Dự án Luật Căn cước công dân lần đầu được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến

Sáng 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân. Đây là lần đầu tiên dự án Luật được UBTVQH cho ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7. Mục đích ban hành dự luật; các quy định về chứng minh nhân dân; khả năng thay thế hộ khẩu của thẻ căn cước công dân; vấn đề kết nối các cơ sở quản lý dữ liệu công dân; đảm bảo an toàn bí mật cá nhân trong quản lý căn cước công dân… là những nội dung được các thành viên của UBTVQH quan tâm thảo luận.
 
Về mục đích của việc ban hành dự án luật, đa số các thành viên UBTVQH đều thống nhất ban soạn thảo cần đặt mục tiêu tạo sự thuận lợi cho các giao dịch hành chính của người dân lên trước mục tiêu quản lý Nhà nước, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Một số đại biểu nhấn mạnh tư duy của người làm luật là hướng tới việc phục vụ nhân dân chứ không chỉ dừng lại ở việc tạo sự thuận tiện cho quản lý. Bên cạnh đó, các thành viên UBTVQH cũng cho rằng dự án luật cần phải đáp ứng mục tiêu giảm thiểu giấy tờ công dân đồng thời giảm thiểu thủ tục hành chính.
Có ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ hơn sự cần thiết ban hành Luật căn cước công dân. Đặc biệt là nội dung của Tờ trình và dự án Luật cần quán triệt các vấn đề có liên quan đến quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Đồng thời ban soạn thảo cũng cần đánh giá cụ thể hơn về những thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Về các quy định liên quan đến chứng minh nhân dân, một số ý kiến đề nghị nên thay khái niệm “chứng minh nhân dân” thành “thẻ căn cước công dân.” Đồng thời Ban soạn thảo bổ sung đánh giá tác động cụ thể nếu chuyển từ “chứng minh nhân dân” sang “thẻ căn cước”. Trong đó tập trung đánh giá tác động của việc đổi thẻ căn cước, trong số 356 thủ tục liên quan đến chứng minh nhân dân, thì thẻ căn cước có thể giảm được những thủ tục gì, có thuận lợi gì…
Trái ngược với quan điểm này, một số đại biểu cho rằng nên giữ nguyên như quy định tại dự thảo Luật. Vì nếu đổi “chứng minh nhân dân” thành “thẻ căn cước” sẽ phải thay đổi toàn bộ hệ thống giấy tờ, biểu mẫu gây tốn kém không cần thiết.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định “chứng minh nhân dân là…giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên”. Trên thực thế, ngoài chứng minh nhân dân, công dân còn có nhiều loại giấy tờ khác (hộ chiếu, giấy chứng minh sỹ quan Quân đội và Công an nhân dân, thẻ công chức, viên chức, thẻ học sinh…). Nếu xác định chứng minh nhân dân là giấy tờ “duy nhất” sẽ có thể dẫn đến các loại giấy tờ trên mất tác dụng, không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân (trong đó có công dân dưới 15 tuổi) mà còn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, công chức, viên chức.
Liên quan đến việc cấp căn cước công dân, một số ý kiến đề nghị cân nhắc độ tuổi cấp căn cước. Mỗi công dân ngay từ khi chào đời đã có thể có ngay số định danh cá nhân vì những thông tin ngay khi chào đời như tên tuổi ngày tháng sinh là bất biến. Do đó, nên cấp thẻ căn cước từ khi mới sinh rồi sau đó cập nhật các yếu tố mới về thông tin và nhận dạng trên cơ sở số định danh và dữ liệu thống nhất.
Về  quy định “ghi tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân” đã từng được thí điểm, nay tiếp tục được đưa vào dự thảo, có ý kiến cho rằng cần giải thích rõ trong Tờ trình tại sao phải ghi tên cha mẹ trên căn cước.
Về thời hạn sử dụng Chứng minh nhân dân, có ý cho rằng quy định tại dự thảo chưa phù hợp với công dân ở từng độ tuổi khác nhau do ở mỗi độ tuổi khác nhau thì mức độ thay đổi về đặc điểm nhận dạng là khác nhau.
Dự án Luật Căn cước công dân lần đầu được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến
Về khả năng thay thế hộ khẩu của thẻ căn cước công dân, đa số thành viên UBTVQH tán thành đề xuất tiến tới thay sổ hộ khẩu bằng thẻ căn cước công dân. Việc xác định thẻ căn cước công dân thay hộ khẩu là sự tiến bộ vì khi có số định danh với việc tích hợp các dữ liệu đầy đủ, hợp lý để giảm bớt giấy tờ cho người dân.
Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ lộ trình của việc thay thế sổ hộ khẩu bằng thẻ căn cước công dân.
Về việc thống nhất các cơ sở dữ liệu công dân, một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần đề cập đến vấn đề kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu về căn cước công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo quy định tại dự thảo thì cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, độc lập, vừa không bảo đảm thực hiện mục tiêu của Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, vừa không bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực của Nhà nước trong quá trình thực hiện. Do đó, các ý kiến này cho rằng cần phải làm rõ mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu căn cước công dân với cơ sở dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu về cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về việc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân trong việc quản lý căn cước công dân, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “cấm tiết lộ bí mật đời sống riêng tư hợp pháp” vào dự thảo Luật. Các thông tin về căn cước công dân có ý nghĩa quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu giao dịch của cơ quan, tổ chức, công dân nhưng lại gắn liền với bí mật đời tư cá nhân. Hiến pháp sửa đổi đã quy định công dân được đảm bảo quyền con người, bất khả xâm phạm, được bảo vệ bí mật riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình… Do vậy dự thảo Luật cũng phải đảm bảo những quy định đã nêu trong Hiến pháp. 
Nhóm Quản trị Dự thảo Online