Làm rõ việc quản lý, sử dụng tài sản công đặc thù

Trên Báo Đại biểu Nhân dân số 18.1.2017 đã đăng tải bài viết: “Xác định đúng đối tượng quản lý”, bài báo sau đây của tác giả tiếp tục trao đổi thêm một số nội dung nhằm hoàn thiện, để Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sớm được ban hành.

 Còn trùng lặp

Điều 21 liên quan đến việc xác định tài sản công  tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, ngoài các tài sản hữu hình được đề cập gồm có: “(1) Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ; (2) Quyền sử dụng đất trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ; (3)  Phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị văn phòng và các tài sản hữu hình khác”, Dự thảo đã đề cập đến loại hình tài sản vô hình đã hiện hữu trong thực tế. Đó là: “(4) Quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và các tài sản vô hình khác”. Có thể nói rằng, trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, các tài sản vô hình đang xuất hiện ngày càng nhiều trong giao dịch thương mại quốc tế và chiếm một tỷ trọng rất lớn trong khối tài sản công của các quốc gia. Việc đề cập đến loại hình tài sản công trên là hết sức cần thiết, là một trong những nội dung tiến bộ của Dự thảo.

Tuy nhiên, nội dung trên còn có sự trùng lặp ở chỗ: Khi đã đề cập đến quyền sở hữu trí tuệ, thì không nên liệt kê thêm “phần mềm máy tính” và “cơ sở dữ liệu”. Bởi, quyền sở hữu trí tuệ đã bao hàm “phần mềm máy tính” và “cơ sở dữ liệu” (theo quy định tại Điều 4.1 và Điều 14.1.m, Luật Sở hữu trí tuệ). Sự trùng lặp này cũng được nhắc lại tại Điều 34.4 của Dự thảo khi đề cập đến việc sử dụng, khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước. Vì vậy, Điều 21.4 và 34.4 của Dự thảo nên quy định lại là: “Quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình khác”.

Một buổi họp báo chuyên đề về Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)

Chưa phù hợp với các tài sản công đặc thù


Về quy định chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tại các tổ chức (chương III: Mục 3, Mục 4, Mục 7; Chương V), Dự thảo đề cập đến việc xử lý (thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy, xử lý trường hợp bị mất, bị hủy hoại) tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tại các tổ chức  (Điều 40, Điều 63, Dự thảo) chỉ phù hợp với việc xử lý tài sản hữu hình, đặc biệt đối với tài sản là động sản. Còn đối với tài sản là bất động sản, đặc biệt đối với các tài sản vô hình thì việc xử lý trên chưa đầy đủ. Bởi, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản (Điều 106, Bộ luật Dân sự 2015). Hay đối với các tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ, các chủ thể đầu tư tạo ra tài sản, hay bỏ tiền ra mua tài sản chưa chắc đã có quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, nếu tài sản đó chưa được xác lập quyền một cách hợp pháp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Như vậy, nội dung về xác lập quyền tài sản cần thiết phải được bổ sung thành một quy định riêng trong Dự thảo. Mặt khác, quá trình khai thác sử dụng, việc xâm phạm quyền đối với tài sản rất dễ xảy ra (đặc biệt đối với các tài sản là quyền sở hữu trí tuệ). Việc xử lý hoàn toàn mang tính đặc thù theo quy định riêng (ví dụ theo Luật Sở hữu trí tuệ đối với các tài sản công là quyền sở hữu trí tuệ), khác với việc xử lý các tài sản hữu hình đã được liệt kê trong Dự thảo như: Thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy, xử lý trường hợp bị mất, bị hủy hoại đã nói ở trên. Vì vậy, việc xử lý tranh chấp quyền đối với tài sản cũng cần thiết phải bổ sung cho phù hợp.

Bên cạnh đó, khi bàn đến tài sản công, thì “Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, quỹ ngoại tệ” cũng là tài sản công. Nên việc loại trừ các đối tượng tài sản này trong Dự thảo (Điều 3.1) phải được giải thích rõ trong Bản thuyết minh chi tiết, hoặc trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, cũng cần giải thích rõ “Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, quỹ ngoại tệ”, không được quy định trong Dự thảo lần này thì sẽ được quy định tại các văn bản nào, bao giờ xây dựng các quy định liên quan đến đối tượng này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, chưa thấy đề cập đến các văn bản nói trên. Những nội dung trên, cần được bổ sung làm rõ, trước khi trình QH thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

 Ngày nay, tài sản nói chung và tài sản công nói riêng rất đa dạng, phong phú. Tài sản công đang đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển KT - XH tại các địa phương. Việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm bảo vệ và khai thác hợp lý, phát huy giá trị của tài sản công là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định đối tượng quản lý tài sản công, thông qua việc nêu khái niệm về tài sản công; việc quy định chế độ quản lý, sử dụng tài sản công, cùng một số quy định khác trong Dự thảo chưa đầy đủ và chính xác. Đề nghị Ban biên soạn Dự thảo nghiên cứu, chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp để Dự thảo sớm được QH thống nhất ban hành.

TS. Nguyễn Vân Anh - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu/Báo Đại biểu nhân dân