Hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống rửa tiền

KTĐT - Chiều ngày 22/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (Dự thảo).

Hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống rửa tiền

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Với 5 chương và 53 điều, dự thảo Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố; trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến thống nhất với tên gọi "Luật Phòng, chống rửa tiền" và cho rằng, Dự thảo chỉ quy định mang tính nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố, việc xử lý các hành vi rửa tiền cụ thể sẽ theo quy định của Bộ luật hình sự và dự án Luật Phòng, chống khủng bố đang được chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.

Trong điều kiện giao dịch tiền mặt ở nước ta còn lớn nên thực tế chỉ mới phát hiện và xử lý hành vi rửa tiền thông qua kiểm soát giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Thực tế hiện nay, rửa tiền không chỉ qua giao dịch ngân hàng như trong dự thảo đưa ra, mà còn ở các kênh đầu tư khác như kênh bất động sản, chứng khoán… Do đó, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM), Trần Bá Truyền (Lâm Đồng) và một số đại biểu khác đề nghị chống hành vi rửa tiền thông qua các hoạt động khác ngoài các giao dịch ngân hàng, đặc biệt là giao dịch trực tiếp sử dụng tài sản và tiền mặt.

Nhiều đại biểu đề nghị khi đã luật hóa thì không nên giao cơ quan chủ trì phòng chống rửa tiền cho NHNN vì hoạt động rửa tiền là hành vi vi phạm pháp luật về hành chính, hình sự nên cần tổ chức thực hiện chặt chẽ, chuyên sâu. Nếu hành vi này được thực hiện tinh vi, biến tướng, NHNN sẽ không dễ để phát hiện. Trong báo cáo dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, Luật quy định về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo phối hợp công tác phòng, chống rửa tiền và công tác phòng, chống khủng bố và trách nhiệm của NHNN Việt Nam thông báo kịp thời cho cơ quan phòng, chống khủng bố có thẩm quyền thông tin về hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố theo quy định của Luật này và pháp luật về phòng, chống khủng bố. Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và kết luận về dự án Luật này trong phiên họp ngày 18/6 tới.

Nguyên Anh/KTĐT