Quản lý tài sản nhà nước: tiếp tục nửa vời tại đơn vị sự nghiệp công lập
- 19/06/2017
Thúc giục đổi mới nhưng thực trạng không khác gì thời bao cấp
Để chuẩn bị cho Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống ĐVSNCL trình Hội nghị Trung ương 6 thảo luận vào tháng 10-2017, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã có hàng loạt cuộc làm việc với các bộ, ngành và UBND các tỉnh nhằm rà soát, kiểm tra thực trạng của các ĐVSNCL và tìm hướng nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị, giảm áp lực ngân sách. Từ nhiều cuộc làm việc đã diễn ra, có thể thấy một thực trạng chung đã tồn tại nhiều năm nay là các đơn vị chủ yếu vẫn sống dựa vào tiền Nhà nước cấp, có tự chủ được tài chính một phần nhưng do chưa có sức ép thật mạnh và tâm lý ỷ lại nên ít thay đổi.
Như tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tuần trước, ông Huệ đề nghị bộ này đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động của các ĐVSNCL thuộc bộ, ví dụ như các trung tâm dạy nghề thuộc các hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, nhất là các trung tâm dạy nghề cấp huyện (vì đây là địa chỉ gây nhiều lãng phí, xây ra để đấy, nếu còn tồn tại thì còn phải rót kinh phí). Phó thủ tướng nhận định các ĐVSNCL cơ bản không khác gì thời bao cấp, thậm chí còn phình to ra.
Chỉ tính riêng trong phạm vi quản lý của Bộ LĐTB&XH, cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 1.337 cơ sở là công lập, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng. Gần 91.000 người làm việc tại các cơ sở này, trong đó gần 72.000 người (78%) thuộc biên chế. Thế nhưng, chất lượng đào tạo học viên tại các cơ sở dạy nghề lại không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, của xã hội.
Hà Nội đã giao quyền tự chủ tài chính cho 2.596 đơn vị từ năm 2016 song hiện chưa có đơn vị nào tự chủ được hoàn toàn (đảm bảo cả chi thường xuyên và chi đầu tư), chỉ có 70 đơn vị đảm bảo được chi thường xuyên và 1.353 đơn vị đảm bảo một phần chi thường xuyên và chi đầu tư. Nghĩa là Nhà nước đang phải nuôi gần 150.000 người tại các đơn vị này, đồng thời phải cung cấp tài sản, cơ sở làm việc và các điều kiện làm việc đi kèm do nguồn thu chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu chi thường xuyên.
Hai ví dụ như trên cho thấy, ngay tại các thành phố lớn, các bộ ngành mà điều kiện xã hội hóa được khuyến khích cao, việc tự chủ tài chính đối với các ĐVSNCL, một yêu cầu tất yếu, đã không thể thực hiện được hoặc bản thân các ĐVSNCL không muốn thực hiện vì nhiều lý do khác nhau.
Quá trình tự chủ tài chính của các ĐVSNCL chuyển động rất chậm chạp, không đồng đều vì không có áp lực nào quá lớn buộc các đơn vị phải tiến hành nhanh hơn, mạnh hơn và triệt để hơn để cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân.
Phải gỡ bỏ những quy định “chống lưng”
Để các ĐVSNCL chịu và có thể tự chủ như một doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, không có cách nào khác hơn là phải tiến hành cổ phần hóa các đơn vị này, để chúng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Xét nguyên nhân sâu xa, sự ỷ lại và nguy cơ phình to của các ĐVSNCL xuất phát từ hai chỗ dựa mà các nhà quản lý ở nhiều đơn vị dạng này không muốn từ bỏ: được quản lý, sử dụng tài sản nhà nước với cơ chế khá thoáng và được ngân sách nhà nước cấp để hoạt động, nuôi bộ máy.
Điều đó cho thấy, muốn thực sự đưa các ĐVSNCL hoạt động tự chủ, rời bầu sữa ngân sách, nhất là trong điều kiện bội chi ngân sách cao do chi thường xuyên quá lớn, chỉ còn cách đưa các đơn vị thoát ly dần hai chỗ dựa nêu trên.
Nhưng việc ban hành các văn bản, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gần đây lại chưa phối hợp tốt với chủ trương lớn mà Đảng và Chính phủ đang hướng tới này. Trong khi muốn các ĐVSNCL tự chủ dần đến tự chủ hoàn toàn, rồi cổ phần hóa thì dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) lại giữ lại rất nhiều chỗ dựa cho các ĐVSNCL.
Điểm mới của dự thảo luật này là đã đặt mục tiêu tính đúng, tính đủ giá trị tài sản nhà nước tại các ĐVSNCL khi các đơn vị này đưa chúng vào kinh doanh để tránh lãng phí, thất thoát và có thể xảy ra tham nhũng. Dự thảo luật yêu cầu các ĐVSNCL đủ điều kiện kinh doanh và hạch toán kế toán chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Song quy định này chủ yếu hướng tới các đơn vị cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng (nhà khách, khách sạn), vốn đang hoạt động theo cơ chế thị trường. Các đơn vị này đã thực hiện cơ chế riêng được cho là chưa hợp lý (khoán 5% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu, 5% thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu và 30% lợi nhuận được trích về đơn vị chủ quản). Chưa có con số thống kê chính thức nào cho thấy cả nước có bao nhiêu khách sạn, nhà hàng đang được các ĐVSNCL như các hiệp hội, tổ chức công đoàn... kinh doanh hoặc liên kết với các đơn vị bên ngoài để kinh doanh theo cơ chế này.
Ngoài điểm tiến bộ ở trên, các điểm mới được đưa ra hoặc bổ sung, sửa đổi chưa giải được bài toán: việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân thủ theo cơ chế thị trường, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Lấy ví dụ, dự thảo luật quy định tài sản được đầu tư từ ngân sách để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao mà không sử dụng hết công suất thiết kế (trước và sau khi dự luật này có hiệu lực) thì được phép kinh doanh dịch vụ để lấy nguồn nuôi bộ máy, tiến dần tới tự chủ. Bản chất lớn nhất của quy định này vẫn là cho phép các ĐVSNCL được cho thuê nhà đất và không khó để tìm ví dụ hàng chục ngàn cơ sở ĐVSNCL trên toàn quốc như nhà xuất bản, nhà hát... sẵn sàng thu gọn trụ sở làm việc (thực chất do không dùng hết), dành các vị trí đẹp cho tư nhân kinh doanh. Thậm chí nhiều nơi cho đây là nguồn thu chính của các ĐVSNCL được nhà nước giao đất giá rẻ, cho thuê lại với giá cao.
Số tiền thu được, theo quy định hiện hành và theo quy định sửa đổi sắp tới, được dùng để chi trả các chi phí có liên quan, nộp thuế. Phần còn lại trích lập các quỹ tại đơn vị, nếu còn thì nộp ngân sách nhà nước. Nhưng thực tế, ngân sách chỉ thu được thuế. Phần chênh lệch khác rất khó quay lại ngân sách vì ĐVSNCL chủ yếu trông chờ vào nguồn này. Như vậy, mục tiêu cho khai thác tài sản công tạo điều kiện cho các đơn vị tự chủ ngày càng cao hơn hoặc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp còn lâu mới đạt được.
Đáng chú ý là điều 53 của dự thảo luật quy định ĐVSNCL không được sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn, huy động vốn vì tài sản này thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, nhưng lại cho phép ĐVSNCL nào trả tiền thuê đất một lần (tiền trả không có nguồn gốc từ ngân sách) được phép dùng phần đất đó để thế chấp, góp vốn. Quy định tưởng chặt chẽ (vì các nhà soạn thảo nghĩ rằng nhiều ĐVSNCL không có tiền chi thường xuyên và chi đầu tư thì lấy đâu ra tiền thuê đất trả cho thời gian dài) lại hóa ra lỏng. Bởi lẽ, nếu được sử dụng nhà, đất ở vị trí đắc địa, ĐVSNCL hoàn toàn có thể “bắt tay” với các đơn vị liên doanh, liên kết để các bên liên doanh góp vốn bằng cách hợp thức hóa việc chi trả tiền thuê đất một lần, giúp ĐVSNCL có thể dùng những tài sản ở vị trí đắc địa đó mang ra kinh doanh, thế chấp, góp vốn mà vẫn đúng quy định của pháp luật.
Vì vậy, để các ĐVSNCL chịu và có thể tự chủ như một doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, không có cách nào khác hơn là phải tiến hành cổ phần hóa các đơn vị này, để chúng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp như các đơn vị khác; tránh dùng tài sản nhà nước với những cơ chế đặc thù có thể phát sinh tham nhũng, lách luật.