Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Tôn trọng hợp đồng giữa các bên

Ngày 18-3, tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS- sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ TP.HCM tổ chức, hầu hết các ý kiến đề nghị, cần hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các quan hệ dân sự, bởi bản chất của nó là thỏa thuận giữa các bên.

 

 
Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Tôn trọng hợp đồng giữa các bên
 
Quang cảnh hội nghị
 
TS Hồ Hữu Nhựt- Ủy viên UBMTTQTP cho rằng, BLDS cần có thêm quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của bên ngay tình trong giao dịch dân sự. Tại Điều 148 bản Dự thảo nên quy định nội dung khi các bên thực hiện giao dịch dân sự phải thông qua công chứng, chứng thực, nhằm đảm bảo tốt hơn cho quyền lợi của các bên. "Quy định về sở hữu hiện vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng, nếu tình trạng này càng kéo dài thì tài sản của người dân có nguy cơ bị xâm phạm càng nhiều, do vậy cần phải quy định về sở hữu cho cụ thể hơn”- TS Nhựt đề nghị. 
 
Cùng quan điểm, ông Đặng Văn Phan- Ủy viên UBMTTQ TP cho rằng, quy định về sở hữu trong Dự thảo là chưa ổn, chưa sát với tinh thần của Hiến pháp 2013. Ông Phan đề nghị, Hiến pháp quy định về sở hữu thế nào thì Luật phải quy định thế đó, Luật không thể trái Hiến pháp. Theo ông Phan, cần phải cụ thể hơn những quy định  về "Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp” tại Điều 6, bởi hiện nó còn quy định còn quá chung chung, người đọc khó hiểu thế nào là "truyền thống tốt đẹp” để điều chỉnh hành vi không vi phạm luật. Cũng theo ông Phan, tại Điều 37 có quy định về quyền được sống thì cũng nên có một điều, khoản nào đó quy định quyền được chết đối với trường hợp cụ thể, chẳng hạn như một người bị bệnh hiểm nghèo, đau đớn không người chăm sóc, chữa trị tốn kém… 
 
Theo Luật sư Trương Thị Hòa- Ủy viên UBMTTQ TP, đây là thời kỳ kinh tế thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập kinh tế sâu với quốc tế nên các giao dịch dân sự rất được chú trọng. Bản chất cơ bản của giao dịch dân sự là thỏa thuận giữa các bên cho nên cần hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp của nhà nước, hay cách khác cần phải tôn trọng hợp đồng giữa các bên. Tuy nhiên, luật cũng cần phải có xu hướng bảo vệ lợi ích chính đáng bên yếu thế.
 
Ông Châu Minh  Tỷ- Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi TP.HCM cho biết, Luật của chúng ta chưa thừa nhận án lệ nên các quy định trong BLDS cho phép áp dụng pháp luật tương tự để giải quyết các tranh chấp trong dân sự nhằm đảm bảo tính công bằng cho các bên, đảm sự tôn nghiêm của pháp luật. Bà Đoàn Thị Thanh Xuân- Ủy viên UBMTTQ TP cho rằng, cần phải làm sao để làm ra một BLDS điều chỉnh được đầy đủ các quan hệ xã hội liên quan, tránh sự sai sót đáng tiếc. Cần có sự góp ý rộng rãi của nhân dân, vì đây là Bộ luật điều chỉnh nhiều nhất đến các quyền lợi của người dân, do vậy cần phải để cho chính người dân góp ý về Bộ luật này.
 
Với khoản 2, Điều 19 quy định: "Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, ông Võ Văn Thôn - Ủy viên Ủy ban UBMTTQ TP đánh giá: "Quy định này rất tiến bộ. Tòa án là tổ chức xét xử các tranh chấp, nhằm bảo đảm an ninh trật tự cho cộng đồng xã hội. Nếu thẩm phán từ chối có nghĩa là xã hội không có luật lệ, chính quyền thiếu trách nhiệm. Nếu các tranh chấp bị từ  chối, có thể người dân phải giải quyết theo "luật rừng”, theo kiểu mạnh được yếu thua, lúc này xã hội thiếu an ninh trật tự”. Để đảm bảo điều này được thực hiện nghiêm túc, đề nghị Bộ luật Hình sự thêm "Tội từ chối thụ lý”- ông Thôn đề nghị.
 
Quốc Định/Báo điện tử Đại đoàn kết