Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6
- 29/10/2012
Sáng 29/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp dự kiến bắt đầu từ ngày 2/1 và kết thúc vào ngày 31/3/2013, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết.
Theo Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trên cơ sở quán triệt mục đích, yêu cầu và các quan điểm nêu trên, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định 9 nội dung cơ bản sửa đổi.
Cụ thể hóa 9 nội dung cơ bản nêu trên, Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp giảm 1 chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới.
Bổ sung một số quyền mới của con người
“Bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở nước ta, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, Ông Phan Trung Lý cho biết, Chương II về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bổ sung một số quyền mới.
Cụ thể: Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa (Điều 44); Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 45); Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và được thông tin về chất lượng môi trường sống (Điều 46).
Bên cạnh đó, một số nghĩa vụ cũng được bổ sung mới, gồm: nghĩa vụ bảo vệ môi trường, nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.
Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo
Tính chất, mô hình kinh tế được làm rõ hơn tại Điều 55 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở thể chế hóa quan điểm của Cương lĩnh về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Thêm quyền cho Chủ tịch nước
“Dự thảo Hiến pháp làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này”, ông Phan Trung Lý cho biết.
2 thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước cũng đã được bổ sung.
Liên quan đến quyền hạn của Chủ tịch nước, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bổ sung quy định: Chủ tịch nước được quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề thuộc nhiệm vụ của Chủ tịch nước.
Ủy ban soạn thảo cho biết, quy định này thực hiện nguyên tắc “kiểm soát” quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo tinh thần Cương lĩnh.
Cơ chế chịu trách nhiệm của các thành viên Chính phủ cũng được bổ sung tại Điều 101, theo đó, thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.
Trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến lần đầu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp dự kiến bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013.
Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 yêu cầu, tổ chức lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân cả ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào việc xây dựng Hiến pháp.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.
Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban soạn thảo sẽ chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chữu hữu quan tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo Nghị quyết của Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban sẽ tập hợp, tổng hợp và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013); sau đó tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013).
Có thể tham khảo toàn văn Dự thảo và hồ sơ dự án sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 ở đây: