Báo cáo của Chính phủ về một số nội dung đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Ngày ban hành: 30/12/2023
Số hiệu:710/BC-CP
Mô tả:
Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV
A0203-bc710-CP-ve-mot-so-ndung-dt-Luat-Dat-dai-sd---20240114075726.pdf
Tờ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Ngày ban hành:
Số hiệu:
Mô tả:
Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tháng 5-6/2023
A0901-TTr136-CP-ve-DA-Luat-Dat-dai-sd---20230511084307.docx
Kính gửi: Quốc hội.
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội, Chính phủ đã triển khai việc tổng kết thi hành Luật Đất đai, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao (Nghị quyết số 18-NQ/TW) và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ngày 07/9/2022 tại Tờ trình số 307/TTr-CP, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp ngày 22/9/2022, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ngày 27/9/2022, Chính phủ đã có Tờ trình số 350/TTg-CP trình Quốc hội hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật này. Ngày 05/12/2022, Chính phủ đã có Báo cáo số 474/BC-CP báo cáo một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ trình Quốc hội tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân và việc tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nội dung như sau:
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, tại Nghị quyết số 170/NQ-CPngày 31/12/2022, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện từ ngày 03/01/2023 đến ngày 15/3/2023. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các tài liệu liên quan trên website lấy ý kiến Nhân dân (luatdatdai.monre.gov.vn). 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Nhiều bộ, ngành mặc dù Nghị quyết số 170/NQ-CP không yêu cầu nhưng cũng đã ban hành Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân để triển khai trong bộ, ngành mình[1].
Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng lấy ý kiến như: tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân, đồng thời tiếp nhận các ý kiến góp ý trực tiếp của các địa phương đại diện cho các vùng, miền có tính đặc thù. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và một số Ủy ban khác của Quốc hội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan để tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân[2].
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở trung ương tổ chức các hội nghị lấy ý kiến; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân tại địa phương, cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp giữ vai trò nòng cốt trong việc tổ chức lấy ý kiến; nhiều tổ chức thành viên đã có những hình thức tổ chức lấy ý kiến đa dạng, hiệu quả, phù hợp với phương thức hoạt động của tổ chức mình[3].
Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, khảo sát lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý và đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật.
Việc tổ chức lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được Bộ Ngoại giao triển khai với nhiều hình thức: thông qua các hội đoàn định cư ở nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài; phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các hội thảo, tọa đàm về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức hội nghị trực tuyến với hơn 30 điểm cầu đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ ở tất cả các châu lục[4].
Các cơ quan truyền thông, báo chí đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến, lấy ý kiến Nhân dân, mở nhiều chuyên mục trao đổi, thảo luận, phản ánh kịp thời ý kiến Nhân dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý... Các cơ quan báo chí đã ghi nhận nội dung liên quan dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ý kiến của Nhân dân được đăng tải trên báo chí và các phương tiện truyền thông là 20.537 tin, bài[5].
Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp Nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng. Các ý kiến tham gia của Nhân dân đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm.
Đã có 12.107.457 lượt ý kiến[6], các nội dung được Nhân dân quan tâm tập trung góp ý, trong đó: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với 1.227.238 lượt ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với 1.064.464 lượt ý kiến; tài chính đất đai, giá đất với 1.035.394 lượt ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với 1.008.494 lượt ý kiến và các nội dung khác. Việc tiếp thu ý kiến của Nhân dân được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu tiếp thu, giải trình.
Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Chính phủ, Chính phủ đã họp cho ý kiến về Báo cáo Tổng hợp ý kiến của Nhân dân, Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến Nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)[7].
B. VIỆC TIẾP THU, HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, ý kiến góp ý của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ý kiến của Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (ngày 06-07/4/2023), Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp các cơ quan có liên quan hoàn thiện Báo cáo Tổng hợp ý kiến của Nhân dân, Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến Nhân dân, Báo cáo Đánh giá tác động bổ sung đối với những nội dung mới và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nội dung cơ bản như sau:
I. Về bố cục của dự thảo Luật:
Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục (mục 1 Chương VII; mục 1, 2 chương XVI), bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.
II. Về các nội dung cụ thể:
1. Chương I. Quy định chung:
Chương I gồm 12 Điều (từ Điều 1 đến Điều 12), số điều trong Chương này được giữ nguyên như dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Các ý kiến góp ý tập trung vào quy định về giải thích từ ngữ, áp dụng pháp luật, người sử dụng đất, phân loại đất, hành vi bị nghiêm cấm,… cụ thể như sau:
1.1. Điều 3. Giải thích từ ngữ
Nhiều ý kiến đề nghị rà soát, hoàn thiện các khái niệm quy định tại điều này cho rõ ràng, dễ hiểu, phổ quát cho mọi vùng, miền; một số ý kiến đề nghị bổ sung giải thích một số cụm từ được sử dụng nhiều lần trong dự thảo luật để có cách hiểu thống nhất.
Nội dung Điều này đã chỉnh lý đối với một số cụm từ cho rõ ràng như: bản đồ địa chính, bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại, chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất, dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất, hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, hủy hoại đất, khu vực quản lý nghiêm ngặt mục đích sử dụng đất…; bổ sung giải thích một số cụm từ được sử dụng nhiều lần trong dự thảo để bảo đảm tính thống nhất trong cách hiểu: lấn biển, quy hoạch sử dụng đất, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất, đất để phục vụ xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh, đất để xây dựng công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh, sử dụng đất ổn định, thoái hóa đất, tái định cư,…
1.2. Điều 4. Áp dụng pháp luật
Đa số ý kiến đồng ý với quy định về áp dụng pháp luật như trong Dự thảo Luật, đồng thời đề nghị quy định Luật Đất đai là luật gốc, các luật liên quan đến đất đai phải thống nhất với Luật Đất đai. Có ý kiến đề nghị bổ sung việc áp dụng một số trường hợp đặc thù của pháp luật chuyên ngành. Có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này mà áp dụng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý một số nội dung tại Điều này cho phù hợp[8].
1.3. Điều 10. Phân loại đất
Đa số ý kiến đồng ý với phân loại đất quy định trong dự thảo. Có ý kiến đề nghị việc phân loại đất cần phải cụ thể hơn, đặc biệt là đất sử dụng cho mục đích công cộng, làm rõ hơn đất nông nghiệp khác là những loại đất gì để tránh bị lợi dụng, đối với đất chưa sử dụng thì không nên liệt kê vì sẽ không đầy đủ.
Tiếp thu ý kiến góp ý, nội dung phân loại đất trong Điều 10 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, làm rõ hơn việc phân loại đất để sử dụng vào mục đích công cộng[9], quy định khái quát đối với đất nông nghiệp khác, đất chưa sử dụng, đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các loại đất này.
1.4. Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm
Có ý kiến đề nghị tách hành vi nghiêm cấm đối với cơ quan nhà nước và hành vi nghiêm cấm đối với người sử dụng đất cho rõ ràng, dễ xác định; có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm khác cho đầy đủ để làm căn cứ xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai.
Tiếp thu ý kiến góp ý, Điều này của dự thảo Luật đã được đã rà soát, hoàn thiện theo hướng tách các hành vi của cơ quan quản lý nhà nước và hành vi của người sử dụng đất thành các khoản riêng cho rõ ràng, cụ thể. Đồng thời bổ sung vào Điều này một số hành vi nghiêm cấm đối với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình trong lập, điều chỉnh, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường cho người có đất bị thu hồi; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xác định giá đất…
1.5. Các ý kiến khác đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo:
- Bổ sung một nguyên tắc riêng đối với đất nông nghiệp: “không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học làm ô nhiễm, thoái hóa đất khi sử dụng đất nông nghiệp”[10].
- Bổ sung quy định Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp phục vụ phòng chống dịch bệnh[11]…
2. Chương II. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai
Chương II gồm 14 Điều (từ Điều 13 đến Điều 26), số điều trong Chương này được giữ nguyên như dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Các ý kiến góp ý tập trung vào quy định về sở hữu đất đai, trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai; vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý đất đai, cụ thể như sau:
2.1. Điều 13. Sở hữu đất đai
Có ý kiến cân nhắc quy định “Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu”, có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ nêu trên, có ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi, nội hàm các quyền của người sử dụng đất để giải thích nội dung “Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu".
Tiếp thu ý kiến góp ý, Điều này của Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giữ nguyên như quy định tại Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 để bảo đảm ổn định, đồng thời bổ sung quy định về sự bảo hộ của Nhà nước đối với người sử dụng đất[12].
2.2. Điều 17. Trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Có ý kiến cho rằng chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần phải cụ thể hơn, nếu chỉ là có chính sách chung chung thì khó thực hiện, khi địa phương ban hành chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phải trình Hội đồng nhân dân thông qua chính sách này mà không phải là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Tiếp thu ý kiến góp ý, Điều 17 dự thảo Luật quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được chỉnh lý theo hướng: Thủ tướng Chính phủ ban hành khung Chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
2.3. Điều 20. Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý, sử dụng đất đai
Có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, không quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý, sử dụng đất đai vì sẽ làm giảm vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã được sửa đổi các quy định để đảm bảo vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt nam, không quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thành viên Hội đồng thẩm định giá đất mà quy định mời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia cuộc họp Hội đồng thẩm định để giám sát (Điều 157), không quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng bảng giá đất, giải quyết các tranh chấp về đất đai.
2.4. Điều 23. Cơ quan quản lý đất đai và công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn
Có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý nhà nước về đất đai vì đây là chính quyền cơ sở trực tiếp quản lý đất đai, gần dân nhất, nắm bắt được nguyện vọng, nhu cầu của người sử dụng đất.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung vào một số điều, khoản nhằm tăng trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong các nhiệm vụ quản lý đất đai như: quản lý đất chưa sử dụng; xác nhận quyền của người sử dụng đất; tham gia vào quá trình lập, điều chỉnh, công bố, công khai, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham gia vào quá trình lập, tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tham gia là thành viên hội đồng định giá đất cụ thể cấp tỉnh, cấp huyện; trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật đất đai; tham gia hòa giải tranh chấp đất đai… và sẽ tiếp tục quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý đất đai.
3. Chương III. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
Chương III gồm 23 Điều (từ Điều 27 đến Điều 49), giảm 04 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân để thống nhất Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản[13]. Các ý kiến góp ý tập trung vào quy định về quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, quyền và nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp công lập, quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất, quyền của cộng đồng dân cư sử dụng đất, điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cụ thể như sau:
3.1. Điều 32. Quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất
a) Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật mới chỉ quy định một chiều về quyền lựa chọn của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nhưng thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà chưa quy định chiều ngược lại, như vậy là chưa bảo đảm quyền của các đối tượng này.
Tiếp thu ý kiến góp ý, Điều 32 dự thảo Luật đã bổ sung quy định tổ chức kinh tế, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Tiền thuê đất đã nộp được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm phải nộp.
b) Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp công lập, bổ sung quyền của đơn vị sự nghiệp công lập được lựa chọn hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã được bổ sung nội dung này vào khoản 3 Điều 32 theo hướng đối với đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất mà có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với phần diện tích đó.
3.2. Điều 35. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm
Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê lại quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm vì có thể bị lợi dụng đầu cơ, chuyển nhượng đất đai.
Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nhằmổn định nguồn thu ngân sách nhà nước, bảo đảm tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW về “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất...Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm” tại Điều 35 dự thảo Luật đã quy định tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm được thế chấp, bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Để ngăn ngừa trường hợp lợi dụng đầu cơ trục lợi đối với trường hợp này, tại Điều 47 về điều kiện mua bán tài sản gắn với đất và chuyển nhượng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hàng năm đã quy định cụ thể về điều kiện như sau:
(1) Điều kiện đối với người bán tài sản: (i) Tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp và đã được đăng ký theo quy định của pháp luật; (ii) Đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận (nếu có), trừ trường hợp phải thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành, quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự hoặc kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra; (iii) Đã ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp.
(2) Điều kiện đối với người mua: (i) Có năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư; (ii) Có ngành nghề kinh doanh phù hợp với dự án đầu tư; (iii) Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trước đó.
3.3. Điều 40. Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư sử dụng đất
Có ý kiến đề nghị việc hạn chế quyền của cộng đồng dân cư sử dụng đất chỉ áp dụng đối với trường hợp cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, mà không áp dụng đối với các trường hợp sử dụng đất khác để bảo đảm quyền của người sử dụng đất.
Tiếp thu ý kiến góp ý, khoản 2 Điều 40 dự thảo Luật quy định: Cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với trường hợp cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức không thu tiền sử dụng đất.
3.4. Điều 53. Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê
Có ý kiến đề nghị quy định theo hướng đối với các dự án nhà ở thương mại thì được chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận hoặc Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có ý kiến đề nghị quy định thống nhất với Luật Kinh doanh bất động sản (không yêu cầu phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất). Có ý kiến đề nghị bỏ quy định tại điều này và thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Xây dựng để không bị trùng lặp, chồng chéo giữa các luật với nhau.
Dự thảo Luật quy định phải có Giấy chứng nhận mới được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2013 nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách để lừa đảo, huy động vốn vượt quá giá trị dự án, tạo rủi ro cao gây ra nợ xấu, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tín dụng và các hậu quả xã hội khác. Đồng thời, dự thảo đã tiếp thu bổ sung thêm quy định các điều kiện khác theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (điểm c khoản 2 Điều 46).
3.5. Các ý kiến khác đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo:
- Bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, trợ giúp pháp lý cho người sử dụng đất trong việc thực hiện chính sách pháp luật và thủ tục hành chính về đất đai, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai[14]
- Bổ sung quyền của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm quyền được thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật; bổ sung quyền của cá nhân đối với tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất[15]…
4. Chương IV. Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai
Chương IV gồm 6 Điều (từ Điều 50 đến Điều 55), số điều trong Chương được giữ nguyên như dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Đa số các ý nhất trí với dự thảo, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm xác định địa giới đơn vị hành chính và bổ sung quy định về phân cấp, phân quyền trong việc giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính tại Điều 50 của dự thảo.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung trách nhiệm của Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xác định địa giới hành chính trên thực địa và lập hồ sơ địa giới hành chính của địa phương; bổ sung các quy định về giải quyết tranh chấp địa giới hành chính.
5. Chương V. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Chương V gồm 18 Điều (từ Điều 56 đến Điều 73), tăng 01 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân[16]. Các ý kiến góp ý tập trung vào quy định về kế hoạch sử dụng đất quốc gia và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, cụ thể như sau:
5.1. Điều 60. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; Điều 64. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh
Có ý kiến đề nghị không quy định lại và không bãi bỏ các nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh đã được quy định trong Luật Quy hoạch, trường hợp cần thiết thì sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch trong Luật này. Có ý kiến đề nghị bỏ kế hoạch sử dụng đất quốc gia để tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, linh hoạt trong phân bổ nguồn lực đất đai. Có ý kiến đề nghị vẫn giữ kế hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng cần phân cấp thẩm quyền phê duyệt cho phù hợp. Có ý kiến đề nghị bỏ kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh.
Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng chuyển các nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh tại các điều: 57, 58, 59, 60, 64, 65, 66, 67, 68, 69, 70, 71, 72 để sửa đổi trong Luật Quy hoạch và đề xuất sửa đổi một số điều của Luật Quy hoạch tại Điều 245 dự thảo Luật. Đối với kế hoạch sử dụng đất quốc gia việc quy định như dự thảo là để phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW: “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện...”, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định trong các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc nhằm bố trí quỹ đất cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã được quy định giao thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia cho Chính phủ[17] để tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ và các địa phương; đối với kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh sẽ được quy định lồng ghép trong nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh.
5.2. Điều 61. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh
Có ý kiến đề nghị bỏ kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, có ý kiến đề nghị lồng ghép kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh để giảm thủ tục hành chính trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt.
Dự thảo Luật đã đượctiếp thu chỉnh sửa theo hướng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được lồng ghép trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và được lập, thẩm định, phê duyệt đồng thời với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. đồng thời bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành vào Phụ lục II của Luật Quy hoạch[18].
5.3. Điều 63. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện
Có ý kiến đề nghị bỏ quy định về lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện do thời gian thực hiện ngắn gây khó khăn, lãng phí, vì cơ quan nhà nước phải dành nguồn lực và thời gian cho công tác lập kế hoạch sử dụng đất theo năm.
Dự thảo Luật tiếp tục quy định về lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện vì đây là căn cứ để thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý nhà nước về đất đai. Đồng thời doanh nghiệp sẽ chủ động trong đầu tư, người có đất bị thu hồi sẽ biết trước kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước để chủ động trong việc sử dụng đất, thực hiện quyền của mình, ổn định đời sống, sản xuất. Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định nội dung kế hoạch sử dụng đất đơn giản hơn, không yêu cầu phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất gắn liền với thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân; bổ sung danh mục dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công trong nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
5.4. Ngoài ra, tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung các nội dung sau:
- Bổ sung quy định về nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó quy định các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ, thẩm quyền tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.[19]
- Bổ sung vào nội dung quy hoạch sử dụng đất các cấp quy định về khoanh vùng các khu vực sử dụng đất cần quản lý nghiêm ngặt mục đích sử dụng đất, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất; lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất các cấp; xây dựng và cập nhật dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.[20]
- Bổ sung quy định đối với thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ vào quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; bổ sung cơ sở khoa học và công nghệ, đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghệ cao vào nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh[21].
- Bổ sung quy định: Các ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phải được tổng hợp một cách đầy đủ, chính xác và phải được tiếp thu, giải trình một cách khách quan, minh bạch, nghiêm túc và thấu đáo[22].
- Bổ sung quy định “trường hợp chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh nhưng cần thu hồi ngay để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”[23].
6. Chương VI. Thu hồi đất, trưng dụng đất
Chương VI gồm 12 Điều (từ Điều 74 đến Điều 85), số điều trong Chương này được giữ nguyên như dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Các ý kiến góp ý tập trung đề nghị làm rõ các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; làm rõ khái niệm và các trường hợp cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; rà soát các trường hợp thu hồi đất do vi phạm; thẩm quyền thu hồi đất; nguyên tắc không được cưỡng chế khi chưa tái định cư,… cụ thể như sau:
6.1. Điều 74. Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh
Có ý kiến đề nghị làm rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh để đảm bảo sự thống nhất với Luật Quốc phòng và Luật Công an nhân dân.
Tiếp thu ý kiến góp ý, tại Điều 74 dự thảo Luật đã tiếp thu theo hướng làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại các khoản 8, 9 và 10 Điều 74 dự thảo Luật.
6.2. Điều 75. Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
Đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến của Nhân dân, có ý kiến tán thành với dự thảo Luật về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng đề nghị mở rộng thêm đối với các dự án xã hội hóa (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường); có ý kiến đề nghị Nhà nước cần mở rộng các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, kể cả các dự án sử dụng vốn đầu tư tư nhân. Có ý kiến đề nghị quy định rõ tiêu chí thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để các địa phương dễ áp dụng, tránh lạm dụng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Có ý kiến đề nghị rà soát lại cách diễn giải thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cho mạch lạc, ngắn gọn.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã được sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều này, trong đó quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gồm:
- Để thực hiện các công trình công cộng như: giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin…
- Để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp như: Trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; cơ sở văn hoá, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; cơ sở y tế, dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, ngoại giao…
- Để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác như: dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, dự án lấn biển… và các dự án khác do Nhà nước thu hồi để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi để giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu dự án có sử dụng đất.
6.3. Điều 77. Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
Có ý kiến đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật đầu tư, các Luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hay của người vi phạm.
Tiếp thu ý kiến góp ý,dự thảo Luật đã được bổ sung các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, cụ thể như sau:
- Bổ sung quy định đối với trường hợp người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp (1) Không nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; (2) Chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
- Bổ sung quy định đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp do không đưa vào sử dụng, đã quy định cụ thể thời gian không sử dụng đất đối với từng loại đất nông nghiệp như: đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng.
- Bổ sung quy định đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm tiến độ sử dụng đất liên quan đến dự án đầu tư, trong đó quy định cụ thể đối với từng trường hợp: thời gian không đưa đất vào sử dụng; thời gian chậm tiến độ sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư; khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với phần diện tích đất trong thời gian chậm tiến độ phải nộp, trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan…
6.4. Điều 79. Thẩm quyền thu hồi đất
Có ý kiến đề nghị quy định rõ thẩm quyền thu hồi đất quốc phòng, an ninh, bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, phân cấp thẩm quyền thu hồi đất cho cấp huyện.
Tiếp thu ý kiến góp ý,dự thảo Luật đã được bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền thu hồi đất cho Ủy ban nhân dân cấp huyện không phân biệt người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân trừ trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh.
Đối với đất quốc phòng, an ninh, dự thảo Luật quy định theo hướng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Trường hợp không thống nhất ý kiến, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Việc quy định như dự thảo nhằm đảm bảo thống nhất giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật này trong việc xử lý; đồng thời, vẫn đảm bảo chủ trương đẩy mạnh phân cấp phân quyền, nâng cao trách nhiệm địa phương, giảm thủ tục hành chính và có cơ chế giải quyết các trường hợp đặc thù không đạt được sự đồng thuận hoặc có vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
6.5. Điều 82. Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
Có ý kiến đề nghị rà soát quy định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền các cấp và các bước tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã được rà soát, quy định trình tự thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan ở từng bước công việc, quy định về việc phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp xã và đơn vị, tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
6.6. Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ việc phải bố trí tái định cư trước khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất
Tiếp thu ý kiến góp ý,dự thảo Luật đã quy định rõ việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư và người có đất bị thu hồi được bàn giao nhà ở tái định cư; đồng thời bổ sung nguyên tắc không được cưỡng chế thu hồi đất nếu chưa bố trí tái định cư hoặc bố trí tạm cư cho người có đất bị thu hồi tại điểm d khoản 1 Điều 84 dự thảo Luật.
7. Chương VII. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Chương VII gồm 21 điều (từ Điều 86 đến Điều 106), giảm 01 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân[24]. Đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vừa phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, vừa phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền, bảo đảm không để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi và nguồn thu nhập có liên quan đến đất bị thu hồi. Các ý kiến góp ý tập trung vào nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; các khoản bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, tái định cư; điều kiện của nơi tái định cư.
Dự thảo Luật đã được nghiên cứu, rà soát tiếp thu quy định cụ thể, luật hóa một số quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hiện hành đã được thực tế chứng minh là phù hợp để quy định trong dự thảo Luật đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu nại, khiếu kiện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương dễ áp dụng, đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cụ thể như sau:
7.1. Điều 86. Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
- Có ý kiến đề nghị cần có cơ chế, chính sách đồng bộ để bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở; giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Có ý kiến đề nghị quy định việc thu hồi đất ở chỉ thực hiện sau khi hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định cụ thể thời gian hoàn thành khu tái định cư, việc bố trí tái định cư phải hoàn thành trước khi quyết định thu hồi đất; đề nghị cân nhắc nội dung nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, vì rất khó đánh giá, lượng hóa.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã được hoàn thiện nội dung quy định tại Điều này theo hướng: khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi; khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án tái định cư để đảm bảo chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất bị thu hồi; đồng thời việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.
Có ý kiến đề nghị quy định chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp người có đất bị thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã quy định đối với trường hợp người có đất bị thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tiền gửi của Chủ đầu tư mở tại ngân hàng thương mại mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ theo lãi suất không kỳ hạn.
7.3. Điều 90. Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
Có ý kiến cho rằng điều kiện bồi thường về đất căn cứ vào đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận còn chưa rõ ràng và không phù hợp trong một số trường hợp. Có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng “tổ chức tôn giáo trực thuộc” đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê vào đối tượng được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định cụ thể điều kiện bồi thường về đất cho từng đối tượng sử dụng đất mà không căn cứ vào việc đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định đối tượng được bồi thường về đất nhằm tháo gỡ vướng mắc phát sinh; bổ sung đối tượng “tổ chức tôn giáo trực thuộc” vào đối tượng được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Có ý kiến cho rằng quy định về đối tượng khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không còn chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bố trí tái định cư là chưa rõ, việc quy định “không còn chỗ ở nào khác” là tính trong phạm vi nào để tránh trục lợi về chính sách.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã đượcchỉnh lý theo hướng quy định “không còn chỗ ở nào khác trong phạm vi xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi”.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể cách xác định giá bồi thường thiệt hại cây hàng năm, cây lâu năm.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định giá tính bồi thường thiệt hại đối với cây hàng năm, cây lâu năm là giá thị trường tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bổ sung cách tính bồi thường thiệt hại đối với cây lâu năm là loại cho thu hoạch nhiều lần mà đang trong thời kỳ thu hoạch khi bị Nhà nước thu hồi đất.
7.6. Điều 104. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất
Có ý kiến cho rằng quy định đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm theo hình thức bằng tiền hoặc học nghề là chưa phù hợp, nhất là các tỉnh phía Nam, đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (công chức, viên chức, công nhân...) vẫn có đất nông nghiệp để sản xuất, nếu không được hỗ trợ sẽ không công bằng.
Dự thảo Luật giữ nguyên quy định về đối tượng hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm vì đây là chủ trương của Nhà nước được thực hiện ổn định từ Luật Đất đai năm 1993 đến nay, chỉ dành hỗ trợ riêng cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà khi thu hồi đất không còn tư liệu sản xuất để tạo nguồn thu nhập. Việc quy định mở rộng hỗ trợ cho cả đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ làm tăng nguồn kinh phí phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; làm mất ý nghĩa tốt đẹp của chính sách này đối với người nông dân.
Tuy nhiên, cần có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng có công, đối tượng yếu thế trong xã hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các trường hợp cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.
7.7. Các ý kiến khác đã được tiếp thu vào dự thảo:
- Quy định hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất mà không tính thời gian gửi văn bản thông báo thu hồi đất[25].
- Quy định việc tổ chức, vận động, thuyết phục được tiến hành trong thời gian 10 ngày và phải được thể hiện bằng văn bản. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc vận động, thuyết phục mà người có đất bị thu hồi vẫn không phối hợp điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc[26]
- Quy định đa dạng các hình thức bồi thường bằng tiền, bằng đất, bằng nhà ở; các khoản hỗ trợ như: hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tái định cư; hỗ trợ khác.[27]
- Quy định rõ việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp đặc biệt như: các tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức bị thiệt hại về tài sản do Nhà nước giao quản lý sử dụng và phải di dời đến cơ sở mới.[28]
- Cụ thể hóa về việc tái định cư cho người thu hồi đất phải có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về: (1) hạ tầng kỹ thuật: đường giao thông đảm bảo kết nối giao thông liên kết với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường; (2) hạ tầng xã hội: đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ. Ưu tiên tái định cư tại chỗ, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi; tại địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất thu hồi, địa bàn khác có điều kiện tương tự để bố trí tái định cư.[29]
- Quy định về trường hợp đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng bị thu hồi thì được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương mà không phân biệt mức độ bị thiệt hại nhà ở, công trình; quy định trách nhiệm ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, công trình xây dựng.[30]
- Quy định về trường hợp dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách ra thành dự án độc lập theo quy định của pháp luật về đầu tư công thì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.[31]
- Quy định về trường hợp người có đất ở thu hồi mà không còn chỗ ở khác thì trong thời gian chờ bố trí tái định cư được bố trí vào nhà ở tạm hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà ở; thời gian và mức hỗ trợ cụ thể do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với thực tế tại địa phương.[32]
- Bố cục lại kết cấu của Chương để đảm bảo tính logic, khoa học, tránh trùng lặp, cụ thể gồm các mục sau: (1) Quy định chung; (2) Bồi thường về đất; (3) Bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh, chi phí đầu tư vào đất; (4) Hỗ trợ; (5) Tái định cư.
8. Chương VIII. Phát triển quỹ đất
Chương VIII gồm 5 điều (từ Điều 107 đến Điều 111), số lượng các điều không thay đổi so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Các ý kiến góp ý tập trung vào việc quy định đối với Ngân hàng đất nông nghiệp, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất; dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất.… dự thảo Luật đã được nghiên cứu, tiếp thu cụ thể như sau:
- Hoàn thiện quy định về Ngân hàng đất nông nghiệp theo hướng không thành lập riêng ngân hàng đất nông nghiệp mà giao chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này cho Tổ chức phát triển quỹ đất. Theo đó, Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập ở cấp tỉnh hoặc cấp huyện để phục vụ công tác phát triển quỹ đất tại địa phương[33].
- Quy định cụ thểtrường hợp Nhà nước thu hồi đất tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện các dự án và trường hợp Nhà nước thu hồi đất tạo quỹ đất để giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thấu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất[34] (Điều 108), như sau:
+ Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện các dự án, gồm: (1) dự án nhà ở thương mại; (2) dự án đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ; (3) dự án hỗn hợp gồm nhà ở và kinh doanh dịch vụ, thương mại; (4) dự án kết cấu hạ tầng vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển; (5) dự án lấn biển;
+ Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện nhằm tạo quỹ đất để giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất,gồm: (1) dự án tái định cư; (2) dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ.
9. Chương IX. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất
Chương này gồm 12 điều (từ Điều 112 đến Điều 123), giảm 01 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân do chuyển xuống Chương XVI[35] (chương quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành). Các ý kiến góp ý tập trung vàocăn cứ giao đất, cho thuê đất, các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất; các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thấu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất; các trường hợp đấu thấu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất... cụ thể như sau:
Có ý kiến đề nghị bổ sung các căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho đầy đủ, bổ sung căn cứ để thu hồi đất, giao đất theo tiến độ, tránh trường hợp thu hồi đất vướng giải phóng mặt bằng mà không giao đất làm lãng phí đất đai.
Dự thảo Luật đã được tiếp thu, bổ sung căn cứ giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất làvăn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Bổ sung căn cứ giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thấu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất là quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư... Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có phân kỳ tiến độ sử dụng đất thì giao đất, cho thuê đất theo tiến độ của dự án đầu tư.[36]
9.2. Điều 116. Cho thuê đất
Có ý kiến đề nghị bổ sung các dự án sử dụng đất thương mại dịch vụ có nhà nghỉ dưỡng và đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch, đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Dự thảo Luật đã tiếp thu quy định bổ sung một số trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công trình công cộng có mục đích kinh doanh; sử dụng đất thương mại dịch vụ để hoạt động du lịch nhằm thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Nhà nước.
9.3. Về giao đất, cho thuê thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất (mục 2 Chương IX)
Có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định cụ thể các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu; thỏa thuận về quyền sử dụng đất để các địa phương dễ áp dụng, tránh tình trạng lạm dụng giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu gây thất thoát cho ngân sách, đồng thời khuyến khích các chủ đầu tư có vốn, có kỹ thuật, công nghệ đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu; thỏa thuận về quyền sử dụng đất để đảm bảo ưu tiên cho việc đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước; quy định các trường hợp đấu thầu để có cơ chế lựa chọn được những nhà đầu tư có vốn đầu tư lớn, nhiều kinh nghiệm, công nghệ tiên tiếnđể thực hiện các dự án đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết được sự mâu thuẫn, chồng lấn, bất cập giữa Luật Đất đai với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vào các điều từ Điều 120 đến Điều 123 dự thảo Luật, cụ thể:
- Quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất gồm: (1) Giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư để thực hiện các dự án: nhà ở thương mại; cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; thương mại, dịch vụ; khu vui chơi, giải trí công cộng (trừ công viên, vườn hoa, bãi tắm và các khu vực dành cho vui chơi giải trí công cộng khác không thu phí của người dân); trung tâm thương mại, siêu thị; nhà hàng, khách sạn; (2) Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; (3) Cá nhân được giao đất ở mà không thuộc trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Quy định cụ thể quỹ đất và điều kiện để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.[37]
- Quy định rõ các trường hợp đấu thấu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm: (1) Giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của dự thảo Luật này mà có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký thực hiện và thuộc trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; (2) Dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 05 ha trở lên tại khu vực đô thị.[38]
- Một số ý kiến đề nghị đối với các dự án đầu tư xây dựng các công trình sự nghiệp thì không phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Dự thảo Luật đã được tiếp thu, quy định các dự án xây dựng công trình sự nghiệp được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; trường hợp xây dựng công trình sự nghiệp có từ 2 nhà đầu tư cùng quan tâm thì thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư; các trường hợp này được miễn, giảm tiền sử dụng đất.
- Có ý kiến đề nghị bổ sung các đối tượng: công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân công an; người làm công tác cơ yếuvào trường hợp được Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Dự thảo Luật đã được tiếp thu bổ sung các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang vào trường hợp được Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo thực hiện chính sách đất ở, nhà ở cho các đối tượng phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân để yên tâm công tác, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội.
Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để thực hiện dự án thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn.
Dự thảo Luật đã quy định việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất để hiện dự nhà ở thương mại cần thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật Đầu tư năm 2020, do đó dự thảo Luật đã quy định đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
9.6.Ngoài ra, trên cơ sở các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã hoàn thiện một số nội dung cụ thể sau:
- Hoàn thiện quy định về giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các đối tượng: (1) Cá nhân được giao đất ở; (2) Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở; (3) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở; (4) Tổ chức kinh tế được giao đất để đầu tư, quản lý, sử dụng nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng theo quy định của pháp luật; (5) Các đối tượng được giao đất ở do được bồi thường về đất ở hoặc hỗ trợ bằng đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này[39].
- Bổ sung quy định về điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, ngoài các điều kiện cho các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, thì (1) thực hiện dự án nhà ở thương mại khi người sử dụng đất có đất ở và đất khác không phải là đất ở và được chấp thuận làm nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở (2) việc sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương và không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (3) việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với quỹ đất đảm bảo các điều kiện về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sử dụng đất hoặc điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thực hiện theo thứ tự ưu tiên (1) Thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; (2) Thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án có sử dụng đất; (3) Thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất[40] (Điều 123).
- Để xử lý trường hợp giao đất, cho thuê đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, dự thảo đã bổ sung quy định để xử lý đối với trường hợp (1) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài người đang thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; (2) Hộ gia đình được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; (3) Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; (4) Diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đã có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua để sử dụng vào mục đích khác nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.[41]
10. Chương X. Đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Chương này gồm 25 điều (từ Điều 124 đến Điều 148), tăng thêm 07 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.[42]Các ý kiến góp ý tập trung vào các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất để được cấp Giấy chứng nhận; cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; xác định diện tích đất ở đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao để công nhận quyền sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận đối với từng loại tài sản gắn liền với đất... cụ thể như sau:
10.1. Điều 133. Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất
Có ý kiến đề nghị quy định bổ sung các loại giấy tờ cho phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai của địa phương để làm căn cứ công nhận quyền sử dụng đất, dễ dàng tra cứu áp dụng.
Dự thảo Luật đã được tiếp thu theo hướng luật hóa các loại giấy tờ và bổ sung quy định cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 cho phù hợp với thực tiễn của địa phương tại Điều 133 của dự thảo Luật.
10.2. Điều 134. Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không thuộc trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền
Có ý kiến đề nghị mở rộng thời gian sử dụng đất tại khoản 1, Điều 137 của dự thảo Luật lấy ý kiến Nhân dân để giải quyết các trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác trong thời gian từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân.
Dự thảo Luật đã tiếp thu quy định mở rộng thêm thời hạn về thời điểm sử dụng đất để xem xét cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, giải quyết các tồn tại lâu nay, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhưng không hợp pháp hóa các sai phạm trong việc sử dụng đất. Theo đó, quy định hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác trong thời gian từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà không vi phạm pháp luật đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận tại khoản 2 Điều 134 của dự thảo Luật.
10.3. Điều 136. Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền
Có ý kiến đề nghị có quy định cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất do được giao không đúng thẩm quyền từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để giải quyết quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất.
Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ quan nào là cơ quan có thẩm quyền đính chính Giấy chứng nhận do Luật Đất đai qua các thời kỳ có quy định khác nhau về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật này là cơ quan có thẩm quyền đính chính Giấy chứng nhận đã cấp.
10.5. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý một số điều tại Chương này, sắp xếp lại bố cục của Chương, luật hóa một số quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp để quy định như trong dự thảo Luật, cụ thể như:
- Luật hóa các quy định về hồ sơ địa chính.
- Luật hóa các quy định về việc xử lý hạn mức đất được công nhận đối với đất vườn, ao gắn liền với nhà ở.
- Quy định việc cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất[43].
- Bổ sung trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận đối với đất đang có tranh chấp, đang được kê biên để bảo đảm thi hành án[44].
- Bổ sung trường hợp thu hồi và đính chính Giấy chứng nhận cho đầy đủ.[45]
- Quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận lần đầu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện theo thẩm quyền; thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp biến động do Văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện.
- Quy định cụ thể các loại giấy tờ làm căn cứ công nhận quyền sử dụng đất, đồng thời giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ khác về quyền sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.
11. Chương XI. Tài chính đất đai, giá đất
Chương này gồm 10 điều (từ Điều 149 đến Điều 158), giảm đi 02 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân[46]. Các ý kiến góp ý tập trung vào thời điểm xác định giá đất; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất hàng năm, giá đất cụ thể, Hội đồng thẩm định giá đất,… cụ thể như sau:
11.1. Điều 151. Căn cứ, thời điểm xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
Có ý kiến cho rằng việc xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trước không quá 06 tháng và được ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất là không đảm bảo tính thực tiễn vì khi đó chưa có cơ sở xác định diện tích đất được giao, được thuê; chưa xác định được mục đích sử dụng đất; chưa có các chỉ tiêu sử dụng đất để xác định giá đất.
Dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: trường hợp áp dụng giá đất cụ thể thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải phê duyệt quyết định giá đất trong thời gian không quá 180 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết.
11.2. Điều 154. Nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất
Có ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ nguyên tắcđịnh giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp.
Dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý như sau:
- Việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường;tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong việc xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.
- Căn cứ xác định giá đất bao gồm: thời hạn sử dụng đất, đối với đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức giao đất nông nghiệp, đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền thì không căn cứ vào thời hạn sử dụng đất; thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất; các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất; quy định của các pháp luật có liên quan tại thời điểm định giá.
Thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải đảm bảo: (1) giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; (2) đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát; (3) thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.
Đồng thời dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các phương pháp định giá đất gồm: Phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp chiết trừ, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.
11.3. Điều 155. Bảng giá đất
Có ý kiến đề nghị ban hành bảng giá hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường; Có ý kiến quy định bảng giá đất ban hành hàng năm là khó thực hiện, đề nghị ban hành 2 năm 1 lần hoặc 5 năm 2 lần.
Dự thảo Luật quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, cho thấy việc ban hành bảng giá đất 05 năm một lần, điều chỉnh khi có biến động 20% rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định: “Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Để bảo đảm quy định này có tính khả thi, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025, các địa phương có thời gian từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2025, đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của Luật; đồng thời, việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường.
11.4. Nội dung khác
Dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý như sau:
- Sửa đổi quy định các nguồn thu ngân sách từ đất đai và quy định việc điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
- Sửa đổi và quy định chi tiết việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; bổ sung quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp sử dụng đất để xây dựng nhà ở công vụ; đất để xây dựng nhà ở cho người phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân; các loại đất khác không phải là đất quốc phòng, đất an ninh do doanh nghiệp quốc phòng, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; để xây dựng công trình cấp nước sạch và thoát nước, xử lý nước thải tại khu vực đô thị và nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng; đất xây dựng công trình công nghiệp đường sắt; đất xây dựng công trình phụ trợ khác trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu, đón tiễn hành khách, xếp dỡ hàng hóa của đường sắt.
- Bổ sung quy định người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
- Quy định chi tiết thời điểm xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
- Quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh, cấp huyện, đồng thời rà soát các thành viên Hội đồng thẩm định giá đất để bảo đảm tính chuyên môn.
12. Chương XII. Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai
Chương này gồm 8 điều (từ Điều 159 đến Điều 166), tăng 02 điều so với dự thảo Luật đã lấy ý kiến Nhân dân[47]. Các ý kiến góp ý tập trung đề nghị phân công rõ trách nhiệm cấp trung ương, địa phương và thời gian hoàn thành đối với việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; việc bảo đảm an toàn và chế độ bảo mật thông tin, dữ liệu đất đai; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm của hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; quy định về cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan trong việc phân cấp nội dung về thu phí khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai giữa Trung ương và địa phương và quy định phí, giá cung cấp dịch vụ khai thác, sử dụng thông tin đất đai. Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã chỉnh lý một số nội dung, cụ thể:
- Bổ sung một điều (Điều 160) quy định về Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm của hệ thống thông tin đất đai theo hướng làm rõ hạ tầng kỹ thuật thông tin của trung ương, địa phương, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
- Quy định rõ về bảo đảm kinh phí xây dựng, quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp hệ thống thông tin quốc gia về đất đai (Điều 164), theo đó phân tách rõ (1) Ngân sách trung ương đảm bảo cho các hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm của hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai do trung ương thực hiện. (2) Ngân sách địa phương đảm bảo cho các hoạt động quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương thực hiện. Quy định trường hợp ngân sách địa phương không đảm bảo cân đối để thực hiện thì được xem xét, hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương.
- Bổ sung một điều (Điều 165) quy định về bảo đảm an toàn và chế độ bảo mật thông tin, dữ liệu đất đai, theo đó hệ thống thông tin quốc gia về đất đai phải được bảo đảm an toàn; việc in, sao, vận chuyển, giao nhận, truyền dữ liệu, lưu giữ, bảo quản, cung cấp thông tin, dữ liệu và các hoạt động khác có liên quan đến dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
- Quy định rõ hơn trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin quốc gia về đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 166).
13. Chương XIII. Về chế độ, quản lý sử dụng các loại đất
Chương này gồm 50 điều (từ Điều 167 đến Điều 216), tăng 01 điều so với dự thảo Luật đã lấy ý kiến Nhân dân[48]. Các ý kiến góp ý tập trung vào thời hạn sử dụng đất, chế độ sử dụng đất nông nghiệp, đất cho hoạt động khoáng sản, đất lâm nghiệp, đất chăn nuôi tập trung, đất sử dụng cho khu công nghệ cao, đất có mặt nước ven biển, đất tôn giáo; đất sử dụng đa mục đích, việc tách thửa, hợp thửa; việc xử lý đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng… cụ thể như sau:
13.1. Điều 168. Về thời hạn sử dụng đất:
Có ý kiến đề nghị bổ sung thời hạn sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài để thống nhất với quy định của Luật Nhà ở; có ý kiến đề nghị bổ sung thời hạn đối với đất cho hoạt động khoáng sản, thời hạn sử dụng đất đối với dự án kinh doanh nhà ở; quy định rõ thế nào là “dự án lớn, thu hồi vốn chậm”.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã chỉnh lý cụ thể như sau:
- Bổ sung đất sử dụng ổn định lâu dài đối với đất ở do người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở (khoản 12 Điều 167).
- Bổ sung thời hạn sử dụng đối với đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; bổ sung quy định đối với các dự án thời hạn hoạt động trên 50 năm theo quy định của Luật Đầu tư thì thời hạn giao đất, cho thuê đất theo thời hạn của dự án nhưng không quá 70 năm. Đối với dự án kinh doanh nhà ở thì thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài (khoản 3 Điều 168).
13.2. Về chế độ sử dụng đất nông nghiệp
Một số ý kiến đề nghị nâng thời hạn cho thuê đất công ích nhằm đảm bảo cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất yên tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; có ý kiến đề nghị quy định việc nộp tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất trồng lúa, ý kiến khác đề nghị làm rõ tỷ lệ diện tích để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi thời hạn cho thuê đất công ích thành 10 năm bằng kỳ quy hoạch sử dụng đất tại khoản 3 Điều 175. Quy định người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của Chính phủ; phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, trừ dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Người sử dụng đất trồng lúa được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (khoản 5 và khoản 6 Điều 178).
13.3. Điều 177. Đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng
Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa giải quyết cơ bản một số vướng mắc, bất cập liên quan đến quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất nông, lâm trường chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Dự thảo Luật đã tiếp thu hoàn thiện nội dung Điều này theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, trách nhiệm của các công ty nông, lâm nghiệp trong việc quản lý đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, cụ thể: (1) quy định trách nhiệm của các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông trường, lâm trường trong việc rà soát hiện trạng sử dụng đất, lập phương án sử dụng đất đối với phần diện tích giữ lại quản lý, sử dụng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; bàn giao phần diện tích không sử dụng về cho địa phương; (2) quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp;cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích các công ty nông, lâm nghiệp được tiếp tục sử dụng; tổ chức tiếp nhận hoặc thu hồi phần diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương; (3) đối với diện tích đất thực hiện thu hồi thì tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng bảo đảm hiệu quả, giải quyết tốt các vấn đề chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, người đang sử dụng đất do được nông, lâm trường giao, nhận khoán, thuê đất; đất sử dụng vào mục đích công cộng phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Có ý kiến đề nghị phân nhóm đối tượng ưu tiên trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đối với đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường, trong đó cần phải ưu tiên cho người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại địa phương và chưa được cấp đất để sản xuất.
Dự thảo Luật đã tiếp thu quy định ưu tiên: (1) giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; (2) giao đất, cho thuê đất đối với cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất; (3) người đang sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp có nguồn gốc là đất nhận khoán, thuê đất của nông, lâm trường; (4) người đang sử dụng đất mà có giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao để làm nhà ở hoặc làm nhà ở kết hợp với sản xuất nông, lâm nghiệp trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật này; (5) giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích công cộng và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.
13.4. Điều 185. Đất có mặt nước ven biển
Có ý kiến đề nghị bỏ khái niệm về đất có mặt nước ven biển tại Điều 3 của dự thảo Luật vì không phù hợp với Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, đồng thời quy định rõ về hoạt động lấn biển phù hợp với các quy định của pháp luật về biển.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm “lấn biển”, bỏ khái niệm “đất có mặt nước ven biển” tại Điều 3, đồng thời bổ sung một điều riêng quy định về hoạt động lấn biển (Điều 186), trong đó quy định về các nguyên tắc của hoạt động lấn biển, khu vực hạn chế lấn biển, việc giao đất, cho thuê đất đối với dự án lấn biển, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động lấn biển. Quy định diện tích đất được hình thành sau khi lấn biển thì thực hiện theo chế độ quản lý, sử dụng đất của Luật Đất đai. Đồng thời, bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp lấn biển đã có trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (Điều 245).
13.5. Điều 196. Đất quốc phòng, an ninh
Có ý kiến đề nghị luật hóa Điều 7 của Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 để tiếp tục giải quyết các vướng mắc tồn đọng liên quan đến việc xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây là nội dung cụ thể trong Nghị quyết thí điểm, cần phải được tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ phù hợp với thực tiễn mới đưa vào dự thảo Luật để thực hiện.
Việc bổ sung quy định để tiếp tục giải quyết các vướng mắc tồn đọng liên quan đến việc xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn là cần thiết, để giải quyết các trường hợp còn tồn đọng vì trong thời gian ngắn, còn nhiều trường hợp chưa kịp thực hiện, trong khi đó Nghị quyết 132/2020/QH14 sẽ hết hiệu lực khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành
Trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã tiến hành tổng kết Nghị quyết Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội[49]. Thời gian thực hiện Nghị quyết bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (2 năm) nên còn nhiều nội dung chưa kịp triển khai, cần có thời gian để tiếp tục xử lý những tồn đọng. Do đó, dự thảo Luật đã luật hóa quy định Điều 7 của Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 để tiếp tục giải quyết các vướng mắc tồn đọng liên quan đến việc xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn (khoản 7 Điều 196).
13.6. Điều 206. Đất tôn giáo
Một số ý kiến đề nghị Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với trường đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo vì thực chất đây là một loại công trình sự nghiệp phục vụ vào mục đích hoạt động tôn giáo, nhiều khi chỉ là một hạng mục trong khuôn viên của cơ sở tôn giáo. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật lấy ý kiến Nhân dân do Nghị quyết số 18-NQ/TW đã nêu Nhà nước thực hiện giao đất không thu tiền sử dụng đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo; các tổ chức tôn giáo sử dụng vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất. Có ý kiến đề nghị cần lưu ý đến đất do các cơ sở tôn giáo đang sử dụng hiện hữu, nay không thuộc trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để đảm bảo tính ổn định, hạn chế phát sinh khiếu kiện.
Dự thảo Luật đã tiếp thu bổ sung quy định chuyển tiếp tại Điều 244 theo hướng đối với đất do các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được sử dụng đất theo hình thức đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
13.7. Điều 210. Đất xây dựng công trình ngầm, công trình trên không
Có ý kiến đề nghị chỉnh lý quy định về đất xây dựng công trình ngầm, công trình trên không cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và pháp luật có liên quan
Dự thảo Luật đã tiếp thu chỉnh lý Điều này theo hướng quy định rõ về đất công trình ngầm, công trình trên không; Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, ưu đãi thực hiện các dự án xây dựng công trình ngầm, công trình trên không; quy định nguyên tắc xây dựng công trình ngầm, công trình trên không; việc giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với đất xây dựng công trình ngầm, công trình trên không; quy định người sử dụng đất theo quy định của Luật này được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại không gian sử dụng đất theo quy định của pháp luật khi được Nhà nước xác định không gian sử dụng đất, bao gồm độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không theo pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về kiến trúc.
13.8. Điều 212. Đất sử dụng đa mục đích
Có ý kiến cho rằng khái niệm đất sử dụng đa mục đích chưa rõ ràng, làm rõ các loại đất nào được sử dụng đa mục đích, đồng thời làm rõ đất sử dụng đa mục đích trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã đượcchỉnh lý quy định về đất sử dụng đa mục đích theo hướng: đất sử dụng đa mục đích là đất được sử dụng kết hợp từ hai mục đích trở lên có thể phân định được ranh giới hoặc không phân định được ranh giới của từng mục đích sử dụng. Bỏ quy định phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Quy định rõ các loại đất được sử dụng đa mục đích gồm: (1) Đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; (2) Đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp trồng cây dược liệu; (3) Đất sử dụng vào mục đích công cộng kết hợp với thương mại, dịch vụ; (4) Đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ và các mục đích khác; (5) Đất có mặt nước kết hợp với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thương mại, dịch vụ và các mục đích phi nông nghiệp khác; (6) Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng kết hợp với thương mại dịch vụ; (7) Đất sử dụng vào các mục đích được kết hợp để xây dựng điểm thu, phát sóng thông tin di động và các thiết bị phụ trợ; quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời. Đối với đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất có mặt nước kết hợp thương mại, dịch vụ và các mục đích phi nông nghiệp khác thì phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
13.9. Điều 214. Tách thửa đất, hợp thửa đất:
Có ý kiến đề nghị xem xét quy định thửa đất sau khi được tách phải đảm bảo diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án mà việc phân chia không đảm bảo các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định để đảm bảo về quyền tài sản.
Dự thảo Luật đã đượctiếp thu theo hướng bổ sung quy định trừ trường hợp phân chia quyền sử dụng đất của hộ gia đình hoặc của vợ chồng khi ly hôn theo bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
13.10. Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã chỉnh lý các nội dung:
- Quy định bố trí quỹ đất cho lực lượng công an nhân dân để bảo đảm an ninh, trật tự trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, cảng hàng không, sân bay, đất cho hoạt động khoáng sản, đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng, đất để thực hiện dự án hợp tác công tư có sử dụng đất[50].
- Bổ sung chính sách của Nhà nước đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường thuê lại đất trong cụm công nghiệp.[51]
- Rà soát, sửa đổi quy định về chế độ sử dụng đất cảng hàng không, sân bay để đảm bảo đồng bộ về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất và giảm bớt khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất đai[52].
- Rà soát, chỉnh lý đất tôn giáo, đất tín ngưỡng cho phù hợp, bổ sung chùa do cộng đồng dân cư quản lý vào đất tín ngưỡng; bổ sung trường hợp Nhà nước thu hồi đất cơ sở thờ tự thì được bố trí địa điểm mới phù hợp với quỹ đất của địa phương và hoạt động tôn giáo của các tín đồ[53].
- Hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đối với đất sử dụng cho khu công nghệ cao, đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, đất đường sắt và một số loại đất khác cho phù hợp.
14. Chương XIV. Về thủ tục hành chính đất đai
Chương này gồm 7 điều (từ Điều 217 đến Điều 223), tăng 03 điều so với dự thảo Luật đã lấy ý kiến Nhân dân[54]. Các ý kiến đề nghị bổ sung thêm thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận, bổ sung hình thức thực hiện thủ tục hành chính để người dân có thêm kênh thông tin để lựa chọn hình thức cho phù hợp; bổ sung việc công bố thủ tục hành chính; đề nghị luật hóa một số thủ tục hành chính về đất đai.
Dự thảo Luật đã tiếp thu bổ sung cụ thể như sau:
- Bổ sung thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận vào điểm c khoản 1 Điều 217.
- Bổ sung hình thức thực hiện thủ tục hành chính là thông qua hệ thống bưu chính vào khoản 4 Điều 218.
- Bổ sung quy định thủ tục hành chính về đất đai sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố theo quy định; bổ sung nơi niêm yết thủ tục hành chính là trang thông tin điện tử của UBND cấp xã (Điều 219).
- Bổ sung trình tự thực hiện thủ tục hành chính đối với các thủ tục gồm: (1) thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 221); (2) thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (Điều 222); (3) thủ tục giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 223).
15. Chương XV. Giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai
Chương này gồm 13 điều (từ Điều 224 đến Điều 236), giảm 01 điều so với dự thảo Luật lấy ý kiến Nhân dân[55].Các ý kiến góp ý của Chương này tập trung vào đề nghị bổ sung hòa giải thương mại trong hòa giải tranh chấp đất đai để tăng lựa chọn, hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp đất đai; làm rõ trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc không tổ chức hoà giải tranh chấp đất đai; xem lại thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho phù hợp, bỏ quy định về kiểm toán đất đai vì đã có Luật Kiểm toán,… dự thảo Luật đã được tiếp thu cụ thể như sau:
- Bổ sung trách nhiệm giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận vào Điều 224.
- Bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về thương mại vào Điều 229.
- Bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về thương mại; quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai như Luật Đất đai hiện hành.
16. Chương XVI. Quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành
Chương này gồm 02 mục và 12 Điều (Mục 1 về quy định chuyển tiếp từ Điều 237 đến Điều 244; Mục 2 về điều khoản thi hành từ Điều 245 đến Điều 247), tăng 6 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Các ý kiến góp ý tập trung đề nghị cần rà soát, bổ sung một số quy định chuyển tiếp để giải quyết một số tồn đọng về quy hoạch sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất…
Dự thảo Luật đã bổ sung một mục gồm 08 Điều từ Điều 237 đến Điều 244 quy định chuyển tiếp để có căn cứ xử lý các trường hợp đang thực hiện trong thời gian giao thoa giữa 2 Luật, tránh trường hợp có khoảng trống pháp lý, gây khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, cụ thể:
- Điều 237. Giải quyết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi Luật này có hiệu lực thi hành
- Điều 238. Giải quyết về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất khi Luật này có hiệu lực thi hành
- Điều 239. Giải quyết về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất khi Luật này có hiệu lực thi hành
- Điều 240. Giải quyết về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận khi Luật này có hiệu lực thi hành.
- Điều 241. Giải quyết về tài chính đất đai, giá đất khi Luật này có hiệu lực thi hành.
- Điều 242. Giải quyết về thời hạn sử dụng đất khi Luật này có hiệu lực thi hành
- Điều 243. Xử lý quyền sử dụng đất của hộ gia đình có trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành
- Điều 244. Xử lý chuyển tiếp một số trường hợp.
III. VẤN ĐỀ XIN Ý KIẾN VÀ KIẾN NGHỊ
Quá trình lấy ý kiến Nhân dân có một số vấn đề lớn mà Nhân dân, các nhà quản lý, nhà khoa học kiến nghị hoặc phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa được đề cập đến trong Nghị quyết 18-NQ/TW, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn; trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trước khi đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
2. Kiến nghị:
2.1. Đối với các Luật đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Luật Giá; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Công chứng, Luật Các tổ chức tín dụng,…), kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan thẩm tra phối hợp với Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi)) rà soát, thống nhất quy định với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
2.2. Đối với các luật chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến Luật Đất đai.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) kèm theo Tờ trình này bao gồm: (1) Dự thảo Luật Đất đai đã được tiếp thu, chỉnh lý; (2) Báo cáo tổng hợp ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai; (3) Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến Nhân dân; (4) Bảng so sánh Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến Nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến Nhân dân; (5) Báo cáo đánh giá tác động bổ sung chính sách của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)./.
[1] Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban TW Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Đài Truyền hình Việt Nam, các Bộ: Quốc phòng, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
[2] Hội nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Hội nghị miền Trung, Hội nghị miền Bắc, Hội nghị với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Hội nghị khu vực Tây Nguyên, Hội nghị khu vực Đông và Tây Nam Bộ; Hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp, liên hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học tại thành phố Hồ Chí Minh.
[3] Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với 1.300.758 lượt ý kiến góp ý vào hầu hết các nội dung của toàn bộ dự thảo Luật
[4] Có 100 lượt ý kiến góp ý của các cá nhân gửi về Bộ Ngoại giao.
[5]Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: 4.429 tin, bài (chiếm 21,6%); Giá đất và định giá đất: 4.190 tin, bài (chiếm 20,4%); Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: 3.485 tin, bài (chiếm 20%); Giao đất, cho thuê đất: 4.144 tin, bài (chiếm 20%); Đất cho đồng bào dân tộc thiểu số: 3.119 tin, bài (chiếm 15,2%).
[6] Trong đó: 10.779.147 lượt ý kiến theo báo cáo của các tổ chức chính trị - xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận được 8.363.162 lượt ý kiến; Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận được 2.348.965 lượt ý kiến…); 7.979 lượt ý kiến trên website lấy ý kiến Nhân dân, 1968 ý kiến từ Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, 10.393 lượt ý kiến theo 31 báo cáo của Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 1.305.256 lượt ý kiến theo 63 báo cáo của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 2.509 lượt ý kiến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, 205 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân bằng văn bản gửi trực tiếp…
[7] Ngày 28/3/2023, Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã nghe cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); ngày 06/4/2023, Thường trực Chính phủ đã họp cho ý kiến về báo cáo Tổng hợp ý kiến của nhân dân, Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến Nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); ngày 10/4/2023, Chính phủ đã họp chuyên đề xây dựng pháp luật cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
[8] “
Điều 4. Áp dụng pháp luật
1. Quản lý và sử dụng đất đai phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và các luật khác có liên quan. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đất đai và Luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, trừ các trường hợp sau đây:
a) Việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đấu giá tài sản;
b) Việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu thấu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đấu thầu;
c) Việc thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đầu tư;
c) Trường hợp đất đai là đối tượng quản lý của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì ngoài việc áp dụng theo quy định của Luật này đồng thời phải thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
d) Việc xác lập, thực hiện hợp đồng, giao dịch dân sự đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đủ điều kiện tham gia giao dịch theo quy định của Luật này thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật khác có liên quan.
2. Trường hợp Luật khác ban hành sau ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về quản lý, sử dụng đất khác với quy định tại Luật Đất đai thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, nội dung thực hiện theo quy định của Luật khác đó. Trường hợp Luật khác không xác định cụ thể thì áp dụng quy định của Luật Đất đai.
3. Việc giải quyết các quan hệ pháp luật về đất đai phải căn cứ vào pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan tại thời điểm xảy ra hành vi quản lý và sử dụng đất đai.”
[9] Điểm e khoản 2 Điều 10: “e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi;
đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa;
đất công trình xử lý chất thải rắn; đất công trình năng lượng,
chiếu sáng công cộng; đất công trình dầu khí; đất
công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông,
công nghệ thông tin; đất chợ
dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;”
[11] Khoản 5 Điều 14 dự thảo Luật
[12] Nội dung Điều này được chỉnh lý như sau: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ.”
[13] Trong đó: bỏ Điều 29 về thời điểm thực hiện quyền của người sử dụng đất; Điều 39 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, công trình trên không; Điều 41 về quyền và nghĩa vụ của cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất; gộp Điều 53 về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê vào Điều 37 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
[14] Điều 16 dự thảo Luật
[15] Điều 35 và Điều 38 dự thảo Luật
[16] Chuyển 01 Điều về giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi Luật này có hiệu lực thi hành xuống quy định chuyển tiếp; tăng 02 Điều để cụ thể hóa các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 59 về nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tách nội dung về kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thành một điều riêng (Điều 63))
[17] Điều 68 dự thảo Luật
[18] Điều 246 dự thảo Luật
[19] Điều 59 dự thảo Luật
[20] Điều 60, 61 và Điều 62 dự thảo Luật.
[21] Điều 61 dự thảo Luật
[22] Điều 66 dự thảo Luật
[23] Điều 76 dự thảo Luật
[24] Do ghép 02 điều quy định về nguyên tắc bồi thường về đất và nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất thành 01 điều chung (Điều 86).
[25] Điều 80 dự thảo Luật
[26] Điều 82 dự thảo Luật
[27] Điều 86 dự thảo Luật
[28] Điều 87 dự thảo Luật
[29] Từ Điều 91 đến Điều 95 dự thảo Luật
[30] Điều 97 dự thảo Luật
[31] Điều 105 dự thảo Luật
[32] Điều 106 dự thảo Luật
[33] Điều 111 dự thảo Luật.
[34] Điều 108 dự thảo Luật.
[35] Điều 120 quy định xử lý trường hợp giao đất, cho thuê đất trước ngày Luật này có hiệu lực
[36] Điều 112 dự thảo Luật
[37] Điều 121 dự thảo Luật
[38] Điều 122 dự thảo Luật
[39] Điều 115 dự thảo Luật
[40] Điều 118 dự thảo Luật
[41] Điều 237 dự thảo Luật
[42] - Bỏ Điều 141. Quy định chi tiết việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và Điều 145. Cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất;
- Ghép điều 135 Giấy tờ làm căn cứ công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất với Điều 136 Công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất thành Điều 134 Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất;
- Tách Điều 138 Công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất của Dự thảo thành 02 Điều là Điều 139 Cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức trong nước đang sử dụng đất và Điều 142 Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng: thêm 01 Điều.
- Thêm: (09 Điều, Luật hóa Nghị định 43) gồm: Điều 136. Cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014; Điều 137. Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao không đúng thẩm quyền; Điều 140. Cấp Giấy chứng nhận đối với đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau; Điều 141 Cấp Giấy chứng nhận đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Điều 143. Cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu; Điều 144. Cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp khu đất của một người sử dụng nằm trên nhiều đơn vị hành chính; Điều 145. Cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là nhà ở; Điều 146 Cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là công trình xây dựng không phải là nhà ở; Điều 147 Cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp Nhà nước đã có quyết định quản lý đối với đất đai, tài sản gắn liền với đất nhưng chưa thực hiện.
[43] Điều 146 dự thảo Luật
[44] Điều 147 dự thảo Luật
[45] Điều 148 dự thảo Luật
[46] Bỏ Điều 148. Điều tiết nguồn thu từ đất và Điều 157. Tư vấn xác định giá đất của bản dự thảo Luật lấy ý kiến Nhân dân
[47] Bổ sung Điều 160 và Điều 165 dự thảo Luật.
[48] Bổ sung Điều 186. Hoạt động lấn biển trên cơ sở tách khoản 3 Điều 185 (Đất có mặt nước ven biển).
[49] Văn bản số 2872/BCA-H02 ngày 11 tháng 8 năm 2022 của Bộ Công an và Văn bản số 2827/BQP-KTe ngày 18 tháng 8 năm 2022 của Bộ Quốc phòng
[50] Các điều 196, 197, 198, 199, 200, 201 và Điều 202 dự thảo Luật
[51] Điều 197 dự thảo Luật
[52] Điều 201 dự thảo Luật
[53] Điều 205 và Điều 206 dự thảo Luật
[54] Các điều 220, 221 và 222 dự thảo Luật
[55] Bỏ Điều 220 về kiểm toán về đất đai.
Báo Cáo Tiếp Thu, Giải Trình Ý Kiến Thẩm Định Của Bộ Tư pháp Đối Với Dự Án Luật Đất đai (sửa đổi)
Cơ quan ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ngày ban hành:
Số hiệu:
Mô tả:
Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
A1104-bc102-BTNMT-gtrinh-tham-dinh-DA-Luat-Dat-dai-sd---20220930095948.doc
Kính gửi: Chính phủ
Ngày 15 tháng 8 năm 2022, Bộ Tư pháp có Báo cáo số 133/BCTĐ-BTP về việc thẩm định đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, giải trình cụ thể như sau:
I. NỘI DUNG TIẾP THU
1. Về sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật với mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chính sách đã được thông qua trong đề nghị xây dựng Luật
- Rà soát toàn bộ nội dung dự thảo Luật để đảm bảo phù hợp của với phạm vi, đối tượng điều chỉnh và nội dung dự thảo Luật với chính sách đã được thông qua trong đề nghị xây dựng Luật.
- Cập nhật trong dự thảo Tờ trình về mục đích xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho phù hợp với mục đích, yêu cầu đã được thông qua trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên nguyên tắc thể chế đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng, xử lý các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư...
2. Tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật
2.1. Về tính hợp hiến
- Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 67). Tại mục IV.2.2.3 Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp “quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện rõ các nội dung này. Đề nghị xác định rõ nội hàm, khái niệm về “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” để quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc theo quy định của Hiến pháp. Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ các trường hợp thu hồi đất tại Điều 67 dự thảo Luật như dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn; dự án chỉnh trang khu đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn (làm rõ khái niệm chỉnh trang)... để cụ thể hoá các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, tránh tình trạng vướng mắc khi áp dụng trên thực tiễn, lạm dụng các trường hợp phát triển kinh tế để thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện nội dung này bảo đảm tính khả thi của quy phạm sau khi được ban hành.
- Bỏ quy định tại khoản 5 Điều 43 dự thảo Luật giao “Chính phủ quy định tiêu chí và quyết định khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh”.
2.2. Về tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật
- Về quy định liên quan đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: sửa đổi quy định về áp dụng pháp luật theo hướng quy định cụ thể các trường hợp áp dụng theo quy định của Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan tại Điều 4 dự thảo Luật.
- Về các quy định liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá:
+ Rà soát quy định về loại trừ tại khoản 1 Điều 65 dự thảo Luật để tránh bỏ sót các trường hợp.
+ Bỏ quy định“nhà đầu tư có năng lực về tài chính, có kinh nghiệm triển khai dự án và cam kết về tiến độ hoàn thành dự án với thời gian ngắn nhất” tại điểm d khoản 2 Điều 64 dự thảo Luật.
+ Tiếp thu làm rõ hơn các điều kiện tiêu chí thực hiện đấu giá, đấu thầu; bổ sung quy định dẫn chiếu trình tự, thủ tục đấu giá, đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá, đấu thầu....
- Về các quy định liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công:
+ Sửa đổi cụm từ “Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư” thành “Đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư” cho thống nhất với quy định của Luật Đầu tư.
+ Bỏ quy định giao “Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường quy định về điều kiện năng lực của đơn vị thực hiện điều tra, đánh giá đất đai tại điểm a khoản 1 Điều 34 dự thảo Luật. Bổ sung khoản 5 Điều 33 giao “5. Chính phủ quy định điều kiện về năng lực của tổ chức tư vấn thực hiện hoạt động điều tra, đánh giá đất đai”.
+ Bổ sung khoản 6 Điều 189 dự thảo Luật quyền chung của người sử dụng đất “6. Được quyền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật này và pháp luật về đầu tư”.
- Về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất: Sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 128 dự thảo Luật theo hướng: “Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là việc Nhà nước cho phép người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho toàn bộ thời gianhoặc một số năm sử dụng đấtkhi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản”.
- Về các quy định liên quan đến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản: đã rà soát, bổ sung vào khoản 5 Điều 56 dự thảo Luật trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất “xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ”.
- Rà soát các báo cáo vướng mắc, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật (Báo cáo số 442/BC-CP ngày 01/10/2020 của Chính phủ và Báo cáo số 20/BC-TCT ngày 28/01/2022 của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ) để hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật.
Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát các quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ luật Dân sự, Luật tín ngưỡng, tôn giáo… để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về các trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; quyền của người sử dụng đất, chế độ sử dụng các loại đất…
4. Về tính tương thích của nội dung dự thảo Luật với Điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCNViệt Nam là thành viên
- Bổ sung trong dự thảo Tờ trình mục tiêu, rà soát, đánh giá tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Rà soát các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ trong dự thảo Luật đảm bảo không trái các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
5. Về sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính; điều kiện bảo đảm nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành luật
- Hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính rà soát, xác định các thủ tục hành chính mới, thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung để đánh giá cho đầy đủ, đảm bảo tính minh bạch, cụ thể khi triển khai thực hiện trên thực tiễn.
- Bổ sung trong Tờ trình Chính phủ nội dung đánh giá về dự kiến nguồn lực và điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức thi hành Luật.
6. Một số vấn đề khác về nội dung của dự thảo luật
- Sửa đổi, bổ sung quy định giải thích từ ngữ tại Điều 3:
+ Sửa đổi, bổ sung khái niệm “tài sản gắn liền với đất” tại khoản 19 Điều 3 dự thảo Luật theo hướng: “19. Tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất, cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng và các tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật”.
+ Bổ sung giải thích từ ngữ về chuyển mục đích sử dụng đất.
- Rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật quy định về phân loại đất đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp khác, trên cơ sở đó đề xuất các quy định về chế độ sử dụng đất cho phù hợp với thực tiễn triển khai áp dụng.
- Về phân phân cấp, phân quyền giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc quyết định giá đất cụ thể theo hướng: Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Tiếp thu bổ sung nguyên tắc việc sử dụng đất để xây dựng các công trình ngầm, công trình trên không phải bảo đảm “không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng, khai thác, vận hành của các công trình lân cận cũng như các công trình đã có hoặc đã xác định trong quy hoạch xây dựng”.
- Về việc định giá đất, tổ chức định giá đất, trách nhiệm pháp lý của kết quả định giá đất khi xác định giá đất cụ thể, đảm bảo tính trung thực, khách quan, chính xác trong việc định giá đất: tiếp thu, bỏ quy định về tổ chức định giá đất cấp tỉnh, giao trách nhiệm xác định giá đất cho cơ quan quản lý đất đai.
- Về làm rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan định giá đất cấp tỉnh và mối quan hệ giữa cơ quan này với các cơ quan chuyên môn của tỉnh trong việc định giá đất và thẩm định giá đất: tiếp thu, bỏ quy định về tổ chức định giá đất cấp tỉnh, giao trách nhiệm xác định giá đất cho cơ quan quản lý đất đai.
- Bổ sung tại Điều 184 đất đa mục đích gồm những loại đất nào để phân định rõ mục đích chính, mục đích phụ đối với từng loại đất. Theo đó dự thảo Luật quy định đất sử dụng đa mục đích bao gồm đất sử dụng hỗn hợp và đất sử dụng kết hợp và khái niệm rõ đặc điểm của từng loại đất.
- Bổ sung tại Điều 185 dự thảo Luật về điều kiện để thực hiện điều chỉnh lại quyền sử dụng đất: “Phù hợp với quy hoạch đô thị”.
- Bổ sung quy định tại Điều 186 dự thảo Luật về xử lý trường hợp được tách thửa theo bản án của Tòa án nhưng diện tích tách thửa nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo hướng: “Trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của tòa án mà việc phân chia không đảm bảo các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa, trừ trường hợp thực hiện hợp thửa với thửa đất liền kề quy định tại điểm b khoản này”.
- Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai: cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao để xin ý kiến thống nhất nội dụng này; về việc cũng cấp thông tin phục vụ Tòa án nhân dân giải quyết và để người dân khởi kiện, đã quy đinh tại dự thảo luật, sẽ tiếp tục quy định chị tiết tại Nghị định của Chính phủ.
- Về ghi nhận cơ chế pháp lý về việc cho nộp hồ sơ đồng thời đăng ký biến động quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất: Bổ sung nguyên tắc lồng ghép trong việc thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính vào Điều 218 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đối với trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết đồng thời nhiều thủ tục tại cùng một thời điểm nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí xã hội.
- Về đề nghị bổ sung khoản 3 Điều 123 dự thảo Luật đối với trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận theo “Quyết định của Tòa án và cơ quan có thẩm quyền”: tiếp thu sửa lại theo hướng: Trường hợp trong quá trình thực hiện thi hành án, chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự phát hiện việc cấp Giấy chứng nhận không đúng quy định thì cần có kiến nghị với tòa án về thi hành bản án hoặc có thể kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thu hồi Giấy chứng nhận.
- Rà soát quy định tại Điều 234 về điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo không có khoảng trống của pháp luật trên thực tế sau khi Luật được ban hành.
7. Về ngôn ngữ, kỹ thuật và hồ sơ, trình tự, thủ tục soạn thảo
Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát về mặt ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
II. NỘI DUNG GIẢI TRÌNH ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT
1. Về sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước
Bộ Tư pháp đề nghị tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo thành các quy định pháp luật cụ thể trong dự thảo Luật, tránh việc nhắc lại đơn thuần các chủ trương trong Nghị quyết; trong đó lưu ý các quy định liên quan đến “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất”, “đất kết hợp sử dụng đa mục đích”; “đất nông nghiệp kết hợp thương mại dịch vụ”, “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại” …
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Thể chế các chủ trương, định hướng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai, cơ quan soạn thảo đã đề xuất các quy định cụ thể trong dự thảo Luật. Đối với một số nội dung có tính đặc thù cần hướng dẫn chi tiết, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc chung và giao cho Chính phủ hướng dẫn cho phù hợp.
1. Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật
1.1. Về các quy định liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá
(1) Về đề nghị cần quy định rõ trường hợp/điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất để cụ thể hóa hơn nữa giải pháp nêu tại mục IV.2.2.2 Nghị quyết số 18-NQ/TW. Còn Luật Đấu thầu quy định về hình thức, hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất. Theo hướng này, Luật Đấu thầu là luật về thủ tục sẽ quy định về hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh; Luật Đất đai là luật về nội dung sẽ quy định về các trường hợp/điều kiện thực hiện lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất thông qua đấu thầu. Đặc biệt, trong nội dung này, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc về việc có hay không việc ưu tiên áp dụng cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tối đa hóa giá trị quyền sử dụng đất, tối đa hóa quyền và lợi ích của nhà nước đối với quyền sử dụng đất; trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất thì mới áp dụng cơ chế đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Ngoài ra, quy định tại điểm k khoản 1 Điều 63: “các trường hợp không đấu giá do Thủ tướng Chính phủ quyết định” cần cân nhắc kỹ để tránh vướng mắc trong quá trình áp dụng. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định rõ một số nguyên tắc để Thủ tướng Chính phủ quyết định, đảm bảo bám sát, cụ thể hóa và phù hợp với chủ trương chỉ đạo “hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; bảo đảm công khai, minh bạch” nêu tại mục IV.2.2.2 Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã làm rõ các trường hợp đấu giá, các trường hợp đấu thầu. Về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc quyết định đấu giá quyền sử dụng đất, đây là quy định có tính chất dự tính để xử lý các trường hợp chính đáng phát sinh mới mà pháp luật không có dự liệu trước. Nội dung này đã được quy định trong Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục kế thừa quy định này.
(2)Về đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham khảo ý kiến các tổ chức, doanh nghiệp để chỉnh lý các quy định về tiêu chí, điều kiện đấu thầu dự án có sử dụng đất cho phù hợp, khả thi; tăng cường tính khách quan, công khai, minh bạch trong quy trình giao đất, cho thuê đất và góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (Điều 63), chủ yếu áp dụng cho các trường hợp được giao đất không thu tiền sử dụng đất, được miễn tiền sử dụng đất và thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước.
Đối với các trường hợp còn lại thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử đụng đất. Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung điều kiện đối với quỹ đất sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất; quy định về tiêu chí, điều kiện, phương thức lụa chọn nhà đầu tư để đấu thầu dự án có sử dụng đất (Điều 54, Điều 65).
Các quy định này tạo điều kiện tiếp cận đất đai một cách minh bạch, công bằng và phát huy nguồn lực đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để tham khảo ý kiến các tổ chức, doanh nghiệp nhằm rà soát, hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật; phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lấy ý kiến phản biện xã hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
1.2. Về các quy định liên quan đến Luật Quy hoạch
(1) Bộ Tư pháp cho rằng việc quy định quy hoạch sử dụng đất được lập ở 03 cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện là phù hợp với quan điểm tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, không có quy hoạch sử dụng cấp tỉnh. Do đó, trường hợp bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì cần bãi bỏ các quy định có liên quan tại Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch.
Đồng thời, đề nghị quy định điều khoản chuyển tiếp để xử lý đối với các quy hoạch có liên quan đến đất được lập, phê duyệt đang được các địa phương triển khai thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch. Đối với các quy định khác về trình tự, thủ tục, căn cứ lập quy hoạch, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, chỉnh lý phù hợp giữa Luật Đất đai và Luật Quy hoạch. Theo đó, căn cứ lập quy hoạch cần bám sát và cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo tại mục IV.2.2.1 Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Dự thảo đã quy định giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi Luật này có hiệu lực thi hành tại Điều 53, trong đó có quy định về việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sau khi Dự thảo Luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thực thi hành. Do đó Luật này không cần bãi bỏ điểm l khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch, chỉ rà soát lại nội dung cụ thể về nội dung nội dung phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện thành một khoản riêng và dẫn chiếu để thực hiện theo quy định của Luật Đất đai tương tự như Điều 28 Luật Quy hoạch đã quy định về nội dung quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn
Đồng thời cơ quan soạn thảo đã bám sát cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo tại mục IV.2.2.1 Nghị quyết số 18-NQ/TW và đã được thể chế tại các Điều 39, Điều 40, Điều 41 và Điều 42 dự thảo Luật về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện.
(2) Về đề nghị bám sát Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2023 (trong đó có chủ trương “lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh khác có quy định về quy hoạch; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước; nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn”).
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW, tại khoản 1 Điều 51 dự thảo Luật đã quy định về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó có nội dung quy định các quy hoạch theo quy định của Luật này có thể lập đồng thời. Quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.
1.4. Về các quy định liên quan đến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản
(1) Về việc rà soát các quy định về quản lý không gian sử dụng đất (Điều 182, 201 dự thảo Luật) để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Thể chế Nghị quyết 18/ NQ-TW, dự thảo Luật đã quy định để làm rõ phạm vi không gian sử dụng đất của người sử dụng đất, Điều 182 đã quy định theo hướng xác định độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không theo pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch đô thị. Ngoài phần không gian đã xác định cho người sử dụng đất, dự thảo Luật quy định Nhà nước thực hiện giao, cho thuê đất gắn với phần không gian sử dụng đất đó cho người sử dụng đất khác.
(2) Về đề nghị rà soát quy định về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng (Điều 216 dự thảo Luật) để đảm bảo phù hợp với Luật Kinh doanh bất động sản.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2013, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, đánh giá tác động đối với các vướng mắc phát sinh trong thực tế về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; do đó pháp luật về đất đai hiện hành đã quy định về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng trong khu đô thị và khu vực quy hoạch phát triển đô thị. Trên cở sở nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được quy định trong Luật Đất đai, trường hợp Luật kinh doanh bất động sản có quy định cụ thể hơn áp dụng đối với các tổ chức cá nhân đầu tư, kinh doanh bất động sản thì áp dụng theo quy định đó nhưng phải phù hợp với Luật Đất đai.
1.5. Về các quy định liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Phí, lệ phí
(1) Về đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các quy định tại dự thảo Luật về bảo đảm kinh phí xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai (Điều 138).
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Tại Điều 138 dự thảo Luật quy định “Kinh phí xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin đất đai được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn vay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn khác theo quy định của pháp luật”, nội dung này bao gồm cả kinh phí từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, các nguồn khác bảo đảm cho hoạt động của hệ thống. Quy định này nhằm làm rõ về nguồn kinh phí cho riêng hoạt động của hệ thống thông tin mà Luật đất đai hiện hành chưa có quy định, các địa phương chưa có căn cứ pháp lý thực hiện. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
(2) Về đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các quy định tại dự thảo Luật về về nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp (Điều 213).
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Việc khuyến khích chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp là chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm sản xuất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, cần thiết có quy định không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ đối với trường hợp này. Mặt khác, Luật thuế thu nhập cá nhân hiện chỉ có quy định miễn thuế thu nhập đối với trường hợp “Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất” (khoản 6 Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân) mà chưa xử lý đối với đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng do nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế. Do đó, đề nghị giữ nguyên như quy định tại dự thảo để thực hiện đúng quy định của Đảng, đồng thời xử lý được các trường hợp đất nông nghiệp chuyển đổi mà Luật thuế thu nhập cá nhân chưa điều chỉnh.
1.6. Về các quy định liên quan đến Luật Lâm nghiệp, Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy sản
Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các trường hợp “giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất” theo quy định của Luật Đất đai với các trường hợp “giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng” theo quy định của Luật Lâm nghiệp để quy định cho thống nhất.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng phấn cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tinh thông qua việc thu hồi đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án đầu tư tại địa phương. Việc phân cấp này thể chế đúng chủ trương tại mục 3 phần IV của Nghị quyết số 18-NQ/TW “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương...”
2. Một số vấn đề khác về nội dung của dự thảo luật
2.1. Về quy định chung Chương I
(1) Về hộ gia đình: Bộ Tư pháp cho rằng dự thảo Luật chưa quy định rõ cơ chế xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, trong đó có bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định theo hướng trường hợp quyền sử dụng đất hợp pháp, tài sản gắn liền với đất có quyền sở hữu hợp pháp thuộc hộ gia đình thì việc xác định từng phần quyền sở hữu của các thành viên hộ gia đình; việc đưa tài sản tham gia giao dịch dân sự, trong đó có bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được thực hiện theo quy định về hộ gia đình trong quan hệ dân sự tại Bộ luật Dân sự (Điều 101 - 104, Điều 212).
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Hộ gia đình sử dụng đất là chủ thể sử dụng đất, được quy định trong pháp luật đất đai qua nhiều thời kỳ, gắn liền với lịch sử, văn hóa của dân tộc và là một thành tố trong quan hệ xã hội.
Để làm rõ chủ thể nêu trên, tại khoản 33 Điều 3 dự thảo Luật đã khái niệm “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất”. Theo quy định này thì tất cả các thành viên trong hộ gia đình tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất đều có chung quyền sử dụng đất. Khi đưa quyền sử dụng đất tham gia các giao dịch dân sự phải được các thành viên trong hộ gia đình xác nhận theo quy định của pháp luật.
Hiện nay một số hồ sơ giấy tờ về việc giao đất không còn được lưu giữ nên khó xác định cá nhân nào trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất, vấn đề này cần xem xét tháo gỡ theo hướng có quy định chi tiết về việc xác định thành viên hộ gia đình trên cơ chế thỏa thuận dân sự của các thành viên để đảm bảo xác định rõ tư cách chủ thể trong thời gian tới.
Mặt khác, tại khoản 2 Điều 101 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: “2. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai.” Do đó, khoản 5 Điều 120 của dự thảo Luật đã quy định: “5. Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một Giấy chứng nhận ghi tên đại diện hộ gia đình trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện hộ gia đình. Trường hợp các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một Giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên Giấy chứng nhận do các thành viên này tự thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.”
(2) Về tài sản gắn liền với đất
Bộ Tư pháp cho rằng việc giải thích từ ngữ “tài sản gắn liền với đất” (khoản 19 Điều 3 dự thảo) còn chưa thật sự rõ, chưa bao quát hết các loại tài sản gắn liền với đất đã được quy định trong pháp luật về nhà ở, xây dựng, đầu tư hoặc luật khác liên quan (như: nhà ở riêng lẻ, các công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các dạng nhà ở kết hợp lưu trú - codotel, văn phòng kết hợp lưu trú - officetel…).
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Trong thực tiễn hiện nay có thể phát sinh hiện nay xuất hiện nhiều loại tại sản mới gắn liền với đất, để đảm bảo tính khái quát, tại khoản 19 Điều 3 dự thảo Luật đã quy định “Tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất…”. Theo quy định này đã bao quát được hết các loại tài sản như ý kiến của Bộ Tư pháp (gồm: nhà ở riêng lẻ, các công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các dạng nhà ở kết hợp lưu trú - codotel, văn phòng kết hợp lưu trú - officetel…).
(3) Về góp vốn bằng quyền sử dụng đất, góp quyền sử dụng đất
Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc gộp khoản 12, 13 dự thảo giải thích từ ngữ “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” và “góp quyền sử dụng đất” thành 1 mục để giải thích, trong đó nêu rõ 02 trường hợp góp vốn điều lệ của doanh nghiệp (có chuyển quyền sử dụng đất) và góp vốn để hợp tác sản xuất, kinh doanh trên cơ sở hợp đồng (không chuyển quyền sử dụng đất).
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Nội dung quy định tại khoản 12 và khoản 13 Điều 3 dự thảo Luật về giải thích từ ngữ là hai khái niệm khác nhau. Để đảm bảo phân biệt rõ các trường hợp và thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật đặc biệt liên quan đến việc góp quyền sử dụng đất để tập trung, tích tụ đất đai; do đó cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật.
(4) Về tổ chức kinh tế
Bộ Tư pháp cho rằng giống như Luật Đất đai năm 2013, dự thảo mới chỉ ghi nhận về việc tổ chức kinh tế, cá nhân có quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của cá nhân, hộ gia đình theo quy định của pháp luật mà chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng, khả thi về việc thực hiện quyền này. Đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý theo hướng xác định rõ điều kiện đối với tổ chức kinh tế và cá nhân là người nhận thế chấp; bổ sung quy định việc xác lập, thực hiện biện pháp thế chấp thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Điều 115 Bộ Luật dân sự quy định quyền sử dụng đất là một trong những quyền tài sản của người sử dụng đất, việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của cá nhân, hộ gia đình là việc thực hiện các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật về dân sự, theo đó Bộ Luật dân sự đã có quy định cụ thể về điều kiện và quyền, nghĩa vụ của bên thế chấp và bên nhận thế chấp… Ngoài ra việc xác lập, thực hiện biện pháp thế chấp đã được quy định tại Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, do đó đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật.
(5) Về chủ thể nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc không quy định phân biệt đối với từng trường hợp nhận thế chấp cụ thể đối với tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng hay cá nhân được nhận thế chấp mà có thể có quy định chung đối với nội dung này, trong đó, quy định cụ thể những trường hợp nào tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng hay cá nhân bị giới hạn thực hiện quyền trong nhận thế chấp.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Dự thảo luật đã có quy định cụ thể những trường hợp nào thì tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng hay cá nhân được quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Quy định như dự thảo là rõ ràng, dễ thực hiện nên không cần thiết có quy định chung về nội dung này.
(6) Về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 13)
Bộ Tư pháp cho rằng với quy định tại khoản 5, 6 Điều 13 dự thảo Luật thì chỉ hành vi “nhận” mới bị coi là hành vi cấm; còn hành vi “chuyển quyền” hoặc hành vi “chuyển nhượng quyền sử dụng đất” thì có bị nghiêm cấm, bị xử lý hay không? Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung, làm rõ quy định nêu trên.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Hành vi nghiêm cấm về chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật (bao gồm chuyển nhượng quyền sử dụng đất) đã được quy định tại khoản 4 Điều 13 dự thảo Luật.
2.2. Về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai (Chương II dự thảo Luật)
Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thể hiện rõ hơn nội hàm các quyền tiếp cận của công dân (mục 3 Chương II) trong hoạt động liên quan đến đất đai như quyền tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, quyền tiếp cận các thông tin đất đai, trong đó có quyền “tham gia quản lý nhà nước, thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai”, “quyền về bình đẳng giới trong sử dụng đất đai” để cụ thể hóa quy định tại dự thảo Luật được đầy đủ, rõ ràng và khả thi.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Tại mục 3 Chương II dự thảo Luật quy định quyền của công dân với tư cách đại diện chủ sở hữu, các quy định tại mục này là các quy định mang tính nguyên tắc chung nhất, các quyền và nghĩa vụ cụ thể của công nhân như quyền tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, quyền tiếp cận các thông tin đất đai, quyền tham gia các hoạt động quản lý nhà nước được quy định cụ thể tại các điều, khoản khác trong Luật này và quy định của Chính phủ.
2.3.Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (Chương V)
(1) Bộ Tư pháp cho rằng quy định tại Điều 58 dự thảo Luật chưa thể hiện rõ các trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền hàng năm, trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền một lần, có sự trùng lặp trong các trường hợp và việc trả tiền theo hình thức tùy nghi, chưa đảm bảo thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Bên cạnh đó, việc thu hẹp phạm vi đất thu tiền thuê đất một lần là đúng chủ trương nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW nhưng cần cân nhắc đánh giá kỹ tác động của quy định này, đồng thời vẫn bám sát chủ trương “thương mại hóa quyền sử dụng đất”.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Thể chế hóa về giao đất, cho thuê đất của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giao đất, cho thuê đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cụ thể: đã quy định cụ thể trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê gồm: (1) Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; (2) sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đối với các trường hợp còn lại thì Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Quy định như dự thảo sẽ không bị lặp lại và không bỏ sót các trường Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.
(2) Bộ Tư pháp đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định tạiĐiều 59 dự thảo Luật về về các tiêu chí, điều kiện, trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất đối với các loại đất tương ứng, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, công bằng và thực tiễn để làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các đối tượng có nhu cầu chuyển mục đích tại địa phương, đặc biệt là trường hợp chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đất ở.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể các trường hợp chuyển mục đích sử dụng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các điều kiên giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
(3) Dự thảo Luật bổ sung một số trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, tuy nhiên, một số trường hợp mang tính bao quát và có sự trùng lặp về nội hàm như: chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (trong đó cần làm rõ đất nông nghiệp là loại đất nào (đất trồng lúa, đất trồng cây nông nghiệp, đất rừng, đất chăn nuôi, đất nuôi trồng thủy sản...) sang đất phi nông nghiệp (đất sản xuất, kinh doanh hay đất ở). Việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp (đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm, đất rừng) sang mục đích là đất ở tại các địa phương trong thời gian qua cần phải có cơ chế kiểm soát, tránh tình trạng xin cho, phá vỡ quy hoạch; do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung để làm rõ căn cứ pháp lý đối với trường hợp này.
Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các tiêu chí, điều kiện để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất tại các doanh nghiệp cổ phần hóa, việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng sang đất ở, đất thương mại, dịch vụ; đất ven biển, đất ở các vùng có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng cũng cần được kiểm soát, quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng thất thoát ngân sách nhà nước, khó kiểm soát, đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế và giữ ổn định, bền vững an sinh xã hội, an ninh lương thực, bảo vệ và phát triển rừng, môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải được lập căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt (trong đó xác định diện tích đất nông nghiệp, đất trồng lúa, đất rừng được phép chuyển mục đích sử dụng đất), đồng thời người sử dụng đất xin chuyển mục đích sử dụng đất phải điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cụ thể: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua và phù hợp với Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được phê duyệt; Đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển; các khu vực hạn chế tiếp cận có liên quan đến quốc phòng, an ninh thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…); Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng các điều kiện có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư, ký quỹ hoặc các hình thức bảo đảm khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác trên địa bàn cả nước.
Ngoài ra, việc sử dụng đất vào mục đích sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất còn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan đến loại dự án cụ thể như: phải đủ điều kiện chuyển mục đích rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án; chuyển mục đích để thực hiện dự án nhà ở, khu đô thị, khu dân cư nông thôn phải đủ điều kiện theo pháp luật về nhà ở, quy hoạch đô thị, xây dựng...
(4) Bộ Tư pháp cho rằng điểm d khoản 2 Điều 62 dự thảo Luật đang quy định quỹ đất để đấu giá gồm đất do Nhà nước thu hồi khi sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh…. nhưng lại thiếu quy định đối với đất do Nhà nước thu hồi khi sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước. Loại đất này đang được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Như vậy, cùng một loại đất được điều chỉnh bởi hai văn bản, có thể dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung loại đất này vào dự thảo Luật.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Tại điểm d khoản 2 Điều 65 của dự thảo Luật đã quy định về “d) Đất do Nhà nước thu hồi khi sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước.” quy định này đã bao hàm cả trường hợp đất sử dụng làm trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước.
(5) Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung quy định về việc xử lý đối với các trường hợp đấu giá không thành. Điều 118 Luật Đất đai hiện nay quy định “Trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất”, tuy nhiên nên ưu tiên quy định theo hướng đấu giá không thành thì tổ chức đấu giá lại để đảm bảo tính minh bạch, khách quan, chỉ quy định việc giao đất, cho thuê đất mà không đấu giá sau khi đấu giá không thành 2 hoặc 3 lần.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Việc đấu giá không thành và tổ chức đấu giá lại là các quy định mang tính thủ tục, việc xử lý đấu giá không thành thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Dự thảo Luật đã bổ sung một khoản tại Điều 65 (khoản 5) theo hướng dẫn chiếu về Luật Đấu giá tài sản.
2.4.Về thu hồi đất, trưng dụng đất (Chương VI)
Bộ Tư pháp đề nghị Điều 66 dự thảo Luật thảo cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện, các trường hợp nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng khi triển khai thực hiện, đặc biệt đối với trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn sau đó chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó lưu ý đánh giá tác động của trường hợp nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án nhà ở thương mại ảnh hưởng đến đấu giá, đấu thầu.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bảo đảm công khai, minh bạch”, Điều 66 Dự thảo Luật đã quy định về sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, quá trình thảo luận còn có các ý kiến khác nhau:
- Loại ý kiến thứ nhất: không cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Đối với các dự án này, Nhà nước sẽ thu hồi đất và tổ chức đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
- Loại ý kiến thứ hai: cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án (bao gồm cả dự án đô thị, nhà ở thương mại) không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 67 và Điều 68 của Luật này mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất lựa chọn theo nhóm ý kiến thứ nhất để thể chế đúng quan điểm tại mục 2.2 phần IV Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, vấn đề này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Bộ đề nghị đưa ra 02 phương án để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở đó, sẽ tiến hành đánh giá tác động của từng phương án để đề xuất với cấp có thẩm quyền cho phù hợp.
2.6. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Chương VII)
(1) Bộ Tư pháp cho rằng quy định tại khoản 4 Điều 79 dự thảo Luật cần được đánh giá kỹ tác động về mặt xã hội, kinh tế - xã hội và an sinh của người bị thu hồi đất, lấy ý kiến của đối tượng bị thu hồi đất, bởi việc thực hiện theo phương án này có thể dẫn đến việc tùy nghi khi địa phương thực hiện chính sách bồi thường cho người dân không thỏa đáng, gây ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Ngoài ra, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định nguyên tắc xác định các loại tài sản, công trình, hoa màu gắn liền với quyền sử dụng đất trên đất được bồi thường.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Tại khoản 4 Điều 79 dự thảo Luật bổ sung thêm quy định “Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bằng tiền hoặc bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở”. Theo quy định này thì việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở chỉ được thực hiện khi người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở. Trường hợp người có đất thu hồi không có nhu cầu bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở thì vẫn được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với đất thu hồi; do đó, địa phương không thể tùy nghi khi thực hiện việc bồi thường gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Mặt khác, quy định này nhằm đa dạng hóa hình thức bồi thường, cho phép người có đất thu hồi được lựa chọn hình thức bồi thường nếu địa phương có điều kiện về quỹ đất khác nên đảm bảo quyền lợi, an sinh cho người sử dụng đất. Do đó, đề nghị giữ nguyên như nội dung như dự thảo Luật.
Về việc bổ sung quy định nguyên tắc xác định các loại tài sản, công trình, hoa màu gắn liền với quyền sử dụng đất trên đất được bồi thường, dự thảo Luật đã quy định khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường (tại Điều 88), đã bổ sung quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế mật độ về cây trồng, vật nuôi để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất (tại khoản 3 Điều 90). Đây là các cơ sở để địa phương thực hiện việc bồi thường về tài sản, công trình, hoa màu gắn liền với đất thu hồi. Do đó, Ban soạn thảo đề nghị giữ nguyên như nội dung như dự thảo Luật.
(2) Bộ Tư pháp đề nghị rà soát, quy định rõ các trường hợp bồi thường về đất, các trường hợp nào không được bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất; việc xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái đinh cư; trình tự, thủ tục của từng hoạt động trong quy trình thu hồi đất. Trong đó, quy định rõ cơ chế kiểm đếm, thời điểm tính giá đất, tài sản gắn liền với đất; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc tái định cư; việc bố trí đất ở, nhà ở, đảm bảo ổn định chỗ ở, an sinh xã hội, nghề nghiệp cho những đối tượng bị thu hồi đất bị ảnh hưởng.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
-
Quy định các trường hợp không được bồi thường về đất (Điều 87);
trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất(Điều 92); giá đất tính bồi thường theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (khoản 3 Điều 79); giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư, giá bán nhà ở tái định cư do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định (khoản 5 Điều 97); việc bồi thường nhà ở, công trình bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương (khoản 1 Điều 89); việc bồi thường về cây trồng, vật nuôi được xác định theo giá trị thiệt hại thực tế tại thời điểm thu hồi đất và người có vườn cây bị thu hồi được thu hoạch sản phẩm còn lại (Điều 90).
- Quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tái định cư; hỗ trợ khác và bổ sung quy định thành lập Quỹ hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập để đảm bảo quyền lợi, sinh kế cho người thu hồi đất bị hạn chế về khả năng lao động (Điều 94, 95).
- Quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền và phải tuân thủ pháp luật về nhà ở. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ (Điều 96).
Các quy định này về cơ bản đã đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp cho người có đất thu hồi, đảm bảo ổn định chỗ ở, an sinh xã hội, nghề nghiệp cho những người bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất. Do đó Ban soạn thảo đề nghị giữ nguyên như Dự thảo Luật.
2.7.Về phát triển quỹ đất (Chương VIII)
(1) Về đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ nội dung của Chương VIII để hạn chế phát sinh bộ máy nhà nước trong luật chuyên ngành; trường hợp phát sinh bộ máy nhà nước thì cần giải trình rõ căn cứ, lý do, sự cần thiết của quy định này, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Đối với Tổ chức phát triển quỹ đất sẽ không phát sinh bộ máy quản lý Nhà nước do bộ máy này được kế thừa từ các Tổ chức phát triển quỹ đất hiện hành để kiện toàn; đối với Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp là nhằm thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW và Bộ Tài nguyên và môi trường đã có Tờ trình số 47/TTr-BTNMT ngày 03 tháng 8 năm 2022 trình Chính phủ xem xét, quyết định, trường hợp Chính phủ không đồng ý thành lập Ngân hàng đất nông nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu, đề xuất chuyển chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này cho Tổ chức phát triển quỹ đất nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.
(2) Về đề nghị nghiên cứu kỹ chế định Quỹ phát triển đất về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý tài chính, kinh phí, cơ chế hoạt động, quản lý... để đảm bảo tránh tình trạng chồng chéo với các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan. Ngoài ra, nội dung Điều này quy định nhiều nội dung liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội (ứng vốn để thực hiện các nhiệm vụ của ngân sách nhà nước, có nguồn thu trùng với nguồn thu của ngân sách nhà nước), Nghị quyết số Nghị quyết 792/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (yêu cầu rà soát sát nhập các quỹ). Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá cụ thể về sự cần thiết, địa vị pháp lý của Quỹ phát triển đất, đảm bảo theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản liên quan.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp “Hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”. Do vậy, ngoài việc hoàn thiện về tổ chức, bộ máy của Tổ chức phát triển quỹ đất cần thiết phải hoàn thiện cả về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính cho các Tổ chức phát triển quỹ đất để bảo đảm hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý khai thác quỹ đất và thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất, hiện nay Bộ Tài chính đang được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng chính sách quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển đất; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan khác thuộc chức năng của Bộ Tài chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất (tại Văn bản số 347/TTg-CN ngày 15 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ). Do vậy, nội dung quy định về Quỹ phát triển đất của dự thảo Luật Đất đai sẽ thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản liên quan sau khi được sửa đổi, bổ sung.
(3) Vềđề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tổ chức phát triển quỹ đất quy định tại Điều 105 dự thảo Luật cho phù hợp, tránh chồng lấn với chức năng của các cơ quan có thẩm quyền khác tại địa phương. Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bám sát, cập nhật các nội dung liên quan đến Tổ chức phát triển quỹ đất đang được đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trong đó đặt ra giải pháp “Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường năng lực của Tổ chức phát triển quỹ đất, từng bước chuyển Tổ chức phát triển quỹ đất sang mô hình doanh nghiệp phát triển quỹ đất; phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ về đất đai” và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đặt ra nhiệm vụ, giải pháp “Hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” cho nên dự thảo Luật Đất đai đề xuất 02 mô hình Tổ chức phát triển quỹ đất để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định lựa chọn mô hình cho phù hợp.
Về chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất đã được rà soát, quy định các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động tạo lập, quản lý khai thác quỹ đất bảo đảm hiệu quả và thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Đối với các cơ quan có thẩm quyền khác tại địa phương có cùng chức năng, nhiệm vụ với Tổ chức phát triển quỹ đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định.
(4) Về quy định tại khoản 3 Điều 106 dự thảo Luật quy định hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Về vấn đề này, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, quy định thống nhất với pháp luật về thuế, phí và lệ phí. Trường hợp cần có chính sách ưu đãi thuế đối với Ngân hàng đất nông nghiệp, đề nghị nêu rõ về sự cần thiết, địa vị pháp lý, hoạt động… của Ngân hàng đất nông nghiệp cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Việc quy định nội dung liên quan đến Ngân hàng đất nông nghiệp là thể thế Nghị quyết 18-NQ/TW. Dự thảo Luật đã quy định mô hình, chức năng, kinh phí hoạt động của Ngân hàng nông nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết.
2.8. Về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Mục 2 Chương IX)
(1)Về đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tổng kết, đánh giá đối với cơ chế đăng ký theo “yêu cầu” trên để nhận diện những vướng mắc, bất cập (nếu có), đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi. Việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế đăng ký đất đai cũng cần bám sát, thể chế hóa quan điểm của Đảng về “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất”, “xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai” nêu tại mục IV.2.2.6 Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Việc quy định đăng ký đất đai là bắt buộc, đăng ký tài sản theo yêu cầu là kế thừa quy định của pháp luật đất đai năm 2013, pháp luật chuyên ngành đối với việc đăng ký tài sản trước đây, bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật chuyên ngành (Luật Nhà ở cũng không yêu cầu phải đăng ký bắt buộc đối với nhà ở, chỉ quy định trong một số trường hợp nhà ở khi tham gia giao dịch thì phải có Giấy chứng nhận). Quy định này đã được triển khai ổn định trong thực tiễn. Việc đề xuất bổ sung cơ chế bắt buộc đối với đăng ký tài sản đồng thời sẽ phải kèm theo chế tài xử phạt hành chính nếu không đăng ký, trong khi đó tài sản gắn liền với đất thường xuyên có sự biến động, thay đổi. Vì vậy việc quy định bổ sung sẽ gây khó khăn cho người dân, khó đảm bảo tính khả thi của pháp luật.
(2) Về đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đối với công trình xây dựng không phải là nhà ở (ví dụ: công trình xây dựng sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch) trong trường hợp đất thương mại cho thuê đất trả tiền hàng năm để làm căn cứ giao Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề này (Điều 122).
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Khoản 1 Điều 122 của dự thảo Luật Đất đai quy định các loại tài sản được chứng nhận quyền sở hữu. Đồng thời tại khoản 2 Điều 122 của dự thảo Luật Đất đai đã giao Chính phủ quy định việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất. Trên cơ sở đó, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tham mưu Chính phủ quy định trong Nghị định để hướng dẫn việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng nói chung, trong đó có công trình xây dựng không phải là nhà ở.
(3) Về đề nghị quy định cơ chế đăng ký biến động quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vào trong dự thảo Luật.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Về ý kiến bổ sung quy định cơ chế đăng ký biến động quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp xử lý tài sản bảo đảm mà bên có tài không hợp tác trong việc
chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người nhận chuyển quyền, dẫn đến người nhận chuyển quyền khó khăn trong việc đăng ký để chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu của mình, trong thời gian vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được phản ánh của một số tổ chức, cá nhân về việc này. Bộ đã tiếp thu đưa vào quy định trong quy định về nộp hồ sơ giải quyết thủ tục theo hướng không bắt buộc phải nộp văn bản bàn giao tài sản thế chấp trong hồ sơ đăng ký biến động mà chỉ phải nộp văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng thế chấp có nội dung thỏa thuận về xử lý tài sản thế chấp (khoản 1 Điều 2 của Thông tư số 09/2020/TT-BTNMT). Quy định này đã tháo gỡ vướng mắc mà ý kiến thẩm định nêu. Trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn Luật sẽ tiếp tục kế thừa quy định này mà không cần thiết bổ sung vào Luật.
2.9. Về tài chính đất đai, giá đất (Chương X)
(1) Chương X dự thảo Luật đã quy định về tài chính đất đai, giá đất theo định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW, theo đó, dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất, việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Như vậy, việc xác định giá đất cần có các tiêu chí, căn cứ và phương pháp định giá đất chính xác, phù hợp với thực tiễn của thị trường, phản ánh đúng giá trị thật của tài sản là quyền sử dụng đất, tránh tình trạng giá đất “ảo” do yếu tố đầu cơ, thao túng.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Các tiêu chí, căn cứ và phương pháp định giá đất sẽ được quy định cụ thể tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật của Chính phủ.
(2) Về đề nghị phân tích, đánh giá kỹ quy định về thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (tại khoản 3 Điều 126 dự thảo Luật) cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi vì tại thời điểm này đất chưa giải phóng mặt bằng, khó xác định các căn cứ để xác định giá đất khởi điểm trong phương án đấu thầu. Sau khi đấu thầu thành công, trên thực tế việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thường kéo dài nhiều năm nên tại thời điểm hoàn thành giải phóng mặt bằng, giao đất “sạch” cho nhà đầu tư, có thể có nhiều yếu tố thay đổi so với phương án đấu thầu (thay đổi về diện tích đất, quy hoạch sử dụng đất, cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư xung quanh khu đất,...); vì vậy, dự thảo Luật cần có quy định để đảm bảo việc thu đúng, đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước trong các trường hợp này.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 65 của Dự thảo Luật quy định: “4. Giá đất khởi điểm để đấu thầu dự án có sử dụng đất được xác định không quá 06 tháng trước thời điểm đấu thầu dự án có sử dụng đất và không được thấp hơn giá đất trong bảng giá đất.” Để xác định được giá khởi điểm để đấu thầu, tại điểm c khoản 1 Điều 65 đã quy định điều kiện “c) Khu đất thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500” làm căn cứ xác định giá khởi điểm để đấu thầu. Giá khởi điểm nay khi xác định đã là giá cho dự án được giả định trong tương lai để đảm bảo thu đúng thu đủ.
Như vậy, quy định giá đất trúng đấu thầu là căn cứ để xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất tại thời điểm công nhận kết quả trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất là phù hợp, khắc phục được bất cập hiện nay sau khi chủ đầu tư trúng thầu đã nộp giá trị m3 cho Nhà nước nhưng vẫn phải nộp cho nhà nước tiền sử dụng đất theo giá đất cụ thể được tính tại thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất.
(3). Về một số khái niệm mới tại dự thảo Luật như “bảng giá đất theo vùng giá trị đất”, “giá thửa đất chuẩn”, “hệ số điều chỉnh biến động giá đất’... Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định cụ thể về khái niệm, nội hàm và cách xác định của các thuật ngữ trên.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Tại khoản 40 và khoản 41 Điều 3 của Dự thảo Luật đã có quy định giải thích từ ngữ, theo đó:
Vùng giá trị đất là khu vực bao gồm nhiều thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng và có cùng các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất trong khu vực đó.
Giá của thửa đất chuẩn là giá trị của thửa đất có các đặc tính về quy mô diện tích, hình thể, kích thước mang tính đại diện cho các thửa đất trong vùng giá trị, được chọn làm thửa đất chuẩn để định giá cho các thửa đất khác trong vùng giá trị.
(4) Về quy định tại khoản 1 Điều 130 dự thảo Luật, Hội đồng nhân dân là cơ quan có thẩm quyền thông qua bảng giá đất, do đó, việc quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động không cần thông qua Hội đồng nhân dân là chưa đảm bảo thống nhất về thẩm quyền. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại cho phù hợp.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Trong dự thảo Luật cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất 02 phương án:
PA1: Giữ nguyên như dự thảo.
PA2: Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất đảm bảo phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi ban hành và công bố vào ngày 01 tháng 01 của năm và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
2.10. Về chế độ sử dụng đất (Chương XII)
(1) Về đề nghị quy định rõ tiêu chí thế nào là “dự án có vốn đầu tư lớn”, “thu hồi vốn chậm” tại khoản 3 Điều 141 dự thảo Luật.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Nội dung quy định tại khoản 3 Điều 141 dự thảo Luật “dự án có vốn đầu tư lớn”, “thu hồi vốn chậm” là dẫn theo quy định của pháp luật về đầu tư; theo đó việc xác định tiêu chí thế nào là dự án có vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm phải do pháp luật về đầu tư quy định.
(2) Về đề nghị đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc quy định “Trước khi hết hạn sử dụng đất ít nhất 06 tháng, người sử dụng đất có nhu cầu gia hạn sử dụng đất phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất” vì đối tượng sử dụng đất nông nghiệp thường là nông dân, hộ gia đình, cá nhân; một số trường hợp trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, thường ít chú ý đến thời hạn sử dụng đất do vẫn đang sử dụng đất ổn định. Do đó, nếu quy định quá chặt chẽ về nghĩa vụ gia hạn sử dụng dất sẽ dẫn đến tình trạng hết thời hạn sử dụng đất mới đề nghị gia hạn thì không tiến hành gia hạn được.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tại khoản 1 Điều 141 dự thảo Luật quy định khi hết thời hạn thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản này mà không phải làm thủ tục gia hạn.
Đối với các trường hợp khác, dự thảo quy định trước khi hết hạn sử dụng đất ít nhất 06 tháng, người sử dụng đất có nhu cầu gia hạn phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất, quy định này để đảm bảo cơ quan nhà nước có thẩm quyền thời gian xét duyệt các điều kiện như sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thẩm định nhu cầu sử dụng đất của người sử dụng đất... Ngoài ra quy định này đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm d Điều 211 dự thảo Luật về điều kiện thực hiện quyền của người sử dụng đất “Trong thời hạn sử dụng đất”.
(3) Về đề nghị nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động về tính khả thi của quy định tại Điều 146 dự thảo Luật để quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Việc quy định mở rộng hạn mức là thể thế Nghị quyết 18-NQ/TW, theo đó dự thảo Luật quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể cho phù hợp. Tại báo cáo đánh giá tác động, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có đánh giá tác động quy định này.
(4) Về đề nghị làm rõ tiêu chí tại khoản 3 Điều 147 dự thảo Luật: “được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ” để tránh trường hợp bị lạm dụng chính sách để xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Trường hợp giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này thì dự thảo Luật cũng cần xác định một giới hạn tối thiểu và giới hạn tối đa nhất định.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc chung và giao cho Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng đất kết hợp đảm bảo phù hợp với từng loại đất, quy mô diện tích và theo vùng, miền, để đảm bảo linh hoạt hơn trong quá trình thực hiện.
(5) Về đề nghị rà soát kỹ chế độ sử dụng đất chăn nuôi tập trung (Điều 152) để đảm bảo tính chất của mục đích sử dụng đất (đất phi nông nghiệp hay đất nông nghiệp), trên cơ sở đó quy định về việc quản lý, sử dụng đất này cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất của các loại đất tương ứng.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Tại Điều 11 của dự thảo Luật đã phân loại đất chăn nuôi là một loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp, theo đó nội dung Điều này quy định chế độ quản lý, sử dụng phù hợp với đặc điểm, tính chất của loại đất đã xác định.
(6) Về đề nghị nghiên cứu, quy định một số nguyên tắc của việc lấn biển, sử dụng đất lấn biển để làm căn cứ giao Chính phủ quy định.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Điều 158 Dự thảo Luật đã có quy định nguyên tắc việc sử dụng đất có mặt nước ven biển để thực hiện dự án lấn biển phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về nguyên tắc của hoạt động lấn biển, đây là các nguyên tắc mang tính kỹ thuật sẽ được quy định chi tiết tại văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
(7) Về đề nghị rà soát, đánh giá kỹ, thực tiễn về quản lý đất tôn giáo, tín ngưỡng tại các địa phương thời gian qua để kiến nghị quy định cho phù hợp với văn hóa tín ngưỡng và quỹ đất của địa phương, vùng miền, đồng thời quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện và hạn mức dành cho cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; trên cơ sở đó có chính sách về thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất đối với đất gắn với tín ngưỡng, tôn giáo nhưng mang tính chất dịch vụ.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan tổng kết, đánh giá việc sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng, trên cơ sở đó đề xuất quy định sửa đổi trong dự thảo Luật. Thể chế Nghị quyết 18-NQ-TW, tại khoản 3 Điều 178 dự thảo Luật đã quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo. Đối với đất tôn giáo, tín ngưỡng mang tính chất kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện theo quy định của các pháp luật khác có liên quan như luật đầu tư, luật doanh nghiệp… và được nhà nước giao đất, cho thuê đất tương ứng với loại đất và đối tượng sử dụng theo quy định của Luật này.
(8) Về đề nghị làm rõ nội dung quy định về trường hợp đăng ký đối với “quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không chưa đăng ký mà có nhu cầu đăng ký đồng thời với quyền sử dụng đất”.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Đây là các nội dung mới được đưa vào Luật, dự thảo Luật chỉ quy định các nội dung mang tính nguyên tắc và để Chính phủ quy định chi tiết; Chính phủ sẽ có lộ trình thí điểm để có cơ sở quy định cụ thể về việc đăng ký việc thực hiện quyền đối với các tài sản này.
2.11. Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (Chương XIII)
(1) Về đề nghị nghiên cứu quy định về thời điểm thực hiện các quyền của người sử dụng đất (Điều 191) để xử lý đối với trường hợp thi hành án mà tài sản đó đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, làm rõ thời điểm người thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Luật Đất đai đã có quy định là người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận theo quyết định của cơ quan thi hành án (điểm d khoản 1 Điều 99 của Luật Đất đai). Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng để điều chỉnh đối với trường hợp nêu trên khi thực hiện việc công chứng bán tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất thì trong thành phần hồ sơ không yêu cầu bắt buộc phải có Giấy chứng nhận (đối với trường hợp kê biên bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận để thi hành án). Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho người nhận chuyển nhượng theo quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án.
Đối với thời điểm người thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, tại khoản 2 Điều 191 và Điều 216 đã có quy định cụ thể các điều kiện là phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về tiến độ thực hiện dự án, nghĩa vụ tài chính…
(2) Về đề nghị bổ sung quy định tại dự thảo Luật về định nghĩa thế nào là “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất”; nguyên tắc và cách xác định “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất”; đồng thời, đề nghị bổ sung quy định người thế chấp, bán quyền thuê đất phải hoàn thành việc nộp tiền thuê đất bổ sung tương ứng với quyền thuê đất trong thời hạn thuê đất còn lại trước khi thực hiện việc thế chấp, bán hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đã được xác định trong hợp đồng thuê đất và đã được thể hiện trong các nội dung tại dự thảo Luật. Liên quan đến việc bổ sung quy định hoàn thành việc nộp tiền thuê đất đối với trường hợp này thì sẽ do Chính phủ quy định.
(3) Về đề nghị sửa đổi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 211 dự thảo Luật để xử lý đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản là quyền sử dụng đất và hết hạn sử dụng theo giấy chứng nhận đã cấp nhưng họ không gia hạn thời gian sử dụng.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Để điều chỉnh đối với trường hợp nêu trên, tại khoản 1 Điều 143 dự thảo Luật đã quy định “Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã nhận quyền sử dụng đất nông nghiệptrong hạn mức sử dụng của hộ gia đình, cá nhân thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành mà hết hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét cho gia hạn theo thời hạn quy định tại Điều 141 của Luật này”.
2.12. Về giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo (Chương XV)
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, Điều 203 Luật Đất đai hiện hành đang quy định đối với trường hợp tranh chấp đất đai mà người sử dụng đất không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai, đương sự có 02 sự lựa chọn: nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Việc quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như Luật Đất đai hiện hành tạo điều kiện cho đương sự có thêm nhiều quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Theo luật hiện hành, cơ bản các trường hợp tranh chấp đất đai đã do Tòa án nhân dân giải quyết, chỉ còn trường hợp không có giấy tờ (rất ít, vì cơ bản đã được cấp Giấy chứng nhận) là được lựa chọn cơ quan giải quyết là Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân, vì vậy để thống nhất thẩm quyền giải quyết, đỡ phức tạp cho việc lựa chọn cơ quan giải quyết, rành mạch trong việc giải quyết tranh chấp đất đai phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp của Nhà nước và thông lệ quốc tế, đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
2.13.Về công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất
(1) Về đề nghị bổ sung vào điểm a khoản 3 Điều 190 quy định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Việc đầu tư, xây dựng và giao dịch trong kinh doanh bất động sản được thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đó, tại Điều 17 của Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định việc công chứng, chứng thực hợp đồng kinh doanh bất động sản do các bên thỏa thuận. Do đó, đề nghị Quý Bộ kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền trong việc tham mưu xây dựng, sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản.
(2) Về đề nghị phân biệt rõ các thời điểm: (i) thời điểm có hiệu lực của giao dịch, hợp đồng có công chứng, chứng thực; (ii) thời điểm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; (iii) thời điểm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau:
Về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất và việc chuyển quyền sử dụng đất đã được dự thảo Luật quy định tại khoản 3 Điều 211. Đối với các nội dung khác có liên quan như thời điểm có hiệu lực của giao dịch, hợp đồng có công chứng, chứng thực; thời điểm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba đã được Bộ luật Dân sự và Luật Công chứng quy định.
Trên đây là nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường kính trình Chính phủ xem xét, quyết định./.
Văn Bản Góp Ý Của Các Bộ Ngành Đối Với Dự Án Luật Đất Đai
Cơ quan ban hành: Bộ Quốc phòng
Ngày ban hành:
Số hiệu:
Mô tả:
Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
A1105a-VB-gop-y-cua-cac-Bo-nganh-doi-voi-DA-Luat-Dat-dai---20220930095948.pdf
Báo Cáo Thẩm Định Dự án Luật Đất Đai( sửa đổi)
Cơ quan ban hành: Bộ Tư pháp
Ngày ban hành:
Số hiệu:
Mô tả:
Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
A1103-bc133-BTP-tham-dinh-DA-Luat-Dat-dai-sd---20220930095948.pdf
BẢNG TỔNG HỢP TIẾP THU, GIẢI TRÌNH Ý KIẾN GÓP Ý CỦA CÁC BỘ, BAN, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG ĐỐI VỚI DỰ THẢO DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Ngày ban hành:
Số hiệu:
Mô tả:
Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
A1105-Tong-hop-gtrinh-yk-gop-y-DA-Luat-Dat-dai-sd---20221003022649.doc
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Thanh tra Chính phủ
|
Đề nghị có quy định tổng quan về đất đai như khái niệm, vai trò, chức năng, giá trị đối với quốc gia dân tộc, công dân…
|
|
Luật này quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
|
Liên đoàn Luật sư Việt Nam
|
Đề nghị cần làm rõ khái niệm, nội hàm của “sở hữu toàn dân” trong quá trình định hướng hoàn thiện chính sách về đất đai.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
2. Người sử dụng đất.
|
Viện Nghiên cứu Thanh niên
|
Sửa đổi thành “các chủ thể có quyền sử dụng đất” thay vì “người sử dụng đất”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định về người sử dụng đất được kế thừa quy định của luật đất đai qua các thời kỳ và được áp dụng ổn định không có vướng mắc. Tại Điều về người sử dụng đất của dự thảo Luật đã quy định cụ thể người sử dụng đất bao gồm những đối tượng nào.
|
|
|
|
|
1. Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ; được gắn mã định danh duy nhất.
|
TU Bạc Liêu, UBND Bạc Liêu:
|
Đề nghị nêu rõ thêm cụm từ “mã định danh”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất.
|
Sở GTVT Hải Dương
|
Đề nghị sửa như sau: “Kế hoạch sử dụng đất là việc xác định các khoảng thời gian và mốc thời gian cụ thể để thực hiện quy hoạch sử dụng đất”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
7. Nhà nước giao quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Nhà nước giao đất) là việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất.
|
TU, Sở TNMT Hậu Giang, HĐND, TU Phú Thọ,
|
Đề nghị thay cụm từ “trao” bằng từ “giao” và thống nhất cụm từ “giao quyền sử dụng đất” này tại khoản 8, khoản 9, khoản 14 Điều 3 và Điều 5 dự thảo.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND Đồng Nai.
|
Đề nghị bổ sung thêm đối tượng có trách nhiệm trong quản lý đất đai cụ thể: “Nhà nước giao quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Nhà nước giao đất) là việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất và đối tượng có trách nhiệm trong quản lý đất đai”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND TP Hà Nội
|
Các thuật ngữ “Nhà nước giao quyền sử dụng đất”, “Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất”, “Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất” chưa thống nhất với Điều 17 của dự thảo (giao đất, cho thuê đất thông qua quyết định; công nhận quyền sử dụng đất thực hiện bằng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)
|
9. Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc ban hành quyết định công nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất xác định.
|
TU, UBND Quảng Bình, UBND Sóc Trăng
|
Đề nghị bỏ cụm từ “… thông qua việc ban hành quyết định…” Lý do: Từ trước đến nay chỉ ký giấy chứng nhận không ban hành quyết định, nay dự thảo quy định phải ban hành quyết định công nhận như vậy là thêm thủ tục hành chính, tạo sự khác biệt về hồ sơ lưu trữ các thời kỳ. Đề nghị sửa để giữ nguyên như quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Đất đai 2013.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
TU, UBND Quảng Bình, UBND Sóc Trăng
|
Đề nghị bổ sung sau khoản 9 một khoản để định nghĩa rõ: “Mục đích sử dụng” là mục đích sử dụng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quyền sử dụng đất hoặc cho thuê quyền sử dụng đất ghi trên quyết định giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất ghi trên GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: tại Điều 12 của dự thảo Luật đã có quy định về căn cứ xác định loại đất.
|
10. Chuyển mục đích sử dụng đất là việc người sử dụng đất được thay đổi từ mục đích đất đang sử dụng sang sử dụng mục đích đất khác theo quy định của Luật này.
|
STNMT Hà Nam
|
Điều chỉnh như sau: “Chuyển mục đích sử dụng đất là việc người sử dụng đất được thay đổi từ mục đích đất được quyền sử dụng sang sử dụng mục đích đất khác theo quy định của Luật này”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bộ VHTTDL, Thanh tra Chính phủ
|
Sửa đổi như sau: “10. Chuyển mục đích sử dụng đất là việc người sử dụng đất được thay đổi từ mục đích đất đang sử dụng sang mục đích sử dụng đất khác theo quy định của Luật này”
|
11. Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
|
UBND tỉnh Lai Châu;
|
Đề nghị sửa thành “Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất này sang người sử dụng đất khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.” - Lý do: Để thống nhất với các khoản khác tại Điều này và Điều 6 (Người sử dụng đất).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Viện nghiên cứu Thanh niên
|
Sửa đổi: “chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ chủ thể có quyền sử dụng đất này sang chủ thể khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, từ thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.
|
12. Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên về chuyển quyền sử dụng đất thông qua việc góp quyền sử dụng đất để tạo thành giá trị tài sản trong vốn điều lệ của doanh nghiệp, bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
|
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
|
Xem lại đảm bảo thống nhất với quy định tại Khoản 13 “13. Góp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất góp quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, chủ thể khác mà không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
13. Góp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất góp quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, chủ thể khác mà không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.
|
UBND Đồng Tháp
|
Thay thế cụm từ “chủ thể khác” bằng những cụm từ chỉ rõ (cụ thể) đối tượng được tham gia vào việc góp quyền sử dụng đất, bởi vì từ “chủ thể” được hiểu là “cá nhân” hoặc “tổ chức”, nhằm tránh trường hợp gây khó hiểu hoặc hiểu nhầm đối tượng khi áp dụng thực hiện vào thực tế.
|
15. Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại bằng đất hoặc giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất.
|
Hiệp hội BĐS Tp.. HCM
|
Đề nghị bổ sung cụm từ “và các chính sách hỗ trợ” và sửa đổi khoản 15 Điều 3 như sau: “Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại bằng đất hoặc giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi và các chính sách hỗ trợ cho người sử dụng đất.”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở GTVT Hải Dương
|
Đề nghị sửa như sau: “Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất”.
|
Viện nghiên cứu thanh niên
|
Sửa lại: “Bồi thường về đất là việc nhà nước hoàn lại một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất khác tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất”.
|
16. Chi phí đầu tư vào đất còn lại bao gồm chi phí san lấp mặt bằng và chi phí khác liên quan trực tiếp có căn cứ chứng minh đã đầu tư vào đất mà đến thời điểm Nhà nước thu hồi đất còn chưa thu hồi được.
|
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
|
Đề nghị sửa lại như sau “Chi phí đầu tư vào đất còn lại bao gồm chi phí san lấp mặt bằng và chi phí khác liên quan trực tiếp có căn cứ chứng minh người sử dụng đất đã đầu tư vào đất mà đến thời điểm Nhà nước thu hồi đất còn chưa thu hồi được.” để đảm bảo rõ ràng
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
17. Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trợ giúp cho người có đất thu hồi để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển.
|
Hiệp hội BĐS tp. HCM
|
Đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc giải quyết chỗ ở tạm thời (tạm cư) hoặc thanh toán tiền để người được tái định cư lo chỗ ở trong thời gian chờ được tái định cư tại chỗ” và sửa đổi khoản 17 Điều 3 như sau: Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trợ giúp cho người có đất thu hồi để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển, hoặc giải quyết chỗ ở tạm thời (tạm cư) hoặc thanh toán tiền để người được tái định cư lo chỗ ở trong thời gian chờ được tái định cư tại chỗ.”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
18. Đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.
|
TU, HĐND Tiền Giang, TU Phú Thọ
|
Tại Khoản 18 Điều 3 Dự thảo Luật quy định: “Đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính”. Trong khi đó, tại Điểm b Khoản 1 Điều 217 Dự thảo Luật nêu: “Thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, công nhận quyền sử dụng đất”.
Kiến nghị điều chỉnh thống nhất trong sử dụng từ ngữ, ví dụ như: Thủ tục đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất,…
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
23. Giá đất là giá trị bằng tiền Việt Nam tính trên một mét vuông đất với thời hạn sử dụng đã được xác định.
|
Bộ Tài chính
|
Giá đất thực chất chính là giá trị của quyền sử dụng đất nên quy định khái niệm như dự thảo là chưa phản ánh đúng bản chất trên; vì vậy, Đề nghị sửa lại cho phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
25. Tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất,cho phép chuyển mục đích sử dụng đất,công nhận quyền sử dụng đất.
|
HĐND Long An, HĐND Phú Thọ, TU Hậu Giang, UBND Vĩnh Phúc, HĐNĐ Hải Dương, UBND Quảng Trị, Sở TNMT Hậu Giang, Tỉnh Ủy Phú Thọ
|
Bổ sung giải thích: “Tiền thuê đất”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
30. Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập, có chức năng thực hiện các hoạt động dịch vụ công theo quy định của pháp luật.
|
UBND Điện Biên, TU Điện Biên, Tỉnh ủy Thái Nguyên
|
Đề nghị bỏ nội dung “Đơn vị sự nghiệp công lập”; lý do: Để nội dung được ngắn gọn, tránh trùng lặp vì khái niệm này đã được giải thích tại khoản 1, Điều 9 Luật Viên chức 2010.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND Đắk Lắk
|
Trong dự thảo lại sử dụng cụm từ “tổ chức sự nghiệp công lập”, vì vậy cần sử dụng cho thống nhất; trường hợp 2 cụm từ này khác nhau, thì cần bổ sung giải thích từ ngữ thế nào là “tổ chức sự nghiệp công lập”
|
31. Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
|
HĐND Yên Bái
|
Đề nghị sửa lại như sau: “Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanhtheo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.” Phù hợp với khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư 2020
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
34. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.
|
Tỉnh Ủy Kon Tum, BCS đảng UBND tỉnh Kon Tum
|
Quy định Văn bản chứng minh Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó; nội dung này chưa cụ thể, rõ ràng, vì có thể hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và cho thuê đất thì vẫn có thu nhập từ diện tích đất này.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND, UBND, STNMT, Ninh Thuận
|
Đề nghị bổ sung thêm trường hợp đang sử dụng đất nông nghiệp mà chưa được Nhà nước công nhận.
|
HĐND Bến Tre, UBND Bình Phước
|
Đề nghị bỏ nội dung hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo tính công bằng với các hộ gia đình, cá nhân khác.
|
UBND Quảng Trị
|
Tại khoản 34, đề nghị giải thích từ ngữ về Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, đề nghị cần giải thích cụ thể hơn để thống nhất chung khi áp dụng thực hiện (cần quy định cụ thể như đã quy định tại Điều 3, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
|
35. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ.
|
HĐND Nghệ An
|
Đề nghị bổ sung cụm từ “khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu” vào sau từ “tổ dân phố”
|
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Khái niệm này được kế thừa Luật Đất đai qua các thời kỳ và có tính đặc thù của quan hệ đất đai.
|
HĐND Vĩnh Long
|
Đề nghị bổ sung cụm từ “khóm, khu” vào phía sau từ “ấp” để phù hợp với tên gọi địa giới hành chính của Khu vực đồng bằng sông Cửu Long
|
UBND Nghệ An
|
Chưa thống nhất với quy định tại khoản 24 Điều 2 Luật Lâm nghiệp năm 2017: “Cộng đồng dân cư bao gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, điểm dân cư tương tự và có cùng phong tục, tập quán”
|
36. Tập trung đất nông nghiệp là việc tăng quy mô diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua phương thức hợp tác, chuyển đổi hoặc thuê quyền sử dụng đất của người khác mà không làm mất đi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.
|
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
|
Yêu cầu của “Tập trung đất nông nghiệp” là không làm mất đi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất. Tuy nhiên, “chuyển đổi” là một trong các hình thức chuyển quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 11 Điều 3 Dự thảo Luật. Do đó, đề nghị xem lại đảm bảo thống nhất, phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
39. Vùng phụ cận các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn là vùng đất tiếp giáp với các công trình, dự án đó theo quy hoạch.
|
UBND Thừa Thiên Huế, UBND Vĩnh Phúc, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, HĐND tỉnh Thái Bình; UBND tỉnh Lạng Sơn, Bạc Liêu
|
Giải thích từ ngữ: Đề nghị xem xét bổ sung giải thích từ ngữ đối với “vùng phụ cận các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng...”.Đề nghị điều chỉnh cụm từ “công trình hạ tầng kỹ thuật” và “công trình xây dựng kết cấu hạ tầng” phải đồng nhất khái niệm.
Đề nghị cần giải thích rõ hơn; có quy định cụ thể vùng này theo diện tích hay theo các dự án tiếp giáp như thế nào? Đề nghị nghiên cứu giải thích theo hướng đưa ra một khoảng cách nhất định (ví dụ, phạm vi 20m hoặc 30m trở ra tính từ mốc giới đất của các công trình, dự án đó) giữa vùng phụ cận và các công trình, dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
41. Giá của thửa đất chuẩn là giá trị của thửa đất có các đặc tính về quy mô diện tích, hình thể, kích thước mang tính đại diện cho các thửa đất trong vùng giá trị, được chọn làm thửa đất chuẩn để định giá cho các thửa đất khác trong vùng giá trị.
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Khoản 41 giải thích từ ngữ Giá của thửa đât chuẩn tuy nhiên tại các Điều 130, 131 dự thảo Luật lại ghi là giá thửa đất chuẩn. Đề nghị thống nhất quy định theo một tên gọi.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bổ sung thêm khái niệm “Gia hạn sử dụng đất” để phân biệt với việc điều chỉnh thời gian sử dụng đất của dự án vì việc xác định nghĩa vụ tài chính khác khau.
Dự thảo sử dụng cụm từ “tổ chức sự nghiệp công lập”, “đơn vị sự nghiệp công lập tự chú tài chính”, “đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chù tài chính” Đề nghị quy định một cụm từ chung là “đơn vị sự nghiệp công lập” để phù hợp với quy định pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập hiện hành.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bỏ cụm từ “có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước” vì khó chứng minh được vốn chuyển nhượng không thuộc NSNN. Bên cạnh dó, tại khoản 9 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định: “Vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm vốn chủ sở hừu của doanh nghiệp và vốn do doanh nghiệp huy động”; theo quy định nêu trên thì tiền của DNNN sử dụng để hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó có trường hợp dùng để nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất đều xác định là tiền vốn của DNNN.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: hiện nay có các doanh nghiệp nhà nước có hoạt động kinh doanh bất động sản, do đó cần có sự phân biệt nguồn gốc tiền nhà nước đã cấp cho doanh nghiệp và tiền doanh nghiệp có được từ hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh.
|
|
|
Ý kiến khác
|
|
|
Bộ KH&ĐT, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, STNMT Quảng Ngãi, UBND Bạc Liêu, UBND Quảng Trị, Sở KH-ĐT Hải Dương, UBND tỉnh Hà Giang, HĐND tỉnh Thái Bình, HĐND Hà Tĩnh, UBND Nghệ An, Sở TNMT Hà Tĩnh, HĐND Hà Tĩnh, UBND Thừa Thiên Huế, Sở TNMT Hưng Yên, HĐND tỉnh Đắk Lắk HĐND tỉnh Thái Bình, Bộ VHTTDL, Viện Nghiên cứu Thanh niên, BCS Đảng UBND tỉnh Kon Tum, HĐND Hải Dương, UBND Vĩnh Long
|
Một số ý kiến khác đề nghị chi tiết và cụ thể, vì nội dung giải thích từ ngữ trong dự thảo này còn mang tính chung chung chưa sát thực theo thực tế, khó tổ chức thực hiện đồng thời đề nghị bổ sung các thuật ngữ sử dụng trong Luật Đất đai qua các thời kỳ, Luật khác có liên quan hoặc các văn bản dưới luật như: “ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi”, “Hộ kinh doanh”, “Khu đất”, Đất chưa giao”, “Đất chưa sử dụng”, “Đất dự phòng”, “Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp", “đang sử dụng đất”, “đất vườn ao”, "tiếp cận đất đai", “đất”, “đất đai”; cụm từ “quản lý hoạt động dịch vụ về đất đai”, đất hoang, việc khai hoang, phục hóa, “Dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn”, “Khu vực hạn chế tiếp cận đất đai”, “đăng ký biến động đất đai”, “khu chức năng”, tổ chức”, “công dân”, “đồng quyền sử dụng đất” và “chung quyền sử dụng đất”, Nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất”, “Giá đất phổ biến trên thị trường”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
UBND tỉnh Đồng Nai, Tỉnh ủy Đồng Nai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, HĐND tỉnh Thái Bình
|
Bổ sung một số từ ngữ, cụm từ như: Lấn, chiếm đất đai,
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
UBND tỉnh Lạng Sơn, Bạc Liêu
|
Giải thích từ ngữ: Đề nghị xem xét bổ sung giải thích từ ngữ đối với "khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
Quản lý và sử dụng đất đai phải thực hiện theo quy định của Luật này. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này và luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
|
Sở TNMT Hậu Giang, HĐND Bến Tre, HĐND Cà Mau, TU Phú Thọ, Tổng cục Biển hải đảo, Tỉnh ủy Bến Tre, UBND Bến Tre, UBND tỉnh Cà Mau, HĐND Long An, HĐND Nghệ An, HĐND Phú Thọ, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, HĐND Hải Dương, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam)
|
Đề nghị xem xét lại cho phù hợp với khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Viện nghiên cứu thanh niên
|
Sửa lại: “Điều 4. Áp dụng pháp luật
1. Việc quản lý và sử dụng đất đai phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và các quy định có liên quan
2. Hoạt động quản lý và sử dụng đất đai có tính chất đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó.
3. Hoạt động quản lý và sử dụng đất đai có tính chất đặc thù chưa được quy định trong các luật khác thì áp dụng quy định của Luật Đất đai”.
|
STNMT Ninh Bình
|
Sửa đôi: “Quản lý và sử dụng đất đai phải thực hiện theo quy định của Luật này. Các quy định chuyên ngành liên quan tới việc quản lý, sử dụng phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này và luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
|
HĐND Tiền Giang
|
Đề nghị thay cụm từ “Luật này” thành cụm từ “pháp luật về đất đai” phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật về đất đai (Luật, Nghị định, Thông tư) và yếu tố lịch sử trong quản lý đất đai
|
HĐND Gia Lai
|
Chỉnh sửa cụm từ: “Luật Đất đai” thành cụm từ “Luật này” như sau: “…Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này và luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật này”.
|
Ngân hàng nhà nước Việt Nam
|
Đề nghị cân nhắc bỏ quy định tại Điều này. Trong trường hợp giữ lại quy định này cần rà soát và cụ thể hóa tại quy định của dự thảo Luật theo hướng: quy định nào áp dụng quy định tại Luật Đất đai, quy định nào áp dụng theo pháp luật thuộc các lĩnh vực khác để không gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện.
|
|
Bộ KH&ĐT
|
Việc bổ sung nguyên tắc áp dụng pháp luật để giải quyết mối he quan giữa Luật Đất đai với các Luật khác là cần thiết. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ lưỡng quy định tại Điều 4 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các Luật và phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Đề nghị rà soát để thống nhất với Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và kinh doanh bất động sản.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
Bộ KH&ĐT
|
Hơn nữa, để phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và Luật Đất đai, đề nghị bổ sung vào Khoản 1 Điều 4 việc loại trừ áp dụng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư tương tự như dấu giả, đấu thầu, theo đó bổ sung: “Việc thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định cua Luat Dau tu"
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai không quy định về nội dung này do đó việc đưa vào Điều 4 là không phù hợp.
|
|
|
|
|
|
UBND, HĐND tỉnh Nghệ An,
|
Thống nhất về cách gọi “người sử dụng đất” hoặc “người có nhu cầu sử dụng đất” trong toàn dự thảo (không sử dụng cụm từ “đối tượng sử dụng đất”, “đối tượng có nhu cầu sử dụng đất”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì cụm từ “đối tượng sử dụng đất”, “đối tượng có nhu cầu sử dụng đất” được áp dụng phù hợp trong từng trường hợp cụ thể trong dự thảo Luật này không mâu thuẫn với cụm từ người sử dụng đất quy định tại Điều này.
|
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao theo quy định của Luật này, bao gồm:
|
Bộ Thông tin và Truyền thông
|
Đề nghị bổ sung như sau: “Người sử dụng đất khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung theo quy định của Luật này”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: theo quy định tại Điều 51 của Luật Công nghệ thông tin quy định khu công nghệ thông tin là khu công nghệ cao. Theo đó nội dung Điều này đã có quy định người sử dụng đất trong khu công nghệ cao.
|
HĐND Tiền Giang
|
Bổ sung cụm từ “là tổ chức, cá nhân” như sau: “người sử dụng đất là tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất…
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Luật Đất đai có một số chủ thể đặc biệt như hộ gia đình, cộng đồng dân cư do đó việc quy định như kiến nghị không đảm bảo bao quát hết các chủ thể của Luật Đất đai.
|
HĐND Hải Dương
|
Đề nghị quy định cụ thể đối với trường hợp người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất là Liên doanh từ hai nhà đầu tư trở lên và tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác giữa hai cá nhân hoặc hai pháp nhân trở lên.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau:
Đối với trường hợp liên doanh thì các bên phải thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, khi đó nhà nước sẽ giao đất cho doanh nghiệp liên doanh.
Đối với trường hợp liên danh hoặc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) thì nhà nước thực hiện giao đất cho thuê đất một trong các bên.
|
Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam
|
Xem xét lại quy định về người sử dụng đất đối với người nước ngoài để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này không được nêu trong Nghị quyết số 18/NQ-TW do đó không có cơ sơ thể chế hóa vào nội dung dự thảo.
|
1. Tổ chức trong nước gồm:
|
|
|
|
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự;
|
Sở TNMT, UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở TNMT Hà Tĩnh, HĐND Hà Tĩnh
|
Đề nghị chỉnh sửa cụm từ “tổ chức sự nghiệp công lập” thành “đơn vị sự nghiệp công lập ” cho thống nhất với khoản 30 Điều 3 của Dự thảo.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
c) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất (sau đây gọi chung là tổ chức tôn giáo).
|
STNMT Hà Nam
|
Định nghĩa rõ cơ sở tôn giáo hay là tổ chức tôn giáo cho đồng nhất với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: để thống nhất với Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng, dự thảo Luật đã rà soát đối tượng sử dụng đất tôn giáo là tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc.
|
TU, UBND Quảng Bình
|
Đề nghị định nghĩa rõ hơn để xác định chính xác quy mô của “tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất” nhằm tránh hiểu nhầm để yêu cầu giao đất xây dựng các cơ sở tôn giáo khó kiểm soát.
|
2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân).
|
Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Dự thảo Luật không có quy định về cách xác định thành viên hộ gia đình; Xem xét không quy định chủ thể tham gia xác lập thực hiện giao dịch là hộ gia đình sử dụng đất mà quy định rõ chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch là các thành viên của hộ gia đình. Trường hợp dự thảo Luật vẫn quy định chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình thì đề nghị quy định rõ căn cứ xác định hoặc cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xác nhận thành viên hộ gia đình sử dụng đất
|
Cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Hộ gia đình sử đất đã được quy định tại Điều về giải thích từ ngữ của dự thảo Luật. Đồng thời tại điều về nguyên tắc, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận của dự thảo Luật.
|
7. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
|
BKHĐT
|
Đề nghị áp dụng khái niệm tổ chức kinh tế có vốn đàu tư nước ngoài theo hướng đồng bộ với Luật Đầu tư; tổ chức kinh tế có vốn đàu tư nước ngoài từ 50% trở xuống có các quyèn như nhà đầu tư trong nước.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu và báo cáo các cấp có thẩm quyền để quy định trong dự thảo Luật.
|
|
|
|
|
1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
|
Viện Khoa học Tài nguyên nước
|
Đề nghị sửa thành: “Sửa thành “Đúng mục đích sử dụng đất”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; đất phi nông nghiệp đã giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và công trình công cộng khác của xã, phường, thị trấn.
|
Bộ VHTTDL
|
Chỉnh sửa như sau: “2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn … vui chơi, giải trí, thăm quan, du lịch, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và công trình công cộng khác của xã, phường, thị trấn”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì “thăm quan, du lịch” không phải là một loại đất mà đây là một hoạt động du lịch.
|
STNMT Quảng Ngãi
|
Đề nghị bổ sung thêm cụm từ “đất nông nghiệp đang quản lý”vì thực tế UBND xã, phường, thị trấn đang quản lý đất nông nghiệp ngoài quỹ đất công ích; do đó đề nghị điều chỉnh thành: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích, đất nông nghiệp đang quản lý;…”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này được kế thừa từ Luật đất đai năm 2003 và 2013. Đối với đất nông nghiệp mà UBND xã đang quản lý không phải là đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích thì có thể thuộc loại đất bãi bồi, ven sông ven biển chưa giao chưa cho thuê. Loại đất này đã được quy định tại Điều về người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý của dự thảo Luật.
|
5. Thành viên hộ gia đình sử dụng đất hoặc người đại diện cho hộ gia đình sử dụng đất đối với việc sử dụng đất của hộ gia đình.
|
TU Phú Thọ, HĐND Phú Thọ, UBND Phú Thọ
|
Đề nghị sửa thành “Đại diện cho hộ gia đình sử dụng đất đối với việc sử dụng đất của hộ gia đình”. Lý do: Hiện nay còn nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau khi thực hiện quyền của người sử dụng đất (thực hiện thủ tục hành chính hoặc xác nhận hồ sơ giao dịch dân sự), toàn bộ các thành viên của hộ gia đình phải ký xác nhận, gây khó khăn cho việc thực hiện các thủ tục giao dịch quyền sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì quy định như dự thảo đảm bảo quyền lợi cho các thành viên của hộ gia đình sử dụng đất, quy định này đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự.
|
|
HĐND Đắk Lắk, Hòa Bình, HĐND tỉnh Cao Bằng; HĐND tỉnh Tuyên Quang, HĐND Bắc Ninh. HĐND Quảng Bình, UBND Tỉnh Hòa Bình, HĐND Tiền Giang, HĐND Hải Dương
|
Dự thảo chưa quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, do đó, Đề nghị bổ sung đối tượng này vào cho đầy đủ.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
a) Tổ chức trong nước được giao quản lý công trình công cộng, gồm công trình giao thông, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai, đê điều, đập; quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm; hành lang an toàn các công trình theo quy định của pháp luật;
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Bỏ “đập” Lý do: “Đập” thuộc công trình thủy lợi, thủy điện
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao để quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.
|
UBND Nghệ An
|
“2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao để quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương, phần đất nhỏ, lẻ do Nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án nhưng không sử dụng hết phần diện tích sau khi thu hồi”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
3. Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy định của Luật này.
|
HĐND Đắk Lắk, Hòa Bình, UBND Hòa Bình, HĐND Tiền Giang, HĐND Hải Dương
|
Quy định nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai, Đề nghị xem xét lại việc quy định đối với đất “khai hoang”, vì hiện nay những loại đất này đã thuộc quản lý của nhà nước, không còn diện tích đất chưa quản lý để người dân khai phá.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật hiện hành liên quan đến các trường hợp được Nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên, các hành vi nêu trên không phải chỉ từ phía người sử dụng đất mà cả đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cần có các hoạt động khai hoang, phục hóa đối với các diện tích đất chưa sử dụng, diện tích đất bị thoái hóa, …
|
Điều 11. Phân loại đất
|
HĐND tỉnh Thái Bình; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; UBND Bình Phước, UBND Sóc Trăng
|
Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định phân loại đất theo từng giai đoạn quy hoạch gồm: Đất dân dụng, đất trường học; đất cây xanh; đất ngoài dân dụng; đất trung tâm nghiên cứu, đào tạo; đất hỗn hợp và đất khác…đề nghị nghiên cứu đảm bảo thống nhất
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc phân loại đất theo mục đích sử dụng đã quy định ổn định trong pháp luật đất đai các thời kỳ. Dự thảo Luật quy định về phân loại đất theo mục đích sử dụng của đất và trong quá xây dựng dự thảo cơ quan chủ trì đã rà soát các quy định của pháp luật khác có liên quan để đảm bảo sự thống nhất
|
HĐND Hải Dương, UBND Nghệ An
HĐND tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái
|
Bổ sung loại đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: khái niệm đất vườn, ao được kế thừa sử dụng tại các văn bản pháp luật qua các thời kỳ. Tuy nhiên, đất vườn, ao có thể sử dụng được các mục đích khác nhau như đất ở, đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản… đã được quy định tại Điều về phân loại đất của Dự thảo Luật. Ngoài ra, việc xác định diện tích đất có vườn ao được quy định tại về xác định diện tích đất ở đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao, hạn mức đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân của Dự thảo Luật. Do đó, Dự thảo quy định là phù hợp.
|
Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:
|
|
|
|
1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất như sau:
|
|
|
|
a) Đất trồng lúa gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại;
|
TU, HĐND Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, TU Vĩnh Long
|
Kiến nghị cần giải thích rõ hơn về thuật ngữ “đất chuyên trồng lúa” và “đất trồng lúa còn lại” để thuận lợi hơn cho việc xác định loại đất khi Luật có hiệu lực thi hành.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị sửa như sau:
a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm
|
b) Đất trồng cây nông nghiệp khác (gồm: đất trồng cây hàng năm khác và đất trồng cây lâu năm);
|
Sở Tư pháp Hải Dương
|
Đề nghị sửa thành: Đất nông nghiệp trồng cây hàng năm khác và đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. lý do: “Đất trồng cây nông nghiệp khác” và “Đất nông nghiệp khác” thuộc nhóm đất nông nghiệp dễ gây nhầm lẫn.
|
TU, STNMT Thái Bình, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
|
Đất cây lâu năm thuộc đất trồng cây nông nghiệp khác là chưa phù hợp. Trong cùng nhóm đất nông nghiệp vừa có đất trồng cây nông nghiệp khác, vừa có đất nông nghiệp khác khá phức tạp.
|
c) Đất lâm nghiệp gồm đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;
|
UBND Quảng Bình
|
Đề nghị phân loại đất lâm nghiệp như sau: Đất lâm nghiệp gồm đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo để thống nhất với quy định của Luật Lâm nghiệp
|
d) Đất chăn nuôi tập trung;
|
Sở TNMT Hà Tĩnh
|
Đề nghị xem xét điều chỉnh cụm từ “Đất chăn nuôi tập trung” sửa thành “Đất chăn nuôi trang trại” để phù hợp với quy định tại khoản 4, Điều 2 Luật Chăn nuôi năm 2018.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì chăn nuôi trang trại chỉ là 01 trong các hình thức chăn nuôi tập trung và đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Chăn nuôi
|
Sở TNMT, UBND tỉnh Ninh Thuận
|
Đề nghị sửa thành “đất sử dụng vào mục đích chăn nuôi”.
|
TU, UBND Quảng Bình
|
Đề nghị sửa thành “Đất chăn nuôi”
|
đ) Đất nuôi trồng thủy sản;
|
|
|
|
e) Đất làm ruộng muối (sau đây gọi là đất làm muối);
|
|
|
|
g) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh; nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất nông nghiệp; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất công trình khác trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp mà không nhằm mục đích phi nông nghiệp.
|
Tỉnh ủy, UBND Kon Tum;
|
- Đề nghị các loại đất: “đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất” Đề nghị chuyển sang loại Đất trồng cây nông nghiệp khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11.
- Bổ sung các công trình phục vụ cho các dự án nông nghiệp các hạng mục gồm: Các bể chức nước, đường đi sản xuất, Văn phòng làm việc. Bên cạnh đó cần quy định tiêu chuẩn để xây dựng: Nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND, Tỉnh ủy, HĐND Gia Lai, HĐND, UBND Vĩnh Long
|
Đề nghị bổ sung nhóm “Đất nông nghiệp khác” bao gồm: đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp”. Đối với diện tích đất trên, cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động trước và sau sản xuất nông nghiệp (như xưởng thiết bị nông nghiệp, logistics, chế biến, lưu trữ, bảo quản nông sản) trên đất nông nghiệp.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung dự thảo đã quy định theo hướng liệt kê các loại đất phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiêp. Đối với một số loại đất hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như như xưởng thiết bị nông nghiệp, logistics, chế biến… các loại đất này không trực tiếp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mang tính chất sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp.
|
|
BKHĐT, UBND Đắk Lắk
|
Đề nghị không quy định cụ thể như dự thảo mà việc quy định chi tiết về loại đất này đề nghị xem xét đưa vào hướng dẫn tại văn bản dưới Luật như đối với các loại đất khác.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định như dự thảo mang tính kế thừa Luật Đất đai 2013 nhằm hạn chế quy định tại văn bản hướng dẫn.
|
2. Nhóm đất phi nông nghiệp
|
Sở TNMT Hưng Yên, UBND Vĩnh Phúc, STNMT Quảng Ngãi
|
Đề nghị quy định cụ thế đối với đất đất sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ thuộc loại đất nào trong nhóm đất phi nông nghiệp.
|
- Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau:
+ Đối với đất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm: theo quy định của Luật Khoáng sản thì vật liệu xây dựng, làm đồ gốm được phân loại là khoáng sản; do đó dự thảo Luật bỏ quy định phân loại đối với các loại đất này.
|
TU, STNMT Thái Bình
|
Bổ sung loại đất làng nghề
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Làng nghề là một chế độ sử dụng đất gồm nhiều loại đất khác nhau và có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau. VD: Làng nghề thủ công truyền thống gồm đất khu dân cư, đất vườn, đất sản xuất kinh doanh hoặc các cụm công nghiệp, làng nghề nằm ngoài khu dân cư. Do đó để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật Dự thảo chỉ quy định khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
|
TU, Sở TNMT Hậu Giang, TU Phú Thọ, HĐND Long An, Tỉnh ủy Kon Tum, HĐND Phú Thọ, HĐND Yên Bái, BCS Đảng UBND tỉnh Kon Tum, UBND, Sở TNMT Vĩnh Phúc, Sở TNMT Hưng Yên
|
Luật đất đai chưa quy định cụ thể về loại đất sử dụng cho các “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: tại khoản 1 Điều về đất sử dụng cho khu công nghệ cao dự thảo quy định “Đất sử dụng cho khu công nghệ cao, theo quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ bao gồm các loại đất để sử dụng vào các mục đích theo quy định của pháp luật về công nghệ cao”. Theo quy định của Luật Công nghệ cao thì khu công nghệ cao bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
|
c) Đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, đất an ninh);
|
Bộ Công an
|
Đề nghị tách đất quốc phòng, an ninh là một loại đất riêng, độc lập với nhóm đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp cho phù hợp với thực tiễn, tránh gây khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin được báo cáo như sau: việc sửa đổi quy định về phân loại đất có tác động rất lớn đến hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai đã đầu tư xây dựng. Theo đó, để hạn chế tác động của việc thay đổi hệ thống phân loại đất, đề nghị được giữ như quy định của dự thảo Luật.
|
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;
|
Bộ VHTTDL
|
Bổ sung: “…thể dục thể thao, du lịch, khoa học và công nghê…”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì “du lịch” không phải là một loại đất mà đây là một hoạt động du lịch.
|
đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bố sung quy định thế nào là đất “thương mại, dịch vụ”; văn phòng làm việc của doanh nghiệp là đất sản xuất kinh doanh hay đất thương mại, dịch vụ
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: tại Điều về đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp dự thảo đã quy định thế nào là đất thương mại dịch vụ. Cụ thể đất thương mại dịch vụ là những loại nào sẽ được hướng dẫn tại các văn bản quy định thi tiết thi hành luật.
|
STNMT, UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở TNMT Hà Tĩnh:
|
Đề nghị bổ sung nhóm đất “đất chợ" và bỏ nhóm đất này tại điểm e, vì đất chợ hiện nay cơ bản thực hiện để kinh doanh.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo để đảm bảo mục tiêu của loại đất này là phục vụ công cộng. Đối với với đất chợ có mục đích kinh doanh thì nhà nước tính thu nghĩa vụ tài chính cho phù hợp.
|
HĐND tỉnh Tuyên Quang
|
Đề nghị bỏ cụm từ "phi nông nghiệp" vì tại khoản 2 đã ghi rõ là nhóm đất phi nông nghiệp nên không cần nhắc lại nhiều lần
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo để phân biệt biệt với sản xuất kinh doanh nông nghiệp quy định tại khoản 1.
|
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất công trình giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, đường sắt, đường bộ và công trình giao thông khác); công trình thủy lợi; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;
|
Sở TNMT, UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở TNMT Hà Tĩnh
|
Đề nghị bổ sung loại đất kênh, rạch (dùng để tưới, tiêu)
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đối với kênh, rạch dùng để tưới tiêu là công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi.
|
Bộ VHTTDL
|
Bổ sung: “…đất có di tích lịch sử - văn hóa, khảo cổ, di sản thiên nhiên”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì “khảo cổ” không phải là một loại đất mà đây là một hoạt động nghiên cứu khoa học.
|
HĐND, UBND tỉnh Thanh Thanh Hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
Bổ sung: “…đất công trình thủy lợi; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất công trình đê điều.”.
|
Cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên như dự thảo, nội dung quy định tại Điều này trong dự thảo Luật trên cơ sở kế thừa Luật Đất đai năm 2013, trong thực tiễn triển khai không có vướng mắc, việc giữ nguyên tên các loại đất này đảm bảo không gây xáo trộn trong hồ sơ quản lý đất đai.
|
g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo, đất tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tôn giáo, tín ngưỡng);
|
Bộ Nội vụ, HĐND Nam Định
|
Đề nghị phân biệt cụ thể hơn về “Đất tín ngưỡng” và “Đất của cơ sở tôn giáo”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: tại Điều về đất tôn giáo và Điều về đất tín ngưỡng của dự thảo Luật đã quy định chế độ sử dụng đất tôn giáo và chế độ sử dụng đất tín ngưỡng để phân biệt 02 loại đất này
|
|
UBND, HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Đề nghị sửa thành “2. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; bảo quản lưu trữ tro cốt.”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
UBND Quảng Bình
|
Đề nghị bổ sung thêm nội dung quy định thẩm quyền của cơ quan xác định loại đất để thuận lợi trong quá trình áp dụng, cụ thể:
Cơ quan xác định loại đất là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Trường hợp thu hồi đất thì cơ quan có thẩm quyền xác định loại đất là cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
c) Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại điểm a khoản này.
|
Sở TNMT, UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở TNMT Hà Tĩnh
|
Đề nghị bổ sung thêm “Quyết định công nhận quyền sử dụng đất”; Lý do: có những trường hợp được công nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được cấp Giấy CNQSD đất, để bảo đảm đầy đủ, phù hợp theo quy định tại Điều 6 và Điều 18.
Bộ Tài chính:Ý kiến tại Điều 18 của Dự thảo Đề nghị làm rõ hình thức văn bản công nhận quyền sử dụng đất.
|
Về nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin báo cáo như sau: dự thảo Luật đã chỉnh sửa thống nhất kế thừa Luật Đất đai năm 2013 về việc không ban hành quyết định công nhận quyền sử dụng đất mà chỉ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để cải cách thủ tục hành chính.
|
2. Đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này và trường hợp loại đất xác định trên giấy tờ đã cấp khác với phân loại đất theo quy định của Luật này hoặc khác với hiện trạng sử dụng đất thì việc xác định loại đất thực hiện theo quy định của Chính phủ.
|
|
|
|
|
Sở TNMT, UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở TNMT Hà Tĩnh
|
Đề nghị bổ sung thêm khoản 13 “Chínhphủ quy định chi tiêt điều này”, tại Điều 13. Những hành vi bị nghiêm cấm. Vì trên thực tế nhiều hành vi vi phạm, cần phải quy định chi tiết, cụ thể hơn.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung điều này chỉ quy định khái quát các hành vi bị nghiêm cấm; nội dung cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm được quy định cụ thể trong các điều khoản khác dự thảo Luật này.
|
2. Thực hiện không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
|
HĐND Thanh Hóa
|
Đề nghị sửa thành: “Giao đất, cho thuê đất không đúng quy hoạch, kể hoạch sử dụng đất đã được công bố”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì nội dung dự thảo quy định “thực hiện không đúng quy hoạch” là bao quát hết các trường hợp bao gồm cả giao đất, cho thuê đất, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
|
Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Xem xét quy định riêng với đất nông nghiệp thì chỉ nên xác định việc sử dụng không đúng mục đích đối với đất trồng lúa là hành vi bị nghiêm cấm, với các trường hợp đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp khác nếu việc sử dụng thực tế khác với mục đích trên giấy chứng nhận nhưng vẫn thuộc phạm vi đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp thì không nên xác định đây là hành vi vi phạm về đất đai
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau:
Quy định này nhằm đảm bảo giữ đúng mục đích sử dụng chính của loại đất đã được nhà nước quy hoạch. Đối với trường hợp sử dụng kết hợp đã được quy định tại Điều về đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng của Dự thảo Luật. “3. Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch và được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch. Đối với đất trồng lúa thì thực hiện theo quy định tại Điều về đất trồng lúa của dự thảo Luật.
|
3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
|
TU Điện Biên
|
Đề nghị làm rõ hơn hành vi bị nghiêm cấm “Không sử dụng đất” vì quy định tại dự thảo là chung chung, không cụ thể, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Viện nghiên cứu thanh niên
|
Sửa đổi thành “Sử dụng đất không đúng mục đích”, đồng thời quy định “Nhà nước có chính sách hạn chế tối đa việc không sử dụng đất”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã có quy định về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Tuy nhiên trên cơ sở nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả dự thảo Luật đã quy định nghiêm cấm đối với cả hành vi không sử dụng đất.
|
5. Nhận quyền sử dụng đất tại các khu vực hạn chế không đúng quy định của pháp luật.
|
TU Điện Biên
|
Đề nghị bỏ khoản này để tránh trùng lặp về nội dung vì quy định tại khoản 6, Điều 13 đã bao gồm hành vi này.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
6. Nhận chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật.
|
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
Đối với trường hợp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất cũng bị hạn chế trong điều này. Đề nghị nghiên cứu bổ sung cách xử lý linh hoạt đối với các trường hợp đã vượt hạn mức như cho phép chuyển sang cho thuê trả tiền một lần, không nên hạn chế hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp nếu họ có nhu cầu.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Ngân hàng nhà nước Việt Nam
|
Đề nghị xem lại việc dùng từ “nhận” tại khoản 5, 6 Điều 13 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, trong khi việc “nhận” quyền sử dụng đất là quyền bị động của người dân (các đối tượng sở hữu quyền sử dụng đất) trên cơ sở xem xét, quyết định và giao quyền sử dụng đất của các cơ quan quản lý. Vì vậy, hành vi cần nghiêm cấm là “giao” chứ không phải là “nhận” như dự thảo.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau:
Nhận quyền sử dụng đất gồm hai trường hợp: (1) được nhà nước giao đất cho thuê đất; (2) nhận chuyển quyền sử dụng đất từ người khác. Quy định như Dự thảo nhằm hạn chế hành vi vi phạm của người sử dụng đất đặc biệt đối với các khu vực quốc phòng an ninh, khu vực bảo tồn bảo vệ…
|
9. Người có chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý, sử dụng đất đai.
|
TU Điện Biên
|
Đề nghị sửa thành “Làm trái quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
VIện nghiên cứu thanh niên
|
Đề nghị bỏ khoản 9 Điều 13 vì việc “làm trái quy định về quản lý, sử dụng đất đai” là hành vi bị cấm với tất cả các chủ thể chứ không riêng gì nhóm chủ thể “người có chức vụ, quyền hạn”.
|
Liên đoàn Luật sư Việt Nam
|
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
10. Không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị sửa thành “10. Không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng đối với đất được giao để quản lý theo khoản 2, 3 Điều 9 và đất đã được giao, cho thuê”. - Lý do: Nhằm phân định rõ trách nhiệm của từng đối tượng được giao, cho thuê quản lý, sử dụng.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung điều này quy định về các nguyên tắc chung. Các trường hợp cụ thể được quy định tại các điều khoản khác trong Luật này và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật.
|
Bộ VHTTDL, UBND Vĩnh Phúc
|
Bỏ nội dung “để xảy ra hậu quả nghiêm trọng”.
vì mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được ngăn chặn, xử lý.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Các hành vi bị nghiêm cấm là các hành vi có tính chất nghiêm trọng cần được quy định để các chủ thể tuân thủ. Đối với các hành vi ít nghiêm trọng hơn thì có thể xem xét quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính.
|
11. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị sửa thành “11. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo dữ liệu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.” - Lý do: Tránh cung cấp những dữ liệu chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung điều này quy định về các nguyên tắc chung. Các trường hợp cụ thể được quy định tại các điều khoản khác trong Luật này và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật.
|
12. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
|
|
|
|
Chương II
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC, CÔNG DÂN ĐỐI VỚI ĐẤT ĐAI
NỘI DUNG DỰ THẢO
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
|
|
|
|
|
HĐND Quảng Ngãi
|
Đề nghị nghiên cứu quy định riêng khoản mục về quyền, khoản mục về trách nhiệm của Nhà nước để có sự phân định rõ hơn về quyền và trách nhiệm.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quyền và trách nhiệm thường gắn liền với nhau do đó việc quy định như dự thảo đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy đề nghị giữ như dự thảo.
|
|
|
|
|
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC LÀ ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU VỀ ĐẤT ĐAI
|
|
|
|
Điều 14. Nhà nước quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
|
UBND Đồng Nai, Tỉnh ủy Đồng Nai
|
Bổ sung hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Nhà nước quy định thời hạn sử dụng đất bằng các hình thức sau đây:
|
|
|
|
a) Sử dụng đất ổn định lâu dài;
|
Liên đoàn Luật sư Việt Nam
|
Bổ sung dấu “phẩy” giữa hai từ ổn định, lâu dài
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Cụm từ này được kế thừa sử dụng ổn đinh từ Luật Đất đai năm 2013 đảm bảo tính chặt chẽ và trong quá trình thi thành Luật không có vướng mắc
|
b) Sử dụng đất có thời hạn.
|
|
|
|
Điều 17. Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất
|
|
|
|
|
UBND, HĐND tỉnh Thanh Hóa, HĐND Nghệ An, HĐND Hà Tĩnh
|
Đề nghị bổ sung thêm một điểm vào Khoản 1 Điều 17 như sau: “d) Thu hồi đất do chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.” Lý do: Sau khi xử lý thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Điều 48 Luật Đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư thì Nhà nước sẽ thu hồi đất đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Trường hợp thu đất do chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư thuộc trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật và được quy định cụ thể tại Điều 71 dự thảo Luật.
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
- Đề nghị bổ sung điểm d vào khoản 1“d) Thu hồi đất do cấp chồng chéo cho nhiều đối tượng.” - Lý do: Để khắc phục việc cấp Giấy chứng nhận theo Nghị định số 163/1999/NĐ-CP và các giấy tờ cũ chồng lấn chưa thu hồi.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo vì nội dung đề xuất không thuộc trường hợp thu hồi đất mà được xử lý về Giấy chứng nhận theo quy định tại Chương IX của dự thảo Luật
|
a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
|
|
|
|
b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
|
|
|
|
c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
|
|
|
|
2. Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết và cấp bách để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
|
UBND Hà Giang, UBND tỉnh Bạc Liêu, TỈnh ủy Bạc Liêu, UBND tỉnh Trà Vinh, Tỉnh ủy HĐND, Trà Vinh
|
Đề nghị bổ sung: Dịch bệnh được cấp có thẩm quyền công bố
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung dự thảo có quy định nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp tình trạng khẩn cấp. Đối với trường hợp dịch bệnh mà nhà nước phải ban hành tình trạng khẩn cấp theo Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp thì mới thực hiện trưng dụng đất.
|
TU Lâm Đồng
|
Đề nghị bổ sung thêm hành vi: Cản trợ, gây khó khăn, chống đối việc Nhà nước thực hiện các quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất
|
Về vấn đề này đã được quy định tại Điều về nghĩa vụ của công dân đối với đất đai của dự thảo Luật.
|
|
UBND, Tỉnh ủy Đồng Nai
|
Bổ sung trường hợp Nhà nước quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì nội dung chuyển mục đích sử dụng được quy định tại Điều về Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất của dự thảo Luật.
|
3. Công nhận quyền sử dụng đất.
|
Bộ Tài chính, UBND, HĐND tỉnh Thanh Hóa,
|
Đề nghị điều chỉnh thành: “3. Quyết định công nhận quyền sử dụng đất”.
Lý do: Để đảm bảo tính pháp lý của thửa đất theo quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phù hợp với quy định tại Khoản 9 Điều 3 dự thảo.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: việc công nhận quyền sử dụng đất là việc nhà nước cấp GCNQSDĐ trên cơ sở giấy tờ, nguồn gốc của người sử dụng đất được quy định và thực hiện ổn định từ Luật Đất đai 2003 nhằm cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính.
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị sửa thành “3. Công nhận quyền sử dụng đất như giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất như giao đất không thu tiền sử dụng đất”. - Lý do: Để đảm bảo đầy đủ nội dung như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung điều này quy định về nguyên tắc chung. Các trường hợp cụ thể được quy định tại các điều, khoản khác trong Luật này.
|
|
|
|
|
1. Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất.
|
|
|
|
2. Nhà nước ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.
|
Viện nghiên cứu thanh niên
|
Diễn đạt thành “Nhà nước ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thểtheo nguyên tắc thị trường”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung điều này quy định về quyền của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu, việc quy định nguyên tắc, phương pháp… thực hiện được quy định chi tiết tại Chương X của dự thảo Luật.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.
3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể về chính sách đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
|
TU Phú Thọ
|
Đề nghị cần bổ sung thêm cụm từ “đảm bảo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung quy định này chỉ quy định về chính sách tạo điều kiện về đất sản xuất cho đồng bào dân tộc. Đối với ý kiến đề nghị “đảm bảo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số” nội dung này là rất rộng bao gồm cả kinh tế, văn hóa, … sẽ phải quy định ở các chính sách chuyên ngành khác.
|
Hội nông dân VN
|
Đồng bào dân tộc thiểu số ở các đô thị (nhất là ở các thị trấn miền núi) thiếu đất sản xuất có được ưu tiên giao đất, tạo điều kiện có đất sản xuất nông nghiệp không
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung quy định tại khoản này tập trung giải quyết đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực nông thôn. Đối với khu vực đô thị sẽ tập trung vào chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm sang thương mại, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp.
|
TU Lâm Đồng
|
Đề nghị sửa cụm từ “ở nông thôn” thành cụm từ “ở nông thôn và khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: việc quy định “ở nông thôn” đã bao hàm các khu vực khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Do đó, đề nghị giữ như dự thảo.
|
|
TU Lâm Đồng
|
Bổ sung khoản 3 “3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể về chính sách đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
2. Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân, trừ những thông tin thuộc bí mật theo quy định của pháp luật.
|
Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
|
Quy định rõ các kênh, phương tiện để công bố, công khai thông tin đất đai của Nhà nước
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này là quy định chung và việc công bố công khai thông tin đã được quy định theo Chương IV, X, XIII… của dự thảo Luật và quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
|
|
|
|
|
1. Quốc hội ban hành luật, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước; quyết định giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
|
Liên đoàn luật sư Việt Nam
|
Cần xác lập quyền của Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính là cơ quan đại diện sở hữu tọàn dân và Chính phủ là cơ quan hành pháp có trách nhiệm quản lý thống nhất việc sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quyền của Quốc hội, Chính phủ đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ. Nội dung của Điều này quy định cụ thể về việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai.
|
2. Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương.
|
HĐND Điện Biên, TU Điện Biên, HĐND tỉnh Sơn La, UBND tỉnh Điện Biên, HĐND Hải Dương
|
Đề nghị làm rõ thẩm quyền của HĐND cấp huyện trong việc thông qua kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Lý do: tại khoản 3, Điều 47 quy định về thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thì UBND cấp huyện chỉ trình HĐND cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt mà không phải trình HĐND cùng cấp thông qua kế hoạch sử dụng đất hàng năm; đồng thời, để đảm bảo phù hợp với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND cấp huyện được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND Vĩnh Phúc
|
Quy định chưa đầy đủ các quyền của HĐND các cấp. Đề nghị xem xét ra soát bổ sung thêm vào khoản 2, như: khoản 1, Điều 60 quy định HĐND các cấp có quyền thông qua việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất …
|
HĐND tỉnh Bắc Giang
|
Đề nghị sửa đổi: “Hội đồng nhân dân cấptỉnh, huyện thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này;HĐND các cấpgiám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương.Vì tại Điều 38 dự thảo quy định Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập đồng bộ, thống nhất…không quy định đến cấp xã
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Thẩm quyền của HĐND các cấp trong việc thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định cụ thể tại các điều khoản khác trong Luật này do đó đề nghị giữ như dự thảo
|
HĐND Khánh Hòa
|
Đề nghị sửa đổi như sau: “Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương. Ngoài các nội dung trên, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này.”
|
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: ý kiến góp ý là hợp lý, tuy nhiên thẩm quyền này đã được quy định cụ thể tại các Điều khoản khác trong Luật này do đó đề nghị giữ như dự thảo
|
|
|
|
|
|
Liên đoàn Luật sư Việt Nam
|
Đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Các quy định của Mục 2 chưa bảo đảm sự tách bạch và minh định trách nhiệm chức năng đại diện chủ sở hữu đất đai của Nhà nước với chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Trách nhiệm của nhà nước được quy định tại Mục quyền và trách nhiệm của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu của dự thảo luật. Nhà nước là một chủ thể đặc biệt, đất đai cũng là tài sản đặc biệt thuộc sở hữu toàn dân do đó Nhà nước vừa thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai. Nhiều quyền của chủ sở hữu cũng đồng thời là quyền của chủ thể quản lý nhà nước về đất đai. Việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp với quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
|
|
|
|
|
1. Phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai.
|
Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Đề nghị bổ sung cụm từ “bồi dưỡng” vào sau cụm từ “đào tạo” để phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW.
|
Về nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin báo cáo như sau: cụm từ giáo dục, đào tạo đã đảm bảo bao quát cụm từ “bồi dưỡng” do đó đề nghị giữ như dự thảo Luật.
|
2. Đo đạc, lập các bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên đề về quản lý, sử dụng đất;
|
Sở TNMT, UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở TNMT Hà Tĩnh, Tỉnh ủy Đồng Nai
|
Đề nghị bỏ từ “các” bản đồ địa chính và Đề nghị chỉnh sửa cụm từ “Bản đồ chuyên đề” thành “Bản đồ chuyên ngành” để thống nhất với Luật Đo đạc và bản đồ.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin rà soát tiếp thu bỏ từ “các” và giữ nguyên cụm từ “bản đồ chuyên đề” để thể hiện các loại bản đồ chuyên đề của ngành quản lý đất đai.
|
3. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
|
TU Lâm Đồng
|
Bổ sung nội dung “trưng dụng đất” phù hợp thẩm quyền quy định tại Điều 17 dự thảo
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
4. Điều tra xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất;
|
UBND Hòa Bình
|
Đề nghị sửa thành: “8. Điều tra xây dựng bảng giá đất”. Do: Xuất phát từ thực tiễn khách quan, đề xuất điều chỉnh không đưa nhiệm vụ “xây dựng giá đất cụ thể”, “quản lý giá đất” là một trong các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, để thực hiện như quy định hiện hành tại Khoản 10 Điều 22 Luật Đất đai năm 2013; Để không bất cập với nội dung tại Khoản 1 Điều 131 của dự thảo.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo, việc quy định như dự thảo là cụ thể các nội dung quản lý nhà nước về đất đai và thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.
|
12. Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ về đất đai.
|
UBND Vĩnh Phúc
|
Đề nghị bổ sung một số từ ngữ cho đầy đủ, thành: “Cung cấp, quản lý và tổ chức thực hiệnhoạt động dịch vụ côngvề đất đai.”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
4. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của Luật này.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bỏ cụm từ "phối hợp với Bộ TN&MT' và sửa khoản 4 thành: “4. Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai.”. Để đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Nếu quy định như nội dung dự thảo thì Bộ TN&MT sẽ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong đó có “quản lý tài chính về đất đai”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: tại khoản 3 Điều này đã quy định giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Do đó, việc quy định giao trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường là phù hợp với chủ trương chung của Nhà nước là một việc chỉ nên giao cho một người.
|
5. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này.
|
HĐND tỉnh Đắk Lắk
|
Cần rà soát, thống kê cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp trong quản lý nhà nước về đất đai
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung điều này quy định về các nguyên tắc chung, các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp trong quản lý nhà nước về đất đai được quy định cụ thể tại các điều khoản khác trong Luật này.
|
|
|
|
|
1. Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị sửa lại khoản 1 vì Tồng cục Quản lý đất đai sẽ giải thể theo chủ trương của Chính phủ.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: trong dự thảo Luật không có nội dung quy định về Tổng cục Quản lý đất đai.
|
2. Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tổ chức dịch vụ công về đất đai được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, TU Thừa Thiên Huế, HĐND tỉnh Đắk Lắk, STNMT Quảng Ngãi
|
Chỉnh sửa lại như sau: “2. Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Tổ chức dịch vụ công về đất đai được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Bạc Liêu, Tỉnh uỷ tỉnh Bạc Liêu:
|
Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm nội dung cơ quan quản lý đất đai tại địa phương, như sau: Văn Phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cấp Giấy chứng nhận đối với tổ chức theo quy định; Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện tham mưu cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
- Về nội dung liên quan đến việc tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
- Về nội dung đề xuất Văn phòng đăng ký đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện tham mưu cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân: Quan điểm Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chỉ ra củng cố dịch vụ công về đất đai theo hướng hiện đại hóa, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tập trung, đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, đề nghị giữ như dự thảo.
|
3. Xã, phường, thị trấn có công chức làm công tác địa chính theo quy định của Luật cán bộ, công chức. Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý đất đai tại địa phương.
|
UBND Vĩnh Long
|
Đề nghị chỉnh sửa như sau: “3. Xã, phường, thị trấn có công chức làm công tác địa chính chuyên trách theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý đất đai tại địa phương”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật để thống nhất với quy định của Luật Cán bộ, công chức.
|
|
|
|
|
|
HĐND, UBND Thanh Hóa
|
Đề nghị nghiên cứu điều chỉnh tên Chương II thành “Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo vì nội dung Mục này quy định quyền và nghĩa vụ chung của Công dân (bao gồm người sử dụng đất và người không sử dụng đất).
|
|
|
|
|
2. Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
|
STNMT Hà Nam
|
Bổ sung thêm quyền “thế chấp”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật vì đây là quy định chung về quyền của công dân, các quyền cụ thể của người sử dụng đất đã được quy định tại Chương XIII dự thảo Luật.
|
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng nhà nước Việt Nam
|
- Công dân được phép mua bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất. Đề nghị xem xét, làm rõ trường hợp không cần xin phép thì sẽ theo quy định nào tại Điều này. Lý do: Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 thì giá trị quyền sử dụng đất là giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất …. Như vậy, thì giao dịch cổ phần có làm thay đổi quyền sử dụng đất hay không? Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì sẽ như thế nào?
- Bổ sung các Quyền tại Điều 190 dự thảo (Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất) chưa được thể hiện.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này quy định về quyền tiếp cận đất đai của công dân theo quy định của pháp luật. Nội dung và các điều kiện thực hiện các quyền này được quy định cụ thể tại chương quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
|
3. Được quyền tiếp cận các thông tin đất đai sau đây:
|
HĐND tỉnh Nghệ An
|
Bổ sung trường hợp công dân được tiếp cận thông tin về vị trí thửa đất trong quy hoạch mà mình đang sử dụng và cần phải quy định rõ loại thông tin nào mọi người đều có quyền sử dụng, tiếp cận dễ dàng và không mất tiền
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung điều này quy định về các nguyên tắc chung về quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luât. Các trường hợp cụ thể được quy định tại các điều khoản khác trong Luật này và theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
|
a) Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; bảng giá đất đã được công bố; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;
|
|
|
|
b) Thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai;
|
|
|
|
c) Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;
|
|
|
|
d) Việc tiếp cận thông tin đất đai theo quy định của Luật này và pháp luật về tiếp cận thông tin.
|
|
|
|
4. Tham gia quản lý nhà nước, thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai.
|
STNMT Hà Nam. UBND Vĩnh Phúc
|
Cần nghiên cứu lại nội dung “công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước” đối với phạm vi nào cho phù hợp.
Quy định chưa rõ việc thảo luận được thực hiện theo hình thức nào. Đề nghị xem xét quy định cụ thể về quyền thảo luận và kiến nghị của công dân và bổ sung quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc tổ chức thảo luận, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của công dân đối về đất đai.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này quy định về nguyên tắc về tham gia quản lý nhà nước, thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai. Nội dung cụ thể của quyền này được quy định tại một số điều của dự thảo Luật. VD: Tham gia góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công dân tham gia giám sát.
|
5. Quyền về bình đẳng giới trong sử dụng đất đai.
|
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
|
Sửa nội dung “quyền về bình đẳng giới” thành “quyền bình đẳng” vì quyền bình đẳng rộng hơn không chỉ trong phạm vi giới tính mà còn độ tuổi, tôn giáo, trình độ, địa phương…
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
5. Thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
|
UBND Vĩnh Phúc
|
Đề nghị xem xét không nên quy định đồng thời khoản 5 và khoản 1 vì khoản 1 đã bao hàm nội dung khoản 5.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Chương III
ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH VÀ ĐIỀU TRA CƠ BẢN VỀ ĐẤT ĐAI
NỘI DUNG DỰ THẢO
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị làm rõ nội hàm của nội dung quan trắc đất đai, thuyết minh rõ sự khác biệt giữa quan trắc đất đai với điều tra, đánh giá đất đai.
|
|
|
|
|
|
4. Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai được thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị sửa khoản 4 như sau: “4. Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai được thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”, lý do: việc bố trí ngân sách được thực hiện căn cứ theo nội dung chi và phân cấp thực hiện thống nhất theo pháp luật về ngân sách nhà nước, Đề nghị không quy định vấn đề đặc thù tại các Luật chuyên ngành.
|
Vấn đề này cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai trong đó bao gồm hoạt động điều tra về ô nhiễm đất nên việc quy định sử dụng bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường là phù hợp, ngoài ra các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai khác thì được thực hiện bằng nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật. Do đó, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Chương IV
QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
Chương IV
|
|
|
|
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình
|
Về tổng thể: Đề nghị cần có quy định cụ thể tiêu chí, nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. Trong đó: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh chủ yếu là phân vùng, định hướng và phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các địa phương. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải bố trí không gian chi tiết, cụ thể các nhóm loại đất theo tỷ lệ bản đồ phù hợp
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định tại dự thảo Luật nhằm thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW quy hoạch sử dụng đất được lập tại 03 cấp quốc gia, tỉnh, huyện.
Đồng thời trong Dự thảo Luật cũng quy định điều khoản xử lý chuyển tiếp đối với việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp theo Luật này và xin ý kiến về vấn quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch trong Luật Quy hoạch.
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai
|
Tại các Điều 37, 38, 39, 40, 41, 42: Hiện nay, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch thì không còn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, đề nghị điều chỉnh cho phù hợp
|
- HĐND tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh ủy Bến Tre, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, HĐND tỉnh Thái Nguyên, Sở TNMT Hà Tĩnh
|
Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai đã trở lại quy định như quy định của Luật Đất đai 2013 ban đầu khi chưa sửa đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung 35 Luật liên quan. Đến quy hoạch số 35/2015/QH14, frong đó tại Điều 38 có Quy hoạch sử, dụng đất cấp tỉnh mà trước đây là Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cap huyện được " quy định trong Quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch số 21/2017/QH14
|
|
Bộ Xây dựng:
|
Đề nghị xác định rõ nguyên tắc, căn cứ để lập quy hoạch, kế hoạch sứ dụng đất tại các Điều 37, 42, 43 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là quy hoạch ngành lĩnh vực, trong đó có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đã rà soát, bổ sung nguyên tắc, căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất tại Điều về nguyên tắc, căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất các cấp của dự thảo Luật.
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để phù hợp với giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 37 Dự thảo Luật như sau:
“Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.”.
Dự thảo Luật cũng chưa có quy định về mối quan hệ giữa các cấp quy hoạch sử dụng đất với các loại quy hoạch khác. Đề nghị bổ sung quy định về nội dung này, bảo đảm yêu cầu về giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW là phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.
- Đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý quy định về nguyên tắc và căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch. Cụ thể, “Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 40 dự thảo Luật chưa theo nguyên tắc này.
- Theo Luật Quy hoạch, trên địa bàn cấp tỉnh chỉ có một loại quy hoạch tỉnh. Do vậy, trường hợp cần phải có quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cần quy định rõ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để đồng bộ, thống nhất trong pháp luật về quy hoạch.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái
|
Đề nghị bổ sung nguyên tắc lập quy hoạch “Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phải lập trước quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải lập trước quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.”
|
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị nghiên cứu chỉnh cho phù hợp với khoản 1 Điều 6 Luật quy hoạch
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nguyên tắc này thể chế quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
|
2. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện phải đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp trên.
|
|
|
|
3. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất.
|
Tỉnh ủy Kon Tum; HĐND tỉnh Bắc Giang; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Lai Châu, Phú Thọ, Lào Cai; Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh: Hậu Giang, Yên Bái,
|
Quy định Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất là chưa phù hợp. Lý do: Bản đồ quy hoạch sử dụng cấp huyện đối với các đơn vị có diện tích lớn được lập với tỷ lệ 1/25.000, tuy nhiên bản đồ địa chính có thể được lập đến tỷ lệ 1/1.000, thửa đất nhỏ không thể hiện được trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Do đó cần điều chỉnh lại nội dung quy định này.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
- Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW thì nội dung quy hoạch sử dụng đất phải thể hiện thông tin đến từng thửa đất.
- Việc lập bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập trên nền bản đồ địa chính, trường hợp không có bản đồ địa chính sẽ được lập trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
- Mặt khác quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là quy hoạch cuối cùng trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất. Do đó, để đảm bảo yêu cầu quản lý và sử dụng thì việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất là cần thiết.
Do đó quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
|
Tỉnh ủy Kon Tum
|
Tại khoản 4 và khoản 5 quy định Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh thuộc Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên chưa quy định cụ thời điểm và mối liên hệ khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp với lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. Trong khi chỉ tiêu đất quốc phòng, an ninh là một chỉ tiêu sử dụng đất các cấp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
- Dự thảo Luật quy định về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chỉ tiêu sử dụng đất quốc phòng, an ninh là một trong các chỉ tiêu sử dụng đất trên địa bàn từng tỉnh, trong quá trình tổ chức, thực hiện quy hoạch, tại Điều về quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an nình của dự thảo Luật đã quy định quy hoạch, sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, trong quá trình lập Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phải có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh.
|
|
Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liệu
|
Tại Điều 38, dự thảo Luật Đất đai, đề nghị bỏ “kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh” (và các nội dung khác có liên quan). Lý do, kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh hiện không có căn cứ để lập.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
- Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp Quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện.
- Dự thảo Luật quy định căn cứ để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là kế hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, do vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập đồng bộ, thống nhất, bao gồm:
|
HĐND tỉnh Thái Nguyên
|
Tại Điều 38 đề nghị bổ sung “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các đơn vị hành chính, kinh tế đặc bỉệt” để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Quy hoạch
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nghị quyết 18-NQ/TW không đề cập nội dung này do đó trong dự thảo Luật chỉ quy định quy hoạch sử dụng đất của các cấp và quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. Do đó, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
|
|
|
|
1. Kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia từ 30 năm đến 50 năm; quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện từ 20 năm đến 30 năm.
|
Tỉnh: Bắc Giang, Đắc lắk, Bắc Kạn, Cao Bằng;
Phú Thọ, Lạng Sơn, Hòa Bình Hậu Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Ninh Bình
Tuyên Quang, Ninh Bình
|
Tại khoản 1, Điều 39 dự thảo quy định “Tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện từ 20 năm đến 30 năm; Tại điểm a, khoản 2, Điều 41 dự thảo quy định “nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tình, tầm nhìn 30 năm”; Tại điểm a, khoản 2, Điều 42 dự thảo quy định “nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, tầm nhìn 30 năm”. Đề nghị sửa lại khoản 1, Điều 39 cho thống nhất về tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện là 30 năm
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp
|
2. Kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh và kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và kế hoạch sử dụng đất an ninh là 05 năm; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm.
|
Tỉnh ủy Kon Tum
|
Đề nghị nghiên cứu điều chỉnh thống nhất kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện với thời hạn dự báo quy hoạch xây dựng vùng huyện theo Luật Xây dựng (10 năm đến 20 năm).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm là thống nhất với thời kỳ trong hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Do đó, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
|
|
|
|
|
Tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị bổ sung Quy hoạch tổng thể quốc gia
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nghị quyết số 61/2022/QH15 đã quy định các quy hoạch được lập, thẩm định đồng thời, quy hoạch nào lập, thẩm định xong trước thì phê duyệt trước. Mặt khác, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được Đại hội Đảng thông qua là cơ sở để lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Do đó để đảm bảo phát huy nguồn lực đất đai đảm bảo cho việc phát triển kinh tế xã hội nên việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình
|
Bổ sung nội dung: “Xác định diện tích các loại đất theo quy định tại điểm b khoản này của kỳ quy hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và của vùng kinh tế - xã hội
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: quy hoạch sử dụng đất quốc gia trình Quốc hội thông qua về các chỉ tiêu sử dụng đất và đã phân đến từng Vùng, việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến đơn vị hành chính cấp tỉnh đã giao Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo linh hoạt khi điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
a) Định hướng sử dụng đất quốc gia, vùng kinh tế - xã hội 10 năm, tầm nhìn sử dụng đất từ 30 - 50 năm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;
|
|
|
|
b) Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất và phân đến vùng kinh tế - xã hội đối với nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng; trong đó xác định diện tích một số loại đất gồm đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất khu chế xuất, đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia; đất ở tại đô thị, đất ở tại nông thôn; đất có di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia;
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Đề nghị nghiên cứu quy định các tiêu chí, điều kiện sử dụng đất thay cho chỉ tiêu sử dụng đất nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay và giải quyết những tồn tại, vướng trong xử lý triển khai lập các quy hoạch và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư khi áp dụng chỉ tiêu sử dụng đất được ban hành theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 9 tháng 3 năm 2022.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
- Việc xác định các chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh lương thực của quốc gia, tỷ lệ che phủ rừng, ... Do đó việc xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất là cần thiết vừa đảm bảo phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực và địa phương vừa đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
- Về việc bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất có di tích quốc gia và di sản văn hóa thế giới đã được xác định trong các mục đích sử dụng đất theo phân loại đất đã được quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 và tiếp tục được thể hiện tại Dự thảo Luật; đồng thời trong đất có di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đã bao gồm diện tích đất có di tích quốc gia và di sản văn hóa thế giới, do đó, đề nghị giữ như dự thảo Luật.
- Về nội dung này đã được quy định tại Điều về quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia tại dự thảo Luật.
|
Bộ Văn hóa thể thao và du lịch
|
Nên chỉnh sửa điểm b khoản 3 Điều 40 như sau: “b) Xác định các chỉ tiêu... đất có di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; đất có di tích quốc gia và di sản văn hóa thế giới.”, đồng thời bổ sung đối tượng quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đối với đất xây dựng các công trình Thể thao cấp quốc gia
|
UBND tỉnh Điện Biên
|
Tại điểm b, khoản 3, Điều 40. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia: Đề nghị sửa nội dung “đất có di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia” thành “đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia”.
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị sửa thành “b) Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất và phân đến vùng kinh tế - xã hội đối với nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng; trong đó xác định diện tích một số loại đất gồm đất quốc phòng, đất an ninh, đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia; đất có di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia;
|
|
Bộ Xây dựng
|
Đối với cấp độ quy hoạch sử dựng đất cấp tỉnh, cấp huyện cần bổ sung loại đất xây dựng đô thị trong nhóm đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở đô thị và các loại đất khác phục vụ mục tiêu phát triển đô thị thì được phân loại theo quy hoạch đô thị. Đối với các loại đất khác trong quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng phải tuân thủ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất làm muối, đất có mặt nirớc ven biến, đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất quốc phòng, an ninh. Việc phân loại đất cần phù hợp với yêu cầu quản lý sử dụng đất theo từng cấp độ quy hoạch (quốc gia, tinh, huyện).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: theo quy định của pháp luật về đất đai việc quản lý, sử dụng đất được xác định dựa trên cơ sở loại đất đã được quy định tại Điều về phân loại đất của dự thảo Luật. Do đó, việc xác định loại đất trong quy hoạch sử dụng đất được quy định tại dự thảo Luật là phù hợp.
|
1. Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, bao gồm:
|
|
|
|
a) Quy hoạch sử dụng đất quốc gia;
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu
|
a) Quy hoạch sử dụng đất quốc gia hoặc Quy hoạch tỉnh
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nghị quyết số 61/2022/QH15 đã quy định các quy hoạch được lập, thẩm định đồng thời, quy hoạch nào lập, thẩm định xong trước thì phê duyệt trước. Mặt khác, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là cơ sở để lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Do đó để đảm bảo phát huy nguồn lực đất đai đảm bảo cho việc phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo tiến độ triển khai, thực hiện quy hoạch nên việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
2. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, bao gồm:
|
|
|
|
b) Xác định chỉ tiêu các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh, gồm: đất chăn nuôi tập trung, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất xây dựng cơ sở ngoại giao; đất cụm công nghiệp; đất thương mại - dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất di tích lịch sử - văn hóa; đất danh lam thắng cảnh; đất phát triển hạ tầng cấp tỉnh (trong đó xác định chỉ tiêu sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở thể dục thể thao, đất giao thông, đất thủy lợi, đất công trình năng lượng, đất công trình bưu chính viễn thông); đất tôn giáo; đất làm nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; đất bãi thải, xử lý chất thải;
|
Bộ Văn hóa Thế tho và du lịch,
tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Điện Biên,
Lai Châu
|
Cân nhắc, chỉnh sửa điểm b khoản 2 Điều 41 như sau: “b) Xác định chỉ tiêu các loại đất... đất thương mại-dịch vụ, du lịch; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất di tích lịch sử-văn hóa, khảo cổ, di sản thiên nhiên, đất danh lam thắng cảnh; đất phát triển hạ tầng cấp tỉnh (trong đó xác định chỉ tiêu sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở thể dục thể thao, du lịch, đất giao thông, đất thủy lợi.;”.
- Đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu loại đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng (03 loại rừng) và đất cụm công nghiệp. Lý do: đây là các loại đất quan trọng, cần được đưa vào chỉ tiêu trong quy hoạch được duyệt.
- Tại điểm b, khoản 2, Điều 41 và điểm c, khoản 2, Điều 42: Đề nghị bổ sung, liệt kê đầy đủ các loại đất được phân loại để thống nhất với quy định tại Điều 11
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
- Về đề nghị bổ sung chỉ tiêu đất khảo cổ trong chỉ tiêu các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất đã được xác định trong đất di tích, lịch sử văn hóa. Do đó, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
- Chỉ tiêu đất chuyên trồng lúa tại dự thảo Luật bao gồm cả chỉ tiêu đất chuyên trồng lúa nước và đất chuyên trồng lúa khác từ hai vụ trở lên; về chỉ tiêu đất rừng đã được quy định cụ thể 3 loại rừng trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia; về chỉ tiêu đất cụm công nghiệp đã quy định là chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
- Về nội dung đề nghị đã được quy định tại điều về nội dung quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Do vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
c) Khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo các khu vực đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40; định hướng phát triển theo hạ tầng kỹ thuật, hướng tuyến và điểm kết nối giao thông;
|
Bộ Xây dựng
|
Đề nghị bỏ nội dung về bố trí không gian sử dụng đất theo các khu vực; định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, hướng tuyến và điểm kết nối giao thông.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa lại tại dự thảo Luật cho phù hợp hợp.
|
3. Căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, bao gồm:
|
|
|
|
b) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh;
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị bỏ kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: để đảm bảo nguồn lực, tính khả thi của kế hoạch sử dụng đất cần căn cứ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh. Do vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
4. Nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, bao gồm:
|
|
|
|
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị sửa lại thành: Xác định chỉ tiêu sử dụng các nhóm công trình, dự án cấp quốc gia và cấp tỉnh sử dụng đất vào các mục đích quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Luật này; các nhóm công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; nhóm công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư; thực hiện trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.
Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định chỉ tiêu đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện dự án tái định cư tại chỗ, nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: việc xác định công trình, dự án thể hiện được quy mô, địa điểm của từng công trình, dự án nếu xác định theo nhóm công trình, dự án thì không xác định cụ thể và không đảm bảo yêu cầu quản lý sử dụng đất, tránh lãng phí đất đai. Do đó, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái
|
Đề nghị xem xét lại, vì thời điểm lập Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất (trừ Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện) chưa thể liệt kê chi tiết quy mô, địa điểm công trình, dự án cấp quốc gia và cấp tỉnh được, mà mới chỉ xác định được chỉ tiêu sử dụng đất theo nhu cầu của từng ngàng, từng cấp
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại dự thảo Luật kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia không quy định phải liệt kê chi tiết quy mô, địa điểm công trình, dự án. Trong nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã căn cứ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp tỉnh, do đó đã xác định được một số công trình, dự án cấp quốc gia và cấp tỉnh triển khai trong kỳ kế hoạch sử dụng đất. Do vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh
|
Các dự án có chủ trương đầu tư mới đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm; tuy nhiên, sẽ khó khăn để thu hồi tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư hoặc dự án tái định cư.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp
|
|
Hội nông dân Việt Nam
|
- Tại điểm c Khoản 4 quy định “Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diên tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện dự án tái định cư tại chỗ, nhà ờ, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh”. Đề nghị chỉnh sửa bổ sung "... xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi...” bởi vì nếu chỉ xác định “vị trí, diện tích” là chưa đầy đủ, mới chi' thể hiện được trong bảng số liệu mà chưa khoanh định được phạm vi ranh giới trên bản đồ, làm cơ sở cho cấp huyện thực hiện theo quy định “... phải được xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích trên bản đồ địa chính” như đã nêu tại điểm b Khoản 7 về “Nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện”.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ
|
Tại khổ 2 điểm c khoản 3 Điều 41 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh: “Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện dự án tái định cư tại chỗ, nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh” đề nghị chuyển sang Điều 42 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc bổ sung thêm nội dung này tại điểm d khoản 2 Điều 42
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung kế hoạch sử dụng đất câp tỉnh phải xác định vị trí, diện tích, ranh giới khu vực để thực hiện các công trinh dự án của trung ương, địa phương để thực hiện dự án. Vì vậy, quy định như dự thảo là phù hợp.
|
|
Tỉnh ủy Kon Tum
|
Tại khoản 3 và khoản 4 Điều 42: Đề nghị cần quy định lại theo hướng:
“Đối với khu vực đã có quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng của địa phương”.
Lý do: Để đảm bảo thống nhất và tránh chồng chéo giữa Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Trường hợp thống nhất điều chỉnh lại khoản 3 và khoản 4 Điều 42 Đề nghị điều chỉnh điểm a khoản 5 Điều 42 cho phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: tại Điều về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã quy định cụ thể các quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh đã có quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất.
Đối với những khu vực có quy hoạch nông thôn, phạm vi lập quy hoạch không bao gồm toàn bộ diện tích đất trong đơn vị hành chính cấp huyện. Nên việc sử dụng quy hoạch nông thôn thay quy hoạch sử dụng đất cấp huyện không đáp ứng yêu cầu quản lý sử dụng đất đai.
Do đó, để đảm bảo yêu cầu về quản lý nhà nước về đất đai, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
1. Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, bao gồm:
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên
|
Tại Điều 42 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nêu căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trên cơ sở Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tuy nhiên hiện nay không thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đề nghị Bộ nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo Luật quy định hệ thống quy hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp, trong đó có quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; do đó, việc quy định như dự thảo là phù hợp.
|
d) Nhu cầu và khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp xã; đối với việc xác định nhu cầu sử dụng đất ở, đất khu đô thị, đất khu dân cư nông thôn được xác định trên cơ sở dự báo dân số, điều kiện hạ tầng, cảnh quan, môi trường theo quy định của pháp luật về xây dựng.
|
tỉnh Ninh Bình
|
Sửa điếm d khoản 1: sửa UBND cấp xã thành của cấp xã cho đồng nhất với điểm c khoản 3 Điều 41
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa taị dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, bao gồm:
|
|
|
|
d) Khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo các khu vực đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và xác định định hướng phát triển theo hạ tầng, hướng tuyến và điểm kết nối giao thông quy định tại điểm c khoản 2 Điều 41 của Luật này;
|
Bộ Xây dựng
|
Đề nghị bỏ nội dung về bố trí không gian sử dụng đất theo các khu vực; xác định định hướng phát triển theo hạ tầng, hướng tuyến và điểm kết nổi giao thông; xác định không gian, diện tích các vùng đất theo định hướng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xà hội; định hướng về hệ thống đô thị và hệ thống hạ tầng kỳ thuật, hạ tầng xã hội quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2, khoản 4 Điều 42 dự thảo Luật
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa taị dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Đối với quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh đã có quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng của địa phương.
|
Tỉnh ủy Kon Tum
|
Đề nghị nghiên cứu bỏ cụm từ “quy hoạch phân khu”. Lý do quy hoạch chung đô thị của thành phố thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh bao gồm khu vực nội thị (khu vực phát triển đô thị) và ngoại thị (khu vực nông thôn là các xã), trong lúc khu vực nông thôn không quy hoạch phân khu.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau:
Đối với những khu vực có quy hoạch nông thôn; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu thị trấn, đô thị mới phạm vi lập quy hoạch không bao gồm toàn bộ diện tích đất trong đơn vị hành chính cấp huyện. Nên việc sử dụng quy hoạch nông thôn; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu thị trấn, đô thị mới thay quy hoạch sử dụng đất cấp huyện không đáp ứng yêu cầu quản lý sử dụng đất đai.
|
Bộ Xây dựng
|
Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 42 dự thảo Luật theo hướng bổ sung thị trấn, đô thị mới đã có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm
|
UBND tỉnh Ninh Thuận
|
Đề nghị quy định thống nhất loại đất giữa ngành xây dựng và ngành tài nguyên môi trường (vd: pháp luật đất đai không quy định cụ thể loại đất hỗn hợp,…). Đồng thời, điều chỉnh cụm từ “Đối với quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương,...” thành “Đối với thị xã, quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương,...”, để quy định ngắn gọn, nhưng không làm thay đổi nội dung.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: theo quy định của pháp luật về đất đai việc quản lý, sử dụng đất được xác định dựa trên cơ sở loại đất đã được quy định tại dự thảo Luật. Do đó, việc xác định loại đất trong quy hoạch sử dụng đất được quy định tại dự thảo Luật là phù hợp.
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau
|
Làm rõ khái niệm quy hoạch phân khu, đồng thời, do Luật Quy hoạch đô thị không thống nhất với Luật Đất đai về mục đích sử dụng các loại đất, nên việc cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất sẽ vướng mắc khi thực hiện. Vì vậy, đề xuất quy định phù hợp để khi thực hiện không vướng mắc, đảm bảo đồng bộ, thống nhất mục đích sử dụng các loại đất giữa các Luật hoặc không đưa nội dung này vào dự thảo Luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy hoạch phân khu được quy định trong Luật Xây dựng. Quy hoạch sử dụng đất được lập và quản lý theo mục đích sử dụng đất, còn quy hoạch xây dựng được lập và quản lý theo khu chức năng, không gian sử dụng. Do đó, không thể có sự đồng nhất giữa hai quy hoạch này.
|
STNMT tỉnh Ninh Bình
|
Giữ nguyên Luật hiện hành
|
|
Tỉnh ủy Kon Tum
|
Đề nghị chỉnh sửa cụm từ “đối với các quận không phải lập quy hoạch sử dụng đất” thành “đối với các quận, thành phố, thị xã theo khoản 3 Điều này” cho phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 42.
|
5. Căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, bao gồm:
|
|
|
|
a) Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; quy hoạch xây dựng đô thị đối với các quận không phải lập quy hoạch sử dụng đất;
|
Tỉnh ủy Kon Tum
|
Đề nghị chỉnh sửa cụm từ “đối với các quận không phải lập quy hoạch sử dụng đất” thành “đối với các quận, thành phố, thị xã theo khoản 3 Điều này” cho phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 42.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
7. Nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, bao gồm:
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình
|
Sửa khoản 7: bổ sung cụm từ “hàng năm” vào nội dung kê hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện: đế đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất trong năm kế hoạch, đối với các trường hợp danh mục các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cần xác định rõ nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện thu hồi trong năm kế hoạch; diện tích đất để đấu giá quyền sử dụng đất là những khu vực, công trình, dự án như thế nào? và bố sung danh mục công trình, dự án đấu thầu có sử dụng đất đưa vào nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Điều 43. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh
|
|
|
|
1. Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh bao gồm:
|
|
|
|
e) Định mức sử dụng đất, tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị làm rõ khái niệm “Định mức sử dụng đất”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Về đề nghị của Bộ là hợp lý, tuy nhiên đây là nội dung cụ thể liên quan đến định mức sử dụng cho từng ngành lĩnh vực nên cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu để quy định cụ thể tại các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật.
|
5. Chính phủ quy định tiêu chí và quyết định khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh.
|
Bộ Văn hóa thể thao và du lịch
|
Tại khoản 5 Điều 43 giao “Chính phủ quy định tiêu chí và quyết định khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai...”. Tuy nhiên, cần quy định ngay trong Luật về khái niệm, nội dung hạn chế tiếp cận đất đai để bảo đảm tính minh bạch
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
|
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đề nghị: bổ sung việc lấy ý kiến đóng góp bằng văn bản của người sử dụng đất là tổ chức có diện tích đất quy hoạch phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc lấy ý kiến đã được đăng tải trên trang thông tin điển tử trong suốt quá trình xin ý kiến, việc quy định như vậy để kịp thời, tránh lãng phí; đối với các tổ chức có diện tích chuyển mục đích sử dụng đất phải lấy ý kiến bằng văn bản là không phù hợp với việc đẩy mạnh sử dụng công nghệ số trong việc thực hiện xin ý kiến đối với các tổ chức, cá nhân.
|
2. Hình thức, nội dung và thời gian lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo quy định sau đây:
|
|
|
|
a) Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện;
|
Hội nông dân Việt Nam
|
Tại điểm a Khoản 2 quy định “...việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của ủy ban nhân dân cấp tỉnh và ủy ban nhân dân cấp huyện”. Mặc dù Khoản 5 giao “Chính phủ quy định chi tiết Điều này” song cần lưu ý việc lấy ý kiến nhân dân theo hình thức đăng trên trang thông tin điện tử của UBND các cấp không thực sự hiệu quả bởi vì khả năng tiếp cận thông tin của người dân nông thôn nói chung và người nông dân nói riêng còn hạn chế, trong khi việc lấy ý kiến thông qua hình thức “tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp” cũng bất cập do yếu tố thành phần, số lượng đối tượng tham gia; thiếu chế tài xử lý đối với cơ quan có trách nhiệm lay ý kiến không thực hiện hoặc không thực hiện hết trách nhiệm trong việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình. Do đó đề nghị cần có quy đinh cu thể về đối tương dươc lẩy ý kiến, dăc biêt là người dân cỏ đất nông nghiệp bị thu hồi, đồng thời bổ sung quy định về “chế tài xử lý dối vời cơ quan cỏ trách nhiệm lấy ý kiến không thưc hiên hoặc không thưc hiên hết trách nhiêm” (nên quy định cụ thể trong Luật, nhất là quy định về chế tài).
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình
|
Tại Khoản 2 về hình thức, nội dung và thời gian lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đề nghị bổ sung hình thức lấy ý kiến trực tiếp
|
b) Nội dung lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án công trình thực hiện trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái
|
Bỏ nội dung xin ý kiến về danh mục công trình, dự án trong quy hoạch sử dụng đất.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
1. Thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:
|
|
|
|
b) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh.
|
|
|
|
Cơ quan quản lý đất đai ở trung ương có trách nhiệm giúp Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh;
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang
|
Đề nghị sửa lại thành: Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thành lập Hội đồng thẩm định, việc thành lập Hội đồng thẩm định phải có cơ quan giúp Hội đồng thẩm định là quy định cụ thể, rõ ràng cơ quan tham mưu cho Hội đồng thẩm định, đảm bảo công khai, minh bạch.
|
|
|
|
|
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
|
HĐND tỉnh Sơn La
Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ
|
Đề nghị bổ sung thông qua Hội đồng nhân dân cấp huyện cho thống nhất với khoản 2 Điều 25
Đề nghị sửa thành: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện” cho phù hợp với khoản 1
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Luật.
Đối với đề nghị “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh”, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
|
Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
|
|
|
|
Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án, các khu vực cần thu hồi đất theo quy hoạch trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang
Tỉnh ủy Hậu Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái
|
Tại Điều 47 (dự thảo): đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp dự án chuyển tiếp kế hoạch sử dụng hàng năm thì UBND tỉnh không phải trình thông qua lại Hội đồng nhân dân cùng cấp
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
- Việc thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất đã được quy định cụ thể tại dự thảo Luật. Đối với các công trình, dự án đã có trong danh mục dự án thu hồi đất đang triển khai thì được tiếp tục thực hiện và không phải thông qua HĐND.
- Việc trình thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất phải trình HĐND cấp tỉnh bao gồm các công trình, dự án đã được quy định cụ thể tại dự thảo Luật. Như vậy, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị sửa thành: Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án, các khu vực cần thu hồi đất theo quy hoạch đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện
|
|
Tỉnh ủy Kon Tum
|
Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định rà soát điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đồng thời với việc rà soát điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch ngành có liên quan.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo chỉ quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; không quy định nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất để đảm bảo giám sát việc tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và tránh tình trạng điều chỉnh liên tục.
Đối với các trường hợp cần thiết mà phải thay đổi về quy mô, địa điểm và số lượng dự án, công trình trong cùng một loại đất nhưng không làm thay đổi về chỉ tiêu và khu vực sử dụng đất theo chức năng sử dụng trong quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt thì được quy định cụ tại Nghị định quy định chi tiết nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Dự thảo đã quy dịnh cụ thể căn cứ để lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên
|
Tại Điều 48 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề nghị Bộ nghiên cứu và quy định thêm đối với trường hợp điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện được điều chỉnh trong trường hợp nào để tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
|
1. Rà soát quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo định kỳ 05 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị sửa lại thành: Rà soát quy hoạch sử dụng đất được thực hiện để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn để thống nhất với Khoản 2
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này đã được quy định tại dự thảo Luật, nội dung Khoản 1 quy định thời điểm thực hiện rà soát quy hoạch. Khoản 2 quy định căn cứ điều chỉnh, do đó không có sự mâu thuẫn
|
4. Việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất được thực hiện khi có sự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hoặc có sự thay đổi về khả năng thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai
|
Điều 48 “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”: nội dung nêu tại Điều này còn chung chung: Do vậy, đề nghị điều chỉnh theo hướng: “tăng thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quyền lực Quốc hội, HĐND các cấp trong phê duyệt và giám sát; xây dựng tiêu chí cụ thể đế làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch, khắc phục tình trạng tùy tiện trong thực hiện; có chế tài khi vi phạm quy định vê lập, điểu chỉnh, thực hiện không đúng quy hoạch
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
- Khoản này chỉ quy định về điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, trong đó đã quy định căn để điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất.
- Việc bổ sung danh mục, công trình phát sinh trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện sẽ làm thay đổi khả năng thực hiện kế hoạch sử dụng đất dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện là cần thiết.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình
|
Chỉ nên quy định việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, không nên quy định điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện vì kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được phê duyệt hàng năm đã là cơ sở để thực hiện trong năm kế hoạch, không thể điều chỉnh vì những lý do được nêu trong dự thảo
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Liên đoàn Luật sư, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
|
Tại các điều 40,41,42 đề nghị bổ sung thời hạn lập quy hoạch sử dụng đất các cấp để đảm bảo đồng bộ các mục tiêu sử dụng đất phải quy định thời hạn phê duyệt quy hoạch sử dụng đất sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện sau khi quy hoạch sử dụng đất quốc gia được phê duyệt.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại khoản 1 của Dự thảo đã quy định việc lập và trình phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp và đã thực hiện theo Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, theo đó Quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.
|
2. Chính phủ tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
|
|
|
|
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
|
UBND tỉnh Phú Thọ, HĐND tỉnh Bắc Kạn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, tỉnh ủy Hậu Giang
|
Đề nghị bổ sung nội dung Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cho cấp huyện để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, quy hoạch sử dụng đất cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp trên theo quy định tại Điều 37
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh.
|
|
|
|
4. Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
|
Tỉnh ủy Bến Tre
|
Tại khoản 4 Điều 51 dự thảo Luật quy định đối với dự án đã có thông báo thu hồi đất, trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì người sử dụng đất vẫn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất; nếu có phát sinh chuyển nhượng, tặng cho sẽ làm thay đồi chủ sử dụng đất, chính sách tái định cư (tách hộ đe hường nhiều suất hỗ trợ, tái định cư); dẫn đến phải điều chỉnh lại toàn bộ hồ sơ theo như: bản đồ, kiểm đếm, lập, niêm yết công khai, thẩm định phương án bồi thường, hồ trợ, tái định cư làm kéo dài công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đê nghị xem xét: Bổ sung quy định tại Điều này là trường hợp đã có thông báo thu hồi đất cúa cấp có thẩm quyền thì người sử dụng đất không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trong khu vực thực hiện Dự án.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo cụ thể như sau:
Trong quá trình thực hiện các quyền của người sử dụng đất, khi có thay đổi về quyền của người sử dụng đất thì cơ quan có trách nhiệm lập phương án bồi thường rà soát, hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi.
|
|
|
|
|
5. Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm kể từ ngày phê duyệt năm được đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố công khai thì người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định.
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Lạng Sơn
|
Đề nghị sửa thành “5. Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm kể từ ngày phê duyệt đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì kế hoạch sử dụng đất đó hết hiệu lực và người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: phải thực hiện rà soát, công bố để đảm bảo quyền lợi của người trong khu vực bị ảnh hưởng bởi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Như vậy, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình
|
Bỏ cụm từ “điều chỉnh hoặc”.... vì trường hợp dự án sau 3 năm kế từ ngày phê duyệt năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước... công bo việc hủy bỏ việc thu hồi đất hoặc chuyến mục đích đối với phân diện tích đât ghi trong kế hoạch sử dụng đất mà không thực hiện điều chỉnh
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung dự thảo Luật quy định là phù hợp, trong quá trình triển khai thực hiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất phải có trách nhiệm thực hiện rà soát để điều chỉnh hoặc hủy bỏ. Như vậy, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
|
7. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
|
Sở TNMT Hưng Yên, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Hòa Bình
|
Đề nghị sửa cho phù hợp với trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tại điểm c khoản 2 Điều 50:
“7. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã.”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
- Trong quá trình rà soát UBND cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức rà soát để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét việc hủy bỏ thu hồi đất, chuyển mục đích và công bố hủy bỏ. Do đó, đề nghị giữ như dự thảo Luật.
- Về ý kiến đăng trên cổng thông tin điện tử của cấp huyện và cấp xã, cơ quan soạn thảo tiếp thu vào dự thảo Luật:
“7. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức rà soát, báo cáo Ủy ban nhân cấp tỉnh xem xét việc hủy bỏ các công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai việc hủy bỏ các công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, UBND cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và Bộ Tài nguyên và Môi trường..”
|
|
|
|
|
1. Trách nhiệm báo cáo về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định như sau:
|
|
|
|
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả ước thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 10 hàng năm;
|
HĐND tỉnh Thái Nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình
|
Tại điểm a khoản 1 Điều 52 đề nghị quy định bổ sung trách nhiệm của ủy ban nhân dân tỉnh trong việc báo cáo két quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp thường lệ cuối năm. Theo đó viết lại thành “ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm gửi bảo cáo kết quả ước thực hiện quy hoạch, kể hoạch sử dụng đẩt đến ủy ban nhân dân cấp tỉnh; ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Bộ Tài nguyên và Môi trưởng trước ngày 15 tháng 10 hàng năm và Hội đồng nhân dân cùng cap tại Kỳ họp thường lệ cuối năm ” để đảm bậo quyền giám sát của HĐND tỉnh về lĩnh vực này.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: việc báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được báo cáo theo cấp lập lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong nội dung giám sát của Hội đồng nhân dân thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, do đó dự thảo Luật không quy định bởi nếu quy định sẽ không đảm bảo theo các Luật khác, trong đó có Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
|
|
Tỉnh ủy Kon Tum
|
Đề nghị nghiên cứu chuyển nội dung của Điều này vào quy định chuyển tiếp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật quy định Điều này tại Chương quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện và theo dõi. Do đó, đề nghị giữ như dự thảo Luật.
|
2. Đối với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải rà soát, điều chỉnh nội dung phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để lập quy hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật này.
|
Sở TNMT Hưng Yên, Tỉnh ủy Trà Vinh, Ninh Bình
|
Đề nghị sửa theo hướng tiếp tục thực hiện quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho đến kỳ rà soát quy hoạch sử dụng đất định kỳ 5 năm theo khoản 1 Điều 48 để tránh lãng phí và mất nhiều thời gian lập lại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
|
PA1: Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện việc phê duyệt quy hoạch tỉnh thì rà soát, điều chỉnh lại phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai theo nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được quy định tại Luật này để thực hiện đến hết kỳ quy hoạch tỉnh.
PA2: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo quy định của Luật này, trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải kế thừa nội dung phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình
|
Nên quy định cụ thể thời gian tồ chức thực hiện Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong Quy hoạch tỉnh (dự kiến Quý IV các tỉnh mới trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt) trong khi theo yêu cầu tại Nghị quyết số 18- NQ/TW của Bộ Chính trị đến năm 2023 Luật Đất đai sửa đối phải được ban hành
|
Chương V
GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT,
CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT
NỘI DUNG DỰ THẢO
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
Chương V
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Điều 54. Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
|
Bộ Tài chính, UBND Hà Giang
|
Đề nghị bổ sung nội dung:
“3. Đối với trường hợp xử lý tài sản công là nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì căn cứ để giao đất, cho thuê đất gồm:
a) Quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về giao, điều chuyển, chuyển giao, bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
b) Kết quả đấu giá, kết quả bán (trong trường hợp bán, chuyển nhượng);
c) Biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản (trong trường hợp giao, điều chuyển, chuyển giao).
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Bình Thuận, UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh An Giang, HĐND tỉnh Tây Ninh
|
Cần quy định rõ chỉ áp dụng với dự án đầu tư mà không áp dụng với hộ gia đình, cá nhân.
Việc giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân mà áp dụng các điều kiện này sẽ không khả thi và khó thực hiện.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật quy định nguyên tắc kế thừa quy định hiện hành và giao Chính phủ quy định cụ thể
|
Sở Tư pháp Hải Dương, UBND tỉnh Đắk Lắk, Tỉnh Ủy Bắc Giang
|
Đề nghị bổ sung thêm căn cứ: “Kết quả giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan có thẩm quyền”; Kết quả giải quyết khiếu nại về đất đai theo quy định của pháp luật; Kết quả thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh ủy Kon Tum
Sở TNMT Bình Thuận, UBND tỉnh An Giang, Sở TNMT Hưng Yên, Tỉnh ủy Kon Tum, Tỉnh Ủy Quảng Bình, UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TNMT Thái Bình, Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi, UBND TP Hà Nội, HĐND tỉnh Hải Dương
|
Đề nghị bổ sung căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất: “Quyết định chấp thuận dự án đầu tư đối với các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.”Lý do: Nhằm kiểm soát việc sử dụng đất thông qua nội dung dự án đầu tư để thu hồi đất trong trường hợp có vi phạm pháp luật Đất đai; nội dung bổ sung để phù hợp với quy định tại Điều 39 Luật Đầu tư năm 2020.
Việc quy định văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất là căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chưa thỏa đáng, bởi vì: đây là công văn hành chính thông thường, tác nghiệp theo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan theo quy định Luật đầu tư (Điều 33), nếu lấy làm căn cứ để giao thuê, chuyển mục đích sử dung đất là chưa phù hợp.
Đề nghị làm rõ văn bản, nội dung thẩm định nhu cầu sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau: Tại Điều về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của dự thảo Luật đã có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, theo đó Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể việc đánh giá theo từng loại hồ sơ, loại dự án, trong đó có dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, có dự án không có quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư.
|
UBND tỉnh Thái Nguyên
|
Đề nghị bỏ cụm từ “cho phép” để đảm bảo việc chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau: Quy định này được sử dụng thống nhất trong toàn bộ Dự thảo Luật theo đó, người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng có 2 loại: các trường hợp phải xin phép cơ quan có thẩm quyền và trường hợp còn lại phải đăng ký biến động đất đai.
|
1. Kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
|
UBND tỉnh Bắc Kạn, Tỉnh ủy Hà Nam
|
Tại khoản 1 Điều 54 cần quy định thêm đối với các dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau: Điều về áp dụng pháp luật của Dự thảo Luật đã quy định cụ thể phạm vi áp dụng của Luật Đất đai và Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng…để tránh chồng chéo trong quản lý, sử dụng đất.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang
|
Tại Khoản 1 Điều 54 (dự thảo) quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nêu: “1. Kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất” như vậy thì trường hợp đã có kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất có phải ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất hay ban hành văn bản công nhận kết quả trúng đấu giá; đồng thời, xem lại trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau: Nội dung này sẽ được quy định cụ thể trong trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất trong Nghị định theo phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai (phần đầu và cuối, còn phần tổ chức đấu giá theo pháp luật về đấu giá tài sản)
|
2. Trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất; trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất:
|
UBND tỉnh Bắc Kạn
|
Tại khoản 2 Điều 54 cần ghi rõ không “thông qua” đấu giá quyền sử dụng đất, không “thông qua” đấu thầu dự án có sử dụng đất như quy định của Luật Đất đai năm 2013.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
a) Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
|
UBND tỉnh Phú Thọ
|
Quy định nêu trên tương tự Khoản 1, Điều 52 Luật đất đai năm 2013; tuy nhiên theo Luật quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009 và Luật xây dựng ngày 18/6/2014 quy định việc quản lý và sử dụng đất đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị, đúng mục đích, chức năng được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị. Do đó, thời gian qua việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối khu vực đô thị còn phải căn cứ vào quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, Để thống nhất, tránh chồng chéo trong thực hiện thủ tục hành chính có liên quan, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát quy định cụ thể.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo báo cáo như sau: Theo nội dung Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện tại dự thảo Luật đã thể hiện các nội dung của quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị…, do đó, để nghị giữ nguyên như dự thảo.
|
Sở TNMT TP Hồ Chí Minh
|
Đề nghị bỏ căn cứ là “Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện” mà chỉ quy định là căn cứ quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
b) Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này.
|
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
|
Cần xem xét, bỏ quy định về “Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền” tại điểm b khoản 2 Điều 54. Lý do: Quy định này không phù hợp, thiếu tính khả thi, có thể phát sinh tình trạng “xin - cho”, dễ dẫn đến tiêu cực trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, “thẩm định nhu cầu” là khái niệm mập mờ, thiếu tính rõ ràng, không phải là một thủ tục cần làm của cơ quan quản lý nhà nước. Có thể thẩm định sự phù hợp với quy hoạch trong mục đích giao đất/chuyển mục đích sử dụng đất, không thẩm định nhu cầu sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Các trường hợp giao đất, cho thuê đất có cả trường hợp không có dự án và có dự án, có quyết định chủ trương đầu tư và không có quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, quy định tại Dự thảo là đảm bảo căn cứ cho tất cả các trường hợp để tiềm kiểm các dự án không có khả năng sử dụng đất hiệu quả dẫn đến dự án treo.
|
c) Quyết định phê duyệt dự án đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
|
UBND tỉnh Lạng Sơn
|
Đề nghị xem xét, bổ sung nội dung căn cứ theo "tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án đầu tư”, vì trên thực tế hiện nay có nhiều dự án rất khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, có những dự án đã triển khai trong nhiều năm nhưng chưa giải phóng mặt bằng xong, do đó cần bổ sung quy định này làm cơ sở để giao đất cho Nhà đầu tư thực hiện dự án.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: tiếp tục nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng: Có giao đất theo tiến độ hay giao một lần.
|
HĐND tỉnh Tây Ninh
|
Làm rõ áp dụng một trong các điểm hay tất cả các điểm thuộc khoản 2 Điều
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo tiếp thu: hoàn thiện về kỹ thuật soạn thảo
|
Việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật.
|
Sở TNMT Tỉnh Quảng Ngãi
|
Dự thảo Luật cần bổ sung trường hợp chưa thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư như trường hợp phải gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước theo Khoản 3 Điều 99 dự thảo luật này do người sử dụng đất không nhận tiền bồi thường thì có được xem là đã thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư .
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này mang tính nguyên tắc và được quy định cụ thể trong tình tự, thủ tục thu hồi đất của dự thảo Luật. Đồng thời, một số tình huống cụ thể sẽ được giải quyết trong Nghị định của Chính phủ.
Do vậy, đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
|
UBND tỉnh Bắc Kạn, Tỉnh Ủy Hà Nam, UBND TP Hải Phòng
|
Tại Điều 55 bổ sung thêm việc thu hồi đất đối với đối tượng được giao đất để quản lý: Việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng, “quản lý” cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau:
Tại dự thảo Luật quy định: Nhà nước giao đất để quản lý là việc Nhà nước giao trách nhiệm cho các tổ chức trong nước quản lý quỹ đất thông qua quy định của pháp luật hoặc quyết định hành chính. Do vậy, đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
|
|
|
|
|
Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
|
Bộ Xây dựng
|
Nội dung vướng mắc
- Dự thảo Luật có quy định về giao đất không thu tiền sử dụng đất (Điều 56); giao đất có thu tiền sử dụng đất (Điều 57); miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 128) cụ thể:
- Khoản 5 Điều 56 dự thảo Luật quy định về giao đất không thu tiền sử dụng đất: “5. Giao đất để xây dựng nhà ờ, đất ở để phục vụ tái định cư theo dự án của nhà nước.
- Khoản 2 Điều 57 quy định các dự án xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ là các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất.
- Điểm b khoản 3 Điều 128 dự thảo Luật quy định Nhà nước có chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong các trường hợp, trong đó có trường hợp sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội.
Với các quy định nêu trên thì khi thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất, sau đó mới thực hiện thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất, quy trình này mất nhiều thời gian và không đảm bảo mục tiêu khuyến khích các nhà đầu tư tham gia các dự án xây dựng nhà ở xã hội, không thực hiện theo hướng giảm thủ tục hành chính không cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ dụ’ án để tạo điều kiện cho các chù đầu tư thực hiện dự án nhà ờ xà hội.
Kiến nghị, đề xuất: Đề nghị bổ sung vào khoản 5 vào Điều 56 dự thảo Luật quy định về giao đẩt không thu tiền sử dụng đất như sau: “5. Giao đất đê xây dựng nhà ờ, đất ờ đê phục vụ tái định cư theo dự án cua nhà nưởc; giao đất để xây dựng nhà ờ cho người lao dộng tại các khu công nghiệp; nhà ờ xà hội; cai tạo, xây dựng lại nhà chung cư và nhà ơ công vụ ”; đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất với nội dung dề xuất bổ sung khoán 5 Điều 56 dự thảo Luật nêu trên, đề nghị bỏ nội dung " ... sư dụng đat đê xây dựng nhà ờ xã hội theo quy định cùa pháp luật nhà ở... ” tại điếm b khoản 3 Điều 128 dự thảo Luật; bỏ nội dung “Giao đất để xây dựng nhà ơ cho người lao động lại các khu công nghiệp, nhà ờ xã hội, cai tạo, xây dựng lại nhà chung cư và nhà ở công vụ ” tại khoản 2 Điều 57 dự thảo Luật.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 145 của Luật này.
|
|
|
|
2. Đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 57 của Luật này.
|
Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở TNMT Thái Bình
|
- Khoản 2 Điều 56: Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung trường hợpgiao đất không thu tiền sử dụng đất như sau: “Đất sử dụng để xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập không nhằm mục đích kinh doanh”. Lý do: Theo khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý và sử dụng tài sản công có quy định Cơ sở hoạt động sự nghiệp là đất, nhà làm việc,công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ côngcủa đơn vị sự nghiệp công lập. Trên thực tế, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh, ví dụ như hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động hỗ trợ công tác quản lý nhà nước,...
- Tại một số điều trong dự thảo (ví dụ khoản 2 Điều 56, khoản 1 Điều 59, khoản 5 Điều 121,...) có phân loại đất sử dụng vào mục đích công cộng (trong đó bao gồm xây dựng công trình viễn thông) theo 02 loại: có mục đích kinh doanh và không có mục đích kinh doanh với cơ chế quản lý khác nhau. Đề nghị làm rõ “mục đích kinh doanh” trong dự thảo được hiểu là như thế nào và cân nhắc thêm đến đặc điểm của các công trình viễn thông công cộng để có phân loại phù hợp, bảo đảm định hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đất để phát triển hạ tầng viễn thông vì mặc dù công trình viễn thông công cộng do doanh nghiệp viễn thông thiết lập phục vụ kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng có vai trò là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Người sử dụng đất để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
|
UBND Đắk Nông
|
Điều 17 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: “Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên...”. Như vậy, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất, nhưng thu tiền thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên; không giao đất rừng đặc dụng cho hộ gia đình, cá nhân; do đó, không thống nhất, đồng bộ theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Luật Lâm nghiệp năm 2017 (nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng; thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: về nội dung này dự thảo Luật đã quy định thống nhất với Luật Lâm nghiệp năm 2017 và cho thuê đất rừng sản xuất đã được quy định tại dự thảo Luật.
|
4. Tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp.
|
Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
|
Đề nghị sửa khoản 4 thành "Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp" cho phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của loại hình đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật hiện nay.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Tiếp thu 1 phần sửa lại tại Điều về trường hợp không đấu giá đối với đất cho đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính thuê.
|
5. Giao đất để xây dựng nhà ở, đất ở để phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước.
|
UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở TNMT Hà Tĩnh
|
Đề nghị đưa quy định: “5. Giao đất để xây dựng nhà ở, đất ở để phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước” thành đối tượng giao đất có thu tiền sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: việc quy định Nhà nước giao đất cho các đơn vị để xây dựng các khu tái định cư và bàn giao lại cho nhà nước để Nhà nước giao đất cho các đối tượng tái định cư. Do đó không quy định thu tiền sử dụng đất trong trường hợp này. Do đó, đề nghị giữ như dự thảo.
|
Bộ Xây dựng
|
Đề nghị bổ sung vào khoản 5 vào Điều 56 dự thảo Luật quy định về giao đẩt không thu tiền sử dụng đất như sau: “5. Giao đất để xây dựng nhà ở, đất ở để phục vụ tái định cư theo dự án của nhà nước; giao đất để xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp; nhà ở xã hội; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và nhà ở công vụ”; đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất với nội dung đề xuất bổ sung khoản 5 Điều 56 dự thảo Luật nêu trên, đề nghị bỏ nội dung "... sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật nhà ở... ”
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
6. Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; tổ chức tôn giáo sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 178 của Luật này.
|
Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Sở TNMT Thái Bình, UBND tỉnh Bắc Kạn, Tỉnh Ủy Hà Nam
|
Đề nghị bổ sung quy định giao đất đối với công trình tín ngưỡng là di tích lịch sử văn hóa có nhu cầu khôi phục lại hoặc mở rộng.
Quy định Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với “tổ chức tôn giáo sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 178 của Luật này”, bao gồm: “Đất thuộc chùa, nhà thờ” là tương đối rộng, khó phân loại.
Làm rõ quy định tổ chức tôn giáo sử dụng vào mục đích khác phải thuê đất?
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
- Pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể về quản lý, sử dụng công trình di tích lịch sử văn hóa, trong đó có trường hợp là công trình tín ngưỡng.
- Điều về giao đất không thu tiền sử dụng đất quy định của dự thảo Luật có tính hệ thống các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất, còn quy định cụ thể về giao đất, cho thuê đất đối với cơ sở tôn giáo được quy định tại Điều về đất tôn giáo của dự thảo Luật
|
Liên đoàn Luật sư Việt Nam
|
Quy định này chưa giải quyết tình trạng cơ sở tôn giáo sử dụng đất quy mô khá lơn; cấn có quy định về hạn mức
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Điều về giao đất không thu tiền sử dụng đất quy định của dự thảo Luật quy định có tính hệ thống các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất, còn quy định cụ thể về giao đất đối với cơ sở tôn giáo được quy định tại Điều về đất tôn giáo của dự thảo Luật.
|
UBND tỉnh Tiền Giang
|
Xem xét tạo điều kiện việc sử dụng đất cho hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp, đề nghị bổ sung đối tượng này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung này đã được quy định tại Điều về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự thảo Luật.
|
Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi
|
Tại Điều 56 dự thảo: Đề nghị bổ sung trường hợp giao đất cho Tổ chức phát triển quỹ đất để tạo quỹ đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đây là trường hợp giao đất để quản lý và được quy định thống nhất trong toàn bộ dự thảo Luật.
|
|
|
|
|
2. Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ.
|
HĐND tỉnh Vĩnh Long
|
Đề nghị không áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
Sở Tư pháp Hải Dương
|
Vấn đề “xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp” cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng vì việc xây nhà ở cho người lao động cần phải thực hiện đồng bộ với các hạ tầng xã hội khác, người lao động trong các khu công nghiệp thường xuyên biến động
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.
|
Sở TNM& Yên Bái
|
Đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định đối tượng được giao đất gồm: Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án khu dân cư, khu đô thị.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này giữ nguyên hiện hành: thu hồi đất để thực hiện dự án khu dân cư và khu đô thị , sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng thì giao, cho thuê đất theo từng hạng mục, dự án cụ thể như nhà ở, hạ tầng công cộng, cây xanh, công viên….tương ứng với hình thức giao đất, cho thuê đất. Do đó, đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
|
|
Tỉnh Ủy Sơn La
|
Tại khoản 2 và khoản 3, quy định “dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê” được giao đất có thu tiền sử dụng đất, tuy nhiên, tại các Điều 57, 63,64,65, 67 lại không có quy định về dự án này.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
4. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được giao đất ở do được bồi thường hoặc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
|
|
|
|
5. Tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.
|
UBND tỉnh Đồng Nai
|
Đề nghị làm rõ phần diện tích đất cây xanh, giao thông thuộc dự án nghĩa trang thì chủ đầu tư có phải nộp tiền sử dụng đất không ? các phần diện tích sử dụng để kinh doanh của nghĩa trang thuộc trường hợp giao đất hay thuê đất ?
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật quy định về phân loại đất và chế độ sử dụng đất của từng loại đất, trong đó đất nghĩa trang, nghĩa địa là một loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, không phải là loại đất hỗn hợp. Do đó, đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
|
|
UBND TP Hải Phòng
|
Đề nghị chuyển đất nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng sang thuê đất
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật quy định thống nhất về loại đất nghĩa trang, nghĩa địa, còn các công trình trên đất phụ thuộc vào từng dự án cụ thể theo quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500, có trường hợp có hoặc không có hạng mục nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng nên phải thống nhất hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất. Do đó, đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
|
6. Việc giao đất quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại các điều 63, 64 và 65 của Luật này.
|
|
|
|
|
UBND tỉnh Thứa Thiên Huế
|
Đề nghị bổ sung đối tượng được giao đất phi nông nghiệp là cộng đồng dân cư vào Điều 57.
Lý do: Tại khoản 5 Điều 86 có quy định bồi thường bằng việc giao đất phi nông nghiệp cho cộng đồng dân cư đang sử dụng đất, bị nhà nước thu hồi đất và đủ điều kiện bồi thường về đất. Tuy nhiên, tại Điều 57 quy định về giao đất có thu tiền sử dụng đất không có quy định giao đất phi nông nghiệp cho cộng đồng dân cư nên không có trình tự, thủ tục để thực hiện việc giao đất cũng như xác định giá đất để giao.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: rà soát lại khoản 5 Điều 86 để đảm bảo tính thống nhất trong dự thảo Luật.
|
|
HĐND tỉnh Hải Dương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh, Tổng liên đoàn Lao động, Bộ Tài chính
|
Tại các Điều 56,57,58: đề nghị mở rộng đối tượng giao đất, cho thuê đất như: hộ kinh doanh, tổ hợp tác, liên danh, các tổ chức “Hội”; “tổ chức xã hội nghề nghiệp”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho công nhân.
+ Quy định này sẽ chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cũng như tính chất của các Hội. Cần xem xét lại chế độ sử dụng đất đối với các Hội đặc thù theo quy định tại Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy định hội có tính chất đặc thù.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau
+ Tại Chương I đã quy định cụ thể về người sử dụng đất, trong đó có các loại hình tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Vấn đề mở rộng đối tượng giao đất, cho thuê đất đối với “tổ chức xã hội nghề nghiệp” cần tiếp tục nghiên cứu đảm bảo thể chế đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ-TWvàrà soát Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg cho phù hợp.
+ Quy định các trường hợp giao đất thực hiện dự án nhà ở được thiết kế trên cơ sở thông nhất với quy định của pháp luật về nhà ở: Việc thực hiện Dự án xây dựng nhà ở để bán và cho thuê thuộc lĩnh vực kinh doanh nhưng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam không có chức năng kinh doanh nên không thuộc đối tượng được giao đất ở thực hiện dự án xây dựng nhà ở để bán và cho thuê..
|
|
Tỉnh Ủy Bạc Liêu
|
Chưa thể hiện đất khác (không thuộc đất cơ sở thờ tự) do cơ sở tôn giáo quản lý, sử dụng).
Theo Nghị quyết số 18/NQ-TW, “các tổ chức tôn giáo sử dụng vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định pháp luât”, đề nghị nghiên cứu bổ sung.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này giữ nguyên hiện hành và quy định cụ thể tại Điều về đất tôn giáo của Luật này. Tại khoản 1 Điều này đã loại trừ các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất và giao đất có thu tiền sử dụng đất tại dự thảo Luật, nên các trường hợp còn lại là thuê đất.
Do đó, đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
|
|
UBND tỉnh Thái Nguyên
|
Xem xét mở rộng đối tượng được cho thuê đất trả tiền một lần
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: theo Nghị quyết số 18-NQ/TW thì chủ yếu thực hiện theo hình thức thuê đất hàng năm. Do đó, đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
|
1. Nhà nước cho thuê đất đối với các trường hợp không thuộc trường hợp quy định tại Điều 56 và Điều 57 của Luật này.
|
|
|
|
|
UBND tỉnh Thái Nguyên
|
Bổ sung vào khoản này trường hợp” dự án có thời hạn hoạt động dưới 20 năm”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung về thời hạn thuê đất đã được quy định cụ thể trong Chương chế độ sử dụng đất
|
2. Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong các trường hợp sau đây:
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang
|
Đề nghị bổ sung thêm 1 điểm tại khoản 2 quy định đối tượng được cho thuê đất gồm: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được cho thuê đất để thực hiện dự án cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thương mại,… cho phù hợp với nội dung thể hiện trong dự thảo Tờ trình của Chính phủ cho thuê đất trong thời gian ngắn để tránh lãng phí đất đai.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Đối tượng thuê đất theo quy định chung về cho thuê đất. Do đó, đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
|
a) Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;
|
|
|
|
b) Sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
|
Bộ tài chính
|
Đề nghị bỏ đối tượng thuê đất trả tiền một lần là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vì hiện nay các địa phương triển khai rất nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp đặc biệt các thành phố lớn, các tỉnh có điều tiết ngân sách trung ương có thể dẫn đến tình trạng chuyển đổi hình thức đầu tư dự án hoặc chuyển nhượng lại dự án. Đề nghị quy định áp dụng hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê chỉ đối với trường hợp sử dụng đất khu chế xuất, khu công nghệ cao.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định như Dự thảo Luật để đảm bảo bình đẳng trong lưa chọn hình thức thuê đất để sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đều là các khu sản xuất tập trung. Do đó, đề nghị giữ như dự thảo Luật.
|
Tỉnh Ủy Bến Tre
|
Để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân an tâm đầu tư sản xuất kinh doanh, đề nghị tại khoản 2, Điều 58 bổ sung: sử dụng đất thương mại, dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã thế chế tinh thần đổi mới của Nghị quyết số 18-NQ-TW là chủ yếu áp dụng thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Tại điểm b, khoản 2, Điều 58, đề nghị bổ sung đối tượng đất khu kinh tế vào trong trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần đất cho cả thời gian thuê nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án tại Khu kinh tế tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng, các tổ chức tín dụng để đầu tư hoàn thành đưa dự án vào hoạt động.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này đã thống nhất với quy định về phân loại đất và chế độ sử dụng đất không có loại đất khu kinh tế trong Dự thảo Luật, tùy theo chức năng cụ thể của từng khu để xác định mục đích sử dụng đất tương ứng, loại đất tương ứng, hình thức thuê đất tưng ứng.
|
Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam
|
So với Luật Đất đai hiện hành, dự thảo Luật đã bỏ, “Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, daonh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để đầu tư xây dựng công tình công cộng có mục đích kinh doanh, đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê” thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê (khoản 2 Điều 58) mà sẽ phải trả tiền thuê đất hàng năm.
Theo quy định tại Điều 198 dự thảo Luật, chỉ có quyền bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình.
Quy định trên là chưa phù hợp với về điều kiện tài sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 (Điều 54, Điều 55, điều kiện là có giấy tờ về quyền sử dụng đất)
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này đã thống nhất với quy định khác trong Dự thảo Luật theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết số 18-NQ-TW là chủ yếu áp dụng thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.
|
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị thu hẹp các trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất; theo đó, chỉ cho phép đối với tổ chức chuyển mục đích đất sang đất sản xuất kinh doanh; hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất ở trong hạn mức giao đất ở; đối với các trường hợp khác, người sử dụng đất không còn nhu cầu sử dụng đất theo mục đích đã được xác định tại Quyết định giao đất, cho thuê đất thì chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc trả lại đất cho Nhà nước giao cho người sử dụng đất khác có nhu cầu sử dụng đất đúng mục đích được giao, được cho thuê. Riêng đối với đất có nguồn gốc cổ phần hóa mà người sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất khác với mục đích sử dụng đất theo phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thầm quyền phê duyệt thì Nhà nước thu hồi, bán đấu giá.
Đề nghị bổ sung nội dung quy định về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (như chuyển mục đích từ đất ở sang đất sản xuất kinh doanh, đất thương mại dịch vụ sang đất nông nghiệp,...) vì thực tế thực hiện Luật Đất đai năm 2013, các địa phương phản ánh có vướng mắc khi Luật Đất đai năm 2013 không có quy định đối với các trường hợp này.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
- Quy định như Dự thảo Luật đã thu hẹp các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó trừ các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì Nhà nước thu hồi đất để tổ chức đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất và người sử dụng đất trong khu vực Nhà nước thu hồi đất không được chuyển mục đích sử dụng đất và đã được quy định tại dự thảo Luật.
- Về trường hợp đất có nguồn gốc cổ phần hóa được làm rõ tại Dự thảo như sau:
c) Việc sắp xếp lại, xử lý đất và các tài sản khác gắn liền với đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
- Về nội dung bổ sung nội dung quy định về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không đã được quy định tại khoản 3 Điều 61 Dự thảo:
3. Việc chuyển mục đích sử dụng đất không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải đăng ký biến động theo quy định của pháp luật.
|
Tỉnh Ủy Lâm Đồng
|
Đề nghị bổ quy định trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép nhưng phải đăng ký biến động
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND TP Hà Nội
|
Đề nghị bổ sung khoản 2: Người sử dụng đất hợp pháp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Trong quy định chung đã có quy định về người sử dụng đất nên không phải nhắc lại trong các điều liên quan.
|
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép:
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Có bất cập trong việc thực hiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 59 Luật Đất đai năm 2013, tại khoản 2 Điều 8 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg quy định: “Chủ rừng sử dụng tối đa 30% diện tích đất đã được giao, được cho thuê nhưng chưa có rừng để đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, trong đó diện tích dành cho xây dựng hạ tầng (đường giao thông, công trình kiên cố, nhà mày) tối đa là 20%”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg được ban hành để quy định chi tiết Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai
|
|
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
Điều 59: Về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép chỉ quy định: (1) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang loại đất khác; (2) chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; (3) chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung. Đề nghị xem xét, làm rõ trường hợp không cần xin phép thì thực hiện theo quy định nào. Có phải cá nhân, tổ chức kinh tế có quyền chuyển mục đích linh hoạt giữa đất hàng năm (trừ đất lúa), đất lâu năm và đất nông nghiệp khác với nhau mà không cần xin phép? Trường hợp đất rừng sản xuất không phải rừng tự nhiên với các loại đất nông nghiệp khác (trừ đất chăn nuôi tập trung).
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
|
UBND Đắk Nông
|
Tại khoản 2 Điều 60 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định, sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất: “Được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, không làm thoái hóa, ô nhiễm đất; không chuyển mục đích sử dụng đất rừng”. Như vậy, không đồng bộ với Luật Lâm nghiệp năm 2017, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
Nội dung về sử dụng đất lâm nghiệp kết hợp và không phải chuyển mục đích sử dụng đất đã được quy định tại chương chế độ sử dụng đất.
|
Tỉnh Ủy Sơn La
|
Đề nghị quy định rõ điểm a khoản 1 để tránh cách hiểu khác nhau, hiểu là trong nội bộ đất lâm nghiệp cũng phải xin phép.
Làm rõ đất rừng sản xuất chuyển sang các loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp có phải xin phép không ?
|
Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Luật: Dự thảo bổ sung theo hướng các trường hợp còn lại thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định của pháp luật
|
UBND tỉnh Hòa Bình
|
Tại Điều 59-Chuyển mục đích sử dụng đất: Điểm a, Khoản 1, đề nghị đưa thêm nội dung chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đối với diện tích đất trồng lúa cần được bảo vệ nghiêm ngặt được quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật
35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 của chính phủ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan và quy định cụ thể thẩm quyền chuyển mục đích đối với diện tích này. Đối với diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng nên quy
định diện tích tối đa cho một lần chuyển mục đích sử dụng đối với từng loại đất rừng và thẩm quyền chuyển mục đích.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã được quy định cụ thể về thẩm quyền, căn cứ, điều kiện, nghĩa vụ tài chính, chế độ sử dụng đất sau khi chuyển mục đích trong dự thảo Luật
|
b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Đề nghị sửa thành: b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo kế thừa quy định hiện hành để đảm bảo tính ổn định
|
c) Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung;
|
UBND Hà Giang
|
Đề nghị sửa thành: “c. Chuyển đất nông nghiệp sang đất chăn nuôi tập trung"
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định như, Dự thảo do việc sử dụng đất để xây dựng khu chăn nuôi tập trung sẽ ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư nên phải có sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền để xem xét về vị trí, các vấn đề khác trước khi thực hiện.
|
UBND tỉnh Ninh Thuận
|
Đề nghị sửa thành “Chuyển các loại đất khác sang đất sử dụng vào mục đích chăn nuôi”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
Theo dự thảo Luật bổ sung loại đất chăn nuôi tập trung để quản lý, giám sát việc sử dụng đất chăn nuôi tập trung; đối với việc sử dụng đất chăn nuôi được quy định tại điều chế độ sử dụng đất chăn nuôi của dự thảo Luật.
|
Tỉnh Ủy Hà Tĩnh
|
Đề nghị sửa thành “đất chăn nuôi trang trai” cho phù hợp với Luật chăn nuôi 2018.
|
Giải trình: Dự thảo quy định thống nhất theo loại đất, chế độ sử dụng đất trong dự thảo Luật
|
d) Chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp được quy định tại Điều 56 sang các loại đất phi nông nghiệp quy định tại các Điều 57 hoặc Điều 58 của Luật này.
|
TU Nam Định:
|
Đề nghị bổ sung vàbiên tập lại như sau: “Chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp được giao không thu tiền sử dụng đất quy định tại Điều 56 sang các loại đất phi nông nghiệp được giao có thu tiền sử dụng đất quy định tại các Điều 57 hoặc đất phi nông nghiệp được cho thuê đất quy định tại Điều 58 của Luật này.”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Ý kiến này thuộc kỹ thuật soạn thảo sẽ rà soát thống nhất toàn bộ Dự thảo Luật khi trình Quốc hội
|
Sở TNMT Bình Thuận, UBND tỉnh Lai Châu, UBND tỉnh Nghệ An
|
Nội dung tại điểm d khoản 1: d) Chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp được quy định tại Điều 56 sang các loại đất phi nông nghiệp quy định tại các Điều 57 hoặc Điều 58 của Luật này.
Quy định này rất khó xác định loại đất nào phải chuyển mục đích sử dụng đất, vì tại Điều 57, Điều 58 quy định về hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất, trong đó vừa có loại đất, vừa có người sử dụng đất đan xen phức tạp. Do đó, đề nghị cần quy định rõ loại đất nào cần phải chuyển mục đích sử dụng đất. Tránh trùng lắp các loại đất quy định tại các điểm e, điểm g bên dưới.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật sẽ được rà soát về kỹ thuận soạn thảo để đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo Luật
|
Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Ninh
|
Tại điểm d khoản 1 Điều 59 dự thảo quy định trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép: “Chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp được quy định tại Điều 56 sang các loại đất phi nông nghiệp quy định tại các Điều 57 hoặc Điều 58 của Luật này” là chưa chính xác, vì tại Điều 56 quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất, Điều 57 quy định giao đất có thu tiền sử dụng đất và Điều 58 quy định về cho thuê đất bao gồm tất cả các loại đất, không quy định cụ thể các loại đất phi nông nghiệp.
Việc dẫn chiếu theo các loại đất này rất khó hiểu, xem lại.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
|
Sở TNMT tỉnh Ninh Thuận
|
Tại điểm đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Đề nghị bổ sung nhóm đất “đất chợ” từ điểm e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng chuyển sang. Lý do đất chợ về cơ bản là sử dụng vào mục đích kinh doanh.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung này liên quan đến phân loại đất và đã được quy định tại điều về chế độ sử dụng đất. Do đó, đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật.
|
e) Chuyển sang đất thương mại, dịch vụ đối với các loại đất: đất xây dựng công trình sự nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;
|
UBND Hà Giang, Sở TN&MT Yên Bái, UBND tỉnh Nghệ An
|
Đề nghị sắp xếp lại thành: “e) Chuyển từ đất xây dựng công trình sự nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích lành doanh; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sang đất thương mại, dịch vụ;”
Đề nghị sửa: “đất sản xuất kinh doanh phi nông nghệp” thành “đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp
|
Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Luật đối với những vấn đề liên quan đến kỹ thuận soạn thảo để đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo Luật
|
g) Chuyển sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp đối với các loại đất: đất thương mại, dịch vụ; đất xây dựng công trình sự nghiệp.
|
UBND Hà Giang
|
Đề nghị sắp xếp lại thành: “g) Chuyển từ đất thương mại, dịch vụ; đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.”
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.
|
Bộ Thông tin và Truyền thông
|
Theo dự thảo Luật, Đất công trình viễn thông thuộc lại Đất sử dụng vào mục đích công cộng, phân loại là Đất phi nông nghiệp; Đất trồng lúa, đất trồng cây nông nghiệp, đất rừng phân loại là Đất nông nghiệp. Tại Điều 59 dự thảo luật (Chuyển mục đích sử dụng đất) quy định “Chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp” phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Thực tế đối với một số loại công trình viễn thông như trạm viễn thông, trạm thu phát sóng thông tin di động (cột ăng ten) thì việc xây dựng các công trình này không làm ảnh hưởng nhiều đến mục đích sử dụng đất như đất rừng, đất nông nghiệp. Do đó, để tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông được lắp đặt, xây dựng các công trình viễn thông trên đất rừng, đất nông nghiệp, đề nghị nghiên cứu bổ sung trường hợp cho phép giao đất, cho thuê đất để xây dựng công trình viễn thông như trạm viễn thông, trạm thu phát sóng thông tin di động (cột ăng ten) thì không phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
|
Điều về sử dụng đất đa mục đích của dự thảo Luật đã có các quy định về sử dụng đất đa mục đích, kết hợp sử dụng đất mà không thay đổi mục đích chính. Do đó, đối với các công trình viễn thông sử dụng diện tích nhỏ có thể sử dụng kết hợp với mục đích sử dụng đất chính mà không phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
|
UBND tỉnh Đồng Nai, Tỉnh Ủy Sơn La
|
Để tránh vường mắc trong quá trình thực hiện, đề nghị bổ sung thêm khoản 3, các trường hợp không thuộc khoản 1 điều này thì phải thực hiện đăng ký biến động đất đai.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Đắk Lắk
|
Đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định “Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này, sau khi chuyển mục đích sử dụng đất thì hình thức sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất, không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 56, Điều 57 và Điều 58”, để việc quản lý đất đai (về hình thức sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất) đối với các trường hợp này được thống nhất, đồng bộ.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
HĐND tỉnh Vĩnh Long
|
Đề nghị bổ sung cụm từ “để thực hiện dự án đầu tư”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật quy định thống nhất với quy định về phân loại đất, chế độ sử dụng đối với loại đất này trong toàn bộ dự thảo Luật.
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Chưa quy định đối với trường hợp là “hộ kinh doanh”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật quy định thống nhất với quy định về người sử dụng trong Chương quy định chung của dự thảo Luật.
|
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua và phù hợp với quy định tại Điều 54 của Luật này.
|
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND tỉnh Ninh Thuận,
|
- Việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng liên quan tới chuyển mục đích sử dụng rừng được quy định tại Điều 20 của Luật Lâm nghiệp, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích rừng hiện nay được quy định cho 3 cấp: Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo diện tích và loại rừng. Theo đó, đề nghị: (i) cần có quy định về điều kiện được chuyển mục đích sử dụng đất nhất là đất trồng lúa, đất rừng tự nhiên; (ii) Bổ sung tiêu chí, điều kiện về hiệu quả sử dụng đất tốt 6 hơn sau chuyển mục đích sử dụng (khoản 3 Điều 60); (iii) Bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
- Đề nghị quy định cụ thể diện tích, cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa và đất rừng (03 loại rừng).
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Ủy ban nhân dân Bắc Kạn
|
Tại khoản 1 Điều 60 sửa lại như sau: 1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất “đối với đất có nguồn gốc từ” đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua và phù hợp với quy định tại Điều 54 của Luật này.
|
Việc phân loại đất và xác định loại đất xác định mục đích sử dụng đất và nguồn gốc đất đai đã được quy định tại Điều về phân loại đất và Điều về căn cứ xác định loại đất của dự thảo Luật.
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Bình Phước, HĐND tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh Nghệ An
|
Đề nghị rà soát, đồng bộ thống nhất cấp thẩm quyền cho phép chuyển đổi về đất đai và lâm nghiệp, đề nghị bổ sung điều khoản việc điều chỉnh đối với Luật Lâm nghiệp năm 2017.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung góp ý là xác đáng và đã được tiếp thu, làm rõ phạm vi áp dụng tại Điều về áp dụng pháo luật của Dự thảo Luật và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát để bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật.
|
HĐND tỉnh Khánh Hòa
|
Xem xét giao cho HĐND cấp huyện thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng của hộ gia đình, cá nhân
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: theo dự thảo Luật, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã thông qua tổng diện tích cần chuyển mục đích sử dụng đất hàng năm trên địa bàn cấp huyện, trong đó đã có nhu cầu của các hộ gia đình, cá nhân. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân cụ thể. Do đó, quy định như dự thảo Luật giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua là phù hợp nhằm kiểm soát soát chặt việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng.
|
UBND tỉnh Sóc Trăng
|
Đề nghị không trình HĐND cấp tỉnh thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rùng đặc dụng, đất rừng sản xuất vì đã xem xét khi thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: việc thông qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên để thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW.
|
UBND tỉnh Quảng Ninh
|
Nên viết rõ là chấp thuận cho dự án.
Tại khoản 2 Điều 25 chưa quy định thẩm quyền này của HĐND cấp tỉnh.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển; các khu vực hạn chế tiếp cận có liên quan đến quốc phòng, an ninh thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan.
|
UBND Hà Giang, HĐND tỉnh Lai Châu, HDND tỉnh Thanh Hóa
Tỉnh ủy Trà Vinh, HĐND tỉnh Trà Vinh
|
Đề nghị xem xét phân cấp cho địa phương thực hiện.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: việc sử dụng đất tại các khu vực biên giới, ven biển; các khu vực hạn chế tiếp cận có liên quan đến quốc phòng, an ninh là vấn đề liên quan đến chính trị, an ninh đối ngoại. Việc lấy ý kiến của các Bộ ngành có liên quan như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao… trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định việc giao đất, cho thuê đất là cần thiết và không phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư. Do vậy, dự thảo Luật quy định việc xin ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan là phù hợp.
|
UBND tỉnh Phú Thọ
|
Đề nghị xem xét, điều chỉnh lại như sau: “2. Đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển; các khu vực hạn chế tiếp cận có liên quan đến quốc phòng, an ninh (không thuộc trường hợp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư) thì trước khi quyết định đầu tư, xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương có liên quan”.
|
Tỉnh ủy Kon Tum
|
Đề nghị quy định rõ dự án sử dụng đất có sử dụng ngân sách nhà nước và dự án ngoài ngân sách nhà nước.
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Đề nghị quy định rõ các Bộ ngành cho ý kiến vào thời điểm nào (trước hay sau khi quyết định chủ trương đầu tư)
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Đây là một trong những điều kiện để thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất. Đối với thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. Tại các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và Luật Đầu tư sẽ có các quy định cụ thể về liên thông thủ tục thẩm tra dự án đầu tư và thủ tục lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan.
|
3. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
|
Bộ Xây dựng
|
Đề nghị bô sung thêm một điểm tại khoản 3 Điều 60 dự thảo Luật về điều kiện của người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sứ dụng đất phái đáp ứng điều kiện khác theo pháp luật nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Điều 4 của dự thảo Luật thì các nội dung giao đất, cho thuê đất cần tuân thủ các quy định của Luật Đất đai. Do đó, trường hợp cần thiết để bổ sung các điều kiện đối với dự án bất động sản, đề nghị Bộ Xây dựng đề xuất nội dung điều kiện cụ thể để bổ sung vào Điều về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của dự thảo Luật.
|
a) Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư;
|
UBND tỉnh Bắc Kạn
|
Bỏ nội dung quy định tại điểm a khoản 3 Điều 60 vì đã được quy định cụ thể, chế tài xử lý tại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản ...
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Để đảm bảo việc sử dụng đất có hiệu quả, dự thảo Luật quy định về nguyên tắc dự án đầu tư có sử dụng đất phải đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính. Đối với các nội dung cụ thể về điều kiện năng lực tài chính của dự án đầu tư sẽ được Chính phủ quy định chi tiết đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
|
b) Ký quỹ hoặc các hình thức bảo đảm khác theo quy định của pháp luật về đầu tư;
|
UBND TP Hải Phòng
|
Khoản 1 Điều 43 Luật Đầu tư: “Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc có báo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ…
Rà soát cho thống nhất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo Luật đã quy định theo hướng dẫn chiếu theo quy định của pháp luật về đầu tư, trong đó có các hình thức bảo đảm khác. Do đó đã có hình thức bảo lãnh ngân hàng.
|
c) Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác trên địa bàn cả nước.
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Về phạm vi vi phạm đất đai (điểm c khoản 3 Điều 60 dự thảo Luật): đề nghị xem xét thu hẹp phạm vi vi phạm đất đai của nhà đầu tư theo địa bàn cấp tỉnh vì: (i) việc rà soát vi phạm đất đai của nhà đầu tư trên địa bàn cả nước là khó khả thi đối với các cơ quan nhà nước; (ii) mức độ vi phạm về đất đai khác nhau, nếu áp dụng phạm vi lớn sẽ dẫn tới việc vi phạm nhỏ tại một địa phương này có tác động tới tiến độ thực hiện dự án đầu tư lớn của nhà đầu tư tại một địa phương khác; (iii) phù hợp với thẩm quyền về quản lý đất đai giao cho từng địa phương theo quy định của Luật Đất đai.
|
Ý kiến góp ý là xác đáng. Tuy nhiên, việc quy định điều kiện về không vi phạm pháp luật đất đai là cần thiết để đảm bảo Nhà nước lựa chọn được các nhà đầu tư có uy tín nhằm triển khai dự án, tránh tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, vi phạm nghĩa vụ về tài chính…Cơ quan soạn thảo xin ghi nhận để rà soát và quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ đảm bảo dễ triển khai thực hiện trên thực tế.
|
Sở TNMT Bình Thuận
|
Điều kiện ràng buột này là khá khắc khe và chưa rõ vi phạm mức độ như thế nào thì không đủ điều kiện (vì Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ thì có rất nhiều hành vi vi phạm); chủ dự án vi phạm đã quá 5 năm hoặc 10 năm thì có xem xét là còn vi phạm hay không?
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị sửa thành “c) Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác trên địa bàn cả nước đối với trường hợp phải công khai theo quy định tại Điều ...”; đồng thời bổ sung thêm điều quy định những trường hợp vi phạm phải công khai trên cổng thông tin điện tử
- Lý do: Để thuận lợi cho việc tra cứu khi thẩm định.
|
UBND tỉnh Đắk Lắk
|
Đề nghị bổ sung thêm quy định tại điểm c khoản 3: Đối với trường hợp người sử dụng đất đã chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của cơ quan có thẩm quyền và hoàn thành biện khắc phục đối với hành vi vi phạm thì có được xem xét là đảm bảo điều kiện tại điểm c khoản 3 hay không.
|
HĐND tỉnh Tuyên Quang
|
Đề nghị bổ sung điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu dân cư sang đất ở đối với hộ gia đình cá nhân; quy định về hạn mức chuyển mục đích, đối tượng được chuyển mục đích sử dụng đất ở.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề nghị bổ sung quy định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp là “Hộ kinh doanh”. để phù hợp với pháp luật về đăng ký doanh nghiệp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo Luật Đất đai quy định về việc quản lý, sử dụng đất đai trong đó có người sử dụng dất là hộ gia đình sử dụng đất. Đối với hộ kinh doanh được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Trường hợp hộ kinh doanh có quyền sử dụng đất thì được xem là hộ gia đình sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
|
|
Sở TNTM Bình Thuận
|
Tại Điều 61. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất Để thuận lợi và tránh thiếu thủ tục như thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích của tổ chức tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đề nghị nội dung của Điều này chỉ quy định liệt kê các đối tượng, người sử dụng đất, không phải ghi cụ thể các hình 6 thức “Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất” cho từng đối tượng này. Việc xác định các hình thức này được thực hiện theo quy định tại các Điều luật khác (Điều 56, 57, 58, 59).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo Luật đã quy định cụ thể về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, trong đó đã có quy định đối với tổ chức tôn giáo và giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Điều về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của dự thảo Luật.
|
UBND tỉnh Nghệ An, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh
|
Đề nghị sửa: Điều 61. Thẩm quyền giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
Đề nghị bổ sung thẩm quyền giao đất, cho thuê lại đất trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo Luật đã quy định tại Điều 61 theo hướng thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với thẩm quyền giao lại đất của Ban Quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Cảng vụ hàng không….được quy định tại chương chế độ sử dụng đất do đây là các chế độ sử dụng đất đặc thù.
|
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
|
|
|
|
a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức;
|
|
|
|
b) Giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo;
|
UBND tỉnh Bắc Kạn, Tỉnh Ủy Hà Nam
|
Tại điểm b, khoản 1 Điều 61 cần bổ sung thêm nội dung: “chuyển mục đích sử dụng đất” đối với tổ chức tôn giáo”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: về việc giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo được quy định tại Điều này, về chế độ sử dụng đất cơ sở tôn giáo đã được quy định tại Điều 181 của dự thảo Luât.
|
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị chỉnh sửa, bổ sung thành “2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục
đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
a) Giao đất, cho thuê đất đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.
b) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khiquyết định;
c) Giao đất đối với cộng đồng dân cư.”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo Luật đã quy định theo nguyên tắc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức; Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất, cho thuê đất đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân. Quy định nêu trên nhằm đảm bảo tính logic và trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành. Do đó, đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật.
|
a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa, HĐND tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Quảng Trị
|
Đề nghị bổ sung quy định: UBND cấp huyện chấp thuận đối với trường hợp sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích dưới 0,5 héc ta. Đề nghị làm rõ “văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định như dự thảo Luật nhằm kiểm soát việc phân cấp thẩm quyền cho cấp huyện đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng diện tích đất lớn vào các loại dất có giá trị cao; việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vẫn thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
|
b) Giao đất đối với cộng đồng dân cư.
|
HĐND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị bổ sung điểm c) Giao đất, cho thuê đất cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND cáp huyện
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo đã có quy định theo nguyên tắc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất, cho thuê đất đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân. Quy định này đảm tính thống nhất về nguyên tắc giao đất, cho thuê đất. Do do đề nghị giữ như dự thảo Luật.
|
3. Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Đề nghị bổ sung vào khoản 3: “Ban Quản lý khu kinh tế, Ban Quản lý khu công nghệ cao quyết định giao lại đất, cho thuê lại đất đối với các dự án thuộc các khu chức năng của khu kinh tế”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này được thiết kế trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành và thống nhất với các quy định khác trong dự thảo Luật như bỏ thẩm quyền giao lại đất của Ban Quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Cảng vụ hàng không….
|
4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được ủy quyền.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, Sở TN&MT Điện Biên
|
- Tại Điều 62 (dự thảo) quy định xử lý trường hợp giao đất, cho thuê đất trước ngày Luật này có hiệu lực: Đề nghị bổ sung quy định xử lý đối với:
+ Trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nay thuộc trường hợp thuê đất trả hàng năm theo quy định tại khoản 3 Điều 58 (dự thảo) thì có phải thực hiện chuyển đổi hình thức trả tiền thuê đất:
+ Trường hợp đã được cơ quan Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm nay thuộc trường hợp thuê đất trả tiền một lần theo quy định tại khoản 2 Điều 58 (dự thảo) nhưng không có nhu cầu chuyển đổi hình thức nộp tiền thì có phải thực hiện chuyển đổi hình thức trả tiền thuê đất theo quy định tại Điều 195 (dự thảo).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo Luật quy định theo hướng các trường hợp thuê đất trả tiền một lần được phép lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm và ngược lại.
|
|
|
|
|
1. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn sử dụng đất còn lại mà không phải chuyển sang thuê đất. Khi hết thời hạn sử dụng đất, nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn thì phải chuyển sang thuê đất theo quy định của Luật này.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị làm rõ có phải yêu cầu “đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất theo quy định” trước ngày 01/7/2014 hay không.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung liên quan đến nghĩa vụ tài chính thì Chính phủ sẽ có Nghị định quy định chi tiết.
|
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị làm rõ các trường hợp phải chuyển sang thuê đất theo Luật Đất đai năm 2003 đến khi Luật này có hiệu lực thì hành vẫn chưa chuyển sang thuê đất thì có phải chuyển sang thuê đất không và thời điểm chuyển sang thuê đất là thời điểm nào, Đề nghị có quy định rõ để thuận lợi trong quá trình thực hiện. Vì thực tế nhiều địa phương chưa làm thủ tục chuyền sang thuê đất kịp thời theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 dẫn đến thời điểm quyết định chuyển sang thuê đất cách xa thời điểm phải chuyển sang thuê đất theo quy định cùa pháp luật các thời kỳ và việc truy thu tiền thuê đất với thời gian cà chục năm sẽ gây gây thắc mắc, kiện cáo từ phía đối tượng sử dụng đất và gây khó khăn cho công tác thu NSNN.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì phải chuyển sang thuê đất kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và nộp tiền thuê đất.
|
UBND tỉnh Đồng Nai
|
Nội dung này đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2013, do vậy đề nghị thời điểm nộp tiền thuê đất là từ ngày Luật Đất đai nă 2013 có hiệu lực thi hành và bổ sung thêm thời hạn sử dụng đất đến khi nào (do trước đây hầu hết các trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền là thời hạn lâu dài)
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này được thiết kế trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành và thuộc kỹ thuật soạn thảo, được quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ.
|
3. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã nhận chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại mà không phải chuyển sang thuê đất theo quy định của Luật này.
|
UBND tỉnh Đồng Nai
|
Đề nghị bổ sung đối với trường hợp tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án phi nông nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nay hết hạn sử dụng đất thì được gia hạn và phải chuyển sang thuê đất.
Đối với trường không tiếp tục thực hiện dự án đầu tư thì quyền sử dụng đất được giải quyết như thế nào ?
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh Ủy Hải Dương
|
Làm rõ quy định xử lý: Trường hợp thuê đất trả tiên một lần nay thuộc trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm (theo quy định tại khoản 3 Điều 58)
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
Tỉnh Ủy Sơn La
|
Đề nghị bổ sung Khoản 6 Điều 62: Tổ chức kinh tế thuộc trường hợp thuê đất theo quy định của Luật này đã được Nhà nước giao đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì phải chuyển sang thuê đất kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Đề nghị nghiên cứu xử lý nghĩa vụ tài chính trong trường hợp này.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo Luật đã có quy định xử lý chuyển tiếp, trong đó có trường hợp này.
|
|
|
|
|
|
Sở TNTM Bình Thuận
|
Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất quy định cụ thể bởi Điều 63, Điều 64, Điều 65 của dự thảo; qua rà soát và thực tiễn thực hiện trong thời gian qua; kiến nghị sửa đổi như sau:
Về tính thống nhất giữa các Điều trong Luật đất đai sửa đổi.
- Tại khoản 2 Điều 63 quy định về giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất quy định: Các trường hợp không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tại khoản 1 Điều 64 quy định về đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất quy định: Các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không thuộc quy định tại Điều 63 và Điều 64 thì phải đấu giá quyền sử dụng đất.
- Trong khi đó, tại Điều 78 quy định về sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư quy định: chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật (khoản 1); Nhà nước có chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh (khoản 3).
Căn cứ khoản 2 Điều 63 và khoản 1 Điều 64 thì các dự án chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật cũng phải đấu giá quyền sử dụng đất (bởi vì các dự án này không nằm trong trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất), như vậy giữa Điều 63, Điều 64 với Điều 78 là chưa có sự thống nhất, rõ ràng.
Kiến nghị quy định về đấu giá đất cần phải quy định rõ: các dự án đầu tư mà nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì thuộc trường hợp không đấu gia đất, có như vậy mới đảm bảo các quyền của người đang sử dụng đất và quyền của Chủ đầu tư, đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về tính thống nhất giữa Luật đất đai sửa đổi và pháp luật có liên quan.
- Tại khoản 1 Điều 63 quy định về giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất thì có 10 trường hợp. Khoản 2 Điều 63 quy định quy định: Các trường hợp không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
- Tại khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, thì: Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp sau đây:
+ Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai;
+ Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao;
Căn cứ các quy định trên, đề nghị sửa đổi các Điều 63, Điều 64, Điều 65 của dự thảo theo hướng thống nhất pháp luật đầu tư, nhằm nhất quán thực hiện.
Đề nghị bổ sung thêm trong Điều 63. Giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Trường hợp người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất theo Điều 59 của Luật này.
- Tại Điều 64. Giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất Điểm b khoản 1 có nội dung: Thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại Điều 67 Luật này. Phần lớn các dự án quy định tại Điều 67 không thể tổ chức đấu thầu được (phần lớn là các công trình của Nhà nước và sử dụng vốn đầu tư công). Các dự án tổ chức đấu thầu thì Nhà nước phải đảm bảo công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất cho người trúng đấu thầu. Do đó, nội dung điểm này đề nghị chỉnh sửa theo hướng: Các dự án đấu thầu này phải được đưa vào danh mục Nhà nước thu hồi đất theo Điều 67.
- Tại điểm d khoản 1 đề nghị có quy định rõ: Mục đích sử dụng đất nào có giá trị quyền sử dụng đất cao hơn giá trị sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất hiện trạng. Thực tế hiện nay chưa có định nghĩa mục đích nào cao hơn mục đích khác. Mặt khác hiện trạng khu đất rất đa dạng (từ đất nông nghiệp, đất ở, đất trụ sở, đất thượng mại dịch vụ nằm đan xen) nên cũng khó phân biệt được
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Tỉnh Ủy Hải Dương
|
Về giao đất, thuê đất trường hợp đấu giá, đấu thầu không thành: Thực tế hiện nay, trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành này thường xảy ra; do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm trong trường hợp giao đất, cho thuê đất đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một người đăng ký tham gia; đề nghị bổ sung quy định trường hợp dự án thuộc dạng chỉ định thầu
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam
|
Dự thảo Luật không thấy có quy định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư đã được chấp thuận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở, đối với nhà ở xã hội được đầu tư không phải bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật này [1] thì cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh báo cáo UBND cấp tỉnh thực hiện lựa chọn nhà đầu tư như sau: trường hợp Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng nhà ở xã hội thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư hoặc chỉ định chủ đầu tư nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, điểm d khoản 1 Điều 63 Dự thảo Luật quy định trường hợp xây dựng nhà ở xã hội thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Để đảm bảo sự thống nhất giữa các Luật, đề nghị rà soát, đảm bảo tính thống nhất giữa pháp luật đất đai và nhà ở hoặc quy định rõ trường hợp nào dự án xây dựng nhà ở xã hội được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án.
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư, trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất không thành công hoặc đấu thầu chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký, nhà đầu tư vẫn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, Điều 54 (về các căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất), khoản 1 Điều 63 (về các trường hợp không đấu giá quyền quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất); Điều 63 (về giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất), Điều 65 (về đấu giá quyền sử dụng đất) dự thảo Luật đều không quy định về trường hợp tổ chức đấu giá không thành hoặc đấu thầu chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thì có được giao đất cho nhà đầu tư hay không. Do vậy, đề nghị dự xem xét, nghiên cứu trường hợp đấu giá đất không thành, đấu thầu chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thì điều kiện và căn cứ nào để giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Điều 63. Giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất
|
UBND TP Hà Nội
|
+ Cần quy định rõ đối tượng nào, dự án nào phải đấu giá quyền sử dụng đất.
+ Trường hợp người sử dụng đất xin chuyển mục đích sử dụng theo quy hoạch không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công công.
+ Các dự án thực hiện theo hình thức nhận chuyển nhượng.
|
Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bộ Quốc phòng
|
Đề nghị sung thêm một khoản quy định: Giao đất để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang để đảm bảo phù hợp với quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đồi) nhằm hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ và gắn bó lâu dài trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Đề nghị sửa thành: “d) Giao đát ở cho cản bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng chưa được hưởng các chế độ về nhà ở, đất ở; xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ” để phù hợp với quy định tại Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
1. Các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất bao gồm:
|
UBND tỉnh Đồng Tháp
|
Kiến nghị điều chỉnh thành:“1. Các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 63 và Điều 64 thì phải đấu giá quyền sử dụng đất”.
|
Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị bổ sung thêm trường hợp “Cho thuê đất đối với tổ
chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp; Cho thuê đất đối với trường hợp sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.”
Lý do: Để bao quát hết các trường hợp được Nhà nước cho
thuê đất.
|
Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh Ủy Quảng Bình
|
Đề nghị bổ sung thêm trường hợp: Cho thuê để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp đối với khu đất chưa giải phóng mặt bằng, dự án thực hiện trong khu, cụm công nghiệp.
|
Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Đồng Nai
|
Đề nghị cân nhắc vì không đấu giá quyền sử dụng đất nhưng phải đấu thầu dự án có sử dụng đất
|
Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp
|
a) Giao đất không thu tiền sử dụng đất;
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị sửa đổi, bố sung như sau: "b) Giao đất cỏ thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất được miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê. ”
|
Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
b) Giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại Điều 128 của Luật này;
|
UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT Yên Bái
|
Quy định này mâu thuẫn với Luật Đấu thầu do các trường không đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất có thể thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Đề nghị cân nhắc và làm rõ, quy đất công do nhà nước quan lý, không phải giải phóng mặt bằng thì có được thực hiện dự án không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất không?
Đề nghị quy định rõ được "miễn toàn bộ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại Điều 128 của Luật này.".
|
Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh Ủy Hà Nam
|
Tại điểm b, khoản 1 Điều 63 cần quy định rõ cơ quan nào? Thời điểm nào xác định việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để làm căn cứ giao, cho thuê đất không thông qua đấu giá?
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này sẽ được quy định cụ thể trong nghị định của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
|
c) Sử dụng đất vào mục đích hoạt động khoáng sản;
|
|
|
|
d) Giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền; xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ.
|
UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Các trường hợp này không phải đấu giá quyền sử dụng đất, tuy nhiên, trường hợp thực hiện dự án nhà ở xã hội phải đấu thầu theo quy định của Luật Nhà ở.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định này nhằm giải quyết đất ở cho cá nhân là cán cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền. Đối với trường xây dựng nhà ở trong các khu công nghiệp phải có dự án và nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định. Việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật.
|
HĐND tỉnh Tuyên Quang
|
Đề nghị xem xét bỏ nội dung quy định điểm d, khoản 1, Điều 63 “Giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền; xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ” do không phù hợp với thực tế.
|
UBND tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh Quảng Trị
|
Tại điểm d, khoản 1 Điều 63 cần quy định cụ thể chuyển nơi công tác như nào? Từ xã này sang xã khác hay từ huyện này sang huyện khác...
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
đ) Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;
|
Sở TNMT Hưng Yên, UBND tỉnh Lào Cai, Sở TNTM tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Ủy Lâm Đồng, UBND tỉnh Quảng Ninh
|
Đề nghị bỏ hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành đối với việc xác định đối tượng hộ gia đình, cá nhân có hộ khấu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đât ở.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
e) Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;
|
|
|
|
g) Cho thuê đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với người được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm nhưng phải di dời ra khỏi vị trí cũ do ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; hỗ trợ cho thuê đất để tiếp tục sản xuất kinh doanh đối với trường hợp thu hồi đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của người đang sử dụng;
|
UBND Hà Giang, Tỉnh ủy Quảng Bình, Tỉnh Ủy Bắc Giang
|
Đề nghị sửa thành: “g) Cho thuê đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với người được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm nhưng phải di dời ra khỏi vị trí cũ do ô nhiễm môi trường, đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người theo quy định của pháp luật; hỗ trợ cho thuê đất để tiếp tục sản xuất kinh doanh đối với trường hợp thu hồi đất cơ sở sản xuất phỉ nông nghiệp của người đang sử dụng;”.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Lào Cai, Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề nghị bổ sung thêm trường hợp "do nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật". Lý do:Khi nhà nước thu hồi đất của cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tổ đó vẫn còn thời hạn sử dụng đất và có nhu cầu sử dụng đất; ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, người lao động.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam
|
Pháp luật về đầu tư chưa có quy định về trình tự, thủ tục đối với trường hợp này, chủ đầu tư có phải lập thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư không
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: theo quy định của pháp luật về đầu tư, khi lập dự án đầu tư phải có địa điểm sử dụng đất. Do đó, việc nhà nước bố trí quỹ đất cho người bị thu hồi đất là phù hợp.
|
h) Giao đất, cho thuê đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài do được bồi thường bằng đất theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan, do được hỗ trợ tái định cư theo quy định của Luật này;
|
|
|
|
i) Giao đất, cho thuê đất cho tổ chức kinh tế bị thu hồi đất sản xuất kinh doanh theo quy định tại Điều 66 và Điều 67 Luật này mà tại thời điểm thu hồi đất còn thời hạn sử dụng đất và tổ chức có nhu cầu sử dụng đất tại vị trí khác để tiếp tục sản xuất, kinh doanh;
|
Tỉnh Ủy Sơn La, Tỉnh Ủy Bắc Giang, UBND TP Hải Phòng
|
Đề nghị sửa như sau: i) Giao đất, cho thuê đất cho tổ chức kinh tế bị thu hồi đất đã được giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 66 và Điều 67 Luật này mà tại thời điểm thu hồi đất còn thời hạn sử dụng đất và tổ chức có nhu cầu sử dụng đất tại vị trí khác để tiếp tục thực hiện dự án;
Đề nghị bổ sung Điều 63, trường hợp giao đất theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về tài sản công
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
k) Các trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
|
UBND TP Hà Nội
|
+ Cần quy định rõ đối tượng nào, dự án nào phải đấu giá quyền sử dụng đất.
+ Trường hợp người sử dụng đất xin chuyển mục đích sử dụng theo quy hoạch không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công công.
+ Các dự án thực hiện theo hình thức nhận chuyển nhượng.
|
Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Các trường hợp không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
|
Sở Tư pháp Hải Dương
|
Đề nghị nghiên cứu bỏ quy định tại khoản 2 dự thảo: Các trường hợp không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Vì tại Điều 64, 65 dự thảo đã quy định cụ thể các trường hợp phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Đề nghị nghiên cứu trường hợp nhà đầu tư cụ thể đáp ứng đầy đủ điều kiện về đầu tư, lĩnh vực dự kiến đầu tư thuộc diện ưu tiên để phát triển kinh tế - xã hội có nhu cầu đầu tư tại một địa điểm xác định, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và sẵn sàng/tự nguyện trả tiền sử dụng đất theo mức giá yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
|
Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Thoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 còn có trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư ma không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 63 của Dự thả. Đề nghị sửa đổi cho phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tếp thu, chỉnh sửa tai dự thảo Luật.
|
Sở TNMT Bình Thuận
|
Đề nghị bổ sung thêm trong Điều 63. Giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Trường hợp người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất theo Điều 59 của Luật này.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Thái Binh
|
Đề nghị bổ sung đối tượng giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, đấu thầu là tổ chức kinh tế bị thu hồi đất đất thương mại dịch vụ (hiện tại mới quy định đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp).
Ở Thái Bình đang thực hiện dự án khu đô thị ven sông, có doanh nghiệp được thuê đất thương mại dịch vụ thời hạn còn dài nhưng không thuộc trường hợp được hỗ trợ cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất, rất vướng mắc trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: đối tượng giao đất, cho thuê đất đã được quy định cụ thể tại mục giao đất, cho thuê đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất của dự thảo Luật
|
UBND tỉnh Bắc Kạn, Tỉnh Ủy Hà Nam
|
Tại khoản 2 Điều 63 cần quy định cụ thể dự án có sử dụng đất thông qua Luật Đầu tư (dự án thuộc Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đã đăng ký và đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm hoặc có nhiều nhà đầu tư đăng ký nhưng chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP)), Luật Xây dựng (dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật), Luật Đầu tư công thì thực hiện theo hình thức giao, thuê đất nào?
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã hoàn thiện Điều về phạm vi áp dụng của Luật Đất đai với các Luật liên quan, đồng thời dự thảo Luật đã quy định cụ thể phân biệt các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất.
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị chỉnh sửa, bổ sung thành “2. Quỹ đất giao cho các đối tượng thuộc khoản 1 Điều này là đất quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật này.”
- Lý do: Để đảm bảo thống nhất với khoản 1 sau khi được bổ sung.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Sóc Trăng
|
Tại Điều 97 Luật Giao dục quy định: Ưu tiên đầu tư tài chính và đất đai xây dựng trường học. Đề nghi bổ sung việc cho thuê đất vào mục đích giáo dục và đào tạo (kể cả có tài sản xủa nhà nước trên đất) cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập không phải đấu giá, đấu thầu dự án
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã hoàn thiện Điều 4 về phạm vi áp dụng của Luật Đất đai với các Luật liên quan, đồng thời dự thảo Luật đã quy định cụ thể phân biệt các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất. Do vậy, việc quản lý, sử dụng đất thực xây dựng trường học, sử dụng đất do lấn biển, sử dụng đất để hoàn trả chi phí xây dựng công trình theo hợp đòng BT… phải thực hiện theo Luật Đất đai.
|
UBND TP Hải Phòng
|
Đối với dự án lấn biển không sử dụng vốn ngân sách, đề nghị bổ sung thuộc trường hợp giao đất không thông qua đấu giá để các địa phương tạo thu hút đầu tư.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã hoàn thiện Điều 4 về phạm vi áp dụng của Luật Đất đai với các Luật liên quan, đồng thời dự thảo Luật đã quy định cụ thể phân biệt các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất. Do vậy, việc quản lý, sử dụng đất thực xây dựng trường học, sử dụng đất do lấn biển, sử dụng đất để hoàn trả chi phí xây dựng công trình theo hợp đòng BT… phải thực hiện theo Luật Đất đai.
|
UBND TP Hải Phòng
|
Đối với quỹ đất thanh toán BT còn lại, đề nghị phân cấp cho địa phương giao đất không theo hình thức đấu giá.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị rà soát lại các quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất tại dự thảo Luật; làm rõ trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất thì cách thức thực hiện như thế nào (khác với pháp luật về đấu thầu hiện hành), đặc biệt là việc xác định giá gói thầu và tiêu chí để lựa chọn tổ chức, cá nhân trúng thầu. Theo Bộ Tài chính thì khó áp dụng trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với các trường hợp phát sinh nghĩa vụ tài chính về đất (phải thu tiên sử dụng đất, thu tiền thuê đất). Trường hợp xét thấy cần thiết phải quy định về đấu thầu trong dự thảo Luật thì Đề nghị chỉ quy định đấu thầu đối với trường hợp các dự án Nhà nước cần ưu đãi (các dự án xã hội hóa hoặc các dự án xây dựng công trình công cộng).
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Điều 64. Giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất
|
Hà Giang
|
Đề nghị quy định nội dung tiêu chí tại điểm d khoản 1 và điểm b, d Khoản 2 được xác định trên cơ sở những văn bản pháp lý cụ thể của cơ quan có thẩm quyền để làm cơ sở đối chiếu, đánh giá.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bộ Xây dựng
|
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát quy định tại Điều 64 dự thảo Luật và Luật Đấu thầu để bào đàm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Điều 64 đưa ra tiêu chí, điều kiện về đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tuy nhiên, chưa nêu rõ là phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí, điểu kiện hay là chi cần đáp ứng một trong các tiêu chí, điều kiện được nêu.
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Về giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất ( Điều 64)
- Dự thảo Luật đã bổ sung quy định đối với điều kiện, tiêu chí đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất, tuy nhiên còn một số bất cập, dẫn đến không khả thi trong quá trình thực hiện, cụ thể:
+ Tiêu chí “ Dự án có yêu cầu về động lực lan tỏa về phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về điểm nhấn kiến trúc, phát triển đô thị” và tiêu chí “ Mục đích sử dụng đất theo quy hoạch có giá trị quyền sử dụng đất cao hơn giá trị sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất hiện trạng” còn chung chung, định tính, không có cơ sở để thuyết minh.
+ Tiêu chí “ Dự án có quy mô diện tích từ 100 héc-ta trở lên” và tiêu chí “ Khu đất chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, không phải là khu dân cư tập trung” không kế thừa quy định hiện hành, dẫn đến hạn chế trường hợp áp dụng đấu thầu dự án có sử dụng đất.
+ Tiêu chí “ Dự án đáp ứng hiệu quả tổng hợp về sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường” và tiêu chí “Nhà đầu tư có năng lực về tài chính, có kinh nghiệm triển khai dự án và cam kết về tiến độ hoàn thành dự án với thời gian ngắn nhất” là các nội dung thuộc hồ sơ mời thầu, không thuộc giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư. Do đó, tiêu chí này không phù hợp khi xác định khu đất thuộc diện đấu thầu.
Do đó, xem xét bỏ khoản 2 Điều 64 để quy định và thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Điểm c khoản 1 Điều 64 đề nghị sửa như sau “Khu đất thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất đã có quy hoạch phân khu xây dựng hoặc quy định chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
- Dự thảo Luật quy định một số nội dung chồng lấn, không phù hợp với Luật Đấu thầu hiện hành cũng như dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, cụ thể:
+ Khoản 3 Điều 64 quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong xây dựng danh mục dự án đấu thầu.
+ Khoản 4 bổ sung nguyên tắc xét duyệt trúng thầu, khái niệm mới nhưng không có nội hàm, như “giá khởi điểm để đấu thầu”, “ trả giá cao nhất”.
Do vậy, đề nghị lược bỏ quy định tại các khoản 3,4 Điều 64.
|
Sở Tư pháp Hải Dương:
|
Khoản 1 cần nghiên cứu tính khả thi khi áp dụng vì thực tế có thể phát sinh các trường hợp mục đích sử dụng đất theo quy hoạch có giá trị quyền sử dụng đất thấp hơn giá trị sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất hiện trạng nhưng khi đưa Dự án vào hoạt động lại tạo ra giá trị, lợi ích lớn hơn.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
1. Đất được lựa chọn để thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
|
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
|
Khoản 1 Điều 64 quy định “Đất được lựa chọn để thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất phải đảm bảo các điều kiện... ”, như vậy là phải đáp ứng đủ cả 4 điều kiện tại khoản 1 Điều 64 mới được đấu thầu. Quy định này không khả thi, không khuyến khích được nhà đầu tư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn chưa phát triển để khai thác có hiệu quả đất đai.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Phú Thọ
|
Đề nghị điều chỉnh lại như sau:
“a) Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt”;
Lý do: Về nguyên tắc, kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; tuy nhiên, trong thực hiện kỳ quy hoạch có môt số công trình phát sinh hoặc điều chỉnh vị trí, quy mô, nhưng không làm thay đổi chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất theo loại đất và khu vực sử dụng đất theo chức năng trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì UBND cấp tỉnh cho phép thực hiện và cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện năm tiếp theo, đồng thời để thống nhất với quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 54 (căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất).
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
a) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt;
|
Sở TN&MT Yên
|
Đề nghị xem xét lại nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64.
“b) Thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại Điều 67 Luật này;”
Việc quy định như trên là chưa phù hợp do tại Điều 67 có nhiều trường hợp đã được quy định không phải thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc quy định cụ thể hình thức sử dụng đất tại điều khác, như: Đất của tổ chức tôn giáo đã được xác định giao đất không thu tiền tại khoản 6 Điều 56; Đất sử dụng cho mục đích hoạt động khoáng sản đã xác định không thông qua đấu giá, đấu thầu tại điểm c khoản 1 Điều 63…
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp
|
b) Thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại Điều 67 Luật này;
|
UBND tỉnh Đồng Nai
|
Mâu thuẫn với quy định của pháp luật về đấu thầu, dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng công trình thương mại, dịch vụ thuộc trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (khoản 1 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP), tuy nhiên, tại Điều 67 dự thảo Luật quy định dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng công trình thương mại, dịch vụ không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Bình Thuận
|
Phần lớn các dự án quy định tại Điều 67 không thể tổ chức đấu thầu được (phần lớn là các công trình của Nhà nước và sử dụng vốn đầu tư công). Các dự án tổ chức đấu thầu thì Nhà nước phải đảm bảo công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất cho người trúng đấu thầu. Do đó, nội dung điểm này đề nghị chỉnh sửa theo hướng: Các dự án đấu thầu này phải được đưa vào danh mục Nhà nước thu hồi đất theo Điều 67
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Đồng Nai
|
Đề nghị xem lại đây là điều kiện để thực hiện đầu thầu hay giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu thầu.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
c) Khu đất thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500;
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Tại điểm c Khoản 1 Điều 64 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nêu về điều kiện đối với khu đất được lựa chọn để thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất, bao gồm “Khu đất thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500”. Điểm này đang có sự mâu thuẫn với quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 12, Luật Quy hoạch đô thị : “Kinh phí từ ngân sách nhà nước được sử dụng để lập và tổ chức thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và các quy hoạch chi tiết không thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh” và quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-C P ngày 28/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án: “Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000 theo quy định của pháp luật ”.
Bên cạnh đó, việc triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 đối với một dự án có quy mô từ 100ha trở lên rất tốn kém thời gian, kinh phí thực hiện, hạ tầng lưu trữ, bảo quản hồ sơ tài liệu vì sản phẩm quy hoạch chi tiết sẽ là số lượng bản vẽ rất lớn, trong khi đó phương án quy hoạch chi tiết 1/500 sẽ không thể phù hợp với mục tiêu của các Nhà đầu tư tham gia dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần sau khi trúng đấu thầu.
Kiến nghị: Sửa đổi điều kiện này như sau: “Khu đất thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất đã có quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc quy hoạch chi tiết 1/500 (nếu có)”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam
|
Theo quy định tại khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị, khoản 3 Điều 24 Luật Xây dựng thì quy hoạch chi tiết do chủ đầu tư dự án lập.
Nội dung này mâu thuẫn với quy định của pháp luật về đấu thầu (khoản 4 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP): điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất “4. Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng có tỷ lệ ½.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ ½.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000 theo quy định của pháp luật”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Đắk Lắk
|
Đề nghị xem xét, quy định cụ thể về loại đất nào theo Luật Đất đai sẽ áp dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất mà không nên đặt vấn đề đến nguồn gốc của loại đất đó; đồng thời quy định điều kiện để đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất. Trường hợp chưa đủ điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền có bắt buộc phải thực hiện đầy đủ điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất hay được phép chuyển sang hình thức đấu thầu. Đề nghị nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật để thuận tiện trong tổ chức thực hiện.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi
|
Tại điểm c khoản 1 Điều 64 dự thảo quy định: Đất được lựa chọn để thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất phải đảm bảo điều kiện “c) Khu đất thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500” điểm b khoản 3 Điều 64 quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh “Tổ chức lập hoặc thi tuyển để lựa chọn phương án quy hoạch chi tiết 1/500 với ý tưởng tốt nhất”, đề nghị xem xét lại quy định này.
Bởi vì, tại khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị và khoản 3 Điều 24 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch thì trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết được giao cho Chủ đầu tư dự án “Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực được giao quản lý; chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư”. Đồng thời, tại Điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất thầu về lựa chọn nhà đầu tư thì chỉ yên cầu có quy hoạch xây dựng (tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị (tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500) là đủ điều kiện đấu thầu, không cần có quy hoạch chi tiết.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh Ủy Thái Nguyên
|
Tại khoản 3 Điều 24 Luật Xây dựng quy định: Quy hoạch chi tiết do chủ đầu tư dự án lập.
Đề nghị xem lại quy định này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh Ủy Bạc Liêu
|
Đề nghị xem lại quy định này
Đề nghị rà soát lại các quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu, để trành vướng mắc trong quá trình thực hiện.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp
|
d) Mục đích sử dụng đất theo quy hoạch có giá trị quyền sử dụng đất cao hơn giá trị sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất hiện trạng.
|
Sở TNMT Bình Thuận
|
Tại điểm d khoản 1 đề nghị có quy định rõ: Mục đích sử dụng đất nào có giá trị quyền sử dụng đất cao hơn giá trị sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất hiện trạng. Thực tế hiện nay chưa có định nghĩa mục đích nào cao hơn mục đích khác. Mặt khác hiện trạng khu đất rất đa dạng (từ đất nông nghiệp, đất ở, đất trụ sở, đất thượng mại dịch vụ nằm đan xen) nên cũng khó phân biệt được.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp
|
Sở Tư pháp Hải Dương
|
Đề nghị cần ghi rõ có một hay đủ các tiêu chí, điều kiện đặt ra trong quy định.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Tiêu chí, điều kiện về đấu thầu dự án có sử dụng đất:
|
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
|
Tại khoản 2 Điều 64:
+ Nên làm rõ việc đấu thầu dự án có sử dụng đất cần đáp ứng đủ các điều kiện hay chỉ cần đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 64.
+ Cần xem xét lại quy định điều kiện đấu thầu là “Dự án có quy mô diện tích từ 100 héc-ta trở lên" tại điểm a khoản 2 Điều 64 do quy mô diện tích từ 100 héc- ta trở lên là quá lớn.
+ Nên xem xét lại tiêu chí, điều kiện “Dự án có yêu cầu về động lực lan tỏa về phát triển kinh tế - xã hội" tại điểm b khoản 2 Điều 64 do đây là tiêu chí định tính, rất khó xác định, đánh giá trong thực tiễn.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp
|
UBND tỉnh Đồng Nai
|
Tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 64 quá chung chung, quy định diện tích 100 hà là quá lớn, xem lại các quy định của pháp luật về đấu thầu cho phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Tại điểm a khoản 2 Điều 64 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nêu về tiêu chí, điều kiện về đấu thầu dự án có sử dụng đất là “Dự án Tại điể có quy mô diện tích từ 100 héc-ta trở lên”.
Kiến nghị: Để phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan và tình hình thực tế của các địa phương nhằm thu hút đầu tư vào địa bàn có nền kinh tế đang phát triển đề nghị sửa đổi điều kiện này như sau: “Dự án có quy mô diện tích từ 20 héc-ta trở lên”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp
|
UBND TP Hà Nội
|
Xem xét bổ sung: “khu đất chưa được giải phòng mặt bằng” để rõ hơn với các dự án phải đấu giá quyền sử dụng đất
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Kiên Giang
|
Đề nghị nghiên cứu lại quy mô dự án vì tại điểm b, khoản 8 Điều 67 Dự thảo Luật có quy định về điều kiện Nhà nước thu hồi đất phải “b) Thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”,
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
a) Dự án có quy mô diện tích từ 100 héc-ta trở lên;
|
UBND tỉnh Lào Cai
|
Đề nghị giảm xuống còn 20ha
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TN&MT Yên Bái
|
Đề nghị xem xét lược bỏ nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 có nêu: “Dự án có quy mô diện tích từ 100 héc-ta trở lên”. Đề nghị không nhất thiết phải khống chế tiêu chí về quy mô diện tích, do tuỳ từng địa hình và vị trí quỹ đất đáp ứng cần đưa ra đấu thầu hoặc xem xét sửa thành “Dự án có quy mô diện tích từ 20 héc-ta trở lên” theo pháp luật xây dựng.
|
UBND tỉnh Đồng Tháp
|
Tại điểm a khoản 2 Điều 64 dự thảo Luật sửa đổi quy định Tiêu chí, điều kiện về đấu thầu dự án có sử dụng đất “a) Dự án có quy mô diện tích từ 100 héc-ta trở lên”. Đối với dự án có quy mô diện tích dưới 100 héc-ta thì chưa có quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Kiến nghị: Bổ sung thêm quy định đối với trường hợp dự án (tại khu vực chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng) có quy mô diện tích dưới 100 héc-ta (Giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức nào).
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNTM Ninh Bình
|
Xem lại quy định về quy mô diện tích
Tiêu chí tại các điểm b, c, d khoản 2 cong chung chung, khó thực hiện
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Diện tích khoản từ 10 ha – 20 ha.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam
|
Quy mô diện tích 100 ha là quá lớn, xem lại.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi
|
Tại điểm a khoản 2 Điều 64 dự thảo quy định: một trong các tiêu chí, điều kiện về đấu thầu dự án có sử dụng đất “a) Dự án có quy mô diện tích từ 100 héc-ta trở lên” là chưa hợp lý với điều kiện thực tế của từng địa phương, vùng, miền. Do vậy, dự thảo Luật cần quy định theo hướng mở, linh hoạt về tiêu chí, điều kiện cho phù hợp với từng địa phương và mang tính khả thi cao trong quá trình áp dụng Luật; Nội dung này nên quy định cụ thể: Đất tại đô thị là 20 ha; đất tại nông thôn là 50 ha.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Sóc Trăng
|
Xem lại quy mô về diện tích, tại phụ lục IX Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, dự án khu đô thị có quy mô từ 20 ha trở lên
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Hải Phòng, UBND TP Hà Nội
|
Đề nghị bỏ quy định này vì không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu.
Tỉnh rất khó bố trí nguồn vốn để thực hiện giải phòng mặt bằng, đặc biệt là các dự án có quy mô sử dụng đất rất lớn.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh Ủy Bắc Giang
|
Đề nghị xem xét không quy định tiêu chí, điều kiện tại điểm a, Khoản 2 “Dự án có quy mô diện tích từ 100 héc-ta trở lên” phải đấu thầu.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Lào Cai
|
Đề nghị bỏ cụm từ "về động lực lan tòa" lý do Cụm từ quy định trừu tượng.
|
|
b) Dự án có yêu cầu về động lực lan tỏa về phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về điểm nhấn kiến trúc, phát triển đô thị;
|
UBND TP Hải Phòng
|
Tiêu chí này rất khó xác định.
Không thuộc phạm vi nội dung quản lý đất đai.
Đề nghị bỏ quy định này
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TN&MT Yên Bái
|
Đề nghị xem xét lược bỏ nội dung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 64 có nêu: “Khu đất chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, không phải là khu dân cư tập trung;”. Đề nghị không nhất thiết phải khống chế tiêu chí này, vì sẽ có cách hiểu khác nhau mà chưa có một khái niệm cụ thể để phân định rõ ràng.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
c) Khu đất chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, không phải là khu dân cư tập trung;
|
|
|
|
d) Dự án đáp ứng hiệu quả tổng hợp về sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường;
|
Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam
|
“Cam kết về tiến độ hoàn thành dự án với thời gian ngắn nhất” là chưa phù hợp thực tế, khó thực hiện, nên quy định theo hướng tiến độ hoàn thành dự án là tiêu chí xem xét.
Chưa rõ tiêu chí về điều kiện tài chính, kinh nghiệp của chủ đầu tư.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
đ) Nhà đầu tư có năng lực về tài chính, có kinh nghiệm triển khai dự án và cam kết về tiến độ hoàn thành dự án với thời gian ngắn nhất.
|
UBND tỉnh Quảng Trị
|
Đề nghị bỏ quy định tại các điểm b, d và đ.
Đề nghị bổ sung quy định tỷ lệ đất ở tối thiểu phải đạt 30% trong tổng diện tích thực hiện dự án khu đô thị, khu dân cư.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND TP Hà Nội
|
Đề nghị bỏ quy định này vì đã quy định trong Luật Đầu tư
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Điều áp dụng pháp luật của dự thảo Luật đã xác định về điều kiện, tiêu chí đấu thầu dự án có sử dụng đất. Luật Đấu thầu quy đinh về trình tự, thủ tục đấu thầu dự án có sử dụng đất
|
3. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
|
UBND tỉnh Sóc Trăng
|
Đề nghị bỏ quy định này vì các khu đất này đã có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công khai rồi.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định này nhằm xác định rõ những danh mục, công trình dự án cần thực hiện đấu thầu dự án sử dụng đất
|
a) Hàng năm phải công bố kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án có có sử dụng đất theo quy định của Luật này;
|
Tỉnh ủy Sơn La
|
Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, tuy nhiên theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP thì cơ quan quản lý đô thị cấp huyện thẩm định và trình UBND cấp huyện
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung này sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định Chính phủ
|
b) Tổ chức lập hoặc thi tuyển để lựa chọn phương án quy hoạch chi tiết 1/500 với ý tưởng tốt nhất;
|
|
|
|
c) Tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất theo quy định của Luật này.
|
Sở Tư pháp Hải Dương
|
Đề nghị nghiên cứu thêm quy định về “Giá đất khởi điểm để đấu thầu dự án có sử dụng đất được xác định không quá 06 tháng trước thời điểm đấu thầu dự án có sử dụng đất và không được thấp hơn giá đất trong bảng giá đất”. Hiện nay nhiều trường hợp giá đất biến động theo hướng tăng lên trong thời gian ngắn, vì vậy dự thảo cần quy định “...được xác định không quá 06 tháng trước thời điểm đấu thầu.” có thể sẽ không phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Theo quy định của pháp luật về giá thì chứng thư tẩm định giá có hiệu lực trong vòng 6 tháng. Do đó, quy định như dự thảo là phù hợp.
|
4. Giá đất khởi điểm để đấu thầu dự án có sử dụng đất được xác định không quá 06 tháng trước thời điểm đấu thầu dự án có sử dụng đất và không được thấp hơn giá đất trong bảng giá đất.
|
Sở TN&MT Yên Bái
|
Đề nghị xem xét lược bỏ nội dung quy định tại khoản 4 Điều 64 có nêu: “Giá đất khởi điểm để đấu thầu dự án có sử dụng đất được xác định không quá 06 tháng trước thời điểm đấu thầu dự án có sử dụng đất và không được thấp hơn giá đất trong bảng giá đất”. Vì việc xác định giá đất là tại thời điểm giao đất, cho thuê đất và đã được bồi thường, GPMB sạch, trong khi đó khi đấu thầu dự án có sử dụng đất là chưa bồi thường, GPMB.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Đây là nội dung mới nhằm đảm bảo không thất thu ngân sách nhà nước
|
|
Sở TNTM Ninh Bình
|
Bổ sung quy định tính giá đất để bồi thường trước thời điểm đấu thầu dự án
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định về thời điểm tính giá đất đã có quy định với trường hợp đấu thầu
|
|
HĐND tỉnh Tuyên Quang
|
Khoản 4 Điều 64. Giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất
Đề nghị xem xét nghiên cứu sửa đổi quy định: “Giá đất khởi điểm để đấu thầu dự án có sử dụng đất được xác định không quá 06 tháng trước thời điểm đấu thầu dự án có sử dụng đất và không được thấp hơn giá đất trong bảng giá đất” để thống nhất
với quy định tại của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành. Giá khởi điểm chỉ áp dụng trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Việc đấ3u thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất được thực hiện thông qua hình thức đánh giá năng lực, kinh nghiệm và hồ sơ đấu thầu của nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/32021 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Đây là nội dung mới nhằm đảm bảo không thất thu ngân sách nhà nước
|
|
Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam
|
Đề nghị bỏ quy định này vì khi giao đất cho doanh nghiệp mới xác định được giá đất cụ thể
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Đây là nội dung mới nhằm đảm bảo không thất thu ngân sách nhà nước, đồng bộ với đổi mới về xác định giá đất tại các điều về tài chính đất đai của dự thảo Luật
|
|
|
|
|
5. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Về đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 65)
- Tại điểm a Khoản 2 Điều 65 dự thảo Luật quy định “đất do Nhà nước quản lý”. Theo chỉ đạo tại Nghị quyết 18-NQ/TW, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Do đó, đề nghị làm rõ khái niệm “đất do Nhà nước quản lý” và quy định rõ các trường hợp nào thuộc đất do Nhà nước quản lý.
Đồng thời, đề nghị rà soát lại các trường hợp quy định về quỹ đất này, đảm bảo không bỏ sót các đối tượng không thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất và cũng không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất (như trường hợp với các dự án đầu tư có sử dụng đất quy mô dưới 100 ha; khu đất chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; Nhà nước chưa thu hồi giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất thì áp dụng đấu giá hay đấu thầu quyền sử dụng đất).
- Việc phân biệt đấu giá và đấu thầu đã được quy định tại pháp luật về đầu tư, đấu thầu. Đầu thầu chỉ được tổ chức khi cơ quan có thẩm quyền khẳng định không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá. Để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, không tạo ra xung đột với Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, đề nghị chỉnh sửa theo hướng lược bỏ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 65. Tương ứng với đó, bổ sung nội dung điều kiện tổ chức đấu thầu là “ không đủ điều kiện đấu giá” tại khoản 1 Điều 64 dự thảo.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
|
đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trong luật để dễ thực hiện hoặc Chính phủ có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
1. Các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không thuộc quy định tại Điều 63 và Điều 64 thì phải đấu giá quyền sử dụng đất.
|
|
|
|
2. Quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất
|
UBND Hà Giang
|
Đề nghị sửa thành: “a) Đất do Nhà nước quản lý; đất chưa giao, chưa cho thuê ”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Theo quy định tại Điều 9 tại dự thảo Luật thì đất do nhà nước quản lý bao gồm đất chưa giao, chưa cho thuê.
|
a) Đất do Nhà nước quản lý
|
Bộ Xây dựng
|
Tại điểm a khoản 2 Điều 65 dự thảo Luật đề nghị làm rõ Đất do Nhà nước quàn lý là loại nào bơi vì mọi loại đất đều do Nhà nước quản lý theo Điều 2 Luật này, do đó nếu quy định như dự thảo thì sè dẫn đến trường hợp tất cả các dự án đều phái thực hiện đấu giá.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đất do Nhà nước quản lý được quy định cụ thể tại Điều 9 Dự thảo Luật trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành, phân biệt với đất do Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất
|
b) Đất Nhà nước đã thu hồi, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất.
|
UBND Hà Giang
|
Đề nghị sửa thành: “c. Đất do Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật, tự nguyên trả lại đất, hết thời hạn sử dụng đất mà không được gia hạn, chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật ”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc chấm dứt sử dụng đất thoe quy định pháp luật bao gồm một số trường hợp, giải thể, phá sản doanh nghiệp thì phải xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
|
c) Đất do Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật, tự nguyện trả lại đất, hết thời hạn sử dụng đất mà không được gia hạn.
|
Bộ Xây dựng
|
Tại điêm c khoản 2 Điều 65 dự thảo Luật đề nghị làm rõ đất vi phạm pháp luật thuộc trường hợp nào bởi vi các trường họp vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại là rất rộng đế đảm báo tính thực thực trong triển khai thực hiện
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Điểm c được quy định cụ thể tại Dự thảo Luật trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành, phân biệt với đất do Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất
|
UBND tỉnh Đắk Lắk
|
Nếu đưa vào quy định tại khoản 2: “quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất” tại điểm c, khoản 2, đề nghị không xem xét đưa quỹ đất lâm nghiệp, các dự án nông lâm nghiệp bị thu hồi và các dự án triển khai trong khu cụm công nghiệp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai vào quỹ đất đấu giá cho đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan.
Do đó, Điểm c, khoản 2 đề nghị sửa thành: Đất do nhà nước thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai (trừ loại đất quy hoạch phát triển, sử dụng vào mục đích nông lâm nghiệp, đất trong khu, cụm công nghiệp), tự nguyện trả lại đất, hết thời hạn mà không được gia hạn.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
Bộ Tài chính
|
để bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo với Luật Quản lý, sư dụng tài sản công, Đề nghị sửa thành: ”d) Đất do Nhà nước thu hồi theo pháp luật về đất đai mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước ”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định như dự thảo là để thống nhất với Luật Quản lý, sư dụng tài sản công do Luật Quản lý, sư dụng tài sản công có quy định “thu hồi đất” mà không thuộc trường hợp thu hồi đất quy định trong Luật Đất đai hiện hành.
|
d) Đất do Nhà nước thu hồi khi sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước.
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Đề nghị sửa: d) Nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng sau khi săp xếp trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liến với đất thuộc sở hữu nhà nước
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: ý kiến thuộc về kỹ thuật soạn thảo sẽ rà soát tổng thể Dự thảo trước khi Luật được ban hành theo quy trình rà soát kỹ thuật.
|
UBND tỉnh Đồng Nai
|
Đề nghị bổ sung quỹ đất để đấu giá:
- Đất do Nhà nước thu hồi theo phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.
- Đất do Nhà nước thu hồi của các nông, lâm trường quốc doanh, công ty cao su…
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Đối với quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 65 của Dự thảo quy định: “d) Đất do Nhà nước thu hồi khi sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước”, quỹ đất này cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Do vậy, đề nghị quy định rõ việc tổ chức thực hiện đấu giá quỹ đất này được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật đất đai hay theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND Hà Giang
|
Đề nghị bổ sung vào khoản 3 nội dung sau: “c. Chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đâu tư.”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư. Luật đất đai chỉ quy định quan hệ về đất đai.
|
3. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
|
UBND tỉnh Sóc Trăng
|
Đề nghị bỏ quy định này vì các khu đất này đã có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công khai rổi.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Đây là cơ sơ để Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện trong Nghị định đảm bảo công khai, minh bạch.
|
a) Hàng năm phải công bố kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
|
UBND Hà Giang
|
Đề nghị sửa thành: “Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy định của pháp luật về xây dựng trước khi đấu giá quyền sử dụng đất”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy hoạch chi tiết đã bao gồm việc quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy định của pháp luật về xây dựng.
|
b) Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trước khi đấu giá quyền sử dụng đất.
|
Tỉnh ủy Sơn La
|
Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, tuy nhiên theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP thì cơ quan quản lý đô thị cấp huyện thẩm định và trình UBND cấp huyện
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật quy định việc lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết để có cơ sở xác định được giá khởi điểm khi tổ chức đấu thầu dự án sử dụng đất. mặt khác, trên cơ đó sẽ quy định cụ thể trong Nghị định.
|
UBND tỉnh Sóc Trăng
|
Đề nghị chỉ quy định như sau: "Tổ chức lập phê duyệt quy hoạch xây dựng trước khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với thừa đất và khu đất thuộc trường hợp phải lập quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng”
|
|
|
|
|
4. Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây:
|
Bộ Xây dụng
|
Tại khoản 4 Điều 65 dự thảo Luật đề nghị bổ sung điều kiện tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có điều kiện theo quy định pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật liên quan.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại Điều về áp dụng pháo luật của Dự thảo Luật đã quy định việc giao đất cho thuê đất phải áp dụng quy định của Luật Đất đai đồng thời có quy định làm rõ phạm vi áp dụng của các quy định pháp luật có liên quan.
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
|
đề nghị không quy định trường hợp đối tượng tham gia đấu giá thực hiện dự án đầu tư là cá nhân.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này thống nhất với quy định của Luật đấu giá tài sản
|
a) Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật này;
|
|
|
|
b) Phải bảo đảm các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 60 của Luật này đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư;
|
|
|
|
c) Điều kiện khác theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
|
|
|
|
5. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
|
|
|
|
Chương VI
THU HỒI ĐẤT, TRƯNG DỤNG ĐẤT
NỘI DUNG DỰ THẢO
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
Chương VI
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bộ Quốc phòng
|
Đề nghị thay cụm từ “xây dựng” tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10 Điều 66 bằng cụm từ “Làm” như quy định tại khoản 1, 7 Điều 66. Quy định như vậy sẽ tránh được hiểu nhầm trong thực tiễn áp dụng pháp luật là “khi có dự án xây dựng cảc công trình đó thì mới thu hồi đất ”.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
9. Xây dựng nhà công vụ, nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân;
|
Tỉnh Ủy Lâm Đồng
|
Đề nghị bỏ quy định này vì có ý kiến cho rằng như vậy sẽ không công bằng giữa lực lượng vũ trang và các ngành khác
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Đây là nội dung mới bổ sung so với quy định hiện hành trên cơ sở yêu cầu mới về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo đề nghị của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
|
10. Xây dựng cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
|
|
|
|
Điều 67. Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ được sửa đổi tại khoản 4 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 cũa Chính phủ, một trong các điều kiện xác định dự án có sử dụng đất là “thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 67 của Dự thảo, các dự án “xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng gồm: nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ” không thuộc trường hợp thu hồi đất.
Đề nghị sửa đổi cho phù hợp.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Kiên Giang
|
Tại điềụ 67 của dự thảo Luật chưa đề cập đến việc thu hồi đất đối với “Khu kinh tế ”, “khu dụ lịch quắc gia ”, “khu đô thị mới”, kiến nghị đối với việc thu hồiđất để phát triển kinh tế - xã hội: khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu đô thị mới là do Nhà nước thu hồi đất. Đối với khu đô thị mới quy định tiêu chí quy mô từ 100 hạ trở lên và khu du Ịịch dịch vụ quy mô từ 30 ha trở lên thì Nhà nước thu hồi đấu giá.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
|
Nên cân nhắc chỉnh sửa điểm b khoản 2 Điều 67 như sau: “b) Dự án sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công trình văn hóa, thể dục thể thao, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Công trình sự nghiệp công đã bao gồm công trình văn hóa, thể dục thể thao.
|
Bộ Xây dựng
|
Nội dung vướng mắc: Tiêu chí xác định dự án thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại khoản 3 Điều 67 dự thảo Luật là dir án được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua sự cần thiết phải thu hồi đất chưa đồng bộ với khoản 1, khoản 2 Điều 67 dự thảo Luật và pháp luật về đầu tư. Khoản 1, khoản 2 Điều 67 dự thảo Luật và pháp luật về đầu tư thì xác định dự án thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất theo thẩm quyền chấp thuận/ quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 67 dự thảo Luật lại quy định dự án Nhà nước thu hồi đất theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tinh thông qua sự can thiết phải thu hồi đất.
Kiến nghị, đề xuất: Đề nghị rà soát, sửa đổi, bô sung khoản 3 Điều 67 dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với khoản 1, khoản 2 Điều 67 dự thảo Luật và pháp luật về đầu tư
|
Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây:
|
|
|
|
1. Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất.
|
UBND TP Hải Phòng
|
Đề nghị sửa lại như sau: “1. Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất”
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Thực hiện các dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm:
|
Sở TNMT Hà Tĩnh
|
Đề nghị cần làm rõ nhóm dự án “công trình thu gom, xử lý chất thải ” quy định khoản 2 và khoản 3 Điều này: về quy mô, diện tích, cấp công trình,.. thế nào thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất và thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh để địa phương chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dư thảo kế thừa quy định hiện hành để đảm bảo tính ổn định thống nhất.
|
|
UBND TP Hải Phòng
|
Đề nghị sửa lại như sau: 2. Thực hiện các dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
a) Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị; dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
|
UBBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị chỉnh sửa, bổ sung thành “a) Thu hồi đất đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện; đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;
- Lý do: Để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo Nghị quyết số 04/NQCP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Tại điểm a, khoản 2, Điều 67, đề nghị nghiên cứu lại cụm từ “dự án xây dựng khu công nghiệp”, do quy định pháp luật hiện hành không có loại dự án này, cụm từ này đã tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau tại các địa phương thời gian qua gây khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất để thực hiện các dự án.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Kiên Giang:
|
Tại điềụ 67 của dự thảo Luật chưa đề cập đến việc thu hồi đất đối với “Khu kinh tế ”, “khu dụ lịch quắc gia ”, “khu đô thị mới”, kiến nghị đối với việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội: khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu đô thị mới là do Nhà nước thu hồi đất. Đối với khu đô thị mới quy định tiêu chí quy mô từ 100 hạ trở lên và khu du Ịịch dịch vụ quy mô từ 30 ha trở lên thì Nhà nước thu hồi đấu giá.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Bắc Kạn
|
Tại điểm a, khoản 2; điểm c, khoản 3 Điều 67 đề nghị Trung ương xem xét không nên thu hồi đất đối với dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn mà không sử dụng vốn đầu tư công.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: đây là nội dung mới thể chế tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Dự thảo đưa ra 2 phương án (thu hồi hoặc thỏa thuận) để lấy ý kiến trong quá trình hoàn thiện.
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Quảng Trị
|
Đề nghị bổ sung Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng “dự án đầu tư thực hiện trong các khu chức năng khu kinh tế” tại khoản 3 Điều 67.
Bổ sung Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với “Khu công nghệ thông tin tập trung” Lý do: Theo quy định tại khoản 1, Điều 51 Luật Công nghệ thông tin “Khu công nghệ thông tin tập trung là loại hình khu công nghệ cao, tập trung hoặc liên kết cơ sở nghiên cứu - phát triển, sản xuất, kinh doanh, đào tạo về công nghệ thông tin. Tổ chức, cá nhân đầu tư và hoạt động trong khu công nghệ thông tin tập trung được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước áp dụng đối với khu công nghệ cao”. Theo quy định của Luật Đầu tư khu công nghệ thông tin tập trung thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, do đó việc thu hồi đất để xây dựng “Khu công nghệ thông tin tập trung” để đảm bảo đồng bộ các chính sách của Nhà nước.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
b) Dự án sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công;
|
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
|
Nên cân nhắc chỉnh sửa điểm b khoản 2 Điều 67 như sau: “b) Dự án sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công trình văn hóa, thể dục thể thao, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
c) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, năng lượng, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải;
|
UBND tỉnh Phú Thọ
|
Đề nghị Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định các loại công trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật có quy mô, tính chất như thế nào thì do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư; các loại còn lại do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Lý do: Tại Điểm b, Khoản 3, Điều 67 có quy định các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua trùng với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Thực hiện các dự án được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua sự cần thiết phải thu hồi đất, bao gồm:
|
Tỉnh ủy Kon Tum
|
Đề nghị xem xét biên tập rõ nghĩa nội dung này, nhằm giúp các địa phương thực hiện được đồng bộ, đảm bảo đúng quy định của Luật khi áp dụng.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dư thảo kế thừa quy định hiện hành để đảm bảo tính ổn định thống nhất như địa phương đang triển khai (HĐND thông qua danh mục dự án thu hồi đất).
|
UBND tỉnh Ninh Thuận
|
Đề nghị chỉnh chỉnh sửa thành “Thực hiện các dự án được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua sự cần thiết phải thu hồi đất nhưng không quá 3 năm kể từ ngày Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết thu hồi đất”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất là một bước trong quy trình lập, thẩm định, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được quy định cụ thể tại Chươn Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
|
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Phú Thọ, Tỉnh ủy Kon Tum, UBND tỉnh Bắc Kạn, Ủy ban nhân dân Lai Châu, Tây Ninh, Quảng Ninh, Bắc Giang, HĐND tỉnh Bình Phước, UBND thành phố Hải Phòng
|
Tại Khoản 3, Điều 67: Đề nghị bổ sung thêm 1 điểm quy định thu hồi đất đối với trường hợp: “dự án thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đấu giá quyền sử dụng đất”. Lý do: Cho phù hợp với quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 101 của Dự thảo Luật và làm cơ sở tạo đất sạch kêu gọi đầu tư.
Đề nghị xem xét bổ sung vào khoản 3 các trường hợp sau:
+ Dự án khu du lịch, khu thể thao, sân golf quy mô lớn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đầu tư. Mục đích để đảm bảotiến độ triển khai thực hiện các dự án, tránh gây lãng phí nguồn vốn và nguồn lực đất đai.
+ Thu hồi đất tạo quỹ đất sạch để đấu giá theo Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với Khoản 3, Điều 101 của Dự thảo.
+ Thu hồi đất phần diện tích còn lại đối với các dự án thuộc trường hợp phải thoả thuận, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 78 Dự thảo, sau khi chủ đầu tư đã hoàn thành tự thoả thuận, nhận chuyển nhượng quyền
sử dụng được trên 80% diện tích. Thực tế tại địa phương nhiều dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, thậm chí phải dừng thực hiện do một số ít hộ dân còn lại không đồng thuận, yêu cầu mức
giá bồi thường quá cao. Vì vậy cần có quy định để giải quyết vấn đề này, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
- Đề nghị làm rõ quy mô dự án năng lượng
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp: Dư thảo đã hoàn thiện Điều này và điều khác liên quan như đến điều kiện thu hồi đất để đấu giá, quỹ đất đấu giá sau khi thu hồi…
Sửa đổi Điều này theo hướng bỏ tiêu chí theo thẩm quyền (Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HDND cấp tỉnh) và thống nhất theo mục đích, tính chất, loại/nhóm dự án
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
- Khoản 3 Điều 67 Dự thảo Luật bổ quy định bổ sung trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với “dự án khu đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn; dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng khai thác quỹ đất vùng phụ cận của các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; dự án sử dụng đất vùng phụ cận các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”…
Các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn là dự án đầu tư kinh doanh; mục tiêu khai thác quỹ đất vùng phụ cận và phạm vi, tiêu chí xác định “vùng phụ cận” của công trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo quy định nêu trên chưa được giải trình xác định cụ thể…
Việc thu hồi đất tác động lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Do vậy, đề nghị làm rõ hơn nội dung này để có căn cứ báo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét.
- Điều 67 dự thảo Luật đã quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 8 Điều 67 dự thảo Luật, việc thu hồi đất phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: (i) sử dụng vốn đầu tư công; (ii) thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Quy định nêu trên dẫn đến không thể thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (ví dụ dự án khai thác khoáng sản, dự án xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các điểm a khoản 2, d và đ khoản 3 Điều 67 dự thảo Luật).
Do vậy, đề nghị rà soát lại quy định này.
- Đề nghị bổ sung tại điểm a, khoản 2 Điều 67 trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm: “a) Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu/cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), khu đô thị; dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); dự án khu chế biến nông, lâm sản, thuỷ, hải sản tập trung cho DNVVV và các cơ sở sản xuất kinh doanh”. (Lý do: Khoản 1 Điều 11 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định “ Căn cứ vào điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương, Ủy bann nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho đoanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt”).
- Khoản 2, khoản 3 Điều 67, đề nghị không quy định chi tiết loại dự án mà nên quy định theo pháp luật đầu tư và đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ được sửa đổi tại khoản 4 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 cũa Chính phủ, một trong các điều kiện xác định dự án có sử dụng đất là “thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 67 của Dự thảo, các dự án “xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng gồm: nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ” không thuộc trường hợp thu hồi đất.
Đề nghị sửa đổi cho phù hợp.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
a) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công;
|
|
|
|
b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, năng lượng, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;
|
Sở TN&MT Yên Bái
|
Điểm b khoản 3 quy định: “b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, năng lượng, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải”;
Đề nghị quy định rõ đất xây dựng các công trình thủy điện có được xác định là có đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật năng lượng hay không. Thực tế hiện nay một số tỉnh không áp dụng việc Nhà nước thu hồi đất đối với các công trình thủy điện mà Nhà đầu tư phải tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng, gây khó khăn cho các nhà đầu tư (đa phần các thủy điện thực hiện ở vùng núi, vùng sâu, vùng cao có địa hình hết sức khó khăn).
- Bổ sung trường hợp:
+ Các công trình xử lý nước sạch vào trường hợp nhà nước thu hồi đất;
+ Bổ sung quy định phần diện tích đất còn lại của thửa đất sau thu hồi có diện tích, hình thể, vị trí không phù hợp để tiếp tục sử dụng.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
c) Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của tổ chức tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;
|
Sở TN&MT Yên Bái
|
Điểm c, khoản 3: Đề nghị sửa nội dung “xây dựng công trình của tổ chức tôn giáo” thành “xây dựng công trình của tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng”.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND tỉnh Lạng Sơn
|
Điều 67 các trường hợp thu hồi đất đã bao gồm các dự án đô thị và nhà ở thương mại. Đề nghị cơ quan dự thảo nghiên cứu sửa đổi đảm bảo tính thống nhất và phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND tỉnh Thái Nguyên
|
Đề nghị không quy định “dự án khu đô thị, nhà ở thương mại” thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh chấp thuận thu hồi đất
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
d) Cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
|
UBND Hà Giang
|
Đề nghị tại điểm d khoản 3 và điểm a, b khoản 8 Điều 67: Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với trường hợp dự án khai thác khoáng sản không sử dụng vốn đầu tư công được cơ quan có thẩm quyền cấp phép
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định cụ thể cách xác định, tiêu chí xác định cụ thể các loại dự án thực hiện theo pháp luật chuyên ngành có liên quan và được HĐND xem xét cụ thể từng trường hợp.
|
UBND tỉnh Lào Cai
|
Đề nghị quy định rõ về tiêu chí xác định khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sàn, hải sản tập trung.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định cụ thể cách xác định, tiêu chí xác định cụ thể các loại dự án thực hiện theo pháp luật chuyên ngành có liên quan và được HĐND xem xét cụ thể từng trường hợp.
|
Sở TN&MT Yên Bái
|
Điểm d, khoản 3: Đề nghị bổ sung nội dung “khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”; lý do: Để tạo điều kiện kêu gọi các dự án đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND tỉnh Bình Phước
|
Đề nghị bỏ cụm từ “chế biến”.
Ly do: các chế biến nông sản… phải đưa vào trong các cụm hoặc khu công nghiệp
|
|
đ) Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
|
UBND tỉnh Lào Cai
|
Đề nghị làm rõ các công trình phụ trợ, khu vực nhà máy chế biến khoáng sản, nhà điều hành và các công trình phụ trợ khác gẳn với khu khai thác khoáng sản được cấp phép thì có thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất hay không?
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định cụ thể về Dự án khai thác khoáng sản theo pháp luật chuyên ngành có liên quan và được HĐND xem xét cụ thể từng trường hợp,
|
HĐND tỉnh Bình Phước
|
Đề nghị bỏ quy định đ) Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
Lý do: nhằm nâng cao công tác quản lý khai thác khoáng sản mà chủ yếu do tư nhân thực hiện
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này tiếp tục kế thừa quy định hiện hành để đảm bảo tính khả thi vì khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân như đất đai thuộc sở hữu toàn dân
|
e) Dự án sử dụng đất vùng phụ cận các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Sửa thành: e) Dự án sử dụng đất vùng phụ cận các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; để phủ hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 102
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNTM Ninh Bình
|
“vùng phụ cận” không rõ tiêu chí khó thực hiện
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Bổ sung điểm g) Các dự án đầu tư trên địa bàn khu kinh tế
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNTM Ninh Bình
|
Tại khoản 3, đề nghị bổ sung quy định: Trường hợp tạo quỹ đất sạch đủ điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất; trường hợp thu hồi đất làm trụ sở cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ của tổ chức kinh tế có vốn sở hữu của Nhà nước trên 51%
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND tỉnh Bình Phước
|
Đề nghị bỏ quy định thu hồi đất vùng phụ cận vì nêu thu hồi đất cả vùng phụ cận ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án hạ tầng
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này tiếp tục kế thừa quy định hiện hành để khai thác hiệu quả phần gia tăng từ quỹ đất liền kế với kết cấu hạ tầng
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Tại khoản 3 Điều 67 Dự thảo Luật bổ quy định bổ sung trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với “... dự án sử dụng đất vùng phụ cận các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”…
Đề nghị, nghiên cứu làm rõ mục tiêu khai thác quỹ đất vùng phụ cận và phạm vi, tiêu chí xác định “vùng phụ cận” của công trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo quy định nêu trên chưa được giải trình cụ thể hoặc giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này. Vì việc thu hồi đất tác động lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất cũng như đảm bảo thu hồi đất đúng theo pháp luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
4. Dự án không sử dụng vốn đầu tư công thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật về đầu tư.
|
HĐND tỉnh Lai Châu
|
Để nghị làm rõ thẩm quyền thu hồi đất trong trường hợp này
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh Ủy Sơn La
|
Đề nghị làm rõ “ưu đãi đầu tư đặc biệt” được hiểu như thế nào theo quy định của pháp luật về đầu tư
|
UBND tỉnh Lai Chau
|
Đề nghị quy định rõ thẩm quyền thu hồi đất đối với trường hợp này
|
5. Dự án chỉnh trang khu đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn khi có đủ các điều kiện sau:
|
HĐND tỉnh Lai Châu
|
Để nghị làm rõ thẩm quyền thu hồi đất trong trường hợp này
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
UBND tỉnh Quảng Ninh
|
Quy định tại khoản 5 đang mâu thuẫn với khái niệm chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn quy định tại pháp luật quy hoạch đô thị (NĐ 11/2013/NĐ-CP, “Về quản lý phát triển đầu tư đô thị” quy định cụ thể khái niệm tái thiết đô thị, chỉnh trang đô thị theo đó dự án cải tạo chung cư cũ, khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún … không phải dự án chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn.
|
a) Dự án để cải tạo chung cư cũ; khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân; hoặc để di dời các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định hoặc để bố trí tái định cư; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và không phù hợp với quy hoạch;
|
Sở TNMT Yên Bái
|
Đề nghị bổ sung thêm nội dung: “...các khu vực đô thị, nông thôn được quy hoạch chi tiết nhưng chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật”.
|
Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi
|
Tại Điều 67 dự thảo quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đề nghị quy định cụ thể việc thực hiện dự án thu hồi đất tại điểm a khoản 5 khi “có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân” và trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người tại điểm e khoản 1 Điều 70 “Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người” thì sẽ thu hồi đất theo quy định tại Điều 67 hay thu hồi đất theo quy định tại Điều 70 dự thảo Luật.
Ngoài ra, tại khoản 7 Điều 67 quy định “Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách từ dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều này”, đề nghị xem xét lại đối với dự án quy định khoản 7 được tách ra từ các dự án được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua sự cần thiết phải thu hồi đất, thì có cần thiết phải trình HĐND cấp tỉnh thông qua về sự cần thiết phải thu hồi đất.
|
b) Phạm vi thu hồi đất gồm khu đất có các công trình và vùng phụ cận của các công trình quy định tại điểm a khoản này;
|
UBND tỉnh Sóc Trăng
|
Cần quy định rõ phạm vi vùng phụ cận để có căn cứ thực hiện
|
UBND tỉnh Quảng Ninh
|
Xem bổ sung trường hợp thu hồi đất vùng phụ cận, thu hồi đất thực hiện dự án chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn vào khoản 3 Điều 67 để kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất.
|
c) Việc thực hiện dự án phải thực hiện đồng bộ với xây dựng, cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu
|
Tổng cục Khí tượng thủy văn
|
Cụm từ “dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai” vào điểm c khoản 2 Điều 67, cụ thể như sau: “... giao thông, thủy lợi, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai, cấp thoát nước...”
|
6. Dự án lấn biển để sử dụng vào các mục đích quy định tại Điều này.
|
|
|
|
7. Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách từ dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều này.
|
|
|
|
8. Việc thu hồi đất theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6 và 7 Điều này phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
|
UBND tỉnh Lào Cai
|
Đề nghị loại bỏ nội dung này
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Lạng Sơn
|
Đề nghị xem xét điều kiện thu hồi đất vì có một số loại hình dự án sử dụng đất thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất (theo dự thảo Luật) như: công trình thu gom xử lý chất thải; cấp thoát nước, chợ.....có sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách (doanh nghiệp thực hiện) nhưng lại không thuộc trường hợp phải đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo Luật Đầu tư. Do đó, cần bổ sung điều kiện vốn ngoài ngân sách nhà nước có mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để Nhà nước thu hồi đất để thực hiện.
|
Sở TNMT Ninh Bình
|
Quy định sử dụng vốn ngân sách nhà nước và thuộc trường hợp đấu giá, đấu thầu dự án…khó thực hiện.
HĐND cấp tỉnh thông qua nhiều dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Quy định rõ thu hồi đất trong trường hợp này thỉ chủ đầu tư chi trả tiền bồi thường.
|
HĐND tỉnh Thái Bình
|
Tại khoản 8 Điều 67 quy định điều kiện: “Sử vốn đầu tư công”, “Thuộc tr3ường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất” là chưa bao quát hết các trường hợp (dự án xã hội hóa sử dụng vốn tài chợ thì sao; hoặc trường hợp doanh nghiệp tại trợ xây dựng cầu thì Nhà nước có thực hiện thu hồi đất không…).
|
UBND tỉnh Lai Châu, UBND tỉnh Đắk Lắk
|
- Đề nghị xem xét, bỏ khoản này (việc ràng buộc điều kiện tại 02 quy định trên dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng).
|
Tỉnh Ủy Quảng Bình
|
Bổ sung quy định thu hồi đất trong trường hợp thực hiện dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, tài trợ cho phù hợp với thực tiễn
|
HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Tỉnh Ủy Thái Nguyên
|
Rà soát cho thống nhất với điểm c khoản Điều 63 (Sử dụng đất vào mục đích khoáng sản không phải đấu giá) và điểm đ khoản 3 Điều 67 (dự án khai thác khoáng sản thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất).
|
a) Sử dụng vốn đầu tư công;
|
|
|
b) Thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang
|
Tại Điều 67 (dự thảo): Đề nghị bổ sung thêm khoản 9 quy định: “Đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định Điều này mà phần diện tích đất còn lại của thửa đất sau thu hồi có diện tích, hình thể, vị trí không phù hợp để tiếp tục sử dụng, nếu người sử dụng đất có yêu cầu được thu hồi đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất phải được thể hiện trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và được tính vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đầu tư”.
|
Sở TNTM Ninh Thuận
|
Điều 67: Đề nghị chỉnh chỉnh sửa “Thực hiện các dự án được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua sự cần thiết phải thu hồi đất” thành “Thực hiện các dự án được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua sự cần thiết phải thu hồi đất nhưng không quá 3 năm kể từ ngày Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết thu hồi đất”
|
Tỉnh Ủy Bắc Giang
|
nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa quy định tại Khoản 2, 3 và Khoản 8 Điều này đảm bảo các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp không phải đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất như hiện nay (theo quy định tại Khoản 8 dự thảo thì dự án xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp nếu không sử dụng vốn đầu tư công thì phải đấu giá hoặc đấu thầu mới đủ điều kiện để Nhà nước thu hồi đất).
|
Tỉnh Ủy Hải Dương
|
Đề nghị bổ sung Khoản 9 Điều 67: “9. Đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều này mà phần diện tích còn lại của thửa đất sau khi thu hồi hòcó diện tích, vị trí, hính thể không phù hợp để tiếp tục sử dụng, nếu người sử dụng đất có yêu cầu thu hồi đất thì UBND cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thu hồi đất và thực hiện bỗi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất phải được tính vào phương án bồi thường, hỗ trợ và được tính vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án”.
|
|
|
|
|
Việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải dựa trên các căn cứ sau đây:
|
|
|
|
1. Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Luật này;
|
Bộ Quốc phòng
|
Để nghị sửa thành “1. Các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 66 và dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điểu 67 của Luật này”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: ý kiến của Bộ Quốc phòng liên quan đến kỹ thuật son thảo để đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ Dự thảo Luật.
|
2. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
|
HĐND tỉnh Lai Châu
|
Quy định căn cứ Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được duyệt, tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 47 quy định phải trình HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất. Mâu thuẫn, xem lại.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: nôi dung này đã được quy định trong phần quy hoạch, kế hoạch sử dụng đât
|
3. Tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án.
|
UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở TNMT Hà Tĩnh
|
Đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 68 “Tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án” thành “Tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư được phê duyệt”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự án được duyệt hay không được duyệt thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư, Đầu tư công
|
Bộ Quốc phòng
|
Đề nghị bổ sung nội dung: “4. Trường hợp đất chưa cỏ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh nhưng cần phải thu hồi để thực hiện ngay nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì Bộ Quôc phòng, Bộ Công an thông nhât với UBND câp tỉnh, xin ý kiên Bộ Tài nguyên và Môi trường, bảo cảo Thủ tướng Chỉnh phủ xem xét, quyết định ”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: ý kiến của Bộ Quốc phòng không thống nhất vơi Chương quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
|
Sở TNMT Ninh Thuận,
|
Đề nghị sửa đổi khoản 3
Điều 68 “3. Tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án” thành “Tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư được phê duyệt”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp
|
UBND tỉnh Sóc Trăng
|
Đề nghị xác định rõ căn cứ vào “Tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án” được xác định trên cơ sở nào?
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung này thực hiện theo pháp luật về đầu tư, chuyên ngành
|
|
|
|
|
1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:
|
|
|
|
h) Đất sản xuất nông nghiệp không được sử dụng trong thời hạn 36 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng;
|
Sở Tư pháp Hải Dương
|
Đề nghị nghiên cứu kế thừa quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: điểm h khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định đất nông nghiệp không được sử dụng 12, 18. 24 tháng thì bị thu hồi là ngắn, không có tính khả thi trên thực tế. Dự thảo lần này quy định thời gian không sử dụng 36 tháng và bổ sung trước khi thu hồi có xử phạt để đảm báo tính khả thi khi thu hồi đất đối với trường hợp này.
|
i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà đã bị xử phạt nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 124 của Luật này mà vẫn không đưa đất vào sử dụng và không nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm.
|
Bộ Tài chính
|
Tại điểm c khoản 1 Điều 124 và khoản d, khoản 3 Điều 130 dự thảo có 02 trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng và không đưa đất vào sử dụng. Đề nghị rà soát lại để thống nhất giữa các điều tại dự thảo.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu chỉnh sửa vào dự thảo luật cho phù hợp.
|
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bổ sung quy định trường hợp đất có nguồn gốc cổ phần hóa mà tổ chức sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất khác với mục đích sử dụng đất theo phương án cổ phần hóa đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thì Nhà nước thu hồi.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc xử lý đối với đất có nguồn gốc về cổ phần hóa cần được rà soát xem xét xử lý phù hợp với tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 18-NQ/TW và thực tế thực hiện nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp đang sử dụng đất. Đồng thời dự thảo Luật đã có quy định về xử lý các trường hợp chuyển mục đích để thực hiện dự án đầu tư khu đô thị, nhà ở thương mại.
|
Sở TNMT Hưng Yên:
|
Đề nghị quy định bổ sung việc thu hồi đất trong các trường hợp xử lý nợ.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: việc xử lý nợ thường áp dụng trong các hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Đối với trường hợp này Luật Đất đai và Bộ Luật Dân sự và pháp luật về giao dịch bảo đảm đã có quy định để xử lý.
|
1. Các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người bao gồm:
|
|
|
|
a) Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
|
Tỉnh ủy Kon Tum
|
Hiện nay các doanh nghiệp bị dừng hoặc thu hồi giấy đăng ký kinh doanh nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản nên không có cơ sở để thu hồi đất.
Do đó Đề nghị bổ sung thành: “Tổ chức được Nhà nước giao đất … phá sản, dừng hoặc thu hồi giấy đăng ký kinh doanh...”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Việc thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều này phải dựa trên các căn cứ sau đây:
|
|
|
|
e) Văn bản chấm dứt dự án đầu tư đối với trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều này.
|
UBND Hà Giang:
|
Đề nghị sửa thành: “e) Văn bản chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều này. ”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa tai dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, tổ chức tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
|
Bộ Ngoại giao
|
Đề nghị bổ sung như sau: “1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Ngoại giao trong trường hợp cho thuê đất, thu hồi đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao và trong xử lý các vụ việc liên quan đến tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
UBND tỉnh Quảng Ninh, Tỉnh Ủy Bạc Liêu
|
Bổ sung quy định UBND cấp tỉnh được phép ủy quyền cho UBND cấp huyện vì việc thu hồi, giải phóng mặt bằng chủ yếu do UBND cấp huyện thực hiện
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo Luật đã có quy định về ủy quyền trong trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đối với trường hợp chỉ có tổ chức thì không thực hiện ủy quyền để đảm bảo phù hợp với thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đồng thời có có sở để tổ chức bị thu hồi đất khiếu nại theo quy định của pháp luật.
|
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
|
|
|
|
b) Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam;
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, HĐND tỉnh Khánh Hòa
|
Tại điểm b khoản 2 Điều 71 Thẩm quyền thu hồi đất quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây: Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; tuy nhiên, tại điểm d khoản 1 Điều 61 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây: Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Đề nghị xem xét trường hợp “Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài” giao UBND cấp huyện thực hiện để đảm bảo tính thống nhất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: để xác định nhân thân của người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần có thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền về quản lý xuất nhập cảnh. Do đó, việc giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là phù hợp.
|
c) Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;
|
|
|
|
d) Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 và các điểm a, b và c khoản này.
|
Sở Tư pháp Hải Dương,
HĐND tỉnh Lai Châu, HĐND tỉnh Hòa Bình, Tỉnh Ủy Hải Dương, HĐND tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Hòa Bình
|
Đề nghị quy định chuyển thành thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp tỉnh
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung này thực hiện theo tinh thần tiếp tục phân cấp theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
|
HĐND tỉnh Thái Bình
|
Tại khoản 2 Điều 36 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi các năm 2014, 2018, 2020) quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thu hồi đất và tài sản khác thuộc diện sung công quỹ Nhà nước
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật và Luật có liên quan cho phù hợp.
|
|
UBND tỉnh Kiên Giang
|
Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng: thời gian thông báo thu hồi đất cho đến khi có quyết định thu hoi đất là 90 ngày đối với tất cả các loại đất; sau khi có thông báọ thu hồi đất thì người sử dụng đất không được thực hiện các quyền. Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ban hành thông báo thu hồi đất, nhưng sau 01 năm mà chưa ban hành quyêt định thu hồi đất thì người sử dụng đất được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đây là nội dung được quy định trong Luật hiện hành để đảm bảo cho người có đất thu hồi có thời gian chuẩn bị nơi ở mới, cuộc sống mới, tìm kiếm việc làm mới. Đồng thời, theo quy định của Luật Đất đai thì người sử dụng đất chỉ bị chấm dứt quyền sử dụng đất khi có quyết định thu hồi đất.
|
1. Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
|
Sở TNMT Hà Tĩnh
|
Đề nghị sửa thành “Sau khi dự án đầu tư được phê duyệt, chậm nhất là 15 ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc ban hành thông báo thu hồi đất cần căn căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang
|
Đề nghị sửa đổi khoản 1 như sau: “Trước khi tiến hành điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Việc thông báo thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại Điều 74 Luật này.”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Lai Châu, UBND tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Hòa Bình
|
Đề nghị chỉnh sửa thành “1. Trước khi có quyết định thu hồi
đất, chậm nhất là 30 ngày đối với đất nông nghiệp và 60 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm”; hoặc cần rút ngắn thời gian xuống còn từ 30 đến 60 ngày để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung này kế thừa quy định hiện hành để đảm bảo thời gian ổn định cuộc sống của người có đất bị thu hồi, hạn chế các hậu quả xã hội phát sinh từ việc rút ngắn thời hạn chuẩn bị này. Thời hạn nêu tại dự thảo luật là phù hợp với thời gian thu hoạch vụ mùa cũng như có thời gian hợp lý cho người có đất thu hồi chuẩn bị chỗ ở. Đồng thời dự thảo Luật đã có quy định cho phép thu hồi đất sớm hơn thời hạn nếu trên nếu được người có đất thu hồi đồng ý.
|
UBND tỉnh Tiền Giang
|
Nghiên cứu cho phép khảo sát, đo đạc trước khi ban hành thông báo thu hồi đất để đảm bảo chính xác thông tin của thông báo thu hồi đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung thông báo thu hồi đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; việc khảo sát, đo đạc đã được thực hiện trước để có thông tin dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
|
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
|
Đề nghị mở rộng đối tượng được thông báo thu hồi đất (đến người nhận thế chấp quyền sử dụng đất).
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
Điều 74. Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
|
UBND tỉnh Lào Cai
|
Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đối với với trường hợp thu hồi đất nhưng vắng chủ sử dụng đất và trình tự thủ tục đối với trường hợp đất đang có tranh chấp và đang trong quá trinh thực hiện giải quyết tranh chấp theo quy định.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
1. Họp dân để phổ biến, tiếp nhận ý kiến của người dân về các nội dung:
|
HĐND tỉnh Gia Lai
|
Đề nghị sửa “dân” thành “người có đất bị thu hồi” cho thống nhất với các điều luật
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: việc họp dân ngoài người có đất thu hồi còn có tổ chức, cá nhân có liên quan như tổ trưởng dân phố, các tổ chức chính trị tại địa phương….
|
2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm được quy định như sau:
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang
|
Đề nghị bổ sung thêm 1 điểm vào khoản 2 quy định xử lý đối với trường hợp người sử dụng đất vắng mặt, tranh chấp theo hướng: Đối với trường hợp vắng chủ sử dụng thì sau khi thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các đoàn thể địa phương tiến hành kiểm đếm và ký tên xác nhận vào biên bản kiểm đếm làm cơ sở để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đối với trường hợp tranh chấp thì lập biên bản kiểm đếm chung cho những người có tranh chấp.
|
Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Luật hoặc quy định chi tiết tại văn bản dưới luật.
|
|
Sở TN&MT Yên Bái
|
- Quy trình tại khoản 1, khoản 2 đề nghị sửa lại thành các bước như sau:
“(1) Bước 1: Xây dựng và ban hành Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm
1. Chủ đầu tư lập Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm kèm theo căn cứ pháp lý có liên quan của công trình, dự án gửi Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc phòng Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đối với công trình, dự án thuộc thẩm quyền.
2. Việc xây dựng kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng của từng công trình, dự án và quy định của pháp luật. Nội dung kế hoạch:
a) Lý do thu hồi đất;
b) Diện tích, vị trí khu đất thu hồi trên cơ sở hồ sơ địa chính hiện có hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc kế hoạch sử dụng đất; trường hợp thu hồi đất theo tiến độ thực hiện dự án thì ghi rõ tiến độ thu hồi đất;
c) Kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, trong đó ghi cụ thể về thời gian bắt đầu việc khảo sát đo đạc kiểm đếm các thửa đất nằm trong ranh giới thu hồi đất.
d) Dự kiến về kế hoạch di chuyển và bố trí tái định cư;
đ) Giao nhiệm vụ lập, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
e) Yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trong vùng dự án giữ nguyên hiện trạng đất đai; dừng việc trồng cây lâu năm, xây dựng, cải tạo, sửa chữa các công trình; dừng việc chia tách thửa đất để thực hiện việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất kể từ ngày họp phổ biến Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; có trách nhiệm phối hợp với Chủ đầu tư, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc tổ chức dịch vụ công về đất đai làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương và đơn vị đo đạc để thực hiện việc đo đạc, xác định các thông tin địa chính của thửa đất thu hồi.
3. Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm sau khi được phê duyệt phải được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư, người sử dụng đất tại khu vực thu hồi đất; gửi cho các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh nơi có đất bị thu hồi.
4. Sau khi Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm được phê duyệt thì Chủ đầu tư, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc tổ chức dịch vụ công về đất đai làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương và đơn vị đo đạc (nếu có) họp nhân dân tại khu vực có thu hồi đất để công bố Kế hoạch này.
(2) Bước 2: Đơn vị thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng bao gồm tổ chức dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
(3) Bước 3: Trích lục địa chính, trích đo địa chính thửa đất, đo đạc chỉnh lý thửa đất nằm trong ranh giới thu hồi đất
(4) Bước 4: Thông báo thu hồi đất
1. Trên cơ sở hồ sơ trích lục địa chính, trích đo địa chính thửa đất, đo đạc chỉnh lý thửa đất nằm trong ranh giới thu hồi đất do Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc đơn vị hành nghề đo đạc bản đồ lập, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện lập hồ sơ thông báo thu hồi đất gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường nếu thẩm quyền thu hồi đất thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường nếu thẩm quyền thu hồi đất thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Cơ quan Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp thẩm quyền ký ban hành thông báo thu hồi đất.
3. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức họp với người sử dụng đất và các tổ chức có liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện.
(5) Bước 5: Điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất thu hồi; Kiểm kê đất đai, tài sản gắn liền với đất…”.
- Ngoài ra, tại điểm a khoản 2 đề nghị bỏ nội dung gửi đến từng người có đất thu hồi do thời điểm này có thể chưa xác định được đầy đủ các chủ sử dụng trong khu vực cần thu hồi, nếu gửi đến từng người sẽ sảy ra tình trạng không đầy đủ phải điều chỉnh, bổ sung thông báo nhiều lần. Do đó, ở giai đoạn này chỉ cần ban hành thông báo thu hồi đất chung trong khu vực có đất bị thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
- Tại Điều này đề nghị bổ sung khoản 6 giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để xử lý một số trường hợp các biệt trong thực tế như: trường hợp người sử dụng đất vắng mặt do yếu tố khách quan như đi nước ngoài, chấp hành thi hành án, tranh chấp,..
- Quy trình tại điểm a khoản 4 đang nêu: “a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 71 của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày”, nhưng tại khoản 5 Điều 79 lại nêu: “5. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất.”. Do vậy, 02 điều nay đang có sự mâu thuẫn chưa đồng nhất với nhau nên đề nghị xem xét lại.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Cà Mau, Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh Hòa Bình, UBND tỉnh Lào Cai, Sở TNMT Thái Bình
|
Đề nghị rà soát chỉnh sửa quy định thông báo thu hồi đất cho phù hợp với biến động về chủ thể sử dụng đất như không có mặt tại địa phương, các trường hợp không phối hợp, không phải người địa phương, kinh phí thông báo, ghi nhận hiện trạng trước khi thông báo..
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật hoặc tại văn bản quy định chi tiết thi hành cho phù hợp.
|
Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
|
|
|
|
d) Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, Sở Tư pháp Hải Dương.
|
Đoạn thứ hai điểm d khoản 2: đề nghị điều chỉnh cụm từ “Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục …” thành “Sau thời gian 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục …” để đảm bảo chặt chẽ, tránh hiểu nhằm nội dung.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật hoặc tại văn bản quy định chi tiết thi hành cho phù hợp.
|
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 75 của Luật này.
|
|
|
|
3. Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:
|
|
|
|
a) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
|
Tỉnh Ủy Sơn La
|
Đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp sau khi đối thoại vẫn không nhất trí với phương án bồi thường
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo Luật đã có quy định: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền.
|
4. Việc quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:
|
|
|
|
a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 71 của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày;
|
UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở TNMT Hà Tĩnh, Gia Lai, Sở TNTM Ninh Thuận
|
Tại điểm a khoản 4 Điều 74 của dự thảo Luật quy định “a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 71 của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày”. Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 79 quy định “5. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất”.
Đề nghị chỉnh sửa để đảm bảo thống nhất về quy định và thời gian.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh ủy Kon Tum:
|
Đề nghị xem xét rà soát biên tập cho đồng bộ, đảm bảo đúng với định hướng Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
d) Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.
|
Tỉnh Ủy Sơn La
|
Đề nghị quy định số ngày sau khi được tuyên truyền vận động … thì cưỡng chế thu hồi đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Đây là quy định có tính nguyên tắc, tùy thuộc quy mô thu hồi, số lượng người bị thu hồi đất, tính chất, mức độ phức tạp của từng trường hợp cụ thể và thực trạng hệ thống cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị cấp cơ sở để quyết định, nhằm mục đích hạn chế phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
|
|
|
|
|
1. Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc:
|
|
|
|
a) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;
|
Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi
|
Tại Điều 74 và Điều 75 dự thảo:
- Đề nghị bổ sung quy định về cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và bảo vệ thi công đối với trường hợp có phần diện tích đất và tài sản trên đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.
- Nguyên nhân: Điều 74, 75 của dự thảo quy định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế thu hồi đất đối với trường hợp người có đất thu hồi. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án đường điện thuộc trường hợp không thu hồi đất (Điều 93 của Dự thảo quy định bồi thường thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn: “Khi Nhà nước xây dựng công trình công cộng, quốc phòng, an ninh có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn thì người sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ”), hộ dân không thực hiện kiểm kê, không cho phép kéo dây dẫn diện trên phần đất của họ, Nhà nước không có cơ sở để tiến hành cưỡng chế kiểm đếm đất, tài sản bị ảnh hưởng nên để xác định việc hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất rất khó khăn.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
b) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Đề nghị bổ sung điểm c) Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, lễ theo quy định của pháp luật; trong thời gian trước và sau 15 ngày của tết nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách nếu họ là người bị cưỡng chế và các trường hợp đặc biệt khác làm ành hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục tập quán tại phương.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo kế thừa quy định hiện hành để đảm bảo tính thống nhất và ổn định.
|
2. Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
|
|
|
|
a) Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định kiểm đếm bắt buộc sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị chỉnh sửa thành “a) Người có đất thu hồi không chấp
hành quyết định kiểm đếm bắt buộc sau khi Ủy ban nhân dân
cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục hoặc đã thông báo, liên hệ 03 lần trong thời hạn 10 ngày nhưng người sử dụng đất không phối hợp;”
- Lý do: Tránh trường hợp người sử dụng đất cố tình né tránh cơ quan chức năng thì vẫn có chế tài áp dụng.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật hoặc tại văn bản quy định chi tiết thi hành cho phù hợp.
|
b) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
|
Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi
|
Tại điểm b khoản 2 Điều 75 dự thảo quy định: Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi. Đề nghị quy định cụ thể thời gian niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và quy định về thời gian sẽ được cụ thể trong Nghị định hoặc là văn bản dưới Luật.
|
4. Trình tự, thủ tục thực hiện quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc được quy định như sau:
|
Sở TNTM Ninh Bình, HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Cần quy định cụ thể thành lập Ban cưỡng chế
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và quy định về thời gian sẽ được cụ thể trong Nghị định hoặc là văn bản dưới Luật
|
|
|
|
|
1. Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất thực hiện như sau:
|
|
|
|
a) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;
|
|
|
|
b) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính;
|
|
|
|
c) Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; trong thời gian 15 ngày trước và sau tết nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách nếu họ là người bị cưỡng chế và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương;
|
Sở TNMT Thái Bình
|
Điểm c khoản 1: Đề nghị bỏ nội dung quy định “trong thời gian 15 ngày trước và sau tết nguyên đán” hoặc nếu giữ nguyên thì điều chỉnh thời gian còn 07 ngày, để đảm bảo các những công trình trọng điểm, yêu cầu tiến độ thi công trước tết mà diện tích bị thu hồi là đất nông nghiệp không ảnh hưởng đến việc đón tết.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định của Luật liên quan đến đảm bảo quyền công dân, thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước.
|
Tỉnh Ủy Bắc Giang
|
Điều 76. Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất: Đề nghị bỏ nội dung quy định “các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách nếu họ là người bị cưỡng chế” tại điểm c, Khoản 1 do quy định còn chung chung, ngày truyền thống của nhiều nhóm đối tượng chính sách chưa được quy định cụ thể dẫn đến sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện.
|
d) Việc cưỡng chế thu hồi đất thực hiện với người sử dụng đất, người có tài sản gắn liền với đất và đối tượng khác có liên quan đến khu đất thu hồi (nếu có).
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang
|
Đề nghị bổ sung làm rõ thêm quy định tại điểm d khoản 1 về thủ tục xử lý cưỡng chế buộc di dời đối với trường hợp chủ sử dụng đất đã bàn giao mặt bằng nhưng người ở đậu, ở nhờ trên đất không bàn giao mặt bằng.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo đã có quy định về đối tượng khác có liên quan, trong đó có những trường hợp ở nhờ trên đất của người khác.
|
UBND tỉnh Bình Phước
|
Đề nghị bổ sung quy định cưỡng chế thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn nhưng không thuộc đối tượng thu hồi đất theo Điều 93
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
|
HĐND tỉnh Hòa Bình
|
Bổ sung nội dung thực hiện cưỡng chế khi đã thực hiện đầy đủ việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người bị thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND tỉnh Tuyên Quang
|
Đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 76 nội dung thực hiện cưỡng chế trong trường hợp quyết định thu hồi đất đã thực hiện đầy đủ việc bồi thường, hỗ trợ đối với người bị thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.
|
a) Quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành mà người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và cơ quan tài nguyên và môi trường hoặc tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh Hòa Bình
|
(1) Đề nghị sửa đổi điểm a khoản 2 như sau: “Quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành mà người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau 30 ngày kể từ khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và cơ quan tài nguyên và môi trường hoặc tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục”; (2) thêm đối tượng là người có tài sản gắn liền với đất và đối tượng khác có liên quan đến khu đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất cũng bị cưỡng chế.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp. Việc cưỡng chế thu hồi đất đối với người có tài sản gắn liền với đất, Dự thảo Luật đã quy định tại khoản 1 Điều này.
|
b) Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt; bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
|
|
|
|
Trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán;
|
Tỉnh Ủy Hải Dương, UBND tỉnh Cà Mau
|
Bổ sung quy định xử lý sau khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất mà người có đất bị thu hồi không nhận lại tài sản
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật hoặc văn bản dưới Luật cho phù hợp.
|
c) Lực lượng Công an có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế quyết định thu hồi đất;
|
|
|
|
d) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế quyết định thu hồi đất; tham gia thực hiện cưỡng chế; phối hợp với Ban cưỡng chế niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất;
|
|
|
|
đ) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất khi Ban thực hiện cưỡng chế có yêu cầu.
|
|
|
|
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
|
|
|
|
Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi
|
Tại các Điều 74, Điều 75, Điều 76 dự thảo quy định về vai trò, nhiệm vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trong việc tổ chức vận động, thuyết phục người sử dụng đất liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất... Tuy nhiên, đối với những địa phương không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã (như huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) thì sẽ do cơ quan, tổ chức nào thực hiện, đề nghị phải quy định cụ thể trong nội dung dự thảo Luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định trưng dụng đất, quyết định gia hạn trưng dụng đất. Người có thẩm quyền trưng dụng đất không được phân cấp thẩm quyền cho người khác.
|
HDDND tỉnh Bình Phước
|
Đề nghị bỏ quy định tại khoản 3 Điều 67, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định trưng dụng đất, quyết định gia hạn trưng dụng đất.
Chỉ nên để thẩm quyền ở cấp tỉnh.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: việc giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định trưng dụng đất, quyết định gia hạn trưng dụng đất để đảm bảo đáp với yêu cầu chung về thẩm quyền giải quyết trường hợp khẩn cấp như phòng chống thiên tai, lũ lụt,…
|
7. Việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra thực hiện theo quy định sau đây:
|
|
|
|
b) Trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán;
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị chỉnh sửa thành “b) Trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá đất do Nhà nước xác định giá đất cụ thể tại thời điểm thanh toán;”
- Lý do: Giá chuyển nhượng trên thị trường rất khó xác định và không thỏa thuận được thì nhiệm vụ cấp bách bị định trệ hoặc bị khiếu kiện phức tạp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này để đảm bảo quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất và thống nhất với các quy định về giá đất.
|
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nơi có đất trưng dụng thành lập Hội đồng để xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra trên cơ sở văn bản kê khai của người sử dụng đất và hồ sơ địa chính. Căn cứ vào mức bồi thường thiệt hại do Hội đồng xác định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định mức bồi thường;
|
UBND tỉnh Bình Phước
|
Làm rõ trường hợp nào thì do cấp tỉnh quyết định. Trường hợp nào do cấp huyện quyết định
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này kế thừa quy định hiện hành để đảm bảo tính linh hoạt theo thực tế khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
|
|
|
Chọn phương án 1: Sở TNMT Hưng Yên, UBND tỉnh Kiên Giang,UBND tỉnh Lào Cai, UBND Đà Nẵng, UBND Bà Rịa – Vũng Tàu
Chọn Phương án 2: Gia Lai, Hà Giang, Sở Tư pháp Hải Dương,Tỉnh ủy Kon Tum, TU Nam Định, UBND Đắk Lắk, Viện Khoa học Tài nguyên nước
|
|
TU Bình Thuận
|
Đề nghị nghiên cứu, sửa đổi việc sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tu theo hướng không giới hạn như dự thảo Luật đã đề cập, nên mở rộng cho tất cả các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, nông nghiệp, dự án đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn, có vốn ngoài ngân sách theo Luật Đầu tư năm 2020
|
|
UBND tỉnh Kiên Giang
|
Đề.nghị nghiên cứu bổ sung về cơ chế khi nhà đầu tư không thỏa thuận được 100% diện tích đất để thực hiện dự án
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
1.
|
Sở TNMT Hà Tĩnh:
|
Thay bằng phương án “Việc sử dụng đất để thực hiện dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Luật này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyên nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật” Lý do: Dự án đô thị, nhà ở thương mại đáp ứng yêu cầu tại khoản 8 Điều 67 (Sử dụng vốn đầu tư công, thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất) cần phải thực hiện thu hồi đất..
|
PA1: Việc sử dụng đất để thực hiện dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Luật này và dự án đô thị, nhà ở thương mại mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
|
Sở TN&MT Yên Bái
|
- Tại khoản 1: Lựa chọn Phương án 1, tuy nhiên đề nghị chỉnh sửa lại như sau:
“Việc sử dụng đất để thực hiện dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Luật này mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.”
Bỏ cụm từ “và dự án đô thị, nhà ở thương mại” do loại hình dự án này đã quy định trong điểm c khoản 3 Điều 67 dự thảo Luật Đất đai.
Bên cạnh đó tại khoản này quy định “Việc nhận chuyển nhượng để chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản này không áp dụng đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang mục đích phi nông nghiệp.”
Như vậy, nếu dự án đầu tư thuộc trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà phải chuyển mục đích sử dụng đất nhưng trong diện tích nhận chuyển nhượng có trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất mà không được phép nhận chuyển nhượng thì sẽ áp dụng hình thức nào để có đất thực hiện dự án.
- Tại khoản 2: Đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Trường hợp trong khu vực đất thực hiện dự án quy định tại khoản 1 Điều này có diện tích đất do Nhà nước quản lý mà không đủ điều kiện tách thành dự án độc lập được thì Nhà nước thu hồi để giao, cho thuê cho nhà đầu tư.”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND tỉnh Hưng Yên
|
Xem lại, tại Điều 67, dự án khu đô thị và nhà ở thương mại thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Ngoài ra, đối với việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng để thực hiện thực hiện dự án, kính đề nghị xem xét bổ sung nội dung như sau:
- Việc thu hồi đất hay thực hiện thỏa thuận nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án nhằm đảm bảo thực hiện theo mục đích sử dụng đất và quy hoạch đã được duyệt. Vì vậy, nếu dự án thuộc trường thu hồi đất sẽ được bồi thường theo giá Nhà nước, trong lúc đó đối với các dự án thỏa thuận sẽ thực hiện bồi thường theo giá được thỏa thuận đã được thống nhất giữa Nhà đầu tư và người sử dụng đất.
Do đó, nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và thực hiện được mục tiêu theo quy hoạch đã được Nhà nước phê duyệt, kính đề nghị xem xét bổ sung nội dung thu hồi đất sau khi thỏa thuận được giá bồi thường đồng thời trong trường hợp chủ đầu tư đã thỏa thuận được với trên 75% số lượng chủ sử dụng đất mà không thỏa thuận được với các chủ sử dụng đất còn lại thì Nhà nước thu hồi đất của các chủ sử dụng đất không thỏa thuận được và bồi thường về đất tính theo giá đất trung bình của các trường hợp đã thỏa thuận của dự án để tiến hành thu hồi đất thực hiện dự án theo đúng quy định.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Hội Nông dân
|
Đề nghị lựa chọn PA2, vì PA1 dẫn đến tình trạng thu gom đất nông nghiệp, sau đó xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, gây thiệt thòi cho người có đất nông nghiệp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang
|
Chọn phương án 2 nhằm hạn chế việc phân lô, bán nền. Đồng thời, làm rõ “Việc nhận chuyển nhượng để chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản này không áp dụng đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang mục đích phi nông nghiệp.” đối với trường hợp không thuộc Nhà nước thu hồi đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh Ủy Sơn La
|
Dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 67, đề nghị xem lại.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Bắc Kạn
|
Tại Điều 78 nên quy định chế tài xử lý trong trường hợp các dự án đầu tư không thỏa thuận được hết toàn bộ khu đất thực hiện dự án dẫn tới việc khó khăn cho nhà đầu tư (có thể xử lý theo hướng thu hồi khi diện tích đã thỏa thuận đạt tỷ lệ 70% diện tich hoặc Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp này để thực hiện đấu giá , tiền của nhà đầu tư nhận thỏa thuận được bồi hoàn).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
PA2: Việc sử dụng đất để thực hiện dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Luật này mà không thuộc trường hợp dự án đô thị, nhà ở thương mại và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
|
Sở TNMT Thái Bình
|
Đề nghị quy định tất cả các trường hợp sử dụng đất đều thực hiện thu hồi đất, do đó bỏ quy định về nhận chuyển nhượng tại điều khoản này.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Đề nghị bỏ quy định: Việc nhận chuyển nhượng để chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản này không áp dụng đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang mục đích phi nông nghiệp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh An Giang
|
Tại Điều 78 (dự thảo) quy định sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, đề xuất chọn phương án 1 vì hầu như các dự án trên địa bàn tỉnh An Giang đều có sử dụng đất trồng lúa, nếu không cho phép tổ chức kính tế nhận chuyển nhượng loại đất trồng lúa (như quy định tại phương án 2) thì không triển khai được.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Việc nhận chuyển nhượng để chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản này không áp dụng đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang mục đích phi nông nghiệp.
|
UBND Đà Nẵng
|
Đề nghị điều chỉnh lại như sau: “Việc nhận chuyển nhượng để chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản này không áp dụng đối với trường hợp nhận chuyến nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích phi nông nghiệp. ”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Trường hợp trong khu vực đất thực hiện dự án quy định tại khoản 1 Điều này có diện tích đất do Nhà nước quản lý mà không tách thành dự án độc lập được thì Nhà nước thu hồi để giao, cho thuê cho nhà đầu tư.
|
HĐND tỉnh Bình Phước
|
Đề nghị quy định rõ tỷ lệ diện tích đất do Nhà nước quản lý
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi
|
Tại khoản 2 Điều 78: Đề nghị điều chỉnh, bổ sung thành: “Trường hợp trong khu vực đất thực hiện dự án quy định tại khoản 1 Điều này có diện tích đất do Nhà nước quản lý, đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất mà người đang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không có tài sản gắn liền với đất mà không tách thành dự án độc lập được thì Nhà nước thu hồi để giao, cho thuê cho nhà đầu tư”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị rà soát khoản 2 Điều 78 để đảm bảo đồng bộ với thu hồi tài sản công là nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
TU Bình Thuận
|
Nội dung này quy định không rõ ràng, khó thực hiện, vì: Trong khu vực đât khi nhà đầu tư xin thực hiện dự án thì đã có quy hoạch, có ranh giới rõ ràng, xác định quy mô, loại hình đầu tư. Diện tích đất do Nhà nước quản lý trong khu vực dự án rất đa dạng về hình thể, về diện tích nên việc xác định diện tích này tách thành dự án độc lập hoặc không tách thành dự án độc lập là rất khó, dẫn đến việc hiểu và áp dụng tại các địa phương sẽ không nhất quán khi Luật có hiệu lực thi hành.
|
3. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh.
|
Sở Tư pháp Hải Dương, Sở TNMT Hà Tĩnh
|
Đề nghị quy định rõ “giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” vì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể theo Điều 131 dự thảo, trong đó có việc “tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất”.
|
Bộ Xây dựng
|
Đề nghị rà soát, sửa đổi, bô sung khoản 3 Điều 67 dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với khoản 1, khoản 2 Điều 67 dự thảo Luật và pháp luật về đầu tư.
|
Tỉnh Ủy Quảng Bình
|
Đề nghị sửa như sau: 3. Nhà nước cho phép và có chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐN tỉnh Lạng Sơn
|
Nội dung sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được quy định tại Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013; trong quá trình thực hiện các dự án này gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến rất nhiều dự án chậm chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích sản xuất kinh doanh và chậm đưa dự án đi vào hoạt động. Đề nghị có quy định rõ hơn tại Điều 78 của dự thảo luật sửa đổi để tháo gỡ khó khắn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
|
|
Chọn phương án 1: Sở TNMT Hưng Yên, UBND tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh Lào Cai; Tỉnh Ủy Bạc Liêu, HĐND tỉnh Lạng Sơn, UB9ND tỉnh Trả Vinh, HĐND tỉnh Cà Mau, HĐND tỉnh Hưng Yên, Sở TNTM Ninh Thuận, HĐND tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh Bình Phước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Chọn Phương án 2: Gia Lai, Hà Giang, Sở Tư pháp Hải Dương, Tỉnh ủy Kon Tum, TU Nam Định; UBND tỉnh Lạng Sơn; Sở TN&MT tỉnh Nam Định, UBND tỉnh Phú Thọ, Tổng cục Biển và Hải đảo, HĐND tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh Ủy Kon Tum, HĐND tỉnh Cao Bằng, HĐND tỉnh Bình Phước, HĐND tỉnh Tuyên Quang, Hội Nông dân, UBND tỉnh Lai Châu, HĐND tỉnh Vĩnh Long
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Kiên Giang
|
Đề.nghị nghiên cứu bổ sung về cơ chế khi nhà đầu tư không thỏa thuận được 100% diện tích đất để thực hiện dự án
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Bình Thuận
|
Trong 02 phương án quy định tại khoản 1 Điều 78: Tỉnh Bình Thuận nhận thấy 02 phương án mà dự thảo đưa ra chưa còn khó hiểu và chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đề nghị sửa đổi việc sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất
để thực hiện dự án đầu tư theo hướng không giới hạn như dự thảo, mở rộng cho tất cả các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ. nông nghiệp, dự án đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn, có vốn ngoài ngân sách theo quy Luật đầu tư năm 2020. Lý do:
+ Đảm bảo quyền của người sử dụng đất; công bằng cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội; phù hợp với nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, đó là: Đối với các dự án phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
+ Bảo đảm được hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất sẽ giúp giảm thiểu được lãng phí; giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện có liên quan đến đất đai; đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả và bền vững hơn, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
+ Đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định trong dự thảo Luật đất đai quy định tại khoản 1 Điều 190: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển hượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này; điểm b khoản 1 Điều 192 quy định Người nhận quyền sử dụng đất là Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng sử dụng đất;
(2) Tại khoản 2 Điều 78 quy định: Trường hợp trong khu vực đất thực hiện dự án quy định tại khoản 1 Điều này có diện tích đất do Nhà nước quản lý mà không tách thành dự án độc lập được thì Nhà nước thu hồi để giao, cho thuê cho nhà đầu tư. Nội dung này quy định không rõ ràng, khó thực hiện bởi vì: trong khu vực đất khi nhà đầu tư xin thực hiện dự án thì đã có quy hoạch, có ranh giới rõ ràng, xác định quy mô, loại hình đầu tư. Diện tích đất do Nhà nước quản lý trong khu vực dự án rất đa dạng về hình thể, về diện tích nên việc xác định diện tích này tách thành dự án độc lập hoặc không tách thành dự án độc lập là rất khó, việc hiểu và áp dụng luật tại các địa phương sẽ không nhất quán.
Mặt khác, việc Nhà nước thu hồi để giao, cho thuê cho nhà đầu tư đối với phần diện tích này có đấu giá, đấu thầu không tại khoản 2 chưa nói rõ, vì căn cứ điểm a khoản 2 Điều 65 thì phải đấu giá đất. Vì vậy, kiến nghị sửa đổi nội dung này theo hướng: Trường hợp trong khu vực đất thực hiện dự án quy định tại khoản 1 Điều này có diện tích đất do Nhà nước quản lý thì Nhà nước thu hồi để giao, cho thuê cho nhà đầu tư mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam
|
Điều 78 đưa ra 02 PA gần giống nhau, đó là việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không thuộc dự án khu đô thi, nhà ở thương mại thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định.
Không hiểu tại sao nhà đầu tư lại không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án khu đô thi, nhà ở thương mại. Đề nghị làm rõ nội dung này?
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh Ủy Quảng Bình
|
Quy định tại Điều 78 mâu thuẫn với khoản 2 Điều 63 (phải thực hiện đấu giá, đấu thầu) mà không cho phép nhận chuyển nhượng…
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Hà Tĩnh:
|
Thay bằng phương án “Việc sử dụng đất để thực hiện dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Luật này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyên nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật” Lý do: Dự án đô thị, nhà ở thương mại đáp ứng yêu cầu tại khoản 8 Điều 67 (Sử dụng vốn đầu tư công, thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất) cần phải thực hiện thu hồi đất..
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Sóc Trăng
|
Cần có quy định chuyển tiếp đối với các dự án đang thực hiện theo cơ chế thỏa thuận của Luật Đất đai năm 2013
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT TP Hồ Chí Minh
|
Thống nhất PA1, dự án đô thị, nhà ở thương mại thực hiện theo cơ chế thỏa thuận
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Chương VII
BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ
KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT
NỘI DUNG DỰ THẢO
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 80 của Luật này thì được bồi thường.
|
Tỉnh ủy Kon Tum
|
Người sử dụng đất khi bị thu hồi đất thì không được bồi thường tài sản gắn liền với đất và phải tự tháo dỡ công trình. Vì vậy cần quy định cụ thể hơn theo hướng người dân được bồi thường tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp xây dựng được cấp có thẩm quyền cho phép.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật tại Điều này chỉ quy định về điều kiện được bồi thường, về nội dung quy định về bồi thường tài sản gắn liền với đất được quy định tại nội dung quy định về tài sản gắn liền với đất.
|
2. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
|
Tỉnh Sơn La
|
Tại khoản 2: Đề nghị quy định rõ việc đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ vì quy định chỉ mang tính định tính mà không có định lượng dễ xẩy ra khiếu nại, khiếu kiện
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung nguyên tắc chung đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ nêu tại Điều về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất đã được quy định cụ thể tại các Điều của Chương VII, cụ thể: Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà thì còn được bồi thường bằng đất có mục đích khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở; việc bồi thường nhà ở, công trình bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương; bổ sung quy định thành lập Quỹ hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động; Quy định khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền và phải tuân thủ pháp luật về nhà ở. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ đã được quy định tại dự thảo Luật.
|
Đắk Nông – Tỉnh ủy
|
Khoản 2: Đề nghị nghiên cứu sửa đổi: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở và nơi sinh sống mới phải đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” vì thực tế nhiều hộ gia đình sản xuất, buôn bán, kinh doanh tại nơi ở cũ rất tốt nhưng khi bố trí tái định cư vào những khu vực khó sản xuất, buôn bán, kinh doanh dẫn đến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên như Dự thảo vì nội dung khoản 2 đã bao hàm người có đất thu hồi có chỗ ở, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
|
TU Nam Định
|
Đề nghị sửa đổi, bổ sung vàbiên tập lại như sau: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp phải di chuyển chỗ ở thì phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở mới và đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.”
|
3. Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
|
Tỉnh ủy Kon Tum
|
Đề nghị bỏ nội dung “có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi”. Lý do: Để linh hoạt trong việc bồi thường bằng đất thì người bị thu hồi đất được xem xét giao đất khác với loại đất bị thu hồi và phải đảm bảo giá trị giữa loại đất thu hồi và loại đất giao mới.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định như dự thảo Luật đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người có đất thu hồi, trong đó người bị thu hồi đất có quyền lựa chọn hình thức được bồi thường.
|
Hà Nội - UBND
|
Khoản 3: Đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung khoản 3: “Giá đất cụ thể loại đất thu hồi được cơ quan có thẩm quyền quyết định không quá 12 tháng tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Giá đất Nhà nước bồi thường là giá đất tại thời điểm nhà nước quyết định thu hồi đất.
|
Hậu Giang
|
Đề nghị xem xét thêm phương án đối với các dự án dân cư đô thị, căn cứ tình hình thực tế, UBND cấp tỉnh xem xét quyết định việc bồi thường bằng đất ở hoặc đất dịch vụ thương mại, sản xuất kinh doanh tại dự án khi thu hồi đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện để người dân bị thu hồi đất có nhiều hình thức lựa chọn phương án bồi thường cho phù hợp với nguyện vọng của từng đối tượng và phù hợp với nội dung quy định tại Điều 85 của Luật này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này đã được quy định tại Dự thảo Luật.
|
Tỉnh Sơn La
|
Tại khoản 3 Điều 79 dự thảo: Đề nghị quy định thời gian và thời điểm xác định giá đất cụ thể tính bồi thường trước khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tương tự như quy định đối với trường hợp xác định giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại khoản 4 Điều 126.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
4. Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bằng tiền hoặc bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở.
|
Sở TNMT Hưng Yên, Nam Định
|
Đề nghị giữ nguyên quy định như Luật Đất đai 2013 không bổ sung thêm qui định bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác loại đất bị thu hồi.
TU Nam Định: Đề nghị sửa đổi khoản 4, bỏ đoạn “hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo bổ sung quy định nguyên tắc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở khi các hộ có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở nhằm đa dạng hóa hình thức bồi thường, đảm bảo quyền lợi, an sinh cho người sử dụng đất theo đúng nội dung của Nghị quyết số 18/NQ-TW 16/6/2022.
|
Đắk Lắk
|
Tại khoản 3, 4: Đề nghị quy định 02 khoản này đồng nhất với nhau để các địa phương áp dụng thống nhất “được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bằng tiền” việc bồi thường bằng đất khác mục 4 đích sử dụng với loại đất bị thu hồi trong thực tế khó áp dụng và có thể phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
|
Tỉnh ủy Kon Tum:
|
Đề nghị xem xét rà soát biên tập cho đồng bộ, đảm bảo đúng với định hướng Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Đề nghị xem xét chỉ bồi thường bằng đất ở trong trường hợp thu hồi đất ở; không đặt vấn đề bồi thường đất bằng các loại đất khác như đất nghĩa trang nghĩa địa của tổ chức kinh tế, các loại đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp khác do UBND cấp tỉnh không quy hoạch sẵn các khu đất này để bồi thường và không đặt vấn đề thu hồi đất nông nghiệp nhưng bồi thường bằng đất ở, nhà ở. Ngoài ra, đề nghị bổ sung nguyên tắc cân đối giá trị bồi thường khi dự án có nhiều loại đất như trường hợp dự án thủy điện Hủa Na.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo bổ sung quy định nguyên tắc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở khi các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở nhằm đa dạng hóa hình thức bồi thường, đảm bảo quyền lợi, an sinh cho người sử dụng đất.
Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất đã được quy định tại Dự thảo Luật. Đối với việc di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, ngoài việc áp dụng chính dụng chung còn được áp dụng chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ theo quy định do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
|
Hải Dương - Ban QLDA
|
Khoản 4: Ngoài việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, bổ sung thêm quy định bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác loại đất bị thu hồi hoặc bồi thường bằng nhà ở nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này đã được quy định tại Điều về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất của Dự thảo.
|
5. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất.
|
Tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Hà Tĩnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Hòa Bình, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Hà Nội, Bắc Kạn, Quảng Bình, Hà Tĩnh
|
Khoản 5, Điều 79 quy định chưa thống nhất với điểm a, khoản 4, Điều 74 của dự thảo Luật
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Hải Dương - Ban QLDA
|
Khoản 5: Phương án tái định cư thường rất nhiều thủ tục, xây dựng tái định cư, xác định giá…Đề nghị cho phép trường hợp chưa hoàn thành phương án tái định cư nhưng đối tượng có nhu cầu tái định cư thống nhất tự nguyện đồng ý nhà nước thu hồi đất thì được phép bồi thường hỗ trợ và quyết định thu hồi đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: tại dự thảo Luật đã quy định “ Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.”
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Đề nghị giữa nguyên như quy định của Luật Đất đai năm 2013 là thu hồi đất trước khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật bổ sung quy định việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất nhằm quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc chuẩn bị, bố trí quỹ đất, quỹ nhà, phương án đào tạo chuyển đổi nghề và việc làm trước khi Quyết định thu hồi đất, đảm bảo quyền lợi, an sinh cho người sử dụng đất theo đúng nội dung của Nghị quyết số 18/NQ-TW 16/6/2022
|
Tỉnh Ủy Lâm Đồng
|
Đề nghị giữa nguyên như quy định của Luật Đất đai năm 2013 là quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án trong cùng một ngày
|
6. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
|
UBND, HĐND và Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ, Hậu Giang
|
Đề nghị bổ sung thêm 1 khoản như sau: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 113, Điều 114 Luật này nhưng đã sử dụng ổn định trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, không thuộc trường hợp lấn chiếm, tranh chấp đất đai, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã bổ sung quy định điều kiện bồi thường về đất bao gồm “Các trường hợp khác do Chính phủ quy định”, trong đó sẽ xem xét quy định việc bồi thường đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
|
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Tại địa bàn tỉnh Nghệ An có các trường hợp đất trong hành lan an toàn giao thông được cấp đất trái thẩm quyền nay không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận nhưng vẫn đủ điều kiện được bồi thường về đất (dự án mở rộng quốc lộ 1A). Vì vậy, đề tránh địa phương xin ý kiến cá biệt, đề nghị bổ sung rõ hơn quy định này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã quy định cụ thể điều kiện bồi thường về đất. Đối với trường hợp cụ thể như bồi thường về đất được giao không đúng thẩm quyền; bồi thường đối với đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ.
|
|
Tỉnh Sơn La
|
Đề nghị quy định cụ thể các trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất, cấp Giấy chứng nhận là đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên trước ngày luật này có hiện lực thi hành thì có được bồi thường về đất không? Lý do: Trước đây khi thực hiện Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, giai đoạn 2001-2004, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã thực hiện giao đất, giao rừng là đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, khi Nhà nước thu hồi đất còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc xem xét bồi thường về đất đối với các trường hợp trên. Do đó, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ các trường hợp được giao đất, cấp Giấy chứng nhận như trên có đủ điều kiện được bồi thường về đất hay không? để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Trường hợp không được bồi thường về đất, đề nghị xem xét bồi thường chí phí chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại Dự thảo đã quy định về điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân (trong đó bao gồm cả đất nông nghiệp) là đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.Do đó, đề nghị giữ nguyên như dự thảo để thống nhất các xác định điều kiện bồi thường về đất của hộ gia đình, cá nhân.
|
|
|
|
|
1. Các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:
|
Tỉnh Hà Tĩnh
|
Đề nghị bổ sung điểm e vào khoản 1 Điều 81 dự thảo như sau:
"1. Các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:…
e) Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên."
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Theo quy định tại Dự thảo thì trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trừ trường hợp quy định tại Điều bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân của dự thảo Luật thì được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Do đó, đề nghị giữ nguyên như Dự thảo để thống nhất với dự thảo luật.
|
d) Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Đề nghị ghi rõ bồi thường chi phí cho đối tượng nào (UBND cấp xã hay hộ dân đang sản xuất hay cả hai).
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Về đối tượng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, điều kiện xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại sẽ được quy định trong Nghị định của Chính phủ
|
đ) Đất nhận khoán để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
|
|
|
|
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
|
|
|
|
Đắk Lắk
|
Hiện nay, việc lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh gặp vướng mắc do quy định được bồi thường về đất tại Khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai năm 2013 và trường hợp không được bồi thường về đất tại Khoản 2 Điều 82 Luật Đất đai còn chưa rõ ràng, cụ thể nên tình trạng người dân có đơn khiếu nại vẫn còn diễn ra. Tại Dự thảo, khoản 3 Điều 82 và khoản 4 Điều 87 vẫn chưa quy định, phân biệt rõ được vướng mắc trên. Vậy đề nghị xem xét, quy định cụ thể hơn để địa phương áp dụng thực hiện, hạn chế khiếu nại khiếu kiện trong việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã bổ sung tại Điều về điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cụ thể như sau: “Các trường hợp khác do Chính phủ quy định”, trong đó sẽ xem xét quy định việc bồi thường đối với trường hợp khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai năm 2013.
|
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 80 của Luật này khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường bằng đất nông nghiệp hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở.
|
Tỉnh Bạc Liêu
|
- Tại khoản 1 Điều 82 dự thảo Luật Đất đai có nêu: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 80 của Luật này khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường bằng đất nông nghiệp hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở.”. Theo quy định này nếu thu hồi đất nông nghiệp mà bồi thường bằng đất ở thì không hợp lý và khi thực hiện rất khó xác định; do đó đề nghị điều chỉnh lại khoản này và Điều 79 của dự thảo
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Theo quy định tại Điều về bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân của dự thảo Luật Đất đai thì việc bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở cho người có đất nông nghiệp thu hồi chỉ được thực hiện khi các hộ có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở. Việc quy định này nhằm đa dạng hóa hình thức bồi thường, cho phép người có đất thu hồi được lựa chọn hình thức bồi thường nếu địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà nhằm đảm bảo quyền lợi, an sinh cho người sử dụng đất theo đúng nội dung của Nghị quyết số 18/NQ-TW 16/6/2022.
|
Hội Nông dân Việt Nam
|
Để đảm bảo nguyên tắc ngang giá và quyền lợi chính đáng cho người có đất thu hồi, đề nghị bổ sung cụm từ “có giá trị tương đương với đất thu hồi”, và chỉnh sửa nội dung khoản 1 như sau: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 80 của Luật này khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường bằng đất nông nghiệp hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi có giá trị tương đương với đất thu hồi hoặc bằng nhà ở nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Về hình thức, điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi khi thu hồi đất nông nghiệp sẽ được quy định cụ thể trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
|
Tỉnh ủy Thái Bình, Sở TNMT tỉnh Thái Bình
|
Đề nghị chỉ quy định được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bằng tiền hoặc bằng đất trong cùng nhóm đất với loại đất thu hồi, không bồi thường bằng diện tích có mục đích khác với loại đất bị thu hồi
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định này nhằm đa dạng hóa hình thức bồi thường, cho phép người có đất thu hồi được lựa chọn hình thức bồi thường nếu địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà nhằm đảm bảo quyền lợi, an sinh cho người sử dụng đất theo đúng nội dung của Nghị quyết số 18/NQ-TW 16/6/2022.
|
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định sau đây:
|
|
|
|
a) Diện tích đất nông nghiệp được bồi thường bao gồm diện tích trong hạn mức theo quy định tại Điều 145, Điều 146 của Luật này và diện tích đất do được nhận thừa kế;
|
|
|
|
b) Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 146 của Luật này thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại;
|
Bộ NN và PTNT
|
Điểm b khoản 2 Điều 82. Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 146 của Luật này thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại. Nếu vẫn giữ quy định này thì người tích tụ đất có xu hướng chia nhỏ mảnh đất lớn thành nhiều mảnh đất nhỏ với tên người đăng ký quyền sử dụng đất khác nhau. Điều này sẽ tăng rủi ro cho người sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đề nghị bổ sung quy định đối với dự án tích tụ đất nông nghiệp được nhà nước cho phép thì khi thu hồi được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất (cả phần vượt hạn mức) và chi phí đầu tư vào đất (bao gồm tất cả tài sản trên đất).
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này kế thừa quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, đề nghị giữ nguyên như Dự thảo.
|
|
|
|
|
1. Tổ chức kinh tế đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 80 của Luật này thì được bồi thường về đất; mức bồi thường về đất được xác định theo thời hạn sử dụng đất còn lại.
|
Bộ VHTT&DL
|
1. Nên rà soát, thay cụm từ “Tổ chức sự nghiệp công lập” (tại điểm a khoản 1 Điều 6, điểm d khoản 2 Điều 11, khoản 4 Điều 56, Điều 83, Điều 86, điểm d khoản 2 Điều 128…) bằng cụm từ “Đơn vị sự nghiệp công lập” nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Viên chức.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
1. Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm khi Nhà nước thu hồi đất thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại nếu chi phí này không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Trường hợp đất nông nghiệp không phải là đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên của tổ chức kinh tế đã giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi đất thì hộ gia đình, cá nhân nhận khoán không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.
|
Bộ NN và PTNT
|
Tại khoản 2 đề nghị bổ sung cụm từ: “tổ chức kinh tế có đất giao khoán”, cụ thể: “Trường hợp đất nông nghiệp không phải là đất rừng đặc dụng, đất rừng
phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên của tổ chức kinh tế đã giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi đất thì tổ chức kinh tế có đất giao khoán, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại”.
Lý do: Đất giao khoán là đất của các công ty lâm, nông nghiệp thuê của Nhà nước sau đó kí hợp đồng giao khoán cho hộ nhận khoán trồng cây, thời hạn
giao khoán thường là ngắn (thường 3 – 5 năm theo chu kỳ cây trồng) trong khi các hạng mục chi phí đầu tư vào đất lại là chi phí đầu tư dài hạn nên hầu hết các tổ chức kinh tế có đất giao khoán đầu tư (Đường lâm nghiệp, rừng có Công ty đầu tư trồng sau đó giao khoán cho hộ nhận khoán bảo vệ…), cũng có trường hợp do bên nhận khoán đầu tư hoặc do cả hai bên đầu tư, tài sản có thể là sở hữu chung của các bên, trong khi quy định bồi thường cho mỗi bên nhận khoán là không phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại Dự thảo Luật quy đinh: “2. Tổ chức kinh tế, đơn vịsự nghiệp công lập tự chủ tài chính đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm khi Nhà nước thu hồi đất thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại nếu chi phí này không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Trường hợp đất nông nghiệp không phải là đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên của tổ chức kinh tế đã giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi đất thì hộ gia đình, cá nhân nhận khoán không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại”
Quy định này kế thừa quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, đề nghị giữ nguyên như Dự thảo.
|
|
|
|
|
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 80 của Luật này khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất.
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề nghị không bổ sung thêm quy định bồi thường bằng đất sử dụng khác lại đất bị thu hồi.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo bổ sung quy định bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất nhằm đa dạng hóa hình thức bồi thường, đảm bảo quyền lợi, an sinh cho người sử dụng đất theo đúng nội dung của Nghị quyết số 18/NQ-TW 16/6/2022. Do đó, đề nghị giữ nguyên như Dự thảo.
|
Hải Dương – Ban QLDA
|
Bổ sung quy định người có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất. Đề nghị có thể bồi thường đồng thời bằng đất + nhà + tiền
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định về hình thức bồi thường của Dự thảo có kế thừa quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, đề nghị giữ nguyên như Dự thảo.
|
Tỉnh Hà Tĩnh
|
Đề nghị quy định rõ địa phương (xã, phường, thị trấn) là nơi mà người bị thu hồi đất có điều kiện về quỹ đất (vì trên thực tế có khi hộ gia đình bị thu hồi đất có nhu cầu được bồi thường về đất tại tại xã, phường, thị trấn; tuy nhiên sẽ có trường hợp chưa có hộ khẩu thường trú trên địa bàn).
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên như Dự thảo để đảm bảo cho người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ theo đúng nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022.
|
Hội Nông dân Việt Nam
|
Để đảm bảo nguyên tắc ngang giá và quyền lợi chính đáng cho người có đất thu hồi, đề nghị bổ sung cụm từ “có giá trị tương đương với đất thu hồi”, và chỉnh sửa nội dung khoản 1 như sau: “. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 80 của Luật này khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi có giá trị tương đương với đất thu hồi nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất.”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Về hình thức, điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi khi thu hồi đất ở sẽ được quy định cụ thể trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
|
Điều 85. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân
|
|
|
|
Điều 86. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
|
|
|
|
1. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, đất nghĩa trang, nghĩa địa, khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 80 của Luật này thì được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng; trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo thời hạn sử dụng đất còn lại.
|
Bộ VHTT&DL
|
Nên rà soát, thay cụm từ “Tổ chức sự nghiệp công lập” (tại điểm a khoản 1 Điều 6, điểm d khoản 2 Điều 11, khoản 4 Điều 56, Điều 83, Điều 86, điểm d khoản 2 Điều 128…) bằng cụm từ “Đơn vị sự nghiệp công lập” nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Viên chức.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
Thanh Hóa – HĐND
|
Đề nghị bổ sung nội dung “Đất sử dụng cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đề điều”. Lý do: Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Đề điều năm 2006.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này đã được quy định tại Điều về trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất của Dự thảo.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.
|
Hải Dương Sở TC
|
- Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định việc quản lý tài sản sau khi bồi thường vào nội dung tại khoản 1 Điều 88 theo hướng giao cho người dân quản lý và tự tháo dỡ, di chuyển; trường hợp người dân không tự tháo dỡ, di chuyển thì giao cho đơn vị thi công công trình, dự án tổ chức thực hiện tháo dỡ, di chuyển tài sản (chi phí tháo dỡ, di chuyển tài sản và giá trị thu hồi vật liệu do đơn vị thi công tự cân đối thực hiện).
- Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định việc quản lý tài sản của người dân bị cưỡng chế thu hồi đất nhưng không nhận lại tài sản vào nội dung tại khoản 1 Điều 88 theo hướng: “Trường hợp người bị cưỡng chế thu hồi đất không nhận lại tài sản thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với tài sản đó và tổ chức xử lý tài sản theo quy định”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu chỉnh sửa vào dự thảo Luật theo hướng quy định: Bổ sung quy định vào Điều về bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất theo hướng chủ sở hữu tài sản có trách nhiệm tháo gỡ, di dời nhà ở, công trình và được sử dụng nguyên vật liệu còn lại của nhà ở, công trình.
|
|
UBND tỉnh Hòa Bình
|
Mới quy định việc bồi thường đối với tài sản là nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt, chưa quy định bồi thường đối với tài sản là các công trình xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp của các hộ dân
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này đã được quy định tại điều Điều nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất và điều về Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất dự thảo Luật.
|
3. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
|
Thanh Hóa – HĐND
|
Khoản 3: Đề nghị quy định định rõ hơn trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cụ thể: “3. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng tại vị trí mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành.”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thường là các công trình sử dụng vào mục đích công cộng do Nhà nước quản lý. Do đó, khi Nhà nước thu hồi thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.
|
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, công trình xây dựng quy định tại Điều này để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất.
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:
|
HĐND tỉnh Bến Tre
|
Thực tế áp dụng quy định này rất khó khăn, cụ thể việc xác định giá trị sản lượng của vụ thu hoạch trong ba năm liền kề và giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây không thể xác định được do không có cơ sở nào làm căn cứ để xác định giá này trong công tác bồi thường, hỗ trợ cây trồng. Do đó, đối với nội dung này đề nghị điều chỉnh lại theo hướng giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương hàng năm ban hành bảng giá các loại trồng để làm cơ sở thực hiện bồi thường, hỗ trợ, trong đó quy định cụ thể giá bồi thường đối với từng cây trồng và mật độ để tính bồi thường, hỗ trợ.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này đã được quy định tại Điều về bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi của Dự thảo, cụ thể: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng đơn giá bồi thường thiệt hại và mật độ về cây trồng, vật nuôi quy định tại Điều này để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất.
|
Bộ NN và PTNT
|
Bổ sung tiêu chí về mật độ cây trồng theo tiêu chuẩn định mức kĩ thuật trong trồng trọt.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
a) Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của loại cây trồng đó tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;
|
Vĩnh Long
|
Điểm a khoản 1: Đề nghị xem xét quy định rõ người có đất trồng cây hàng nămg bị thu hồi có được thu hoạch sản phẩm còn lại hay không và thời gian được thu hoạch?
- Điểm b khoản 1: Đề nghị xem xét quy định rõ thời gian được thu hoạch sản phẩm còn lại.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu chỉnh sửa tại Dự thảo Luật.
|
d) Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
|
Bộ NN và PTNT
|
Tại điểm d khoản 1, đề nghị thay cụm từ “pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng” bằng cụm từ “pháp luật về lâm nghiệp” để phù hợp với quy định hiện hành.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu chỉnh sửa tại Dự thảo Luật.
|
2. Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản được bồi thường thiệt hại thực tế theo mức bồi thường cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
|
Vĩnh Long – HĐND
|
Khoản 2: Đề nghị xem xét quy định rõ người có đất nuôi vật nuôi là thủy sản bị thu hồi có được thu hoạch sản phẩm còn lại hay không và thời gian được thu hoạch? Xem xét bổ sung nội dung bồi thường hộ, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã quy định mức bồi thường theo thiệt hại thực tế tại thời điểm thu hồi đất. Do đó, đề nghị giữ nguyên như Dự thảo Luật.
|
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế mật độ về cây trồng, vật nuôi quy định tại Điều này để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất.
|
Quảng Bình – UBND
|
Khoản 3: Đề nghị sửa lại như sau: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế mật độ về cây trồng, vật nuội là thủy sản quy định tại Điều này để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất” để phù hợp với khoản 2 Điều này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế mật độ về cây trồng, vật nuôi, trong đó đã bao gồm nội dung về đơn giá bồi thường thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản.
|
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản thì được Nhà nước bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt; trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất còn được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt.
|
Tỉnh Sơn La
|
Đề nghị xem xét việc không bồi thường tài sản gắn liền với đất tại Điều 92 đối với các trường hợp quy định tại điểm a , c, d khoản 1 Điều 70. Lý do: Trong nhiều trường hợp tài sản trên đất được tạo lập hợp pháp và vẫn còn sử dụng. Tuy nhiên, do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất hoặc hết hạn sử dụng đất thì phải được bồi thường đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.
Mặt khác, hiện nay, tại địa phương đang tồn tại vướng mắc liên quan đến việc quy định không bồi thường tài sản gắn liền với đất khi thu hồi đất trường hợp hết hạn sử dụng đất nhưng không được gia hạn trong khi người sử dụng đất vẫn có nhu cầu và nộp hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, do định hướng phát triển kinh tế - xã hội có nhu cầu sử dụng khu đất đã hết hạn vào các công trình dự án phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội nên đề xuất của người sử dụng đất không được xem xét gia hạn và khi thu hồi đất lại không được bồi thường tài sản gắn liền với đất, đa phần tài sản là các công trình, trụ sở kiên cố được tạo lập hợp pháp, có trường hợp được cơ quan quản lý xây dựng cấp phép đầu tư, nâng cấp công trình theo quy định của pháp luật xây dựng. Việc quy định trên dẫn đến bức xúc trong dự luận và làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định như Dự thảo đảm bảo kế thừa quy định hiện hành, đồng thời nêu cao trách nhiệm của người sử dụng đất. Việc hoàn trả giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất khi thu hồi đất do tự nguyện trả lại đất được quy định tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
|
Điều 92. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất
|
|
|
|
|
HĐND tỉnh Bến Tre
|
Điều 93 dự thảo Luật quy định bồi thường thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung quy định đối với đất nằm trong hành lang an toàn điện gió vẫn được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng hoặc có thiệt hại về tài sản. Thực tế qua công tác khảo sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân trong hành lang an toàn điện gió chưa có quy định của pháp luật; các địa phương đang gặp lúng túng do chưa có chính sách cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nằm trong hành lang an toàn điện gió
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định bồi thường thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn tại Dự thảo đã bao gồm cả hành lang an toàn công trình năng lượng (trong đó có bao gồm công trình điện gió).
|
Quảng Bình – UBND
|
tại Điều 93: Đề nghị bổ sung thêm quy định: “Việc sử dụng đất hành lang sau khi được bồi thường thiệt hại phải đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật an toàn cho công trình có hành lang bảo vệ”.
Lý do: để đảm bảo tính chặt chẽ trong sử dụng đất hành lang không thu hồi.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung về sử dụng đất có hành lang an toàn công trình đã được quy định tại Chương Chế độ sử dụng đất.
|
Khi Nhà nước xây dựng công trình công cộng, quốc phòng, an ninh có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn thì người sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ.
|
Quảng Bình
|
Đề nghị điều chỉnh lại như sau: “Khi Nhà nước xây dựng công trình công cộng, quốc phòng, an ninh có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn thì người sử dụng đất đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định tại Điều 80 của Luật này được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ”.
Lý do: Để đảm bảo công bằng với các trường hợp thu hồi đất, vì các trường hợp thu hồi đất chỉ được bồi thường khi đủ điều kiện bồi thường về đất. Ví dụ, trong cùng một thửa đất không đủ điều kiện bồi thường về đất, khi thu hồi đất thì phần thu hồi không được bồi thường, nhưng phần diện tích bị hạn chế khả năng sử dụng đất lại được bồi thường, dẫn đến mâu thuẫn.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này kế thừa quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, đề nghị giữ nguyên như Dự thảo.
|
|
|
|
|
2. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:
|
Hiệp hội BĐS tp. HCM
|
Bổ sung chính sách: Hỗ trợ giải quyết chỗ ở tạm thời (tạm cư) hoặc thanh toán tiền để người được tái định cư lo chỗ ở trong thời gian chờ được tái định cư tại chỗ.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Hỗ trợ khoản tiền để người được tái định cư lo chỗ ở trong thời gian chờ được tái định cư tại chỗ là nội dung hỗ trợ khác thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Nội dung này sẽ được quy định chi tiết trong Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
|
3. Quỹ hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Nguồn tài chính của Quỹ được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương; đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bỏ khoản 3 và rà soát lại các khoản trong Điều này vì việc đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập với nguồn tài chính của Quỹ được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cùa địa phương; đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật nhưng chưa làm rõ sự cần thiết, lý do đề xuất thành lập Quỹ, cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động của Quỹ, chưa có ý kiến góp ý của các địa phương đối với đề xuất này. Ngoài ra, Luật Ngân sách nhà nước (Điều 37) quy định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương là khoản thu của ngân sách địa phương, việc sử dụng các nguồn thu của ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương do Hội dồng nhân dân cùng cấp quyết định.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên như Dự thảo để đảm bảo quyền lợi, tạo sinh kế bền vững cho người có đất thu hồi thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương theo đúng nội dung của Nghị quyết số 18/NQ-TW 16/6/2022.
|
Sở TNMT Hưng Yên:
|
Đề nghị bỏ Quỹ hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất.
|
Hải Dương – Ban QLDA
|
Khoản 3: Không quy định chính sách này do các đối tượng này đã có các chính sách riêng của Nhà nước quy định ở các pháp luật liên quan.
|
Hà Nội – HĐND
|
Khoản 3: Về quỹ hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất: Thống nhất với nội dung PA1 về bổ sung quy định Quỹ hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất. Quỹ này sẽ khắc phục được các hạn chế, tồn tại hiện nay đối với các đối tượng không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động khi nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ một lần mà không có điều kiện sử dụng hợp lý khoản tiền này, không có thu nhập thường xuyên ổn định để ổn định cuộc sống. Đồng thời, quy định này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
Kiên Giang
|
Điều này chưa phù hợp do thực tế có nhiều trường hợp có quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (như: cho thuê, thế chấp… theo quy định). Do đó cần nghiên cứu theo hướng hỗ trợ theo mục đích sử dụng đất bị thu hồi.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định đối tượng được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm phải là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là phù hợp vì đây là đối tượng mất tư liệu sản xuất, cần được hỗ trợ để chuyển đổi nghề, ổn định đời sống, sản xuất.
|
|
|
|
|
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.
|
Tỉnh Hà Tĩnh
|
Sửa Khoản 1: “1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.” thành “1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư ngay sau khi dự án đầu tư được phê duyệt.”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên như Dự thảo để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người có đất thu hồi, đảm bảo người bị thu hồi đất có chỗ ở, có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ theo đúng nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022.
|
Ban QLDA ĐTXD tỉnh Hải Dương:
|
Đề nghị sửa Khoản 1 Điều 96: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất" thành "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện phương án tái định cư trước khi thu hồi đất". Lý do là chỉ cần có phương án tái định cư được đối tượng thu hồi đất chấp thuận, việc tổ chức đầu tư xây dựng 1 dự án tái định cư chỉ áp dụng dự án lớn; dự án chỉ tái định cư cho một vài hộ thì không nên lập.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo quy định việc tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đấtnhằm đảm bảo chuẩn bị trước quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để kịp thời bố trí cho người có đất thu hồi, ổn định đời sống, sản xuất và đảm bảo quyền lợi cho người có đất thu hồi. Nếu dự án không có trường hợp thuộc diện phải bố trí tái định cư thì không phải xây dựng khu tái định cư. Do đó, đề nghị giữ nguyên như Dự thảo Luật.
|
3. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ.
|
Tỉnh Hà Tĩnh
|
Đề nghị sửa đổi quy định tại Khoản 3: “3. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ.” thành “ 3. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành việc xây dựng khu tái định cư và bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ.”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên như Dự thảo để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người có đất thu hồi, đảm bảo người bị thu hồi đất có chỗ ở, có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ theo đúng nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022.
|
Hiệp hội BĐS tp. HCM
|
Đề nghị bổ sung cụm tử “được giải quyết chỗ ở tạm thời (tạm cư) hoặc thanh toán tiền để người được tái định cư lo chỗ ở trong thời gian chờ được tái định cư tại chỗ” và sửa đổi khoản 3 như sau: Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ được giải quyết chỗ ở tạm thời (tạm cư) hoặc thanh toán tiền để người được tái định cư lo chỗ ở trong thời gian chờ được tái định cư tại chỗ “
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Hỗ trợ khoản tiền để người được tái định cư lo chỗ ở trong thời gian chờ được tái định cư tại chỗ là nội dung hỗ trợ khác thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Nội dung này sẽ được quy định chi tiết trong Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
|
Điều 97. Bố trí tái định cư cho người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở
|
|
|
|
1. Hộ gia đình, cá nhân có đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất đủ điều kiện được bồi thường về đất ở thì được bố trí tái định cư.
|
UBND tỉnh Hòa Bình, HĐND, Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ
|
Để nghị bổ sung thêm 1 khoản: “Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở, phải di chuyển chỗ ở nhưng không còn đất ở hoặc nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bố trí tái định cư hoặc nhà ở xã hội”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung Điều về bố trí tái định cư cho người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở
về nguyên tắc bồi thường.
|
Hậu Giang
|
Đề nghị bổ sung thêm 1 khoản: “Hộ gia đình, cá nhân không bị thu hồi đất ở, phải di chuyển chỗ ở nhưng không còn đất ở hoặc nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bố trí tái định cư”.
|
|
Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Điện Biên:
|
Khoản 3, Đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: “Người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư. Ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất thu hồi làngười có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, người có công với cách mạng,trường hợp người có đất thu hồi bàn giao mặt bằng cùng thời điểm thì tiếnhành bốc thăm để xác định vị trí tái định cư” cho đầy đủ và chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch và khuyến khích người tiên phong trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị giữ nguyên như Dự thảo.
|
Bộ Xây dựng
|
Pháp luật về nhà ở đã quy định các nguyên tắc tái định cư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trong đó có cả trường hợp nhà chung cư cũ không còn phù hợp với quy hoạch làm nhà ở (không thể tái định cư tại chỗ) thì người dân được bố trí tái định cư sang địa điểm khác trên cùng địa bàn để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu.
Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi khoản 3 Điều 97 dự thảo Luật theo hướng dẫn chiếu việc bố trí tái định cư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
6. Trường hợp người có đất ở thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường về đất ở không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu.
|
UBND tỉnh Hòa Bình,, HĐND, Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ
|
- Đề nghị bổ sung thêm nội dung khoản 6: “Hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư mà tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ để mua một suất tái định cư tối thiểu” (Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ).
- Để nghị bổ sung thêm 1 khoản: “Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở, phải di chuyển chỗ ở nhưng không còn đâtr ở hoặc nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bố trí tái định cư hoặc nhà ở xã hội”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Luật Đất đai hiện hành quy định cộng khoản hỗ trợ vào tiền bồi thường về đất để xác định khoản hỗ trợ tái định cư (khoản chênh lệch giữa tiền bồi thường, hỗ trợ với suất tái định cư tối thiểu) cho người được bố trí tái định cư là không phù hợp vì các khoản hỗ trợ là khoản tiền trợ giúp thêm để ổn định đời sống và sản xuất cho người có đất thu hồi. Do đó, Dự thảo đã sửa đổi quy định này để đảm bảo quyền lợi cho người có đất thu hồi.
Về hình thức tái định cư bằng đất ở hoặc nhà ở đã được quy định tại Điều về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất và Điều về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở của Dự thảo.
|
Bộ Xây dựng
|
Khoản 6 Điều 97 dự thảo Luật đề nghị dẫn chiếu trường hợp người có nhà chung cư bị thu hồi để cải tạo, xây dựng lại thì thực hiện theo quy định của pháp luật nhà ở. Bởi vì, nhà chung cư có cơ chế bồi thường đặc thù riêng biệt được thực hiện theo quy định của pháp luật nhà ở, do đó nếu quy định như dự thảo thì việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư là không thể thực hiện được.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
7. Chính phủ quy định cụ thể suất tái định cư tối thiểu cho phù hợp với điều kiện từng vùng, miền và địa phương.
|
UBND tỉnh Hòa Bình, HĐND và Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ, Hậu Giang
|
Đề nghi bổ sung nội dung Chủ đầu tư phải đảm bảo kinh phí đầu tư xây dựng, tạo lập khu tái định cư, quỹ nhà ở, đất ở tái định cư để phục vụ dự án giải phóng mặt bằng và kinh phí này được tính vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và sẽ được quy định chi tiết trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi.
|
UBND tỉnh Hòa Bình, UBND, Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ
|
Đề nghị sửa đổi cụm từ “quyết định thu hồi đất” thành “quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” do theo dự thảo thì quyết định thu hồi đất ban hành sau khi quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Hậu Giang
|
Khoản 1: đề nghị sửa đổi cụm từ “quyết định thu hồi đất” thành “quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” do theo dự thảo thì quyết định thu hồi đất ban hành sau khi quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
|
2. Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị xem lại nguồn để thực hiện chi trả số tiền bằng với tiền chậm nộp cho người được bồi thường.
|
|
UBND tỉnh Hòa Bình, UBND, Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ, Hậu Giang
|
Đề nghị sửa đổi cụm từ “cho người có đất bị thu hồi” thành “cho người được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Do nhiều người bị ảnh hưởng được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng không phải là chủ sử dụng đất bị thu hồi mà chỉ có tài sản trên đất bị ảnh hưởng.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị xem lại nguồn để thực hiện chi trả số tiền bằng với tiền chậm nộp cho người được bồi thường
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và quy định cụ thể tại Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
|
3. Trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước.
|
Bộ Tài chính
|
Trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường .... thì gửi vào tài khoản tạm giừ của Kho bạc nhà nước (giữ nguyên như khoản 3, Điều 93 Luật Đất đai 2013). Tuy nhiên, từ trước đến nay, theo quy định của Luật NSNN và các quy định dưới luật khoản tiền này vẫn gửi vào tài khoản tiền gửi của Chủ đầu tư tại Kho bạc Nhà nước; đồng thời, quy định tại dự thảo chưa phù hợp với quy định tại điểm d khoản 6 Điều 10 Nghị định 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Vì vậy, đề thống nhất trong quá trình thực hiện và chì dùng một tài khoản, Đề nghị sửa đổi khoản 3 như sau: Trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường .... thì gửi vào tài khoản tiền gửi của Chủ đầu tư tại Kho bạc nhà nước hoặc sửa theo hướng Chính phủ quy định quản lý khoản tiền người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt ”.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Hậu Giang UBND tỉnh Hòa Bình
|
Khoản 3: đề nghị sửa đổi cụm từ “tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước” thành “tài khoản tạm giữ của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Kho bạc nhà nước”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
4. Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường để hoàn trả ngân sách nhà nước.
|
|
|
|
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
Hải Dương - Sở Tư pháp
|
Đề nghị bổ sung thêm quy định về nghĩa vụ của người có đất bị thu hồi khi để xảy ra trường hợp bồi thường chậm do lỗi của người có đất bị thu hồi. Thực tế có rất nhiều trường hợp người có đất cố ý không nhận bồi thường mà không có lý do chính đáng, dẫn đến việc bồi thường bị chậm trễ.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại Dự thảo đã quy định trách nhiệm của người có đất thu hồi trong việc nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tại khoản 3 Điều này của Dự thảo đã quy định trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước. Do đó, trường hợp người thu hồi đất không bàn giao mặt bằng cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì sẽ bị cường chế thu hồi đất theo quy định.
|
|
Hải Dương – Ban QLDA, Ninh Bình
|
1. Khoản 1: Đề nghị cả dự án nhóm B. Lý do: nhiều dự án có khối lượng GPMB lớn, phức tạp về tái định cư, di dời công trình hạ tầng thì cần thiết phải tổ chức GPMB trước.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên như Dự thảo để thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư công.
|
Bắc Giang
|
Đề nghị bổ sung “nhóm B” và chỉnh sửa lại thành “Trường hợp cần thiết, việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A, B do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Việc quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đồng thời với phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.”
|
UBND tỉnh Hòa Bình, HĐND và Tỉnh ủy Phú Thọ, HĐND tỉnh Long An
|
- Đây là nội dung mới, các thủ tục về tách dự án, bố trí kinh phí,…, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên đề nghị bổ sung thêm một khoản giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Về thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện theo pháp luật về đầu tư.
|
Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Điện Biên
|
Đề nghị thống nhất cụm từ tiểu dự án riêng và dự án riêng trong phần tiêu đề và nội dung quy định chi tiết. Đồng thời, Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, thống nhất nội dung tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương; bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này để cụ thể hóa và thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.
|
Chương VIII
PHÁT TRIỂN QUỸ ĐẤT
NỘI DUNG DỰ THẢO
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3. Đất đưa vào để tạo quỹ đất bao gồm:
|
|
|
|
d) Đất do Nhà nước quản lý nhưng chưa đưa vào sử dụng;
|
Bộ Nông nghiệp và PTNT Tỉnh ủy Thái Bình, Sở TNMT tỉnh Thái Bình
|
Tại điểm đ khoản 3, đề nghị xem xét các dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngoài đầu tư công, sử dụng vốn hỗn hợp; dự án lấn biển theo phương thức đối tác công - tư… để có cơ sở pháp lý trong triển khai thực hiện
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì đây là quy định nguồn đất để tạo quỹ đất của nhà nước phục vụ các dự án đầu tư, nếu sử dụng nguồn vốn từ ngoài ngân sách Nhà nước thì sau khi tạo quỹ đất xong phải xử lý việc thanh toán cho nguồn vốn từ ngoài ngân sách Nhà nước (bằng đất, bằng tiền…) dẫn đến phát sinh các thủ tục hành chính, có thể dẫn đến không bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc tạo lập quỹ đất.
|
e) Đất thu hồi của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp do sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; do sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường.
|
Bộ Tài chính
|
Đề phù hợp với các quy định về xử lý tài sản công tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đề nghị sửa đổi điểm e khoản 3 như sau: “Đất thu hồi, chuyển giao của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp do sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà không xử lý theo hình thức giao, điều chuyển; do sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
1. Tổ chức phát triển quỹ đất là chủ đầu tư các dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, gồm:
|
Ninh Bình
|
Tại khoản 1, Bổ sung dự án thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất là chủ đầu tư các dự án thu hồi để tạo quỹ đất trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì theo quy định tại Điều về Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và Điều về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của dự thảo Luật Đất đai không quy định nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đấu giá quyền sử dụng đất.
|
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất và giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện.
|
tỉnh Hà Tĩnh
|
Tại khoản 3, đề nghị xem xét lại theo hướng gắn với việc phân cấp theo thẩm quyền thu hồi đất giữa cấp tỉnh và cấp huyện. Tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính trong việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt dự án thu hồi đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: sửa đổi, bổ sung khoản 3 theo hướng “3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất và giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện”
|
|
Đồng Tháp
|
Tại khoản 3 Điều 102 dự thảo Luật về dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất
“3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất và giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện”.
Kiến nghị điều chỉnh thành: “3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất và giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện”.
Theo khoản 1 Điều 105 dự thảo Luật quy định Tổ chức phát triển quỹ đất trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, do đó đối với các dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất thì thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là phù hợp, không nên phân cấp.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: sửa đổi, bổ sung theo hướng “3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất và giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện”.
|
|
Bộ Tài chính
|
Điều này quy định nhiều nội dung không phù hợp với các quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội (ứng vốn để thực hiện các nhiệm vụ của ngân sách nhà nước, có nguồn thu trùng với nguồn thu của ngân sách nhà nước), Nghị quyết sô Nghị quyết 792/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (yêu cầu rà soát sát nhập các quỹ); vì vậy, Đề nghị nghiên cứu, đánh giá cụ thể về sự cần thiết, địa vị pháp lý của Quỹ phát triển đất, đảm bảo theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản liên quan, qua đó bỏ các quy định về nguồn thu (ví dụ: 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương), nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước cho phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan khác thuộc chức năng của Bộ Tài chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất (tại Văn bản số 347/TTg-CN ngày 15 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ). Do vậy, nội dung quy định về Quỹ phát triển đất của dự thảo Luật Đất đai sẽ thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản liên quan sau khi được sửa đổi, bổ sung.
|
Sở TNMT Hưng Yên:
|
Đề nghị sửa quy định phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Quỹ phát triển đất theo Luật Đất đai năm 2013.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Quỹ phát triển đất để thực hiện dự án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 102 của Luật này; định giá đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quỹ đất sau tạo lập; ứng vốn cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án khác.
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Khoản 1: Đề nghị bỏ nội dung: Định giá đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quỹ đất sau khi tạo lập. Lý do: Trùng với chức năng nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bộ Tài chính
|
Quy định không phù hợp với các quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 23/2021/QDD ngày 18/7/2021 của Quốc hội (ứng vốn để thực hiện các nhiệm vụ của ngân sách nhà nước, có nguồn thu trùng với nguồn thu của ngân sách nhà nước), nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 của UBTVQH (yêu cầu rà soát sáp nhập các quỹ), vì vậy, đề nghị nghiên cứu, đánh giá cụ thể về sự cần thiết, địa vị pháp lý của Quỹ phát triển đất, đảm bảo theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, nghị quyết của quốc hội và các văn bản liên quan, qua đó bỏ các quy định về nguồn thu (ví dụ: 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương), nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước cho phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bắc Giang
|
Đề nghị bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật“ và chỉnh sửa nội dung khoản 1 thành: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Quỹ phát triển đất theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 102 của Luật này; định giá đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quỹ đất sau tạo lập; ứng vốn cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án khác.”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất.
|
Bắc Giang
|
Đề nghị hạ tỷ lên xuống thành “phân bố tối thiểu xuống 5%” vì nếu để mức trích hàng năm là 10% thì quỹ sẽ rất lớn, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều và chỉnh sửa nội dung khoản 2 thành: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 5% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất.”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì việc trích nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất là để thực hiện đàu tư, giải phóng mặt bằng các dự án trong đó có cả các dự án cơ sở hạ tầng của địa phương.
|
Đắk Nông – Tỉnh ủy
|
Khoản 2: Đề nghị nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định “Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nưcos và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ điều kiện sau: Được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước” và Báo cáo số 463/BC-ĐGS ngày 22/10/2019 của Đoàn giám sát UBTVQH về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Do vậy, nội dung quy định về Quỹ phát triển đất của dự thảo Luật Đất đai sẽ thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản liên quan sau khi được sửa đổi, bổ sung.
|
|
|
|
|
1. Quỹ đất theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Luật này do Tổ chức phát triển quỹ đất quản lý. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có tránh nhiệm phối hợp với Tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, bảo vệ, chống lấn, chiếm đất.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bổ sung thêm trường hợp tài sản là nhà, đất chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý nhưng chưa giao, điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đã tiếp thu vào dự thảo Luật.
|
2.Đất thuộc quỹ đất được giao, cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
|
|
|
|
3. Quỹ đất chưa giao, cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư thì Tổ chức phát triển quỹ đất được cho các tổ chức, cá nhân thuê ngắn hạn để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
|
Bộ Tài chính, tỉnh Bạc Liêu
|
- Đề nghị quy định chặt chẽ hơn đối với khoản 3 để đảm bảo việc cho thuê khai thác, sử dụng chỉ là ngắn hạn, trong thời gian Nhà nước chưa thực hiện giao đất, cho thuê đất như dự thảo; tránh trường hợp cho thuê lâu dài dẫn đến tình trạng lấn, chiếm đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp: Sửa đổi, bổ sung khoản 3 theo hướng “3. Quỹ đất chưa giao, cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư thì Tổ chức phát triển quỹ đất được cho các tổ chức, cá nhân thuê ngắn hạn không phải đấu giá quyền sử dụng đất để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định thời gian cho thuê đất, việc quản lý sử dụng và cho thuê đất
|
|
|
|
|
1. Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thành lập theo quy định của pháp luật.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bỏ quy định Tồ chức phát triển quỹ đất là doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chỉ nên quy định là đơn vị sự nghiệp như Luật cũ; quy định Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công được thành lập. Cơ chế tài chính (trong đó có kinh phí hoạt động) của Tồ chức phát triển quỹ đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Quy định về kinh phí hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất phải phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Việc quy định Tổ chức phát triển quỹ đất là doanh nghiệp công ích là một nội dung lớn, phức tạp, cần được cân nhẳc kỹ. Theo Bộ Tài chính cần thực hiện thí điểm ở một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để có đánh giá cho phù hợp trước khi quy định để áp dụng chung trong cả nước.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đặt ra nhiệm vụ, giải pháp “Hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” cho nên dự thảo Luật Đất đai đề xuất 02 mô hình Tổ chức phát triển quỹ đất để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định lựa chọn mô hình cho phù hợp.
|
|
HĐND Tuyên Quang
|
Tại khoản1 và khoản 2, đề nghị giữ nguyên Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc cấp huyện theo mục 5, phần III, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiêu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Lý do: Nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng chủ yếu liên quan trực tiếp đến người dân là người sử dụng đất, là nhiệm vụ khó khăn phức tạp cần có sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo điều hành, trực tiếp đối thoại của các cơ quan chuyên môn về tuyên truyền, vận động của các tổ chức xã hội.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì để tinh gọn bộ máy Tổ chức phát triển quỹ đất tại các địa phương, đồng thời Tổ chức phát triển quỹ đất ngoài nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất còn phải thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tạo lập, quản lý khai thác quỹ đất theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Khi thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằn thì Ủy bân nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với Tổ chức phát triển quỹ đất để cùng thực hiện nhiệm vụ.
|
|
Tỉnh ủy Nam Định
|
+ Tại Khoản 1, Đề nghị bổ sung và biên tập lại như sau: “Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và được thành lập theo quy định của pháp luật...”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu để sửa đổi, bổ sung theo hướng “1. Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và được thành lập theo quy định của pháp luật.”
|
|
HĐND Hà Nội -, Ninh Bình
|
Thống nhất với nội dung PA1 về Quy định cho phép UBND tỉnh được lựa chọn thành lập tổ chức phát triển quỹ đất phù hợp với thực tế tại địa phương trên cơ sở các mô hình sau:
- Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc UBND tỉnh;
- Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc UBND cấp tỉnh;
- Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc UBND cấp huyện quản lý.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Hiện tại dự thảo Luật đang quy định mô hình của Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Để tinh gọn bộ máy Tổ chức phát triển quỹ đất tại các địa phương, đồng thời Tổ chức phát triển quỹ đất ngoài nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất còn phải thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tạo lập, quản lý khai thác quỹ đất theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương thì việc thành lập thêm mô hình đơn vị sự nghiệp công trực thuộc UBND cấp huyện quản lý là không cần thiết.
Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xem xét quy định Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thành lập các chi nhánh tại cấp huyện để bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ được thống nhất, hiệu quả. Đồng thời quy định trách nhiệm của Ủy bân nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc phối hợp với Tổ chức phát triển quỹ đất để thực hiện nhiệm vụ.
|
2. Tổ chức phát triển quỹ đất có chức năng thực hiện các dự án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 102 của Luật này; thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho các dự án khác; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; quản lý, khai thác quỹ đất và các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
|
Thanh Hóa – HĐND
|
Khoản 2: Đề nghị xem xét sửa đổi như sau: “2. Tổ chức phát triển quỹ đất có chức năng thực hiện các dự án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 102 của Luật này; là chủ đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, dự án phát triển quỹ đất, dự án tái định cư; thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho các dự án khác; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; quản lý, khai thác quỹ đất và các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, dự án phát triển quỹ đất, dự án tái định cư; đấu thầu dự án có sử dụng đất để UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định cụ thể cho phù hợp.
|
UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Theo Điều 15 Luật đấu giá tài sản 2016 thì cán bộ, viên chức của Trung tâm Phát triển quỹ đất không thuộc trường hợp được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá. Điều này đã gây trở ngại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất không thực hiện được dịch vụ đấu giá quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến nguồn thu sự nghiệp của đơn vị từ hoạt động dịch vụ đấu giá quỹ đất theo quy định nói trên. Đề nghị thực hiện điều chỉnh Luật đấu giá tài sản để đồng bộ với dự thảo Luật đất đai nói trên theo hướng bổ sung cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá cho cán bộ viên chức Trung tâm Phát triển quỹ đất khi có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức phát triển quỹ đất không thực hiện chức năng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc cán bộ, viên chức được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản, nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất là tạo quỹ đất và tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Trong quá trình tổ chức thực hiện đấu giá có thể thuê đơn vị, tổ chức có chức năng đấu giá để thực hiện các phiến đấu giá theo quy định.
|
4. Chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tạo quỹ đất; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; định giá đất; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; quản lý quỹ đất sau tạo lập được khấu trừ vào tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất trước khi nộp vào ngân sách.
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề xuất bỏ cụm từ “định giá đất” và sửa thành “chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tạo quỹ đất; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đât; quản lý quỹ đất sau tạo tập do ngân sách cấp”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì chi phí “định giá đất” là một phần của chi phí tạo lập, khai thác quỹ. Nội dung dự thảo Luật là quy định về việc hoàn trả ngân sách nhà nước tiền thu được từ việc tạo lập, khai thác quỹ đất, không phải quy định về nguồn vốn để thực hiện.
|
5. Kinh phí hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất quy định tại khoản 3 Điều này và chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại khoản 4 Điều này được sử dụng từ Quỹ phát triển đất.
|
Tỉnh ủy Nam Định,
Hậu Giang, HĐND tỉnh Thanh Hóa, STNMT Hưng Yên
|
Đề nghị quy định cho phù hợp do: thứ nhất, kinh phí hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn vốn ứng từ Quỹ phát triển đất, vay từ các tổ chức tín dụng hoặc liên doanh liên kết và các nguồn khác theo quy định tại khoản 4 Điều này do ngân sách Nhà nước cấp hoặc giao hàng năm cho Tổ chức phát triển quỹ đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì kinh phí hoạt động phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật liên quan đến mô hình của Tổ chức phát triển quỹ đất được quy định tại khoản 3 Điều này. Đối với kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được sử dụng từ Quỹ phát triển đất và hàng năm UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất và Chính phủ sẽ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng các khoản kinh phí này cho phù hợp.
|
|
Bộ Tài chính
|
- Đề nghị bổ sung làm rõ về tổ chức, mô hình hoạt động, nguồn thu, chi và khả năng độc lập về tài chính cùa tổ chức này.
- Đề nghị quy định theo hướng: Ngân hàng đất nông nghiệp thực hiện nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì nội dung này sẽ được xem xét hướng dẫn tại Nghị định của Chính phủ.
|
|
Hậu Giang
|
Đề nghị xem xét việc sự cần thiết thành lập Ngân hàng đất nông nghiệp (doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập) và có phải thành lập chi nhánh ở các tỉnh, thành phố không.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì việc thành lập Ngân hành là thực hiện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.
|
1. Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bổ sung tổ chức, mô hình hoạt động, nguồn thu, chi và khả năng độc lập về tài chính của tổ chức này (vì nếu là tổ chức được thành lập theo pháp luật về doanh nghiệp nhưng không đề xuất ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ mà kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp.)
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì nội dung này sẽ được xem xét hướng dẫn tại Nghị định của Chính phủ.
|
|
Bộ Nông nghiệp và PTNT
|
Đây là quy định mới tại Dự thảo Luật. Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp. Đề nghị làm rõ có cần quy định về điều kiện thành lập ngân hàng đất nông nghiệp không? Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp. Mối quan hệ, chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng đất nông nghiệp với
các cơ quan quản lý, sử dụng đất, đất nông nghiệp. Việc quản lý ngân hàng đất nông nghiệp như thế nào? Chính phủ thành lập nhưng cơ quan nào giúp Chính phủ quản lý? giải pháp tận dụng nguồn lực hiện có? Đề nghị nghiên cứu quy định rõ các nội dung trên.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì nội dung này sẽ được xem xét hướng dẫn tại Nghị định của Chính phủ.
|
2. Ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.
|
Hải Dương – Ban QLDA, Ninh Bình
|
Khoản 2: Giao chức năng này cho Tổ chức phát triển quỹ đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì việc thành lập Ngân hành là thực hiện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.
|
3. Hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.
|
Bộ Tài chính
|
Tại khoản 3 quy định: «Hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước» Tuy nhiên, pháp luật về thuế, phí và lệ phí không quy định cụ thể về miễn thuế đối với ngân hàng đất nông nghiệp.
Trường hợp cần có chính sách ưu đãi thuế đối với ngân hàng đất nông nghiệp, đề nghị nêu rõ về sự cần thiết, địa vị pháp lý, hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp để Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung ưu đãi thế, đề nghị không quy định các nội dung về thuế tại các văn bản chuyên ngành khác để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật (theo đúng quy định tại điểm 1b mục 1 Điều 1 Quyết định số 508/QĐ-TTG ngày 23/4/2022 của TTg về phê duyệt chiến lược cải cách hệ thống thuế năm 2030).
Trường hợp cần thiết phải quy định về nghĩa vụ tài chính của ngân hàng đất nông nghiệp thì đề nghị quy định theo hướng: ngân hàng đất nông nghiệp thực hiện nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan theo quy định của pháp luật
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì nội dung này sẽ được xem xét hướng dẫn tại Nghị định của Chính phủ.
|
5. Chính phủ quy định chi tiết điều này.
|
Đắk Nông – Tỉnh ủy
|
Tại Điều 106 dự thảo Luật có bổ sung quy định Ngân hàng đất nông nghiệp hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, tuy nhiên dự thảo Tờ trình chưa thuyết minh sự cần thiết thành lập Ngân hàng đất nông nghiệp và sự phù hợp với Luật Tổ chức tín dụng năm 2010. Do đó, đề nghị làm rõ sự cần thiết bổ sung Điều này và tránh chồng chéo với một số Quỹ tài chính có nhiệm vụ tương tự.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên nội dung dự thảo vì việc thành lập Ngân hành là thực hiện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.
|
Chương IX
ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT
NỘI DUNG DỰ THẢO
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Hồ sơ địa chính được sử dụng để:
|
Sở Tư Pháp Hải Dương
|
Điều 107. Hồ sơ địa chính
Tại khoản 2 đề nghị bổ sung trường hợp hồ sơ địa chính được sử dụng để
“Làm căn cứ giải quyết tranh chấp đất đai theo yêu cầu của Tòa án nhân dân có thẩm quyền” cho phù hợp với thực tiễn cũng như quy định tại Điều 227 dự thảo về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
Về vấn đề này, tại Điều về hồ sơ địa chính của dự thảo đã quy định hồ sơ địa chính “hỗ trợ các ngành, các cấp chỉ đạo điều hành, xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng” nên đã bao hàm cơ quan tài phán.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3. Cơ quan đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện việc lập, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính và cung cấp bản sao hồ sơ địa chính cho Ủy ban nhân dân cấp xã để sử dụng, cung cấp thông tin từ hồ sơ địa chính theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
|
Bộ Văn hóa thể thao và du lịch
|
Tại dự thảo Luật có đề cập đến “Cơ quan đăng ký đất đai” (khoản 3 Điều 109). Cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này hoặc quy định rõ tên các cơ quan này (ví dụ: Ủy ban nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường…), bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, tạo sự rõ ràng, cụ thể trong các quy định, từ đó tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đến đúng nơi cần thực hiện các thủ tục hành chính.
|
Tại Điều về Cơ quan quản lý đất đai và công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn của dự thảo Luật đã quy định tổ chức dịch vụ công được hoạt động và thành lập theo quy định của Chính phủ, do đó việc xác định tên của cơ quan thực hiện chức năng đăng ký đất đai sẽ được rà soát, quy định cụ thể tại Nghị định của Chính phủ bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a) Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
|
|
|
|
b) Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng; chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp phải xin phép;
|
Sở TNMT Ninh Thuận
|
Tại điểm đ khoản 1 Điều 112 đề nghị sửa thành “đ) Chuyển mục đích sử dụng đất”.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
Ngân hàng ACB
|
Kiến nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung vào Điều 112 Dự thảo cho tổ chức tín dụng được lựa chọn bất kỳ Văn phòng đăng ký đất đai nào để đăng ký thế chấp mà không bị giới hạn bởi Văn phòng đăng ký đất đai nơi có bất động sản đó tọa lạc trên cơ sở sự liên thông hệ thống quản lý đất đai.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
- Về hình thức nộp hồ sơ, dự thảo Luật đã quy định người sử dụng đất được lựa chọn hình thức nộp trực tiếp hoặc trực tuyến (Điều về thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của dự thảo Luật);
- Về xử lý hồ sơ không bị giới hạn nơi có bất động sản toạ lạc đã được quy định theo nguyên tắc tại Điều về nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; Điều về công khai thủ tục hành chính về đất đai và Điều về thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, Chính phủ, Bộ ngành và Ủy ban nhân dân các cấp quy định việc phối hợp để giải quyết thủ tục hành chính về đất đai và các thủ tục hành chính khác có liên quan trên môi trường điện tử.
|
1. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
|
|
|
|
b) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người quản lý đất được phép đổi tên;
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề nghị bổ sung thêm trường hợp biến động do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận;
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
d) Đăng ký tài sản gắn liền với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận; đăng ký thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề nghị bổ sung thêm trường hợp biến động do tài sản đã đăng ký chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận bị tiêu hủy, phá dỡ thì phải thực hiện đăng ký biến động do việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản không còn hiệu lực pháp lý theo dự thảo quy định tại Điều 122.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
Tại Điều về cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất của dự thảo Luật đã quy định tài sản sau khi chứng nhận quyền sở hữu mà bị phá dỡ, tiêu hủy thì việc chứng nhận này không còn hiệu lực pháp lý. Quy định này làm giảm bớt thủ tục hành chính cho chủ sở hữu tài sản và để đồng bộ với quy định tại Điều 242 của Luật Dân sự.
|
đ) Chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp không phải xin phép;
|
Sở TNMT Ninh Thuận
|
Tại điểm đ khoản 1 đề nghị sửa thành “đ) Chuyển mục đích sử dụng đất”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
Việc chuyển mục đích trong dự thảo Luật hiện chia thành 2 trường hợp “không phải xin phép” và “phải xin phép”, đối với trường hợp “phải xin phép” sẽ gắn với thẩm quyền của Ủy ban nhân dân nên được thực hiện theo thủ tục riêng; trường hợp “không phải xin phép” là quyền của người sử dụng đất nên cần quy định riêng với thủ tục đơn giản để tạo thuận lợi cho người sử dụng đất cũng như cơ quan đăng ký đất đai.
|
Điều 113. Giấy tờ làm căn cứ công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất
|
|
|
|
7. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
|
Tỉnh uỷ Sơn La, UBND tỉnh Sơn La
|
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, cân nhắc không giao nội dung trên thuộc thẩm quyền UBND tỉnh quy định.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã kế thừa các giấy tờ về quyền sử dụng đất làm căn cứ để thực hiện việc công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất. Đồng thời, việc sử dụng đất trải qua nhiều thời kỳ, việc triển khai thực hiện quy định tại mỗi địa phương có sự khác nhau dẫn đến giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 cũng có sự khác nhau giữa các địa phương, vùng miền. Vì vậy, ngoài các giấy tờ được quy định tại Điều về giấy tờ làm căn cứ công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất thì dự thảo Luật giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể để tạo tính chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương, đảm bảo quyền của người đang sử dụng đất.
|
UBND tỉnh Phú Thọ
|
- Tại Khoản 7 Điều 113. Đề nghị sửa cụm từ “do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định” thành “theo quy định của Chính phủ” để thực hiện đồng bộ.
|
Đồng Tháp:
|
Không đồng ý phương án để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xác định thêm các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 để làm căn cứ công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
|
|
Ngân hàng ACB
|
Đề xuất bổ sung vào Điều 113 của Dự thảo (bổ sung thêm Khoản 8): Quy định rõ người sử dụng đất có Giấy bàn giao đất của UBND cấp xã trước thời điểm 15/10/1993, có xác nhận của UBND cấp xã đã nộp tiền sử dụng đất thì được cấp GCNQSDĐ mà không phải tiếp tục nộp tiền sử dụng đất.
|
|
|
|
|
5. Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là chùa, đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 4 Điều 147 của Luật này và đất đó không có tranh chấp, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được công nhận quyền sử dụng đất.
|
Trường ĐHTNMT Hà Nội
|
Đề nghị thay thành “Cộng động dân cư đang sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng; ...”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
Việc sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng có đặc thù riêng nên cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì phải gắn với công trình thì mới được công nhận là đất tôn giáo, tín ngưỡng
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Tổ chức đang sử dụng đất được công nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất sử dụng đúng mục đích.
|
Tỉnh uỷ Sơn La, UBND tỉnh Sơn La:
|
Tại khoản 1 dự thảo có nêu: "1. Tổ chức đang sử dụng đất được công nhận quyền sử dụng đất đổi với phần diện tích sử dụng đứng mục đích" quy định trên khó áp dụng. Thực tế thực hiện theo quy định tại Điều 102 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 25 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định tổ chức đang sử dụng được cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích sử dụng đúng muc đích, tuy nhiên, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ quy định thời điểm bắt đầu sử dụng đất để được cấp Giấy chứng nhận đối với gia đình, cá nhân; đối với việc sử dụng đất của tổ chức chưa có hướng dẫn cụ thể về thời điểm bắt đầu sử dụng để đươc cấp Giấy chứng nhận và thành phần hồ sơ, mẫu biểu có liên quan. Hiện nay, trên địa bàn tình Sơn La có nhiều trường họp tổ chức sử dụng đất đã sử dụng ổn định, xây dựng công trình trên đất (như trường học và các đơn vị sự nghiệp công lập, có cả tổ chức kinh tể), tuy nhiên không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (do các giấy tờ trên chủyếu quy định cho 'đổi tượng sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhăn), dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính khi người sử dụng đất có yêu cầu cấp Giấy chứng nhận. Do đó, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết nội dung trên, trong đó cần làm rõ thời điểm được công nhận quyền sử dụng 'đất, thành phần hồ sơ và trình tự thủ tục công nhận
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại Điều về công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. Do đó, nội dung đề xuất phù hợp với dự thảo Luật đã quy định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định cụ thể về nội dung trên.
|
|
|
|
|
1. Diện tích đất có vườn, ao của hộ gia đình, cá nhân được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất đang có nhà ở.
|
HĐND tỉnh Tuyên Quang
|
Đề nghị xem xét chỉ áp dụng khoản 1, khoản 6 để công nhận diện tích đất ở để đảm bảo công bằng đối với người sử dụng đất ở cùng thời điểm, trên một khu đất nhưng không có giấy tờ quy định tại Điều 113 Luật Đất đai
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật Đất đai đã quy định rõ thời điểm thửa đất ở có vườn, ao được hình thành (trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004) và có giấy tờ hay không có giấy tờ theo quy định tại Điều về giấy tờ làm căn cứ công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất của Luật Đất đai.
Căn cứ thời điểm hình thành thửa đất có vườn ao, giấy tờ quy định tại Điều về Giấy tờ làm căn cứ công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp GCN và thu nghĩa vụ tài chính đối với người sử dụng đất. Việc đề xuất như HĐND tỉnh Tuyên Quang là không công bằng đối với người sử dụng đất tại các thời điểm khác nhau và trường hợp có giấy tờ hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
|
4. Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 113 của Luật này mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định như sau:
|
|
|
|
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện, tập quán tại địa phương quy định hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình phù hợp với tập quán ở địa phương theo số lượng nhân khẩu trong hộ gia đình;
|
Tỉnh uỷ Sơn La, UBND tỉnh Sơn La:
|
Theo Luật Cư trú năm 2020 không quy định số lượng nhân khẩu được đãng ký thường trú hoặc tạm trú trong một hộ gia đình. Do đó, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối họp với Bộ Công án xem xét để thống nhất quy định dẫn chiếu về nhân khẩu trong dự thảo Luật Đất đai.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Theo quy định tại Điều về giải thích từ ngữ của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã quy định cụ thể hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Như vậy căn cứ vào quy định trên là cơ sở để xác định số lượng nhân khẩu là những người có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình để thực hiện việc xác định hạn mức công nhận đất ở cho hộ gia đình.
|
7. Hạn mức công nhận quyền sử dụng đất đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
|
STNMT Ninh Bình
|
Chính phủ quy định Hạn mức công nhận quyền sử dụng đất đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân. Vì hạn mức sử dụng đất của loại đất này phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, không phụ thuộc và đặc thù, phong tục của từng địa phương nên trên địa bàn cả nước nên thống nhất theo một chinh sách, tránh tốn kém, phức tạp trong việc xây dựng các văn bản pháp luật tại các địa phương
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc giao UBND cấp tỉnh quy định hạn mức công nhận quyền sử dụng đất đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân nhằm phù hợp với thực tiễn quỹ đất của địa phương, phù hợp với đặc thù phát triển kinh tế của địa phương. Quy định như dự thảo để tạo tính chủ động của địa phương, nhằm thể chế Nghị quyết số 18/NQ-TW “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai”.
|
|
|
|
|
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, tổ chức tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị làm rõ hình thức công nhận quyền sử dụng đất.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị xem xét, phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức theo quy mô diện tích, các tổ chức sử dụng đất do cấp huyện quản lý.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định UBND cấp tỉnh công nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức để đảm bảo thống nhất với thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo Điều về chuyển mục đích sử dụng đất.
|
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
|
STNMT Ninh Bình
|
Cần giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục công nhận quyền sử dụng đất
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung tại Điều này quy định về thẩm quyền thực hiện việc công nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất. Việc quy định công nhận quyền sử dụng đất được quy định cụ thể tại các điều Điều về công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất; Điều về công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và Điều về công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Đối với trình tự, thủ tục công nhận quyền sử dụng đất, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tham mưu Chính phủ để ban hành Nghị định quy định chi tiết.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TNMT tỉnh Hậu Giang
|
Tại Điều 120 (dự thảo) quy định về nguyên tắc, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đề nghị tách thành 02 điều và quy định cụ thể về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Điều này đã quy định cụ thể thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Quy định như dự thảo đã đảm bảo rõ thẩm quyền nên đề nghị giữ như Dự thảo
|
5. Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một Giấy chứng nhận ghi tên đại diện hộ gia đình trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện hộ gia đình. Trường hợp các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một Giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên Giấy chứng nhận do các thành viên này tự thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
|
STNMT Nam Định, Tỉnh ủy Nam Định
|
Đề nghị sửa đổi, điều chỉnh nội dung khoản 5 của Điều này để phù hợp với nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp nhiều người có chung quyền sử dụng (khoản 2) và trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng (khoản 4). Cụ thể như sau: “Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và trao một Giấy chứng nhận cho người đại diện hộ gia đình. Trường hợp thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp Giấy chứng nhận cho người có nhu cầu. Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên Giấy chứng nhận do các thành viên này tự thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.”
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Hưng yên
|
Đề nghị quy định bổ sung việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất đối với Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 01/7/2004 cấp cho hộ gia đình khi thực hiện chuyển quyền hoặc cấp đổi.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại Điều về giải thích từ ngữ đã giải thích hộ gia đình sử dụng đất, trong đó nêu rõ thành viên của hộ có chung quyền sử dụng đất của hộ. Đồng thời tại khoản này đã quy định rõ việc xác định thành viên có chung quyền sử dụng đất do các thành viên này tự thỏa thuận, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự.
|
6. Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 113 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bỏ từ “không” và sửa đổi nội dung cuối của gạch đầu dòng thứ nhất khoản 6 như sau: “Người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất đối với phán diện tích chênh lệch nhiều hơn nêu có. ”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung khoản 6 này được chuyển từ khoản 5 Điều 98 của Luật Đất đai 2013 và đang thực hiện ổn định. Đồng thời tại Điều quy định về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận đã quy định hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều về giấy tờ về quyền sử dụng đất của Luật này thì được công nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Trong quá trình thực hiện cấp Giấy chứng nhận qua các thời kỳ được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó có phương thức có độ chính xác thấp như thực hiện qua kê khai, đo đạc thủ công, đo đạc bằng các thiết bị có độ chính xác thấp trong khi ranh giới sử dụng đất không thay đổi và nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch trên chủ yếu là thiếu sót trong quá trình xét duyệt của các cơ quan Nhà nước. Đồng thời nhiều trường hợp đã thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất hoặc Nhà nước đã thực hiện thu hồi đất. Vì vậy việc thu nghĩa vụ tài chính sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng, gây bất ổn xã hội.
|
Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận đã cấp và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận đã cấp thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét công nhận quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật này.
|
|
|
|
7. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận do Cơ quan đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của Chính phủ.
|
UBND tỉnh Hà Giang:
|
Tại Khoản 7 Điều 120: Đe nghị trao thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (cấp, cấp đổi, cấp lại) cho ƯBND cấp huyện.
Vì ƯBND cấp huyện trực tiếp quản lý nhà nước về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, đặc biệt vấn đề hòa giải, giải quyết tranh chấp đât đai... nên khi được trao thẩm quyền này thì sẽ nâng cao được trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đia trên địa bàn, thuận lợi trọng việc phối kết họp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn giữa cơ quan đăng ký đất đai với ƯBND cấp huyện.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại dự thảo Dự thảo Luật đã quy định tách bạch thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất (do cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có UBND cấp huyện thực hiện) và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận do cơ quan đăng ký đất đai thực hiện nên đã nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước như đề xuất của tỉnh.
|
STNMT tỉnh Ninh Bình:
|
+ Khoản 2: Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận do cơ quan đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của Chính phủ là không phù hợp vì cơ quan đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp nên giữ nguyên thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận như Điều 37 Nghị định số 43 (sửa đổi tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP).
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quy định tại Điều 37 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP hiện hành (sửa đổi tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP) là cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, hiện đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký đất đai nếu được ủy quyền.
Để tiếp tục thể chế nội dung Nghị quyết 18/NQ-TW về phân cấp, phân quyền thì quy định như dự thảo là phù hợp. Quy định này là cải cách, giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho tổ chức, cá nhân.
|
|
|
|
|
1. Đất dự phòng và đất thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
|
UBND tỉnh Phú Thọ,
Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Sở TNMT tỉnh Hậu Giang, Bến Tre
|
- Tại khoản 1 Điều 121: Quy định các trường hợp không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm: “1. Đất dự phòng và đất thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.”. Đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ đối với cụm từ “đất dự phòng”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
4. Đất đã được đăng ký vào sổ địa chính nhưng đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 03 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị tại khoản 4 quy định rõ hơn trường hợp quá 03 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận thì được xử lý như thế nào? Sẽ vẫn cấp giấy chứng nhận hay quyết định thu hồi hết hiệu lực. Vì theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất nếu đất thuê của Nhà nước hoặc đang sử dụng thuộc đối tượng cho thuê đất sử dụng mà không có quyết định thu hồi thì vẫn phải nộp tiền thuê đất cho đến khi quyết định thu hồi đó có hiệu lực.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo đã quy định rõ đất đã đăng ký vào sổ địa chính nhưng đã có quyết định thu hồi đất thì không cấp giấy chứng nhận, đất đã đăng ký vào sổ địa chính nhưng đã có quyết định thu hồi đất và đã quá 03 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện thu hồi đất thì không thuộc trường hợp không cấp giấy chứng nhận mà được xem xét cấp giấy chứng nhận theo các điều khoản khác của luật.
Quy định này để đảm bảo thống nhất với nội dung quy định tại Chương Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dự thảo Luật
|
UBND tỉnh Đắc Nông:
|
Đề nghị đơn vị soạn thảo điều chỉnh cụm từ “Quyết định thu hồi đất” tại khoản 4 Điều 121 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thành “Thông báo hoặc Quyết định thu hồi đất” cho phù hợp.
“4. Đất đã được đăng ký vào sổ địa chính nhưng đã có Thông báo hoặc Quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 03 năm kể từ thời điểm có Thông báo hoặc Quyết định thu hồi đất mà không thực hiện”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc không cấp Giấy chứng nhận chỉ áp dụng đối với trường hợp đã có quyết định thu hồi đất; còn trường hợp mới có thông báo thu hồi đất thì vẫn thực hiện cấp Giấy chứng nhận để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:
|
|
|
|
d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.
|
UBND tỉnh Đắc Nông
|
Đề nghị xem xét lại quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 123 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không đúng diện tích đất
“d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp Luật Đất đai”.
Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận khi có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu trên Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất tại khoản 6 Điều 120 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng thuộc trường hợp cấp không đúng diện tích đất do vậy nếu đưa trường hợp này vào diện phải thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp thì nên sửa lại khoản 6 Điều 120 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho phù hợp.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật hoặc văn bản dưới Luật cho phù hợp.
|
3. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.
|
Tỉnh ủy Nam Định
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định,
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Tại khoản 3, Đề nghị sửa đổi, bổ sung và biên tập lại như sau:“Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quyết định sau khi cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý đất đai cùng cấp đã có văn bản kết luận giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai hoặc sau khi có văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc đề xuất thêm trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận sau khi cơ quan quản lý đất đai cùng cấp đã có văn bản kết luận giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai là không rõ ràng, dễ gây tùy tiện, do đó đề nghị giữ như dự thảo Luật
|
Tỉnh ủy Tiền Giang
|
Đề nghị xem xét việc cơ quan thu hồi giấy là cơ quan cấp giấy, quyết định thu hồi sau khi xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp không đúng quy định pháp luật về đất đai nhưng trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai (để thuận tiện trong quản lý, giải quyết thủ tục cho người dân).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và sẽ tiếp tục hoàn thiện trong các giai đoạn xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành.
|
|
UBND tỉnh Lai Châu:
|
- Đề nghị xem xét bỏ khoàn này và chỉnh sửa khoản 4 thành khoản 3.
- Lý do: Để giảm bớt thủ tục trong quá trình thu hồi Giấy chứng nhận.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo soạn thảo xin báo cáo như sau: Do Giấy chứng nhận là chứng thư pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Đây là cơ sở để người sử dụng đất thực hiện các quyền cũng như nghĩa vụ với Nhà nước. Quyền sử dụng đất là tài sản lớn của người dân, vì vậy việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật cần được các cơ quan thanh tra, cơ quan có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai tiến hành thanh tra, kiểm tra rà soát để khẳng định việc cấp GCN không đúng đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, qua đó có cơ sở để xem xét việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong quá trình cấp GCN cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người đang sử dụng đất.
|
|
Tỉnh uỷ Sơn La, UBND tỉnh Sơn La;
|
Đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 123 dự thảo thành: "3. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đổi với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan cỏ thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng ãẩt, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quyết định sau khỉ tự kiềm tra, rà soát hoặc sau khỉ đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.
Lý do: Bổ sung nội dung Luật hóa quy đỉnh tại điểm c khoản 4 Điều 87 Nghị đỉnh số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 (được bỗ sung tại khoản 26 Điều 1 Nghị định số148/2020/NĐ-Cp ngày 18/12/2020) của Chính phủ.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
STNMT Ninh Bình:
|
Đề nghị bổ sung quy định thẩm quyền cho cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất thu hồi Giấy chứng nhận trong trường hợp thanh tra, kiểm tra, rà soát phát hiện Giấy chứng nhận cấp không đúng quy định do lỗi người sử dụng đất cố ý kê khai sai lệch, kê khai gian dổi thông tin để được cấp Giấy chứng nhận, nay Giấy chứng nhận đã chuyển quyền.
Lý do: Hiện nay, trong công tác quản lý đất đai nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định, tuy nhiên, người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện chuyển quyền. Theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 thì việc thu hồi Giấy chứng nhận trên chỉ thực hiện sau khi có quyết định của cơ quan Tòa án. Tuy nhiên, việc xem xét khởi kiện hành chính tại cơ quan Tòa án khó thực hiện (người sử dụng đất không khởi kiện do ảnh hưởng đến quyền lợi, cơ quan Nhà nước ít khi tham gia khởi kiện vì liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, đơn vị to chức). Do đó, hiện nay, đối với các Giấy chứng nhận cơ quan Nhà nước phát hiện cấp không đúng quy định, tuy nhiên không thu hồi được do đã chuyển nhượng vẫn còn tồn tại và lưu hành.
Theo quy định tại khoản 4 điều 57 của Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định quyền, nghĩa vụ của người bị kiện là “Sửa đổi hoặc hủy hỏ quyết định hành chính,...”. Đồng thời tại điểm e khoản 1 Điều 143 của Luật tố tụng hành chính thì Tòa án đĩnh chỉ giải quyết vụ án khi người bị kiện huỷ bỏ quyết định hành chính. Với quy định này thì trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có quyền hủy bỏ Giây chứng nhận quyên sử dụng đât đã cập cho người sử dụng đất khi bị khởi kiện mâu thuẫn với quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 3 Điều 123 dự thảo.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau:
Cơ quan chủ trì soạn thảo đã thực hiện việc tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương trong việc Luật hóa các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp trái quy định của pháp luật mà người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện việc chuyển quyền theo quy định của pháp luật thì không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp nhằm đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người đã nhận chuyển nhượng và việc xử lý thiệt hại sẽ thực hiện theo quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
|
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
STNMT Ninh Bình:
|
Hiện nay trên địa bàn tỉnh và một số địa phương, đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp (đất vườn, ao) trong khu dân cư với thời hạn sử dụng đất lâu dài. Nếu áp dụng như khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 và dự thảo đang xây dựng thì việc thu hồi Giấy chứng nhận chỉ được thực hiện sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan có tham quyền giải quyết tranh chấp đất đai sẽ rất mất nhiều thời gian. Đe thuận tiện trong việc thực hiện TTHC, nên đưa trường hợp cấp không đúng thời hạn sử dụng đất vào khoản 1. Trường hợp đính chính Giấy chứng nhận đã cấp khi có sai sót....
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc cấp GCN đối với đất nông nghiệp (đất vườn, ao) trong trong khu dân cư với thời hạn sử dụng đất lâu dài cần được kiểm tra, rà soát hồ sơ cụ thể cũng như quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận. Trên cơ sở đó mới có thể khẳng định việc cấp GCN đất nông nghiệp (đất vườn, ao) trong trong khu dân cư với thời hạn sử dụng đất lâu dài là phù hợp hay không phù hợp với quy định của pháp luật để xem xét việc thực hiện đính chính hay thu hồi GCN. Mặt khác, đây là trường hợp cụ thể, tình huống cụ thể không nên quy định trong Luật.
|
Chương X
TÀI CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI, GIÁ ĐẤT
NỘI DUNG DỰ THẢO
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Các khoản thu tài chính từ đất đai bao gồm:
|
|
|
|
a) Tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất; khi sử dụng đất kết hợp quy định tại Điều 184 của Luật này;
|
Bộ Tài chính
|
đề nghị làm rõ khái niệm “sử dụng đất kết hợp”, “đất sử dụng đa mục đích” tại dự thảo và các khái niệm “đất sử dụng vào nhiều mục đích”, “đất hỗn hợp” cho phù hợp, tránh chong chéo. Đồng thời, đất ờ và đất sản xuất, kinh doanh có chế độ sử dụng và thời hạn khác nhau (đất ở thì thời hạn ổn định lâu dài, đất SXKD thì cho thuê có thời hạn), việc quy định xác định mục đích chính, mục đích phụ đối với công trình có sử dụng đất hỗn hợp trong thời gian qua cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc, bao gồm cả việc xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Đề nghị tông kết, đánh giá kỹ hơn về vấn đề này để quy định cụ thể tại dự thảo.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
|
UBND tỉnh Hòa Bình
|
Đề nghị bổ sung “Thu khác từ việc chuyển mục đích sử dụng đất”.
|
b) Tiền thuê đất khi được Nhà nước cho thuê;
|
|
|
|
c) Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm đối với các dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng;
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị sửa lại thành: “Tiền xử phạt tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm đối với các dự án chậm tiến độ không đưa đất vào sử dụng”
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
d) Tiền thu từ việc xử phạt vi phạm hành chính về đất đai;
|
|
|
|
đ) Tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai;
|
|
|
|
e) Thuế về sử dụng đất;
|
|
|
|
g) Thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất;
|
|
|
|
h) Phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai.
|
|
|
|
2. Các khoản thu tài chính từ đất đai là nguồn thu của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
|
|
|
|
3. Chính phủ quy định chi tiết các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này.
|
|
|
|
|
Bộ Tài chính
|
đề nghị bỏ Điều này vì Điều 124 dự thảo đã quy định các khoản thu tài chính từ đất dai, trong đó đã quy định các khoản thu vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí, lệ phí.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì đây là các khoản phí để duy trì hoạt động từ việc cung cấp dịch vụ công về đất đai cho người có nhu cầu sử dụng.
|
|
|
|
|
3. Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, kết quả trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất, quyết định công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất.
|
Bộ Tài chính
|
dự thảo cần có quy định để đảm bảo việc thu đúng, đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước trong các trường hợp này.
: bổ sung cụm từ “cho phép chuyển mục đích sử dụng đất” và dấu “,” vào khoản 3 và khoản 4.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo nhằm đảm bảo việc thu đúng, đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước trong các trường hợp; nội dung “cho phép chuyển mục đích sử dụng đất” đã được quy định tại điều về chuyển mục đích sử dụng đất.
|
UBND tỉnh Đắc Nông
|
Đề nghị sửa thành: “3. Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, kết quả trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất, quyết định công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất”.
4. Giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất,công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất,kết quả trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất,công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất,điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất.
Lý do đề nghị sửa đổi: Trong thực tế có cả trường hợp điều chỉnh Quyết định cho phép chuyển mục đích và giữa cụm từ “đấu thầu dự án có sử dụng đất” và cụm từ “công nhận quyền sử dụng đất” không có dấu phẩy để làm rõ ý nghĩa giữa hai cụm từ.
|
|
UBND Thừa Thiên Huế
|
Tại khoản 3 Điều 126 quy định: “Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, kết quả trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất, quyết định công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất.” Đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất đề nghị làm rõ thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Do tại quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu đã quy định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tuy nhiên đối với các dự án này hiện trạng khu đất chưa được giải phóng mặt bằng. Do đó, trường hợp này việc tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện ngay sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư được duyệt và không phụ thuộc vào thời
điểm ban hành quyết định giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, theo quy định của pháp luật đấu thầu hiện hành, thời điểm xác định giá đất là thời điểm cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Do đó, để đảm bảo việc thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) không gây mâu thuẫn với pháp luật khác, đề nghị điều chỉnh quy định pháp luật về đấu thầu để đồng bộ, thống nhất.
HĐND Thanh Hóa: Tại khoản này quy định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được ghi trong quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, kết quả trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất… Tuy nhiên, chưa quy định thời điểm cụ thể để xác định giá đất đối với trường hợp này, sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực hiện khi hồ sơ giao đất, cho thuê đất chưa được thẩm định và cơ quan có thẩm quyền quyết định, việc định giá ở các thời điểm sẽ khác nhau (trong khoảng thời gian 06 tháng) có thể dẫn đến các mức giá khác nhau.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì hiện nay, việc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu, trong đó nhà đầu tư trúng thầu đã phải nộp khoản tiền chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm, sau đó tại thời điểm giao đất nhà đầu tư lại phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo giá đất thị trường dẫn đến sự mâu thuẫn. Thời điểm xác định giá đất đã được quy định tại nội về giá đất và trình tự, thủ tục xác định giá đất được quy định cụ thể tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
|
|
Sở TNMT Yên Bái, HĐND Yên Bái
|
Tại khoản 4 có nêu: “4. Giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, kết quả trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất.
Việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được tổ chức thực hiện trước thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất không quá 06 tháng…”.
Như đã phân tích tại mục 8 Văn bản này, việc xác định giá đất là tại thời điểm giao đất, cho thuê đất và đã được bồi thường, GPMB sạch, trong khi đó hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất là chưa xong công tác bồi thường, GPMB nên tại thời điểm quyết định kết quả trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất chưa được Nhà nước chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất dẫn tới chưa có giá đất mà ghi trong quyết định. Mặt khác, dự thảo quy định việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được tổ chức thực hiện trước thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất là chưa khả thi đối với tất cả các trường hợp, do chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất thì không thể xác định được quy mô diện tích cũng như vị trí khu đất thực hiện dự án để tính giá đất.
|
4. Giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, kết quả trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị quy định mọi trường hợp điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết thì phải xác định lại giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Về nội dung này, đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì trong quá trình thực hiện dự án có trường hợp điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng nhưng không làm tăng hệ số sử dụng đất thì không cần thiết phải xác định lại giá đất.
|
UBND tỉnh Quảng Bình
|
Quy định tại khoản 4 mâu thuẫn với khoản 1, khoản 2, khoản 3 vì chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất thì chưa có căn cứ để xác định diện tích, mục đích, thời hạn sử dụng đất.
|
HĐND tỉnh Nghệ An
|
Nghiên cứu điều chỉnh lại thời điểm xác định giá cho phù hợp. STNMT tỉnh Ninh Thuận: quy định rõ thời điểm xác định giá đất cụ thể, bổ sung căn cứ, dữ liệu làm cơ sở tính toán đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12.
|
Việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được tổ chức thực hiện trước thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất không quá 06 tháng.
|
UBND Hải Phòng
|
Quy định việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được tổ chức thực hiện trước thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất không quá 06 tháng là chưa phù hợp. Vì khi áp dụng trong trường hợp tính tiền giao đất, cho thuê đất cho tổ chức thì có thể đảm bảo thời gian; tuy nhiên khi thực hiện xác định tiền giao đất, cho thuê đất tái định cư thì thời hạn trong 06 tháng không đảm bảo vì phụ thuộc vào thời gian công bố, công khai, thời gian phê duyệt phương án bồi thường, thời gian chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng…Do đó, đề nghị phân loại thành 02 trường hợp: đối với tổ chức thì được tổ chức thực hiện trong thời hạn 06 tháng; đối với giao đất tái định cư thì thực hiện xác định giá đất tại thời điểm giao đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và sẽ được quy định cụ thể tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
|
UBND Tỉnh Hòa Bình
|
Quy định “Việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được tổ chức thực hiện trước thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất,cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất không quá 06 tháng”, sẽ phát sinh bất cập trong quá trình thực hiện, cụ thể:
Đối với các dự án nhà nước cho thuê đất, khi chưa có quyết định cho thuê đất sẽ chưa có căn cứ xác định thời hạn sử dụng đất (thời hạn thuê đất) để xác định giá đất cụ thể tính tiền thuê đất, do khi cấp Quyết định chủ trương đầu tư dự án,
thời hạn hoạt động của dự án thường tính từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư. Thực tế quá trình triển khai, sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án, thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng hoặc hoàn thành việc thỏa thuận
nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chủ đầu tư mới lập hồ sơ xin thuê đất và thời hạn cho thuê đất sẽ tính từ ngày có quyết định cho thuê đất đến ngày hết thời hạn hoạt động của dự án theo quyết định chủ trương đầu tư. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh nội dung này cho phù hợp.
|
Trường hợp điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết mà làm thay đổi hệ số sử dụng đất nhưng không làm thay đổi diện tích đất sử dụng thì phải xác định lại giá đất tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bổ sung.
|
UBND tỉnh Quảng Bình
|
Đề nghị quy định trường hợp điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết mà làm tăng hệ số sử dụng đất … thì phải xác định lại giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và sẽ được quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
|
STNMT tỉnh Ninh Thuận
|
Đề nghị bổ sung thành: … để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bổ sung “nếu có” vì một số trường hợp điều chỉnh quy hoạch chi tiết làm giảm hệ số sử dụng đất làm giá đất giảm
|
UBND tỉnh Hòa Bình
|
Đề nghị bổ sung quy định phải xác định lại giá đất trong trường hợp
điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết mà làm thay đổi cơ cấu diện tích sử dụng đất cho các mục đích sử dụng đất khác nhau của dự án, tức làm thay đổi căn cứ tính tiền sử dụng đất.
|
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
HĐND tỉnh Nghệ An
|
Hướng dẫn xác định giá cụ thể để tính tiền sử dụng đất, thuê đất khi dự án chia ra làm nhiều đợt giao, thuê đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì pháp luật về đất đai không quy định việc giao đất, cho thuê đất theo tiến độ giải phóng mặt bằng.
|
|
Bộ Tài chính
|
Nên rà soát đề lược bỏ các quy định quá chi tiết tại dự thảo Luật, chỉ quy định chung về mặt nguyên tẳc.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo chỉ quy định về np tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất và sẽ được Chính phủ quy định cụ thể.
|
|
Bộ Tài chính
|
nên rà soát đề lược bỏ các quy định quá chi tiết tại dự thảo Luật, chỉ quy định chung về mặt nguyên tẳc.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
1. Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là việc Nhà nước cho phép người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
|
Ban QLKKT Hà Tĩnh
|
Đề nghị chỉnh sửa thành: “1. Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là việc Nhà nước cho phép người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho một số năm (không bao gồm trường hợp chỉ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản) hoặc toàn bộ thời gian sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu
tiền sử dụng đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.”.
|
Về nội dung này, đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì mâu thuẫn với quy định tại Điều về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
|
3. Nhà nước có chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong các trường hợp sau đây:
|
|
|
|
a) Sử dụng đất để xây dựng các công trình giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, bảo vệ môi trường, văn hóa, thể dục thể thao phục vụ công cộng, công trình trợ giúp thương binh, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người già neo đơn hoặc sử dụng đất tại địa bàn các xã miền núi, biên giới, hải đảo, không thuộc khu vực quy hoạch phát triển đô thị và các dự án khác được Thủ tướng Chính phủ quyết định;
|
UBND tỉnh Quảng Bình
|
Đề nghị quy định bổ sung thêm một số trường hợp dược miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư để phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và thực tiễn ở địa phương.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
b) Sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo; hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; đất ở cho người phải di dời khi Nhà nước thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;
|
STNMT tỉnh Ninh Thuận
|
Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất: Đối với trường hợp tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất tái định cư đối với người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo khi Nhà nước thu hồi hết đất ở (chưa
hưởng chính sách miễn, giảm trước đó) có thuộc đối tượng miễn, giảm theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 128 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hay không?. Nếu thuộc đối tượng miễn, giảm theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 128 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì đề nghị, điều chỉnh bổ sung cụ thể “Sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo (bao gồm cả trường hợp tính tiền sử dụng đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định); hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định
của pháp luật về nhà ở; đất ở cho người phải di dời khi Nhà nước thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
d) Sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập;
|
Bộ Tài chính
|
đề nghị sửa thành:
d) Tuân thủ đứng quy chuẩn, trình tự, thủ tục và phương pháp định giá đất theo quy định của pháp luật (đồng thời đề nghị giải trình nội dung quy chuẩn định giá đất dự kiến Chính phủ sẽ quy định là nhừng nội dung gì vào dự thảo Tờ trình).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
đ) Đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; đất xây dựng cơ sở, công trình cung cấp dịch vụ hàng không;
|
Bộ Tài chính
|
đề nghị sửa thành:
đ) Báo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của két quá định giá đát giữa cơ quan định giá, cơ quan thâm định và cơ quan quyết định. ”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
e) Đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, ga đường sắt;
|
|
|
|
g) Sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối, bảo vệ môi trường đối với hợp tác xã;
|
UBND tỉnh Hòa Bình
|
Đề nghị quy định cụ thể việc miễn giảm tiền sử dụng đất tiền thuê đất đối với các loại đất tại điểm g khoản 3.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
h) Các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
|
|
|
|
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề nghị đánh số lại thứ tự khoản 4
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và quy định cụ tại Nghị định của Chính phủ.
|
|
HĐND Thái Bình
|
Mục II Chương X dự thảo đang quy định các nội dung liên quan về giá đất. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần phải đưa ra cơ sở rõ ràng, cụ thể để xác định giá đất “thế nào là giá đất phù hợp so với giá thị trường?” bởi giá thị trường ngoài yếu tố khách quan, cũng bị phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp, các nhà đầu tư liên kết để nâng khống giá lên hoặc hạ giá đất để phục vụ lợi ích của họ. Do vậy, đối với các trường hợp này không thể xem đó là giá thị trường
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và sẽ được quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
|
GIÁ ĐẤT
|
|
|
|
|
Sở TNMT Yên Bái, HĐND Yên Bái
|
Việc quy định, nguyên tắc xác định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường là rất khó khăn do việc điều tra,xác định giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường để xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp là khó khăn, khó có thể thu thậpđược thông tin chính xác do tâm lý của người sử dụng đất thường không muốn kê khai giá chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đa số người dân chỉ kê khai giá chuyển nhượng bằng giá đất trong bảng giá do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định, nên việc điều tra xác định giá thị trường trong điều kiện bình thường là rất vướng mắc, trong một số trường hợp không thể thực hiện
được. Trong một số trường hợp không có chuyển nhượng quyền sử dụng đất do đó không thu thập được thông tin về chuyển nhượng quyền sử dụng đất của thửa đất có đặc điểm tương tự với thửa đất cần định giá về mục đích sử dụng đất, vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, diện tích, kích thước, hình thể và tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất. Do đó, cần
phải có tiêu chí và cách vận hành như thế nào là nguyên tắc thị trường nhằm cụ thể hoá được phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường đã nêu tại Nghị quyết 18.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Kiên Giang
|
Tại Điều 129 của Dự thảo Luật quy định về nguyên tắc, phương pháp định giá đất có nêu trong 5 nguyên tắc là “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường”. Tuy nhiên, “giá đất phổ biến” rất khó để xác định, khi mà những giao dịch đất đai hầu hết người dân khi giao dịch đều kê khai giá thấp hơn nhiều giá trị thật. Trong khi đó, Nghị quyết 18-NQ/TW yêu cầu công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt. Đây chính là những cơ sở để có thể xác định giá đất phổ biến trên thị trường. Do đó, cần nghiên cứu để luật hóa rõ hơn nội dung này.
|
1. Việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
|
|
|
|
a) Theo mục đích sử dụng đất định giá;
|
STNMT tỉnh Ninh Thuận, Sở TNMT Hà Tĩnh
|
Đề nghị chỉnh sửa: “ Theo mục đích sử dụng đất định giá” chỉnh sửa thành “Theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp. .
|
b) Theo thời hạn sử dụng đất;
|
|
|
|
c) Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường;
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị sửa thành: “c) Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường tại thời điểm định giá đất".
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý vào Dự thảo Luật.
|
UBND Hòa Bình
|
quy định này rất trìu tượng, không định lượng được cụ thể, rất khó xác định. Đề nghị Luật quy định cụ thể hơn.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Chính phủ quy định cụ thể về quy chuẩn, phương pháp định giá đất, quy trình kiểm tra, giám sát việc xây dựng bảng giá đất và định giá đất cụ thể.
|
Quảng Bình
|
Đề nghị Luật cần xác định rõ phương pháp tính, các thông số liên quan, công thức tính rõ ràng, thống nhất để các địa phương, các ngành áp dụng thống nhất trong cả nước.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì về cách thức thực hiện được quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
|
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bổ sung quy định làm rõ việc quy định Bảng giá đất và hệ số điều chỉnh biến động giá đất có cùng thời điểm không để tránh hiểu nhầm là Bảng giá đất quy định hàng năm chưa sát giá thị trường nên phải có quy định về hệ số điều chỉnh này. Ngoài ra, đề nghị bổ sung định lượng trường hợp giá đất phổ biến trên thị trường có biến động bao nhiêu % thì Uỷ ban nhân dân câp tỉnh phải điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
- Việc quy định Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 01/01 của năm làm mất tính ổn định của Bảng giá đất và tốn chi phí, thời gian xây dựng. Đề nghị nghiên cứu đề quy định tính ổn định của Bảng giá đất là 02 hoặc 03 năm.
- Tại dự thảo quy định các khái niệm mới: “bảng giá đất theo vùng giá trị đất”, “giá thửa đất chuẩn”, “hệ số điều chỉnh biến động giá đất’, “hệ số điều chỉnh giá đất”. Đề nghị có quy định cụ thể về khái niệm, nội hàm và cách xác định của các thuật ngữ trên. Ngoài ra, cần cân nhắc đánh giá kỹ tại Tờ trình Chính phủ về điều kiện để xây dựng "bảng giá đất theo vùng giả trị, giá thửa đất chuẩn; bảng giá đất quy định giá đất theo vị trí" (điều kiện về cơ sở dừ liệu giá đất thị trường, bản đồ địa chính số, nguồn tài chính để thực hiện (đánh giá tác động của ngân sách nhà nước), nguồn nhân lực thực hiện, hình thức thực hiện - Nhà nước thực hiện hay đi thuê?...) và xác định lộ trình thực hiện cho phù hợp, tránh gây xáo động lớn về giá đất; nếu Luật đã ban hành mà chưa thực hiện được thì sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của Luật. Hơn nữa, nếu bỏ chi phí lớn để xây dựng giá đất của từng vị trí (tùng thửa đất) nhưng thửa đất không có giao dịch, không có biến động hoặc không cập nhật được biến động thì việc này không có ý nghĩa, tốn kém chi phí của Nhà nước.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp. .
|
HĐND tỉnh Cà Mau
|
Đề nghị bỏ “hệ số điều chỉnh biến động giá đất”, do tại quy định này, “Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm” và “khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp" nên việc ban hành hệ số điều chỉnh biến động giá đất là không cần thiết. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi điều chỉnh bảng giá đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp. .
|
HĐND Đồng Nai, Hà Nội
|
Khoản 1 Dự thảo Luật quy định: “… UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước ki ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp. Quy định như trong dự thảo có sự mâu thuẫn, cụ thể: bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công kahi vào ngày 01 tháng 01 của năm, như vậy không cần thiết phải ban hành hệ số điều chỉnh biến động giá đất hàng năm để điều chỉnh. Đồng thời đề nghị bỏ cụm từ “Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp” vì bảng giá đất được ban hành hàng năm, quy định như trên là không cần thiết. Đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu và xem xét và giữ nguyên việc xây dựng bảng giá đất 5 năm 01 lần và được công bố vào ngày 01 tháng 01 của năm kỳ đầu theo quy định hiện hành và hàng năm sẽ ban hành hẹ số điều chỉnh giá đất khi có biến động của giá đất trên thị trường. Vì việc bảng giá được xây dựng theo nguyên tắc và phương pháp định giá đất, trong đó phải tổ chức điều tra, khảo sát giá đất phổ biến trên thị trường làm cơ sở để xây dựng bảng giá đất, trong trường hợp bảng giá đất được xây dựng hàng năm sẽ làm lãng phí ngân sách nhà nước và thiếu nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ.
Thống nhất với nội dung phương án 1 về quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp. .
|
Sở TNMT Thái Bình, Tỉnh Ủy Thái Bình
|
Đề xuất quy định rõ trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm áp dụng bảng giá đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh ủy Bắc Giang
|
Đề nghị sửa đổi theo hướng ban hành Bảng giá đất 05 năm/lần như đang áp dụng hiện nay; trường hợp giá đất trên thị trường biến động từ 20% trở lên thì điều chỉnh cục bộ Bảng giá đất; hàng năm UBND cấp tỉnh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất. Đồng thời, đối với trường hợp tính tiền sử dụng đất tại điểm a và điểm d, Khoản 3 nên quy định áp dụng theo giá đất cụ thể để khắc phục tình trạng “hai giá”, đảm bảo sát với giá thị trường.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND Hải Phòng
|
- Về Bảng giá đất. Đề nghị cần làm rõ:
+ Hệ số điều chỉnh biến động giá đất là mức điều chỉnh (tỷ lệ % điều chỉnh) giá đất được ban hành kèm theo bảng giá đất hay là một trong các phương pháp xác định giá đất (như theo quy định hiện hành là phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất).
+ Chưa có quy định cơ quan tham mưu, giúp ỦBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất.
+ Quy định Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm; khi triển khai thực hiện như vậy sẽ gặp nhiều vướng mắc và tốn nhiều chi phí, đề nghị vẫn giữ nguyên quy định xây dựng bảng giá các loại đất 05 năm.
- Về xác định giá đất cụ thể. Đề nghị làm rõ nội dung sau:
+ Việc cơ quan định giá đất cấp tỉnh thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất cụ thể để tư vấn xác định giá đất cụ thể có là yêu cầu bắt buộc khi xác định giá đất cụ thể hay không?
+ Cơ quan định giá đất cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Hội đồng thẩm định giá đất tổ chức thẩm định giá đất có đảm bảo về nguyên tắc độc lập trong việc định giá đất theo điểm đ, khoản 1 Điều 129 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hay không?
+ Cần có quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của cơ quan định giá đất cấp tỉnh, gồm đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp.
+ Đề nghị làm rõ cơ quan định giá đất cấp tỉnh là cơ quan nào tại Điều này.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND Tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị lược bỏ và đưa vào Luật Quản lý tà sản công để đồng bộ với chuyên ngành quản lý.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
Trường Đại học Khoa học tự nhiên
|
Góp ý Điều 130 và Điều 131: Nên có quy định mang tính đột phá hơn so với Luật đất đai năm 2013. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xác định bảng giá đất và giá đất cụ thể, các thành viên Hội đồng thẩm định giá cũng thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ thiếu tính khách quan. Việc xác định bảng giá đất và giá đất cụ thể cần thực sự sát với giá thị trường để giảm bớt sung đột và tiêu cực về quản lý, sử dụng đất đai, đây cũng là nguyên tắc phát triển của nền kinh tế thị trường.
- Việc xác định giá đất bồi thường khi thu hồi vùng phụ cận các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, cần đảm bảo hài hòa lợi ích của người có đất bị thu hồi, Nhà nước và chủ đầu tư, tránh sung đột lợi ích, làm mất ổn định xã hội.
- Việc điều tiết giá trị tăng thêm từ đất do xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật không chỉ bằng việc thu hồi vùng phụ cận và bồi thường, mà còn có thể dùng công cụ thuế để điều tiết.
|
|
1. Căn cứ nguyên tắc, quy chuẩn, phương pháp định giá đất, giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm.
|
HĐND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị xem xét lại việc quy định hệ số điều chỉnh biến động giá đất vì bảng giá đất đã được xây dựng định kỳ hàng năm. Việc quy định “Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khỉ giá đất phố biến trên thị trường có biến động thỉ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù họp ” để đảm bảo chặt chẽ thì cần phải bổ sung thêm quy định về biên độ cho phép ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất hoặc phải thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi điều chỉnh.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Quảng Bình
|
Đề nghị bảng giá đất ban hành 03 năm một lần, vì việc xây dựng bảng giá đất là một khối lượng công việc lớn, nhiều thời gian, nguồn lực và hàng năm đã có hệ số điều chỉnh giá đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
STNMT tỉnh Ninh Thuận
|
Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm”, vì vậy, đề nghị xem xét bỏ nội dung quy định hệ số điều chỉnh biến động giá đất vì gây sự trùng lặp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Sơn La, Tỉnh Ủy Sơn La
|
Đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ cụm từ “hệ số điều chỉnh biến động giá đất". Hệ số điều chỉnh biến động giá đất được ban hành năm theo bảng giá đất hay ban hành như thế nào (tháng, quý). Việc xác định hệ số biến động này có phải là trường hợp biến động thị trường để thực hiện điều chỉnh bảng giá đất hay không. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hướng dẫn cụ thể tại dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai để các địa phương có cơ sở triển khai, thực hiện
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND Trà Vinh
|
Tại khoản 1 Điều 130 đề nghị quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm và có điều chỉnh giữa kỳ, có hệ số để điều chỉnh giá đất. Lý do: Nếu quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm thì mất rất nhiều thời gian, kinh phí để tổ chức thực hiện; một số địa phương giá đất biến động trong năm không lớn.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Thái Bình, Tỉnh Ủy Thái Bình
|
Dự thảo Luật theo hướng Bảng giá đất xây dựng hàng năm, UBND tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành. Trong thời gian thực hiện Bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp. Đề nghị nghiên cứu xem lại lại dự thảo quy định vì: Bảng giá đất đã được xác định hàng năm (căn cứ theo nguyên tắc,… giá đất phổ biến trên thị trường) thì việc quy định thêm hệ số điều chỉnh biến động giá đất là không cần thiết và tạo nhiều bất cập, trong khi đó, dự thảo còn quy định : “Trong thời gian thực hiện Bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp” thì việc điều chỉnh hệ số điều chỉnh lại càng bất cập và cồng kềnh thủ tục.
Đề xuất: Bảng giá đất xây dựng hàng năm, được công bố công khai và thực hiện từ ngày 01 tháng 01 của năm, không quy định về hệ số điều chỉnh giá đất; đồng thời quy định rõ về việc khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động (biến động ở mức nào, thời gian bao lâu, căn cứ để xác định mức biến động) thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh Bảng giá đất cho phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND Vĩnh Long
|
Cần quy định rõ thế nào là giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất, căn cứ để xác định biến động giá đất. Không nên giao thẩm quyền "Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh diều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp", Lý do hàng năm bảng giá đất đã được điều chỉnh.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
HĐND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị xem xét lại việc quy định hệ số điều chỉnh biến động giá đất vì bảng giá đất đã được xây dựng định kỳ hàng năm. Việc quy định “Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khỉ giá đất phố biến trên thị trường có biến động thỉ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù họp ” để đảm bảo chặt chẽ thì cần phải bổ sung thêm quy định về biên độ cho phép ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất hoặc phải thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi điều chỉnh.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
|
HĐND tỉnh Hà Giang, tỉnh ủy Hà Giang
|
Đề nghị sửa thành “trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung Bảng giá đất để điều chỉnh giá đất cho phù hợp”.
Đề nghị cần làm rõ nội hàm thế nào được cho là “giá đất phổ biến trên thị trường”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ
|
Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường đề nghị quy định tỷ lệ có biến động (từ 20% trở lên so với bảng giá đất) thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
STNMT tỉnh Ninh Thuận
|
Căn cứ nguyên tắc, quy chuẩn, phương pháp định giá đất, giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm.
Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.” Đề nghị nghiên cứu điều chỉnh lại nội dung này, để bảo đảm tính ổn định của văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc ban hành Bảng giá đất, sự phù hợp về thẩm quyền.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Bạc Liêu, Tỉnh ủy Bạc Liêu
|
Đề nghị bỏ đoạn: “trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thi trường có biến động thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật vì nội dung này không phù hợp với nguyên tắc định giá đất
|
HDND tỉnh Cà Mau
|
Đề nghị bỏ cụm từ “hệ số điều chỉnh biến động giá đất (vì bảng giá đất xây dựng định kỳ hàng năm và khi giá đất trên thị trường biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp. Đề xuất bảng giá đất được xây dựng định kỳ từ 03 năm đến 05 năm, có điều chỉnh hàng năm và có hệ số điều chỉnh giá đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
STNMT Bình Thuận
|
Bảng giá đất hiện hành đang áp dụng 05 năm. Theo thực tế của địa phương thì trong thời gian từ 02 đến 03 năm mới có điều chỉnh 1 lần. Do đó, tại khoản 1 Điều này đề nghị Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 02 năm một lần. Nhằm đảm bảo tính ổn định của Bảng giá đất, tiết kiệm được kinh phí, nhân lực cho việc xây dựng Bảng giá đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HDND tỉnh Bắc Giang
|
Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo HDND hoặc thường trược HĐND thông qua trước khi điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Bảng giá đất quy định giá các loại đất theo vị trí. Đối với khu vực đã có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thị trường thì xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn.
|
HĐND Vĩnh Long
|
Đề nghị bổ sung thêm: Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai. Lý do: Để tránh trường hợp bất cập trong quá trình thực hiện, khi áp dụng giá đất cụ thể cho thửa đất hoặc khu đất thì các khoản thu phí và lệ phí không được quy định trong giá đất cụ thể: Cho thuê đất trả tiền thuê đất-hàng năm được chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh , Tỉnh ủy Bạc Liêu
|
Đề nghị giải thích cụm từ: “vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn” rõ ràng hơn, sát thực tế hơn.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:
|
Bộ Tài chính
|
Tại điểm b và c khoản 3 dự thảo Luật, đề nghị sửa đổi theo hướng: về giá đất tính thuế sử dụng đất và thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật thuế hiện hành. Việc xác định giá tham chiếu khi xác định giá tính thuế (theo Bảng giá đất có hệ số điều chỉnh hay không có hệ số điều chỉnh), Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét khi sửa đổi, bô sung các văn bàn quy phạm pháp luật về thuế. Ngoài ra, đối với điềm đ khoản 3, đề nghị bồ sung như sau: “đ) Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai, trừ lệ phí trước bạ” vì lệ phí trước bạ là khoản thu mang tính chất thuế. Hồ sơ lệ phí trước bạ thu cùng thuế thu nhập cá nhân nên cần quy định cùng một giá tính thuế, lệ phí.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Thái Bình, Tỉnh Ủy Thái Bình
|
Nếu Bảng giá đất được xây dựng hàng năm và không quy định về hệ số điều chỉnh giá đất, đề nghị bổ sung các trường hợp tại khoản 2 Điều 131 vào khoản 3: Các trường hợp tại điểm a, điểm c, trường hợp tính tiền thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm tại điểm d; các trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm còn lại (khi gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết mà ảnh hưởng đến hệ số sử dụng đất, cho phép chuyển hình thức sử dụng đất; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với phương án đấu giá đất áp dụng cho tổ chức tham gia đấu giá; xác định giá khởi điểm để đấu thầu dự án sử dụng đất). Đồng thời chỉnh sửa khoản 2, khoản 3 Điều 131 cho phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Lạng Sơn
|
Thực tế hiện nay có một số dự án đấu thầu sử dụng đất khi giao đất được xác định theo giá đất cụ thể hoặc đấu giá quyền sử dụng đất,… thì giá đất cao hơn bảng giá UBND tỉnh (địa phương) quy định nhưng khi tính thuế sử dụng đất, tính thuế thua nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, tính phí và lệ phí lại tính theo giá đất UBND tỉnh quy định tại bảng giá đất, như vậy là không phù hợp với thực tế, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định đối với trường hợp này việc xác định nghĩa vụ tài chính đề nghị lấy theo giá đất cụ thể/giá trúng đấu giá.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
4. Chính phủ quy định cụ thể nguyên tắc xác định mức thu ổn định trong 5 năm và không vượt quá 20 % so với kỳ trước phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương để xác định nghĩa vụ tài chính đất đai đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 3 Điều này.
|
Bộ Tài chính:
|
Đề nghị bỏ khoản 4 Điều này vì quy định này ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách nhà nước về đât đai.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật vì khi bảng giá đất được xây dựng theo giá đất thị trường thì tạo ra đột biến lớn so với hiện nay và có thể gây tác động đến ổn định chính trị và tình hình phát triển kinh tế, xã hội nên cần thiết phải có nguyên tắc xác định mức thu ổn định.
|
UBND tỉnh Quảng Bình
|
quy định mức thu ổn định trong 5 năm tại khoản 4 Điều 130 là không phù hợp vì việc nộp tiền sử dụng đất tại các điểm a, b, c và đ khoản 3 Điều 130 được th\ực hiện 1 lần nên không cần thời gian ổn định mức thu (chỉ áp dụng khi NN cho thuê đất trả tiền hàng năm).
|
HĐND tỉnh Bình Phước
|
Đề nghị bỏ cụm từ: và không vượt quá 20 % so với kỳ trước.
|
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
|
|
|
|
Bộ Tài chính
|
Tại dự thảo quy định khái niệm mới là “cơ quan định giá đất cấp tỉnh” (theo Luật hiện hành là cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh); đề nghị bổ sung làm rõ địa vị pháp lý (là cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh hay thuộc sở, ngành nào), chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này và mối quan hệ giữa cơ quan này với các cơ quan chuyên môn của tình trong việc định giá đất và thẩm định giá đất. Việc sử dụng cụm từ “cơ quan định giá đất cấp tỉnh” tại Dự thảo sẽ gây nhầm lẫn và chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các Sở, ngành.
Ngoài ra, đề nghị sửa “Hội đồng thẩm định giá đất" thành "Hội đồng định giá đất cụ thể” để phản ánh đúng nhiệm vụ của Hội đồng khi thực hiện xem xét và thẩm định giá đất cụ thể. Điều này cũng tránh nhầm lẫn với định nghĩa về “thẩm định giá” được quy định tại các khoản 15 Điều 4 Luật Giá hiện hành: “75. Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ Luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá. ”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Thái Bình, Tỉnh Ủy Thái Bình
|
Đề xuất quy định rõ trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất và thuê đất trả tiền một lần thực hiện xác định giá đất cụ thể.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật vì dự thảo đã quy định trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất và thuê đất trả tiền một lần thực hiện xác định giá đất cụ thể.
|
UBND Tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị lược bỏ và đưa vào Luật Quản lý tài sản công để đồng bộ với chuyên ngành quản lý.
|
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan định giá đất cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan định giá đất cấp tỉnh thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan định giá đất cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.
|
|
Bộ Tài chính, STNMT tỉnh Ninh Bình, Sở TNMT Thái Bình, Tỉnh Ủy Thái Bình: tại khoản 1 Điều 131 chưa phù hợp với Điều 129: “các cơ quan định giá phải độc lập” nhưng “cơ quan định giá giúp UBND tỉnh tổ chức xác định giá đất cụ thể”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Đắc Nông
|
Tại dự thảo Tờ trình (trang 19) có nêu: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, tại Điều 131 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa có nội dung nêu trên. UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị đơn vị soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung trên vào Điều 131 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời có quy định phân cấp cho cấp huyện tổ chức việc xác định giá đất cụ thể đối với một số trường hợp tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất có quy mô nhỏ lẻ. Ngoài ra, đề nghị làm rõ khái niệm ”Cơ quan định giá đất cấp tỉnh” là cơ quan nào?.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh Đồng Nai; Tỉnh ủy Đắc Nông
|
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉnh sửa theo hướng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan định giá, cơ quan thẩm định giá tránh việc chồng chéo nhiệm vu của các cơ quan trong việc xác định giá đất cụ thể.
Để bảo đamt tính thống nhất và đồng bộ về thẩm quyền trong công tác phê duyệt giá đất cụ thể và thẩm quyền phê duyệt bồi thường khi thu hồi đất, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, đề nghị bổ sung việc phân cấp về thẩm quyền giao cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi thu hồi đất, quyết định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm nội dung quy định về cơ quan định giá đất cấp huyện để giúp UBND cấp huyện tổ chức định giá đất cụ thể tại địa phương.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Quảng Bình, HĐND tỉnh Nghệ An, STNMT tỉnh Ninh Thuận, HĐNT tỉnh Quảng Trị, Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Thái Bình, Tỉnh Ủy Thái Bình, UBND Hải Phòng:
|
bổ sung thêm thẩm quyền Quyết định giá đất cụ thể của UBND cấp huyện hoặc cho phép UBND cấp tỉnh uỷ quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với một số trường hợp cụ thể (Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi UBND cấp huyện giao đất, cho thuê đất theo thẩm quyền…) phù hợp với phân cấp thẩm quyền thu hồi đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Yên Bái, HĐND Yên Bái
|
- Tại Khoản 1:
+ Đề nghị xác định rõ cơ quan định giá đất cấp tỉnh cụ thể là cơ quan nào, ngành nào. Hơn nữa theo dự thảo cơ quan định giá đất cấp tỉnh vừa là cơ quan trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể, vừa là cơ quan giúp Hội đồng thẩm định giá đất tổ chức thẩm định giá đất thì có thể dẫn đến không đảm bảo khách quan trong quá trình xác định giá đất. Do vậy, cần nghiên cứu cụ thể trong trường hợp thành lập cơ quan định giá đất cấp tỉnh cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của cơ qua này.
+ Đề nghị xem xét quy định việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể trong trường hợp “Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất”, do trong quá trình thực hiện giá đất cụ thể tỉnh Yên Bái nhận thấy nhiều thuận lợi cũng như hiệu quả từ việc ủy quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể. Trên thực tế, việc điều tra, thu thập thông tin, xây dựng và hoàn thiện phương án giá đất được thực hiện tại cấp xã, cấp huyện. Đây là cấp cơ sở nắm bắt được giá giao dịch chuyển nhượng thực tế tại các khu vực trên địa bàn xã, huyện. Hầu hết phương án giá đất do cấp huyện xây dựng đảm bảo giá đất cụ thể phê duyệt sát với giá đất phổ biến trên thị trường. Do đó, quy trình thẩm định, quyết định giá đất cụ thể có thể thực hiện ngay tại cấp huyện mà không nhất thiết phải do các cơ quan cấp tỉnh tham mưu thẩm định, quyết định, dẫn đến cấp huyện thiếu tính chủ động, không phù hợp thực tiễn, gây ra nhiều ý kiến kiến nghị tại cấp huyện do quy trình phức tạp, kéo dài nêu trên.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT tỉnh Bình Thuận
|
Trong khoản 1 thì Hội đồng thẩm định giá đất gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan Đề nghị điều chỉnh thành Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Để đảm bảo tính linh hoạt trong phân công nhiệm vụ của Lãnh đạo UBND tỉnh
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật vì đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2013.
|
UBND tỉnh Kiên Giang
|
Tại khoản 1 Điều 131 dự thảo Luật đất đai có quy định về “Cơ quan định giá đất cấp tỉnh”. Tỉnh Kiên Giang thống nhất với nội dung này, tuy nhiên đề nghị khi Chính phủ quy định chi tiết phải thể hiện rõ trình tự, thủ tục thành lập cơ quan định giá đất cấp tỉnh (thuộc tỉnh hay trực thuộc cơ quan chuyên môn), về trách nhiệm, quyền hạn,…
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Hội đồng thẩm định giá đất gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất. Cơ quan định giá đất cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Hội đồng thẩm định giá đất tổ chức thẩm định giá đất. Cơ quan định giá đất được thuê tổ chức có chức năng tư vấn giá đất thực hiện việc thẩm định lại kết quả xác định giá đất cụ thể.
|
UBND tỉnh Quảng Bình, HĐND Trà Vinh
|
Cơ quan định giá đất cấp tỉnh là cơ quan độc lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được thành lập mới và có trách nhiệm giúp Hội đồng thẩm định giá đất tổ chức thẩm định giá đất
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Về nội dung này được quy định cụ thể tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
|
|
UBND Thừa Thiên Huế
|
Tại khoản 1 Điều 130 quy định: “…Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành…”
- Tại khoản 1 Điều 131 dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có nêu “…. Hội đồng thẩm định giá đất gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất.” theo đó quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất; tuy nhiên tại địa phương việc phân cấp, phân quyền và quản lý lĩnh vực phụ trách đã phân công Chủ tịch tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy chế làm việc của UBND tỉnh. Kiến nghị: Điều chỉnh nội dung khoản 1 Điều 131 như sau: “…Hội đồng thẩm định giá đất gồm Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất.”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:
|
Bộ Tài chính
|
Điểm e khoản 2 đề nghị bỏ cụm từ “mà ảnh hưởng đến hệ số sử dụng đất”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật vì trường hợp điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng mà không làm ảnh hưởng đến hệ số sử dụng đất thì không xác định giá đất để tính thu nghĩa vụ tài chính bổ sung.
|
d) Tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm;
|
HĐND Thanh Hóa
|
Đề nghị xem xét, nghiên cứu việc UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (điểm d khoản 2 Điều 131 dự thảo) hoặc quy định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cấp huyện (nếu UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất trường hợp này), phù hợp với hướng phân cấp, mở rộng thẩm quyền thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của UBND cấp huyện tại khoản 2 Điều 71 dự thảo
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
đ) Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất;
|
|
|
|
e) Tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết mà ảnh hưởng đến hệ số sử dụng đất; cho phép chuyển hình thức sử dụng đất; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với phương án đấu giá đất áp dụng cho tổ chức tham gia đấu giá; xác định giá khởi điểm để đấu thầu dự án sử dụng đất.
|
Sở TNMT Thái Bình, Tỉnh Ủy Thái Bình
|
Tại khoản 3 Điều 131 quy định: “…Đối với khu vực đã có bảng giá đất tới từng thửa đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn thì việc định giá đất cụthể được xác định theo bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất” Đề nghị xem xét, điều chỉnh khoản 1 Điều 130 và khoản 3 Điều 131 đảmbảo tính thống nhất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng các phương pháp để định giá đất cụ thể. Đối với khu vực đã có bảng giá đất tới từng thửa đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn thì việc định giá đất cụ thể được xác định theo bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm định giá.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị rà soát phương pháp luận, tập trung vào những phương pháp có căn cứ khoa học và khả thi, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam đề lựa chọn áp dụng phương pháp định giá đất tối ưu. Trường hợp vẫn sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể theo quy định khoản 3 Điều 131 dự thảo Luật thì cần cân nhắc làm dầy hơn hệ số này bằng việc quy định điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất và điều kiện phải xác định lại hệ số điều chỉnh giá đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND Thừa Thiên Huế
|
Tại khoản 3 Điều 131 quy định: “…Đối với khu vực đã có bảng giá đất tới từng thửa đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn thì việc định giá đất cụthể được xác định theo bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất” Đề nghị xem xét, điều chỉnh khoản 1 Điều 130 và khoản 3 Điều 131 đảmbảo tính thống nhất.
|
Bộ Tài chính
|
Khoản 3 đề nghị sửa thành: “Chính phủ quy định các trường hợp áp dụng các phương pháp để định giả đất cụ thể.... ”
|
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
UBND Thừa Thiên Huế
|
Tại Điều 131 Dự thảo quy định giá đất cụ thể kính đề nghị xem xét, bổ sung thêm Khoản 4 cụ thể như sau: Hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương đã bỏ Khung giá đất, tiến đến xây dựng bảng giá đất hàng năm. Do đó, để đảm bảo việc xác định giá đất cụ thể phù hợp giá thị trường, đảm bảo trách thất thu ngân sách, đảm nguồn thu ngân sách của địa phương kính đề nghị bổ sung Khoản 4 với nội dung: “Việc xác định giá đất cụ thể đối với các khu đất hoặc thửa đất có giá trị từ 20 tỷ đồng trở lên (tính theo Bảng giá đất hàng năm); các khu đất đưa ra đấu thầu có diện tích từ 20 ha thì cần phải được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua giá đất cụ thể trước khi UBND cùng cấp phê duyệt”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Về nội dung này được quy định cụ thể tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
|
|
UBND Tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị lược bỏ và đưa vào Luật Quản lý tài sản công để đồng bộ với chuyên ngành quản lý.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật vì đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2013.
|
1. Tư vấn xác định giá đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
|
|
|
|
a) Khi xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể, thẩm định giá đất cụ thể mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có yêu cầu;
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị sửa thành “a) Khi xây dựng, điêu chỉnh bảng giả đát và định giả đát cụ thê, thâm định giá dất cụ thê mà cơ quan nhà nước...
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
d) Định giá đất trong tố tụng.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị sửa thành: d) Định giá đất trong tố tụng theo các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật tố tụng ”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
UBND Tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị lược bỏ và đưa vào Luật Quản lý tà sản công để đồng bộ với chuyên ngành quản lý.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật vì đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2013.
|
1. Quyền của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất:
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai
|
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, đề nghị bổ sung nội dung quy định cụ thể về nghĩa vụ của tổ chức tư vấn thực hiện việc tư vấn xác định giá đất trong quá trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyết định giá đất, tham gia tố tụng tại tòa áp cấp cao theo quy định.
Đề nghị xem xét bổ sung nội dung quy định cụ thể về thời điểm tổ chức định giá đất cụ thể để làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, đảm bảo có giá đất cụ thể để lấy ý kiến, niêm yết công khai cho người thu hồi đất biết và đảm bảo thời điểm ban hành quyết định giá đất cụ thể phù hợp với thời điểm ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật vì giá đất do tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá đất. Tuy nhiên, việc khiếu nại, tố cáo về quyết định giá đất là của cơ quan nhà nước.
|
Chương XI
HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐẤT ĐAI VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU ĐẤT ĐAI
NỘI DUNG DỰ THẢO
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Hệ thống thông tin quốc gia vềđất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước.
|
Bộ TTTT
|
Đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa Hệ thống thông tin đất đai với Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Bổ sung các quy định về các hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai khác mà không phải là Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (nếu có).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và sẽ rà soát để tiếp tục hoàn thiện các thuật ngữ trong dự thảo Luật.
|
|
Đề nghị quy định rõ thêm phạm vi các hoạt động nghiệp vụ quản lý nhà nước về đất đai các cấp sẽ phải thực hiện tập trung trên hệ thống Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu, tuy nhiên đề nghị giữ như dự thảo luật đề đảm bảo nguyên tắc chung của hệ thống và sẽ tiếp tục hoàn thiện trong các giai đoạn xây dựng Nghị định hướng dẫn.
|
2. Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
|
Bộ TTTT
|
+ Đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về: “Xây dựng và tổ chức triển khai hạ tầng số, nền tảng dữ liệu số ngành tài nguyên và môi trường, ưu tiên xây dựng nền tảng dữ liệu đất đai quốc gia, bản đồ số quốc gia mở bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu, thông tin, đóng góp các nền tảng số cho phát triển kinh tế số, xã hội số” theo định hướng của Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo do nội dung này đã được quy định tại Điều về hệ thống thông tin quốc gia về đất đai của dự thảo Luật.
|
3. Hệ thống thông tin quốc gia vềđất đai gồm các thành phần cơ bản sau:
|
|
Điều 134 đề nghị bổ sung 01 khoản quy định “Hệ thống thông tin về đất đai phải đảm bảo an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, nội dung chương này chưa có nội dung quy định về trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá đảm bảo tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng trong xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai do đó đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định này.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và để đảm bảo đồng bộ với các quy định hiện hành về Luật Công nghệ thông tin sẽ hoàn thiện trong các giai đoạn xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành.
|
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bổ sung quy định về cơ chế thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công để tạo diều kiện thuận lợi cho Nhà nước trong quản lý tài sản công là đất đai.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo do nội dung này đã được quy định tại Điều về cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai của dự thảo Luật.
|
3. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là nền tảng cơ sở cho triển khai công tác quản lý, nghiệp vụ, hoạt động về đất đai; cung cấp dữ liệu thông tin cho quản trị nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số; tạo ra thông tin mới và các giá trị gia tăng; nguồn thu từ phí cung cấp dữ liệu, thông tin đất đai để phát triển, duy trì, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bỏ nội dung “nguồn thu từ phí cung cấp dữ liệu, thông tin đất đai để phát triển, duy trì, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai” tại khoản 3 để phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Phí và lệ phí.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Luật để đảm phù hợp với quy định tại Luật Phí và lệ phí.
|
|
|
|
|
1. Thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác thực điện tử có giá trị pháp lý như trong hồ sơ dạng giấy.
|
Bộ TTTT
|
+ Cân nhắc bổ sung thêm quy định về giá trị pháp lý của dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định việc sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai có giá trị thay thế các văn bản của cơ quan có thẩm quyền, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cải cách hoạt động hành chính, các hoạt động xã hội có liên quan đến quyền sử dụng đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì đã được quy định tại Điều về cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và Chương thủ hành chính về đất đai của dự thảo Luật.
|
6. Khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị rà soát tên gọi khoản phí giữa điếm g và điểm h khoản 6 để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Phí và lệ phí.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và chính sửa dự thảo Luật để đảm phù hợp với quy định tại Luật Phí và lệ phí.
|
|
|
|
|
1. Các dịch vụ công trực tuyến về đất đai gồm dịch vụ hành chính công về đất đai, dịch vụ cung cấp, khai thác thông tin về đất đai và dịch vụ công khác về đất đai theo quy định của pháp luật.
|
Bộ TTTT
|
Đề nghị quy định rõ thêm phạm vi các hoạt động nghiệp vụ quản lý nhà nước về đất đai các cấp sẽ phải thực hiện tập trung trên hệ thống Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.
|
Về nội dung ý kiến này là xác đáng và phù hợp với mô hình tập trung, thống nhất, tuy nhiên đề đảm bảo nguyên tắc chung của hệ thống, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo luật và sẽ tiếp tục bổ sung làm rõ hoàn thiện trong các giai đoạn xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành,
|
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bỏ Điều 138 này vì: Điều 139 dự thảo đã quy định trách nhiệm xây dựng, quàn lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo để thể chế hóa các điều kiện cần và đủ để giải quyết được mục tiêu “năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông” của Nghi quyết 18
|
4. Bộ Tài chính quy định cụ thể việc sử dụng các khoản thu tài chính từ đất đai để xây dựng, cập nhật, duy trì vận hành, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
|
UBND Bắc Kạn
|
Nội dung chương này, tỉnh Bắc Kạn nhất trí như dự thảo Luật, tuy nhiên để đáp ứng các điều kiện như dự thảo luật đưa ra, bắt buộc phải hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương, do đó đề nghị quy định về kinh phí dành cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để các địa phương có cơ sở cân đối, thực hiện.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai trong phạm vi của địa phương; kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai trong phạm vi của địa phương cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai tại địa phương theo quy định của Chính phủ.
|
Bộ TTTT
|
Nội dung dự thảo Luật chưa làm rõ được các địa phương có được phép xây dựng các hệ thống thông tin đất đai của địa phương hay không. Nếu được xây dựng thì phạm vi tin học hóa/chuyển đổi số nghiệp vụ nào (hoặc không tin học hóa/chuyển đổi số nghiệp vụ nào để tránh trùng lặp với Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai), đề nghị quy định bổ sung.
Dự thảo Luật cũng chưa quy định các địa phương có được xây dựng các cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương hay không. Nếu không được xây dựng thì cần có quy định chuyển tiếp để các địa phương thực hiện (để xử lý các cơ sở dữ liệu của địa phương đã xây dựng theo Luật cũ). Trường hợp được phép xây dựng thì cần có quy định về mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đề nghị giữ như dự thảo luật đề đảm bảo nguyên tắc chung của hệ thống và sẽ tiếp tục hoàn thiện trong các giai đoạn xây dựng Nghị định hướng dẫn
|
Chương XII
CHẾ ĐỘ SỬ DỤNG CÁC LOẠI ĐẤT
NỘI DUNG DỰ THẢO
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Người sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài trong các trường hợp sau đây:
|
|
|
|
1. Đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng;
|
Tỉnh ủy Đồng Nai
|
Đề nghị bổ sung thêm các trường hợp sau cho đầy đủ: Đất hộ gia đình, cá nhân sử dụng quy định tại điểm b, điểm đ khoản 1 Điều 142. Đất tổ chức kinh tế sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 142.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Điều về thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đã quy định cụ thể về thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất. Sau khi chuyển mục đích sử dụng đất thì thời hạn được xác định theo loại đất quy định tại Điều này.
|
6. Đất quốc phòng, an ninh;
|
|
|
|
7. Đất tôn giáo quy định tại Điều 178 của Luật này;
|
Tỉnh ủy, UBND Tiền Giang
|
Tại Khoản 7, 8 Điều 140 Dự thảo Luật quy định một trong các trường hợp đất sử dụng ổn định lâu dài là “Đất tôn giáo” và “Đất tín ngưỡng”.
Đồng thời, các quy định về bồi thường tại các Điều 80, 86 Dự thảo Luật quy định có đối tượng “… tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng”.
Ngoài ra, theo Điều 11 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã có quy định về đại diện của cơ sở tín ngưỡng. Tuy nhiên, tại Điều 6 và Điều 8 Dự thảo Luật chưa quy định về người sử dụng đất tín ngưỡng và người đại diện chịu trách nhiệm đối với sử dụng đất tín ngưỡng.
Kiến nghị: Bổ sung tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng cho phù hợp chung.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật tín ngưỡng, tôn giáo thì cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác. Theo quy định này thì đối tượng quản lý sử dụng đất tín ngưỡng là cộng đồng dân cư. Theo đó, tại Điều về người sử dụng đất của dự thảo đã có quy định cộng đồng dân cư là người sử dụng đất và tại Điều quy định người đại diện cho cộng đồng dân cư là người chịu trách nhiệm trước nhà nước đối với việc sử dụng đất của cộng đồng dân cư.
|
8. Đất tín ngưỡng;
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu
|
Đề nghị bổ sung “Đất Tín ngưỡng xây dụng trụ sở”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì các công trình tín ngưỡng được quy định cụ thể tại Luật tôn giáo tín ngưỡng. Đối với các cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng và nhà nước thành lập Ban quản lý thì đất xây dựng trụ sở của Ban quản lý này là đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp.
|
|
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
|
Đề nghị bổ sung trường hợp sử dụng đất thương mại, dịch vụ đối với các trường hợp sở hữu/ sử dụng nhà ở, shophouse tại các Dự án phát triển nhà ở, shophouse. Theo đó, thời hạn 50 - 70 năm là thời hạn sử dụng của chủ đầu tư được cấp nhưng với người sử dụng/ sở hữu trực tiếp sẽ được quyền sử dụng ổn định, lâu dài.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo như sau: bất động sản nghỉ dưỡng, condotel, biệt thự biển…. không phải là đất ở có thời hạn sử dụng lâu dài. Tại các điều của dự thảo quy định về phân loại đất, thời hạn sử dụng đất, chế độ sử dụng đất đã phân biệt rõ các loại hình nêu trên với đất ở để xác định thời hạn sử dụng cho phù hợp.
|
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
|
Rất khó để phân định đất để xây dựng các bất động sản nghỉ dưỡng, condotel, biển thự biển ... thuộc loại đất gì và chế độ sử dụng đất như thể nào -> đề nghị quy định rõ chế độ sử dụng đất đối với các dạng bất động sản này, đồng thời quy định chuyển tiếp cho các dự án bất động sản có tính chất này trước thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực.
|
TU Bắc Giang
|
Đề nghị xem xét quy định cụ thể hơn về thời hạn sử dụng đất đối với loại hình căn hộ du lịch (condotel), nhà thương mại kết hợp để ở (shophouse) do đây là loại hình bất động sản đang phát triển mạnh hiện nay, đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
|
1. Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệpđối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 145 của Luật này là 50 năm. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản này mà không phải làm thủ tục gia hạn, trừ trường hợp Nhà nước đã đưa diện tích đất hết hạn sử dụng vào kế hoạch sử dụng đất hoặc có quyết định thu hồi đất.
|
UBND tỉnh Đắc Nông
|
Sửa đổi cụm từ “mà không phải làm thủ tục gia hạn” thành cụm từ “mà không phải làm thủ tục xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp” cho phù hợp. Lý do: Đối với đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất trong hạn mức thì thuộc trường hợp được tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì quy định không phải làm thủ tục gia hạn là phù hợp với thủ tục hành chính quy định tại Điều về thủ tục hành chính của dự thảo Luật.
|
2. Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất nhưng không quá 50 năm.
|
Bộ NN&PTNT
|
Đề nghị sửa thành “khi hết thời hạn thuê đất, hộ gia đình cá nhân nếu có nhu cầu thì tiếp tục được nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất theo quy định” (bỏ cụm từ “không quá 50 năm”)
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo để làm căn cứ gia hạn cho người sử dụng đất.
|
3. Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.
|
Tỉnh ủy, Sở TNMT Thái Bình
|
Quy định này chưa phù hợp đối với dự án phát triển nhà ở (người được giao đất được điều chỉnh thời hạn sử dụng nhưng người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở có thời hạn lâu dài).
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Đề nghị sửa lại như sau: “3. Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sán xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đê sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phì nông nghiệp; tổ chức để thực hiện các dự án đâu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quỵêt đinh trên cơ sở thời han hoat động của dư án đầu tư hoặc thời han giao đất, cho thuê đất tại đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm. "
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo hướng : “Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở kết quả thẩm định nhu cầu sử dụng đất đối vớidự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.”
|
Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.
|
Bộ Tài chính, TU, UBND Đăk Lắk
|
Đề nghị quy định bổ sung cho phù hợp tiêu chí thế nào là dự án có vốn đầu tư lớn? là thu hồi vốn chậm?
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này được quy định theo khoản 2 Điều 44 của Luật Đầu tư; việc xác định tiêu chí thế nào là dự án có vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm phải do pháp luật về đầu tư quy định.
|
UBND tỉnh Quảng Trị
|
Đề nghị quy định cụ thể dự án có vốn đầu tư lớn là bao nhiêu để có cơ sở khi triển khai thực hiện dự án.
|
Đối với dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất mà có điều chỉnh thời hạn hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư thì người sử dụng đất được Nhà nước điều chỉnh thời hạn sử dụng đất cho phù hợp.
|
|
|
|
Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản này.
|
|
|
|
6. Thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
|
Sở TN&MT Ninh Bình
|
Thời gian cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng mục đích công ích của xã, phường, thị trấn nên quy định thống nhất trên cả nước là không quá 5 năm như Luật Đất đai năm 2013 là phù hợp đối với loại đất này, không nên giao cho UBND cấp tỉnh quy định, tránh phát sinh tốn kém, phức tạp trong công tác xây dụng văn bản quy phạm pháp luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại Điều về thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất dự thảo Luật quy định thời hạn sử dụng đất công ích đối với mỗi lần thuê không quá 10 năm tùy theo mục đích sử dụng đất. UBND cấp tỉnh căn cứ vào thời hạn nêu trên quy định thời hạn cụ thể cho phù hợp với đặc thù từng tỉnh là để giải quyết những vướng mắc trong thời gian qua, một số dự án sử dụng đất cần thời gian dài hơn 5 năm nhưng không có cơ sở để xem xét, nhà đầu tư không yên tâm đầu tư vào đất.
|
Tỉnh ủy, Sở TNMT Thái Bình
|
Không thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 148 dự thảo. Đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành (thời hạn là 05 năm và không giao UBND tỉnh quy định).
|
Tỉnh ủy Lâm Đồng
|
Đề nghị quy định thống nhất thời hạn thuê đất là không quá 10 năm tránh phát sinh thủ tục hành chính là UBND tỉnh phải quy định thời hạn. cho phù hợp với khoản 3 Điều 148 dự thảo Luật này.
|
11. Trước khi hết hạn sử dụng đất ít nhất 06 tháng, người sử dụng đất có nhu cầu gia hạn sử dụng đất phải nộp hồ sơ Đề nghị gia hạn sử dụng đất. Sau thời hạn nêu trên mà người sử dụng đất không nộp hồ sơ Đề nghị gia hạn thì không được gia hạn sử dụng đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai
|
Đề nghị xem lại nội dung “Sau thời hạn nêu trên mà người sử dụng đất không nộp hồ sơ Đề nghị gia hạn thì không được gia hạn sử dụng đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật này” vì trong nhiều trường hợp chủ sử dụng đất có lý do chính đáng và quy hoạch sử dụng đất nhưng vẫn không giải quyết gia hạn là chưa thuận tình, việc này sẽ tạo nên nhiều vấn đề tranh cãi, đơn thư hoặc khởi kiện của người sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quản lý đất đai.
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Đề nghị sửa thành: Trong khoảng thời gian Trước khi hết hạn sử dụng đất từ 12 tháng đến 06 tháng người sử dụng đất có nhu cầu gia hạn sử dụng đất phải nộp hồ sơ Đề nghị gia hạn sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau:
Việc quy định như dự thảo để người sử dụng đất chủ động trong việc xác định thời điểm phải làm thủ tục đề nghị gia hạn sử dụng đất nếu có nhu câu. Nội dung này mang tinh thủ tục, tại Điều về đất sử dụng có thời hạn điều đã giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
|
Tỉnh ủy, Sở TNMT Thái Bình
|
Đề nghị bổ sung cụm từ “mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất” sau cụm từ “...thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật này”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định về các trường hợp bồi thường và không được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất được quy định cụ thể tại Chương về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
|
12. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
|
|
|
|
UBND Đắk Lắk
|
Bổ sung quy định về căn cứ để xác định thời gian gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng đất, đối với trường hợp không thuộc đối tượng điều chỉnh thời gian hoạt động của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc xác định dự án đầu tư thực hiện theo quy định của Luật đất tư hoặc pháp luật chuyên ngành.
|
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang
|
Bổ sung thêm thời hạn sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất trồng cây lâu năm.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Vĩnh Phúc
|
Về thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất và thời hạn khi nhận chuyển quyền sử dụng đất: cần quy định rõ đối với trường hợp thửa đất thực hiện dự án chuyển mục đích sử dụng đất có một phần thời hạn là "lâu dài" thì xác định như thế nào? hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: trường hợp thửa đất thực hiện dự án chuyển mục đích sử dụng đất có một phần thời hạn là "lâu dài" thì thực hiện theo quy định tướng ứng tại Điều này, không quy đinh trường hợp riêng để xử lý.
|
1. Thời hạn sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
|
|
|
|
b) Trường hợp chuyển đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối sang trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng thì hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất ổn định lâu dài;
|
Tỉnh ủy Sơn La
|
Đề nghị sửa thành: “b) Trường hợp chuyển đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối sang trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng thì hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất ổn định lâu dài;” vì theo Luật Lâm nghiệp không giao rừng đặc dụng cho hộ gia đình, cá nhân.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp thì nhà nước không giao rừng đặc dụng cho hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên việc chuyển mục đích đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối sang đất rừng phòng hộ thì chưa có rừng trên đất mà phải thực hiện trồng rừng.
|
|
UBND tỉnh Vĩnh Phúc
|
Cần quy định rõ đối với trường hợp thửa đất thực hiện dự án chuyển mục đích sử dụng đất có một phần thời hạn là "lâu dài" thì xác định như thế nào? hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp này.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
|
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
|
Quy định tại Dự thảo sẽ khiến chủ đầu tư dự án phải thực hiện hai lần thủ tục, một thủ tục theo quy định của pháp luật đầu tư, một thủ tục theo quy định tại pháp luật đất đai để được phép gia hạn dự án đầu tư, trong khi đó vấn đề điều kiện gia hạn thời hạn giao đất cùng được xem xét ở cả hai thủ tục. Mặt khác, cũng không rõ thủ tục nào sẽ thực hiện trước, thủ tục nào thực hiện sau.
Đề nghị xem xét thủ tục gia hạn khi dự án đầu tư hết thời hạn giữa Dự thảo và Luật Đầu tư 2020 để đảm bảo chủ đầu tư chỉ phải thực hiện một thủ tục, giữa các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự phối hợp để xem xét điều kiện gia hạn dự án và điều kiện gia hạn thời gian sử dụng đất của dự án.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Theo quy định của pháp luật về đầu tư thì dự án đầu tư phải có địa điểm cụ thể trước khi lập, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyêt, chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo logic này khi dự án đầu tư hết hạn thì phải được cơ quan quản lý đất đai có thẩm quyền xem xét về sự cần thiết tiếp tục cho dự án đầu tư được tiếp tục thực hiện hoặc thu hồi đất, đấu giá đấu thầu dự án có sử dụng đất để sử dụng vào mục đích khác nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
HĐND, Sở TNMT Ninh Thuận
|
Đề nghị sửa đổi theo hướng bỏ hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc tăng hạn mức cao hơn hoặc quy định hạn mức áp dụng chung cho cả nước, không phân chia theo khu vực địa bàn cả nước.
Đề nghị sửa đổi “đất trồng cây hàng năm” thành “Đất trồng lúa” và “Đất trồng cây hàng năm khác” để phù hợp với Điều 11 dự thảo Luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì tại Nghị quyết số 18-NQ/TW không đặt ra vấn đế mở rộng hạn mức giao đất và chỉ mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
Về đề nghị sửa cụm từ “đất trồng cây hàng năm”, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên vì không cần phải quy định chi tiết các loại đất trong nhóm đất trồng cây hàng năm.
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Đề nghị bổ sung về hạn mức công nhận đối với diện tích đất nông nghiệp có nguồn gốc khai hoang.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với đất sử dụng trong hạn mức, diện tích vuợt hạn mức phải chuyển sang thuê.
|
Tỉnh ủy Lâm Đồng
|
Dự thảo Luật chưa quy định về hạn mức công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; đề nghị bổ sung quy định.
|
1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Đề nghị sửa thành: “Hạn mức giao đẩt trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 05 ha.”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì tại Nghị quyết số 18-NQ/TW không đặt ra vấn đế mở rộng hạn mức giao đất và chỉ mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
|
a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
|
Tỉnh ủy , HĐND Gia Lai
|
Đề nghị bổ sung như sau: a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên;
|
b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
|
|
|
|
2. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Đề nghị sửa thành “Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 15 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì tại Nghị quyết số 18-NQ/TW không đặt ra vấn đế mở rộng hạn mức giao đất và chỉ mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
|
3. Hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 héc ta đối với mỗi loại đất:
|
|
|
|
a) Đất rừng phòng hộ;
|
|
|
|
b) Đất rừng sản xuất.
|
|
|
|
4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 héc ta.
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Đề nghị sửa thành “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 10 héc ta”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì tại Nghị quyết số 18-NQ/TW không đặt ra vấn đế mở rộng hạn mức giao đất và chỉ mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
|
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Đề nghị sửa thành “Trường hợp hộ gia đình, cả nhăn được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi”.
|
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 héc ta.
|
|
|
|
7. Đối với diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ngoài xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng, nếu là đất được giao không thu tiền sử dụng đất thì được tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình, cá nhân.
|
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
|
Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể về thời hạn và phương thức gửi thông báo.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này mang tính thủ tục vì vậy sẽ được hướng dẫn tại văn bản quy định chi tiết ban hành
|
Cơ quan quản lý đất đai nơi đã giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân gửi thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi hộ gia đình, cá nhân đó đăng ký hộ khẩu thường trú để tính hạn mức giao đất nông nghiệp.
|
|
|
|
|
HĐND tỉnh Hải Dương
|
Chỉ quy định cụ thể các yếu tố xác định hạn mức, còn quy định hạn mức cụ thể hạn mức nhận chuyển nhượng của hộ gia đình, cá nhân cho địa phương quy định phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Vấn đề mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là một vấn đề lớn, liên quan đến chính sách người cày có ruộng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng cho phép mở rộng hạn mức này cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó dự thảo Luật quy định hạn mức tối đa và giao cho Hội đồng nhân dân quy định cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
|
1. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 145 của Luật này.
|
Sở TNMT Hưng Yên, HĐND TP Hà Nội, HĐND tỉnh Gia Lai
|
Không quy định cụ thể hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp trong Luật Đất đai mà giao địa phương quy định của thề phù hợp với điện kiện của từng địa phương.
|
HĐND tỉnh Bến Tre
|
Hạn mức quá nhỏ không kích thích mở rộng quy mô sản xuất để sản xuất lớn, không hỗ trợ công nghiệp hóa nông nghiệp. Đề nghị xem xét lại có thể quy định quy hạn mức cao hơn.
|
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
|
Đề nghị xem xét quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Điều 146 với quy định về tích tụ đất đai quy định tại Điều 161 để đảm bảo thống nhất trong quy định.
|
|
TU Bình Thuận
|
Đề nghị xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 145 của Luật này.
|
|
2. Việc xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:
|
TU Bình Thuận
|
Nội dung tại khoản 2 và khoản 3 đề nghị bỏ, việc xác định các điều kiện kèm theo (Điều kiện đất đai và công nghệ sản xuất; Chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hóa) là phức tạp, khó thực hiện; đảm bảo việc tích tụ, tập trung đất đai theo Điều 160, Điều 161 của dự thảo Luật.
|
Nội dung này cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo như sau:
Việc quy định điều kiện đất đai và công nghệ sản xuất; chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hóa làm cơ sở để UBND các tỉnh có tiêu chí để quy định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương
|
3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
|
UBND tỉnh Quảng Ninh
|
Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi theo hướng: UBND cấp tỉnh căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi ban hành quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
BT Bộ Tài chính
|
Đề bổ sung khoản 4 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải sử dụng đúng mục đích sử dụng đất nông nghiệp, không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh sửa cụ thể vào khoản 4 Điều 181 của dự thảo Luật.
|
|
|
|
|
3. Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch và được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch. Đối với đất trồng lúa thì thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 151 của Luật này.
|
TW Hội Nông dân
|
Cần làm rõ nội dung “nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch” bởi vì khi cho phép “sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ” tức là diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm do một phần đất nông nghiệp đã chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp. Đồng thời, nên quy định rõ việc chuyển mục đích trong trường hợp này “phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc chung và giao cho Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng đất kết hợp đảm bảo phù hợp với từng loại đất, quy mô diện tích và theo vùng, miền, để đảm bảo linh hoạt hơn trong quá trình thực hiện.
|
Tỉnh ủy Sơn La
|
Đề nghị hướng dẫn về “tỷ lệ nhất định bằng con số cụ thể”
|
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề nghị bổ sung quy định việc sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại điều về nguyên tắc sử dụng đất của dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và trong các điều khoản khác của Luật này quy định cụ thể về về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; do đó không cần quy định các nội dung nêu trên tại Điều này.
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre
|
Đề nghị quy định cụ thể trình tự lập, thẩm quyền phê duyệt, quản lý quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích
|
Sở TNMT Ninh Thuận
|
Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích: Đề nghị sửa đổi “đất trồng cây hàng năm” thành “Đất trồng lúa” và “Đất trồng cây hàng năm khác” để phù hợp với Điều 11 dự thảo Luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì đất trồng cây hàng năm là nhóm đất chung bao gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác.
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Đề nghị sửa đổi, bổ sung thành: Căn cứ vào quỹ đẩt, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quả 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đẩt nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương trình UBND huyện phê duyệt để thực hiện.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Vị trị, diên tích quỹ đất đất công ích do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý được thể hiện trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng và trong hồ sơ quản lý đất đai có liên quan nên không cần thiết phải ban hành quyết định phê duyệt.
|
HĐND tỉnh Hải Dương
|
Đề nghị bổ sung quy định về quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích mà định hướng sử dụng mục đích khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Kiến nghị của địa phương đã được quy định tại Điều về đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của Dự thảo Luật.
|
1. Căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.
|
UBND Đà Nẵng
|
Đề nghị bổ sung thêm nội dung như sau: “Hằng năm, UBND xã, phường, thị trấn rà soát quỹ đất 5% trình UBND cấp huyện phê duyệt danh sách các trường hợp thuộc quỹ đất 5% để thuận lợi trong công tác quản lý và sử dụng đúng mục đích. ”
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sử dụng vào các mục đích sau đây:
|
|
|
|
a) Xây dựng các công trình công cộng của xã, phường, thị trấn bao gồm công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và các công trình công cộng khác theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
|
Bộ Văn hóa TT&DL
|
Đề nghị chỉnh sửa điểm a khoản 2 Điều 148 như sau: “a) Xây dựng các công trình công cộng. thể dục thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí công cộng.” vì hiện nay có nhiều loại hình du lịch mới gắn với mô hình sinh thái, nông nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Mục tiêu để lại quỹ đất 5% do UBND xã quản lý là phục vụ các mục tiêu công ích quy định tại khoản này. Qua rà soát thực tiễn triên khai cho thấy quy định này đảm bảo phù hợp, việc đề xuất bổ sung thêm các trường hợp sử dụng như du lịch, phát triển kinh tế… là không phù hợp với mục tiêu sử dụng của các loại đất này.
|
UBND tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Bình
|
Đề nghị bổ sung thêm nội dung sử dụng đất công ích (5%) để thực hiện các dự án phi nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
|
HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ
|
Đề nghị bổ sung mục đích để chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn cho phù hợp với khoản 1 Điều 165. Đồng thời bổ sung mục đích phát triển kinh tế xã hội cho phù hợp với Điều 67.
|
Tỉnh ủy Lâm Đồng
|
Đề nghị bỏ cụm từ “theo quy định của ủy ban nhân dân cấp tinh
|
Việc giao cho UBND cấp tỉnh là để cho tỉnh quy định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
|
b) Bồi thường cho người có đất được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng quy định tại điểm a khoản này;
|
|
|
|
c) Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
|
Tỉnh ủy Hậu Giang, Sở TNMT Hậu Giang, UBND tỉnh Hòa Bình, UBND Bà Rịa – Vũng Tàu
|
Tại khoản 2 Điều 149 (dự thảo) quy địnhQuỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sử dụng vào mục đích sau đây “c) Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương” như vậy, trường hợp này sẽ không phù hợp với mục đích sử dụng đất (đất nông nghiệp - đất ở).
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung dự thảo quy định mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sử dụng vào mục đích sau đây “c) Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương”, theo quy định này thì khi nhà nước sử dụng quỹ đất công ích sang mục đích khác thì phải đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thực hiện việc chuyển mục đích theo quy định của Luật này.
|
3. Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 10 năm tùy theo mục đích sử dụng đất.
|
Tỉnh ủy, Sở TNMT Thái Bình
|
Đề nghị giữ nguyên thời hạn thuê đất công ích là 05 năm
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Quảng Ngãi
|
Đề nghị việc cho thuê quỹ đất nông nghiệp vào mục đích công ích không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Vì thực tế quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích ở địa phương manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả sử dụng thấp, thời gian thuê ngắn nên kinh phí tổ chức đấu giá nhiều hơn tiền thuê đất thu được.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tạo công bằng tránh trường hợp cơ chế xin cho.
|
Tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích phải nộp vào ngân sách nhà nước.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
UBND tỉnh Vĩnh Phúc
|
Về đất nông nghiệp do tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng cần quy định cụ thể về thời điểm chuyển sang thuê đất và tính tiền thuê đất là từ khi Luật này có hiệu lực thi hành hay khi cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển sang thuê đất để làm căn cứ tính tiền thuê đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định này được hiểu sau khi Luật này có hiệu lực thi hành thì các trường hợp thuộc đối tượng điều chỉnh tại Điều này phải thực hiện chuyển sang thuê đất; việc tính tiền thuê đất là từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển sang thuê đất
|
|
|
|
|
1. Các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông trường, lâm trường có trách nhiệm:
|
|
|
|
b) Xây dựng phương án sử dụng đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Nội dung phương án sử dụng đất phải thể hiện vị trí, ranh giới sử dụng đất; diện tích đất Đề nghị giữ lại sử dụng theo từng loại đất, hình thức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; diện tích đất bàn giao cho địa phương.
|
Bộ NN&PTNT
|
Đề xuất bổ sung thời điểm phải xây dựng phương án sử dụng đất là “Khi sắp xếp, cơ cấu lại công ty nông, lâm nghiệp theo quy định của Chính phủ thì phải xây dựng phương án sử dụng đất”.Việc quy định như trên đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc, không để tình trạng tùy tiện bắt các công ty nông, lâm nghiệp xây dựng phương án sử dụng đất và yêu cầu trả đất về địa phương.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
|
|
|
|
d) Quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích bàn giao cho địa phương theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt; diện tích đang cho thuê, cho mượn trái pháp luật; bị lấn, chiếm; liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư không đúng quy định thì Nhà nước quyết định thu hồi đất để tạo quỹ đất theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 101 của Luật này.
|
Bộ NN&PTNT
|
Điểm d khoản 2 đề nghị sửa thành: “Quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích bàn giao cho địa phương theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt; diện tích đang cho thuê, cho mượn trái pháp luật; diện tích bị lấn, chiếm mà không có biện pháp ngăn chặn; liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư không đúng quy định thì Nhà nước quyết định thu hồi đất để tạo quỹ đất theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 101 của Luật này”.
- Bổ sung quy định thời điểm phải xây dựng phương án sử dụng đất, như sau: “Khi sắp xếp, cơ cấu lại công ty nông, lâm nghiệp theo quy định của Chính phủ thì phải xây dựng phương án sử dụng đất”.
- Bổ sung quy định thời điểm tính tiền thuê đất đối với diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng theo hình thức giao đất phải chuyển sang thuê đất.
“Đối với diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng thuộc thuộc trường hợp phải chuyển sang thuê đất thì thời điểm bắt đầu tính tiền thuê đất là thời điểm kí hợp đồng thuê đất”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo để thống nhất áp dụng với các trường hợp đã thực hiện trong thời gian qua.
Về thời điểm tính tiền thuê đất đã được quy định tại Điều về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự thảo Luật.
|
4. Đối với diện tích đất mà tổ chức sử dụng đất đã giải thể; diện tích đất bàn giao cho địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập phương án sử dụng theo thứ tự ưu tiên sau:
|
TU, UBND Đắk Lắk
|
Đề nghị xem xét, sửa đổi thành:
4. Đối với diện tích đất mà tổ chức sử dụng đất đã giải thể; diện tích đất bàn giao cho địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp huyện lập, phê duyệt phương án sử dụng theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Xây dựng các công trình công cộng;
b) Giao đất, cho thuê đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất;
c) Công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất là người nhận khoán, người đang thuê đất sử dụng đất nếu người sử dụng đất có nhu cầu và việc sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương;
d) Sử dụng vào mục đích khác theo quy hoạch sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định thẩm quyền UBND cấp tỉnh phù hợp với quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với đối tượng sử dụng đất là tổ chức.
|
b) Công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất là người nhận khoán, người đang thuê đất sử dụng đất nếu người sử dụng đất có nhu cầu và việc sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương;
|
UBND Đà Nẵng
|
Đề nghị bổ sung thành nội dung như sau: ”b) Công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất là người nhận khoán, người là công nhân Lâm trường, nông trường nhận hóa giá nhà của các Lâm trường, nông trường và sử dụng đất on định từ trước ngày 01/7/2014 nhưng chưa được cấp GCN QSDĐ; người đang thuê đất sử dụng đất nếu người sử dụng đất có nhu cầu và việc sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương; ”
|
|
|
|
|
|
2. Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng rừng, chăn nuôi tập trung, làm muối và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
|
Bộ NN&PTNT
|
Đề nghị sửa thành: “2. Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng rừng, chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản, làm muối và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.”
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.
|
|
|
|
4. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ.
|
Tỉnh ủy Nam Định, Sở TNMT Nam Định
|
Đề xuất bổ sung vào khoản 4 đoạn sau:“...theo quy định của Chính phủ; đồng thời phải bóc tách riêng tầng đất mặt đó để sử dụng vào mục đích nông nghiệp theo quy định của Luật Trồng trọt.”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định phải bóc tách riêng tầng đất mặt được quy định trong Luật Trồng trọt, nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai.
|
Tỉnh ủy, HĐND Trà Vinh
|
Đề nghị bổ sung cụm từ “cho phép chuyển mục đích sử dụng đất” sau cụm từ “cho thuê đất”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: việc chuyển mục đích từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án thì nhà nước phải thực hiện thêm bước giao đất, cho thuê đất. Do đó, không cần thiết phải bổ sung cụm từ chuyển mục đích sử dung đất như ý kiến góp ý.
|
Tỉnh ủy, UBND Bến Tre
|
- Đề nghị quy định rõ trường hợp giao, cho thuê đất nào phải nộp tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa.
- Các dự án sản xuất kinh doanh trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp thì không thực hiện thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa khi được nhà nước giao, cho thuê đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định việc chuyển mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải nộp một khoản tiền sẽ được Chính phủ quy định cụ thể.
|
Bộ NN&PTNT
|
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
5. Người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa theo quy hoạch, phù hợp với quy định của pháp luật.
|
Bộ NN&PTNT
|
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn
|
Quy định thêm một nội dung về đất chăn nuôi nhỏ, lẻ quy mô hộ gia đình thì sẽ thống kê là loại đất gì
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc chăn nuôi, nhỏ lẻ kết hợp trong khu dân cư thì được thống kê theo mục đích chính như đất ở, đất nông nghiệp…
|
|
UBND Đăk Lắk
|
Bổ sung về điều kiện tự nguyện trả lại đất, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp được giao, được thuê quản lý, sử dụng đất rừng (đất lâm nghiệp) có diện tích lớn cho phù hợp quy định của Luật Lâm nghiệp
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định về điều kiện trả lại đất khi không có nhu cầu sử dụng đất đã quy định tại Điều về thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người của Dự thảo Luật.
|
1. Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo quy định của luật này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
|
Sở TNMT, UBND tỉnh Yên Bái
|
Tại khoản 1, 2 Đề nghị làm rõ Nhà nước giao đất rừng sản xuất có bao gồm đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên không? Vì sẽ liên kết với khoản 4 Điều này là cả 02 hình thức “giao đất không thu tiền, cho thuê đất hàng năm” đều được.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung quy định tại Điều về đất rừng sản xuất của dự thảo Luật là quy định chung cả đất rừng sản xuất là rừng trồng, và rừng tự nhiên. Còn hình thức giao đất tương ứng với từng loại rừng được quy định tại Điều này
|
2. Nhà nước giao đất rừng sản xuất không thu tiền sử dụng đất cho các đối tượng sau đây:
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn
|
Quy định rõ hơn về việc cư trú hợp pháp trong trường hợp tại các đơn vị hành chính cấp xã giáp ranh với nhau
|
b) Cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có đất rừng sản xuất mà có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng;
|
UBND tỉnh Bắc Kạn
|
Quy định rõ hơn về việc cư trú hợp pháp trong trường hợp tại các đơn vị hành chính cấp xã giáp ranh với nhau
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: việc xác định về cư trú hợp pháp theo pháp luật về cư trú
|
c) Đơn vị vũ trang nhân dân;
|
UBND tỉnh Quảng Trị
|
Đề nghị thống nhất cụm từ là “đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” cho phù hợp với khoản 3 Điều này
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
d) Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ đối với diện tích đất rừng sản xuất xen kẽ trong diện tích đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ.
|
UBND tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Bình
|
Đề nghị sửa thành “d) Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung dự thảo Luật đã quy định như ý kiến góp ý.
|
3. Nhà nước cho tổ chức kinh tế, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, hộ gia đình, cá nhân thuê đất rừng sản xuất để sản xuất lâm nghiệp theo quy định sau đây:
a) Cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm đối với đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên;
b) Cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với đất rừng sản xuất là rừng trồng.
|
Bộ KH&ĐT
|
- Tại khoản 3, đề nghị xem xét, bỏ quy định về mục đích của cho thuê đất rừng sản xuất “... để sản xuất lâm nghiệp; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp”; vì đã được quy định cụ thể tại pháp luật về lâm nghiệp, rừng sàn xuất được sử dụng vào các mục đích: sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nệhiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dường, giải trí;...; hoặc quy định cụ thể, đông bộ với Luật Lâm nghiệp: "... đê sàn xuất lâm nghiệp; sản xuảt lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; kinh doanh du lịch sinh thải, nghi dưỡng, giải trí. ”
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: mục đích chính của việc sử dụng đất rừng là để sản xuất lâm nghiệp. Tuy nhiên, tại khoản 5 của dự thảo Luật đã có quy định về việc cho phép sử dụng đất kết hợp.
|
5. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều này được sử dụng kết hợp với mục đích khác theo quy định tại Điều 184 của Luật này nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất.
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị sửa lại như sau: “5.Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều này được sử dụng kết hợp với mục đích du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí, sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp và được sử dụng kết hợp với mục đích khác theo quy định tại Điều 184 của Luật này nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất.”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp thì không có quy định sử dụng rừng sản xuất kết hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí; do đó cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
|
Bộ KH&ĐT
|
“5. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều này được xây dụng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng; du lịch sinh thải, nghỉ dưỡng, giải trí, mà không phải chuyền mục đích sử dụng đất rừng phòng sản xuất và sử dụng két hợp với mục đích khác theo quy định tại Điều 184 của Luật này nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất.”. Do, quy định của pháp luật về lâm nghiệp, được phép xây dựng các công trình phục vụ bảo vệ và phát triển rừng; công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, không làm thay đổi chức năng của khu rừng; về bản chất, diện tích đất xây dựng các công trình này vẫn thuộc quy hoạch là đất rừng sản xuất.
|
|
|
|
|
|
1. Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để quản lý rừng phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cho các đối tượng sau đây:
|
|
|
|
b) Tổ chức kinh tế đối với đất rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích đất rừng sản xuất của tổ chức đó;
|
Sở TNMT, UBND tỉnh Yên Bái, Tỉnh ủy Yên Bái
|
Đề nghị xem xét kỹ quy định này và để đảm bảo trong quá trình thực hiện sẽ dễ bị lách luật. Bên cạnh đó, hiện nay theo quy định thì các tổ chức kinh tế được thuê đất rừng sản xuất để kinh doanh trồng rừng, phát triển rừng nhưng tại quy định này lại đang quy định diện tích đất rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích đất rừng sản xuất của tổ chức đó lại quy định là được giao đất rừng phòng hộ để quản lý như vậy là không phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp thì tổ chức kinh tế được giao rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất của tổ chức đó; quy định như dự thảo đảm bảo thống nhất, đồng bộ với pháp luật về lâm nghiệp.
|
2. Ban quản lý rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khi sử dụng đất rừng phòng hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này được sử dụng kết hợp với mục đích du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí. Đối với diện tích đất sử dụng kết hợp phải đáp ứng các điều kiện về sử dụng đất khi sử dụng đất kết hợp theo quy định tại Điều 184 và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 124 của Luật này.
|
Bộ Văn hóa TT&DL
|
Đề nghị sửa khoản 2 Điều 154 như sau: “2. Ban quản lý rừng phòng hộ,... khi sử dụng đất rừng phòng hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này được sử dụng kết hợp với mục đích du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định như dự thảo đảm bảo thống nhất với các trường hợp được kết hợp theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị chỉnh sửa thành “2 . Ban quản lý rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khi sử dụng đất rừng phòng hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này được sử dụng kết hợp với mục đích du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí, sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kế hợp. Đối với diện tích đất sử dụng kết hợp phải đáp ứng các điều kiện về sử dụng đất khi sử dụng đất kết hợp theo quy định tại Điều 184 và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 124 của Luật này.” Để đảm bảo tính thống nhất khi sử dụng đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ được sử dụng kết hợp.
|
Bộ NN&PTNT,
Bộ KH&ĐT
|
Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu nội dung liên quan đến xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng mà không phải chuyển mục đích sử dụng đất rừng. Đối với nội dung xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí…, đề nghị thực hiện theo quy định tại Điều đất sử dụng đa mục đích của dự thảo Luật (đất sử dụng đa mục đích) để bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.
|
|
Bộ KH&ĐT
|
Đề nghị chỉnh sửa kỹ thuật đối với các nội dung tại Điều này.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: các nội dung về đất rừng phòng hộ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi thống nhất và tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
|
|
|
|
|
2. Ban quản lý rừng đặc dụng giao khoán đất rừng đặc dụng thuộc phân khu phục hồi sinh thái cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ để bảo vệ và phát triển rừng. Căn cứ điều kiện cụ thể, ban quản lý rừng đặc dụng phối hợp với chính quyền địa phương lập dự án di dân, tái định cư trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt để di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.
|
Bộ NN&PTNT, BKHĐT
|
Đề nghị bỏ đoạn: “Ban quản lý rừng đặc dụng giao khoán đất rừng đặc dụng thuộc phân khu phục hồi sinh thái cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ để bảo vệ và phát triển rừng”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng là để xử lý các vấn đề tồn tại trong quá trình quản lý sử dụng đất từ trước tới nay; do đó cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên quy định này trong dự thảo Luật.
|
3. Ban quản lý rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất rừng đặc dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này được sử dụng kết hợp với mục đích du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí. Đối với diện tích đất sử dụng kết hợp phải đáp ứng các điều kiện về sử dụng đất khi sử dụng đất kết hợp theo quy định tại Điều 184 và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 124 của Luật này.
|
Bộ NN&PTNT
|
Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
BKH&ĐT
|
Đề nghị chỉnh sửa kỹ thuật đối với các nội dung tại Điều này.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: các nội dung về đất rừng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi thống nhất và tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
|
|
UBND tỉnh Quảng Trị
|
Đề nghị sửa lại thành Đất làm ruộng muối. để phù hợp với Điều 11 dự thảo Luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại Điều về phân loại đất đã quy định cụm từ này để sử dụng trong toàn bộ dự thảo Luật
|
|
|
|
|
Ao, hồ, đầm được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp với mục đích phi nông nghiệp. Việc sử dụng đất phải đảm bảo cảnh quan, bảo vệ môi trường và không được làm ảnh hưởng đến mục đích chính của công trình sử dụng đất có mặt nước nội địa.
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để san lấp hoặc đào hồ, đầm, tạo không gian thu, trữ nước, tạo cảnh quan thì phải đánh giá tác động môi trường và được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
|
Sở TNMT Hậu Giang
|
Đề nghị bổ sung quy định giao đất, cho thuê đất đối với các công trình, dự án xây dựng cảng, bến thuỷ nội địa.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đối với đất xây dựng cảng, bến thủy nội địa thuộc nhóm đất giao thông
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn, Tỉnh ủy, Sở TNMT Hậu Giang
|
Đề nghị xem xét thống nhất đối với đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Các dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường. Do đó, việc quy định như dự thảo là phù hợp.
|
4. Chính phủ quy định chi tiết điều này.
|
|
|
|
|
Bộ Xây dựng
|
Thực tiễn có các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị được giao đất bao gồm phần diện tích đất liền và phần mặt nước. Qua thời gian triển khai đầu tư xây dựng lấn biển đã hình thành nên phần diện tích đất xây dựng mới, do đó cần có quy định hướng dẫn cụ thể về việc xác định phần diện tích đất và phần mặt nước, cũng như thời điếm phần diện tích mặt nước hình thành phần diện tích đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Các nội dung liên quan đến việc lấn biển quy định tại điều này cần có trình tự, thủ tục thực hiện cụ thể. Trên cơ sở các quy định mang tính nguyên tắc cho hoạt động lấn biển, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Hiện nay, Chính phủ cũng đang dự thảo Nghị định quy định về lấn biển
|
UBND Kiên Giang
|
Việc lấn biển có ảnh hưởng đến phạm vi của 03 khu vực: đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, khu vực biển, theo định hướng của dự thảo luật sẽ phân dự án ra nhiều thủ tục để thực hiện như giao đất có mặt nước, giao khu vực biển,.. .gây khó khẵn trong đầu tư dự án. Do đó, cần nghiên cứu Luật hóa việc giao đất để thực hiện dự án lấn biển theo hướng không phân biệt loại đất, việc giao đất dựa trên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được duyệt; về trình tự, thủ tục thực hiện như giao đất cho dự án đầu tư có sử dụng đất thông thường; về giá đất được xác định theo phương pháp định giá đất đối với dự án lấn biển là phương pháp thặng dư (có xem xét đến chi phí san lấp lấn biển, bờ kè,.. .của nhà đầu tư), loại đất để tính tiền sử dụng đất tính theo loại đất đã hình thành sau khi lấn biển theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt để dễ dàng thực hiện hơn trong thực tiển.
|
1. Đất có mặt nước ven biển được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để sử dụng vào các mục đích theo quy định của Luật này.
|
Sở TNMT Ninh Thuận
|
Đề nghị quy định cụ thể về phạm vi để xác định diện tích đất mặt nước ven biển.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung này sẽ được quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
|
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang
|
Bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý đất bãi bồi ven sông, đất mặt nước ven biển để đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước về đất đai được đồng bộ, thống nhất và thể hiện vai trò, trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý, sử dụng; tránh trường hợp lấn, chiếm xảy ra.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Trách nhiệm quản lý đất chưa giao, chưa cho thuê được quy định tai điều khoản khác trong Luật này.
|
1. Đất bãi bồi ven sông, ven biển
|
|
|
|
a) Đất bãi bồi ven sông, ven biển bao gồm đất bãi bồi ven sông, đất cù lao trên sông, đất bãi bồi ven biển và đất cù lao trên biển;
|
Bộ NN&PTNT
|
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Nhà nước có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để khai hoang đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng và có chính sách khuyến khích tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đầu tư đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
|
Bộ NN&PTNT
|
Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau: “2. Nhà nước có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để khai hoang đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng và có chính sách khuyến khích tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đầu tư đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan”.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Việc sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển dựa trên nguyên tắc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Đề nghị sửa thành “Việc sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển dựa trên nguyên tắc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan ”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Theo khoản 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: “3. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác.”. Do đó, Dự thảo Luật quy định “bảo vệ môi trường” đã bao gồm cả việc bảo vệ nguồn nước.
|
|
|
|
|
2. Các phương thức tập trung đất nông nghiệp
|
HĐND, Sở TNMT Ninh Thuận
|
Khoản 2 Điều 160 quy định: “Các phương thức tập trung đất nông nghiệp
a) Dồn điền, đối thửa;
b) Thuê quyền sử dụng đất;
c) Góp quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất nông nghiệp.”
Tuy nhiên, tại khoản 36 Điều 3 dự thảo Luật quy định “Tập trung đất nông nghiệp là việc tăng quy mô diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua phương thức hợp tác, chuyển đổi hoặc thuê quyền sử dụng đất của người khác mà không làm mất đi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.”. Đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh để quy định thống nhất.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
a) Dồn điền, đổi thửa;
|
UBND tỉnh Bạc Liêu
|
Đề nghị giải thích thêm từ ngữ cụm từ này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định khái niệm dồn điền, đổi thửa đã được quy định tại Điều về giải thích từ ngữ của dự thảo Luật.
|
4. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quyết định. Trường hợp trong phương án sử dụng đất có thay đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp thì phải thỏa thuận với chủ sử dụng đất về phương án hoàn trả đất nông nghiệp sau khi đã tham gia tập trung đất đai. Trường hợp tập trung đất nông nghiệp mà phải điều chỉnh lại quyền sử dụng đất thì thực hiện theo quy định tại Điều 185 của Luật này.
|
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
|
Thủ tục về tập trung đất nông nghiệp đang không rõ, có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đề nghị quy định rõ hoặc giải trình về vấn đề này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung này liên quan đến trình tự, thủ tục thực hiện. Tại Điều về tập trung đất nông nghiệp đã giao Chính phủ quy định chi tiết. Cơ quan chủ trì đã soạn thảo và trình đồng thời cùng với hồ sơ dự án Luật.
|
|
Tỉnh ủy Lâm Đồng
|
Điều này quy định tổ chức được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng trong quy định lại không có quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức. Đề nghị nghiên cứu thêm vấn đề này.
|
Nội dung này cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo như sau:
Dự thảo Luật không quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức. Việc tiếp cận đất đai của tổ chức phải thông qua dự an đầu tư, trong dự án sẽ thể hiện nhu cầu sử dụng đất
|
3. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ đất đai với quy mô phù hợp để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tích tụ.
|
Bộ NN&PTNT
|
Khái niệm “quy mô phù hợp để sản xuất nông nghiệp” rất chung chung. Đề nghị làm rõ căn cứ để xác định quy mô phù hợp, cơ quan nào sẽ quy định điều này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Các vấn đề liên quan đến quy mô sử dụng đất và các chính sách sử dụng đất cụ thể sẽ được Chính phủ quy định.
|
UBND tỉnh Quảng Trị
|
Nên bổ sung sửa đổi thành:
“Nhà nước có chỉnh sách khuyến khích tể chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ đất đai với quy mô phù hợp để sản xuất nông nghiệp theo các vùng sinh thái và lập địa khác nhau; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tích tụ”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định như dự thảo có tính bao quát nội dung của địa phương kiến nghị.
|
|
Sở TN&MT Yên Bái, Tỉnh ủy Yên Bái
|
Đề nghị làm rõ khái niệm cụm từ đất vườn, đất vườn là những loại đất nào trong Phân loại đất quy định tại Điều 11.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: việc xác định diện tích đất ở đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao, hạn mức đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân được quy định tại Điều về xác định diện tích đất ở đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao, hạn mức đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân của Dự thảo.
|
1. Đất ở do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại nông thôn gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
|
Tỉnh ủy, Sở TN&MT Hà Nam,
|
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: việc quy định như dự thảo Luật được kế thừa từ Luật Đất đai năm 2013. Do đó, việc sửa đổi câu chữ sẽ gây tốn kèm không cần thiết.
|
UBND tỉnh Vĩnh Phúc
|
Đề nghị bỏ cụm "vườn, ao" và hiểu gộp chung thành "các công trình phục vụ đời sống" để tránh hiểu sai định nghĩa là toàn bộ "đất ở" vì đây là 02 loại đất có mã khác với đất ở.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định này có tính kế thừa và phù hợp với tập quán sử dụng đất ở có vườn ao của nước ta Việc đất ở được sử dụng làm vườn, ao là được phép và phù hợp với truyền thống xây dựng nhà ở tại nông thôn ở nước ta. Do đó, việc loại bỏ cụm từ “vườn, ao” ra khỏi đất ở sẽ dẫn đến tác động không nhỏ đến quyền sử dụng đất của người dân đang sử dụng đất tại nông thông đặc biệt là các trường hợp đất có nguồn gốc do cha, ông để lại.
|
Sở TN&MT Quảng Ngãi
|
Đề nghị điều chỉnh bỏ “vườn, ao”; Vì căn cứ vào điều này, khi thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư hoặc công nhận đất ở thì người dân sẽ cho rằng vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn đương nhiên là đất ở.
|
Sở TN&MT Quảng Ngãi
|
Đề nghị bỏ trường hợp “ao” ra khỏi đất có mặt nước nội địa. Vì thực tế “ao” là người dân tự đào trên phần diện tích đất được giao để sản xuất nông nghiệp, diện tích nhỏ.
|
HĐND, UBND Sở TNMT tỉnh Ninh Thuận
|
Đề nghị bổ sung thêm trường hợp: đang sử dụng đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng đất đã được sử dụng trước thời điểm quy hoạch.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định như trên là kế thừa Luật Đất đai 2013 và trong thực tiễn áp dụng không có vướng mắc.
|
|
Sở TN&MT Yên Bái, Tỉnh ủy Yên Bái
|
Đề nghị làm rõ khái niệm cụm từ đất vườn, đất vườn là những loại đất nào trong Phân loại đất quy định tại Điều 11.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: việc xác định diện tích đất ở đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao, hạn mức đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân được quy định tại Điều về Xác định diện tích đất ở đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao, hạn mức đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân của Dự thảo.
|
HĐND, UBND tỉnh Ninh Thuận
|
Đề nghị bổ sung thêm trường hợp: đang sử dụng đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng đất đã được sử dụng trước thời điểm quy hoạch.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định như trên là kế thừa Luật Đất đai 2013 và trong thực tiễn áp dụng không có vướng mắc.
|
|
|
|
|
|
UBND tỉnh Hà Tĩnh
|
Đề nghị làm rõ hơn về loại đất này về tiêu chí thống kê (cụ thể hay tổng thể); trường hợp cụ thể: Đất ở đô thị và đất ở nông thôn, còn trường hợp tổng thể (cần theo mục đích chính là gì?). Tránh tình trạng khi thống kê, kiểm kê quỹ đất sẽ đưa vào trùng lặp nhiều lần như: Đất ở, đất giao thông, thuỷ lợi, công cộng, đất nông nghiệp…
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đất sử dụng để chỉnh trang đô thị gồm đất chỉnh trang khu vực nội thành, nội thị hiện có; đất được quy hoạch để mở rộng đô thị.
Đất sử dụng để chỉnh trang khu dân cư nông thôn gồm đất chỉnh trang trong khu dân cư hiện có, đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất được quy hoạch để mở rộng khu dân cư nông thôn.
Do đó, đây là chế độ sử dụng đất đối với một số loại đất để sử dụng vào mục đích chỉnh trang đô thị và ku dân cư nông thôn không phải là loại đất cụ thể.
|
4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được góp quyền sử dụng đất để xây dựng, chỉnh trang các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp hoặc Nhà nước hỗ trợ. Việc tự nguyện góp quyền sử dụng đất, bồi thường hoặc hỗ trợ do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó tự thỏa thuận. Việc điều chỉnh lại quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Điều 185 của Luật này.
|
Hiệp hội Ngân hàng VN
|
Quy định tại Điều này về việc góp quyền sử dụng đất là chưa thực sự phù hợp và chưa thống nhất với định nghĩa tại khoản 13 Điều 3 Dự thảo Luật này.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
2. Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, ngoại giao và các công trình sự nghiệp khác.
|
Bộ Văn hóa TT&DL
|
Sửa khoản 2 Điều 166 như sau: “2. Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, du lịch, khoa học và công nghệ, môi trường, ngoại giao và các công trình sự nghiệp khác. ”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Các công trình phục vụ du lịch như khách sạn, nhà nghỉ… tại các khu du lịch đã được xếp vào các loại đất cụ thể như đất thương mại, dịch vụ, đất có di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh…
|
Tổng cục Khí tượng thủy văn
|
Đề nghị bổ sung cụm từ: “khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai”, thể như sau: “2. Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai, môi trường, ngoại giao và các công trình sự nghiệp khác.”
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Vĩnh Phúc
|
Đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp cần nghiên cứu và tách bạch các công trình sự nghiệp công và công trình sự nghiệp ngoài nhà nước cần xác định rõ là loại đất thương mại, dịch vụ như: bệnh viện tư, trường dân lập, sân golf.. để thống nhất về mục đích và mã loại đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Hiện nay đối với các công trình sự nghiệp sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước đã có các chính sách về xã hội hóa và chính sách thu tiền sử dụng đất riêng do đó đề nghị giữ nguyên như dự thảo để thống nhất mục đích sử dụng đất. Ví dụ bệnh viện tư nhân và bệnh viên công đều được thống kê là đất công trình sự nghiệp.
|
|
HĐND tỉnh Đồng Nai
|
Bổ sung thêm quy định về giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh xây dựng phương án sử dụng đất đối với diện tích đất quốc phòng, an ninh không còn nhu cầu sử dụng, sử dụng không đúng mục đích sau khi bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đối với đất quốc phòng an ninh được bàn giao lại cho địa phương quản lý, hiện nay đang được quy định Điều 50 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Do đó, vấn đề nay sẽ được Chính phủ quy định cụ thể.
|
4. Đối với đất quốc phòng, an ninh hiện do các đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, sử dụng khi kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì phải lập phương án sử dụng đất trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, phê duyệt và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
|
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
|
Khoản 4, khoản 5: Ban Soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định tại Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về “Thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế”, như: quy định phải nộp tiền sử dụng đất đối với trường hợp không quy định tại khoản 4 của dự thảo Luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã quy định trên cơ sở kế thừa một số nguyên tắc cơ bản của Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về “Thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế”. Đối với các vấn đề cụ thể Chính phủ sẽ quy định chi tiết.
|
Trường hợp sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức giáo dục; lao động, cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân; rèn luyện, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống; dịch vụ hỗ trợ hậu cần - kỹ thuật thì không phải nộp tiền sử dụng đất.
|
|
|
|
5. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế:
|
|
|
|
g) Không được chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất. Không được cho thuê tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
|
UBND tỉnh Điện Biên, HĐND tỉnh Điện Biên, tỉnh ủy Điện Biên:
|
Đề nghị sửa thành: g) Không được chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.Không được cho thuê tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị chỉnh sửa thành “g) Không được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất. Không được cho thuê tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này”. Để đảm bảo tính logich và tránh trùng lặp.
|
Bộ Công an
|
Đề nghị bỏ nội dung cấm cho thuê quyèn sử dụng đất và cho thuê tài sản gắn liền với đất vì đây là một trong các hình thức kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; nhất là việc xây dựng công trình để kinh doanh kết hợp phục vụ hoạt động nghiệp vụ, góp phần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, không để lãng phí tài nguyên đất đai.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin được báo cáo như sau: quy định của dự thảo Luật được đề xuất trên cơ sở những chính sách Quốc hội đã cho phép thí điểm tại Nghị quyết số 132/2020/QH14. Các nội dung góp ý về các quyền liên quan đến đất quốc phòng, an ninh, cơ quan soạn thảo ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới.
|
|
UBND tỉnh Kiên Giang
|
Đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung quy định xử lý đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư (thứ cấp) trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư. Lý do thực tế đã xảy ra phát sinh tình trạng tranh chấp về quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp khi chủ đầu tư dự án thứ cấp đã thực hiện bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho chủ đầu tư khác nhưng chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp lại thu hồi và cho đơn vị khác thuê lại.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Luật Đất đai chỉ quy định về đất để thực hiện dự án. Trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư (thứ cấp) trong khu công nghiệp thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
|
Bộ Thông tin và Truyền thông
|
Bổ sung 01 Điều khoản quy định riêng về đất sử dụng cho khu CNTT tập trung tương tự quy định đối với khu công nghiệp hoặc bổ sung quy định về đất sử dụng cho khu CNTT tập trung vào Điều 168. Đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Theo khoản 1 Điều 51 Luật CNTT quy định:
“1. Khu công nghệ thông tin tập trung là loại hình khu công nghệ cao, tập trung hoặc liên kết cơ sở nghiên cứu - phát triển, sản xuất, kinh doanh, đào tạo về công nghệ thông tin. Tổ chức, cá nhân đầu tư và hoạt động trong khu công nghệ thông tin tập trung được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước áp dụng đối với khu công nghệ cao.”.
Do đó, chế độ sử dụng đất đối với khu CNTT tập trung là loại hình khu Công nghệ cao. Dự thảo đã quy định chế độ sử dụng đất cho khu Công nghệ cao tại Điều về đất sử dụng cho khu công nghệ cao của Dự thảo Luật.
|
2. Nhà nước cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.
|
|
|
|
Đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo thì ngoài các đối tượng được thuê đất theo quy định tại khoản này, Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.
|
UBND tỉnh Kiên Giang
|
Đề nghị sửa theo hướng: “Đối với địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khắn, vùng có điều kiện linh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo thì (1) Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, sau đó Nhà nước sẽ cho thuê đất trực tiếp cho nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp hoặc (2) Nhà nước sẽ giao, cho thuê đất cho đơn vị sự nghiệp công xây dựng kinh doanh hạ taanh khu công nghiệp, sau đó đơn vị sự nghiệp sẽ xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và được cho thuê lại đtấ đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Hoạt động đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phải do một đơn vị có chức năng thực hiện do dó việc quy định như dự thảo là phù hợp.
|
TU, UBND Thừa Thiên Huế
|
Đề nghị sửa thành: “Đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo thì ngoài các đối tượng được thuê đất theo quy định tại khoản này, Nhà nước xem xét cho các đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất”.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Đề nghị bổ sung thêm nội dung “Đối với các địa phương có khu công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cho phép nhà nước trực tiếp cho nhà đầu tư thứ cấp được thuê đất để sản xuất kinh doanh mà không phải thông qua thuê lại đất của nhà đầu tư hạ tầng”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Hoạt động đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phải do một đơn vị có chức năng thực hiện do dó việc quy định như dự thảo là phù hợp.
|
5. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, được thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng và có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
|
Hiệp hội Ngân hàng VN
|
Trên thực tế việc xác định Bên cho thuê lại đã trả tiền 1 lần hay hăng năm là rất quan trọng trong việc xem xét điều kiện thể chấp của Bên thuê. Trong khi đó việc xác định Bên cho thuê lại đã nộp đủ tiền thuê đất hay chưa thì hiện tại pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể (như ai là người phải đi xác định việc này, là bên thuê hay bên cho thuê; xác nhận việc nộp tiền này tại đâu, tại cơ quan Tài nguyên môi trường hay cơ quan Thuế hay chỉ cần Bên cho thuê lại tự xác nhận là đủ...). Do vướng mắc này mà hầu hết các trường hợp thế chấp của khách hàng thuê lại đất tại khu công nghiệp tại TCTD khó thực hiện được. Vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo làm việc với các cơ quan quản lý phối hợp để đưa ra hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc xác định đã nộp nghĩa vụ tài chính hay chưa được xác định dựa trên biên lại thu thuế, biên lai nộp tiền sử dụng đất và trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mặt khác, nội dung liên quan đến xác định nghĩa vụ tài chính sẽ được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định của Chính phủ về thu tiền thuê đất.
|
8. Chủ đầu tư kết cấu hạ khu công nghiệp có trách nhiệm dành quỹ đất công nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho thuê đất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường và để thực hiện chính sách khác của nhà nước; chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và được Nhà nước hoàn trả chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng đối với phần diện tích đất này.
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
rà soát lỗi chính tả: “…kết cấu hạ tầng khu công nghiệp…”, bổ sung quy định về làng nghề được thực hiện theo pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị xem xét lại vì như dự thảo thì Nhà nước sẽ không thu được tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đồng thời phải hoàn trả chi phí đầu tư hạ tầng.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đối với các doanh nghiệp di dời do ô nhiễm môi trường Nhà nước phải có trách nhiệm bố trí quỹ đất mới. Vì vậy, việc nhà nước một phần diện tích trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp giúp nhà nước tiết kiệm được chi phí phải thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư để bố trí quỹ đất mới. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì nhà nước có chính sách khuyến khích tạo điều kiện tiếp cận đất đai để phát triển sản xuất tạo nguồn thu thuế ổn định cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho người lao động. Do vậy, việc quy định như dự thảo là phù hợp.
|
UBND Tỉnh Đồng Tháp
|
Không quy định nội dung này trong dự thảo Luật do nội dung này không nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022.
|
HĐND tỉnh Vĩnh Long
|
Đề nghị sửa thành: “Chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm dành quỹ đất công nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng để UBND cấp tỉnh cho thuê đất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường và để thực hiện chính sách khác của Nhà nước’ chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và được Nhà nước hoàn trả chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng đối với phần diện tích này.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và từng dự án để xác định quỹ đất dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường.”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã quy định như nội dung địa phương góp ý.
|
Tỉnh ủy, Sở TNMT Thái Bình
|
Hạ tầng kỹ thuật xác định là dùng chung, không tách được -> Đề nghị không quy định Nhà nước trả chi phí đầu tư mà quy định rõ về việc thu phí sử dụng của các doanh nghiệp sản xuất trong khu, cụm sẽ hợp lý hơn.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung này Chính phủ sẽ quy định chi tiết.
|
UBND tỉnh Vĩnh Long
|
Đề nghị sửa thành: “8. Chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm dành tối thiểu 5 ha đất công nghiệp hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng, văn phòng, kho bãi) để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại điểm e, điểm g khoản 2 Điều 15 của Luật Đầu tư, các doanh nghiệp khác thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất. Trường hợp đầu tư loại hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao thì không phải thực hiện điều kiện quy định tại khoản này”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định như dự thảo đảm bảo tính linh hoạt, chủ động cho địa phương trong tổ chức thực hiện.
|
BKHĐT
|
Cần thiết phải quy định việc dành quỹ đất, tuy nhiên nên quy định giao chủ đầu tư hạ tầng thực hiện việc cho thuê lại đất, được áp dụng dụng chính sách miễn tiền thuê đất và giá cho thuê do Nhà nwocs quy định đối với phần diện tích đất này; đồng thời đề nghị không quy định UBND cấp tỉnh cho thuê đất và không quy định Nhà nwocs hoàn trả chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng đối với phần diện tích đất đẻ thực hiện chính sách về đất đai do không đảm bảo thực hiện dúng trình tự, thủ tục thẩm định, quyết định, phê duyệt, thực hiện vốn đầu tư công.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo tiếp thu để rà soát và chỉnh sửa cụ thể vào dự thảo Luật.
|
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và từng dự án để xác định quỹ đất dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường.
|
Tỉnh ủy Nam Định
|
Đề nghị sửa cụm từ “các doanh nghiệp vừa và nhỏ” thành “các doanh nghiệp nhỏ và vừa” để phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: về kỹ thuật sẽ được rà soát trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật.
|
HĐND TP. Hà Nội
|
Giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quy định tỷ lệ phần trăm quỹ đất dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo quy định mang tính bao quát để địa phương dễ áp dụng. Do vậy, quy định như dự thảo là phù hợp
|
Ban QLKKT Huế
|
Đề nghị bổ sung thêm nội dung “Đối với các địa phương có khu công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, kinh tế - xã hội đặc biết khó khăn, cho phép Nhà nước trực tiếp cho nhà đầu tư thứ cấp được thuê đất để sản xuất kinh doanh mà không phải thông qua thuê lại đất của nhà đầu tư hạ tầng”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định như dự thảo đã bao quát kiến nghị của địa phương.
|
9. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn. Không bố trí khu vực nhà ở của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
|
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam
|
Đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành và sửa theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân thuê ngay trong khu công nghiệp, coi nhà ở của công nhân là hạ tầng thiết yếu, cụ thể như sau:“Khi tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm xác định rõ diện tích đất để xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất thuê”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Luật Đất đai 2013 quy định: “Khi quy hoạch, thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất phải đồng thời lập quy hoạch, xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất”. Mặt khác khi bố trí đất ở trong khu công nghiệp. Dự thảo Luật tiếp tục quy định “Không bố trí khu vực nhà ở của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất” nhằm tạo điều kiện cho công nhân có chỗ ở đảm bảo về môi trường, đồng bộ về hạ tầng kỹ thật, hạ tầng xã hội, an toàn phòng, chống cháy nổ, đảm bảo sức khỏe của người dân. Do vây, quy định như dự thảo là phù hợp.
|
10. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
|
|
|
|
Sở TNMT Thái Bình
|
Đề nghị quy định rõ hơn về thẩm quyền thu hồi đất, đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất trong khu kinh tế. Đề xuất giao quyền này cho Ban quản lý khu kinh tế thực hiện (kể cả thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo luật đã nêu ra các phương án lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trong đó có phương án như địa phương đề xuất. Vì vậy, vấn đề này sẽ được cân nhắc trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
|
HĐND tỉnh Nghệ An
|
Nếu có vướng mắc thì sửa đổi, nếu không thì giữ nguyên hiện hành
|
BKHĐT
|
Đề nghị tiếp tục đưa các quy định về chế độ sử dụng đất cho khu kinh tế đã được quy định quy định tại Luật Đất đai năm 2003 và 2013 và nghiên cứu, bổ sung quy định chuyển tiếp đối với người sử dụng đất trong khu kinh tế (chuyển tiếp đối với trường hợp nhà đầu tư đã được cấp có thẩm quyền cháp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng chưa hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý cụ thể tại khoản 14 Điều 244 quy định chuyển tiếp đối với đất trong các khu kinh tế.
|
PA1: Giữ như hiện hành
|
|
Chọn PA1: HĐND tỉnh Điện Biên, HĐND tỉnh Cà Mau, HĐND tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh Hà Tĩnh,UBND tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Thái NGuyên, Ban quản lý KKT tỉnh Hà tĩnh, Tỉnh ủy Nam Định, UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Sơn La, Sở TNMT Hưng Yên, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương, Trường Đại học KHTN Hà Nội: Bộ Thông tin và Truyền thông; HĐND tỉnh Bến Tre; Sở TNMT Nam Định; Sở TNMT Hậu Giang; Sở TNMT Yên Bái; UBND tỉnh Đồng Tháp; UBND tỉnh Lạng Sơn; UBND tỉnh Trà Vinh; HĐND tỉnh Bắc Giang; HĐND tỉnh Cà Mau; Tổng cục Biển và Hải đảo; UBND tỉnh Điện Biên; Tỉnh ủy Trà Vinh; UBND tỉnh Kon Tum; Sở TNMT Ninh Bình; Sở TNMT Ninh Thuận; Sở Tư pháp Hải Dương; HĐND tỉnh Thanh Hóa; HĐND tỉnh Cao Bằng; HĐND tỉnh Thái Bình; HĐND tỉnh Thái Nguyên; HĐND TP. Hà Nội; HĐND tỉnh Tuyên Quang; Tỉnh ủy Bến Tre; Tỉnh ủy Sơn La; Sở TN&MT Hà Nam; UBND tỉnh Lai Châu; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; UBND tỉnh Bắc Kạn; HĐND tỉnh Quảng Bình; UBND tỉnh Yên Bái; Tỉnh ủy Thái Nguyên; UBND tỉnh Hòa Bình; UBND tỉnh Quảng Bình; Tỉnh ủy Hậu Giang; HĐND tỉnh Trà Vinh; HĐND tỉnh Vĩnh Long; Tỉnh ủy Đắk Nông; UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Đắk Lắk, TU Bắc Giang, UBND Kiên Giang, Ban QLKKT Huế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tỉnh ủy Hà Nam; Tỉnh ủy Quảng Bình, UBND tỉnh Bình Phước; UBND tỉnh Nghệ An; UBND tỉnh Quảng Trị, Sở TN&MT Quảng Ngãi; UBND tỉnh Sóc Trăng; UBND tỉnh Vĩnh Long, Sở TN&MT TP.HCM; Tỉnh ủy Bình Phước; Tỉnh ủy Đắk Lắk, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Tỉnh ủy Yên Bái, HĐND Hà Nam, UBND Bà Rịa – Vũng Tàu
|
|
|
UBND tỉnh Kiên Giang
|
Cần làm rõ cơ chế Nhà nước thu hồi đất, cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn để thực hiện dự án trong khu kinh tế. Đề nghị bổ sung quy định về phạm vi khu chức năng trong khu kinh tế, quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất trong khu kinh tế, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án trong khu kinh tế. Trường hợp không phân định khu chức năng cụ thể mà xác định khu kinh tế là toàn bộ diện tích đất theo địa giới hành chính cấp xã, huyện thì cần quy định cơ chế khuyến khích việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn thực hiện dự án.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo luật đã nêu ra các phương án lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trong đó có phương án như địa phương đề xuất. Vì vậy, vấn đề này sẽ được cân nhắc trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
|
Việc xây dựng, mở mới các khu kinh tế phải phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống các khu kinh tế trong cả nước.
|
|
|
|
|
Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh
|
Đề nghị điều chỉnh như sau:“3. Ban quản lý khu kinh tế có trách nhiệm phối hợp với tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi để giao cho mình trước khi giao lại đất, cho thuê đất. Ban quản lý khu kinh tế được giao lại đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người có nhu cầu sử dụng đất trong các khu chức năng của khu kinh tế theo quy định tại các Điều 56, 57 và 58 của Luật này.”. Lý do: Ban Quản lý Khu kinh tế không được giao biên chế để thực hiện giải phóng mặt bằng và trên thực tế hiện nay Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh chỉ phối hợp với Hội đồng bồi thường - hỗ trợ - tái định cư cấp huyện để thực hiện giải phóng mặt bằng, nên việc quy định Ban quản lý Khu kinh tế chủ trì thực hiện giải phóng mặt bằng sẽ rất khó thực hiện trong thực tế.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế là không quá 70 năm.
|
|
|
|
PA2: Không quy định thành điều riêng mà lồng ghép trong các điều quy định chế độ sử dụng đất các loại đất và có quy định xử lý chuyển tiếp tại Điều 235 của dự thảo Luật này.
|
|
Lựa chọn PA2: Tỉnh ủy Tiền Giang, Tỉnh ủy Phú Thọ, HĐND tỉnh Nam Định, Quảng Ngãi, Sở TNMT Bình Thuận; UBND tỉnh Tiền Giang, HĐND tỉnh Phú Thọ; HĐND tỉnh Tiền Giang, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, HĐND tỉnh Hải Dương, Sở TN&MT Quảng Ngãi; UBND tỉnh Vĩnh Long, Tỉnh ủy Lâm Đồng; UBND tỉnh Quảng Ninh; TU Bình Thuận, UBND Đà Nẵng
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo luật đã nêu ra các phương án lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trong đó có phương án như địa phương đề xuất. Vì vậy, vấn đề này sẽ được cân nhắc trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
|
Điều 170. Đất sử dụng cho khu công nghệ cao
|
|
|
|
1. Đất sử dụng cho khu công nghệ cao, theo quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ bao gồm các loại đất để sử dụng vào các mục đích theo quy định của pháp luật về công nghệ cao. Việc sử dụng đất cho khu công nghệ cao phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
|
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
|
Chưa có quy định đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đề xuất bổ sung quy định về đất cho khu nông nghiệp công nghệ cao và quy định về quy hoạch đất cho vùng chuyên canh nông nghiệp.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Điều 150 Luật Đất đai 2013 quy định: “Đất sử dụng cho khu công nghệ cao theo quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ bao gồm các loại đất có chế độ sử dụng khác nhau phục vụ sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao.”. Dự thảo luật đã quy định theo hướng dẫn chiếu đến pháp luật về công nghệ cao. Do đó dã bao gồm sử dụng đất cho khu nông nghiệp công nghệ cao.
|
Khi quy hoạch, thành lập khu công nghệ cao phải đồng thời lập quy hoạch, xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng nằm ngoài khu công nghệ cao để phục vụ đời sống chuyên gia, người lao động làm việc trong khu công nghệ cao.
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản bao gồm đất để thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và khu vực các công trình phụ trợ cho hoạt động khoáng sản và hành lang an toàn trong hoạt động khoáng sản.
|
HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Đề nghị sửa lại là: “Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản bao gồm đất để thăm dò, khai thác khoáng sản và khu vực các công trình phụ trợ cho hoạt động khoáng sản, làm bãi thải, hành lang an toàn trong hoạt động khoảng sản gắn với khu vực khai thác khoáng sản
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này kế thừa Luật Đất đai 2013. Việc bỏ đất chế biến khoáng sản không bao quát hết được việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản. Do đó, quy định như dự thảo là phù hợp.
|
2. Đất để khai thác khoáng sản được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được phép thực hiện dự án khai thác khoáng sản.
|
|
|
|
Đất sử dụng cho các công trình phụ trợ khai thác khoáng sản để làm mặt bằng chế biến khoáng sản, sử dụng làm bãi thải, kho chứa không gắn với khu vực khai thác thuộc loại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp có chế độ sử dụng đất như đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp quy định tại Điều 172 của Luật này.
|
UBND tỉnh Hà Giang
|
Đề nghị sửa thành: “Đất sử dụng cho các công trình phụ trợ khai thác khoáng sản để làm mặt bằng chế biến khoáng sản, sử dụng làm bãi thải, kho chứa mà không nằm trong phạm vi hoặc không liền với khu vực khai thác thuộc loại đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có chế độ sử dụng đất như đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp quy định tại Điều 172 của Luật này”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo đã quy định theo kiến nghị của địa phương.
|
3. Việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản phải tuân theo các quy định sau đây:
|
|
|
|
b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý chất thải và các biện pháp khác để không gây thiệt hại cho người sử dụng đất trong khu vực và xung quanh;
|
Tỉnh ủy Nam Định, Sở TNMT Nam Định
|
Đề nghị bổ sung và biên tập lại như sau: “Có báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường và triển khai thực hiện theo quy định. Thực hiện các biện pháp …”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo quy định đã bao quát nội dung mà địa phương kiến nghị.
|
c) Sử dụng đất phù hợp với tiến độ khai thác khoáng sản; người sử dụng đất có trách nhiệm trả lại đất đúng với tiến độ khai thác khoáng sản và trạng thái lớp đất mặt được quy định trong hợp đồng thuê đất;
|
UBND tỉnh Hà Giang
|
Đề nghị sửa thành “Sử dụng đất phù hợp với tiến độ dự án khai thác khoáng sản, thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản; người sử dụng đất có trách nhiệm trả lại đất đúng với tiến độ dự án khai thác khoáng sản, thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản và trạng thái lớp đất mặt được quy định trong hợp đồng thuê đất”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo quy định đã bao quát nội dung mà địa phương kiến nghị.
|
d) Trường hợp thăm dò, khai thác khoáng sản mà không sử dụng lớp đất mặt hoặc không ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt đất thì không phải thuê đất mặt.
|
UBND tỉnh An Giang
|
tại điểm d, khoản 3 Điều 171 (dự thảo) đề nghị sửa đổi như sau: “d. Trường hợp thăm dò, khai thác khoáng sản mà không sử dụng lớp đất mặt hoặc không ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt đất thì không phải thuê đất mặt”, đề xuất sửa đổi: “d. Trường hợp thăm dò, khai thác khoáng sản mà không sử dụng lớp đất mặt hoặc không ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt đất, bao gồm khai thác khoáng sản tại các lòng sông thì không phải thuê đất mặt.”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này kế thừa Luật Đất đai 2013. Trường họ khai thác khoáng sản trong lòng sông thì không được xem là sử dụng lớp đất mặt.
|
|
|
|
|
1. Đất thương mại, dịch vụ bao gồm đất xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, thương mại, dịch vụ.
|
|
|
|
Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp bao gồm đất để xây dựng các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.
|
HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh
|
Đề nghị quy định rõ ngành nghề sản xuất nào được bố trí vào khu vực được quy hoạch loại đất “cơ sở sản xuất phi nông nghiệp” để tránh bố trí trùng lặp với đất công nghiệp, cụm công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc lập quy hoạch sử dụng đất và thu hút dự án đầu tư.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quy định cụ thể việc xác định loại đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
|
2. Việc sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy định về bảo vệ môi trường.
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Đề nghị bổ sung thêm từ “hoặc” vào trước cụm từ “quy hoạch xây dựng đô thị", "quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn".
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thông qua hình thức Nhà nước cho thuê đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất, thuê lại đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
|
Sở TNMT Ninh Bình
|
Việc quy định tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thông qua nhận chuyển nhượng quyền quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tô chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khác... là chưa phù hợp, rất khó đế cho việc thực hiện, áp dụng để hiểu trường hợp nào thực hiện nhận chuyên nhượng, trường hợp nào đấu giá quyền sử dụng đất
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất được Nhà nước thực hiện thông qua hình hình thức nhà nước giao đất, cho thuê đất.
|
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thông qua hình thức Nhà nước cho thuê đất; thuê đất, thuê lại đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khác; thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 209 của Luật này còn được nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất để làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.
|
|
|
|
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thông qua hình thức Nhà nước cho thuê đất; thuê đất, thuê lại đất của tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
|
|
|
|
|
|
|
|
3. Nhà giao đất hoặc cho thuê đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án hợp tác công tư có sử dụng đất theo quy định của Luật này.
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Rà soát lỗi chính tả, bổ sung từ ”nước” vào sau từ ”nhà”
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Ninh Thuận
|
Đề nghị chỉnh sửa thành “Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án hợp tác công tư có sử dụng đất theo quy định của Luật này”.
|
BKHĐT
|
Dự án PPP vừa có mục đích công cộng, vừa có mục đích kinh doanh nên thuộc diện Nhà nước cho thuê đất. Tuy nhiên, một số dự án công trình kết cấu hạ tầng lớn thường có quy mô diện tích đất lớn nên khoá xác định tiền thuê đất. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng dự án PPP về giao thông đường bộ được giao đất không thu tiền sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như quy định của dự thảo Luật vì các trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; các trường hợp được miễ giảm đã được quy định cụ thể trong các Chương về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và Chương tài chính đất đai, giá đất; các trường miễn, giảm tiền thuê đất còn được quy định trong Nghị định của Chính phủ.
|
TU, UBND Đăk Lăk
|
Đề nghị quy định cụ thể hình thức giao đất, cho thuê đất để nhà đầu tư thực hiện dự án hợp tác công tư (PPP) theo hình thức giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá để thuận tiện cho việc áp dụng triển khai thực hiện.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc nhà đầu tư thực hiện dự án hợp tác công tư (PPP) có sử dụng vốn đầu tư công nên phải thực hiện đấu giá, đấu thầu dự án theo quy định của pháp luật.
|
|
|
|
|
PA1: Không giao Cảng vụ hàng không, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giao đất, cho thuê đất trực tiếp cho người sử dụng
|
|
Lựa chọn PA1: Tỉnh ủy Nam Định, Tỉnh ủy Điện Biên, Tỉnh ủy Tiền Giang, UBND tỉnh Sơn La, UBND tỉnh Hà Tĩnh, HĐND tỉnh Cà Mau, HĐND tỉnh Nam Định, Sở TNMT Hưng Yên, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương, Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở TNMT Nam Định; Sở TNMT Yên Bái; UBND tỉnh Lạng Sơn; HĐND tỉnh Bắc Giang; HĐND tỉnh Cà Mau; Tổng cục Biển và Hải đảo; UBND tỉnh Điện Biên; Sở TNMT Ninh Bình; Sở Tư pháp Hải Dương; HĐND tỉnh Cao Bằng; HĐND tỉnh Thái Nguyên; HĐND TP. Hà Nội; HĐND tỉnh Tuyên Quang; Sở TNMT Bình Thuận; Tỉnh ủy Bến Tre; Tỉnh ủy Sơn La; UBND Lai Châu; UBND tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Bắc Kạn; HĐND tỉnh Đồng Nai; HĐND tỉnh Nghệ An; HĐND tỉnh Quảng Bình; UBND tỉnh Hòa Bình; HĐND tỉnh Tiền Giang; HĐNĐ tỉnh Gia Lai; HĐND tỉnh Trà Vinh; Tỉnh ủy Đắk Nông; TU Bắc Giang, UBND tỉnh Kiên Giang, ;Thanh tra Chính phủ, HĐND tỉnh Hải Dương; UBND tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Sóc Trăng, Tỉnh ủy Lâm Đồng, TU Bình Thuận
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo luật đã nêu ra các phương án lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trong đó có phương án như địa phương đề xuất. Vì vậy, vấn đề này sẽ được cân nhắc trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
|
PA2: Giữ như quy định của Điều 156 Luật Đất đai năm 2013.
|
|
Chọn PA2: HĐND tỉnh Điện Biên, HĐND tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Thái Nguyên, ĐH KHTN Hà Nội, HĐND tỉnh Bến Tre; Sở TNMT Hậu Giang; UBND tỉnh Đồng Tháp; UBND tỉnh Trà Vinh; Tỉnh ủy Trà Vinh; UBND tỉnh Kon Tum; Sở TNMT Ninh Thuận; HĐND tỉnh Thanh Hóa; Sở TN&MT Hà Nam, Tỉnh ủy Thái Nguyên; UBND tỉnh Quảng Bình; Tỉnh ủy Hậu Giang; UBND tỉnh Vĩnh Phúc; UBND Đăk Lắk, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tỉnh ủy Hà Nam; Tỉnh ủy Quảng Bình; UBND tỉnh Nghệ An, UBND Đà Nẵng, UBND Bà Rịa – Vũng Tàu
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo luật đã nêu ra các phương án lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trong đó có phương án như địa phương đề xuất. Vì vậy, vấn đề này sẽ được cân nhắc trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
|
Điều 175. Đất dành cho đường sắt
|
|
|
|
|
|
|
|
3. Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang bảo vệ an toàn thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình.
|
Bộ NN&PTNT
|
Đề nghị chỉnh sửa khoản 3 như sau:
“3. Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang bảo vệ an toàn thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định,không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình vàphải tuân theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này kế thừa từ Luật Đất đai năm 2013 và điều chỉnh đối với các trường hợp đang sử dụng đất (do lịch sử để lại) nhưng không ảnh hưởng đến công trình. Tại khoản 2 của dự thảo đã dẫn chiếu đến các pháp luật chuyên ngành có liên quan.
|
Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.
|
Tỉnh ủy Nam Định, Sở TNMT Nam Định
|
Đề xuất bỏ cụm từ “... nếu không khắc phục được thì...”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo quy định theo hướng nhà nước có biện pháp xử lý trong trường hợp người sử dụng đất không khắc phục được sai phạm. Trường hợp người sử dụng đất có biện pháp khắc phục và không ảnh hưởng đến công trình thì Nhà nước không thu hồi quyền sử dụng đất.
|
4. Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình, chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ an toàn công trình; trường hợp hành lang bảo vệ an toàn bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành lang bảo vệ an toàn bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép để xử lý.
|
HĐND tỉnh Trà Vinh
|
“…trường hợp hành lang bảo vệ an toàn bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành lang bảo vệ an toàn bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép để xử lý”. Đề nghị sửa thành: “…nơi bảo vệ hành lang an toàn bị lấn chiếm xử lý kịp thời…” chứ không báo cáo UBND xã mất thời gian.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định như dự thảo là phù hợp với thẩm quyền và trách nhiệm của UBND cấp xã nơi có đất đối với việc xử lsy các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
|
|
Bộ Văn hóa TT&DL
|
Đề nghị sửa nội dung “Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên ” thành: “Đất có di tích lịch sử - văn hóa, khảo cổ, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh ” trong toàn bộ Điều 177. ”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Điều 3 Luật Di sản văn hóa 2001 quy định: “Di tích lịch sử - văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học.”. Dự thảo quy định như bao quát bao quát cả trường hợp Bộ Văn hóa TT&DL đề xuất.
|
1. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt theo quy định sau đây:
|
Tỉnh ủy Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên
|
Đề nghị sửa thành: “Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào Danh mục kiểm kê để bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt ...”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo quy định như bao quát cả trường hợp địa phương đề xuất.
|
a
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu
|
Đề nghị bổ sung quy định: Ngoài đất xây dựng trụ sở được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, cơ sở tôn giáo được Nhà nước cho thuê đất theo nhu cầu thực tế và khả năng quỹ đất của địa phương.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND tỉnh Cao Bằng
|
Đề nghị có quy định rõ hơn việc giao đất, cho thuê đất đối với các cơ sở tôn giáo được xây dựng có kết hợp mục đích thăm quan, du lịch.
|
Sở TNMT Hưng Yên, UBND tỉnh Đồng Tháp, HĐND TP. Hà Nội
|
Đối với cơ sở tôn giáo mà sử dụng đất tôn giáo có kết hợp mục đích khác thì chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm
|
Sở TN&MT Hà Nam, Tỉnh ủy, HĐND Hà Nam
|
Cần đồng nhất với quy định tại điểm c khoản 4 Điều 116.
|
Tỉnh ủy Lâm Đồng
|
Đề nghị quy định cụ thể hạn mức giao đất tôn giáo thống nhất trong cả nước, trường hợp vượt hạn mức phải chuyển sang thuê đất theo quy định
|
Bộ Nội vụ
|
Đề nghị xem xét cụ thể hoá quan điểm về đất tôn giáoo nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW.
|
Bộ Công an
|
Đề nghị nên giao Chính phủ quy định chi tiết việc sử dụng đất tôn giáo vào các mục đích khác ngoài việc sử dụng đất để xây dựng cơ sở thờ tự, thực hiện nghi lễ (như xây dựng công trình lưu trú, du lịch, kha,s, chữa bệnh,…). Đồng thời, cần bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức giao đất cho tổ chức tôn giáo để làm cơ sở cho Uỷ ban nhân dân quyết định việc giao đất, cho thuê đất.
|
1. Đất tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, cơ sở đào tạo tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La, UBND tỉnh Đồng Tháp
|
Đề nghị bổ sung khoản 4: “4. Trường hợp kết hợp sử dụng đất với mục đích khác thì phải thành lập doanh nghiệp và được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định của Luật này đối với phần diện tích đất có mục đích kinh doanh”
|
2. Tổ chức tôn giáo, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất tôn giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì Nhà nước xem xét công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 114 và Điều 116 của Luật này theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
|
Sở TNMT Ninh Bình
|
Đề nghị bổ sung hướng giải quyết đối với các cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sư dụng đất tôn giáo đã nhận chuyển nhượng sau ngày 01/7/2004.
|
HĐND tỉnh Hải Dương
|
Đề nghị bổ sung “… đối với các cơ sở tôn giáo mà sử dụng đất tôn giáo có kết hợp mục đích khác thì chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm”.
|
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo.
|
Sở TNMT Ninh Bình
|
Cần có quy định hạn mức tối đa địa phương quy định hạn mức sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo cho phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy mô, hình thức hoạt động Tôn giáo của từng địa phương mang tính đặc thù, khác nhau. Dự thảo quy định theo hướng phân cấp cho địa phương để dế áp dụng trong thực tiễn.
|
UBND tỉnh Quảng Trị
|
Đề nghị chỉnh sửa lại thành như sau: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo theo hạn mức do UBND tỉnh quy định. Lý do: Để phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TƯ của Ban chấp hành Trung ương đảng.
|
|
Tỉnh ủy Tiền Giang, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hải Dương
|
Đề nghị sửa thành: “Đất tín ngưỡng gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ và những cơ sở tương tự khác.” để phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 2 LuậtTín ngưỡng, tôn giáo
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật quy định trên cơ sở kế thừa quy định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ. Việc sử dụng Đất tôn giáo, tín ngưỡng là vấn đề nhạy cạm, phức tạp nên cần phải xác định rõ các công trình tín ngưỡng có sử dụng đất cho cộng đồng mới có cơ sở quy định vào Luật Đất đai.
|
HĐND tỉnh Hải Dương
|
Đề nghị chỉnh sửa, bổ sung nội dung thành “đất tín ngưỡng gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ và những cơ sở tương tự khác” để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
|
1. Đất tín ngưỡng gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.
|
Sở TN&MT Hà Nam
|
Đề nghị điều chỉnh “nhà thờ họ” thành “nhà thờ dòng họ”.
|
UBND tỉnh Tiền Giang
|
Đề nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với khoản 4 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác”.
|
|
Bộ Nội vụ
|
Đề nghị sửa đổi, bổ sung: “1. Đất tín ngưỡng là đất có công trình tín ngưỡng gồm đình, đền, miếu, phủ, am, từ đường, nhà thờ họ; tượng, bia, tháp tín ngưỡng thuộc cộng đồng dân cư."
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh lý cụ thể vào dự thảo Luật.
|
2. Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu
|
Đề nghị bổ sung quy định “Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tín ngưỡng và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tín ngưỡng”. Đồng thời bổ sung quy định: “Ngoài đất cơ sở tín ngưỡng xây dựng trụ sở, nếu có nhu cầu thì được Nhà nước cho thuê đất”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Về vấn đề này Nghị quyết 18/NQ-TW không quy định. Do đó, không có căn cứ để thể chế trong dự thảo Luật
|
|
|
|
|
|
Sở TNMT Yên Bái
|
Một số dự án khác (như: Khai thác khoáng sản cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trên lòng sông, suối; bến thuỷ nội địa;…) thì chưa quy định việc có được cho thuê đất suối, sông để thực hiện các dự án này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Theo quy định tại Điều về người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý của Dự thảo Luật thì nhà nước giao cho tổ chức trong nước để quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng. Do đó, không thực hiện việc giao đất, cho thuê đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng trừ trường hợp sử dụng kết hợp theo quy định tại Điều này.
|
Sở TNMT Ninh Bình
|
Bổ sung trường hợp nhà nước cho thuê đất sông, ngòi... thuê đất đối với tổ chức kinh tế... xây dụng bến cảng hoặc bến thủy nội địa...
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đối với các dự án xây dụng bến cảng hoặc bến thủy nội địa thì thực hiện theo quy định tại Điều về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và Điều về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
|
1. Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu đã xác định, đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng được quản lý và sử dụng theo quy định sau đây:
|
|
|
|
b) Nhà nước cho thuê đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để nuôi trồng thủy sản;
|
UBND tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Bình
|
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Theo quy định tại về người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý của Dự thảo Luật thì nhà nước giao cho tổ chức trong nước để quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng. Việc sử dụng vào các mục đích khác có thể gây ô nhiễm môi trường, hành lang an toàn giao thông, đường thủy, ảnh hưởng đến dòng chảy nên quy định như Dự thảo là phù hợp.
|
|
Liên đoàn Luật sư Việt Nam
|
Bổ sung quy định về giới hạn sử dụng lòng đất (độ sâu tối đa được sử dụng) của người sử dụng đất để tránh những mâu thuẫn, vướng mắc khi giao đất, cho thuê đất để xây dụng công trình ngầm trong lòng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật quy định theo hướng dẫn chiếu theo quy định pháp luật về xây dựng, pháp luật về đô thị để đảm bảo phù hợp với kết cấu xây dựng công trình.
|
Bộ Xây dựng
|
Đề nghị dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định về: (i) Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng không gian trên mặt đất, mặt nước, trong lòng đất mà quyền sử dụng đất thuộc về chủ thể khác; (ii) quyền, nghĩa vụ của người sử dụng không gian trên mặt đất, mặt nước, trong lòng đất mà quyền sử dụng đất thuộc về chủ thể khác; (iii) xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng không gian trên mặt đất, mặt nước, trong lòng đất mà quyền sử dụng đất thuộc về chủ thể khác.
|
|
BKHĐT
|
Đề nghị cân nhắc bổ sung nguyên tắc quản lý đất đổi với doanh nghiệp có vốn nhà nước khi thực hiện thoái vốn, cổ phần hoá.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh lý vào Điều 218 của dự thảo Luật quy định về đất do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý, sử dụng.
|
|
UBND tỉnh Phú Thọ
|
Đề nghị bổ sung làm rõ khái niệm về loại đất này.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Sở TNMT Hậu Giang; UBND tỉnh Lạng Sơn; Công an tỉnh Hải Dương; Tỉnh ủy Hậu Giang, UBND Bà Rịa – Vũng Tàu
|
Đề nghị bổ sung thêm nội dung về việc cách xác định nghĩa vụ tài chính (theo mục đích chính hay đa mục đích) và xác định mục đích trong thống kê, kiểm kê đất đai.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và nội dung này sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.
|
UBND Kiên Giang, HĐND tỉnh Hải Dương
|
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật hoặc văn bản dưới Luật cho phù hợp.
|
2. Việc sử dụng đất sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
|
|
|
|
a) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
|
Tỉnh ủy Lâm Đồng
|
Tại điểm a, khoản 2 quy định việc sử dụng đất sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: “a) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; ” Nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch thì theo mục đích chính hay như thế nào; hoặc nếu cơ quan có thẩm quyền cho phép thì cơ quan nào có thẩm quyền cho phép, việc cho phép có cần phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch hay không.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Mục đích sử dụng đất chính được xác định theo quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất. Đây là quy định mang tính nguyên tắc, đối với trường hợp cụ thể thì Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này (bao gồm tỷ lệ % xây dựng..)
|
b) Không làm thay đổi mục đích sử dụng đất chính;
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu
|
Việc sử dụng đất đa mục đích với điều kiện không thay đổi mục đích sử dụng đất chính là không thể thực hiện được dự án có kết hợp mục đích đất nông nghiệp với phi nông nghiệp (lý do: Đất trồng lúa kết hợp với đảt thương mại, dịch vụ. Để đáp ímg nhu cầu khách tham quan du lịch, nghĩ dưỡng thì buộc phải xây dựng các công trình (như: khách sạn để lưu trú, khu vực phục vụ ăn uống) trên đất trồng lúa làm thay đổi mục đích sử dụng đất và khó phục hồi cho việc trồng lúa trở lại). Do đó, kiến nghị xem xét lại điều kiện nêu trên.
|
e) Phải tuân thủ các pháp luật chuyên ngành.
|
UBND tỉnh Cà Mau
|
Cần quy định rõ: các công trình xây dựng cho mục đích kết hợp này, phải thực hiện hay không thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, để đảm bảo phù hợp giữa Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu chỉnh lý vào dự thảo như sau: Đây là quy định mang tính nguyên tắc, đối với trường hợp cụ thể thì Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này.
|
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
Bộ Xây dựng
|
Đề nghị chỉnh sửa quy định điều này theo hướng chỉ cần quy định nguyên tắc về phạm vi, đối tượng áp dụng và việc triển khai đồng bộ với quy trình đầu tư xây dựng của các pháp luật có liên quan khác.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.
|
Điều 185. Điều chỉnh lại quyền sử dụng đất
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Nguyên tắc tách thửa đất, hợp thửa đất
|
|
|
|
a) Việc tách thửa, hợp thửa các loại đất được thực hiện đối với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận, còn trong thời hạn sử dụng đất, không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
|
UBND tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Bình
|
Đề nghị cân nhắc, nghiên cứu thêm về quyền của người sử dụng đất trong việc được tách thửa theo quyết định, bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tách thửa trong trường hợp chia thừa kế và một số trường hợp khác.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
b) Thửa đất sau khi được tách phải đảm bảo diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
|
HĐND tỉnh Hải Dương, UBND Đà Nẵng
|
Đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng đảm bảo diện tích tối thiểu sau khi được tách đối với loại đất có mục đích chính (trường hợp này là đất ở), đảm bảo kích thước tối thiếu của cạnh thửa đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định về điều kiện tách thửa đã được phân cấp giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
|
Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề có cùng mục đích sử dụng đất;
|
|
|
|
Trường hợp tách thửa để chuyển mục đích sử dụng đất thì diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa được xác định theo quy định đối với loại đất sau khi chuyển mục đích và phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất.
|
UBND tỉnh Đắc Nông
|
Đề nghị bỏ quy định “Trường hợp tách thửa để chuyển mục đích sử dụng đất thì diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa được xác định theo quy định đối với loại đất sau khi chuyển mục đích và phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất.” Lý do: Không nên quy định phải tách riêng thửa đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, vì việc tách riêng thửa đất chuyển mục đích dẫn đến phát sinh nhiều thửa đất nhỏ lẻ, manh mún gây khó khăn cho công tác quản
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Trong thực tế có nhiều trường hợp sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư có nhu cầu tách thửa và chuyển mục đích sử dụng sang đất ở tặng cho quyền sử dụng đất cho các con. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân nên cần có quy định để điều chỉnh.
Mặt khác,hiện nay, việc quản lý, sử dụng đất đai thực hiện đến từng loại đất. Do đó, cần thiết phải có ranh giới rõ ràng giữa các loại đất. Việc quản lý để tránh phát sinh nhiều thửa đất nhỏ lẻ, manh mún đã có quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa.
|
c) Việc hợp các thửa đất phải bảo đảm có cùng mục đích sử dụng đất, cùng thời hạn sử dụng đất.
|
|
|
|
Trường hợp hợp các thửa đất khác nhau về mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất thì phải thực hiện đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất để thống nhất theo một mục đích, một thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
|
|
|
|
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, các quy định pháp luật có liên quan và điều kiện cụ thể tại địa phương quy định chi tiết điều kiện, diện tích, kích thước tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa đất, hợp thửa đất.
|
Thanh tra Chính phủ
|
Đề nghị bỏ khoản này
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định như Dự thảo là kế thừa quy định tại Luật Đất đai 2013 và trong thực tiễn áp dụng pháp luật các địa phương đã thực hiện và không có vướng mắc nội dung này.
|
|
|
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
1. Đất chưa sử dụng là đất chưa được đưa vào sử dụng cho các mục đích theo quy định của Luật Đất đai.
|
|
|
|
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương, đăng ký vào hồ sơ địa chính và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình quản lý, khai thác quỹ đất chưa sử dụng.
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương và lâp hồ sơ đề nghi cấp có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký vào hồ sơ địa chính.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Tỉnh ủy Lâm Đồng
|
Đề nghị giữ nguyên theo quy định tại khoản 1, Điều 164 Luật Đất đai năm 2013; điều chỉnh lại như sau: “2. ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương, đăng ký vào hồ sơ địa chính và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình quản lý, khai thác quỹ đẩt chưa sử dụng.”
|
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý đất chưa sử dụng tại các đảo chưa có người ở.
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm đăng ký đất chưa sử dụng vào hồ sơ địa chính và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vê tình hình quản lý, khai thác quỹ đất chưa sử dụng".
|
|
|
|
|
3. Đối với diện tích đất được quy hoạch sử dụng vào mục đích nông nghiệp, thì ưu tiên giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.
|
HĐND tỉnh Ninh Thuận
|
Đề nghị làm rõ cụm từ “thiếu đất sản xuất”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đối với những thuật ngữ tiếng việt có thể tra cứu tại từ điển thì dự thảo luật không giải thích chi tiết.
|
|
Bộ Công an
|
Để bảo đảm cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu vực sân bay, cảng hàng không, đường cao tốc,… đề nghị bổ sung vào nội dung các điều quy định về chế độ sử dụng các loại đất này trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc bố trí đất, chỗ làm việc cho lực lượng Công an Nhân dân.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị được giữ như quy định của dự thảo Luật. Việc dành quỹ đất, chỗ làm việc cho lực lượng Công an Nhân dân tại các khu này sẽ được xem xét trong quá trình xây dựng quy hoạch chi tiết xây dựng.
|
Chương XIII
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
|
Viện nghiên cứu thanh niên
|
Cân nhắc bổ sung, diễn đạt thành “Được xác lập, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: tại Điều về giải thích từ ngữ của Dự thảo Luật quy định: “20. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.” Do đó, không cần bổ sung thuật ngữ như ý kiến góp ý.
|
2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
|
TW Đoàn TNCSHCM
|
bổ sung từ “được” vào đầu câu nên diễn đạt thành “Được khai thác, thụ hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này được kế thừa Luật Đất đai năm 2013. Trong việc quá trình thực hiện không có vướng mắc về nội dung này vì vậy đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật.
|
6. Được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
|
Viện nghiên cứu thanh niên
|
Cân nhắc bổ sung, diễn đạt thành “Được thoả thuận, tham gia, quyết định hình thức, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đề nghị giữ nguyên như dự thảo luật để phù hợp với quy định về quyền thu hồi đất đất của Nhà nước.
|
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề nghị bổ sung theo nội dung người sử dụng đất được thực hiện quyền góp quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với quy định tại Điều 160 tập trung đất nông nghiệp.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
|
Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
- Đề nghị xem xét quy định theo hướng bổ sung bên nhận thế chấp là tổ chức tín dụng được quyền: chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại đối với quyền sử dụng đất trong Hợp đồng bảo đảm về xử lý nợ, quyền cầm cố, bảo lưu, quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất.
- Đề nghị bổ sung làm rõ và phù hợp với quy định tại điểm k khoản 1 Điều 112
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
|
Liên đoàn Luật sư Việt Nam
|
Các trường hợp như vợ chồng thỏa thuận phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là quyền sử dụng đất hoặc chia tài sản khi ly hôn là quyền sử dụng đất có cần công chứng, chứng thực họp đồng/ thỏa thuận hay không thì luật đất đai chưa thấy ghi nhận
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc vợ chồng thỏa thuận phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là giao dịch về quyền sử dụng đất và phải thực hiện công chứng chứng thực.
|
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
|
Ngân hàng nhà nước Việt Nam
|
Đề nghị rà soát, làm rõ: văn bản về thừa kế được hiểu là Di chúc hay Văn bản khai nhận di sản thừa kế? Bởi theo quy định của BLDS (Điều 630) thì Di chúc không bắt buộc phải công chứng/chứng thực, vẫn có giá trị pháp lý khi thỏa điều kiện luật định. Theo quy định tại Luật công chứng, thì việc công chứng Di chúc trên cơ sở yêu cầu của người lập di chúc.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định như dự thảo đã bao quát về các loại văn bản liên quan đến thừa kế đồng thời đã dẫn chiếu đến pháp luật về dân sự.
|
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề nghị bổ sung thời điểm được thực hiện góp quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất nông nghiệp.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị sửa đổi khoản này cho phù hợp vì theo quy định này thì doanh nghiệp trong nước muốn chuyển nhượng dự án đầu tư gắn liền với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không thực hiện được.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc chuyển nhượng dự án đầu tư thực hiện theo quy định về chuyển nhượng dự án đầy tư không thực hiện theo thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
|
UBND tỉnh Sóc Trăng
|
Đề nghị sửa đổi cụm từ: “góp vốn quyền sử dụng đất” thành: “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
VCCI
|
Đề nghị điều chỉnh để thống nhất với khoản 2 Điều 118 Luật Nhà ở và Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại Điều về áp dụng pháp luật của Dự thảo Luật quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật trrong đó đã làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai và các luật khác có liên quan.
|
Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.
|
|
|
|
Điều 192. Nhận quyền sử dụng đất
|
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
|
Đề nghị bổ sung: “Tổ chức chính trị xã hội thuộc hệ thống chính trị được nhận quyền sử dụng đất thông qua nhà nước giao đất”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Điều về nhận quyền sử dụng đất đã quy định nhà nước giao đất cho tổ chức trong nước.
Tổ chức chính trị - xã hội là tổ chức trong nước được quy định tại Điều về người sử dụng đất của dự thảo Luật.
|
1. Người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
|
|
|
|
b) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng sử dụng đất;
|
HĐND tỉnh Gia Lai
|
Đề nghị bổ sung từ “quyền”, sửa thành: “b) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất;”
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
d) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ;
|
Sở Tài chính Hải Dương
|
- Việc quy định như vậy làm hạn chế việc thực hiện các dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các vị trí ngoài Khu, cụm công nghiệp do đó Đề nghị sửa đổi điểm d, khoản 1 Điều 192 như sau: “d) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư tại các địa bàn không có yếu tố nhạy cảm về chính trị sau khi có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dn cấp tỉnh.”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định như dự thảo nhằm hạn chế các yếu tố ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
|
Tỉnh ủy Bạc Liêu
|
Đề nghị nghiên cứu bổ sung việc tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
|
|
BKHĐT
|
Đề nghị đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên 50% cũng được phép thoả thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân khác, với 03 điều kiện: (i) Phù hợp với quy hoạch; (ii) tại các vùng không ảnh hưởng quốc phòng - an ninh; (iii) trong phạm vi dự án đã được phê duyệt.
|
Về vấn đề này, cơ quan quan soạn thảo đề nghị giữa như quy định của dự thảo Luật do nội dung này đã trình Trung ương trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW và Trung ương chưa có kết luận cụ thể. Tiếp thu ý kiến, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian tới.
|
n) Cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành;
|
Bộ Nội vụ
|
Đề nghị quy định cụ thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thay cho tổ chức tôn giao trong dự thảo Luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như quy định của dự thảo Luật vì tại Điều 6 dự thảo Luật đã quy định viết tắt tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được gọi chung là tổ chức tôn giáo.
|
g) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở;
|
Bộ ngoại giao
|
Đề nghị xem xét cho phép người Việt Nam định cư ở ngước ngoài được mua, nhận, tặng cho, nhận thừa kế đối với quyền sử dụng đất ở ngoài dự án phát triển nhà ở nhằm phù hợp với Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ chính trị
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 và kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ chính trị không có nội dung quy định liên quan đến sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở ngước ngoài. Do đó, chưa có căn cứ để sửa đổi bổ sung vào Dự thảo Luật.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nhưng thuộc trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê theo quy định tại Luật này được chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và phải xác định lại giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển sang thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của Luật này.
|
HĐND, UBND tỉnh Trà Vinh
|
Đề nghị sửa như sau: “Tổ chức kinh tế, …. của Luật này.
Trường hợp người trúng đấu giá thuê quyền sử dụng đất hoặc được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để thực hiện dự án đầu tư nhưng tiến độ thực hiện dự án chưa đảm bảo theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì không được chuyển sang thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê”. Lý do: Nhằm hạn chế các trường hợp nhà đầu tư chuyển sang thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để xin kết thúc dự án và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã có các quy định xử lý đối với dự án vi phạm tiến độ. Do dó, người sử dụng đất vẫn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất tại Dự thảo Luật.
|
Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nhưng thuộc trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê theo quy định tại Luật này được chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và phải xác định lại giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển sang thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của Luật này.
|
UBND, HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Thời điểm xác định giá đất quy định chưa thống nhất tại khoản 4 Điều 126 và Điều 195 do đó Đề nghị quy định tại thời điểm Nhà nước ban hành quyết định hành chính.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại Điều về nguyên tắc, phương pháp định giá đất của dự thảo luật đã quy định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được ghi trong quyết định điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất. Do đó, dự thảo Luật quy định là thống nhất.
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn
|
Cần làm rõ hơn về khái niệm “tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính” theo hướng tự chủ bao nhiêu % hay tự chủ 100%, đề nghị quy định cụ thể hơn các trường hợp tự chủ tài chính nào thuộc trường hợp phải thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai (đặc biệt là đối với đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên) do việc xác định đơn vị tự chủ tài chính thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, có 4 mức độ tự chủ tài chính, trong đó có đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, tuy nhiên về pháp luật đất đai chỉ quy định chung cho trường hợp tự chủ tài chính mà không phân tách rõ ràng từng trường hợp cụ thể.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định các trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được quy định pháp luật chuyên ngành (Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn ví sự nghiệp công lập).
|
Mục 2
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tỉnh ủy, Sở TNMT Thái Bình
|
Đề nghị quy định rõ việc cho thuê lại phải phù hợp với mục đích sử dụng đất đã được xác định trong quyết định giao đất, cho thuê đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc sử dụng đất phải sử dụng đúng nguyên tắc sử dụng đất theo quy định tại Điều về nguyên tắc sử dụng đất của dự thảo: “1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”.
|
1. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 189 và Điều 193 của Luật này.
|
|
|
|
2. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê ngoài quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này còn có các quyền sau đây:
|
|
|
|
a) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất;
|
UBND tỉnh Quảng Trị
|
Đề nghị chỉnh lại như sau: “a) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất sau khi đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận trừ trường hợp phải thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành hoặc bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra”
|
|
Tỉnh ủy Lâm Đồng
|
Đề nghị quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần đề thực hiện dự án đầu tư chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư nhằm tránh tình trạng chuyển quyền từ đát Nhà nước cho thuê từ tổ chức sang cá nhân nhưng không để thực hiện dự án đầu tư
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: quy định này kế thừa Luật Đất đai 2013.
|
b) Cho thuê quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; cho thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
|
|
|
|
c) Tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; tặng cho nhà tình nghĩa gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;
|
|
|
|
d) Thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;
|
Tỉnh ủy, UBND Tiền Giang
|
Đề nghị sửa thành: “Thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập) có thực hiện hoạt động cho vay theo quy định của pháp luật”. Lý do: Để bảo đảm cho hoạt động cho vay đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển theo đúng quy định của pháp luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước đã nhận xét: “Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước quy định về nguồn tài chính hình thành, mô hình tổ chức, hoạt động của các quỹ còn phức tạp, thiếu thống nhất và chưa có một văn bản pháp luật mang tính khuôn khổ pháp lý chung để quản lý các quỹ một cách thống nhất” đồng thời Nghị quyết đã chỉ đạo Chính phủ: “Sớm nghiên cứu hình thành cơ sở pháp lý để thống nhất quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.”
|
Ngân hàng nhà nước Việt Nam
|
Đề nghị quy định thống nhất về việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đối với các đối tượng sử dụng đất giữa điểm d khoản 2 Điều 197 và điểm g khoản 1 Điều 202
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: dự thảo Luật quy định theo hướng kế thừa các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Việc thay đổi các quyền này là vấn đề quan trọng cần có căn cứ chính trị. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát chỉnh sửa cho phù hợp trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
|
|
Ngân hàng nhà nước Việt Nam
|
Tại Điều 197, 198, 208 đề nghị sửa theo hướng các đối tượng được phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam hoặc các tổ chức kinh tế khác (Theo đó, các tổ chức kinh tế khác cũng được quyền nhận thế chấp và đăng ký thế chấp và các quyền khác đối với tài sản đảm bảo của khoản nợ như tổ chức tín dụng được phép).(nhằm thống nhất với Điều 368 Luật Dân sự và khoản 3, khoản 4 Điều 1, Điều 7 Thông tư 09/2015/TT-NHNN)
|
4. Tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
|
Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp “tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư vì mục đích lợi nhuận không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này mà được miễn một phần tiền sử dụng đất, tiền thuê đất” để có cơ sở thực hiện đối với trường hợp tổ chức được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong một khoảng thời gian nhất định nhưng không được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này sẽ được rà soát để sửa đổi đồng bộ với quy định về tiền tiền thuê đất.
|
UBND tỉnh Sóc Trăng
|
Đề nghị bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức được giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một số năm.
|
c) Trường hợp tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư vì mục đích lợi nhuận không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này mà được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì tổ chức kinh tế có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai như trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với loại đất có mục đích sử dụng tương ứng.
|
Tỉnh ủy Hậu Giang
|
Đề nghị bổ sung như sau: “Trường hợp tổ chức trong nước được Nhà nước cho thuê đất có nguồn gốc do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư vì mục đích lợi nhuận không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản này mà được miễn toàn bộ tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất thì tổ chức kinh tế có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đất đai như trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần”. Lý do: Đối với dự án tổ chức thực hiện hình thức sử dụng đất nhận chuyển nhượng đất của hộ gia đình, cá nhân để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án là thuê đất và dự án thuộc địa bàn khó khăn và được miễn toàn bộ tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Không quy định cho phép người thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp động thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm (Điều 198, khoản 2 Điều 202, khoản 2 Điều 206)
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc quy định như dự thảo nhằm thể chế hóa nội dung tại Nghị quyết số 18/NQ-TW về nội dung đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; cơ bản cho thuê đất theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm.
|
VCCI
|
Đề nghị rà soát, thống nhất quy định về điều kiện, của tài sản hình thành trong tương lai khi được đưa vào kinh doanh tại khoản 2 Điều 58, Điều 198, Điều 212 với Điều 54,55 Luật Kinh doanh bất động sản
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Giấy chứng nhận là chứng thư pháp lý để nha nước xác lập và bảo hộ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Quá trình thực hiện đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận là quá trình xác định người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Vi vậy, trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận mà đã cho thực hiện quyền có thể dẫn đến người thực hiện quyền không phải là người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu nại.
|
HĐND Hà Nam
|
Cần quy định cụ thể tổ chức kinh tế được phép nhận chuyển nhượng đất ở để sử dụng lâu dài. Vì như quy định hiện nay các địa phương rất khó thực hiện. Điều 169 Luật đất đai 2013 không cấm việc này nhưng theo quy định về giao đất, về quyền của tổ chức kinh tế hiện nay thì tổ chức kinh tế không được sử dụng đất ở.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo báo cáo cụ thể như sau: Điều 178 dự thảo Luật đã quy định về thời hạn sư dụng đất khi nhận chuyển quyền sử dụng đất. Theo đó, tại khoản 2 Điều này quy định, người nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với loại đất được sử dụng ổn định lâu dài thì được sử dụng đất ổn định lâu dài.
|
BKHĐT
|
Đề nghiên cứu, giải trình rõ sự khác nhau giữa bổ sung quyền chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm” và quyền chuyển nhượng, thế chấp bằng quyền sử dụng đất trong trường hợp thuê đất trả tiền một lần.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo báo cáo cụ thể như sau: chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm” là nội dung mới của dự thảo Luật nhằm thể chế hoá Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII Nghị quyết số 18-NQ-TW của Đảng đối với chủ trương về thương mại hóa quyền sử dụng đất. Tiếp thu ý kiến, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu quy định cụ thể trong dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật để phna biệt với quyền trong trường hợp thuê đất trả tiền một lần.
|
1. Tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
|
UBND tỉnh Phú Thọ
|
Tại điểm b, c khoản 1 không quy định cho phép người thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm có quyền chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm vì người sử dụng đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước; tạo ra sự thiếu công bằng giữa thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hàng năm
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đây là nội dung phù hợp tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ-TW về thương mại hóa quyền sử dụng đất. Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm.
|
a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 189 và Điều 193 của Luật này;
|
|
|
|
b) Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bổ sung định nghĩa, nguyên tắc và cách xác định quyền thuê trong hợp đồng thuê đất, đồng thời bổ sung quy định người thế chấp, bán quyền thuê đất phải hoàn thành việc nộp tiền thuê đất bổ sung tương ứng với quyền thuê đất trong thời hạn thuê đất còn lại trước khi thực hiện việc thế chấp, bán hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Đề nghị đánh giá tác động, rà soát các điều kiện thực hiện đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự, đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo Kết luận của BCS Chính phủ tại thông báo số 952/TB-BCSĐCP, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên, tránh tranh chấp, khiếu nại.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: việc chuyển nhượng quyền quyền trong hợp đồng thuê đất là hình thức bên có quyền thuê trả tiền thuê đất hàng năm với Nhà nước được chuyển các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng cho chủ thể khác để tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê đất. Trong giao dịch này các bên phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đối với các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ tài chính sẽ được Chính phủ quy định cụ thể.
|
Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Đề nghị làm rõ “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất” bao gồm cụ thể những quyền gì (Ví dụ: quyền sử dụng hạ tầng đã trả tiền 1 lần hoặc đã đầu tư, quyền đối với phần chi phí đã đền bù giải phóng mặt bằng…) để các tổ chức tín dụng có căn cứ để xác định giá trị và quyết định khi người sử dụng đất có nhu cầu thế chấp.
|
c) Bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 212 của Luật này; người mua tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được tiếp tục sử dụng đất theo mục đích đã được xác định;
|
Tỉnh ủy, Sở TNMT Thái Bình
|
Quy định hiện hành đang mâu thuẫn với Luật Đầu tư (phải đúng mục tiêu đầu tư), trường hợp mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp nhưng khi cho thuê tài sản xác định đất thương mại, dịch vụ rất vướng mắc.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: người thuê tài sản gắn liền với đất cũng phải sử dụng đất đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bộ xây dựng
|
Đề nghị chỉnh lý theo hướng chỉ quy định đối với quyền, nghĩa vụ của người sử dụng không gian trên mặt đất, mặt nước, trong lòng đất mà quyền sử dụng đất thuộc về chủ thể khác. Việc xác định không gian sử dụng đất đề nghị dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị, không quy định tại dự thảo này.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật quy định theo hướng dẫn chiếu theo quy định pháp luật về xây dựng, pháp luật về đô thị để đảm bảo phù hợp với kết cấu xây dựng công trình theo quy định tại Điều về không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình ngầm, đất xây dựng công trình trên không của dự thảo Luật quy định về không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình ngầm, đất xây dựng công trình trên không.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
HĐND Quảng Trị
|
Bổ sung cấp quyền sử dụng đất cho hộ gia đình: do hộ gia đình chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tuy không còn nhiều, nhưng đây là những hộ rất khó khăn khi lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định như dự thảo nhằm quản lý đất đai một cách chặt chẽ, hiệu quả để khuyến khích người dân trong công tác kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng dất và tài sản găn liền với đất nhằm tránh phát sinh những trường hợp tranh chấp về đất đai.
|
i) Trường hợp đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án thì có quyền tự đầu tư trên đất hoặc cho chủ đầu tư dự án thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ.
|
Tỉnh ủy Lạng Sơn
|
Đề nghị xem xét lại khoản này vì đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đã được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phải bàn giao mặt bằng cho Nhà nước để thực hiện dự án.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
VCCI
|
Đề nghị bỏ quy định này do việc cho phép người có đất bị thu hồi được quyền tự đầu tư trên đất bị thu hồi không phù hợp với tính chất của hoạt động thu hồi đất. Mặt khác, quy định này có thể khiến việc thu hồi bị kéo dài hoặc không thể thu hồi được khi người sử dụng đất tự thực hiện dự án hoặc yêu cầu góp vốn với chủ đầu tư dự án; trong trường hợp người sử dụng đất muốn tự đầu tư thì sẽ thực hiện thủ tục nào?
|
2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, trừ trường hợp sử dụng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
|
UBND tỉnh Phú Thọ
|
Không quy định cho phép người thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm có quyền chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm vì người sử dụng đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước; tạo ra sự thiếu công bằng giữa thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hàng năm
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đây là nội dung phù hợp tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ-TW về thương mại hóa quyền sử dụng đất; cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm.
|
UBND tỉnh Hà Tĩnh
|
Đề nghị rà soát thống nhất với Luật Lâm nghiệp (Điều 14, 81: hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng phòng hộ không được quyền cho thuê rừng, không được chuyển nhượng rừng)
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Các nội dung liên quan đến rừng sẽ áp dụng theo quy định của Chương quy định về chế độ sử dụng đất.
|
a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 189 và Điều 193 của Luật này;
|
|
|
|
b) Bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất vàquyền thuê trong hợp đồng thuê đất khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 212 của Luật này; người mua tài sản gắn liền với đất vàquyền thuê trong hợp đồng thuê đất được tiếp tục sử dụng đất theo mục đích đã được xác định;
|
Tỉnh ủy Tiền Giang
|
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung địa phương đề xuất đã được quy định tại Điều về thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất; Điều về thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển quyền sử dụng đất và Điều về thời hạn sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư; điều chỉnh, gia hạn thời hạn sử dụng đất của dự án của Dự thảo Luật về thời hạn sử dụng đất.
|
đ) Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;
|
Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Dự thảo Luật chưa cho phép người sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm được thế chấp quyền sử dụng đất trong khi đây là nhu cầu cấp thiết của khách hàng và ngân hàng có thể đưa ra các điều kiện cụ thể khi cấp tín dụng cho các khách hàng thế chấp quyền sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo luật đã bổ sung quyền thuê trong hợp đồng thuê đất.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bộ ngoại giao
|
Đề nghị bổ sung 1 điểm mới về quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao như sau: “Việc giao lại đất, chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao khi không có nhu cầu sử dụng vào mục đích chính thức được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và quy định của pháp luật có liên quan”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu chỉnh sửa vào dự thảo Luật và bổ sung thêm tại Điều về đất do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý, sử dụng của dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
UBND tỉnh Nghệ An
|
Đề nghị có quy định cụ thể để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận đất đai để thực hiện dự án đầu tư ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nghị quyết số 18-NQ/TW không đề cập đến nội dung này nên chưa có cơ sở thể chế vào dự thảo Luật.
|
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
|
UBND tỉnh Phú Thọ
|
Không quy định cho phép người thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm có quyền chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm vì người sử dụng đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước; tạo ra sự thiếu công bằng giữa thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hàng năm
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đây là nội dung phù hợp tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ-TW về thương mại hóa quyền sử dụng đất. Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm.
|
3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước Việt Nam giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
|
UBND tỉnh Sóc Trăng
|
Tại điểm b,c,d,đ: đề nghị bỏ cụm từ: “trong thời hạn sử dụng đất” do tịa điểm d khoản 1 Điều 211 đã có quy định cụ thể điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định này mang tính kỹ thuật sẽ được rà soát trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
|
4. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoàicó sử dụng đất được hình thành do mua cổ phần, phần vốn góp thì có các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này tương ứng với hình thức nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
|
Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Đề nghị làm rõ hơn? Thế nào được hiểu là doanh nghiệp FDI có quyền sử dụng đất từ việc góp vốn? vì doanh nghiệp FDI không phải là chủ sử dụng đất mà chỉ là thành viên góp vốn/cổ đông của doanh nghiệp chủ sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Điều về người sử dụng đất tại dự thảo Luật đã quy định làm rõ nội dung này.
|
Điều 207. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế liên doanh sử dụng đất do nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; tổ chức kinh tế 100% vốn đầu tư nước ngoài được chuyển đổi từ tổ chức kinh tế liên doanh
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tỉnh ủy Bạc Liêu
|
Đề nghị nghiên cứu bổ sung về điều kiện góp quyền sử dụng đất của người sử dụng đất, đồng thời bổ sung thêm điều kiện ràng buộc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho… của người sử dụng đất là không vi phạm pháp luật về đất đai (để thống nhất với điểm d khoản 2 Điều 197)
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
|
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND tỉnh Vĩnh Long
|
Về đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không phải là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không chỉ là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Theo đó, cần làm rõ đất nông nghiệp ở đây là bao gồm các loại đất gì, có bao gồm đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng không? Nếu có đề nghị xem xét đề xuất tiêu chí chuyển nhượng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW (có cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng khi đã giao đất)
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đây là nội dung phù hợp tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ-TW về “Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất.”
Đối với Tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận theo quy định tại khoản 4 Điều này của Dự thảo Luật.
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắc Nông
|
Bổ sung thêm điểm “đ. Chưa có Thông báo thu hồi đất”. Lý do: Khi đã có Thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền thì người sử dụng đất không được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng ... (nội dung này đã có trong Chỉ thị số 03/CT-BTNMT ngày 01/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai nhưng trong Luật Đất đai chưa được quy định cụ thể).
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: về nguyên tắc quyền của người sử dụng đất chỉ bị chấm dứt khi Nhà nước thu hồi đất. Khi Nhà nước thu hồi đất người sử dụng đất vẫn được Nhà nước bồi thường theo quy định của pháp luật. Do đó, không thể hạn chế quyền chuyển quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.
|
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa theo quy định Luật này;
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn
|
Đề nghịbổ sung điều kiện: Đất sử dụng đúng mục đích theo giấy chứng nhận đã cấp.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc sử dụng đất phải thực hiện theo nguyên tắc sử dụng đất theo quy định tại Điều về nguyên tắc sử dụng đất của Dự thảo Luật.
|
UBND tỉnh Sơn La
|
Đề nghị sửa thành: “a) Có Giấy chứng nhận hoặc có các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 113 của Luật này” lý do để phù hợp với khoản 2 Điều 114.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định như dự thảo nhằm quản lý đất đai một cách chặt chẽ, hiệu quả để khuyến khích ngời dân trong công tác kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng dất và tài sản găn liền với đất nhằm tránh phát sinh những trường hợp tranh chấp về đất đai.
|
Ngân hàng nhà nước việt Nam, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Theo khoản 1 Điều 211, khoản 2 Điều 216 thì điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê phải đáp ứng điều kiện là có Giấy chứng nhận. Tuy nhiên Điều 49 Luật Kinh doanh bất động không có điều kiện phải có giấy chứng nhận. Do đó đề nghị quy định thống nhất về điều kiện chuyển nhượng phù hợp với điều kiện thế chấp dự án, theo đó chỉ cần có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Giấy chứng nhận là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác lập và bảo hộ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Quá trình thực hiện đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận là quá trình xác định người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Vi vậy, trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận mà đã cho thực hiện quyền có thể dẫn đến người thực hiện quyền không phải là người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu nại.
|
b) Đất không có tranh chấp;
|
Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Đề nghị xem xét để làm rõ, hướng dẫn về phương thức, hình thức, thẩm quyền xác nhận đất không có tranh chấp
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật hoặc văn bản dưới Luật cho phù hợp.
|
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
|
|
|
|
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
|
Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Đối với đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, đề nghị làm rõ nội dung trong thời hạn sử dụng đất vì Luật đất đai không bắt buộc hộ gia đình, cá nhân phải cập nhật lại thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: nội dung này đã được quy định tại điều khoản chuyển tiếp.
|
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 212, 213, 214, 215 và 216 của Luật này.
|
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình
|
Đề nghị điều chỉnh như sau: “Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, tuỳ theo từng trường hợp cụ thểngười sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 212, 213, 214, 215 và 216 của Luật này”. Lý do, để xác định khi người sử dụng đất thực hiện quyền nào thì đáp ứng điều kiện tương ứng với từng điều luật, quy định như dự thảo người sử dụng đất phải đáp ứng đồng thời tất cả các điều kiện khi thực hiện các quyền là không phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo quy định theo hướng kế thừa Luật Đất đai năm 2013, trong quá trình thực hiện không có vướng mắc tại nội dung này.
|
3. Việc chuyển quyền sử dụng đất trong các hợp đồng, giao dịch chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính.
|
Ngân hàng ACB
|
Đề nghị thống nhât thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất giữa dự thảo Luật đất đai và Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/03/2021
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND tỉnh Lai Châu
|
Đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo Luật cần rà soát, chỉnh sửa theo hướng làm rõ các thời điểm liên quan đến hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất tương ứng với từng loại hợp đồng và phù hợp với Bộ luật Dân
sự 2015
|
Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Để đảm bảo cách hiểu thống nhất, phù hợp với quy định tại Bộ luật dân sự 2015 về hiệu lực của giao dịch bảo đảm, đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng: quy định rõ hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực từ thời điểm công chứng, chứng thực; biện pháp thế chấp quyền sử dụng đất phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
|
VCCI
|
Đề nghị quy định nhằm thống nhất với khoản 3 Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
|
4. Tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.
|
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
Đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể đảm bảo kiểm soát đất nông nghiệp được sử dụng đất đúng mục đích, cơ quan nào sẽ hướng dẫn nội dung này? Quy định tại dự thảo chưa rõ hạn mức được nhận và chế độ sử dụng đất nông nghiệp sau khi nhận chuyển nhượng, việc nhận chuyển nhượng này sẽ liên quan tới việc tích tụ đất nông nghiệp tại Điều 161 khi nhà nước chỉ khuyến khích “tích tụ đất đai với quy mô phù hợp để sản xuất nông nghiệp”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp chỉ áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân. Đối với tổ chức kinh tế cần quy định có phương án sử dụng đất để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm soát việc sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế có hiệu quả.
|
Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Đề nghị xem lại vì quy định này sẽ là rào cản làm hạn chế việc tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, không phù hợp trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp do ngân hàng phát mại theo phương thức bán đấu giá theo quy định pháp luật đấu giá. Vì khi bán đấu giá chưa xác định được người nhận chuyển nhượng nên không thể có phương án sử dụng đất để báo cáo và được UBND cấp tỉnh phê duyệt, làm hạn chế tính thanh khoản của tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp.
|
VCCI
|
Đề nghị quy định rõ về trình tự, thủ tục để tổ chức có thể được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Đối với thủ tục hành chính Chính phủ sẽ quy định chi tiết.
|
5. Việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
|
|
|
|
|
Tỉnh ủy, Sở TNMT Thái Bình
|
Đề nghị quy định rõ khái niệm “quyền thuê” để tránh vướng mắc khi thi hành.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đã được xác định trong hợp đồng thuê đất giữa Nhà nước và người sử dụng đất. Các vấn đề cụ thể sẽ được Chính phủ quy định chi tiết thi hành.
|
1. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được bán tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước khi có đủ các điều kiện sau đây:
|
Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Đề nghị làm rõ tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm được xây dựng, hoàn thành theo đúng giấy phép xây dựng được cấp đã đủ điều kiện mua bán/chuyển nhượng chưa hay chủ sở hữu phải tiến hành đăng ký sở hữu công trình gắn liền với đất trên giấy chứng nhận mới đủ điều kiện mua bán/chuyển nhượng. Lý do là hiện nay có nhiều ngân hàng thương mại đang chỉ nhận tài sản là công trình xây dựng gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm khi chủ sở hữu đã hoàn thành việc đăng ký sở hữu công trình gắn liền với đất. Theo đó, người sử dụng đất là doanh nghiệp đã có nhà xưởng xây dựng theo giấy phép không thể tiếp cận được vốn ngân hàng khi chưa hoàn thành việc đăng ký sở hữu được công trình gắn liền với đất, gây mất thời gian và hạn chế quyền của người sử dụng đất mặc dù tài sản đã được tạo lập và đang hiện hữu.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc thế chấp tài sản gắn liền với đất phải được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
|
a) Tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật;
|
UBND, HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Đề nghị điều chỉnh như sau: “a) Tài sản gắn liền với đất thuê đã được chứng nhận quyền sở hữu tài sản theo quy định pháp luật” Lý do: khái niệm tài sản được tạo lập hợp pháp thiếu hướng dẫn về khái niệm và khó khăn trong thẩm định thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Đề nghị bổ sung điều kiện của người được bán tài sản gắn liền với đất thuê: có xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai đến thời điểm bán tài sản của cơ quan thuế.
Lý do: trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có nhiều tổ chức kinh tế, còn nợ tiền thuê đất nhưng vẫn được công chứng bán tài sản gắn liền với đất, trong khi đó, người mua tài sản gắn liền với đất chỉ thực hiện tiền thuê đất từ ngày được quyết
định cho thuê đất. Dẫn đến, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: tài sản gắn liền với đất được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật đã đảm bảo tính bao quát về quyền sở hữu tài sản hợp pháp. Nếu quy định phải được chứng nhận quyền sở hữu thì cơ quan thực hiện chứng nhận quyền sở hữu lại gặp vướng mắc tương tự. Pháp luật đất đai đã có quy định phải hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thì mới được cấp Giấy chứng nhận. Nếu quy định phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính mới được bán thì ảnh hưởng đến quyền của người sử dụng đất. Đồng thời nhiều trường hợp người sử dụng đất cần bán tài sản để thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
|
Tỉnh ủy Lâm Đồng
|
Đề nghị quy định đồng bộ là tài sản hợp pháp hay tài sản thuộc sở hữu của mình (Điều 197). Nếu là tài sản hợp pháp thì có phải cấp sở hữu tài sản trong Giấy chứng nhận hay không hay chỉ cần sự phù hợp với dự án đầu tư đã được cấp và quy định liên quan hay có cơ quan xác nhận
|
b) Đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận, trừ trường hợp phải thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành hoặc kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra.
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề nghị bỏ cụm từ: “hoàn thành” do gây khó khăn cho doanh nghiệp
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo quy định theo hướng phải xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt nhằm đảm bảo đất đai phải được sử dụng đúng mục đích và có đầu tư hiệu quả tránh tình trạng đầu cơ đất đai.
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề nghị nghiên cứu, sửa đổi để tháo gỡ trong trường hợp doanh nghiệp bán tài sản đầu tư trên đất nhưng chưa xây dựng theo mặt bằng được duyệt, đồng thời quy định rõ sự khác nhau giữa chuyển nhượng dự án và việc mua bán tài sản gắn liền với đất.
|
Tỉnh ủy, HĐND,UBND Đắk Lắk
|
Đề nghị sửa thành: “b) Đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết đối với trường hợp phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy định pháp luật và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận, trừ trường hợp phải thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành, kết quả thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra.”
|
UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc
|
Đề nghị bỏ cụm từ: “quy hoạch xây dựng chi tiết”, điều chỉnh thành: “b) Đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quyết định phê duyệt dự án đã được phê duyệt” do thực tế không phải dự án nào cũng lập quy hoạch xây dựng chi tiết.
|
Tỉnh ủy Đắk Lắk
|
Đề nghị quy định cụ thể trường hợp này gắn liền với đất phải chứng nhận sở hữu trên Giấy chứng nhận hay không
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Dự thảo quy định theo hướng đăng ký tài sản gắn liền với đất theo nhu cầu của người sử dụng đất.
|
2. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhà nước cho thuê đất được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê khi có đủ các điều kiện sau đây:
|
|
|
|
b) Đã ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp.
|
Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Đề nghị làm rõ đối với trường hợp tổ chức kinh tế thực hiện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc giai đoạn nào và cơ sở để thực hiện việc ứng trước?
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và quy định tại văn bản dưới luật cho phù hợp.
|
4. Người mua tài sản gắn liền với đất, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại, sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định trong dự án và phải thực hiện thủ tục đăng ký đất đai theo quy định của Luật này.
|
UBND, HĐND tỉnh Thanh Hóa
|
Đề nghị sửa đổi thành: “….và phải thực hiện thủ tục thuê đất với Nhà nước theo quy định của Luật này”, Lý do, trường hợp mua, bán tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thu hồi đất của người bán và quyết định cho người mua thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người bán bị thu hồi và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cho người mua tài sản. Do đó, không phải thủ tục đăng ký đất đai mà là thủ tục xin thuê đất
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: với những đổi mới về chuyển nhượng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất thì việc người bán tài sản cùng với quyền thuê trong hợp động thuê đất sẽ chỉ phải thực hiện đăng ký biến động.
|
|
|
|
|
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.
|
Bộ Tài chính
|
Đề nghị bỏ quy định về thuế thu nhập và lệ phí trước bạ để thống nhất với QĐ 508/QĐ-Ttg ngày 23/4/2022
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Tại tiết g điểm 1 Mục 3 Điều 1 QĐ 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 quy định: “Đối với các loại thuế liên quan đến tài sản (bao gồm cả thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp): tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.” Tuy nhiên, hiện nay chưa thực hiện việc Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nên việc đề xuất như địa phương là chưa có căn cứ pháp lý. Mặt khác hoạt động chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân nên được Nhà nước khuyến khích.
|
HĐND tỉnh Trà Vinh
|
Đề xuất bổ sung quy định giới hạn về địa bàn hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp (chỉ trong phạm vi địa bàn cấp huyện) nhằm hạn chế việc lợi dụng trốn thuế thu nhập.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề nghị không mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa đối với hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tổ chức kinh tế
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: đây là nội dung phù hợp tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW: “Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất nông nghiệp.
|
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
|
Tỉnh ủy, Sở TNMT Thái Bình
|
Đề nghị quy định rõ các trường hợp pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Nội dung từng quyền nghĩa vụ của NSDĐ đã được quy định tại các Điều luật tại Chương này. Do đó, việc dẫn chiếu lại sẽ dẫn đến trùng lặp.
|
Bộ Nội vụ
|
Đề nghị bổ sung tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc vào đối tượng quy định tại khoản này.
|
Vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như quy định của dự thảo Luật vì theo quy định tại Điều 6 Người sử dụng đất, tổ chức đã bao gồm cả tổ chức tôn giáo.
|
2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
|
Tỉnh ủy, UBND Tiền Giang
|
Kiến nghị điều chỉnh, bổ sung thành “Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Hội nông dân Việt Nam
|
Đề nghị quy định cụ thể về “đối tượng tổ chức kinh tế được nhận chuyển quyền” và “điều kiện được nhận chuyển nhượng”
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: khoản này quy định về trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
|
Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
|
Đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp chuyển nhượng một phần dự án đầu tư xây dựng để đảm bảo phù hợp với thực tiễn của thị trường bất động sản hiện nay.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
VCCI
|
Đề nghị xem xét để thống nhất với Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản
|
Chương XIV
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI
NỘI DUNG DỰ THẢO
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Các thủ tục hành chính về đất đai bao gồm:
|
|
|
|
c) Thủ tục cấp mới, cấp đổi, cấp lại, đính chính, Giấy chứng nhận;
|
Tỉnh ủy Tiền Giang
|
Đề nghị bỏ dấu “;”. Đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành đối với thủ tục “thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng”. do thực tế một số Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cũng cần phải thủ tục thu hồi khi cần thiết, ví dụ như một số trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 123 Dự thảo Luật.
Đề nghị bỏ dấu “;”. Đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành đối với thủ tục “thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng”. do thực tế một số Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cũng cần phải thủ tục thu hồi khi cần thiết, ví dụ như một số trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 123 Dự thảo Luật.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và đã sửa lại Điều về các thủ tục hành chính về đất đai như sau:
"c) Thủ tục cấp mới, cấp đổi, cấp lại, đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng;"
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Nội dung công khai thủ tục hành chính về đất đai bao gồm:
|
|
|
|
a) Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; đối tượng thực hiện thủ tục hành chính;
|
Tỉnh ủy Tiền Giang
|
Bổ sung thêm cụm từ “và địa điểm”, sửa thành: “Cơ quan có thầm quyền và địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; đối tượng thực hiện thủ tục hành chính” vì thực tế hiện nay cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả có thể là “Sở Tài nguyên và Môi trường” nhưng địa điểm tiếp nhận và trả kết quả là tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Khoản này có nội dung về công khai thủ tục hành chính. Theo quy định tại Điều về các thủ tục hành chính về đất đai này thì việc công khai tại trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Vì vậy, nếu bổ sung cụm từ “và địa điểm” như đề nghị thì việc công khai ở cơ quan này lại dẫn đến địa điểm ở nơi khác là không logic.
|
|
|
|
|
Chương XV
GIÁM SÁT, THANH TRA, KIỂM TRA GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
NỘI DUNG DỰ THẢO
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
|
|
|
|
|
Tỉnh ủy Điện Biên
|
Đề nghị bổ sung cụm từ hành vi vi phạm, trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm về đất đai vào tiêu đề của Chương; đồng thời, bổ sung Mục 3 quy định về hành vi vi phạm, trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm về đất đai để thống nhất bố cục, nội dung và thuận tiện cho việc tra cứu.
|
Cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng bổ sung cụm từ “và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai” vào tên chương và đồng thời bổ sung thêm Mục 3.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Hiến pháp và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
|
Tỉnh ủy Cà Mau
|
Đề nghị sửa thành: “…Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức chính quyền địa phương”.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
|
|
|
3. Nội dung giám sát của công dân trong quản lý và sử dụng đất đai:
|
Tỉnh ủy, HĐND Nam Định
|
Đề nghị bổ sung điểm g khoản 3: “Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.”vì thực tế việc công khai còn hình thức, chưa đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau:
Tại Điều về giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai đã quy định công dân có quyền giám sát việc công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (việc công bố, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã bao gồm việc công khai)
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.
|
UBND tỉnh Đắc Nông
|
Đề nghị bỏ cụm từ “tranh chấp đất đai”, sửa thành: “Tranh chấp đất đaivà tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”. Lý do trùng lặp câu.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Trường hợp tiếp thu nhu ý kiến sẽ thiếu trường hợp giải quyết tranh chấp chỉ tranh chấp về đất (chỉ có đất, không có tài sản). Do đó, đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật
|
|
|
|
|
1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
|
UBND tỉnh Đắc Nông
|
Đề nghị sửa đổi thành: “1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về đất đai”.
|
Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: Quy định tại Điều này là giải quyết việc khiếu nại, khiếu kiện hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền nên phải có cụm từ “Quản lý”
|
2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
|
Tỉnh ủy Điện Biên
|
Đề nghị rà soát thuật ngữ “khiếu kiện” và “khởi kiện” về đất đai để đảm bảo sự thống nhất và phù hợp với quy định của Luật Tố tụng hành chính.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin báo cáo như sau: Việc sửu dụng từ “ Khiếu kiện” để phù hợp với quy định tại Điều 30, Điều 31, Điều 32 Luật Tố tụng hành chính.
|
3. Việc thu thập, bảo quản, sử dụng và lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.
|
|
|
|
2. Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
|
|
|
|
3. Việc thu thập, bảo quản, sử dụng và lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
|
Tỉnh ủy Nam Định, Tỉnh ủy Điện Biên
|
Đề nghị sửa đổi cụm từ “...hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại...” thành “... hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết tố cáo...”.
|
Cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng sửa từ “khiếu nại” thành “tố cáo”
|
|
|
|
|
3. Vi phạm quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao gồm các hành vi sau:
|
|
|
|
a) Không tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời theo quy định;
|
UBND tỉnh Đắc Nông
|
Đề nghị sửa đổi thành: “a) Không tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời theo quy định hoặc tổ chức lập kế hoạch sử dụng đất nhưng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.Lý do: nhiều địa phương đã tổ chức lập kế hoạch sử dụng đất đối với một số loại đất trong kế hoạch không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất dẫn đến việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát, chỉnh sửa và sẽ được quy định chi tiết tại Nghị Định của Chính phủ.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Điều 233. Trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai
|
|
|
|
Điều 234. Tiếp nhận và xử lý trách nhiệm của thủ trưởng, công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và công chức địa chính cấp xã về các vi phạm trong quản lý đất đai
|
|
|
|
|
Tỉnh ủy Nam Định
|
Đề nghị điều chỉnh từ “đơn kiến nghị” ghi tại Điều này để tránh vướng mắc, chồng chéo với Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và ảnh hưởng đến quyền khiếu nại, tố cáo của người dân.
|
Về vấn đề này cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa dự thảo Luật cho phù hợp.
|
a) Đối với vi phạm của công chức địa chính xã, phường, thị trấn thì gửi kiến nghị đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
|
|
|
|
b) Đối với những vi phạm của công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai cấp nào thì gửi kiến nghị đến thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai cấp đó;
|
|
|
|
c) Đối với vi phạm của thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai thì gửi kiến nghị đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp.
|
|
|
|
2. Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thông báo cho người có kiến nghị biết.
|
UBND tỉnh Ninh Thuận
|
Đề nghị bổ sung cụm từ “bằng văn bản” vào sau cụm từ “và thông báo”, để quy định chặt chẽ.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
2. Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thông báo cho người có kiến nghị biết.
|
Tỉnh ủy Nam Định
|
Đề nghị điều chỉnh từ “đơn kiến nghị” ghi tại Điều này để tránh vướng mắc, chồng chéo với Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và ảnh hưởng đến quyền khiếu nại, tố cáo của người dân.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Chương XVI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
NỘI DUNG DỰ THẢO
|
ĐƠN VỊ GÓP Ý
|
Ý KIẾN GÓP Ý
|
DỰ KIẾN
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH
|
Chương XVI
|
|
|
|
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
|
|
|
|
Điều 235. Điều khoản chuyển tiếp
|
Sở TNMT Hưng Yên
|
Đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ quy định việc xử lý chuyển tiếp các nội dung đang thực hiện trước thời điểm Luật này có hiệu lực mà nay không phù hợp với Luật này.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
|
UBND Đà Nẵng
|
Đề nghị rà soát bổ sung quy định xử lý các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 tại Luật sửa đổi, bổ sung một sổ điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản.
|
|
1. Người được Nhà nước cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm mà thời hạn thuê đất đã trả tiền còn lại ít nhất là 05 năm thì tổ chức kinh tế có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 197 của Luật này; hộ gia đình, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 202 của Luật này.
|
UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Thái Nguyên
|
Đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp đối với dự án đầu tư có sử dụng đất đã đấu thầu, nhưng chưa được nhà nước giao đất, chưa tính tiền sử dụng đất thì thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sẽ tiếp tục thực hiện theo Điều 108 Luật Đất đai 2013 hay thực hiện theo quy định tại Điều 126 Luật này.
UBND tỉnh Thái Nguyên: cần thống nhất chung về nguyên tắc đối với các công trình, dự án đã và đang thực hiện theo Luật đất đai 2013 ở bước nào thì tiếp tục thực hiện theo Luật 2013; ở bước nào thì thực hiện theo Luật đất đai (sửa đổi)
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND, HĐND tỉnh Ninh Thuận
|
Đề nghị điều chỉnh “Điều khoản chuyển tiếp” thành “Quy định chuyển tiếp”, để đúng với quy định tại Điều 22 Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14/3/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND tỉnh Tuyên Quang
|
Đề nghị bổ sung liên quan đến các Dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách đang được triển khai thực hiện hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư để giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
STNMT tỉnh Thái Bình
|
Bổ sung quy định chuyển tiếp việc giao đất đối với các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư theo quy định của Luật nhà ở.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
HĐND, STNMT tỉnh Hà Nam
|
cần quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trước ngày 01/7/2014 là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệpmà nay thay đổi sang mã loại đất sang thương mại, dịch vụ thì thực hiện thủ tục đăng ký biến động không phải ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất; nghĩa vụ tài chính thì thực hiện điều chỉnh khi hết thời gian ổng định đơn giá thuê đất (do Luật Đất đai 2013 phát sinh loại đất thương mại dịch vụ).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Bộ Xây dựng
|
Rà soát, bổ sung đầy đủ các trường hợp xử lý chuyển tiếp tại Điều 235 dự thảo Luật, tránh “khoảng trống pháp lý” trong triển khai thực hiện
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
UBND Vĩnh Phúc
|
Dự thảo Luật quy định Điều 235 là điều khoản chuyển tiếp, nhưng trong dự thảo Luật lại có nhiều điều có nội dung quy định về chuyển tiếp, như: Điều 53, Điều 62, khoản 2 Điều 119,…đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét sắp xếp chuyển các điều luật có nội dung chuyển tiếp về quy định tại Điều 235 để tiện cho việc tra cứu thực hiện pháp luật.,….
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
3. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, khi hết thời hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 141 của Luật này. Thời hạn sử dụng đất được tính từ ngày 15 tháng 10 năm 2013 đối với trường hợp hết hạn vào ngày 15 tháng 10 năm 2013 theo quy định của Luật đất đai năm 2003; tính từ ngày hết thời hạn giao đất đối với trường hợp hết hạn sau ngày 15 tháng 10 năm 2013.
|
UBND Bà Rịa – Vũng Tàu
|
Đề nghị bỏ cụm từ “trực tiếp sản xuất nông nghiệp”. Lý do: việc công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trước đây Luật Đất đai chỉ yêu cầu trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp đối với đất trồng Lúa nước và đất trồng rừng phòng hộ.
|
|
6. Đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng theo quy định của Luật này.
|
HĐND tỉnh Điện Biên, STNMT tỉnh Hậu Giang
|
Đề nghị sửa đổi như sau: “Đối với những trường hợp đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp chưa tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì thực hiện theo Điều 99 Luật này”; Lý do: quy định hiện hành cũng như dự thảo áp dụng đối với dự án, hạng mục dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau đối với các dự án thực hiện từng đợt, từng giai đoạn hoặc đối với người sử dụng nhiều thửa đất nhưng mới thu hồi đất và bồi thường một số thửa đất, còn lại một số thửa đất chưa thu hồi, chưa bồi thường cần được áp dụng quy định Luật này cho phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
6. Đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng theo quy định của Luật này.
|
UBND Hòa Bình, UBND Bà Rịa – Vũng Tàu
|
Đề nghị sửa đổi như sau: “Đối với những trường hợp đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp chưa tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì thực hiện theo Điều 99 Luật này” quy định hiện nay cũng như dự thảo áp dụng đối với dự án, hạng mục dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau đối với các dự án thực hiện từng đợt, từng giai đoạn hoặc đối với người sử dụng nhiều thửa đất nhưng mới thu hồi đất và bồi thường một số thửa đất, còn lại một số thửa đất chưa thu hồi, chưa bồi thường cần được áp dụng quy định Luật này cho phù hợp.
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
14. (Đối với trường hợp quy định theo PA2 của Điều 169)
|
UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh Trà Vinh, UBND tỉnh Lai Châu, tỉnh ủy Trà Vinh, UBND Nghệ An, TU Lâm Đồng
|
Bỏ khoản 14 nhằm đảm bảo phù hợp với nội dung quy định tại Điều 169 (Phương án 1).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Đối với đất trong các khu kinh tế đã được Nhà nước giao cho Ban Quản lý khu kinh tế trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được xử lý như sau:
|
Bộ KH&ĐT
|
3. Về chế độ sử dụng đất cho khu kinh tế Để dảm bảo việc sửa đổi Luật Đất đai không làm hạn chế, tác động trực tiếp tới việc thu hút đầu tư và chủ trương, chính sách phát triển các khu kinh tế của Đảng, Nhà nước và quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như việc thực hiện thủ tục đầu tư, giao đất, cho thuê đất cho dự án đầu tư, nhà đầu tư vào khu kinh tế thời gian qua, đề nghị tiếp tục đưa các quy định về chế độ sử dụng đất cho khu kinh tế đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2003 và 2013 và nghiên cứu, bổ sung quy định chuyển tiếp đối với người sử dụng đất trong khu kinh tế (chuyển tiếp đổi với trường hợp nhà đầu tư đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng chưa hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư).
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu để tiếp tục rà soát, chỉnh sửa trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
|
a) Đối với diện tích đã được giao lại, cho thuê trước ngày Luật này có hiệu lực thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn sử dụng đất;
|
|
|
|
b) Đối với đất chưa giao, chưa cho thuê hoặc đất đã hết thời hạn giao đất, thuê đất thì thực hiện theo quy định của Luật này;
|
|
|
|
c) Người sử dụng đất trong khu kinh tế trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện các quyền và nghĩa vụ tương ứng với hình thức giao đất, cho thuê đất trong thời gian sử dụng đất còn lại.
|
|
|
|
Điều 236. Hiệu lực thi hành
|
|
|
|
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày…. tháng…. năm….
|
|
|
|
Luật đất đai số 45/2013/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
|
UBND tỉnh Lạng Sơn
|
Chỉnh sửa, bổ sung như sau: "Luật Đất đai số 45/2013/QH13 và Điều 6 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành".
|
Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa vào dự thảo Luật cho phù hợp.
|
Điều 237. Quyđịnh chi tiết
|
|
|
|
Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.
|
HĐND tỉnh Lạng Sơn
|
Xem xét bỏ Điều 237, bổ sung các cụm từ “Chính phủ quy định chi tiết Điều này” hoặc các quy định giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ tại các điều, khoản cụ thể.
|
Cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: các vấn đề về kỹ thuật lập pháp sẽ được rà soát theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
|
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ… thông qua ngày… tháng…năm 2023./.
|
HĐND tỉnh Tuyên Quang
|
Đề nghị sửa thành: Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, kỳ họp thứ… thông qua ngày… tháng…năm 2023
|
Cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: các vấn đề về kỹ thuật lập pháp sẽ được rà soát theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
|
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ… thông qua ngày… tháng…năm 2023./.
|
HĐND Yên Bái
|
Đề nghị trình bày thông tin về thời điểm Quốc hội thông qua luật theo quy định tại khoản 1 Điều 36; Bổ sung chức vụ, họ và tên của người có thẩm quyền ký văn bản theo quy định tại Điều 37 Nghị quyết số 351/2017/NQ-UBTVQH14 và Mẫu số 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết số 351/2017/NQ-UBTVQH14
|
Cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: các vấn đề về kỹ thuật lập pháp sẽ được rà soát theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
|
STNMT Ninh Thuận
|
Bỏ từ “đã” trong cụm từ “đã được Quốc hội”
|
Cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: các vấn đề về kỹ thuật lập pháp sẽ được rà soát theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
|
STNMT Ninh Thuận
|
Bỏ từ “đã” trong cụm từ “đã được Quốc hội”
|
Cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo như sau: các vấn đề về kỹ thuật lập pháp sẽ được rà soát theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
|
[1] Khoản 1 Điều 53 Luật Nhà ở quy định Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trên diện tích đất được xác định để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định để cho thuê, cho thuê mua.
Nghị Định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Ngày ban hành:
Số hiệu:
Mô tả:
Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
A1110-dtND-qdinh-chi-tiet-thi-hanh-Luat-Dat-dai---20220930095948.doc
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Đất đai ngày tháng năm 2023;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Chính phủ ban hành Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai số /2023/QH15 (sau đây gọi là Luật Đất đai).
2. Việc quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giá đất; thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được thực hiện theo các Nghị định khác của Chính phủ.
1. Cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.
2. Người sử dụng đất theo quy định tại Điều 6 của Luật Đất đai.
3. Các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.
1. Dữ liệu đất đai là thông tin đất đai dưới dạng dữ liệu số được thể hiện bằng hình thức ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh hoặc âm thanh.
2. Cơ sở dữ liệu đất đai là tập hợp các dữ liệu đất đai được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử.
3. Đăng ký đất đai điện tử là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành toàn bộ hoặc một số bước thực hiện thủ tục về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên môi trường điện tử.
4. Hồ sơ điện tử thực hiện các giao dịch về đất đai là những loại giấy tờ, tài liệu ở dạng điện tử được tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính về đất đai nộp, bổ sung cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định hoặc giấy tờ, tài liệu ở dạng điện tử được luân chuyển giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.
5. Mã định danh thửa đất được xác lập từ cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của thửa đất. Mỗi thửa đất được cấp duy nhất một mã định danh và không thay đổi trong suốt vòng đời của thửa đất.
6. Biểu mẫu đăng ký đất đai điện tử là các mẫu đơn thực hiện thủ tục đăng ký đất đai được thể hiện dưới dạng điện tử.
7. Cổng thông tin đất đai là điểm truy cập duy nhất của cơ quan quản lý đất đai trên môi trường mạng, liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và các ứng dụng về đất đai mà qua đó người dùng có thể truy cập, khai thác thông tin về đất đai.
8. Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường là mức giá được xác định bằng bình quân của các mức giá xuất hiện với tần suất nhiều nhất qua thống kê các giao dịch thực tế đã chuyển nhượng trên thị trường, giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất của loại đất có cùng mục đích sử dụng tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến như: đầu cơ, thiên tai, đại dịch, khủng hoảng kinh tế, tài chính, thay đổi quy hoạch, có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác.
9. Thửa đất trống là thửa đất mà tại thời điểm định giá không có nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất.
10. Vị trí đất là khu vực bao gồm các thửa đất liền kề nhau gắn với hệ thống giao thông, có cùng mục đích sử dụng và có các yếu tố tương đồng về vị trí, khả năng sinh lợi và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất.
11. Vùng giá trị đất là khu vực bao gồm các thửa đất liền kề nhau, có cùng mục đích sử dụng và có các yếu tố tương đồng về vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất.
12. Giá thửa đất chuẩn là giá của thửa đất có các đặc tính về diện tích, hình thể, kích thước mang tính đại diện cho các thửa đất trong vùng giá trị đất, được chọn làm thửa đất chuẩn để định giá cho các thửa đất khác trong vùng giá trị đất.
13. Bảng tỷ lệ so sánh là bảng thể hiện các tỷ lệ chênh lệch giữa giá của từng thửa đất cụ thể so với giá của thửa đất chuẩn theo từng yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất trong vùng giá trị đất.
1. Trường hợp đang sử dụng đất không có giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật đất đai thì loại đất được xác định như sau:
a) Trường hợp đang sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng;
b) Trường hợp đang sử dụng đất do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì căn cứ vào nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất để xác định loại đất.
2. Trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì việc xác định loại đất được căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và dự án đầu tư.
3. Đối với thửa đất sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau (không phải là đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất) thì việc xác định loại đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:
a) Trường hợp xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích thì tách thửa đất theo từng mục đích và xác định mục đích cho từng thửa đất đó;
b) Trường hợp không xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích thì mục đích sử dụng đất chính được xác định theo loại đất có mức giá cao nhất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành.
Trường hợp nhà chung cư có mục đích hỗn hợp, trong đó có một phần diện tích sàn nhà chung cư được sử dụng làm văn phòng, cơ sở thương mại, dịch vụ thì mục đích sử dụng chính của phần diện tích đất xây dựng nhà chung cư được xác định là đất ở.
4. Cơ quan xác định loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; là Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở. Trường hợp thu hồi đất thì cơ quan có thẩm quyền xác định loại đất là cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp thửa đất có cả đối tượng thuộc thẩm quyền xác định loại đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện thì cơ quan xác định loại đất là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Khi thực hiện thủ tục giao đất, đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm xác nhận hộ gia đình, cá nhân có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp theo quy định sau đây:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.
2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không cùng nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp sau khi có văn bản xác nhận về việc sử dụng đất nông nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.
1. Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương bao gồm:
a) Cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Tài nguyên và Môi trường;
b) Cơ quan quản lý đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là Phòng Tài nguyên và Môi trường.
2. Cơ quan tài nguyên và môi trường ở địa phương bao gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký đất đai.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xây dựng tổ chức bộ máy quản lý đất đai tại địa phương; Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí công chức địa chính xã, phường, thị trấn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý đất đai ở địa phương và nhiệm vụ của công chức địa chính xã, phường, thị trấn.
1. Văn phòng đăng ký đất đai:
a) Văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng thực hiện một số nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về đất đai, thực hiện đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, đo đạc, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và thực hiện các dịch vụ khác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phù hợp với năng lực theo quy định của pháp luật;
b) Văn phòng đăng ký đất đai có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc theo khu vực. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng đăng ký đất đai theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Kinh phí hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Khi Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp các dịch vụ thì người yêu cầu cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chi trả chi phí cho việc được cung cấp dịch vụ đó. Đối với thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, người yêu cầu cung cấp dịch vụ có trách nhiệm trả phí thẩm định hồ sơ và thẩm định các điều kiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trả chi phí đối với các công việc còn lại của thủ tục theo giá cung cấp dịch vụ công do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
2. Tổ chức phát triển quỹ đất:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
b) Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
Lập, tổ chức việc thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Lập dự thu hồi đất để tạo quỹ đất để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt.
Tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất;
Quản lý, khai thác đất thuộc quỹ đất được giao, cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Cho các tổ chức, cá nhân thuê ngắn hạn đối với quỹ đất chưa giao, chưa cho thuê sau khi được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thực hiện các dịch vụ trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đấu giá quyền sử dụng đất; dịch vụ tư vấn xác định giá đất, trừ các trường hợp Nhà nước định giá đất; cung cấp thông tin về địa điểm đầu tư, giá đất và quỹ đất cho các tổ chức, cá nhân theo yêu cầu.
Liên doanh, liên kết, hợp tác với các tổ chức kinh tế, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của pháp luật khác có liên quan.
Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản thuộc đơn vị theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành về các lĩnh vực công tác được giao.
Các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
c) Bộ Tài nguyên và môi trường quy định hướng dẫn về cơ chế hoạt động và cơ chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất.
3. Các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đất đai bao gồm:
a) Điều tra, đánh giá đất đai; cải tạo đất;
b) Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
c) Đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đăng ký, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
d) Tư vấn xác định giá đất;
đ) Đấu giá quyền sử dụng đất;
e) Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
g) Cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai, thông tin về thị trường quyền sử dụng đất và thông tin khác về đất đai;
h) Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai theo nhu cầu về thời gian và địa điểm của người yêu cầu cung cấp dịch vụ;
i) Các dịch vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ.
1. Quỹ phát triển đất là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
2. Quỹ phát triển đất có chức năng nhận vốn ngân sách nhà nước cấp, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương và huy động các nguồn khác theo quy định để ứng vốn cho Tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức khác để thực hiện thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 104 của Luật Đất đai.
3. Căn cứ kế hoạch sử dụng đất hàng năm và nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong năm trước của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức vốn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ phát triển đất khi thành lập, mức trích bổ sung cho Quỹ phát triển đất cụ thể hàng năm cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Việc thay đổi vốn cấp trong quá trình hoạt động do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ.
4. Quỹ phát triển đất thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Tiếp nhận các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương và nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định.
b) Sử dụng nguồn vốn của Quỹ để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 104 của Luật Đất đai.
c) Tổ chức quản lý vốn và tài sản của Quỹ theo quy định của pháp luật.
d) Chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán và các quy định khác liên quan đến hoạt động của Quỹ.
đ) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đình chỉ, thu hồi vốn đã ứng khi phát hiện tổ chức vi phạm quy định về sử dụng vốn ứng.
e) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình hoạt động của Quỹ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.
5. Bộ Tài chính quy định hướng dẫn về việc quản lý, sử dụng và cơ chế tài chính của Quỹ phát triển đất.
1. Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường tác động đến việc sử dụng đất.
2. Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất, kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ trước và tiềm năng đất đai.
3. Xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất.
a) Xác định định hướng sử dụng đất, gồm: Khái quát phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quan điểm sử dụng đất; định hướng sử dụng đất theo khu chức năng;
b) Xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất, gồm: Xác định các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch sử dụng đất; xác định nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực trong kỳ quy hoạch sử dụng đất đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và vùng kinh tế - xã hội; tổng hợp nhu cầu sử dụng đất, cân đối để xác định các chỉ tiêu sử dụng đất và phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và vùng kinh tế - xã hội;
c) Khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo các khu vực gồm khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển theo nhu cầu cấp quốc qia;
4. Đánh giá tác động của phương án quy hoạch sử dụng đất đến kinh tế, xã hội và môi trường.
5. Xác định các giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất:
6. Xây dựng hệ thống bảng, biểu số liệu phân tích, sơ đồ, biểu đồ.
7. Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất.
8. Xây dựng báo cáo thuyết minh tổng hợp.
9. Xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
1. Phân tích, đánh giá bổ sung điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường; tình hình quản lý, sử dụng đất; kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ trước.
a) Điều chỉnh định hướng sử dụng đất, gồm: Khái quát phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng quan điểm sử dụng đất;xác định định hướng sử dụng đất đến từng vùng kinh tế - xã hội, theo khu chức năng;
b) Xây dựng phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, gồm: Xác định các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch sử dụng đất; xác định nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực trong kỳ quy hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và vùng kinh tế - xã hội; tổng hợp nhu cầu sử dụng đất, cân đối để xác định các chỉ tiêu sử dụng đất và phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và vùng kinh tế - xã hội;
3. Đánh giá bổ sung tác động của phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến kinh tế, xã hội và môi trường.
4. Xác định bổ sung các giải pháp thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
5. Xây dựng hệ thống bảng, biểu số liệu phân tích, sơ đồ, biểu đồ.
6. Lập bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.
7. Xây dựng các báo cáo chuyên đề.
8. Xây dựng báo cáo thuyết minh tổng hợp.
9. Xây dựng cơ sở dữ liệu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
1. Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường tác động đến việc sử dụng đất.
2. Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất, biến động sử dụng đất, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc gia kỳ trước.
3. Xây dựng kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
a) Khái quát phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu quốc gia;
b) Xác định diện tích các loại đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo từng thời kỳ kế hoạch sử dụng đất 05 năm;
c) Kế hoạch sử dụng đất 05 năm cho từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính cấp tỉnh;
d) Phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất nêu tại khoản 3 Điều này đến từng vùng kinh tế - xã hội và từng đơn vị hành chính cấp tỉnh;
e) Xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các điểm a, c, d, đ và g khoản 1 Điều 59 của Luật Đất đai trong kỳ kế hoạch đến từng vùng kinh tế - xã hội và từng đơn vị hành chính cấp tỉnh;
f) Xác định diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng trong kỳ kế hoạch đến từng vùng kinh tế - xã hội và từng đơn vị hành chính cấp tỉnh;
g) Xác định quy mô, địa điểm công trình, dự án sử dụng đất vào các mục đích quy định tại Điều 67 và khoản 1, khoản 2 Điều 68 của Luật Đất đai để thực hiện trong kỳ kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu quốc gia;
h) Dự kiến các nguồn thu, chi từ đất theo kế hoạch sử dụng đất;
i) Xây dựng các giải pháp thực hiện kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu quốc gia;
k) Lập bản đồ kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu quốc gia và bản đồ kế hoạch sử dụng đất theo các chuyên đề;
l) Lập hệ thống bảng, biểu số liệu phân tích, sơ đồ, biểu đồ;
m) Xây dựng các báo cáo chuyên đề;
n) Xây dựng báo cáo thuyết minh tổng hợp;
x) Xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất quốc gia;
1. Phân tích, đánh giá bổ sung điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường tác động đến việc sử dụng đất; tình hình quản lý, sử dụng đất, biến động sử dụng đất; kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
2. Xây dựng điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
a) Tổng hợp các chỉ tiêu sử dụng đất cần điều chỉnh, bổ sung để đưa vào kế hoạch sử dụng đất quốc gia;
b) Các nội dung khác của điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại Điểm a và các Điểm c, d, e, f, g, h, i, k, l, m, n, x Điều 3 Nghị định này;
2. Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất; kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ trước và tiềm năng đất đai.
3. Xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất.
a) Xác định định hướng sử dụng đất: Khái quát phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quan điểm sử dụng đất; định hướng sử dụng đất theo khu chức năng;
b) Xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất, gồm: Xác định chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch sử dụng đất; xác định chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đã được phân bổ cho cấp tỉnh trong kỳ quy hoạch và phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; xác định nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực trong kỳ quy hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất, cân đối để xác định các chỉ tiêu sử dụng đất nêu tại Điểm b và Điểm c Khoản này phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; xác định chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng;
c) Khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo các khu vực đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Dự thảo Luật Đất đai; định hướng phát triển theo hạ tầng kỹ thuật, hướng tuyến và điểm kết nối giao thông;
d) Khoanh định khu vực lấn biển;
4. Đánh giá tác động của phương án quy hoạch sử dụng đất đến kinh tế, xã hội và môi trường.
5. Xác định các giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất:
6. Xây dựng hệ thống bảng, biểu số liệu phân tích, sơ đồ, biểu đồ.
7. Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất.
8. Xây dựng báo cáo thuyết minh tổng hợp.
9. Xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
1. Phân tích, đánh giá bổ sung điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường; tình hình quản lý, sử dụng đất; kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất kỳ trước
a) Điều chỉnh định hướng sử dụng đất, gồm: Khái quát phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các uan điểm sử dụng đất; xác định định hướng sử dụng đất theo khu chức năng;
b) Xây dựng phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, gồm: xác định chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kỳ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; xác định nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực trong kỳ điều chỉnh quy hoạch đến đơn vị hành chính cấp huyện; ổng hợp nhu cầu sử dụng đất, cân đối xác định các chỉ tiêu sử dụng đất nêu tại Điểm b Khoản này và phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;
3. Đánh giá bổ sung tác động đến kinh tế, xã hội, môi trường của phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
4. Xác định bổ sung các giải pháp thực hiện phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
5. Xây dựng hệ thống bảng, biểu số liệu phân tích, sơ đồ, biểu đồ.
6. Lập bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
7. Xây dựng báo cáo thuyết minh tổng hợp.
8. Xây dựng cơ sở dữ liệu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
1. Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường tác động đến việc sử dụng đất.
2. Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất, biến động sử dụng đất, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh kỳ trước.
3. Xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh
a) Khái quát phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;
b) Xác định diện tích các loại đất trong kỳ kế hoạch sử dụng đất 5 năm, gồm: xác định diện tích các loại đất được phân bổ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia trên địa bàn tỉnh; xác định diện tích các loại đất do cấp tỉnh xác định;
c) Xác định diện tích các loại đất theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh, trong thời kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;
d) xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 59 của Dự thảo Luật Đất đai trong kỳ kế hoạch theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;
g) Xác định diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng trong kỳ kế hoạch theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;
f) Xác định quy mô, địa điểm công trình, dự án sử dụng đất vào các mục đích quy định tại Điều 67 và Điều 68 của Luật Đất đai để thực hiện trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện. Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh;
h) Dự kiến các nguồn thu chi từ đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;
i) Xây dựng các giải pháp thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;
k) Lập bản đồ kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và bản đồ kế hoạch sử dụng đất theo các chuyên đề;
l) Lập hệ thống bảng, biểu số liệu phân tích, sơ đồ, biểu đồ;
m) Xây dựng báo cáo thuyết minh tổng hợp và các tài liệu có liên quan;
n) Xây dựng cơ sở dữ liệu kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;
1. Phân tích, đánh giá bổ sung điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường tác động đến việc sử dụng đất; tình hình quản lý, sử dụng đất, biến động sử dụng đất; kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
2. Xây dựng điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
a) Xác định diện tích các loại đất cần điều chỉnh, bổ sung để đưa vào kỳ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất 5 năm, gồm: xác định diện tích các loại đất được phân bố trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia trên địa bàn tỉnh; xác định diện tích các loại đất do cấp tỉnh xác định;
b) Các nội dung khác của điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và các khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 6 của Nghị định này;
1. Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường tác động đến việc sử dụng đất.
2. Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất, biến động sử dụng đất; kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện kỳ trước và tiềm năng đất đai.
3. Xây dựng quy hoạch sử dụng đất cấp huyện:
a) Khái quát phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội;
b) Xác định định hướng sử dụng đất;
c) Phương án quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, gồm: xác định chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; xác định chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất gồm chỉ tiêu sử dụng đất do quy hoạch tỉnh phân bố cho cấp huyện và chỉ tiêu sử dụng đất theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện và cấp xã; xác định nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực trong kỳ quy hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp xã; Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất, cân đối để xác định các chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất nêu tại điểm b và điểm c khoản này phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp xã; xác định chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng;
4. Đánh giá tác động của phương án quy hoạch sử dụng đất đến kinh tế, xã hội và môi trường.
5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
5. Xây dựng hệ thống bảng, biểu số liệu phân tích, sơ đồ, biểu đồ.
6. Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
7. Lập bản đồ chuyên đề.
8. Xây dựng các báo cáo chuyên đề.
9. Xây dựng báo cáo thuyết minh tổng hợp và các tài liệu có liên quan.
10. Xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
1. Phân tích, đánh giá bổ sung điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tác động đến việc sử dụng đất; tình hình quản lý, sử dụng đất, biến động sử dụng đất; kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện
2. Xây dựng điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
a) xác định diện tích các loại đất cần điều chỉnh, bổ sung để đưa vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, gồm: Xác định chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; xác định chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất gồm chỉ tiêu sử dụng đất do quy hoạch tỉnh phân bổ cho cấp huyện và chỉ tiêu sử dụng đất theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện và cấp xã; xác định nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực trong kỳ quy hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp xã; Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất, cân đối để xác định các chỉ tiêu sử dụng đất nêu tại điểm b và điểm c khoản này phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp xã; xác định chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng;
b) Các nội dung khác của điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và các khoản 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 Điều 9 của Nghị định này;
1. Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm trước
2. Xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện
a) Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh đã phân bố cho cấp huyện trong năm kế hoạch và phân bố đến từng đơn vị hành chính cấp xã;
b) Xác định nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực trong năm kế hoạch và phân bố đến từng đơn vị hành chính cấp xã, gồm: xác định chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất năm trước chưa thực hiện hết nhưng phải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp huyện; xác định nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở xem xét đơn đề nghị của người có nhu cầu sử dụng đất;
c) Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất, cân đối xác định các chỉ tiêu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực trong năm kế hoạch và phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp xã;
e) Xác định diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng trong năm kế hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp xã;
f) Danh mục các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư; diện tích đất để đấu giá quyền sử dụng đất và phải được xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích trên bản đồ địa chính;
h) Xác định diện tích đất cần phải chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện việc nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong năm kế hoạch;
i) Dự kiến các nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và các khoản chi cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong năm kế hoạch sử dụng đất cấp huyện;
k) Xác định các giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp huyện;
l) Lập hệ thống bảng, biểu số liệu phân tích, sơ đồ, biểu đồ;
m) Lập bản đồ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện;
n) Xây dựng báo cáo thuyết minh tổng hợp và các tài liệu có liên quan.
1. Hồ sơ lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện gồm:
a) Báo cáo tóm tắt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó có các chỉ tiêu sử dụng đất, danh mục dự án, công trình dự kiến thực hiện trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
b) Bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
2. Báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với cấp quốc gia; trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
3. Việc lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh được quy định như sau:
a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an gửi hồ sơ lấy ý kiến về dự thảo phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm góp ý kiến và gửi về Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
1. Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến các thành viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để lấy ý kiến;
c) Trường hợp cần thiết, trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa các khu vực dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là khu vực chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;
d) Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường;
đ) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức họp Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và gửi Thông báo kết quả thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
e) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; gửi hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình phê duyệt;
g) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
2. Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện:
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến các thành viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để lấy ý kiến;
c) Trường hợp cần thiết, trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa các khu vực dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là khu vực chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;
d) Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến Sở Tài nguyên và Môi trường;
đ) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến góp ý, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức họp Hội đồng để thẩm định quy hoạch sử dụng đất và gửi Thông báo kết quả thẩm định quy hoạch sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân cấp huyện;
e) Ủy ban nhân dân cấp huyện hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch sử dụng đất; trình Hội đồng nhân dân cấp huyện thông qua; gửi hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường để trình phê duyệt;
g) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
3. Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này; thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng cấp huyện thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện:
a) Quý III hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của năm sau đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đến các thành viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để lấy ý kiến;
c) Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các thành viên Hội đồng thẩm định gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến Sở Tài nguyên và Môi trường;
d) Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian lấy ý kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức họp Hội đồng để thẩm định kế hoạch sử dụng đất; gửi thông báo kết quả thẩm định kế hoạch sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để hoàn chỉnh hồ sơ;
đ) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp danh mục dự án cần thu hồi đất quy định tại Khoản 3 Điều 62 của Luật Đất đai để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua đồng thời với quyết định mức vốn ngân sách nhà nước cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
e) Căn cứ vào hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được hoàn thiện và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phê duyệt xong trước ngày 31 tháng 12.
5. Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh:
a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an gửi hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi hồ sơ đến các thành viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để lấy ý kiến;
c) Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường;
d) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức họp Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và gửi Thông báo kết quả thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
đ) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và gửi hồ sơ đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình phê duyệt;
e) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh.
1. Tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp được hoạt động tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau:
a) Có chức năng tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
2. Cá nhân được hành nghề tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong tổ chức có chức năng tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
b) Có một trong các bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành về quản lý đất đai, địa chính và các chuyên ngành khác có liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
c) Có thời gian công tác trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác từ 24 tháng trở lên.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm rà soát quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xác định cụ thể diện tích, ranh giới đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ ngoài thực địa.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc kiểm tra thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và giám sát các địa phương, các Bộ, ngành trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
4. Trường hợp đến thời điểm kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất mà các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thực hiện hết và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cùng cấp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất kỳ tiếp theo được phê duyệt nhưng trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ thời điểm kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất.
1. Đối với địa phương mà quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu của cấp huyện, cấp xã đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01 tháng 7 năm 2024 thì được sử dụng để lập kế hoạch sử dụng đất năm 2025 cấp huyện; để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 và lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định của Luật Đất đai.
2. Đối với địa phương mà quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã chưa được phê duyệt trước ngày 01 tháng 7 năm 2024 thì không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu của cấp huyện và sản phẩm của dự án lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã đối với những xã đang lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được sử dụng để lập kế hoạch sử dụng đất năm 2025 cấp huyện; để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định của Luật Đất đai.
Mục 1
THẨM ĐỊNH NHU CẦU SỬ DỤNG ĐẤT, ĐIỀU KIỆN GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT, CHO PHÉP CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT
1. Căn cứ thẩm định nhu cầu sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, bao gồm:
a) Các trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất quy định tại Điều 56 của Luật Đất đai;
b) Các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất quy định tại Điều 57 của Luật Đất đai;
c) Các trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Đất đai;
d) Các trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm quy định tại Khoản 3 Điều 58 của Luật Đất đai;
đ) Các trường hợp Nhà nước cho phép ngưới sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Khoản 1 Điều 59 của Luật Đất đai;
e) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt;
g) Phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được phê duyệt đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất;
h) Kế hoạch đấu thầu dự án có sử dụng đất đã được phê duyệt đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất;
i) Văn bản xác định nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
k) Quyết định chuyển giao của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp điều chuyển đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước.
2. Nội dung thẩm định nhu cầu sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, bao gồm:
a) Sự phù hợp với quy định về trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, về trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, về trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, về trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, về trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
b) Sự phù hợp với quy định về trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, về trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, về trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất;
c) Sự phù hợp của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng đối với trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
d) Sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt;
đ) Vị trí khu đất đã có hay chưa có bản đồ địa chính theo quy định để lập trích lục thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất trước khi lập hồ sơ giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Trường hợp vị trí khu đất chưa có bản đồ địa chính theo quy định thì hướng dẫn người xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thuê tổ chức có chức năng đo đạc địa chính lập trích đo địa chính thửa đất để lập hồ sơ giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
e) Sự phù hợp với quy hoạch chuyên ngành liên quan đến dự án đầu tư, loại đất sau khi được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;
3. Thẩm quyền thẩm định nhu cầu sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định đối với dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư;
b) Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh thẩm định đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
c) Cơ quan quản lý đất đai cấp huyện thẩm định đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
4. Thời điểm tổ chức thẩm định nhu cầu sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
a) Thực hiện tại thời điểm thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
b) Thực hiện đồng thời với thời điểm thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
c) Thực hiện tại thời điểm cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản;
d) Thực hiện tại thời điểm đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư đã gửi hồ sơ đăng ký thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
5. Hồ sơ thẩm định nhu cầu sử dụng đất được quy định như sau:
a) Hồ sơ thẩm định nhu cầu sử dụng đất đồng thời với thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, gồm:
- Đơn đề nghị thẩm định của người xin giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số … ban hành kèm theo Nghị định này hoặc văn bản đề nghị thẩm định của cơ quan đăng ký đầu tư;
- Hồ sơ thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư quy định tại Điều…của Nghị định này.
b) Hồ sơ thẩm định nhu cầu sử dụng đất đối với trường hợp xin giao đất, thuê đất mà không phải thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, gồm:
- Đơn đề nghị thẩm định của người xin giao đất, cho thuê đất theo Mẫu số …ban hành kèm theo Nghị định này hoặc văn bản đề nghị thẩm định của cơ quan đăng ký đầu tư;
- Hồ sơ đề xuất dự án đầu tư khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc khi thực hiện thủ tục đăng ký thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc khi thực hiện thủ tục đăng ký đấu giá theo quy định của pháp luật đấu giá tài sản (nếu có).
c) Hồ sơ thẩm định nhu cầu sử dụng đất đối với trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải thẩm định điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, gồm:
- Đơn đề nghị thẩm định của người xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số …ban hành kèm theo Nghị định này hoặc văn bản đề nghị thẩm định của cơ quan đăng ký đầu tư;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Hồ sơ đề xuất dự án đầu tư khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc khi thực hiện thủ tục đăng ký thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc khi thực hiện thủ tục đăng ký đấu giá theo quy định của pháp luật đấu giá tài sản (nếu có).
d) Hồ sơ thẩm định nhu cầu sử dụng đất đối với trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất mà không lập dự án đầu tư gồm:
- Đơn đề nghị thẩm định của người xin chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các nội dung về cam kết chịu mọi chi chí, rủi ro nếu không được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; mục tiêu, quy mô đầu tư, sản xuất; sơ bộ tổng chi phí đầu tư, sản xuất, vốn đầu tư, phương án huy động vốn; diện tích đất, loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện; phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của người xin chuyển mục đích sử dụng đất; nhà đầu tư; nội dung cần thiết khác (nếu có).
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
6. Trình tự, thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất được quy định như sau:
a) Người xin giao đất, thuê đất, xin phép chuyển mục đích sử dụng đất nộp hồ sơ thẩm định tại cơ quan tài nguyên và môi trường, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ thẩm định cho cơ quan tài nguyên và môi trường đối với hồ sơ dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư;
Tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản gửi hồ sơ thẩm định cơ quan tài nguyên và môi trường đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất;
Bên mời thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu gửi hồ sơ thẩm định cơ quan tài nguyên và môi trường đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất.
d) Thời hạn quy định tại điểm này không bao gồm thời gian làm thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án đầu tư quy định tại Điều 2 Nghị định này;
Điều 26. Quy định về thẩm định, chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác
b) Phù hợp với Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, phù hợp với quyết định phê duyệt dự án đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất;
c) Phù hợp với quyết định chuyển giao của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp điều chuyển đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước;
2. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
a) Nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất đăng ký nhu cầu sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
Đối với trường hợp dự án thực hiện trên địa bàn từ 02 huyện trở lên thì chủ đầu tư, nhà đầu tư đăng ký trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi thực hiện dự án.
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất.
c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ để thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các tổ chức có nhu cầu sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có đất lấy ý kiến về các nội dung sau:
- Vị trí, quy mô sử dụng đất của dự án đầu tư;
- Ảnh hưởng đối với người có đất bị thu hồi (đời sống, việc làm, chuyển đổi nghề);
- Tác động của việc chuyển mục đích sử dụng đất đến cộng đồng dân cư.
d) Hình thức lấy ý kiến quy định tại điểm c khoản này bao gồm:
- Lấy ý kiến trực tiếp người có đất bị thu hồi, cộng đồng dân cư thông qua đại diện của điểm dân cư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể ở địa phương nơi có đất chuyển mục đích;
- Lấy ý kiến bằng văn bản của các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có đất chuyển mục đích.
d) Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày kết thúc việc lấy ý kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức có nhu cầu sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất để tổng hợp, giải trình, tiếp thu các ý kiến và lập hồ sơ đề nghị chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất.
a) Nội dung thẩm định gồm:
- Nhu cầu, sự cần thiết của việc chuyển mục đích sử dụng đất;
- Sự phù hợp của việc chuyển mục đích sử dụng đất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan;
- Việc đáp ứng điều kiện và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan khi chuyển mục đích sử dụng đất.
b) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn không quá 02 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hình thức thẩm định thông qua hội đồng thẩm định hoặc tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản.
c) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giải trình, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấp thuận.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất. Hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bao gồm:
a) Tờ trình Hội đồng nhân dân về việc chuyển mục đích sử dụng đất gồm các thông tin cơ bản sau:
- Sự cần thiết và nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;
- Sự phù hợp của việc chuyển mục đích sử dụng đất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quyết định, phê duyệt;
- Việc đáp ứng điều kiện và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan khi chuyển mục đích sử dụng đất;
b) Danh mục dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;
c) Trích lục bản đồ khu vực chuyển mục đích sử dụng đất có xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường.
d) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, thẩm định.
5. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
6. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều này.
7. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư thì phải thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác mà không lập dự án đầu tư thì không phải thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.
8. Đối với diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đã có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ để sử dụng vào mục đích khác từ trước ngày Luật Đất đai năm 2023 có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án thì được chuyển sang thực hiện trong các năm tiếp theo nhưng không được quá thời hạn 03 năm và không phải làm lại thủ tục xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua nếu tiếp tục thực hiện dự án.
9. Đối với diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đã có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua để sử dụng vào mục đích khác nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án thì được chuyển sang thực hiện trong các năm tiếp theo nhưng không được quá thời hạn 03 năm theo quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật đất đai và không phải trình lại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua theo quy định tại khoản 1 Điều 60 của Luật đất đai nếu tiếp tục thực hiện dự án.
Điều 27. Quy định về xin ý kiến các bộ đối với việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển; các khu vực hạn chế tiếp cận có liên quan đến quốc phòng, an ninh
1. Các dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển, các khu vực hạn chế tiếp cận có liên quan đến quốc phòng, an ninh không thuộc trường hợp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư thì trước khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản xin ý kiến của các Bộ theo quy định sau đây:
a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đối với khu đất sử dụng tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới;
b) Bộ Quốc phòng đối với khu đất sử dụng tại xã, phường, thị trấn ven biển liền kề với khu đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, các khu vực hạn chế tiếp cận có liên quan đến quốc phòng, trừ trường hợp đã xác định khu vực cấm theo quy định;
c) Bộ Công an đối với khu đất sử dụng tại xã, phường, thị trấn ven biển liền kề với khu đất sử dụng vào mục đích an ninh, các khu vực hạn chế tiếp cận có liên quan đến an ninh.
2. Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Trường hợp dự án quy định tại Khoản 1 Điều này có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thì việc xin ý kiến các Bộ được thực hiện sau khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác.
Điều 28. Quy định về thẩm định điều kiện của người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư
a) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để cho thuê hoặc để bán kết hợp cho thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở;
b) Dự án đầu tư kinh doanh bất động sản gắn với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản;
c) Dự án sản xuất, kinh doanh không sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước.
2. Điều kiện về năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư được quy định như sau:
a) Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên;
b) Có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác.
3. Việc xác định người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác xác định theo các căn cứ sau đây:
a) Kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai đối với các dự án tại địa phương được lưu trữ tại Sở Tài nguyên và Môi trường;
b) Nội dung công bố về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và kết quả xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trườngđối với các dự án thuộc địa phương khác.
4. Thời điểm thẩm định các điều kiện quy định tại Điều này được quy định như sau:
a) Thực hiện đồng thời với việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất của chủ đầu tư khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
b) Thực hiện trước khi tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.
c) Thực hiện trước khi nộp hồ sơ thầu đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Mục 2
GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT, CHO PHÉP CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT
1. Các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý được giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều này phải đáp ứng các tiêu chí sau:
b) Có diện tích, hình dạng không đủ tiêu chuẩn diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
d) Không thuộc khu vực đất thực hiện các dự án, công trình đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai;
đ) Đất dự kiến giao, cho thuê không có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm hoặc có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm nhưng đã có văn bản giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc giao đất, cho thuê đất:
a) Ưu tiên sử dụng các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý vào mục đích công cộng. Trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng thì thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề;
b) Giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp có từ hai người sử dụng đất liền kề trở lên có nhu cầu sử dụng thửa đất nhỏ hẹp; giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trường hợp chỉ có một người có nhu cầu sử dụng đất;
c) Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp cho người sử dụng đất liền kề được thực hiện sau khi Ủy ban nhân dân các cấp đã tổ chức rà soát, công bố công khai và lấy ý kiến của người dân nơi có đất;
d) Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp căn cứ vào đơn đề nghị giao đất, cho thuê đất của người sử dụng liền kề và phải được thực hiện công khai, minh bạch và dân chủ;
đ) Sau khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, người sử dụng đất liền kề phải thực hiện thủ tục hợp thửa đất theo quy định;
e) Bảo đảm các quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự; không phát sinh tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.
3. Thời hạn sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp cho người sử dụng đất liền kề được xác định thống nhất với thời hạn sử dụng của thửa đất mà người sử dụng đất liền kề đang sử dụng. Trường hợp giao, cho thuê các thửa đất nhỏ hẹp gắn với việc chuyển mục đích sử dụng của thửa đất liền kề với thửa đất nhỏ hẹp thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo quy định tại Điều 125 và Điều 126 của Luật Đất đai.
4. Giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Điều 114 của Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết việc rà soát, công bố công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước trực tiếp quản lý, việc lấy ý kiến người dân và công khai việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp tại địa phương để sử dụng vào mục đích công cộng hoặc giao, cho thuê cho người sử dụng đất liền kề.
Điều 30. Thông báo thu hồi đất, thành phần Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, kinh phí cưỡng chế thu hồi đất, giải quyết khiếu kiện phát sinh từ việc cưỡng chế thu hồi đất
Việc thông báo thu hồi đất, thành phần Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, kinh phí cưỡng chế thu hồi đất, giải quyết khiếu kiện phát sinh từ việc cưỡng chế thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai thực hiện theo quy định sau đây:
a) Lý do thu hồi đất;
b) Diện tích, vị trí khu đất thu hồi trên cơ sở hồ sơ địa chính hiện có hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp thu hồi đất theo tiến độ thực hiện dự án thì ghi rõ tiến độ thu hồi đất;
c) Kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;
d) Dự kiến về kế hoạch di chuyển và bố trí tái định cư;
đ) Giao nhiệm vụ lập, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
3. Thành phần Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất gồm:
a) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là trưởng ban;
b) Các thành viên gồm đại diện các cơ quan tài chính, tài nguyên và môi trường, thanh tra, tư pháp, xây dựng cấp huyện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất và một số thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
4. Lực lượng Công an căn cứ vào phương án cưỡng chế thu hồi đất để xây dựng kế hoạch bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
5. Khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất mà người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 71 của Luật Đất đai thì Ban thực hiện cưỡng chế giao tài sản cho Ủy ban nhân dân cấp xã bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật.
6. Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).
Đối với trường hợp việc thu hồi đất có liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật khác có liên quan thì Nhà nước tiến hành thu hồi đất, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định mà không phải chờ cho đến khi giải quyết xong quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng đất giữa người có đất thu hồi và tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật có liên quan.
Mục 3
SỬ DỤNG ĐẤT ĐỂ THỰC HIỆN DỰ ÁN KHÔNG THUỘC TRƯỜNG HỢP SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH QUỐC PHÒNG, AN NINH, PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÌ LỢI ÍCH QUỐC GIA, CÔNG CỘNG
Điều 31. Các nguyên tắc sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư
Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua hình thức mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
1. Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và công bố.
2. Trên địa bàn không còn quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư phù hợp, trừ trường hợp các dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp.
Văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản này có thời hạn thực hiện là 36 tháng kể từ ngày ký văn bản chấp thuận.
4. Trường hợp khu đất thực hiện dự án đầu tư có phần diện tích đất mà người dang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai nhưng có tài sản gắn liền với đất thì chủ đầu tư được phép thỏa thuận mua tài sản gắn liền với đất của người đang sử dụng đất, Nhà nước thực hiện thu hồi đất, giao đất hoặc cho chủ đầu tư thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và phải xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định. Nội dung hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất phải thể hiện rõ người bán tài sản tự nguyện trả lại đất để Nhà nước thu hồi đất và giao đất, cho người mua tài sản thuê đất.
5. Trường hợp khu đất thực hiện dự án đầu tư có phần diện tích đất do Nhà nước giao đất để quản lý quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai, đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất mà người đang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không có tài sản gắn liền với đất mà phần diện tích đất này có vị trí nam xen kẽ với phần diện tích đất đã nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì giải quyết theo quy định sau đây:
a) Trường hợp diện tích đất đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án độc lập đó theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện không chậm hơn 90 ngày kể từ ngày Nhà nước có quyết định thu hồi đất;
b) Trường hợp diện tích đất không đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ hiện trạng sử dụng đất và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để tổ chức rà soát, xác định cụ thể quy mô dự án, địa điểm đầu tư và quyết định thu hồi đất để giao đất hoặc cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất và phải xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định;
c) Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại điểm a và điểm b khoản này được thực hiện theo quy định như đối với trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
6. Trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua hình thức mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà có thời hạn sử dụng đất khác nhau thì thời hạn sử dụng đất được xác định lại theo thời hạn của dự án đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật Đất đai; trường hợp không thuộc diện thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì thời hạn sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất quyết định nhưng không được vượt quá 50 năm. Trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với loại đất được sử dụng ổn định lâu dài thì thời hạn sử dụng đất được xác định lại là ổn định lâu dài.
7. Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua hình thức mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất chỉ thực hiện đối với các trường hợp quy định tại Điều 73 của Luật Đất đai.
Điều 32. Trình tự, thủ tục để tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp
1. Tổ chức kinh tế có nhu cầu nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp thì lập hồ sơ nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Hồ sơ gồm:
a) Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Đề xuất dự án sử dụng đất bao gồm các nội dung về cam kết chịu mọi chi chí, rủi ro nếu không được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; mục tiêu, quy mô đầu tư, sản xuất; sơ bộ tổng chi phí đầu tư, sản xuất, vốn đầu tư, phương án huy động vốn; diện tích đất, loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện; phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của người xin chuyển mục đích sử dụng đất; nhà đầu tư; nội dung cần thiết khác (nếu có); vè tình trạng pháp lý của các thửa đất thuộc khu đất đề nghị thực hiện dự án;
c) Trích đo địa chính thửa đất đối với những nơi chưa có bản đồ địa chính theo quy định.
2. Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, xác minh thực địa theo các nguyên tắc sử dụng đất quy định tại Điều 11 Nghị định này và lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định; hồ sơ gồm:
a) Các giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Biên bản xác minh thực địa;
c) Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất;
d) Tờ trình kèm theo dự thảo văn bản chấp thuận hoặc dự thảo văn bản không chấp thuận tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án theo Mẫu số …ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tài nguyên và Môi trường trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét có văn bản chấp thuận hoặc văn bản không chấp thuận tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án gửi tổ chức kinh tế đã nộp hồ sơ.
4. Căn cứ văn bản chấp thuận tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, tổ chức kinh tế thực hiện việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định và việc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thực hiện lồng ghép hồ sơ và trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư với hồ sơ và trình tự, thủ tục nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp quy định tại Điều này.
Chương V
Việc công nhận quyền sử dụng đất, cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 113 của Luật Đất đai và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 115 của Luật Đất đai, Điều ... của Nghị định này được thực hiện theo quy định như sau:
1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp sử dụng đất; việc sử dụng đất tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị công nhận quyền sử dụng đất là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (sau đây gọi chung là quy hoạch) hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đã sử dụng đất từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch thì được công nhận quyền sử dụng đất như sau:
a) Đối với thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức công nhận đất ở quy định tại Khoản 4 Điều 117 của Luật Đất đai (sau đây gọi là hạn mức công nhận đất ở) thì toàn bộ diện tích thửa đất được công nhận là đất ở.
Trường hợp thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức công nhận đất ở; trường hợp diện tích đất xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì công nhận diện tích đất ở theo diện tích thực tế đã xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống đó;
b) Đối với thửa đất có công trình xây dựng để sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp thì công nhận đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ theo diện tích thực tế đã xây dựng công trình đó; hình thức sử dụng đất được công nhận như hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài;
c) Đối với thửa đất có cả nhà ở và công trình xây dựng để sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được công nhận theo quy định tại Điểm a Khoản này; phần diện tích còn lại đã xây dựng công trình sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp thì được công nhận theo quy định tại Điểm b Khoản này;
d) Đối với phần diện tích đất còn lại sau khi đã được xác định theo quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này thì được xác định là đất nông nghiệp và được công nhận theo quy định tại Khoản 5 Điều này.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác trong thời gian từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004; nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là không có tranh chấp sử dụng đất; phù hợp với quy hoạch hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đất đã sử dụng từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch; chưa có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp phải thu hồi thì được công nhận quyền sử dụng đất như sau:
a) Đối với thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 162 và khoản 4 Điều 163 của Luật Đất đai (sau đây gọi là hạn mức giao đất ở) thì toàn bộ diện tích thửa đất được công nhận là đất ở.
Trường hợp thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức giao đất ở thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức giao đất ở; trường hợp diện tích đất xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức giao đất ở thì công nhận diện tích đất ở theo diện tích thực tế đã xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống đó;
b) Đối với thửa đất có công trình xây dựng để sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp thì công nhận đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất thương mại, dịch vụ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;
c) Đối với thửa đất có cả nhà ở và công trình xây dựng để sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức giao đất ở thì công nhận diện tích đất ở, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất thương mại, dịch vụ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này;
d) Đối với phần diện tích đất còn lại sau khi đã được xác định theo quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này thì được xác định là đất nông nghiệp và được công nhận theo quy định tại Khoản 5 Điều này.
3. Trường hợp thửa đất có nhiều hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng chung thì hạn mức đất ở quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này được tính bằng tổng hạn mức đất ở của các hộ gia đình, cá nhân đó.
Trường hợp một hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhiều thửa đất có nhà ở có nguồn gốc của ông cha để lại hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất có nguồn gốc của ông cha để lại, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 và không vi phạm pháp luật đất đai thì hạn mức đất ở được xác định theo quy định đối với từng thửa đất đó.
4. Việc áp dụng quy định về hạn mức đất ở của địa phương để xác định diện tích đất ở trong các trường hợp quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này được thực hiện theo quy định tại thời điểm người sử dụng đất nộp hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất hợp lệ.
5. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp thì được công nhận quyền sử dụng đất như sau:
a) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 145 của Luật Đất đai; diện tích đất nông nghiệp còn lại (nếu có) phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước;
b) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức thuê đất của Nhà nước đối với diện tích đất đang sử dụng; thời hạn thuê đất được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 141 và Khoản 4 Điều 235 của Luật Đất đai;
c) Đối với đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở, công trình xây dựng khác mà không được công nhận là đất phi nông nghiệp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được công nhận quyền sử dụng đất theo mục đích hiện trạng đang sử dụng như trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này; nếu người sử dụng đất đề nghị chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
6. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính khi công nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp quy định tại Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật.
7. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trong các trường hợp quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều này mà không đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất thì được tạm thời sử dụng đất theo hiện trạng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định.
1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm công nhận quyền sử dụng đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).
2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:
a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;
b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;
c) Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;
d) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;
đ) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất;
e) Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký;
g) Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất;
h) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;
i) Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ;
k) Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.
3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.
4. Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất.
1. Trường hợp sử dụng đất lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng sau khi Nhà nước đã công bố, cắm mốc hành lang bảo vệ hoặc lấn, chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè sau khi Nhà nước đã công bố chỉ giới xây dựng hoặc lấn, chiếm đất sử dụng cho mục đích xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, công trình công cộng khác thì Nhà nước thu hồi đất để trả lại cho công trình mà không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã lấn, chiếm.
Trường hợp đã có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà nay diện tích đất lấn, chiếm không còn thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng; không thuộc chỉ giới xây dựng đường giao thông; không có mục đích sử dụng cho trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp và công trình công cộng khác thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp sử dụng đất lấn, chiếm đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các nông trường, lâm trường quốc doanh, Ban quản lý rừng, trung tâm, trạm, trại, công ty nông nghiệp, lâm nghiệp thì thực hiện xử lý theo quy định như sau:
a) Trường hợp đang sử dụng diện tích đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thu hồi đất đã lấn, chiếm để giao cho Ban quản lý rừng quản lý, sử dụng đất. Người đang sử dụng đất lấn, chiếm được Ban quản lý rừng xem xét giao khoán bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Trường hợp không có Ban quản lý rừng thì người đang sử dụng đất lấn, chiếm được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
b) Trường hợp đang sử dụng diện tích đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch sử dụng đất cho mục đích xây dựng công trình hạ tầng công cộng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thu hồi đất đã lấn, chiếm để giao đất cho chủ đầu tư khi triển khai xây dựng công trình đó.
Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất nhưng phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định;
c) Trường hợp lấn, chiếm đất và nay đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà ở và không thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, xây dựng công trình hạ tầng công cộng thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp lấn, chiếm đất kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và hiện nay diện tích đất này vẫn được xác định giao cho nông trường, lâm trường quản lý, sử dụng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi đất lấn, chiếm để trả lại cho nông trường, lâm trường.
3. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì thực hiện xử lý như sau:
a) Trường hợp đang sử dụng đất thuộc quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai thì Nhà nước thu hồi đất trước khi thực hiện dự án, công trình đó.
Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định;
b) Trường hợp đang sử dụng đất không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang mà đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt, không có tranh chấp thì được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; nếu vượt hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì diện tích vượt hạn mức phải chuyển sang thuê.
5. Người đang sử dụng đất ổn định trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điểm a và Điểm c Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều này mà không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định như sau:
a) Trường hợp thửa đất có nhà ở thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức công nhận đất ở tại địa phương nếu đã sử dụng đất ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức giao đất ở tại địa phương nếu đã sử dụng đất ổn định từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014.
Trường hợp thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức giao đất ở thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức giao đất ở; trường hợp diện tích đất xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức giao đất ở thì công nhận diện tích đất ở theo diện tích thực tế đã xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống đó;
b) Trường hợp thửa đất có công trình xây dựng không phải là nhà ở thì được công nhận theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này;
c) Đối với phần diện tích đất đang sử dụng được xác định là đất nông nghiệp thì được công nhận quyền sử dụng đất theo chế độ như quy định đối với trường hợp tại Khoản 5 Điều 20 của Nghị định này;
d) Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Khoản này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
1. Đất giao không đúng thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều này bao gồm các trường hợp người đứng đầu điểm dân cư giao đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ; tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng nhưng đã tự phân phối, bố trí cho cán bộ, công nhân viên, xã viên để sử dụng làm nhà ở và các mục đích khác.
2. Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã được giao theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.
3. Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này.
Trường hợp thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác thì diện tích còn lại không có nhà ở, công trình xây dựng được xác định là đất nông nghiệp theo hiện trạng đang sử dụng, nếu người sử dụng đất đề nghị được chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
4. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này mà đất được giao từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì việc cấp Giấy chứng nhận chỉ được xem xét giải quyết sau khi đã thực hiện:
a) Làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với người giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể và chỉ cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trường hợp giao đất làm nhà ở thì chỉ cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân không có đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở được giao không đúng thẩm quyền.
5. Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
6. Nhà nước không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng thẩm quyền kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau.
7. Trường hợp người đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với thửa đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2004, đất đó không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch nhưng tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận có nhà ở hoặc không có nhà ở thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
1. Đất vườn, ao quy định tại Điều 103 của Luật Đất đai áp dụng đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở, kể cả thửa đất trong và ngoài khu dân cư thuộc các trường hợp sau:
a) Thửa đất hiện đang có nhà ở và vườn, ao;
b) Thửa đất mà trên giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này có thể hiện nhà ở và vườn, ao nhưng hiện trạng đã chuyển hết sang làm nhà ở.
2. Loại giấy tờ làm căn cứ xác định diện tích đất ở theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật Đất đai là giấy tờ có thể hiện một hoặc nhiều mục đích nhưng trong đó có mục đích để làm nhà ở, đất ở hoặc thổ cư.
3. Trường hợp thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở được hình thành trước ngày 18 tháng 12 năm 1980, người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này mà trong giấy tờ đó chưa xác định rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất bằng diện tích thực tế của thửa đất đối với trường hợp diện tích thửa đất nhỏ hơn 05 lần hạn mức giao đất ở, bằng 05 lần hạn mức giao đất ở đối với trường hợp diện tích thửa đất lớn hơn 05 lần hạn mức giao đất ở theo quy định của Luật Đất đai.
4. Phần diện tích đất còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở quy định tại Điều 103 của Luật Đất đai và Khoản 3 Điều này, hiện đang là vườn, ao mà người sử dụng đất đề nghị được công nhận là đất ở hoặc đất phi nông nghiệp khác thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mục đích đó và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
5. Diện tích đất ở của hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp thửa đất ở có vườn, ao đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 được xác định như sau:
a) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì diện tích đất ở được xác định là diện tích ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp;
b) Trường hợp tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận trước đây mà người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này nhưng diện tích đất ở chưa được xác định theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật Đất đai, Khoản 3 Điều này và chưa được xác định lại theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 45 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003, nay người sử dụng đất có đơn đề nghị xác định lại diện tích đất ở hoặc khi Nhà nước thu hồi đất thì diện tích đất ở được xác định lại theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật Đất đai và Khoản 3 Điều này; hộ gia đình, cá nhân không phải nộp tiền sử dụng đất, được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với diện tích đã được xác định lại là đất ở.
1. Tổ chức trong nước đang sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận phải tự rà soát, kê khai hiện trạng sử dụng đất và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất.
2. Trên cơ sở báo cáo hiện trạng sử dụng đất của tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra thực tế sử dụng đất và quyết định xử lý theo quy định sau đây:
a) Diện tích đất của tổ chức đang sử dụng đúng mục đích thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hình thức sử dụng đất theo quy định của pháp luật và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này thì thực hiện theo hình thức sử dụng đất quy định tại các Điều 54, 55 và 56 của Luật Đất đai, đất xây dựng trụ sở của tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện theo hình thức sử dụng đất quy định tại Điều 56 của Luật Đất đai;
b) Thời hạn sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điểm a Khoản này đối với trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này thì được xác định theo giấy tờ đó. Trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà trong giấy tờ không ghi thời hạn sử dụng đất hoặc có ghi thời hạn sử dụng đất nhưng không phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo quy định tại Điều 126 của Luật Đất đai và được tính từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đối với trường hợp sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp sử dụng đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 trở về sau;
c) Diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, diện tích đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, bị chiếm; diện tích đất đã cho các tổ chức khác, hộ gia đình, cá nhân thuê hoặc mượn sử dụng; diện tích đất đã liên doanh, liên kết trái pháp luật; diện tích đất không được sử dụng đã quá 12 tháng hoặc tiến độ sử dụng chậm đã quá 24 tháng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xử lý theo quy định của pháp luật;
d) Diện tích đất của tổ chức đã bố trí cho hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của tổ chức làm nhà ở thì phải bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất quản lý; trường hợp đất ở đang sử dụng phù hợp với quy hoạch thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đang sử dụng và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
đ) Diện tích đất đang có tranh chấp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết dứt điểm để xác định người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
1. Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất có chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải tự rà soát, kê khai việc sử dụng đất và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo các nội dung sau đây:
a) Tổng diện tích đất đang sử dụng;
b) Diện tích đất cơ sở tôn giáo phân theo từng nguồn gốc: Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao; nhận chuyển nhượng; nhận tặng cho; mượn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tự tạo lập; nguồn gốc khác;
c) Diện tích đất mà cơ sở tôn giáo đã cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mượn, ở nhờ, thuê;
d) Diện tích đất đã bị người khác lấn, chiếm.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra thực tế, xác định ranh giới cụ thể của thửa đất và quyết định xử lý theo quy định sau đây:
a) Diện tích đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của cơ sở tôn giáo và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó để giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi về sử dụng đất của các bên phù hợp với thực tế;
b) Diện tích đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì giải quyết như đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân mượn đất, thuê đất của hộ gia đình, cá nhân khác theo quy định của pháp luật đất đai;
c) Diện tích đất mở rộng cơ sở tôn giáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; bị lấn, bị chiếm; đang có tranh chấp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật.
3. Diện tích đất của cơ sở tôn giáo sau khi đã xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều này và có đủ điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều 102 của Luật Đất đai thì cơ sở tôn giáo được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài.
Trường hợp đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện (kể cả trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho trước ngày 01 tháng 7 năm 2004) thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức và thời hạn sử dụng đất tương ứng với mục đích đó như đối với hộ gia đình, cá nhân.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bảo vệ thực hiện theo quy định sau đây:
1. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập do cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đó.
2. Trường hợp di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là một khu vực có nhiều người sử dụng đất, có nhiều loại đất khác nhau thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho từng người sử dụng, từng loại đất trong khu vực đó. Người sử dụng đất phải tuân theo các quy định về bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
1. Bằng khoán điền thổ.
2. Văn tự đoạn mãi bất động sản (gồm nhà ở và đất ở) có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
3. Văn tự mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, đổi nhà ở, thừa kế nhà ở mà gắn liền với đất ở có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
4. Bản di chúc hoặc giấy thỏa thuận tương phân di sản về nhà ở được cơ quan thuộc chế độ cũ chứng nhận.
5. Giấy phép cho xây cất nhà ở hoặc giấy phép hợp thức hóa kiến trúc của cơ quan thuộc chế độ cũ cấp.
6. Bản án của cơ quan Tòa án của chế độ cũ đã có hiệu lực thi hành.
7. Các loại giấy tờ khác chứng minh việc tạo lập nhà ở, đất ở nay được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất ở công nhận.
1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
2. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người quản lý đất được phép đổi tên;
3. Thay đổi về ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất;
4. Đăng ký tài sản gắn liền với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận; đăng ký thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
5. Chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp không phải xin phép;
6. Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;
7. Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê và ngược lại; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này;
8. Chuyển quyền sử dụng đất, quyền tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
9. Chia tách, hợp nhất, sáp nhập quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
10. Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;
11. Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
12. Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất;
13. Có sự thay đổi về quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không;
Điều 43. Các trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đăng ký biến động
1. Trường hợp biến động do sạt lở; tài sản gắn liền với đất đã đăng ký bị tiêu hủy, phá dỡ.
2. Biến động đối với đất do UBND cấp xã quản lý, sử dụng.
3. Biến động đối với trường hợp đưa đất chưa sử dụng, đất có mặt nước ven biển vào sử dụng.
4. Người sử dụng đất tự nguyện hiến, tặng, cho, trả lại quyền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích công cộng.
5. Chuyển mục đích sử dụng đất không ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất; đất vắng chủ (quá 10 năm kể từ ngày 1/7/2014 chưa thực hiện thủ tục đăng ký bắt buộc theo quy định của Luật năm 2013).
Điều 44. Các trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đăng ký biến động
1. Sáp nhập, điều chỉnh, chia tách đơn vị hành chính làm thay đổi thông tin về địa chỉ thửa đất.
2. Thay đổi về số hiệu, địa chỉ của thửa đất.
3. Thay đổi về thời hạn sử dụng đất đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 141 của Luật Đất đai (không phải làm thủ tục gia hạn).
4. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thông báo đến người sử dụng đất đối với nội dung biến động quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; cập nhật hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; xác nhận thông tin biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo yêu cầu của người sử dụng đất.
Điều 45. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận, xác nhận thay đổi, đính chính vào Giấy chứng nhận đã cấp
1. Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
2. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc do Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam;
3. Các trường hợp ủy quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại khoản 1 Điều 105 của Luật Đất đai được sử dụng dấu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về các trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất và việc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp.
1. Trường hợp sử dụng đất thuộc phạm vi nhiều xã, phường, thị trấn nhưng cùng thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của một cơ quan thì cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất; trong đó phải xác định từng phần diện tích thuộc phạm vi từng đơn vị hành chính cấp xã.
2. Trường hợp sử dụng đất thuộc phạm vi nhiều xã, phường, thị trấn thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của các cơ quan khác nhau thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo từng thửa đất thuộc thẩm quyền của từng cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp đo đạc lại mà diện tích thửa đất thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại
Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định này và ranh giới thửa đất thực tế có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất thì việc xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm được thực hiện như sau:
1. Trường hợp diện tích đất tăng thêm do nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất đã có Giấy chứng nhận thì thực hiện như sau:
a) Thực hiện thủ tục chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho đối với diện tích đất tăng thêm theo quy định tại Điều 79, khoản 2 Điều 82 và thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận cho thửa đất gốc (thửa đất chưa có diện tích đất tăng thêm) theo quy định tại Điều 76 của Nghị định này nếu thửa đất gốc đã có Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất mà không yêu cầu người sử dụng đất thực hiện thủ tục hợp thửa đất. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xác nhận vào Đơn đề nghị cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm và gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế, trình cấp Giấy chứng nhận, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn bộ diện tích thửa đất đang sử dụng, trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Thực hiện thủ tục chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho đối với diện tích đất tăng thêm theo quy định tại Điều 79, khoản 2 Điều 82 và thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho thửa đất gốc theo quy định tại Điều 70 của Nghị định này nếu thửa đất gốc có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại
Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định này. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xác nhận vào Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm và gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế, trình cấp Giấy chứng nhận, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn bộ diện tích thửa đất đang sử dụng, trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Trường hợp diện tích đất tăng thêm do nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà diện tích đất tặng thêm đó có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại
Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định này thì thực hiện như sau:
a) Thực hiện thủ tục cấp lần đầu đối với diện tích đất tăng thêm theo quy định tại Điều 70 và thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận cho thửa đất gốc theo quy định tại Điều 76 của Nghị định này nếu thửa đất gốc đã được cấp Giấy chứng nhận. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xác nhận vào Đơn đề nghị cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm và gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế, trình cấp Giấy chứng nhận, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn bộ diện tích thửa đất đang sử dụng, trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu theo quy định tại Điều 70 của Nghị định này cho toàn bộ diện tích thửa đất nếu thửa đất gốc có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại
Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định này.
3. Trường hợp diện tích đất tăng thêm không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại
Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định này thì thực hiện như sau:
a) Trường hợp người sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai thì việc xem xét xử lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này;
b) Trường hợp diện tích đất tăng thêm do người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì xem xét xử lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này;
c) Trường hợp diện tích đất tăng thêm do người sử dụng đất được giao trái thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì việc xem xét xử lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này;
đ) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích đất tăng thêm được thực hiện theo quy định tại Điều 70 và cấp đổi Giấy chứng nhận cho thửa đất gốc theo quy định tại Điều 76 của Nghị định này nếu thửa đất gốc đã được cấp Giấy chứng nhận. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xác nhận vào Đơn đề nghị cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm và gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế, trình cấp Giấy chứng nhận sau khi người sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn bộ diện tích thửa đất đang sử dụng, trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
đ) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với toàn bộ diện tích thửa đất thực hiện theo quy định tại Điều 70 của Nghị định này nếu thửa đất gốc có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại
Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định này.
1. Đất giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn mà trong dự án xác định có nhiều hạng mục công trình hoặc nhiều phần diện tích đất có mục đích sử dụng đất khác nhau theo quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai thì phải xác định rõ vị trí, diện tích theo từng mục đích sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định như sau:
a) Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện đối với từng thửa đất sử dụng vào mỗi mục đích, phù hợp với quy hoạch xây dựng chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đối với phần diện tích đất sử dụng cho mục đích xây dựng công trình công cộng phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng trong và ngoài khu đô thị, khu dân cư nông thôn theo dự án đầu tư và quy hoạch xây dựng chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì bàn giao cho địa phương quản lý mà không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
c. Trường hợp chung cư kết hợp với văn phòng, cơ sở dịch vụ, thương mại, nếu chủ đầu tư có nhu cầu và đủ điều kiện thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho một hoặc nhiều căn hộ, văn phòng, cơ sở dịch vụ, thương mại thuộc sở hữu của chủ đầu tư.
2. Đất giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh gồm nhiều phần diện tích đất có mục đích sử dụng khác nhau thì cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho chủ đầu tư đối với toàn bộ diện tích đất đó, trong đó thể hiện rõ vị trí, diện tích đất của từng mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai. Trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho từng thửa đất sử dụng vào mỗi mục đích theo quy định của pháp luật về đất đai, phù hợp với quy hoạch xây dựng chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
1. Thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày văn bản quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Không được công chứng, chứng thực, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không được làm thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối với trường hợp tự chia tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp Giấy chứng nhận thành hai hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất một thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho thửa đất mới.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà trước đây cơ quan nhà nước đã có quyết định quản lý đối với đất đai, tài sản đó trong quá trình thực hiện chính sách của Nhà nước nhưng thực tế Nhà nước chưa thực hiện quyết định thì người đang sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng và được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
Chủ sở hữu nhà ở thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở và có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở thì được chứng nhận quyền sở hữu theo quy định sau đây:
1. Hộ gia đình, cá nhân trong nước phải có một trong các loại giấy tờ sau:
a) Giấy phép xây dựng nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trường hợp nhà ở đã xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở hoặc giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước từ trước ngày 05 tháng 7 năm 1994;
c) Giấy tờ về giao hoặc tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;
d) Giấy tờ về sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ mà nhà đất đó không thuộc diện Nhà nước xác lập sở hữu toàn dân theo quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khóa XI về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991, Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991;
đ) Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 thì phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trường hợp nhà ở do mua của doanh nghiệp đầu tư xây dựng để bán thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở do hai bên ký kết;
e) Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
g) Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác thì phải có một trong các giấy tờ về mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 có chữ ký của các bên có liên quan và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; trường hợp nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 mà không có giấy tờ về việc đã mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có chữ ký của các bên có liên quan thì phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận về thời điểm mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở đó.
Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản này mà hiện trạng nhà ở không phù hợp với giấy tờ đó thì phần nhà ở không phù hợp với giấy tờ phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận như quy định tại Điểm h Khoản này;
h) Trường hợp cá nhân trong nước không có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản này thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở đã hoàn thành xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2006, được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhà ở hoàn thành xây dựng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 trở về sau thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như trường hợp nhà ở xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2006; trường hợp nhà ở thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì phải có giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại nhà ở đó.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải có các giấy tờ sau:
a) Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc nhận thừa kế nhà ở hoặc được sở hữu nhà ở thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật về nhà ở;
b) Một trong các giấy tờ của bên chuyển quyền quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này.
3. Tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài phải có giấy tờ theo quy định sau:
a) Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để kinh doanh thì phải có một trong những giấy tờ về dự án phát triển nhà ở để kinh doanh (quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư);
b) Trường hợp mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở hoặc được sở hữu nhà ở thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật thì phải có giấy tờ về giao dịch đó theo quy định của pháp luật về nhà ở;
c) Trường hợp nhà ở đã xây dựng không phù hợp với giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy tờ không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).
4. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là người sử dụng đất ở thì ngoài giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu nhà ở theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này, phải có hợp đồng thuê đất hoặc hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng nhà ở đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chủ sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở được chứng nhận quyền sở hữu theo quy định sau đây:
1. Hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư phải có một trong các loại giấy tờ sau:
a) Giấy phép xây dựng công trình hoặc giấy phép xây dựng công trình có thời hạn đối với trường hợp phải xin phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trường hợp công trình đã xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Giấy tờ về sở hữu công trình xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ, trừ trường hợp Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng;
c) Giấy tờ mua bán hoặc tặng cho hoặc thừa kế công trình xây dựng theo quy định của pháp luật đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định;
d) Giấy tờ của Tòa án nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu công trình xây dựng đã có hiệu lực pháp luật;
đ) Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác thì phải có một trong các giấy tờ mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế công trình xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 có chữ ký của các bên có liên quan và được Ủy ban nhân dân từ cấp xã trở lên xác nhận; trường hợp mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế công trình xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà không có giấy tờ về việc đã mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế có chữ ký của các bên có liên quan thì phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận vào đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất về thời điểm mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế công trình xây dựng đó.
Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu công trình có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c, và d Khoản này mà hiện trạng công trình không phù hợp với giấy tờ đó thì phần công trình không phù hợp với giấy tờ phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận như quy định tại Điểm e Khoản này;
e) Trường hợp cá nhân trong nước không có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản này thì phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận công trình đã hoàn thành xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và công trình được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
Trường hợp công trình hoàn thành xây dựng từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về công trình xây dựng không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như trường hợp xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004; trường hợp công trình thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì phải có giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại công trình đó.
2. Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có giấy tờ theo quy định sau:
a) Trường hợp tạo lập công trình xây dựng thông qua đầu tư xây dựng mới theo quy định của pháp luật thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc hợp đồng thuê đất với người sử dụng đất có mục đích sử dụng đất phù hợp với mục đích xây dựng công trình;
b) Trường hợp tạo lập công trình xây dựng bằng một trong các hình thức mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật thì phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định của pháp luật;
c) Trường hợp không có một trong những giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này thì phải được cơ quan quản lý về xây dựng cấp tỉnh xác nhận công trình xây dựng tồn tại trước khi có quy hoạch xây dựng mà nay vẫn phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
d) Trường hợp công trình đã xây dựng không phù hợp với giấy tờ quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này thì phần diện tích công trình không phù hợp với giấy tờ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng kiểm tra, xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy tờ không ảnh hưởng đến an toàn công trình và phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Trường hợp chủ sở hữu công trình xây dựng không đồng thời là người sử dụng đất thì ngoài giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu công trình theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, phải có văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng công trình đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Đối với dự án có nhiều hạng mục công trình được thể hiện trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư, quyết định đầu tư dự án, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp, quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết, giấy phép xây dựng nếu chủ đầu tư có nhu cầu và có đủ điều kiện thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho từng hạng mục công trình hoặc từng phần diện tích của hạng mục công trình đó.
Chủ sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng mà vốn để trồng rừng, tiền đã trả cho việc nhận chuyển nhượng rừng hoặc tiền nộp cho Nhà nước khi được giao rừng có thu tiền không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và có một trong các giấy tờ sau đây thì được chứng nhận quyền sở hữu:
1. Giấy chứng nhận hoặc một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này mà trong đó xác định Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để trồng rừng sản xuất;
2. Giấy tờ về giao rừng sản xuất là rừng trồng;
3. Hợp đồng hoặc văn bản về việc mua bán hoặc tặng cho hoặc thừa kế đối với rừng sản xuất là rừng trồng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
4. Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng đã có hiệu lực pháp luật;
5. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không có giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này mà đã trồng rừng sản xuất bằng vốn của mình thì phải được Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai;
6. Đối với tổ chức trong nước thực hiện dự án trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư để trồng rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư;
7. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án trồng rừng sản xuất thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư để trồng rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư;
8.Trường hợp chủ sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng không đồng thời là người sử dụng đất thì ngoài giấy tờ theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này, phải có văn bản thỏa thuận của người sử dụng đất cho phép sử dụng đất để trồng rừng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chủ sở hữu cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu khi có một trong các giấy tờ sau:
1. Giấy chứng nhận hoặc một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này mà trong đó xác định Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để trồng cây lâu năm phù hợp với mục đích sử dụng đất ghi trên giấy tờ đó;
2. Hợp đồng hoặc văn bản về việc mua bán hoặc tặng cho hoặc thừa kế đối với cây lâu năm đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định;
3. Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu cây lâu năm đã có hiệu lực pháp luật;
4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không có giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này thì phải được Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai;
5. Đối với tổ chức trong nước thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư để trồng cây lâu năm theo quy định của pháp luật về đầu tư;
6. Trường hợp chủ sở hữu cây lâu năm không đồng thời là người sử dụng đất thì ngoài giấy tờ theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, phải có văn bản thỏa thuận của người sử dụng đất cho phép sử dụng đất để trồng cây lâu năm đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể loại cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu.
Tài sản gắn liền với đất không được chứng nhận quyền sở hữu khi thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Tài sản gắn liền với đất mà thửa đất có tài sản đó không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định này;
2. Nhà ở hoặc công trình xây dựng khác được xây dựng tạm thời trong thời gian xây dựng công trình chính hoặc xây dựng bằng vật liệu tranh tre, nứa, lá, đất; công trình phụ trợ nằm ngoài phạm vi công trình chính và để phục vụ cho việc quản lý, sử dụng, vận hành công trình chính;
3. Tài sản gắn liền với đất đã có thông báo hoặc quyết định giải tỏa, phá dỡ hoặc đã có thông báo, quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
4. Nhà ở, công trình được xây dựng sau thời điểm công bố cấm xây dựng; xây dựng lấn, chiếm mốc giới bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng; tài sản gắn liền với đất được tạo lập từ sau thời điểm quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà tài sản được tạo lập đó không phù hợp với quy hoạch được duyệt tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp chủ sở hữu nhà ở, công trình xây dựng không phải là nhà ở theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 của Nghị định này có giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định của pháp luật về xây dựng.
5. Tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, trừ trường hợp tài sản đã được xác định là phần vốn của Nhà nước đóng góp vào doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
6. Tài sản gắn liền với đất không thuộc trường hợp được chứng nhận quyền sở hữu theo quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định này;
7. Tài sản tạo lập do chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
Mục 1
PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ ĐẤT
Phương án 1 (gộp phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh; giữ phương pháp thặng dư nhưng giảm giả định, quy định chặt chẽ chi phí):
1. Phương pháp so sánh trực tiếp là phương pháp định giá đất thông qua việc phân tích mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng hoặc gần tương đồng về vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng, diện tích, hình thể, kích thước mặt tiền, chiều cao, độ sâu của công trình được phép xây dựng, hệ số sử dụng đất, tính pháp lý về quyền sử dụng đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất (sau đây gọi là thửa đất so sánh) để so sánh, xác định giá của thửa đất cần định giá.
Phương pháp so sánh trực tiếp được áp dụng để định giá đất ở, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, đất nông nghiệp không thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm khi có tối thiểu 03 thửa đất so sánh đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực có thửa đất cần định giá (sau đây gọi là khu vực định giá) hoặc khu vực lân cận với khu vực định giá trong khoảng thời gian 01 năm đến thời điểm định giá đất.
Đối với trường hợp thửa đất so sánh có tài sản gắn liền với đất thì phải thực hiện việc loại trừ phần giá trị tài sản gắn liền với đất ra khỏi tổng giá trị bất động sản (bao gồm giá trị đất và giá trị tài sản gắn liền với đất) trước khi đưa vào so sánh, xác định giá của thửa đất cần định giá.
Đối với trường hợp không có thửa đất so sánh có tính tương đồng mà phải sử dụng thửa đất so sánh gần tương đồng để so sánh, xác định giá của thửa đất cần định giá thì thực hiện điều chỉnh các yếu tố khác biệt ảnh hưởng đến giá đất của thửa đất so sánh với thửa đất cần định giá.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào thông tin giá đất thị trường và tình hình thực tế tại địa phương quy định các yếu tố khác biệt cần điều chỉnh và mức điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất đối với từng loại đất để xây dựng bảng giá đất và định giá đất cụ thể.
Phương pháp thu nhập được áp dụng để định giá phi nông nghiệp không phải là đất ở, đất nông nghiệp đang sử dụng và có thu nhập từ việc sử dụng đất. Thu nhập ròng được xác định bằng bình quân tổng thu nhập của thửa đất cần định giá trừ đi bình quân tổng chi phí để tạo ra thu nhập trong khoảng thời gian 03 năm đối với đất nông nghiệp và 05 năm đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Đối với trường hợp thửa đất cần định giá không xác định được thu nhập ròng thì phải phân tích mức thu nhập ròng bình quân của tối thiểu 03 thửa đất cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng hoặc gần tương đồng về vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, diện tích, kích thước, hình thể và tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất tại khu vực định giá hoặc tại khu vực lân cận với khu vực định giá để so sánh, xác định giá của thửa đất cần định giá.
3. Phương pháp thặng dư là phương pháp định giá đối với khu đất, thửa đất thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để sử dụng đất hiệu quả cao nhất và tốt nhất bằng cách loại trừ tổng chi phí đầu tư phát triển ước tính ra khỏi tổng doanh thu phát triển ước tính của bất động sản.
Phương pháp thặng dư được áp dụng để định giá đối với đất ở, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất phải đầu tư kết cấu hạ tầng, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng trước khi tạo ra được doanh thu phát triển ước tính của bất động sản.
Việc xác định chi phí ước tính của bất động sản được căn cứ vào đơn giá, suất vốn đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Trường hợp chưa được cơ quan nhà nước có thẩm ban hành thì xác định theo mức chi phí thực tế phổ biến của các dự án tương tự ở khu vực liền kề hoặc khu vực lân cận.
Doanh thu phát triển ước tính của bất động sản được xác định tương ứng với chi phí ước tính phát triển bất động sản.
4. Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất là phương pháp định giá đất bằng cách sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất nhân (x) với giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Hệ số điều chỉnh giá đất được xác định bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường của thửa đất chuẩn tại thời điểm định giá (theo chỉ số biến động giá đất thị trường hoặc giá đất thị trường qua điều tra, khảo sát) với giá của thửa đất chuẩn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng để định giá đất cụ thể đối với các khu vực đã xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Phương án 2 (bỏ phương pháp thặng dư, gộp vào phương pháp so sánh):
1. Phương pháp so sánh trực tiếp là phương pháp định giá đất thông qua việc phân tích mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng hoặc gần tương đồng về vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng, diện tích, hình thể, kích thước mặt tiền, chiều cao, độ sâu của công trình được phép xây dựng, hệ số sử dụng đất, tính pháp lý về quyền sử dụng đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất (sau đây gọi là thửa đất so sánh) để so sánh, xác định giá của thửa đất cần định giá.
Phương pháp so sánh trực tiếp được áp dụng để định giá đất ở, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, đất nông nghiệp không thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm khi có tối thiểu 03 thửa đất so sánh đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực có thửa đất cần định giá (sau đây gọi là khu vực định giá) hoặc khu vực lân cận với khu vực định giá trong khoảng thời gian 01 năm đến thời điểm định giá đất.
Đối với trường hợp thửa đất so sánh có tài sản gắn liền với đất thì phải thực hiện việc loại trừ phần giá trị tài sản gắn liền với đất ra khỏi tổng giá trị bất động sản (bao gồm giá trị đất và giá trị tài sản gắn liền với đất) trước khi đưa vào so sánh, xác định giá của thửa đất cần định giá.
Đối với trường hợp không có thửa đất so sánh có tính tương đồng mà phải sử dụng thửa đất so sánh gần tương đồng để so sánh, xác định giá của thửa đất cần định giá thì thực hiện điều chỉnh các yếu tố khác biệt ảnh hưởng đến giá đất của thửa đất so sánh với thửa đất cần định giá.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào thông tin giá đất thị trường và tình hình thực tế tại địa phương quy định các yếu tố khác biệt cần điều chỉnh và mức điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất đối với từng loại đất; quy định về thời gian, áp dụng suất vốn, đơn giá đầu tư kết cấu hạ tầng, lợi nhuận của nhà đầu tư và việc nghiệm thu, quyết toán chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng đối với khu đất, thửa đất cần định giá mà người sử dụng đất phải đầu tư kết cấu hạ tầng để áp dụng phương pháp so sánh trực tiếp.
2. Phương pháp thu nhập là phương pháp định giá đất tính bằng thương số giữa mức thu nhập ròng thu được bình quân một năm trên một đơn vị diện tích đất so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân một năm trước đó tính đến thời điểm định giá đất của loại tiền gửi VNĐ kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng thương mại nhà nước có mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trên địa bàn cấp tỉnh.
Phương pháp thu nhập được áp dụng để định giá phi nông nghiệp không phải là đất ở, đất nông nghiệp đang sử dụng và có thu nhập từ việc sử dụng đất. Thu nhập ròng được xác định bằng bình quân tổng thu nhập của thửa đất cần định giá trừ đi bình quân tổng chi phí để tạo ra thu nhập trong khoảng thời gian 03 năm đối với đất nông nghiệp và 05 năm đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Đối với trường hợp thửa đất cần định giá không xác định được thu nhập ròng thì phải phân tích mức thu nhập ròng bình quân của tối thiểu 03 thửa đất cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng hoặc gần tương đồng về vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, diện tích, kích thước, hình thể và tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất tại khu vực định giá hoặc tại khu vực lân cận với khu vực định giá để so sánh, xác định giá của thửa đất cần định giá.
3. Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất là phương pháp định giá đất bằng cách sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất nhân (x) với giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Hệ số điều chỉnh giá đất được xác định bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường của thửa đất chuẩn tại thời điểm định giá (theo chỉ số biến động giá đất thị trường hoặc giá đất thị trường qua điều tra, khảo sát) với giá của thửa đất chuẩn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng để định giá đất cụ thể đối với các khu vực đã xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Điều 57. Yêu cầu về thông tin trong áp dụng phương pháp định giá đất
1. Các thông tin về giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất, giá đất được xác định từ chi phí, thu nhập của thửa đất trong cơ sở dữ liệu giá đất, trên sàn giao dịch bất động sản, qua điều tra khảo sát phải bảo đảm khách quan, trung thực, có độ chính xác và tin cậy cao.
Trường hợp tại khu vực định giá đất không đủ thông tin thì có thể thu thập thông tin tại khu vực lân cận gần nhất với khu đất, thửa đất cần định giá.
2. Khi áp dụng các phương pháp định giá đất phải ưu tiên lựa chọn các thông tin quy định tại Khoản 1 Điều này tại khu vực định giá đất và tại thời điểm gần nhất với thời điểm định giá đất.
Điều 58. Lựa chọn phương pháp định giá đất
Căn cứ vào các thông tin đã thu thập được, nội dung và điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất quy định tại Điều 4 của Nghị định này để lựa chọn phương pháp định giá đất phù hợp. Trường hợp thu thập được đầy đủ thông tin để có thể áp dụng phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp thu nhập hoặc phương pháp thặng dư thì áp dụng phương pháp so sánh trực tiếp làm phương pháp chủ yếu để xác định giá đất.
Mục 2
CĂN CỨ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÂY DỰNG
BẢNG GIÁ ĐẤT
Điều 59. Căn cứ xây dựng bảng giá đất
Việc xây dựng bảng giá đất phải căn cứ vào nguyên tắc định giá đất quy định tại Điều 132 của Luật Đất đai, phương pháp định giá đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 4 của Nghị định này; kết quả tổng hợp, phân tích thông tin về giá đất thị trường; kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành; các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất.
Điều 60. Nội dung bảng giá đất
2. Quy định giá các loại đất trong bảng giá đất:
a) Bảng giá đất trồng cây hàng năm gồm đất chuyên trồng lúa, đất trồng lúa còn lại và đất trồng cây hàng năm khác;
b) Bảng giá đất trồng cây lâu năm;
c) Bảng giá đất rừng sản xuất;
d) Bảng giá đất chăn nuôi tập trung;
đ) Bảng giá đất nuôi trồng thủy sản;
e) Bảng giá đất làm muối;
g) Bảng giá đất ở tại nông thôn;
h) Bảng giá đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;
i) Bảng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;
k) Bảng giá đất ở tại đô thị;
l) Bảng giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị;
m) Bảng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị.
Ngoài các bảng giá đất quy định tại Khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ban hành chi tiết bảng giá các loại đất theo phân loại đất quy định tại Điều 11 của Luật Đất đai phù hợp với thực tế tại địa phương.
3. Quy định giá đất trong bảng giá đất đối với một số loại đất khác:
a) Đối với đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào giá đất rừng sản xuất tại khu vực lân cận đã quy định trong bảng giá đất và căn cứ phương pháp định giá đất để quy định mức giá đất;
b) Đối với các loại đất nông nghiệp khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào giá các loại đất nông nghiệp tại khu vực lân cận đã quy định trong bảng giá đất để quy định mức giá đất;
c) Đối với đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất xây dựng công trình sự nghiệp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào giá đất sản xuất, kinh doanh đối với đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh hoặc giá đất ở đối với đất trụ sở cơ quan, đất xây dựng công trình sự nghiệp tại khu vực lân cận đã quy định trong bảng giá đất để quy định mức giá đất;
d) Đối với đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản thì áp dụng bảng giá đất nuôi trồng thủy sản; sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy sản thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào giá đất phi nông nghiệp tại khu vực lân cận quy định, quyết định để quy định mức giá đất.
4. Đối với đất chưa sử dụng, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để đưa vào sử dụng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ phương pháp định giá đất và giá của loại đất cùng mục đích sử dụng đã được giao đất, cho thuê đất tại khu vực lân cận để quy định mức giá đất.
5. Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ để áp dụng trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 133 của Luật Đất đai.
Điều 61. Trình tự, thủ tục xây dựng bảng giá đất
c) Điều tra, tổng hợp, phân tích thông tin giá đất thị trường; các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất;
đ) Tổ chức lấy ý kiến về dự thảo bảng giá đất;
i) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành bảng giá đất.
a) Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất;
b) Dự thảo bảng giá đất;
c) Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất;
3. Hồ sơ xây dựng bảng giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm có:
a) Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất;
b) Dự thảo bảng giá đất;
c) Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất;
d) Văn bản thẩm định bảng giá đất;
4. Hồ sơ xây dựng bảng giá đất trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua gồm:
a) Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Dự thảo bảng giá đất;
c) Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất.
5. Việc thẩm định bảng giá đất do Hội đồng thẩm định bảng giá đất thực hiện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất bao gồm các thành phần sau:
a) Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng;
b) Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng; đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); đại diện Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh; đại diện Hiệp hội bất động sản cấp tỉnh.
c) Tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Mục 3
XÂY DỰNG, ĐIỀU CHỈNH BẢNG GIÁ ĐẤT THEO VỊ TRÍ ĐẤT
Điều 62. Xác định vị trí đất
1. Tiêu chí xác định vị trí đất
a) Đối với nhóm đất nông nghiệp: Vị trí đất được xác định căn cứ vào: Năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi; điều kiện kết cấu hạ tầng; các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh; khoảng cách từ nơi cư trú của người sử dụng đất đến nơi sản xuất; khoảng cách từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ tập trung sản phẩm; đặc điểm sử dụng đất.
b) Đối với nhóm đất phi nông nghiệp: Vị trí đất được xác định gắn với từng đường, đoạn đường, phố, đoạn phố và căn cứ vào: Điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh; khoảng cách đến trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại trong khu vực.
c) Phân loại vị trí đất:
- Vị trí 1: là vị trí mà tại đó các thửa đất có các yếu tố và điều kiện thuận lợi nhất.
- Các vị trí tiếp theo: là vị trí mà tại đó các thửa đất có các yếu tố và điều kiện kém thuận lợi hơn so với vị trí liền kề trước đó.
2. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều này và tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định vị trí đối với từng loại đất, số lượng vị trí đất trong bảng giá đất.
3. Kiểm tra, hiệu chỉnh vị trí đất
a) Kiểm tra, rà soát kết quả phân vị trí đất của từng nhóm đất theo các tiêu chí đã xác định.
b) Hiệu chỉnh, hoàn thiện mô tả vị trí đất của từng nhóm đất theo kết quả kiểm tra, rà soát.
Điều 63. Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin giá đất thị trường
1. Thông tin giá đất thị trường được thu thập trong cơ sở dữ liệu giá đất, trên sàn giao dịch bất động sản đối với các loại đất có chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Đối với địa phương chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về giá đất thì tổ chức thực hiện việc điều tra, khảo sát giá đất thị trường tại các xã, phường, thị trấn thông qua người chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Đối với đất nông nghiệp tại khu vực không có chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì khảo sát, thu thập thông tin về thu nhập, chi phí để tạo ra thu nhập của thửa đất để xác định giá đất theo phương pháp thu nhập.
2. Thống kê, tổng hợp giá đất thị trường theo từng vị trí đất tại các xã, phường, thị trấn.
Điều 64. Xây dựng giá đất trong bảng giá đất theo vị trí đất
1. Mức giá của các vị trí đất được xác định bằng bình quân số học mức giá của các thửa đất đã điều tra, khảo sát tại từng vị trí đất.
Đối với các vị trí đất không có thông tin về giá đất thị trường thì căn cứ vào giá đất trong bảng giá đất hiện hành, mức giá của các vị trí đất đã được xác định, áp dụng phương pháp so sánh trực tiếp để xác định mức giá của các vị trí đất còn lại.
2. Phân tích, lựa chọn các yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất và xây dựng hệ số điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất
a) Phân tích, lựa chọn các yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất cho các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp.
b) Phân tích, lựa chọn các yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất cho các loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp.
Việc lựa chọn các yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất được thực hiện trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả điều tra điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tình hình quản lý sử dụng đất và giá đất thị trường.
c) Xây dựng hệ số điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến giá của các thửa đất cụ thể làm căn cứ xác định giá của từng thửa đất theo vị trí đất trong bảng giá đất.
3. Kiểm tra, điều chỉnh giá đất theo vị trí đất, hệ số điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, sự phù hợp với mức giá của các vị trí đất trong bảng giá đất với giá đất thị trường.
Mục 4
XÂY DỰNG THEO VÙNG GIÁ TRỊ ĐẤT, THỬA ĐẤT CHUẨN
Điều 65. Thiết lập vùng giá trị
1. Tiêu chí thiết lập vùng giá trị
a) Đối với nhóm đất nông nghiệp: Vùng giá trị được xác định căn cứ vào: Năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi; điều kiện kết cấu hạ tầng; các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh; khoảng cách từ nơi cư trú của người sử dụng đất đến nơi sản xuất; khoảng cách từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ tập trung sản phẩm; đặc điểm sử dụng đất.
b) Đối với nhóm đất phi nông nghiệp: Vùng giá trị được xác định gắn với từng đường, đoạn đường, phố, đoạn phố và căn cứ vào: Điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh; khoảng cách đến trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại.
Đối với các loại đất có số lượng thửa đất không đủ thiết lập vùng giá trị đất và phân bố không tập trung thì không thực hiện phân vùng giá trị và không thực hiện định giá đất cụ thể theo thửa đất chuẩn.
2. Xác định vùng giá trị đất
a) Xác định ranh giới, đánh số thứ tự các vùng giá trị theo từng nhóm đất và biểu thị trên bản đồ địa chính (dạng số).
b) Tổng hợp, thống kê thửa đất theo mục đích sử dụng của từng vùng giá trị.
3. Kiểm tra, hiệu chỉnh vùng giá trị đất
a) Kiểm tra, rà soát kết quả xác định ranh giới các vùng giá trị của từng nhóm đất theo các tiêu chí đã xác định.
b) Hiệu chỉnh, hoàn thiện ranh giới các vùng giá trị của từng nhóm đất theo kết quả kiểm tra, rà soát.
Điều 66. Lựa chọn thửa đất chuẩn và xác định giá của thửa đất chuẩn
1. Lựa chọn thửa đất chuẩn
a) Xây dựng tiêu chí lựa chọn thửa đất chuẩn: Các tiêu chí lựa chọn thửa chuẩn được phân tích và lựa chọn riêng cho từng địa bàn thực hiện dự án bảo đảm tính đại diện cho vùng giá trị, mức độ ổn định của thửa đất.
b) Lựa chọn thửa đất chuẩn cho từng loại đất theo từng vùng giá trị cho từng địa bàn thực hiện dự án:
- Phân tích, đánh giá các đặc tính về quy mô diện tích, hình thể, kích thước cho các thửa đất trong từng vùng giá trị.
- Lựa chọn thửa đất chuẩn đại diện cho từng loại đất theo từng vùng giá trị trên cơ sở các đặc tính về quy mô diện tích, hình thể, kích thước mang tính đại diện cho các thửa đất trong khu vực. Trường hợp trong vùng giá trị không thể lựa chọn được thửa đất chuẩn làm đại diện (do các thửa đất trong vùng giá trị có các đặc tính riêng khác biệt lớn) thì giả định một thửa đất có đặc tính chung (hình thể, quy mô, kích thước) đại diện cho vùng giá trị làm thửa đất chuẩn.
c) Phân tích, đánh giá, hiệu chỉnh kết quả lựa chọn thửa đất chuẩn.
- Phân tích, đánh giá chi tiết từng thửa đất chuẩn đã được lựa chọn theo thực tế số lượng thửa đất tại các vùng giá trị.
- Hiệu chỉnh số lượng thửa đất chuẩn, thay đổi thửa đất chuẩn của mỗi vùng giá trị dựa trên kết quả phân tích, đánh giá chi tiết từng thửa đất chuẩn đã được lựa chọn và quy mô số lượng thửa đất của vùng giá trị.
d) Lập báo cáo kết quả lựa chọn thửa đất chuẩn cho từng địa bàn thực hiện dự án.
2. Điều tra và định giá thửa đất chuẩn
a) Điều tra, thu thập thông tin giá đất thị trường để định giá thửa đất chuẩn theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Nghị định này.
b) Kiểm tra, rà soát mức độ đầy đủ, chính xác thông tin về giá đất thị trường đối với loại đất có chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trúng đấu giá quyền sử dụng đất; thu nhập và chi phí đối với thửa đất đang cho thu nhập.
c) Định giá thửa đất chuẩn theo các phương pháp định giá đất quy định tại Điều 4 của Nghị định này.
d) Kiểm tra, điều chỉnh giá thửa đất chuẩn để đảm bảo phù hợp với giá đất thị trường.
Điều 67. Xác định các yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất và lập bảng tỷ lệ so sánh
1. Phân tích, lựa chọn các yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất
a) Phân tích, lựa chọn các yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất cho các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp.
b) Phân tích, lựa chọn các yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất cho các loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp.
Việc lựa chọn các yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất được thực hiện trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả điều tra điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tình hình quản lý sử dụng đất và giá đất thị trường kết hợp với phương pháp chuyên gia.
2. Lập bảng tỷ lệ so sánh
a) Lập bảng tỷ lệ so sánh giữa giá của từng thửa đất cụ thể so với giá của thửa đất chuẩn theo từng yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất trong vùng giá trị cho các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp.
b) Lập bảng tỷ lệ so sánh giữa giá của từng thửa đất cụ thể so với giá của thửa đất chuẩn theo từng yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất trong khu vực có đặc điểm tương đồng cho các loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp.
Việc lập bảng tỷ lệ so sánh giữa giá của từng thửa đất cụ thể so với giá của thửa đất chuẩn theo từng yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất trong vùng giá trị được thực hiện trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả điều tra điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tình hình quản lý sử dụng đất và giá đất thị trường kết hợp với phương pháp chuyên gia.
Điều 68. Tính toán giá của thửa đất cụ thể theo thửa đất chuẩn
a) Tính toán giá của thửa đất cụ thể đối với nhóm đất nông nghiệp: Căn cứ đặc tính của thửa đất và giá của thửa đất chuẩn, áp dụng tỷ lệ trong bảng tỷ lệ so sánh giá đất để tính giá của từng thửa đất cụ thể cho từng loại đất trong nhóm đất nông nghiệp.
b) Tính toán giá của thửa đất cụ thể đối với nhóm đất phi nông nghiệp: Căn cứ đặc tính của thửa đất và giá của thửa đất chuẩn, áp dụng tỷ lệ trong bảng tỷ lệ so sánh giá đất để tính giá của từng thửa đất cụ thể cho từng loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp.
Điều 69. Rà soát, kiểm tra, hiệu chỉnh kết quả xác định giá của thửa đất cụ thể theo thửa đất chuẩn và cập nhật vào cơ sở dữ liệu giá đất
1. Rà soát, kiểm tra tính hợp lý của giá thửa đất cụ thể: Kiểm chứng mức chênh lệch giá đất giữa các thửa đất liền kề có cùng mục đích sử dụng trong từng vùng giá trị; kiểm chứng mức chênh lệch giá đất các thửa đất liền kề có cùng mục đích sử dụng giữa các vùng giá trị; hiệu chỉnh giá thửa đất cụ thể của từng thửa đất.
2. Cập nhật hệ thống giá đất cụ thể của từng thửa đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn vào cơ sở dữ liệu giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai.
Mục 5
THẨM ĐỊNH BẢNG GIÁ ĐẤT
Điều 70. Hội đồng thẩm định bảng giá đất
1. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất để thẩm định dự thảo bảng giá đất tại địa phương.
2. Thành phần Hội đồng thẩm định bảng giá đất theo quy định tại Khoản 4 Điều 166 của Luật Đất đai.
Chuyên gia về giá đất tham gia Hội đồng là người có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm làm việc một trong các lĩnh vực tài chính đất đai, quản lý giá, quản lý đất đai, thẩm định giá.
3. Chủ tịch Hội đồng thẩm định bảng giá đất quyết định thành lập Tổ giúp việc của Hội đồng.
a) Đối với hội đồng thẩm định giá do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm chủ tịch hội đồng: Thành phần Tổ giúp việc của Hội đồng bao gồm lãnh đạo cấp Phòng và chuyên viên của Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế, các cơ quan có liên quan và do đại diện của Sở Tài chính làm Tổ trưởng.
b) Đối với hội đồng thẩm định giá do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm chủ tịch hội đồng; Thành phần Tổ giúp việc của Hội đồng bao gồm lãnh đạo cấp Phòng và chuyên viên của Phòng Tài chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi Cục thuế, các cơ quan có liên quan và do đại diện của Phòng Tài chính làm Tổ trưởng.
Điều 71. Hồ sơ đề nghị thẩm định dự thảo bảng giá đất
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi Hồ sơ đề nghị thẩm định dự thảo bảng giá đất đến Thường trực Hội đồng thẩm định bảng giá đất. Hồ sơ đề nghị thẩm định dự thảo bảng giá đất bao gồm:
1. Văn bản đề nghị thẩm định dự thảo bảng giá đất;
2. Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất; dự thảo bảng giá đất và báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 10 nghị định này;
3. Văn bản tổng hợp ý kiến tham gia của các Sở, ngành, cơ quan liên quan;
4. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Điều 72. Thẩm định dự thảo bảng giá đất
1. Nội dung, tiêu chí thẩm định dự thảo bảng giá đất:
a) Thẩm định việc xác định vị trí đất, vùng giá trị, thửa đất chuẩn theo các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 10, Khoản 1 Điều 13 của Nghị định này.
b) Thẩm định việc áp dụng nguyên tắc định giá đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 132 của Luật Đất đai;
c) Thẩm định việc áp dụng các phương pháp định giá đất theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 4 của Nghị định này;
d) Thẩm định nội dung đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đến tình hình kinh tế - xã hội, việc thực hiện chính sách tài chính về đất đai của người sử dụng đất.
2. Hội đồng thẩm định bảng giá đất tiến hành tổ chức các phiên họp. Tại Phiên họp thẩm định đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất được thuê để thực hiện việc điều tra giá đất thị trường, xây dựng bảng giá đất có trách nhiệm giải trình trước Hội đồng về các nội dung của dự thảo bảng giá đất khi được yêu cầu.
3. Căn cứ Biên bản cuộc họp thẩm định, Chủ tịch Hội đồng ký văn bản thẩm định bảng giá đất theo hình thức thông báo kết quả thẩm định bảng giá đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để hoàn thiện hồ sơ xây dựng bảng giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Thời hạn thẩm định và ban hành văn bản thẩm định bảng giá đất tối đa không quá 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ Hồ sơ đề nghị thẩm định dự thảo bảng giá đất. Trường hợp cần thiết kéo dài thời gian thẩm định thì thời hạn kéo dài thêm tối đa không quá 05 ngày làm việc.
5. Tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định bảng giá đất chịu trách nhiệm chuẩn bị các nội dung theo phân công để đề xuất, báo cáo Hội đồng thẩm định bảng giá đất xem xét tại phiên họp thẩm định dự thảo bảng giá đất.
Điều 73. Quy định ổn định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính trong một số trường hợp
1. Đối với các trường hợp tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh áp dụng bảng giá đất tại thời điểm tính thuế và giữ ổn định trong 5 năm.
2. Đối với trường hợp tính tiền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm khi Nhà nước cho thuê đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh áp dụng bảng giá đất tại thời điểm tính tiền thuê đất và quyết định tỷ lệ đơn giá cho thuê đất theo nguyên tắc mức thu tiền thuê đất hàng năm áp dụng cho kỳ ổn định 5 năm tiếp theo và không vượt quá 20% mức thu đang áp dụng.
Mục 6
ĐỊNH GIÁ ĐẤT CỤ THỂ
Điều 74. Căn cứ định giá đất cụ thể
Điều 75. Nội dung định giá đất cụ thể
1. Giá đất cụ thể quyết định theo từng mục đích sử dụng đất, diện tích đất được xác định trong hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phương án đấu giá quyền sử dụng đất, dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
2. Giá đất cụ thể được áp dụng trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 134 của Luật Đất đai.
1. Thời điểm xác định, quyết định phê duyệt giá đất cụ thể
a) Đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất thì giá đất cụ thể được xác định đồng thời trong quá trình lập, thẩm định thủ tục giao đất, cho thuê đất và được phê duyệt đồng thời với quyết định giao đất, cho thuê đất;
b) Đối với trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép gia hạn sử dụng đất, cho phép chuyển hình thức sử dụng đất thì giá đất cụ thể được xác định đồng thời trong quá trình lập, thẩm định thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép gia hạn sử dụng đất, cho phép chuyển hình thức sử dụng và phê duyệt đồng thời với quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép gia hạn sử dụng đất, cho phép chuyển hình thức sử dụng đất;
c) Đối với trường hợp xác định giá đất để tính thu nghĩa vụ tài chính bổ sung khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết thì giá đất cụ thể được xác định đồng thời trong quá trình lập, thẩm định thủ tục cho phép điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết và được phê duyệt cùng ngày với quyết định cho phép điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết;
d) Đối với trường hợp xác định giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thì giá đất cụ thể được xác định đồng thời trong quá trình khảo sát, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và được phê duyệt đồng thời với quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
đ) Đối với trường hợp xác định giá đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì giá đất cụ thể được xác định đồng thời trong quá trình lập, thẩm định thủ tục xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa và được phê duyệt đồng thời với quyết định công bố giá trị doanh nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
e) Giá đất được xác định và phê duyệt không quá 06 tháng trước thời điểm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
2. Trình tự thực hiện xác định giá đất cụ thể thực hiện theo quy định sau đây:
a) Xác định mục đích định giá đất cụ thể;
c) Xây dựng phương án giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;
e) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giá đất.
3. Hồ sơ xác định giá đất cụ thể trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định gồm có:
a) Tờ trình về phương án giá đất;
b) Báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất;
c) Văn bản thẩm định phương án giá đất.
4. Việc thẩm định phương án giá đất do Hội đồng thẩm định giá đất thực hiện.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất.
theo quy định tại Điều 166 của Luật Đất đai.
Điều 77. Trình tự, thủ tục thực hiện xác định giá đất cụ thể đối với các trường hợp áp dụng các phương pháp định giá đất quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định này
1. Thời điểm xác định, quyết định phê duyệt giá đất cụ thể
Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm căn cứ vào thông tin địa chính, thông tin giá đất trong bảng giá đất để xác định và trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt.
2. Trình tự thực hiện xác định giá đất cụ thể thực hiện theo quy định sau đây:
a) Xác định mục đích định giá đất cụ thể;
b) Xác định giá đất trong bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất tại vị trí khu đất;
c) Xây dựng phương án giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;
d) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giá đất.
3. Hồ sơ xác định giá đất cụ thể trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định gồm có:
a) Tờ trình về phương án giá đất;
b) Dữ liệu về giá đất trong bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất.
Điều 79. Hội đồng thẩm định giá đất
1. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất theo hình thức Hội đồng cố định hoặc Hội đồng theo vụ việc để thẩm định dự thảo phương án giá đất tại địa phương.
2. Thành phần Hội đồng thẩm định giá đất theo quy định tại Điều 166 của Luật Đất đai.
Đại diện tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất tham gia Hội đồng là người đủ điều kiện hành nghề tư vấn xác định giá đất theo quy định và không thuộc tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất được thuê để định giá đất cụ thể.
Chuyên gia về giá đất tham gia Hội đồng phải là người có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm làm việc một trong các lĩnh vực tài chính đất đai, quản lý giá, quản lý đất đai, thẩm định giá.
3. Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất quyết định thành lập Tổ giúp việc của Hội đồng.
a) Đối với hội đồng thẩm định giá do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm chủ tịch hội đồng: Thành phần Tổ giúp việc của Hội đồng bao gồm lãnh đạo cấp Phòng và chuyên viên của Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế, các cơ quan có liên quan và do đại diện của Sở Tài chính làm Tổ trưởng.
b) Đối với hội đồng thẩm định giá do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện làm chủ tịch hội đồng; Thành phần Tổ giúp việc của Hội đồng bao gồm lãnh đạo cấp Phòng và chuyên viên của Phòng Tài chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi Cục thuế, các cơ quan có liên quan và do đại diện của Phòng Tài chính làm Tổ trưởng.
Điều 80. Hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá đất
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi Hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá đất đến Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất. Hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá đất bao gồm:
1. Văn bản đề nghị thẩm định phương án giá đất.
2. Tờ trình về phương án giá đất; dự thảo phương án giá đất và báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 của Nghị định này;
3. Văn bản tổng hợp ý kiến tham gia của các Sở, ngành, cơ quan liên quan (nếu có);
4. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Điều 81. Tiêu chí, nội dung thẩm định phương án giá đất
1. Nội dung, tiêu chí thẩm định phương án giá đất:
b) Thẩm định việc áp dụng các phương pháp định giá đất theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 4 của Nghị định này trong phương án giá đất;
c) Thẩm định sự phù hợp của các thông tin thu thập được về thửa đất khảo sát; của phương án giá đất đề xuất so với giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai.
2. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất được thuê để thực hiện việc xác định giá đất của thửa đất cần định giá (nếu có) có trách nhiệm giải trình trước Hội đồng về phương án giá đất và kết quả xác định giá đất khi được yêu cầu.
3. Căn cứ Biên bản cuộc họp thẩm định, Chủ tịch Hội đồng ký hoặc Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất ký thừa ủy quyền văn bản thẩm định phương án giá đất theo hình thức thông báo kết quả thẩm định phương án giá đất. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện phương án giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
4. Thời hạn thẩm định và ban hành văn bản thẩm định phương án giá đất tối đa không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ Hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá đất. Trường hợp hồ sơ phức tạp cần thiết kéo dài thời gian thẩm định thì thời gian kéo dài thêm tối đa không quá 05 ngày làm việc.
5. Tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định giá đất chịu trách nhiệm chuẩn bị các nội dung theo phân công để đề xuất, báo cáo Hội đồng thẩm định giá đất xem xét tại phiên họp thẩm định phương án giá đất.
Tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất khi thực hiện tư vấn xác định giá đất phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
1. Thực hiện đúng các nguyên tắc, phương pháp định giá đất, trình tự, nội dung khi xây dựng bảng giá đất và định giá đất cụ thể;
2. Độc lập, trung thực, khách quan;
3. Thực hiện nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 133 của Luật Đất đai.
Điều 83. Điều kiện hoạt động của tư vấn xác định giá đất, cá nhân hành nghề tư vấn xác định giá đất
1. Tổ chức được hoạt động tư vấn xác định giá đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc thẩm định giá hoặc tư vấn định giá bất động sản;
b) Có ít nhất 03 định giá viên đủ điều kiện hành nghề tư vấn xác định giá đất quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Cá nhân chỉ được hành nghề tư vấn xác định giá đất trong tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có Chứng chỉ định giá đất được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Có Thẻ thẩm định viên về giá và Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
3. Cá nhân được cấp Chứng chỉ định giá đất phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có trình độ từ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành về quản lý đất đai, địa chính, bất động sản, vật giá, thẩm định giá, kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, ngân hàng, kinh tế - kỹ thuật, kỹ thuật, luật;
b) Có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 (ba mươi sáu) tháng trở lên sau khi có bằng tốt nghiệp chuyên ngành quy định tại điểm a Khoản này tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ định giá đất;
c) Có Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Điều 84. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn phương pháp định giá đất; việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể; hoạt động tư vấn xác định giá đất; xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; lập bản đồ giá đất;
b) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể tại địa phương; áp dụng bảng giá đất và giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất theo quy định của pháp luật;
c) Ban hành chương trình bồi dưỡng về pháp luật đất đai và định giá đất;
d) Xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất trong hệ thống thông tin đất đai.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nội dung thẩm định bảng giá đất, định giá đất cụ thể của Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất.
3. Bộ Xây dựng có trách nhiệm:
a) Quy định suất vốn đầu tư hạ tầng, đơn giá xây dựng các công trình để tính chi phí đầu tư khi áp dụng phương pháp thặng dư;
b) Hướng xây việc nghiệm thu và quản hạ tầng do chủ đầu tư xây dựng khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Tổ chức xây dựng, điều chỉnh, ban hành bảng giá đất; quyết định giá đất cụ thể; quy định hệ số điều chỉnh giá đất; hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất quy định tại Khoản 3 Điều 132 của Luật Đất đai.
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đất tại địa phương; giải quyết các vướng mắc phát sinh về giá đất theo thẩm quyền;
c) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quản lý giá đất và hoạt động tư vấn xác định giá đất tại địa phương;
d) Tổ chức xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu về giá đất tại địa phương, lập bản đồ giá đất theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
đ) Tổ chức theo dõi, công giá đất phổ biến trên thị trường, công bố chỉ số biến động giá đất thị trường theo quý, năm;
e) Hàng năm, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về giá đất tại địa phương.
5. Kinh phí để tổ chức xây dựng, điều chỉnh, bảng giá đất; định giá đất cụ thể; theo dõi, cập nhật giá đất tại địa phương, công bố chỉ số biến động giá đất thị trường; xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất và lập bản đồ giá đất được bố trí từ ngân sách nhà nước.
Điều 85. Xử lý một số vấn đề phát sinh sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành
1. Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành cho giai đoạn 2020-2024 theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 được áp dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.
2. Giá đất cụ thể đã được Hội đồng thẩm định giá đất thẩm định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì Ủy ban nhân dân tiếp tục xem xét, quyết định; không áp dụng theo quy định của Nghị định này.
Chương VII
1. Được xây dựng và quản lý tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, có tính mở, có tính kế thừa, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
2. Đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản và dễ tiếp cận.
3. Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về công nghệ thông tin và tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực đất đai.
4. Phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường, Kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh.
5. Thông tin, dữ liệu về đất đai được thu thập, chuẩn hóa, cập nhật thường xuyên, đảm bảo tính đầy đủ, tính pháp lý, chính xác, kịp thời và được lưu trữ theo quy định của pháp luật.
6. Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai phải đảm bảo theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 87. Đảm bảo kinh phí để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai
1. Kinh phí ngân sách nhà nước cấp:
a) Ngân sách trung ương đảm bảo cho các hoạt động quản lý, xây dựng, nâng cấp, duy trì vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai do trung ương thực hiện.
b) Ngân sách địa phương đảm bảo cho các hoạt động quản lý, xây dựng, nâng cấp, duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương thực hiện, ưu tiên dành 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm để thực hiện, trường hợp không đủ kinh phí so với yêu cầu thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ.
2. Nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, phân bổ nguồn vốn đầu tư để xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật về đầu tư.
4. Bộ Tài chính tổng hợp, phân bổ nguồn kinh phí thường xuyên cho việc quản lý, bảo trì, duy trì, vận hành hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
5. Nhà nước khuyến khích đầu tư theo từ hình thức đối tác công tư để các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực tham gia xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai.
Mục 2
XÂY DỰNG HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐẤT ĐAI
1. Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về công nghệ thông tin và tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực đất đai; bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật.
2. Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đến lĩnh vực đất đai; Cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật.
3. Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai gồm các thành phần:
a) Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai phục vụ cho việc xây dựng, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin dữ liệu đất đai;
b) Hệ thống phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng để xây dựng, quản trị, vận hành, khai thác, kết nối, chia sẻ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai;
c) Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai bao gồm cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương xây dựng và cơ sở dữ liệu đất đai do trung ương xây dựng, được kết nối thành một hệ thống tập trung, thống nhất, tạo nền tảng dữ liệu để quản lý nguồn lực đất đai, phục vụ triển khai, vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, đô thị thông minh hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
4. Việc xây dựng và duy trì vận hành hệ thống thông tin đất đai bao gồm các hoạt động:
a) Thiết lập, nâng cấp, duy trì hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin;
b) Xây dựng, nâng cấp phần mềm của hệ thống thông tin đất đai;
c) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai;
d) Lưu trữ, bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin đất đai;
đ) Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức và người lao động;
e) Triển khai, vận hành thử nghiệm, hiệu chỉnh hệ thống thông tin đất đai;
g) Các hoạt động thanh kiểm tra về cập nhật và kết nối cơ sở dữ liệu;
h) Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể lộ trình, kế hoạch xây dựng hệ thống thông tin đất đai tập trung, thống nhất phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế, ưu tiên phát triển trước đối với các dịch vụ có quy mô quốc gia.
1. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của hệ thống thông tin đất đai
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin bao gồm tập hợp thiết bị máy chủ, máy trạm, thiết bị kết nối mạng, hệ thống đường truyền, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn, thiết bị lưu trữ, thiết bị ngoại vi và các thiết bị khác được thiết kế tổng thể chung cho toàn bộ hệ thống để triển khai từ trung ương đến địa phương, đảm bảo việc truyền dẫn dữ liệu được thực hiện thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu Bộ Tài nguyên và Môi trường (LGSP) và nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu quốc gia (NGSP) và tuân theo quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và sẵn sàng để chia sẻ cho các hệ thống khác.
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đảm bảo việc cập nhật, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai ở trung ương và địa phương.
2. Phần mềm của hệ thống thông tin quốc gia về đất đai
a) Phần mềm của hệ thống thông tin quốc gia về đất đai bao gồm các nhóm phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng.
b) Phần mềm hệ thống thông tin quốc gia về đất đai phải đảm bảo tính thống nhất về quy trình nghiệp vụ, khai thác, quản lý và vận hành; đảm bảo tính thống nhất về thông tin dữ liệu; đảm bảo tính an toàn và bảo mật của toàn bộ hệ thống; đảm bảo tính thống nhất về chia sẻ, khai thác, kết nối thông tin dữ liệu đất đai giữa các bộ, ngành tại trung ương và tại các địa phương.
3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ứng dụng của hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
1. Cơ sở dữ liệu đất đai địa phương bao gồm:
a) Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương (được liên kết, trích xuất từ cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật hoặc hệ thống công báo điện tử của địa phương);
b) Cơ sở dữ liệu địa chính của địa phương;
c) Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương;
d) Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai và kiểm kê theo chuyên đề của địa phương;
đ) Cơ sở dữ liệu giá đất của địa phương;
e) Cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai và điều tra theo chuyên đề của địa phương;
g) Cơ sở dữ liệu thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương;
h) Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai do địa phương xây dựng.
2. Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia về đất đai bao gồm:
a) Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật về đất đai (được liên kết, trích xuất từ cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật);
b) Cơ sở dữ liệu địa chính của trung ương và dữ liệu tổng hợp, trích chọn từ cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương;
c) Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và dữ liệu tổng hợp, trích chọn từ cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương;
d) Cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội và dữ liệu tổng hợp, trích chọn từ cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương;
đ) Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội và thống kê, kiểm kê đất đai theo chuyên đề và dữ liệu tổng hợp, trích chọn từ cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương;
e) Cơ sở dữ liệu về giá đất của trung ương và dữ liệu tổng hợp, trích chọn từ cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương;
g) Cơ sở dữ liệu thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của trung ương và dữ liệu tổng hợp, trích chọn từ cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương;
h) Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai do trung ương xây dựng.
3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định thành phần, nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin của các cơ sở dữ liệu đất đai tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
1. Tài liệu thu thập để xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai phải bảo đảm tính pháp lý, đầy đủ, chính xác, trung thực, khoa học, khách quan và có kế thừa.
2. Tài liệu để xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai:
a) Các loại tài liệu để xây dựng, cập nhật dữ liệu không gian gồm: bản đồ địa chính; bản đồ hiện trạng sử dụng đất; bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bản đồ giá đất; bản đồ điều tra cơ bản về đất đai; bản đồ chuyên đề và các loại tài liệu đo đạc khác đã sử dụng để đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;
b) Các loại tài liệu để xây dựng, cập nhật dữ liệu thuộc tính gồm: các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; hồ sơ địa chính, hồ sơ thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; kết quả lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kết quả điều tra, xây dựng giá đất; kết quả điều tra, đánh giá đất đai; hồ sơ thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; tài liệu của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đến lĩnh vực đất đai và các tài liệu khác có liên quan;
c) Các loại tài liệu để xây dựng, cập nhật dữ liệu hồ sơ quét gồm các loại giấy tờ có tính pháp lý về đất đai và các loại tài liệu khác có liên quan.
3. Việc thu thập tài liệu để xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai quy định tại khoản 2 Điều này phải được thực hiện theo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
1. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phải đảm bảo tính pháp lý, đầy đủ, chính xác, được liên kết, tích hợp, đồng bộ và thống nhất với nhau.
2. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đảm bảo tính pháp lý, chính xác, đầy đủ ngay trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai; đối với các dữ liệu không gắn với việc thực hiện thủ tục hành chính thì sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải cập nhật ngay vào cơ sở dữ liệu đất đai.
3. Tài liệu để xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định này.
4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.
1. Trước khi xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai phải tiến hành xử lý thông tin, dữ liệu đầu vào để đảm bảo tính chính xác, khách quan, thống nhất theo quy định sau:
a) Kiểm tra, đánh giá tính đầy đủ, khách quan và khả năng kế thừa của thông tin, dữ liệu trong quá trình thu thập thông tin, dữ liệu;
b) Kiểm tra, đánh giá về cơ sở pháp lý, mức độ tin cậy của thông tin, dữ liệu;
c) Tổng hợp, sắp xếp, phân loại thông tin, dữ liệu phù hợp với quy định;
d) Chuẩn hóa thông tin dữ liệu theo quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai;
đ) Thống nhất các bảng mã danh mục dùng chung của cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
2. Đối với thông tin, dữ liệu được cập nhật từ cơ sở dữ liệu chuyên ngành thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành có trách nhiệm đảm bảo về tính đầy đủ, chính xác, kịp thời và khách quan của thông tin, dữ liệu.
1. Điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động về xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm của hệ thống thông tin đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
2. Tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp được hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với các tổ chức sự nghiệp của Nhà nước;
b) Có ít nhất 10 cá nhân đối với hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp huyện, có ít nhất 15 cá nhân đối với hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh, cấp quốc gia đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Có hạ tầng, thiết bị công nghệ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Cá nhân được hành nghề xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong tổ chức hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về quản lý đất đai, địa chính, trắc địa bản đồ, công nghệ thông tin và các chuyên ngành khác có liên quan đến cơ sở dữ liệu đất đai;
c) Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên đất hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai từ 24 tháng trở lên.
4. Phạm vi hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia.
5. Quy trình thẩm định, đánh giá điều kiện, năng lực của tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai như sau:
a) Tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp gửi hồ sơ về Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định năng lực; hồ sơ đề nghị thẩm định gồm có:
- Văn bản về nội dung, khối lượng nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai dự kiến thực hiện;
- Bản sao quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đo đạc bản đồ địa chính và quản lý đất đai; giấy phép hoạt động đo đạc bản đồ địa chính;
- Danh mục và số lượng các loại thiết bị công nghệ của đơn vị được sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;
- Danh sách cán bộ đăng ký tham gia thực hiện, trong đó thể hiện trình độ và chuyên môn đào tạo, chứng chỉ đào tạo về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và kinh nghiệm công tác của từng người;
- Danh mục dự án, công trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã, đang thực hiện hoặc tham gia thực hiện (nếu có).
b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành việc thẩm định và thông báo kết quả cho tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp.
1. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; hướng dẫn chi tiết các nội dung cung cấp, thu thập, cập nhật, xử lý, lưu trữ, bảo quản, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về đất đai.
2. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
3. Cấp và giao quyền truy cập cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai theo quy định.
4. Quản lý việc xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm phục vụ cho việc quản lý, duy trì, vận hành, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
5. Quản lý các hoạt động dịch vụ trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
6. Hợp tác quốc tế trong xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
1. Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai phải tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và các pháp luật khác có liên quan.
2. Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai thông qua các hình thức:
a) Cổng thông tin đất đai; Cổng dịch vụ công quốc gia; Cổng dịch vụ công Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cổng dịch vụ công cấp tỉnh;
b) Trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai hoặc Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính;
c) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
3. Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai hợp lệ, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai có văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xin ý kiến về việc cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có ý kiến bằng văn bản đối với việc cung cấp thông tin, dữ liệu nêu trên.
1. Việc nộp văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai được thực hiện theo một trong các phương thức sau:
a) Nộp điện tử thông qua Cổng thông tin đất đai; Cổng dịch vụ công quốc gia; Cổng dịch vụ công Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cổng dịch vụ công cấp tỉnh;
b) Nộp trực tiếp tới cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai;
c) Gửi thông qua các hình thức điện tử khác theo quy định của pháp luật tới cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai.
2. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo phí và chi phí cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.
3. Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện nộp phí và chi phí, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.
4. Thời gian cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai thực hiện theo quy định sau:
a) Đối với thông tin, dữ liệu có sẵn trong cơ sở dữ liệu đất đai thì cung cấp ngay trong ngày làm việc; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp vào ngày làm việc tiếp theo;
b) Đối với thông tin, dữ liệu không có sẵn trong cơ sở dữ liệu đất đai thì chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai phải thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu hoặc gửi thông báo về việc gia hạn thời gian cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai.
Trường hợp cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai cần thêm thời gian để xem xét, tìm kiếm, tập hợp, tổng hợp, phân tích hoặc lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan thì có thể gia hạn nhưng tối đa không quá 10 ngày làm việc;
c) Trường hợp cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và tổ chức, cá nhân có thỏa thuận riêng về việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai thì thời gian cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai được xác định theo thỏa thuận.
1. Thông tin, dữ liệu đất đai thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định của Nghị định này.
2. Những thông tin, dữ liệu đất đai gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội mà pháp luật quy định.
3. Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu không hợp lệ theo quy định sau khi đã được cơ quan cung cấp dịch vụ hướng dẫn; văn bản yêu cầu không có chữ ký, con dấu của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, của tổ chức không có tư cách pháp nhân theo quy định; phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu.
4. Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được sự đồng ý của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đó, trừ trường hợp phục vụ hoạt động điều tra, xác minh xử lý hành vi vi phạm pháp luật và phục vụ công tác quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.
5. Tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin không thực hiện nộp phí và chi phí cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu đất đai theo quy định.
1. Phí và chi phí phải trả cho việc cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai bao gồm các khoản sau:
a) Phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai;
b) Chi phí cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu đất đai gồm: chi phí thực tế cho việc tổng hợp thông tin, dữ liệu, in ấn, sao chụp và gửi hồ sơ, tài liệu (nếu có).
2. Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai dưới đây thì không phải trả phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai:
a) Các thông tin, dữ liệu được đăng công khai trên mạng internet, cổng thông tin đất đai bao gồm: thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kết quả thống kê, kiểm kê đất đai đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; bảng giá đất đã được công bố; thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;
b) Các trường hợp cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai cho các cơ quan của Trung ươngĐảng, Quốc hội, Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp; cho các mục đích quốc phòng, an ninh, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về ban bố tình trạng khẩn cấp.
3. Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai theo yêu cầu thì phải trả phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và chi phí cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu đất đai.
4. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai và chi phí cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu đất đai theo quy định.
5. Đối với các loại phí đã được quy định thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí; chi phí cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
6. Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai đối với các hoạt động do cơ quan trung ương thực hiện theo quy định của pháp luật; hướng dẫn xác định giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu đất đai theo quy định của pháp luật về giá.
1. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai ở trung ương là Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai ở địa phương là Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường.
3. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng từ cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định của Nghị định này và các pháp luật khác có liên quan.
1. Thông tin, dữ liệu đất đai được Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ với các Bộ, ngành và địa phương phục vụ quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
2. Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai thực hiện theo mô hình được quy định tại Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, thông qua các dịch vụ trên nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu các Bộ, ngành, cấp tỉnh (LGSP), Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu quốc gia (NGSP). Các tiêu chuẩn kỹ thuật dịch vụ chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai thực hiện theo quy định về kết nối của cơ sở dữ liệu quốc gia với các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu khác.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thống nhất về nội dung thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu đất đai để kết nối, chia sẻ phục vụ công tác quản lý nhà nước.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số trong cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương; phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương thống nhất về nội dung thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu đất đai để kết nối, chia sẻ.
1. Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai có trách nhiệm công bố công khai thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và trang thông tin điện tử của Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai các thông tin, dữ liệu sau đây:
a) Danh mục các thông tin, dữ liệu thuộc cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia;
b) Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kết quả thống kê, kiểm kê đất đai đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bảng giá đất đã được công bố; thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố công khai thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường các thông tin, dữ liệu sau đây:
a) Danh mục các thông tin, dữ liệu đất đai thuộc cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương;
b) Thông tin về kết quả thống kê, kiểm kê đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bảng giá đất đã được công bố; thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.
3. Các trường hợp thông tin, dữ liệu đất đai không được công bố công khai gồm: nghị quyết, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bản đồ và các số liệu, tài liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, năng lượng quốc gia không công bố hoặc chưa công bố theo quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước.
1. Cơ quan quản lý hệ thống thông tin đất đai phải có các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu đất đai theo quy định pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, an ninh mạng và các pháp luật khác có liên quan.
2. Cơ sở dữ liệu đất đai phải được sao lưu vào các thiết bị lưu trữ dữ liệu để lưu theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng năm nhằm phòng tránh trường hợp sai hỏng, mất dữ liệu trong quá trình quản lý, sử dụng.
Dữ liệu sao lưu hàng tuần phải được lưu giữ tối thiểu trong 03 tháng; sao lưu hàng tháng phải được lưu giữ tối thiểu trong 01 năm; sao lưu hàng năm phải được lưu giữ vĩnh viễn và dữ liệu sao lưu được lưu trữ ít nhất tại hai địa điểm.
3. Dữ liệu đất đai phải được lưu trữ theo quy định của Chính phủ về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử.
1. Việc in, sao, vận chuyển, giao nhận, truyền dữ liệu, lưu giữ, bảo quản, cung cấp thông tin, dữ liệu và các hoạt động khác có liên quan đến dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, phát hiện những nguy cơ mất an toàn thông tin để kịp thời xử lý.
3. Cán bộ, công chức, nhân viên thực hiện cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai được cấp quyền truy cập và cập nhật trong từng thành phần dữ liệu, bảo đảm việc quản lý chặt chẽ đối với quyền truy cập, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai.
4. Danh mục tài liệu mật về đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật về Bảo vệ bí mật nhà nước.
Mục 4
TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, VẬN HÀNH HỆ THỐNG THÔNG TIN QUỐC GIA VỀ ĐẤT ĐAI
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành các quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của hệ thống thông tin đất đai.
2. Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; cập nhật kết quả điều tra cơ bản và các dữ liệu, thông tin có liên quan đến đất đai của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; tích hợp, quản lý, duy trì, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và sử dụng thống nhất trên phạm vi cả nước.
3. Tổ chức thực hiện dịch vụ công điện tử trong lĩnh vực đất đai theo quy định của pháp luật.
4. Thanh tra, kiểm tra việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai.
5. Xây dựng các báo cáo tổng hợp, định kỳ công bố các thông tin cơ bản trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo quy định.
6. Đảm bảo an toàn, an ninh và bảo mật thông tin cho hệ thống thông tin đất đai do trung ương thực hiện.
7. Xây dựng, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
8. Hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương sử dụng hệ thống thông tin đất đai quốc gia để quản lý cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương.
9. Quy định cụ thể về quản trị và phân quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; quy định mã định danh thửa đất và lộ trình triển khai để đảm bảo thống nhất quản lý trên toàn quốc.
10. Tổ chức thực hiện việc bảo trì, nâng cấp hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
1. Cung cấp kết quả điều tra cơ bản và các dữ liệu, thông tin liên quan đến đất đai cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu hoặc các nội dung biến động so với kết quả đã nghiệm thu để cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
2. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu số từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực đất đai do mình quản lý với cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cụ thể:
a) Bộ Xây dựng kết nối, chia sẻ dữ liệu số về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; thông tin về nhà ở;
b) Bộ Tài chính kết nối, chia sẻ dữ liệu số về thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai; tài sản công gắn liền với đất;
c) Bộ Công an kết nối, chia sẻ dữ liệu số từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối, chia sẻ dữ liệu số về quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đối với 03 loại rừng;
đ) Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ dữ liệu số về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản, giấy tờ liên quan đến lĩnh vực đất đai;
e) Thanh tra Chính phủ kết nối, chia sẻ dữ liệu số về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình liên quan đến lĩnh vực đất đai;
g) Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao kết nối, chia sẻ dữ liệu số liên quan đến đất đai.
1. Ban hành các văn bản quy định và thực hiện xây dựng, quản lý, duy trì, vận hành, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương theo thẩm quyền.
2. Căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương để quy định cụ thể thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai điện tử nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của Chính phủ. Thời gian người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu đăng ký đất đai điện tử thực hiện nộp nghĩa vụ tài chính và nộp bản chính các giấy tờ quy định tại Điều 10 của Nghị định này không tính vào thời gian giải quyết thủ tục.
3. Ban hành Quy chế phối hợp giữa Văn phòng đăng ký đất đai với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện giải quyết thủ tục đăng ký đất đai điện tử theo quy định của pháp luật về đất đai; tổ chức thực hiện dịch vụ công điện tử trong lĩnh vực đất đai theo quy định của pháp luật.
4. Chỉ đạo thực hiện và kiểm tra việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống thông tin đất đai ở địa phương và tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
5. Xây dựng, kiện toàn, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương.
6. Đảm bảo an toàn, an ninh và bảo mật thông tin cho hệ thống thông tin đất đai do địa phương thực hiện.
7. Quy định cụ thể về quản trị và phân quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương.
8. Xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai tại địa phương; Quyết định về giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu đất đai; Ban hành giá cung cấp dịch vụ công theo yêu cầu về thời gian và địa điểm trả kết quả của người có yêu cầu đăng ký đất đai điện tử.
9. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện một số nhiệm vụ sau:
a) Lập kế hoạch, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
b) Tổ chức việc xây dựng, nâng cấp, quản lý, duy trì, vận hành, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương và tích hợp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia;
c) Định kỳ công bố các thông tin cơ bản về đất đai theo quy định;
d) Tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo định kỳ và đột xuất về hệ thống thông tin đất đai do địa phương thực hiện.
10. Chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực đất đai với cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương.
1. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai:
a) Thực hiện đầy đủ các trách nhiệm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;
b) Bảo đảm cho tổ chức, cá nhân truy cập thuận tiện; có công cụ tìm kiếm dữ liệu thường xuyên được nâng cấp, cải tiến theo hướng thân thiện với người dùng, dễ sử dụng và chính xác;
c) Bảo đảm khuôn dạng dữ liệu theo quy định kỹ thuật để dễ dàng tải xuống, hiển thị nhanh chóng và in ấn bằng các phương tiện điện tử phổ biến;
d) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân truy cập hệ thống thông tin đất đai;
đ) Bảo đảm tính chính xác, thống nhất về nội dung, cập nhật thường xuyên và kịp thời của dữ liệu trong hệ thống thông tin đất đai;
e) Quy định thời hạn tồn tại trực tuyến của từng loại thông tin;
g) Trường hợp tạm ngừng cung cấp dữ liệu, dịch vụ có liên quan trên môi trường mạng thì phải có trách nhiệm thông báo công khai trước 07 ngày làm việc, trừ trường hợp bất khả kháng;
h) Cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai có hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật Tiếp cận thông tin mà gây thiệt hại thì cơ quan, tổ chức cung cấp dữ liệu đất đai phải bồi thường thiệt hại, cá nhân có hành vi vi phạm có trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền được từ chối yêu cầu về cung cấp thông tin, dữ liệu nếu trái với quy định của Nghị định này và các pháp luật khác có liên quan.
1. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai:
a) Không được cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp cho mình để khai thác, sử dụng đối với các thông tin, dữ liệu mật, hạn chế tiếp cận theo quy định của pháp luật;
b) Thông báo kịp thời cho cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai về những sai sót của thông tin, dữ liệu đã cung cấp;
c) Truy cập đúng địa chỉ, mã khoá; không được làm lộ địa chỉ, mã khoá truy cập đã được cấp, khi bị mất quyền truy cập cần báo ngay cho cơ quan quản lý hệ thống thông tin đất đai kịp thời xử lý;
d) Khai thác dữ liệu trong phạm vi được cấp, sử dụng dữ liệu đúng mục đích, không xâm nhập trái phép cơ sở dữ liệu đất đai;
đ) Không được thay đổi, xóa, huỷ, sao chép, tiết lộ, hiển thị, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ dữ liệu; không được tạo ra hoặc phát tán chương trình, phần mềm làm rối loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống thông tin đất đai.
2. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại điểm c, d, đ, e, g, m khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai để cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai trước khi thực hiện ký kết hợp đồng, văn bản hoặc công chứng, chứng thực liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện khai thác thông tin, dữ liệu về đất đai, tài sản gắn liền với đất trong cơ sở dữ liệu đất đai trước khi thực hiện ký kết hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật khi bị vi phạm quyền khai thác, sử dụng thông tin của mình.
1. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân thuê đất của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm; thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm và đã được cấp Giấy chứng nhận thì được cho thuê tài sản gắn liền với đất đã được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. Người thuê tài sản phải sử dụng tài sản trên đất theo mục đích đã được xác định trong quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất đã ký.
2. Tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thuê đất của Nhà nước trả tiền thuê hàng năm; thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trả tiền thuê đất, thuê lại đất hàng năm và đã được cấp Giấy chứng nhận thì được cho thuê tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Người thuê tài sản gắn liền với đất phải sử dụng đất đúng mục đích.
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp đang sử dụng đất có nguồn gốc được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê mà giá trị quyền sử dụng đất đã được vốn hóa vào vốn của doanh nghiệp, trừ trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp.
2. Doanh nghiệp, các thành viên là chủ sở hữu doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn đầu tư phải xác định phần vốn là giá trị quyền sử dụng đất trong tổng giá trị vốn chuyển nhượng và phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất do nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 169 của Luật đất đai có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 183 của Luật đất đai.
1. Hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất do được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất nếu được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không còn nhu cầu sử dụng do chuyển khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn nơi cư trú để đến nơi khác hoặc do chuyển sang làm nghề khác hoặc không còn khả năng lao động.
2. Tổ chức, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất do được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà không thuộc trường hợp được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này.
1. Điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, bao gồm:
a) Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải;
b) Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có);
c) Dự án thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền quy định tại khoản 2 Điều này;
d) Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản và nhà ở.
2. Chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại khu vực không nằm trong địa bàn các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức công bố công khai các khu vực được thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trước khi tổ chức thực hiện các dự án đầu tư.
4. Hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở phải thực hiện việc xây dựng nhà ở theo đúng giấy phép xây dựng, tuân thủ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã được phê duyệt.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 188 của Luật đất đai;
2. Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có);
3. Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở phải có ngành nghề kinh doanh phù hợp, phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 58 của Luật đất đai, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư không phải là dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê phải tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản và phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 188 của Luật đất đai;
2. Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) theo quy định sau đây:
a) Trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư thì phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai đối với toàn bộ diện tích đất của dự án;
b) Trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng một phần dự án đầu tư thì phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai đối với diện tích đất chuyển nhượng.
3. Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 58 của Luật đất đai, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này và phải sử dụng đất đúng mục đích.
1. Việc sử dụng đất đối với trường hợp mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trường hợp mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhưng không thay đổi về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì không phải làm thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất;
b) Trường hợp mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất mà thay đổi về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì thời hạn sử dụng đất theo thời hạn của dự án đầu tư nhưng không vượt quá thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật đất đai;
c) Trường hợp mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của Nhà nước tại doanh nghiệp thì việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào vốn hoặc cổ phần của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Các trường hợp mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần của Nhà nước theo quy định tại điểm này phải xác định lại giá trị quyền sử dụng đất theo giá đất cụ thể tại thời điểm chuyển nhượng. Việc mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
2. Việc quản lý, sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa là thành phần hồ sơ khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa và được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật;
b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, doanh nghiệp cổ phần có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
Đối với đất Nhà nước đã giao không thu tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp nhà nước thì doanh nghiệp cổ phần phải chuyển sang thuê đất nếu thuộc trường hợp được nhà nước cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai; doanh nghiệp cổ phần được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất nếu thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Giá đất Nhà nước cho thuê đất, giao đất được xác định theo giá đất cụ thể tại thời điểm quyết định cho thuê đất, giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thời hạn sử dụng đất được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp cổ phần. Doanh nghiệp cổ phần có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.
Đối với đất đã được Nhà nước cho doanh nghiệp nhà nước thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, đất do doanh nghiệp nhà nước nhận chuyển nhượng có nguồn gốc là đất thuê đã trả tiền thuê một lần cho Nhà nước thì doanh nghiệp cổ phần được tiếp tục thuê đất trong thời hạn thuê đất còn lại. Doanh nghiệp cổ phần có trách nhiệm thực hiện thủ tục thuê đất và ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu. Việc xử lý số tiền doanh nghiệp nhà nước đã nộp hoặc đã trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về cổ phần hóa.
Đối với đất đã được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, đất do doanh nghiệp nhà nước nhận chuyển nhượng có nguồn gốc là đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất mà nay thuộc trường hợp được thuê đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013 thì khi cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần phải chuyển sang thuê đất. Việc xử lý số tiền doanh nghiệp nhà nước đã nộp khi Nhà nước giao đất hoặc đã trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về cổ phần hóa.
Đối với đất đã được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, đất do doanh nghiệp nhà nước nhận chuyển nhượng có nguồn gốc là đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất mà nay thuộc trường hợp được giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013 thì khi cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần được tiếp tục sử dụng đất theo hình thức đã giao;
c) Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng phải đảm bảo nguyên tắc giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 114 của Luật đất đai.
Cơ quan có trách nhiệm xác định giá đất cụ thể để tính giá trị quyền sử dụng đất, tính giá thuê đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đăng công khai giá đất đã xác định trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính ít nhất là 15 ngày trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
3. Xử lý tồn tại đối với các trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa đang sử dụng đất trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất theo quy định:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt để hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho doanh nghiệp cổ phần theo quy định.
Trường hợp phát hiện có vi phạm trong quản lý, sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra để xử lý dứt điểm trước khi thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp cổ phần;
b) Doanh nghiệp cổ phần có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để được giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Việc xử lý nghĩa vụ tài chính về đất đai (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và pháp luật về cổ phần hóa;
c) Các thủ tục đất đai quy định tại điểm a và điểm b khoản này phải được hoàn thành sau 180 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
4. Trường hợp doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà đã xử lý quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì được tiếp tục sử dụng đất theo hình thức đã được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại.
1. Đất đang cho thuê, thế chấp mà Nhà nước thu hồi theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật đất đai thì hợp đồng thuê đất, hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất bị chấm dứt. Việc xử lý quyền và nghĩa vụ có liên quan đến quyền sử dụng đất giữa các bên trong hợp đồng thuê đất, hợp đồng thế chấp thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Đất đang cho thuê thuộc trường hợp bị thu hồi theo quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai thì hợp đồng thuê đất bị chấm dứt và việc thu hồi đất thực hiện theo quy định sau:
a) Trường hợp bên cho thuê đất là người gây ra hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì Nhà nước thu hồi đất. Bên cho thuê đất phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê đất theo quy định của pháp luật về dân sự;
b) Trường hợp bên thuê đất là người gây ra hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì Nhà nước thu hồi đất. Bên thuê đất phải bồi thường thiệt hại cho bên cho thuê đất theo quy định của pháp luật về dân sự;
c) Trường hợp người gây ra hành vi vi phạm pháp luật về đất đai không phải là bên cho thuê đất hoặc bên thuê đất thì Nhà nước thu hồi đất và người gây ra hành vi vi phạm có trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại theo quy định.
3. Khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai mà quyền sử dụng đất đó đang được thế chấp thì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất bị chấm dứt; bên thế chấp phải hoàn trả khoản vay cho bên nhận thế chấp theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan.
4. Đất do người sử dụng đất là cá nhân cho thuê, thế chấp mà cá nhân đó chết nhưng không có người thừa kế thì Nhà nước thu hồi đất, Nhà nước có trách nhiệm giải quyết các quyền và nghĩa vụ có liên quan đến thửa đất theo quy định của pháp luật; hợp đồng thuê đất, hợp đồng thế chấp bị chấm dứt và quyền sử dụng đất được giải quyết như sau:
a) Trường hợp thuê đất thì bên thuê đất được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn còn lại của hợp đồng thuê đất đã ký kết;
b) Trường hợp thế chấp bằng quyền sử dụng đất thì xử lý quyền sử dụng đất thế chấp theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Việc sử dụng đất của tổ chức kinh tế do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư được quy định như sau:
1. Tổ chức kinh tế sử dụng đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất thuê của hộ gia đình, cá nhân, trừ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp và không chuyển mục đích sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất và không phải chuyển sang thuê đất; thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của dự án đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật đất đai.
Trường hợp tổ chức kinh tế xin phép chuyển mục đích sử dụng đất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, không phải chuyển sang thuê đất; thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của dự án đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật đất đai.
2. Tổ chức kinh tế sử dụng đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân mà đất đó do hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê thu tiền một lần cho cả thời gian thuê, trừ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp thì tổ chức kinh tế được tiếp tục sử dụng đất theo hình thức thuê đất; thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của dự án đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật đất đai.
Trường hợp tổ chức kinh tế xin phép chuyển mục đích sử dụng đất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai thì được tiếp tục sử dụng đất theo hình thức thuê đất, phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của dự án đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật đất đai.
3. Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, khi hết thời hạn sử dụng đất, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét gia hạn sử dụng đất và phải chuyển sang thuê đất theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Điều 69 và Điều 79 của Nghị định này.
4. Tổ chức kinh tế sử dụng đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để chuyển mục đích sử dụng sang thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp thì phải chuyển sang thuê đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Thời hạn thuê đất được xác định theo thời hạn của dự án đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật đất đai.
1. Tổ chức kinh tế đang sử dụng đất mà chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp quy định tại Điều 43b của Nghị định này thì chế độ sử dụng đất khi chuyển mục đích được quy định như sau:
a) Trường hợp chuyển sang sử dụng vào mục đích đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê hoặc dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng thì được sử dụng đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích theo quy định;
b) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, đất ở được Nhà nước cho thuê, đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang sử dụng vào mục đích đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê; đất xây dựng công trình sự nghiệp thì được sử dụng đất theo hình thức thuê đất trả tiền thuê hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê và phải nộp tiền thuê đất khi chuyển mục đích (nếu có) theo quy định;
c) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất ở, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở có nguồn gốc được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và tiền sử dụng đất đã nộp không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sang sử dụng vào mục đích đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê; đất xây dựng công trình sự nghiệp thì được tiếp tục sử dụng đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích (nếu có) theo quy định;
d) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng trong nội bộ đất nông nghiệp là đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất và tiền sử dụng đất đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì được tiếp sử dụng đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích (nếu có) theo quy định;
đ) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng trong nội bộ đất nông nghiệp là đất thuê, đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất và tiền sử dụng đất đã trả có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất thì được sử dụng đất theo hình thức thuê đất trả tiền thuê hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê và phải nộp tiền thuê đất khi chuyển mục đích theo quy định.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà chuyển mục đích sử dụng đất thì chế độ sử dụng đất khi chuyển mục đích được quy định như sau:
a) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp không phải là đất thuê của Nhà nước sang đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thì được sử dụng theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích theo quy định;
b) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp là đất thuê của Nhà nước sang đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thì được sử dụng theo hình thức thuê đất trả tiền thuê hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê và phải nộp tiền thuê đất khi chuyển mục đích theo quy định;
c) Thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại điểm a và điểm b khoản này được xác định theo thời hạn của dự án đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật đất đai. Trường hợp không có dự án đầu tư thì thời hạn sử dụng đất là không quá 50 năm; đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời hạn sử dụng đất là không quá 70 năm. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được bồi thường, hỗ trợ bằng đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 4 của Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ, Điều 30 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ mà sau ngày 01 tháng 7 năm 2014 mới thực hiện việc giao đất theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì hộ gia đình, cá nhân đó được sử dụng đất ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp đã được xác định, không phải nộp tiền sử dụng đất khi được phép chuyển sang làm đất ở, được bồi thường về đất theo giá đất ở khi Nhà nước thu hồi đất.
1. Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu vực rừng sản xuất là rừng tự nhiên nơi chưa có tổ chức quản lý rừng mà có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng thì được Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên không thu tiền sử dụng đất để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp khai thác các lợi ích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
2. Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và cộng đồng dân cư đã được Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn còn lại. Khi hết thời hạn sử dụng đất, nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất theo quy định.
1. Việc sử dụng đất có mặt nước nội địa thuộc địa phận nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch tài nguyên nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện cho thuê đất có mặt nước nội địa đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp với mục đích phi nông nghiệp theo thẩm quyền quy định tại Điều 59 của Luật đất đai.
3. Người được cho thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều này phải bảo vệ môi trường, cảnh quan và không được làm ảnh hưởng đến mục đích chính của công trình sử dụng đất có mặt nước nội địa.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho thuê đất có mặt nước là hồ thủy điện, thủy lợi để kết hợp sử dụng với mục đích phi nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản theo thẩm quyền quy định tại Điều 59 của Luật đất đai.
2. Việc khai thác, sử dụng đất có mặt nước là hồ thủy điện, thủy lợi vào mục đích phi nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản phải bảo đảm không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng chủ yếu đã được xác định và phải tuân theo quy định của các pháp luật khác có liên quan.
3. Thời hạn cho thuê đất có mặt nước chuyên dùng là hồ thủy điện, hồ thủy lợi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho thuê đất quyết định nhưng không quá 50 năm.
Việc sử dụng đất có mặt nước ven biển thực hiện dự án lấn biển được thực hiện như sau:
1. Đối với dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, sau khi hoàn thành và được nghiệm thu theo quy định, nhà đầu tư dự án lấn biển phải bàn giao toàn bộ diện tích đất lấn biển, công trình xây dựng (nếu có) cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. Việc giao đất, cho thuê đất lấn biển đối với dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:
a) Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
b) Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì sau khi đã lựa chọn được nhà đầu tư thông qua đấu thầu, việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo quy định tại Điều 60 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và khoản 9 Điều 108 Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
c) Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư không thuộc điểm a và điểm b khoản này thì việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
3. Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển để lấn biển, nhà đầu tư dự án lấn biển quy định tại khoản 2 Điều này được giao đất, cho thuê đất lấn biển, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất lấn biển thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Khi định giá đất theo phương pháp thặng dư để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì các chi phí đầu tư lấn biển được tính vào tổng chi phí phát triển của bất động sản.
Chi phí đầu tư lấn biển gồm chi phí san lấp, lấn biển và chi phí khác để tạo quỹ đất. Việc xác định chi phí đầu tư lấn biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm điều tra, khảo sát, theo dõi, đánh giá quỹ đất bãi bồi ven sông, ven biển thường xuyên được bồi tụ hoặc thường bị sạt lở để có kế hoạch khai thác, sử dụng.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thuê đất bãi bồi ven sông, ven biển thường xuyên được bồi tụ hoặc thường bị sạt lở cho người có nhu cầu.
3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển.
1. Đất xây dựng nhà chung cư, nhà chung cư có mục đích hỗn hợp để ở và làm văn phòng, cơ sở thương mại, dịch vụ (sau đây gọi chung là nhà chung cư) bao gồm đất xây dựng khối nhà chung cư, đất làm sân, trồng hoa, cây xanh xung quanh nhà chung cư, đất xây dựng các công trình hạ tầng.
2. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư được giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất thuộc dự án theo quy định sau đây:
a) Đối với diện tích đất xây dựng nhà chung cư và đất xây dựng công trình hạ tầng do chủ đầu tư sử dụng để kinh doanh theo dự án đầu tư và quy hoạch xây dựng chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
b) Đối với diện tích đất làm đường giao thông, các công trình hạ tầng khác phục vụ cho người dân ở cả trong và ngoài nhà chung cư mà chủ đầu tư không sử dụng để kinh doanh dịch vụ theo dự án đầu tư thì chủ đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để quản lý, xây dựng công trình và không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; bàn giao cho địa phương quản lý đối với diện tích đất đó sau khi đã hoàn thành xây dựng theo dự án đầu tư, quy hoạch xây dựng chi tiết và quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền.
3. Quyền sử dụng đất và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong các dự án xây dựng nhà chung cư để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung của các chủ sở hữu căn hộ chung cư, văn phòng làm việc, cơ sở thương mại, dịch vụ trong nhà chung cư (sau đây gọi chung là căn hộ) bao gồm diện tích đất xây dựng khối nhà chung cư, làm sân, trồng hoa, cây xanh xung quanh nhà và đất xây dựng các công trình hạ tầng bên ngoài nhà chung cư nhưng để phục vụ trực tiếp cho nhà chung cư được chủ đầu tư bàn giao cho các chủ sở hữu căn hộ tự tổ chức quản lý, sử dụng theo dự án đầu tư. Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung trong dự án đầu tư, quy hoạch xây dựng chi tiết và thiết kế mặt bằng công trình để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trong các hợp đồng mua bán nhà ở và bản vẽ hoàn công công trình để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua;
b) Quyền sử dụng đất quy định tại điểm a khoản này là quyền sử dụng chung theo phần không thể phân chia. Tỷ lệ phần quyền sử dụng đất được tính bằng tỷ lệ diện tích căn hộ chia cho tổng diện tích sàn của các căn hộ trong nhà chung cư. Việc sử dụng và định đoạt đối với quyền sử dụng đất khu chung cư do đa số người chiếm tỷ lệ phần quyền sử dụng đất quyết định nhưng phải phục vụ lợi ích chung của cộng đồng và phù hợp với quy định của pháp luật;
c) Chủ sở hữu căn hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất sử dụng chung quy định tại điểm a khoản này theo thời hạn ổn định lâu dài; diện tích căn hộ được xác định theo hợp đồng mua bán căn hộ;
d) Khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua căn hộ thì Giấy chứng nhận đã cấp cho chủ đầu tư quy định tại khoản 2 Điều này phải được chỉnh lý biến động để chuyển sang hình thức sử dụng đất chung đối với phần diện tích đất quy định tại điểm a khoản này.
Diện tích đất thuộc dự án phát triển nhà ở còn lại ngoài phần diện tích quy định tại điểm b khoản 2 và điểm a khoản này thuộc quyền sử dụng của chủ đầu tư; chủ đầu tư được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
1. Người sử dụng đất quốc phòng, an ninh được quy định như sau:
a) Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là người sử dụng đất đối với đất cho các đơn vị đóng quân trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này; đất làm căn cứ quân sự; đất làm các công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và các công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh; nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; đất thuộc các khu vực mà Chính phủ giao nhiệm vụ riêng cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, bảo vệ và sử dụng;
b) Các đơn vị trực tiếp sử dụng đất là người sử dụng đất đối với đất làm ga, cảng quân sự; đất làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh; đất làm kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân; đất làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi huỷ vũ khí; đất xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân; đất làm trại giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
c) Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an phường, thị trấn; đồn biên phòng là người sử dụng đất đối với đất xây dựng trụ sở.
2. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định. Đối với diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo cho đơn vị sử dụng đất để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; sau 12 tháng kể từ ngày được thông báo, nếu đơn vị sử dụng đất không khắc phục để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi để giao cho người khác sử dụng.
3. Đất do các đơn vị vũ trang nhân dân đang quản lý, sử dụng nhưng không thuộc quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh đã được phê duyệt thì phải bàn giao cho địa phương quản lý và xử lý như sau:
a) Đối với diện tích đất đã bố trí cho hộ gia đình cán bộ, chiến sỹ thuộc đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng làm nhà ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt thì người sử dụng đất ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
b) Đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp do các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh đang sử dụng thì phải chuyển sang hình thức thuê đất theo phương án sản xuất, kinh doanh đã được Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an phê duyệt;
c) Đối với diện tích đất không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất để giao, cho thuê sử dụng theo quy định của pháp luật.
4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết dứt điểm diện tích đất đang có tranh chấp để xác định người sử dụng đất.
1. Thời hạn sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp theo thời hạn của dự án đầu tư.
Trường hợp thời hạn của dự án đầu tư dài hơn thời hạn sử dụng đất còn lại của khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp thì doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh thời hạn sử dụng đất cho phù hợp nhưng tổng thời hạn sử dụng đất không quá 70 năm và phải nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất đối với diện tích đất được gia hạn sử dụng.
2. Khi lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào hiện trạng các khu dân cư tại địa phương, nhu cầu nhà ở của người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, bố trí quỹ đất ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dựng khu chung cư, các công trình văn hoá, xã hội, dịch vụ phục vụ đời sống của người lao động.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra và xử lý đối với trường hợp thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng so với tiến độ sử dụng đất đã giao kết trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng.
4. Trách nhiệm của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp:
a) Khi ký hợp đồng cho thuê đất, cho thuê lại đất phải xác định cụ thể tiến độ sử dụng đất tương ứng với tiến độ thực hiện dự án đầu tư và biện pháp xử lý nếu bên thuê đất, bên thuê lại đất không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ sử dụng đất đã giao kết trong hợp đồng;
b) Chịu trách nhiệm trước Nhà nước và pháp luật về việc quản lý sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc bên thuê đất, thuê lại đất đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ đã giao kết trong hợp đồng;
c) Hàng năm, doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường và công bố công khai diện tích đất chưa cho thuê, cho thuê lại trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất và của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5. Trường hợp bên thuê đất, thuê lại đất không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ đã giao kết trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất, trừ trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này thì doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có trách nhiệm thực hiện như sau:
a) Yêu cầu bên thuê đất, thuê lại đất thực hiện các biện pháp để đưa đất vào sử dụng hoặc có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê đất, thuê lại đất;
b) Lập danh sách các trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất báo cáo Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các cơ quan nhận được báo cáo và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có trách nhiệm công bố công khai danh sách các trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
6. Trường hợp doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp đã thực hiện các quy định tại khoản 5 Điều này mà bên thuê đất, thuê lại đất vẫn không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ kết quả kiểm tra, kết luận thanh tra thực hiện việc thu hồi đối với diện tích đất vi phạm của bên thuê đất, thuê lại đất và giao cho chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Trường hợp có nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất thì chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp cho nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất đối với diện tích đất mà Nhà nước đã thu hồi.
Việc xử lý quyền và nghĩa vụ có liên quan giữa chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp và bên thuê đất, thuê lại đất thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
7. Đối với trường hợp thuê đất, thuê lại đất của chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi đất đối với các trường hợp sau:
a) Không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng 36 tháng so với tiến độ sử dụng đất đã giao kết trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất;
b) Quá thời hạn 36 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp các bên không có giao kết về tiến độ đưa đất vào sử dụng trong hợp đồng mà không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng.
8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể việc thu hồi đất đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này.
9. Tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền giao làm nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án, được cho thuê lại đất sau khi đã đầu tư kết cấu hạ tầng, có trách nhiệm thực hiện và tuân thủ theo các quy định tại Điều này.
1. Trách nhiệm quản lý đất đai của Ban Quản lý khu kinh tế được quy định như sau:
a) Phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
b) Quyết định mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không được thấp hơn giá đất trong Bảng giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; mức miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo từng dự án đối với trường hợp giao lại đất, cho thuê đất phù hợp với quy định của Chính phủ;
c) Thu hồi đất đã giao lại, cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại các điểm a, b, c, d, e, g và i khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai; người sử dụng đất chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các Điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai; quản lý quỹ đất đã thu hồi tại điểm này;
d) Quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai tại khu kinh tế;
đ) Gửi quyết định giao lại đất, cho thuê đất, gia hạn sử dụng đất, trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất đến Văn phòng đăng ký đất đai để đăng ký vào hồ sơ địa chính, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Việc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trong khu kinh tế được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về đất đai.
3. Việc quản lý, sử dụng đối với đất khác không thuộc các khu chức năng của khu kinh tế và các nhiệm vụ khác về quản lý đất đai trong khu kinh tế do cơ quan hành chính các cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
1. Thời hạn sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao và đào tạo nhân lực công nghệ cao trong khu công nghệ cao được thực hiện theo quy định tại Điều 141 và Điều 142 của Luật Đất đai.
2. Trách nhiệm quản lý đất đai của Ban Quản lý khu công nghệ cao được quy định như sau:
a) Phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
b) Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu tiền thuê đất; quyết định mức miễn, giảm tiền thuê đất đối với từng dự án;
c) Thu hồi đất đã cho thuê, đã giao lại đối với trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại các điểm a, b, c, d, e, g và i khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai; người sử dụng đất chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật đất đai. Việc xử lý tiền thuê đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại thực hiện như đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
d) Quản lý quỹ đất đã thu hồi đối với các trường hợp quy định tại điểm c khoản này;
đ) Quyết định giao lại đất không thu tiền sử dụng đất đối với người sử dụng đất trong khu công nghệ cao thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật đất đai; quyết định gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn giao lại đất, cho thuê đất phù hợp với thời hạn của dự án đầu tư;
e) Quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai tại khu công nghệ cao;
g) Gửi quyết định giao lại đất, cho thuê đất, gia hạn sử dụng đất, trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất đến Văn phòng đăng ký đất đai để đăng ký vào hồ sơ địa chính, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
3. Việc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trong khu công nghệ cao được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về đất đai.
4. Đối với khu công nghệ cao do trung ương quản lý và đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì Ban Quản lý khu công nghệ cao có trách nhiệm quản lý, sử dụng đất theo quy định sau đây:
a) Thực hiện quy định tại các điểm a, c, d, đ, e và g khoản 2 Điều này; được tiếp tục thực hiện quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Quyết định giá đất cụ thể theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để làm căn cứ tính thu tiền thuê đất khi cho thuê đất trong khu công nghệ cao nhưng giá đất cụ thể không được thấp hơn giá đất trong Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;
c) Quyết định hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất và quyết định số tiền thuê đất được miễn, giảm đối với từng dự án theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ;
d) Xác định số tiền thuê đất phải nộp và ra thông báo tiền thuê đất cho người thuê đất theo quy định.
5. Đối với khu công nghệ cao do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý và đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì việc quản lý, sử dụng đất thực hiện theo quy định sau đây:
a) Việc quản lý, sử dụng đất theo quy định tại Điều 150 của Luật đất đai, khoản 1 và khoản 2 Điều này;
b) Được tiếp tục thực hiện quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
1. Căn cứ quy hoạch cảng hàng không, sân bay đã được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng xác định ranh giới khu vực đất sử dụng riêng cho hoạt động dân dụng và khu vực đất sử dụng chung cho hoạt động dân dụng và quân sự do quân sự hoặc do dân dụng quản lý.
2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng mới cảng hàng không, sân bay dân dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc giao đất, cho thuê đất sau khi có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
3. Đối với diện tích đất đang sử dụng mà chưa được cấp Giấy chứng nhận, Cảng vụ hàng không có trách nhiệm rà soát, đo đạc, kê khai, hoàn thiện các thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận theo quy định. Đối với diện tích đất không còn nhu cầu sử dụng thì thực hiện thủ tục bàn giao lại đất cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.
4. Đối với cảng hàng không, sân bay dân dụng mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giao đất cho Cảng vụ hàng không thì Cảng vụ hàng không thực hiện giao đất, cho thuê đất, xác định thời hạn sử dụng đất theo quy định sau đây:
a) Đất sử dụng vào mục đích quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 156 của Luật Đất đai thì được giao đất không thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng ổn định lâu dài;
b) Đất sử dụng vào mục đích quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 156 của Luật Đất đai thì được cho thuê đất với thời hạn xác định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn đề nghị thuê đất nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật Đất đai. Khi hết thời hạn thuê đất, người đang sử dụng đất được xem xét gia hạn cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng.
Đối với dự án đầu tư xây dựng mới cảng hàng không, sân bay hoặc xây mới công trình tại cảng hàng không, sân bay được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) thì thời hạn cho thuê đất được xác định theo thời hạn hợp đồng dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật Đất đai.
Đối với đất mà có các công trình hiện hữu đang khai thác, sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch cảng hàng không, sân bay đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì Cảng vụ hàng không cho thuê đất theo đơn đề nghị thuê đất nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật Đất đai.
Đối với đất mà có các công trình hiện hữu đang khai thác, sử dụng ổn định, nhưng không còn phù hợp với quy hoạch cảng hàng không, sân bay được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì Cảng vụ hàng không cho thuê đất trên cơ sở đơn đề nghị xin thuê đất, thời hạn thuê đất theo từng năm cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
c) Đối với việc sử dụng đất đã có các công trình hiện hữu được xây dựng trước thời điểm Cảng vụ hàng không được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất thì Cảng vụ hàng không thực hiện việc giao đất, cho thuê đất sau khi được cấp Giấy chứng nhận. Thời điểm tính thu tiền thuê đất là thời điểm Cảng vụ hàng không quyết định cho thuê đất.
Người sử dụng đất có trách nhiệm nộp truy thu khoản tiền tương ứng tiền thuê đất phải nộp hàng năm tính từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất đến thời điểm được Cảng vụ hàng không quyết định cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc truy thu khoản tiền tương ứng tiền thuê đất phải nộp quy định tại điểm này.
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất để làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
d) Đối với đất để xây dựng mới hoặc mở rộng công trình thì thời điểm tính thu tiền thuê đất là thời điểm Cảng vụ hàng không quyết định cho thuê đất.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đơn giá thuê đất tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật về đất đai.
6. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm đối với phần diện tích đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao như sau:
a) Quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả;
b) Kiểm tra việc sử dụng đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với tổ chức, cá nhân được Cảng vụ hàng không giao đất, cho thuê đất;
c) Quyết định thu hồi đất đối với trường hợp được Cảng vụ hàng không giao đất mà thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, e, g và i khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai. Quyết định chấm dứt hợp đồng thuê đất đối với trường hợp vi phạm hợp đồng cho thuê đất của Cảng vụ.
7. Việc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trong đất cảng hàng không, sân bay thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về đất đai.
1. Đất hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định mà công trình không sử dụng lớp đất mặt thì chỉ phải thuê đất trong thời gian thi công xây dựng công trình.
2. Căn cứ quy định về phạm vi của hành lang bảo vệ công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi có công trình xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ an toàn cụ thể và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có công trình phê duyệt; đồng thời thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình biết để phối hợp bảo vệ hành lang an toàn công trình.
3. Trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ an toàn, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình trong việc công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình và cắm mốc giới trên thực địa, bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình để quản lý.
4. Tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định sau:
a) Trường hợp sử dụng đất có ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình hoặc trường hợp hoạt động của công trình có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người sử dụng đất thì cơ quan có chức năng quản lý nhà nước đối với công trình tiến hành thẩm định mức độ ảnh hưởng, nếu phải thu hồi đất thì đề nghị Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để quyết định thu hồi đất đó. Người có đất thu hồi được bồi thường, hỗ trợ đối với đất và tài sản gắn liền với đất đã có từ trước khi hành lang an toàn công trình được công bố, tái định cư theo quy định của pháp luật.
Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục. Chủ công trình phải chịu trách nhiệm đối với việc khắc phục đó; nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và người có đất thu hồi được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp sử dụng đất không thuộc quy định tại điểm a khoản này thì người đang sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và phải tuân theo các quy định về bảo vệ an toàn công trình;
c) Đất trong hành lang an toàn công trình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai, trừ trường hợp đã có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất.
Người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ được sử dụng đất theo quy định tại điểm b khoản này.
5. Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ an toàn công trình. Trường hợp hành lang bảo vệ an toàn công trình bị lấn, bị chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành lang bảo vệ an toàn công trình xử lý.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm sau:
a) Phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình; ngăn chặn kịp thời các công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang bảo vệ an toàn công trình; buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm;
b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ an toàn công trình; phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình trong việc công bố mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình;
c) Trường hợp để xảy ra hiện tượng lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình tại địa phương thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải liên đới chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
7. Việc sử dụng đất tạm thời để thi công công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn do đơn vị thi công và người sử dụng đất thỏa thuận theo quy định của pháp luật về dân sự.
1. Không gian sử dụng đất bao gồm diện tích bề mặt của thửa đất được phân loại theo mục đích sử dụng tại Điều 11 của Luật đất đai; phần không gian sử dụng đất ngầm có độ sâu từ 6 - 30m tính từ bề mặt thửa đất và không gian sử dụng đất trên không có chiều cao tương ứng với chiều cao công trình được phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng.
2. Căn cứ yêu cầu kỹ thuật xây dựng và địa chất của từng khu vực Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy định độ sâu của không gian sử dụng đất đối với mỗi loại đất phi nông nghiệp trên địa bàn quản lý để xác định không gian sử dụng đất ngầm nhưng không quá 30 m tính từ bề mặt thửa đất.
3. Căn cứ yêu cầu kỹ thuật xây dựng, yêu cầu về không phận và yêu cầu an ninh, quốc phòng từng khu vực Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy định chiều cao của tầng bề mặt đối với mỗi loại đất phi nông nghiệp trên địa bàn quản lý để xác định không gian sử dụng đất trên không.
4. Nhà nước quyết định việc kết nối các công trình ngầm, công trình trên không do người sử dụng đất xây dựng nếu có nhu cầu và đăng ký.
Việc kết nối các công trình ngầm, công trình trên không được thể hiện thông qua quy hoạch sử dụng không gian đất ngầm, không gian đất trên không.
Điều 134. Góp quyền sử dụng đất và điều chỉnh lại quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư
1. Điều kiện áp dụng phương thức góp quyền sử dụng đất và điều chỉnh lại quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư:
a) Thuộc trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 179 của Luật đất đai;
b) Việc triển khai dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c) Phải có phương án góp quyền sử dụng đất và điều chỉnh lại quyền sử dụng đất được người sử dụng đất thuộc khu vực đất dự kiến thực hiện dự án đồng thuận và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
d) Phải đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong khu vực dự án.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về việc góp quyền sử dụng đất và điều chỉnh lại quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
1. Đối với người sử dụng đất:
a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận);
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Đối với nhà đầu tư:
a) Đáp ứng các điều kiện để nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Có năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư.
Nhà đầu tư thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp được hưởng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này nếu đáp ứng các tiêu chí theo quy định sau đây:
1. Đối với hộ gia đình, cá nhân:
a) Có thời hạn đầu tư sản xuất nông nghiệp từ 05 năm trở lên;
b) Có quy mô diện tích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Đối với tổ chức kinh tế:
a) Có dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và thời hạn dự án từ 10 năm trở lên;
b) Có quy mô diện tích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định quy mô diện tích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp tại địa phương để tổ chức sản xuất nông nghiệp được áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích theo quy định của Nghị định này nhưng không nhỏ hơn 05 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đối với nhà đầu tư là hộ gia đình, cá nhân và không nhỏ hơn 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đối với nhà đầu tư là tổ chức kinh tế.
1. Trách nhiệm của Nhà nước:
a) Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch nông thôn;
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương;
c) Bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo quy định về phân cấp ngân sách của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan;
d) Tổ chức hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng;
đ) Trợ giúp pháp lý cho các bên tham gia thực hiện việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;
e) Hỗ trợ phát triển hạ tầng sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương;
g) Giám sát quá trình thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giải quyết kịp thời các vướng mắc, bất cập và các khiếu nại của nhà đầu tư, người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của nhà đầu tư thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp:
a) Thực hiện đúng các giao kết trong hợp đồng đã ký kết với người sử dụng đất khi thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp và các nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định với Nhà nước (nếu có);
b) Sử dụng đất đúng mục đích; không làm ô nhiễm, thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật pháp luật khác có liên quan;
c) Có trách nhiệm khôi phục lại đất nông nghiệp để bàn giao cho người sử dụng đất hoặc trả chi phí để người sử dụng đất tự khôi phục theo phương án mà các bên đã thỏa thuận khi thực hiện tập trung đất nông nghiệp quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này;
d) Ưu tiên đào tạo và tuyển dụng lao động của hộ gia đình, cá nhân có đất khi tham gia tập trung, tích tụ đất nông nghiệp vào làm việc tại các cơ sở sản xuất của mình;
đ) Thực hiện việc đăng ký đất đai đối với trường hợp phải đăng ký theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Trách nhiệm của người sử dụng đất khi tham gia tập trung, tích tụ đất nông nghiệp:
a) Thực hiện đúng các giao kết trong hợp đồng đã ký kết với nhà đầu tư khi thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp;
b) Thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của nhà nước trong công tác dồn điền, đổi thửa;
c) Thực hiện việc đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai;
d) Tham gia giám sát việc thực hiện dự án của nhà đầu tư, kịp thời thông báo các hành vi vi phạm pháp luật cho cơ quan nhà nước.
1. Gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trong quá trình tập trung, tích tụ đất nông nghiệp
a) Trường hợp thời hạn sử dụng của các thửa đất mà hộ gia đình, cá nhân cho thuê, hợp tác, góp vốn bằng quyền sử dụng để tập trung, tích tụ đất nông nghiệp quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định này ít hơn thời hạn đầu tư sản xuất, nông nghiệp của nhà đầu tư thì hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước gia hạn sử dụng đất cho phù hợp với thời hạn đầu tư sản xuất nông nghiệp của nhà đầu tư, thời hạn hợp tác, thời hạn góp vốn trước khi ký hợp đồng cho thuê đất, hợp tác, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
b) Hộ gia đình, cá nhân thực hiện gia hạn sử dụng đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nộp hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi có đất. Hồ sơ gồm đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra hồ sơ, xác nhận tình trạng sử dụng đất và chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai;
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xác nhận gia hạn sử dụng đất vào Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; gửi Giấy chứng nhận để Ủy ban nhân dân cấp xã trao cho người sử dụng đất.
2. Trường hợp trong khu vực thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo các phương thức tập trung, tích tụ đất đai quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 6 của Nghị định này để đầu tư sản xuất nông nghiệp có phần diện tích đất mà người đang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai nhưng có tài sản gắn liền với đất thì chủ đầu tư được phép thỏa thuận mua tài sản gắn liền với đất của người đang sử dụng đất, Nhà nước thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cho nhà đầu tư thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Nội dung hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất phải thể hiện rõ người bán tài sản tự nguyện trả lại đất để Nhà nước thu hồi đất và cho người mua tài sản thuê đất.
Trường hợp trong khu vực thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất nông nghiệp có phần diện tích đất mà người đang sử dụng đất không đủ điều kiện chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định do chưa có Giấy chứng nhận mà đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định thì phải hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất trước khi nhà đầu tư ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp.
3. Trường hợp trong khu vực thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất nông nghiệp có phần diện tích đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích do Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn đang quản lý thì thực hiện như sau:
a) Trường hợp thực hiện tập trung đất nông nghiệp thì nhà đầu tư thực hiện việc thỏa thuận với người sử dụng đất trong khu vực đất dự kiến đầu tư sản xuất nông nghiệp để xây dựng phương án điều chỉnh, sắp xếp đất đai và gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất phê duyệt.
b) Trường hợp thực hiện tích tụ đất nông nghiệp thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định việc thu hồi đất và cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện dự án đối với diện tích đất đó để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.
4. Trường hợp trong khu vực thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất nông nghiệp có phần diện tích đất do Nhà nước giao đất để quản lý quy định tại Điều 8 của Luật đất đai hoặc có phần diện tích đất mà người đang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không có tài sản gắn liền với đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện dự án đối với diện tích đất đó.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại Khoản này thực hiện theo quy định đối với trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
5. Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất nông nghiệp
a) Đối với trường hợp nhà đầu tư thực hiện tích tụ đất nông nghiệp thì việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
b) Đối với trường hợp nhà đầu tư tập trung đất nông nghiệp thì được chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp để xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng phải có sự đồng thuận của người sử dụng đất.
Nhà đầu tư có trách nhiệm khôi phục lại đất nông nghiệp đối với phần diện tích đã chuyển mục đích để bàn giao cho người sử dụng đất theo phương án mà các bên đã thỏa thuận.
Điều 139. Hỗ trợ cung cấp thông tin và hỗ trợ các bên thực hiện các quyền của người sử dụng đất khi tập trung, tích tụ đất nông nghiệp
1. Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện các hoạt động để hỗ trợ cung cấp thông tin và hỗ trợ các bên thực hiện các quyền của người sử dụng đất khi tập trung, tích tụ đất nông nghiệp:
a) Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện việc thu thập thông tin về người có nhu cầu chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hợp tác để tổ chức sản xuất nông nghiệp; thông tin về nhà đầu tư có nhu cầu tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; thông tin về địa điểm, diện tích đất, giá đất chuyển nhượng, cho thuê, tình trạng pháp lý đất đai để cung cấp cho các bên có nhu cầu. Trung tâm phát triển quỹ đất được thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai theo quy định của pháp luật.
b) Hỗ trợ các bên có liên quan thoả thuận giao kết các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất khi tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ chuẩn bị nội dung hợp đồng giao dịch khi nhà đầu hoặc người sử dụng đất có nhu cầu. Việc hỗ trợ được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Trình tự thực hiện hỗ trợ cung cấp thông tin và hỗ trợ các bên thực hiện các quyền của người sử dụng đất khi tập trung, tích tụ đất nông nghiệp như sau:
a) Nhà đầu tư hoặc người sử dụng đất có nhu cầu hỗ trợ theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này liên hệ với Trung tâm phát triển quỹ đất để được hỗ trợ.
b) Căn cứ nhu cầu cần hỗ trợ của nhà đầu tư hoặc người sử dụng đất, Trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan có liên quan thu thập các thông tin để cung cấp cho các bên theo nhu cầu hoặc chuẩn bị nội dung để hỗ trợ các bên thực hiện các quyền của người sử dụng đất khi tập trung, tích tụ đất nông nghiệp.
c) Bên được cung cấp thông tin có trách nhiệm trả chi phí dịch vụ cho Trung tâm phát triển quy đất theo quy định.
1. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí cân đối ngân sách địa phương để thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, bao gồm:
a) Kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp;
b) Kinh phí cho việc tổ chức thu thập và cung cấp thông tin liên quan đến việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp;
c) Kinh phí cho công tác dồn diền, đổi thửa; đo đạc, cắm mốc ranh giới, chỉnh lý biến động, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau dồn điền, đổi thửa; đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất sau khi tập trung đất nông nghiệp khi có quy hoạch, điều chỉnh, sắp xếp đất đai; xác định ranh giới các thửa đất khi hoàn trả lại mặt bằng cho người sử dụng đất;
d) Kinh phí hỗ trợ cho việc bù đắp chênh lệch lãi suất vay thương mại.
2. Nhà đầu tư không thuộc trường hợp được hưởng hỗ trợ tập trung đất đai theo quy định của Chính phủ về cơ chế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì được hỗ trợ kinh phí theo quy định:
a) Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí 20% giá trị tiền thuê đất cho 05 năm đầu tiên kể từ khi đi vào hoạt động sản xuất.
b) Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu thì được Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu với mức 50 triệu đồng/ha nhưng không được quá 10 tỷ đồng/dự án. Trường hợp thực hiện hợp tác để tổ chức sản xuất nông nghiệp thì được nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
c) Hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp thông qua phương thức thuê đất tại khu vực nông thôn để tổ chức sản xuất nông nghiệp thì được Nhà nước hỗ trợ bằng tổng các hỗ trợ quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
1. Nhà đầu tư phải trích lập Quỹ dự phòng rủi ro dùng bù đắp phần còn lại của những tổn thất, thiệt hại về tài sản xảy ra trong quá trình sản xuất sau khi đã được bù đắp bằng tiền bồi thường của các tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan quy định chi tiết khoản 1 Điều này.
1. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 7 Nghị định này thì được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án đầu tư, phương án sản xuất hoàn thành như sau:
a) Mức hỗ trợ lãi suất bằng chênh lệch lãi suất giữa lãi suất vay thương mại với lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước tính trên số dư nợ cho vay bình quân được hỗ trợ”.
b) Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày tiếp theo của ngày tổ chức tín dụng giải ngân vốn vay cho khách hàng cho đến thời điểm khách hàng phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng, tối đa 08 năm đối với trường họp sử dụng đất tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tối đa 05 năm đổi với trường hợp sử dụng đẩt tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
c) Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất: Tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.
d) Chính sách và phương thức hỗ trợ cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành phù hợp vơi điều kiện của từng địa phương.
2. Doanh nghiệp trong nước thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp được tiếp cận, hỗ trợ tín dụng theo quy định của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
3. Các công trình xây dựng trên đất (bao gồm cả nhà lưới, nhà kính, nhà màng và công trình thủy lợi) của nhà đầu tư được tính là tài sản gắn liền với đất để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.
1. Ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ đào tạo nghề trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề:
a) Hỗ trợ tổ chức kinh tế trực tiếp đào tạo nghề cho người trong độ tuổi lao động của hộ gia đình, cá nhân đã cho thuê đất, chuyển nhượng đất, góp vốn vì mục đích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp với mức hỗ trợ 02 triệu đồng/tháng/lao động nông nghiệp, thời gian hỗ trợ từ 03 tháng đến 06 tháng tùy theo từng ngành nghề đào tạo. Miễn học phí cho những người học nghề thuộc các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh và thời gian học tối đa không quá 03 tháng.
Trường hợp người trong độ tuổi lao động của hộ gia đình, cá nhân đã chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng không có nhu cầu đào tạo nghề hoặc người không trong độ tuổi lao động thì được hỗ trợ bằng tiền với mức hỗ trợ 02 triệu đồng/tháng/lao động nông nghiệp, thời gian hỗ trợ 03 tháng.
b) Trường hợp tổ chức kinh tế có dự án tập trung, tích tụ đất nông nghiệp có nhu cầu đào tạo lao động tại địa phương phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/lao động nông nghiệp/tháng; thời gian hỗ trợ là 03 tháng.
c) Hộ gia đình, cá nhân đã cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng đất nông nghiệp cho nhà đầu tư nếu được tuyển dụng vào làm việc cho doanh nghiệp thì được tham gia vào khóa đào tạo của doanh nghiệp và được hỗ trợ 500 ngàn đồng/lao động nông nghiệp/tháng. Thời gian hỗ trợ là 03 tháng và được doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động với thời gian trên 01 năm với mức lương theo quy định của doanh nghiệp.
2. Trong trường hợp người sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương vẫn muốn tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì căn cứ theo số liệu thống kê đất đai (vị trí địa lý, hạng đất và tiêu chuẩn kỹ thuật) của địa phương, chính quyền địa phương hỗ trợ đổi đất phù hợp nhu cầu sử dụng của người dân và quỹ đất của địa phương.
1. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh và bố trí kinh phí theo từng đơn vị cấp huyện, cấp xã trên cơ sở kế hoạch dồn điền, đổi thửa của từng huyện.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp và các sở, ngành khác có liên quan tổng hợp và thẩm định kinh phí theo đề xuất của cấp huyện, cấp xã trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định để tổ chức thực hiện.
b) Căn cứ kế hoạch dồn điền, đổi thửa của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch cụ thể trên địa bàn huyện để triển khai và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng phương án dồn điền đổi thửa cụ thể trên địa bàn xã.
c) Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo.
d) Thực hiện tuyên truyền, phổ biến vể chủ trương dồn điền, đổi thửa và tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ của các cấp:
Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương đồn điền, đổi thửa thông qua các phương tiện truyền hình, phát thanh, tổ chức hội nghị quán triệt tại địa phương và các hình thức khác. Nội dung tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, kế hoạch, khu vực, phương pháp triển khai dồn điền, đổi thửa; lợi ích, hiệu quả để nhân dân hiểu và tham gia.
2. Xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa:
a) Ban Chỉ đạo, Tổ công tác cấp xã có trách nhiệm tổ chức điều tra, thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn; nguyện vọng và nhu cầu sử dụng đất của người dân; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa đồng thời với việc quy hoạch, thiết kế đồng ruộng.
b) Xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa đồng thời với việc quy hoạch, thiết kế đồng ruộng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch nông thôn và phù hợp với điều kiện của địa phương.
Phương án dồn điền, đổi thửa phải thể hiện các nội dung:
- Hiện trạng đất đai và các chủ sử dụng đất;
- Tiêu chuẩn diện tích khi dồn điền, đổi thửa;
- Xây dựng phương án quy hoạch, thiết kế đồng ruộng: xác định cụ thể hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống bờ vùng, bờ thửa, các khu chăn nuôi tập trung, các khu đất dịch vụ, đất nông nghiệp công ích, đất nghĩa trang, nghĩa địa và các nội dung khác. Xác định diện tích đất chuyển sang sử dụng vào mục đích giao thông, thủy lợi nội đồng; tỷ lệ diện tích đất người dân phải đóng góp để xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng trong trường hợp thiếu diện tích đất để đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất nông nghiệp;
- Phương án sắp xếp lại các thửa đất; xác định hệ số để phân chia cho các khu đất, vùng đất nhằm đảm bảo sự công bằng, hợp lý khi dồn điền, đổi thửa; diện tích quỹ đất nông nghiệp công ích; diện tích các khu vực trang trại; quy chế, phương án bốc thăm và xác nhận kết quả bốc thăm vị trí đất đai của từng hộ gia đình, cá nhân; cơ chế xử lý các vướng mắc và khiếu nại của người sử dụng đất liên quan đến việc đồn điền, đổi thửa.
c) Niêm yết công khai phương án dồn điền, đổi thửa tại điểm dân cư, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức họp dân theo từng thôn để lấy ý kiến.
Ban Chỉ đạo, Tổ công tác cấp xã tổng hợp các ý kiến góp ý của nhân dân và tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý; lập thành biên bản có sự chứng kiến của đại điện Ủy ban nhân dân cấp xã, trưởng thôn và đại diện người dân về các nội dung cơ bản đã được thống nhất của phương án dồn điền, đổi thửa.
Phương án dồn điền, đổi thửa phải đảm bảo sự đồng thuận của người dân tham gia phương án.
d) Ban chỉ đạo, Tổ công tác cấp xã hoàn thiện phương án dồn điền, đổi thửa theo ý kiến góp ý của người dân để Ủy ban nhân dân cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện.
đ) Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các phòng, ban có liên quan tổ chức thẩm tra phương án dồn điền, đổi thửa của Ủy ban nhân dân cấp xã và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định phê duyệt.
3. Tổ chức thực hiện phương án dồn điền, đổi thửa đã được phê duyệt:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết công khai phương án dồn điền, đổi thửa đã được phê duyệt trong suốt quá trình dồn điền, đổi thửa.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức bốc thăm vị trí đất của từng hộ gia đình, cá nhân; triển khai đo đạc, cắm mốc ranh giới theo quy định để xác định vị trí, diện tích đất cho từng hộ gia đình, cá nhân trên thực địa theo phương án dồn điền, đổi thửa đã được phê duyệt; tiến hành thi công đường giao thông, thủy lợi nội đồng.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ quy định thực hiện:
a) Đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính theo phương án dồn điền, đổi thửa đã được phê duyệt;
b) Tiếp nhận hồ sơ, thẩm tra hồ sơ và trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chỉnh lý hồ sơ địa chính sau dồn điền, đổi thửa;
c) Ký lại hợp đồng thuê đất theo phương án dồn điền, đổi thửa được phê duyệt đối với các trường hợp thuê đất.
5. Tổ chức tổng kết công tác dồn điền, đổi thửa:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, tập hợp các tài liệu có liên quan đến dồn điền, đổi thửa; đóng gói hồ sơ, tài liệu để bàn giao, lưu trữ, quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về lưu trữ;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức tổng kết công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện dồn điền, đổi thửa cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Điều 145. Trình tự thực hiện thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp
Nhà đầu tư có nhu cầu được Nhà nước hỗ trợ trong việc thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp của người sử dụng đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp thì thực hiện như sau:
1. Nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất nông nghiệp có văn bản đề nghị với Ủy ban nhân dân cấp huyện hỗ trợ việc thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp của người sử dụng đất.
2. Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư và quy định tại Điều 5 và Điều 7 Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với nhà đầu tư để thực hiện tuyên truyền, phổ biến về chủ trương đầu tư sản xuất vào lĩnh vực nông nghiệp; về vị trí, diện tích đất dự kiến thuê, thời hạn thuê, phương án điều chỉnh, sắp xếp đất đai, các cam kết của nhà đầu tư về việc thanh toán tiền thuê đất và chính sách tuyển dụng, đãi ngộ đối với lao động vào làm việc trong dự án; các quyền và lợi ích của người sử dụng đất khi tham gia cho nhà đầu tư thuê đất.
3. Căn cứ thoả thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ người sử dụng đất và nhà đầu tư về các thông tin liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để hai bên ký kết hợp đồng thuê đất nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư thuận lợi trong tiếp cận đất đai để tổ chức đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Trường hợp chưa có sự đồng thuận của người sử dụng đất về việc cho thuê đất nông nghiệp thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Hội nông dân cấp xã và nhà đầu tư tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện hoặc vận động điều chỉnh đất đai của người sử dụng đất sang vị trí khác.
Nhà đầu tư có nhu cầu được nhà nước hỗ trợ trong việc hợp tác với người sử dụng đất khác để tổ chức sản xuất nông nghiệp thì thực hiện theo quy định sau:
1. Nhà đầu tư xác định cụ thể về vị trí, diện tích và các bên dự kiến sẽ tham gia, hợp tác sản xuất nông nghiệp và đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
a) Trường hợp khu vực đất dự kiến hợp tác thuộc địa bàn từ 02 huyện trở lên thì gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Trường hợp khu vực đất dự kiến hợp tác thuộc địa bàn từ 02 xã của 01 huyện trở lên thì gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện;
c) Trường hợp khu vực đất dự kiến hợp tác thuộc địa bàn 01 xã thì gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;
d) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại các điểm a, b và c khoản này công bố, công khai vị trí, diện tích khu vực đất dự kiến thực hiện hợp tác sản xuất nông nghiệp.
2. Căn cứ nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với nhà đầu tư thực hiện tuyên truyền, phổ biến về chủ trương hợp tác để tổ chức sản xuất nông nghiệp; về vị trí, diện tích đất dự kiến tổ chức hợp tác; phương án điều chỉnh, sắp xếp đất đai; quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp tác; thời gian thực hiện.
3. Căn cứ thoả thuận giữa các bên, Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ về các thông tin liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để hai bên ký kết hợp đồng hợp tác nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên để tổ chức thực hiện. Trường hợp chưa có sự đồng thuận của người sử dụng đất về việc hợp tác thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Hội nông dân cấp xã và nhà đầu tư tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất tham gia thực hiện.
Nhà đầu tư có nhu cầu được nhà nước hỗ trợ trong việc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất nông nghiệp thì thực hiện theo quy định sau:
1. Nhà đầu tư có nhu cầu nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất nông nghiệp có văn bản đề nghị với Ủy ban nhân dân cấp huyện hỗ trợ việc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
2. Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư và quy định tại Điều 5 và Điều 7 Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và nhà đầu tư thực hiện tuyên truyền, phổ biến về chủ trương góp vốn để tổ chức sản xuất nông nghiệp; về vị trí, diện tích đất dự kiến thực hiện; phương án điều chỉnh, sắp xếp đất đai; quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các bên; thời gian thực hiện; chính sách tuyển dụng người sử dụng đất vào làm việc trong cơ sở sản xuất.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với nhà đầu tư tổ chức điều tra về nhu cầu góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của người sử dụng đất trong khu vực dự kiến thực hiện tích tụ đất nông nghiệp.
Căn cứ kết quả điều tra về nhu cầu góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và nhà đầu tư đánh giá tính khả thi của việc triển khai dự án đầu tư. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư thực hiện việc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất, nông nghiệp.
4. Hỗ trợ thực hiện giao kết hợp đồng góp vốn và thực hiện đăng ký với cơ quan nhà nước:
a) Căn cứ thoả thuận giữa các bên, Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ các bên về các thông tin liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để hai bên ký kết hợp đồng góp vốn nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên để tổ chức thực hiện. Trường hợp chưa có sự đồng thuận của người sử dụng đất về việc góp vốn bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Hội nông dân cấp xã và nhà đầu tư tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện;
b) Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn người sử dụng đất lập hồ sơ góp vốn theo quy định và tiếp nhận hồ sơ góp vốn bằng quyền sử dụng đất để chuyển đến Văn phòng đăng ký đất đai;
c) Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ và thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư có nhu cầu được hỗ trợ trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của người sử dụng đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp thì thực hiện theo quy định sau:
1. Nhà đầu tư có nhu cầu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của người sử dụng đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp có văn bản đề nghị với Ủy ban nhân dân cấp huyện hỗ trợ việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
2. Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư và quy định tại Điều 5 và Điều 7 Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và nhà đầu tư thực hiện tuyên truyền, phổ biến về chủ trương đầu tư sản xuất nông nghiệp; về vị trí, diện tích đất dự kiến; thời gian thực hiện; kế hoạch hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, chính sách tuyển dụng người sử dụng đất vào làm việc trong cơ sở sản xuất.
3. Nhà đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức điều tra về nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của người sử dụng đất trong khu vực đất dự kiến tích tụ đất nông nghiệp.
Căn cứ kết quả điều tra về nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của người sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và nhà đầu tư đánh giá tính khả thi của việc triển khai dự án đầu tư. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư thực hiện việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất nông nghiệp.
4. Hỗ trợ thực hiện giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thực hiện đăng ký đất đai với cơ quan nhà nước:
a) Căn cứ thoả thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ người sử dụng đất và nhà đầu tư giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất lập và nộp 01 bộ hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định.
Trường hợp chưa có sự đồng thuận của người sử dụng đất về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Hội nông dân cấp xã và nhà đầu tư tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện. Trường hợp đã vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không đồng ý thì đề xuất phương án điều chỉnh đất đai của người sử dụng đất sang vị trí khác có giá trị tương đương hoặc tốt hơn vị trí cũ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian thực hiện hoặc điều chỉnh quy mô dự án đầu tư;
b) Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất người sử dụng đất để chuyển đến Văn phòng đăng ký đất đai;
c) Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ và thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật.
Đơn vị quân đội, đơn vị công an, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để phục vụ chủ yếu cho nhiệm vụ của đơn vị và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm:
1. Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức tăng gia sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, chế biến thủy sản.
2. Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức dịch vụ hỗ trợ hậu cần - kỹ thuật gồm:
a) Thư viện, bảo tàng; nhà hát, cơ sở phát thanh, truyền hình, điện ảnh; cơ sở báo chí, in ấn, xuất bản; nhà khách, nhà công vụ; cơ sở y tế, nhà ăn điều dưỡng, nhà nghỉ dưỡng, trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng; căng tin nội bộ;
b) Cơ sở nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật quân sự, nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ; cơ sở sản xuất quân trang; cơ sở sản xuất thực nghiệm; cơ sở xúc tiến thương mại quân sự, đối ngoại quân sự, an ninh;
c) Cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa xe, máy, tàu, thuyền, trang thiết bị kỹ thuật; kho, trạm dự trữ, cung ứng, cấp phát xăng, dầu; kho, bãi phương tiện vận tải, kỹ thuật nghiệp vụ; cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; vị trí lắp đặt, bảo đảm an ninh, an toàn cho thiết bị của dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện lực, ngân hàng phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
3. Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức lao động, giáo dục, giáo dục cải tạo, rèn luyện gồm:
a) Cơ sở giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; cơ sở thi đấu, tập luyện thể dục, thể thao; cơ sở huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ;
b) Khu lao động, dạy nghề cho phạm nhân;
c) Nhà xưởng lao động cải tạo cho phạm nhân;
d) Công trình phục vụ sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, học viên, phạm nhân.
4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định chi tiết
1. Đơn vị quân đội, đơn vị công an được tiếp tục thực hiện dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết theo quy định tại
khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 132/2020/QH14; đơn vị quân đội, đơn vị công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại Điều 49 Nghị định này.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, doanh nghiệp quân đội, công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
1. Phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hiện trạng sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp.
1. Thu thập thông tin, tài liệu; khảo sát thực địa; đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp.
2. Lập phương án sử dụng đất.
3. Thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất.
1. Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch của các ngành, lĩnh vực tại địa phương và hiện trạng sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp.
2. Khảo sát thực địa để rà soát hiện trạng sử dụng đất, làm rõ về vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất, thu thập bổ sung thông tin, chỉnh lý các tài liệu.
3. Nghiên cứu, phân tích nội dung quy hoạch sử dụng đất của địa phương có ảnh hưởng đến phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp; phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động; hiện trạng sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp làm cơ sở cho việc lập phương án sử dụng đất.
1. Xác định tổng diện tích và ranh giới đất công ty nông, lâm nghiệp hiện đang quản lý, sử dụng.
2. Xác định diện tích và ranh giới đất công ty nông, lâm nghiệp đề nghị giữ lại, trong đó làm rõ:
a) Cơ cấu sử dụng đất theo nhóm đất đảm bảo mục tiêu phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt;
b) Vị trí, ranh giới, diện tích từng loại đất và thời hạn sử dụng đối với diện tích đất để Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.
3. Xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất theo từng loại đất bàn giao cho địa phương.
4. Tổng hợp từng loại đất đã xác định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này theo từng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.
5. Lập bản đồ phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp trên nền bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất hiện có.
6. Hoàn thiện phương án sử dụng đất theo kết quả đo đạc lập bản đồ địa chính hoặc kết quả chỉnh lý bản đồ địa chính.
7. Xác định các giải pháp tổ chức thực hiện phương án sử dụng đất.
1. Hồ sơ phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp được lập thành 10 bộ, nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:
a) Tờ trình đề nghị phê duyệt phương án sử dụng đất;
b) Báo cáo thuyết minh tổng hợp phương án sử dụng đất và Biểu kèm theo, lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Nghị định này;
c) Bản đồ phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) có liên quan, tổ chức thẩm định phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp theo quy định sau đây:
a) Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi hồ sơ phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp đến các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện để lấy ý kiến;
b) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản đến Sở Tài nguyên và Môi trường;
c) Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian lấy ý kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức họp để thẩm định phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp; gửi thông báo kết quả thẩm định phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp đến công ty nông, lâm nghiệp để hoàn chỉnh hồ sơ.
1. Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
2. Nhà nước cho các công ty nông, lâm nghiệp thuê đất đối với đất sản xuất nông, lâm nghiệp không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.
1. Đất phải thu hồi của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương bao gồm: Đất của các công ty giải thể; đất do thu hẹp nhiệm vụ không còn nhu cầu sử dụng; đất không sử dụng, đất công ty đang khoán trắng, sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất đã chuyển nhượng; diện tích đất đã bán vườn cây; đất kết cấu hạ tầng không phục vụ sản xuất; đất ở theo quy hoạch của địa phương đã được phê duyệt và các loại đất khác phải thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai. Các công ty nông, lâm nghiệp có diện tích đất bị thu hồi phải bàn giao toàn bộ hồ sơ về quỹ đất bị thu hồi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất.
2. Diện tích đất giao không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 4 Điều 150 Luật Đất đai không được cao hơn mức bình quân của các hộ dân sử dụng đất tại địa phương. Diện tích trên mức bình quân phải chuyển sang thuê đất.
3. Xác định tài sản trên đất theo giá thị trường và quy định của pháp luật về thẩm định giá tại thời điểm nhận giao, thuê để thu hồi phần vốn của nhà nước hoặc người đã đầu tư. Người nhận chuyển nhượng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) phải trả tiền trong thời gian 01 (một) năm kể từ thời điểm nhận chuyển nhượng, đối với các đối tượng là hộ nghèo theo quy định của pháp luật được xem xét miễn, giảm theo phần vốn của Nhà nước còn lại.
1. Đối với đất công ty đang cho tổ chức, cá nhân thuê, mượn phải chấm dứt cho thuê, cho mượn và giải quyết như sau:
a) Đối với đất cho tổ chức thuê, mượn nằm trong phương án sử dụng đất của công ty thì thu hồi, công ty thanh toán giá trị vườn cây, rừng trồng, tài sản trên đất (nếu có) cho tổ chức đã đầu tư.
b) Đối với đất hộ gia đình, cá nhân thuê, mượn đang sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng theo phương án sử dụng đất của công ty thì chuyển sang hình thức giao khoán đất với công ty. Nếu không chuyển sang giao khoán được thì thu hồi và thanh toán tài sản trên đất cho hộ gia đình, cá nhân.
c) Đối với đất tổ chức, cá nhân thuê, mượn của công ty nhưng không đúng phương án sử dụng đất của công ty thì chuyển giao về địa phương để xem xét, giải quyết theo quy định tại Khoản 4 Điều 150 Luật Đất đai.
2. Đối với đất của công ty đang bị hộ gia đình, cá nhân lấn, chiếm:
a) Diện tích đất hộ gia đình, cá nhân đang canh tác và nằm trong phương án sử dụng đất của công ty thì xem xét, tiếp nhận và thực hiện giao khoán đất. Trường hợp không nhận giao khoán đất với công ty thì thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.
b) Diện tích đất các hộ gia đình, cá nhân đang canh tác, nếu công ty không còn nhu cầu sử dụng và không ảnh hưởng đến phương án sử dụng đất của công ty thì chuyển giao địa phương để xem xét, giải quyết theo quy định tại Khoản 4 Điều 150 Luật Đất đai.
c) Diện tích đất lấn, chiếm mà chuyển nhượng trái phép thì thu hồi, chuyển giao địa phương để xem xét, giải quyết theo quy định tại Khoản 4 Điều 150 Luật Đất đai.
3. Đối với đất của công ty đang bị tranh chấp:
a) Diện tích đất tranh chấp giữa công ty và các hộ gia đình, cá nhân sống bằng nghề nông đã sản xuất ổn định, không ảnh hưởng đến phương án sử dụng đất của công ty thì giao lại địa phương để xem xét, giải quyết theo quy định tại Khoản 4 Điều 150 Luật Đất đai.
b) Diện tích đất tranh chấp giữa công ty và các hộ gia đình, cá nhân đang sản xuất ổn định, nhưng nằm trong phương án sử dụng đất của công ty, thì công ty xem xét ký hợp đồng giao khoán đất với hộ gia đình, cá nhân. Nếu không thực hiện giao khoán thì thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.
c) Diện tích đất tranh chấp giữa công ty với tổ chức khác thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết tranh chấp; căn cứ theo phương án sử dụng đất của công ty và chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, công ty thu hồi để sản xuất kinh doanh hoặc giao lại cho địa phương để giải quyết cho tổ chức đó được giao hoặc cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Trường hợp công ty đã góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư mà hình thành doanh nghiệp mới sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả thì tách diện tích đã góp ra khỏi diện tích đất của công ty và chuyển sang thuê đất. Nếu sử dụng không đúng mục đích thì thu hồi và giao lại địa phương để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
1. Trường hợp diện tích đất mà công ty nông, lâm nghiệp đã bố trí cho hộ gia đình, cá nhân là cán bộ công nhân viên của công ty đang làm việc, đã nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ để làm nhà ở, làm vườn, ao gắn liền với nhà ở trong khu dân cư trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận là đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp đất đai và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 117 Luật Đất đai.
2. Trường hợp công ty nông, lâm nghiệp giải thể thì Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập phương án bố trí lại diện tích đất ở thành khu dân cư trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức đo đạc xác định cụ thể quỹ đất bàn giao cho địa phương theo đề án hoặc phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp, phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ thu hồi đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký quyết định thu hồi đất.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng phương án sử dụng đất đối với quỹ đất bàn giao cho địa phương thuộc địa giới hành chính mình quản lý và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường.
4. Cơ quan tài nguyên và môi trường lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt; ký hợp đồng cho thuê đất đối với trường hợp thuê đất; chỉnh lý bản đồ địa chính (nếu có) để cấp Giấy chứng nhận, bàn giao đất trên thực địa và cập nhật hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nội dung phương án sử dụng đối với quỹ đất bàn giao cho địa phương phù hợp với thực tế quản lý, sử dụng đất của địa phương và đảm bảo các nguyên tắc sau:
a) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Phù hợp với quy định của pháp luật đất đai về phân loại đất, đối tượng sử dụng đất, hình thức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hạn mức sử dụng đất, điều kiện để công nhận quyền sử dụng đất;
c) Giải quyết nhu cầu sử dụng đất cho các đối tượng theo quy định tại Khoản 4 Điều 150 Luật Đất đai;
d) Việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người liên quan.
Điều 161. Nộp hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai
1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
b) Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Đất đai.
2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đảm bảo thời gian theo quy định của pháp luật, công khai các thủ tục hành chính và việc lựa chọn địa điểm nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai, một trong các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn cấp tỉnh hoặc địa điểm theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Đối với trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận giữa người có nhu cầu và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
3. Địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ thì các cơ quan quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua bộ phận một cửa theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất, cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận tại địa điểm ngoài trụ sở Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
4. Ban Quản lý khu công nghệ cao, khu kinh tế; Cảng vụ hàng không là đầu mối nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai tại khu công nghệ cao, khu kinh tế, cảng hàng không, sân bay dân dụng.
5. Việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện như sau:
a) Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày kể từ ngày có kết quả giải quyết, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến thủ tục hành chính thì việc trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện sau khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định; trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm thì trả kết quả sau khi người sử dụng đất đã ký hợp đồng thuê đất; trường hợp được miễn nghĩa vụ tài chính liên quan đến thủ tục hành chính thì trả kết quả sau khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định được miễn nghĩa vụ tài chính;
c) Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì cơ quan nhận hồ sơ có trách nhiệm trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do không đủ điều kiện giải quyết.
6. Thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử
a) Căn cứ điều kiện cụ thể về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đang quản lý, cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai quy định tại Điều này có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định của Chính phủ.
b) Đối với trường hợp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận trên môi trường điện tử thực hiện như sau:
Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Hồ sơ đầy đủ, hợp lệ là hồ sơ có đủ thành phần giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai theo quy định của pháp luật. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản hoặc qua Cổng dịch vụ công hoặc qua tin nhắn SMS cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền theo quy định của pháp luật có yêu cầu thực hiện thủ tục (sau đây gọi là người yêu cầu) về việc đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hoặc từ chối hồ sơ và nêu rõ lý do.
Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ có trách nhiệm thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không trả kết quả giải quyết hồ sơ theo đúng quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục gửi thông báo bằng văn bản hoặc qua Cổng dịch vụ công hoặc qua tin nhắn SMS cho người yêu cầu, trong đó nêu rõ lý do.
Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua chức năng thanh toán của Cổng dịch vụ công.
Cơ quan tiếp nhận hoặc cơ quan giải quyết hồ sơ thông báo cho người yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính nộp bản chính Giấy chứng nhận đã cấp, các giấy tờ theo quy định sau khi người sử dụng đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc tại địa điểm theo yêu cầu đối với trường hợp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất, cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận.
7. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính về đất đai quy định tại Điều này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đã kê khai và của các giấy tờ trong hồ sơ nộp. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.
1. Thời gian thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất được quy định như sau:
a) Giao đất, cho thuê đất là không quá 20 ngày không kể thời gian thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng;
b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày.
2. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận được quy định như sau:
a) Thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, công nhận quyền sử dụng đất là không quá 30 ngày;
b) Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng là không quá 15 ngày;
c) Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi thay đổi tài sản gắn liền với đất là không quá 15 ngày;
d) Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức, chuyển đổi công ty; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, nhóm người sử dụng đất là không quá 10 ngày;
đ) Tách thửa, hợp thửa đất; thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý là không quá 15 ngày;
e) Gia hạn sử dụng đất là không quá 07 ngày;
g) Xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất là không quá 05 ngày;
h) Đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề là không quá 10 ngày;
i) Đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi hạn chế quyền sử dụng đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính hoặc thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký là không quá 10 ngày;
k) Chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất là không quá 30 ngày;
l) Chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày;
m) Xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 03 ngày;
n) Đăng ký, xóa đăng ký thế chấp, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất là không quá 03 ngày;
o) Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng là không quá 05 ngày;
p) Cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là không quá 07 ngày; trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ là không quá 50 ngày;
q) Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất là không quá 10 ngày;
r) Thời gian thực hiện thủ tục đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp là không quá 10 ngày.
s) Thời gian thực hiện thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai là không quá 03 ngày;
t) Thời gian thực hiện thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không quá 03 ngày;
k) Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai khác (thủ tục đăng ký giá đất, chậm đưa đất vào sử dụng, quyền thông hành địa dịch, quyền không gian, công trình ngầm) là không quá 03 ngày.
3. Thời gian thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai:
a) Hòa giải tranh chấp đất đai là không quá 45 ngày;
b) Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là không quá 45 ngày;
c) Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là không quá 60 ngày;
d) Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là không quá 90 ngày;
đ) Cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai là không quá 30 ngày.
4. Thời gian quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.
5. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được lựa chọn thực hiện đồng thời nhiều thủ tục hành chính về đất đai. Trường hợp thực hiện đồng thời nhiều thủ tục hành chính về đất đai thì thời gian thực hiện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không quá tổng thời gian thực hiện các thủ tục đó theo quy định tại Điều này.
Điều 163. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu
1. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu gồm có:
a) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK;
b) Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi ti ết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;
c) Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ - CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
d) Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 theo Mẫu số 08a/ĐK và 08b/ĐK;
đ) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đế n việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
e) Đối với đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh thì ngoài giấy tờ quy định tại các Điểm a, b và d Khoản này phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an về vị trí đóng quân hoặc địa điểm công trình; bản sao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh trên địa bàn các quân khu, trên địa bàn các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà có tên đơn vị đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
g) Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quy ế t định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn ch .
2. Trường hợp người sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai mà chưa có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì nộp hồ sơ gồm các giấy tờ theo quy định tại các iểm a, d, e, g và bản sao giấy tờ quy định tại các iểm b, c và đ Khoản 1 Điều này.
Trường hợp người sử dụng đất đã đăng ký đất đai mà nay có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK.
3. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với tài sản gắn liền với đất; đăng ký bố sung đối với tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận gồm có:
a) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mâu số 04a/ĐK;
b) Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
Trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên đất nông nghiệp mà chủ sở hữu công trình không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 32 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc công trình được miên giấy phép xây dựng thì chủ sở hữu công trình nộp hồ sơ thiết kế xây dựng của công trình đó theo quy định của pháp luật về xây dựng. Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi phiếu lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước đối với loại tài sản đó theo quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 70 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP cùng với hồ sơ thiết kế xây dựng của công trình.
c) Sơ đồ về tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã có sơ đồ tài sản phù hợp với hiện trạng);
d) Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp chứng nhận bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
đ) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miên, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có);
e) Văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng công trình đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp chủ sở hữu công trình không đồng thời là người sử dụng đất.
4. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý gồm có:
a) Đơn đăng ký theo Mẫu số 04a/ĐK6;
b) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất để quản lý (nếu có);
c) Sơ đồ hoặc trích đo địa chính thửa đất, khu đất được giao quản lý (nếu có).
5. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng để bán được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 72 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
Điều 164. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất
1. Hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện “dồn điền đổi thửa ” được nộp chung cho các hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi đất nông nghiệp, gồm có:
a) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mâu số 04đ/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này của từng hộ gia đình, cá nhân;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp hoặc bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất đối với trường hợp đất đang thế chấp tại tố chức tín dụng;
c) Văn bản thỏa thuận về việc chuyển đối quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân;
d) Phương án chuyển đối quyền sử dụng đất nông nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp xã đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt;
đ) Biên bản giao nhận ruộng đất theo phương án “dồn điền đối thửa ” (nếu có).
2. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục chuyển đối quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không thuộc trường hợp “dồn điền đối thửa ”; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK.
Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp thì phải thể hiện tống diện tích nhận chuyển quyền tại điểm 4 Mục I của Mâu số 09/ĐK (Lý do biến động) như sau: “Nhận ... (ghi hình thức chuyển quyền sử dụng đất) ...m2 đất (ghi diện tích đất nhận chuyển quyền); tống diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng do nhận chuyển quyền và đã đăng ký chuyển quyền sử dụng đất từ ngày 01/7/2007 đến trước ngày 01/7/2014 là ... m2 và từ ngày 01/7/2014 đến nay là ... m2 (ghi cụ thể diện tích nhận chuyển quyền theo từng loại đất, từng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) ”;
b) Hợp đồng, văn bản về việc chuyển đối, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng theo quy định.
Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;
c) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
d) Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tố chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư;
đ) Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.
3. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, gồm có:
a) Văn bản thanh lý hợp đồng cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc hợp đồng cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có xác nhận đã được thanh lý hợp đồng;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
4. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà bên chuyển quyền đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định:
a) Trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà có hợp đồng hoặc văn bản về chuyển quyền theo quy định nhưng bên chuyển quyền không trao Giấy chứng nhận cho bên nhận chuyển quyền, hồ sơ gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
- Hợp đồng hoặc văn bản về chuyển quyền đã lập theo quy định;
b) Trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất nhưng không lập hợp đồng, văn bản chuyển quyền theo quy định, hồ sơ gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có đủ chữ ký của bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền.
5. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý nợ hợp đồng thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tố chức, chuyển đối công ty; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, của nhóm người sử dụng đất, gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp thực hiện quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã có hiệu lực thi hành hoặc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án mà không thu hồi được bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
c) Một trong các loại giấy tờ gồm: Biên bản hòa giải thành (trường hợp hòa giải thành mà có thay đối ranh giới thửa đất thì có thêm quyết định công nhận của ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền) hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai theo quy định của pháp luật; văn bản bàn giao tài sản thế chấp theo thỏa thuận (nếu có) và văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng thế chấp có nội dung thỏa thuận về xử lý tài sản thế chấp; văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng góp vốn có nội dung thỏa thuận về xử lý tài sản góp vốn và văn bản bàn giao tài sản góp vốn theo thỏa thuận; quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành có nội dung xác định người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; văn bản kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản hoặc yêu cầu của Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án đã được thi hành; hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận phân chia hoặc hợp nhất hoặc chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của tố chức trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tố chức, chuyển đối công ty; hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận phân chia hoặc hợp nhất quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu chung tài sản gắn liền với đất;
d) Trường hợp phân chia hoặc hợp nhất quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của tố chức phải có văn bản chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tố chức theo quy định của pháp luật; trường hợp phân chia hoặc hợp nhất quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải có số hộ khẩu kèm theo; trường hợp phân chia hoặc hợp nhất quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ và chồng phải có số hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận kết hôn hoặc ly hôn kèm theo.
6. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được đối tên; giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đối về hạn chế quyền sử dụng đất; thay đối về nghĩa vụ tài chính; thay đối về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
c) Một trong các giấy tờ liên quan đến nội dung biến động:
- Văn bản công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với trường hợp cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình thay đối họ, tên;
- Bản sao sổ hộ khẩu đối với trường hợp thay đổi người đại diện là chủ hộ gia đình; văn bản thỏa thuận của hộ gia đình được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với trường hợp thay đổi người đại diện là thành viên khác trong hộ;
- Văn bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với trường hợp cộng đồng dân cư đổi tên;
- Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về tình trạng sạt lở tự nhiên đối với trường hợp giảm diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất do sạt lở tự nhiên;
- Chứng từ về việc nộp nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp có ghi nợ hoặc chậm nộp nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp người sử dụng đất được miên, giảm hoặc không phải nộp do thay đổi quy định của pháp luật;
- Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi hạn chế về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên Giấy chứng nhận đối với trường hợp có hạn chế theo quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp có thay đổi hạn chế theo văn bản chuyển quyền sử dụng đất thì phải có văn bản chấp thuận thay đổi hạn chế của người có quyền lợi liên quan, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;
- Bản sao một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thể hiện nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin về tài sản gắn liền với đất đã ghi trên Giấy chứng nhận.
7. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đối với trường hợp chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần hoặc từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất hoặc từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
c) Hợp đồng thuê đất đã lập;
d) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miên, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
8. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề sau khi được cấp Giấy chứng nhận lần đầu và đăng ký thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp của một bên hoặc các bên liên quan;
c) Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
d) Sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
9. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục gia hạn sử dụng đất ngoài khu công nghệ cao, khu kinh tế, gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
c) Bản sao Quyết định đầu tư bổ sung hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư có thể hiện thời hạn hoặc điều chỉnh thời hạn thực hiện dự án đầu tư phù hợp thời gian xin gia hạn sử dụng đất đối với trường hợp sử dụng đất của tổ chức, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư.
Trường hợp tổ chức trong nước đang sử dụng đất để thực hiện hoạt động đầu tư trên đất nhưng không thuộc trường hợp có Quyết định đầu tư bổ sung hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì thể hiện cụ thể lý do đề nghị gia hạn sử dụng đất tại điểm 4 của Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
d) Chứng từ đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (nếu có).
10. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất đối với trường hợp có nhu cầu; thửa đất được tách ra từ Giấy chứng nhận đã cấp chung cho nhiều thửa đất để cấp riêng một Giấy chứng nhận gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK.
Đối với trường hợp thửa đất được tách ra từ Giấy chứng nhận đã cấp chung cho nhiều thửa đất để cấp riêng một Giấy chứng nhận thì không kê khai, không xác nhận các thông tin tại điểm 5 của mục I, các mục II và IV của Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
11. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất, gồm có:
a) Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mâu số 11/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
12. Hồ sơ nộp khi thực hiện đăng ký thế chấp, xoá đăng ký thế chấp thực hiện theo quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Trường hợp thuê, thuê lại đất của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm và người sử dụng đất thuê, thuê lại đã trả tiền thuê đất một lần trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà người sử dụng đất đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất hoặc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì hồ sơ đăng ký thế chấp phải có giấy tờ chứng minh chủ đầu tư đã nộp vào ngân sách số tiền thuê đất mà bên thuê, thuê lại đất đã trả một lần.
13. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục xác định lại diện tích đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận, gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
14. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đưa quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp, gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
c) Văn bản của các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý đưa quyền sử dụng đất của hộ gia đình vào doanh nghiệp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật đối với trường hợp đất của hộ gia đình;
d) Hợp đồng thuê đất đã ký của hộ gia đình, cá nhân.
15. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục gia hạn sử dụng đất nông nghiệp của cơ sở tôn giáo, gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
16. Hồ sơ nộp khi xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
c) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân mới hoặc Giấy chứng minh quân đội mới hoặc thẻ Căn cước công dân mới hoặc sổ hộ khẩu, giấy tờ khác chứng minh thay đổi nhân thân đối với trường hợp thay đổi thông tin về nhân thân của người có tên trên Giấy chứng nhận;
d) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc công nhận việc thay đổi thông tin pháp nhân đối với trường hợp thay đổi thông tin về pháp nhân của tổ chức đã ghi trên Giấy chứng nhận.
17. Đối với trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 và 15 Điều này mà có thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp thì người sử dụng đất nộp thêm các giấy tờ sau đây:
a) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân mới hoặc Giấy chứng minh quân đội mới hoặc thẻ Căn cước công dân mới hoặc sổ hộ khẩu, giấy tờ khác chứng minh thay đổi nhân thân đối với trường hợp thay đổi thông tin về nhân thân của người có tên trên Giấy chứng nhận;
b) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc công nhận việc thay đổi thông tin pháp nhân đối với trường hợp thay đổi thông tin về pháp nhân của tổ chức đã ghi trên Giấy chứng nhận.
Điều 165. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất
1. Việc cấp Giấy chứng nhận được áp dụng cho toàn bộ diện tích của thửa đất đang sử dụng (bao gồm diện tích thửa đất gốc và diện tích đất tăng thêm).
2. Hồ sơ thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận trong trường hợp diện tích đất tăng thêm do nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận:
a) Trường hợp thửa đất gốc đã được cấp Giấy chứng nhận:
- Đơn đề nghị cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mâu số 10/ĐK đối với toàn bộ diện tích của thửa đất đang sử dụng;
- Bản gốc Giấy chứng nhận của thửa đất gốc;
- Bản gốc Giấy chứng nhận và hợp đồng, văn bản về việc chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất được lập theo quy định của diện tích đất tăng thêm. Trường hợp nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho phần diện tích đất tăng thêm theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 của Nghị định số 43/2014/NĐ- CP thì nộp bản gốc Giấy chứng nhận của bên chuyển quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng, văn bản về việc chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất của diện tích đất tăng thêm.
b) Trường hợp thửa đất gốc chưa được cấp Giấy chứng nhận:
- Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mâu số 04a/ĐK đối với toàn bộ diện tích của thửa đất đang sử dụng;
- Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Khoản 16 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của thửa đất gốc;
- Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng, trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng;
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miên, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
- Trường hợp đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thì phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế;
- Bản gốc Giấy chứng nhận và hợp đồng, văn bản về việc chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất được lập theo quy định của diện tích đất tăng thêm. Trường hợp nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho phần diện tích đất tăng thêm theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 của Nghị định số 43/2014/NĐ- CP thì nộp bản gốc Giấy chứng nhận của bên chuyển quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng, văn bản về việc chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất của diện tích đất tăng thêm.
3. Hồ sơ nộp trong trường hợp diện tích đất tăng thêm chưa được cấp Giấy chứng nhận:
a) Trường hợp diện tích đất tăng thêm do nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà diện tích đất tăng thêm đó có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Khoản 16 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP:
- Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mâu số 04a/ĐK đối với toàn bộ diện tích của thửa đất đang sử dụng;
- Bản gốc Giấy chứng nhận của thửa đất gốc hoặc giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Khoản 16 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của thửa đất gốc đối với trường hợp thửa đất gốc chưa được cấp Giấy chứng nhận;
- Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Khoản 16 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của diện tích đất tăng thêm;
- Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng, trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng;
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miên, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
- Trường hợp đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thì phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế;
b) Trường hợp diện tích đất tăng thêm không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Khoản 16 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP:
- Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mâu số 04a/ĐK đối với toàn bộ diện tích của thửa đất đang sử dụng;
- Bản gốc Giấy chứng nhận của thửa đất gốc hoặc các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai, Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Khoản 16 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của thửa đất gốc đối với trường hợp thửa đất gốc chưa được cấp Giấy chứng nhận;
- Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng, trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng;
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miên, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
- Trường hợp đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thì phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
4. Trường hợp thửa đất gốc và diện tích đất tăng thêm đã có Giấy chứng nhận thì Văn phòng đăng ký đất đai trình Sở Tài nguyên và Môi trường ký cấp Giấy chứng nhận hoặc ký cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp được ủy quyền theo quy định.
Trường hợp thửa đất gốc hoặc diện tích đất tăng thêm hoặc toàn bộ diện tích của thửa đất gốc và diện tích đất tăng thêm chưa được cấp Giấy chứng nhận thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai chuẩn bị hồ sơ để Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ký cấp Giấy chứng nhận.
Điều 166. Đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân mua bán nợ theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội
1. Việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân mua bán nợ mà quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chỉ nhánh ngân hàng nước ngoài theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội được thực hiện trong trường hợp các giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan; việc mua bán nợ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về mua bán nợ.
2. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mâu số 09/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
c) Văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng thế chấp có nội dung thỏa thuận về xử lý tài sản thế chấp là bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh được nhận chính tài sản bảo đảm đó;
d) Văn bản về việc mua bán nợ theo quy định của pháp luật về mua bán nợ có nội dung thỏa thuận về việc tổ chức, cá nhân mua nợ được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh đã giao kết trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh;
đ) Văn bản về việc bàn giao tài sản mua bán nợ hoặc văn bản giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với trường hợp không thỏa thuận được việc bàn giao tài sản mua bán nợ hoặc biên bản thu giữ tài sản theo quy định tại khoản 5 Điều 7 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.
Điều 167. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp đổi, cấp lại, đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận
1. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gồm có:
a) Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
c) Bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận sau khi dồn điền đổi thửa, đo đạc lập bản đồ địa chính mà Giấy chứng nhận đã cấp đang thế chấp tại tổ chức tín dụng.
2. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất gồm có:
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;
b) Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân; giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; trường hợp mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.
3. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đính chính Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp gồm có:
a) ơn đề nghị đính chính đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản phát hiện sai sót trên Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
4. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai tại Điểm d Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai theo quy định như sau:
a) Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phát hiện nội dung Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định thì nộp hồ sơ gồm:
- Đơn phản ánh việc cấp Giấy chứng nhận không đúng quy định;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
b) Trường hợp cơ quan nhà nước phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định thì người được cấp Giấy chứng nhận nộp Giấy chứng nhận đã cấp theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 168. Việc nộp giấy tờ khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận không được yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp thêm các giấy tờ khác ngoài các giấy tờ phải nộp theo quy định của Nghị định này.
2. Khi nộp các giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người nộp hồ sơ được lựa chọn một trong các hình thức sau:
a) Nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực;
b) Nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao;
c) Nộp bản chính giấy tờ.
3. Trường hợp nộp bản sao giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều này thì khi nhận Giấy chứng nhận, người được cấp Giấy chứng nhận phải nộp bản chính các giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho cơ quan trao Giấy chứng nhận để chuyển lưu trữ theo quy định; trừ các giấy tờ là giấy phép xây dựng; quyết định phê duyệt dự án đầu tư, quyết định đầu tư, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.
4. Khi nộp chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận hoặc đăng ký biến động về đất đai, tài sản gắn liền với đất thì người nộp hồ sơ được lựa chọn một trong các hình thức sau:
a) Nộp bản sao đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực;
b) Nộp bản sao và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chi ếu và xác nhận vào bản sao;
c) Nộp bản chính (đối với trường hợp có 2 bản chính).
5. Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai đã trang bị máy quét (scan) thì việc nộp hồ sơ khi thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Người làm thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận lần đầu xuất trình bản chính các giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và các Điều 18, 31, 32, 33, 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (nếu có) để quét (scan) trực tiếp tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Chi phí cho việc quét (scan) các giấy tờ nêu trên do người làm thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chi trả theo mức thu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua;
b) Văn phòng đăng ký đất đai đóng dấu xác nhận “Đã cấp Giấy chứng nhận ” vào bản chính giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trả bản chính giấy tờ cho người làm thủ tục khi trao Giấy chứng nhận.
Trường hợp giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất còn giá trị để cấp Giấy chứng nhận (như giấy tờ thừa kế cho nhiều người mà mới cấp Giấy chứng nhận cho một hoặc một số người và còn một hoặc một số người chưa cấp Giấy chứng nhận,...) thì sau môi lần cấp Giấy chứng nhận, Văn phòng đăng ký đất đai đóng dấu xác nhận “Đã cấp Giấy chứng nhận cho ... (ghi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã được cấp Giấy chứng nhận)”; khi giấy tờ đã hết giá trị để cấp Giấy chứng nhận (đã cấp Giấy chứng nhận cho tất cả người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được nhận quyền thể hiện trên giấy tờ) thì đóng dấu xác nhận “Đã cấp Giấy chứng nhận ”.
6. Hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận hợp lệ (hồ sơ đăng ký hợp lệ) là hồ sơ bảo đảm đầy đủ các nội dung sau:
a) Hồ sơ có đủ thành phần hồ sơ để thực hiện thủ tục theo quy định tại Nghị định này;
b) Nội dung kê khai trong các giấy tờ (đối với các giấy tờ phải kê khai) phải đầy đủ theo quy định;
c) Nội dung kê khai giữa các giấy tờ phải bảo đảm thống nhất.
7. Người nộp hồ sơ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đã kê khai và của các giấy tờ trong hồ sơ nộp.
Điều 169. Từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
1. Việc từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau:
a) Không thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ;
b) Hồ sơ không có đủ thành phần để thực hiện thủ tục theo quy định;
c) Nội dung kê khai của hồ sơ không đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất và hợp lệ theo quy định của pháp luật;
d) Thông tin trong hồ sơ không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký hoặc có giấy tờ giả mạo;
đ) Khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất;
e) Không đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
2. Trường hợp có căn cứ từ chối hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải có văn bản trong đó nêu rõ lý do từ chối và hướng dân người nộp hồ sơ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, gửi văn bản kèm theo hồ sơ cho người nộp hoặc chuyển văn bản và hồ sơ đến bộ phận một cửa, úy ban nhân dân cấp xã để trả lại cho người nộp.
Điều 170. Mẫu giấy tờ thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu
1. Mẫu sổ sử dụng trong đăng ký gồm có:
a) Sổ địa chính (điện tử): Mẫu số 01/ĐK;
b) Sổ tiếp nhận và trả kết quả đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Mẫu số 02/ĐK;
c) Sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Mẫu số 03/ĐK.
2. Mẫu giấy tờ thực hiện thủ tục đăng ký lần đầu gồm có:
a) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Mẫu số 04a/ĐK;
b) Danh sách người sử dụng chung thửa đất, chủ sở hữu chung tài sản gắn liền với đất (kèm theo Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận): Mẫu số 04b/ĐK;
c) Danh sách các thửa đất nông nghiệp của cùng một người sử dụng, người được quản lý (kèm theo Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận): Mẫu số 04c/ĐK;
d) Danh sách tài sản gắn liền với đất trên cùng một thửa đất (kèm theo Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận): Mẫu số 04d/ĐK;
đ) Phiếu lấy ý kiến của khu dân cư về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất: Mẫu số 05/ĐK;
e) Danh sách công khai kết quả kiểm tra hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Mẫu số 06/ĐK;
g) Phiếu lấy ý kiến về việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất: Mẫu số 07/ĐK;
h) Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất của tổ chức, cơ sở tôn giáo và bản thống kê các thửa đất: Mau số 08a/ĐK và 08b/ĐK.
3. Mẫu giấy tờ thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất quy định kèm theo Nghị định này gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất: Mau số 09/ĐK;
b) Đơn đề nghị cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Mau số 10/ĐK;
c) Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất: Mau số 11/ĐK;
d) Thông báo về việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính: Mau số 12/ĐK;
đ) Quyết định về việc gia hạn sử dụng đất của Ủy ban nhân dân: Mẫu số 13/ĐK.
4. Nội dung, hình thức các mẫu sổ, văn bản, giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và Điều này được quy định chi tiết tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.
5. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được sử dụng các mẫu quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lập hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về mẫu hồ sơ, thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính về đất đai quy định tại Nghị định này.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể cơ quan tiếp nhận, giải quyết thủ tục; thời gian các bước thực hiện thủ tục của từng cơ quan, đơn vị có liên quan và việc giải quyết liên thông giữa các cơ quan có liên quan theo cơ chế một cửa cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương nhưng không quá tổng thời gian quy định cho từng loại thủ tục quy định tại Nghị định này.
1. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế có liên quan đến đất đai và lệ phí trước bạ (sau đây gọi là nghĩa vụ tài chính) do cơ quan thuế xác định. Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin địa chính cho cơ quan thuế; người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm cung cấp văn bản, giấy tờ về việc thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính.
Giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính do Sở Tài nguyên và Môi trường xác định; trường hợp áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể thì do cơ quan thuế xác định.
2. Cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo việc thực hiện nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được số liệu địa chính, văn bản, giấy tờ về việc thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất cung cấp.
Cơ quan có thẩm quyền ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không phải nộp, được nợ nghĩa vụ tài chính hoặc đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp nghĩa vụ tài chính hoặc có quyết định miễn nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xác định phí và lệ phí có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, trừ lệ phí trước bạ quy định tại Khoản 1 Điều này và giá dịch vụ mà người sử dụng đất phải nộp khi thực hiện thủ tục hành chính về quản lý, sử dụng đất; thông báo và hướng dẫn cho người sử dụng đất nộp theo quy định của pháp luật.
4. Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất là thời điểm Văn phòng đăng ký đất đai gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế.
Thời hạn Văn phòng đăng ký đất đai gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; thời hạn cơ quan thuế thông báo nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất không quá 05 ngày kể từ ngày nhận được thông tin địa chính do Văn phòng đăng ký đất đai chuyển đến.
Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai chuyển thông tin chậm hoặc cơ quan thuế chậm xác định nghĩa vụ tài chính thì thời điểm tính thu tiền sử dụng đất được xác định là thời điểm Văn phòng đăng ký đất đai nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
5. Việc xác định giá đất để tính thu nghĩa vụ tài chính khi cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trường hợp việc cấp Giấy chứng nhận không đúng quy định của pháp luật do lỗi của cơ quan nhà nước thì giá đất được xác định tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận trước đây;
b) Trường hợp việc cấp Giấy chứng nhận không đúng quy định của pháp luật do lỗi của người sử dụng đất thì giá đất được xác định tại thời điểm cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
c) Bộ Tài chính quy định cụ thể việc thu, nộp và hoàn trả nghĩa vụ tài chính theo quy định tại khoản này.
1. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên.
2. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.
Đối với Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình và ghi đầy đủ tên thành viên trên Giấy chứng nhận thì những người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ. Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ do các thành viên của hộ tự xác định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định để làm thủ tục đăng ký.
2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đề nghị đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thực hiện các công việc như sau:
a) Trường hợp đăng ký đất đai thì xác nhận hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký; trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này thì xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch.
Trường hợp đăng ký tài sản gắn liền với đất thì xác nhận hiện trạng tài sản gắn liền với đất so với nội dung kê khai đăng ký; trường hợp không có giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định này thì xác nhận tình trạng tranh chấp quyền sở hữu tài sản; đối với nhà ở, công trình xây dựng thì xác nhận thời điểm tạo lập tài sản, thuộc hay không thuộc trường hợp phải cấp phép xây dựng, sự phù hợp với quy hoạch được duyệt; xác nhận sơ đồ nhà ở hoặc công trình xây dựng nếu chưa có xác nhận của tổ chức có tư cách pháp nhân về hoạt động xây dựng hoặc hoạt động đo đạc bản đồ;
b) Trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì trước khi thực hiện các công việc tại Điểm a Khoản này, Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo cho Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trích đo địa chính thửa đất hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có);
c) Niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và khu dân cư nơi có đất, tài sản gắn liền với đất trong thời hạn 15 ngày; xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh về nội dung công khai và gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
3. Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc như sau:
a) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai thì gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã để lấy ý kiến xác nhận và công khai kết quả theo quy định tại Khoản 2 Điều này;
b) Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có);
c) Kiểm tra, xác nhận sơ đồ tài sản gắn liền với đất đối với tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư mà sơ đồ đó chưa có xác nhận của tổ chức có tư cách pháp nhân về hoạt động xây dựng hoặc hoạt động đo đạc bản đồ;
d) Kiểm tra hồ sơ đăng ký; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào đơn đăng ký;
đ) Trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không có giấy tờ hoặc hiện trạng tài sản có thay đổi so với giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định này thì gửi phiếu lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước đối với loại tài sản đó. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước đối với tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Văn phòng đăng ký đất đai;
e) Cập nhật thông tin thửa đất, tài sản gắn liền với đất, đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có);
g) Trường hợp người sử dụng đất đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính; chuẩn bị hồ sơ để cơ quan tài nguyên và môi trường trình ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cập nhật bổ sung việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp, trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp xã thì gửi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Ủy ban nhân dân cấp xã để trao cho người được cấp.
4. Cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện các công việc sau:
a) Kiểm tra hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
Trường hợp thuê đất thì trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ký quyết định cho thuê đất; ký hợp đồng thuê đất và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi người sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
b) Chuyển hồ sơ đã giải quyết cho Văn phòng đăng ký đất đai.
5. Trường hợp người sử dụng đất đã đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật mà nay có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận; Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện các công việc quy định tại Điểm g Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.
1. Người đang được Nhà nước giao đất để quản lý quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai mà chưa đăng ký có trách nhiệm nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký đất đai. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hiện trạng sử dụng đất; cập nhật thông tin vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
2. Trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất để quản lý thì Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ vào quyết định giao đất quản lý để cập nhật thông tin vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
1. Sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các giấy tờ sau đây:
a) Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền; chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư dự án, trường hợp có thay đổi nghĩa vụ tài chính thì phải nộp chứng từ chứng minh việc hoàn thiện nghĩa vụ tài chính đối với sự thay đổi đó (trừ trường hợp được miễn hoặc chậm nộp theo quy định của pháp luật);
b) Sơ đồ nhà, đất đã xây dựng là bản vẽ mặt bằng hoàn công hoặc bản vẽ thiết kế mặt bằng có kích thước các cạnh của từng căn hộ đã bán phù hợp với hiện trạng xây dựng và hợp đồng đã ký; Giấy phép xây dựng (nếu có); Thông báo của cơ quan chuyên môn về xây dựng cho phép chủ đầu tư nghiệm thu công trình hoặc chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng; danh sách các căn hộ, công trình xây dựng (có các thông tin số hiệu căn hộ, diện tích đất, diện tích xây dựng và diện tích sử dụng chung, riêng của từng căn hộ; trường hợp nhà chung cư thì sơ đồ phải thể hiện phạm vi (kích thước, diện tích) phần đất sử dụng chung của các chủ căn hộ, mặt bằng xây dựng nhà chung cư, mặt bằng của từng tầng, từng căn hộ;
c) Báo cáo kết quả thực hiện dự án.
2. Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nhà ở và công trình đã xây dựng và điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở, công trình xây dựng của chủ đầu tư dự án.
Sau khi hoàn thành việc kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi thông báo cho chủ đầu tư dự án về kết quả kiểm tra; gửi thông báo kèm theo sơ đồ nhà, đất đã kiểm tra cho Văn phòng đăng ký đất đai để làm thủ tục đăng ký nhà, đất cho bên mua đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; đăng công khai kết quả kiểm tra trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất.
3. Chủ đầu tư dự án nhà ở có trách nhiệm nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thay cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng hoặc cung cấp hồ sơ cho bên mua để tự đi đăng ký. Hồ sơ gồm có:
a) Đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
b) Hợp đồng về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở, công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;
c) Biên bản bàn giao nhà, đất, công trình xây dựng.
4. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Kiểm tra các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào đơn đăng ký;
b) Gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);
c) Cập nhật thông tin vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có);
d) Chuẩn bị hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều ... của Nghị định ....;
đ) Yêu cầu chủ đầu tư dự án nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp để chỉnh lý vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
e) Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
5. Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở đối với trường hợp đã nộp đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ khi cấp Giấy chứng nhận trước đây, nếu diện tích đất ở đã cấp trước đây chưa đúng theo quy định tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận thì trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều .... của Nghị định ... để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cập nhật, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Trường hợp phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề thì một trong các bên nộp đơn, Giấy chứng nhận (nếu có), hợp đồng hoặc bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cho Văn phòng đăng ký đất đai.
2. Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và xác nhận hoặc thể hiện trên Giấy chứng nhận nếu có yêu cầu.
1. Tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở tôn giáo, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ngoài khu công nghệ cao, khu kinh tế và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này có nhu cầu gia hạn sử dụng đất thì thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trước khi hết hạn sử dụng đất tối thiểu là 06 tháng, người sử dụng đất có nhu cầu gia hạn sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất. Trường hợp hết thời hạn sử dụng đất mà người sử dụng đất không nộp hồ sơ thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 74 của Luật Đất đai
Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư mà có thay đổi thời hạn hoạt động của dự án thì nộp hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất sau khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc điều chỉnh dự án đầu tư;
b) Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm định nhu cầu sử dụng đất; trường hợp đủ điều kiện được gia hạn thì giao Văn phòng đăng ký đất đai gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính; trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định gia hạn quyền sử dụng đất; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất; chuyển hồ sơ cho Văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện đăng ký.
Đối với trường hợp xin gia hạn sử dụng đất mà phải làm thủ tục đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư thì việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất được thực hiện đồng thời với việc thực hiện thủ tục đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư.
Trường hợp dự án đầu tư có điều chỉnh quy mô mà có thay đổi thời hạn hoạt động của dự án thì thời hạn sử dụng đất được điều chỉnh theo thời gian hoạt động của dự án;
c) Người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp, chứng từ đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp được gia hạn sử dụng đất cho cơ quan tài nguyên và môi trường;
d) Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xác nhận gia hạn sử dụng đất vào Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã;
đ) Đối với những trường hợp không đủ điều kiện được gia hạn sử dụng đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường thông báo cho người sử dụng đất và làm thủ tục thu hồi đất theo quy định.
2. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất, khi hết thời hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại ..... của Luật Đất đai mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.
3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều này có nhu cầu xác nhận lại thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận thì thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
a) Người sử dụng đất nộp hồ sơ đề nghị xác nhận lại thời hạn sử dụng đất;
b) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất kiểm tra hồ sơ, xác nhận hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai;
c) Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ; xác nhận thời hạn được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại .... của Luật Đất đai vào Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Cơ sở tôn giáo sử dụng đất nông nghiệp có nhu cầu gia hạn sử dụng đất thì thực hiện theo quy định sau đây:
1. Trước khi hết hạn sử dụng đất tối thiểu là 06 tháng, cơ sở tôn giáo nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định nhu cầu sử dụng đất; trường hợp đủ điều kiện được gia hạn thì trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định gia hạn quyền sử dụng đất; chuyển hồ sơ cho Văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện đăng ký.
3. Cơ sở tôn giáo nộp Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp được gia hạn sử dụng đất cho Sở Tài nguyên và Môi trường.
4. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xác nhận gia hạn sử dụng đất vào Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho cơ sở tôn giáo.
5. Đối với những trường hợp không đủ điều kiện được gia hạn sử dụng đất thì Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho người sử dụng đất và làm thủ tục thu hồi đất theo quy định.
1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
3. Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc địa chính chia tách thửa đất và lập bản trích lục thửa đất mới tách theo kết quả đo đạc địa chính để chuyển cho người sử dụng đất thực hiện ký kết hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng một phần thửa đất mới tách;
b) Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
4. Trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;
b) Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp và trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
1. Việc cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
b) Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng;
c) Do đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất;
d) Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.
2. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận.
3. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi Giấy chứng nhận;
b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
c) Cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
4. Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận sau khi đo đạc lập bản đồ địa chính mà Giấy chứng nhận đã cấp đang thế chấp tại tổ chức tín dụng thì người sử dụng đất nộp bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho Giấy chứng nhận đã cấp để làm thủ tục cấp đổi giấy mới.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thông báo danh sách các trường hợp làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận cho tổ chức tín dụng nơi nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xác nhận việc đăng ký thế chấp vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi được cơ quan có thẩm quyền ký cấp đổi.
5. Việc trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới cấp đổi quy định tại Khoản 4 Điều này được thực hiện đồng thời giữa ba bên gồm Văn phòng đăng ký đất đai, người sử dụng đất và tổ chức tín dụng theo quy định như sau:
a) Người sử dụng đất ký, nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới từ Văn phòng đăng ký đất đai để trao cho tổ chức tín dụng nơi đang nhận thế chấp;
b) Tổ chức tín dụng có trách nhiệm trao Giấy chứng nhận cũ đang thế chấp cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.
1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.
Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
2. Sau 15 ngày, kể từ sau ngày kết thúc niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.
3. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định này ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
4. Trường hợp Trang bổ sung của Giấy chứng nhận bị mất mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp lại thì việc cấp lại Trang bổ sung thực hiện theo quy định tại
các khoản 1, 2 và 3 Điều này; Văn phòng đăng ký đất đai ghi “Trang bổ sung này thay thế cho Trang bổ sung số... (ghi số thứ tự của Trang bổ sung bị mất) ” vào dòng đầu tiên của Trang bổ sung cấp lại.
1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã lập phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chung cho toàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả tiến độ thời gian thực hiện chuyển đổi) và gửi phương án đến Phòng Tài nguyên và Môi trường.
3. Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra phương án trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi ruộng đất theo phương án được duyệt.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính.
6. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
a) Kiểm tra hồ sơ, xác nhận nội dung thay đổi vào đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
b) Chuẩn bị hồ sơ để Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cho người đã thực hiện xong “dồn điền đổi thửa” theo phương án được duyệt;
c) Lập hoặc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; tổ chức trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất tại xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Trường hợp người sử dụng đất đang thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng thì người sử dụng đất nộp bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho Giấy chứng nhận đã cấp để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận mới. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thông báo danh sách các trường hợp làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức tín dụng nơi nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xác nhận việc đăng ký thế chấp vào Giấy chứng nhận sau khi được cơ quan có thẩm quyền ký cấp. Việc trao Giấy chứng nhận được thực hiện đồng thời giữa ba bên gồm Văn phòng đăng ký đất đai, người sử dụng đất và tổ chức tín dụng; người sử dụng đất ký, nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới từ Văn phòng đăng ký đất đai để trao cho tổ chức tín dụng nơi đang nhận thế chấp; tổ chức tín dụng có trách nhiệm trao Giấy chứng nhận cũ đang thế chấp cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.
1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:
a) Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;
b) Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất hoặc thực hiện xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;
c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
3. Trường hợp người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng thì phải lập văn bản tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định.
Sau khi hoàn thành xây dựng công trình công cộng trên đất được tặng cho, Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ vào văn bản tặng cho quyền sử dụng đất đã được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và hiện trạng sử dụng đất để đo đạc, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thông báo cho người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để xác nhận thay đổi. Trường hợp người sử dụng đất tặng cho toàn bộ diện tích đất đã cấp Giấy chứng nhận thì thu hồi Giấy chứng nhận để quản lý.
4. Trường hợp người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đã chết trước khi được trao Giấy chứng nhận thì người được thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thừa kế nộp bổ sung giấy tờ về thừa kế theo quy định.
Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận thừa kế vào Giấy chứng nhận đã ký hoặc lập hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được thừa kế theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Người được thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đã chết phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
5. Trường hợp người sử dụng đất thuê của Nhà nước theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm mà bán hoặc góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê thì thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định sau:
a) Thực hiện mua bán, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về dân sự;
b) Sau khi nhận hồ sơ bán, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê, Văn phòng đăng ký đất đai lập hồ sơ để cho bên mua, bên nhận góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất tiếp tục thuê đất;
c) Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định việc thu hồi đất của bên bán, bên góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê để cho bên mua, bên nhận góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất tiếp tục thuê đất; ký hợp đồng thuê đất đối với bên mua, nhận góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê; thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế về việc hết hiệu lực của hợp đồng thuê đất đối với người bán, người góp vốn bằng tài sản;
d) Văn phòng đăng ký đất đai gửi hợp đồng thuê đất cho người mua, người nhận góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp;
đ) Trường hợp mua bán, góp vốn bằng tài sản gắn liền với một phần thửa đất thuê thì phải làm thủ tục tách thửa đất trước khi làm thủ tục thuê đất theo quy định tại Khoản này.
Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Điều 73 của Luật đất đai được thực hiện như sau:
1. Trường hợp mục đích sử dụng đất của dự án, công trình sản xuất, kinh doanh khác với mục đích sử dụng đất của thửa đất mà chủ đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì trình tự giải quyết được thực hiện như sau:
a) Đối với trường hợp nhà đầu tư thuê quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất thì người sử dụng đất thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trước khi thực hiện thủ tục cho nhà đầu tư thuê quyền sử dụng đất;
b) Đối với trường hợp nhà đầu tư nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trước khi thực hiện thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư hoặc thực hiện thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất sau đó nhà đầu tư thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất;
c) Đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người đang sử dụng đất thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau đó làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
2. Trường hợp mục đích sử dụng đất của dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thay đổi so với mục đích của thửa đất nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì chủ đầu tư hoặc người sử dụng đất thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 79 của Nghị định này.
3. Trường hợp nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sau khi đã có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại
khoản 1 Điều 193 của Luật đất đai.
1. Một trong các bên hoặc các bên ký hợp đồng thuê, thuê lại, hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp 01 bộ hồ sơ xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại; góp vốn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau:
a) Xác nhận việc xóa cho thuê, cho thuê lại, xóa góp vốn vào Giấy chứng nhận theo quy định và trao ch60o bên cho thuê, cho thuê lại, bên góp vốn. Trường hợp cho thuê, cho thuê lại đất trong khu công nghiệp và trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà đã cấp Giấy chứng nhận cho bên thuê, thuê lại đất, bên nhận góp vốn thì thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp; bên góp vốn được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp thời điểm hết thời hạn sử dụng đất trùng với thời điểm xóa cho thuê, cho thuê lại đất, xóa góp vốn bằng quyền sử dụng đất nếu người sử dụng đất không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất hoặc không được cơ quan nhà nước có tham quyền gia hạn sử dụng đất thì thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp;
b) Thực hiện việc xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại, xóa góp vốn vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
3. Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
a) Hết thời hạn góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
b) Một bên hoặc các bên đề nghị theo thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn;
c) Bị thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai;
d) Bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc doanh nghiệp liên doanh bị tuyên bố phá sản, giải thể;
đ) Cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn chết; bị tuyên bố là đã chết; bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị cấm hoạt động trong lĩnh vực hợp tác kinh doanh mà hợp đồng góp vốn phải do cá nhân đó thực hiện;
e) Pháp nhân tham gia hợp đồng góp vốn bị chấm dứt hoạt động mà hợp đồng góp vốn phải do pháp nhân đó thực hiện.
4. Việc xử lý quyền sử dụng đất khi chấm dứt việc góp vốn được quy định như sau:
a) Trường hợp hết thời hạn góp vốn hoặc do thỏa thuận của các bên về chấm dứt việc góp vốn thì bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó trong thời hạn còn lại.
Trường hợp người sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất và sau đó nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký hoặc xin phép chuyển mục đích sử dụng đất thì khi hết thời hạn góp vốn, quyền và nghĩa vụ có liên quan giữa bên góp vốn và bên nhận góp vốn thực hiện theo thỏa thuận của các bên theo quy định của pháp luật; trường hợp thời hạn sử dụng đất đã hết và bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất không còn nhu cầu tiếp tục sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất.
b) Trường hợp chấm dứt việc góp vốn theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do vi phạm pháp luật về đất đai thì Nhà nước thu hồi đất đó;
c) Trường hợp bên nhận góp vốn hoặc bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất là tổ chức bị phá sản thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án nhân dân.
Người nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quyết định của Tòa án nhân dân thì được tiếp tục sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định trong thời hạn sử dụng đất còn lại và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp không có người nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì Nhà nước thu hồi đất và tài sản đó;
d) Trường hợp cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn chết thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được để thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự;
đ) Trường hợp cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn bị tuyên bố là đã chết, đã chết hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự;
e) Trường hợp doanh nghiệp liên doanh giải thể hoặc bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất là tổ chức giải thể thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo thỏa thuận giữa các bên phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
2. Việc xử lý quyền sử dụng đất đã bảo lãnh theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, đã thế chấp để thu hồi nợ được quy định như sau:
a) Quyền sử dụng đất đã thế chấp, đã bảo lãnh được xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh. Trường hợp không xử lý được theo thỏa thuận thì bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thế chấp, đã được bảo lãnh cho người khác để thu hồi nợ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá quyền sử dụng đất mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp, bên bảo lãnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật;
b) Người nhận quyền sử dụng đất quy định tại Điểm a Khoản này được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; được sử dụng đất theo mục đích đã xác định và có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai trong thời hạn sử dụng đất còn lại; đối với đất ở thì người sử dụng đất được sử dụng ổn định lâu đài.
c) Trường hợp tổ chức được phép mua bán nợ theo quy định của pháp luật mua khoản nợ là quyền sử dụng đất đã thế chấp, quyền sử dụng đất đã bảo lãnh theo quy định của Luật đất đai năm 2003 của bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh thì tổ chức đó được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh đã giao kết trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh. Tổ chức mua bán nợ được quyền xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp, đã bảo lãnh theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh đã ký.
Trường hợp không xử lý được theo thỏa thuận thì tổ chức mua bán nợ của Nhà nước thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; tổ chức mua bán nợ không phải của Nhà nước được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thế chấp, đã được bảo lãnh cho người khác hoặc đề nghị tổ chức bán đấu giá thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp, bên bảo lãnh hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
3. Việc xử lý quyền sử dụng đất khi xử lý tài sản bảo đảm gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm để thu hồi nợ được quy định như sau:
a) Trường hợp người sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm đã thế chấp, đã bảo lãnh bằng tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003 nếu không thực hiện được nghĩa vụ với bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh thì Nhà nước thu hồi đất của bên thế chấp, bên bảo lãnh bằng tài sản gắn liền với đất thuê hàng năm để cho người mua tài sản, người nhận chính tài sản bảo đảm thuê đất, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác. Người mua tài sản, người nhận chính tài sản bảo đảm tự thỏa thuận với bên thế chấp, bên bảo lãnh bằng tài sản gắn liền với đất thuê hàng năm về việc chi trả chi phí đầu tư vào đất còn lại đến thời điểm thu hồi đất. Trường hợp không tự thỏa thuận được thì các bên có liên quan có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật;
b) Người mua tài sản, người nhận chính tài sản bảo đảm được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá đất cụ thể và phải sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định. Trường hợp có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thì phải thực hiện thủ tục theo quy định của Luật đất đai và quy định của Nghị định này;
a) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 01 năm 2008;
b) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 đến trước ngày Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều .... của Luật đất đai ;
c) Sử dụng đất do nhận thừa kế quyền sử dụng đất trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành.
2. Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành mà bên nhận chuyển quyền sử dụng đất chỉ có Giấy chứng nhận của bên chuyển quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng, giấy tờ về chuyển quyền sử dụng đất theo quy định thì thực hiện theo quy định như sau:
a) Người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và các giấy tờ về quyền sử dụng đất hiện có;
b) Văn phòng đăng ký đất đai thông báo bằng văn bản cho bên chuyển quyền và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển quyền. Trường hợp không rõ địa chỉ của người chuyển quyền để thông báo thì phải đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương ba số liên tiếp (chi phí đăng tin do người đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trả);
c) Sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông báo hoặc đăng tin lần đầu tiên trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương mà không có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì Văn phòng đăng ký đất đai lập hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp không nộp Giấy chứng nhận để làm thủ tục đồng thời cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới cho bên nhận chuyển quyền.
Trường hợp có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì Văn phòng đăng ký đất đai hướng dẫn các bên nộp đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định.
1. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thành lập doanh nghiệp tư nhân và sử dụng đất vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà không thay đổi mục đích sử dụng đất thì doanh nghiệp tư nhân được tiếp tục sử dụng đất và có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký biến động thay đổi tên người sử dụng đất theo quy định tại Điều ... của Nghị định này. Trường hợp sử dụng đất được Nhà nước cho thuê thì doanh nghiệp tư nhân phải ký lại Hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường trước khi được nhận Giấy chứng nhận.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thành lập doanh nghiệp tư nhân và sử dụng đất vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thuộc trường hợp phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất thì doanh nghiệp tư nhân phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Doanh nghiệp tư nhân nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất cùng với hồ sơ đăng ký đổi tên người sử dụng đất; cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đồng thời với việc xem xét xác nhận đổi tên người sử dụng đất.
Khi doanh nghiệp tư nhân chấm dứt hoạt động mà quyền sử dụng đất không bị xử lý theo quy định của pháp luật thì đăng ký biến động thay đổi tên người sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Điều ... của Nghị định này.
2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm, khi thành viên của hộ gia đình hoặc cá nhân thành lập doanh nghiệp và tiếp tục sử dụng đất theo mục đích đã được Nhà nước cho thuê thì doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng đất đó trong thời hạn sử dụng đất còn lại và có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký biến động thay đổi tên người sử dụng đất theo quy định tại Điều ... của Nghị định này.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thông báo nội dung biến động về người sử dụng đất cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất để hủy hợp đồng thuê đất đã ký với hộ gia đình, cá nhân.
Doanh nghiệp phải ký Hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường trước khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.
Giá đất để tính thu tiền thuê đất đối với doanh nghiệp sau khi thành lập là giá đất đã tính tiền thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân nếu thời điểm thành lập doanh nghiệp đang trong chu kỳ 05 năm ổn định tiền thuê đất và phải xác định lại theo quy định của Chính phủ.
3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, khi thành viên của hộ gia đình hoặc cá nhân thành lập doanh nghiệp và không thay đổi mục đích sử dụng đất thì doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng đất và có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký biến động theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà khi thành lập doanh nghiệp có thay đổi mục đích sử dụng đất thì doanh nghiệp phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Doanh nghiệp nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất cùng với hồ sơ đăng ký biến động đất đai; cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đồng thời với thủ tục đăng ký biến động theo quy định của pháp luật về đất đai.
5. Trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì thực hiện theo quy định như sau:
a) Trường hợp chuyển nhượng dự án mà bên chuyển nhượng được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật mà số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì các bên liên quan phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 79 của Nghị định này. Hợp đồng chuyển nhượng dự án phải thể hiện rõ giá trị quyền sử dụng đất trong tổng giá trị chuyển nhượng dự án và có giá trị thay thế cho hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất;
b) Trường hợp chuyển nhượng dự án mà bên chuyển nhượng được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì các bên liên quan nộp hợp đồng chuyển nhượng dự án và Giấy chứng nhận đã cấp để làm thủ tục như đối với trường hợp bán tài sản gắn liền với đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với bên chuyển nhượng dự án và quyết định giao đất, cho thuê đất cho bên nhận chuyển nhượng dự án; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên nhận chuyển nhượng dự án theo quy định của pháp luật đất đai.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về việc đăng ký biến động đất đai đối với trường hợp chuyển đổi công ty; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.
Điều 191. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Trường hợp chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện việc chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:
a) Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính;
b) Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định.
Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất;
c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
3. Hồ sơ thực hiện thủ tục quy định tại Khoản 1 Điều này, gồm:
a) Văn bản về chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
b) Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất của một phần thửa đất;
c) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
Điều 192. Trình tự, thủ tục đăng ký biến động đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đưa quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp
1. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm, khi thành viên của hộ gia đình hoặc cá nhân thành lập doanh nghiệp và tiếp tục sử dụng đất theo mục đích đã được Nhà nước cho thuê thì doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng đất đó trong thời hạn sử dụng đất còn lại và có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký biến động thay đổi tên người sử dụng đất theo quy định tại
điểm b khoản 4 Điều 95 của Luật đất đai và Điều 85 của Nghị định này.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thông báo nội dung biến động về người sử dụng đất cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất để hủy hợp đồng thuê đất đã ký với hộ gia đình, cá nhân.
Doanh nghiệp phải ký Hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường trước khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.
Giá đất để tính thu tiền thuê đất đối với doanh nghiệp sau khi thành lập là giá đất đã tính tiền thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân nếu thời điểm thành lập doanh nghiệp đang trong chu kỳ 05 năm ổn định tiền thuê đất và phải xác định lại theo quy định của Chính phủ.
2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, khi thành viên của hộ gia đình hoặc cá nhân thành lập doanh nghiệp và không thay đổi mục đích sử dụng đất thì doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng đất và có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký biến động theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà khi thành lập doanh nghiệp có thay đổi mục đích sử dụng đất thì doanh nghiệp phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Doanh nghiệp nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất cùng với hồ sơ đăng ký biến động đất đai; cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đồng thời với thủ tục đăng ký biến động theo quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 193. Trình tự, thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức, chuyển đổi công ty; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, nhóm người sử dụng đất
1. Người chịu trách nhiệm nộp hồ sơ được quy định như sau:
a) Người nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ đối với trường hợp nhận quyền sử dụng đất theo kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo thỏa thuận; quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất;
b) Tổ chức đã thực hiện việc xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ thay người nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không theo thỏa thuận; kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án theo quy định của pháp luật.
2. Việc nộp hồ sơ đăng ký nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện theo quy định tại Điều 60 và Điều 79 của Nghị định này.
3. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau đây:
a) Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất hoặc nhận quyền sử dụng một phần thửa đất đã cấp Giấy chứng nhận;
b) Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính;
c) Xác nhận vào Giấy chứng nhận đã cấp; trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu có nhu cầu;
d) Cập nhật, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau đây:
a) Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp có thay đổi về diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất hoặc trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất;
b) Trường hợp đăng ký hoặc đăng ký thay đổi đối với diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà hoặc công trình xây dựng mà không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải xin phép thì gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan quản lý, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
c) Gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật;
d) Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thông báo cho người sử dụng đất ký hoặc ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường đối với trường hợp phải thuê đất;
đ) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
3. Trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất kết hợp với đăng ký biến động về các nội dung theo quy định tại Điều này thì thực hiện thủ tục quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
Trường hợp tại quyết định công nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất so với hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất có sai sót theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 131 của Luật Đất đai thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thông báo bằng văn bản gửi đến cơ quan có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất để xem xét, sửa đổi quyết định đã ban hành và chuyển về Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc đính chính Giấy chứng nhận.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
3. Trường hợp đính chính mà người được cấp Giấy chứng nhận có yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai (hoặc cơ quan đăng ký đất đai) thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
1. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật Đất đai thì người sử dụng đất có nghĩa vụ nộp Giấy chứng nhận đã cấp trước khi được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật đất đai. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm thu Giấy chứng nhận đã cấp chuyển cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.
2. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 77 và Điều 78 của Luật Đất đai thì người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp trước khi bàn giao đất cho Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 78 của Luật Đất đai. Tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện thu hồi đất có trách nhiệm thu Giấy chứng nhận đã cấp và chuyển cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.
3. Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp hoặc đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp trước đây cùng với hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận, hồ sơ đăng ký biến động.
Văn phòng đăng ký đất đai quản lý Giấy chứng nhận đã nộp sau khi kết thúc thủ tục cấp đổi, thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.
4. Trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai tại Điểm d Khoản 2 Điều 131 của Luật Đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra có văn bản kết luận Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp; trường hợp xem xét, xác định Giấy chứng nhận đã cấp là đúng quy định của pháp luật thì phải thông báo lại cho cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra;
b) Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì kiểm tra lại, thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định;
c) Trường hợp người sử dụng đất phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì gửi kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có trách nhiệm kiểm tra, xem xét, quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai;
d) Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc thu hồi và quản lý Giấy chứng nhận đã thu hồi theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền;
đ) Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
5. Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 131 của Luật Đất đai nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý thiệt hại do việc cấp Giấy chứng nhận pháp luật gây ra thực hiện theo quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân. Người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật bị xử lý theo quy định tại Điều 237 và Điều 230 của Luật Đất đai.
6. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 131 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã được thi hành.
7. Trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều này mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không giao nộp Giấy chứng nhận thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quyết định hủy Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định.
8. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm lập danh sách Giấy chứng nhận đã bị hủy do bị thu hồi đối với các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều này mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không giao nộp Giấy chứng nhận gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai để thông báo công khai trên trang thông tin điện tử.
9. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật do lỗi của người sử dụng đất hoặc do cấp không đúng đối tượng thì hướng dẫn cho người sử dụng đất làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định.
Các trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo kết quả đấu thầu dự án có sử dụng đất quy định tại Điều 64 của Luật Đất đai được thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
1. Công bố kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án có có sử dụng đất theo quy định sau:
a) Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án có có sử dụng đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án có có sử dụng đất và công bố kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án có có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
2. Căn cứ kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án có có sử dụng đất đã được phê duyệt, cơ quan đăng ký đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập hoặc thi tuyển để lựa chọn phương án quy hoạch chi tiết 1/500.
3. Căn cứ phương án quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt hoặc lựa chọn, cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
4. Sau khi có kết quả đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan tài nguyên và môi trường chủ trì tổ chức thực hiện việc thông báo thu hồi đất, lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quyết định thu hồi đất, tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại Điều 73, 75, 76 và 77 của Luật Đất đai;
5. Trong thời gian thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt thì người trúng thầu được nộp hồ sơ xin giao đất, thuê đất tại cơ quan tài nguyên và môi trường mà không phải chờ đến khi hoàn thành việc giải phóng mặt bằng. Hồ sơ xin giao đất, thuê đất gồm:
a) Bảo sao văn bản phê duyệt kết quả đấu thầu dự án có sử dụng đất và bản sao hợp đồng dự án đã được ký kết theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
b) Đơn xin giao đất, cho thuê đất theo Mẫu số … ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Bản sao giấy chứng nhận đầu tư hoặc bản sao văn bản chấp thuận đầu tư hoặc bản sao văn bản quyết định chủ trương đầu tư kèm theo bản thuyết minh dự án đầu tư (nếu có);
d) Trích đo địa chính thửa đất đối với những nơi chưa có bản đồ địa chính theo quy định.
6. Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất; hồ sơ gồm:
a) Các giấy tờ quy định tại Khoản 3 Điều này;
b) Trích lục bản đồ địa chính thửa đất đối với những nơi đã có bản đồ địa chính theo quy định;
c) Tờ trình kèm theo dự thảo quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số ….ban hành kèm theo Nghị định này.
7. Trong thời hạn theo quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất.
8. Căn cứ quyết định giao đất, cho thuê đất, tổ chức định giá đất theo quy định (nếu có) để người được giao đất, cho thuê đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.
9. Người được giao đất, cho thuê đất nộp tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, nộp tiền thuê đất đối với trường hợp cho thuê đất theo quy định về trình tự, thủ tục nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì người được giao đất, cho thuê đất thực hiện thêm quy định về trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;
10. Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của người trúng thầu đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổ chức giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận cho người được giao đất, cho thuê đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
1. Trình tự, thủ tục lập, phê duyệt kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất
a) Vào tháng 12 hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường có tránh nhiệm lập kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giao đất của UBND cấp tỉnh của năm sau gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, UBND cấp huyện nơi có đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để lấy ý kiến tham gia. Sau 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, các cơ quan phải có ý kiến tham gia gửi lại Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia chưa đồng thuận (nếu có) và trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày Sở Tài nguyên và Môi trường trình dự thảo kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương.
b) Vào tháng 12 hàng năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lập kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện của năm sau gửi Ủy ban nhân câp cấp xã nơi có đất đấu giá quyền sử dụng đất để lấy ý kiến. Sau 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp xã phải có ý kiến tham gia gửi lại Phòng Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia chưa đồng thuận (nếu có) và trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định.
Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Tài nguyên và Môi trường trình dự thảo kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân huyện ký kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn huyện và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để công bố theo quy định.
c) Vào tháng 12 hàng năm Ban/Phòng địa chính - xây dựng của UBND cấp xã có trách nhiệm lập kế hoạch, danh sách các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với đất thuộc thẩm quyền cho thuê của Ủy ban nhân dân cấp xã của năm sau trình Ủy ban nhân dân cấp xã xem, xét, quyền định và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để công bố vào ngày 01 tháng 01 hàng năm và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời gửi cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để biết.
2. Kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất được công bố vào ngày 01 tháng 01 hàng năm tại trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của UBND cấp huyện và niêm yết tại trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường.
3. Việc tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu đất trong danh sách của kế hoạch thực hiện đấu giá trước khi tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất do các tổ chức, đơn vị có chức năng tại địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết biểu mẫu kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Các trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật Đất đai được thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
1. Cơ quan tài nguyên và môi trường hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất, hồ sơ gồm:
a) Đơn xin giao đất, cho thuê đất theo
Mẫu số … ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao giấy chứng nhận đầu tư hoặc bản sao văn bản chấp thuận đầu tư hoặc bản sao văn bản quyết định chủ trương đầu tư kèm theo bản thuyết minh dự án đầu tư.
Trường hợp xin giao đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh thì không phải nộp kèm bản sao bản thuyết minh dự án đầu tư nhưng phải nộp bản sao quyết định đầu tư xây dựng công trình quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gồm các nội dung liên quan đến việc sử dụng đất hoặc quyết định phê duyệt quy hoạch vị trí đóng quân của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Trường hợp dự án sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản thì phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
c) Trích đo địa chính thửa đất đối với những nơi chưa có bản đồ địa chính theo quy định.
2. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, xác minh thực địa, nếu hồ sơ chưa hoàn thiện theo Văn bản thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất (nếu có) thì có văn bản trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do; nếu hồ sơ hoàn thiện theo Văn bản thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất (nếu có) thì lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất; hồ sơ gồm:
a) Các giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Biên bản xác minh thực địa;
c) Bản sao bản thuyết minh dự án đầu tư đối với dự án không phải chấp thuận đầu tư hoặc không phải quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công hoặc không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư; bản sao báo cáo kinh tế - kỹ thuật của tổ chức sử dụng đất đối với trường hợp không phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình;
d) Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất (nếu có) quy định tại Điều….của Nghị định này.
đ) Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất;
e) Tờ trình kèm theo dự thảo quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số ….ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức định giá đất theo quy định (nếu có) để người được giao đất, cho thuê đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.
4. Người được giao đất, cho thuê đất nộp tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, nộp tiền thuê đất đối với trường hợp cho thuê đất theo quy định về trình tự, thủ tục nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì người được giao đất, cho thuê đất thực hiện thêm quy định về trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;
6. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ giữa cơ quan tài chính, cơ quan thuế với cơ quan tài nguyên và môi trường, Kho bạc Nhà nước để xác định và thu nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Điều 200. Trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép quy định tại Điều 59 của Luật Đất đai được thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
1. Người sử dụng đất lập hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất nộp tại cơ quan tài nguyên và môi trường. Hồ sơ gồm:
a) Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các nội dung về cam kết chịu mọi chi chí, rủi ro nếu không được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; mục tiêu, quy mô đầu tư, sản xuất; sơ bộ tổng chi phí đầu tư, sản xuất, vốn đầu tư, phương án huy động vốn; diện tích đất, loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện; phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của người xin chuyển mục đích sử dụng đất; nhà đầu tư; nội dung cần thiết khác (nếu có).
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
c) Trích đo địa chính thửa đất đối với những nơi chưa có bản đồ địa chính theo quy định.
2. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, xác minh thực địa, nếu hồ sơ chưa hoàn thiện theo Văn bản thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm định điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì có văn bản trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do; nếu hồ sơ hoàn thiện theo Văn bản thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm định điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; hồ sơ gồm:
a) Các giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Biên bản xác minh thực địa;
c) Bản sao bản thuyết minh dự án đầu tư đối với dự án không phải chấp thuận đầu tư hoặc không phải quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công hoặc không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư; bản sao báo cáo kinh tế - kỹ thuật của tổ chức sử dụng đất đối với trường hợp không phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình;
d) Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) quy định Điều 58 của
Nghị định này.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải bổ sung văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại
Điểm a Khoản 2 Điều 59 của Luật Đất đai;
đ) Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất;
e) Tờ trình kèm theo dự thảo quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo
Mẫu số ….. ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Sau khi có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức định giá đất theo quy định (nếu có) để người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.
4. Người sử dụng đất nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định về trình tự, thủ tục nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì người sử dụng đất thực hiện thêm quy định về trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;
5. Cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổ chức giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận cho người được giao đất, cho thuê đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
6. Đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời với thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điều này.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thực hiện lồng ghép hồ sơ và trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư với hồ sơ và trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điều này.
1. Đối tượng bị thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều 70 Luật Đất đai được xác định như sau:
a) Đối tượng thu hồi đất quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 70 Luật Đất đai là người đang sử dụng đất do được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền hoặc không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, công khai tại thời điểm giao đất, cho thuê đất;
b) Đối tượng thu hồi đất quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 70 Luật Đất đai là người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao, cho thuê mà người được giao đất, thuê đất không được chuyển nhượng, tặng cho.
c) Đối tượng thu hồi đất quy định tại điểm đ và e, khoản 1 Điều 70 Luật Đất đai là người sử dụng đất do thực hiện hành vi lấn, chiếm đất được Nhà nước giao để quản lý, đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Trước khi thực hiện thu hồi đất, phải thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hành vi lấn, chiếm.
2. Việc xác định hành vi không sử dụng trong thời hạn 36 tháng liên tục được tính từ thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính tính lùi trở về trước đủ 36 tháng.
Thời hạn sử dụng đất quy định tại điểm h khoản 1 Điều 70 Luật Đất đai.
1. Trường hợp vi phạm pháp luật mà phải thu hồi đất, khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm lập biên bản về vi phạm hành chính để làm căn cứ quyết định thu hồi đất.
Trường hợp đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính tiếp tục vi phạm thì cơ quan tài nguyên và môi trường hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm lập biên bản về việc tiếp tục vi phạm để làm căn cứ quyết định thu hồi đất.
Trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai không thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì biên bản xác định hành vi vi phạm phải có đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã làm chứng để làm căn cứ quyết định thu hồi đất và được lập theo quy định sau đây:
a) Cơ quan tài nguyên và môi trường hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra tổ chức xác định, lập biên bản về hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d, đ và i khoản 1 Điều 70 của Luật đất đai;
b) Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, người được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm gửi biên bản cho cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất để chỉ đạo thu hồi đất.
2. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh thực địa khi cần thiết, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thu hồi đất.
3. Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm sau:
a) Thông báo việc thu hồi đất cho người sử dụng đất và đăng trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
b) Chỉ đạo xử lý phần giá trị còn lại của giá trị đã đầu tư vào đất hoặc tài sản gắn liền với đất (nếu có) theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định tại Điều 77 của Luật Đất đai;
d) Bố trí kinh phí thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
4. Cơ quan tài nguyên và môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính; thu hồi Giấy chứng nhận hoặc thông báo Giấy chứng nhận không còn giá trị pháp lý đối với trường hợp người sử dụng đất không chấp hành việc nộp lại Giấy chứng nhận.
1. Trình tự, thủ tục thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất được quy định như sau:
a) Người sử dụng đất là tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nay chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất thì gửi thông báo hoặc gửi văn bản trả lại đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đến cơ quan tài nguyên và môi trường;
b) Cơ quan ban hành quyết định giải thể, phá sản gửi quyết định giải thể, phá sản đến Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất thu hồi đối với trường hợp thu hồi đất của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản;
c) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của cá nhân người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế có trách nhiệm gửi Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật và văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã đến Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất thu hồi đối với trường hợp thu hồi đất của cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
d) Hàng năm, cơ quan tài nguyên và môi trường tổ chức rà soát và có thông báo về những trường hợp không được gia hạn sử dụng đất đối với trường hợp sử dụng đất có thời hạn;
đ) Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh thực địa trong trường hợp xét thấy cần thiết; trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thu hồi đất; tổ chức thu hồi đất trên thực địa và bàn giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, thu hồi Giấy chứng nhận hoặc thông báo hủy Giấy chứng nhận đối với trường hợp không thu hồi được Giấy chứng nhận.
2. Trình tự, thủ tục thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người được quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giao cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người;
b) Sau khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người mà cần phải thu hồi đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thực hiện các công việc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này;
c) Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc bố trí nơi ở tạm và thực hiện tái định cư đối với người phải cưỡng chế di dời đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 71 của Luật Đất đai.
3. Trình tự, thủ tục thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư mà không thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản gắn liền với đất theo quy định:
a) Cơ quan đăng ký đầu tư hoặc nhà đầu tư gửi văn bản chấm dứt hoạt động đầu tư có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đầu tư đến cơ quan tài nguyên và môi trường nơi có đất.
b) Sau khi nhận được văn bản chấm dứt hoạt động đầu tư, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm kiểm tra, xác định các dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động mà phải thu hồi đất.
c) Việc tổ chức thực hiện thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều này.
4. Tổ chức cưỡng chế thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người:
a) Việc cưỡng chế phải tuân thủ các nguyên tắc thực hiện cưỡng chế quy định tại Khoản 1 Điều 77 của Luật Đất đai;
b) Sau khi có quyết định thu hồi đất, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi bàn giao đất;
c) Sau khi vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi không thực hiện quyết định thu hồi đất thì Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất;
d) Tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp đã ban hành quyết định cưỡng chế phê duyệt;
đ) Tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm vận động, thuyết phục người bị cưỡng chế tự nguyện thực hiện việc bàn giao đất;
e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp đã ban hành quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức lực lượng thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế đối với trường hợp đã được vận động, thuyết phục theo quy định tại điểm đ khoản này mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không chấp nhận thi hành quyết định cưỡng chế.
4. Cơ quan tài nguyên và môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính; thu hồi Giấy chứng nhận hoặc thông báo Giấy chứng nhận không còn giá trị pháp lý đối với trường hợp người sử dụng đất không chấp hành việc nộp lại Giấy chứng nhận.
5. Trường hợp người có đất thu hồi mà có khiếu nại quyết định thu hồi đất thì việc giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại.
Điều 204. Trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
1. Thông báo thu hồi đất theo quy định tại Điều 73 và khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 75 Luật Đất đai và Điều 11, 12 Nghị định này;
2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Đất đai;
3. Lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại khoản 3 Điều 75 và Điều 76 Luật Đất đai và Điều 13 Nghị định này;
Trong thời gian lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức xác định giá đất để tính tiền bồi thường về đất, tính tiền sử dụng đất đối với đất tái định cư (nếu có);
4. Lập hồ sơ, quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại khoản 4 Điều 75 và Điều 77 Luật Đất đai và Điều 15 Nghị định này;
5. Quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng theo quy định tại khoản 5 Điều 75 và khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai.
Điều 205. Hồ sơ trình ban hành thông báo thu hồi đất
Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất gồm:
1. Tờ trình kèm theo dự thảo thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án theo Mẫu số ….ban hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Đất đai.
2. Bản vẽ vị trí, ranh giới, diện tích khu đất thu hồi để thực hiện dự án (đã có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện);
3. Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với các thửa đất nằm trong ranh giới khu đất thu hồi để thực hiện dự án.
Điều 206. Hồ sơ trình ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc, quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc
1. Hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc do Phòng Tài nguyên và Môi trường lập gồm:
a) Thông báo thu hồi đất;
b) Văn bản đề nghị kiểm đếm bắt buộc của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
c) Báo cáo của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) nơi có đất thu hồi về quá trình vận động, thuyết phục người sử dụng đất theo quy định để thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;
d) Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất (đã có khi lập hồ sơ trình ban hành thông báo thu hồi đất);
đ) Tờ trình kèm theo dự thảo quyết định kiểm đếm bắt buộc theo Mẫu số ….. ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc do Phòng Tài nguyên và Môi trường lập gồm:
a) Quyết định kiểm đếm bắt buộc;
b) Văn bản đề nghị cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
c) Tờ trình kèm theo dự thảo quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc theo Mẫu số ….ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 207. Hồ sơ trình ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất
1. Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất gồm:
a) Thông báo thu hồi đất;
b) Dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được thẩm định và bản tổng hợp ý kiến đóng góp của người có đất bị thu hồi;
c) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều …của Luật Đất đai (nếu có);
d) Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất (đã có khi lập hồ sơ trình ban hành thông báo thu hồi đất);
đ) Tờ trình kèm theo dự thảo quyết định thu hồi đất theo Mẫu số …. ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất do Phòng Tài nguyên và Môi trường lập gồm:
a) Quyết định thu hồi đất;
b) Văn bản đề nghị cưỡng chế thu hồi đất của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
c) Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi về quá trình vận động, thuyết phục người có đất thu hồi theo quy định nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
d) Tờ trình kèm theo dự thảo quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo Mẫu số …. ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Người đứng đầu tổ chức, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định về quản lý đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
2. Cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập có hành vi vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.
3. Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của tổ chức được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 9 của Luật Đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất được giao để quản lý.
1. Vi phạm quy định về hồ sơ và mốc địa giới hành chính bao gồm các hành vi sau:
a) Làm sai lệch sơ đồ vị trí, bảng tọa độ, biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính;
b) Cắm mốc địa giới hành chính sai vị trí trên thực địa.
2. Vi phạm quy định trong Điều tra, đánh giá đất đai; cải tạo bảo vệ chất lượng đất, bao gồm các hành vi sau:
a) Không tổ chức điều tra đánh giá đất đai, quan trắc giám sát tài nguyên đất kịp thời theo quy định;
b) Không thực hiện báo cáo công bố kết quả điều tra đánh giá đất đai, quan trắc giám sát tài nguyên đất thời theo quy định;
c) Không quản lý việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa giảm thiểu thoái hoá, suy giảm chất lượng đất;
d) Không thực hiện việc theo dõi, giám sát và khoanh vùng xử lý cải tạo đất, phục hồi đất bị thoái hoá và suy giảm chất lượng nghiêm trọng theo quy định;
đ) Không công bố và công bố sai thông tin về các khu vực đất bị thoái hóa, suy giảm chất lượng đất trên địa bàn, thuộc phạm vi quản lý;
e) Không cập nhật thông tin các khu vực đất bị thoái hóa, suy giảm chất lượng vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc, giám sát tài nguyên đất quốc gia.
3. Vi phạm quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao gồm các hành vi sau:
a) Không tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời theo quy định;
b) Không thực hiện đúng quy định về tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
c) Không công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất; không báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
4. Vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các hành vi sau:
a) Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất không đúng vị trí và diện tích đất trên thực địa;
b) Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c) Giao lại đất, cho thuê đất trong khu công nghệ cao, cảng hàng không, sân bay dân dụng không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
5. Vi phạm các quy định về tài chính đất đai, giá đất
a) Tiết lộ thông tin về hồ sơ định giá đất không được pháp luật cho phép;
b) Nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích nào khác từ tổ chức, cá nhân có tài sản cần định giá;
c) Không thực hiện đúng quy trình định giá, phương pháp định giá đất;
d) Thông đồng với người sử dụng đất, người có liên quan khi thực hiện định giá đất nhằm làm sai lệch kết quả định giá;
đ) Làm sai lệch hồ sơ định giá đất hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản cần định giá đất dẫn tới sai lệch kết quả định giá.
6. Vi phạm các quy định về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
a) Không tiếp nhận hồ sơ thực hiện đăng ký đất đai của người sử dụng đất nộp, không hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện kê khai đăng ký đất đai;
b) Thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng trình tự, thủ tục, không đúng đối tượng;
c) Không thực hiện lập, quản lý, cập nhật hồ sơ địa chính kịp thời theo quy định;
d) Không thực hiện bàn giao hồ sơ địa chính theo quy định.
7. Vi phạm quy định về xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai:
a) Phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin hoặc cản trở quá trình xây dựng, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai;
b) Truy cập trái phép vào hệ thống thông tin đất đai;
c) Tự ý chiếm giữ, tiêu hủy, thay đổi, xoá, giả mạo, sao chép, tiết lộ, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ dữ liệu;
d) Cản trở việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai của tổ chức, cá nhân;
đ) Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật;
e) Can thiệp trái phép vào quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đất đai của các tổ chức, cá nhân;
g) Gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép danh tính điện tử của tổ chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền;
h) Lợi dụng việc cung cấp thông tin để sách nhiễu, trục lợi, tiết lộ, phát tán các thông tin trái với các quy định của pháp luật;
i) Các hành vi bị cấm khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai.
8. Vi phạm quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm các hành vi sau:
a) Không thông báo trước cho người có đất bị thu hồi theo quy định tại Điều 72 của Luật này; không công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
b) Không thực hiện đúng quy định về tổ chức lấy ý kiến đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
c) Thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không đúng đối tượng, diện tích, mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi; làm sai lệch hồ sơ thu hồi đất; xác định sai vị trí và diện tích đất bị thu hồi trên thực địa;
d) Thu hồi đất không đúng thẩm quyền; không đúng đối tượng; không đúng với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
9. Vi phạm quy định về trưng dụng đất bao gồm các hành vi sau:
a) Thực hiện bồi thường không đúng đối tượng, diện tích, mức bồi thường, thời hạn bồi thường cho người có đất bị trưng dụng;
b) Trưng dụng đất không đúng các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.
10. Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý bao gồm các hành vi sau:
a) Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích;
b) Sử dụng đất sai mục đích;
c) Để đất bị lấn, bị chiếm, bị thất thoát.
11. Vi phạm quy định về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất bao gồm các hành vi sau:
a) Không nhận hồ sơ đã hợp lệ, đầy đủ, không hướng dẫn cụ thể khi tiếp nhận hồ sơ, gây phiền hà đối với người nộp hồ sơ, nhận hồ sơ mà không ghi vào sổ theo dõi;
b) Tự đặt ra các thủ tục hành chính ngoài quy định chung, gây phiền hà đối với người xin làm các thủ tục hành chính;
c) Giải quyết thủ tục hành chính không đúng trình tự quy định, trì hoãn việc giao các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền ký cho người xin làm thủ tục hành chính;
d) Giải quyết thủ tục hành chính chậm so với thời hạn quy định;
đ) Từ chối thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hành chính mà theo quy định của pháp luật về đất đai đã đủ điều kiện để thực hiện;
e) Thực hiện thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền;
g) Quyết định, ghi ý kiến hoặc xác nhận vào hồ sơ không đúng quy định gây thiệt hại hoặc tạo điều kiện cho người xin làm thủ tục hành chính gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và công dân;
h) Làm mất, làm hư hại, làm sai lệch nội dung hồ sơ.
Các quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật, thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật, áp dụng hình thức kỷ luật, thẩm quyền xử lý kỷ luật, trình tự, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật, các quy định khác liên quan đến xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
1. Vi phạm đối với đất mà người sử dụng đất có quyền sử dụng đất
đ) Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
e) Hủy hoại đất
g) Sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Vi phạm đối với quyền sử dụng đất của người khác
b) Hủy hoại đất đai.
3. Vi phạm khác
a) Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định.
c) Bán, mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện theo quy định
d) Cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện quy định
đ) Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện mà không đủ điều kiện quy định
e) Chuyển quyền và nhận chuyển quyền đối với cơ sở tôn giáo không đúng quy định
g) Nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không đủ điều kiện quy định
h) Nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất không đúng quy định
i) Không làm thủ tục chuyển sang thuê đất đối với trường hợp quy định
k) di chuyển, làm sai lệch mốc địa giới hành chính, mốc chỉ giới sử dụng đất mà không thuộc trường hợp lấn đất để sử dụng
l) Vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành công văn, biểu mẫu hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo bằng văn bản, cập nhật vào hệ thống theo dõi, đánh giá và cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan các thông tin về quản lý và sử dụng đất đối với các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Quốc hội và Chính phủ.
2. Các Bộ, ngành khác có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp có trách nhiệm báo cáo tỉnh báo cáo bằng văn bản, cập nhật vào hệ thống theo dõi, đánh giá và cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan các thông tin về quản lý và sử dụng đất đối với các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất trong phạm vi nhiệm vụ quản lý của các Bộ, ngành, địa phương cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về phương pháp, biện pháp và cách thực theo dõi, giám sát.
Ủy ban nhân dân các cấp ban hành công văn, biểu mẫu hướng dẫn cấp dưới trực thuộc và hàng năm tổ chức thực hiện theo dõi, đánh giá việc quản lý và sử dụng đất đai đối với cấp của mình và cấp dưới trực thuộc và báo cáo về UBND cấp trên trực tiếp.
1. UBND cấp xã và cấp huyện hoàn thành báo cáo trước 15 tháng 10 hàng năm và gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 30 tháng 10 hàng năm.
2. Cấp tỉnh hoàn thành báo cáo trước ngày 15 tháng 11 hàng năm và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 11 hàng năm.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành báo cáo trước ngày 31 tháng 12 hàng năm và trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc theo dõi, đánh giá việc quản lý và sử dụng đất đai.
1. Nội dung hệ thống theo dõi và đánh giá
a) Việc xây dựng, ban hành, tổ chức, triển khai thi hành pháp luật đất đai.
b) Hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai sự tác động của chính sách, pháp luật về đất đai đến kinh tế - xã hội và môi trường.
c) Việc chấp hành pháp luật đất đai người sử dụng đất.
d) Kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật đất đai đối với cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và người sử dụng đất.
đ) Công tác theo dõi và đánh giá được thực hiện định kỳ hàng năm..
2. Đối tượng theo dõi và đánh giá đối với cơ quan quản lý về đất đai và người sử dụng đất.
1. Theo dõi, tổng hợp việc thi hành pháp luật về đất đai; phân tích, đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng đất và tác động của chính sách, pháp luật về đất đai đến kinh tế, xã hội và môi trường.
2. Tiếp nhận các ý kiến của tổ chức, công dân về quản lý, sử dụng đất; chuyển ý kiến đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
3. Công khai các thông tin thu nhận được từ quá trình quản lý và sử dụng đất đai; kết quả giải quyết quy định tại khoản 2 Điều này trên trang thông tin điện tử của hệ thống theo dõi và đánh giá.
4. Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về đất đai; biện pháp tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về đất đai.
1. Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai là thành phần của hệ thống thông tin đất đai; được thiết lập thống nhất từ Trung ương tới địa phương và được công khai trên mạng thông tin quốc gia theo quy định của pháp luật.
2. Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai phải phản ánh quy mô, chất lượng và hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai; tác động của chính sách, pháp luật về đất đai; mức độ minh bạch và sự tham gia của nhân dân vào quá trình quản lý và sử dụng đất đai thông qua các chỉ số định lượng và định tính.
Việc cung cấp và phản ánh thông tin về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định sau đây:
1. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm báo cáo và cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan các thông tin về quản lý, sử dụng đất đai; kết quả thực hiện các đề án, dự án về quản lý đất đai cho Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan tài nguyên và môi trường cấp trên để và cập nhật vào hệ thống theo dõi và đánh giá.
2. Các Bộ, ngành khác có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập báo cáo và cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan các thông tin có liên quan về quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi nhiệm vụ quản lý của các Bộ, ngành, địa phương cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Các tổ chức, cá nhân phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan các thông tin về quản lý, sử dụng đất đai cho cơ quan quản lý đất đai, Ủy ban nhân dân các cấp để cập nhật vào hệ thống theo dõi và đánh giá.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Theo dõi và đánh giá việc sử dụng đất đối với các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư; các Tập đoàn kinh tế nhà nước; Tổng công ty nhà nước, công ty độc lập do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các dự án có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên. Tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 12.
Thiết kế, xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai; quản lý, tổ chức vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá quản lý và sử dụng đất đai ở Trung ương; hướng dẫn việc quản lý và vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá quản lý và sử dụng đất đai ở địa phương;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện việc đánh giá hàng năm về quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật về đất đai;
c) Lập báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất theo chuyên đề về quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật về đất đai;
d) Ban hành tiêu chí, quy trình đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật về đất đai; biểu, mẫu báo cáo và trách nhiệm báo cáo của hệ thống cơ quan tài nguyên và môi trường.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tự đánh giá cấp mình và theo dõi, đánh giá đối Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương theo thẩm quyền; nội dung và đối tượng đánh giá thực hiện theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 1. Ủy ban nhân dân cấp dưới báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 11 hằng năm.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng, vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương.
3. Người sử dụng đất
a) Các tổ chức sử dụng đất theo quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm báo cáo theo nội dung quy định tại điểm b, c,đ khoản 1 Điều 1 về Bộ Tài nguyên trường trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.
b) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất không thuộc quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm báo cáo theo nội dung quy định tại điểm b, c,đ khoản 1 Điều 1; hằng năm báo cáo về Ủy ban nhân dân dân cấp huyện, tỉnh theo thẩm quyền..
4. Cơ quan tài nguyên và môi trường địa phương có trách nhiệm quản lý và tổ chức vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương; báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan tài nguyên và môi trường cấp trên về quản lý, sử dụng đất đai, tác động của chính sách pháp luật đất đai theo yêu cầu.
1. Căn cứ kiểm tra
Căn cứ vào quy định của pháp luật; căn cứ vào chỉ đạo của cơ quan, người có thẩm quyền hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định; căn cứ vào kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm; căn cứ cho rằng cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai qua đường dây nóng, trên phương tiện thông tin đại chúng để tiến hành kiểm tra.
2. Thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai
a) Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm tra định kỳ được quy định như sau:
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của các cơ quan có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của các cơ quan có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và của Ủy ban nhân dân cấp xã.
b) Thẩm quyền kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai được quy định như sau:
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra đột xuất khi có căn cứ cho rằng cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai;
Thủ trưởng cơ quan có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra chấp hành pháp luật về đất đai, trừ trường hợp quy định tại điểm a Khoản này;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thành lập đoàn kiểm tra đột xuất khi có căn cứ cho rằng cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai;
Thủ trưởng cơ quan có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm c Khoản này;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
c) Trách nhiệm, hình thức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai được quy định như sau:
- Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 223 Luật Đất đai có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;
- Hình thức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai gồm: kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất:
+ Hoạt động kiểm tra định kỳ được thực hiện theo kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
+ Hoạt động kiểm tra đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai được thực hiện khi có căn cứ cho rằng cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định. Không báo trước quyết định thành lập đoàn kiểm tra khi có căn cứ cho rằng việc báo trước dẫn tới đối tượng kiểm tra tẩu tán tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, làm giảm hiệu quả hoạt động của đoàn kiểm tra hoặc theo yêu cầu của người ra quyết định.
3. Nội dung kiểm tra
Nội dung kiểm tra về việc chấp hành pháp luật đất đai được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 223 Luật Đất đai.
4. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục, thành phần tiến hành kiểm tra.
5. Báo cáo kết quả kiểm tra
a) Chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra, người kiểm tra có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra với Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
b) Báo cáo kết quả kiểm tra bao gồm các nội dung sau đây:
- Đánh giá tình hình, kết quả kiểm tra;
- Kết luận về nội dung kiểm tra;
- Kiến nghị các biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật và các nội dung khác có liên quan đến đảm bảo việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra.
6. Xử lý kết quả kiểm tra
a) Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm pháp luật về đất đai của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển người có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; chuyển sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự nếu quá trình kiểm tra làm rõ được các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của các cá nhân có trách nhiệm.
b) Kết quả kiểm tra phải được Thủ trưởng, người có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra thông báo bằng văn bản và phải gửi cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được kiểm tra và các cơ quan, đơn vị có liên quan và được công khai theo quy định của pháp luật.
Thời hạn thông báo kết quả kiểm tra tối đa là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc hoạt động kiểm tra.
c) Yêu cầu đối tượng kiểm tra, cá nhân, tổ chức có liên quan hoàn thành việc thực hiện thông báo kết luận kiểm tra. Trong trường hợp việc chưa hoàn thành thực hiện thông báo kết luận kiểm tra, gây ra thiệt hại, thì buộc cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm bồi thường.
1. Đối với những địa phương đã thực hiện việc dồn điền, đổi thửa nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, xây dựng kế hoạch hàng năm để tổ chức thực hiện việc đo đạc, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính theo hiện trạng sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa; tổ chức kê khai, đăng ký sử dụng đất; lập hồ sơ và trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất sau khi đã dồn điền, đổi thửa; ký lại Hợp đồng thuê đất theo phương án dồn điền, đổi thửa được phê duyệt đối với các trường hợp thuê đất.
Đối với những địa phương đang thực hiện việc dồn điền, đổi thửa trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo phương án dồn điền, đổi thửa.
2. Đối với đất do tổ chức kinh tế đang sử dụng có nguồn gốc do được Nhà nước giao đất ổn định lâu dài để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định của pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 hoặc có nguồn gốc trúng đấu giá quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà không xác định thời hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất ổn định lâu dài.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm rà soát các trường hợp đang thực hiện thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2024 để xử lý theo quy định sau đây:
a) Trường hợp đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, giới thiệu địa điểm hoặc thông báo thu hồi đất gửi đến từng người có đất thu hồi hoặc văn bản cho phép chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất thuộc phạm vi dự án từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2024 nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì xử lý như sau:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện dự án và áp dụng hình thức thu hồi đất hoặc chủ đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, nếu phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan phải dừng thực hiện dự án nếu không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Trường hợp thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nhưng cho phép chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất thuộc phạm vi dự án mà đến ngày 01 tháng 7 năm 2024 còn diện tích đất không thỏa thuận được thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi phần diện tích đất mà chủ đầu tư và người sử dụng đất không đạt được thỏa thuận để thực hiện dự án đầu tư.
b) Trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà chưa tổ chức thực hiện cưỡng chế thì việc cưỡng chế thu hồi đất phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
c) Đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển không thuộc trường hợp do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 01 tháng 7 năm 2024 nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì phải thực hiện theo quy định
của Luật đất đai.
d) Trường hợp đã lựa chọn được nhà đầu tư trước ngày 20 tháng 4 năm 2020 (ngày Nghị định số 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) theo quy định của pháp luật về đấu thầu mà nay kết quả đấu thầu dự án có sử dụng đất vẫn còn hiệu lực thực hiện nhưng chưa thực hiện giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu
hoặc trường hợp đã lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật Đầu tư thì áp dụng theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 3 Điều 68 Nghị định số
43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
e) Đối với các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê tại các phường của đô thị loại I trực thuộc trung ương đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản theo quy định của pháp luật cho phép được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện.
g) Đối với trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp được miễn tiền sử dụng đất theo quy định tại
điểm b khoản 2 Điều 118 của Luật Đất đai năm 2013 trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất.
h) Đối với trường hợp sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh quy định tại
Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP mà có diện tích đất do Nhà nước giao để quản lý, đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích và có thể tách thành một dự án độc lập nhưng Nhà nước đã có quyết định thu hồi và giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì nhà đầu tư được tiếp tục sử dụng đất cho đến khi hết thời hạn giao đất, cho thuê đất. Đối với trường hợp đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Đối với trường hợp đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành mà văn bản chấp thuận đã vượt quá 36 tháng kể từ ngày ký nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện thỏa thuận với người sử dụng đất và việc sử dụng đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì nhà đầu tư phải thực hiện lại thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận theo quy định của Nghị định này.
4. Đối với hồ sơ giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận nhưng đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2024 chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì giải quyết theo quy định sau đây:
a) Người xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không phải làm lại hồ sơ đã nộp, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
b) Trường hợp hồ sơ đã nộp không phù hợp về hình thức giao đất, thuê đất; về đối tượng xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép so với quy định của Luật Đất đai năm 2023 và Nghị định này thì cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người nộp hồ sơ hoàn thiện hồ sơ để được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật Đất đai năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
5. Cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh đối với trường hợp đã có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không phụ thuộc vào thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014.
6. Đối với hồ sơ thu hồi đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập nhưng đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2024 chưa có quyết định thu hồi đất thì giải quyết theo quy định sau đây:
a) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền không phải làm lại hồ sơ đã lập, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục thu hồi đất của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
b) Trường hợp hồ sơ đã lập không phù hợp về các trường hợp thu hồi đất, về căn cứ thu hồi đất, về điều kiện thu hồi đất so với quy định của Luật Đất đai năm 2023 và Nghị định này thì cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người nộp hồ sơ hoàn thiện hồ sơ để được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật Đất đai năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
7. Trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2024 mà chưa tổ chức thực hiện cưỡng chế thì việc cưỡng chế thu hồi đất phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2023.
8. Đối với trường hợp sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh quy định tại Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP mà có diện tích đất do Nhà nước giao để quản lý, đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích và có thể tách thành một dự án độc lập nhưng Nhà nước đã có quyết định thu hồi và giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư trước ngày Nghị định số 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì nhà đầu tư được tiếp tục sử dụng đất cho đến khi hết thời hạn giao đất, cho thuê đất.
Đối với trường hợp đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất và đã thực hiện theo quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP thì nhà đầu tư được tiếp tục sử dụng đất cho đến khi hết thời hạn giao đất, cho thuê đất.
9. Đối với trường hợp đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp trước ngày Nghị định số 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà văn bản chấp thuận đã vượt quá 36 tháng kể từ ngày ký nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện thỏa thuận với người sử dụng đất và việc sử dụng đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; sau ngày Nghị định số 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, nhà đầu tư đã thực hiện lại thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận theo quy định của Nghị định số 148/2020/NĐ-CP thì văn bản chấp thuận không vượt quá 36 tháng kể từ ngày ký.
10. Công trình, dự án về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt:
- Đã xây dựng, nghiệm thu theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục khai thác, sử dụng. Cơ quan có trách nhiệm tổ chức xây dựng phải có kế hoạch thực hiện việc chuẩn hóa hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương theo quy định của Nghị định này đảm bảo hệ thống thông tin đất đai thống nhất trên phạm vi cả nước.
- Chưa tổ chức triển khai xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng nhưng chưa được nghiệm thu thì phải điều chỉnh nội dung công trình, dự án đó cho phù hợp với quy định tại Nghị định này đảm bảo hệ thống thông tin đất đai thống nhất trên phạm vi cả nước.
11. Đối với các địa phương hiện đang vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương mà chưa đáp ứng các yêu cầu tại Nghị định này thì được tiếp tục khai thác sử dụng. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng lộ trình, kế hoạch để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương theo quy định của Nghị định này.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2024.
2. Nghị định này thay thế các Nghị định sau:
a) Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
b) Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất
c) Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất;
d) Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất và mặt nước;
đ) Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
e) Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
g) Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về khung giá đất;
h) Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
i) Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
k) Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
l) Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành trái với quy định của Luật Đất đai, của Nghị định này để sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn thi hành các Điều, Khoản được giao trong Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Báo cáo Về việc lồng ghép giới trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Cơ quan ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ngày ban hành:
Số hiệu:
Mô tả:
Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
A1109-bc118-BTNMT-long-ghep-gioi-DA-Luat-Dat-dai-sd---20220930095948.doc
Thực hiện Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; trong đó, điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022) và kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10 năm 2023); Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Thực hiện các quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin báo cáo việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) như sau:
I. CÁC VĂN BẢN ĐIỀU CHỈNH VIỆC LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG XÂY DỰNG VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định về việc công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới (Điều 26); Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em (Điều 58)...
Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Luật đã quy định nhiều biện pháp để bảo đảm bình đẳng giới, trong đó lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật là một trong 06 nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, đồng thời là biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, phù hợp với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, Công ước về chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW)… các nguyên tắc này cũng như việc hướng dẫn thi hành Luật đã được cụ thể hóa ở một số văn bản hướng dẫn như: Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bình đẳng giới, Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật bình đẳng giới.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 63/2020/QH14 của Quốc hội), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ) cũng đã quy định về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Ban Soạn thảo và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VIỆC LỒNG GHÉP GIỚI TRONG PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI HIỆN HÀNH
1. Những kết quả đạt được
Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được quy định theo hướng không có sự phân biệt nam hay nữ đều có quyền bình đẳng như nhau trong việc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường theo quy định của pháp luật… cụ thể:
Luật quy định cụ thể và đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cá nhân (bao gồm cả nam và nữ), hộ gia đình (trong đó bao gồm phụ nữ) sử dụng đất phù hợp với từng hình thức như giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất…
Luật quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo một cách công khai, minh bạch và quyền lợi của người có đất thu hồi; về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, luật quy định: “Nhà nước chỉ thu hồi đất với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét qua chủ trương thu hồi đất”.
Luật cụ thể các vấn đề bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở như nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất ở: người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 Luật Đất đai năm 2013, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường như sau: trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền; trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 thì được bồi thường về đất. Vấn đề này, sắp tới Chính phủ sẽ quy định hướng dẫn chi tiết.
Bên cạnh đó, Luật quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở; hỗ trợ khác (Quốc hội giao cho Chính phủ sẽ quy định chi tiết về vấn đề này).
Luật mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản suất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể: nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm, thống nhất cho các loại đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp); cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ với diện tích lớn hơn (không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp).
Bên cạnh đó, các quyền cơ bản của công dân bao gồm cả nam và nữ được Hiến pháp quy định cũng đã được cụ thể hóa trong Luật Đất đai năm 2013 như (1) quyền được tiếp cận thông tin đất đai
(tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai…); (2) quyền giám sát của công dân đối với đất đai (
Điều 199 Luật Đất đai đã quy định Công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai); (3) quyền tham gia góp ý kiến trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quá trình xây dựng Bảng giá đất tại các địa phương; quá trình xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất...(4) quyền phản ảnh các thông tin liên quan đến tình hình quản lý sử dụng đất đến các cơ quan có thẩm quyền; quyền khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai; (5) quyền tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai…
Luật Đất đai năm 2013 đảm bảo quyền và lợi ích của những người sử dụng đất hợp pháp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất và bảo đảm thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Đồng thời khắc phục một cách cơ bản những trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đảm bảo sự bình đẳng giữa những người sử dụng đất và ổn định chính trị xã hội ở nông thôn.
Luật Đất đai năm 2013 đã quy định hộ gia đình sử dụng đất là những người có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất, trong đó tại khoản 29 Điều 3 quy định “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.
Luật Đất đai năm 2013 cũng điều chỉnh nội dung bắt buộc ghi tên cả vợ và chồng trên Giấy chứng nhận đối với trường hợp tài sản là của chung cả vợ và chồng, trong đó tại khoản 4 Điều 98 quy định “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”. Đối với trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi tên vợ hoặc chỉ ghi tên chồng, pháp luật đất đai đã điều chỉnh để tạo sự công bằng và khắc phục những tồn tại đã có. Cụ thể tại khoản 4 Điều 98 quy định “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu”.
Nội dung trên cũng được Chính phủ quy định chi tiết thực hiện việc cấp đổi Giấy chứng nhận đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi tên vợ hoặc chỉ ghi tên chồng mà nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả tên vợ chồng đối với trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng (điểm d khoản 1 Điều 76 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP), Bộ Tài nguyên và tên chồng.
Để hướng dẫn các địa phương trong quá trình thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên cả vợ và chồng, tại điểm d khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quy định trên trang 1 của Giấy chứng nhận “trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng như quy định tại điểm a và điểm b khoản này”.
Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Điều 168 Luật Đất đai quy định về
thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất đã quy định:
người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý rất quan trọng để Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất và để người sử dụng đất thực hiện các quyền của mình.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2013, thực hiện các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi tên cả vợ và chồng trên Giấy chứng nhận đối với trường hợp tài sản là của chung cả vợ và chồng đã đạt được các kết quả. Đến nay tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 24,69 triệu Giấy chứng nhận (hộ gia đình là 15,07 triệu Giấy chứng nhận, cá nhân là 5,01 triệu Giấy chứng nhận, cả vợ và chồng là 4,6 triệu Giấy chứng nhận), trong đó có 15,68 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ. Cụ thể như sau:
- Vùng miền Núi Phía Bắc: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 4,79 triệu Giấy chứng nhận, trong đó 2,98 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 62%.
- Vùng Đồng Bằng Bắc Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 4,16 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 2,94 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 71%.
- Vùng Bắc Trung Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 5,24 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 4,01 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 76%.
- Vùng Nam Trung Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 1,65 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 862.529 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 52%.
- Vùng Tây Nguyên: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 2,48 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 1,62 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 65%.
- Vùng Đông Nam Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 809.269 Giấy chứng nhận, trong đó có 527.117 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 65%.
- Vùng Tây Nam Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 5,54 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 2,73 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 49%.
Như vậy, số Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 64% trên tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho đối tượng là hộ gia đình, vợ chồng và cá nhân, trong đó Bắc Trung Bộ là vùng có tỷ lệ Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ cao nhất với 76% tương ứng với 4,01 triệu Giấy chứng nhận, Tây Nam Bộ là vùng có tỷ lệ Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ là thấp nhất với 49% tương ứng với 2,73 triệu Giấy chứng nhận.
Chi tiết cụ thể đối với các loại đất như sau:
* Đối với đất nông nghiệp:
Đến nay tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 13,54 triệu Giấy chứng nhận (hộ gia đình là 9,08 triệu Giấy chứng nhận, cá nhân là 2,85 triệu Giấy chứng nhận, cả vợ và chồng là 1,6 triệu Giấy chứng nhận), trong đó có 9,27 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ. Cụ thể như sau:
- Vùng miền Núi Phía Bắc: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 2,61 triệu Giấy chứng nhận, trong đó 1,68 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 64%.
- Vùng Đồng Bằng Bắc Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 1,68 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 1,15 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 69%.
- Vùng Bắc Trung Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 2,82 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 1,92 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 68%.
- Vùng Nam Trung Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 1,16 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 593.673 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 51%.
- Vùng Tây Nguyên: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 1,62 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 1,05 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 65%.
- Vùng Đông Nam Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 373.785 Giấy chứng nhận, trong đó có 246.219 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 66%.
- Vùng Tây Nam Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 3,5 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 1,7 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 49%.
Như vậy, số Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 68% trên tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho đối tượng là hộ gia đình, vợ chồng và cá nhân, trong đó Đồng Bằng Bắc Bộ là vùng có tỷ lệ Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ cao nhất với 69% tương ứng với 1,68 triệu Giấy chứng nhận, Tây Nam Bộ là vùng có tỷ lệ Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ thấp nhất với 49% tương ứng với 3,5 triệu Giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, số Giấy chứng nhận đã cấp đất nông nghiệp là tài sản chung của cả vợ và chồng là 1,6 triệu Giấy chứng nhận (trong đó có 1,24 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 78%). Trong đó, vùng Nam Trung Bộ có số lượng Giấy chứng nhận là tài sản chung có tên người phụ nữ cao nhất với 57.378 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 95%, vùng Bắc Trung Bộ có số lượng Giấy chứng nhận là tài sản chung có tên người phụ nữ thấp nhất với 180.932 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 67%.
Số Giấy chứng nhận đất nông nghiệp cấp cho hộ gia đình đã thực hiện cấp đổi là 2,89 triệu Giấy chứng nhận (trong đó có 2,29 triệu Giấy chứng nhận cấp đổi có tên người phụ nữ chiếm 79%). Trong đó, vùng Đồng Bằng Bắc Bộ có số lượng Giấy chứng nhận đất nông nghiệp đã cấp đổi có tên người phụ nữ cao nhất là gần 574.284 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 87%, vùng Miền Núi Phía Bắc có số lượng Giấy chứng nhận đất nông nghiệp đã cấp đổi có tên người phụ nữ thấp nhất là 430.711 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 67%.
* Đối với đất ở
Đến nay tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 11,11 triệu Giấy chứng nhận (hộ gia đình là 5,94 triệu Giấy chứng nhận, cá nhân là 2,07 triệu Giấy chứng nhận, cả vợ và chồng là 3,1 triệu Giấy chứng nhận), trong đó có 7,43 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ. Cụ thể như sau:
- Vùng Miền Núi Phía Bắc: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 2,11 triệu Giấy chứng nhận, trong đó 1,35 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 64%.
- Vùng Đồng Bằng Bắc Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 2,45 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 1,78 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 73%.
- Vùng Bắc Trung Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 2,57 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 1,98 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 77%.
- Vùng Nam Trung Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 711.297 Giấy chứng nhận, trong đó có 399.846 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 56%.
- Vùng Tây Nguyên: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 1,04 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 714.422 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 68%.
- Vùng Đông Nam Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 332.743 Giấy chứng nhận, trong đó có 217.787 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 65%.
- Vùng Tây Nam Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 1,89 triệu Giấy chứng nhận, trong đó có 974.581 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 51%.
Như vậy, số Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 67% trên tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho đối tượng là hộ gia đình, vợ chồng và cá nhân, trong đó Bắc Trung Bộ là vùng có tỷ lệ Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ cao nhất với 77% tương ứng với 2,57 triệu Giấy chứng nhận, Tây Nam Bộ là vùng có tỷ lệ Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ là thấp nhất với 51% tương ứng với 1,89 triệu Giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, số Giấy chứng nhận đã cấp là tài sản chung của cả vợ và chồng là 3,1 triệu Giấy chứng nhận (trong đó có 2,53 triệu Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 78%). Trong đó, vùng Nam Trung Bộ có số lượng Giấy chứng nhận là tài sản chung có tên người phụ nữ cao nhất với 79.429 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 95%, vùng Bắc Trung Bộ có số lượng Giấy chứng nhận là tài sản chung có tên người phụ nữ thấp nhất với 571.512 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 67%.
Số Giấy chứng nhận đất ở cấp cho hộ gia đình đã thực hiện cấp đổi là 1,8 triệu Giấy chứng nhận (trong đó có 1,44 triệu Giấy chứng nhận cấp đổi có tên người phụ nữ chiếm 80%). Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ có số lượng Giấy chứng nhận đất ở đã cấp đổi có tên người phụ nữ cao nhất là 583.098 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 88%, vùng Tây Nam Bộ có số lượng Giấy chứng nhận đất ở đã cấp đổi có tên người phụ nữ thấp nhất là 67.756 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 64%.
* Đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp
Đến nay tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 66.087 Giấy chứng nhận (hộ gia đình là 26.786 Giấy chứng nhận, cá nhân là 4.129 Giấy chứng nhận, cả vợ và chồng là 35.172 Giấy chứng nhận), trong đó có 46.340 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ. Cụ thể như sau:
- Vùng miền Núi Phía Bắc: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 950 Giấy chứng nhận, trong đó 604 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 64%.
- Vùng Đồng Bằng Bắc Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 2.703 Giấy chứng nhận, trong đó có 1.677 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 62%.
- Vùng Bắc Trung Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 1.723 Giấy chứng nhận, trong đó có 1.401 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 81%.
- Vùng Nam Trung Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 296 Giấy chứng nhận, trong đó có 193 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 65%.
- Vùng Tây Nguyên: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 7.159 Giấy chứng nhận, trong đó có 5.073 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 71%.
- Vùng Đông Nam Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 30.962 Giấy chứng nhận, trong đó có 24.620 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 80%.
- Vùng Tây Nam Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 22.294 Giấy chứng nhận, trong đó có 12.772 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 57%.
Như vậy, số Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 70% trên tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho đối tượng là hộ gia đình, vợ chồng và cá nhân, trong đó Bắc Trung Bộ là vùng có tỷ lệ Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ cao nhất với 81% tương ứng với 1.723 Giấy chứng nhận, Tây Nam Bộ là vùng có tỷ lệ Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ là thấp nhất với 57% tương ứng với 22.294 Giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, số Giấy chứng nhận đã cấp đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp là tài sản chung của cả vợ và chồng là 35.172 Giấy chứng nhận (trong đó có 26.845 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 76%). Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có số lượng Giấy chứng nhận là tài sản chung có tên người phụ nữ cao nhất với 14.258 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 88%, vùng Đồng Bằng Bắc Bộ có số lượng Giấy chứng nhận là tài sản chung có tên người phụ nữ thấp nhất với 416 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 64%.
Số Giấy chứng nhận đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cấp cho hộ gia đình đã thực hiện cấp đổi là 7.615 Giấy chứng nhận (trong đó có 4.956 Giấy chứng nhận cấp đổi có tên người phụ nữ chiếm 65%). Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ có số lượng Giấy chứng nhận đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp đã cấp đổi có tên người phụ nữ cao nhất là 450 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 92%, vùng Đông Nam Bộ có số lượng Giấy chứng nhận đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp đã cấp đổi có tên người phụ nữ thấp nhất là 2.017 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 59%.
* Đối với các loại đất còn lại
Đến nay tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 372.462 Giấy chứng nhận (hộ gia đình là 220.788 Giấy chứng nhận, cá nhân là 91.180 Giấy chứng nhận, cả vợ và chồng là 60.494 Giấy chứng nhận), trong đó có 254.574 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ. Cụ thể:
- Vùng miền Núi Phía Bắc: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 13.264 Giấy chứng nhận, trong đó 7.226 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 54%.
- Vùng Đồng Bằng Bắc Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 6.856 Giấy chứng nhận, trong đó có 2.041 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 30%.
- Vùng Bắc Trung Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 107.294 Giấy chứng nhận, trong đó có 97.449 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 91%.
- Vùng Nam Trung Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 104 Giấy chứng nhận, trong đó có 34 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 33%.
- Vùng Tây Nguyên: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 3.874 Giấy chứng nhận, trong đó có 3.584 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 93%.
- Vùng Đông Nam Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 170.247 Giấy chứng nhận, trong đó có 106.405 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 63%.
- Vùng Tây Nam Bộ: tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân và vợ chồng là 70.823 Giấy chứng nhận, trong đó có 37.835 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 53%.
Như vậy, số Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 68% trên tổng số Giấy chứng nhận đã cấp cho đối tượng là hộ gia đình, vợ chồng và cá nhân, trong đó Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ cao nhất với 93% tương ứng với 3.874 Giấy chứng nhận, Đồng Bằng Bắc Bộ là vùng có tỷ lệ Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ là thấp nhất với 30% tương ứng với 6.856 Giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, số Giấy chứng nhận đã cấp các loại đất còn lại là tài sản chung của cả vợ và chồng là 60.494 Giấy chứng nhận (trong đó có 47.448 Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 78%).
Số Giấy chứng nhận các loại đất còn lại cấp cho hộ gia đình đã thực hiện cấp đổi là 39.881 Giấy chứng nhận (trong đó có 25.998 Giấy chứng nhận cấp đổi có tên người phụ nữ chiếm 65%). Trong đó, vùng Đồng Bằng Bắc Bộ có số lượng Giấy chứng nhận các loại đất còn lại đã cấp đổi có tên người phụ nữ cao nhất là 537 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 100%, vùng miền Núi Phía Bắc có số lượng Giấy chứng nhận các loại đất còn lại đã cấp đổi có tên người phụ nữ thấp nhất là 831 Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ 17%.
2. Nhận xét, đánh giá
- Việc quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên cả vợ và chồng đã tạo ra sự bình đẳng giới trong quan hệ tài sản giữa những thành viên trụ cột trong gia đình; đảm bảo pháp lý về quyền bình đẳng ngang nhau cho vợ và chồng đối với khối tài sản chung của hai người; đồng thời, thể hiện sự tiến bộ của xã hội, mọi người đều có quyền bình đẳng, tạo điều kiện để người phụ nữ tham gia tích cực trong phát triển kinh tế.
- Quy định của pháp luật về đất đai đối với việc cả vợ và chồng cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận đã làm tăng tỷ lệ Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp Giấy chứng nhận với đối tượng là hộ gia đình và đối tượng là vợ và chồng có chung quyền sử dụng đất nhưng mới có tên người chồng vẫn còn nhiều (khoảng 12 triệu Giấy chứng nhận đối với trường hợp này). Tỷ lệ chuyển đổi Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng vẫn còn thấp vì nhiều lý do, trong đó có hạn chế về nguồn lực của nhà nước đối với việc triển khai thực hiện, người dân chưa biết về quy định của pháp luật, chưa biết về cơ hội được chuyển và lợi ích của việc chuyển đổi, tâm lý e ngại về thủ tục giấy tờ và chi phí cũng như yếu tố nhạy cảm về văn hóa - xã hội.
- Qua kết quả tổng hợp của các địa phương đã được đánh giá thực trạng tại mục 2 của báo cáo này cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc thực hiện chính sách về cấp Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng trong suốt quá trình thực hiện pháp luật về đất đai đến nay, đặc biệt là việc thực hiện quy định ghi tên người phụ nữ trên Giấy chứng nhận.
- Việc cấp Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng đã có những tích cực hơn trong việc quản lý như: tránh được các khiếu nại, khiếu kiện khi giải quyết các tranh chấp, từng bước đảm bảo quyền phụ nữ nói riêng và quyền của người sử dụng đất nói chung.
- Việc cấp Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng làm minh bạch trong quan hệ sử dụng đất đai, tạo điều kiện để người phụ nữ được chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
- Việc cấp Giấy chứng nhận mang tên cả vợ, chồng đã giải quyết được các mâu thuẫn nội tại gia đình, góp phần nâng cao vị thế, trách nhiệm của người phụ nữ trong các giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất như: chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp...
- Việc cấp Giấy chứng nhận mang tên cả vợ, chồng nhằm xác định rõ chủ thể trong sử dụng đất, tránh các tranh chấp, làm minh bạch quyền của người sử dụng đất, bảo vệ người phụ nữ, làm ổn định xã hội. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất hoặc cấp Giấy chứng nhận cho tài sản chung là của cả vợ và chồng nhưng trên Giấy chứng nhận chỉ ghi tên người chồng, khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chỉ do người chồng thực hiện, trong khi người vợ không được biết hoặc không được tham gia đối với việc định đoạt tài sản trên. Để tránh việc người phụ nữ không được định đoạt đối với tài sản có phần quyền của mình, pháp luật về đất đai đã quy định đối với trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là của chung của vợ và chồng thì Giấy chứng nhận ghi tên cả vợ và chồng.
- Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng đảm bảo cho phụ nữ và nam giới được bình đẳng với nhau, bảo vệ quyền của phụ nữ, đặc biệt đối với phụ nữ tại các khu vực khó khăn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, hải đảo (khu vực mà người phụ nữ dễ bị xâm phạm về quyền). Trong trường hợp có vấn đề phát sinh về quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng sẽ bảo vệ được quyền lợi chính đáng của các đối tượng có liên quan.
- Việc cấp Giấy chứng nhận mang tên cả vợ, chồng đã góp phần tạo sự bình đẳng nam, nữ trong xã hội Việt Nam nói chung và trong việc tiếp cận sử dụng đất đai nói riêng. Hơn nữa, hoạt động này còn tạo ra sự đồng thuận trong xã hội về việc bảo vệ quyền của phụ nữ đối với tài sản là nhà, đất. Ở khía cạnh khác, phụ nữ là lực lượng chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp, khi họ được bình đẳng với nam giới về quyền và nghĩa vụ trong sử dụng đất đai sẽ tạo ra động lực tích cực giúp phụ nữ hăng say sản xuất góp phần đáng kể vào quá trình đẩy nhanh giảm tỷ lệ đói, nghèo.
- Quyền bình đẳng giới trong sử dụng đất được nâng cao và được tôn trọng góp phần giảm thiểu sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ; các mâu thuẫn, xung đột trong gia đình được giải quyết ổn thỏa góp phần tạo nền móng vững chắc để duy trì sự ổn định của xã hội;- Giảm tranh chấp về đất đai góp phần giữ gìn trật tự xã hội, truyền thống, phong tục tập quán; Cung cấp hiểu biết pháp luật đất đai nói chung và về cấp Giấy chứng nhận có ghi tên cả vợ và chồng nói riêng cho cán bộ và người dân.
- Sự tham gia của phụ nữ trong quản lý, sử dụng đất đã góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình, họ có tiếng nói trong quá trình ra quyết định, tham gia nhiều hơn vào các quyết định trong gia đình và từ đó họ cũng mạnh dạn hơn khi tham gia vào các công việc cộng đồng, xã hội. Tạo điều kiện cho người phụ nữ được làm chủ đất đai, hạn chế lệ thuộc vào nam giới, vai trò giới được nâng cao, phát huy, tạo điều kiện để người phụ nữ thoát được đói nghèo và phát triển bản thân, chủ động giải quyết công việc nhanh hơn, hợp lý hơn. Nâng cao sự hiểu biết xã hội của phụ nữ, điều này có tác động rất lớn tới việc giáo dục con cái - những chủ nhân tương lai của đất nước.
- Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ đối với trường hợp có chung quyền sử dụng đất, tăng tiếp cận tín dụng (có thể thực hiện chủ động đối với việc thế chấp tại các tổ chức tín dụng) và mức chi tiêu hộ gia đình, từ đó có thể tăng tiêu dùng và đầu tư hoặc tái đầu tư vào sản xuất cũng như giảm tỷ lệ nghèo. Việc người phụ nữ có tên trên Giấy chứng nhận được đảm bảo trong quá trình thực hiện quyền đối với đất đai và tài sản (thực tế làm tăng quyền của phụ nữ trong việc ra quyết định). Vì vậy, lợi ích từ việc cấp Giấy chứng nhận cho vợ chồng và cho hộ gia đình có tên người phụ nữ tạo ra những lợi ích tích cực, nên việc thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cho vợ chồng có chung quyền sử dụng đất nhưng chỉ đang ghi tên người chồng sang Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng là việc cần thiết.
Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cho vợ chồng có chung quyền sử dụng đất nhưng chỉ đứng tên người chồng tập trung chủ yếu đối với đất nông nghiệp và đất ở. Trong đó, giá trị mang lại (lợi ích) đối với đất ở cao hơn hẳn, trong khi nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, nên trước mắt cần tập trung việc cấp đổi Giấy chứng nhận đối với đất ở.
3. Khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những mặt được như đã nêu trên, còn có những khó khăn, thách thức trong việc nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ, tạo sự bình đẳng trong xã hội. Trong đó, đảm bảo khi thực hiện quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người phụ nữ được thực thi vẫn còn gặp nhiều rào cản, như bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ đối với những trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận là có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình, có chung quyền sử dụng đất của vợ và chồng nhưng chỉ ghi tên người chồng trên Giấy chứng nhận cũng như việc thực hiện việc cấp đổi Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng. Cụ thể như sau:
- Theo quy định của pháp luật về đất đai năm 2013 thì việc đăng ký đất đai là bắt buộc đối với cả người sử dụng đất và người quản lý đất, tuy nhiên việc cấp Giấy chứng nhận được thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất. Vì vậy, đối với các Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất hoặc có chung quyền sử dụng đất của vợ và chồng nhưng Giấy chứng nhận chỉ ghi tên người chồng trong khi pháp luật không có cơ chế bắt buộc phải đổi Giấy chứng nhận dẫn đến tình trạng nhiều Giấy chứng nhận chưa được cấp đổi mang tên cả vợ và chồng. Tình trạng trên gây cản trở đối với quá trình nâng cao vị thế, vai trò, bình đẳng của người phụ nữ cũng như quá trình thực hiện lồng ghép việc cấp đổi Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng của một số dự án.
- Một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về những lợi ích của việc Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng mà coi việc ghi tên cả vợ và chồng trên Giấy chứng nhận là phiền hà về thủ tục, khó khăn khi mọi giao dịch liên quan đều cần có mặt của cả vợ và chồng hoặc không cũng phải có thủ tục uỷ quyền mà chưa thấy việc làm trên sẽ đem lại cho người phụ nữ sự an toàn về mặt pháp lý.
- Để đảm bảo thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng cần thiết phải nâng cao nhận thức của xã hội, của người dân, việc làm trên vừa thuận lợi cho công tác quản lý vừa bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả các đối tượng sử dụng đất. Vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng là hết sức cần thiết, tuy nhiên trong thời gian vừa qua nguồn lực thực hiện còn hạn chế (nguồn lực về con người, nguồn lực về kinh phí) nên công tác trên chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, đầy đủ tại các khu vực.
- Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận đã cấp cho tài sản chung là của vợ và và chồng nhưng chỉ ghi tên người chồng hiện nay trên cả nước còn khoảng 12 triệu Giấy chứng nhận, với kinh phí ước tính cho việc thực hiện cấp đổi trên khoảng 6.000 tỷ đồng (khoảng 500.000 đồng cho 01 Giấy chứng nhận thực hiện cấp đổi). Đây là nguồn kinh phí rất lớn trong khi nguồn lực của Nhà nước còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc thực hiện cấp đổi khối lượng Giấy chứng nhận trên còn gặp nhiều khó khăn, nên việc thực hiện theo địa bàn còn thiếu tập trung, còn dàn trải, phải phân kỳ thực hiện nên thời gian thực hiện dài làm giảm hiệu quả.
- Tại một địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng một số cán bộ chưa giải thích, hướng dẫn kịp thời khi người sử dụng đất thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận có tên cả vợ và chồng đối với trường hợp quyền sử dụng đất là của chung hộ gia đình, chung cuả vợ chồng.
- Các cán bộ của các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh do điều kiện công tác, do nhận thức chưa đầy đủ nên cũng chưa thực hiện được chức năng tuyên truyền cổ động của mình trong vấn đề này. Điều này cũng là một khó khăn trong quá trình thay đổi dư luận xã hội về việc cấp Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng.
III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU LỒNG GHÉP BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
1. Quan điểm tiếp cận về bình đẳng giới
Để đạt được bình đẳng giới thực chất cần đảm bảo bình đẳng cho nam giới và phụ nữ ở cả 03 mức độ:
- Đảm bảo bình đẳng về cơ hội tham gia;
- Đảm bảo bình đẳng về thực tế tham gia;
- Đảm bảo bình đẳng về lợi ích của sự tham gia.
2. Mục tiêu lồng ghép giới trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, việc lồng ghép giới trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm hướng tới các mục tiêu sau đây:
- Thứ nhất, bảo đảm đồng bộ, thống nhất các quy định của Luật với quy định của pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật khác có liên quan;
- Thứ hai, thiết lập cơ chế pháp lý để mọi cá nhân (không phân biệt nam và nữ) được bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai, trong việc sử dụng đất và trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, kể cả đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất, trường hợp có tranh chấp đất đai và trường hợp phải phân chia đất đai, tài sản gắn liền với đất.
- Thứ ba, các quy định của dự án Luật về chính sách của nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, quyền và trách nhiệm của cá nhân trong việc tham gia ý kiến và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai là cơ chế để bảo đảm bình đẳng giới trong việc thực hiện một số quyền dân sự của cá nhân, đặc biệt là quyền được tham gia ý kiến, quyền giám sát và đánh giá.
- Thứ tư, đóng góp vào việc thiết lập cơ chế bảo đảm bình đẳng giới thực chất trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội theo quy định tại Chương II Luật Bình đẳng giới. Qua đó, thể hiện sự phù hợp và tương thích của pháp luật Việt Nam với Điều 3 và Điều 7 Công ước CEDAW, cũng như các khuyến nghị chung của Ủy ban CEDAW liên quan đến việc bảo đảm các quyền con người của phụ nữ và nam giới trong các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội.
- Thứ năm, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình xây dựng Dự án Luật Đất đai cũng nhằm khắc phục một số bất cập, tồn tại của việc thực hiện bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, thúc đẩy tiến trình bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa phụ nữ và nam giới.
IV. LỒNG GHÉP GIỚI TRONG TỔ CHỨC, THỰC HIỆN DỰ ÁN LUẬT
1. Xác định trách nhiệm chung trong thực hiện quy trình, thủ tục lồng ghép giới
Theo quy định của pháp luật về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, chuẩn bị báo cáo việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo các nội dung:
- Xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh;
- Dự báo tác động của các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành đối với nữ và nam;
- Xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết các vấn đề giới trong phạm vi văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.
Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục lồng ghép giới và các quy định trong Luật bình đẳng giới, trong đó các quy định về quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng đất không phân biệt vị trí, vai trò và trách nhiệm của các giới khác nhau trong quản lý và sử dụng đất đai. Dự thảo Luật luôn hướng tới mục tiêu mà Điều 4 Luật Bình đẳng giới đã nêu là: “xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.
2. Quy trình thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
2.1. Trong việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập
Thực hiện Điều 21 Luật Bình đẳng giới và các quy định có liên quan của Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật, Ban soạn thảo, Tổ biên tập của dự án Đất đai (sửa đổi) được thành lập, cơ cấu thành phần dựa trên ba yêu cầu cơ bản: (1) Bảo đảm được quy định chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (2) Đáp ứng được những đặc thù về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; (3) Đáp ứng được yêu cầu về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong thực hiện dự án Luật với sự tham gia của đại diện cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có liên quan đến vấn đề giới.
Trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Đất đai có 25/122 thành viên là nữ. Việc tham gia của các thành viên nữ sẽ giúp việc soạn thảo dự án Luật có cách nhìn, tiếp cận một cách tổng quan hơn đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới. Đặc biệt, trong thành phần của Ban soạn thảo có đại diện Lãnh đạo Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới), Hội Nông dân Việt Nam (là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân mà trong đó có phụ nữ là những người nông dân yếu thế, dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới). Việc tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới như đã nêu ở trên sẽ giúp vấn đề bình đẳng giới được nghiên cứu, đánh giá, lồng ghép vào các nội dung cụ thể của Luật một cách nghiêm túc, thấu đáo hơn.
2.2. Trong các hoạt động xây dựng dự án Luật
- Thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện các hoạt động sau đây:
Để phục vụ cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1188/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do 01 Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương là Thành viên. Ban Chỉ đạo đã Ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (Quyết định số 548/QĐ-BCĐ ngày 29 tháng 12 năm 2020). Ngày 19 tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 857/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Chỉ đạo đã họp và cho ý kiến về một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và một số vấn đề xin ý kiến.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề cương tổng kết thi hành Luật Đất đai và có văn bản gửi đề nghị các Bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện tổng kết[1]; trên cơ sở kết quả tổng kết của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ đã xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai; lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ngày 08 tháng 7 năm 2021, Chính phủ đã có Tờ trình số 224/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội.
Thực hiện Nghị quyết 17/2021/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Đất đai sửa đổi[2]; ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi); nghiên cứu, xây dựng các nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động rà soát, đánh giá hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến đất đai và xây dựng báo cáo rà soát theo đó đã xác định rõ những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai và các Luật cần phải sửa đổi để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc về dự thảo Luật với cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Bộ đã tổ chức Hội thảo 3 miền (miền Bắc, miền Trung và miền Nam) để lấy ý kiến Ủy ban nhân dân, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, các sở, ban ngành, các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tổ chức hội thảo với các Bộ, ngành có liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội... dự thảo Luật Đất đai cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi các Bộ ngành, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới vào dự thảo Luật; tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập, báo cáo Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi); báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ về những định hướng lớn thể chế trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và một số nội dung chính sách lớn cần thể chế dự thảo Luật. Bộ cũng đã gửi dự thảo Luật để lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI, đăng dự thảo lên Cổng Thông tin địa tử của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến đối tượng chịu tác động…
- Trong các phiên họp của Ban soạn thảo, Tổ biên tập về mục tiêu, quan điểm cơ bản, những định hướng lớn của dự án Luật thì Ban soạn thảo, Tổ biên tập đều trực tiếp hoặc gián tiếp lồng ghép nội dung giới và bình đẳng giới với sự tham gia không chỉ của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập mà còn có sự tham gia của đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề giới.
- Nghiên cứu, tổ chức khảo sát, rà soát, đánh giá về thực trạng và hiệu quả thi hành các quy định liên quan đến vấn đề giới trong việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Ban soạn thảo đã tổ chức Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan đối với dự án Luật, trong đó có vấn đề về bình đẳng giới. Qua đó, vấn đề bình đẳng giới được nghiên cứu, xem xét, thảo luận và được lồng ghép vào quá trình soạn thảo dự án Luật.
- Trong quá trình lấy ý kiến về dự án Luật, cơ quan chủ trì đã thực hiện nghiêm túc việc đăng tải dự thảo Luật, dự thảo Tờ trình Chính phủ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tham vấn ý kiến của đại diện cơ quan, chuyên gia về giới như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tổng hợp ý kiến và nghiên cứu để tiếp thu vào dự thảo Luật.
- Trong thành phần Hội đồng thẩm định dự án Luật ngoài các chuyên gia pháp lý cũng có sự tham gia của đại diện cơ quan có liên quan đến vấn đề giới. Cơ cấu thành phần như vậy cũng đã góp phần làm cho vấn đề bình đẳng giới được nghiên cứu và thể hiện một cách sâu sắc trong dự án Luật.
Dự thảo Luật được Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đại diện các cơ quan, tổ chức và các chuyên gia thống nhất xây dựng trên sự đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh...
V. XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ GIỚI VÀ CÁC BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT TRONG DỰ ÁN LUẬT
1. Dự báo các vấn đề nhạy cảm giới của dự án Luật
- Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật có tác động về giới vì:
+ Phạm vi điều chỉnh của luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất... về cơ bản đều có tác động nhất định về giới.
Phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai là rất rộng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt là chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai. Do vậy, các quy định của dự thảo Luật sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nữ giới hoặc nam giới trong hoạt động này. Trong quá trình soạn thảo việc xem xét góc độ giới trong dự án Luật đã được nghiên cứu toàn diện, nghiêm túc để có chính sách phù hợp ở từng hoạt động cho cả nữ giới và nam giới, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không có nội dung quy định phân biệt về giới tính.
2. Lồng ghép giới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới dựa trên nguyên tắc không có sự phân biệt về giới trong việc việc tiếp cận đất đai cũng như việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; cụ thể:
- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”; Nhà nước trao quyền cho người sử dụng đất gồm hộ gia đình, tổ chức, cá nhân (không phân biệt giới tính nam hay nữ) theo các hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Tùy theo hình thức trao quyền sử dụng đất và các nghĩa vụ tài chính đã thực hiện mà cá nhân không phân biệt nam, nữ đều bình quyền như nhau
Đặc biệt, tại khoản 6 Điều 32 dự thảo Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai đã bổ sung một quyền rất quan trọng liên quan đến bình đẳng giới “quyền bình đẳng giới trong sử dụng đất đai”. Quyền bình đẳng, bình đẳng giới được xuyên suốt trong toàn bộ nội dung dự thảo Luật.
- Luật tiếp tục kế thừa quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ và chồng của Luật Đất đai năm 2013 để thực hiện nhằm tiếp tục bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong việc quyết định đối với tài sản lớn trong gia đình.
- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục kế thừa và làm rõ hơn các quyền của người sử dụng đất, cụ thể như sau:
+ Người sử dụng đất, không phân biệt nam nữ đều có quyền tham gia góp ý kiến trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng Bảng giá đất của địa phương; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…
+ Cá nhân sử dụng đất (không phân biệt nam hay nữ) có quyền phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai; quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai; có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý đất đai;
+ Người sử dụng đất có quyền được tiếp cận thông tin đất đai như: tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; bảng giá đất đã được công bố; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật;
+ Đối với quyền giám sát của công dân, dự thảo Luật Đất đai tiếp tục kế thừa quy định Công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát (1) Việc lập, điều chỉnh, công bố, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; (3) Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; (4)Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; (5) Việc thu, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế liên quan đến đất đai; định giá đất; (6) Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất).
- Việc sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật các nội dung liên quan đến giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất đặc biệt là nội dung liên quan đến chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã góp phần làm minh bạch hóa hơn các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất mà không phân biệt là nam hay nữ.
- Dự thảo Luật tiếp tục khẳng định “phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai” là một trong những nội dung quản lý về đất đai của Nhà nước. Thông qua nội dung này, mọi đối tượng từ người quản lý cho đến người sử dụng đất và các đối tượng khác có liên quan sẽ có nhận thức pháp luật tốt hơn, giúp cho việc thực thi pháp luật đúng và đầy đủ hơn; góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất.
- Việc bổ sung các quy định liên quan đến chế độ sử dụng các loại đất trong dự thảo Luật một lần nữa tiếp tục khẳng định việc không phân biệt về giới trong việc sử dụng đối với các loại đất, đặc biệt việc cho phép linh hoạt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong đất nông nghiệp để làm tăng hiệu quả sử dụng đất cũng tạo điều kiện để người sử dụng đất tăng thu nhập, bảo đảm an sinh - xã hội.
- Để khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, đảm bảo quyền lợi, tạo sinh kế bền vững cho người có đất thu hồi, góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường phù hợp với nhu cầu của người có đất thu hồi và điều kiện cụ thể của từng địa phương như bồi thường bằng tiền, bồi thường bằng đất khác mục đích thu hồi, bồi thường bằng nhà... đối với các dự án phát triển đô thị, nhà ở (bao gồm cả đô thị và nông thôn), phải bố trí tái định cư cho người có đất bị thu hồi tại các dự án mà họ bị thu hồi đất; bổ sung cơ chế hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đối với các trường hợp không đủ điều kiện được bồi thường.
- Luật Đất đai năm 2013 đã có bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; có chính sách khuyến khích nông dân “dồn điền, đổi thửa”, chuyển đổi đất cho nhau; khuyến khích hợp tác, liên kết tập trung ruộng đất thành cánh đồng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ; số thửa ruộng của một hộ giảm, diện tích thửa ruộng tăng. Tuy nhiên, quá trình tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng, dự thảo Luật đã bổ sung một số
cơ chế, chính sách để khuyến khích tích tụ tập trung đất nông nghiệp đồng thời quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc hướng dẫn, hỗ trợ, các biện pháp bảo đảm cho người dân khi tham gia các mô hình. Quy định như dự thảo nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi trong nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Và cũng bảo vệ người nông dân (trong đó có cả nam và nữ) không bị mất tư liệu sản xuất; tạo điều kiện các đối tượng có năng lực về vốn, kỹ thuật vào sử dụng...
VI. DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CỦA CÁC QUY ĐỊNH TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐỐI VỚI NAM VÀ NỮ
Sau khi được ban hành, Luật sẽ tạo cơ hội pháp lý để mọi cá nhân không chỉ được hưởng năng lực pháp lý (khả năng được bình đẳng trên lý thuyết về mặt pháp lý) mà còn tăng cường hơn nữa cơ hội, điều kiện để họ tham gia vào quản lý, sử dụng đất, cụ thể:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và toàn dân về bình đẳng giới trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai;
Thứ hai, trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới, Luật tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân, không phân biệt nam và nữ thực hiện các quyền của mình liên quan đến quản lý, sử dụng đất;
Thứ ba, Luật tạo cơ chế để các cá nhân không phân biệt giới tính có quyền tiếp cận đất đai;
Với các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nêu trên, dự kiến sẽ có một số tác động cụ thể như sau:
- Việc tiếp tục duy trì các quy định về trao quyền sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; đặc biệt là tiếp tục kế thừa quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ và chồng của Luật Đất đai năm 2013 để thực hiện nhằm tiếp tục bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong việc quyết định đối với tài sản lớn trong gia đình. Đây là cơ sở để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Khẳng định tính pháp lý trong sử dụng đất sẽ góp phần làm tăng quyền tham gia và quyền quyết định của các bên có tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đặc biệt là đối với phụ nữ tại khu vực nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa nơi mà đất đai là phương tiện, là sinh kế để duy trì cuộc sống và thoát nghèo.
- Nâng cao khả năng tiếp cận đất đai, đặc biệt là đối với nữ giới sẽ góp phần nâng cao cơ hội vay vốn để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, phục vụ cho sinh hoạt; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của hộ gia đình nói chung, của người phụ nữ nói riêng.
Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động sâu rộng đến kinh tế, chính trị, xã hội và được sự quan tâm của hầu hết mọi người dân. Do đó, việc xác định đúng các vấn đề giới trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển bền vững đất nước./.
[1] Công văn số 962/BTNMT-TCQLĐĐ và Công văn số 963/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 02/3/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
[2] Quyết định số 1680/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 27/8/2021 và Quyết định số 1256/QĐ-BTNMT ngày 13/6/2022
Báo cáo Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Cơ quan ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ngày ban hành:
Số hiệu:
Mô tả:
Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
A1108-bc117-BTNMT-ra-soat-VBQPPL-lien-quan-dt-Luat-Dat-dai-sd---20220930095948.docx
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo như sau:
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ RÀ SOÁT VĂN BẢN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Rà soát pháp luật là việc xem xét, đối chiếu, đánh giá các quy định của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ để rà soát, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.
Đất đai là tài nguyên đặc biệt, bộ phận quan trọng nhất của lãnh thổ quốc gia gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của cả dân tộc, là nguồn lực to lớn cần được phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội. Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hoá, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; được quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý với tầm nhìn dài hạn, hài hoà lợi ích giữa các thế hệ, các vùng, miền, giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hoá, thể thao; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và xuất phát từ yêu cầu mới của quản lý nhà nước, yêu cầu của thực tiễn đặt ra sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.
Kết quả thực hiện chính sách pháp luật đất đai gần 35 năm qua (từ khi có Luật Đất đai năm 1987 cho đến nay) cho thấy giai đoạn đầu khi nhà nước ta ban hành và thực hiện Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993 thì các quan hệ giữa Luật Đất đai và pháp luật có liên quan tương đối ổn định, không có tình trạng mâu thuẫn chồng chéo. Do trong giai đoạn này các mối quan hệ cần phải có Luật để điều chỉnh không nhiều. Riêng đối với lĩnh vực đầu tư đã có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam song các quy định của pháp luật đầu tư giai đoạn này không có vướng mắc với luật đất đai do các quyền về sử dụng đất của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế chưa được đối xử bình đẳng như các tổ chức kinh tế trong nước.
Năm 2003, khi Luật Đất đai được ban hành, nhiều luật có liên quan đến quan hệ đất đai như đầu tư, quản lý tài sản gắn liền với đất được ban hành và có các quy định giao thoa đối với lĩnh vực đất đai, như: Luật Nhà ở năm 2005, Luật kinh doanh bất động sản năm 2006, Luật Quản lý tài sản nhà nước năm 2008, Luật Đầu tư năm 2005…
Đến năm 2013, ngay sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua, thì Luật Đất đai cũng được thông qua. Ngay sau đó, một loạt các luật có liên quan được ban hành như Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Quản lý tài sản công… Việc ban hành nhiều văn bản luật là để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nền kinh tế thị trường đang phát triển tại Việt Nam và là xu hướng tất yếu.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mọi văn bản khi ban hành phải bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất. Các văn bản này đều phải tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành và thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống văn bản pháp luật khác của Việt Nam và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai cho thấy vẫn còn nhiều luật có liên quan đến đất đai có nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đất đai. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra bất cập, hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai thời gian qua.
II. CÁC VĂN BẢN ĐƯỢC RÀ SOÁT
- Nhóm các luật về dân sự gồm Bộ Luật dân sự và 4luật: (1) Luật Công chứng, (2) Luật Hôn nhân và gia đình, (3) Luật Thi hành án dân sự và (4) Luật Đấu giá tài sản.
- Nhóm các luật về quy hoạch, kết cấu hạ tầng, xây dựng, nhà ở, công nghiệp gồm Bộ luật hàng hải và 15 luật: (1) Luật Nhà ở, (2) Luật Xây dựng, (3) Luật Kinh doanh bất động sản, (4) Luật Quy hoạch, (5) Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch, (6) Luật Quy hoạch đô thị, (7) Luật Thủy lợi, (8) Luật Đường sắt, (9) Luật Giao thông đường thủy nội địa, (10) Luật Giao thông đường bộ, (11) Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, (12) Luật Điện lực, (13) Luật Viễn thông, (14) Luật Hóa chất, (15) Luật Bưu chính.
- Nhóm các luật về nông nghiệp gồm 05 luật: (1) Luật Đê điều, (2) Luật Lâm nghiệp, (3) Luật Thủy sản, (4) Luật Trồng trọt và (5) Luật Chăn nuôi.
- Nhóm các luật về tài chính, tài sản công gồm 10 Luật: (1) Luật Giá, (2) Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, (3) Luật Kiểm toán nhà nước, (4) Luật Ngân sách nhà nước, (5) Luật Quản lý thuế, (6) Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, (7) Luật Thuế thu nhập cá nhân, (8) Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, (9) Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, (10) Luật Phí và lệ phí.
- Nhóm các luật về hành chính công gồm 02 luật: (1) Luật Lưu trữ, (2) Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
- Nhóm các luật về đầu tư gồm 14 luật: (1) Luật Đầu tư , (2) Luật Đầu tư công, (3) Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, (4) Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, (5) Luật Đấu thầu, (6) Luật Phòng, chống thiên tai, (7) Luật Thống kê, (8) Luật Thương mại, (9) Luật Doanh nghiệp, (10) Luật Phá sản, (11) Luật Hợp tác xã, (12) Luật Quảng cáo, (13) Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, (14) Luật Công nghệ cao.
- Nhóm các luật về quốc phòng, an ninh gồm 06 luật: (1) Luật Quốc phòng, (2) Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, (3) Luật Cảnh sát biển Việt Nam, (4) Luật Công an nhân dân, (5) Luật Dự trữ quốc gia, (6) Luật Thủ đô.
- Nhóm các luật về xã hội hóa có 10 luật: (1) Luật Việc làm, (2) Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, (3) Luật Thể dục, thể thao sửa đổi, (4) Luật Giáo dục nghề nghiệp, (5) Luật Trẻ em, (6) Luật Xuất bản, (7) Luật Giáo dục đại học, (8) Luật Người khuyết tật, (9) Luật Di sản văn hóa, (10) Luật Dược.
- Nhóm các luật về tài nguyên, môi trường có 07 luật: (1) Luật Bảo vệ môi trường, (2) Luật Biển Việt Nam, (3) Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, (4) Luật Tài nguyên nước, (5) Luật Khoáng sản, (6) Luật Đa dạng sinh học, (7) Luật Đo đạc và bản đồ.
- Nhóm các luật về tư pháp có Bộ luật Hình sự và 11luật: (1) Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, (2) Luật Cư trú, (3) Luật Tiếp cận thông tin, (4) Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, (5) Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, (6) Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, (7) Luật Phòng, chống rửa tiền, (8) Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, (9) Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, (10) Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, (11) Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Các dự thảo Luật đã có trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2022 và 2023 được rà soát
- Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi);
- Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi);
- Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi);
- Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi);
3. Các Nghị định được rà soát
- Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực về an toàn điện.
- Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ).
- Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
- Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
- Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
- Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định một số điều Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
4. Kết quả rà soát các luật, bộ luật có liên quan đến Luật Đất đai được thể hiện chi tiết tại phụ lục số 01 kèm theo Báo cáo này. Trên cơ sở kết quả rà soát, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung thống nhất, đồng bộ với các luật, bộ luật có liên quan, tập trung vào các nhóm vấn đề sau:
- Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
- Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định. Quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương; tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư; quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đào tạo việc làm để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn. Quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận để phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội và các cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn.
- Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng bảng giá đất. Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch. Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Thể chế chính sách ưu đãi thông qua việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các đối tượng chính sách.
- Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Hoàn thiện các chế định về điều tiết của nhà nước để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững. Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để ngươi sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất. Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Có các quy định quy định để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường và giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc.
- Quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực.
- Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.
Theo đó, Dự thảo Luật được sắp xếp, bố cục thành 16 chương với 245 điều, cụ thể như sau:
Chương I. Quy định chung.
Chương II. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai.
Chương III. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Chương IV. Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai.
Chương V. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Chương VI. Thu hồi đất, trưng dụng đất.
Chương VII. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Chương VIII. Phát triển quỹ đất.
Chương IX. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Chương X. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ở.
Chương XI. Tài chính đất đai, giá đất.
Chương XII. Hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai.
Chương XIII. Chế độ sử dụng các loại đất.
Chương XIV. Thủ tục hành chính về đất đai.
Chương XV. Giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Chương XVI. Điều khoản thi hành.
III. KẾT QUẢ RÀ SOÁT
1. Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh
Dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, qua kết quả rà soát có 88 luật, bộ luật có nội dung quy định đề cập đến vấn đề đất đai, trong đó có 22 luật, bộ luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đất đai (nội dung nay đã được thể hiện trong Báo cáo số 100/BC-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Để đảm bảo không trùng lặp phạm vi điều chỉnh giữa Luật Đất đai và các luật, bộ luật có liên quan, dự thảo Luật đã bổ sung một điều (Điều 4) quy định về áp dụng pháp luật, cụ thể như sau:
1. Quản lý và sử dụng đất đai phải thực hiện theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với các luật khác về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư; thu hồi, trưng dụng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đất đai; phân loại đất; điều tra, đánh giá đất đai; chế độ sử dụng các loại đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, trừ các trường hợp sau đây:
a) Việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đấu giá tài sản;
b) Việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đấu thầu;
Việc bổ sung Điều 4 về áp dụng pháp luật là hết sức cần thiết nhằm giải quyết những xung đột, chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các pháp luật đã chỉ ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW[1]; phù hợp với quy định tại 2 khoản 2 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật[2]; đảm bảo Luật Đất đai là đạo luật trung tâm điều chỉnh các quan hệ có liên quan đến quản lý, sử dụng đất.
Qua rà soát hiện nay vẫn còn một số luật có mối quan hệ giao thoa với Luật Đất đai, cụ thể:
- Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có nhiều quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quy định liên quan đến điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Luật Nhà ở năm 2014 và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có các quy định về quỹ đất cho phát triển dự án nhà ở.
- Luật Đầu tư năm 2020 (được sửa đổi bởi Luật số 03/2022/QH15) có quy định việc giao đất, cho thuê đất thông qua các phương thức lựa chọn nhà đầu tư khi đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư,chấp thuận nhà đầu tư.
- Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có mối quan hệ với dự thảo Luật Đất đai về giá trị quyền sử dụng đất được chuyển quyền khi có các hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư, mua bán cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp; góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất tiếp tục rà soát để hoàn thiện quy định này để điều chỉnh với các Luật có mối quan hệ giao thoa như đã nêu ở trên.
2. Về người sử dụng đất
Trên cơ sở kế thừa Điều 5 (người sử dụng đất) của Luật Đất đai 2013 và kết quả rà soát, Điều 6 dự thảo Luật quy định về người sử dụng đất theo đó sửa đổi một số quy định về người sử dụng đất là tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Quá trình rà soát cho thấy:
+ Điều 159 Luật Nhà ở quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài là một trong những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
+ Khoản 2 Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê các loại bất động sản để sử dụng, được mua, thuê nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Dự thảo Luật chưa quy định người sử dụng đất ở là tổ chức, cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Việc chưa quy định nội dung này là phù hợp với quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện nội dung này trong thời gian tới
3. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm thống nhất, đồng bộ, gắn kết thúc đẩy phát triển; quản lý chặt chẽ đất đai về số lượng, chất lượng nhằm thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW và khắc phục những hạn chế đã chỉ ra trong Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về quy hoạch. Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung, hoàn thiện các quy định: (1) Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là hệ thống đồng bộ, thống nhất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện; (2) Đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai; (3) Tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng; (4) Bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ thu hồi đất trong kế hoạch sử dụng đất.
Dự thảo cũng đã rà soát, bãi bỏ nội dung quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung 37 Luật có liên quan đến quy hoạch. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã có một số quy định để đảm bảo đồng bộ với Luật quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể:
- Bổ sung quy định về nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện như sau:
“- Đối với quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng của địa phương.
- Đối với những khu vực còn lại, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này đã có quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải cập nhật định hướng về hệ thống đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo kỳ quy hoạch sử dụng đất.”.
- Sửa đổi khoản 3 Điều 78:
“3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án, các khu vực cần thu hồi đất theo quy hoạch trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.”
Qua rà soát cho thấy:
- Liên quan đến phân loại đất tại Điều 11 của dự thảo Luật và Luật quy hoạch đô thị vẫn có những điểm khác nhau, cụ thể: Luật Quy hoạch đô thị thì tên gọi và phân loại đất theo từng giai đoạn quy hoạch khác biệt với Luật đất đai gồm: đất dân dụng: đất ở, đất công trình công cộng; đất trường học; đất cây xanh; đất ngoài dân dụng; đất trung tâm nghiên cứu, đào tạo; đất hỗn hợp và đất khác…Khái niệm tên gọi các loại đất theo hai Luật trên có sự khác nhau, nên quá trình triển khai thực các quy định của pháp luật về đất đai và đô thị gặp nhiều khó khăn vướng mắc đề nghị cần sửa đổi, bổ sung cho thống nhất
- Việc triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị có mâu thuẫn, trùng lắp khó khăn trong quá trình thực hiện, mục đích sử dụng đất một số vị trí không thống nhất với nhau, dẫn đến trường hợp người sử dụng đất được phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất nhưng không được cấp phép xây dựng do không phù hợp với quy hoạch đô thị.
- Công tác lập quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng có những điểm khác biệt nhau gây khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện, cụ thể:
+ Thời gian: Kỳ quy hoạch không thống nhất, đối với kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm còn quy hoạch xây dựng có nhiều kỳ gồm 5 năm, 10 năm, 20 năm và dài hơn tuỳ theo từng tỷ lệ lập quy hoạch.
+ Không gian và các loại quy hoạch: Quy hoạch sử dụng đất thực hiện theo đơn vị hành chính, hiện chỉ còn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện; Quy hoạch đô thị thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cơ bản không căn cứ vào địa giới hành chính.
Cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng: Do phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai, Luật quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng có sự khác nhau do đó có một số điểm khác biệt. Dự thảo Luật đã có những quy định để đảm bảo thống nhất đồng bộ, không vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, các luật cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với nhau.
4. Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có các quy định nhằm tăng cường công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tiếp cận đất đai để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về chủ trương giao đất, cho thuê chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Theo đó, dự thảo Luật đã quy định: (1) Cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất; (2) Quy định điều kiện để đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (Có trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt; Không thuộc các trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại Error! Reference source not found. và Error! Reference source not found. của Luật này; Đất thuộc quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất; Phải có quy hoạch chi tiết 1/500; Đất đã được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư); (3) Quy định quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất; (4) quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất; (5) quy định đấu giá quyền sử dụng đất trong điều kiện đất chưa giải phóng mặt bằng.
Đối với đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, dự thảo đã (1) quy định điều kiện đất để thực hiện dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư; (2) tiêu chí đối với các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư; (3) điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư …
Quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất trong thời gian qua.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất liên quan đến việc ký quỹ hoặc các hình thức bảo đảm khác theo quy định của pháp luật về đầu tư. Dự thảo Luật đã phân cấp cho địa phương chấp thuận và quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng (Điều 61). Quy định này đã giải quyết được các vướng mắc, bất cập được các bộ, ngành, địa phương nêu ra trong thời gian qua liên quan đến quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư.
Qua rà soát cho thấy:
- Điểm c Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở (được sửa đổi tại điểm c Khoản 1 Điều 75 Đầu tư) quy định chủ đầu tư được chỉ định đối với trường hợp có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 cũng như dự thảo Luật không quy định bắt buộc phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác mới được chuyển mục đích sang làm đất ở mà việc chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Điểm a khoản 1 Điều 32 của Luật Đầu tư quy định dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn Nhà đầu tư, theo đó đã quy định việc giao đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất thực hiện theo Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Quy định này của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP sẽ không còn phù hợp khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất:
- Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các Luật liên quan theo hướng phù hợp với Luật Đất đai; sửa đổi Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn Nhà đầu tư về các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 60) sau khi Luật Đất đai được ban hành.
- Bãi bỏ các quy định của Luật nhà ở liên quan đến đến việc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở để đảm bảo đồng bộ với Luật Đất đai.
5. Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư
5.1. Về thu hồi đất
Dự thảo Luật đã có quy định tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khai thác quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng; cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai..., cụ thể:
- Cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, theo đó:
+ Làm rõ thế nào là Dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (là các dự án phát huy nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chính sách về phát triển hạ tầng, đô thị, nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, phân bổ công bằng, hài hòa giá trị tăng thêm từ đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhằm phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân).
+ Quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bao gồm:
(1). Dự án công trình đầu tư công hoặc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh.
(2). Dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm: Dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở tập trung cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp; Dự án xây dựng công trình thu gom, xử lý chất thải; Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; Dự án xây dựng cơ sở tôn giáo; Dự án xây dựng chợ tại các xã vùng nông thôn; Dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; Dự án khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung.
+ Quy định tiêu chí, điều kiện thu hồi đất đối với một số dự án: a) Các dự án, công trình quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 chỉ thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; Dự án lấn biển do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; Dự án sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho hoạt động khoáng sản; Dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn gồm dự án để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân; hoặc để di dời các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định hoặc để bố trí tái định cư; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và không phù hợp với quy hoạch.
Đối với các dự án, công trình không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án.
- Quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đi trước một bước so với quyết định thu hồi đất.
- Quy định về thẩm quyền thu hồi đất của dự thảo Luật được kế thừa của Luật Đất đai năm 2013 hiện hành, theo đó chỉ có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Qua rà soát cho thấy:
Tại khoản 2 Điều 36 của Luật Thi hành án Dân sự năm 2008 (được sửa đổi năm 2014, 2018 và 2020) quy định: “2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau:
…d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị bãi bỏ thẩm quyền“Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước” của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trong Luật Thi hành án dân sự để bảo đảm thống nhất với thẩm quyền thu hồi đất trong Luật Đất đai.
5.2. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
- Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi, ngoài việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích, bằng tiền, dự thảo đã bổ sung bồi thường bằng đất khác hoặc nhà ở nếu địa phương còn quỹ đất, quỹ nhà ở và người sử dụng đất có nhu cầu; bồi thường đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng theo bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình.
- Bổ sung quy định về hỗ trợ đối với người có đất bị thu hồi nhưng hạn chế khả năng lao động.
- Quy định khu tái định cư phải xây dựng hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền; có điều kiện để đảm bảo cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.
Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.
- Quy định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng để thực hiện trước nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Dự thảo giao Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao trách nhiệm bố trí tái định cư phải thông báo cho người có đất ở thu hồi thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi và tại nơi tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí tái định cư.
Qua rà soát cho thấy:
- Điều 12 Luật Điện lực quy định “Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư dự án điện lực lập và thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư; bồi thường thiệt hại về đất đai, tài sản; bảo vệ diện tích đất dành cho dự án và hành lang an toàn của công trình điện lực.”
- Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực về an toàn điện có quy định về “bồi thường, hỗ trợ nhà ở, công trình, đất và cây trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi xây dựng các công trình lưới điện cao áp.”
- Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có quy định về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất:
Các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các Nghị định có liên quan phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 và không có vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ thống nhất nên xem xét thống nhất quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
7. Về tài chính đất đai, giá đất
- Về việc hủy kết quả trúng đấu giá:
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và quy định hiện hành tại Điểm d khoản 5 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng yêu cầu thì cơ quan tài nguyên và môi trường trình UBND cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
Qua rà soát cho thấy:
Khoản 1 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản quy định kết quả đấu giá tài sản bị hủy trong trường hợp: “Theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, trừ trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;”
Cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng:
Việc đấu giá quyền sử dụng đất để người sử dụng đất tiếp cận đất đai công bằng, minh bạch nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nếu cho phép người trúng đấu giá phạt chậm nộp sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh và trả giá thiếu công bằng giữa những người có năng lực tài chính thực sự, có thể xuất hiện tình trạng người không có năng lực tài chính nhưng cố tình trả giá cao để được trúng đấu giá. Việc cho phép phạt chậm nộp cũng sẽ dẫn đến việc nhà nước phải xử lý các hệ quả pháp lý về sau trong trường hợp người trúng đấu giá không có khả năng nộp tiền để được sử dụng đất.
Do đó, đề nghị việc xử lý các quy định liên quan đến hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cần thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai để thể hiện đúng vị trí, vai trò của đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật đã quy định tại khoản 1 Điều 54 của Hiến pháp.
- Về quyền của tổ chức sử dụng đất và sử dụng tài sản công:
Khoản 2 Điều 199 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Qua rà soát cho thấy:
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định một số điều Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh trong các trường hợp tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất.
Cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng để các cơ quan nhà nước tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước hạn chế tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng đất được nhà nước giao đất không thu tiền thì việc thực hiện như quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp. Trường hợp chuyển quỹ đất này vào kinh doanh thì phải thực hiện thủ tục định giá đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để chuyển quyền sử dụng đất cho các tổ chức kinh tế liên doanh, liên kết theo quy định.
Do vậy, đề xuất việc quản lý, sử dụng đất cần được thực hiện chung theo quy định của Luật Đất đai. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cần quy định việc sắp xếp lại, xử lý đất và các tài sản khác gắn liền với đất là tài sản công như quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật.
8. Về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
* Về quyền sử dụng đất được kê biên, bán đấu giá để thi hành án:
Theo quy định tại Điều 214 của dự thảo Luật thì điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất là phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Qua rà soát cho thấy:
Điều 110 Luật Thi hành án dân sự quy định về quyền sử dụng đất được kê biên, bán đấu giá để thi hành án như sau:
1. Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó.
Tuy nhiên, khi đã thực hiện xong các thủ tục bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản không thể thực hiện được với lý do “không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), không đầy đủ hồ sơ, thủ tục công chứng quy định tại Điều 40 và Điều 41 Luật Công chứng năm 2014.
Do vậy, cần phải sửa đổi nội dung này để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Thi hành án dân sự, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Công chứng… nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất:
Sau khi rà soát cho thấy đây là trường hợp người nhận quyền sử dụng đất theo quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án (điểm k khoản 1 Điều 99 của Luật Đất đai), không thuộc trường hợp thỏa thuận mua bán tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự. Luật Đất đai đã có quy định người sử dụng đất theo quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án thì được cấp Giấy chứng nhận (điểm d khoản 1 Điều 99 của Luật Đất đai). Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng để điều chỉnh đối với trường hợp nêu trên khi thực hiện việc công chứng bán tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất thì trong thành phần hồ sơ không yêu cầu bắt buộc phải có Giấy chứng nhận (đối với trường hợp kê biên bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận để thi hành án). Trên cơ sở đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận cho người nhận quyền sử dụng đất theo quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án.
9. Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
9.1. Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Dự thảo Luật có quy định về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là người sử dụng đất (Điều 6); quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (các Điều 209, 211 và 213).
Qua rà soát cho thấy:
Khoản 1 và khoản 2 Điều 23 Luật Đầu tư quy định:
“1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
2. Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.”
Cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng, dự thảo Luật Đất đai quy định về quyền tiếp cận của tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là khác nhau. Thực tế hiện nay có các hoạt động mua bán cổ phần trên sàn chứng khoán (đầu tư gián tiếp), nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có quyền sử dụng đất. Do vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá cụ thể để vừa không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhưng phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, chính trị - xã hội.
9.2. Về thủ tục chuyển quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng dự án:
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định về chuyển quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng dự án tại Điều 218 quy định này sẽ tiếp tục hướng dẫn tại Nghị định Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Qua rà soát cho thấy:
Tại khoản 3 Điều 51 của Luật Kinh doanh bất động sản quy định:
“3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định cho phép chuyển nhượng dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên phải hoàn thành việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng và hoàn thành việc bàn giao dự án.
Trường hợp chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án bất động sản là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì sau khi có quyết định cho phép chuyển nhượng dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư chuyển nhượng làm thủ tục trả lại đất cho Nhà nước; cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư nhận chuyển nhượng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.”
Cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất sửa Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng các nội dung liên quan đến đất đai dẫn chiếu sang thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai.
9.3. Về phạm vi công chứng, chứng thực:
Dự thảo Luật quy định việc công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã.
Hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất có hiệu lực theo quy của pháp luật dân sự, pháp luật công chứng. Việc chuyển quyền sử dụng đất trong các hợp đồng, giao dịch chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính.
Qua rà soát cho thấy:
Luật Công chứng năm 2014 và dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) lại quy định việc giao dịch các hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng giao dịch về bất động sản, phải được công chứng tổ chức hành nghề Công chứng.
Tại khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định: Thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng là từ thời điểm công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị xem xét sửa đổi Luật Công chứng đảm bảo phù hợp với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thu hồi đất do vi phạm tiến độ sử dụng đất và thu hồi đất do bị chấm dứt dự án đầu tư, cụ thể:
Tại điểm i khoản 1 Điều 88 thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai:
Việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư và tiền thuế tăng thêm theo quy định tại khoản này phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng mười hai của năm phát hiện vi phạm, quá thời hạn này mà người sử dụng đất không nộp tiền thì Nhà nước thu hồi đất.
Trường hợp chậm tiến độ quá 48 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà chủ đầu tư chưa hoàn thành dự án đưa vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.”
Điểm g khoản 1 Điều 89 quy định
g) Thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư mà không thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản gắn liền với đất theo quy định.
Quy định nêu trên đã giải quyết vướng mắc liên quan đến xử lý dự án chậm tiến độ sử dụng đất và bị chấm dứt dự án đầu tư thời gian qua.
Qua rà soát, có ý kiến cho rằng vẫn còn phát sinh trường hợp thu hồi đất đối với 01 phần dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai, cụ thể:
Khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư quy định: “Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:… Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.”
Khoản 5 Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 1 số điều của Luật Đầu tư quy định: “Trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại các điểm a, b và đ khoản 2 Điều 48 của Luật Đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư lập biên bản trước khi quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 48 của Luật Đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư sau khi có quyết định thu hồi đất”.
Cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng liên quan đến thu hồi đất đối với 01 phần dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng thuộc vấn đề thủ tục thu hồi đất thì cần giải quyết tại Nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
10. Về tính tương thích của dự thảo Luật với điều ước quốc tế
Tại Điều 53 và Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Điều 53.
Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Điều 54.
1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.
3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
4. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật điều ước quốc tế năm 2016 thì một trong những nguyên tắc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế đó là “1. Không trái với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Tại khoản 1 Điều 6 Luật điều ước quốc tế năm 2016 quy định “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.”
Do đặc trưng của quan hệ đất đai ở Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp nên khi ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế Việt Nam có điều khoản bảo lưu đối với các nội dung về quyền sở hữu và quản lý đất đai đã được quy định trong Hiến pháp. Qua rà soát, dự thảo Luật phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trên đây là báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế có liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó TTgCP (để báo cáo);
- UBKT, UBPL của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Các Thứ trưởng;
- Lưu : VT, VP (TH), TCQLĐĐ.
|
BỘ TRƯỞNG
Trần Hồng Hà
|
PHỤ LỤC SỐ 01
Kết quả rà soát Luật Đất đai với các Luật có liên quan
(Kèm theo Báo cáo số /BC-BTNMT ngày … tháng… năm 2022)
1.1. Về người sử dụng đất
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Khoản 7 Điều 5 Luật Đất đai quy định: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Khoản 7 Điều 5 Luật Đất đai khác với khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, Luật Đất đai phân định quyền sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở cổ phần, phần vốn góp chi phối của nhà đầu tư nước ngoài (Điều 183) nhưng không định nghĩa như thế nào là chi phối. Trong khi đó, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp không quy định về sở hữu chi phối trong doanh nghiệp mà xác định địa vị pháp lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ (50%).
b) Hướng xử lý:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc tổ chức kinh tế là công ty hợp danh có thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài, thì thực hiện điều kiện và thủ tục theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước (được áp dụng quy định như tổ chức trong nước)
[3]. Quá trình thảo luận để sửa đổi, bổ sung này còn có ý kiến khác nhau, cụ thể:
- Loại ý kiến thứ nhất: dự thảo Luật quy định theo hướng dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư (Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư).
- Loại ý kiến thứ hai: việc tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải có điều kiện để bảo đảm quốc phòng an ninh, không phân biệt tỷ lệ vốn góp.
Do vậy, đề nghị đưa nội dung này để xin ý kiến các cấp có thẩm quyền trước khi đề xuất sửa đối, bổ sung tại Luật đất Đai hoặc Luật Đầu tư
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai thì ký quỹ là biện pháp duy nhất để bảo đảm thực hiện dự án đối với trường hợp nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
- Theo quy định của Luật Đầu tư thì hình thức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư thông qua 02 hình thức: ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ.
Như vậy, chưa có sự thống nhất về hình thức bảo đảm thực hiện dự án giữa 02 Luật do Luật Đầu tư đã được sửa đổi (bổ sung thêm hình thức bảo lãnh ngân hàng về ký quỹ) trong khi Luật Đất đai chưa được sửa đổi.
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai và Luật Đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét: sửa đổi quy định tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật đất đai “b) Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư” thành “b) Ký quỹ hoặc các hình thức bảo đảm khác theo quy định của pháp luật về đầu tư;” (điểm b khoản 3 Điều 60 dự thảo Luật).
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
- Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai quy định: Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây:
“a) Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên;
b) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.”
- Điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 30 Luật Đầu tư quy định: trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội theo pháp luật về đầu tư công, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:
+ Chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên;
+ Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên.
- Khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư quy định:
Trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo pháp luật về đầu tư công và các dự án quy định tại Điều 30 và Điều 31 của Luật này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sau đây:
“a) Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai;”
Thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo Điều 58 Luật Đất đai và Luật Đầu tư không thống nhất; dẫn đến một số quy định về thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định tại điều 33 Luật đầu tư, khoản 1 điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 148/2020/NĐ-CP; về thời điểm, thời gian xác định nhu cầu sử dụng đất và cơ quan tiếp nhận hồ sơ thủ tục; về các quy định liên quan đến việc chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi đất của dự án đầu tư cũng thiếu thống nhất.
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến cách hiểu và áp dụng pháp luật. Thủ tục chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư là 2 thủ tục khác nhau, pháp luật đất đai hiện hành không yêu cầu các dự án xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện xin chấp thuận chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
Ngoài ra, Nghị định 148/2020/NĐ-CP và Nghị định 31/2021/NĐ-CP đã quy định rõ dự án sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện theo thứ tự: (1) xác định nhu cầu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, (2) chấp thuận cho tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp, (3) chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đồng thời thẩm định nhu cầu sử dụng đất và điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, (4) thu hồi đất (nếu có), giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Đối với các vướng mắc liên quan đến công tác chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ được các địa phương kiến nghị trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến việc phân cấp thẩm quyền cho địa phương thực hiện. Vấn đề này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét: sửa đổi khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 (khoản 1 Điều 60 dự thảo Luật) theo hướng: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua và phù hợp với quy định về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Luật Đất đai và pháp luật đầu tư chưa có quy định thống nhất trong việc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Cụ thể: Dự án cần có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được phê duyệt mới quyết định chủ trương đầu tư hay quyết định chủ trương đầu tư trước sau đó mới phê duyệt bổ sung dự án vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm căn cứ thu hồi đất, giao đất hoặc cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì cần phải thông qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
b) Hướng xử lý: Giải trình
Vấn đề này liên quan đến quá trình hướng dẫn tổ chức thực hiện. Mối quan hệ pháp lý giữa việc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được quy định cụ thể tại các Thông tư: Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT đã quy định cụ thể khi đăng ký nhu cầu sử dụng đất để lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì chỉ xác định diện tích/quy mô, vị trí/địa điểm, mục đích mà không phải kèm theo văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư như quy định tại Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT. Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT quy định bổ sung hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng dưới 20 ha, trong đó đã có thành phần hồ sơ là Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
(1) Có ý kiến cho rằng chưa thống nhất việc chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi đất của dự án đầu tư trong quy định của Luật Đầu tư và Luật Đất đai:
- Luật Đầu tư quy định: Dự án sẽ bị chấm dứt nếu dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư (điểm c khoản 2 Điều 48).
- Luật Đất đai cho phép gia hạn sử dụng đất 24 tháng sau khi đất (được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư) không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ chậm 24 tháng và nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án (điểm i khoản 1 Điều 64).
Như vậy, giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư chưa thống nhất về căn cứ thu hồi đất của dự án đầu tư (đối với dự án đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng thì theo Luật Đầu tư phải bị thu hồi còn theo Luật Đất đai lại được gia hạn). Điều này gây ra sự lúng túng trong việc lựa chọn giải pháp để thực hiện. Nhiều dự án đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động do vi phạm thời hạn triển khai dự án theo Luật Đầu tư nhưng không thể thu hồi đất vì vướng quy định của Luật Đất đai cho phép nhà đầu tư gia hạn thời gian sử dụng đất thêm 24 tháng. Nhiều dự án không thể đưa ra quyết định chấm dứt dự án theo Luật Đầu tư vì sợ vướng quy định của Luật Đất đai.
Do đó, cần có sự thống nhất giữa các quy định nêu trên nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện.
(2) Ý kiến khác cho rằng: Công tác giãn tiến độ triển khai, xử lý các dự án chậm triển khai nhưng đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đầu tư với công tác xử lý, gia hạn sử dụng đất đối với các dự án chậm sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai chưa được chặt chẽ, pháp luật đầu tư, đất đai chưa có hướng dẫn:
Khoản 4 Điều 41 Luật Đầu tư cho phép điều chỉnh tiến độ dự án quá 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu với các điều kiện cụ thể theo quy định.
Điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai quy định: “i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.”
Luật Đất đai và Luật Đầu tư chưa xác định thực hiện gia hạn tiến độ đầu tư trước hay gia hạn sử dụng đất trước, việc gia hạn theo luật này làm cơ sở xem xét gia hạn theo luật kia.
Kiến nghị Trung ương xem xét bổ sung điều kiện gia hạn thời gian sử dụng đất của dự án theo pháp luật đất đai là dự án phải được cơ quan có thẩm quyền gia hạn/điều chỉnh thời gian thực hiện theo quy định pháp luật đầu tư.
(3) Có ý kiến cho rằng: Phát sinh trường hợp thu hồi đất đối với 01 phần dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai, cụ thể:
Khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư quy định: “Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:… Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.”
Khoản 5 Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 1 số điều của Luật Đầu tư quy định: “Trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại các điểm a, b và đ khoản 2 Điều 48 của Luật Đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư lập biên bản trước khi quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 48 của Luật Đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư sau khi có quyết định thu hồi đất”. Mâu thuẫn giữa pháp luật đất đai với Luật Đầu tư, Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 1 số điều của Luật Đầu tư. Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung trường hợp thu hồi 1 phần đất của dự án đầu tư có sử dụng đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai và bổ sung thời điểm thu hồi đất trước khi chấm dứt hoạt động của dự án cho phù hợp với Luật Đầu tư và Nghị định hướng dẫn thi hành.
b) Hướng xử lý:
- Đối với nội dung (1) và nội dung (2) liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai và Luật Đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
+ Sửa đổi điểm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 (điểm i khoản 1 Điều 69 dự thảo Luật) theo hướng: “i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà không nộp thuế đối với các dự án chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 124 của Luật này và đã bị xử lý theo pháp luật về quản lý thuế.”
+ Bổ sung quy định thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư mà không thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản gắn liền với đất theo quy định (điểm g khoản 1 Điều 70).
- Đối với vướng mắc liên quan đến thu hồi đất đối với 01 phần dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng thuộc vấn đề thủ tục thu hồi đất có thể giải quyết ở tầm Nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, nội dung này sẽ được quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
(1) Luật Đất đai quy định các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua: (i) đấu giá quyền sử dụng đất; (ii) không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó, không có hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và hình thức chấp thuận nhà đầu tư theo Luật Đầu tư.
- Luật Đấu thầu và văn bản quy định chi tiết thi hành quy định các trường hợp, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất.
- Luật Đầu tư quy định các trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (trong đó bao gồm dự án có sử dụng đất) bao gồm: đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; chấp thuận nhà đầu tư.
- Luật Nhà ở (được sửa đổi, bổ sung tại Luật Đầu tư năm 2020) quy định việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được thực hiện thông qua 3 hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Địa phương đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, quy định rõ phương thức giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, các trường hợp còn lại không thông qua đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất để đảm bảo tính thống nhất giữa pháp luật về đấu thầu, pháp luật về nhà ở và pháp luật về đất đai.
(2) Khoản 3 Điều 118 quy định: “3. Trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất”.
Điểm a khoản 1 Điều 32 của Luật Đầu tư quy định dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy, trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 118 của Luật Đất đai phải quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Việc chưa thống nhất gây bất cập trong thực tiễn
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
- Sửa đổi trong dự thảo Luật Đất đai theo hướng quy định quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng (chủ yếu áp dụng cho các trường hợp được giao đất không thu tiền sử dụng đất, được miễn tiền sử dụng đất và thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước). Đối với các trường hợp còn lại thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đồng thời, dự thảo bổ sung điều kiện đối với quỹ đất được lựa chọn để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định về tiêu chí, điều kiện, phương thức lựa chọn nhà đầu tư để đấu thầu dự án có sử dụng đất.
- Đề nghị sửa Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở theo hướng phù hợp với Luật Đất đai.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
- Theo điểm a, khoản 2, Điều 59 Luật Đất đai: UBND cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định.
- Theo điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư: UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai.
Quy định như vậy được hiểu rằng dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai (hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên) phải trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau đó, cơ quan Tài nguyên và Môi trường tiếp tục trình UBND tỉnh có văn bản chấp thuận rồi mới thực hiện thủ tục về đất. Đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng:
Đề nghị làm rõ nội dung điểm a khoản 2 Điều 59 Luật Đất đai về thẩm quyền của UBND cấp huyện như sau: “Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định” để thống nhất với Luật Đầu tư và cắt giảm thủ tục.
b) Hướng xử lý: Giải trình
Vấn đề này liên quan đến quan đến quá trình tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật.
Tại điểm a, khoản 2, Điều 59 Luật Đất đai quy định về thẩm quyền của UBND cấp huyện trước khi quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có “văn bản chấp thuận” của UBND cấp tỉnh mà không phải là “văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư” như ý kiến địa phương, không phải làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Văn bản chấp thuận trong trường hợp này tương tự như trường hợp tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh theo Điều 193 Luật Đất trước khi làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
(1) Để xác định sự cần thiết Nhà nước phải thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; Điều 62 Luật Đất đai quy định căn cứ vào thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, thẩm quyền chấp thuận, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, thẩm quyền chấp thuận của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, căn cứ quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư có sự thay đổi (ngoài Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ còn có thẩm quyền của Chính phủ, Bộ trưởng,...) nên trong triển khai thực hiện còn lúng túng trong việc xác định các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án do Chính phủ hoặc Bộ trưởng quyết định. Mặt khác, việc quy định về thẩm quyền chấp thuận/quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đang không thống nhất với các pháp luật liên quan (như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng...); việc sử dụng thuật ngữ “chấp thuận” chưa rõ ràng, chưa rõ được thực hiện theo pháp luật nào. Kiến nghị: Sửa đổi quy định tại Điều 62 Luật Đất đai theo hướng thống nhất quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.
(2) Có ý kiến cho rằng: Theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công thì thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng là Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, HĐND các cấp, UBND tỉnh.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 62, 63 Luật Đất đai thì căn cứ thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư chỉ quy định đối với cấp thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư là Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mà không quy định đối với trường hợp Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp huyện, cấp xã, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Vì vậy, các dự án được Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã, UBND tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư theo quy định Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công mà phải thu hồi đất lại không có trong đối tượng thu hồi đất theo quy định Luật Đất đai.
(3) Theo Điều 31 Luật Đầu tư quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, Khu chế xuất, BQL Khu công nghiệp chấp thuận các dự án sản xuất, thương mại, nhà ở phù hợp quy hoạch, UBND cấp huyện nơi có đất chấp thuận các dự án đầu tư công do HDND huyện thông qua. Còn khoản 2 Điều 62 Luật Đất đai quy định thu hồi đất đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội và liên quan đến việc đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư và của người dân. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét: sửa đổi, bổ sung các trường hợp nhà nước thu hồi đất theo hướng làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo
Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai quy định: Việc giao đất thực hiện các dự án đô thị, khu dân cư, nhà ở thuộc trường hợp đấu giá QSD đất. Điều kiện đấu giá theo khoản 1 Điều 119 là đất đã được giải phóng mặt bằng. Thực tế có nhiều dự án khu dân cư thực hiện tại khu đất chưa giải phóng mặt bằng và ứng kinh phí khi Nhà nước không đủ kinh phí để giải phóng mặt bằng, vì vậy phần lớn các tỉnh kêu gọi nhà đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng và giao đất không qua đấu giá theo quy định của Luật Đấu thầu.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn Nhà đầu tư, theo đó đã quy định việc giao đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất thực hiện theo Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, tuy nhiên trong Luật đất đai năm 2013 không quy định cụ thể về hình thức giao đất đối với các trường hợp này, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (giữa Luật và Nghị định).
b) Hướng xử lý: Giải trình
Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn Nhà đầu tư nhưng không phù hợp với quy định của Luật đất đai về các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, gây khó khăn, vướng mắc trong nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (giữa Luật và Nghị định) như phản ánh của địa phương là đúng.
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
- Xác định rõ phạm vi áp dụng pháp luật giữa Luật Đất đai (quy định về các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất) và Luật Đấu thầu (thủ tục đấu thầu dự án có sử dụng đất).
- Bổ sung quy định cụ thể các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Luật Đất đai chưa quy định thời điểm giao đất, tính giá đất cho nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu. Đề nghị sửa đổi Luật Đất đai, trong đó quy định rõ thời điểm giao đất, cho thuê đất, tính giá đất đối với nhà đầu tư thực hiện dự án thông qua hình thức đấu thầu.
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
Bổ sung quy định giá đất để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất là giá trúng đấu thầu.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Luật Đất đai hiện nay quy định người sử dụng đất được góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tuy nhiên theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thì người sử dụng đất có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hợp tác kinh doanh và góp vốn vào doanh nghiệp để tạo thành vốn điều lệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Đất đai không quy định rõ về việc góp vốn trong 2 trường hợp này với những cơ chế riêng phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng giao dịch. Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để có quy định đầy đủ, rõ ràng về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện hợp tác kinh doanh và góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tạo thành vốn điều lệ của doanh nghiệp
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Bộ luật Dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi cụ thể các quy định có liên quan đến góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo hướng quy định phân biệt rõ loại hình góp vốn bằng quyền sử dụng đất và góp quyền sử dụng đất, cụ thể:
- Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên về chuyển quyền sử dụng đất thông qua việc góp quyền sử dụng đất để tạo thành giá trị tài sản trong vốn điều lệ của doanh nghiệp, bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
- Góp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất góp quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, chủ thể khác mà không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Tại khoản 1 Điều 32 Luật Công nghệ cao quy định Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khu công nghệ cao (chủ yếu sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp). Tuy nhiên, khu công nghệ cao theo Luật Đất đai được quy định tại Điều 150 Luật Đất đai quy định về chế độ sử dụng đất phi nông nghiệp.
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai và Luật công nghệ cao, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét: sửa đổi chế độ sử dụng đất khu công nghệ cao theo hướng đất sử dụng cho khu công nghệ cao, theo quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ bao gồm các loại đất để sử dụng vào các mục đích theo quy định của pháp luật về công nghệ cao. Việc sử dụng đất cho khu công nghệ cao phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo
Điều 159 Luật Nhà ở quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài là một trong những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Khoản 2 Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê các loại bất động sản để sử dụng, được mua, thuê nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở. Nội dung về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã được Bộ Xây dựng báo cáo và Bộ Chính trị thống nhất đưa vào Luật Nhà ở.
Tuy nhiên, Điều 5 Luật Đất đai quy định về người sử dụng đất chỉ quy định tổ chức nước ngoài được thực hiện dự án nhà ở tại Việt Nam; không quy định cá nhân là người nước ngoài được sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng bổ sung đối tượng cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo pháp luật về nhà ở thì được sử dụng đất theo pháp luật về đất đai.
b) Hướng xử lý: Giải trình
Hầu hết các nước trên thế giới đều có các quy định nhằm hạn chế hoặc kiểm soát các quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài liên quan đến đất đai, bất động sản ở các mức độ khác nhau. Trong bối cảnh đất đai ở nước ta thuộc sở hữu toàn dân nên việc trao quyền sử dụng đất cho người nước ngoài cần thận trọng và phải trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Trung ương. Trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) vấn đề này đã được đưa vào báo cáo, tuy nhiên sau đó đã có chỉ đạo đưa ra.
Do đó, vấn đề này có các Phương án xử lý như sau:
Phương án 1: Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp trong quá trình trình dự thảo Luật tiếp tục báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội xem xét báo cáo Bộ Chính trị cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam được sử dụng đất tại Việt Nam. Theo đó dự thảo Luật Luật Đất đai sẽ sửa đổi quy định về người sử dụng đất tại Điều 5 của Luật Đất đai và các quy định tại Chương quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất để đảm bảo tương thích sau khi có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Phương án 2: Nghị quyết số 18-NQ/TW đã có quy định về việc sử dụng không gian ngầm, không gian trên không. Vì vậy, có thể xem xét giải quyết vấn đề sử dụng đất của tổ chức cá nhân nước ngoài thông qua bổ sung quy định mới liên quan đến người nước ngoài được sử dụng không gian xây dựng công trình gắn liền với đất giống như kinh nghiệm của một số nước hiện nay cho phép đất của một người nhưng tài sản trên đất thuộc sở hữu của người khác [dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa có quy định về vấn đề này].
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo
(1) Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai quy định Nhà nước giao đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất khi đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 22 Luật Nhà ở cho phép lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất. Việc có quy định khác nhau về hình thức lựa chọn nhà đầu tư giữa 02 Luật dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
(2) Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở thì đối với trường hợp khu đất thực hiện dự án chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng, việc lựa chọn Nhà đầu tư đối với dự án loại này là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Để tiến hành lựa chọn Nhà đầu tư thì theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, thì một trong số các điều kiện là dự án phải nằm trong danh mục dự án cần thu hồi đất đã được phê duyệt (được hiểu là các khu đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của Nhà nước hoặc sẽ được Nhà nước thu hồi, tức là thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất đã được HĐND cấp tỉnh thông qua).
Tuy nhiên, khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án thì khu đất đó sẽ trở thành đất sạch và việc giao đất phải thực hiện qua cơ chế đấu giá theo quy định của Luật Đất đai.
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở: Theo quy định của pháp luật đất đai, chỉ đối với dự án khu đô thị mới, việc giải phóng mặt bằng được thực hiện qua cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê mua, việc giao cho thuê đất được thực hiện theo cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai và theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 22 Luật Nhà ở. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai năm 2013 thì một trong những điều kiện để đấu giá là đất đã được giải phóng mặt bằng, mà để thực hiện được việc giải phóng mặt bằng thì khu đất (hầu hết quỹ đất để thực hiện dự án phát triển nhà ở có nguồn gốc là đất nông nghiệp) phải được Nhà nước thu hồi đất. Điểm này là mâu thuẫn do tại Điều 62 Luật Đất đai, Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với dự án Khu đô thị mới.
Trường hợp có nhiều nhà đầu tư được chấp thuận thì việc xác định chủ đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng (có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở). Đối chiếu lần lượt các hình thức này, thì các khó khăn về quy định hiện hành tương ứng từng hình thức như sau:
Thứ nhất, không đủ điều kiện giao đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất vì việc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư trong khi đất đang có chủ sử dụng (chính nhà đầu tư hiện hữu) là không phù hợp quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 119 Luật Đất đai (điều kiện đất đưa vào đấu giá phải là đất đã được giải phóng mặt bằng).
Thứ hai, không đủ điều kiện giao đất theo hình thức đấu thầu chủ đầu tư bởi Chủ đầu tư hiện tại vẫn đang sử dụng đất, không thuộc trường hợp đất giải phóng mặt bằng, cũng như không thuộc danh mục đất nhà nước đang quản lý sử dụng theo khoản 4 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất theo hình thức đấu thầu phải thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo quy định pháp luật đất đai hoặc thuộc khu đất do Nhà nước đang quản lý, sử dụng.
Thứ ba, việc nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở cũng không thoả mãn do Chủ đầu tư hiện tại trên loại quỹ đất này phần lớn đều đang sử dụng đất theo hình thức đất nhà nước cho thuê trả tiền một lần hoặc hàng năm để phát triển dự án thương mại dịch vụ, phi nông nghiệp.
Như vậy, theo các quy định trên, khi các Nhà đầu tư đang có quyền thuê đất, quyền sử dụng đất hợp pháp, đang bị ràng buộc với Nhà nước bởi một Dự án khác đã được cấp phép trước đó trên chính khu đất này với mục đích sử dụng đất là thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh, muốn được phát triển dự án nhà ở thương mại thì chưa có cơ chế thực hiện do không thoả mãn điều kiện nào trong 03 điều kiện nêu trên. Nếu phải đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án để có thể phát triển dự án nhà ở trên chính khu đất mà nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất, quyền thuê đất (và đang sử dụng hoàn toàn hợp pháp, tuân thủ Dự án đã được duyệt trước đó) thì các quy định trên gián tiếp được hiểu nhà đầu tư phải thuộc danh mục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
Sửa đổi Luật Đất đai theo hướng quy định quy định cụ thể các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định điều kiện đối với quỹ đất được lựa chọn để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định về tiêu chí, điều kiện, phương thức lựa chọn nhà đầu tư để đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Ngoài ra, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có các quy định để đảm bảo sự phù hợp giữa Luật Đất đai với pháp luật về nhà ở, khu đô thị liên quan đến tên gọi của các dự án nhà ở, khu đô thị (Điều 67 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng).
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
(1) Điều 62, Điều 118, Điều 146 Luật Đất đai quy định đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn… phải thực hiện thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, Luật Đất đai không quy định rõ nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất và muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn… thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hay được chuyển mục đích sử dụng đất và trực tiếp thực hiện dự án mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất.
Kiến nghị: sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng làm rõ nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất và muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hay được chuyển mục đích sử dụng đất và trực tiếp thực hiện dự án mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất.
(2) Khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai được quy định về 3 điều kiện của người xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (về năng lực tài chính, ký quỹ, không vi phạm pháp luật đất đai đối với dự án khác), trong đó không có điều kiện về loại đất hiện trạng hoặc bất cứ điều kiện khác về thửa đất.
Tuy nhiên, điểm c Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở (được sửa đổi tại điểm c Khoản 1 Điều 75 Đầu tư) chủ đầu tư được chỉ định đối với trường hợp có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở. Nay thực hiện quy định này, dẫn đến tình trạng các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đang sử dụng đất hợp pháp mà quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt là đất ở nhưng nếu hiện trạng không phải là đất ở (một phần hoặc toàn bộ) thì không được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở như quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời, ngay trong Luật Đầu tư đã không thống nhất giữa quy định điểm c Khoản 1 Điều 75 Đầu tư (sửa đổi Điểm c Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) với Điểm a Khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư quy định nhà đầu tư có quyền sử dụng đất (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật và đất đai) được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Nhà ở thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
- Quy định rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án khu đô thị, nhà ở thương mại; các trường hợp được phép thỏa thuận để thực hiện dự án khu đô thị, nhà ở thương mại.
- Bãi bỏ các quy định của Luật nhà ở liên quan đến đến việc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở để đảm bảo đồng bộ với Luật Đất đai.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Khoản 3 Điều 188: “Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”. Về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở chưa có sự thống nhất:
Điều 122 Luật Nhà ở quy định đối với các giao dịch về nhà ở mà Luật này quy định phải thực hiện công chứng, chứng thực (như mua bán, tặng cho nhà ở thương mại) thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực.
Tuy nhiên, Luật Đất đai không có quy định xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về quyền sử dụng đất làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng về quyền sử dụng đất mà chỉ có quy định về thời điểm xác lập quyền, biến động quyền sử dụng đất - thời điểm đăng ký xác lập quyền, biến động quyền sử dụng đất vào sổ địa chính của cơ quan đăng ký đất đai dẫn đến việc hiểu đăng ký vừa là thời điểm làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng, vừa là thời điểm xác lập quyền, biến động quyền sử dụng đất.
Như vậy, với việc chưa có quy định cụ thể về thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng của Luật đất đai sẽ gây khó khăn cho việc xác định hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở.
Trong thực tế vẫn còn tồn tại 02 quan điểm về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển quyền QSD đất gắn liền với nhà ở là tại thời điểm công chứng, chứng thực và thời điểm đăng ký biến động vào sổ địa chính. Mâu thuẫn giữa pháp luật đất đai với Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở quy định: “Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng”.
Địa phương kiến nghị cần quy định rõ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất là thời điểm Hợp đồng được công chứng, chứng thực theo quy định.
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Công chứng, Luật Nhà ở và Bộ Luật Dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét: sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai theo hướng chỉnh sửa câu chữ để đảm bảo không gây hiểu lầm trong quá trình tổ chức thực hiện, cụ thể: “3. Việc chuyển quyền sử dụng đất trong các hợp đồng, giao dịch chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính.”
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Điểm đ khoản 2 Điều 174 Luật Đất đai quy định chỉ được thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.
Khoản 3 Điều 119 Luật Nhà ở cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài.
Kiến nghị: Cho phép doanh nghiệp thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng nước ngoài
b) Hướng xử lý: Giải trình
Vấn đề này liên quan đến việc tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật:
Khoản 3 Điều 119 Luật Nhà ở quy định “Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, được ủy quyền quản lý nhà ở là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân và không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập; trường hợp là tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này; nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở thì phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản”.
Điều 160 của Luật Nhà ở quy định điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:
“1. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
3. Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại điểm c khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật...”.
Căn cứ các quy định nêu trên, ngân hàng nước ngoài không phải là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, do đó không được nhận thế chấp quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
(1) Tên gọi, khái niệm phân loại đất tại Điều 10 Luật Đất đai không thống nhất với Luật quy hoạch đô thị, cụ thể:
Theo quy định tại Điều 10 của Luật đất đai, việc phân loại đất được căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai, cụ thể như sau: Nhóm đất nông nghiệp, gồm: Đất trồng cây hàng năm (đất lúa và đất trồng cây hàng năm khác), Đất trồng cây lâu năm, Đất rừng sản xuất, Đất rừng phòng hộ, Đất rừng đặc dụng, Đất nuôi trồng thủy sản, Đất làm muối, Đất nông nghiệp khác…Nhóm đất phi nông nghiệp, gồm: Đất ở (đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị) gồm đất xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư, Đất xây dựng trụ sở cơ quan, Đất sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, Đất xây dựng công trình sự nghiệp… Nhóm đất chưa sử dụng gồm: các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.
Trong khi đó theo Luật Quy hoạch đô thị thì tên gọi và phân loại đất theo từng giai đoạn quy hoạch khác biệt với Luật đất đai gồm: đất dân dụng: đất ở, đất công trình công cộng; đất trường học; đất cây xanh; đất ngoài dân dụng; đất trung tâm nghiên cứu, đào tạo; đất hỗn hợp và đất khác…
Khái niệm tên gọi các loại đất theo hai Luật trên có sự khác nhau, nên quá trình triển khai thực các quy định của pháp luật về đất đai và đô thị gặp nhiều khó khăn vướng mắc đề nghị cần sửa đổi, bổ sung cho thống nhất
(2) Điều 6 Luật Đất đai quy định về nguyên tắc sử dụng đất: Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
Điều 61 Luật Quy hoạch đô thị quy định: Các loại đất trong đô thị phải được sử dụng đúng mục đích, chức năng được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
- Rà soát trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai liên quan đến nội dung quy hoạch sử dụng đất, phân loại đất.
- Rà soát, sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị trên nguyên tắc Luật Đất đai là luật quy định chung về quan hệ đất đai trong đó có việc phân loại đất, việc phân loại đất của Luật Quy hoạch đô thị cần đảm bảo thống nhất với Luật Đất đai.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Việc triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị có mâu thuẫn, trùng lắp khó khăn trong quá trình thực hiện, mục đích sử dụng đất một số vị trí không thống nhất với nhau, dẫn đến trường hợp người sử dụng đất được phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất nhưng không được cấp phép xây dựng do không phù hợp với quy hoạch đô thị.
- Về nguyên tắc, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng phải có sự thống nhất cả về không gian, thời gian, phù hợp và hỗ trợ nhau trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mỗi loại quy hoạch. Tuy nhiên chưa có quy định về mối liên quan giữa việc thực hiện của 02 loại quy hoạch.
- Công tác lập quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng có những điểm khác biệt nhau gây khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện, cụ thể:
+ Thời gian: Kỳ quy hoạch không thống nhất, đối với kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm còn quy hoạch xây dựng có nhiều kỳ gồm 5 năm, 10 năm, 20 năm và dài hơn tuỳ theo từng tỷ lệ lập quy hoạch.
+ Không gian và các loại quy hoạch: Quy hoạch sử dụng đất thực hiện theo đơn vị hành chính, hiện chỉ còn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện; Quy hoạch đô thị thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cơ bản không căn cứ vào địa giới hành chính.
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai và Luật Quy hoạch có sự khác nhau. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW bổ sung các quy định để làm rõ mối quan hệ giữa 2 loại quy hoạch, cụ thể:
- Bổ sung nguyên tắc tại Điều 37: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch quốc gia và các quy hoạch ngành lĩnh vực có sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển.
- Bổ sung quy định về nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (Điều 42), các nội dung sau:
“3. Đối với quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng của địa phương.
4. Đối với những khu vực còn lại, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này đã có quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải cập nhật định hướng về hệ thống đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo kỳ quy hoạch sử dụng đất.”
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
- Khoản 2 Điều 49 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật 37 Luật. Tại khoản 7 Điều 49 quy định “Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.” Có nghĩa là người sử dụng đất được quyền xây dựng nhà ở, công trình, cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có kể cả trong trường hợp không phù hợp với mục đích sử dụng đất.
- Điểm a khoản 1 Điều 93 Luật Xây dựng quy định thì khi xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ phải xin cấp phép xây dựng. Căn cứ để cấp phép xây dựng là “phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt”.
Do đó thiếu thống nhất trong quy định về việc thực hiện quyền của người sử dụng đất trong việc xây dựng mới nhà ở khiến cho người dân gặp khó khăn và chính quyền lúng túng trong việc thực hiện.
b) Hướng xử lý: Giải trình
Tại khoản 32, khoản 33 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 (sửa đổi bổ sung điểm a khoản 1 Điều 93, Điều 94 Luật Xây dựng năm 2014) theo đó đã sửa đổi các quy định về điều kiện cấp phép xây dựng có thời hạn đối với nhà ở riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch được duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền để thống nhất với Điều 49 Luật Đất đai (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi 37 Luật có liên quan đến quy hoạch).
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Khoản 2 Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản thì “Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai của các tổ chức, cá nhân” được đưa vào kinh doanh bất động sản. Khoản 1 Điều 189 Luật đất đai tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được bán tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước khi “đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận”.
Kiến nghị: Quy định thống nhất về điều kiện mua, bán tài sản
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
Tại Điều 55 của Luật Kinh doanh bất động sản quy định
“Điều 55. Điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh
1. Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
2. Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua; trường hợp không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do”.
Như vậy, quy định của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản về vấn đề này là thống nhất với nhau. Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm theo phản ánh của địa phương thì có thể bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp mua, bán nhà ở hình thành trong tương lai.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Tại khoản 3 Điều 51 của Luật Kinh doanh bất động sản quy định:
“3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định cho phép chuyển nhượng dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên phải hoàn thành việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng và hoàn thành việc bàn giao dự án.
Trường hợp chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án bất động sản là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì sau khi có quyết định cho phép chuyển nhượng dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư chuyển nhượng làm thủ tục trả lại đất cho Nhà nước; cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư nhận chuyển nhượng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.”
Tuy nhiên, Luật Đất đai không có quy định về việc trả lại đất cho nhà nước. Tại khoản 2 Điều 83 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đã có quy định về thủ tục đất đai liên quan đến chuyển nhượng dự án. Do đó, việc Luật Kinh doanh bất động sản quy định chồng lấn nên các nội dung về thủ tục đất đai sẽ có thể dẫn đến những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét: sửa Luật Kinh doanh bất động sản quy định phù hợp với Luật Đất đai theo hướng các nội dung liên quan đến đất đai dẫn chiếu sang thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Điểm a Khoản 2 Điều 6 Luật Đường sắt về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt có quy định: “a) Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt;” Như vậy, trong trường hợp nhà ga là công trình công cộng có mục đích kinh doanh nhưng thuộc hạ tầng đường sắt quốc gia thì thuộc trường hợp giao đất hay cho thuê đất.
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai, đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh thuộc trường hợp nhà nước cho thuê đất.
Điều 110 Luật Đất đai chưa có nội dung quy định trong việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với lĩnh vực đường sắt. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của Luật Đường sắt. Đề xuất bổ sung một điểm mới trong Điều 110 như sau: “Đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt”.
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Đường sắt, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
Tiếp thu, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, ga đường sắt. Đồng thời, bổ sung một điều riêng quy định về đất dành cho đường sắt, theo đó quy định cụ thể về đất dành cho đường sắt, quy định cụ thể hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng đất đường sắt.
Đồng thời Luật Đường sắt cần xem xét bãi bỏ các quy định về đất đai để đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo
Khoản 2 Điều 310 Bộ luật Dân sự quy định: “...Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”.
Như vậy, theo quy định trên, đất đai là bất động sản, theo quy định của điều 107 Bộ luật Dân sự - được pháp luật thừa nhận là đối tượng của giao dịch cầm cố tài sản. Tuy nhiên, khoản 1 điều 167 Luật Đất đai quy định “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”, không quy định về quyền cầm cố quyền sử dụng đất của người có quyền sử dụng đất hợp pháp. Như vậy, chưa có sự thống nhất giữa quy định của BLDS 2015 và Luật Đất đai năm 2013, dẫn đến lúng túng cho công chứng viên khi giải quyết yêu cầu công chứng hợp đồng cầm cố đất đai.
b) Hướng xử lý: Giải trình
Cầm cố, thế chấp, bảo lãnh là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Bản chất của quyền cầm cố là người nhận cầm cố giữ tài sản cầm cố; bản chất của quyền thế chấp là người nhận thế chấp giữ giấy tờ; bảo lãnh là việc một người dùng tài sản hoặc uy tín để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của một người khác. Đất đai là tài nguyên, là tư liệu sản xuất đặc biệt, việc cầm cố tài sản ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sử dụng đất của người sử dụng đất do đó cần đánh giá cụ thể, chi tiết tác động của quyền này.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo
Điều 175 Luật Đất đai không quy định doanh nghiệp được quyền cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm. Đề nghị sửa đổi Điều 175 Luật Đất đai để bổ sung quy định về việc này để đảm bảo đồng bộ với Bộ luật Dân sự, Luật kinh doanh bất động sản cũng như tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện.
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Bộ Luật Dân sự năm 2015, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét: bổ sung quyền cho thuê tài sản của tổ chức kinh tế nhằm tạo hành lang pháp lý đảm bảo quyền lợi của chủ sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Quy định về tài sản gắn liền với đất, Luật Đất đai năm 2013 sử dụng cụm từ “tài sản gắn liền với đất”; quy định quyền mua bán, tặng cho, góp vốn, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình (các điều 167, 174, 175, 176, 177, 178, 179…). Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 chưa đưa ra khái niệm thế nào là “tài sản gắn liền với đất”. Để giải quyết vướng mắc này, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã có quy định giải thích cụ thể khái niệm “tài sản gắn liền với đất” (khoản 4 Điều 3).
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định việc đăng ký tài sản gắn liền với đất, bao gồm cả nhà ở, được thực hiện theo yêu cầu (khoản 1 Điều 95). Quy định này dẫn đến việc tài sản gắn liền với đất thường không được đăng ký nên thông tin về tài sản gắn liền với đất không đầy đủ, minh bạch, dẫn đến gây rủi ro và tranh chấp giữa các bên khi thiết lập các giao dịch liên quan đến tài sản gắn liền với đất, bao gồm cả thế chấp.
- Đề nghị pháp điển hóa quy định của Nghị định số 21/2021/NĐ-CP về tài sản gắn liền với đất để tạo sự thuận lợi trong áp dụng pháp luật.
- Để đảm bảo thông tin về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được đầy đủ, minh bạch, đồng thời để đảm bảo sự thống nhất về chế độ đăng ký giữa các loại hình bất động sản, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo hướng quy định việc đăng ký tài sản gắn liền với đất là bắt buộc, đồng thời làm rõ những loại hình tài sản gắn liền với đất nào thuộc trường hợp phải đăng ký. Liên quan đến vấn đề này, đối với một số tài sản gắn liền với đất có tính chất đặc thù, có tính biến động và mang tính mùa vụ, không thực sự cần thiết phải đăng ký như cây hằng năm, công trình tạm, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP đã có cơ chế pháp lý để giải quyết theo hướng cho phép áp dụng quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển đối với các loại hình tài sản này (khoản 2 Điều 10). Do đó, đề nghị cân nhắc pháp điển hóa quy định nêu trên của Nghị định số 21/2021/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và đặc tính biến động của các loại hình tài sản này.
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Bộ Luật Dân sự năm 2015, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
Bổ sung khái niệm “tài sản gắn liền với đất tại khoản 19 Điều 3: Tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất, cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng và các tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Đối với tài sản gắn liên với đất thì không quy định bắt buộc phải đăng ký, vì tài sản sẽ có những thay đổi thường xuyên. Việc quy định đăng ký tài sản bắt buộc sẽ gây khó khăn cho người dân. Do đó, chỉ khi nào thực hiện giao dịch đối với một số loại tài sản, người dân có nhu cầu thì mới đăng ký. Qua tổng kết đánh giá thi hành Luật Đất đai 2003, để tạo thuận lợi cho người dân nên khoản 1 Điều 95 của Luật Đất đai năm 2013 đã quy định đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Có ý kiến cho rằng khoản 2 Điều 159 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các quyền khác đối với tài sản là bất động sản bao gồm quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng và quyền bề mặt. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định điều chỉnh về các quyền khác đối với tài sản là bất động sản. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về quyền khác đối với bất động sản và việc đăng ký đất đai đối với các quyền khác này (quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng và quyền bề mặt) để phù hợp với Bộ luật dân sự 2015. Đồng thời, đề nghị cân nhắc việc người có quyền hưởng dụng, quyền bề mặt đối với bất động sản thì có được thế chấp đối với các quyền này hay không?
Có ý kiến cho rằng Luật Đất đai năm 2013 đã ghi nhận một phần nội dung quyền bề mặt dưới giác độ ghi nhận quyền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, nhưng chưa có quy định cụ thể về quyền hưởng dụng đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cũng như chưa có cơ chế pháp lý đầy đủ để chủ thể có quyền bề mặt, quyền hưởng dụng thực hiện các quyền của mình trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Do đó, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý cho các chủ thể trong quan hệ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng dùng tài sản do mình tạo lập trong quá trình thực hiện quyền của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Để giải quyết vướng mắc này, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP đã có cơ chế giải quyết theo hướng ghi nhận, tài sản thuộc sở hữu của chủ thể quyền bề mặt quy định tại khoản 2 Điều 271 của Bộ luật Dân sự được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoa lợi, lợi tức hoặc tài sản khác có được từ việc khai thác, sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; đồng thời quy định về cơ chế áp dụng, theo đó, trường hợp tài sản thuộc sở hữu của chủ thể quyền bề mặt là tài sản gắn liền với đất thì sẽ áp dụng các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản gắn liền với đất (Điều 11). Đề nghị nghiên cứu, quy định về cơ chế đăng ký quyền bề mặt, quyền hưởng dụng theo chế độ pháp lý về đăng ký biến động quyền sử dụng đất; pháp điển hóa quy định của Nghị định số 21/2021/NĐ-CP liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản hình thành từ quyền hưởng dụng, quyền bề mặt (Bộ Tư pháp)
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Bộ Luật Dân sự năm 2015, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 503 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định: Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, giao dịch kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Tại khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định: Thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng là từ thời điểm công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Và tại khoản 1 Điều 401 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, giao dịch là kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
Đề nghị quy định thống nhất về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, giao dịch trong các văn bản pháp luật.
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Công chứng, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai theo hướng chỉnh sửa câu chữ để đảm bảo không gây hiểu lầm trong quá trình tổ chức thực hiện, cụ thể: “Việc chuyển quyền sử dụng đất trong các hợp đồng, giao dịch chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính.”
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Tại khoản 3 Điều 167 của Luật Đất đai quy định việc công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng và việc chứng thực được thực hiện tại UBND cấp xã.
Trong khi đó, Luật Công chứng năm 2014 lại quy định việc giao dịch các hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng giao dịch về bất động sản, phải được công chứng tổ chức hành nghề Công chứng, quy định trên đã có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai với Luật Công chứng năm 2014.
Kiến nghị các cơ quan liên quan ở Trung ương có hướng dẫn thống nhất và sửa đổi những vướng mắc bất cập, hay những vấn đề chưa quy định trong thực tiễn thi hành Luật đất đai và các văn bản có liên quan, các văn bản hướng dẫn thi hành đã nêu trên.
b) Hướng xử lý: Giải trình:
Luật Đất đai đã có quy định cụ thể về việc công chứng, chứng thực và việc lựa chọn công chứng hoặc chứng thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các quyền đặc biệt tại khu vực có địa hình khó khăn, hải đảo, miền núi. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ không nhận được kiến nghị về vướng mắc về pháp luật đất đai liên quan đến nội dung này. Đây là vấn đề liên quan đến việc tổ chức thực hiện tại các địa phương về nghiệp vụ công chứng, chứng thực theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.
12. Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi bổ sung năm 2014)
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Tại khoản 2 Điều 36 của Luật Thi hành án Dân sự năm 2008 (được sửa đổi năm 2014, 2018 và 2020) quy định: “2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau:
…d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
Việc trao thẩm quyền cho thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự được thu hồi đất là chưa phù hợp với Hiến pháp (Điều 53 và Điều 54) và thẩm quyền thu hồi đất quy định tại Điều 66 của Luật Đất đai.
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Công chứng, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thi hành án dân sự để bảo đảm thống nhất với thẩm quyền thu hồi đất trong Luật Đất đai.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Tại khoản 4, 5 và 6 của Điều 106 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi năm 2015 và năm 2019) quy định về Đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người mua như sau:
“4.[4] Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không có hoặc không thu hồi được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Chính phủ.
5.Đối với tài sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này mà không có giấy tờ đăng ký hoặc không thu hồi được giấy tờ đăng ký thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
6. Giấy tờ được cấp mới thay thế cho giấy tờ không thu hồi được. Giấy tờ không thu hồi được không còn giá trị.
Quy định này là không rõ ràng, dẫn đến khó thực thi trên thực tế, lý do:
Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 của Luật Đất đai thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý nhà nước cấp có người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Do đó, nếu thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì nếu không thu hồi được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì cơ quan có thẩm quyền phải cấp Giấy chứng nhận nhưng không có quy định xử lý như thế nào đối vớiGiấy chứng nhận không thu hồi được.
Nếu phải thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án mà phải cấp Giấy chứng nhận nhưng Giấy chứng nhận cũ lại vẫn chưa bị pháp luật xử lý (huỷ, hay tuyên bố nó không còn giá trị pháp lý - mà việc này chỉ cơ quan toà án mới thực hiện được), dẫn đến một thửa đất, một tài sản sẽ có 02 Giấy chứng nhận tồn tại, dẫn đến rủi ro cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản chính đáng.
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Công chứng, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
Để không gây rủi ro cho người sử dụng đất, đề nghị sửa Luật Thi hành án dân sự theo hướng trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không có hoặc không thu hồi được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định trong đó có nội dung thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp hoặc tuyên hủy Giấy chứng nhận đã cấp, trên cơ sở đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc cấp lại Giấy chứng nhận cho người có quyền.
12.3. Về quyền sử dụng đất được kê biên, bán đấu giá để thi hành án
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Điều 110 Luật Thi hành án dân sự quy định về quyền sử dụng đất được kê biên, bán đấu giá để thi hành án như sau:
1. Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó.
Có ý kiến của địa phương phản ánh (Thừa Thiên Huế): Theo quy định tại Khoản 2, Điều 110 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì cơ quan thi hành án dân sự có quyền kê biên, bán đấu giá “quyền sử dụng đất của người phải thi hành án chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất”. Tuy nhiên, khi đã thực hiện xong các thủ tục bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản không thể thực hiện được với lý do “không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, không đầy đủ hồ sơ, thủ tục công chứng quy định tại Điều 40 và Điều 41 Luật Công chứng năm 2014.
Do vậy, cần phải sửa đổi nội dung này để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Thi hành án dân sự, Luật Đất đai và Luật Công chứng… nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
b) Hướng xử lý: Giải trình:
Vướng mắc nêu trên không thuộc nội dung vướng mắc của Luật Đất đai; Luật Đất đai đã có quy định là người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận theo quyết định của cơ quan thi hành án (điểm d khoản 1 Điều 99 của Luật Đất đai). Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng để điều chỉnh đối với trường hợp nêu trên khi thực hiện việc công chứng bán tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất thì trong thành phần hồ sơ không yêu cầu bắt buộc phải có Giấy chứng nhận (đối với trường hợp kê biên bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận để thi hành án). Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho người nhận chuyển nhượng theo quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Khoản 2 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản quy định: “Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 49 của Luật này” và Điều 59 Luật Đấu giá tài sản quy định: “Việc đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá quy định tại Điều 49 của Luật Đấu giá tài sản không áp dụng đối với các tài sản sau đây: Tài sản Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 quy định:“Trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất hai lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất không phải đấu giá quyền sử dụng đất”.
Như vậy, đối với quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất là không áp dụng trường hợp khi có một người tham gia đấu giá.
b) Hướng xử lý: Giải trình
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét: bỏ quy định tại khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013. Vấn đề này thuộc về trình tự thủ tục do đó sẽ thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản và các nghị định quy định chi tiết thi hành.
13.2. Về việc hủy kết quả trúng đấu giá
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Khoản 1 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản quy định kết quả đấu giá tài sản bị hủy trong trường hợp: “Theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, trừ trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;”
Điểm d khoản 5 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng yêu cầu thì cơ quan tài nguyên và môi trường trình UBND cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP quy định chậm nộp tiền sử dụng đất (30 ngày phải nộp 50%; 60 ngày tiếp theo phải nộp 50% tiền sử dụng đất), quá thời hạn nêu trên, người sử dụng đất chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất theo thông báo thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chưa nộp theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Như vậy, người trúng đấu giá nếu chậm nộp tiền thì chỉ bị phạt chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và cũng không thể hủy kết quả trúng đấu giá nếu không có thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả trúng đấu giá. Do đó, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất không thể xác định được thời gian nộp tiền đấu giá theo quy định, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Kiến nghị: Đề nghị rà soát, bảo đảm tính thống nhất giữa các nghị định; điều chỉnh Luật Đấu giá tài sản cho thống nhất (Hà Nội)
b) Hướng xử lý: Giải trình
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, việc quản lý sử dụng đất đai thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Việc đấu giá quyền sử dụng đất để người sử dụng đất tiếp cận đất đai công bằng, minh bạch nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nếu cho phép người trúng đấu giá phạt chậm nộp sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh và trả giá thiếu công bằng giữa những người có năng lực tài chính thực sự, có thể xuất hiện tình trạng người không có năng lực tài chính nhưng cố tình trả giá cao để được trúng đấu giá. Việc cho phép phạt chậm nộp cũng sẽ dẫn đến việc nhà nước phải xử lý các hệ quả pháp lý về sau trong trường hợp người trúng đấu giá không có khả năng nộp tiền để được sử dụng đất.
Do đó, cần sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để thống nhất với các nguyên tắc của pháp luật về đất đai.
13.3. Quy định tiêu chí để được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để được sử dụng đất đối với đất thương mại, dịch vụ
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Luật Đất đai và Luật Đấu giá tài sản khi quy định điều kiện để giao đất, cho thuê đất, điều kiện tham gia đấu giá tài sản cơ bản chỉ quy định điều kiện về năng lực tài chính là chính. Cụ thể, Luật Đất đai (Điều 58 quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư) quy định về điều kiện về năng lực tài chính, về ký quỹ đầu tư và không vi phạm pháp luật về đất đai; Luật Đấu giá tài sản (khoản 7 Điều 5) quy định người tham gia đấu giá đủ điều kiện theo quy định của Luật Đấu giá và quy định của pháp luật khác có liên quan (Điều 39 – Đặt cọc) quy định về đặt cọc. Do vậy, khi trúng đấu giá có năng lực về tài chính nhưng điều kiện, năng lực khác như năng lực kinh doanh, bán hàng, khách sạn, về kỹ thuật… không có hoặc yếu trong các lĩnh vực này nên khi trúng đấu giá rồi sẽ sử dụng đất không hiệu quả, không tạo ra những sản phẩm vật chất cho xã hội như mong muốn mà thế khu đất đó mang lại.
b) Hướng xử lý: Giải trình
Mỗi Luật có phạm vi điều chỉnh riêng, Luật Đất đai đã có quy định trách nhiệm của người sử dụng đất là phải sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Mặt khác, người sử dụng đất, ngoài việc phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai khi sử dụng đất còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan khi thực hiện các hoạt động có liên quan đến pháp luật đó. Do vậy, không có vướng mắc, chồng chéo về nội dung này giữa hai luật.
14. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Luật quản lý, sử dụng tài sản công có phạm vi điều chỉnh là quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công. Tại khoản 1 Điều 3 của Luật này định nghĩa Tài sản công bao gồm cả đất đai và các loại tài nguyên khác. Quy định này là chồng lấn với phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Luật Đất đai: “quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
- Bổ sung quy định về áp dụng pháp luật để giải quyết mối quan hệ giữa Luật Đất đai và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công:
- Bổ sung vào Luật Đất đai quy định cụ thể về quyền sử dụng đất công của các cơ quan nhà nước và các loại đất chưa giao, chưa thuê và phân định rõ trách nhiệm của cơ quan tài chính trong việc quản lý các loại đất này.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo
- Theo phân loại tài sản công quy định tại Điều 4 Luật quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có “4. Đất đai…… do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật”; quy định này chồng lấn với quy định của Luật Đất đai về quản lý, sử dụng đất, trong đó có quy định cụ thể về quỹ đất do Nhà nước quản lý như Điều 8 Luật Đất đai quy định cụ thể về các trường hợp người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý.
- Theo các hình thức xử lý tài sản công quy định trong Luật quản lý, sử dụng tài sản công (Điều 40, 62...), trong đó ngoài hình thức thu hồi còn có nhiều hình thức khác như điều chuyển, bán, thanh lý; quy định này không thống nhất với 1 hình thức xử lý là Nhà nước thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá với quỹ đất do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước. Vì vậy, khi thực hiện các hình thức xử lý tài sản công không phải là thu hồi thì không có quy định để giải quyết việc sử dụng đất sau khi thực hiện hình thức xử lý tài sản công.
b) Hướng xử lý:
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
- Bổ sung quy định về áp dụng pháp luật để giải quyết mối quan hệ giữa Luật Đất đai và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công:
- Bổ sung vào Luật Đất đai quy định cụ thể về quyền sử dụng đất công của các cơ quan nhà nước và các loại đất chưa giao, chưa thuê và phân định rõ trách nhiệm của cơ quan tài chính trong việc quản lý các loại đất này.
14.3. Về quyền của tổ chức sử dụng đất và sử dụng tài sản công
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
- Khoản 2 Điều 173 Luật Đất đai năm 2013 quy định: tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
- Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định một số điều Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh trong các trường hợp tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất.
Việc có quy định khác nhau về quản lý, sử dụng tài sản của tổ chức giữa 02 Luật dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
b) Hướng xử lý: Giải trình:
Để các cơ quan nhà nước tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước hạn chế tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng đất được nhà nước giao đất không thu tiền thì việc thực hiện như quy định tại khoản 2 Điều 173 là phù hợp. Trường hợp chuyển quỹ đất này vào kinh doanh thì phải thực hiện thủ tục định giá đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để chuyển quyền sử dụng đất cho các tổ chức kinh tế liên doanh, liên kết theo quy định.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai năm 2013 còn chưa thống nhất với quy định tại Điều 37 và Điều 40 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, cụ thể: Luật Đất đai quy định tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp của xã chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật. Luật Ngân sách nhà nước quy định khoản thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác ở xã vẫn được tổng hợp vào cân đối ngân sách địa phương để xác định số bổ sung cân đối ngân sách nên không thể chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn như quy định của Luật Đất đai.
b) Hướng xử lý: Giải trình:
Tại điểm s khoản 1 Điều 37 của Luật Ngân sách nhà nước quy định ngân sách địa phương hưởng 100% đối với “Thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác”.
Tại khoản 3 Điều 132 của Luật Đất đai quy định:
“3. Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 05 năm.
Tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích phải nộp vào ngân sách nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý và chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, cơ bản Luật Đất đai đã thống nhất với quy định của Luật Ngân sách về việc nộp ngân sách. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù và nguồn gốc của loại đất này có liên quan đến quyền sử dụng đất của người dân địa phương đã được quy định tại khoản 1 Điều 132:
“1. Căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.
Đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi là nguồn để hình thành hoặc bổ sung cho quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
Đối với những nơi đã để lại quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích vượt quá 5% thì diện tích ngoài mức 5% được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương; giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.”
Do vậy, Luật Đất đai quy định tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật là phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại đất này, tránh ý kiến phản ứng từ phía người dân địa phương.
Vì vậy, đề nghị pháp luật về ngân sách xem xét quy định đảm bảo tính đặc thù và phù hợp với Luật Đất đai.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Khoản 3 Điều 32 Luật Giá quy định kết quả thẩm định giá và thời hiệu của chứng thư thẩm định giá và theo khoản 7 của Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 Quy trình thẩm định giá ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về xác định thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá thì thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá tối đa không quá 6 tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực.
Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai quy định: Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.”
Như vậy, xảy ra trường hợp vào thời điểm Nhà nước được quyền thu hồi đất thì chứng thư định giá hết hiệu lực; phải làm lại quy trình định giá, tiếp theo đến quy trình công khai và lập trình thu hồi đất.
b) Hướng xử lý:Giải trình:
Pháp luật về giá có quy định thời hạn hiệu lực của Chứng thư thẩm định giá là 6 tháng. Pháp luật về đất đai không có quy định thời hạn hiệu lực của Chứng thư định giá đất. Do đó, ý kiến cho rằng trường hợp vào thời điểm Nhà nước được quyền thu hồi đất thì chứng thư định giá đất hết hiệu lực là không có cơ sở.
Tại khoản 4 Điều 126 dự thảo Luật đã quy định: Việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được tổ chức thực hiện trước thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất không quá 06 tháng.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Về hoạt động tư vấn xác định giá đất: Luật Giá năm 2012 và Luật Đất đai năm 2013 có những quy định chồng chéo liên quan đến hoạt động tư vấn xác định giá đất: (i) Tại Điều 115, 116 Luật Đất đai năm 2013 quy định về tư vấn xác định giá đất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, trong đó có nội dung quy định điều kiện hoạt động của tư vấn xác định giá đất, hành nghề tư vấn xác định giá đất thực hiện theo quy định của Chính phủ (gồm tổ chức tư vấn định giá đất và định giá viên). Quy định này đã đến dẫn những chồng chéo với quy định tại Luật Giá năm 2012 về tổ chức được thực hiện tư vấn xác định giá đất và cá nhân được hành nghề tư vấn xác định giá đất; (ii) Luật giá năm 2012 đã có các quy định điều chỉnh liên quan đến hoạt động tư vấn xác định giá bất động sản (trong đó đất đai là một loại bất động sản) nên đối với đất đai hoạt động này được hiểu là hoạt động tư vấn xác định giá đất. Trước khi Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, hoạt động tư vấn xác định giá đất được thực hiện thống nhất theo Luật giá năm 2012. Theo đó, tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn xác định giá đất là các doanh nghiệp thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, các cá nhân thực hiện là các thẩm định viên về giá hành nghề được Bộ Tài chính cấp Thẻ thẩm định viên về giá. Đồng thời, hiện nay, việc tư vấn xác định giá bất động sản theo Luật Kinh doanh bất động sản; tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp phục vụ cổ phần hóa, thoái vốn, góp vốn; tư vấn xác định giá trị công nghệ (thẩm định giá công nghệ) theo Luật chuyển giao công nghệ; tư vấn trong mua sắm tài sản công... cũng đã được quy định rõ thuộc phạm vi hoạt động của các tổ chức thẩm định giá theo Luật giá.
b) Hướng xử lý: Giải trình
- Tại Điều 34 Luật giá quy định tiêu chuẩn thẩm định viên về giá như sau:
“1. Có năng lực hành vi dân sự.
2. Có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực, khách quan.
3. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá.
4. Có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 tháng trở lên sau khi có bằng tốt nghiệp đại học theo chuyên ngành quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Có chứng chỉ đã qua đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá do cơ quan có thẩm quyền cấp.
6. Có Thẻ thẩm định viên về giá theo quy định của Bộ Tài chính.”
- Tại Luật Đất đai năm 2013 không quy định cụ thể về tiêu chuẩn định giá đất mà giao Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tư vấn xác định giá đất, hành nghề tư vấn xác định giá đất (Điều 115).
- Tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất đã quy định: cá nhân được hành nghề tư vấn xác định giá đất trong trường hợp đã có Chứng chỉ định giá đất được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc có Thẻ thẩm định viên về giá hoặc Chứng chỉ định giá bất động sản (Điều 20).
- Tại Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã quy định: cá nhân được hành nghề tư vấn xác định giá đất trong trường hợp đã có Chứng chỉ định giá đất được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc có Thẻ thẩm định viên về giá hoặc Chứng chỉ định giá bất động sản và Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành (Điều 2).
Như vậy, việc quy định về điều kiện hoạt động của tư vấn xác định giá đất tại Nghị định số 136/2018/NĐ-CP là phù hợp với Điều 34 của Luật giá.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Điều 174 Luật Đất đai quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê có quyền chuyển nhượng QSD đất.
Điều 79 Luật Lâm nghiệp quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê rừng không có quyền chuyển nhượng rừng.
Quy định này không thống nhất gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện ở địa phương.
b) Hướng xử lý: Giải trình
Phạm vi điều chỉnh của hai luật là khác nhau, Luật Đất đai quy định người sử dụng đất được nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê (có thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước) thì có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất (có thể là rừng cây được đầu tư bằng tiền của người sử dụng đất). Luật Lâm nghiệp quy định người thuê rừng thì không có quyền chuyển nhượng rừng là phù hợp. Đồng thời, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng rà soát lại chế độ sử dụng các loại rừng cho phù hợp.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Điều 17 Luật Lâm nghiệp quy định nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Đồng thời, tại khoản 5 Điều 14 Luật Lâm nghiệp quy định nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng phải thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.
Luật Đất đai lại không có quy định về thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên và chỉ quy định Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý bảo vệ và phát triển rừng (Điều 135).
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
Sửa đổi nội dung liên quan đến chế độ sử dụng rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thống nhất với Luật Lâm nghiệp đồng thời phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 18 của Trung ương (sử dụng đất kết hợp).
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
- Theo quy định tại Điều 135 Luật đất đai năm 2013 thì Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Theo quy định tại Điều 17 Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
Khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai quy định Nhà nước cho thuê đất rừng sản xuất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng. Tại Điều 17, Luật Lâm nghiệp không có quy định cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuê rừng sản xuất, chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng sản xuất. Người VN định cư ở nước ngoài muốn thực hiện dự án đầu tư trồng rừng sản xuất tại VN phải đăng ký thành lập doanh nghiệp để được Nhà nước giao đất trồng rừng.
- Tại khoản 3 Điều 136 Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước vẫn giao rừng phòng hộ cho tổ chức, cá nhân; tuy vậy, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 và khoản 4 Điều 56 Luật Lâm nghiệp thì “Nhà nước chỉ giao rừng phòng hộ cho tổ chức kinh tế đối với trường hợp rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích đất rừng sản xuất của tổ chức đó, còn đối với các trường hợp khác chỉ áp dụng hình thức cho thuê môi trường rừng phòng hộ”.
Khoản 4 Điều 136 Luật Đất đai năm 2013 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng. Theo quy định tại Điều 17 Luật Lâm nghiệp thì Nhà nước cho thuê rừng sản xuất (không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng phòng hộ).
- Theo quy định tại Điều 137 Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước giao đất rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng. Theo quy định tại Điều 16 Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì việc giao rừng đặc dụng được giao cho từng loại chủ rừng (Ban quản lý rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế, và cả cộng đồng dân cư...).
Tại Khoản 5 Điều 137 Luật Đất đai năm 2013 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng. Theo quy định tại Điều 17 Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì quy định cho thuê rừng sản xuất (không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng đặc dụng).
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét: sửa đổi các Điều 135, 136 và 137 của Luật Đất đai năm 2013 đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Lâm nghiệp theo nguyên tắc ưu tiên bảo vệ và phát triển rừng, cho phép kết hợp khai thác kinh tế nhưng có giám sát chặt chẽ đảm bảo bảo vệ nghiêm ngặt rừng.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Điều 10: Luật Đất đai quy định: “Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau: “1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: “…c) Đất rừng sản xuất; d) Đất rừng phòng hộ; đ) Đất rừng đặc dụng; 2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: “…. c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;…).”
Điều 5: Luật Lâm nghiệp quy định:
1. Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 03 loại như sau a) Rừng đặc dụng; b) Rừng phòng hộ; c) Rừng sản xuất.
2. Rừng đặc dụng … bao gồm a) Vườn quốc gia; b) Khu dự trữ thiên nhiên; c) Khu bảo tồn loài - sinh cảnh; d) Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; đ) Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.
3. Rừng phòng hộ … bao gồm a) Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới; b) Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.”
Trên thực tế một số diện tích rừng được giao cho lực lượng vũ trang quản lý có hiện trạng là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ theo quy định của Luật Lâm nghiệp, tuy nhiên theo Luật Đất đai thì diện tích trên là thuộc vào nhóm đất sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng.
Đề nghị xem xét, điều chỉnh nội dung phân loại đất, rừng để thống nhất quản lý giữa ngành tài nguyên - môi trường và lâm nghiệp.
b) Hướng xử lý: Giải trình
Theo quy định về thống kê, kiểm kê đất đai, thì đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ do lực lượng vũ trang quản lý vẫn thống kê váo đất rừng (đất lâm nghiệp), không phải là đất quốc phòng, an ninh. Luật Đất đai năm 2013 (Điều 61) cũng như dự thảo Luật (Điều 66) đã quy định rõ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh. Trường hợp các đơn vị quân đội, công an mà sử dụng đất vào các mục đích nêu trên mới thống kê vào đất quốc phòng, an ninh. Đồng thời, dự thảo Luật cũng đã sửa nội dung liên quan đến phân loại đất tại khoản 1 Điều 11 dự thảo Luật Đất đai cho phù hợp với Luật Lâm nghiệp.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Tại điểm b Khoản 1, Điều 58 của Luật Đất đai năm 2013 quy định Hội đồng nhân dân tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng (Luật Đất đai chỉ nêu chuyển mục đích sử dụng đất rừng, không phân biệt rừng tự nhiên với rừng trồng). Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 14 của Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”. Trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp cũng chưa giải thích cụ thể về từ ngữ “dự án cấp thiết khác” nên cơ quan thực hiện chức năng quản lý rừng khó xác định tiêu chí nào là dự án cấp thiết để xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Mặt khác, tại khoản 3, Điều 20 của Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư. Hội đồng nhân dân tỉnh không có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng.
Như vậy, cùng một nội dung nhưng giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp chưa có sự thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan có liên quan trong việc tham mưu thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng. Đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung của Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp để có sự thống nhất chung.
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
- Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai theo hướng phân cấp thẩm quyền cho địa phương: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
- Chỉ đạo rà soát sửa đổi các Luật Lâm nghiệp để thống nhất với Luật Đất đai.
18.1. Về quyền tiếp cận đất đai của tổ chức trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo
Theo điểm đ khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản 2010, đối với các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh, chủ đầu tư và người có đất phải tự thỏa thuận việc sử dụng đất sản xuất kinh doanh thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trường hợp sau khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thành công mà Chủ đầu tư (đơn vị trúng đấu giá) không tự thỏa thuận được với người có đất thì sẽ không giải phóng được mặt bằng để thực hiện dự án.
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai và Luật Khoáng sản, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
Theo điểm đ khoản 3 Điều 62, Điều 73, Điểm d khoản 2 Điều 118 và Điều 152 Luật Đất đai năm 2013 việc sử dụng đất thực hiện dự án khai thác khoáng sản có 2 loại: (1) Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất; (2) Dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu
vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản thì Nhà nước không thu hồi đất mà chủ đầu tư và người sử dụng đất thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản (nếu phải chuyển mục đích).
Do vậy, cần sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản 2010 để các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh cũng thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo
Luật Khoáng sản quy định doanh nghiệp phải có nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực (khoản 4 Điều 58). Mặt khác, Luật Khoáng sản quy định hợp đồng thuê đất của doanh nghiệp sẽ chấm dứt ngay hiệu lực khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực (khoản 1 Điều 31). Điểm c khoản 3 Điều 152 Luật Đất đai cũng quy định về việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản phải sử dụng đất phù hợp với tiến độ thăm dò, khai thác khoáng sản. Điều này, khiến doanh nghiệp khai thác khoáng sản sẽ khó khăn khi triển khai các hoạt động để thực hiện nghĩa vụ liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường.
b) Hướng xử lý: Giải trình
Quy định của Luật Đất đai là phù hợp giúp đảm bảo đất được hoàn thổ cùng với quá trình khai thác. Do đó, đề nghị sửa đổi Luật Khoáng sản phù hợp với Luật Đất đai.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo
Luật Khoáng sản quy định quyền được trả lại một phần diện tích đã khai thác nếu như đã hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Theo đó, để được trả lại một phần diện tích khu vực đã khai thác, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ đề nghị trả lại một phần diện tích khu vực khai thác, trong đó có việc lập Đề án đóng cửa mỏ một phần diện tích (đối với diện tích đã khai thác hết trữ lượng) trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác phê duyệt để thực hiện. Nếu chưa trả lại phần diện tích đã khai thác trữ lượng như đã nêu trên, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác (nếu có) và thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường như đã nêu trên nhưng không quy định, trong giai đoạn này (khi đã khai thác hết trữ lượng khoáng sản tại khu vực nêu trên) thì có phải tiếp tục thuê đất nữa hay không?
b) Hướng xử lý: Giải trình
Đây là vấn đề liên quan đến tổ chức thực hiện. Tại điểm c khoản 3 Điều 152 của Luật Đất đai năm 2013 đã quy định: người sử dụng đất có trách nhiệm trả lại đất đúng với tiến độ thăm dò, khai thác khoáng sản và trạng thái lớp đất mặt được quy định trong hợp đồng thuê đất.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo
- Theo quy định tại Khoản 4 Điều 56 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn tài sản bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Theo quy định tại Điều 181 Luật Đất đai năm 2013 thì cơ sở tôn giáo không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Việc quy định khác nhau về chuyển đổi, chuyển nhượng đất của cơ sở tôn giáo giữa 02 Luật là chưa thống nhất, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
b) Hướng xử lý: Giải trình
Quy định nêu trên là thống nhất do Luật Tín ngưỡng, tôn giáo dẫn chiếu đến quy định của Luật Đất đai.
Dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng, giao đất không thu tiền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo sử dụng đất làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo. Đối với đất sử dụng vào mục đích khác thì được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm. Để bảo đảm ổn định, dự thảo bổ sung quy định xử lý đối với tổ chức tôn giáo, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất tôn giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
20. Luật Tổ chức chính quyền địa phương
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Điều 45 Luật Đất đai (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến Quy hoạch) quy định: “UBND cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt”.
Điều 26 và Điều 54, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định “HĐND cấp huyện thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt” chưa thống nhất việc thông qua HĐND cấp huyện đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định phải thông qua HĐND cấp huyện cả với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
Đề nghị sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng dẫn chiếu thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp huyện về quản lý đất đai thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
21.1. Về thời hạn và thời hiệu
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Quy định hiện hành còn mẫu thuẫn giữa Luật Đất đai và Luật Tố tụng hành chính về thời hiệu có hiệu lực của quyết định giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại khoản 58 Điều 2 của Nghị định 01/2017/NĐ-CP và thời hiệu thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính của Luật Tố tụng hành chính 2015 (Điều 116). Theo đó quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần 2 sẽ có hiệu lực sau thời gian từ 30 – 45 ngày. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015 thì các quyết định hành chính sau thời hạn 1 năm vẫn bị khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính do đó sẽ ảnh hưởng đến quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực do quyết định này sẽ bị khởi kiện.
b) Hướng xử lý
Vấn đề này vướng mắc ở tầm Nghị định. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo ghi nhận và xem xét sửa đổi Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo hướng quy định hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại phù hợp với quy định của Luật Tố tụng hành chính.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
Khoản 4 Điều 57 Luật Tố tụng hành chính quy định quyền, nghĩa vụ của người bị kiện: “Sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện”. Đồng thời, tại điểm e khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khi người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính. Với quy định này thì trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án, cơ quan đã ban hành GCNQSDĐ có quyền hủy bỏ GCN đã cấp cho người sử dụng đất khi bị khởi kiện.
Điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai quy định “Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.” và khoản 3 Điều 106 Luật Đất đai quy định “Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.”
Thực tiễn xét xử tại Tòa án đối với những GCN bị khởi kiện thường không có hoạt động thanh tra để kết luận mà Tòa án thu thập chứng cứ và quyết định. Do đó, với quy định này thì trong quá trình tố tụng tại Tòa án, cơ quan đã ban hành GCN không thể hủy quyết định hành chính là GCN hoặc thu hồi được nên thường chờ Tòa án tuyên hủy quyết định ban hành GCN rồi mới căn cứ vào bản án để thu hồi GCN. Điều này dẫn đến mâu thuẫn, trong các quy định của pháp luật về quyền của cơ quan cấp GCN khi tham gia tố tụng tại Tòa án. Trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai thì cơ quan đã ban hành GCN không thể tự mình quyết định thu hồi hay hủy bỏ GCN mà mình phát hiện bị sai.
b) Hướng xử lý: Giải trình
Hiện nay, pháp luật đất đai đã có quy định 02 trường hợp thu hồi GCN. Một là, các trường hợp GCN cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai (đã được nêu tại điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai) thì do cơ quan có thẩm quyền cấp GCN thu hồi GCN sau khi có kết luận của thanh tra, văn bản của cơ quan có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai hoặc cơ quan cấp GCN, người sử dụng đất tự kiểm tra và phát hiện (quy định tại khoản 3 Điều 106 Luật Đất đai; khoản 4 Điều 87 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP). Hai là, thu hồi GCN đối với các trường hợp không thuộc điểm d Điều 106 của Luật Đất đai thì được thực hiện sau khi có bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân có thẩm quyền thi hành. Do đó, việc phản ánh “Thực tiễn xét xử tại Tòa án đối với những GCN bị khởi kiện thường không có hoạt động thanh tra để kết luận mà Tòa án thu thập chứng cứ và quyết định.” là chưa đầy đủ; cơ quan đã ban hành GCN vẫn có thẩm quyền thu hồi GCN qua kênh thanh tra, kiểm tra mà không cần chờ toà án tuyên huỷ.
a) Nội dung vướng mắc, chồng chéo:
- Theo quy định tại khoản 4, Điều 203, Luật Đất đai năm 2013 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định: “4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp...”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 8, Điều 2, Luật khiếu nại năm 2011 quy định: “8. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.”
Hiện nay quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Luật Đất đai 2013 chưa thống nhất với quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính. Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai, trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức là khởi kiện ra Tòa án hoặc giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai là một loại quyết định hành chính do đó có thể bị khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại, sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai mà đương sự vẫn không chấp nhận thì lại tiếp tục khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Do đó, cần có quy định phù hợp hơn để các cơ quan có thẩm quyền không lúng túng trong quá trình giải quyết.
Quy định rõ về quy trình giải quyết đất đai phù hợp với Luật Khiếu nại.
b) Hướng xử lý
Vấn đề này liên quan đến tính đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Tố tụng hành chính và Luật Khiếu nại, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội xem xét:
Sửa đổi trong Luật Đất đai theo hướng: Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Đồng thời, dự thảo cũng đã giao Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu./.
[1] Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu rõ
“chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất”
[2] Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải đồng thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới đó; trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ trong văn bản mới danh mục văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực.
Trường hợp văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành có quy định khác với văn bản mới nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được chỉ rõ trong văn bản mới đó.”
[3] 1.
Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
[4] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 37 Điều 1 của Luật số 64/2014/QH13.
Báo cáo Đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Cơ quan ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ngày ban hành:
Số hiệu:
Mô tả:
Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
A1107-bc-BTNMT-danh-gia-tac-dong-cs-DA-Luat-Dat-dai-sd---20220930095948.doc
I. XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ BẤT CẬP TỔNG QUAN
1. Bối cảnh xây dựng chính sách
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2013 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Sau gần 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm; việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua giao đất, cho thuê đất còn bất cập; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; cải cách hành chính trong quản lý đất đai, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện; xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp, dẫn đến mất đất, giảm độ màu mỡ, thoái hóa đất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống của người dân; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế.
Nguyên nhân là do đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; chính sách, pháp luật còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa được thực hiện tốt; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định các khâu đột phá chiến lược trong đó yêu cầu: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính”.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu: “Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hoá lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất. Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hoá, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất. Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất. Hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất, nước, rừng, biển, khoáng sản và đa dạng sinh học” (trang 153, 154 tập 1).
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về đất đai để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này; công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước; tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn.
Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế:
“Sửa đổi, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh hạn điền, thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển các vùng thâm canh, chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Rà soát diện tích đất và tình hình đất đã giao cho các chủ sử dụng, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước quy mô lớn. Xử lý triệt để bất cập trong quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, nhất là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán trái pháp luật”.
Kết luận số 81-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 đã đặt ra các định hướng để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời gian tới là: “Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, tài chính, bảo hiểm, tín dụng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất lúa được quy hoạch; cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất lúa, bảo đảm mục tiêu giữ ổn định diện tích đất lúa. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho nông dân, địa phương trồng lúa và doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh lúa gạo; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất lúa. Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và ứng dụng công nghệ cao để quản lý, sử dụng đất trồng lúa hiệu quả, bền vững. Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai”.
Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giao Chính phủ là xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị để khắc phục các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị và xây dựng.
Đặc biệt, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, đã nêu rõ về quan điểm, mục tiêu và đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.
Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII, các Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết của Quốc hội và kết quả tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai như đã nêu ở trên, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai, đồng thời bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
2. Mục tiêu xây dựng chính sách
2.1. Mục tiêu tổng quát
- Hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Chính sách, pháp luật đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người được Nhà nước giao đất nông nghiệp, đối tượng dễ tổn thương; đời sống, việc làm cho người có đất thu hồi. Giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đất đai, đảm bảo được tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khắc phục được sự phân tán trong quản lý đất đai, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tài sản, nguồn lực đất đai trong điều kiện hội nhập quốc tế.
- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai; đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh.
- Thực hiện phân cấp thẩm quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
- Hoàn thiện cơ chế, chế tài ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai; khắc phục tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng đất đai, khiếu kiện liên quan đến đất đai.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, sử dụng đất đai; cải cách thủ tục hành chính.
II. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH
1.1. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai
1.1.1. Xác định vấn đề
Luật Đất đai năm 2013 đã có 01 chương quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai (Chương II), trong đó đã quy định về quyền của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu về đất đai và trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý đất đai. Tuy nhiên, các quy định chương này chưa bảo đảm sự tách bạch và minh định trách nhiệm chức năng đại diện chủ sở hữu đất đai của Nhà nước với chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Đây là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lạm quyền, tiêu cực, chuyên quyền độc đoán trong việc quyết định số phận pháp lý của đất đai, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.
Mặt khác, trong quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai trên thực tế cho thấy theo quy định Nhà nước có rất nhiều quyền (quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; quyết định giá đất; quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai...) nhưng thực chất lại chưa thực sự quản lý chặt chẽ được đất đai. Một số quyền định đoạt của Nhà nước về thu hồi đất, về quyết định giá đất,... chưa được thực hiện tốt tại một số địa phương; phân cấp thẩm quyền trong quản lý đất đai giữa Trung ương và địa phương còn bất cập, tồn tại do còn chưa thống nhất với phân cấp thẩm quyền của các ngành lĩnh vực khác (như thẩm quyền giao, cho thuê khu vực biển; giao, cho thuê rừng…).
1.1.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu; khắc phục các quy định hiện hành chưa quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; giải quyết vấn đề đất đai gắn với lịch sử dân tộc và lợi ích của quốc gia.
- Thực hiện phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
- Khắc phục tình trạng lợi dụng các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là chủ sở hữu để tiêu cực, tham nhũng, trục lợi từ đất đai.
1.1.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1: Giữ như quy định của Luật Đất đai năm 2013.
b) Giải pháp 2:
- Quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; bổ sung quy định về quyền điều tiết thị trường quyền sử dụng đất theo quy luật cung, cầu của thị trường thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất và kế hoạch đảm bảo bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
- Quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của công dân với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai, bao gồm: quyền tiếp cận đất đai, quyềntiếp cận thông tin đất đai, quyền tham gia, giám sát việc quản lý, sử dụng đất và các nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai.
- Hoàn thiện các quyền của Nhà nước trong quản lý đất đai, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
1.1.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
1.1.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh về kinh tế
- Đối với người sử dụng đất: Không phát sinh về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo được tính ổn định của Luật Đất đai đối với các trường hợp đã thực hiện việc phân quyền quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, chưa bảo đảm sự tách bạch và minh định chức năng đại diện chủ sở hữu đất... có thể dẫn đến tình trạng lợi dụng các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là chủ sở hữu để tiêu cực, tham nhũng, trục lợi từ đất đai.
- Đối với công dân và doanh nghiệp: chưa minh bạch, rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý đất đai; chưa phát huy được vai trò giám sát của người dân và doanh nghiệp đối với các cơ quan Nhà nước trong việc thực thi quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 và không có tác động đến hệ thống pháp luật khác do đó không có sự chồng chéo.
1.1.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Khi thực hiện giải pháp này Nhà nước sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để điều tiết thị trường quyền sử dụng đất, ổn định tình hình kinh tế của đất nước và sẽ phải đầu tư kinh phí để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai.
- Đối với người sử dụng đất: Không phát sinh về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước:
Các cơ quan có thẩm quyền sẽ thuận lợi hơn trong việc áp dụng Luật và tổ chức thực hiện trên thực tế; đảm bảo vừa làm tốt được vai trò chủ sở hữu trong việc thực hiện các quyền định đoạt để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vừa thực hiện được vai trò quản lý đối với tài nguyên và tài sản đất đai, kể cả đối với không gian ngầm và không gian trên không.
Việc minh bạch các quyền của Nhà nước và các chế tài xử lý khi có vi phạm sẽ có tính chất răn đe các hành vi vi phạm, góp phần khắc phục tình trạng các cơ quan Nhà nước chưa làm hết trách nhiệm được giao của mình, buông lỏng quản lý, đùn đẩy, né trách tránh nhiệm, lợi dụng để tham nhũng, trục lợi từ đất đai.
- Đối với công dân và doanh nghiệp:
+ Mọi công dân sẽ thấy rõ hơn quyền và trách nhiệm của mình với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai, nhưquyền tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin đất đai, quyền tham gia hoặc thông qua cơ quan đại diện (Mặt trận tổ quốc Việt Nam) giám sát việc quản lý, sử dụng đất. Bên cạnh đó, công dân cũng thấy đượccác nghĩa vụ của mình đối với việc quản lý, sử dụng đất đai.
+ Đối với người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu sự tác động sẽ được hưởng lợi từ việc minh bạch, rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý đất đai, phát huy được vai trò giám sát của người dân và doanh nghiệp đối với các cơ quan Nhà nước trong việc thực thi quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 và sẽ liên quan đến pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; pháp luật về hoạt động giám sát.
1.1.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 vì việc lựa chọn giải pháp này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục các quy định hiện hành chưa rõ về vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; khắc phục tình trạng lợi dụng các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là chủ sở hữu để tiêu cực, tham nhũng, trục lợi từ đất đai; thực hiện phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
1.2. Về áp dụng pháp luật
1.2.1. Xác định vấn đề
Quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thi hành Luật mà một trong những nguyên nhân là còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật có liên quan với Luật Đất đai. Qua rà soát thì thấy 112 Luật, Bộ luật có các quy phạm liên quan đến đất đai, trong đó có 22 luật, bộ luật có quy phạm vướng mắc, chồng chéo với các quy phạm quy định trong Luật Đất đai đã làm ảnh hướng đến việc tổ chức thi hành Luật Đất đai tại địa phương và là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai trong thời gian vừa qua. Trên thực tế có nhiều số địa phương đề nghị các Bộ, ngành hướng dẫn việc áp dụng các quy định của pháp luật như khi nào thì áp dụng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, khi nào áp dụng Luật Đất đai…
1.2.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực thi luật; tạo sự rõ ràng, nhất quán và thuận tiện trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật.
1.2.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1:Không quy định về áp dụng pháp luật trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
b) Giải pháp 2: Quy định cụ thể trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về nội dung áp dụng pháp luật để làm rõ mối quan hệ giữa Luật Đất đai và một số pháp luật liên quan, trong đó:
- Quy định rõ các nội dung ưu tiên áp dụng Luật Đất đai trong trường hợp có sự khác biệt với các luật có liên quan, gồm các nội dung: quyền và trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, trưng dụng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đất đai; phân loại đất; điều tra, đánh giá đất đai; chế độ sử dụng các loại đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai.
- Quy định cụ thể một số quan hệ pháp luật có liên quan đến đất đai áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành, ví dụ như (1) Trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản; (2) Trình tự, thủ tục đấu thầu dự án có sử dụng đất thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu; (3) Việc sắp xếp lại, xử lý đất và các tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về tài sản công…).
1.2.4. Đánh giá tác động của giải pháp
1.2.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh về kinh tế
- Đối với người sử dụng đất: Không phát sinh về kinh tế
b) Tác động xã hội:
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo thống nhất về nguyên tắc chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi giải quyết một số vấn đề có liên quan đến đất đai nhiều khi không biết áp dụng quy định của pháp luật nào cho đúng.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: trong quá trình thực thi pháp luật không biết thực hiện theo quy định của pháp luật nào.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Hệ thống pháp luật có liên quan đến đất đai bị mâu thuẫn, chồng chéo.
1.2.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Thống nhất nguyên tắc chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi giải quyết một số vấn đề có liên quan đến đất đai nhiều khi không biết áp dụng quy định của pháp luật nào cho đúng đẽ dẫn đến phát sinh thêm các chi phí cho việc tổ chức thực thi pháp luật. Đồng thời sẽ phát sinh chi phí để nghiên cứu, rà soát các quy định trong hệ thống pháp luật để phân định rõ phạm vi áp dụng trong Luật Đất đai (sửa đổi).
- Đối với người sử dụng đất: Không bị rủi ro khi áp dụng các quy định của hệ thống pháp luật, từ đó sẽ giảm các chi phí không cần thiết cho người sử dụng đất khi tiếp cận đất đai, thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo sự rõ ràng hơn về nguyên tắc áp dụng pháp luật; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuận và khó khăn, vướng mắc quá trình tổ chức thi hành; đảm bảo sự nhất quán và thuận tiện trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, chưa đảm bảo được sự thống nhất theo nguyên tắc chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: tạo sự rõ ràng, thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình tiếp cận đất đai và thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Hệ thống pháp luật sẽ từng bước được đồng bộ, thống nhất
1.2.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 để làm rõ mối quan hệ giữa Luật Đất đai với một số pháp luật liên quan; tạo sự rõ ràng, nhất quán và thuận tiện trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
1.3. Cải cách thủ tục hành chính về đất đai
1.3.1. Xác định vấn đề
- Luật Đất đai chưa quy định việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử; giá trị pháp lý của việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; trong khi đó các thủ tục hành chính có liên quan thì người dân được lựa chọn thực hiện các hình thức phù hợp: nộp trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc trên môi trường điện tử.
- Trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai như giao đất, cho thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất... nhiều thủ tục khác có liên quan được thực hiện trước đó hoặc đồng thời (chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư, xây dựng, tài chính,...) nhưng cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai phải chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả cuối cùng, dẫn đến làm tăng thời gian giải quyết thủ tục, không minh bạch trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, gây tâm lý né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc.
1.3.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
- Xây dựng nguyên tắc trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đảm bảo phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, gắn với rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục.
- Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục khi thực hiện các giao dịch đất đai trên môi trường điện tử, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện quyền của người sử dụng đất được thuận tiện, nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
1.3.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1: Giữ như quy định của Luật Đất đai năm 2013.
b) Giải pháp 2:
- Bổ sung quy định thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện trên môi trường điện tử; giá trị pháp lý của việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; rà soát chuẩn hóa tên các thủ tục hành chính về đất đai, bổ sung thủ tục còn thiếu để đảm bảo công khai minh bạch thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai (thủ tục gia hạn sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai).
- Bổ sung quy định nguyên tắc trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đảm bảo phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, chính xác giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền; được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.
1.3.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
1.3.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh thêm các chi phí, thủ tục do không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật
- Đối với người sử dụng đất: Sẽ vẫn phải mất một số chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính như phải chuẩn bị và phô tô nhiều giấy tờ có liên quan để nộp cho cơ quan Nhà nước.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: giữ được sự ổn định của các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh lực đất đai.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: thời gian để được giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai sẽ bị kéo dài; việc thực hiện các thủ tục hành chính của người sử dụng đất không được thực hiện thống nhất, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất bị ảnh hưởng.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính mới.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Về cơ bản, giải pháp này không có tác động tiêu cực đến hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách này đòi hỏi cần bổ sung nhân lực, chi phí để duy trì thực hiện, đồng thời phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và người dân. Đồng thời, nếu thực hiện theo giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai”.
1.3.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Sẽ phát sinh chi phí trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chi phí cho đảm bảo về an toàn an ninh thông tin dữ liệu, chi phí cho đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng với hạ tầng kỹ thuật đã đầu tư. Đồng thời, sẽ phát sinh chi phí để nghiên cứu, rà soát các thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Tiết kiệm chi phí gián tiếp (đi lại, phô tô giấy tờ....) khi thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước:
+ Việc bổ sung quy định về hình thức thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử cũng như giá trị pháp lý của việc thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lời cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan quản lý nhà nước; đảm bảo phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian giải quyết góp phần minh bạch quá trình giải quyết thủ tục.
+ Giảm bớt nhân lực so với việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai bằng phương thức truyền thống.
+ Giúp việc quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường về hiệu lực, hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, thực hiện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nếu không được quản lý chặt chẽ dễ đối diện với nguy cơ bị mất dữ liệu, đình trệ công việc do bị tấn công mạng.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: thuận tiện trong việc theo dõi quá trình giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai của cơ quan Nhà nước; giảm thời gian trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai và giảm việc bị nhũng nhiễu, vòi vĩnh của người giải quyết thủ tục hành chính.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp này sẽ phải thống nhất cách thức thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai của cơ quan và sẽ góp phần giảm bớt các hồ sơ, giáy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Khi thực hiện giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai”, tuy nhiêncần thống nhất với pháp luật về tiếp cận thông tin, giao dịch điện tử và an toàn mạng.
1.3.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 vì khi thực hiện giải pháp này sẽ giải quyết được một số phát sinh trong thực tế nhằm đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính, Chính phủ điện tử trong giai đoạn hiện nay và mang lại lợi ích cho cả người quản lý và người sử dụng đất.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội và Chính phủ.
2. Chính sách 2: Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai
2.1. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
2.1.1. Xác định vấn đề
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những công cụ quản lý quan trọng, là biện pháp để nhằm phân bổ đất đai vào các mục đích nhằm sử dụng bền vững, mang lại lợi ích cao nhất, thực hiện đồng thời hai chức năng điều chỉnh các mối quan hệ đất đai và tổ chức sử dụng đất như tư liệu sản xuất đặc biệt với mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất của xã hội kết hợp bảo vệ đất và môi trường. Luật Đất đai 2013 đã quy định nguyên tắc quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được triển khai thực hiện tại 03 cấp hành chính là quốc gia, tỉnh, huyện; kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện là căn cứ để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Trên cơ cơ sở điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia đã được Quốc hội thông qua thông qua tại Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09 tháng 4 năm 2016, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh và đã được Chính phủ phê duyệt (63/63 tỉnh, thành phố); điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, trong thời gian qua quá trình thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn một số tồn tại, vướng mắc như:
- Nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất chưa phù hợp với quy định tại các Luật khác như Luật Quy hoạch, Luật Di sản văn hóa. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thể hiện rõ các căn cứ vào điều kiện tiềm năng đất đai, sinh thái, tự nhiên, khả năng chịu tải của môi trường; chưa chú trọng đến định mức sử dụng đất, khả năng đầu tư, yếu tố thị trường và tiến bộ khoa học kỹ thuật liên quan đến sử dụng đất
- Quy hoạch sử dụng đất và một số quy hoạch ngành có sử dụng đất chưa đồng bộ, thống nhất và liên thông trong quá trình thực hiện. Chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa đảm bảo tính đồng bộ, thực hiện quy hoạch chưa nghiêm. Công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất của một số ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội vượt quá so với nhu cầu của nguồn lực đầu tư, chưa phù hợp với thực tiễn của hầu hết các địa phương, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp.
- Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phụ thuộc vào thu hút đầu tư, nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án; một số công trình, dự án cấp quốc gia sử dụng vốn từ ngân sách Trung ương chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng tiến độ (như Sân bay Quốc tế Long Thành, một số tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai ven biển, đường vành đai vùng kinh tế trọng điểm, các trường đại học,...) nên ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Thiếu các giải pháp có tính khả thi để thực hiện quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là không cân đối đủ nguồn vốn đầu tư do nhu cầu vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật là rất lớn trong khi ngân sách của các địa phương có hạn; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch.
- Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch của một số địa phương chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn phổ biến, gây lãng phí lớn; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy hoạch, kế hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng “dự án treo” do chạy theo số lượng, tỷ lệ “lấp đầy thấp” trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước.
2.1.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Quy định nguyên tắc lập quy hoạch đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo tính thống nhất, liên kết đầy đủ của hệ thống từ quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có nội dung quy hoạch chi tiết đến cấp xã; bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất đai phù hợp với kinh tế thị trường.
- Xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất độc lập, thống nhất, bao gồm: quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có thể hiện nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp xã, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện thông tin đến thửa đất; bảo đảm khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên, tài sản đất đai; chức năng sinh thái của đất đai, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Nội dung quy hoạch sử dụng đất được kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
- Khắc phục các bất cập hiện nay về quan hệ phối hợp giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác nhằm phát huy lợi thế, đặc điểm tự nhiên, chức năng, tiềm năng đất đai, tính liên kết liên vùng thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên đất đai.
2.1.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1: Giữ như quy định của Luật Đất đai năm 2013.
b) Giải pháp 2:
- Sửa đổi nguyên tắc lập quy hoạch, trong đó: (i) Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch quốc gia và các quy hoạch ngành lĩnh vực có sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển; (ii) đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; (iii) được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên. Quy hoạch sử dụng đất các cấp được lập đồng thời, chia sẻ, tích hợp thông tin trong quá trình lập quy hoạch. Quy hoạch sử dụng đất các cấp được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch; (iv) Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất;(v) sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; (vi) bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế - xã hội; phân bổ nguồn lực đất đai đảm bảo cân đối hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, giữa các thế hệ; phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai.
- Quy định hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là hệ thống đồng bộ, thống nhấtđược thiết lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện (cấp huyện làm cụ thể tới cấp xã), quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh. Bổ sung quy định về tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất và thời điểm lập quy hoạch để khắc phục độ trễ trong triển khai công tác lập quy hoạch đất đai, các quy hoạch có sử dụng đất, đảm bảo quy hoạch đất đai đáp ứng yêu cầu của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
- Đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm hiện đại hóa và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phục vụ kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định không gian, ranh giới, vị trí, diện tích các vùng đất theo định hướng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo các khu chức năng đã được thể hiện trong quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu và quy hoạch nông thôn theo kỳ quy hoạch sử dụng đất.
2.1.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
2.1.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh về kinh tế.
- Đối với người sử dụng đất: Không phát sinh về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo được tính ổn định của Luật Đất đai đối với hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. Tuy nhiên, chưa bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất từ Trung ương đến địa phương, nội dung quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo, đồng bộ thống nhất và thể hiện mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch ngành có sử dụng đất...
- Đối với công dân và doanh nghiệp: chưa minh bạch, rõ ràng trong nội dung quy hoạch sử dụng đất các cấp do không có quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, nội dung chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nội dung quy hoạch sử dụng đất gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển; chưa đảm bảo quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất theo 03 khu vực, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 và không có tác động đến hệ thống pháp luật khác do đó không có sự chồng chéo.
2.1.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Phải đầu tư kinh phí để tổ chức lập, phê duyệt, thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (nhất là quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh khi Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua) và các chi phí để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai.
- Đối với người sử dụng đất: Không phát sinh về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước:
+ Hệ thống quy hoạch sử dụng đất đảm bảo thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Ban Chấp hành Trung ương. Nội dung quy hoạch sử dụng đất có tầm nhìn chiến lược dài hạn; có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh và phải khoanh định được những khu vực đất phải bảo vệ nghiêm ngặt như đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất các khu bảo tồn; dự báo đầy đủ nhu cầu đất đai cho các mục đích, trong đó có tính đến cả quỹ đất dự phòng; xác định các mục tiêu, định hướng sử dụng đất theo không gian, các khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
+ Các cơ quan có thẩm quyền sẽ thuận lợi hơn trong việc áp dụng Luật và tổ chức thực hiện trên thực tế; đảm bảo vừa làm tốt được vai trò quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thống nhất từ Trung ương đến địa phương, vừa thể hiện vai trò chủ sở hữu trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vừa thực hiện được vai trò quản lý đối với tài nguyên và tài sản đất đai để khai thác, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
+ Việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt sẽ giúp cho các cơ quản lý nhà nước, các cơ quan giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các chế tài xử lý khi có vi phạm trong thực hiện chức quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hạn chế việc lợi dụng để tham nhũng, trục lợi từ đất đai.
- Đối với người dân và doanh nghiệp:
+ Người dân và doanh nghiệp sẽ thấy rõ hơn quyền và trách nhiệm của mình với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai, nhưquyền tham gia vào quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt, tiếp cận thông tin đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, công dân cũng thấy đượccác nghĩa vụ của mình đối với việc quản lý, sử dụng đất đai.
+ Người dân và doanh nghiệp được thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối trong các khu vực quy hoạch, khu vực hạn chế tiếp cận đất đai thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
+ Đối với người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu sự tác động sẽ được hưởng lợi từ việc minh bạch, rõ ràng thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát huy được vai trò giám sát của người dân và doanh nghiệp đối với các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022“Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...”và sẽ liên quan đến pháp luật về quy hoạch, pháp luật về xây dựng, pháp luật tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; pháp luật về hoạt động giám sát.
2.1.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 vì đây là giải pháp bảo đảm khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên, tài sản đất đai đồng thời khắc phục được các bất cập về quan hệ phối hợp giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng đất đai, tính liên kết liên vùng thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên đất đai, thực hiện quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thống nhất từ Trung ương đến địa phương và thể chế hóa được Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
2.2. Bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai
2.2.1. Xác định vấn đề
Luật Đất đai 2013 đã quy định về hoạt động, nội dung điều tra, đánh giá đất đai và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chưa được đầy đủ, cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, nên làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là thiếu các quy định về biện pháp để phục hồi, cải tạo đất trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Kết quả điều tra, đánh giá đất đai do các cơ quan ở Trung ương thực hiện cho thấy sau thời gian dài canh tác tăng năng suất, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã làm cho đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa, suy giảm sức sản xuất và hiệu quả sử dụng đất giảm dần. Tổng hợp số liệu thoái đất của cả nước từ điều tra, đánh giá thoái hóa đất tại 6 vùng kinh tế - xã hội và đã xác định kết quả cả nước có 11 triệu 838 nghìn ha đất bị thoái hóa, chiếm 35,74% diện tích tự nhiên của cả nước. Thoái hóa đất làm giảm chất lượng và diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp; giảm năng suất, sản lượng cây trồng; ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và mất cân bằng hệ sinh thái, môi trường. Tuy nhiên, thoái hóa đất cũng thể hiện ở các loại hình khác nhau và cấp độ nặng, nhẹ khác nhau. Về cơ bản chủ yếu là đất bị thoái hóa nhẹ với diện tích là 6.844 nghìn ha, chiếm 20,66% diện tích tự nhiên của cả nước; đất bị thoái hóa trung bình với 3.787 nghìn ha, chiếm 11,43% diện tích tự nhiên của cả nước; đất bị thoái hóa nặng với 1.207 nghìn ha, chiếm 3,64% diện tích tự nhiên của cả nước.
Công tác điều tra, đánh giá đất đai ở một số địa phương chưa được thực hiện theo quy định, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới bắt đầu triển khai việc điều tra, đánh giá đất đai của địa phương dẫn đến tình trạng thiếu thông tin về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất nên việc bố trí đất sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp chưa hợp lý, hiệu quả sử dụng đất thấp; quy mô, loại hình, nguy cơ thoái hóa, ô nhiễm đất chưa được xác định chính xác, kịp thời nên chưa có biện pháp hữu hiệu để cảnh báo, bảo vệ, cải tạo và ngăn chặn quá trình thoái hóa, ô nhiễm đất, diện tích đất bị khô hạn, xói mòn, nhiễm mặn ngày càng gia tăng và chất lượng đất sản xuất nông nghiệp không được duy trì, ổn định.
2.2.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý nhà nước về đất đai một cách toàn diện, đầy đủ cả về số lượng và chất lượng.
- Khắc phục tình trạng ô nhiễm, thoái hóa, sa mạc hóa tài nguyên đất đai.
2.2.3. Giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1:Giữ như quy định của Luật Đất đai năm 2013.
b) Giải pháp 2:
- Bổ sung trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan quản lý có liên quan trong hoạt động điều tra, đánh giá, cải tạo và phục hồi đất đai.
- Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc điều tra, đánh giá đất đai và cải tạo, phục hồi đất đai.
- Quy định rõ trách nhiệm của đối tượng sử dụng đất trong việc bảo vệ, cải tạo đất; phục hồi đất đai.
2.2.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
2.2.4.1. Giải pháp 1:
- Tác động kinh tế
+ Đối với Nhà nước: Không phát sinh về kinh tế
+ Đối với người sử dụng đất: Không phát sinh về kinh tế
- Tác động xã hội
+ Đối với Nhà nước: không xác định được các khu vực và nguyên nhân các khu vực đất bị thoái hóa, ô nhiễm đất… Không xác định được trách nhiệm và nghĩa vụ quyền lợi của công dân và doanh nghiệp do không nhận thức được trách nhiệm về bảo vệ chất lượng tài nguyên đất.
+ Đối với công dân và doanh nghiệp: đất đai có nguy cơ bị ô nhiễm, thoái hóa không được phục hồi gây nên tình trạng cây trồng vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng.
- Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
- Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
- Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 và không có tác động đến hệ thống pháp luật khác do đó không có quy định, thiếu các quy định về bảo vệ cải tạo phục hồi đất đai.
2.2.4.2. Giải pháp 2:
- Tác động kinh tế
+ Đối với Nhà nước: Sẽ phải bổ sung kinh phí cho việc xử lý cải tạo phục hồi đất bị thoái hóa nặng liên tỉnh, liên vùng và kinh phí để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai.
+ Đối với người sử dụng đất: sẽ làm phát sinh thêm kinh phí để phục vụ cho việc cải tạo, phục hồi đất đai (khi làm đất bị thoái hóa).
- Tác động xã hội
+ Đối với Nhà nước: Các cơ quan có thẩm quyền sẽ thuận lợi hơn trong việc áp dụng Luật và tổ chức thực hiện trên thực tế; có hành lang pháp lý để đảm bảo xác định, khoanh vùng cảnh báo các khu vực thoái hóa, ô nhiễm đất, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng đất trong việc thực hiện các biện pháp, giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, cải tạo và ngăn chặn quá trình thoái hóa, ô nhiễm đất khắc phục được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái; phát huy có hiệu quả bền vững, đảm bảo công bằng xã hội, không để đất bị suy thoái, hủy hoại,…
+ Đối với công dân và doanh nghiệp: do xác định được các khu vực và nguyên nhân các khu vực đất bị thoái hóa, ô nhiễm đất… và quy trách nhiệm các đối tượng gây nên tình trạng đó nên công dân và doanh nghiệp sẽ có ý thức tốt hơn và có trách nhiệm nghĩa vụ trong việc bảo vệ chất lượng tài nguyên đất.
- Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
- Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính, cơ quan nhà nước sẽ phải ban hành các quy định của pháp luật, tương ứng với trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng đất và các cơ quan quản lý đất đai các cấp về bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng phục hồi đất đai.
- Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thế chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022. Hệ thống văn bản pháp luật được bổ sung đầy đủ quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp và người sử dụng đất; việc bổ sung quy định nêu trên giúp hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, tăng khả năng thi hành và tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2.2.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 vì sẽ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý nhà nước về đất đai một cách toàn diện, đầy đủ cả về số lượng và chất lượng; đồng thời khắc phục tình trạng ô nhiễm, thoái hóa, sa mạc hóa tài nguyên đất đai.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
3. Chính sách 3: Thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
3.1. Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
3.1.1. Xác định vấn đề
Luật Đất đai 2013 đã quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh và cho phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng tại Điều 61 và Điều 62. Theo đó, Nhà nước chỉ thu hồi đất với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua sự cần thiết phải thu hồi đất. Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng các quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế bất cập, như:
- Tiêu chí xác định các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận với việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế có nguồn vốn đầu tư tư nhân và mang lại lợi nhuận (địa tô chênh lệch) chủ yếu nhà đầu tư được hưởng trong khi người dân bị mất đi tư liệu sản xuất;
- Cơ chế thu hồi, tạo quỹ đất sạch để đấu giá, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất chưa được tổ chức thực hiện tốt. Một mặt là do các địa phương chưa thực sự quan tâm, mặt khác quy định của Luật về cơ chế này chưa đủ rõ, khó thực hiện vì các trường hợp thu hồi đất tại Điều 62 hầu hết là dự án lớn, trong khi những quỹ đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong đô thị, các khu vực lợi thế thương mại lại không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất theo quy định để có thể khai thác được.
- Việc thu hồi đất vùng phụ cận dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn theo quy định tại Điều 39 và Điều 40 của Luật Đất đai còn nhiều khó khăn hạn chế, đặc biệt là thiếu ngân sách để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi phần diện tích đất trong vùng phụ cận; do diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận lại không thuộc các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế -xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại Điều 62 Luật Đất đai. Thực tế, mặc dù đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng khi triển khai địa phương khó thực hiện.
3.1.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đồng thời phân biệt với các trường hợp sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội như khu đô thị, nhà ở thương mại, chỉnh trang khu đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn.
Quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chính sách ưu tiên cho người có đất ở bị thu hồi đất được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật.
- Đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
3.1.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1: Giữ như quy định của Luật Đất đai năm 2013
b) Giải pháp 2:
Hoàn thiện dự thảo Luật theo các tiêu chí để thể chế Hiến pháp năm 2013, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và kế thừa quy định về các trường hợp thu hồi đất tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật đã quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp nhà nước thu hồi đất dựa trên các nhóm tiêu chí về các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, cụ thể: (1) Thực hiện dự án đầu tư đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; (2) sử dụng vào mục đích công cộng; thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội; (3) tạo quỹ đất theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông để phát triển khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ để đấu giá quyền sử dụng đất (phạm vi vùng phụ cận được dự báo và xác định cụ thể trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng…); (4) lấn biển; (5) khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; (6) ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật về đầu tư; (7) xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư, khu dân cư nông thôn; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của tổ chức tôn giáo; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; (8) khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, khu nuôi trồng gắn với chế biến thủy sản, hải sản; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu bảo tồn, di sản thiên nhiên.
Đồng thời, quy định Nhà nước không thu hồi đất mà thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
- Sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hướng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đi trước một bước so với quyết định thu hồi đất. Theo đó, bổ sung quy định về thủ tục họp để phổ biến, tiếp nhận ý kiến của người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại khu vực có dự án, thông tin dự án đầu tư, về chủ trương, chính sách có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tổ chức triển khai thực hiện dự án, về dự kiến kế hoạch triển khai các bước để thực hiện; dự kiến nhu cầu, khu vực bố trítái định cư, nhà ở, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về thủ tục thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ.
- Sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, cụ thể: (1) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật; (2) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính; (3) Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; trong thời gian 15 ngày trước và sau tết nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách nếu họ là người bị cưỡng chế và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương.
3.1.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
3.1.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Giải pháp này sẽ chưa thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 và chưa mang lại nhiều hơn giá trị kinh tế do chưa bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện thu hồi đất. Theo quy định hiện hành thì thu hồi đất là trách nhiệm của Nhà nước, ngân sách chi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng nhiều địa phương không bố trí hoặc không có khả năng bố trí ngân sách để thực hiện, không có khả năng thu hồi đất vùng phụ cận dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất để Nhà nước thu phần giá trị tăng thêm.
- Đối với người sử dụng đất: Do thực hiện cơ chế thu hồi, tạo quỹ đất sạch để đấu giá, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất chưa được tổ chức thực hiện tốt, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương chỉ thực hiện thu hồi đất, kể cả quỹ đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong đô thị, các khu vực lợi thế thương mại lại không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất theo quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là chênh lệch giá bồi thường theo cơ chế thu hồi và giá chuyển nhượng theo cơ chế thỏa thuận.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo được tính ổn định của Luật Đất đai đối với các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, chưa bảo đảm tính minh bạch do chưa rõ ràng về tiêu chí xác định các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận với việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế có nguồn vốn đầu tư tư nhân và mang lại lợi nhuận (địa tô chênh lệch) chủ yếu nhà đầu tư được hưởng trong khi người dân bị mất đi tư liệu sản xuất.
- Đối với công dân và doanh nghiệp: chưa bảo đảm tính minh bạch do chưa rõ ràng về tiêu chí xác định các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận với việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế có nguồn vốn đầu tư tư nhân và mang lại lợi nhuận (địa tô chênh lệch) chủ yếu nhà đầu tư được hưởng trong khi người dân bị mất đi tư liệu sản xuất, là nguyên nhân chính dẫn phát sinh khiếu kiện phức tạp, kéo dài.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính, cụ thể là việc xác định cụ thể từng dự án thu hồi đất được thực hiện trong thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư (đối với trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2), trong thủ tục lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện (đối với trường hợp quy định tại khoản 3).
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ chưa thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 và không khắc phục được tính không thống nhất của pháp luật khác so với pháp luật về đất đai như Luật Đất đai quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án khu đô thị, sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng thì phần hạng mục nhà ở sẽ lập dự án nhà ở và thực hiện giao đất, cho thuê đất; tuy nhiên, pháp luật về nhà ở quy định việc lập dự án khu đô thị cũng thực hiện như dự án nhà ở, dẫn đến tình trạng địa phương thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án khu đô thị như dự án nhà ở thương mại.
3.1.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Giải pháp này đảm bảo thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022, cụ thể là tạo sự rõ ràng, rành mạch trong việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; Nhà nước tạo được quỹ đất sạch để chủ động khai thác nguồn lực đất đai đáp ứng nhu cầu đất đai cho quá trình phát triển và điều tiết địa tô chênh lệch. Hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước trong quan hệ đất đai; từng bước chuyển dần từ cơ chế quản lý hành chính mệnh lệnh sang cơ chế dân sự và kinh tế, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, việc Nhà nước không thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại (mà thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất) sẽ thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, kéo theo nguồn lực đất nước tập trung cho nhà ở giải quyết nhu cầu ở mà không tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh tạo ra của cải, hàng hóa cho đất nước, thậm chí tăng trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ thỏa thuận thực hiện dự án đô thị như giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận lớn người nông dân chuyển nhượng đất nông nghiệp để làm đô thị nhưng không kịp chuyển đổi nghề nghiệp, các vấn đề hạ tầng xã hội, giải quyết các vấn đề phát sinh do khoảng cách phân biệt giàu nghèo tạo ra từ việc phát triển đô thị theo cơ chế thỏa thuận…
- Đối với người sử dụng đất: tạo sự rõ ràng, rành mạch trong việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, là cơ sở đảm bảo người sử dụng đất được quyền chủ động thỏa thuận với nhà đầu tư để chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư sản xuất kinh doanh khi phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm được quyền lợi của nhân dân, người dân không mất đi tư liệu sản xuất, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, nhất là việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh trên quỹ đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong đô thị, các khu vực lợi thế thương mại lại không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người sử dụng đất và chủ đầu tư do thu hẹp và quy định rõ ràng, rành mạch cơ chế việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng để Nhà nước tạo được quỹ đất sạch để chủ động khai thác nguồn lực đất đai đáp ứng nhu cầu đất đai cho quá trình phát triển và điều tiết địa tô chênh lệch với cơ chế người sử dụng đất được quyền chủ động thỏa thuận với nhà đầu tư để chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư khi phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đây là cơ sở đảm bảo giảm căn bản khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất. Tuy nhiên, sẽ tiếp tục phát sinh tình trạng khó khăn cho nhà đầu tư trong việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với người sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư (nhiều trường hợp nhà đầu tư không thể thỏa thuận được hết với người sử dụng đất), sẽ khó cho việc thực hiện được dự án đầu tư (nhất là các trường hợp thỏa thuận bị xôi đỗ), gây lãng phí trong đầu tư và ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Đặc biệt, các địa phương không có khả năng bố trí ngân sách để thực hiện trước việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau đó mới thu ngân sách từ quỹ đất thu hồi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
- Đối với công dân và doanh nghiệp: Tiếp tục thu hẹp và quy định rõ ràng, rành mạch cơ chế việc thu hồi đất với cơ chế người sử dụng đất được quyền chủ động thỏa thuận với nhà đầu tư để chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư khi phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khối lượng thủ tục hành chính liên quan đến các giao dịch chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ tăng thêm, kéo theo yêu cầu tăng tổ chức, đầu tư thiết bị hạ tầng cho các cơ quan, tổ chức liên quan như Văn phòng đăng ký đất đai, văn phòng công chứng.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 và khắc phục được tính không thống nhất của pháp luật khác so với pháp luật về đất đai do Luật Đất đai quy định dẫn chiếu theo pháp luật khác (pháp luật về đầu tư, đầu tư công) và không kịp sửa đổi khi pháp luật được dẫn chiếu đến có thay đổi, điển hình là quy định pháp luật nhà ở đối với nhà ở thương mại.
3.1.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 vì giải pháp này sẽ tạo được quỹ đất sạch để tổ chức đấu giá, khai thác nguồn lực đất đai, điều tiết địa tô chênh lệch và chủ động điều tiết thị trường trong trường hợp cần thiết, khắc phục tình trạng thất thoát tài sản nhà nước.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
3.2. Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai và thu hồi đất do chấm dứt theo quy định của pháp luật
3.2.1. Xác định vấn đề
Luật Đất đai quy định trường hợp chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụngthì được gia hạn tiến độ sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng. Quy định gia hạn thời gian thực hiện dự án như hiện hành đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, hạn chế những rủi ro trong kinh doanh vì có thời gian đủ dài để triển khai thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng quy định này để chây ỳ trong việc triển khai thực hiện dự án, làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội - môi trường của đất nước. Ngoài ra, pháp luật hiện hành còn thiếu một số trường hợp vi phạm pháp luật đất đai mà phải thu hồi đất (như đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối... mà không sử dụng).
Việc quy định chưa thống nhất về chấm dứt hoạt động dự án theo Luật Đầu tư và thu hồi đất theo Luật Đất đai. Luật Đầu tư năm 2020 quy định nhiều trường hợp dự án đầu tư bị chấm dứt toàn bộ hoặc chấm dứt một phần hoạt động (như nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư; nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư; dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư; dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư).Trong khi đó, Luật Đất đai quy định Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê mà chậm tiến độ so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng. Việc quy định chưa thống nhất này giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai dẫn đến có trường hợp khi dự án bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư nhưng lại chưa bị thu hồi đất gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan thực thi, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
3.2.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Thể chế chủ trương của Đảng nêu tại điểm 2.3 và điểm 4 Mục IV Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
- Xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật đất đai mà phải thu hồi đất; khắc phục tình trạng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng trong sử dụng đất.
- Đất đai phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả.
3.2.3. Các giải pháp thực hiện
a) Giải pháp 1:Giữ như quy định của Luật Đất đai năm 2013.
b) Giải pháp 2:
Bổ sung, quy định cụ thể hơn một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, gồm thu hồi đất được giao, cho thuê không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, công khai tại thời điểm giao đất, cho thuê đất; đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà đã bị xử phạt nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm mà vẫn không đưa đất vào sử dụng và không nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm.
3.2.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
3.2.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo tính thống nhất về chính sách trong thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, giải pháp này chưa giải đảm bảo tính khả thi để khắc phục tình trạng chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng do không nộp thêm khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ với nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do rủi ro trong kinh doanh; chưa đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận quỹ đất giữa nhà đầu tư đã được giao đất, thuê đất nhưng chây ỳ không triển khai thực hiện dự án với nhà đầu tư không được giao đất, thuê đất, làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội - môi trường của đất nước.
- Đối với người sử dụng đất: Đảm bảo tính thống nhất về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, giải pháp này chưa khắc phục tình trạng chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng là do chủ đầu tư không có khả năng về tài chính để thực hiện dự án do gặp rủi ro trong kinh doanh; chưa giải quyết được thực tế có nhà đầu tư đã lợi dụng quy định này để chây ỳ trong việc triển khai thực hiện dự án.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo được tính ổn định của Luật Đất đai đối với các trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế thu hồi đất dẫn đến áp lực cho cơ quan nhà nước do phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh như giải quyết tài sản trên đất, việc làm, cuộc sống của người lao động trong dự án, quản lý quỹ đất sau thu hồi, môi trường đầu tư kinh doanh;
- Đối với công dân và doanh nghiệp: Đảm bảo người sử dụng đất phải sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả đối với đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế thu hồi đất dẫn đến các chủ đầu tư phá sản, giải thể, người lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm, khó khăn để ổn định cuộc sống.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp này phát sinh thủ tục thanh tra, kiểm tra để xác định vi phạm, thủ tục thu thêm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thủ tục thu hồi đất.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ chưa thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022, cụ thể chưa xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm do không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng trong sử dụng đất, dẫn đến sử dụng lãng phí, kém hiệu quả.
3.2.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo tăng nguồn thu thuế do vi phạm trong thời gian chậm tiến độ sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện nay các luật thuế chưa được đưa vào chương trình sửa đổi thống nhất với tiến độ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi để khắc phục tình trạng nhà đầu tư đã được giao đất, thuê đất nhưng chây ỳ không triển khai thực hiện dự án, bao chiếm đất đai thông qua việc đăng ký đầu tư, đăng ký dự án chờ cơ hội tăng giá để chuyển nhượng, bán dự án hình thành trong tương lai mà không có năng lực để đầu tư thực hiện dự án, làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội - môi trường của đất nước.
- Đối với người sử dụng đất: Đảm bảo thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng đất do tách bạch nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với tiền thuế do vi phạm pháp luật trong quá trình sử dụng đất.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo tính thống nhất về chính sách thuế thay cho chính sách thu tăng thêm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian chậm tiến độ, tiếp tục sử dụng công cụ thuế để đảm bảo việc sử dụng đất có hiệu quả, khắc phục tình trạng nhà đầu tư đã được giao đất, thuê đất nhưng chây ỳ không triển khai thực hiện dự án.
- Đối với công dân và doanh nghiệp: Tạo động lực cho người sử dụng đất phải sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả đối với đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư do chế tài phạt của chính sách thuế.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp này không phát sinh thủ tục mà tiếp tục thực hiện thủ tục thanh tra, kiểm tra để xác định vi phạm, thủ tục thu thuế hiện hành.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ chưa thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022, cụ thể tiếp tục xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm do không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng trong sử dụng đất, dẫn đến sử dụng lãng phí, kém hiệu quả. Tuy nhiên, do chương trình sửa đổi các Luật thuế liên quan chưa có, chưa đảm bảo đồng bộ với nội dung sửa đổi của Luật Đất đai nên sẽ không đảm bảo tính khả thi, kịp thời áp dụng ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.
3.2.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 vì giải pháp này sẽ khắc phục tình trạng chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng trong thực hiện dự án đầu tư
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
4. Chính sách 4: Hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác
4.1. Xác định vấn đề
Theo quy định tại Điều 58 của Luật Đất đai thì đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có văn bản chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên; hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Quy định này nhằm quản lý chặt chẽ đất trồng lúa vì mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ quỹ đất rừng, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Luật Lâm nghiệp cũng quy định việc chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, gồm: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất, cũng phải trình lên Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương, nên cũng ảnh hướng đến môi trường đầu tư.
Thực tế, mặc dù đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng khi triển khai có trường hợp thực hiện thủ tục chuyển mục đích đất trồng lúa, đất có rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng còn kéo dài, làm ảnh hướng đến tiến độ thực hiện dự án.
4.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
-Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
- Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong chuyển mục đích sử dụng đất.
4.3. Giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1: Giữ như quy định của Luật Đất đai năm 2013.
b) Giải pháp 2:
- Sửa đổi theo hướng phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất để giao, cho thuê thực hiện dự án đầu tư.
- Bổ sung quy định của Chính phủ sẽ ban hành tiêu chí chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
4.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
4.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo tính ổn định của pháp luật về đất đai trong việc quản lý chặt chẽ việc tuân thủ quy hoạch, kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ và tương đồng với quy định của Luật Lâm nghiệp hiện hành đối với các các trường hợp phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án.
- Đối với người sử dụng đất: Đảm bảo kiểm soát việc chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang thực hiện dự án theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tăng chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do lấy vào đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo tính thống nhất về chính sách đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường.
- Đối với công dân và doanh nghiệp: Việc kiểm soát chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang thực hiện dự án gây phiền hà cho chủ đầu tư nhưng đảm bảo giữ quỹ đất chuyên trồng lúa làm tư liệu sản xuất nông nghiệp của nông dân, góp phần đảm bảo ổn định nông nghiệp, nông thôn.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp này không phát sinh thủ tục hành chính do đây là thủ tục thực hiện giữa các cơ quan nhà nước với nhau để kiểm soát trước việc thực hiện thẩm quyền đã phân cấp phải đảm bảo đúng quy định trước khi thực hiện. Tuy nhiên, chưa triệt để giảm giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ chưa thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022, cụ thể chưa tiếp tục phân cấp thẩm quyền trong quản lý đất đai.
4.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: tạo sự chủ động cho cấp tỉnh trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi lấy vào đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.
- Đối với người sử dụng đất: Giảm thời gian, chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do lấy vào đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ. Tuy nhiên, có nguy cơ dẫn đến việc tùy tiện và thiếu chặt chẽ trong việc tuân thủ quy hoạch, kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Các cơ quan có thẩm quyền của địa phương được chủ động chỉ đạo, điều hành việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi lấy vào đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn với giải quyết mối quan hệ với người sử dụng đất và chủ đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, sẽ khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện thống nhất chính sách đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường trong cả nước.
- Đối với công dân và doanh nghiệp: Giảm áp lực từ việc kiểm soát chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang thực hiện dự án với chủ đầu tư. Tuy nhiên, sẽ khó khăn trong việc đảm bảo giữ quỹ đất chuyên trồng lúa làm tư liệu sản xuất nông nghiệp của nông dân, đảm bảo ổn định nông nghiệp, nông thôn do tình trạng chủ đầu tư và người sử dụng đất bắt tay thực hiện không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm trục lợi.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp này không phát sinh thủ tục hành chính do đây là thủ tục thực hiện giữa các cơ quan nhà nước với nhau để kiểm soát trước việc thực hiện thẩm quyền đã phân cấp phải đảm bảo đúng quy định trước khi thực hiện, không ảnh hưởng đến giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương đang thực hiện.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022, cụ thể tiếp tục phân cấp thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tuy nhiên, do Luật Lâm nghiệp hiện hành chưa sửa đổi đồng bộ với dự thảo Luật Đất đai nên vẫn phải tiếp tục trình trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nên vẫn kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án.
4.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 vì giải pháp này sẽ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
5. Chính sách 5: Hoàn thiện chính sách giao đất, cho thuê đất
5.1. Xác định vấn đề
a) Về căn cứ giao đất, cho thuê đất:
Theo quy định tại Điều 52 của Luật Đất đai thì căn cứ quyết định giao đất, cho thuê đất gồm kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất.
Thực tế, việc quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện sau khi đã hoàn thành việc chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư và căn cứ vào quy hoạch chi tiết xây dựng theo pháp luật chuyên ngành hoặc đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án nhưng điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng; dẫn đến không thống nhất về nội dung và trình tự, thủ tục về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết xây dựng dự án, đặc biệt là tình trạng lợi dụng quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
b) Về chính sách cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm:
Luật Đất đai năm 2013 đã quy định thu hẹp các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, chủ yếu áp dụng hình thức Nhà nước cho thuê đất[1] và chủ yếu thu ngân sách từ tiền sử dụng đất chiếm 67,26% và tiền thuê đất chiếm 15,23% tổng các nguồn thu từ đất[2].
Theo quy định tại Điều 56 của Luật Đất đai hiện hành quy định các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc cho thuê đất hàng năm. Đồng thời, quy định người sử dụng đất có quyền lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc cho thuê đất hàng năm.
Thực tế, cho thấy chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh có một phần lớn là tiền thuê đất phải trả một lần cho cả thời gian thuê, dẫn đến khó khăn, đặc biệt là khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường quốc tế.
c) Về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất:
Tại Điều 118 của Luật Đất đai quy định cụ thể các trường hợp giao đất, thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp giao đất, thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó, pháp luật về đất đai không quy định về giao đất, cho thuê đất cho người trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất. Do vậy, các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã có các quy định cụ thể để thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, các Nghị định quy định chi tiết Luật Đấu thầu (Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, số 31/2021/NĐ-CP..) có quy định áp dụng trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai để thực hiện trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất cho người trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất. Việc áp dụng này đang phát sinh một số nội dung không phù hợp với quá trình đấu thầu dự án có sử dụng đất như các trường hợp đấu thầu không hoàn toàn tương ứng với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai, các trường hợp giao đất, cho thuê đất cho người trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất không hoàn toàn tương ứng với các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất quy định tại Điều 118 Luật Đất đai. Nguyên nhân chủ yếu là do các Nghị định quy định chi tiết Luật Đấu thầu (Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, số 31/2021/NĐ-CP..) chưa đảm bảo phù hợp với Luật Đất đai.
Thi hành Luật Đất đai năm 2013, một số địa phương đã giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (chủ yếu là đất ở), ngân sách nhà nước thu được từ việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất tăng lên hàng năm[3], từng bước sàng lọc được các nhà đầu tư kém năng lực, khắc phục tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện công tác hậu kiểm vừa qua cho thấy, nhiều địa phương chủ yếu thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai, bám vào lý do dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư hoặc được lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu (phổ biến là trường hợp chỉ có 1 nhà thầu tham gia), lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng.
5.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
Thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW:
- Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế đồng bộ, cụ thể để xử lý vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, nhất là liên quan tới đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.
- Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
- Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật. Quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương.
5.3. Giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1:Giữ như quy định của Luật Đất đai năm 2013.
b) Giải pháp 2:
- Quy định nguyên tắc Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định cụ thể trường hợp nào thì giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật về đấu thầu, chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Đồng thời quy định cụ thể một số trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
- Sửa đổi quy định về căn cứ quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo hướng nguyên tắc quỹ đất thực hiện dự án phải được xác định trước trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt thì thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải trên cơ sở đã có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã có kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, kết quả đấu thầu dự án có sử dụng đất.
- Quy định cụ thể quỹ đất để tổ chức đấu giá, đấu thầu, đồng thời quy định cụ thể các trường hơp đấu giá quyền sử dụng đất, các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất gắn với tiêu chí, điều kiện chặt chẽ.
- Quy định cụ thể về các trường hợp cho phép người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất mà không thực hiện thu hồi đất gắn với tiêu chí, điều kiện.
- Bổ sung quy định về trường hợp Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo, cho thuê đất đối với các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác gắn với điều kiện cụ thể.
5.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
5.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo được tính ổn định của pháp luật, tăng thu ngân sách Nhà nước do thu một lần tiền thuê đất cho cả thời gian thuê đất thực hiện dự án. Đất được Nhà nước do thu một lần tiền thuê đất cho cả thời gian thuê đất là tài sản của doanh nghiệp, được quyền giao dịch, trong đó có quyền thế chấp để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, giải pháp này làm tăng chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh có một phần lớn là tiền thuê đất phải trả một lần cho cả thời gian thuê, dẫn đến khó khăn, đặc biệt là khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường quốc tế.
- Đối với người sử dụng đất: Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được đảm bảo tương ứng, công bằng số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp là chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ không thu hút vốn lớn đề phát triển sản xuất, kinh doanh do chủ đầu tư đã phải chi trả trước tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Việc giữ ổn định quy định về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất góp phần ổn định phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang phục hồi sau Đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sẽ không đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình cải cách hành chính liên quan đến sử dụng đất thực hiện dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất do không xác định được thứ tự thực hiện trong quá trình sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, đặc biệt là tình trạng chồng chéo trong sử dụng đất thực hiện dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất.
- Đối với công dân và doanh nghiệp: Tăng áp lực về khả năng cạnh tranh do chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh phải trả một lần cho cả thời gian thuê. Đồng thời, tăng áp lực do không có khả năng huy động vốn cho sản xuất kinh doanh đối với dự án thuê đất trả tiền thuê đất do không được thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp này không phát sinh thủ tục hành chính mà tiếp tục thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất gắn với hỗ trợ của cơ sở dữ liệu đất đai ngày càng hoàn thiện.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này chưa thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022, cụ thể thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
5.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Giải pháp này, góp phần tăng tính công khai, minh bạch trong việc tiếp cận quỹ đất cho mục đích sản xuất, kinh doanh thông qua các quy định cụ thể về quỹ đất để tổ chức đấu giá, đấu thầu, các trường hơp đấu giá quyền sử dụng đất, các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, về thứ tự quỹ đất thực hiện dự án phải được xác định trước trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau đó thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định, cuối cùng là quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, giải pháp này có nguy cơ làm tăng chi ngân sách nhà nước do Nhà nước phải chi nhiều hơn cho việc thu hồi đất để có quỹ đất cho thuê trả tiền hàng năm nhưng giảm thu ngân sách nhà nước do chỉ thu tiền thuê đất hàng năm so với cơ chế hiện hành. Đây sẽ là khó khăn cho các địa phương không đủ ngân sách để tạo quỹ đất thu hút đầu tư, nhất là các tỉnh nghèo, các danh nghiệp không thể huy động vốn vay trong quá trình sản xuất kinh doanh do không được tính giá trị quyền sử dụng đất thuê hàng năm là tài sản của doanh nghiệp.
- Đối với người sử dụng đất: Giải pháp này, góp phần giảm chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh thông qua giảm chi phí về tiền thuê đất (chỉ trả tiền hàng năm) cho doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sẽ không đảm bảo quyền được thế chấp quyền sử dụng đất thuê để vay vốn ngân hàng cho sản xuất kinh doanh do chủ yếu các dự án thuê đất trả tiền thuê đất.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Giải pháp này, cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sẽ phát sinh khối lượng công việc lớn hơn phải giải quyết khi các dự án thuê đất hết thời hạn phải chuyển sang thuê đất hàng năm như phải tính lại đơn giá thuê đất, thu tiền thuê đất hàng năm.
- Đối với công dân và doanh nghiệp: Tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận quỹ đất do cơ bản thực hiện cơ chế cho thuê đất trả tiền hằng năm.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp này sẽ phát sinh khối lượng công việc phải thực hiện theo thủ tục cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm như thủ tục xác định lại đơn giá đất thuê, thủ tục thu tiền thuê đất hàng năm.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 theo hướng thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Đất đai mà không sửa các luật khác thì không đảm bảo tính khả thi của nguyên tắc sử dụng đất nêu trên, tiếp tục cản trở quá trình cải cách hành chính liên quan đến sử dụng đất thực hiện dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất.
5.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
6. Chính sách 6: Về tài chính đất đai, giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; phát triển quỹ đất và ngân hàng đất nông nghiệp
6.1. Về tài chính đất đai
6.1.1. Xác định vấn đề
Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể các khoản thu tài chính từ đất đai; căn cứ, thời điểm tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai; các trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước hoặc được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Thị trường bất động sản tại Việt Nam, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro; thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển. Cải cách hành chính trong quản lý đất đai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn. Bên cạnh đó, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai; cơ cấu nguồn thu từ đất chưa bền vững.
Thực tế, ở Việt Nam việc sử dụng đất đai hiệu quả và chia sẻ lợi ích từ giá trị tăng thêm của đai đai mới chỉ định hướng, chưa có quy định về cơ chế thực hiện cụ thể. Luật Đất đai năm 2003 có quy định: Nhà nước thu lại giá trị đất đai tăng thêm không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại; để thực hiện quy định này, Chính phủ đã quy định các dự án mở rộng hạ tầng giao thông có thể thu hồi thêm đất hai bên đường để đấu giá, Luật Đất đai năm 2013 quy định bắt buộc thay vì có thể. Giá trị tăng thêm của đất đai không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thì phần lớn ở Việt Nam vẫn chưa thu được; Việt Nam đang vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc quy định sử dụng đất đai có hiệu quả, bền vững theo lý luận về địa tô để có phương thức quản lý giá trị tính bằng tiền của đất đai vận hành trong cơ chế thị trường là một việc cần thiết.
6.1.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Thực hiện chủ trương của Đảng về: chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô là giá trị thu nhập tăng thêm để tạo nguồn thu tài chính từ đất đai phục vụ đầu tư phát triển cho cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và một phần kinh phí hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi nhằm bảo đảm công khai, minh bạch. Chính sách ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng.
- Khắc phục hạn chế vướng mắc trong thời gian qua, tình trạng lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện về thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai.
- Khắc phục tình trạng thị trường bất động sản phát triển không bền vững, nhà đầu tư tiếp cận đất đai thu được hiệu quả cao nhất.
- Tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần nâng cao tính minh bạch chính sách tài chính về đất đai.
- Phân bổ được nguồn thu ngân sách hợp lý trên nguyên tắc phần lớn thuộc về toàn dân.
- Góp phần tạo lòng tin đối với nhà đầu tư.
6.1.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1: Giữ như quy định của Luật Đất đai năm 2013.
b) Giải pháp 2:
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về các khoản thu tài chính từ đất đai; các khoản thu tiền dịch vụ công về đất đai;
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
6.1.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
6.1.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh về kinh tế
- Đối với người sử dụng đất: Không phát sinh về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo được tính ổn định của Luật Đất đai đối với các khoản thu tài chính từ đất đai.
- Đối với công dân và doanh nghiệp: Dễ dẫn đến tình trạng không minh bạch trong việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện về thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai và dễ xảy ra tình trạng sử dụng đất lãng phí, bỏ hoang đất.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 và không có tác động đến hệ thống pháp luật khác do đó không có sự chồng chéo.
6.1.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Sẽ phải đầu tư kinh phí để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Đối với người sử dụng đất: Người sử dụng đất phải mất thêm một khoản chi phí cho Nhà nước.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước:
+ Đất đai được kết hợp sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau để làm tăng hiệu quả sử dụng đất. Hiện nay, còn tình trạng đất đã giao cho các tổ chức kinh tế thực hiện dự án nhưng chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng. Do đó, để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững nguồn lực đất đai thì Nhà nước bổ sung quy định các khoản thu tài chính từ đất đaiđối với việc sử dụng đất đa mục đích, tiền thuế tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng nhằm tăng thu ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích hành vi đưa đất và sử dụng đúng tiến độ.
+ Nhà nước luôn có những chính sách ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; do đó, việc quy định chi tiết các trường hợp được áp dụng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của Nhà nước để tránh trục lợi chính sách này.
+ Việc định giá đất phải được thực hiện xong và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; công nhận quyền sử dụng đất; gia hạn sử dụng đất; chuyển hình thức sử dụng đất; điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất; điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết; quyết định công nhận kết quả đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm tạo tính minh bạch chính sách tài chính về đất đai, giúp cho nhà đầu tư quản lý được chi phí đầu vào để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, góp phần tạo lòng tin đối với nhà đầu tư.
+ Nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước khi thu thuế thu nhập từ chênh lệch địa tô (giá trị quyền sử dụng đất tăng thêm do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, do quy hoạch sử dụng đất không phải do người sử dụng đất tạo ra).
+ Hạn chế những trường hợp tạo ra giá trị đất đai tăng thêm là do sốt đất cục bộ, các kịch bản tiêu cực bởi giới đầu cơ tạo ra, kinh doanh lướt sóng làm cho thị trường bất động sản không bền vững.
- Đối với công dân và doanh nghiệp:
+ Cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi có thêm khoản hỗ trợ để xây dựng các công trình của cộng đồng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; người có đất bị thu hồi có thêm khoản hỗ trợ để có cuộc sống tốt hơn.
+ Các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đảm bảo an ninh lương thực, vùng bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, vùng đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ, phục hồi đất bị thoái hóa, ô nhiễm được điều tiết thêm khoản ngân sách do nguồn thu từ đất từ các địa phương có điều kiện phát triển, nguồn thu từ đất lớn.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Phát sinh một số thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện các khoản thu của Nhà nước.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 và Nhà nước điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về ngân sách trung ương để chi đầu tư phát triển, hỗ trợ cho đầu tư phát triển hạ tầng.
6.1.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 vì giải pháp này sẽ thúc đẩy việc sử dụng đất đai hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai, đảm bảo công bằng trong việc sử dụng đất.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
6.2. Về giá đất
6.2.1. Xác định vấn đề
- Điều 113 Luật Đất đai quy định Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp. Quá trình thực hiện thời gian qua cho thấy khung giá đất không theo kịp biến động giá đất trong thực tế, chưa điều chỉnh kịp thời, biên độ quá rộng. Một số địa phương đề nghị cho phép ban hành bảng giá đất vượt khung giá, có địa phương đề nghị bỏ khung giá đất.
- Pháp luật về đất đai đã quy định các nguyên tắc định giá đất, trong đó có nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường; quy định 5 phương pháp định giá đất (so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất); quy định Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm 01 lần làm căn cứ xây dựng Bảng giá đất; quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Bảng giá đất định kỳ 05 năm 01 lần để sử dụng vào các trường hợp tính thuế, phí, lệ phí...; quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể để sử dụng vào các trường hợp giao đất, cho thuê đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất...; quy định về tư vấn xác định giá đất, quyền và trách nhiệm của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất.
- Các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Giá đất được xác định thường thấp hơn so với giá đất trên thị trường. Chưa xử lý triệt để tình trạng chênh lệch giá đất giáp ranh giữa các địa phương. Chưa có chế tài xử lý hành vi sai phạm trong xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất.
- Quy trình định giá đất cụ thể, thẩm định giá đất chưa bảo đảm tính khách quan, yếu tố chuyên môn để quyết định giá đất theo cơ chế thị trường.
6.2.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Thực hiện chủ trương của Đảng về hoàn thiện cơ chế định giá đất:
+ Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất, thẩm định giá đất.
+ Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên.
+ Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm...
- Hạn chế những bất cập nhằm bảo đảm giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường, cân bằng lợi ích các bên và phát huy hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam.
6.2.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1: Giữ như quy định của Luật Đất đai năm 2013.
b) Giải pháp 2:
- Bỏ quy định khung giá đất.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về các nguyên tắc định giá đất, Bảng giá đất, giá đất cụ thể, tư vấn xác định giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành.
- Bổ sung quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất trong các trường hợp thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Bổ sung quy định về cơ quan thực hiện nhiệm vụ xác định giá đất, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể.
6.2.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
6.2.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh về kinh tế
- Đối với người sử dụng đất: Không phát sinh về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo được tính ổn định của Luật Đất đai đối với các quy định về giá đất. Các địa phương có cơ sở khi xây dựng bảng giá đất và có cơ chế xử lý giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Đối với công dân và doanh nghiệp:
+ Theo quy định của pháp luật hiện hành việc giao đất, cho thuê đất hoặc tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất bị chậm tiến độ do phải chờ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất đang diễn ra phổ biến trong cả nước. Điều này gây ảnh hưởng đến lợi ích của người được trao quyền sử dụng đất, người có đất bị thu hồi, gây hoang mang và làm chậm tiến độ sử dụng đất.
+ Không giải quyết triệt để đối với những khu vực có giá đất tăng trưởng “nóng” gây tâm lý hoang mang cho người sử dụng đất, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh dự án bất động sản.
+ Các doanh nghiệp không chủ động quản lý được chi phí đầu vào nên ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 và không có tác động đến hệ thống pháp luật khác do đó không có sự chồng chéo.
6.2.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Sẽ phải đầu tư kinh phí để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai.
- Đối với người sử dụng đất: Người sử dụng đất có thể mất thêm một khoản chi phí cho Nhà nước.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước:
+ Trong quá trình thực hiện, khung giá đất, bảng giá đất chưa theo kịp biến động giá đất trong thực tế, chưa điều chỉnh kịp thời, biên độ quá rộng... Khung giá đất thấp dẫn đến khó khăn cho địa phương ban hành Bảng giá đất phù hợp với giá đất thị trường. Từ đó, dẫn đến việc Bảng giá đất phù hợp với giá đất thị trường là khó khăn. Do đó, việc bỏ khung giá đất nhằm hoàn thiện cơ chế định giá đất, trao quyền chủ động cho các địa phương ban hành bảng giá đất phù hợp với thị trường.
+ Sửa đổi, bổ sung quy định về các nguyên tắc định giá đất, Bảng giá đất, giá đất cụ thể, tư vấn xác định giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành nhằm bảo đảm thị trường bất động sản được công khai, minh bạch; đẩy nhanh quá trình xác định, thẩm định, quyết định giá đất để tính thu các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai và bảo đảm giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường, cân bằng lợi ích các bên và phát huy hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam.
+ Việc bổ sung quy định cơ quan thực hiện nhiệm vụ xác định giá đất giúp đảm bảo và tăng cường tính khả năng thi hành và tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; nâng cao tính độc lập của các chủ thể trong quá trình xác định giá đất cụ thể.
- Đối với công dân và doanh nghiệp:
+ Hạn chế việc kê khai giá thấp khi giao dịch đất đai, giúp tăng thu ngân sách từ thuế chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, bỏ khung giá đất cũng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bởi nếu bị thu hồi đất mà được đền bù dựa trên giá thị trường, người dân cũng dễ đồng thuận hơn.
+ Khi giá đất được xác định theo giá thị trường, giá bồi thường thỏa đáng, hiện tượng khiếu kiện giảm, sẽ giúp đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng bất động sản. Có thể chi phí đầu vào của dự án sẽ tăng lên, nhưng các chủ đầu tư sẽ chủ động được việc tính toán, đưa ra phương án từ đầu, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ lớn hơn.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Phát sinh một số thủ tục hành chính liên quan đến điều kiện thực hiện, trình tự thủ tục thực hiện việc xác định giá đất. Tuy nhiên, các thủ tục này chủ yếu trong hoạt động quản lý nội bộ của các cơ quan nhà nước, không ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 nhằm bảo đảm việc định giá đất công khai, minh bạch.
6.2.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2vì giải pháp này sẽ giúp cho địa phương chủ động trong việc ban hành bảng giá đất; sẽ khắc phục được các vướng mắc trong thực tế triển khai, đảm bảo việc định giá công khai, minh bạch, đẩy nhanh quá trình xác định, phê duyệt giá đất cụ thể; hạn chế việc khiếu nại liên quan đến giá đất.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
6.3. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
6.3.1. Xác định vấn đề
Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc trách nhiệm tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân các cấp và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các chính sách cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Người sử dụng đất có đủ điều kiện theo quy định thì được bồi thường bằng đất, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền. Giá đất tính tiền bồi thường là giá đất cụ thể theo loại đất thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Việc bồi thường về đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Ngoài việc được bồi thường, người có đất thu hồi còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ khác. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn. Đã quy định và phân định rõ trách nhiệm các sở, ban, ngành, các đơn vị, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhờ đó đã bước đầu khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan, lãng phí đất.
Theo quy định của Luật Đất đai (khoản 2 Điều 74), trường hợp có quỹ đất để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thì việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích với loại đất thu hồi. Việc quy định như trên đã làm hạn chế phương thức thực hiện bồi thường bằng đất trong trường hợp địa phương không có quỹ đất có cùng mục đích với loại đất thu hồi nhưng lại có quỹ đất có mục đích khác, trong khi nhu cầu của người có đất thu hồi lại mong muốn được nhận bồi thường bằng đất hoặc nhà, không nhận bồi thường bằng tiền.
Luật Đất đai cũng chưa có chính sách cụ thể về cơ chế hỗ trợ đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật mà không có khả năng lao động, sản xuất, là thành viên trong các hộ gia đình có đất thu hồi mà thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bảo trợ xã hội. Do đó, dẫn đến các đối tượng này chưa có nguồn thu nhập thường xuyên để ổn định cuộc sống khi bị mất đất sản xuất.
Hiện nay, việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập của nhiều Dự án được triển khai tại bước thực hiện dự án sau khi đã hoàn thiện các thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư. Do đó, việc chậm triển khai công tác giải phóng mặt bằng dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện dự án, tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ làm đội vốn đầu tư, dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh dự án, làm chậm tiến độ thực hiện chung của dự án.
6.3.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, đảm bảo quyền lợi, tạo sinh kế bền vững cho người có đất thu hồi, bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.
- Bổ sung chính sách hỗ trợ với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khi Nhà nước thu hồi đất thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước cho những người thuộc nhóm yếu thế để ổn định cuộc sống, đảm bảo sinh kế khi bị mất đất sản xuất.
- Tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, thực hiện đồng thời với các bước khác, góp phần đẩy nhanh thời gian chuẩn bị dự án, giảm chi phí giải phóng mặt bằng và hạn chế việc phải điều chỉnh dự án làm đội vốn đầu tư dự án.
6.3.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1:
- Bổ sung nguyên tắc bồi thường về đất theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân để phù hợp với nhu cầu người sử dụng đất và điều kiện cụ thể của từng địa phương như: bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bằng tiền hoặc bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở nếu người có đất thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở.
- Bổ sung quy định thành lập Quỹ hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động (người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội) khi Nhà nước thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Nguồn tài chính của Quỹ được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương; đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
- Bổ sung quy định đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân thì được thường theo bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương mà không phân biệt mức độ bị thiệt hại nhà ở, công trình.
- Bổ sung quy định trường hợp cần thiết, việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Việc quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đồng thời với phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
b) Giải pháp 2: Giữ như quy định của Luật đất đai năm 2013.
6.3.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
6.3.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Việc thành lập Quỹ hỗ trợ để hỗ trợ cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội dẫn đến ngân sách nhà nước phải bố trí kinh phí để lập Quỹ hỗ trợ và chi phí để đảm bảo việc quản lý, vận hành Quỹ. Đồng thời, việc bổ sung thêm chính sách mới về bồi thường bằng đất có mục đích khác với đất thu hồi có thể phát sinh thêm các thủ tục cho cơ quan quản lý đất đai cần lên kế hoạch và bổ sung thêm các phương án bồi thường bằng đất khác mục đích với đất thu hồi.
- Đối với doanh nghiệp: Cho phép tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tạo điều kiện để triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chủ trương đầu tư, không phải chờ đến khi có quyết định đầu tư dự án được phê duyệt, giảm chi phí giải phóng mặt bằng và hạn chế việc phải điều chỉnh dự án nhiều lần làm đội vốn đầu tư dự án.
- Đối với người dân: Đảm bảo quyền lợi cho người có đất nông nghiệp, đất ở thu hồi có thể nhận bồi thường bằng đất sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Tạo điều kiện cho địa phương linh hoạt trong việc thực hiện bồi thường đất, đặc biệt đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất khác phù hợp, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các Dự án đầu tư.
- Đối với người dân:
+ Đảm bảo quyền lợi, tạo sinh kế bền vững cho người có đất thu hồi đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Tuy nhiên, việc thay đổi nội dung về hình thức bồi thường có thể phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện, so bì giữa người có đất bị thu hồi đã áp dụng chính sách trước đây với người mới bị thu hồi áp dụng chính sách mới
- Đối với doanh nghiệp:
- Trường hợp tách nội dung giải phóng mặt bằng thành dự án riêng ở bước phê duyệt chủ trương đầu tư và địa phương đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng nhưng Dự án lại không được phê duyệt đầu tư hoặc chậm phê duyệt đầu tư hoặc chưa bố trí được nguồn vốn thực hiện sẽ dẫn đến “dự án treo”, gây lãng phí nguồn lực đất đai, khó khăn trong việc quản lý quỹ đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính mới.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Về cơ bản, giải pháp này không có tác động tiêu cực đến hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách đòi hỏi bổ sung nhân lực, chi phí để duy trì thực hiện, đồng thời phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra để bảo đảm tuân thủ Luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và người dân.
6.3.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh các chi phí, thủ tục do không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật. Không phải bố trí kinh phí để lập Quỹ hỗ trợ cho nhóm người yếu thế (người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật) và chi phí để đảm bảo việc quản lý, vận hành Quỹ.
- Đối với người sử dụng đất:
+ Đối với doanh nghiệp: Việc tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phải chờ đến khi có quyết định đầu tư dự án được phê duyệt có thể dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án, làm đội vốn đầu tư dự án.
+ Đối với người dân: không được lựa chọn hình thức bồi thường bằng đất snr xuất kinh doanh đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất để phát triển kinh tế gia đình. Đối với nhóm người yếu thế (người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật) không được hỗ trợ để có nguồn thu nhập thường xuyên ổn định đời sống, đảm bảo sinh kế.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo được sự ổn định của chính sách tránh sự so bì của những người có đất bị thu hồi đã áp dụng chính sách trước đây với người mới bị thu hồi áp dụng chính sách mới
Tuy nhiên, cũng gây khó khăn cho những địa phương không có điều kiện về bồi thường bằng đất ở khi thu hồi đất ở. Không tạo ra được tính cơ động trong việc vận dụng công tác bồi thường, không phát huy hết các nguồn lực quỹ đất của địa phương trong việc bồi thường cho người có đất bị thu hồi qua đó làm chậm tiến độ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính mới.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Về cơ bản, giải pháp này không có tác động tiêu cực đến hệ thống pháp luật.
6.3.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 1 vì giải pháp này sẽ khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, đảm bảo quyền lợi, tạo sinh kế bền vững cho người có đất thu hồi, góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án đầu tư.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
6.4. Phát triển quỹ đất
6.4.1. Xác định vấn đề
Luật Đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất (Điều 61 và Điều 62); trình tự, thủ tục thu hồi đất để thực hiện các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 69, Điều 70 và Điều 71). Tuy nhiên, việc thực hiện thu hồi đất theo quy định hiện hành chưa mang tính chủ động, không kịp chuẩn bị sẵn bằng bằng cho các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư công yêu cầu về tiến độ giải ngân. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thời gian thực hiện các dự án đầu tư thường kéo dài, chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thời gian.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất cũng gặp nhiều khó khăn. Tại Điều 111 của Luật Đất đai năm 2013 quy định Quỹ phát triển đất của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập để ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đấtđã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; nguồn tài chính của Quỹ phát triển đất được phân bổ từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Quỹ phát triển đất tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc do pháp luật hiện hành không quy định hằng năm ngân sách địa phương trích tỷ lệ phần trăm (%) nguồn thu tiền sử dụng đất để bổ sung nguồn vốn hoạt động Quỹ mà giao cho Hội đồng nhân dân các địa phương tự quyết định mức trích nguồn vốn cho Quỹ, dẫn đến nguồn vốn hoạt động của Quỹ hằng năm thiếu ổn định, khó khăn cho việc lập kế hoạch nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của Quỹ; kể từ khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực thi hành, một số nội dung về nguồn thu và nhiệm vụ chi của Quỹ phát triển đất địa phương (là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách) được quy định thành các khoản thu và chi của ngân sách nhà nước và phải có dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt dẫn đến phạm vi và quy mô hoạt động của Quỹ phát triển đất bị thu hẹp, thậm chí không có nguồn thu.
Theo quy định của pháp luật về đất đai (khoản 2 Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) thì Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đưa ra giải pháp đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường: “Chuyển các trung tâm phát triển quỹ đất về trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý”. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, thực hiện còn một số hạn chế nhất định: các Tổ chức phát triển quỹ đất tại địa phương còn phân tán, chưa tập trung được nguồn lực; chưa có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất; việc phối hợp với các cơ quan có liên quan còn gặp nhiều khó khăn; sự quan tâm hỗ trợ về môi trường, về cơ chế hoạt động còn thiếu hoặc chưa đầy đủ.
6.4.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, trong đó đã chỉ rõ các mục tiêu: “Hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, “Quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất vùng phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”, “có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp”.
Để sẵn sàng có quỹ đất phục vụ cho các dự án đầu tư, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì Nhà nước cần có sự chủ động trong việc tạo lập, chuẩn bị quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng để có thể bố trí ngay cho các dự án đầu tư thông qua cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất hoặc giao đất, cho thuê đất theo quy định pháp luật. Đồng thời, cần thiết phải kiện toàn tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất và hoàn thiện cơ chế tài chính để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn trong thời gian tới. Vì vậy, việc đề xuất bổ sung Luật Đất đai (Chương VIII) quy định nội dung về phát triển quỹ đất gồm quy định: Phát triển quỹ đất; các dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất; về Quỹ phát triển đất; việc quản lý, khai thác quỹ đất; về vị trí, chức năng và kinh phí hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất là cần thiết nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế của chính sách pháp luật trong thời gian qua.
6.4.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1:
- Bổ sung quy định Nhà nước đầu tư phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư; việc phát triển quỹ đất, quản lý và sử dụng quỹ đất phải đúng mục đích, công khai, minh bạch, hiệu quả và theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bổ sung quy định đất đưa vào để tạo quỹ đất bao gồm: Đất thu hồi để thực hiện dự án tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất; đất thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai và do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật; đất do Nhà nước quản lý nhưng chưa đưa vào sử dụng; đất được tạo lập từ việc thực hiện dự án lấn biển đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước; đất thu hồi của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp do sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và do sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường; đất có nguồn gốc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm mà chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đất thu hồi theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông để phát triển các khu đô thị, nhà ở thương mại, khu công nghiệp; thương mại, dịch vụ.
- Quy định bổ sung việc tạo quy đất thông qua các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất và dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng được tách từ các dự án đầu tư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Quy định dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư thì đưa vào danh mục dự án thu hồi đất để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất và giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện.
- Sửa đổi, bổ sung quy định Quỹ phát triển đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lậphoặc ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác của địa phương để thực hiện tiếp nhận và ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất. Nguồn tài chính của Quỹ phát triển đất được phân bổ từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm nguồn lực hoạt động cho Quỹ phát triển đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ; Chính phủ quy định cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Quỹ phát triển đất để bảo đảm Quỹ hoạt động hiệu quả.
- Bổ sung quy định việc quản lý và khai thác quỹ đất theo hướng giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất có trách nhiệm quản lý quỹ đất, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có tránh nhiệm phối hợp với Tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, bảo vệ, chống lấn, chiếm đất; quỹ đất được dùng để giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; quỹ đất trong thời gian chưa giao, cho thuê thực hiện các dự án đầu tư thì Tổ chức phát triển quỹ đất được cho các tổ chức, cá nhân thuê ngắn hạn để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả theo quy định của Chính phủ.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất theo hướng Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, được thành lập theo quy định của pháp luật. Tổ chức phát triển quỹ đất có chức năng thực hiện các dự án tạo quỹ đất; thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho các dự án khác; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; quản lý, khai thác quỹ đất và các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Kinh phí hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Khinh phí hoạt động và chi phí thực nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất được sử dụng từ Quỹ phát triển đất; tiền thu được từ giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất sau khi trừ các khoản chi phí thực hiện được nộp vào ngân sách nhà nước.
b) Giải pháp 2: Giữ nguyên như quy định của Luật đất đai năm 2013.
6.4.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
6.4.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế:
- Đối với Nhà nước: Hàng năm các địa phương phải trích tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho Quỹ phát triển đất. Tuy nhiên, thông qua việc tạo quỹ đất để có thể giao ngay cho các các đầu tư, để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất ngắn hạn và tiền thu được nộp vào ngân sách nhà nước. Qua đó, phát huy hiệu lực, hiệu quả nguồn lực từ đất đai, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, giảm thời gian và các khoản chi phí quản lý nhà nước khi thực hiện các dự án đầu tư công.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Việc có sẵn quỹ đất của Nhà nước sẽ tạo ra nhiều sự lựa chọn về vị trí thực hiện dự án của nhà đầu tư, góp phần giảm thiểu các khoản chi phí cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án. Người dân được hưởng lợi từ nguồn thu ngân sách của nhà nước thông qua việc Nhà nước điều tiết, hỗ trợ an sinh xã hội.
b) Tác động xã hội:
- Đối với Nhà nước: Tạo điều kiện cho các địa phương chủ động tạo quỹ đất để bố trí ngay cho các dự án đầu tư mà không phải chờ đợi cho công tác giải phóng mặt bằng, chủ động tạo qũy đất phục vụ cho các mục tiêu chung khi cần thiết. Thông qua việc tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển an sinh xã hội của các địa phương.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Tạo môi trường lành mạnh trong việc tiếp cận đất đai, yên tâm đầu tư mà không phải lo về mặt thủ tục giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án. Đời sống của người dân tại các địa phương ngày càng được nâng cao và bảo đảm tốt hơn.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính:
- Đối với Nhà nước: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất. Phát sinh việc tổ chức sắp xếp, kiện toàn lại các Tổ chức phát triển quỹ đất hiện có tại địa phương.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Giải pháp này không phát sinh các thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022. Tuy nhiên, phải sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước về việc trích ngân sách nhà nước hàng năm cho Quỹ phát triển đất để bảo đảm nguồn lực cho việc thực hiện phát triển quỹ đất.
6.4.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế:
- Đối với Nhà nước: Chưa tạo sự thúc đẩy cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư còn chậm, gây lãng phí nguồn lực từ đất đai.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Chi phí tiếp cận đất đai trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án tốn kém. Người dân được hưởng lợi từ nguồn thu ngân sách của nhà nước thông qua việc Nhà nước điều tiết, hỗ trợ an sinh xã hội thấp, chưa cao.
b) Tác động xã hội:
- Đối với Nhà nước: Chưa tạo điều kiện cho các địa phương chủ động tạo quỹ đất để bố trí ngay cho các dự án đầu tư do phải chờ đợi cho công tác giải phóng mặt bằng,bị động trong việc tạo qũy đất phục vụ cho các mục tiêu chung khi cần thiết. Thông qua việc tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển an sinh xã hội của các địa phương.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Các nhà đầu tư chưa yên tâm về có đất để sớm triển khai thực hiện dự án việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư còn chậm. Đời sống của người dân tại các địa phương chưa được nâng cao.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề về thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này chưa thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022.
6.4.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 1 vì giải pháp này sẽ khắc phục những hạn chế trong thực tế, giúp cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai một cách nhanh chóng và hiệu quả, góp phần thúc đẩy cho phát triển kinh tế - xã hội;.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
6.5. Ngân hàng đất nông nghiệp
6.5.1. Xác định vấn đề
Mặc dù Luật Đất đai năm 2013 đã quy định Quỹ phát triển đất của địa phương để ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy định về Tổ chức phát triển quỹ đất. Tuy nhiên, Quỹ phát triển đất tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc do ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ hàng năm không nhiều và cơ chế tài chính để Tổ chức phát triển quỹ đất còn rất hạn chế nên không phát huy được hiệu quả để tạo lập quỹ đất phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kinh nghiệm của một số nước cho thấy sự cần thiết và tính hiệu quả của việc có một đơn vị độc lập để cung cấp quỹ đất cho các dự án, điều tiết cung cầu đất đai, sử dụng hiệu quả, minh bạch quỹ đất nhàn rỗi hoặc quỹ đất chưa được sử dụng đúng mục đích. Kinh nghiệp về ngân hàng đất của một số nước như sau:
a) Mô hình Ngân hàng đất đối với đất nông nghiệp của Nhật Bản
- Cơ quan thực hiện vai trò, chức năng Ngân hàng đất đối với đất nông nghiệp là “Tổ chức Quản lý trung gian đất nông nghiệp” (Farmland Intermediary Management Organizations), được thành lập năm 2013, trực thuộc Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp - gọi tắt là Ngân hàng đất nông nghiệp
Cơ quan này được giao chức năng là cơ quan đầu mối thực hiện các hoạt động cải cách trong ngành nông nghiệp, thực hiện vai trò là cơ quan trung gian giữa đối tượng cho thuê và đối tượng thuê đất, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
Chức năng này của Ngân hàng đất được tách từ chức năng về dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp của chính quyền địa phương. Trước đây chức năng này thuộc về Ủy ban nông nghiệp cấp vùng (khái niệm “vùng” trong hệ thống quản lý hành chính của Nhật lớn hơn “tỉnh” của Việt Nam).
+ Cơ chế ngân hàng đất nông nghiệp bao gồm một số bước, trong đó bao gồm việc đi thuê đất từ chủ sở hữu, gộp các thửa diện tích nhỏ thành thửa có diện tích lớn và thực hiện cho thuê cho các đối tượng như hộ nông dân sản xuất quy mô lớn, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp,…Như vậy, các đối tượng cần thuê đất chỉ cần tìm hiểu thông qua Ngân hàng đất nông nghiệp, không cần liên hệ trực tiếp với chủ sở hữu;
+ Đối với một số trường hợp theo luật định, Ngân hàng đất sẽ thuê lại thửa đất mà không cần chủ sở hữu đồng ý;
+ Ngân hàng đất cũng thực hiện thuê các thửa đất bị bỏ hoang, chăm sóc cho đến khi tìm được chủ sở hữu mới, và trong trường hợp cần thiết, có thể giao việc chăm sóc, cải tạo đất cho các công ty tư nhân hoặc chính quyền địa phương.
- Cơ chế tài chính: Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp được giao kinh phí từ ngân sách của Chính phủ để thực hiện cơ chế ngân hàng đất, sử dụng ngân sách này để đi thuê đất từ các chủ sở hữu, và thu từ tiền thuê đất đối với các thửa đã được cho thuê lại.
b) Mô hình Ngân hàng đất của Nhật Bản
- Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện vai trò, chức năng Ngân hàng đất tại Hàn Quốc là Tổng Công ty đất đai và Nhà ở Hàn Quốc (LH). Tổng Công ty đất đai và Nhà ở Hàn Quốc là doanh nghiệp nhà nước hoạch toán độc lập, trực thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc.
- Chức năng của Ngân hàng đất: Vận hành, quản lý tài khoản đất đai theo quy định tại Điều 9 Luật Dự trữ đất công; Hỗ trợ xây dựng kế hoạch dự trữ đất; Xây dựng và xin phê duyệt kế hoạch dự án dự trữ đất cho mục đích phát triển công và đất để điều chỉnh cung và cầu; Dự trữ, quản lý, cung cấp đất được dự trữ; Nghiên cứu và phân tích tính hợp lý của việc dự trữ đất; Điều tra cung và cầu về đất; Xây dựng và quản lý hệ thống thông tin về đất dự trữ; Nghiên cứu, hỗ trợ cần thiết để xây dựng chính sách về đất dự trữ; Các vấn đề khác cần thiết để thực hiện kế hoạch về dự trữ đất.
- Cơ chế hoạt động
+ Thủ tục trước khi tiến hành dự án dự trữ đất: Đơn vị thực hiện dự án nộp đăng ký dự trữ đất trình Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MLIT). Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc tiến hành điều tra nhu cầu dự trữ đất, quyết định lựa chọn dự án dự trữ đất công. Đơn vị thực hiện ký kết thỏa thuận dự án với Tổng Công ty đất đai và Nhà ở Hàn Quốc. Tổng Công ty đất đai và Nhà ở Hàn Quốc lập kế hoạch dự án dự trữ đất công trình Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc phê duyệt và công khai kế hoạch dự án.
+ Bắt đầu thực hiện dự án dự trữ đất cho ngân hàng đất đai: Tổng Công ty đất đai và Nhà ở Hàn Quốc tiến hành thoả thuận với đơn vị thực hiện dự án về công tác thực hiện nghiệp vụ đền bù như điều tra cơ bản, thỏa thuận đền bù, ký kết (theo Điều 16 Luật Dự trữ đất công), Thỏa thuận trước với đơn vị thực hiện dự án về công tác quản lý duy trì, quản lý giá trị đất (theo Điều 21 Luật Dự trữ đất công), ký hợp đồng cung cấp đất dự trữ (theo Điều 22 Luật Dự trữ đất công), Thực hiện xây dựng và cung cấp đất dự trữ.
+ Nguồn kinh phí hoạt động: Tổng Công ty đất đai và Nhà ở Hàn Quốc ban hành trái phiếu, đầu tư bất động sản hoặc vốn hóa tài sản, tín dụng bất động sản thông qua thu hút đầu tư, tiền lãi phát sinh qua quản lý và cung cấp đất dự trữ hoặc tiền lãi từ phí vận hành tài sản, các nguồn phí được quyết định thông qua Ủy ban dự trữ đất, quỹ tài trợ khác từ chính phủ. Nguồn phí đang được vận hành thực tế hiện nay: sử dụng 1 phần lợi nhuận ròng (40%) của Tổng Công ty đất đai và Nhà ở Hàn Quốc hoặc sử dụng trái phiếu do Tổng Công ty đất đai và Nhà ở Hàn Quốc ban hành.
c) Mô hình Ngân hàng đất của Hoa Kỳ
- Ngân hàng đất do Chính quyền bang thành lập và quản lý, là cơ quan hành chính độc lập, có con dấu riêng và có các vai trò, chức năng như Ngân hàng thương mại, tuy nhiên, không có quyền cưỡng chế đối với các bất động sản. Đứng đầu Ngân hàng là Hội đồng quản trị với số thành viên là số lẻ từ 5 đến 11 người, làm việc kiêm nhiệm không có phụ cấp; thành viên là các công chức và nhân viên thành phố có đủ điều kiện và phải có một thành viên là cư dân tại địa phương và là một thành viên của tổ chức dân sự tại địa phương đó.
Nếu Ngân hàng đất được thành lập trong phạm vi một quận, thành phố thì sẽ được thành lập bởi một pháp lệnh (sau đó được nộp cho các cơ quan chức năng ở cấp Bang); Nếu Ngân hàng đất được thành lập trong phạm vi hai hay nhiều quận/thành phố thì sẽ có một thỏa thuận hợp tác giữa Ngân hàng đất và các chính quyền địa phương và một pháp lệnh; Nếu có hai hoặc nhiều Ngân hàng đất được thành lập trong phạm vi một quận/thành phố thì sẽ có một thỏa thuận hợp tác giữa các ngân hàng với nhau và một pháp lệnh
- Chức năng: Nhận chuyển nhượng từ các chính quyền địa phương theo các điều khoản trong thỏa thuận hợp tác giữa Ngân hàng đất và chính quyền địa phương, miễn sao bất động sản nằm trong khu vực mà Ngân hàng đất có thẩm quyền. Ngân hàng đất có thể mua bất động sản từ các cơ quan tái phát triển nằm trong khu vực mà ngân hàng có thẩm quyền với sự đồng ý của cơ quan quản lý của địa phương.
- Cơ chế hoạt động: Hợp đồng mua bán; Hợp đồng thuê mua; Hợp đồng mua bán trả góp;
- Cơ chế tài chính: Ngân hàng đất có thể nhận nguồn tài trợ hoặc vay từ các tổ chức: Chính phủ Liên Bang; Chính phủ Bang Pelsyvania; Chính quyền thành phố; Từ các ngân hàng khác; Từ các nguồn tư nhân; Ngân hàng đất cũng có thể giữ lại các nguồn thu từ các hoạt động của mình để trang trải cho chi phí cho các hoạt động theo quy định của mình.
6.5.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, trong đó có mục tiêu: “Xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp”
Nhằm hạn chế tối đa tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, xây dựng chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì Nhà nước cần có sự chủ động trong việc tạo lập, chuẩn bị quỹ đất.
6.5.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1: Không quy định về ngân hàng nông nghiệp trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
b) Giải pháp 2:
- Bổ sung quy định Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp. Hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.
- Kinh phí hoạt động được cấp từ ngân sách nhà nước; ứng từ Quỹ phát triển đất hoặc Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác; vay từ các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để thực hiện việc tạo lập quỹ đất.
6.5.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
6.5.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không thúc đẩy được việc tạo quỹ đất để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, không phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai.
- Đối với người sử dụng đất: Không phát sinh vấn đề kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo được sự ổn định của các chính sách.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: trong nhiều trường hợp người nông dân chưa có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp hoặc việc sản xuất nông nghiệp không hiệu quả nên họ thường bỏ hoang diện tích đất nông nghiệp (họ không trả lại Nhà nước mà vẫn vẫn muốn giữ tư liệu sản xuất), hiệu quả sử dụng đất thấp.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp” và không tác động đến hệ thống pháp luật khác do đó không có sự chồng chéo.
6.5.4.1. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Tạo ra được quỹ đất nông nghiệp mà các hộ gia đình, cá nhân sử dụng không hiệu quả để cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác có năng lực để tổ chức vào sản xuất mang lại hiệu quả cao cho xã hội.
- Đối với người sử dụng đất: tạo ra thu thập thường xuyên cho người có đất khi cho ngân hàng nông đất nông nghiệp thuê đất hoặc ký gửi để việc sử dụng được hiệu quả hơn.
b) Tác động xã hội
Giải pháp này sẽ góp phần bảo đảm tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, tạo lập quỹ đất và nâng cao năng lực cũng như chất lượng của tổ chức được giao nhiệm vụ tạo lập quỹ đất. Qua đó, tạo sự thúc đẩy cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai. Tuy nhiên, việc thành lập Ngân hàng đất nông nghiệp phải thông qua việc lập Đề án trình Thủ tướng phê duyệt sẽ mất thời gian.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp” và có tác động đến hệ thống pháp luật khác như Bộ Luật dân sự, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
6.5.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2vì giải pháp này sẽ đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả, tránh việc đẻ hoang hóa, góp phần thúc đẩy cho phát triển kinh tế - xã hội.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
7. Chính sách 7: Địa giới hành chính, đo đạc bản đồ địa chính; đăng ký, cấp giấy chứng nhận nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai
7.1. Địa giới hành chính
7.1.1. Xác định vấn đề
Việc xác định địa giới hành chính với phạm vi ranh giới quản lý đất đai tại các địa phương giáp biển, các đảo, quần đảo còn có sự chưa thống nhất giữa pháp luật về đất đai với pháp luật biển trong việc xác định bờ biển, mép nước biển triều kiệt, đường địa giới hành chính và việc áp dụng pháp luật theo từng thời điểm trong trường hợp lấn biển (thời điểm áp dụng Luật Biển, thời điểm áp dụng Luật Đất đai).
7.1.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
Thống nhất phạm vi ranh giới quản lý đất đai khi xác định địa giới hành chính để áp dụng quy định của pháp luật đất đai (đặc biệt là đơn vị hành chính có biển).
7.1.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1:
Sửa đổi, bổ sung Điều 29 của Luật Đất đai quy định về địa giới hành chính để xác định rõ phạm vi trong quản lý đất đai theo nguyên tắc tính theo mép nước biển triều kiệt; đối với các trường hợp lấn biển theo quy hoạch được thực hiện theo Luật Biển, phần diện tích đất sau khi lấn biển sẽ được cập nhật, chỉnh lý vào địa giới, mép nước nước biển triều kiệt và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai).
b) Giải pháp 2:Giữ như quy định của Luật Đất đai 2013.
7.1.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
7.1.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh về kinh tế.
- Đối với người sử dụng đất: Không phát sinh về kinh tế.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Các cơ quan có thẩm quyền sẽ thuận lợi hơn trong việc áp dụng Luật và tổ chức thực hiện trên thực tế nhờ có sự tách bạch rõ ràng thời điểm áp dụng Luật Biển và Luật Đất đai.
- Đối với công dân và doanh nghiệp: Thuận tiện hơn trong việc thực thi pháp luật trong quá trình thực hiện lấn biển và quản lý, sử dụng đất ven biển.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật:Việc sửa đổi như đề xuất nêu trên tạo hành lang pháp lý thống nhất về phạm vi ranh giới quản lý đất đai (nhất là 28 tỉnh/thành phố có đường bờ biển).
7.1.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh về kinh tế
- Đối với người sử dụng đất: Không phát sinh về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo được tính ổn định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, chưa bảo đảm sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật giữa Luật Đất đai và Luật Biển trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến lấn biển, quản lý, sử dụng đất ven biển.
- Đối với công dân và doanh nghiệp: Lúng túng, gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện lấn biển và quản lý sử dụng đất ven biển.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật giữa Luật Đất đai với Luật Biển.
7.1.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 1 vì giải pháp này sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tế.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
7.2. Đăng ký, cấp giấy chứng nhận nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
7.2.1. Xác định vấn đề
- Việc cấp Giấy chứng nhận chưa phân định rõ các thủ tục mà lồng ghép nhiều nội dung như: xác lập tính pháp lý (công nhận quyền sử dụng đất, công chứng, chứng thực về giao dịch, thừa kế, tặng cho...); đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất; xác định nghĩa vụ tài chính... không phân định được cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan làm cho khâu tổ chức thực hiện cấp Giấy chứng nhận còn nhiều trì trệ.
- Việc tổ chức thực hiện đăng ký đất đai lần đầu được quy định là bắt buộc với người sử dụng đất nhưng không quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc tổ chức triển khai, cũng như quyền lợi của người sử dụng đất đã thực hiện đăng ký đất đai (chỉ quy định quyền của người sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận) dẫn đến việc đăng ký đất đai lần đầu qua nhiều năm vẫn chưa hoàn thành theo định hướng tại Nghị quyết 19-NQ/TW.
- Luật Đất đai hiện hành chưa quy định việc đăng ký giá đất nên Nhà nước chưa nắm được về vĩ mô giá trị quyền sử dụng đất trong toàn nền kinh tế, gây rất nhiều khó khăn trong việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thu thuế chuyển nhượng khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khi Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Hiện nay, có trường hợp trong cùng một thửa đất có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau nhưng không phân định được ranh giới giữa các mục đích sử dụng đất (sử dụng đa mục đích) mà có sự đan xen, giao thoa, chồng lấn gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, xử lý vi phạm, xác định và thu nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
- Biến động đất đai có rất nhiều loại hình (biến động về quyền, về sử dụng đất và các thông tin đăng ký, thông tin quy hoạch, sạt lở, chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép...). Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa quy định chi tiết, rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng đất, người được giao đất quản lý, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai.
7.2.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Phân định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc hoàn thành đăng ký đất đai đối với tất cả các thửa đất, đảm bảo hồ sơ địa chính đầy đủ thông tin để đất đai được đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, phản ánh đúng thực tế sử dụng đất, phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền các cấp.
- Tăng cường trách nhiệm của người sử dụng đất thông qua việc quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, người được giao đất quản lý đã thực hiện đăng ký đất đai.
- Quy định chế tài xử lý mạnh mẽ đối với chính quyền địa phương các cấp không thực hiện tổ chức đăng ký đất đai bắt buộc; đối với người sử dụng đất, người được giao đất quản lý không hoặc chậm thực hiện việc đăng ký, ngăn chặn các trường hợp giao dịch không thực hiện đăng ký (giao dịch ngầm).
7.2.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1:
- Sửa đổi bổ sung quy định về nội dung, vai trò của hồ sơ địa chính trong công tác quản lý đất đai. Trách nhiệm lập, cập nhật, khai thác hồ sơ địa chính.
- Bổ sung quy định về đăng ký khi có sự thay đổi về quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không, đăng ký về giá đất (phục vụ cho các nội dung về quản lý kinh tế đất).
- Xác lập giá trị pháp lý đối với trường hợp đăng ký đất đai, thông tin được ghi nhận vào sổ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai phù hợp với hệ thống đăng ký chứng quyền hiện nay các nước tiên tiến đang áp dụng.
- Bổ sung chế tài đủ mạnh để làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đăng ký đất đai, đồng thời ngăn chặn các trường hợp giao dịch mà không thực hiện đăng ký theo quy định của pháp luật.
- Quy định về đăng ký đất đai trên môi trường điện tử (đăng ký trực tuyến), trong đó có lộ trình để các địa phương thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận điện tử.
- Luật hóa các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã thực hiện ổn định, không có vướng mắc.
b) Giải pháp 2:Giữ như quy định của Luật Đất đai 2013.
7.2.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
7.2.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước:
+ Việc hoàn thiện các quy định về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất sẽ bảo đảm ngày càng đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
+ Việc quy định bổ sung chế tài đủ mạnh thực hiện đăng ký đất đai bắt buộc đối với hầu hết các loại đất để bảo đảm đất đai được thống kê, kiểm kê, lượng hóa, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất hoặc các ngành, lĩnh vực hoạch toán giá trị kinh tế đối với đất đai;
+ Việc đăng ký giá đất để bảo đảm xác định được giá trị thực của các giao dịch về quyền sử dụng đất làm cơ sở tham chiếu cho công tác xác định giá đất của nhà nước thường để bảo đảm theo kịp giá thị trường, phục vụ tốt hơn cho công tác bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
+ Việc quy định tăng cường đăng ký đất đai bắt buộc; đăng ký đất đai trên môi trường điện tử khiến ngân sách Nhà nước phải ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất... và cả bổ sung nguồn nhân lực.
+ Ngân sách Trung ương phải tăng cường đầu tư cho cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương để hỗ trợ, vận hành hệ thống tập trung, thống nhất, đồng thời phải tăng cường kiểm soát đối với việc đã thực hiện phân cấp, phân quyền cho cơ quan đăng ký đất đai.
- Đối với người sử dụng đất: Việc quy định về đăng ký đất đai trên môi trường điện tử (đăng ký trực tuyến) sẽ hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện nhanh chóng các thủ tục về đăng ký giao dịch bảo đảm, mua bán xử lý nợ... bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng và tiếp cận nguồn vốn.
b) Tác động xã hội:
- Đối với Nhà nước:
+ Quy định ngăn chặn các trường hợp giao dịch mà không thực hiện đăng ký theo quy định của pháp luật bảo đảm những biến động về đất đai sẽ được quản lý chặt chẽ góp phần giám sát, minh bạch thị trường bất động sản, giảm tình trạng tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
+ Quy định cụ thể về đăng ký đất đai trên môi trường điện tử (đăng ký trực tuyến) góp phần đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội; đảm bảo minh bạch trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: làm rõ quyền lợi của người sử dụng đất, người được giao đất để quản lý góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, người được giao đất để quản lý, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, bảo đảm trật tự, an ninh xã hội.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính:
+ Việc quy định về đăng ký giá đất sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, có thể gây phản ứng trong nhân dân.
+ Việc quy định chủ thể được cấp Giấy chứng nhận là hộ gia đình sử dụng đất chưa cá thể hóa được quyền và trách nhiệm của từng thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình, làm phát sinh thủ tục khi người sử dụng đất thực hiện quyền.
7.2.4.2. Giải pháp 2
a) Tác động kinh tế:
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh về kinh tế, tuy nhiên khó thực hiện việc lượng hóa, hạch toán đầy đủ vai trò, giá trị của đất đai trong nền kinh tế.
- Đối với người sử dụng đất: Không phát sinh về kinh tế
b) Tác động xã hội:
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo được tính ổn định của chính sách, nhưng không minh bạch trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, gây tâm lý né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc dẫn đếnkhó đánh giá trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc thực hiện trình tự thủ tục đăng ký, công nhận quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận.
- Đối với công dân và doanh nghiệp: chưa phát huy được vai trò giám sát của người dân và doanh nghiệp đối với các cơ quan Nhà nước trong việc thực thi quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính:Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật:Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022
7.2.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 1 vì giải pháp này sẽ phân định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc hoàn thành đăng ký đất đai đối với tất cả các thửa đất, đảm bảo hồ sơ địa chính đầy đủ thông tin để đất đai được đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, phản ánh đúng thực tế sử dụng đất, phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền các cấp; tăng cường trách nhiệm của người sử dụng đất thông qua việc quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, người được giao đất quản lý đã thực hiện đăng ký đất đai; quy định chế tài xử lý mạnh mẽ đối với chính quyền địa phương các cấp không thực hiện tổ chức đăng ký đất đai bắt buộc.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
7.3. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai
7.3.1. Xác định vấn đề
- Mô hình hệ thống thông tin đất đai chưa rõ ràng, còn tồn tại nhiều dạng mô hình khác nhau như tập trung cấp tỉnh, phân tán cấp huyện, cấp xã, thậm chí nhiều địa phương tồn tại hỗn hợp nhiều dạng cả tập trung và phân tán;
- Vai trò của cơ sở dữ liệu đất đai chưa khẳng định được là nền tảng để phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước và kiểm tra, kiểm soát các hoạt động (như giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu thuế sử dụng đất, các thủ tục hành chính về đất đai...); cơ sở dữ liệu đất đai chưa thể hiện tính quan trọng “quốc gia” như là dữ liệu gốc để các ngành kinh tế - xã hội tham chiếu; chưa hoàn toàn liên thông liên kết với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác;
- Cơ sở dữ liệu đất đai chưa lượng hóa đầy đủ các nội dung để hỗ trợ việc ra quyết định ở tầm vĩ mô (biến động về giá đất, giao dịch đất đai...);
- Việc kết nối vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia vẫn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng của Chính phủ điện tử trong lĩnh vực đất đai;
- Chưa có quy định cụ thể nguồn kinh phí để xây dựng, quản lý, duy trì, vận hành, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; chưa có hành lang pháp lý đầy đủ để thu phí cung cấp dữ liệu đất đai, khai thác giá trị gia tăng từ thông tin dữ liệu về đất đai, đa dạng hóa nguồn thu, tạo nguồn lực tái đầu tư cho việc duy trì vận hành hệ thống thông tin đất đai để đảm bảo yêu cầu việc quản lý, vận hành hệ thống bền vững.
- Chưa có quy định cụ thể rõ ràng về trách nhiệm trong việc quản lý, quản trị, vận hành và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai.
7.3.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Thiết lập được hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông theo trục dọc và trục ngang.
- Cơ sở dữ liệu đất đai phải là nền tảng để triển khai các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, đồng thời là công cụ để kiểm tra, kiểm soát các hoạt động có liên quan đến đất đai của các cấp, các ngành và tổ chức, cá nhân;
Dữ liệu đất đai là dữ liệu gốc (là dữ liệu trụ cột, cốt lõi để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực khác liên quan đến đất đai), các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai đã, đang và sẽ xây dựng phải tham chiếu vào dữ liệu gốc và có sự kết nối, chia sẻ bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo ra các giá trị mới.
- Cơ sở dữ liệu đất đai phải lượng hóa được giá trị kinh tế của thửa đất, chứ không chỉ ghi nhận thông tin về đối tượng, vị trí, mục đích, hình thức, diện tích, thời hạn sử dụng của thửa đất đó; có cơ chế khuyến khích việc làm giàu dữ liệu.
- Làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý, quản trị, vận hành và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai.
- Huy động nguồn lực đầu tư, nguồn lực thường xuyên cho hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai đảm bảo việc xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác bền vững.
7.3.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1:
- Bổ sung quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; quy định cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
- Bổ sung quy định về quản lý, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương và quy định về việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
- Bổ sung quy định về cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, tổ chức, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về đất đai, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, liên thông.
- Bổ sung quy định về việc bảo đảm kinh phí để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai theo hướng được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn vay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo mục tiêu hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu vào năm 2025 của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
- Bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
b) Giải pháp 2:Giữ như quy định của Luật Đất đai 2013.
7.3.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
7.3.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước:
+ Hệ thống thông tin đất đai quốc gia tập trung, thống nhất có sự kết nối, chia sẻ, bảo đảm tiết kiệm kinh phí, tránh lãng phí nguồn lực xã hội trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, làm giàu dữ liệu về đất đai, tạo ra các giá trị mới, khuyến khích mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Tạo điều kiện thuận lợi cho cải cách thủ tục hành chính, phục vụ lợi ích người dân doanh nghiệp, là công cụ hỗ trợ tăng các nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc đầu tư, duy trì hệ thống tập trung sẽ cần nguồn kinh phí lớn từ ngân sách Trung ương, đặc biệt là thuê bao kênh truyền (khoảng 4000 tỷ/năm nếu đến cấp xã; 300 tỷ/năm nếu đến cấp huyện), chưa có cơ chế để địa phương cùng chia sẻ cơ chế này. Đồng thời phải kiện toàn và nâng cao năng lực cho đơn vị quản trị theo dõi vận hành hệ thống thông tin (khoảng 300 người). Bên cạnh đó, có thể có địa phương chưa thích ứng, chưa thực sự đồng thuận với việc xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai tập trung, thống nhất do tâm lý cát cứ dữ liệu, tâm lý ngại thay đổi, lo ngại hạn chế quyền lực... Ngoài ra, phải giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đã đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương trong thời gian qua.
+ Việc phân định tài sản của trung ương, tài sản của địa phương trong hệ thống thông tin đất đai quốc gia. Do phần xây dựng, cập nhật dữ liệu địa phương là thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Việc Luật hóa bố trí kinh phí ngân sách thu từ đất để đảm bảo nguồn lực (tổ chức, tài chính) cho xây dựng, vận hành, duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, tạo điều kiện tái đầu tư cho ngành quản lý đất đai.
- Đối với người sử dụng đất: Các thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai được chia sẻ, liên thông giữa các cơ quan Nhà nước giúp người dân giảm chi phí, thời gian đi lại đến các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Việc xây dựng được một hệ thống thông tin đất đai quốc gia hoàn chỉnh, tập trung, thống nhất góp phần tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; thúc đẩy việc minh bạch hóa việc sử dụng đất đai; thông qua việc quản lý đến từng thửa đất từ trung ương đến địa phương, Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu có thể nắm được những biến động liên quan đến đất đai từ đó đưa ra được những chính sách có liên quan kịp thời và phù hợp.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Được tiếp cận nguồn thông tin chính xác, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, giảm những hành vi tiêu cực, trái pháp luật đang diễn ra như làm giả giấy tờ về đất đai, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản,…
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: có tác động lớn trong việc cải cách hành chính thủ tục hành chính (giảm thủ tục hành chính, thời gian giải quyết thủ tục)...
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Việc sửa đổi như đề xuất nêu trên tạo hành lang pháp lý để quản lý thống nhất hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông theo đúng mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
7.3.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước:
+ Không có cơ sở để xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia tập trung, thống nhất; hạn chế việc minh bạch hóa việc sử dụng đất đai;
+ Làm giảm hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước và kiểm tra, kiểm soát các hoạt động (như giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu thuế sử dụng đất, các thủ tục hành chính về đất đai...). Khó khăn cho việc kết nối vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng của Chính phủ điện tử trong lĩnh vực đất đai.
- Đối với người sử dụng đất: Khó khăn trong việc tiếp cận Dịch vụ công trực tuyến về đất đai.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước:
+ Không có cơ sở để xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia tập trung, thống nhất; hạn chế việc minh bạch hóa việc sử dụng đất đai;
+ Làm giảm hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước và kiểm tra, kiểm soát các hoạt động (như giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu thuế sử dụng đất, các thủ tục hành chính về đất đai...). Khó khăn cho việc kết nối vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng của Chính phủ điện tử trong lĩnh vực đất đai.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Nhà nước thiếu công cụ kiểm soát các giao dịch “ngầm” sẽ khó khăn trong việcngăn chặn các giao dịch phi pháp và cảnh báo và bảo vệ người dân.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Hạn chế giải pháp, công cụ thực hiện trong việc cải cách hành chính thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Đảm bảo được sự ổn định của chính sách.
7.3.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 1 vì giải pháp này sẽ tạo ra hành lang pháp lý để xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia hoàn chỉnh, tập trung, thống nhất góp phần tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; thúc đẩy việc minh bạch hóa việc sử dụng đất đai; Đồng thời, tăng cường hơn sự minh bạch các thông tin trong quản lý, sử dụng đất đai.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
8. Chính sách 8: Tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp
8.1. Hoàn thiện cơ chế về tập trung đất nông nghiệp
8.1.1. Xác định vấn đề
Luật Đất đai năm 2013 đã có bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn theo hướng nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; khuyến khích nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để tập trung đất đai; quy định chặt chẽ chế độ quản lý, sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường.
Mặt khác, pháp luật hiện hành đã quy định người sử dụng đất nông nghiệp có các quyền chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đây được coi là chìa khóa pháp lý quan trọng để thực hiện tập trung đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Có chính sách khuyến khích nông dân “dồn điền, đổi thửa”, chuyển đổi đất cho nhau; khuyến khích hợp tác, liên kết tập trung ruộng đất thành cánh đồng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ; số thửa ruộng của một hộ giảm, diện tích thửa ruộng tăng. Trong thực tế đã có một số mô hình tập trung đất đai như dồn điền, đổi thửa (chuyển đổi đất nông nghiệp); thuê đất nông nghiệp của người sử dụng đất; phát triển mạng lưới tập trung đất đai để sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; liên kết, hợp tác với người sử dụng đất; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, quá trình tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng; đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp, bên cạnh đó chưa thực hiện tốt các giải pháp đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn; người nông dân còn có tâm lý “giữ đất”, trên thực tế có nhiều trường hợp người có nhu cầu tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp không thỏa thuận được với người sử dụng đất về thuê quyền sử dụng đất, không thống nhất về giá thuê và thời hạn thuê đất; có trường hợp chỉ một số ít người nông dân không có sự đồng thuận dẫn đến diện tích manh mún, không tạo lập được đủ mặt bằng để nhà đầu tư có thể yên tâm bỏ vốn đầu tư sản xuất; mô hình góp vốn bằng quyền sử dụng đất có thể thấy được những khó khăn và rủi ro cho nông dân nếu việc quản trị không minh bạch, nông dân không được tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh...).
8.1.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
8.1.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1: Giữ như quy định của Luật đất đai năm 2013.
- Quy định về nguyên tắc, phương thức, cơ chế khuyến khích tập trung đất nông nghiệp. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung. Kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm.
- Quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ các bên trong việc thực hiện tập trung đất nông nghiệp và đảm bảo ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tập trung.
8.1.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
8.1.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không thúc đẩy việc phát triển trụ cột kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và hiện đại để cạnh trang với các nền kinh tế khác.
- Đối với người sử dụng đất: Việc sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu, khiến nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn thấp, không có sức cạnh tranh rên thị trường.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo tính ổn định của pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, không có cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn. Việc sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục manh mún, nhỏ lẻ, không phát huy được các tiếp bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra năng xuất cao và mang tính hàng hóa.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: không có cơ chế để thực hiện việc tập trung diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội và cho chính mình.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật:
Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn” và không tác động đến hệ thống pháp luật khác do đó không có sự chồng chéo.
8.1.4.2. Giải pháp 2:
- Quy định về nguyên tắc, phương thức, cơ chế khuyến khích tập trung đất nông nghiệp. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung. Kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm.
- Quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ các bên trong việc thực hiện tập trung đất nông nghiệp và đảm bảo ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tập trung.
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: khi thực hiện giải pháp này, Nhà nước cần đầu tư kinh phí để nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai. Đồng thời, cũng phải đầu tư kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp.
- Đối với người sử dụng đất: người nông nhân vẫn có thu nhập thường xuyên từ diện tích đất nông nghiệp của mình khi tham gia thực hiện tập trung đất nông nghiệp.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Tạo ra được các vùng sản xuất có quy mô diện tích lớn để thu hút các đối tượng có năng lực về vốn, kỹ thuật đầu tư vào sản xuất, tạo môi trường đầu tư thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Việc quy định về cơ chế tập trung đất đai sẽ tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân, các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiện đại;
Bên cạnh đó, các chính sách về tập trung đất nông nghiệp sẽ giúp cho người nông dân không bị mất tư liệu sản xuất (quyền quản lý về đất đai vẫn của người dân), khi đất nông nghiệp của người nông dân được tập trung tạo thành các khu đất lớn sẽ thuận tiện cho việc ứng dụng cơ giới hóa vài sản xuất,
c) Tác động về giới:
Đối với người sử dụng đất là nữ giới khi đưa đất nông nghiệp của mình tham gia vào quá trình tập trung đất nông nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thì họ sẽ được tiếp cận với nhiều tiến bộ khoa học mới trong sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao...
Đối với nông dân là nữ giới khi tham gia và quá trình tập trung đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân họ sẽ có cơ hội để tổ chức sản xuất theo mô hình tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn...
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp này có thể phá sinh thủ tục hành chính đối với trường hợp tập trung đất nông nghiệp thông qua hình thức dồn điền, đổi thửa.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn” và liên quan đến pháp luật về dân sự (hợp đồng dân sự...), pháp luật về doanh nghiệp.
8.1.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2vì giải pháp này sẽ tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại và vừa đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong quá trình khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai nhằm phát triển kinh tế xã hội.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
8.2. Hoàn thiện cơ chế về tích tụ đất
8.2.1. Xác định vấn đề
Tích tụ đất đai là một tất yếu kinh tế của sự phát triển diễn ra trong nền kinh tế quốc dân và trong kinh tế nông nghiệp. Việc giải quyết sinh kế cho những nông dân kém khả năng kinh doanh nông nghiệp và bị mất đất nông nghiệp do tiến trình tích tụ ruộng đất là phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, để biến phần lớn nông dân hiện nay (chiếm gần 70% dân số và 48% lực lượng lao động xã hội) thành thị dân một cách bền vững, có đời sống cao hơn khi họ còn là nông dân.
Luật Đất đai đã quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để tạo điều kiện cho người nông dân tập trung, tích tụ đất đai và yên tâm đầu vào nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế việc tập trung, tích tụ đất đai diễn ra còn chậm; có một số trường hợp, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tích tụ nhiều diện tích đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối để tổ chức sản xuất nhưng lại vướng hạn mức nhận chuyển quyền theo quy định của Luật Đất đai; khi hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc tích tụ đất đai vượt hạn mức thì nhiều trường hợp phải nhờ người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phần diện tích vượt hạn mức bị từ chối khi thế chấp vay vốn ngân hàng.
Đồng thời, Luật Đất đai không quy định về hạn mức tích tụ đất đai đối với tổ chức kinh tế. Trường hợp tổ chức kinh tế thực hiện việc tích tụ đất đai để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp thì nhu cầu về diện tích được thể hiện trong từng dự án đầu tư của các tổ chức (không bị hạn chế về hạn mức nhận chuyển nhượng).
Mặt khác, pháp luật về đất đai hiện hành quy định hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp, điều này cũng làm hạn chế việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
8.2.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp để tạo điều kiện tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
- Đảm bảo huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Tạo sự yên tâm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư lâu dài vào sản xuất nông nghiệp.
8.2.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
b) Giải pháp 2:
- Quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân so với quy định hiện hành (gấp 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp).
- Quy định cho phép hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp.
- Quy định về nguyên tắc, phương thức, chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ đất đai với quy mô phù hợp để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tích tụ.
- Quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc hướng dẫn, hỗ trợ, các biện pháp bảo đảm cho người dân khi tham gia tích tụ đất nông nghiệp.
c) Giải pháp 3: Bỏ quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
8.2.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
8.2.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh thêm về kinh tế
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Không phát sinh thêm về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo tính ổn định của pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thực tế còn thấp, đồng thời các hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp sẽ hạn chế việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, không huy động được nguồn vốn của các nhà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
- Đối với người dân và doanh nghiệp:
+ Hộ gia đình, cá nhân khi có nhu cầu tích tụ nhiều diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất vẫn bị bó buộc bởi hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp.
+ Đối với doanh nghiệp mặc dù không bị hạn chế bởi hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để chuyển mục địch thực hiện dự án sản xuất phi nông nghiệp, tuy nhiên khi thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa thì lại bị hạn chế bởi quy định không cho phép tổ chức kinh tế trong nước được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật:
Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn” và không tác động đến hệ thống pháp luật khác do đó không có sự chồng chéo.
8.2.4.1. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh thêm về kinh tế
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Không phát sinh thêm về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Việc quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng, tặng cho đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay tại các địa phương.
- Đối với người dân và doanh nghiệp:
+ Tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân tích tụ được đất đai với quy mô lớn hơn để yên tâm đầu tư vào sản xuất và thuận tiện áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất hàng hoá, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu hút được hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng có điều kiện về kinh tế, kỹ thuật mà mong muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa khi họ không bị hạn chế việc nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Tuy nhiên, nếu mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp có thể dẫn đến một bộ phận nông dân sẽ không có đất sản xuất (mất tư liệu sản xuất), làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và có nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là những lúc thiên tai, dịch bệnh.
+ Đối với doanh nghiệp: Việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sẽ thu hút được các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư.
c) Tác động về giới:
Đối với người sử dụng đất là nữ giới khi đưa đất nông nghiệp của mình tham gia vào quá trình tích tụ họ sẽ không còn đất để sản xuất, phải đi làm thuê cho chủ đầu tư trên chính mảng đất của mình trước đây hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp.
Đối với nông dân là nữ giới khi tham gia và quá trình tích tụ đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân khác, họ sẽ trở thành người chủ, có nhiều diện tích đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều của cải,vật chất.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp này có thể phá sinh thủ tục hành chính đối với trường hợp tích tụ đất nông nghiệp thông qua hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn” và liên quan đến pháp luật về dân sự (hợp đồng dân sự...), pháp luật về doanh nghiệp.
8.2.4.1. Giải pháp 3:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh thêm về kinh tế
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Không phát sinh thêm về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Việc xóa bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân dễ dẫn đến nguy cơ Nhà nước phải đối mặt để giải quyết các tác động xã hội của tình trạng nông dân không có đất, thiếu đất sản xuất, trong khi việc đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm để dịch chuyển lao động nông nghiệp sang công, nghiệp, dịch vụ chưa được làm tốt. Điều này dễ dẫn tới nguy cơ nghèo đói, phát triển không bền vững, gây bất ổn xã hội.
- Đối với người nông dân: có nguy cơ không còn đất để sản xuất nông nghiệp và có thể phải làm thuê cho chủ đầu tư trên chính mảnh đất của mình. Nếu bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp thì việc tập trung đất nông nghiệp của những hộ gia đình, cá nhân hay doanh nghiệp làm ăn giỏi sẽ làm bần cùng hóa một bộ phận nông dân và sẽ tạo ra một tầng lớp địa chủ mới, “bóc lột” người dân bằng “phát canh, thu tô” như địa chủ thời phong kiến, thực dân.
- Đối với hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tích tụ đất: Giải quyết được việc đảm bảo cho hộ gia đình, cá nhân có quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo nhu cầu và năng lực của mình mà không lo bị giới hạn hạn mức sử dụng đất. Đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong giai đoạn hiện nay và kêu gọi được nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của nhiều đối tượng.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn” và không tác động đến hệ thống pháp luật khác.
8.2.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Sau khi nghiên cứu tác động của các giải pháp trên cơ sở đánh giá tác động tích cực và tiêu cực, đề nghị chọn giải pháp 2 nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
9. Chính sách 9: Hoàn thiện về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thương mại hoá bằng việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong trong hợp đồng thuê đất
9.1. Hoàn thiện về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
9.1.1. Xác định vấn đề bất cập
- Còn có sự không đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật đất đai và các pháp luật khác về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất (quyền được chuyển mục đích sử dụng đất; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng giao dịch quyền sử dụng đất; quy định việc mua bán tài sản, cổ phần, phần vốn góp có giá trị quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án đầu tư dẫn đến chuyển dịch quyền sử dụng đất; điều kiện để thực hiện quyền của người sử dụng đất…).
- Trong một số trường hợp chưa phát huy tối đa việc đưa quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tham gia thị trường:
+ Đối với đất nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm với thời hạn thực hiện dự án là 50 năm không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tuy nhiên quyền sử dụng đất vẫn chuyển quyền thông qua hình thức như chuyển nhượng phần vốn góp trong doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án đầu tư;
+ Hạn chế chủ thể được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa (hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tổ chức kinh tế).
+ Chưa có quy định đầy đủ về quyền tự đầu tư trên đất; một số quyền mới phát sinh cần tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như quyền sử dụng đất của tổ chức tôn giáo sử dụng vào mục đích kinh doanh; quyền sử dụng không gian trên không.
9.1.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật khác có liên quan;
- Thương mại hóa quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển;
- Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
9.1.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 01:
- Bổ sung quyền chung của người sử dụng đất được quyền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật này và pháp luật về đầu tư;
- Bổ sung quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định không phụ thuộc vào nơi cư trú, nơi đóng trụ sở.
- Bổ sung thêm quyền của người sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm mà đã ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp thì được thế chấp, bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất.
- Sửa đổi, bổ sung quy định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có sử dụng đất được hình thành do mua cổ phần, phần vốn góp thì có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với hình thức nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
- Bổ sung quyền và nghĩa vụ sử dụng đất để xây dựng công trình trên không.
- Sửa đổi, bổ sung điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất (về điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo hướng trường hợp thực hiện thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa thì không yêu cầu phải có Giấy chứng nhận; quy định việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản thông qua sàn giao dịch về quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ).
b) Giải pháp 02: Giữ nguyên như quy định hiện hành.
9.1.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
9.1.4.1. Giải pháp 01:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh thêm về kinh tế
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Không phát sinh thêm về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Không có hành lang pháp lý để quản lý quyền của người sử dụng đất liên quan đến việc sử dụng đất đa mục đích, đất để xây dựng công trình trên không.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Không được thực hiện các quyền về sử dụng đất liên quan sử dụng đất đa mục đích, đất để xây dựng công trình trên không.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này không tác động đến hệ thống pháp luật khác.
9.1.4.2. Giải pháp 02:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Sẽ phát sinh chi phí để nghiên cứu, rà soát các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Đồng thời, có các quy định rõ ràng để nhà nước quản lý và trên cơ sở đó tính thu nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Khi có thêm được các quyền của người sử dụng đất thì người dân và doanh nghiệp cũng sẽ phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ như nộp thuế, phí, lệ phí khi thực hiện các quyền của mình đối với đất đai.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước:Khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Có đầy đủ cơ chế để được thực hiện quyền và được bảo hộ các quyền của người sử dụng đất.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp này sẽ có thể phát sinh thêm thủ tục hành chính khi người sử dụng đất thực hiện các quyền.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ tác động đến hệ thống pháp luật khác như Bộ Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư...
9.1.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 vì giải pháp này tạo cơ sở pháp lý để quản lý và tổ chức thực hiện thống nhất; khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
9.2. Đẩy mạnh thương mại hoá bằng việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong trong hợp đồng thuê đất
9.2.1. Xác định vấn đề
Quy định về tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm đã được quy định từ Nghị định số 85-CP ngày 17 tháng 12 năm 1996 của chính phủ quy định việc thi hành pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được nhà nước giao đất, cho thuê đất; được tiếp tục duy trì tại Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 đã góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực tài chính hạn chế có thể tiếp cận đất đai với chi phí trả tiền thuê đất hàng năm với giá rẻ. Tuy nhiên, sau hơn 25 năm phát triển tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước đã phát triển, thị trường tín dụng có thể cung cấp nguồn tài chính giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn, sản xuất kinh doanh. Quy định về cho thuê đất trả tiền hàng năm với hạn chế về quyền sử dụng đất được tham gia giao dịch về chuyển quyền đã xuất hiện những hạn chế để thúc đẩy phát triển thị trường, tạo ra những giao dịch ngầm về quyền sử dụng đất khi bán tài sản gắn liền với đất, có thể gây thất thoát tài sản nhà nước khi Nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn tại những doanh nghiệp giữ phương án sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm.
Mặt khác, chính sách mới được ban hành tại Nghị quyết hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã có các nhiệm vụ giải pháp có mối liên hệ chặt chẽ với chính sách thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm gồm: “Chủ yếu thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất”; “Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm, trừ những trường hợp đặc biệt sẽ được trả tiền thuê đất một lần theo quy định của pháp luật..”. Đây là quan điểm mới sẽ phải thể chế trong Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng có tác động lớn đến việc “thương mại hoá quyền sử dụng đất” và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nguồn thu ngân sách nhà nước:
Thứ nhất, Nhà nước phải bỏ ra một lượng tiền lớn để thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân nhưng lại chỉ thu được một lượng tiền nhỏ được trả hàng năm (Điều 4 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định . Dẫn đến ngân sách nhà nước không đảm bảo, không đảm bảo nguyên tắc thu hồi được vốn đầu tư phát triển quỹ đất.
Thứ hai, theo quy định hiện hành thì người thuê đất trả tiền hàng năm không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khi đó các giao dịch bất động sản thương mại, sản xuất kinh doanh sẽ giảm đáng kể. Nhà nước không thu được thuế thu nhập và lệ phí trước bạ từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Thứ ba, đặt trong mối quan hệ với quan điểm của dự thảo Nghị quyết là“chủ yếu thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất” sẽ dẫn đến bất cập về nguồn vốn ban đầu Nhà nước phải bỏ ra lớn về chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chi phí xác định giá đất khởi điểm để đấu giá, đấu thầu, chi phí tổ chức đấu giá đấu thầu là lớn nhưng lại chỉ cho thuê đất trả tiền hàng năm.
Thứ tư, hệ thống tài chính ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do đối tượng được thế chấp bằng quyền sử dụng đất bị giảm do quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm không được thế chấp.
* Nguyên nhân: Luật Đất đai thiết kế theo nguyên tắc tiền nào quyền đó. Người sử dụng đất có quyền tương ứng với nghĩa vụ tài chính nộp cho Nhà nước. Nay muốn thay đổi thì người sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền tương ứng
9.2.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW về các nội dung liên quan đến phát huy nguồn lực đất đai và đẩy mạnh thương mại hoá quyền sử dụng đất.
- Hoàn thiện hơn nữa các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình sử dụng đất.
- Thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, người sử dụng đất chỉ có quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
9.2.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Phương án 1: Giữ nguyên như hiện hành, không quy định về quyền thuê trong hợp đồng thuê đất.
b) Phương án 2:
Để thể chế được quan điểm nêu trên nhưng vẫn đảm bảo huy động được nguồn lực cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần xem xét các giải pháp: cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm” đồng thời quy định các tiêu chí điều kiện để đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng cũng tạo hành lang pháp lý cho các giao dịch trong thị trường phát triển. Việc chuyển nhượng này sẽ gắn với tài sản gắn liền với đất như hiện hành để đảm bảo ổn định về thủ tục hành chính (đảm bảo việc sử dụng đất phải có đầu tư gắn với trách nhiệm phải thực hiện ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Nhà nước).
Các bên tham gia giao dịch phải xác định rõ giá trị quyền thuê trong hợp đồng thuê đất và phải nộp cho nhà nước một khoản tiền theo quy định hoặc phải nộp khoản thuế để được chuyển nhượng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất.
Cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm”
9.2.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
9.2.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động về kinh tế:
- Đối với Nhà nước: Việc thực hiện theo phương án này không có tác động tích cực về kinh tế do giữ nguyên như quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc thực hiện theo phương án này có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế nghiêm trọng do các giao dịch về quyền sử dụng đất trong nền kinh tế bị ngưng trệ do cơ bản chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm.
- Đối với người dân: Việc thực hiện theo phương án này không có tác động tích cực về kinh tế do giữ nguyên như quy định hiện hành, nhưng khiến người dân thuê đất trả tiền hàng năm không có quyền về đất để huy động vốn từ ngân hàng và chuyển nhượng cho chủ thể khác khi cần.
- Đối với doanh nghiệp: Việc thực hiện theo phương án này không có tác động tích cực về kinh tế do giữ nguyên như quy định hiện hành và khiến doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm không có quyền về đất để huy động vốn từ ngân hàng và chuyển nhượng cho chủ thể khác khi cần.
b) Tác động về xã hội
- Đối với Nhà nước: không có tác động về xã hội do giữ nguyên như quy định hiện hành.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: tạo tâm lý trong xã hội là hệ thống pháp luật đất đai chưa có sự cởi mở, khuyển khích các giao địch đất đai.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Đẩy mạnh thương mại hoá quyền sử dụng đất”.
Việc thực hiện theo phương án này tuy giúp pháp luật đất đai có sự phân biệt về quyền giữa các hình thức sử dụng đất song lại làm hạn chế các quyền tài sản của người thuê đất với thời hạn 50 năm, chưa phù hợp với cách thức pháp luật nhiều nước trên thế giới cho phép nhằm phát huy nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, có thể làm cho hệ thống pháp luật đất đai có những bất cập nội tại giữa quy định về cơ bản cho thuê đất trả tiền hàng năm nhưng lại không có quyền chuyển nhượng quyền thuê.
9.2.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động về kinh tế
- Đối với Nhà nước: Việc bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đồng thời người sử dụng đất phải nộp một khoản tiền hoặc một khoản thuế tính trên giá trị của quyền sử dụng đất sẽ giúp ổn định nguồn thu từ đất. Tuy nhiên, việc thực hiện theo phương án này Nhà nước sẽ mất một khoản chi phí để sửa đổi các văn bản pháp luật có quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm; tính toán lại phương thức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đảm bảo cân đối giữa các loại hình sử dụng đất.
- Đối với người dân: Việc thực hiện theo Phương án 1 khuyến khích được các giao dịch đất đai của người dân trong nền kinh tế thị trường; khuyến khích doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào đất; khi người sử dụng đất chuyển nhượng, bản thân giá trị địa tô từ đất đã gia tăng và nhà nước sẽ tiếp tục thu được thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Đối với doanh nghiệp: Việc thực hiện theo Phương án 1 khuyến khích được các giao dịch đất đai của người dân trong nền kinh tế thị trường; khuyến khích doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào đất; khi người sử dụng đất chuyển nhượng, bản thân giá trị địa tô từ đất đã gia tăng và nhà nước sẽ tiếp tục thu được thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
b) Tác động về xã hội
- Đối với Nhà nước: Giúp mich bạch hóa thị trường quyền sử dụng đất, người dân được thỏa thuận đúng giá trị của quyền sử dụng đất, tài sản và các quyền tài sản gắn liền với đất khi tham gia giao dịch; giúp giá đất phản ánh đúng giá trị trị trường; chống các giao dịch ngầm trong lĩnh vực đất đai.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Người thuê đất trả tiền hàng năm sẽ phải nộp thêm một khoản tiền hoặc một khoản thuế để có quyền chuyển nhượng, thế chấp.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới do nội dung về quyền thuê đất được áp dụng cho cả nam và nữ nên không có tác động về giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp này có thể phát sinh một số thủ tục hành chính liên quan đến điều kiện thực hiện, trình tự thủ tục thực hiện các quyền của công dân, việc thu tiền thuê đất.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Đẩy mạnh thương mại hoá quyền sử dụng đất”.
- Việc bổ sung quy định này giúp đảm bảo và tăng cường tính khả năng thi hành và tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
9.2.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 vì giải pháp này sẽ đảm bảo đẩy mạnh thương mại hoá quyền sử dụng đất theo tinh thần của Nghị quyết só 18-NQ/TW.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
10. Chính sách 10. Hoàn thiện về chế độ sử dụng đất các loại đất
10.1. Chế độ sử dụng các loại đất
10.1.1. Xác định vấn đề
- Việc sử dụng một số loại đất hiệu quả còn thấp, chưa bền vững; chưa cơ chế hữu hiệu để tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để thực hiện sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chỉnh trang, phát triển đô thị, nông thôn; chưa có quy định chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
- Chế độ sử dụng của một số loại đất chưa có quy định (đất khu nông nghiệp tập trung, đất lấn biển, đất sử dụng đa mục đích, đất chăn nuôi, đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đất xây dựng công trình trên không); một số loại đất chưa phù hợp với thực tế (đất khu công nghiệp, đất khu công nghệ cao, đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất thương mại, dịch vụ; đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cơ sở bảo quản và lưu giữ tro cốt; đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn; đất có mặt nước ven biển, quản lý, sử dụng đất do các công ty nông, lâm nghiệp đang sử dụng…).
- Còn có sự không đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật đất đai và các pháp luật khác về một số nội dung liên quan đến chế độ sử dụng đất lâm nghiệp, đất tôn giáo...
10.1.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
- Đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật khác có liên quan.
- Tạo cơ sở pháp lý để quản lý và tổ chức thực hiện thống nhất; khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; thúc đẩy việc chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn trên cơ sở đồng thuận của người sử dụng đất, góp phần cải thiện điều kiện sống cho cư dân đô thị và nông thôn; nâng cao hệ số sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất thông qua việc khai thác không gian ngầm và không gian trên không.
10.1.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1: Giữ nguyên như quy định tại Luật Đất đai 2013.
b) Giải pháp 2:
- Bổ sung chế độ sử dụng đối với một số loại đất: đất chăn nuôi tập trung; đất dành cho đường sắt; đất xây dựng công trình trên không;
đất do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý, sử dụng; đất sử dụng đa mục đích; đất khu nông nghiệp tập trung; điều chỉnh đất đai.
- Sửa đổi quy định về chế độ sử dụng đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng để thống nhất với quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
- Sửa đổi, bổ sung quy định chế độ quản lý, sử dụng đất: đất quốc phòng, an ninh đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; đất khu công nghệ cao; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất thương mại, dịch vụ; đất công trình trên không; đất cảng hàng không, sân bay dân dụng; đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn; đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng và một số loại đất khác.
10.1.4. Đánh giá tác động của giải pháp
10.1.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh thêm về kinh tế
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Không phát sinh thêm về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo tính ổn định của pháp luật. Tuy nhiên, không có hành lang pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất chăn nuôi tập trung; đất dành cho đường sắt; đất do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý, sử dụng...
- Đối với người dân và doanh nghiệp: không có cơ sở để được sử dụng đất kết hợp đa mục đích và đất xây dựng công trình trên không, đất chăn nuôi tập trung; đất dành cho đường sắt; đất do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý, sử dụng... và không đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lỷ và sử dụng đất kết hợp đa mục đích…” và không tác động đến hệ thống pháp luật khác.
10.1.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Khi thực hiện giải pháp này Nhà nước sẽ có cơ sở pháp lý để tính thu thêm nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất khi sử dụng đất kết hợp, đa mục đích.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: có thu nhập tăng thêm từ việc được sử dụng đất kết hợp, tuy nhiên cũng phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước trong việc được sử dụng đất kết hợp.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước:Đảm bảo việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai có hiệu quả.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Có cơ sở pháp lý để được sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất chăn nuôi tập trung; đất dành cho đường sắt; đất do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý, sử dụng... và đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lỷ và sử dụng đất kết hợp đa mục đích…” và sẽ tác động đến hệ thống pháp luật khác như Bộ Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư...
10.1.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 vì giải pháp này sẽ đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất và nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các quyền của các đối tượng sử dụng đất.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
10.2. Chính sách quản lý, sử dụng đất để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn
10.2.1. Xác định vấn đề
Ở Việt Nam, trong mọi giai đoạn từ sau đổi mới, chính sách đất đai cho quá trình đô thị hóa luôn dựa trên nguyên tắc Nhà nước thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư khu đô thị mới hoặc chỉnh trang các đô thị hiện hữu (chủ yếu là mở rộng các tuyến phố). Theo cơ chế này, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị mà có thể mang lại lợi ích cho nhà đầu tư và Nhà nước cũng chỉ có thể bảo đảm kinh phí để thực hiện một số dự án quan trọng. Như vậy, còn khá nhiều nhu cầu chỉnh trang các khu đô thị nghèo hiện hữu không được các nhà đầu tư quan tâm và cũng ngoài khả năng lo liệu được bằng ngân sách của Nhà nước.
Ở một số địa phương, cộng đồng dân cư tại một số khu phố nghèo đã cùng nhau bàn bạc, đưa ra phương án góp đất để nâng cấp hạ tầng và góp tiền để xây dựng hạ tầng. Trong một số trường hợp, chính quyền địa phương có trợ giúp thêm ngân sách để xây dựng hạ tầng. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ đã bổ sung quy định để điều chỉnh nội dung này. Tuy nhiên, việc quy định ở Chính phủ vẫn chưa đảm bảo được tính pháp lý cao để thực hiện và cũng chưa xử lý hết được các thực tiễn phát sinh. Kinh nghiệm tại nhiều nước đã có Luật riêng để quy định.
10.2.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
Chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn trên cơ sở đồng thuận của người sử dụng đất, góp phần cải thiện điều kiện sống cho cư dân đô thị và nông thôn.
10.2.3. Các giải pháp giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1: Chưa bổ sung quy định trong Luật Đất đai.
b) Giải pháp 2:
- Bổ sung quy định cho người có đất góp quyền sử dụng, hợp lô thửa đất, tạo quỹ đất,... để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn theo hướng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; người có quyền sử dụng đất khi tham gia điều chỉnh lại quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện theo quy định; có phương án điều chỉnh lại quyền sử dụng đất được người sử dụng đất thuộc khu vực dự kiến thực hiện đồng thuận và được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Quy định bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia góp quyền sử dụng đất để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn.
10.2.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
10.2.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh thêm về kinh tế
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Không phát sinh thêm về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo tính ổn định của chính sách. Tuy nhiên, không có hành lang pháp lý để quản lý, sử dụng đất để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn.Không phù hợp với cơ chế chính sách phát triển hiện nay, thiếu tính pháp lý và cơ chế thực hiện cho 01 số địa phương đang thực hiện việc thí điểm về mô hình này.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Có cơ sở pháp lý để thực hiện chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn. Đồng thời, chưa phù hợp với Bộ Luật dân sự về quyền được tham gia thỏa thuận giao dịch đối với những “tài sản” hợp pháp của mình khi thực hiện việc góp đất trên chính thửa đất của mình để góp phần cải tạo chỉnh trang đô thị.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Quy định cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn…” và không tác động đến hệ thống pháp luật khác.
10.2.4.2. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Khi thực hiện giải pháp này Nhà nước sẽ phải đầu tư kinh phí để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai và Nhà nước không phải bỏ ra kinh phí để thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Chi phí đầu tư dự án giảm do động viên được đóng góp của dân; bảo đảm lợi ích của các bên tham gia vào dự án, bao gồm cả người sử dụng đất.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước:Việc quy định nội dung này phù hợp với tinh thần của Đảng và Nhà nước và Quốc hội đó là phát huy nguồn lực nội tại từ trong dân (người sử dụng đất) để chỉnh trang, xây dựng phát triển lại các khu đô thị đã bị xuống cấp, không còn phù hợp mà Nhà nước do điều kiện về tài chính chưa thể đầu tư được hoặc không kêu gọi được các Nhà đầu tư vào đầu tư thực hiện dự án.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: việc quy định cơ chế về điều chỉnh đất đai khi thực hiện dự án để chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn mà không cần Nhà nước đứng ra để thu hồi đất giúp giảm khiếu nại, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi. Khi dự án được thực hiện tính khả thi trong việc hoàn thành dự án đạt tỷ lệ thành công cao vì trước khi thực hiện đã có sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thời gian triển khai bị chậm vì cần phải thỏa thuận của người sử dụng đất và đạt được sự đồng thuận cao của cộng đồng mới triển khai được dự án.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp có thể làm phát sinh thêm thủ tục hành chính khi Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án điều chỉnh lại quyền sử dụng đất.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Quy định cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn…” và tác động đến hệ thống pháp luật khác nhu Luật Xây dựng, Luật Nhà ở...
10.2.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 vì giải pháp này đảm bảo sự hài hòa giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư trong việc chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn; góp phần cải thiện điều kiện sống cho cư dân đô thị và nông thôn.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
10.3. Chính sách quản lý đất xây dựng công trình ngầm và không gian trên không
10.3.1. Xác định vấn đề
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá diễn ra ngày càng nhanh, quỹ đất đô thị đã gần cạn kiệt, các không gian công cộng ngày một thu hẹp... đòi hỏi phải tận dụng cả chiều cao lẫn chiều sâu của không gian đô thị (trên mặt đất và dưới mặt đất) trong xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị, đặc biệt đối với các đô thị lớn.
Thực tế hiện nay, tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai rất nhiều công trình lớn như: các công trình đường ống, cấp nước/thoát nước…; công trình giao thông đô thị bao gồm: hầm giao thông (hầm đường ô tô, hầm đường sắt đô thị - tàu điện ngầm, hầm cho người đi bộ), đường giao thông trên cao, nhà ga, bến, bãi đỗ xe ngầm và trên cao, các công trình phục vụ giao thông khác có liên quan…; công trình công cộng ngầm (tổ hợp công trình ngầm đa năng) bao gồm các công trình văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ, văn phòng có thể kết hợp bãi đỗ xe,…
Luật Đất đai đã quy định việc sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm và các công trình trên đất phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; quy định chế độ sử dụng đất cho từng loại đất; quy định việc sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất khi sử dụng đất để xây dựng công trình.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cụ thể như:
- Về đất xây dựng công trình ngầm:
+ Chưa có quy định cụ thể về điều kiện được xây dựng công trình ngầm làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
+ Chưa có quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các công trình ngầm mà chủ sở hữu công trình ngầm không có quyền sử dụng trên mặt đất; xác định quyền và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công trình ngầm nằm đan xen với phần ngầm của công trình trên mặt đất (như đường dây, đường ống ngầm đan xen với móng, tầng hầm của các tòa nhà)...; quy định về quyền đi qua, cấp điện, cấp nước,…
+ Chưa có quy định về tài chính đất đai trong sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm.
- Về không gian sử dụng đất:
+ Chưa có quy định về việc cho thuê phần không gian phía trên đất. Trong thực tế đã phát sinh các trường hợp thuê không gian trên đất để xây dựng các công trình xây dựng.
+ Chưa có quy định về tài chính đất đai trong việc sử dụng không gian trên đất.
10.3.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
Nâng cao hệ số sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất thông qua việc khai thác không gian ngầm và không gian trên không.
10.3.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1: Giữ như quy định của Luật Đất đai năm 2013.
b) Giải pháp 2:
- Bổ sung quy định chế độ quản lý, sử dụng đất công trình ngầm và không gian trên không.
- Quy định quyền và nghĩa vụ và chính sách tài chính khi sử dụng đất công trình ngầm và không gian trên không.
10.3.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
10.3.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Không phát sinh thêm về kinh tế
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Không phát sinh thêm về kinh tế
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo được tính ổn định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, không có cơ chế để quản lý không gian trên không.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Có cơ sở pháp lý để sử dụng đất xây dựng công trình ngầm và không gian trên không.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ không thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Quy định chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm …” và không tác động đến hệ thống pháp luật khác.
10.3.4.1. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: Khi thực hiện giải pháp này Nhà nước có thể sẽ thu được nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất khi sử dụng đất công trình ngầm và không gian trên không.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: khi sử dụng đất công trình ngầm và không gian trên không sẽ phải nộp thêm nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Đảm bảo sử dụng đất đai một cách hiệu quả, khai thác tiềm năng đất đai, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: biết được đầy đủ cơ sở pháp lý về chế độ quản lý, sử dụng đất công trình ngầm và không gian trên không. Đồng thời, xác định rõ được quyền và nghĩa vụ của mình khi sử dụng đất công trình ngầm và không gian trên không.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Giải pháp không làm phát sinh thủ tục hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật: Giải pháp này sẽ thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 “Quy định chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm …” và sẽ tác động đến hệ thống pháp luật khác như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở...
10.3.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 2 vì có đầy đủ cơ chế để quản lý công trình ngầm và không gian trên không, nâng cao hệ số sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất thông qua việc khai thác không gian ngầm và không gian trên không.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
11. Chính sách 11: Giải quyết tranh chấp đất đai
11.1. Xác định vấn đề
Theo quy định của Luật đất đai năm 2013 thì thẩm quyền của giải quyết tranh chấp đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được phân loại thành 02 trường hợp: (1) Trường có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết; (2) Trường không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì thẩm quyền giải quyết lần đầu thuộc cơ quan hành chính (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); nếu không đồng ý với giải quyết lần đầu thì tiếp tục khiếu kiện lên cơ quan hành chính cấp trên (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân.
Trong thực tế việc quy định thẩm quyền giải quyết như hiện hành thì sẽ tốn thời gian và việc khiếu kiện, tranh chấp thường kéo dài, quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực của cơ quan hành chính gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thi hành, nhất là khi trên đất có tài sản của các bên (thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án). Mặt khác, tranh cấp quyền sử dụng đất thuộc quan hệ dân sự, từ việc 2 đương sự tranh chấp và quan nhà nước giải quyết bằng 1 quyết định hành chính mà một trong các bên đương sự không đồng ý khởi kiện ra Tòa án thì cơ quan nhà nước từ người có thẩm quyền giải quyết lại trở thành người bị khiếu kiện trong vụ việc khiếu kiện quyết định hành chính;
công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi cả nước đã cơ bản hoàn thành, do đó số vụ việc tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính sẽ giảm dần[4].
11.2. Mục tiêu giải quyết vấn đề
Sửa đổi quy định về giải quyết tranh chấp đất đai nhằm đơn giản về thủ tục giải quyết, rõ ràng về thẩm quyền; giải quyết dứt điểm và nhanh gọn các tranh chấp đất đai; nâng cao tính khả thi khi thực hiện các quyết định giải quyết tranh chấp về đất đai.
11.3. Các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề
a) Giải pháp 1:
Sửa đổi quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng: tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (kể cả trường hợp có hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất). Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.
b) Giải pháp 2:Giữ như quy định của Luật đất đai năm 2013.
11.4. Đánh giá tác động của các giải pháp
11.4.1. Giải pháp 1:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: khi thực hiện giải pháp này giảm thời gian và không mất kinh phí cho việc giải quyết tranh chấp đất đai.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Người sử dụng đất có tranh chấp phải nộp án phí cho tòa án nhân dân khi yêu cầu giải quyết tranh chấp.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Thống nhất đầu mối giải quyết tranh chấp đất đai là tòa án nhân dân; đảm bảo được hiệu lực, hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp, khắc phục tình trạng tranh chấp đất đai kéo dài; chi phí giải quyết tranh chấp đất đai sẽ giảm đi.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Việc giải quyết tranh chấp đất đai bằng con đường Tòa án nhân dân đảm bảo việc tuân thủ và thực thi kết quả giải quyết.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Không làm phát sinh thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng giải quyết tranh chấp đất đai kéo dài.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật:
- Xác định rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết; thống nhất với các quy định của pháp luật khác trong hệ thống pháp luật của Việt Nam và chủ trương cải cách tư pháp của Nhà nước; phù hợp với xu hướng của pháp luật Quốc tế về giải quyết tranh chấp.
- Phân biệt rành mạch trách nhiệm giữa Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân trong việc giải quyết quan hệ dân sự trong tranh chấp đất đai; hạn chế tình trạng giải quyết tranh chấp kéo dài, nhất là tại các cơ quan hành chính, do đó sẽ giảm áp lực công việc giải quyết tranh chấp đất đai tại các cơ quan hành chính.
Đảm bảo tính khả thi trong việc thi hành bản án đã có hiệu lực về giải quyết tranh chấp đất đai do pháp luật về thi hành án quy định cụ thể về trình tự thực hiện đối với bản án giải quyết tranh chấp của Tòa án nhân dân khi có hiệu lực thi hành.
11.4.1. Giải pháp 2:
a) Tác động kinh tế
- Đối với Nhà nước: dẫn đến cơ quan hành chính phải mất nhiều thời gian, kinh phí, nhân lực cho việc giải quyết, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ khác.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Người sử dụng đất khi lựa chọn giải quyết tranh chấp tại cơ quan hành chính thì không phát sinh chí phí nhưng nếu lựa chọn giải quyết tranh chấp đất đai tại tòa án thì phải nộp án phí cho tòa án nhân dân.
b) Tác động xã hội
- Đối với Nhà nước: Vụ việc tranh chấp đất đai sẽ kéo dài, quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực của cơ quan hành chính gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thi hành.
- Đối với người dân và doanh nghiệp: Tạo điều kiện cho người sử dụng đất được thêm 01 cấp xem xét xử lý giải quyết tranh chấp của người sử dụng đất.
c) Tác động về giới: Giải pháp này không phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.
d) Tác động về thủ tục hành chính: Làm phát sinh thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính.
đ) Tác động đối với hệ thống pháp luật:
Không xác định rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết; không phù hợp với xu hướng của pháp luật Quốc tế về giải quyết tranh chấp.
Không phân biệt rành mạch thẩm quyền giữa Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân trong việc giải quyết tranh chấp đất đai.
11.5. Kiến nghị giải pháp lựa chọn
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn giải pháp 1 vì sẽ đảm bảo thống nhất về thẩm quyền tranh chấp đất đai giữa cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp và khắc phục tình trạng kéo dài trong việc giải quyết tranh chấp đất đai.
- Thẩm quyền ban hành chính sách là Quốc hội.
III. GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ
1. Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành chính sách: Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý đất đai ở địa phương và các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.
2. Cơ quan giám sát thực hiện chính sách: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận; công dân./.
[1] Theo Báo cáo của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Nhà nước đã giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho 74.862 dự án, với tổng diện tích 1.330,69 nghìn ha; trong đó: giao đất không thu tiền sử dụng đất cho 21.818 dự án, với diện tích 349,17 nghìn ha chiếm 26,24%; giao đất có thu tiền sử dụng đất cho 13.208 dự án, với diện tích là 8,82 nghìn ha, chiếm 0,66%; cho thuê đất 16.455 dự án, với tổng diện tích là 960,09 nghìn ha, chiếm 72,15% (trong đó: cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê là 1.561 dự án, với diện tích là 12,69 nghìn ha, chiếm 0,95%; cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm là 13.063 dự án, với diện tích là 942,09 nghìn ha, chiếm 70,8%); cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 23.381 dự án, với diện tích là 12,61 nghìn ha, chiếm 0,95%.
[2] Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước từ đất đai không ngừng tăng lên hàng năm so với tổng thu ngân sách cả nước, từ 7,8% năm 2013 lên 16,85% năm 2020
[2], trong đó chủ yếu là thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (từ năm 2013 đến năm 2020, tiền sử dụng đất chiếm 67,26% và tiền thuê đất chiếm 15,23% tổng các nguồn thu từ đất).
[3] Theo Báo cáo của 60 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Nhà nước đã giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả như sau: năm 2014 đấu giá 5.053,97 ha, thu được 22.224,77 tỷ đồng; năm 2015 đấu giá 1.171,62 ha thu được 38.498,59 tỷ đồng; năm 2016 đấu giá 1.024,21 ha thu được 37.321,13 tỷ đồng; năm 2017 đấu giá 976,74 ha, thu được 40.653,5 tỷ đồng; năm 2018 đấu giá 12.273,18 ha thu được 43.437,76 tỷ đồng; năm 2019 đấu giá 2.289,64 ha thu được 34.525,43 tỷ đồng; năm 2020 đấu giá 27.467,18 ha thu được 43.186,69 tỷ đồng.
[4] Theo số liệu tổng hợp từ năm 2013 đến 2021 tại 63 tỉnh, thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận 24.364 vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, trong đó chỉ có 2.749 vụ việc tranh chấp đất đai chiếm khoảng 11,3% (từ năm 2013 đến nay, không có trường hợp tranh chấp về đất đai nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Các vụ việc tranh chấp đất đai mà đương sự gửi đơn đến cơ quan hành hành chính có xu hướng giảm (cụ thể: năm 2013, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp nhận 844 vụ việc; năm 2014 là 593 vụ việc; 2015 là 420 vụ việc, năm 2018 là 100 vụ việc; 2019 là 74 vụ việc; 2020 là 74 vụ việc đến năm 2021 còn 26 vụ việc).
Tính bình quân từ 2013 đến năm 2021 thì có 4,8 vụ việc tranh chấp đất đai/1 tỉnh/1 năm; nếu tính từ năm 2019 đến 2021 thì chỉ có 0,9 vụ việc tranh chấp đất đai/1 tỉnh/1 năm mà các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan hành chính.
Báo cáo Đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai 2013 và định hướng sửa đổi Luật Đất đai
Cơ quan ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ngày ban hành:
Số hiệu:
Mô tả:
Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
A1106-bc-BTNMT-tong-ket-thi-hanh-Luat-Dat-dai---20220930095948.doc
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Đây là một trong những đạo luật quan trọng, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Luật Đất đai năm 2013 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, thể hiện những quan điểm đổi mới của Đảng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Luật và các văn bản dưới Luật đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được bảo đảm và phát huy. Chính sách, pháp luật đất đai đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp và báo cáo về tình hình thi hành Luật Đất đai năm 2013 như sau:
Phần thứ nhất
KẾT QUẢ THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2013
I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Về ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai
a) Đối với các cơ quan cấp Trung ương
Ngay sau khi Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực (ngày 01 tháng 7 năm 2014). Cụ thể, lần đầu tiên trong công tác xây dựng luật pháp, Chính phủ đã ban hành 05 Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đất đai để có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Đến thời điểm hiện nay, trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Luật Đất đai, Chính phủ đã ban hành 25 nghị định (trong đó có 16 nghị định ban hành mới, 07 nghị định sửa đổi, bổ sung và 02 nghị định ban hành thay thế); các Bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì ban hành 46 thông tư (Danh mục các văn bản theo Phụ lục 01 kèm theo Báo cáo). Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát các điều, khoản được giao trong luật và nghị định để quy định chi tiết thi hành. Nhìn chung, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được trình ban hành theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, đảm bảo kịp thời có hiệu lực ngay khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành; khắc phục được tình trạng luật chờ các văn bản hướng dẫn. Việc ban hành đồng thời các văn bản hướng dẫn thi hành luật có hiệu lực cùng với Luật Đất đai đánh dấu một bước tiến quan trọng, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao trong việc chuẩn bị thi hành Luật Đất đai.
b) Đối với địa phương
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) đã chủ động rà soát các điều, khoản được giao trong luật và các nghị định để quy định chi tiết thi hành. Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố ban hành gần 2000 văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể đối với 41 nội dung theo phân cấp. Trong đó, các văn bản do địa phương ban hành tập trung vào các lĩnh vực giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định về hạn mức sử dụng đất, diện tích tối thiểu được phép tách thửa. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản quy định tại một số địa phương còn chưa kịp thời, ban hành chậm so với thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực (ngày 01/7/2014); có một số nội dung vẫn chưa được quy định, quy định chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế, có những quy định chưa đúng thẩm quyền, chưa phù hợp với pháp luật đất đai hiện hành.
1.2. Về phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai
a) Đối với các cơ quan cấp Trung ương
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai; biên tập tài liệu phổ biến về những nội dung đổi mới của Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành để sử dụng thống nhất trên cả nước; tổ chức in gần 5.000 cuốn Luật Đất đai và nghị định để cung cấp cho các Bộ, ngành và các địa phương. Tổ chức hội nghị giới thiệu những nội dung đổi mới của Luật Đất đai, hội nghị phổ biến, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ báo cáo viên về pháp luật đất đai; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền cho các đối tượng có liên quan; phổ biến Luật Đất đai trên các phương tiện thông tin đại chúng; giới thiệu và trao đổi nhu cầu hợp tác trong triển khai thi hành luật với các cơ quan ngoại giao, các nhà tài trợ quốc tế.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai cho cộng đồng, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Tại Trung ương, đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền[1]; cử báo cáo viên về các địa phương để tham gia tuyên truyền tại các hội nghị của địa phương; phê duyệt và triển khai Dự án phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức chính sách pháp luật đất đai cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong phạm vi cả nước, ưu tiên đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa và nông thôn (năm 2014 - 2015). Kết quả thực hiện, đã hệ thống hóa bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến theo từng đối tượng cụ thể, nội dung phong phú và đề cập đầy đủ các nội dung của Luật Đất đai 2013; đã in ấn và phát cho các tỉnh, thành phố cả nước 06 tài liệu với tổng số 2.820 cuốn[2]; riêng Thông Tấn xã Việt Nam đãthực hiện được hơn 2.000 tin, bài trên các kênh thông tin.
b) Đối với các địa phương
Ngay sau khi Luật Đất đai 2013 được ban hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh. Tại địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai công tác phổ biến Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật đến các tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều địa phương đã triển khai cụ thể đến cả các đối tượng là cán bộ cấp huyện, cấp xã cùng với các tổ chức, đoàn thể các cấp (Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Luật gia, Hội Nhà báo…) đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2013 như:
- Tổ chức tập huấn Luật Đất đai năm 2013 cho cán bộ các cấp; một số tỉnh còn kết hợp tập huấn Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành với việc chấn chỉnh các sai phạm, yếu kém đã phát hiện trong quản lý, sử dụng đất.
- Hội nghị, hội thảo chuyên đề, toạ đàm, đối thoại doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân;
- Xây dựng và phát hành bản tin, tờ rơi; mở các chuyên mục “hỏi đáp”, "luật sự của bạn", "trợ giúp pháp lý"; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về đất đai với nhiều hình thức phong phú như thi viết, thi sân khấu hóa; tổ chức giao lưu trực tuyến; giải đáp, tư vấn pháp luật; tổ chức tiếp công dân và giải đáp chính sách pháp luật về đất đai cho người dân.
- Công khai các thủ tục hành chính về đất đai tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ và trên cổng thông tin điện tử của địa phương.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố, các tỉnh đã tổ chức 797 Hội nghị với số người tham dự là 100.092 người, mở 803 lớp tập huấn cho 120.170 người tham dự và thực hiện 1.806 phóng sự, 93 bài phát thanh trên truyền hình. Một số địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai như Nam Định, Kom Tum, Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế...[3]. Hình thức tuyên truyền, phổ biến được thực hiện rất đa dạng, phong phú. Một số tỉnh như Hải Dương, Hà Tĩnh, Lai Châu,… đã sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến để trực tiếp phổ biến tại các điểm cầu ở tỉnh và tất cả các huyện. Có nơi đã lồng ghép tuyên truyền Luật Đất đai với tuyên truyền Hiến pháp; đưa một số nội dung cơ bản Luật Đất đai vào trong tài liệu “Bản tin nội bộ” phục vụ sinh hoạt chi bộ hàng tháng của tỉnh; ban hành cuốn sổ tay tìm hiểu về pháp luật đất đai phát trực tiếp cho người dân tại thôn, bản, tổ dân phố; tổ chức cuộc thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật trong lĩnh vực đất đai”; tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân khu vực điểm nóng về giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm. Đây là những mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật đất đai cho người dân.
Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai đã được triển khai rộng rãi đến mọi đối tượng với những nội dung thiết thực và hình thức phù hợp được các Bộ, ngành, các địa phương và được dư luận nhân dân đánh giá cao. Qua phổ biến, tuyên truyền pháp luật về đất đai đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết các thủ tục hành chính bắt đầu có những chuyển biến tích cực.
2. Về điều tra, đánh giá tài nguyên đất
Luật Đất đai năm 2013 đã quy định các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng và địa phương theo định kỳ 05 năm một lần và theo chuyên đề.
Trong thời gian qua, công tác điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai đã bước đầu được quan tâm tổ chức thực hiện, phục vụ cho quản lý, sử dụng đất, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Thực hiện Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành quản lý đất đai giai đoạn 2011 - 2020
[4], Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường
[5] và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tổng điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thực hiện tổng điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai toàn quốc, hoàn thành điều tra, đánh giá thoái hóa đất của cả nước và tại 6 vùng kinh tế - xã hội; hoàn thành việc xây dựng Hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên đất Quốc gia.
Trên cơ sở đánh giá đầy đủ đặc điểm tài nguyên đất, diễn biến quá trình suy thoái của cả nước và 06 vùng kinh tế - xã hội theo từng nhóm đất và mục đích sử dụng, đã xác định có 9.724 nghìn ha đất chất lượng cao, 14.872 nghìn ha đất có chất lượng trung bình và 4.536 nghìn ha đất có chất lượng thấp (toàn bộ diện tích núi đá 572 nghìn ha có chất lượng thấp). Cả nước có 11.838,0 nghìn ha đất bị thoái hóa, chiếm 35,74% diện tích tự nhiên của cả nước. Về cơ bản chủ yếu là đất bị thoái hóa nhẹ với diện tích là 6.844 nghìn ha, chiếm 20,66% diện tích tự nhiên của cả nước; đất bị thoái hóa trung bình với 3.787 nghìn ha, chiếm 11,43% diện tích tự nhiên của cả nước; đất bị thoái hóa nặng với 1.207 nghìn ha, chiếm 3,64% diện tích tự nhiên của cả nước. Kết quả điều tra đã phản ánh tổng quan thực trạng, nguyên nhân thoái hóa đất của cả nước và của địa phương làm cơ sở để đề xuất các giải pháp bảo vệ, ngăn ngừa thoái hóa đất, sử dụng đất hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, qua đó cũng cho thấy sau thời gian dài canh tác tăng năng suất, sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã làm cho đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa; giảm chất lượng và diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp; giảm năng suất, sản lượng cây trồng và ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp; suy giảm sức sản xuất và hiệu quả sử dụng đất giảm dần; có nguy cơ không bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và mất cân bằng hệ sinh thái, môi trường.
3. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Luật Đất đai đã quy định nguyên tắc quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất được triển khai thực hiện tại 03 cấp hành chính là quốc gia, tỉnh, huyện; kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện là cơ sở duy nhất để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh.
Việc lập, xét duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp đã dần đi vào nề nếp, tuân thủ các nguyên tắc, căn cứ, trình tự, nội dung quy định tại Chương IV của Luật Đất đai năm 2013, kết quả như sau:
- Về việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015):
Đối với cấp quốc gia: Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) cấp quốc gia tại Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 21 tháng 11 năm 2016.
Đối với các địa phương: 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) và đã được Chính phủ xét duyệt (đạt 100%). Các đơn vị hành chính cấp huyện đã triển khai lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015).
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011- 2015) vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã được Chính phủ xét duyệt.
- Về việc triển khai điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia:
Đối với cấp quốc gia: Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia tại Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09 tháng 4 năm 2016.
Đối với các địa phương: Trên cơ cơ sở điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia đã được Quốc hội thông qua, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh và đã được Chính phủ phê duyệt. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của cấp huyện cũng đã được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, trong đó đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 được các địa phương triển khai theo đúng quy định làm căn cứ cho việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất quốc phòng kỳ cuối (2016 - 2020) do Bộ Quốc phòng lập, đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 161/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2018.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và là căn cứ quan trọng để Nhà nước thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,đã phân bổ đất đai đáp ứng nhu cầu cho việc đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng… để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh, đặc biệt đã chú trọng đến việc khai thác tiềm năng đất đai tại các vùng trung du, miền núi, ven biển[6]. Trên cơ sở các chỉ tiêu phân bổ của quy hoạch sử dụng đất các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất đã được lập, phê duyệt và triển khai thực hiện.
Để sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, duy trì quỹ đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo diện tích đất có rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia. Theo đó đã xác định cụ thể diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cần bảo vệ[7] và diện tích đất lúa được chuyển đổi linh hoạt bảo đảm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa được; tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; xác định khu vực, diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu, kém chất lượng để chuyển sang rừng sản xuất và việc chuyển đổi phải có lộ trình theo kế hoạch sử dụng đất.
Tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức thực hiện xác định diện tích đất lúa, đất rừng cần bảo vệ; ban hình chính sách điều tiết phân bổ nguồn lực để đảm bảo lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch 3 loại rừng và quy hoạch bảo vệ phát triển rừng; ban hành bộ tiêu chí rà soát diện tích đất rừng phòng hộ đầu nguồn, ít xung yếu chuyển sang quy hoạch đất sản xuất[8].
Diện tích đất được quy hoạch cho phát triển đô thị tăng lên hàng năm so với tổng diện tích tự nhiên; đô thị hóa và phát triển đô thị đạt nhiều kết quả tốt; tỷ lệ đô thị hoá tăng từ 30,5% năm 2010 lên khoảng 40% năm 2020, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước; chiếm tỷ trọng chi phối trong các chỉ tiêu phát triển chủ yếu của đất nước.
Về việc đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng đồng bằng Sông Hồng, khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, phát huy lợi thế cạnh tranh, đồng thời sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương rà soát, cắt giảm các khu công nghiệp sử dụng nhiều đất canh tác tại khu vực đồng bằng nhưng chưa kêu gọi được nhà đầu tư; xem xét bổ sung mở rộng các khu công nghiệp nằm trên địa bàn các tỉnh trung du, miền núi, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh để phát huy hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mới được đầu tư phát triển, giảm áp lực tại khu vực đồng bằng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp, đất ở tại đô thị tại một số địa phương (tăng chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp lên 10.896 ha và tăng đất ở tại đô thị lên 5.174 ha[9]).
Hoạt động sắp xếp lại nhà, đất, thực hiện di dời cơ sở sản xuất ra khỏi trung tâm thành phố được thực hiện liên tục cả trước và sau Luật Đất đai 2013. Chính phủ đã quy định trách nhiệm, quy trình tổ chức thực hiện và phân công, phân cấp rõ ràng ở Trung ương và địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 về quy chế tài chính phục vụ việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2016 để tổ chức thực hiện. Kết quả thực hiện tại Trung ương đã phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý 10.359 cơ sở, nhà đất của 38 bộ, ngành, cơ quan; trong đó: giữ lại tiếp tục sử dụng 9.411 cơ sở theo đúng quy hoạch; điều chuyển 561 cơ sở từ nơi không còn nhu cầu sang nơi có nhu cầu sử dụng; chuyển giao về địa phương 138 cơ sở; tạm giữ để tiếp tục xử lý 79 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 51 cơ sở; thu hồi 10 cơ sở; chuyển mục đích sử dụng đất 05 cơ sở.
Đối với cơ sở nhà, đất do địa phương quản lý, theo báo cáo của 36 địa phương, kết quả như sau: từ ngày 08 tháng 3 năm 2007 đến nay, đã phê duyệt 71.589 cơ sở nhà, đất; trong đó: giữ lại tiếp tục sử dụng 68.144 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 843 cơ sở; điều chuyển 813 cơ sở; thu hồi 243 cơ sở; chuyển giao về địa phương 136 cơ sở; tạm giữ để tiếp tục xử lý 38 cơ sở.
4. Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
Chính sách giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất; bước đầu khắc phục được tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan. Thông qua công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất các công trình, dự án đã được triển khai, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, từng bước hình thành các khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn, tạo ra một diện mạo mới cho đô thị, đồng thời từng bước đô thị hoá nông thôn; góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ kinh tế đất.
Theo số liệu thống kê năm 2020, tổng diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng là 26.842.798 ha, chiếm 81,04% tổng diện tích tự nhiên, trong đó: Hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng 15.875.758 ha, chiếm 47,93% tổng diện tích tự nhiên, bằng 59,14% diện tích đất của các đối tượng sử dụng, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Các tổ chức trong nước đang sử dụng 10.568.289 ha, chiếm 31,91% tổng diện tích tự nhiên và bằng 39,37% diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng. Các tổ chức nước ngoài (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức ngoại giao) sử dụng 46.490 ha, chiếm 0,14% tổng diện tích tự nhiên và bằng 0,17% diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng 03 ha. Cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo đang sử dụng là 352.258 ha, chiếm 1,06% tổng diện tích tự nhiên và bằng 1,31% diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng.
Diện tích đất giao cho các đối tượng để quản lý là 6.280.799 ha, chiếm 18,96% tổng diện tích tự nhiên của cả nước, trong đó: Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý 4.945.753 ha, chiếm 14,93% tổng diện tích tự nhiên của cả nước và bằng 78,74% diện tích đất theo đối tượng quản lý. Tổ chức phát triển quỹ đất quản lý 9.870 ha, chiếm 0,03% tổng diện tích tự nhiên của cả nước và bằng 0,16% diện tích đất theo đối tượng quản lý. Cộng đồng dân cư và tổ chức khác quản lý 1.325.176 ha, chiếm 4% tổng diện tích tự nhiên của cả nước và bằng 21,10% diện tích đất theo đối tượng quản lý.
Luật Đất đai đã quy định thu hẹp các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, chủ yếu áp dụng hình thức Nhà nước cho thuê đất[10]; quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, kể từ khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì số tiền ngân sách nhà nước thu được từ việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất tăng lên hàng năm[11]. Việc tổ chức thực hiện các quy định này đã từng bước sàng lọc được các nhà đầu tư kém năng lực, khắc phục tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng. Việc giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đã được chú trọng thực hiện hơn đối với đất ở, góp phần quan trọng tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Trong nông nghiệp, đã quy định tăng thời hạn sử dụng đất lên 50 năm cho các loại đất nông nghiệp; cho phép hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với diện tích không quá 10 lần hạn mức giao đất; bước đầu khuyến khích tích tụ đất đai thông qua cơ chế góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Bình quân diện tích thực hiện tích tụ, tập trung đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân hiện nay dao động từ 1,5ha đến 10ha, đối với các tổ chức thực hiện theo dự án đầu tư thì pháp luật về đất đai không giới hạn diện tích thực hiện dự án[12]. Khuyến khích nông dân “dồn điền, đổi thửa”, chuyển đổi đất cho nhau; khuyến khích hợp tác, liên kết tập trung ruộng đất thành cánh đồng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ; số thửa ruộng của một hộ giảm, diện tích thửa ruộng tăng.
5. Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Luật Đất đai đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đất đai cho mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo lợi ích của các bên liên quan trong chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từng bước được hài hoà hơn; đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi được bảo đảm tốt hơn
[13].
Đối với đất sử dụng cho các dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật
[14].
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc trách nhiệm tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân các cấp và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các chính sách cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Người sử dụng đất có đủ điều kiện theo quy định thì được bồi thường bằng đất, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền. Giá đất tính tiền bồi thường là giá đất cụ thể theo loại đất thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Việc bồi thường về đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật[15]. Ngoài việc được bồi thường, người có đất thu hồi còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ khác. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn. Đã quy định và phân định rõ trách nhiệm các sở, ban, ngành, các đơn vị, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhờ đó đã bước đầu khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan, lãng phí đất.
Luật Đất đai năm 2013 quy định trường hợp người có đất bị thu hồi không còn nơi ở nào khác thì được bố trí tái định cư và ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ; nếu tiền bồi thường không đủ để mua một suất đất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền để mua một suất đất tái định cư tối thiểu. Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền và được lập cho một hoặc nhiều dự án; nhà ở, đất ở trong khu tái định cư được bố trí theo nhiều cấp nhà, nhiều mức diện tích khác nhau phù hợp với các mức bồi thường và khả năng chi trả của người được tái định cư. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư[16].
Nhìn chung, quy định của pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã tạo hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện, bảo đảm lợi ích hợp pháp và quyền có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và sinh kế đối với người có đất thu hồi; góp phần làm giảm các khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có chuyển biến rõ rệt, đã hạn chế tối đa việc thu hồi đất “tùy tiện”, làm ảnh hường đến quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã cơ bản bảo đảm công khai, dân chủ, đúng pháp luật. Tạinhiều địa phương đã chú trọng đến công tác lấy ý kiến góp ý của người có đất thu hồi về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện nghiêm túc việc tiếp thu, giải trình đối với các nội dung mà người dân còn băn khoăn, chưa đồng thuận.
6. Về đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tập trung xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và đã được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện.
Đến nay, việc đăng ký đất đai lần đầu, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đạt tỷ lệ hoàn thành cao, theo đó đã hoàn thành trên 77% diện tích tự nhiên; hoàn thành trên 97,6% diện tích được cấp giấy chứng nhận lần đầu, trong đó đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 93%, đất lâm nghiệp đạt trên 98%, đất nuôi trồng thủy sản đạt trên 87%, đất ở nông thôn đạt trên 96%, đất ở đô thị đạt trên 98%, đất chuyên dùng đạt trên 87%, cơ sở tôn giáo đạt trên 83%; đã hoàn thành việc đo đạc trên 75% diện tích tự nhiên, tương đương gần 24.963.012 ha.
Kết quả này đã góp phần tích cực trong việc tạo nền tảng kỹ thuật cơ bản và thông tin đầu vào chính xác cho công tác quản lý đất đai ngày một chặt chẽ, hiệu quả hơn; là cơ sở quan trọng để thực hiện việc minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai, tạo tiền đề để hiện đại hóa việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Đối với công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới, cấp Giấy chứng nhận đất nông, lâm trường: Đến hết năm 2020, có 257 công ty nông, lâm nghiệp thực hiện việc sắp xếp theo quy định của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP (trong đó: có 124 công ty nông nghiệp và 133 công ty lâm nghiệp; có 97 công ty do Trung ương quản lý, 160 công ty do địa phương quản lý).
Đã có 45/45 tỉnh, thành phố[17], đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, cắm mốc ranh giới đất nông lâm trường (cắm được 61.692 mốc với 37.071 km); các tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính (đã đo đạc, lập bản đồ địa chính 1.434.392 ha). Thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, đã có 11/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao đất, cho thuê đất, bao gồm: Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và Sóc Trăng; cụ thể đã cấp Giấy chứng nhận lần đầu với diện tích là 122.271 ha (505 Giấy chứng nhận) và cấp đổi Giấy chứng nhận 239.194 ha (1.949 Giấy chứng nhận).
b) Về xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai
Cơ sở dữ liệu đất đai là một trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia nền tảng, cốt lõi để thực hiện các khâu đột phá trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, là điều kiện tiên quyết để thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tăng hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, là nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế của đất nước.Cơ sở dữ liệu về đất đai bước đầu được quan tâm xây dựng. Nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, trong đó có 237 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 63 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành, 117 huyện thuộc 32 tỉnh, thành phố đã đưa vào quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng có hiệu quả trong quản lý đất đai. Một số địa phương đã xây dựng và vận hành hệ thống thông tin đất đai như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Long,...
Hệ thống hồ sơ địa chính dạng số đã được các địa phương thực hiện và được được đồng bộ giữa các cấp, thông tin giữa bản đồ địa chính với thông tin đăng ký, cấp Giấy chứng nhận được thống nhất và ngày càng chính xác. Việc quản lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính đã đạt những bước tiến đáng kể, đến nay 100% Văn phòng đăng ký đất đai đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính; 42 triệu thửa đất và trên22 triệu hồ sơ địa chính dạng số vào cơ sở dữ liệu đất đai để quản lý, khai thác sử dụng; hơn 90 huyện thuộc 15/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, liên thông, trao đổi thông tin điện tử giữa cơ quan đăng ký đất đai với cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai với người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân. Về cơ bản, các địa phương đã lập được hệ thống hồ sơ địa chính dạng số đồng bộ giữa bản đồ địa chính với thông tin đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.
Nhìn chung, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đã có sự tham gia của các tổ chức thuộc khối nhà nước, tư nhân và đã có những bước tiến so với trước đây, đáp ứng yêu cầu xây dựng vận hành cơ sở dữ liệu với 04 thành phần. Các địa phương đã vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai ở các mức độ khác nhau; một số tỉnh đã kết nối với cơ quan thuế và dịch vụ hành chính công của tỉnh[18].
7. Về chính sách tài chính về đất đai, giá đất
Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước.
Luật Đất đai năm 2013 quy định 07 khoản thu tài chính từ đất đai[19], quy định về Quỹ phát triển đất của địa phương nhằm ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt[20].
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 cũng quy định về chế độ quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai[21]. Luật quy định bổ sung việc sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng; khai thác nguồn lực tài chính khác từ đất đai theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình rà soát các chính sách thuế, Chính phủ đã trình Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân[22]. Theo đó, các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức cũng được coi là thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; cá nhân chuyển nhượng bất động sản nộp thuế 2% trên giá bán từng lần chuyển nhượng nếu không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan và có chứng từ chứng minh[23].
Để khuyến khích hoạt động đầu tư sản xuất nông nghiệp, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (thời hạn miễn, giảm thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020) và Nghị quyết số 107/2020/QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội, theo đó việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được kéo dài đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025. Với chính sách đó, trung bình mỗi năm Nhà nước đã miễn giảm cho trên 11,2 triệu hộ nông dân với tổng số thuế miễn, giảm 1,85 triệu tấn quy thóc, thành tiền là 2.837 tỷ đồng (tính bình quân theo giá thực tế) và tiền thu thuế sử dụng đất nông nghiệp giảm dần hàng năm[24].
Ngoài ra, Nghị quyết số 132/2020/QH14 đã quy định về việc thu tiền sử dụng đất hằng năm khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24 tháng 11 năm 2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 115/2020/QH14, ngày 19 tháng 6 năm 2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội cho phép ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với đất.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước từ đất đai không ngừng tăng lên hàng năm so với tổng thu ngân sách cả nước, từ 7,8% năm 2013 lên 16,85% năm 2020[25], trong đó chủ yếu là thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (từ năm 2013 đến năm 2020, tiền sử dụng đất chiếm 67,26% và tiền thuê đất chiếm 15,23% tổng các nguồn thu từ đất).
Chính sách ưu đãi về thuế, về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được rà soát nhằm bảo đảm công bằng, thống nhất, đơn giản, thuận tiện, chống thất thu thuế, góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Có chính sách, mức thu hợp lý để nuôi dưỡng nguồn thu, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Pháp luật đã có quy định về biện pháp tài chính đối với các dự án đầu tư chậm hoặc bỏ hoang không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
7.2. Về giá đất
Luật Đất đai năm 2013 đã quy định việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường; giá đất do Nhà nước xác định gồm: khung giá đất, bảng giá đất và giá đất cụ thể; quy định các trường hợp được áp dụng giá đất trong bảng giá đất và các trường hợp phải xác định giá đất cụ thể theo thị trường để thực hiện. Quy định cơ quan xây dựng giá đất, cơ quan thẩm định giá đất của nhà nước và tổ chức tư vấn xác định giá đất. Kết quả thực hiện như sau:
- Tại Trung ương: Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định về giá đất; Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2014 quy định về khung giá đất (áp dụng cho giai đoạn 2015 - 2019) và Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai; Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2019 quy định về khung giá đất (áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2024) và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 quy định chi tiết phương pháp định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất; Thông tư số 20/2015/TT-BTNMT ngày 20 tháng 4 năm 2015 ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để lập dự toán ngân sách nhà nước phục vụ công tác định giá đất; Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2017 quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành luật đất đai. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác định giá đất tại địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 03 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ định giá đất cho hơn 300 cán bộ làm công tác định giá đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, Bộ cũng đã có các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện công tác định giá đất tại địa phương.
- Tại địa phương: Căn cứ quy định của pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngay từ đầu tháng 7 năm 2014, các địa phương trong cả nước đã triển khai công tác điều tra giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường; khảo sát mức chi phí, thu nhập từ đất phục vụ việc xây dựng bảng giá đất của địa phương; 63/63 tỉnh đã triển khai xây dựng Bảng giá đất ban hành và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 năm 2015 và xây dựng Bảng giá đất ban hành và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 năm 2020 theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng theo đúng quy định, có tính đến giá đất phổ biến trên thị trường. Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng, ban hành và công bố công khai Bảng giá đúng thời gian, phù hợp với khung giá đất của Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, công tác xác định giá đất cụ thể cũng đã được các tỉnh, thành phố quan tâm tổ chức thực hiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu; về cơ bản đã được thực hiện theo quy trình chặt chẽ (điều tra, khảo sát xác định giá đất, thông qua Hội đồng thẩm định giá đất, quyết định giá đất), kết quả xác định phù hợp với thực tiễn, góp phần bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
9. Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
Luật Đất đai 2013 đã quy định cụ thể các quyền cho từng đối tượng sử dụng đất phù hợp với hình thức sử dụng đất và các quyền này ngày càng hoàn thiện hơn. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất được bảo đảm và phát huy hiệu quả trong đời sống, sản xuất kinh doanh, nhất là trong sử dụng đất nông nghiệp, tạo cơ sở phát triển thị trường bất động sản, tăng cường cơ chế giao dịch dân sự, hạn chế các biện pháp can thiệp hành chính trong việc tạo lập quỹ đất để thực hiện các dự án đầu tư.
Sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, số lượng giao dịch chính thức đã tăng lên rõ rệt, đặc biệt tại những địa phương có nền kinh tế phát triển, có giá đất cao. Quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân khi có nhu cầu về đất nông nghiệp, đất ở và đất sản xuất kinh doanh. Quyền cho thuê và cho thuê lại đất đã có tác động tích cực trong việc đầu tư trên đất, tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư kết cấu hạ tầng và người sản xuất chủ động trong sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các khu sản xuất tập trung có cùng chế độ sử dụng đất khác.
Các hoạt động thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã hòa nhập với thị trường tài chính, góp phần thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế đất nước. Các giao dịch về quyền sử dụng đất gắn với cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại đang phát triển mạnh, đặc biệt là giao dịch nhà đất có văn phòng cho thuê tại các đô thị lớn hoặc các khu vực có hoạt động kinh tế, đầu tư phát triển.
Mặt khác,để đảm bảo quyền của người sử dụng đất không bị xâm hại và đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc quản lý đất đai và thực hiện quyền của người sử dụng đất; Luật Đất đai 2013 đã quy định tăng cường hơn sự giám sát, đánh giá của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên và của nhân dân trong việc quản lý, sử dụng đất đai, giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Đặc biệt, có các quy định về quyền giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có thông tin minh bạch về đất đai, cũng được đề cập cụ thể hơn. Như vậy, có thể thấy những quy định khung nhằm hạn chế tối đa sự trục lợi, những bất cập đã và đang hiện hữu, ở một góc độ nào đã góp phần không nhỏ làm ảnh hưởng xấu tới an sinh xã hội, quản lý trật tự trị an từ địa phương cho tới tầm vóc quốc gia đang được chỉ đích danh và có lộ trình rõ ràng để khắc phục góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm tốt tình hình trật tự - an ninh.
Tổng hợp báo cáo của các địa phương, hiện nay, chủ yếu là các giao dịch về chuyển nhượng quyền sử dụng đất (26,28%), thế chấp quyền sử dụng đất (56,58%), giao dịch cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng thấp (lần lượt là 0,09% và 0,20%) và chủ yếu tập trung vào thị trường chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất phi nông nghiệp (lần lượt là 13,7%1 và 26,24%)
[26].
10. Về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong quản lý sử dụng đất đai
Trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013, các văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 347/TB-VPCP ngày 27 tháng 8 năm 2014 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố bộ thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai
[27]. Trên cơ sở bộ thủ tục hành chính do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, theo báo cáo từ các địa phương, đến nay có 63/63 tỉnh, thành phố công bố bộ thủ tục hành chính tại địa phương. Cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai được coi trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Luật Đất đai năm 2013 đã quy định các vấn đề chung của thủ tục hành chính về đất đai bao gồm: các loại thủ tục hành chính về đất đai; việc công khai thủ tục hành chính về đất đai và trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục, người sử dụng đất và những người có liên quan về việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai và giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai theo định hướng của Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Pháp luật về đất đai hiện hành quy định phân cấp hầu hết các thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… cho địa phương. Tại Trung ương chỉ thực hiện một số thủ tục liên quan đến chấp thuận chủ trương chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng và cấp Chứng chỉ định giá đất. Đã quy định cụ thể nơi nộp hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính thông qua bộ phận một cửa hoặc Trung tâm hành chính công của tỉnh; quy định rõ thời gian không quá 03 ngày sau khi có kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả kết quả cho tổ chức, cá nhân, trừ thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính; quy định thời gian thực hiện và các thủ tục cụ thể. Trung ương và nhiều địa phương đã chú trọng thực hiện quyết liệt việc xây dựng, rà soát và công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai theo hướng đơn giản hoá, dễ hiểu, dễ thực hiện, giảm tối đa chi phí, thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Kết quả rà soát sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, số lượng thủ tục hành chính đã giảm 30 thủ tục đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp; giảm 9 thủ tục đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp. Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi Luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã sửa đổi, bổ sung nhiều thủ tục liên quan đến giao đất, cho thuê đất, đăng ký, cấp giấy chứng nhận theo hướng bãi bỏ những thủ tục, công việc không cần thiết; rút ngắn thời gian thực hiện; giảm số lượng bộ hồ sơ phải nộp, quy định cung cấp thông tin, luân chuyển hồ sơ giữa cơ quan đăng ký và cơ quan thuế, kho bạc trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp trích lục bản đồ địa chính; liên thông thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất; thẩm định điều kiện giao đất cho thuê đất đối với các dự án đầu tư.
Triển khai trên thực tế, thời gian thực hiện các thủ tục cơ bản được bảo đảm đúng quy định và giảm so với trước đây, đạt 90 - 95% so với quy định; tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt. Trong điều kiện việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu đã cơ bản hoàn thành, để tạo sự chủ động, tránh áp lực lên bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ đã quy định cho phép các Văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện dịch vụ đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp quan tâm thực hiện. Qua đó đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức chưa chấp hành theo đúng quy định của pháp luật, nhũng nhiễu, phiền hà người dân và doanh nghiệp.
Nhìn chung, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Các các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được rà soát cắt giảm, đơn giản hóa, giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện. Kết quả, đã nâng chỉ số đăng ký tài sản đạt 60/140 quốc gia được đánh giá; phản ánh của người dân về chi phí phi chính thức khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 34% trong 05 năm qua.
11. Về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai
(i) Về giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai đã được thể chế hóa tại các luật: Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Tố tụng hành chính, Bộ Luật Tố tụng dân sự.
Trong những năm qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai đã được Chính phủ, Thủ tướng chính phủ quan tâm chỉ đạo; các bộ, ngành và địa phương đều coi trọng, tập trung thực hiện[28]. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có những chuyển biến tích cực, góp phần giảm bớt tình trạng gay gắt, bức xúc của công dân khiếu nại, tố cáo tại các địa phương[29]. Nhìn chung, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, tình hình đơn thư khiếu nại về đất đai có xu hướng giảm so với giai đoạn trước[30]; nội dung khiếu nại của công dân chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; khiếu nại đòi lại đất cũ đã qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn… Gần đây phát sinh một số khiếu nại liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi tài sản công, cải tạo chung cư cũ, quy hoạch đất ở nhưng không thành đơn vị ở.
Đối với các tranh chấp đất đai được giải quyết theo đúng quy định của Luật Đất đai và Bộ Luật Tố tụng dân sự; đối với khiếu kiện hành chính được giải quyết theo pháp luật về khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính. Theo đánh giá của Tòa án nhân dân tối cao thì các vụ án hành chính ngày càng tăng (tăng 10.889 vụ so với nhiệm kỳ trước) trong khi đó các tranh chấp chủ yếu liên quan đến đất đai và là những vụ án khó, phức tạp nên thời gian giải quyết thường kéo dài[31].
(ii) Về thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm quản lý và sử dụng đất
Từ năm 2013 đến năm 2020, toàn ngành tiến hành 56.611 cuộc thanh tra hành chính và 1.851.156 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, có 6.687 cuộc thanh tra về lĩnh vực đất đai, qua thanh tra đã phát hiện tổng vi phạm về kinh tế trên 80.886 tỷ đồng và trên 94.849 ha đất ; đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 38.910 tỷ đồng và 14.684 ha đất; kiến nghị xử lý khác 41.976 tỷ đồng, 80.165 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với trên 3.700 tập thể, trên 16.200 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 169 vụ, 155 đối tượng.
Qua quá trình thanh tra, cơ quan Thanh tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất[32]. Kết quả thanh tra đã góp phần không nhỏ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; chỉ ra được nhiều những tồn tại, bất cập, vi phạm của đối tượng thanh tra; đồng thời đã đưa ra các kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với tập thể, cá nhân để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm, xử lý thu hồi tiền và tài sản sai phạm về ngân sách nhà nước; góp phần cho sự nghiệp phát triển kinh tế, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.[33]
Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý Nhà nước đối với các vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm về việc thực hiện pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở, dự án kinh tế xã hội quan trọng.
12. Về tổ chức cơ quan quản lý đất đai
12.1. Cơ quan quản lý đất đai
Năng lực quản lý Nhà nước về đất đai từng bước được nâng cao; hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý từng bước được kiện toàn.
Ở Trung ương, tổ chức, bộ máy của Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được kiện toàn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hiện nay, Tổng cục có 13 đơn vị đầu mối, trong đó có 09 đơn vị làm nhiệm vụ quản lý nhà nước và 04 đơn vị sự nghiệp.
Theo quy định của pháp luật, ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thành lập Chi cục quản lý đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên đến nay mới có 43 tỉnh thành lập, các tỉnh, thành phố còn lại là các Phòng quản lý đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường
[34]; ở cấp huyện có Phòng Tài nguyên và Môi trường và ở cấp xã có công chức địa chính xã.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng cán bộ làm việc tại Chi cục quản lý đất đai, tại các phòng chuyên môn về đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với nơi chưa thành lập Chi cục Quản lý đất đai và Phòng Tài nguyên và Môi trường còn rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu quản lý; bình quân cấp tỉnh có khoảng 10 - 15 người, có Chi cục Quản lý đất đai chỉ có 5 hoặc 6 cán bộ; cấp huyện có từ 3 - 5 người; công chức địa chính xã, phường, thị trấn thường phải thực hiện kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác.
12.2. Văn phòng đăng ký đất đai
Văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hiện có ở địa phương; có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (không giới hạn số lượng).
Đến nay đã có 60/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai và đi vào hoạt động theo mô hình 1 cấp. Việc thành lập và vận hành của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai đã thể hiện rõ hiệu quả của hệ thống này, cụ thể như: thủ tục hành chỉnh đã giảm so với khi chưa thành lập từ 62 thủ tục xuống còn 41 thủ tục; thời gian thực hiện thủ tục cơ bản được bảo đảm đúng quy định và giảm so với trước đây, đạt 90 - 95% so với quy định, tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt; việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu đã cơ bản hoàn thành; để tạo sự chủ động, tránh áp lực lên bộ máy hành chính nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai được cấp Giấy chứng nhận khi người sử dụng đất thực hiện các quyền.
- Trong quá trình kiện toàn, các địa phương đã phát hiện, xử lý và khắc phục nhiều tồn tại trong quá trình thực hiện của các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện trước đây; chất lượng thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận sau khi kiện toàn được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện. Điển hình như tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Long, An Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Đồng Nai,…;
- Hoạt động đăng ký đất đai đã có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, có tính chuyên nghiệp hơn. Văn phòng Đăng ký đất đai có khả năng điều động nhân lực chuyên môn và phương tiện kỹ thuật một cách linh hoạt hơn để giải quyết các công việc trọng tâm theo từng địa bàn và theo thời điểm. Việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai được thực hiện tốt hơn, tiết kiệm chi phí hơn do không phải lập nhiều bộ hồ sơ địa chính như trước đây; công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện trong hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai đã được quan tâm thực hiện thường xuyên hơn;
- Việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận được thực hiện ngày càng thuận lợi hơn với người dân do cơ quan đăng ký được tổ chức lại ngày càng chuyên nghiệp; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được đẩy mạnh thực hiện, đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất được lựa chọn nơi đăng ký (một số tỉnh như Đồng Nai, Bến Tre đã cho phép các chi nhánh được tiếp nhận và tham gia giải quyết thủ tục đối với cả tổ chức; hộ gia đình, cá nhân có thể nộp hồ sơ thực hiện thủ tục tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc tại các Chi nhánh) và tạo sự cạnh tranh để phát triển của các cơ quan đăng ký, tạo điều kiện tốt cho triển khai hệ thống đăng ký điện tử;
- Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận được bảo đảm đúng quy định; thời gian thực hiện thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận giảm từ 05 - 25 ngày so với trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt 90 - 95% so với quy định, tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt.
- Tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở một số địa phương đã tăng đáng kể như: Hà Nội (sau 20 tháng thành lập) tăng 665.000 Giấy; Thành phố Hồ Chí Minh (sau 11 tháng thành lập) tăng 299.000 Giấy.
- Hoạt động đăng ký đất đai đã có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất. Chất lượng thực hiện giải quyết thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong toàn tỉnh, thành phố do Văn phòng đăng ký đất đai đã thường xuyên kiểm soát, phát hiện những sai sót để điều chỉnh, hướng dẫn các Chi nhánh.
- Với việc hình thành Văn phòng đăng ký đất đai, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức được tiếp cận với hệ thống tổ chức chuyên nghiệp, thuận lợi và linh hoạt khi có nhu cầu thực hiện các giao dịch về đất đai như chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất...; được lựa chọn nơi đăng ký, tạo sự cạnh tranh giữa các cơ quan đăng ký, góp phần giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hiện nay.
- Nhiều Văn phòng đăng ký đất đai hiện nay hoạt động khá tốt với cơ cấu tổ chức lên đến hơn nghìn cán bộ như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... một số Văn phòng đăng ký đất đai có doanh thu ngày một tăng thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ công, hướng tới tự chủ về kinh phí hoạt động giảm bớt gánh nặng và tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước; minh bạch hóa các nguồn thu từ cung cấp dịch vụ và giảm thiểu hướng tới triệt tiêu các loại hình dịch vụ và nguồn thu phi chính tắc
[35].
- Kể từ khi Văn phòng đăng ký đất đai được thành lập, nguồn thu từ đất (bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, phí, lệ phí do Văn phòng đăng ký đất đai trực tiếp thu hoặc làm các thủ tục chuyển cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước để thu) cho ngân sách nhà nước liên tục tăng, bình quân trong 03 năm từ 2014 - 2016 chiếm trung bình 13,01% tổng thu ngân sách Nhà nước (năm 2014: 55,62 nghìn tỷ đồng; năm 2015: 84,43 nghìn tỷ đồng; năm 2016: 98,75 nghìn tỷ đồng).
- Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là cơ sở nền tảng cho việc liên thông dữ liệu với các ngành khác, tiến tới Chính phủ điện tử.
12.3. Tổ chức phát triển quỹ đất
Theo quy định của pháp luật đất đai thì các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác.
Tổ chứcphát triển quỹ đất thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nhiệm vụ rất lớn là tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất và đóng vai trò quan trọng, tham gia tích cực, có hiệu quả cao trong việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình ở địa phương theo quy định.Việc bổ sung thêm vai trò tạo quỹ đất sạch để hạn chế giao đất theo chỉ định tránh tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
Theo báo cáo, đến nay cả nước có 24/63 địa phương đã thực hiện kiện toàn Tổ chức phát triển quỹ đất theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC gày 04 tháng 04 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
11.4. Về củng cố, kiện toàn hệ thống thanh tra đất đai
Luật Đất đai năm 2013 đã có quy định cụ thể về thanh tra chuyên ngành đất đai tại Điều 201 đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Thanh tra và Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Theo quy định nêu trên thì hệ thống thanh tra chuyên ngành đất đai đã được kiện toàn trên phạm vi cả nước. Trong đó tại Bộ Tài nguyên và Môi trường có Thanh tra Bộ và Tổng cục Quản lý đất đai được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; tại cấp tỉnh có thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; tại cấp huyện việc thanh tra đất đai do Thanh tra Nhà nước cấp huyện thực hiện.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai được chỉ đạo, thực hiện theo hướng các bộ ngành ở Trung ương tập trung thanh tra trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra theo từng chuyên đề và chỉ đạo các địa phương cùng thực hiện thanh tra, kiểm nhằm phát huy hiệu quả thanh tra, kiểm tra trên phạm vi cả nước. Hoạt động của hệ thống thanh tra chuyên ngành đất đai trong thời gian qua đã góp phần tích cực giúp cho công tác quản lý, sử dụng đất đai dần đi vào nề nếp; giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, khiếu kiện về đất đai; ổn định tình hình chính trị, xã hội
[36].
II. TỒN TẠI, HẠN CHẾ
1. Một số tồn tại, hạn chế
Trong thời gian vừa qua, đất đai cùng với các nguồn lực tài nguyên khác dần được khai thác, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhìn chung, đất đai vẫn chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, còn tình trạng sử dụng tùy tiện, thiếu hiệu quả, lãng phí. Một số tồn tại, hạn chế chủ yếu trong quản lý, sử dụng đất đai thể hiện cụ thể ở các mặt sau đây:
1.1. Về tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật điều chỉnh quan hệ có liên quan đến đất đai
Còn tình trạng chưa thống nhất, chưa đồng bộ về phạm vi điều chỉnh và nội dung giữa các luật như: pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về quản lý tài sản công, pháp luật về lâm nghiệp... với pháp luật về đất đai dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện. Kết quả rà soát cho thấy, có 22 trong tổng số 112 Luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai 2013. (chi tiết tại phụ lục Báo cáo rà soát Luật Đất đai với các luật có liên quan kèm theo Báo cáo này).
1.2. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, hệ thống và đồng bộ
[37]. Chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn dài hạn
[38], chưa bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường; chưa theo hướng tiếp cận quy hoạch không gian, dựa vào hệ sinh thái
[39].
Tiến độ lập quy hoạch tại các địa phương còn chậm; thiếu sự gắn kết với quy hoạch ngành, lĩnh vực. Thiếu các giải pháp có tính khả thi để thực hiện quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là không cân đối đủ nguồn vốn đầu tư do nhu cầu vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật là rất lớn trong khi ngân sách của các địa phương có hạn; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch.
Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch của một số địa phương chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn phổ biến, gây lãng phí lớn; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy hoạch, kế hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Việc chậm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của một số tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng đên tiến độ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
1.3. Về giao đất, cho thuê đất
Việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất chưa được tổ chức thực hiện triệt để trong thực tiễn
[40]; còn lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất, giao, cho thuê đất có nguồn gốc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường, sắp xếp cơ sở nhà đất của cơ quan nhà nước, thực hiện hình thức xây dựng - chuyển giao (dự án BT). Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn. Việc chuyển sang thuê đất đối với các tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính vẫn chưa được triển khai thực hiện đầy đủ.
Báo cáo kiểm toán
[41] cho thấy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cho thấy hầu hết các đơn vị đều không triển khai thực hiện dự án gắn với quyền sử dụng đất, mà góp vốn với đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn, hoặc cam kết thoái vốn, chuyển giao quyền sử dụng đất cho đối tác không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Báo cáo kiểm toán cho thấy, công tác giao đất tại nhiều địa phương còn bất cấp, hạn chế, trong đó chủ yếu là giao đất theo hình thức chỉ định, không đấu giá quyền sử dụng đất, ban hành văn bản công nhận chủ đầu tư theo hình thức chỉ định, vi phạm Luật Đấu thầu
[42].
Một số dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đầu tư, đưa vào sử dụng; có trường hợp được giao đất, cho thuê đất ngoài quy hoạch hoặc không theo quy hoạch sử dụng đất. Việc giao đất, cho thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp ở nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng theo quy định.
Việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường còn vướng mắc. Các doanh nghiệp này đang sử dụng một diện tích lớn đất nông, lâm nghiệp (1,837 triệu ha) nhưng chậm đổi mới theo các chủ trương của Đảng. Tiến độ thực hiện rà soát, sắp xếp, đổi mới về quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường, chuyển đổi từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất và thuê đất còn chậm. Tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai, như lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng trái pháp luật trong các nông, lâm trường còn xảy ra
[43]. Chưa có sự thay đổi căn bản về phương thức hoạt động, cơ chế quản lý và điều hành nông, lâm trường, dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh rất thấp, quản lý và sử dụng đất đai còn lãng phí và kém hiệu quả.
Công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để xây nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp đã được các địa phương quan tâm, bố trí quỹ đất. Tuy nhiên, tại một số nơi mới chỉ quan tâm đến việc bố trí quỹ đất, chưa quan tâm đến việc kết nối hạ tầng giao thông, bố trí phương tiện công cộng phục vụ nhu cầu di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc của công nhân, người lao động.
1.4. Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở một số địa phương còn chậm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi.
Việc thực hiện cơ chế tự thỏa thuận để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn vướng măc
[44]. Một số dự án sử dụng đất thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng địa phương vẫn cho phép chủ đầu tư thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi quyết định thu hồi đất và quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sau đó giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư mà không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; một số dự án sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế “ xã hội (khu đô thị, khu dân cư) nhưng địa phương vẫn cho phép chủ đầu tư thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tổ chức giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Một số địa phương chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như chưa xây dựng khu tái định cư trước khi quyết định thu hồi đất hoặc đã xây dựng nhưng vị trí không thuận lợi, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ.
1.5. Về tài chính đất đai, giá đất
Nguồn thu từ đất đai chưa bền vững, chưa thực sự mang tính tổng thể, dài hạn
; chính sách tài chính còn chưa khai thác hết tiềm năng nguồn thu từ đất, chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, bền vững. Nguồn thu từ đất đai không ngừng tăng lên trong giai đoạn 2013-2020 nhưng chủ yếu là thu từ thị trường sơ cấp[45]. Chưa hình thành được hệ thống thuế tài sản để bảo đảm nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách Nhà nước[46].
- Bảng giá đất tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Công tác định giá đất cụ thể ở một số nơi chưa kịp thời, chưa có cơ chế, nguồn lực để thu thập đầy đủ các dữ liệu, thông tin giá thị trường phục vụ cho công tác định giá đất, đảm bảo định phù hợp với giá thị trường.
1.6. Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
Ở một số địa phương việc thực hiện quyền của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất chưa thực sự thuận lợi, nhất là trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất; các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, còn gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai thông qua cơ chế thị trường do phải thực hiện các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa thực sự ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững, chưa có sự liên thông với thị trường các nhân tố sản xuất khác, chưa thực sự trở thành kênh phân bổ nguồn lực đất đai hợp lý và hiệu quả.
1.7. Về thủ tục hành chính
Việc tổ chức thực hiện các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai còn hạn chế. Một số địa phương còn có tình trạng tự đặt ra các thủ tục, thời gian giải quyết còn kéo dài so với quy định; vẫn còn có tình trạng cán bộ nhũng nhiễu trong thực thi công vụ, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm.
1.9. Về thanh tra, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai
Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, có nơi còn chậm được xử lý, giải quyết. Việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai còn hạn chế, chưa tương xứng với số lượng các vi phạm pháp luật về đất đai trên thực tế.
Việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật thanh tra ở nhiều địa phương còn hạn chế, nội dung công khai chưa đầy đủ, thống nhất; chế độ thông tin báo cáo của một số địa phương còn chưa nghiêm túc. Các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai có giảm so với trước đây song vẫn chiếm tỷ lệ cao và còn kéo dài, diễn biến vụ việc phức tạp, khó giải quyết dứt điểm
[47].
1.10. Phát sinh trong thực tiễn một số vấn đề có liên quan đến quản lý và sử dụng đất cần giải quyết như: quản lý, sử dụng đất kết hợp đa mục đích; đất nông nghiệp kết hợp với hoạt động thương mại, dịch vụ. đất du lịch có yếu tố tâm linh…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:
- Đối tượng, phạm vi của các Luật có nội dung điều chỉnh liên quan đến đất đai có sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong định hướng, nguyên tắc quản lý gây khó khăn trong triển khai thi hành Luật Đất đai.
- Công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện (đặc biệt là tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành) của các cơ quan, địa phương chưa thưòng xuyên, từ đó dẫn đến nhận thức và ý thức chấp hành chủ trương chính sách, pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ công chức, người dân chưa đầy đủ.
- Công tác tổ chức thi hành Luật đất đai chưa được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, chỉ đạo cụ thể, sát sao và thường xuyên. Việc tổ chức thi hành pháp luật tại một số địa phương chưa nghiêm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của chính sách pháp luật đã ban hành; một số chính sách đã được ban hành tuy nhiên còn thiếu điều kiện để áp dụng để đưa các quy định vào cuộc sống như việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận các công trình hạ tầng không thực hiện được do thiếu kinh phí...
- Nguồn lực đầu tư cho công tác lập quy hoạch, đo đạc, lập, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, điều tra đánh giá đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa được quan tâm đúng mức.
- Tổ chức bộ máy chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ quản lý đất đai; cơ sở vật chất trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu; năng lực cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.
III. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nên tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá theo hướng hiện đại, Luật Đất đai năm 2013 được xây dựng nhằm thể chế hóa những quan điểm và nội dung đã nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển bền vững.
Luật Đất đai năm 2013 đã thực sự tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Đến nay, trên 93,78% diện tích tự nhiên của cả nước được khai thác đưa vào sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất về cơ bản phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Quỹ đất nông nghiệp đã đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ và phát triển rừng. Quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu đô thị hóa. Diện tích đất chưa sử dụng cơ bản đã được đưa vào sử dụng. Việc sử dụng đất ngày càng tiết kiệm và hiệu quả; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế; thị trường quyền sử dụng đất từng bước đi vào hoạt động nề nếp; tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
1. Đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn
Đối với lâm nghiệp, pháp luật đất đai đã đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng kinh tế, ngăn chặn được tình trạng suy thoái rừng nghiêm trọng[48];nâng độ che phủ từ 39,5% năm 2010 lên 42,01% năm 2020. Diện tích đất chưa sử dụng của cả nước từng bước được khai thác đưa vào trồng rừng một cách hợp lý, vừa đảm bảo yêu cầu cân bằng hệ sinh thái và bảo vệ môi trường.
Việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần làm thay đổi diện mạo của nông thôn mới, quỹ đất sản xuất nông nghiệp đã được bố trí một cách hợp lý theo nguyên tắc bảo vệ quỹ đất trồng lúa, đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ lương thực trong nước, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu, hình thành các vùng chuyên canh phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng gắn liền với công nghiệp chế biến.
Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã có bước tiến đáng kể trong việc ổn định chỗ ở, đời sống, đặc biệt là đối với những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Chính sách này được sửa đổi, bổ sung kịp thời phù hợp với thực tiễn nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.
2. Đối với phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, đô thị và dịch vụ
Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất trong thời gian qua về cơ bản phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư, tạo bước đi hợp lý cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu của giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và nhu cầu đô thị hoá.
Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quỹ đất dành cho xây dựng các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch đã được ưu tiên bố trí
[49]. Để đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong giai đoạn 2016 - 2020 đã chuyển dịch hơn 230 nghìn ha đất sang các mục đích phi nông nghiệp. Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều sản phẩm đã dần có khả năng cạnh tranh cao trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trương kinh tế
[50].
3. Phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản
Luật Đất đai năm 2013 và các pháp luật khác có liên quan được ban hành đã làm thay đổi căn bản thị trường bất động sản nói chung, thị trường quyền sử dụng đất nói riêng. Đã tạo lập được cơ chế để thị trường bất động sản hoạt động và phát triển tương đối nhanh, đồng bộ. Giao dịch về quyền sử dụng đất từng bước đi vào nề nếp. Đồng thời, cũng tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước quản lý tốt hơn các giao dịch, xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, pháp luật đã quy định về giao dịch bảo đảm, đặc biệt là việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, việc xử lý nợ của các công ty mua bán nợ,... đã được quan tâm quy định cụ thể nhằm tạo khung pháp lý đầy đủ cho thị trường bất động sản, thị trường vốn vận hành.
Thị trường bất động sản cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn như phát triển nóng hoặc trầm lắng, đóng băng, chỉ xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời. Thị trường bất động sản phát triển ổn định, ngày càng hiệu quả thể hiện qua các yếu tố: (i) giá cả ổn định; (ii) thanh khoản tăng; (iii) cơ cấu hàng hóa dần được điều chỉnh, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường; (iv) tổng dư nợ t
ín dụng trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản tiếp tục tăng trưởng
[51]; (vi) đầu tư nước ngoài FDI vào lĩnh vực bất động sản liên tục tăng
[52]; (vii) các chủ thể tham gia thị trường ngày càng đa dạng và có tiềm lực mạnh. Giai đoạn 2016-2020 không còn xuất hiện các hiện tượng cực đoan như phát triển nóng hoặc trầm lắng, đóng băng, chỉ xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời.
4. Tác động đến các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường
Giải quyết các vấn đề xã hội là một trong những chủ trương và giải pháp lớn để phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Chính sách, pháp luật về đất đai với tầm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội đã có những đóng góp tích cực trong việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội; đã tạo được nhiều việc làm, ổn định đời sống cho người dân thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch quỹ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Đặc biệt là chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã góp phần ổn định đời sống của người có đất bị thu hồi. Quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được đảm bảo thông qua các chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện các quy định về công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; thủ tục hành chính;...
Quan tâm hơn đến việc đảm bảo quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định việc cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng; quy định về chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường hơn công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất nhằm góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai thông qua các quy định cụ thể về những trường hợp thật cần thiết Nhà nước phải thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định đăng ký đất đai là bắt buộc; quy định khung pháp lý về thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai; quy định quyền tham gia của người dân, trách nhiệm giải trình của Nhà nước trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm; quy định cụ thể về việc giám sát đối với công tác quản lý, sử dụng đất của các cơ quan dân cử, của công dân và hình thành hệ thống theo dõi, đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất trên phạm vi cả nước và các địa phương.
Trong công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã đáp ứng cơ bản quỹ đất để xây dựng các công trình y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao; xây dựng các khu xử lý chất thải, rác thải, đặc biệt là tại các đô thị, khu vực phát triển nông nghiệp; có kế hoạch và giải pháp khuyến khích nhân dân bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh diện tích đất trống đồi núi trọc nhằm giảm nguy cơ xói mòn, rửa trôi đối với đất đai, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu.
Phần thứ hai
ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
I. KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT ĐẤT ĐAI
1. Về quan điểm sửa đổi Luật Đất đai
- Bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận khác có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và thi hành Luật đất đai.
- Giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai. Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) phải thống nhất điều chỉnh mọi quan hệ quản lý, sử dụng đất đai, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực; cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.
- Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân.
- Thực hiện tiến bộ, công bằng và các định hướng xã hội chủ nghĩa, quan tâm đến lợi ích của người dân trong từng chính sách.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững; từng bước hiện đại hóa công tác quản lý đất đai, chuyển đổi số dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.
2. Về mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai
- Hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Tạo lập cơ sở pháp lý cho quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất tài nguyên, nguồn lực đất đai; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh.
- Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người được Nhà nước giao đất nông nghiệp, đối tượng dễ tổn thương; đời sống, việc làm cho người có đất thu hồi. Giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
3. Định hướng nội dung sửa đổi Luật Đất đai
(1) Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
(2) Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định. Quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương; tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
(3) Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư; quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đào tạo việc làm để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn. Quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận để phát huy ngồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội và các cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn.
(4) Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng bảng giá đất. Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.
(5) Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch. Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Thể chế chính sách ưu đãi thông qua việc miễn, giàm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các đối tượng chính sách.
(6) Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Hoàn thiện các chế định về điều tiết của nhà nước để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững. Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.
(7) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để ngươi sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất. Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Có các quy định quy định để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường và giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc.
(8) Quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.
(9) Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực.
(10) Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.
3.1. Phạm vi sửa đổi
Phạm vi sửa đổi, bổ sung là sửa đổi toàn diện Luật Đất đai (Luật Đất đai sửa đổi) trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương, chính sách về đất đai đã được thể hiện tại các văn kiện, nghị quyết, kết luận của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, kết quả tổng kết thực tiễn trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai, luật hóa các quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp.
3.2. Vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; cải cách thủ tục hành chính về đất đai
3.2.1. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai
a) Mục tiêu
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu; khắc phục các quy định hiện hành chưa quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; giải quyết vấn đề đất đai gắn với lịch sử dân tộc và lợi ích của quốc gia.
- Thực hiện phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
- Khắc phục tình trạng lợi dụng các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là chủ sở hữu để tiêu cực, tham nhũng, trục lợi từ đất đai.
- Quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; bổ sung quy định về quyền điều tiết thị trường quyền sử dụng đất theo quy luật cung, cầu của thị trường thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất và kế hoạch đảm bảo bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
- Quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của công dân với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai, bao gồm: quyền tiếp cận đất đai, quyềntiếp cận thông tin đất đai, quyền tham gia, giám sát việc quản lý, sử dụng đất và các nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai.
- Hoàn thiện các quyền của Nhà nước trong quản lý đất đai, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
3.2.2. Cải cách thủ tục hành chính về đất đai
a) Mục tiêu:
- Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
- Xây dựng nguyên tắc trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đảm bảo phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, gắn với rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục.
- Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục khi thực hiện các giao dịch đất đai trên môi trường điện tử, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện quyền của người sử dụng đất được thuận tiện, nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
b) Hướng sửa đổi, bổ sung
- Bổ sung quy định thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện trên môi trường điện tử; giá trị pháp lý của việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; rà soát chuẩn hóa tên các thủ tục hành chính về đất đai, bổ sung thủ tục còn thiếu để đảm bảo công khai minh bạch thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai (thủ tục gia hạn sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai).
- Bổ sung quy định nguyên tắc trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đảm bảo phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, chính xác giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền; được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.
3.3. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai
3.3.1. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
a) Mục tiêu:
- Quy định nguyên tắc lập quy hoạch đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo tính thống nhất, liên kết đầy đủ của hệ thống từ quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có nội dung quy hoạch chi tiết đến cấp xã; bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất đai phù hợp với kinh tế thị trường.
- Xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất độc lập, thống nhất, bao gồm: quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có thể hiện nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp xã, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện thông tin đến thửa đất; bảo đảm khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên, tài sản đất đai; chức năng sinh thái của đất đai, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Nội dung quy hoạch sử dụng đất được kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
- Khắc phục các bất cập hiện nay về quan hệ phối hợp giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác nhằm phát huy lợi thế, đặc điểm tự nhiên, chức năng, tiềm năng đất đai, tính liên kết liên vùng thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên đất đai.
b) Hướng sửa đổi, bổ sung
- Sửa đổi nguyên tắc lập quy hoạch, trong đó: (i) Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch quốc gia và các quy hoạch ngành lĩnh vực có sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển; (ii) đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; (iii) được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên. Quy hoạch sử dụng đất các cấp được lập đồng thời, chia sẻ, tích hợp thông tin trong quá trình lập quy hoạch. Quy hoạch sử dụng đất các cấp được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch; (iv) Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất; (v) sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; (vi) bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế - xã hội; phân bổ nguồn lực đất đai đảm bảo cân đối hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, giữa các thế hệ; phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai.
- Quy định hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là hệ thống đồng bộ, thống nhất được thiết lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện (cấp huyện làm cụ thể tới cấp xã), quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh. Bổ sung quy định về tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất và thời điểm lập quy hoạch để khắc phục độ trễ trong triển khai công tác lập quy hoạch đất đai, các quy hoạch có sử dụng đất, đảm bảo quy hoạch đất đai đáp ứng yêu cầu của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
- Đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm hiện đại hóa và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phục vụ kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định không gian, ranh giới, vị trí, diện tích các vùng đất theo định hướng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo các khu chức năng đã được thể hiện trong quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu và quy hoạch nông thôn theo kỳ quy hoạch sử dụng đất.
3.3.2. Bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai
a) Mục tiêu:
- Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý nhà nước về đất đai một cách toàn diện, đầy đủ cả về số lượng và chất lượng.
- Khắc phục tình trạng ô nhiễm, thoái hóa, sa mạc hóa tài nguyên đất đai.
b) Hướng sửa đổi, bổ sung
- Bổ sung trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan quản lý có liên quan trong hoạt động điều tra, đánh giá, cải tạo và phục hồi đất đai.
- Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc điều tra, đánh giá đất đai và cải tạo, phục hồi đất đai.
- Quy định rõ trách nhiệm của đối tượng sử dụng đất trong việc bảo vệ, cải tạo đất; phục hồi đất đai.
3.4. Thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
a) Mục tiêu:
- Thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW.
- Làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đồng thời phân biệt với các trường hợp sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội như khu đô thị, nhà ở thương mại, chỉnh trang khu đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn.
Quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chính sách ưu tiên cho người có đất ở bị thu hồi đất được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật.
- Đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
b) Hướng sửa đổi, bổ sung
+ Làm rõ thế nào là Dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (là các dự án phát huy nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chính sách về phát triển hạ tầng, đô thị, nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, phân bổ công bằng, hài hòa giá trị tăng thêm từ đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhằm phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân).
+ Quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bao gồm:
(1). Dự án công trình đầu tư công hoặc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh.
(2). Dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc trường hợp nêu trên gồm: Dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở tập trung cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp; Dự án xây dựng công trình thu gom, xử lý chất thải; Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; Dự án xây dựng cơ sở tôn giáo (theo quy định tại Điều 3); Dự án xây dựng chợ tại các xã vùng nông thôn; Dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; Dự án khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; Dự án đô thị; Dự án khu dân cư nông thôn;
+ Quy định tiêu chí, điều kiện thu hồi đất đối với một số dự án: Dự án, công trình Dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở chỉ thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; Dự án lấn biển do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; Dự án sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho hoạt động khoáng sản; Dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn gồm dự án để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân; hoặc để di dời các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định hoặc để bố trí tái định cư; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và không phù hợp với quy hoạch.
Đối với các dự án, công trình không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án.
- Bổ sung, quy định cụ thể hơn một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, gồm thu hồi đất được giao, cho thuê không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, công khai tại thời điểm giao đất, cho thuê đất; đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà đã bị xử phạt nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm mà vẫn không đưa đất vào sử dụng và không nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý khai thác, sử dung quỹ đất đã thu hồi; trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại hướng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đi trước một bước so với quyết định thu hồi đất; bổ sung làm rõ trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, cụ thể: (1) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật; (2) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính; (3) Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; trong thời gian 15 ngày trước và sau tết nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách nếu họ là người bị cưỡng chế và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương.
3.5. Chính sách giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
a) Mục tiêu:
- Thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW,
- Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế đồng bộ, cụ thể để xử lý vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, nhất là liên quan tới đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.
- Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
- Nhà nước thực hiện giao đất có - Quy định nguyên tắc Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định cụ thể trường hợp nào thì giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật về đấu thầu, chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Đồng thời quy định cụ thể một số trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
- Sửa đổi quy định về căn cứ quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo hướng nguyên tắc quỹ đất thực hiện dự án phải được xác định trước trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt thì thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải trên cơ sở đã có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã có kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, kết quả đấu thầu dự án có sử dụng đất.
- Quy định cụ thể quỹ đất để tổ chức đấu giá, đấu thầu, đồng thời quy định cụ thể các trường hơp đấu giá quyền sử dụng đất, các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất gắn với tiêu chí, điều kiện chặt chẽ.
- Quy định cụ thể về các trường hợp cho phép người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất mà không thực hiện thu hồi đất gắn với tiêu chí, điều kiện.
- Bổ sung quy định về trường hợp Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo, cho thuê đất đối với các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác gắn với điều kiện cụ thể.
- Phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích đối với các dự án có sử dụng vào đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đồng thời, quy định cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan Trung ương đối với nội dung này.
3.6. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
a) Mục tiêu:
- Khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, đảm bảo quyền lợi, tạo sinh kế bền vững cho người có đất thu hồi, bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.
- Tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, thực hiện đồng thời với các bước khác, góp phần đẩy nhanh thời gian chuẩn bị dự án, giảm chi phí giải phóng mặt bằng và hạn chế việc phải điều chỉnh dự án.
b) Hướng sửa đổi, bổ sung
- Bổ sung nguyên tắc bồi thường về đất theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân để phù hợp với nhu cầu người sử dụng đất và điều kiện cụ thể của từng địa phương như: bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bằng tiền hoặc bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở nếu địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở.
- Bổ sung khoản hỗ trợ cho thuê đất không thông qua đấu giá để tiếp tục sản xuất, kinh doanh đối với trường hợp thu hồi đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của người đang sử dụng được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.
- Bổ sung quy định thành lập Quỹ hỗ trợ để hỗ trợ cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội là thành viên hộ gia đình, cá nhân đang sử đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở khi Nhà nước thu hồi đất; bổ sung quy định thưởng tiến độ giải phóng mặt bằng để động viên, khuyến khích để người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, rút ngắn thời gian thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư.
- Bổ sung quy định đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân thì được thường theo bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương mà không phân biệt mức độ bị thiệt hại nhà ở, công trình.
- Bổ sung quy định người có đất ở thu hồi để thực hiện dự án nhà ở, dự án cải tạo chung cư cũ đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, dự án di dời các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định, dự án tái định cư thì được bố trí tái định cư tại chỗ; quy định trách nhiệm cho chủ đầu tư các dự án nêu trên phải dành quỹ đất, quỹ nhà để bố trí tái định cư tại chỗ.
- Bổ sung quy định trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư xem xét, quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng và tổ chức thực hiện độc lập đồng thời với việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
3.7. Về tài chính đất đai, giá đất
a) Mục tiêu:
- Thực hiện chủ trương của Đảng về: chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô là giá trị thu nhập tăng thêm để tạo nguồn thu tài chính từ đất đai phục vụ đầu tư phát triển cho cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và một phần kinh phí hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi nhằm bảo đảm công khai, minh bạch. Chính sách ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng.
- Khắc phục hạn chế vướng mắc trong thời gian qua, tình trạng lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện về thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai.
- Khắc phục tình trạng thị trường bất động sản phát triển không bền vững, nhà đầu tư tiếp cận đất đai thu được hiệu quả cao nhất.
- Tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần nâng cao tính minh bạch chính sách tài chính về đất đai.
- Phân bổ được nguồn thu ngân sách hợp lý trên nguyên tắc phần lớn thuộc về toàn dân.
- Góp phần tạo lòng tin đối với nhà đầu tư.
- Thực hiện chủ trương của Đảng về hoàn thiện cơ chế định giá đất:
+ Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất, thẩm định giá đất.
+ Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên.
+ Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm...
- Hạn chế những bất cập nhằm bảo đảm giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường, cân bằng lợi ích các bên và phát huy hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam.
b) Hướng sửa đổi, bổ sung
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về các khoản thu tài chính từ đất đai; các khoản thu tiền dịch vụ công về đất đai;
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
- Bỏ quy định khung giá đất.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về các nguyên tắc định giá đất, Bảng giá đất, giá đất cụ thể, tư vấn xác định giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành.
- Bổ sung quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất trong các trường hợp thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Bổ sung quy định về cơ quan thực hiện nhiệm vụ xác định giá đất, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể.
3.8. Đăng ký, cấp giấy chứng nhận nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
a) Mục tiêu:
- Phân định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc hoàn thành đăng ký đất đai đối với tất cả các thửa đất, đảm bảo hồ sơ địa chính đầy đủ thông tin để đất đai được đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, phản ánh đúng thực tế sử dụng đất, phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền các cấp.
- Tăng cường trách nhiệm của người sử dụng đất thông qua việc quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, người được giao đất quản lý đã thực hiện đăng ký đất đai.
- Quy định chế tài xử lý mạnh mẽ đối với chính quyền địa phương các cấp không thực hiện tổ chức đăng ký đất đai bắt buộc; đối với người sử dụng đất, người được giao đất quản lý không hoặc chậm thực hiện việc đăng ký, ngăn chặn các trường hợp giao dịch không thực hiện đăng ký (giao dịch ngầm).
b) Hướng sửa đổi, bổ sung
- Sửa đổi bổ sung quy định về nội dung, vai trò của hồ sơ địa chính trong công tác quản lý đất đai. Trách nhiệm lập, cập nhật, khai thác hồ sơ địa chính.
- Bổ sung quy định về đăng ký khi có sự thay đổi về quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không, đăng ký về giá đất (phục vụ cho các nội dung về quản lý kinh tế đất).
- Xác lập giá trị pháp lý đối với trường hợp đăng ký đất đai, thông tin được ghi nhận vào sổ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai phù hợp với hệ thống đăng ký chứng quyền hiện nay các nước tiên tiến đang áp dụng.
- Bổ sung chế tài đủ mạnh để làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đăng ký đất đai, đồng thời ngăn chặn các trường hợp giao dịch mà không thực hiện đăng ký theo quy định của pháp luật.
- Quy định về đăng ký đất đai trên môi trường điện tử (đăng ký trực tuyến), trong đó có lộ trình để các địa phương thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận điện tử.
- Luật hóa các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã thực hiện ổn định, không có vướng mắc.
3.9. Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
a) Mục tiêu:
- Đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật khác có liên quan.
- Thương mại hóa quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển.
- Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
b) Hướng sửa đổi, bổ sung
- Bổ sung quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định không phụ thuộc vào nơi cư trú, nơi đóng trụ sở.
- Bổ sung quy định tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm được thế chấp, bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất.
- Sửa đổi, bổ sung quy định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có sử dụng đất được hình thành do mua cổ phần, phần vốn góp thì có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với hình thức nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
- Bổ sung quyền và nghĩa vụ sử dụng đất để xây dựng công trình trên không.
- Sửa đổi, bổ sung điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
3.10. Chế độ sử dụng các loại đất
a) Mục tiêu:
- Đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật khác có liên quan.
- Tạo cơ sở pháp lý để quản lý và tổ chức thực hiện thống nhất; khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; thúc đẩy việc chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn trên cơ sở đồng thuận của người sử dụng đất, góp phần cải thiện điều kiện sống cho cư dân đô thị và nông thôn; nâng cao hệ số sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất thông qua việc khai thác không gian ngầm và không gian trên không.
b) Hướng sửa đổi, bổ sung
- Bổ sung chế độ sử dụng đất chăn nuôi tập trung, đất dành cho đường sắt, đất xây dựng công trình trên không, đất sử dụng đa mục đích, điều chỉnh quyền sử dụng đất…;
- Sửa đổi quy định về chế độ sử dụng đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng để thống nhất với quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
- Sửa đổi, bổ sung quy định chế độ quản lý, sử dụng đất: đất quốc phòng, an ninh đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; đất khu công nghệ cao; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất thương mại, dịch vụ; đất công trình trên không; đất cảng hàng không, sân bay dân dụng; đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn; đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng và một số loại đất khác.
3.11. Tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp
a) Mục tiêu:
- Khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp để tạo điều kiện tập trung, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
- Đảm bảo huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tạo điều kiện đầu tư kinh doanh khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai nhằm phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo ổn định tình hình chính trị tại nông thôn.
b) Hướng sửa đổi, bổ sung:
- Bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp; chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp.
- Bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch, được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch.
- Quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc hướng dẫn, hỗ trợ, các biện pháp bảo đảm cho người dân khi tham gia tập trung, tích tụ đất nông nghiệp.
3.12. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai
a) Mục tiêu:
- Thiết lập được hệ thống thông tin đất đai quốc gia về đất đai theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước
- Cơ sở dữ liệu đất đai phải là nền tảng để triển khai các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, đồng thời là công cụ để kiểm tra, kiểm soát các hoạt động có liên quan đến đất đai của các cấp, các ngành và tổ chức, cá nhân. Cơ sở dữ liệu đất đai phải lượng hóa được giá trị kinh tế của thửa đất, chứ không chỉ ghi nhận thông tin về đối tượng, vị trí, mục đích, hình thức, diện tích, thời hạn sử dụng của thửa đất đó; có cơ chế khuyến khích việc làm giàu dữ liệu.
- Làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý, quản trị, vận hành và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai. Huy động nguồn lực đầu tư, nguồn lực thường xuyên cho hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai đảm bảo việc xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác bền vững.
b) Hướng sửa đổi, bổ sung
- Bổ sung quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; quy định cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
- Bổ sung quy định về quản lý, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương và quy định về việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
- Bổ sung quy định về cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, tổ chức, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về đất đai, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, liên thông.
- Bổ sung quy định về việc bảo đảm kinh phí để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai theo hướng được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn vay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo mục tiêu hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu vào năm 2025 của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
- Bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
3.13. Giải quyết tranh chấp đất đai
a) Mục tiêu:
- Đảm bảo thống nhất về thẩm quyền tranh chấp đất đai giữa cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp.
- Khắc phục tình trạng kéo dài trong việc giải quyết tranh chấp đất đai.
b) Hướng sửa đổi, bổ sung:
Sửa đổi quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng:
- Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại.
- Quy định các hình thức hòa giải khác nhau để người dân được lựa chọn (hòa giải cơ sở, hòa giải, đối thoại tại Tòa) phù hợp với quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về hòa giải, đối thoại tại Tòa .
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH VIỆC TỔ CHỨC THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI
1. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai.
2. Đẩy nhanh việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; tổ chức thực hiện tốt công tác kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
3. Kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định, nhất là các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai; đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và kịp thời trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng trọng điểm của quốc gia; làm tốt công tác định giá đất để vừa đảm bảo nguồn thu cho Nhà nước và đảm bảo quyền lợi cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.
4. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống hồ sơ địa chính hiện đại; làm tốt công tác đăng ký biến động, cập nhật hồ sơ địa chính; quan tâm đẩy mạnh thực hiện công tác điều tra cơ bản về đất đai.
5. Hoàn thành việc kiện toàn Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định của Luật Đất đai. Kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy định về việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, Tổ chức phát triển quỹ đất nhằm phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở địa phương, ban hành quy định nhằm hoàn thiện hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai, Tổ chức phát triển quỹ đất một cấp.
6. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ; thực hiện rà soát, công bố công khai các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định.
7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thi hành Luật Đất đai và xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; triển khai xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; tiếp tục tổ chức việc tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm và công khai các vi phạm theo quy định của pháp luật./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- UBKT, UBPL của QH;
- Bộ Tư pháp;
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Lưu VT, VP (TH), TCQLĐĐ.
|
BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)
Trần Hồng Hà
|
Phụ lục 01:
DANH MỤC CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI
DO CÁC CƠ QUAN Ở TRUNG ƯƠNG BAN HÀNH
STT
|
Tên loại VB
|
Số ký hiệu VB
|
Năm ban hành
|
Cơ quan ban hành
|
Trích yếu văn bản
|
I
|
LUẬT
|
1
|
Luật Đất đai
|
45/2013/QH13
|
2013
|
Quốc hội
|
|
2
|
Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến Luật quy hoạch
|
35/2018/QH14
|
2018
|
Quốc hội
|
|
II
|
NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI
|
1
|
Nghị quyết số 134/2016/QH13
ngày 09 tháng 4 năm 2016
|
134/2016/QH13
|
2016
|
Quốc hội
|
Nghị quyết về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia
|
2
|
Nghị quyết số 82/2019/QH14
ngày 14 tháng 6 năm 2019
|
82/2019/QH14
|
2019
|
Quốc hội
|
Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị
|
3
|
Nghị quyết số 107/2020/QH14
ngày 10 tháng 6 năm 2020
|
107/2020/QH14
|
2020
|
Quốc hội
|
Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội
|
4
|
Nghị quyết số 132/2020/QH14
ngày 17 tháng 11 năm 2020
|
132/2020/QH14
|
2020
|
Quốc hội
|
Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế
|
III
|
NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
|
1
|
Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014
|
43/2014/NĐ-CP
|
2014
|
Chính phủ
|
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai
|
2
|
Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014
|
44/2014/NĐ-CP
|
2014
|
Chính phủ
|
Nghị định quy định về giá đất
|
3
|
Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014
|
45/2014/NĐ-CP
|
2014
|
Chính phủ
|
Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất
|
4
|
Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014
|
46/2014/NĐ-CP
|
2014
|
Chính phủ
|
Nghị định quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước
|
5
|
Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014
|
47/2014/NĐ-CP
|
2014
|
Chính phủ
|
Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
|
6
|
Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014
|
102/2014/NĐ-CP
|
2014
|
Chính phủ
|
Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
|
7
|
Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2014
|
104/2014/NĐ-CP
|
2014
|
Chính phủ
|
Nghị định quy định về khung giá đất
|
8
|
Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014
|
118/2014/NĐ-CP
|
2014
|
Chính phủ
|
Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
|
9
|
Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, ngày 13 tháng 4 năm 2015
|
35/2015/NĐ-CP
|
2015
|
Chính phủ
|
Nghị định quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
|
10
|
Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2016
|
135/2016/NĐ-CP
|
2016
|
Chính phủ
|
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
|
11
|
Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017
|
01/2017/NĐ-CP
|
2017
|
Chính phủ
|
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai
|
12
|
Nghị định số 21/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017
|
21/2017/NĐ-CP
|
2017
|
Chính phủ
|
Nghị định sửa đổi Nghị định 20/2011/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
|
13
|
Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017
|
35/2017/NĐ-CP
|
2017
|
Chính phủ
|
Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế, Khu công nghệ cao.
|
14
|
Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017
|
53/2017/NĐ-CP
|
2017
|
Chính phủ
|
Nghị định quy định các giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng.
|
15
|
Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2017
|
123/2017/NĐ-CP
|
2017
|
Chính phủ
|
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước
|
16
|
Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2019
|
96/2019/NĐ-CP
|
2019
|
Chính phủ
|
Nghị định quy định về khung giá đất
|
17
|
Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019
|
91/2019/NĐ-CP
|
2019
|
Chính phủ
|
Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
|
18
|
Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2019
|
79/2019/NĐ-CP
|
2019
|
Chính phủ
|
Nghị định sửa đổi Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất
|
19
|
Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019
|
62/2019/NĐ-CP
|
2019
|
Chính phủ
|
Nghị định sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
|
20
|
Nghị định số 06/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2020
|
06/2020/NĐ-CP
|
2020
|
Chính phủ
|
Nghị định sửa đổi Điều 17 Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
|
21
|
Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020
|
41/2020/NĐ-CP
|
2020
|
Chính phủ
|
Nghị định quy về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất
|
22
|
Nghị định số 146/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020
|
146/2020/NĐ-CP
|
2020
|
Chính phủ
|
Sửa đổi Điều 5 Nghị định số 20/2011/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp
|
23
|
Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020
|
148/2020/NĐ-CP
|
2020
|
Chính phủ
|
Nghị định sửa đổi một số Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai
|
24
|
Nghị định số 26/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2021
|
26/2021/NĐ-CP
|
2021
|
Chính phủ
|
Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
|
25
|
Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2021
|
52/2021/NĐ-CP
|
2021
|
Chính phủ
|
Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
|
IV
|
QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
|
1
|
Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg, ngày 10 tháng 12 năm 2015
|
63/2015/QĐ-TTg
|
2015
|
Chính phủ
|
Quyết định về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất
|
V
|
THÔNG TƯ
|
1
|
Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014
|
23/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
|
2
|
Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014
|
24/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về hồ sơ địa chính
|
3
|
Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014
|
25/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về bản đồ địa chính
|
4
|
Thông tư số 26/2014/TT-BTNMT, ngày 28 tháng 5 năm 2014
|
26/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định quy trình và Định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường
|
5
|
Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT ngày 02 tháng 6 năm 2014
|
28/2014/TT-BTNM
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về thống kê kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất
|
6
|
Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT ngày 02 tháng 6 năm 2014
|
29/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
|
7
|
Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02 tháng 6 năm 2014
|
30/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất
|
8
|
Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014
|
34/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai
|
9
|
Thông tư số 35/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014
|
35/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về điều tra, đánh giá đất đai
|
10
|
Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014
|
36/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định chi tiết phương pháp xác định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất.
|
11
|
Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014
|
37/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất
|
12
|
Thông tư số 42/2014/TT-BTNMT ngày 29 tháng 7 năm 2014
|
42/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về Định mức kinh tế - kỹ thuật thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất
|
13
|
Thông tư số 47/2014/TT-BTNMT ngày 22 tháng 8 năm 2014
|
47/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư hướng dẫn việc lập bản đồ hành chính các cấp trong phạm vi cả nước và tổ chức thực hiện việc lập bản đồ hành chính toàn quốc, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
|
14
|
Thông tư số 48/2014/TT-BTNMT ngày 22 tháng 8 năm 2014
|
48/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định việc cắm mốc địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp.
|
15
|
Thông tư số 49/2014/TT-BTNMT ngày 22 tháng 8 năm 2014
|
49/2014/TT-BTNMT
|
2014
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cắm mốc địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp.
|
16
|
Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2014
|
76/2014/TT-BTC
|
2014
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.
|
17
|
Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2014
|
77/2014/TT-BTC
|
2014
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước
|
18
|
Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2014
|
02/2014/TT-BTC
|
2014
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
|
19
|
Thông tư số 207/2014/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2014
|
207/2014/TT-BTC
|
2014
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư quy định về xác định tiền thuê đất đối với công ty nông, lâm nghiệp sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
|
20
|
Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT, ngày 27 tháng 01 năm 2015
|
02/2015/TT-BTNMT
|
2015
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ
|
21
|
Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT ngày 26 tháng 02 năm 2015
|
07/2015/TT-BTNMT
|
2015
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định việc việc lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; xác định giá thuê đất; giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của công ty nông, lâm nghiệp.
|
22
|
Thông tư số 09/2015/TT-BTNMT ngày 23 tháng 3 năm 2015
|
09/2015/TT-BTNMT
|
2015
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
|
23
|
Thông tư số 20/2015/TT-BTNMT ngày 20 tháng 4 năm 2015
|
20/2015/TT-BTNMT
|
2015
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về định mức kinh tế kỹ thuật để lập dự toán ngân sách nhà nước phục vụ công tác định giá đất.
|
24
|
Thông tư số 60/2015/TT-BTNMT ngày 15 tháng 12 năm 2015
|
60/2015/TT-BTNMT
|
2015
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định kỹ thuật về điều tra, đánh giá đất đai.
|
25
|
Thông tư số 61/2015/ TT-BTNMT ngày 15 tháng 12 năm 2015
|
61/2015/ TT-BTNMT
|
2015
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về cấp và quản lý chứng chỉ định giá đất.
|
26
|
Thông tư số 75/2015/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2015
|
75/2015/TT-BTNMT
|
2015
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai.
|
27
|
Thông tư số 02/2015/TT-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2015
|
02/2015/TT-BTC
|
2015
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư sửa đổi Thông tư 48/2012/TT-BTC hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất
|
28
|
Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 05 năm 2015
|
74/2015/TT-BTC
|
2015
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư hướng dẫn lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Hiệu lực 01/7/2015)
|
29
|
Thông tư số 134/2015/TT-BTC ngày 28 tháng 8 năm 2015
|
134/2015/TT-BTC
|
2015
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư hướng dẫn Quyết định 11/2015/QĐ-TTg về miễn, giảm tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất ở có nguồn gốc được giao (cấp) không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
|
30
|
Thông tư số 33/2016/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2016
|
33/2016/TT-BTNMT
|
2016
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai.
|
31
|
Thông tư số 49/2016/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2016
|
49/2016/TT-BTNMT
|
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai
|
32
|
Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 01 năm 2016
|
18/2016/TT-BTC
|
2016
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
|
33
|
Thông tư số 139/2016/TT-BTC ngày 16 tháng 9 năm 2016
|
139/2016/TT-BTC
|
2016
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư hướng dẫn miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hoàn trả lại hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và phương pháp xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi người mua, thuê mua được phép bán lại nhà ở xã hội.
|
34
|
Thông tư số 332/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2016
|
332/2016/TT-BTC
|
2016
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 76/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính
|
35
|
Thông tư số 333/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2016
|
333/2016/TT-BTC
|
2016
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính
|
36
|
Thông tư số 19/2016/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 6 năm 2016
|
19/2016/TT-BNNPTNT
|
2016
|
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
Thông tư hướng dẫn chi tiết Điều 4 Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa
|
37
|
Thông tư số 01/2017/TT-BTNMT ngày 09 tháng 02 năm 2017
|
01/2017/TT-BTNMT
|
2017
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở thể dục thể thao.
|
38
|
Thông tư số 05/2017/TT-BTNMT ngày 25 tháng 04 năm 2017
|
05/2017/TT-BTNMT
|
2017
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
|
39
|
Thông tư số 14/2017/TT-BTNMT ngày 20 tháng 7 năm 2017
|
14/2017/TT-BTNMT
|
2017
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
|
40
|
Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2017
|
33/2017/TT-BTNMT
|
2017
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai
|
41
|
Thông tư số 35/2017/TT-BTNMT ngày 04 tháng 12 năm 2017
|
35/2017/TT-BTNMT
|
2017
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
|
42
|
Thông tư số 53/2017/TT-BTNMT ngày 04 tháng 10 năm 2017
|
53/2017/TT-BTNMT
|
2017
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định ci tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
|
43
|
Thông tư số 69/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017
|
69/2017/TT-BTNMT
|
2017
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về quy trình xây dựng, điều chỉnh khung giá đất.
|
44
|
Thông tư số 70/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017
|
70/2017/TT-BTNMT
|
2017
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng, điều chỉnh khung giá đất.
|
45
|
Thông tư số 80/2017/TT-BTC ngày 02 tháng 8 năm 2017
|
80/2017/TT-BTC
|
2017
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư hướng dẫn việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản gắn liền với đất được hoàn trả khi Nhà nước thu hồi đất và việc quản lý, sử dụng số tiền bồi thường tài sản do Nhà nước giao quản lý sử dụng, số tiền hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất.
|
46
|
Thông tư số 89/2017/TT-BTC ngày 23 tháng 8 năm 2017
|
89/2017/TT-BTC
|
2017
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế, Khu công nghệ cao.
|
47
|
Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2018
|
27/2018/TT-BTNMT
|
2018
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư về thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất
|
48
|
Thông tư số 10/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 01 năm 2018
|
10/2018/TT-BTC
|
2018
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.
|
49
|
Thông tư số 11/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 01 năm 2018
|
11/2018/TT-BTC
|
2018
|
Bộ Tài chính
|
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.
|
50
|
Thông tư số 13/2019/TT-BTNMT ngày 07 tháng 8 năm 2019
|
13/2019/TT-BTNMT
|
2019
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về Định mức kinh tế - kỹ thuật thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất
|
51
|
Thông tư số 18/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 10 năm 2019
|
18/2019/TT-BTNMT
|
2019
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về điều tra, thu thập thông tin xây dựng, điều chỉnh khung giá các loại đất
|
52
|
Thông tư số 07/2019/TT-BTP ngày 25 tháng 11 năm 2019
|
07/2019/TT-BTP
|
2019
|
Bộ Tư pháp
|
Thông tư hướng dẫn một số quy định về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
|
53
|
Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT ngày 12 tháng 04 năm 2021
|
01/2021/TT-BTNMT
|
2021
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư quy định về kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
|
54
|
Thông tư số 03/2021/TT-BTNMT ngày 12 tháng 05 năm 2021
|
03/2021/TT-BTNMT
|
2021
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư Hướng dẫn nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; lập và phê duyệt phương án sử dụng đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần
|
55
|
Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021
|
09/2021/TT-BTNMT
|
2021
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
|
56
|
Thông tư số 11/2021/TT-BTNMT ngày 06 tháng 8 năm 2021
|
11/2021/TT-BTNMT
|
2021
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Thông tư Ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
|
VI
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
|
57
|
Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04 tháng 04 năm 2015
|
14/2015/TTLT-BTNMT-BTP
|
2015
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tư pháp
|
Thông tư quy định việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất
|
58
|
Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 04 tháng 04 năm 2015
|
15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC
|
2015
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính
|
Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường
|
59
|
Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 04 tháng 4 năm 2015
|
16/2015/TTLT- BTNMT-BNV-BTC
|
2015
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính
|
Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
|
60
|
Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23 tháng 06 năm 2016
|
09/2016/TTLT-BTP-BTNMT
|
2016
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tư pháp
|
Thông tư hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
|
61
|
Thông tư liên tịch số 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT ngày 22 tháng 06 năm 2016
|
87/2016/TTLT-BTC-BTNMT
|
2016
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính
|
Thông tư hướng dẫn việc thẩm định dự thảo bảng giá đất của Hội đồng thẩm định bảng giá đất, thẩm định phương án giá đất của Hội đồng thẩm định giá đất
|
62
|
Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT ngày 22 tháng 6 năm 2016
|
88/2016/TTLT/BTC-BTNMT
|
2016
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính
|
Thông tư quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất.
|
63
|
Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTNMT-BTC ngày 24 tháng 6 năm 2016
|
12/2016/TTLT-BTNMT-BTC
|
2016
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính
|
Thông tư quy định việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí đo đạc, xác định diện tích đất vi phạm.
|
64
|
Thông tư liên tịch số 22/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2016
|
22/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT
|
2016
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và PTNT
|
Thông tư quy định về loại cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu.
|
Phụ lục 02.
TỔNG NGUỒN THU NGÂN SÁCH
CỦA ĐẤT TỪ NĂM 2013 ĐẾN NĂM 2020 CẢ NƯỚC
Số TT
|
Năm
|
Tổng thu ngân sách cả nước từ đất đai
(tỷ đồng)
|
Tổng thu
nội địa
(tỷ đồng)
|
Tỷ lệ
(%)
|
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)=(2)/(3)*100
|
1
|
2013
|
63.681
|
664.728
|
9,58
|
2
|
1014
|
69.580
|
742.582
|
9,37
|
3
|
2015
|
102.045
|
889.668
|
11,47
|
4
|
2016
|
145.801
|
1.043.672
|
13,97
|
5
|
2017
|
185.957
|
1.250.551
|
14,87
|
6
|
2018
|
202.463
|
1.293.693
|
15,65
|
7
|
2019
|
232.689
|
1.540.987
|
15,10
|
8
|
2020
|
254.854
|
1.526.072
|
16,70
|
|
Tổng cộng
|
1.257.070
|
8.951.956
|
|
Phụ lục 03:
HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI CẢ NƯỚC NĂM 2014 [53]
Đơn vị tính diện tích: ha
Thứ tự
|
LOẠI ĐẤT
|
Mã
|
Tổng diện tích các loại đất trong đơn vị hành chính
|
Diện tích đất theo đối tượng sử dụng
|
Diện tích đất theo đối tượng quản lý
|
Tổng số
|
Hộ gia đình, cá nhân trong nước (GDC)
|
Tổ chức trong nước (TCC)
|
Tổ chức nước ngoài (NNG)
|
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài (CNN)
|
Cộng đồng dân cư và Cơ sở tôn giáo (CDS)
|
Tổng số
|
UBND cấp xã (UBQ)
|
Tổ chức phát triển quỹ đất (TPQ)
|
Cộng đồng dân cư và Tổ chức khác (TKQ)
|
Tổ chức kinh tế (TKT)
|
Cơ quan, đơn vị của Nhà nước (TCN)
|
Tổ chức sự nghiệp công lập (TSN)
|
Tổ chức khác (TKH)
|
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (TVN)
|
Tổ chức ngoại giao (TNG)
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)=(5)+(15)
|
(5)=(8)+(9) +…+(14)
|
(6)
|
(7)
|
(8)
|
(9)
|
(10)
|
(11)
|
(12)
|
(13)
|
(14)
|
(15)=(16) +…+(18)
|
(16)
|
(17)
|
(18)
|
I
|
Tổng diện tích đất của đơn vị hành chính (1+2+3)
|
33.123.056
|
26.856.744
|
15.890.467
|
3.330.684
|
2.443.210
|
4.453.970
|
292.080
|
45.163
|
58
|
2
|
401.109
|
6.266.312
|
4.880.508
|
4.572
|
1.381.232
|
1
|
Đất nông nghiệp
|
NNP
|
27.281.040
|
24.497.498
|
15.018.428
|
2.752.614
|
1.940.069
|
4.099.957
|
285.409
|
22.807
|
-
|
0
|
378.213
|
2.783.542
|
2.142.876
|
1.155
|
639.512
|
1.1
|
Đất sản xuất nông nghiệp
|
SXN
|
11.505.435
|
11.413.262
|
10.310.419
|
719.381
|
273.524
|
97.758
|
3.750
|
6.026
|
.
|
0
|
2.404
|
92.173
|
68.668
|
946
|
22.559
|
1.1.1
|
Đất trồng cây hàng năm
|
CHN
|
7.002.710
|
6.955.258
|
6.506.077
|
180.296
|
195.269
|
70.297
|
1.287
|
628
|
-
|
-
|
1.404
|
47.452
|
41.031
|
495
|
5.926
|
1.1.1.1
|
Đất trồng lúa
|
LUA
|
4.146.326
|
4.132.648
|
3.993.171
|
36.227
|
97.670
|
4.204
|
354
|
12
|
-
|
-
|
1.011
|
13.677
|
13.249
|
194
|
235
|
1.1.1.2
|
Đất trồng cáy hàng năm khác
|
HNK
|
2.856.385
|
2.822.610
|
2.512.907
|
144.069
|
97.599
|
66.093
|
933
|
615
|
-
|
-
|
394
|
33.775
|
27.782
|
301
|
5.692
|
1.1.2
|
Đất trồng cây lâu năm
|
CLN
|
4.502.724
|
4.458.004
|
3.804.341
|
539.085
|
78.254
|
27.461
|
2.463
|
5.398
|
-
|
-
|
1.000
|
44.721
|
27.637
|
451
|
16.633
|
1.2
|
Đất lâm nghiệp
|
LNP
|
14.927.587
|
12.244.070
|
4.014.926
|
1.989.751
|
1.591.329
|
3.976.626
|
281.111
|
14.795
|
-
|
.
|
375.533
|
2.683.517
|
2.066.614
|
123
|
616.780
|
1.2.1
|
Đất rừng sản xuất
|
RSX
|
7.466.338
|
6.110.344
|
3.379.036
|
1.632.783
|
447.872
|
489.570
|
21.832
|
13.935
|
-
|
-
|
125.315
|
1.355.994
|
1.138.307
|
121
|
217.566
|
1.2.2
|
Đất rừng phòng hộ
|
RPH
|
5.287.320
|
4.032.164
|
616.073
|
335.698
|
672.460
|
1.953.805
|
203.173
|
757
|
-
|
-
|
250.196
|
1.255.157
|
871.108
|
3
|
384.046
|
1.2.3
|
Đất rừng đặc dụng
|
RDD
|
2.173.929
|
2.101.563
|
19.816
|
21.270
|
470.996
|
1.533.250
|
56.106
|
103
|
-
|
-
|
22
|
72.366
|
57.199
|
-
|
15.168
|
1.3
|
Đất nuôi trồng thủy sản
|
NTS
|
798.537
|
792.137
|
663.865
|
32.073
|
70.905
|
23.376
|
322
|
1.323
|
-
|
-
|
273
|
6.400
|
6.173
|
70
|
157
|
1.4
|
Đất làm muối
|
LMU
|
17.517
|
16.872
|
11.925
|
3.985
|
312
|
267
|
5
|
377
|
-
|
-
|
1
|
646
|
646
|
-
|
-
|
1.5
|
Đất nông nghiệp khác
|
NKH
|
31.964
|
31.158
|
17.293
|
7.424
|
4.000
|
1.930
|
221
|
287
|
-
|
-
|
2
|
806
|
775
|
15
|
16
|
2
|
Đất phi nông nghiệp
|
PNN
|
3.683.590
|
1.819.794
|
694.027
|
476.687
|
489.282
|
112.720
|
5.533
|
20.239
|
58
|
2
|
21.245
|
1.863.797
|
1.188.698
|
1.345
|
673.754
|
2.1
|
Đất ở
|
OCT
|
695.293
|
693.636
|
680.279
|
11.535
|
650
|
568
|
155
|
433
|
-
|
1
|
15
|
1.658
|
710
|
729
|
218
|
2.1.1
|
Đất ở tại nông thôn
|
ONT
|
544.594
|
543.633
|
538.032
|
4.491
|
355
|
378
|
85
|
286
|
-
|
-
|
5
|
962
|
484
|
344
|
133
|
2.1.2
|
Đất ở tại đô thị
|
ODT
|
150.699
|
150.003
|
142.247
|
7.044
|
295
|
190
|
70
|
147
|
-
|
1
|
10
|
696
|
226
|
385
|
85
|
2.2
|
Đất chuyên dùng
|
CDG
|
1.828.497
|
899.978
|
8.162
|
447.273
|
349.253
|
69.029
|
4.633
|
19.730
|
58
|
1
|
1.840
|
928.519
|
707.357
|
529
|
220.633
|
2.2.1
|
Đất xây dựng trụ sở cơ quan
|
TSC
|
12.576
|
12.574
|
-
|
-
|
12.574
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
1
|
-
|
1
|
-
|
2.2.2
|
Đất quốc phòng
|
CQP
|
243.075
|
243.044
|
-
|
-
|
243.044
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
31
|
31
|
-
|
-
|
2.2.3
|
Đất an ninh
|
CAN
|
52.945
|
52.944
|
-
|
-
|
52.944
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
1
|
1
|
-
|
-
|
2.2.4
|
Đất xây dựng công trình sự nghiệp
|
DSN
|
79.853
|
77.951
|
105
|
5.939
|
16.175
|
52.931
|
1.531
|
1.140
|
54
|
-
|
76
|
1.902
|
1.390
|
35
|
477
|
2.2.5
|
Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp
|
CSK
|
258.982
|
256.987
|
6.932
|
227.983
|
3.577
|
837
|
802
|
16.847
|
4
|
1
|
4
|
1.995
|
370
|
414
|
1.212
|
2.2.6
|
Đất có mục đích công cộng
|
CCC
|
1.181.066
|
256.477
|
1.125
|
213.351
|
20.939
|
15.260
|
2.300
|
1.743
|
-
|
-
|
1.761
|
924.589
|
705.566
|
79
|
218.944
|
2.3
|
Đất cơ sở tôn giáo
|
TON
|
11.523
|
11.522
|
6
|
|
5
|
1
|
29
|
-
|
-
|
-
|
11.480
|
1
|
1
|
0
|
0
|
2.4
|
Đất cơ sở tín ngưỡng
|
TIN
|
6.548
|
6.538
|
19
|
-
|
2
|
1
|
7
|
-
|
-
|
-
|
6.509
|
11
|
9
|
-
|
2
|
2.5
|
Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, NHT
|
NTD
|
103.201
|
92.884
|
3.503
|
1.939
|
85.257
|
310
|
467
|
34
|
-
|
-
|
1.373
|
10.317
|
10.152
|
28
|
138
|
2.6
|
Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối
|
SON
|
745.498
|
10.997
|
24
|
3.836
|
737
|
6.222
|
172
|
-
|
-
|
-
|
6
|
734.501
|
359.370
|
5
|
375.126
|
2.7
|
Đất có mặt nước chuyên dùng
|
MNC
|
241.850
|
53.396
|
1.791
|
11.773
|
3.336
|
36.374
|
58
|
42
|
-
|
-
|
22
|
188.454
|
110.837
|
10
|
77.608
|
2.8
|
Đất phi nông nghiệp khác
|
PNK
|
51.179
|
50.843
|
244
|
331
|
50.041
|
214
|
13
|
-
|
-
|
-
|
0
|
336
|
262
|
43
|
31
|
3
|
Đất chưa sử dụng
|
CSD
|
2.158.426
|
539.452
|
178.013
|
101.383
|
13.860
|
241.292
|
1.137
|
2.117
|
-
|
-
|
1.651
|
1.618.974
|
1.548.935
|
2.072
|
67.966
|
3.1
|
Đất bằng chưa sử dụng
|
BCS
|
223.753
|
25.226
|
3.219
|
15.994
|
3.294
|
2.096
|
18
|
601
|
-
|
-
|
4
|
198.527
|
194.050
|
1.964
|
2.512
|
3.2
|
Đất đồi núi chưa sử dụng
|
DCS
|
1.753.585
|
505.127
|
169.892
|
84.005
|
10.501
|
236.447
|
1.119
|
1.516
|
-
|
-
|
1.647
|
1.248.459
|
1.193.756
|
108
|
54.595
|
3.3
|
Núi đá không có rừng cây
|
NCS
|
181.088
|
9.100
|
4.902
|
1.383
|
64
|
2.750
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
171.988
|
161.129
|
-
|
10.859
|
II
|
Đất có mặt nước ven biển (quan sát)
|
MVB
|
59.655
|
22.110
|
302
|
2.303
|
18.330
|
918
|
243
|
15
|
-
|
-
|
-
|
37.546
|
20.808
|
-
|
16.738
|
1
|
Đất mặt nước ven biển nuôi trồng thủy sản
|
MVT
|
32.397
|
17.929
|
302
|
1.224
|
16.389
|
-
|
-
|
15
|
-
|
-
|
-
|
14.467
|
14.426
|
-
|
41
|
2
|
Đất mặt nước ven biển có rừng
|
MVR
|
5.268
|
2.807
|
-
|
-
|
1.705
|
860
|
243
|
-
|
-
|
-
|
-
|
2.461
|
1
|
-
|
2.460
|
3
|
Đất mặt nước ven biển có mục đích khác
|
MVK
|
21.990
|
1.373
|
-
|
1.079
|
237
|
58
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
20.617
|
6.381
|
-
|
14.237
|
Phụ lục 04:
HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI CẢ NƯỚC NĂM 2019 [54]
Đơn vị tính diện tích: ha
Thứ tự
|
Loại đất
|
Mã
|
Tổng diện tích các loại đất trong đơn vị hành chính
|
Diện tích đất theo đối tượng sử dụng
|
Diện tích đất theo đối tượng quản lý
|
Tổng số
|
Hộ gia đình, cá nhân trong nước (GDC)
|
Tổ chức trong nước (TCC)
|
Tổ chức nước ngoài (NNG)
|
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài (CNN)
|
Cộng đồng dân cư và Cơ sở tôn giáo (CDS)
|
Tổng số
|
UBND cấp xã (UBQ)
|
Tổ chức phát triển quỹ đất (TPQ)
|
Cộng đồng dân cư và Tổ chức khác (TKQ)
|
Tổ chức kinh tế (TKT)
|
Cơ quan, đơn vị của Nhà nước (TCN)
|
Tổ chức sự nghiệp công lập (TSN)
|
Tổ chức khác (TKH)
|
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (TVN)
|
Tổ chức ngoại giao (TNG)
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)=(5)+(15)
|
(5)=(8)+(9)+…+(14)
|
(6)
|
(7)
|
(8)
|
(9)
|
(10)
|
(11)
|
(12)
|
(13)
|
(14)
|
(15)=(16)+...+(18)
|
(16)
|
(17)
|
(18)
|
I
|
Tổng diện tích đất của đơn vị hành chính (1+2+3)
|
|
33.131.713
|
27.253.651
|
15.848.334
|
3.162.157
|
2.319.583
|
5.266.357
|
26.229
|
42.641
|
62
|
1
|
588.286
|
5.878.062
|
4.356.380
|
27.383
|
1.494.299
|
1
|
Đất nông nghiệp
|
NNP
|
27.986.390
|
25.026.073
|
15.053.333
|
2.561.150
|
1.792.942
|
5.034.082
|
23.348
|
22.050
|
-
|
0
|
539.168
|
2.960.317
|
2.204.142
|
15.022
|
741.153
|
1.1
|
Đất sản xuất nông nghiệp
|
SXN
|
11.746.456
|
11.601.967
|
10.570.270
|
669.113
|
217.607
|
133.793
|
1.558
|
5.992
|
-
|
0
|
3.634
|
144.489
|
103.194
|
8.206
|
33.090
|
1.1.1
|
Đất trồng cây hàng năm
|
CHN
|
6.784.212
|
6.715.124
|
6.339.444
|
138.593
|
159.228
|
74.562
|
113
|
827
|
-
|
-
|
2.356
|
69.088
|
59.541
|
3.194
|
6.353
|
1.1.1.1
|
Đất trồng lúa
|
LUA
|
3.922.099
|
3.898.778
|
3.781.327
|
29.217
|
82.551
|
4.400
|
74
|
-
|
|
-
|
1.209
|
23.322
|
20.427
|
2.497
|
397
|
1.1.1.2
|
Đất trồng cây hàng năm khác
|
HNK
|
2.862.113
|
2.816.346
|
2.558.117
|
109.377
|
76.677
|
70.163
|
38
|
827
|
|
-
|
1.147
|
45.767
|
39.114
|
697
|
5.956
|
1.1.2
|
Đất trồng cây lâu năm
|
CLN
|
4.962.244
|
4.886.843
|
4.230.826
|
530.520
|
58.379
|
59.231
|
1.445
|
5.165
|
|
0
|
1.278
|
75.401
|
43.653
|
5.012
|
26.736
|
1.2
|
Đất lâm nghiệp
|
LNP
|
15.381.113
|
12.574.027
|
3.752.574
|
1.848.487
|
1.504.411
|
4.897.137
|
21.596
|
14.632
|
-
|
-
|
535.190
|
2.807.087
|
2.093.156
|
6.317
|
707.614
|
1.2.1
|
Đất rừng sản xuất
|
RSX
|
7.975.105
|
6.410.010
|
3.281.748
|
1.506.511
|
632.079
|
729.769
|
8.975
|
14.241
|
|
-
|
236.687
|
1.565.095
|
1.255.687
|
5.146
|
304.261
|
1.2.2
|
Đất rừng phòng hộ
|
RPH
|
5.111.918
|
3.967.184
|
460.862
|
325.463
|
490.327
|
2.387.420
|
11.509
|
391
|
|
-
|
291.213
|
1.144.734
|
805.861
|
1.171
|
337.703
|
1.2.3
|
Đất rừng đặc dụng
|
RDD
|
2.294.090
|
2.196.833
|
9.964
|
16.513
|
382.005
|
1.779.948
|
1.112
|
-
|
|
-
|
7.290
|
97.257
|
31.607
|
-
|
65.650
|
1.3
|
Đất nuôi trồng thủy sản
|
NTS
|
786.002
|
778.107
|
688.259
|
22.120
|
65.490
|
1.139
|
32
|
728
|
|
-
|
338
|
7.895
|
7.100
|
469
|
326
|
1.4
|
Đất làm muối
|
LMU
|
15.637
|
15.333
|
10.133
|
4.319
|
556
|
136
|
-
|
188
|
|
-
|
0
|
304
|
304
|
-
|
-
|
1.5
|
Đất nông nghiệp khác
|
NKH
|
57.182
|
56.640
|
32.097
|
17.110
|
4.878
|
1.877
|
162
|
510
|
|
-
|
6
|
542
|
389
|
30
|
123
|
2
|
Đất phi nông nghiệp
|
PNN
|
3.914.508
|
1.996.888
|
743.486
|
574.723
|
507.943
|
124.510
|
2.872
|
20.450
|
62
|
1
|
22.840
|
1.917.620
|
1.189.672
|
3.407
|
724.542
|
2.1
|
Đất ở
|
OTC
|
749.925
|
748.170
|
729.879
|
16.820
|
639
|
344
|
31
|
442
|
-
|
1
|
14
|
1.754
|
700
|
871
|
184
|
2.1.1
|
Đất ở tại nông thôn
|
ONT
|
564.597
|
563.545
|
556.592
|
6.107
|
378
|
130
|
19
|
311
|
-
|
0
|
8
|
1.052
|
468
|
471
|
114
|
2.1.2
|
Đất ở tại đô thị
|
ODT
|
185.327
|
184.625
|
173.288
|
10.713
|
261
|
214
|
12
|
131
|
-
|
1
|
6
|
703
|
233
|
400
|
70
|
2.2
|
Đất chuyên dùng
|
CDG
|
1.998.204
|
992.710
|
8.400
|
531.489
|
347.881
|
80.795
|
2.585
|
19.980
|
62
|
-
|
1.518
|
1.005.494
|
748.843
|
2.262
|
254.389
|
2.2.1
|
Đất xây dựng trụ sở cơ quan
|
TSC
|
13.084
|
12.997
|
-
|
-
|
12.997
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
86
|
37
|
15
|
35
|
2.2.2
|
Đất quốc phòng
|
CQP
|
243.111
|
243.105
|
-
|
-
|
243.105
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
6
|
-
|
0
|
5
|
2.2.3
|
Đất an ninh
|
CAN
|
52.642
|
52.642
|
-
|
-
|
52.642
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
2.2.4
|
Đất xây dựng công trình sự nghiệp
|
DSN
|
90.771,44
|
88.263
|
62
|
8.335
|
16.807
|
60.747
|
1.225
|
885
|
61
|
-
|
142
|
2.508
|
1.929
|
38
|
541
|
2.2.5
|
Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp
|
CSK
|
309.593
|
306.619
|
8.126
|
276.577
|
2.621
|
812
|
566
|
17.915
|
1
|
-
|
1
|
2.974
|
910
|
1.630
|
434
|
2.2.6
|
Đất có mục đích công cộng
|
CCC
|
1.289.004
|
289.083
|
211
|
246.577
|
19.709
|
19.236
|
795
|
1.180
|
0
|
-
|
1.375
|
999.921
|
745.967
|
579
|
253.374
|
2.3
|
Đất cơ sở tôn giáo
|
TON
|
13.195
|
13.193
|
-
|
0
|
13
|
1
|
2
|
-
|
-
|
-
|
13.177
|
2
|
0
|
-
|
2
|
2.4
|
Đất cơ sở tín ngưỡng
|
TIN
|
7.154
|
7.143
|
9
|
-
|
13
|
0
|
0
|
-
|
-
|
-
|
7.120
|
12
|
11
|
-
|
1
|
2.5
|
Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, NHT
|
NTD
|
106.991
|
106.879
|
3.398
|
3.250
|
98.945
|
97
|
193
|
14
|
-
|
-
|
981
|
112
|
-
|
0
|
112
|
2.6
|
Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối
|
SON
|
751.862,51
|
12.549
|
152
|
5.092
|
664
|
6.625
|
13
|
2
|
-
|
-
|
1
|
739.313
|
323.109
|
37
|
416.167
|
2.7
|
Đất có mặt nước chuyên dùng
|
MNC
|
235.842
|
65.206
|
1.268
|
17.538
|
9.743
|
36.589
|
28
|
12
|
-
|
-
|
28
|
170.636
|
116.766
|
210
|
53.660
|
2.8
|
Đất phi nông nghiệp khác
|
PNK
|
51.334
|
51.038
|
378
|
534
|
50.046
|
59
|
21
|
-
|
-
|
-
|
0
|
296
|
242
|
27
|
27
|
3
|
Đất chưa sử dụng
|
CSD
|
1.230.815
|
230.690
|
51.515
|
26.283
|
18.697
|
107.765
|
9
|
142
|
-
|
-
|
26.278
|
1.000.126
|
962.567
|
8.955
|
28.604
|
3.1
|
Đất bằng chưa sử dụng
|
BCS
|
192.575
|
3.044
|
338
|
2.125
|
338
|
204
|
-
|
39
|
-
|
-
|
0
|
189.531
|
184.504
|
3.480
|
1.548
|
3.2
|
Đất đồi núi chưa sử dụng
|
DCS
|
917.853
|
206.942
|
47.235
|
23.323
|
3.267
|
106.728
|
9
|
102
|
-
|
-
|
26.278
|
710.912
|
678.530
|
5.475
|
26.907
|
3.3
|
Núi đá không có rừng cây
|
NCS
|
120.387
|
20.704
|
3.943
|
836
|
15.092
|
834
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
99.683
|
99.533
|
-
|
150
|
II
|
Đất có mặt nước ven biển (quan sát)
|
MVB
|
406.338
|
36.177
|
3.831
|
2.831
|
28.491
|
762
|
245
|
15
|
-
|
-
|
-
|
370.161
|
340.414
|
-
|
29.747
|
1
|
Đất mặt nước ven biển nuôi trồng thủy sản
|
MVT
|
24.281
|
22.135
|
3.831
|
2.144
|
16.145
|
-
|
-
|
15
|
-
|
-
|
-
|
2.146
|
1.827
|
-
|
319
|
2
|
Đất mặt nước ven biển có rừng ngập mặn
|
MVR
|
5.257
|
2.593
|
-
|
-
|
1.996
|
354
|
243
|
-
|
-
|
-
|
-
|
2.664
|
1
|
-
|
2.663
|
3
|
Đất mặt nước ven biển có mục đích khác
|
MVK
|
376.800
|
11.449
|
-
|
687
|
10.351
|
408
|
3
|
-
|
-
|
-
|
-
|
365.351
|
338.585
|
-
|
26.765
|
Phụ lục 05:
KẾT QUẢ THỰC HIỆN
QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC GIA THỜI KỲ 2011 - 2020
Đơn vị: nghìn ha
STT
|
Chỉ tiêu
|
Diện tích (ha)
|
Tỷ lệ
thực hiện
(%)
|
Năm 2010
|
Điều chỉnh QH đến năm 2020
|
Năm 2020 (tính đến 31/12/2020)
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
(6)=(5)/(4)*100
|
1
|
Đất nông nghiệp
|
26.226,40
|
27.038,09
|
27.983,26
|
103,50
|
|
Trong đó:
|
|
|
|
|
1.1
|
Đất trồng lúa
|
4.120,18
|
3.760,39
|
3.917,25
|
104,17
|
|
Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước
|
3.297,49
|
3.128,96
|
3.176,20
|
101,51
|
1.2
|
Đất rừng phòng hộ
|
5.795,47
|
4.618,44
|
5.118,55
|
110,83
|
1.3
|
Đất rừng đặc dụng
|
2.139,20
|
2.358,87
|
2.293,77
|
97,24
|
1.4
|
Đất rừng sản xuất
|
7.431,80
|
9.267,94
|
7.992,34
|
86,24
|
1.5
|
Đất làm muối
|
17,86
|
14,50
|
15,58
|
107,45
|
1.6
|
Đất nuôi trồng thủy sản
|
689,83
|
767,96
|
787,91
|
102,60
|
2
|
Đất phi nông nghiệp
|
3.705,07
|
4.780,24
|
3.931,11
|
82,24
|
|
Trong đó:
|
|
|
|
|
2.1
|
Đất quốc phòng
|
289,38
|
340,96
|
243,16
|
71,32
|
2.2
|
Đất an ninh
|
48,55
|
71,14
|
52,71
|
74,09
|
2.3
|
Đất khu công nghiệp
|
71,99
|
191,42
|
90,83
|
47,45
|
2.4
|
Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia
|
1.181,42
|
1.561,39
|
1.358,58
|
87,01
|
|
Trong đó:
|
|
|
|
|
-
|
Đất xây dựng cơ sở văn hóa
|
15,36
|
27,82
|
25,38
|
91,23
|
-
|
Đất xây dựng cơ sở y tế
|
5,78
|
10,98
|
7,42
|
67,58
|
-
|
Đất xây dựng cơ sở giáo dục - đào tạo
|
41,22
|
68,48
|
48,91
|
71,42
|
-
|
Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao
|
16,28
|
46,81
|
19,96
|
42,64
|
2.5
|
Đất có di tích, danh thắng
|
17,32
|
35,19
|
16,45
|
46,75
|
2.6
|
Đất bãi thải, xử lý chất thải
|
7,87
|
21,91
|
8,17
|
37,29
|
2.7
|
Đất ở tại đô thị
|
133,75
|
199,13
|
190,29
|
95,56
|
3
|
Đất chưa sử dụng
|
|
|
|
|
1
|
Đất chưa sử dụng còn lại
|
3.164,27
|
1.310,36
|
1.219,75
|
93,09
|
2
|
Diện tích đưa vào sử dụng
|
|
1.853,52
|
1.944,52
|
104,91
|
4
|
Đất khu công nghệ cao*
|
3,63
|
3,63
|
3,63
|
100,00
|
5
|
Đất khu kinh tế*
|
1.519,67
|
1.582,96
|
1.613,55
|
101,93
|
6
|
Đất đô thị*
|
1.517,15
|
1.941,74
|
2.028,07
|
104,45
|
Ghi chú: * Chỉ tiêu không tổng hợp khi tính tổng diện tích tự nhiên
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch:
Nội dung
|
Số lượng chỉ tiêu thực hiện
|
Số chỉ tiêu thực hiện >100%
|
10
|
Số chỉ tiêu thực hiện từ 90 đến dưới 100%
|
4
|
Số chỉ tiêu thực hiện từ 70 đến dưới 90%
|
6
|
Số chỉ tiêu thực hiện từ 50 đến dưới70%
|
1
|
Số chỉ tiêu thực hiện <50%
|
5
|
TỔNG HỢP ĐƠN VỊ CHẤT LƯỢNG ĐẤT THEO MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG CỦA CẢ NƯỚC[55]
Đơn vị: nghìn ha
STT
|
Các vùng kinh tế - xã hội
|
Tổng diện tích điều tra
|
Loại đất theo mục đích sử dụng*
|
Đất trồng cây hàng năm
|
Đất trồng cây lâu năm
|
Đất rừng sản xuất
|
Đất rừng phòng hộ
|
Đất rừng đặc dụng
|
Đất nuôi trồng thủy sản
|
Đất làm muối
|
Đất nông nghiệp khác
|
Đất chưa sử dụng
|
Diện tích
|
Đơn vị chất lượng đất
(***)
|
Diện tích
|
Đơn vị chất lượng đất
(***)
|
Diện tích
|
Đơn vị chất lượng đất
(***)
|
Diện tích
|
Đơn vị chất lượng đất
(***)
|
Diện tích
|
Đơn vị chất lượng đất
(***)
|
Diện tích
|
Đơn vị chất lượng đất
(***)
|
Diện tích
|
Đơn vị chất lượng đất
(***)
|
Diện tích
|
Đơn vị chất lượng đất
(***)
|
Diện tích
|
Đơn vị chất lượng đất
(***)
|
A
|
B
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
(6)
|
(7)
|
(8)
|
(9)
|
(10)
|
(11)
|
(12)
|
(13)
|
(14)
|
(15)
|
(16)
|
(17)
|
(18)
|
(19)
|
I
|
Diện tích điều tra cả nước năm 2017(*)
|
29.132
|
6.984
|
|
4.538
|
|
7.457
|
|
5.226
|
|
2.187
|
|
784
|
|
16
|
|
18
|
|
1.922
|
|
1
|
Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc
|
8.781
|
1.630
|
29
|
491
|
37
|
2.715
|
9
|
2.202
|
13
|
481
|
13
|
43
|
2
|
|
|
3
|
2
|
1.216
|
16
|
2
|
Vùng Đồng bằng sông Hồng
|
1.447
|
676
|
6
|
121
|
11
|
250
|
7
|
131
|
15
|
72
|
6
|
120
|
15
|
1
|
2
|
3
|
1
|
73
|
14
|
3
|
Vùng Bắc Trụng Bộ và Duyên hải miền Trung
|
8.455
|
1.388
|
88
|
806
|
31
|
2.737
|
138
|
2.129
|
129
|
904
|
92
|
63
|
32
|
8
|
8
|
12
|
18
|
408
|
125
|
4
|
Vùng Tây Nguyên
|
5.097
|
1.001
|
19
|
1.421
|
31
|
1.488
|
23
|
527
|
20
|
475
|
15
|
|
|
|
|
|
|
185
|
23
|
5
|
Vùng Đông Nam Bộ
|
1.906
|
273
|
24
|
1.095
|
52
|
168
|
19
|
154
|
19
|
182
|
12
|
27
|
11
|
3
|
2
|
|
|
4
|
4
|
6
|
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
|
3.446
|
2.016
|
33
|
604
|
27
|
99
|
21
|
83
|
18
|
73
|
20
|
531
|
36
|
4
|
7
|
|
|
36
|
5
|
II
|
Diện tích không điều tra năm 2017(**)
|
3.992
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III
|
Tổng diện tích tự nhiên năm 2017(*)
|
33.124
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
(*) Số liệu diện tích tự nhiên và diện tích đất theo mục đích sử dụng được lấy tại thời điểm điều tra theo số liệu thống kê đất đai Quyết định số 3837/QĐ-BTNMT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
(**) Diện tích không điều tra chất lượng đất bao gồm: toàn bộ diện tích đất phi nông nghiệp; núi đá không có rừng cây; diện tích đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác của vùng Tây Nguyên phân bố nhỏ lẻ, phân tán và phần diện tích đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng tại các huyện đảo, đảo (trong đó: vùng Đồng bằng sông Hồng (diện tích của các huyện đảo và cụm đảo như Vĩnh Thực, Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) và Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng)); vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (diện tích của các huyện đảo như Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận)); vùng Đông Nam Bộ (diện tích của huyện đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)); vùng Đồng bằng sông Cửu Long (diện tích của các đảo Hòn Khoai, Thổ Chu)).
(***) Số lượng đơn vị chất lượng đất của cả nước thể hiện trên bản đồ 1/1.000.000.
TỔNG HỢP PHÂN MỨC CHẤT LƯỢNG ĐẤT THEO MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG CỦA CẢ NƯỚC[56]
Đơn vị: nghìn ha
STT
|
Các vùng kinh tế - xã hội
|
Tổng diện tích điều tra
|
Loại đất theo mục đích sử dụng
|
Đất trồng cây hàng năm
|
Đất trồng cây lâu năm
|
Đất rừng sản xuất
|
Đất rừng phòng hộ
|
Đất rừng đặc dụng
|
Đất nuôi trồng thủy sản
|
Đất làm muối
|
Đất nông nghiệp khác
|
Đất chưa sử dụng
|
Thấp
|
Trung bình
|
Cao
|
Thấp
|
Trung bình
|
Cao
|
Thấp
|
Trung bình
|
Cao
|
Thấp
|
Trung bình
|
Cao
|
Thấp
|
Trung bình
|
Cao
|
Thấp
|
Trung bình
|
Cao
|
Thấp
|
Trung bình
|
Cao
|
Thấp
|
Trung bình
|
Cao
|
Thấp
|
Trung bình
|
Cao
|
A
|
B
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
(6)
|
(7)
|
(8)
|
(9)
|
(10)
|
(11)
|
(12)
|
(13)
|
(14)
|
(15)
|
(16)
|
(17)
|
(18)
|
(19)
|
(20)
|
(21)
|
(22)
|
(23)
|
(24)
|
(25)
|
(26)
|
(27)
|
(28)
|
I
|
Diện tích điều tra cả nước năm 2017
|
29.132
|
279
|
2.423
|
4.282
|
139
|
1.482
|
2.917
|
1.606
|
4.899
|
952
|
1.448
|
3.282
|
496
|
653
|
1.183
|
351
|
|
232
|
552
|
|
4
|
12
|
|
10
|
8
|
411
|
1.357
|
154
|
1
|
Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc
|
8.781
|
217
|
912
|
501
|
56
|
281
|
154
|
549
|
1.962
|
204
|
635
|
1.513
|
54
|
127
|
349
|
5
|
|
|
43
|
|
|
|
|
|
3
|
288
|
911
|
17
|
2
|
Vùng Đồng bằng sông Hồng
|
1.447
|
|
3
|
673
|
|
37
|
84
|
10
|
231
|
9
|
16
|
97
|
18
|
29
|
42
|
1
|
|
22
|
98
|
|
|
1
|
|
|
3
|
|
47
|
26
|
3
|
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung
|
8.455
|
31
|
542
|
815
|
68
|
562
|
176
|
808
|
1.698
|
231
|
705
|
1.261
|
163
|
442
|
416
|
46
|
|
|
63
|
|
|
8
|
|
10
|
2
|
86
|
279
|
43
|
4
|
Vùng Tây Nguyên
|
5.097
|
30
|
412
|
559
|
14
|
328
|
1.079
|
239
|
988
|
261
|
85
|
376
|
66
|
54
|
330
|
91
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
37
|
120
|
28
|
5
|
Vùng Đông Nam Bộ
|
1.906
|
|
2
|
271
|
|
31
|
1.064
|
|
17
|
151
|
|
23
|
131
|
|
39
|
143
|
|
|
27
|
|
|
3
|
|
|
|
|
|
4
|
6
|
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
|
3.446
|
1
|
552
|
1.463
|
1
|
243
|
360
|
|
3
|
96
|
7
|
12
|
64
|
1
|
7
|
65
|
|
210
|
321
|
|
4
|
|
|
|
|
|
|
36
|
II
|
Diện tích không điều tra năm 2017
|
3.992
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III
|
Tổng diện tích tự nhiên năm 2017
|
33.124
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Phụ lục 06.3:
DIỆN TÍCH ĐẤT BỊ THOÁI HÓA CHIA THEO LOẠI ĐẤT CỦA CẢ NƯỚC NĂM 2019[57]
Đơn vị: nghìn ha
STT
|
Các vùng kinh tế - xã hội
|
Tổng diện tích điều tra
|
Diện tích đất bị thoái hóa(**)
|
Chia theo loại đất
|
Đất sản xuất nông nghiệp
|
Đất lâm nghiệp
|
Đất nuôi trồng thủy sản
|
Đất làm muối
|
Đất nông nghiệp khác
|
Đất chưa sử dụng
|
Nhẹ
|
Trung bình
|
Nặng
|
Nhẹ
|
Trung bình
|
Nặng
|
Nhẹ
|
Trung bình
|
Nặng
|
Nhẹ
|
Trung bình
|
Nhẹ
|
Trung bình
|
Nhẹ
|
Nhẹ
|
Trung bình
|
Nặng
|
A
|
B
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
(6)
|
(7)
|
(8)
|
(9)
|
(10)
|
(11)
|
(12)
|
(13)
|
(14)
|
(15)
|
(16)
|
(17)
|
(18)
|
I
|
Diện tích điều tra cả nước năm 2017(**)
|
29.132
|
6.844
|
3.787
|
1.207
|
3.308
|
1.655
|
114
|
3.309
|
1.367
|
293
|
82
|
11
|
3
|
1
|
2
|
140
|
753
|
800
|
1
|
Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc
|
8.781
|
1.960
|
1.839
|
619
|
662
|
755
|
22
|
1.288
|
504
|
23
|
|
|
|
|
|
10
|
580
|
574
|
2
|
Vùng Đồng bằng sông Hồng
|
1.447
|
453
|
150
|
16
|
167
|
111
|
|
260
|
30
|
|
5
|
|
|
|
|
22
|
9
|
16
|
3
|
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung
|
8.455
|
2.161
|
890
|
456
|
816
|
232
|
87
|
1.243
|
538
|
237
|
18
|
|
2
|
|
2
|
80
|
120
|
131
|
4
|
Vùng Tây Nguyên
|
5.097
|
1.385
|
300
|
115
|
1.037
|
82
|
5
|
321
|
174
|
33
|
|
|
|
|
|
27
|
43
|
78
|
5
|
Vùng Đông Nam Bộ
|
1.906
|
596
|
424
|
1
|
401
|
308
|
|
185
|
111
|
|
7
|
5
|
1
|
1
|
|
1
|
|
1
|
6
|
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
|
3.446
|
289
|
184
|
|
225
|
167
|
|
12
|
10
|
|
52
|
6
|
|
|
|
|
1
|
|
II
|
Diện tích không điều tra năm 2017(***)
|
3.992
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III
|
Tổng diện tích tự nhiên năm 2017(**)
|
33.124
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
(*) Đất bị thoái hóa nhẹ: là đất có dấu hiệu của thoái hóa, có thể dễ dàng sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật và quản lý để phục hồi.
Đất bị thoái hóa trung bình: là đất bị thoái hóa có thể nhìn thấy rõ thoái hóa nhưng vẫn có thể kiểm soát và phục hồi hoàn toàn.
Đất bị thoái hóa nặng: là đất có sự thoái hóa rõ ràng, thành phần đất bị thay đổi đáng kể và rất khó để hồi phục hoặc không thể hồi phục được.
(**) Số liệu diện tích tự nhiên và diện tích đất theo mục đích sử dụng được lấy tại thời điểm điều tra theo số liệu thống kê đất đai Quyết định số 3837/QĐ-BTNMT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
(***) Diện tích không điều tra thoái hóa đất bao gồm: toàn bộ diện tích đất phi nông nghiệp; núi đá không có rừng cây; diện tích đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác của vùng Tây Nguyên phân bố nhỏ lẻ, phân tán và phần diện tích đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng tại các huyện đảo, đảo (trong đó: vùng Đồng bằng sông Hồng (diện tích của các huyện đảo và cụm đảo như Vĩnh Thực, Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) và Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng)); vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (diện tích của các huyện đảo như Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận)); vùng Đông Nam Bộ (diện tích của huyện đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)); vùng Đồng bằng sông Cửu Long (diện tích của các đảo Hòn Khoai, Thổ Chu)).
Phụ lục 06.4:
DIỆN TÍCH ĐẤT BỊ THOÁI HÓA CHIA THEO LOẠI HÌNH THOÁI HÓA CỦA CẢ NƯỚC NĂM 2019[58]
Đơn vị: nghìn ha
STT
|
Các vùng kinh tế - xã hội
|
Tổng diện tích điều tra
|
Diện tích đất bị thoái hóa
|
Chia theo loại hình thoái hóa
|
Đất bị suy giảm độ phì
|
Đất bị xói mòn
|
Đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa
|
Đất bị kết von, đá ong hóa
|
Đất bị mặn hóa
|
Đất bị phèn hóa
|
Nhẹ
|
Trung bình
|
Nặng
|
Nhẹ
|
Trung bình
|
Nặng
|
Yếu
|
Trung bình
|
Mạnh
|
Nhẹ
|
Trung bình
|
Nặng
|
Nhẹ
|
Trung bình
|
Nặng
|
Nhẹ
|
Trung bình
|
Nặng
|
Nhẹ
|
Trung bình
|
Nặng
|
A
|
B
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
(6)
|
(7)
|
(8)
|
(9)
|
(10)
|
(11)
|
(12)
|
(13)
|
(14)
|
(15)
|
(16)
|
(17)
|
(18)
|
(19)
|
(20)
|
(21)
|
(22)
|
I
|
Diện tích điều tra cả nước năm 2017
|
29.132
|
6.844
|
3.787
|
1.207
|
7.482
|
4.409
|
1.526
|
7.525
|
2.735
|
3.098
|
8.130
|
5.497
|
3.146
|
594
|
369
|
193
|
107
|
43
|
47
|
27
|
17
|
81
|
1
|
Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc
|
8.781
|
1.960
|
1.839
|
619
|
1.171
|
1.809
|
450
|
2.018
|
677
|
2.064
|
3.978
|
779
|
734
|
68
|
35
|
4
|
|
|
|
|
|
|
2
|
Vùng Đồng bằng sông Hồng
|
1.447
|
453
|
150
|
16
|
291
|
246
|
98
|
151
|
189
|
22
|
426
|
73
|
|
13
|
4
|
10
|
26
|
18
|
15
|
2
|
|
41
|
3
|
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung
|
8.455
|
2.161
|
890
|
456
|
1.892
|
1.436
|
298
|
4.050
|
846
|
761
|
1.451
|
2.952
|
963
|
269
|
169
|
92
|
67
|
19
|
15
|
4
|
|
1
|
4
|
Vùng Tây Nguyên
|
5.097
|
1.385
|
300
|
115
|
3.161
|
329
|
124
|
1.060
|
858
|
247
|
1.839
|
1.213
|
1.449
|
116
|
95
|
36
|
|
|
|
|
|
|
5
|
Vùng Đông Nam Bộ
|
1.906
|
596
|
424
|
1
|
521
|
376
|
382
|
246
|
165
|
4
|
407
|
480
|
|
128
|
66
|
51
|
1
|
|
13
|
|
5
|
5
|
6
|
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
|
3.446
|
289
|
184
|
|
446
|
213
|
174
|
|
|
|
29
|
|
|
|
|
|
13
|
6
|
4
|
21
|
12
|
34
|
II
|
Diện tích không điều tra năm 2017
|
3.992
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III
|
Tổng diện tích tự nhiên năm 2017
|
33.124
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Phụ lục 07
DIỆN TÍCH ĐẤT CHƯA CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN
GIAI ĐOẠN 2013 - 2020
Đơn vị tính: ha
STT
|
Đơn vị hành chính
|
Năm 2013
|
Năm 2020
|
Cả nước
|
4,751,241
|
1,774,133
|
Miền Núi và Trung du phía Bắc
|
1,492,420
|
626,763
|
01
|
Hà Giang
|
97,354
|
5,370
|
02
|
Tuyên Quang
|
68,523
|
17,324
|
03
|
Cao Bằng
|
47,321
|
85,336
|
04
|
Lạng Sơn
|
65,063
|
194,537
|
05
|
Bắc Cạn
|
110,022
|
49,493
|
06
|
Thái Nguyên
|
60,867
|
14,967
|
07
|
Điện Biên
|
252,894
|
19,703
|
08
|
Lai Châu
|
210,957
|
47,734
|
09
|
Hòa Bình
|
67,039
|
17,454
|
10
|
Lào Cai
|
50,218
|
46,029
|
11
|
Yên Bái
|
81,451
|
50,844
|
12
|
Quảng Ninh
|
158,248
|
25,141
|
13
|
Sơn La
|
68,281
|
29,341
|
14
|
Phú Thọ
|
63,712
|
21,770
|
15
|
Bắc Giang
|
90,470
|
1,720
|
Đồng Bằng Sông Hồng
|
292,464
|
109,456
|
01
|
Hà Nội
|
54,012
|
35,195
|
02
|
Hải Phòng
|
15,247
|
13,463
|
03
|
Hải Dương
|
17,527
|
4,135
|
04
|
Hưng Yên
|
41,716
|
11,718
|
05
|
Hà Nam
|
7,746
|
6,780
|
06
|
Nam Định
|
29,756
|
7,634
|
07
|
Thái Bình
|
27,765
|
6,263
|
08
|
Ninh Bình
|
37,988
|
14,590
|
09
|
Vĩnh Phúc
|
45,021
|
6,118
|
10
|
Bắc Ninh
|
15,686
|
3,562
|
Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung
|
1,591,529
|
477,554
|
01
|
Thanh Hóa
|
133,571
|
53,825
|
02
|
Nghệ An
|
443,100
|
97,162
|
03
|
Hà Tĩnh
|
91,639
|
45,957
|
04
|
Quảng Bình
|
36,665
|
32,928
|
05
|
Quảng Trị
|
39,153
|
33,381
|
06
|
Thừa Thiên Huế
|
133,111
|
7,843
|
07
|
Đà Nẵng
|
33,959
|
1,965
|
08
|
Quảng Nam
|
201,005
|
38,906
|
09
|
Quảng Ngãi
|
159,427
|
20,067
|
10
|
Bình Định
|
92,555
|
27,726
|
11
|
Phú Yên
|
95,435
|
33,708
|
12
|
Khánh Hòa
|
38,160
|
25,698
|
13
|
Ninh Thuận
|
31,140
|
21,991
|
14
|
Bình Thuận
|
62,610
|
36,397
|
Tây Nguyên
|
827,926
|
339,608
|
01
|
Kon Tum
|
77,090
|
19,730
|
02
|
Gia Lai
|
262,751
|
122,724
|
03
|
Đắk Nông
|
100,584
|
48,111
|
04
|
Đắk Lắk
|
255,898
|
73,965
|
05
|
Lâm Đồng
|
131,602
|
75,078
|
Đông Nam Bộ
|
331,002
|
91,767
|
01
|
Đồng Nai
|
44,383
|
40,083
|
02
|
Bình Dương
|
12,026
|
341
|
03
|
Bình Phước
|
151,861
|
15,176
|
04
|
Tây Ninh
|
61,209
|
13,895
|
05
|
Thành phố Hồ Chí Minh
|
39,634
|
18,857
|
06
|
Bà Rịa - Vũng Tàu
|
21,889
|
3,415
|
Đồng bằng Sông Cửu Long
|
215,900
|
128,985
|
01
|
Long An
|
33,429
|
10,828
|
02
|
Tiền Giang
|
7,601
|
5,401
|
03
|
Bến Tre
|
14,294
|
4,498
|
04
|
Đồng Tháp
|
5,192
|
58
|
05
|
Vĩnh Long
|
2,722
|
1,417
|
06
|
Trà Vinh
|
11,140
|
2,276
|
07
|
Hậu Giang
|
4,739
|
3,310
|
08
|
Cần Thơ
|
3,603
|
248
|
09
|
Sóc Trăng
|
12,762
|
341
|
10
|
An Giang
|
10,142
|
10,616
|
11
|
Kiên Giang
|
68,855
|
51,194
|
12
|
Bạc Liêu
|
4,229
|
2,288
|
13
|
Cà Mau
|
37,194
|
36,509
|
[1] Trong các năm từ 2014 - 2016, tổ chức 14 hội nghị, với tổng số cán bộ tham gia là 2.289 đại biểu để tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới của Luật Đất đai 2013 cho các đối tượng là cáo báo cáo viên cấp Trung ương, cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai và các báo cáo viên, cán bộ của 63 Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
[2] Đã biên dịch Sổ tay hỏi đáp về pháp luật đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số sang 3 thứ tiếng dân tộc thiểu số là Mông, Ê đê và Khmer để phục vụ công tác phổ biến pháp luật đất đai cho đồng bào. Bên cạnh đó, đã xây dựng 04 bộ phim tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai, được phát sóng trên Kênh truyền hình Quốc hội; 48 phóng sự, 32 chuyên mục, 24 chương trình và 4 buổi tọa đàm chuyên đề phổ biến về chính sách, pháp luật đất đai trên Đài Tiếng nói Việt Nam; 104 bài báo, phóng sự và 16 trang chuyên đề trên Báo Tài nguyên và Môi trường.
[3] Tổng hợp báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố về tình hình thi hành Luật Đất đai
[4] Quyết định số 1892/QĐ-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ.
[5] Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì thực hiện dự án Tổng Điều tra đánh giá tài nguyên đất đai toàn quốc (
Hợp phần I: Điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng kinh tế - xã hội).
[6] Quy hoạch đến năm 2020 diện tích đất hạ tầng là 1,561 triệu ha, đất khu công nghiệp là 0,191 triệu ha, đất.
[7] Theo Nghị quyết số 134/2016/QH13 của Quốc hội quy hoạch đến năm 2020 diện tích đất trồng lúa là 3,76 triệu ha, diện tích đất chuyên trồng lúa là 3,128 triệu ha; diện tích đất rừng phòng hộ 4,618 triệu ha; đất rừng đặc dụng là 2,358 triệu ha.
[8] Đến năm 2020 đất lâm nghiệp là 16,245 triệu ha, trong đó đất rừng phòng hộ là 4,618 triệu ha; đất rừng đặc dụng là 2,359 triệu ha, đất rừng sản xuất là 9,268 triệu ha.
[9] Văn bản số 1004/TTg-KTN và số 1005/TTg-KTN ngày 30/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh tăng 10.896 ha chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp cho các tỉnh, gồm: Cao Bằng 100 ha, Bắc Kạn 51 ha, Bắc Giang 1.155 ha, Sơn La 240 ha, Vĩnh Phúc 400 ha, Quảng Trị 500 ha, Đồng Nai 6.500 ha, Bình Phước 1.375 ha, Bà Rịa - Vũng Tàu 500 ha, Tây Ninh 75 ha; tăng 5.174 ha chỉ tiêu sử dụng đất ở tại đô thị đối với các tỉnh, gồm: Cao Bằng 150 ha, Lạng Sơn 51 ha, Bắc Giang 1.631 ha, Sơn La 150 ha, Vĩnh Phúc 180 ha, Quảng Ninh 1.512 ha, Quảng Bình 50 ha, Bình Phước 1.000 ha, Tây Ninh 300 ha, Bến Tre 50 ha, Hậu Giang 100 ha.
[10] Theo Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau 7 năm thực hiện Luật Đất đai Nhà nước đã giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho 76.105 dự án, với tổng diện tích 1.330,69 nghìn ha; trong đó: giao đất không thu tiền sử dụng đất cho 23.061 dự án, với diện tích 349,17 nghìn ha chiếm 26,24%; giao đất có thu tiền sử dụng đất cho 13.208 dự án, với diện tích là 8,82 nghìn ha, chiếm 0,66%; cho thuê đất 16.455 dự án, với tổng diện tích là 960,09 nghìn ha, chiếm 72,15% (trong đó: cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê là 1.561 dự án, với diện tích là 12,69 nghìn ha, chiếm 0,95%; cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm là 13.063 dự án, với diện tích là 942,09 nghìn ha, chiếm 70,8%); cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 23.381 dự án, với diện tích là 12,61 nghìn ha, chiếm 0,95%.
[11] Theo Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau 7 năm thực hiện Luật Đất đai Nhà nước đã giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất 53.955,15 ha thu được 260.964, 26 tỷ đồng, kết quả cụ thể như sau: năm 2014 đấu giá 5.053,97 ha, thu được 22.224,77 tỷ đồng; năm 2015 đấu giá 1.171,62 ha thu được 38.498,59 tỷ đồng; năm 2016 đấu giá 1.024,21 ha thu được 37.321,13 tỷ đồng; năm 2017 đấu giá 976,74 ha, thu được 40.653,5 tỷ đồng; năm 2018 đấu giá 12.273,18 ha thu được 43.437,76 tỷ đồng; năm 2019 đấu giá 2.289,64 ha thu được 34.525,43 tỷ đồng; năm 2020 đấu giá 27.467,18 ha thu được 43.186,69 tỷ đồng.
[12] (i) Tỉnh Hà Nam đã quy hoạch 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 666,87 ha; trong đó diện tích đã tích tụ, tập trung đất đai và cho các doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất là 206,44/226,41 ha. (ii) Tỉnh Thái Bình tích tụ, tập trung được diện tích 7.997,52 ha đất nông nghiệp (trong đó: tích tụ sản xuất lúa là 3.753,18 ha, sản xuất rau màu và cây dược liệu là 595,76 ha (diện tích tập trung, tích tụ từ 02 ha trở lên là 3.726,42 ha; từ 05 ha trở lên là 2.220,26 ha; từ 10 ha trở lên là 1.398,28 ha); 451,3 ha đất tích tụ cho phát triển chăn nuôi (có 2 Công ty thuê đất chăn nuôi từ 14,2ha đến 40,25 ha), 3.197,28 ha diện tích đất nuôi trồng thủy sản (Quy mô từ 1 - 5 ha có 272 tổ chức và cá nhân; quy mô từ 5 ha trở lên có 273 tổ chức và cá nhân; Hình thức tích tụ chính là thuê đất, điển hình như: Công ty Geleximco 342,5 ha, Công ty Minh Phú 105 ha bãi triều)). (iii) An Giang có diện tích đất tự nhiên 353.668 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 298.560 ha. Diện tích đất canh tác/hộ gần 0,9 ha/hộ (trong đó diện tích đất nông nghiệp 298.560 ha với hơn 20 doanh nghiệp. (iv)
Đồng Tháp có tổng diện tích đất nông nghiệp 273.380 ha, bình quân mỗi hộ nông nghiệp có 0,8 ha đất sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung, phần lớn các hộ ở Đồng Tháp sản xuất với quy mô nhỏ lẻ (có đến 35,3% hộ nông dân sản xuất lúa có diện tích dưới 0,5 ha/hộ, chỉ 14,0% hộ nông dân có diện tích trên 2 ha/hộ, quy mô của các hợp tác xã và các doanh nghiệp thuê đất để sản xuất là 50 ha). (v) Tỉnh Lâm Đồng đã phát triển sản xuất theo hướng canh tác tập trung, cụ thể: 7 dự án nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 1.918 ha; có khoảng 945 trang trại, trong đó: có 534 trang trại chăn nuôi, 368 trang trại trồng trọt, 43 trang trại tổng hợp và 02 trang trại thủy sản. Tổng số lao động làm việc thường xuyên là 3.113 người, bình quân 4 lao động/trang trại
(diện tích đất bình quân là 8,15ha đối với trang trại trồng trọt và 1,85ha đối với trang trại chăn nuôi); 30 chuỗi rau, quả/1.562 hộ/2.583 ha,
(trung bình 1 hộ là 1,65 ha)sản lượng 271.610 tấn; 17 chuỗi chè/117 hộ/694,08 ha
(trung bình là 5,83ha/1 hộ), 03 chuỗi hoa/117 hộ/196 ha
(trung bình là 1,68ha/1 hộ).
[13] Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nhà nước đã thu hồi 1.179.879,78 ha đất để thực hiện 25.362 dự án, trong đó: thu hồi 109.402,8 ha đất để thực hiện 930 dự án cho mục đích quốc phòng, an ninh; 1.070.476,98 ha đất để thực hiện 24.432 dự án phát triển kinh tế - xã hội.
[14] Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay đã có 3.691 dự án với diện tích là 105,86 nghìn ha đất thực hiện theo phương thức thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện (trong đó có 3.395 dự án đã thỏa thuận được chiếm tỷ lệ 99,73% và 296 dự án không triển khai được dự án do chưa thỏa thuận được hết diện tích đất chiếm tỷ lệ 38,92%), trong đó có 25/63 tỉnh, thành phố không có trường hợp không triển khai được dự án do chưa thỏa thuận được hết diện tích đất, có 11 tỉnh, thành phố còn vướng mắc không triển khai được dự án do chưa thỏa thuận được hết diện tích đất, dao động từ 1,33% đến 8,75 % số hộ chưa thỏa thuận được trên tổng số 12.966 hộ gia đình, cá nhân.
[15] Theo báo cáo của 63 tỉnh, sau hơn 07 năm thi hành Luật Đất đai, đã thực hiện: (i) bồi thường về đất: bằng đất với diện tích 17.375,54 ha, bằng tiền (là chủ yếu) với 218.416,70 tỷ đồng; (ii) bồi thường về tài sản gắn liền với đất: bằng tiền là 183.913,17 tỷ đồng; (iii) hỗ trợ bằng tiền là 75.855,05 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm (66,02%) và hỗ trợ khác (17,59%).
[16] Theo báo cáo của Bộ Xây dựng có 40 tỉnh, thành phố báo cáo việc bố trí tái định cư được thực hiện bằng việc giao nhà ở, gồm: việc bố trí tái định cư nhà ở cho thấy mới có khoảng trên 43.000 căn nhà ở tái định cư do Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng (trong đó tập chung chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 24.000 căn, Khánh Hòa khoảng 11.147 căn, Nghệ An 1.350 căn, riêng Hà Nội báo cáo có 1,1 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở tái định cư). Còn lại hầu hết các địa phương thực hiện tái định cư bằng phương thức bố trí đất nền trong dự án (Thành phố Hồ Chí Minh bố trí khoảng 15.000 lô, Hải Phòng là 4.700 lô, Cần Thơ là 1.471 lô, Quảng Ninh là 5.000 lô...). Như vậy, có thể thấy việc tái định cư được thực hiện chủ yếu bằng giao đất ở, việc tái định cư bằng nhà ở chỉ được thực hiện tại các đô thị hạn chế về quỹ đất ở.
[17] Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ và Kiên Giang.
[18] Đã kết nối, liên thông, trao đổi thông tin điện tử giữa cơ quan đăng ký đất đai với cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai với người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân đã được triển khai hơn 90 huyện.
[19] (i) Tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất; (ii) Tiền thuê đất khi được Nhà nước cho thuê; (iii) Thuế sử dụng đất; (iv) Thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; (v) Tiền thu từ việc xử phạt vi phạm pháp luật về đất đai; (vi) Tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; (vii) Phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai
[20] Điều 111 Luật Đất đai năm 2013.
[21] Điều 113 đến Điều 118 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.
[22] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
[23] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.
[24] Năm 2013 là 69 tỷ, năm 2014 là 61 tỷ, năm 2015 là 57 tỷ, năm 2016 là 60 tỷ, năm 2017 là 39 tỷ, năm 2018 là 28 tỷ, năm 2019 là 20 tỷ và năm 2020 còn 6 tỷ.
[25] Theo Báo cáo số 5382/BTC-QLCS ngày 24/5/2021 của Bộ Tài chính tổng hợp nguồn thu từ đất đai năm 2013 là 63.681 tỷ đồng (chiếm 7,80% tổng thu NSNN năm 2013); năm 2014 là 69.580 tỷ đồng (chiếm 8,89% tổng thu NSNN năm 2014); năm 2015 là 102.045 tỷ đồng (chiếm 11,20% tổng thu NSNN năm 2015); năm 2016 là 145.801 tỷ đồng (chiếm 14,37% tổng thu NSNN năm 2016); năm 2017 là 185.957 tỷ đồng (chiếm 15,34% tổng thu NSNN năm 2017); năm 2018 là 218.699 tỷ đồng (chiếm 16,58% tổng thu NSNN năm 2018); năm 2019 là 232.689 tỷ đồng (chiếm 16,49% tổng thu NSNN năm 2019); năm 2020 là 254.854 tỷ đồng (chiếm 16,85% tổng thu NSNN năm 2020).
[26] Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, từ khi Luật Đất đai có hiệu lực đến nay, cả nước có 3.177.936 giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với trên 23.292,46 nghìn ha; 81.829 giao dịch cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất với 7.156,29 ha; 4.117.482 giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất với 39.858,05 nghìn ha; 65.446 giao dịch chuyển đổi đất nông nghiệp với 45.093,27 ha; 11.106 giao dịch góp vốn bằng quyền sử dụng đất với trên 4.349,97 ha; 917.850 giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất với 11.776,85 nghìn ha và 442.214 giao dịch thừa kế quyền sử dụng đất với 7.327,66 nghìn ha.
[27] Quyết định số 1839/QĐ-BTNMT ngày 27/8/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quyết định số 2555/QĐ-BTNMT ngày 20/10/2017.
[28] Trong giai đoạn từ 2013-2020, cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 2.361.157 lượt công dân với tổng số 2.250.443 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với 1.423.418 vụ việc trong đó số vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai là 419.202 vụ việc (chiếm 81,6% số vụ việc khiếu nại); tiếp nhận 2.180.665 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó số đơn khiếu nại liên quan đến đất đai là 324.241 đơn (chiếm 62,9 % tổng số đơn khiếu nại); giải quyết 195.592 đơn khiếu nại với 176.529 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền .
Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 2.902 tỷ đồng, trên 326 ha đất, trả lại cho công dân 866 tỷ đồng, trên 458 ha đất; trả lại quyền lợi cho 11.629 người, kiến nghị xử lý hành chính 839 người, chuyển cơ quan điều tra 47 vụ, 192 đối tượng.
[29] Thực hiện Luật Tố cáo 2018, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị, Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 hướng dẫn các địa phương thực hiện kế hoạch kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Đến nay, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm việc tại 10 tỉnh, thành phố, chỉ đạo giải quyết 24 vụ việc. Gồm: Hà Nội (04 vụ việc), Đà Nẵng (01), Đắk Lắk (01), Tiền Giang (01), Đồng Tháp (02), An Giang (06), Hưng Yên (01), Hải Dương (02), thành phố Hồ Chí Minh (05), Lào Cai (01).
[30] Theo Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội hàng năm về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thì tỉ lệ khiếu nại về đất đai qua các năm như sau (2009 là 61%, 2010 là 69,9%, 2011 là 79%, 2012 là 74,7% và năm 2013 là 56,5%. Sau khi có Luật Đất đai 2013 thì năm 2014 là 68,2%, 2015 là 69,5%, 2016 là 65,8%, 2017 là 60,4% và 2018 là 61,8%).
Theo Báo cáo của Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì tỉ lệ, số lượt tiếp, số đơn khiếu nại về đất đai qua các năm như sau: (1) Qua tiếp công dân 2010 là 58,2% (số lượt 2.746 tiếp), 2011 là 58,47% (2.595 lượt), 2012 là 65,2% (2.568 lượt), 2013 là 66,6% (3.300 lượt). Sau khi có Luật Đất đai 2013 thì năm 2014 là 60,15% (4.240 lượt), 2015 là 59,9% (3.938 lượt), 2016 là 63,67% (3.588 lượt), 2017 là 64,3% (2.513 lượt) và 2018 là 58,7% (2.328 lượt). (2) Qua xử lý đơn thư 2010 là 78,7% (4.206 đơn), 2011 là 76,9% (3.546 đơn), 2012 là 74,8% (3.166 đơn), 2013 là 74% (4.146 đơn). Sau khi có Luật Đất đai 2013 thì năm 2014 là 64,6% (2.828 đơn), 2015 là 68% (2.762 đơn), 2016 là 65,5% (2.170 đơn), 2017 là 62,5% (1.972 đơn) và 2018 là 65,5% (2.358 đơn).
[31] Báo cáo số 47/BC-TA ngày 20 tháng 10 năm 2020 của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao về công tác của các toà án trong nhiệm kỳ quốc hội khóa XIV.
[32] Một số cuộc thanh tra về đất đai được Thanh tra Chính phủ thanh tra trong thời gian qua như: (1) thanh tra các dự án đầu tư trên Bán đảo Sơn Trà và Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (TP. Đà Nẵng); (2) thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch; (3) thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD); (4) thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và một số đơn vị thành viên; (5) thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam và một số đơn vị thành viên; (6) thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; (7) thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; (8) thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong việc xác định giá bán và tổ chức bán đấu giá Công ty TNHH MTV xuất khẩu nông sản thực phẩm Hà Nội; (9) thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; (10) Kiểm tra, rà soát việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý quy hoạch, giao đất, thực hiện đầu tư các dự án thuộc khu tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh; (11) thanh tra một số nội dung đối với Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; (12) các cuộc thanh tra chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, về công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Long, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng…
[33] Từ năm 2013 đến năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã theo dõi 43 Kết luận thanh tra có liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có 09 Kết luận thanh tra có kiến nghị thu hồi đất với tổng diện tích là 4.829,04 ha. Đến nay các cơ quan, đơn vị đã thực hiện thu hồi được 4.684,63 ha, đạt tỷ lệ 97%. Riêng giai đoạn từ năm 2013-2018, Thanh tra Chính phủ thực hiện 04 kết luận thanh tra thu hồi về ngân sách nhà nước, xử lý khác về kinh tế là hơn 223 tỷ đồng (đạt 14%), xử lý hành chính 35 tập thể, 39 cá nhân.
[34] Bao gồm: Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lai Châu, Điện Biên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắc Nông, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long.
[35] Doanh thu năm 2016 của một số tỉnh, thành phố đạt khá cao như: Hà Nội đạt 246 tỷ đồng, Bình Dương đạt 160 tỷ đồng, Vĩnh Long đạt 18 tỷ đồng, Đồng Nai đạt trên 100 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế đạt trên 50 tỷ đồng...
[36] Giai đoạn năm 2013 đến năm 2020, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 2.677 cuộc thanh tra về lĩnh vực đất đai, phát hiện vi phạm số tiền 2.098.011 triệu đồng, 22.905 ha đất; đã kiến nghị thu hồi 1.502 tỷ đồng, 6.499 ha đất; kiến nghị, xử lý khác 595.260 triệu đồng, 16.456 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2.774 tập thể và 13.260 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 84 vụ việc, 41 đối tượng.
[37] Theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch thì trong hệ thống quy hoạch quốc gia chỉ có quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì tích hợp vào quy hoạch tỉnh; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì thực hiện trên bản đồ tỷ lệ nhỏ, không đủ chi tiết đến từng thửa đất.
[38] Công tác dự báo chưa tính hết sự biến động của thị trường quyền sử dụng đất, năng lực, khả năng thực hiện của các chủ đầu tư.
[39] Quy định về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới chỉ phản ánh diện tích đất đai dựa trên nhu cầu sử dụng của các ngành và các địa phương theo chỉ tiêu diện tích đất, chưa quy định theo hướng dẫn phân vùng để bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch khác.
[40] Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, tổng diện tích thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là 53.844,89 ha thu được 260.964,26 tỷ đồng, thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất là 2.080,25 ha thu được 2.755,89 tỷ đồng, không thông qua đấu giá quyền qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất là 169.094,20 ha thu được 236.576,86 tỷ đồng.
[41] Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW số 599/BC-KTNN ngày 10/6/2021 của Kiểm toán Nhà nước.
[42] Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW số 599/BC-KTNN ngày 10/6/2021 của Kiểm toán Nhà nước.
[43]Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: (i) về diện tích đất bị lấn chiếm, tổng diện diện tích đất tại 3 Tập đoàn, Tổng công ty (Tập đoàn Cao su, Tổng Công ty Lâm nghiệp, Tổng Công ty Chè) bị lấn chiếm là 19.855,72 ha, trong đó, chưa giải quyết dứt điểm là 18.241,61 ha. (ii) về diện tích đất đai bị chồng lấn, tranh chấp: Tổng diện tích đất tại 3 Tập đoàn kể trên bị chồng lấn, tranh chấp là 2.958,20 ha, trong đó chưa giải quyết dứt điểm là 2.844,49 ha.
[44] Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay đã có 3.691 dự án với diện tích là 105,86 nghìn ha đất thực hiện theo phương thức thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện (trong đó có 3.395 dự án đã thỏa thuận được chiếm tỷ lệ 91,98% và 296 dự án không triển khai được dự án do chưa thỏa thuận được hết diện tích đất chiếm tỷ lệ 8
a2%), trong đó có 25/61 tỉnh, thành phố không có trường hợp không triển khai được dự án do chưa thỏa thuận được hét diện tích đất, có 11 tỉnh, thành phố còn vướng mắc không triển khai được dự án do chưa thỏa thuận được hết diện tích đất, dao động từ 1,33% đến 8,75 % số hộ chưa thỏa thuận được trên tổng số 12.966 hộ gia đình, cá nhân.
[45] Thu từ tiền sử dụng đất chiếm 67,26% và tiền thuê đất chiếm 15,23%.
[46] Như thu giá trị đất đai tăng thêm không do đầu tư của chủ sử dụng đất mang lại; thu tiền sử dụng các khoảng không gian ngầm, khoảng không trên mặt đất, thu giá trị đất đai thông qua cơ chế
“góp đất, tái điều chỉnh đất đai”.
[47] số vụ án liên quan tới đất đai chiếm trên 70% số vụ án được xét xử hàng năm. Các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai vẫn chiếm 60% trong tổng số số đơn thư khiếu nại. Các kiến nghị đối với sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai nhất là tại một số Tổng công ty, Tập đoàn lớn của Nhà nước... còn kéo dài, khó xử lý dứt điểm.
[48] Ngày 13/4/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1558/QĐ-BNN-TCLN về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2020, hiện nay toàn quốc có 14.677.215 ha rừng, trong đó: rừng tự nhiên: 10.279.185 ha; rừng trồng 4.398.030 ha; diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ: 13.919.557 ha, tỷ lệ che phủ là 42,01%.
[49] Theo Báo cáo số 1754/BC-BKHĐT ngày 30/3/2021 của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến hết tháng 12/2020, đã quy hoạch 575 KCN với diện tích 219,5 ngàn ha (chiếm 0,66% tổng diện tích đất cả nước). Đã có 392 KCN được thành lập với tổng diện tích đất 119,9 ngàn ha, trong đó có 286 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 85,2 ngàn ha, diện tích có thể cho thuê đạt 56,4 ngàn ha tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 73,1%; có 18 Khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tinh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích 853 ngàn ha.
[50] Đến hết tháng 4/2021, các KCN, KKT đã thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đâu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỷ đồng và 230,2 tỷ USD.
[51] Theo số liệu thống kê, bình quân dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản trong 05 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế). Tỷ trọng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản giảm dần trong 05 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019 và giảm còn 6,3% trong Quý I/2020.
[52] Qua số liệu thống kê về vốn đầu tư nước ngoài trong 5 năm trở lại đây cho thấy lĩnh vực kinh doanh bất động sản luôn là một trong những lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài (đứng thứ 2 trên tổng số 17 lĩnh vực về thu hút đầu tư nước ngoài, sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo), đạt khoảng 17,63 tỷ USD.
[53] Diện tích tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2014 ban hành Theo Quyết định số 2712/QĐ-BTNMT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và công bố kết quả kiểm kê diện tích đất đai năm 2014
[54] Diện tích tính đến. hết ngày 31 tháng 12 năm 2019 ban hành theo Quyết định số 1435/QĐ-BTNMT ngày 22 tháng 07 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và công bố kết quả kiểm kê diện tích đất đai năm 2019
[55] Theo Biểu 01/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 1432/QĐ-BTNMT ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội
[56] Theo Biểu 02/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 1432/QĐ-BTNMT ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội
[57] Theo Biểu 04/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 1432/QĐ-BTNMT ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội
[58] Theo Biểu 05/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 1432/QĐ-BTNMT ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Ngày ban hành:
Số hiệu:
Mô tả:
Tài liệu kèm theo Dự thảo Luật trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
A1101-TTr350-CP-ve-DA-Luat-Dat-dai-sd---20220930095948.doc
Kính gửi: Quốc hội
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ đã triển khai việc tổng kết thi hành Luật Đất đai, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao (Nghị quyết số 18-NQ/TW) và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chính phủ đã có Tờ trình số 307/TTr-CP ngày 07/9/2022 trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Thực hiện ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 22/9/2022, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ kính trình Quốc hội các nội dung chính của dự án Luật như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH
1. Cơ sở thực tiễn
Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy sau gần 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm; việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua giao đất, cho thuê đất còn bất cập; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện; xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp, dẫn đến mất đất, giảm độ màu mỡ, thoái hóa đất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống của người dân; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế.
Nguyên nhân là do đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; chính sách, pháp luật còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa được thực hiện tốt; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
2. Cơ sở chính trị, pháp lý
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
[1], Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII
[2], Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
[3], Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế
[4], Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030
[5] và Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị
[6] đều đặt ra yêu cầu về hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai để quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Đặc biệt, Nghị quyết số 18-NQ/TW với 05 quan điểm, 03 mục tiêu tổng quát, 06 mục tiêu cụ thể, 06 nhóm giải pháp và 08 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi
[7] là định hướng chính trị quan trọng cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.
Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT
1. Mục đích
- Hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) thống nhất điều chỉnh các quan hệ quản lý, sử dụng đất đai; tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiến tạo động lực mới để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
- Giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và tổng kết thi hành Luật Đất đai. Tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế,... Đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.
- Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
2. Quan điểm
- Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng lớn đến việc thực thi quy định của nhiều luật khác. Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; thống nhất trong tổng thể các mối quan hệ pháp lý khác có liên quan đến đất đai.
- Đảm bảo sự nhất quán, ổn định, kế thừa của hệ thống pháp luật đất đai; phát triển các quy định đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai.
- Đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng và không gian sử dụng.
- Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững.
- Hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.
III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT
Ngày 04/8/ 2020[8], Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để triển khai việc tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 song song với tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW củaBan Chấp hành Trung ương Khoá XI[9].
Thực hiện Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ giaoBộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng Dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế[10].
Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ban cán sự đảng Chính phủ đã họp cho ý kiến về những định hướng hoàn thiện nội dung quan trọng cần thể chế trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật được gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),..; đăng tải trên Cổng thông tin để lấy ý kiến theo quy định.Cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; phối hợp với VCCI tổ chức Hội nghị lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội bất động sản, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.
Ngày 10/8/2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định và có báo cáo số 133/BCTĐ-BTP ngày 15/8/2022 về thẩm định dự án Luật. Ngày 24/8/2022, Chính phủ đã họp cho ý kiến về nội dung của dự án Luật và ban hành Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 30/8/2022.
Với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban của Quốc hội đã chủ trì nhiều lần làm việc với Cơ quan soạn thảo để cho ý kiến về các định hướng, chính sách lớn trong quá trình soạn thảo.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và đã có Tờ trình số 307/TTr-CP ngày 07/9/2022 trình Quốc hội.
Ngày 16/9/2022, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra sơ bộ và lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự án Luật tại phiên họp chuyên đề về pháp luật ngày 22/9/2022.
Trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Với tính chất quan trọng của dự án Luật, thông qua cơ chế phối hợp từ sớm, từ xa của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan soạn thảo, hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
IV. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT
Về bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Các chương được sắp xếp, bố cục lại cụ thể như sau:
Chương I. Quy định chung (gồm 13 điều, từ Điều 1 đến Điều 13)
Chương II. Quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai (gồm 21 điều, từ Điều 14 đến Điều 34)
Chương III. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (gồm 27 điều, từ Điều 35 đến Điều 61)
Chương IV. Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai (gồm 6 điều, từ Điều 62 đến Điều 67)
Chương V. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (gồm 17 điều, từ Điều 68 đến Điều 84)
Chương VI. Thu hồi đất, trưng dụng đất (gồm 12 điều, từ Điều 85 đến Điều 96)
Chương VII. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (gồm 22 điều, từ Điều 97 đến Điều 118)
Chương VIII. Phát triển quỹ đất (gồm 6 điều, từ Điều 119 đến Điều 124)
Chương IX. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (gồm 14 điều, từ Điều 125 đến Điều 138)
Chương X. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gồm 13 điều, từ Điều 139 đến Điều 156)
Chương XI. Tài chính về đất đai, giá đất (gồm 12 điều, từ Điều 157 đến Điều 168)
Chương XII. Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (gồm 6 điều, từ Điều 169 đến Điều 174)
Chương XIII. Chế độ sử dụng các loại đất (gồm 49 điều, từ Điều 175 đến Điều 223)
Chương XIV. Thủ tục hành chính về đất đai (gồm 4 điều, từ Điều 224 đến Điều 227)
Chương XV. Giám sát; thanh tra, kiểm tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai (gồm 14 điều, từ Điều 228 đến Điều 241)
Chương XVI. Điều khoản thi hành (gồm 4 điều, từ Điều 242 đến Điều 245)
2. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật
2.1. Những chính sách mới của dự thảo Luật
Dự thảo Luật đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 03 mục tiêu tổng quát, 06 mục tiêu cụ thể, 06 nhóm giải pháp và 08 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, cụ thể:
(1) Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
(2) Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm và quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định. Quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương; tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
(3) Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn. Quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận để phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội và các cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn.
(4) Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất. Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.
(5) Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch. Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Thể chế chính sách ưu đãi thông qua việc miễn, giàm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các đối tượng chính sách.
(6) Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Hoàn thiện các chế định về điều tiết của nhà nước để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững. Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.
(7) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất. Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Có các quy định để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường và giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc.
(8) Quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.
(9) Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực.
(10) Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.
2.2. Các nội dung chính của Dự thảo Luật như sau:
(1) Chương I. Quy định chung
Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW, phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Điều 4 quy định về áp dụng pháp luật theo hướng quy định cụ thể phải áp dụng Luật Đất đai đối với trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với các luật khác; phân định rõ phạm vi áp dụng Luật này và các luật: đấu thầu, đấu giá tài sản, quản lý sử dụng tài sản công...
Sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất tại Điều 6 để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đầu tư; bổ sung đất chăn nuôi tập trung vào nhóm đất nông nghiệp, sửa đổi làm rõ đã nông nghiệp khác để tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện trong phân loại đất tại Điều 11.
Kế thừa, hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai năm 2013 về các nguyên tắc sử dụng đất, bổ sung nguyên tắc bảo vệ đất, thích ứng với biến đổi khí hậu vào Điều 7; quy định trách nhiệm của người được Nhà nước giao đất quản lý (Điều 9); bổ sung các quy định khuyến khích việc sử dụng đất đai có hiệu quả, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn, phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất, phát triển công trình ngầm, công trình trên không theo quy hoạch (Điều 10).
Thể chế hóa chủ trương
siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật đã bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm như: Nhận chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật, không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, sử dụng Quỹ phát triển đất không đúng mục đích tại Điều 13.
(2) Chương II. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, Công dân đối với đất đai
+ Quyền quyết định của Nhà nước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định mục đích sử dụng đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất, quyết định chính sách tài chính về đất đai, điều tiết thị trường quyền sử dụng đất, điều tiết nguồn thu từ đất, quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất,...(từ Điều 14 đến Điều 28).
+ Trách nhiệm của Nhà nước; những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất (Điều 23, Điều 25)
+ Trách nhiệm của Nhà nước trong tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất để sản xuất không chỉ trong nông nghiệp mà trong sản xuất, kinh doanh để đảm bảo sinh kế, phù hợp với tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực tế quỹ đất ở địa phương (Điều 24).
+ Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai (Điều 27). Phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương(Điều 29, Điều 30).
+ Bổ sung 01 điều quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham gia ý kiến đối với dự án có sử dụng đất do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; trường hợp thu hồi đất; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất; tham gia xây dựng bảng giá đất, hội đồng thẩm định giá đất; tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp về đất đai theo quy định của pháp luật (Điều 28).
- Bổ sung, hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước về đất đai để bảo đảm thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường theo quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW (Điều 27).
- Bổ sung 01 mục mới (mục 3, từ Điều 32 đến Điều 34)quy định về quyền và nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai, bao gồm: quyền tiếp cận đất đai, quyền của công dân trong tham gia xây dựng chính sách pháp luật về đất đai theo quy định của pháp luật; góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về đất đai; quyềntiếp cận thông tin đất đai, quyền tham gia, giám sát việc quản lý, sử dụng đất và các nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai nhằm thể chế quan điểm của Đảng về “Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững” và làm rõ nội hàm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đã được khẳng định trong Hiến pháp.
(3) Chương III. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về thương mại hóa quyền sử dụng đất và cơ bản thực hiện thuê đất trả tiền hàng năm; cơ chế góp đất, giao dịch qua sàn, dự thảo Luật đã quy định:
- Bổ sung quy định quyền của người sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm được thế chấp, bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất, cho thuê lại quyền thuê đất (Điều 44).
- Bổ sung quyền và nghĩa vụ sử dụng đất để xây dựng công trình trên không (Điều 47).
- Bổ sung quy định việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản thông qua sàn giao dịch theo quy định của Chính phủ (Điều 57).
- Quy định tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải sử dụng đất theo quy hoạch; phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, thời hạn, tiến độ sử dụng đất (Điều 57); hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải sử dụng đúng mục đích, trường hợp chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (Điều 181) để bảo đảm kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Bổ sung quy định tổ chức, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất do được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo đất đai cho đồng bào dân tộc (Điều 60).
(4) Chương IV. Địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai
Thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất; thống kê, kiểm kê đất đai; giám sát sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo và phục hồi chất lượng đất nhằm quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng đất phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở sử dụng đất bền vững.
Dự thảo Luật quy định cụ thể
hoạt động điều tra, đánh giá đất đai; bảo vệ cải tạo, phục hồi đất đai; tổ chức thực hiện điều tra đánh giá đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất (từ Điều 62 đến Điều 67).
(5) Chương V. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW dự thảo Luật quy định:
- Nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất theo hướng quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả (Điều 68).
- Quy định tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh là 50 năm; tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 30 năm; tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 20 năm (Điều 70). Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và các địa phương có biển được lập bao gồm cả phần đất có mặt nước ven biển (Điều 75).
- Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất, hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là hệ thống đồng bộ, thống nhất được thiết lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện; thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai.
- Tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối trong các khu vực quy hoạch; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
- Bổ sung quy định về tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 76).
- Hoàn thiện quy định về xử lý chuyển tiếp theo hướng phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi), trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải kế thừa nội dung phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; trường hợp quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh chưa được phê duyệt thì tiếp tục sử dụng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh để thực hiện công tác quản lý đất đai (Điều 84).
(6) Chương VI. Thu hồi đất, trưng dụng đất
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về quy định cụ thể thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dự thảo Luật đã quy định:
- Quy định rõ nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là: các dự án phát huy nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chính sách về phát triển hạ tầng, đô thị, nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, phân bổ công bằng, hài hòa giá trị tăng thêm từ đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhằm phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
- Quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.
- Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án: nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để Nhà nước thu được giá trị tăng thêm điều tiết lợi ích tổng thể cho toàn xã hội và người sử dụng đất; thực hiện điều tiết thị trường thông qua quan hệ cung - cầu;...dự án lấn biển do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho hoạt động khoáng sản; dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn gồm dự án để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân; hoặc để di dời các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định hoặc để bố trí tái định cư; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và không phù hợp với quy hoạch (Điều 86).
- Bổ sung, quy định cụ thể hơn một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai gồm: thu hồi đất được giao, cho thuê không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà không nộp thuế tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất và đã bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (Điều 88).
- Quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đi trước một bước so với quyết định thu hồi đất; bổ sung làm rõ trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quy định đối với trường hợp thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất thì trong phương án bồi thường phải xác định quỹ đất bố trí tái định cư, bồi thường bằng đất trong khu vực dự án và phải thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với người có đất thu hồi trước khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 93).
- Sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất tại Điều 95, cụ thể: (1) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật; (2) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.
(7) Chương VII. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi, dự thảo Luật đã kế thừa các quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp đồng thời sửa đổi bổ sung các quy định:
- Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương. Việc tổ chức xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất (Điều 97).
- Cụ thể hóa nguyên tắc “có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật: đường giao thông đảm bảo kết nối giao thông liên kết với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường; hạ tầng xã hội: đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ. Địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi; tại địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất thu hồi, địa bàn khác có điều kiện tương đương tại địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất thu hồi không có đất để bố trí tái định cư (Điều 114).
- Bổ sung quy định đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng thì được bồi thường theo bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương mà không phân biệt mức độ bị thiệt hại nhà ở, công trình và trách nhiệm ban hành bảng đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, công trình xây dựng (Điều 107).
- Bổ sung quy định về hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất từ nguồn kinh phí được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương; đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (Điều 113).
- Quy định cụ thể và mở rộng về thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đại diện của người sử dụng đất có đất bị thu hồi…để đảm bảo sự khách quan, minh bạch, sự tham gia của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Điều 92)
- Quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm và cách thức tổ chức họp dân, tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của người dân cũng như việc xem xét, thể hiện các góp ý của người dân trong kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Điều 93).
- Bổ sung quy định lấy ý kiến chủ sở hữu tài sản để phù hợp với trường hợp người sở hữu tài sản không đồng thời là người sử dụng đất nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người có tài sản bị thu hồi (Điều 93).
- Luật hóa quy định về chi phí đầu tư vào đất còn lại của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được triển khai phù hợp với thực tiễn (Điều 99).
- Quy định tại Điều 118 việc quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đồng thời với phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư thông qua việc tách nội dung thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thành dự án riêng để thực hiện trước khi thực hiện dự án đầu tư.
(8) Chương VIII. Phát triển quỹ đất
Thể chế hóa chủ trương của của Nghị quyết số 18-NQ/TW về hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Dự thảo Luật đã bổ sung một Chương mới gồm 6 Điều (từ Điều 119 đến Điều 124) nhằm xây dựng cơ chế phát triển quỹ đất, bảo đảm sự chủ động của Nhà nước trong việc phân bổ đất đai theo quy hoạch, chủ động quỹ đất điều tiết thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu cho ngân sách nhà nước với các nội dung sau đây:
- Quy định Nhà nước đầu tư phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; việc phát triển quỹ đất được thực hiện theo dự án đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phải đúng mục đích, công khai, minh bạch, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; quy định đất đưa vào để tạo quỹ đất. Các hình thức phát triển quỹ đất thông qua thực hiện dự án thu hồi đất vùng phụ cận của các dự án, công trình xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn hoặc dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngân sách của Nhà nước (Điều 120).
- Sửa đổi, bổ sung quy định Quỹ phát triển đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập để ứng vốn cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thực hiện dự án tạo quỹ đất... đồng thời, quy định rõ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất tại Điều 121 dự thảo Luật.
- Quy định giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất quản lý quỹ đất phục vụ Nhà nước giao, cho thuê thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có tránh nhiệm phối hợp với Tổ chức phát triển quỹ đất trong việc quản lý, bảo vệ để không bị lấn, chiếm đất. Trường hợp quỹ đất chưa giao, cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư thì Tổ chức phát triển quỹ đất được cho các tổ chức, cá nhân thuê ngắn hạn để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai (Điều 122).
- Sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất tại Điều 123 theo hướng: Tổ chức phát triển quỹ đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định việc thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại các Tổ chức phát triển quỹ đất hiện có tại địa phương.
Đặc biệt, thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo bổ sung Điều 124 quy định về ngân hàng đất nông nghiệp để thực hiện chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.
(9) Chương IX. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất
- Hoàn thiện căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 125); hoàn thiện bổ sung đối tượng được giao đất không thu tiền là người sử dụng đất để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ (Điều 127); đối tượng giao đất có thu tiền là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được giao đất ở do được bồi thường hoặc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 128).
- Quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất; Luật hóa quy định về giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt (Điều 134).
- Quy định rõ tiêu chí, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại Điều 131 đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; dự án đầu tư vào khu vực hạn chế sử dụng đất; năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư; ký quỹ hoặc các hình thức bảo đảm khác theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác trên địa bàn cả nước.
- Quy định rõ tiêu chí đấu thầu dự án có sử dụng đất gồm: cho thuê đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có mục đích kinh doanh; giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng; các trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất mà có từ 02 nhà đầu tư quan tâm trở lên; Dự án điều chỉnh đất đai để chỉnh trang và phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp cần lựa chọn nhà đầu tư; Dự án đô thị, nhà ở thương mại có quy mô từ 50 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 20 ha trở lên tại khu vực đô thị.
- Quy định trường hợp đấu giá đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp được 100% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Về tăng cường phân cấp, phân quyền, dự thảo Luật đã quy định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích đối với các dự án có sử dụng vào đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định (Điều 131).
- Về sử dụng đất của các tổ chức tôn giáo: Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo. Đối với diện tích tổ chức tôn giáo sử dụng vào các mục đích khác thì phải trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định của Luật này (Điều 127, Điều 213).
(10) Chương X. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
+ Quy định người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất phải đăng ký giá đất, tài sản trên đất theo quy định của Chính phủ (Điều 143).
+ Bổ sung quy định về đăng ký khi có sự thay đổi về quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không (Điều 144).
+ Quy định về đăng ký đất đai trên môi trường điện tử (đăng ký trực tuyến) tại Điều 172.
+ Bổ sung chế tài đủ mạnh để làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đăng ký đất đai, đồng thời ngăn chặn các trường hợp giao dịch mà không thực hiện đăng ký theo quy định của pháp luật.
- Để giải quyết những vướng mắc bất cập trong thực tiễn, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định:
+ Hoàn thiện quy định về công nhận quyền đối với hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất (Điều 147).
+ Sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
+ Quy định về việc Nhà nước tạo điều kiện cấp Giấy chứng nhận chuyển từ hộ gia đình được cấp đổi sang ghi đầy đủ tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận (Điều 153).
Việc sửa đổi, bổ sung các nội dung nêu trên nhằm phân định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc hoàn thành đăng ký đất đai đối với tất cả các thửa đất, tăng cường trách nhiệm của người sử dụng đất thông qua việc quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, người được giao đất quản lý; quy định chế tài xử lý mạnh mẽ đối với chính quyền địa phương các cấp không thực hiện tổ chức đăng ký đất đai bắt buộc; đối với người sử dụng đất, người được giao đất quản lý không hoặc chậm thực hiện việc đăng ký, ngăn chặn các trường hợp giao dịch không thực hiện đăng ký (giao dịch ngầm); quy định rõ trách nhiệm trong từng khâu giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đã xác lập các giấy tờ để làm thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.
(11) Chương XI. Tài chính về đất đai, giá đất
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô v.v, cụ thể như sau:
- Dự thảo Luật bỏ quy định khung giá đất của Chính phủ, đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất định giá, theo thời hạn sử dụng đất, phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định (Điều 163).
- Quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm và được áp dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí… (Điều 164).
- Bổ sung trình tự xây dựng bảng giá đất, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong xây dựng bảng giá đất; việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất (Điều 164).
- Quy định mở rộng thành phần Hội đồng thẩm định giá đất, ngoài các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân, còn có đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, chuyên gia về giá đất để đảm bảo tính độc lập khách quan trong quá trình định giá (Điều 166).
- Bổ sung quy định tại Điều 3 dự thảo Luật làm rõ các khái niệm “vùng giá trị đất”, “giá thửa đất chuẩn”.
- Rà soát hoàn thiện các quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, bổ sung các trường hợp miễn, giảm theo lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, đối tượng chính sách như người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số,…(Điều 162);
- Về giá đất cụ thể, dự thảo quy định phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đối với khu vực đã có bảng giá đất tới từng thửa đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn thì việc định giá đất cụ thể được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm định giá (Điều 165).
- Bổ sung quy định về điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về ngân sách trung ương để hỗ trợ cho phát triển; quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương quy định mức điều tiết để hỗ trợ cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và cho người có đất bị thu hồi (Điều 158).
(12) Chương XII. Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai
Ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Nghị quyết số 18-NQ/TW, chương này có sửa đổi, bổ sung các nội dung sau đây:
- Bổ sung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 169 về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; quy định cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại khoản 1 và khoản 3 Điều 170.
- Bổ sung quy định về cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai tại Điều 172 dự thảo Luật.
- Quy định trách nhiệm trong việc xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tại khoản 1 và khoản 3 Điều 174.
(13) Chương XIII. Chế độ sử dụng các loại đất.
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về đối tượng và hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, quản lý sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp với phát triển kinh tế, đất đa mục đích, đất lấn biển, công trình trên không, công trình ngầm, đất nông nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường..., dự thảo Luật đã quy định:
- Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bổ sung quy định quy định các tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải sử dụng đúng mục đích, trường hợp chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (Điều 181).
- Quy định về chế độ quản lý sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi được sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động (Điều 185).
- Bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (Điều 186). Quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp (Điều 195, Điều 196).
- Quy định về việc sử dụng đất kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội, công an (Điều 203).
- Luật hoá một số quy định liên quan đến chế độ sử dụng đất có mặt nước là ao, hồ, đầm (Điều 192); đất bãi bồi ven sông, ven biển (Điều 194).
- Bổ sung làm rõ đất sử dụng hỗn hợp, đất sử dụng kết hợp trong chế độ sử dụng đất đa mục đích (Điều 219); bổ sung hoàn thiện hơn cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất để áp dụng trong các trường hợp tập trung đất nông nghiệp; thực hiện chỉnh trang, phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn (Điều 220).
- Bổ sung quy định chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm bàn giao quỹ đất dành cho doanh nghiệp, vừa và nhỏ, …cho Tổ chức phát triển quỹ đất để quản lý phục vụ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất, cho thuê đất theo quy định (Điều 204).
- Bổ sung chế độ sử dụng đất không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình trên không (Điều 217).
- Quy định các trường hợp sử dụng đất đa mục đích, nguyên tắc chung đối với việc sử dụng đất đa mục đích (Điều 219).
(14) Chương XIV. Thủ tục hành chính về đất đai
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính..., dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai (Điều 225). Quy định cụ thể: các thủ tục hành chính về đất đai (thủ tục gia hạn sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai); việc công khai thủ tục hành chính về đất đai (nội dung công khai, hình thức công khai) và việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (Điều 226).
(15)Chương XV. Giám sát; thanh tra, kiểm tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai
Ngoài nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW, khắc phục khâu yếu trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết hiệu quả những tồn tại hạn chế hiện nay, dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung các nội dung:
- Bổ sung quy định kiểm toán về đất đai, theo đó dự thảo quy định đối tượng phạm vi kiểm toán, nội dung kiểm toán và trách nhiệm thực hiện kiểm toán (Điều 230).
- Sửa đổi quy định về theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai và trách nhiệm quản lý hệ thống theo dõi và đánh giá (Điều 231, Điều 232).
- Bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai (Điều 233).
- Bổ sung quy định hòa giải tranh chấp đất đai đối với địa bàn cấp huyện không thành lập đơn vị hành chính cấp xã; bổ sung thêm hình thức đối thoại, hòa tại Tòa án nhân dân (Điều 234); tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại (Điều 235).
- Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (Điều 236).
- Quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND từng cấp đối với việc chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn (Điều 240).
(16) Chương XVI. Tổ chức thực hiện
Chương này gồm 04 điều quy định về chuyển tiếp, đảm bảo điều kiện thi hành Luật, trách nhiệm tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành.
V. TÍNH THỐNG NHẤT VỚI CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CÓ LIÊN QUAN; TÍNH TƯƠNG THÍCH VỚI CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ LIÊN QUAN
Để bảo đảm tính thống nhất của Luật Đất đai với các luật, bộ luật có liên quan, Chính phủ đã tiến hành rà soát 112 luật, bộ luật có quan hệ với dự thảo Luật Đất đai (báo cáo cụ thể gửi kèm theo).
Nội dung dự thảo Luật đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các cam kết quốc tế trong lĩnh vực có liên quan.
VI. DỰ KIẾN NGUỒN LỰC, ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO VIỆC THI HÀNH LUẬT SAU KHI ĐƯỢC THÔNG QUA
1. Dự kiến nguồn lực
Trong những năm qua, tổ chức bộ máy trong lĩnh vực quản lý đất đai bước đầu khai thác hiệu quả nguồn lực đất cho phát triển kinh tế xã hội, tạo nguồn thu, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Để bảo đảm nguồn lực cho việc tổ chức thi hành Luật, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn nhằm phát huy hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước về đất đai, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giảm bớt khiếu kiện về đất đai, dự thảo Luật đã bổ sung một điều quy định về điều kiện bảo đảm thi hành Luật Đất đai, trong đó giao Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm bố trí ngân sách nhà nước, các nguồn lực khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo tổ chức thi hành Luật này.
2. Điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Luật
Điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Luật bao gồm:
- Bảo đảm nguồn lực thực hiện: Tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý đất đai; bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các quy định trong Luật, ngoài nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, huy động nguồn lực từ cơ quan, đơn vị và địa phương, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế hoặc lồng ghép vào các chương trình, dự án khác để có nguồn kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện Luật.
- Tuyên truyền, phổ biến: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thực hiện xây dựng nội dung tuyên truyền liên quan đến thi hành Luật đến các cơ quan, tổ chức và người dân, giúp hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời để thực hiện.
- Kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thực hiện: Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thi hành Luật.
VII. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XIN Ý KIẾN
Trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, Chính phủ xin báo cáo Quốc hội cụ thể như sau:
Quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau, cụ thể:
- Đa số ý kiến thống nhất như dự thảo Luật, mở rộng không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, đồng thời giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng đất đai để quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp.
- Có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong Luật Đất đai mà giao địa phương quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
2. Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa
Quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau, cụ thể:
- Đa số ý kiến thống nhất như dự thảo Luật, không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Đồng thời, quy định các quy định để kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng đối tượng là tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa vì có tác động đến chủ trương đảm bảo đất sản xuất cho người nông dân. Đồng thời, tổ chức kinh tế không phải chuyển sang hình thức thuê đất.
3. Bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”
Tại Điều 44 và Điều 58 dự thảo Luật đã bổ sung quyền đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm, theo hướng cho phép chuyển nhượng, thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê và bổ sung “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”. Quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau, cụ thể:
- Đa số ý kiếnthống nhất như dự thảo Luật, bổ sung quyền chuyển nhượng, thế chấp tài sản gắn liền với đất và “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm” để thể chế chủ trương tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW về “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất”, “cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm”.
- Có ý kiếnđề nghị không quy định nội dung này vào dự thảo Luật vì nếu quy định như vậy sẽ thiếu công bằng giữa các trường hợp thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hàng năm; nhà đầu tư có thể lợi dụng chính sách này để vay vốn ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ, dẫn đến mất an toàn hệ thống tín dụng; lợi dụng để chuyển nhượng mà không có đầu tư.
Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.
Hồ sơ dự án Luật Đất đai bao gồm: (1) Tờ trình Quốc hội, (2) Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), (3) Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, (4) Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, (5) Bảng tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương, (6) Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai năm 2013 và định hướng sửa đổi Luật Đất đai, (7) Báo cáo đánh giá tác động chính sách, (8) Báo cáo kết quả rà soát dự thảo Luật Đất đai với các luật có liên quan, (9) Báo cáo lồng ghép giới, (10) Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai./.
[1] “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính”.
[2] “Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hoá lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất. Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hoá, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất. Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất. Hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất, nước, rừng, biển, khoáng sản và đa dạng sinh học”…
“Phát triển thị trường, đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, tăng cường đăng ký quyền sử dụng đất và áp dụng định giá đất theo thị trường bảo đảm công khai, minh bạch”.
[3] Đã đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về đất đai để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này; công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước; tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn.
[4] “Sửa đổi, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh hạn điền, thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển các vùng thâm canh, chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Rà soát diện tích đất và tình hình đất đã giao cho các chủ sử dụng, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước quy mô lớn. Xử lý triệt để bất cập trong quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, nhất là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán trái pháp luật”
[5] “Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, tài chính, bảo hiểm, tín dụng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất lúa được quy hoạch; cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất lúa, bảo đảm mục tiêu giữ ổn định diện tích đất lúa. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho nông dân, địa phương trồng lúa và doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh lúa gạo; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất lúa. Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và ứng dụng công nghệ cao để quản lý, sử dụng đất trồng lúa hiệu quả, bền vững. Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai”.
[6] Giao Chính phủ là xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị để khắc phục các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị và xây dựng.
[7] Hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.
[8] Quyết định số 1188/QĐ-TTg ngày 04/8/2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng
kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do 01 đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương là Thành viên
[9] Có 22 Bộ, ngành Trung ương và 63/63 địa phương đã gửi Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
[10] Văn bản số 2872/BCA-H02 ngày 11/8/2022 của Bộ Công an và văn bản số 2827/BQP-KTe ngày 18/8/2022 của Bộ Quốc phòng.
Tờ trình về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Ngày ban hành:
Số hiệu:
Mô tả:
Tài liệu kèm theo Dự thảo trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của UBTVQH
1-TTr307-CP-ve-DA-Luat-Dat-dai---20220913090211-1-.doc
Kính gửi: Quốc hội
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ đã triển khai việc tổng kết thi hành Luật đất đai, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao (Nghị quyết số 18-NQ/TW) và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đất đai (sửa đổi). Chính phủ kính trình Quốc hội như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH
1. Cơ sở thực tiễn
Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, sau gần 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm; việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua giao đất, cho thuê đất còn bất cập; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; cải cách hành chính trong quản lý đất đai, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện; xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp, dẫn đến mất đất, giảm độ màu mỡ, thoái hóa đất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống của người dân; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế.
Nguyên nhân là do đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; chính sách, pháp luật còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa được thực hiện tốt; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
2. Cơ sở chính trị, pháp lý
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
[1], Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII
[2] và các Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
[3], Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế
[4], Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 đã đặt ra các định hướng để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời gian tới
[5] và Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị
[6] đều đặt ra yêu cầu về hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, phát huy hiệu quả nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Đặc biệt, Nghị quyết số 18-NQ/TW với 05 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi
[7]. Đây là định hướng Chính trị quan trọng trong sửa đổi Luật đất đai năm 2013.
Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT
1. Mục đích
- Hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) thống nhất điều chỉnh các quan hệ quản lý, sử dụng đất đai; tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
- Giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và tổng kết thi hành Luật Đất đai. Tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế,... Đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; hoàn hiện các chế định thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.
- Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
2. Quan điểm
- Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai.
- Đảm bảo kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật đất đai.
- Đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.
- Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững.
- Hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.
III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT
Ngày 04 tháng 8 năm 2020[8], Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để triển khai việc tổng kết thi hành Luật đất đai năm 2013 song song với tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Chấp hành Trung ương Khoá XI[9].
Thực hiện Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ giaoBộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng Dự án Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế[10].
Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ban cán sự đảng Chính phủ đã họp cho ý kiến về những định hướng lớn thể chế trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật. Dự thảo Luật được gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),..; đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xin ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).Cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; phối hợp với VCCI tổ chức Hội nghị lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội bất động sản, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.
Ngày 10/8/2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định và có báo cáo số 133/BCTĐ-BTP ngày 15/8/2022 về thẩm định dự án Luật.
Ngày 24/8/2022, Chính phủ đã họp cho ý kiến về nội dung của dự án luật và ban hành Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 30/8/2022.
Với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban của Quốc hội đã chủ trì nhiều lần làm việc với Cơ quan soạn thảo, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm để cho ý kiến về các định hướng, chính sách lớn trong quá trình soạn thảo.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Thành viên Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
IV. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT
Về bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 38 điều và bãi bỏ 8 điều. Các chương được sắp xếp, bố cục lại cụ thể như sau:
Chương I. Quy định chung, gồm 13 điều (từ Điều 1 đến Điều 13).
Chương II. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai, gồm 18 điều (từ Điều 14 đến Điều 31).
Chương III. Địa giới hành chính và Điều tra cơ bản về đất đai, gồm 06 điều (từ Điều 32 đến Điều 37).
Chương IV. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gồm 17 điều (từ Điều 38 đến Điều 54).
Chương V. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gồm 14 điều (từ Điều 55 đến Điều 68).
Chương VI. Thu hồi đất, trưng dụng đất, gồm 12 điều (từ Điều 69 đến Điều 80).
Chương VII. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, gồm 22 điều (từ Điều 81 đến Điều 102).
Chương VIII. Phát triển quỹ đất, gồm 06 điều (từ Điều 103 đến Điều 108).
Chương IX. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ở, gồm 17 điều (từ Điều 109 đến Điều 125).
Chương X. Tài chính đất đai, giá đất, gồm 11 điều (từ Điều 126 đến Điều 136).
Chương XI. Hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, gồm 06 điều (từ Điều 137 đến Điều 142).
Chương XII. Chế độ sử dụng các loại đất, gồm 49 điều (từ Điều 143 đến Điều 191).
Chương XIII. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, gồm 27 điều (từ Điều 192 đến Điều 218).
Chương XIV. Thủ tục hành chính về đất đai, gồm 04 điều (từ Điều 219 đến Điều 222).
Chương XV. Giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, gồm 14 điều (từ Điều 223 đến Điều 236).
Chương XVI. Điều khoản thi hành, gồm 04 điều (từ Điều 237 đến Điều 240).
2. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật
2.1. Những chính sách mới của dự thảo Luật
Dự thảo Luật đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, cụ thể:
(1) Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
(2) Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định. Quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương; tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
(3) Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư; quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đào tạo việc làm để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn. Quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận để phát huy ngồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội và các cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn.
(4) Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng bảng giá đất. Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.
(5) Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch. Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Thể chế chính sách ưu đãi thông qua việc miễn, giàm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các đối tượng chính sách.
(6) Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Hoàn thiện các chế định về điều tiết của nhà nước để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững. Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.
(7) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để ngươi sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất. Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Có các quy định quy định để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường và giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc.
(8) Quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.
(9) Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực.
(10) Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.
2.2. Các nội dung chính của Dự thảo Luật như sau:
(1) Chương I. Quy định chung
Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW, phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Điều 4 quy định về áp dụng pháp luật theo hướng quản lý và sử dụng đất đai phải thực hiện theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan. Quy định cụ thể phải áp dụng Luật đất đai đối với trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với các luật khác; phân định rõ phạm vi áp dụng luật này và các luật: đấu thầu, đấu giá tài sản, quản lý sử dụng tài sản công...
Sửa đổi, bổ sung quy định người sử dụng đất tại Điều 6 của Dự thảo Luật để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đầu tư; bổ sung đất chăn nuôi tập trung vào nhóm đất nông nghiệp, sửa đổi làm rõ đã nông nghiệp khác để tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện trong phân loại đất tại Điều 11.
Kế thừa, hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai năm 2013 về các nguyên tắc sử dụng, bảo vệ đất, thích ứng với biến đổi khí hậu vào nguyên tắc sử dụng đất tại Điều 7; quy định trách nhiệm của người Nhà nước giao đất quản lý Điều 9; bổ sung các quy định khuyến khích việc sử dụng đất đai có hiệu quả, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn, phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất, phát triển công trình ngầm, công trình trên không theo quy hoạch tại Điều 10.
Thể chế hóa chủ trương
siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Nghị quyết số 18-NQ/TW dự thảo Luật đã bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm như: nhận quyền sử dụng đất tại các khu vực hạn chế theo quy định của pháp luật, không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng tại Điều 13.
(2) Chương II. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, Công dân đối với đất đai
+ Quyền quyết định của Nhà nước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định mục đích sử dụng đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất, quyết định chính sách tài chính về đất đai, điều tiết thị trường quyền sử dụng đất, điều tiết nguồn thu từ đất, quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất,...(từ Điều 14 đến Điều 22).
+ Những bảo đảm của Nhà nước đối với bảo hộ quyền sử dụng đất tài sản gắn liền với đất và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 23, Điều 24).
+ Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai (Điều 26). Phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương(Điều 28, Điều 29).
- Bổ sung, hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước về đất đai để bảo đảm quản lý Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường theo quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW (Điều 27).
- Bổ sung 01 mục mới (Mục 3, từ Điều 30 đến Điều 31)quy định về quyền và nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai, bao gồm: quyền tiếp cận đất đai, quyềntiếp cận thông tin đất đai, quyền tham gia, giám sát việc quản lý, sử dụng đất và các nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai nhằm thể chế quan điểm của Đảng về “Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững” và làm rõ nội hàm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đã được khẳng định trong Hiến pháp.
(3)Chương III. Địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai
Thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất; thống kê, kiểm kê đất đai; giám sát sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo và phục hồi chất lượng đất nhằm quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng đất phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở sử dụng đất bền vững.
Dự thảo Luật quy định cụ thể
hoạt động điều tra, đánh giá đất đai; bảo vệ cải tạo, phục hồi đất đai; tổ chức thực hiện điều tra đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất (từ Điều 34 đến Điều 37).
(4) Chương IV. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các nội dung: về thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là hệ thống đồng bộ, thống nhất được thiết lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện; đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai; tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối trong các khu vực quy hoạch; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất; quy định chuyển tiếp xử lý các vấn đề phát sinh về quy hoạch khi Luật có hiệu lực (từ Điều 38 đến Điều 54).
(5) Chương V. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất
+ Quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất (Điều 64).
+ Quy định các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất gồm cho thuê đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; cho thuê đất cho đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có kinh doanh; giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng; các trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất mà có từ 02 nhà đầu tư quan tâm trở lên; dự án góp đất, điều chỉnh đất đai để chỉnh trang và phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp cần lựa chọn nhà đầu tư (Điều 65).
+ Nhằm tạo điều kiện tiếp cận đất đai một cách minh bạch, công bằng và phát huy nguồn lực đất đai, dự thảo Luật quy định điều kiện để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để vừa lựa chọn được chủ đầu tư sử dụng đất hiệu quả nhất và vừa đảm bảo thu ngân sách. Quy định quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm đất đã thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đất chưa thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhưng đã đạt được sự đồng thuận của người có đất về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. (Điều 66, Điều 67).
- Thực hiện chủ trương cơ bản cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, dự thảo Luật đã quy định các trường hợp Nhà nước cho thuê đất một lần cho cả thời gian thuê gồm: (1) Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; (2) sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đối với các trường hợp còn lại thì Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.
- Về tăng cường phân cấp, phân quyền, dự thảo Luật đã quy định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích đối với các dự án có sử dụng vào đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định (Điều 61).
- Về sử dụng đất của các tổ chức tôn giáo: Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo. Đối với diện tích tổ chức tôn giáo sử dụng vào các mục đích khác thì phải trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định của Luật này (Điều 57, Điều 181).
- Dự thảo cũng đã hoàn thiện căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 55); hoàn thiện bổ sung đối tượng được giao đất không thu tiền là người sử dụng đất để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ (Điều 57); đối tượng giao đất có thu tiền là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được giao đất ở do được bồi thường hoặc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 58).
(6) Chương VI. Thu hồi đất, trưng dụng đất
- Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về quy định cụ thể thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất gồm: Các dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; để sử dụng vào mục đích công cộng; dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội; dự án tạo quỹ đất theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông để phát triển các khu đô thị, nhà ở thương mại, khu công nghiệp; thương mại, dịch vụ để đấu giá quyền sử dụng đất; dự án lấn biển; dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; dự án sử dụng đất vào mục đích xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường ngoài công lập; dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của tổ chức tôn giáo; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến; khu nuôi trồng gắn với chế biến thủy sản, hải sản; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu bảo tồn, di sản thiên nhiên; dự án để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân; hoặc để di dời các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định hoặc để bố trí tái định cư; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng; dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý (Điều 70).
- Bổ sung, quy định cụ thể hơn một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai gồm: thu hồi đất được giao, cho thuê không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà không nộp thuế tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất và đã bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (Điều 72).
- Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất, dự thảo Luật đã quy định:về trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đi trước một bước so với quyết định thu hồi đất; bổ sung làm rõ trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quy định đối với trường hợp thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất thì trong phương án bồi thường phải xác định quỹ đất bố trí tái định cư, bồi thường bằng đất trong khu vực dự án và phải thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với người có đất thu hồi trước khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 77).
- Sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất tại Điều 79, cụ thể: (1) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật; (2) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.
(7) Chương VII. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi, dự thảo Luật đã kế thừa các quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp đồng thời sửa đổi bổ sung các quy định:
- Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền hoặc bằng đất khác với mục đích sử dụng của đất bị thu hồi hoặc bằng nhà ở, đất ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương. Việc tổ chức xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất (Điều 81).
- Bổ sung quy định đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng thì được bồi thường theo bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương mà không phân biệt mức độ bị thiệt hại nhà ở, công trình và trách nhiệm ban hành bảng đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, công trình xây dựng (Điều 91).
- Bổ sung quy định về hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất từ nguồn kinh phí được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương; đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (Điều 97).
- Quy định cụ thể về khu tái định tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền; có điều kiện để đảm bảo cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ và phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhà ở (Điều 98).
- Quy định tại Điều 102, trường hợp cần thiết, việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Việc quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đồng thời với phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư thông qua việc tách nội dung thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thành dự án riêng để thực hiện trước khi thực hiện dự án đầu tư.
Thể chế hóa chủ trương của của Nghị quyết số 18-NQ/TW về hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chính sách ưu tiên cho người có đất ở bị thu hồi đất được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật. Dự thảo Luật đã bổ sung một Chương mới gồm 6 Điều (từ Điều 103 đến Điều 108) được bổ sung vào dự thảo Luật nhằm xây dựng cơ chế phát triển quỹ đất, bảo đảm sự chủ động của Nhà nước trong việc phân bổ đất đai theo quy hoạch, chủ động quỹ đất điều tiết thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất đối tăng thu cho ngân sách nhà nước với các nội dung sau đây:
- Quy định Nhà nước đầu tư phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; việc phát triển quỹ đất được thực hiện theo dự án đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phải đúng mục đích, công khai, minh bạch, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; quy định đất đưa vào để tạo quỹ đất. Các hình thức phát triển quỹ đất thông qua thực hiện dự án thu hồi đất vùng phụ cận của các dự án, công trình xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn hoặc dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngân sách của Nhà nước (Điều 104).
- Sửa đổi, bổ sung quy định Quỹ phát triển đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập để ứng vốn cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thực hiện dự án tạo quỹ đất... đồng thời, quy định rõ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất tại Điều 105 dự thảo Luật.
- Quy định giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất quản lý quỹ đất phục vụ Nhà nước giao, cho thuê thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có tránh nhiệm phối hợp với Tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, bảo vệ, chống lấn, chiếm đất. Trường hợp quỹ đất chưa giao, cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư thì Tổ chức phát triển quỹ đất được cho các tổ chức, cá nhân thuê ngắn hạn để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả (Điều 106).
- Sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất tại Điều 107 theo hướng: Tổ chức phát triển quỹ đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp công hoặc doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định việc thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại các Tổ chức phát triển quỹ đất hiện có tại địa phương.
Đặc biệt, thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo bổ sung Điều 108 quy định về ngân hàng đất nông nghiệp để thực hiện chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.
(9) Chương IX. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
+ Quy định người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất phải đăng ký giá đất, tài sản trên đất theo quy định của Chính phủ (Điều 113).
+ Bổ sung quy định về đăng ký khi có sự thay đổi về quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không (Điều 114).
+ Quy định về đăng ký đất đai trên môi trường điện tử (đăng ký trực tuyến) tại Điều 140.
+ Bổ sung chế tài đủ mạnh để làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đăng ký đất đai, đồng thời ngăn chặn các trường hợp giao dịch mà không thực hiện đăng ký theo quy định của pháp luật.
- Để giải quyết những vướng mắc bất cập trong thực tiễn, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định:
+ Hoàn thiện quy định về công nhận quyền đối với hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ (Điều 117).
+ Sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
+ Quy định về việc Nhà nước tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận chuyển từ hộ gia đình được cấp đổi sang ghi đầy đủ tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất trên giấy chứng nhận (Điều 122).
Việc sửa đổi, bổ sung các nội dung nêu trên nhằm phân định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc hoàn thành đăng ký đất đai đối với tất cả các thửa đất, tăng cường trách nhiệm của người sử dụng đất thông qua việc quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, người được giao đất quản lý; quy định chế tài xử lý mạnh mẽ đối với chính quyền địa phương các cấp không thực hiện tổ chức đăng ký đất đai bắt buộc; đối với người sử dụng đất, người được giao đất quản lý không hoặc chậm thực hiện việc đăng ký, ngăn chặn các trường hợp giao dịch không thực hiện đăng ký (giao dịch ngầm); quy định rõ trách nhiệm trong từng khâu giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đã xác lập các giấy tờ để làm thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.
(10) Chương X. Tài chính đất đai, giá đất
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, Dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô v.v, cụ thể như sau:
- Dự thảo Luật bỏ quy định khung giá đất của Chính phủ, nguyên tắc định giá đất theo mục đích sử dụng đất định giá, theo thời hạn sử dụng đất, phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định (Điều 132).
- Về bảng giá đất, được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm phù hợp với cơ chế thị trường và được áp dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí… (Điều 133).
- Về giá đất cụ thể, dự thảo quy định phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đối với khu vực đã có bảng giá đất tới từng thửa đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn thì việc định giá đất cụ thể được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm định giá (Điều 134).
- Bổ sung quy định về điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về ngân sách trung ương để hỗ trợ cho phát triển; quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương quy định mức điều tiết để hỗ trợ cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và cho người có đất bị thu hồi (Điều 127).
- Hoàn thiện quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Điều 131 theo hướng làm rõ quy định về miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
(11) Chương XI. Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai
Ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Nghị quyết số 18-NQ/TW, chương này có sửa đổi, bổ sung các vấn đề sau đây:
- Bổ sung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 137 về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; quy định cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại khoản 1 và khoản 3 Điều 138.
- Bổ sung quy định về cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai tại Điều 140 dự thảo Luật.
- Quy định trách nhiệm trong việc xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tại khoản 1 và khoản 3 Điều 142.
(12) Chương XII. Chế độ sử dụng các loại đất.
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về đối tượng và hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, quản lý sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp với phát triển kinh tế, đất đa mục đích, đất lấn biển, công trình trên không, công trình ngầm, đất nông nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường..., dự thảo Luật đã quy định:
- Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
- Quy định về chế độ quản lý sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi được sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động (Điều 153).
- Bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (Điều 154). Quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp (Điều 163, Điều 164).
- Quy định về việc sử dụng đất kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội, công an (Điều 171).
- Bổ sung quy định chủ đầu tư kết cấu hạ khu công nghiệp có trách nhiệm dành quỹ đất công nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng để cho thuê đất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường (Điều 172).
- Bổ sung chế độ sử dụng đất không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình trên không (Điều 185).
- Quy định các trường hợp sử dụng đất đa mục đích, nguyên tắc chung đối với việc sử dụng đất đa mục đích (Điều 187).
(13) Chương XIII. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về thương mại hóa quyền sử dụng đất và cơ bản thực hiện thuê đất trả tiền hằng năm; cơ chế góp đất, giao dịch qua sàn, dự thảo Luật đã quy định:
- Bổ sung quy định quyền của người sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm được thế chấp, bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất, cho thuê lại quyền thuê đất (Điều 201).
- Bổ sung quyền và nghĩa vụ sử dụng đất để xây dựng công trình trên không (Điều 204).
- Bổ sung quy định việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản thông qua sàn giao dịch theo quy định của Chính phủ (Điều 214).
(14) Chương XIV. Thủ tục hành chính về đất đai
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính..., dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai (Điều 220). Quy định cụ thể: các thủ tục hành chính về đất đai (thủ tục gia hạn sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai); việc công khai thủ tục hành chính về đất đai (nội dung công khai, hình thức công khai) và việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (Điều 221).
(15)Chương XV. Giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm pháp luật đất đai
Ngoài nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW, khắc phục khâu yếu trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết hiệu quả những tồn tại hạn chế hiện nay, dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung các nội dung:
- Bổ sung quy định kiểm toán về đất đai, theo đó dự thảo quy định đối tượng phạm vi kiểm toán, nội dung kiểm toán và trách nhiệm thực hiện kiểm toán (Điều 225).
- Sửa đổi quy định về theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai và trách nhiệm quản lý hệ thống theo dõi và đánh giá (Điều 226, Điều 227).
- Bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai (Điều 228).
- Bổ sung quy định hòa giải tranh chấp đất đai đối với địa bàn cấp huyện không thành lập đơn vị hành chính cấp xã (Điều 229).
- Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (Điều 230).
- Quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND từng cấp đối với việc chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn (Điều 235).
(16) Chương XVI. Tổ chức thực hiện
Chương này gồm 04 điều quy định về chuyển tiếp, đảm bảo điều kiện thi hành Luật, trách nhiệm tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành.
V. TÍNH THỐNG NHẤT VỚI CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CÓ LIÊN QUAN; TÍNH TƯƠNG THÍCH VỚI CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ LIÊN QUAN
Để bảo đảm tính thống nhất của Luật Đất đai với các luật, bộ luật có liên quan, Chính phủ đã tiến hành rà soát 112 luật, bộ luật có quan hệ với Luật Đất đai (báo cáo cụ thể gửi kèm theo).
Nội dung dự thảo Luật đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các cam kết quốc tế trong lĩnh vực có liên quan.
VI. DỰ KIẾN NGUỒN LỰC, ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO VIỆC THI HÀNH LUẬT SAU KHI ĐƯỢC THÔNG QUA
1. Dự kiến nguồn lực
Trong những năm qua, tổ chức bộ máy trong lĩnh vực quản lý đất đai bước đầu khai thác hiệu quả nguồn lực đất cho phát triển kinh tế xã hội, tạo nguồn thu, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Để bảo đảm nguồn lực cho việc tổ chức thi hành Luật, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn nhằm phát huy hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước về đất đai, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giảm bớt khiếu kiện về đất đai, dự thảo Luật đã bổ sung một điều quy định về điều kiện bảo đảm thi hành Luật Đất đai, trong đó giao Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm bố trí ngân sách nhà nước, các nguồn lực khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo tổ chức thi hành Luật này.
2. Điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Luật
Điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Luật bao gồm:
- Bảo đảm nguồn lực thực hiện: Tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý đất đai; bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các quy định trong Luật, ngoài nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, huy động nguồn lực từ cơ quan, đơn vị và địa phương, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế hoặc lồng ghép vào các chương trình, dự án khác để có nguồn kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện Luật.
- Tuyên truyền, phổ biến: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thực hiện xây dựng nội dung tuyên truyền liên quan đến thi hành Luật đến các cơ quan, tổ chức và người dân, giúp hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời để thực hiện.
- Kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thực hiện: Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thi hành Luật.
VII. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XIN Ý KIẾN
Trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, Chính phủ xin báo cáo Quốc hội cụ thể như sau:
1. Về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, (Điều 70 )
[11]. Trong quá trình thảo luận nội dung nêu trên còn có hai loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất: đa số đồng ý với dự thảo. Vì theo Nghị quyết số 18-NQ/TW thì Nhà nước chủ yếu thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất; do đó, cần phải quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để thực hiện đấu giá, đấu thầu nhằm hạn chế tiếp cận đất đai không thông qua đấu giá, đấu thầu.
Loại ý kiến thứ hai: có ý kiến đề nghị cân nhắc việc thực hiện thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại; việc thu hồi đất trong trường hợp này cần phải đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất. Đối với trường hợp này có thể giao chủ đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; nên hạn chế thực hiện việc thu hồi đất để tránh khiếu kiện về đất đai.
Quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau, cụ thể:
- Loại ý kiến thứ nhất: đa số ý kiến thống nhất như dự thảo Luật, mở rộng không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, đồng thời giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng đất đai để quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp.
- Loại ý kiến thứ hai: có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong Luật Đất đai mà giao địa phương quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
3. Bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”
Tại Điều 204 và Điều 218 dự thảo Luật đã bổ sung quyền đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm, theo hướng cho phép chuyển nhượng, thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê và bổ sung “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”. Quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau:
- Loại ý kiến thứ nhất: đa số ý kiếnthống nhất như dự thảo Luật, bổ sung quyền chuyển nhượng, thế chấp tài sản gắn liền với đất và “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm” để thể chế chủ trương tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW về “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất”, “cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm”.
- Loại ý kiến thứ hai: có ý kiếnđề nghị không quy định nội dung này vào dự thảo Luật vì nếu quy định như vậy sẽ thiếu công bằng giữa các trường hợp thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hàng năm; nhà đầu tư có thể lợi dụng chính sách này để vay vốn ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ, dẫn đến mất an toàn hệ thống tín dụng; lợi dụng để chuyển nhượng mà không có đầu tư.
4. Về cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại
Quá trình thảo luận còn có các ý kiến khác nhau:
- Loại ý kiến thứ nhất: đa số ý kiến thống nhất như dự thảo Luật, không quy định nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại nhằm thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bảo đảm công khai, minh bạch”.
- Loại ý kiến thứ hai: có ý kiến đề nghịcho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án (bao gồm cả dự án đô thị, nhà ở thương mại) nhằm thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
5. Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
- Loại ý kiến thứ nhất: đa số ý kiến thống nhất với dự thảo Luật, các tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu (Điều 230).
- Loại ý kiến thứ hai: có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành
, các tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có giấy tờ thì đương sự được lựa chọn giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân.
Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét, quyết định./.
Hồ sơ dự án Luật Đất đai bao gồm: (1) Tờ trình Quốc hội, (2) Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), (3) Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, (4) Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, (5) Bảng tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương, (6) Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai năm 2013 và định hướng sửa đổi Luật Đất đai, (7) Báo cáo đánh giá tác động chính sách, (8) Báo cáo kết quả rà soát Luật Đất đai với các luật có liên quan, (9) Báo cáo lồng ghép giới, (10) Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai./.
[1] “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính”.
[2] “Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hoá lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất. Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hoá, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất. Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất. Hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất, nước, rừng, biển, khoáng sản và đa dạng sinh học”…
“Phát triển thị trường, đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, tăng cường đăng ký quyền sử dụng đất và áp dụng định giá đất theo thị trường bảo đảm công khai, minh bạch”.
[3] Đã đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về đất đai để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này; công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước; tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn.
[4] “Sửa đổi, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh hạn điền, thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển các vùng thâm canh, chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Rà soát diện tích đất và tình hình đất đã giao cho các chủ sử dụng, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước quy mô lớn. Xử lý triệt để bất cập trong quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, nhất là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán trái pháp luật”
[5] “Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, tài chính, bảo hiểm, tín dụng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất lúa được quy hoạch; cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất lúa, bảo đảm mục tiêu giữ ổn định diện tích đất lúa. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho nông dân, địa phương trồng lúa và doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh lúa gạo; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất lúa. Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và ứng dụng công nghệ cao để quản lý, sử dụng đất trồng lúa hiệu quả, bền vững. Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai”.
[6] Giao Chính phủ là xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị để khắc phục các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị và xây dựng.
[7] Hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.
[8] Quyết định số 1188/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng
kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do 01 đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương là Thành viên
[9] Có 22 Bộ, ngành Trung ương và 63/63 địa phương đã gửi Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
[10] Công văn số 2872/BCA-H02 ngày 11 tháng 8 năm 2022 của Bộ Công an và văn bản số 2827/BQP-KTe ngày 18 tháng 8 năm 2022 của Bộ Quốc phòng.
[11] Quy định các trường hợp bao gồm: (1) Các dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; (2) Dự án không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; (3) Dự án để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân; hoặc để di dời các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định hoặc để bố trí tái định cư; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và không phù hợp với quy hoạch; (4) Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách từ dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều này; (5) Các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý.