Lấy ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

Sáng 12.10, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo góp ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Văn Thị Bạch Tuyết nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; hạn chế, ngăn ngừa tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh cũng như xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng.
Đa số đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, cụ thể là các quy định về sở hữu, góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu…; những sửa đổi sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, tiến tới hoàn thành mục tiêu cơ cấu, thu xếp lại hệ thống tổ chức tín dụng.
Về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng (Khoản 2, Điều 91), một số đại biểu đề nghị thay cụm từ “theo quy định của pháp luật” bằng “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước” nhằm giải quyết vướng mắc với Bộ luật Dân sự về vấn đề giới hạn lãi suất cho vay. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng một cách kịp thời, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, tạo sự thống nhất khi Tòa án xét xử các tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng vay.
Về Báo cáo kết quả họp Hội đồng cổ đông (Điều 61), nhiều đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định quyền của Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện Nghị quyết của đại hội cổ đông có nội dung vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng hoặc quy định pháp luật khác có liên quan. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng tổ chức lại đại hội cổ đông để sửa hoặc hủy bỏ Nghị quyết có nội dung vi phạm; đồng thời, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hủy bỏ Nghị quyết của đại hội cổ đông nếu tổ chức tín dụng không thực hiện yêu cầu trên. Một số đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ khái niệm về “mất khả năng thanh toán”, “mất khả năng chi trả”, bởi đây là căn cứ quan trọng để xác định một tổ chức tín dụng có bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt hay không.
Thành Trung/Báo Đại biểu Nhân dân điện tử