Những điểm mới trong dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. Theo cơ quan soạn thảo, việc xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm hoàn thiện về thể chế, tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quản lý phát triển đô thị.
Từ đó, kiến tạo môi trường sống đô thị có chất lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của các đô thị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các vùng và cả nước.
Theo Dự thảo, đất để cải tạo, tái thiết và phát triển đô thị đều thuộc trường hợp được áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai, còn nhà đầu tư được nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tạo quỹ đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, phù hợp với quy hoạch đô thị đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Dự thảo, UBND cấp tỉnh có thể quyết định việc thực hiện dự án cải tạo các công trình hư hỏng, cũ nát. Ảnh: Hoàng Giáp
Nhà đầu tư phải lập phương án nhận quyền sử dụng đất gắn với chi phí nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho toàn khu vực đất cần thiết cho dự án và thỏa thuận với cộng đồng những người đang sử dụng đất với sự giám sát của chính quyền địa phương.
Khi phương án đạt được sự đồng ý của đa số người đang sử dụng đất và phần lớn diện tích đất cần thiết cho dự án thì phương án được chấp thuận. Nhà nước sẽ thực hiện việc thu hồi đất đối với thiểu số những người không đồng ý với phương án đã được chấp thuận và đối với diện tích đất không được tham gia thị trường quyền sử dụng đất.
Cũng theo Dự thảo, chủ đầu tư dự án cải tạo, tái thiết khu đô thị có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất hợp pháp trong phạm vi dự án cải tạo, tái thiết khu đô thị trước khi trình thẩm định chấp thuận dự án. Việc lấy ý kiến được thực hiện thông qua hình thức phát phiếu trực tiếp tại hội nghị về các nội dung: phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, phương án tái định cư và hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho người lao động ở khu vực phải giải phóng mặt bằng.
Dự án cải tạo, tái thiết khu đô thị chỉ được xem xét chấp thuận khi có trên 2/3 số tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất hợp pháp đồng ý. Riêng đối với các khu vực có công trình trong tình trạng hư hỏng, cũ nát có khả năng gây nguy hiểm đến sự an toàn của cộng đồng dân cư thì căn cứ tình trạng, mức độ nguy hiểm của khu vực dự án, UBND cấp tỉnh quyết định việc triển khai dự án trong trường hợp không đạt được đa số tỷ lệ đồng thuận. Đối với các trường hợp khẩn cấp, để đảm bảo tính mạng người dân, UBND cấp tỉnh quyết định việc thực hiện dự án mà không cần tổ chức lấy ý kiến tổ chức, cá nhân trong phạm vi dự án…
Dự thảo cũng quy định, Nhà nước thống nhất quản lý về giá các loại hình dịch vụ sử dụng, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị. Giá dịch vụ sử dụng, khai thác hệ thống hạ tầng đô thị được xác định trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, gắn với chất lượng dịch vụ… và Chính phủ sẽ hướng dẫn về giá dịch vụ sử dụng, khai thác hệ thống hạ tầng đô thị.
Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan về chính sách và pháp luật phát triển đô thị được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan về chiến lược, chương trình và dự án đầu tư xây dựng khu đô thị được thực hiện bằng hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc thông qua lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. (Theo Điều 68 Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị)
Phương Thảo - Gia Hân/Báo Pháp luật và Xã hội