Hạn mức bảo hiểm tiền gửi: Ít nhất phải gấp 5 GDP đầu người
- 11/11/2011
Đây là kiến nghị của nhiều ĐBQH, song theo nhận định của đại biểu Trần Du Lịch, giữ an toàn hệ thống ngân hàng mới là sự đảm bảo cao nhất.
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm và tranh cãi nhiều trong phiên thảo luận tại Hội trường ngày hôm nay (11/11).
Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi đã thay đổi quy định về hạn mức từ một mức cứng 50 triệu đồng sang trao cho Thủ tướng Chính phủ quy định. Theo đánh giá của đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá), quy định như vậy sẽ tạo được sự linh hoạt cũng như tính ổn định của luật.
Tuy nhiên, ông cũng kiến nghị, dự thảo luật cần quy định rất cụ thể về nguyên tắc, cơ chế để xác định hạn mức phù hợp và cũng cần phải được quy định cụ thể để đảm bảo sự minh bạch và hạn chế rủi ro đạo đức.
Còn theo nhận định của đại biểu Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp), với tình hình lạm phát hiện nay, số tiền cá nhân đang gửi tiết kiệm là khá cao. Tuy nhiên, từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mà khi gặp rủi ro, mất khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng chỉ được chi trả tối đa 50 triệu đồng thì quá ít - khoảng 2,5 lần so với thu nhập bình quân đầu người ở nước ta hiện nay.
Đại biểu Đồng Tháp kiến nghị nên tăng số tiền chi trả ít phải từ 5 lần trở lên so với thu nhập bình quân đầu người/một năm.
Nhận xét về hạn mức hiện hành 50 triệu đồng, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) nhận xét, mức này trong điều kiện của Việt Nam là không lớn. Và quy định ở dự thảo luật, thì mặc dù đã giao Thủ tướng Chính phủ quy định trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng nhà nước trong từng thời kỳ song, cũng không có hạn mức chuẩn mà thường là từ 3-5 lần GDP tính trên đầu người.
Hiện nay GDP trên đầu người của Việt Nam khoảng 1.200 USD, tương đương khoảng 25-26 triệu đồng. Hạn mức bảo hiểm tiền gửi gấp 5 lần GDP/đầu người cũng chỉ khoảng 150 triệu đồng, nếu mở rộng đối tượng bảo hiểm ra cả doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội thì hạn mức trả tiền bảo hiểm cũng quá thấp so với số tiền gửi - ông Bình đánh giá.
Về vấn đề này, đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) lại "hiến kế", để có thêm phương án cho người gửi tiền lựa chọn và ngân hàng thấp tín nhiệm vẫn thu hút được khách hàng gửi tiền thì nên để các mức 50 triệu đồng, 100 triệu đồng, 150 triệu đồng tương ứng với hạng tín nhiệm. Hình thức này theo ông Quý là phù hợp với thông lệ, bởi trên thế giới cũng có quỹ đầu tư mạo hiểm, lãi suất cao thì rủi ro lớn.
Hạn mức bảo hiểm cao "kéo" niềm tin người gửi tiền
Mở đầu cho phần phát biểu của mình, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, tính đặc trưng ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, kinh doanh bằng tiền của người khác là chủ yếu, không phải tiền của mình và qua hệ thống tín dụng, do đó có nhiều rủi ro. Chính vì vậy, bảo hiểm lớn nhất cho người gửi tiền đó là an toàn hệ thống, là công cụ tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước để giải quyết thanh khoản và làm sao không để bị phá sản hệ thống.
Ông xác định, bảo hiểm tiền gửi là một bộ phận tham gia vào quá trình này, không phải phần chủ yếu để tạo an toàn cho người gửi tiền.
Thực tế 10 năm thực hiện bảo hiểm tiền gửi vừa qua, ông Lịch nói, "cái may cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi là không phải trả tiền cho ai đối với hệ thống ngân hàng thương mại. Tới thời điểm này mới chi trả cho 39 tổ chức tín dụng nhân dân với số tiền 21 tỷ đồng - con số này tôi mới kiểm tra chiều hôm qua với ông Tổng giám đốc tiền gửi và với tổng tài sản đang có khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng".
Đánh giá thẳng thắn về hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay, đại biểu TP.HCM cho rằng, rõ ràng trong mấy năm qua và đặc biệt trong thời điểm hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại rất yếu nhưng vẫn chạy đua lãi suất và người dân vẫn tiếp tục gửi tiền dù biết rằng rủi ro cao. Lý giải điều này, ông Lịch cho hay, "bởi họ nghĩ Chính phủ và ngân hàng Nhà nước không để ngân hàng phá sản, chứ không phải người ta nghĩ rằng tôi được bảo hiểm 50 triệu đồng mà tôi mạnh dạn gửi tiền".
Ông dẫn kinh nghiệm của thế giới là làm sao linh hoạt của bảo hiểm tiền gửi cùng với hệ thống công cụ của ngân hàng Trung ương để tạo được niềm tin cho người gửi tiền và trong những năm gần đây một số nước nâng rất cao mức bảo hiểm.
Cụ thể, Mỹ tăng lên 5 lần, từ 50.000 USD lên 250.000 USD, có nước tăng một lúc hàng chục lần, như Indonesia. Bởi, theo ông, khi nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên tiếp cận với số tiền được gửi sẽ có ý nghĩa tạo niềm tin ở người gửi tiền.
Ông cho rằng, năm 2005 quy định mức tiền gửi là 50 triệu đồng nhưng tại thời điểm đó, số tiền này có ý nghĩa, đến năm 2011 mất ý nghĩa. Đồng ý với các đại biểu khác, theo ông nên nhân lên thành 150 triệu đồng, 200 triệu đồng, không ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm tiền gửi. Mức này sẽ tăng niềm tin cho những người gửi tiền.

Hạn mức bảo hiểm tiền gửi hiện hành là 50 triệu đồng.
Nên mở rộng người được bảo hiểm tiền gửi
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ có tổng kết, đánh giá vì sao chỉ bảo hiểm tiền gửi cho cá nhân, trong khi những đối tượng khác cũng rất cần được bảo vệ để bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện sự công bằng trong chính sách.
Ông Lợi dẫn 3 lý do: Thứ nhất là chính sách bảo hiểm tiền gửi cũng như bảo hiểm xã hội nó có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều tầng lớp không giàu trong xã hội. Thứ hai đây là đối tượng dễ bị tổn thương. Thứ ba là xã hội càng phát triển thì việc bảo vệ người dân cũng phải mở rộng nhiều đối tượng hơn.
Đại biểu Trần Du Lịch cho biết, trong cuộc khủng hoảng vừa qua, một số nước đã mở rộng đối tượng bảo hiểm tiền gửi cho doanh nghiệp trong khi đó, ở Việt Nam lại thu hẹp lại với cá nhân.
Trong điều kiện hiện tại trong nước, ông Lịch đồng ý khoanh vùng đối tượng người gửi tiền là cá nhân. Tuy nhiên, ông vẫn đề nghị nên suy nghĩ và mở rộng cho các hợp tác xã, cho các tổ chức chính trị xã hội.
Ngược lại với những ý kiến trên và ủng hộ phương án của ban soạn thảo, đại biểu Phan Văn Quý cho rằng, người được bảo hiểm tiền gửi chỉ nên là cá nhân, không nên bảo hiểm cho các tổ chức - vì chính sách bảo hiểm tiền gửi là hướng đến việc bảo vệ những người gửi tiền nhỏ lẻ không có điều kiện tiếp cận thông tin.
Bảo hiểm tiền gửi trực thuộc NHNN không nên là kế lâu dài
Một vấn đề khác là về cơ quan quản lý bảo hiểm tiền gửi, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho biết, ông ủng hộ phương án tạm thời, bảo hiểm tiền gửi trước mắt trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Bởi theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, rủi ro đạo đức là vấn đề khó tránh khỏi.
Nền kinh tế đang chuyển đổi cơ chế, vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức tín dụng còn rất hạn chế, một hệ thống bảo hiểm tiền gửi hoàn toàn độc lập chưa phù hợp.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý, việc quy định Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi chỉ nên ở giai đoạn đầu. Về trung hạn, để đảm bảo tính độc lập trong bảo hiểm tiền gửi thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi nên dưới hình thức tổ chức cung cấp dịch vụ công với các cơ chế liên quan tới tổ chức bảo hiểm tiền gửi được quy định cụ thể, chi tiết trong Luật bảo hiểm tiền gửi.
Ông Hùng cảnh báo, việc bảo hiểm tiền gửi trực thuộc Chính phủ hoặc ngân hàng nhà nước sẽ không hiệu quả. Trong trường hợp tổ chức tín dụng đổ vỡ thì rất nguy hiểm và người dân sẽ truy cứu trách nhiệm của Chính phủ.