Dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật: Chưa cụ thể, thiếu tính khả thi
- 03/06/2013
Tình trạng rau quả nhập lậu đang tràn ngập thị trường Việt Nam, thậm chí xuất hiện phổ biến ở cả những chợ tạm, chợ cóc. Điều đó không chỉ làm hạn chế sức tiêu thụ của nông sản Việt Nam mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc phân công trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành trong Dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (BVVKDTV) chưa rõ ràng, các quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong BVVKDTV thiếu tính khả thi. Đó là nhận định của không ít ĐBQH khi thảo luận tại tổ ngày 31-5 về Dự thảo Luật BVVKDTV.
(ảnh minh họa)
Mới dừng ở… hô hào, khẩu hiệu
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) khẳng định, hiện nay, chất lượng nông sản Trung Quốc luôn có vấn đề về tính an toàn. Cơ quan chức năng của nước này đã nhiều lần phát hiện một số loại nho, cải thảo… nhiễm hóa chất cấm, độc hại. Thế nhưng, tại các chợ rau quả đầu mối của Hà Nội như Long Biên, Cầu Giấy, Hà Đông... đều tràn ngập các loại rau, củ, quả Trung Quốc có mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng. Số hàng này thường được thương lái giới thiệu có xuất xứ ở Đà Lạt, Lào Cai nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Rất ít khách hàng có đủ trình độ, kiến thức để xác định đó là hàng Trung Quốc. Thế nhưng, không thấy bất kể một cơ quan nào đứng ra phân tích chất lượng. Mùa nào thức ấy, rau quả Trung Quốc nhập lậu qua biên giới đổ về khắp các tỉnh, dù là miền núi hay thành thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, từ củ tỏi, nhánh gừng, măng chua… đến các loại nấm, hoa quả và bày bán tràn lan không chỉ ở các chợ, mà xuất hiện cả ở siêu thị. Tất cả các nông sản ấy trong nước cũng sản xuất được, thậm chí dư thừa, vào vụ phải bán giá rẻ.
Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật BVVKDTV nêu: Hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu trước khi nhập vào Việt Nam phải được phân tích nguy cơ dịch hại. Căn cứ vào kết quả phân tích, cơ quan kiểm dịch thực vật (KDTV) quyết định cho phép nhập khẩu hay không. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng đưa ra một loạt hành vi bị nghiêm cấm nhằm kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm. Thế nhưng, theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh, mọi điều khoản mới chỉ dừng lại ở việc "hô hào khẩu hiệu", hiện đang thiếu cả nhân, vật lực triển khai, thiếu cả chế tài xử lý.
Xung quanh các quy định về KDTV, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (ĐBQH Đoàn Ninh Thuận) đề xuất, để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và tính minh bạch trong thương mại quốc tế, dự thảo luật cần bổ sung một số quy định về thời gian phân tích nguy cơ dịch hại và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch đối với một số vật thể thuộc diện KDTV nhập khẩu không vì mục đích thương mại. Dự thảo cũng cần bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức KDTV vùng với tổ chức KDTV địa phương trong việc KDTV sau nhập khẩu.
Chưa rõ ràng trách nhiệm
Một vấn đề khác cũng được các ĐBQH quan tâm, đó là trách nhiệm của các bộ, ngành trong KDTV. ĐB Hoàng Hữu Phước, Nguyễn Phước Lộc (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Chức năng của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ NN&PTNT - đơn vị chủ quản trong lĩnh vực BVVKDTV chưa được phân định cụ thể. Từ đó, kéo theo nhiệm vụ của các cơ quan liên quan không rõ ràng, vừa thừa, vừa thiếu, lại vừa bị chia cắt. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng bộ nọ "đá" trách nhiệm sang bộ kia, cuối cùng không cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Y tế mới chỉ gói gọn trong việc thực hiện các hoạt động ngăn chặn hoặc công bố nông sản chất lượng kém ở Việt Nam; trách nhiệm công bố các loại thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho con người, cây trồng lại không được đề cập rõ. Đối với Bộ Công thương, mặc dù xác định nhiệm vụ quan trọng trong quản lý lưu thông hàng hóa nhưng quyền hạn, trách nhiệm ra sao, chế tài áp dụng đối với trường hợp không thực hiện đúng, đầy đủ thẩm quyền của mình như thế nào cũng không được tính đến. Trong khi đó, mối lo ngại hàng đầu của người dân hiện nay là tình trạng rau, củ, quả nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, công tác quản lý sản xuất kinh doanh, sử dụng mặt hàng này còn nhiều hạn chế.
Cùng chung quan điểm trên, ĐB Trịnh Thế Khiết (Đoàn Hà Nội) nhận định, khâu yếu nhất trong chuỗi kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng nông sản hiện nay nằm ở khâu quản lý. Trong khi đó chính sách về KDTV trong Dự thảo Luật BVVKDTV chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn cả về máy móc, thiết bị cũng như con người. Việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đang có nguy cơ "đuối sức" trước những diễn biến ngày càng phức tạp trong lĩnh vực này.