Đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bãi bỏ nhiều thủ tục không cần thiết
- 04/07/2019
Bộ Kế hoạch và đầu tư đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nhằm cải thiện, nâng cao sức cạnh của môi trường kinh doanh.Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước đối với dịch vụ này, hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.
Đồng thời, bãi bỏ 17 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; sửa đổi 6 ngành, nghề và bổ sung 3 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý Nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Việc cắt giảm các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện dựa trên cơ sở 4 tiêu chí như bãi bỏ ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Bãi bỏ ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định…
Dự luật đề xuất bãi bỏ nhiều thủ tục không cần thiết trong đăng ký doanh nghiệp. Ảnh tư liệu |
Đồng thời, Dự thảo bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện chính sách này; bổ sung điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên để thống nhất với điều kiện ưu đãi thuế thu nhập DN quy định tại Luật Thuế thu nhập DN.
Với nhóm các quy định về đầu tư nước ngoài, Dự luật bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN theo hướng: Không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập DN khởi nghiệp sáng tạo và quỹ khởi nghiệp sáng tạo nhằm áp dụng thủ tục thuận lợi, đơn giản nhất phù hợp với những yêu cầu đặc thù trong hoạt động mô hình kinh doanh mới đầu tư dựa trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ…
Ngoài ra, Dự luật bổ sung một số ngành, nghề/hoạt động đầu tư khác, gồm: hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Luật DN được đề xuất sửa đổi 53 Điều, bãi bỏ 2 Điều và bổ sung 7 Điều. Trong đó, Dự thảo sửa đổi Điều 1 để bổ sung hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật DN; sửa đổi Điều 3 để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký DN theo Luật DN.
Đáng quan tâm, Dự luật đã đề xuất bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết trong đăng ký DN, gồm: thủ tục đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN; thủ tục gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi DN đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới; bãi bỏ yêu cầu phải nộp Điều lệ DN khi đăng ký thành lập Cty hợp danh, Cty trách nhiệm hữu hạn và Cty cổ phần.
Dự thảo cũng bổ sung qui định về DN Nhà nước, theo hướng liệt kê rõ những DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước. Cụ thể, DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì áp dụng quy định về tổ chức quản lý theo Chương IV Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, đổi tên Chương từ “DN nhà nước” thành “DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ”. DN có cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước thì tùy vào hình thức pháp lý sẽ áp dụng quy định về tổ chức quản lý tương ứng áp dụng chung cho các DN.
Về hộ kinh doanh, Dự thảo sửa đổi theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình pháp lý khác là DN tư nhân, Cty hợp danh, Cty trách nhiệm hữu hạn, Cty cổ phần và xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với hộ kinh doanh, không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.