Lợi dụng tố cáo để vu khống, phải bồi thường

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đang xin ý kiến đóng góp của cử tri và nhân dân vào dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), dự án Luật này sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ năm sắp tới.
Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) còn một số ý kiến khác nhau cần xin ý kiến về hình thức tố cáo, thời hiệu tố cáo, quy định rút tố cáo, cấp giải quyết tố cáo cuối cùng và bảo vệ người tố cáo….
Báo cáo giải trình, tiếp thu một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo của Ủy ban Pháp luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 21 vừa qua cho biết, qua thảo luận và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, nhiều ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo để phù hợp với sự phát triển của xã hội, đồng thời ghi nhận các hình thức tố cáo đã được quy định trong các luật khác như Luật Phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị chỉ quy định 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh phức tạp thêm tình hình.
Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Hơn nữa, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong quản lý Nhà nước.
Do đó, không nên giới hạn hình thức thể hiện của đơn chỉ có văn bản giấy, hình thức thể hiện của tố cáo trực tiếp chỉ là gặp mặt trình bày bằng lời nói. Dù tố cáo được thể hiện dưới hình thức nào thì trong giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng đều phải xác định rõ được họ tên, địa chỉ (nhân thân) của người tố cáo, nội dung tố cáo phải có cơ sở để xác minh, kết luận thì mới có căn cứ để quyết định có thụ lý giải quyết tố cáo hay không.
Hiện, Dự thảo gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội quy định việc tố cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Cụ thể, tố cáo bằng văn bản bao gồm tố cáo bằng bản giấy, bản fax hoặc thư điện tử, còn tố cáo bằng lời nói bao gồm tố cáo được trình bày trực tiếp bằng lời nói tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc tố cáo được trình bày bằng lời nói qua điện thoại.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định về rút tố cáo, nhưng đề nghị xác định rõ việc rút tố cáo có thể được thực hiện ở giai đoạn nào. Đồng thời việc bổ sung quy định về rút tố cáo phải bảo đảm những điều kiện chặt chẽ như việc rút tố cáo không làm chấm dứt việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp có vi phạm pháp luật, không loại trừ trách nhiệm của người cố ý tố cáo sai.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật quy định người tố cáo có thể rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.
Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng việc rút tố cáo do bị đe dọa, ép buộc, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì tố cáo vẫn phải được giải quyết.
Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì người tố cáo vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi tố cáo của mình, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật Tố cáo hiện hành quy định đối tượng bảo vệ bao gồm người tố cáo và người thân thích của người tố cáo. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 quy định theo hướng thu hẹp đối tượng được bảo vệ chỉ bao gồm người tố cáo. Qua thảo luận, có ý kiến nhất trí quy định nêu trên; ý kiến khác cho rằng, không nên thu hẹp đối tượng bảo vệ nhằm khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo.
Để bảo đảm tính khả thi, thực chất, phù hợp với công tác giải quyết tố cáo, dự thảo Luật đã kế thừa quy định về đối tượng bảo vệ là người tố cáo. Đồng thời, xác định rõ hơn đối tượng “người thân thích của người tố cáo” trong Luật hiện hành là những người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất quy định tại Bộ luật Dân sự, đồng thời xác định rõ các căn cứ, điều kiện để được bảo vệ.
Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 quy định nội dung bảo vệ bao gồm: Bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí việc làm, bảo vệ các quyền công dân tại nơi cư trú của người tố cáo. Như vậy, nội dung bảo vệ thu hẹp hơn so với Luật hiện hành (gồm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ tại nơi công tác, làm việc, bảo vệ tại nơi cư trú, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo). 

 

Phương Thảo/Báo điện tử Pháp luật và Xã hội