Doanh nghiệp vẫn dửng dưng trước rủi ro thiên tai
- 08/03/2013
Đây là ý kiến của đa số các đại biểu tham gia hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng ứng phó với thiên tai” diễn ra sáng nay 8-3 tại Hà Nội.
Theo thống kê do ông Nguyễn Diễn – Phó giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng thực hiện, có tới 81% doanh nghiệp (DN) được khảo sát chưa chủ động trong phòng tránh rủi ro thiên tai mà còn trông mong nhiều vào sự hỗ trợ của nhà nước, nhất là hỗ trợ về tài chính.
Ngoài ra, 95% DN cho rằng chính quyền và 91% cho rằng các đơn vị công ích của nhà nước là những cơ quan hỗ trợ DN phục hồi và tái thiết sau thiên tai.
Thực tế cho thấy, thiệt hại do thiên tai gây ra cho các DN rất lớn. Thống kê tại 3 tỉnh miền Trung của Quỹ châu Á cho thấy có tới 85% DN bị bão tấn công, 45% bị lũ lụt, 12% bị lốc xoáy trong năm 2012. 60% DN đã bị thiệt hại, trong đó 5% DN bị thiệt hại rất nặng nề, 30% ở mức nặng nề. Chủ yếu bị thiệt hại về Nhà xưởng, thiết bị và hàng hóa. Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Dược Danapha: ngày 3-10-2006, cơn bão số 6 (Xangsane) đã gây cho Công ty tổn thất khoảng hơn 40 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Trí Thanh, Văn phòng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, cho hay hầu hết các doanh nghiệp có quan tâm tới phòng tránh thiên tai nhưng lại thiếu sự chuẩn bị cần thiết và hiệu quả để phòng và giảm thiểu tác động của của nó. Có tới 46% DN cho hay có quan tâm nhưng chưa có kế hoạch phòng tránh, 33% DN đã có kế hoạch nhưng không đủ năng lực và nguồc lực để thực hiện.
Ông Diễn nhấn mạnh, các DN chưa xem bảo hiểm là một kênh quan trọng góp phần phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
“Riêng tại Đà Nẵng, chỉ có 10% các DN tham gia bảo hiểm, trong đó chủ yếu là các DN nước ngoài. Điều này cho thấy các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ hầu như không tham gia bảo hiểm rủi ro thiên tai”, ông Diễn nói.
Đối với chính sách của nhà nước, ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dẫn chứng, từ trước tới nay có tới hơn 200 văn bản pháp luật liên quan đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Tuy nhiên các chính sách này phân tán, nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau gây khó khăn cho việc tìm hiểu, tra cứu, vận dụng và thự thi. Hơn nữa, phần lớn chính sách này hướng tới cộng đồng dân cư mà rất ít đề cập đến DN.
Các đại biểu tham gia hội thảo kiến nghị Nhà nước nên rà soát và điều chỉnh các quy chuẩn về xây dựng các công trình cho phù hợp với điều kiện thiên tai ngày càng tăng cả về tần suất và cường độ. Có biện pháp chế tài đối với những tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định.
Ngoài ra, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ bảo hiểm rủi ro thiên tai cho những DN nào tuân thủ đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn xây dựng, phòng tránh thiên tai và có kế hoạch phòng tránh rủi ro thiên tai lồng ghép trong kế hoạch hàng năm của DN. Các tổ chức tín dụng cần xem xét kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó với rủi ro thiên tai của DN như một điều kiện để xem xét cho vay.