Ký quỹ kinh doanh lữ hành: Ít hay nhiều?

Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành cho rằng sẽ bị “tạm giữ” số tiền không nhỏ nếu phải ký quỹ theo quy định mới trong Dự thảo Luật Du lịch thì lãnh đạo Hiệp hội Du lịch cho rằng việc này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho du khách.
Doanh nghiệp kêu “nhiều”
Tiền ký quỹ là khoản tiền DN kinh doanh lữ hành phải gửi vào tài khoản ký quỹ tại ngân hàng nơi DN đóng trụ sở chính trong suốt thời gian hoạt động kinh doanh lữ hành. Khoản tiền này được sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp DN không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với khách du lịch.
Việc ký quỹ còn được hiểu là để xác định năng lực tài chính của DN, là sự cam kết trách nhiệm với du khách và cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Dự thảo Luật, mức ký quỹ đối với DN kinh doanh lữ hành phục vụ khách Việt Nam đi du lịch trong nước là 150 triệu đồng; kinh doanh lữ hành phục vụ khách nước ngoài du lịch tại Việt Nam và phục vụ khách đi du lịch nước ngoài cùng ở mức 250 triệu đồng. Trước hợp DN kinh doanh hai hoặc ba hoạt động nêu trên thì mức ký quỹ là tổng hợp các mức ký quỹ của các hoạt động kinh doanh lữ hành đó.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần (CP) Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, việc cộng dồn các mức ký quỹ khi đăng ký nhiều lĩnh vực kinh doanh là “không hợp lý”. Ông Hoan phân tích, rất khó có trường hợp tại một DN, cùng một thời điểm lại đồng thời xảy ra các sự cố đối với cả 3 lĩnh vực kinh doanh lữ hành kể trên, mà thường chỉ xảy ra trong một lĩnh vực. Do đó, nếu DN nào đăng ký kinh doanh thì chỉ cần ký quỹ ở mức cao nhất, chứ không nên cộng dồn.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Du lịch Việt (Viet Media) Trần Văn Long cũng cho rằng, nếu tăng tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế, áp dụng ký quỹ với kinh doanh lữ hành nội địa và cộng dồn các mức ký quỹ theo như Dự thảo thì quá nặng. Với một DN lữ hành, đó là số tiền lớn và càng đáng ngại hơn khi số tiền này không được đưa vào lưu thông, tái đầu tư mà “nằm chết” tại một tài khoản ngân hàng. Ông Hoan kiến nghị, đối với DN đăng ký kinh doanh nhiều lĩnh vực thì chỉ đóng mức ký quỹ cao nhất cho lĩnh vực mà DN đăng ký.
Giám đốc một hãng lữ hành khác là ông Nguyễn Văn Tấn cũng nêu quan điểm áp dụng mức ký quỹ là mức cao nhất đối với từng hoạt động kinh doanh riêng lẻ trong trường hợp DN tham gia nhiều hoạt động kinh doanh lữ hành.
Tăng ký quỹ để bảo vệ quyền lợi du khách
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), Phó Chủ tịch VITA Vũ Thế Bình lại rất kiên quyết: “Chúng ta nên tăng tiền ký quỹ như các nước khác đang làm”. Bởi theo ông Bình, chi phí tổ chức một tour có thể lên tới hàng tỷ đồng. Nếu không có tiền tổ chức, huy động kinh phí từ các nguồn khác nhau thì khi xảy ra sự cố ai sẽ chịu trách nhiệm. “Tiền ký quỹ là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho du khách”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình lấy minh chứng từ quốc gia láng giềng là Trung Quốc khi Chính phủ nước này quy định mức tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế là 700.000 nhân dân tệ (gần 2,4 tỷ đồng). Còn DN muốn đưa người Trung Quốc đi nước ngoài thì ký quỹ 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3,4 tỷ đồng). Cộng lại là 1,7 triệu nhân dân tệ (5,8 tỷ đồng) nếu muốn kinh doanh cả hai lĩnh vực trên.
Dù không tán đồng quan điểm cộng dồn tiền ký quỹ, song Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan cũng thừa nhận số tiền ký quỹ hiện tại là nhỏ nếu dùng để giải quyết các phát sinh tài chính đối với các đoàn khách. Bởi khi xảy ra sự cố, phát sinh tài chính sẽ rất lớn.
Theo chia sẻ của Giám đốc hãng lữ hành American Discovery Phùng Gia Tuấn, một tour du lịch cả bờ Đông và bờ Tây của nước Mỹ có giá trị hơn một trăm triệu đồng. Chỉ cần một đoàn khách 20 người thì tổng giá trị hợp đồng đó đã lên tới hơn 2 tỷ đồng. Bỏ ra 500 triệu ký quỹ và ôm 2 tỷ đồng bỏ trốn, sau đó thành lập công ty mới là việc quá dễ dàng và quá hấp dẫn với những DN làm ăn chộp giật. Do đó, con số 500 triệu đồng theo quy định hiện nay vẫn chưa thể coi là một sự bảo đảm chắc chắn cho sự làm ăn nghiêm túc của DN.
Ông Tuấn đề nghị nâng mức ký quỹ lên 2-3 tỷ và khẳng định lập tức gần 1.700 DN lữ hành quốc tế sẽ tụt xuống chỉ còn vài trăm. Như vậy, môi trường kinh doanh lữ hành quốc tế sẽ lành mạnh hơn, dịch vụ dễ dàng được cung ứng và quy định sẽ dễ được thực hiện. Ông Tuấn đề nghị phải có quy định chặt chẽ, mạnh mẽ để tiếp cận với quốc tế.
“DN du lịch là DN phục vụ con người và du lịch là ngành kinh doanh có điều kiện. Nếu anh không có đủ năng lực thì không được làm”, Phó Chủ tịch VITA Vũ Thế Bình khẳng định.

 
Nguyệt Hà/Báo điện tử Chinhphu.vn