Góp ý hoàn thiện Luật Giáo dục (sửa đổi)

Ngày 19/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến Luật Giáo dục (sửa đổi).
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 Chương 121 Điều, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ  chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.
Góp ý tại Điều 65, đại biểu băn khoăn với định nghĩa “Nhà giáo” là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho một bộ phận không nhỏ các thầy, cô đang công tác trong ngành giáo dục ở vai trò quản lý, không trực tiếp làm công tác giảng dạy như cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, khi không được hưởng phụ cấp ưu đãi đứng lớp. Đại biểu đề nghị cần mở rộng nội hàm khái niệm Nhà giáo theo hướng công nhận người đang công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục để những cán bộ này yên tâm công tác.
Đa số đại biểu thống nhất với quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo hướng nâng cao hơn so với quy định trước đây (Điều 72), từ đó góp phần nâng chất lượng đào tạo và năng lực làm việc của nhà giáo. Song song với việc nâng chuẩn, đại biểu cũng đề nghị nâng chính sách đối với nhà giáo, nhất là giáo viên bậc mầm non, tiểu học hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu đề xuất cần quy định cụ thể thủ trưởng cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong toàn cấp học để giảng dạy, học tập trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn nếu giao thẩm quyền cho các trường lựa chọn sách giáo khoa sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý, do đó cần giao thẩm quyền lựa chọn này cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện đồng bộ.
Ngoài ra, góp ý tại Điều 13 quy định về phổ cập giáo dục, đại biểu đề nghị bổ sung phổ cập giáo dục trung học cơ sở là bắt buộc; bổ sung quy định chế tài đối với người học theo chế độ cử tuyển để đảm bảo công bằng, hiệu quả trong đào tạo, hạn chế việc người học theo chế độ cử tuyển ra trường không trở về địa phương công tác, không làm việc theo đúng bằng cấp đào tạo./.
Phạm Minh Tuấn/Thông tấn xã Việt Nam