Luật Tố cáo (sửa đổi): Cần có điểm dừng trong tố cáo
- 19/09/2017
Đó là ý kiến được đưa ra tại cuộc họp bàn lấy ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ tổ chức vào ngày 14/9. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh chủ trì cuộc họp.
Không giải quyết TC nặc danh, mạo danh
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung vào việc thảo luận một số nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) kết luận bao gồm: Phạm vi điều chỉnh đối tượng bị tố cáo (TC) là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Về nội dung này, Dự thảo quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm cả những hành vi vi phạm của những người nguyên là cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ bao gồm người đã nghỉ hưu, hoặc người không còn là cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật không nên điều chỉnh đối với hành vi vi phạm pháp luật của những người đã nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ phạm vi điều chỉnh bao gồm cả hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng là người đã nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức nữa vì hành vi vi phạm xảy ra khi họ vẫn đang là cán bộ, công chức, viên chức.
Dự thảo giữ nguyên 2 hình thức TC bằng đơn và TC trực tiếp và có quy định về việc tiếp nhận, xử lý thông tin về hành vi vi phạm được phản ánh qua email, điện thoại, fax.
Nhiều ý kiến và kết luận của UBTVQH đề nghị mở rộng hình thức TC qua email, điện thoại, fax nhưng cần có quy định chặt chẽ về căn cứ, điều kiện thụ lý giải quyết TC như: TC phải nêu rõ họ tên, địa chỉ người TC, người bị TC, nội dung TC rõ ràng, có khả năng xác minh được.
Vấn đề TC nặc danh, Dự thảo quy định không giải quyết TC nặc danh, mạo danh. Tuy nhiên, đối với TC nặc danh mà có thông tin rõ ràng, kèm theo chứng cứ, tài liệu thì cần xem xét là nguồn thông tin đầu vào để phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra. Trong khi đó, ý kiến và kết luận của UBTVQH là đề nghị về nguyên tắc không giải quyết TC nặc danh nhưng trong trường hợp TC cung cấp đầy đủ thông tin, kèm theo bằng chứng, tài liệu rõ ràng thì cần xem xét xử lý để phục vụ yêu cầu quản lý, thanh tra, kiểm tra.
Về thời hiệu tố cáo, đa số ý kiến đề nghị không quy định thời hiệu TC. Nhưng ý kiến và kết luận của UBTVQH đề nghị quy định cụ thể về thời hiệu tiếp nhận và xử lý TC vì có nhiều hành vi vi phạm đã xảy ra quá lâu, không còn nguy hiểm cho xã hội thì không tiến hành tiếp nhận, giải quyết để tránh lãng phí nguồn lực, ngân sách.
Vấn đề này, Dự thảo không quy định thời hiệu TC vì Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định hiện hành đều không quy định về thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm hay các hành vi vi phạm pháp luật khác, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đấu tranh phòng, chống các hành vi sai phạm. Tuy nhiên, Dự thảo có quy định về việc không thụ lý giải quyết TC trong một số trường hợp cụ thể.
Nên bổ sung quy chế bảo vệ người giải quyết TC và người bị TC
Vấn đề bảo vệ người TC, đa số ý kiến cho rằng vấn đề bảo vệ người TC cần phải quy định cụ thể hơn về đối tượng bảo vệ, cơ quan bảo vệ, thời hạn bảo vệ, trình tự thủ tục bảo vệ, biện pháp bảo vệ, chấm dứt biện pháp bảo vệ, kinh phí bảo vệ…
Vấn đề điểm dừng trong giải quyết TC, Dự thảo trình không quy định điểm dừng trong giải quyết TC vì trình tự thủ tục giải quyết TC không giống như giải quyết khiếu nại. TC là việc cá nhân báo cho cơ quan có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật và cơ quan này có trách nhiệm xem xét, giải quyết, nếu việc giải quyết không khách quan, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm bị TC vẫn tồn tại thì TC được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Nhìn chung, tại cuộc họp, các đại biểu đều đồng ý với Dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công an, về thời gian giải quyết TC cần quy định cụ thể, ví dụ như 30 ngày liên tục kể từ ngày thụ lý hay là 30 ngày làm việc để người thụ lý giải quyết TC cũng như người TC hiểu. “Chúng ta nói 30 ngày nhưng nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức không hiểu nên sẽ làm 30 ngày không liên tục nhưng sẽ đếm đúng 30 ngày, nên sẽ kéo dài thời gian giải quyết”, đại diện Bộ Công an nói.
Tại cuộc họp, đa số các đại biểu cũng cho rằng cần có điểm dừng trong TC. Lý giải vấn đề này, các đại biểu chỉ ra rằng, có nhiều trường hợp có đơn TC rất lâu trước đó, nhưng nếu không có điểm dừng thì đến thời điểm hiện tại vẫn TC cùng một vấn đề thì sẽ không đảm bảo tính khả quan trong quá trình giải quyết.