở nên thất nghiệp”, đại biểu cho rằng, vấn đề đặt ra là, Điều 44 dự thảo luật không quy định cơ quan chức năng nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các quân nhân dự bị ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia lực lượng dự bị động viên.  

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lực lượng Dự bị động viên
Toàn cảnh phiên họp sáng 11-6. Ảnh: Quốc hội.

Số lượng dự phòng 10- 15% là phù hợp

Việc tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên (Điều 14 dự thảo luật) là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận.

Đại biểu Dương Đình Thông (Đoàn Bắc Giang) quan tâm đến khoản 2 điều này, quy định: Đơn vị dự bị động viên phải được duy trì đủ quân số, có số lượng dự phòng 10% đến 15%; dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp.

Theo đại biểu, quy định như trên là phù hợp, bởi đây là sự kế thừa Điều 11 về Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên và luật hóa cụ thể Điều 10 Nghị định số 39/CP ngày 28-4-1997 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên: “Quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên phải có tỷ lệ dự phòng thích hợp theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng”.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, quân nhân dự bị cơ bản là lực lượng lao động chính trong các gia đình, có thể làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần tư nhân nước ngoài...nên không thể có mặt khi được huy động; hoặc nhiều trường hợp quân nhân dự bị khi huy động bị bệnh tật, ốm đau hoặc các tình huống bất khả kháng khác... Trong khi đó, thực tiễn thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên cho thấy, việc quy định số lượng dự phòng đối với các đơn vị dự bị động viên đã bảo đảm tính chủ động, kịp thời, gắn với nhiệm vụ khi có tình huống.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lực lượng Dự bị động viên
Đại biểu Dương Đình Thông (Đoàn Bắc Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội.

“Do đó, tỷ lệ dự phòng 10% đến 15% như trong dự thảo là bảo đảm tính khả thi, thống nhất, cơ động, phù hợp với từng vùng miền về nguồn dự bị động viên, nhất là trong tình hình hiện nay; qua đó, kịp thời bổ sung số thiếu khi huy động lực lượng dự bị động viên”, đại biểu kiến nghị và nhấn mạnh, để bảo đảm tốt trong triển khai thực hiện thì cần làm tốt hơn công tác quản lý và quy định rõ hơn trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện của UBND các cấp trong việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc quy định số lượng dự phòng trong đơn vị dự bị động viên là cần thiết. Theo đó, tại báo cáo số 5077 ngày 17-5-2019 của Bộ Quốc phòng có khẳng định: Số lượng dự phòng cần thực hiện theo quy định của Điều 11 về Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên nhiều năm qua đã bảo đảm không tăng ngân sách. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, pháp lệnh không quy định cụ thể số lượng dự phòng từ 10 đến 15%; ngoài ra, tại điều 10 Nghị định số 39/CP ngày 28-4-1997 của Chính phủ cũng chỉ quy định “tỷ lệ dự phòng thích hợp”...

“Do đó, căn cứ vào tình hình thực tế, cần cân nhắc tỷ lệ dự phòng cho phù hợp trong điều kiện yêu cầu tinh giản biên chế, không tăng ngân sách và gắn với việc xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh hiện nay”, đại biểu Bùi Quốc Phòng kiến nghị.

Thảo Nguyên/Báo điện tử Quân đội nhân dân