Góp ý dự thảo Luật Phá sản: Cần có quy định về doanh nghiệp có chủ bỏ trốn

“Qua 9 năm thực hiện Luật Phá sản (LPS) 2004, cả nước mới chỉ có 83 doanh nghiệp (DN) được công nhận phá sản. Điều này cho thấy, LPS đã... bị phá sản. Mục tiêu xây dựng LPS lần này là để cho luật phải “sống” được” - ông Mai Xuân Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - đã nói tại Hội thảo lấy ý kiến về một số nội dung của dự án LPS (gọi tắt dự thảo) ngày 3/3/2014.
Một quy định hoàn toàn mới trong dự thảo lần này là quy định tại Điều 10 về người quản lý tài sản phá sản (có ý kiến gọi là quản tài viên), và các tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của người quản lý tài sản phá sản. Nhiều ý kiến đồng ý với quy định giao cho Người quản lý tài sản phá sản, trách nhiệm thuộc cá nhân, như thế sẽ nâng cao hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Sự - nguyên Phó Chánh án, Chánh tòa Kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh - lại cho rằng: “Một người thì không thể thực hiện nổi một khối lượng công việc khổng lồ khi quản lý tài sản của DN bị phá sản. Nếu trục trặc ở người này thì dẫn đến toàn bộ quá trình tiến hành thủ tục phá sản bị ách tắc”.
Luật sư (LS) Trương Thị Hòa - Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh - cho rằng, quy định tại khoản 3, Điều 15 rất chung chung, rất dễ dẫn đến trường hợp bị lợi dụng nhằm gây mất uy tín DN. Chưa hết, tại điểm c, khoản 1, Điều 55 quy định về các giao dịch bị coi là vô hiệu, LS Hòa cho rằng: “Với quy định này thì không ai dám làm ăn, mua bán gì, bởi giao dịch xong 2 năm vẫn còn run vì có nguy cơ bị tuyên bố giao dịch vô hiệu”.
Tại khoản 1, Điều 18 dự thảo, quy định: “Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp lệ phí phá sản theo quy định của pháp luật... trừ trường hợp người nộp đơn là người lao động”. Câu hỏi đặt ra, với trường hợp công đoàn đại diện người lao động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN, hợp tác xã (HTX) thì có phải nộp lệ phí phá sản không? Bởi trong trường hợp này công đoàn không có quyền lợi gì mà chỉ thực hiện quyền đại diện cho người lao động để nộp đơn. Vì vậy, dự thảo cần quy định rõ trường hợp công đoàn đại diện cho người lao động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì không phải nộp lệ phí như người lao động.
Một điểm mới là dự thảo lần này đã quy định Người quản lý tài sản phá sản được đại diện cho DN, HTX trong trường hợp DN, HTX không có người đại diện hợp pháp khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đây là quy định tiến bộ, có lợi cho NLĐ và cả chính DN bị phá sản. Bởi thực tế hiện có rất nhiều trường hợp chủ DN bỏ trốn không trả được lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động, khiến người lao động lâm vào hoàn cảnh khốn đốn. Tuy nhiên khái niệm “không có người đại diện hợp pháp” như thế nào thì dự thảo cần quy định rõ, bởi lẽ, về pháp lý, bất cứ DN hay HTX nào cũng có người đại diện theo pháp luật.
Nếu người đại diện này bỏ trốn hay “đi vắng” thì xử lý thế nào. Thực tế thời gian qua, khi xử lý vụ việc chủ DN bỏ trốn các cơ quan chức năng rất lúng túng và mới đây, thành phố Hồ Chí Minh cũng phải kiến nghị Chính phủ có ý kiến với các bộ, ngành cần có quy định về DN có chủ bỏ trốn.
 
Nam Dương/Báo Lao động điện tử