Dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh: Cần cụ thể và chi tiết hơn

Ngày 6-10-2011, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý kiến vào Dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh. Nhiều ý kiến của các vị đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần phải làm rõ hơn về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật.

Đã đề cập được 2 vấn đề mới

Dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng-An ninh (GDQPAN) được xây dựng trên cơ sở thực tiễn sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 62 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới. Qua 10 năm thực hiện, công tác GDQPAN trên phạm vi toàn quốc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức các cấp, các ngành, học sinh, sinh viên và các đối tượng khác. Công tác GDQPAN được nâng lên, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác GDQPAN từ các địa phương trên cả nước đã bộc lộ những hạn chế, bất cập chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, việc ban hành một đạo Luật về GDQPAN trong tình hình mới là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, Luật GDQPAN đã được Chính phủ đề nghị xây dựng trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2011. Bộ Quốc phòng được giao chủ trì soạn thảo xây dựng Luật này.

So với Dự thảo lần 1 (công bố ngày 3-6-2011), Dự thảo lần 2 Luật GDQPAN vừa được Ban soạn thảo (Bộ Quốc phòng) công bố đã tăng thêm 3 điều. Hiện, Dự thảo lần 2 gồm có 6 chương và 56 điều. Tại cuộc hội thảo, hầu hết các ý kiến đóng góp của các đại biểu tập trung vào các nội dung: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật; vị trí, mục tiêu của Luật; vấn đề về cấp chứng chỉ; các tiêu chí xem xét đối với các cán bộ được bổ nhiệm. Ông Nguyễn Phước Thọ (Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ) cho rằng, trong Dự thảo lần 2, Ban soạn thảo đã đề cập được 2 vấn đề mới mà từ trước đến nay chưa Luật nào đề cập đến. Đó là tư tưởng xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về vấn đề quốc phòng và xã hội hóa công tác GDQPAN toàn dân.

Cần cụ thể và chi tiết hơn

Ông Đỗ Duy Thường (Phó Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ-pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, Dự thảo Luật vẫn cần phải làm rõ Điều 18: "Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo”. Theo ông Thường, từ việc làm rõ và cụ thể hóa sẽ giúp các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo có kiến thức quốc phòng-an ninh phù hợp. Từ đó thực hiện tốt đường lối của Đảng, chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước về sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc. "Mặt khác, Luật vẫn chưa rõ về phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Đây là Luật nội dung hay Luật hình thức. Vì vậy, Luật cần phải làm rõ phạm vi điều chỉnh đến đâu? Bồi dưỡng, tuyên truyền giáo dục đến liều lượng nào?”-ông Thường bày tỏ.

Trong khi đó, ông Lê Đức Tiết (thành viên HĐTV Dân chủ-pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam) đề nghị, nên xem xét lại điều 8 về "Miễn, tạm hoãn giáo dục quốc phòng-an ninh”. Theo ông Tiết, GDQPAN là giáo dục về ý thức an ninh và yêu nước đối với toàn dân. Vì vậy, không nên miễn hay tạm hoãn như nghĩa vụ quân sự. Theo ông Nguyễn Quang Du (Trưởng ban Tổ chức cán bộ, UBTƯ MTTQ Việt Nam), Ban soạn thảo nên chú trọng giải thích cụ thể về các định nghĩa để từ ngữ có sự thống nhất. Những nội dung của các điều 11 và 12 cơ bản giống nhau nên gộp lại làm một, đồng thời cần xác định rõ mục tiêu và mục đích của Luật để có một định hướng chung.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha biểu dương sự cố gắng của Ban soạn thảo, mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã xây dựng Dự thảo lần 2 bước đầu đạt chất lượng tốt, nhiều ý kiến góp ý về dự thảo lần 1 đã được Ban soạn thảo tiếp thu và chỉnh sửa. Ông Pha nhấn mạnh, Ban soạn thảo và tổ biên tập cần tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo lần này để xây dựng Luật GDQPAN đạt chất lượng tốt, sát với thực tiễn, nhằm đưa Luật đi vào cuộc sống. Thiếu tướng Phùng Đình Thảo (Ban soạn thảo Bộ Quốc phòng) ghi nhận những ý kiến đóng góp của những vị đại biểu. Ông cho biết, những ý kiến trên sẽ được ghi nhận, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Luật GDQPAN trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thùy Dương/Báo Đại đoàn kết Online