Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Chưa thể hiện ý chí, quyết tâm giải quyết bất cập, khó khăn
- 04/05/2011
Chưa thể hiện tính tự chủ
Theo GS. TSKH. Nguyễn Ngọc Trân, có hai cách để xây dựng Luật GDĐH. Một là, như dự thảo đang làm, dựa vào Luật GD, tham chiếu về đó khi cần để tránh không đề cập đến những vấn đề tế nhị, khó khăn mà Bộ GD&ĐT chưa muốn hoặc chưa thể giải quyết. Hai là, xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng quy định các vấn đề đặc thù của ĐH và giải quyết các yếu kém đang tồn tại, thể hiện sự quán triệt đường lối đổi mới. GS. Trân nói: “Có rất nhiều vấn đề bức xúc, bất cập và yếu kém của GDĐH mà lần giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu năm 2009 đã ghi nhận, tuy nhiên, khi nghiên cứu dự thảo Luật, tôi chưa thấy được ý chí và quyết tâm của Bộ GD&ĐT giải quyết các bức xúc đó”. Hơn thế nữa, về quản lý nhà nước, dự thảo Luật một mặt vẫn duy trì cơ cấu tổ chức bất hợp lý của hệ thống GDĐH hiện nay, mặt khác chẳng những không phân cấp mà còn tập trung thêm quyền lực về Bộ GD&ĐT, tăng cường cơ chế xin – cho.
GS. TSKH. Phan Kỳ Phùng nói thêm, tính tự chủ cho các trường ĐH chưa thể hiện rõ lắm, còn mơ hồ trong dự thảo Luật. Đã xây dựng luật thì phải có sự bình đẳng như nhau giữa các trường.
Tương tự, GS. TS. Trần Ngọc Đường, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng thấy dự thảo Luật quá mông lung. Quy định tự chủ là tự chủ trong lĩnh vực nào, loại trường nào thì được tự chủ chưa thể hiện được trong dự thảo Luật.
Né tránh bất cập, khó khăn
Theo ý kiến của hầu hết các đại biểu, Dự thảo sửa đổi lần này có tiến bộ hơn với những quy định cụ thể, tuy nhiên, vẫn cần phải sửa đổi và bổ sung rất nhiều mới có thể hoàn chỉnh. Nếu như một số đại biểu đồng tình về sự cần thiết phải có Luật GDĐH, có điều là phải quy định như thế nào thì một số GS cho rằng Luật GDĐH, như nó đang soạn thảo, không phải là một luật mà nền GDĐH đang cần.
GS. Phạm Phụ nói: “Chúng ta chưa có đường lối, chính sách, chiến lược giáo dục mà nhảy vào làm Luật GDĐH nên đây là quy trình ngược. Chính vì vậy các vấn đề mấu chốt hiện nay Luật này đều né tránh hết. Trong khi đó, dự thảo Luật chỉ nói chung chung, cái cần nói thì không nói, cái không cần nói thì nói quá chi tiết”. Thậm chí GS. Phụ cho rằng Luật GDĐH ra đời không đúng lúc, xuất hiện trong bối cảnh chưa có chiến lược, chính sách. Để làm Luật này hiệu quả thì phải làm xong chiến lược giáo dục.
Các đại biểu nêu ra nhiều “thiếu sót” của dự thảo Luật GDĐH như: Quy định về thời gian đào tạo, chương trình, giáo trình, liên kết và liên thông trong điều 21, 22, 23 mà không nói đến phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ thì quả là làm “ảo thuật”, trong khi Bộ GD&ĐT vẫn quyết định kể từ năm 2012 đào tạo trong toàn GDĐH theo tín chỉ. Ngoài ra, trong dự thảo Luật cũng không quan tâm đến các trường cao đẳng nghề và liên thông với ĐH để đào tạo kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ?
Cũng có ý kiến cho rằng, nhân nhiệm kỳ Quốc hội và Chính phủ sắp tới, nên chăng việc tách Bộ GD&ĐT hiện nay làm hai: Bộ GD&ĐT phụ trách giáo dục phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; và Bộ Đại học và Nghiên cứu khoa học để phụ trách hệ cao đẳng, ĐH và mảng nghề từ cao đẳng trở lên.