Đề nghị sửa đổi, bổ sung 4 chính sách nổi bật trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Bộ Nội vụ đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với 4 chính sách nổi bật.
Chính sách 1: Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cán bộ, công chức, viên chức
Theo Bộ Nội vụ, hiện việc tuyển dụng công chức theo quy định hiện hành còn nhiều trường hợp chưa nghiêm, thiếu tính khách quan, chưa thực sự tuyển dụng được người đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm.
Chế độ hợp đồng làm việc còn bó buộc, chưa tạo sự chủ động cho người đứng đầu; tạo tâm lý ”ỉ lại”, đã ký hợp đồng dài hạn coi như làm việc suốt đời.
Việc thi nâng ngạch chủ yếu vẫn giải quyết chế độ cho công chức về lương, chưa làm thay đổi về nghĩa vụ, trách nhiệm công vụ… Đánh giá kết quả thực hiện công việc vẫn hình thức, cào bằng. Các quy định về xử lý kỷ luật chưa đồng bộ với quy định về xử lý kỷ luật Đảng.
Giải pháp đề xuất sửa đổi là cần phân định rạch ròi đối tượng cán bộ, công chức với viên chức, từ đó làm rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng đối tượng...; Quy định chế độ thi tuyển công chức tập trung bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh; Quy định về phân loại cán bộ, công chức phù hợp với các quy định hiện hành của Đảng để bảo đảm thống nhất trong công tác đánh giá cán bộ;Rà soát các quy định có liên quan trong dự thảo để bảo đảm tính đồng bộ.
Quy định phương thức ký kết hợp đồng có thời hạn đối với viên chức; cơ chế quản lý, quyền, nghĩa vụ, chế độ thôi việc, xem xét đánh giá, kỷ luật...  đối với viên chức.
Chính sách 2: Tiếp tục thực hiện tinh giản đội ngũ
Vấn đề bất cập hiện nay là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện chiếm số lượng khá lớn, còn định tính, chưa hợp lí. Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức chưa khoa học, còn cồng kềnh, thậm chí không hiệu quả và gây thua lỗ...
Do đó để thực hiện cải cách chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cần phải đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tái cơ cấu ngân sách nhà nước và chế độ tiền lương.
Chính sách 3: Xử lý nghiêm, đồng bộ các trường hợp vi phạm
Trong thời gian qua, một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác nhưng chưa bị phát hiện tại thời điểm đó và hành vi vi phạm chưa đến mức độ xử lý hình sự. Việc xử lý kỷ luật đối với những người này gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ sở pháp lý, đồng thời thiếu sự đồng bộ giữa thi hành kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu với kỷ luật về Đảng với tư cách đảng viên.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn có tư tưởng “hạ cánh an toàn” dẫn tới sự hời hợt, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công. Quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật quá cứng dẫn đến không xử lý triệt để được các hành vi vi phạm pháp luật đã bị phát hiện nhưng hết thời hiệu.
Vì thế, cần có những quy định xử lý nghiêm, đồng bộ các trường hợp vi phạm.
Chính sách 4: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Thực tế đang có sự không thống nhất trong nguyên tắc về phân cấp, phân quyền dẫn đến tình trạng khi phân cấp về địa phương thì các địa phương triển khai khác nhau; một số trường hợp trung ương hướng dẫn khác nhau...
Các giải pháp tăng cường phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương, một mặt còn thiếu tính đồng bộ, chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm.
Mục tiêu giải quyết vấn đề này là cần thực hiện phân cấp, phân quyền ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn trong công tác cán bộ; chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn từ chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương các cấp nhằm mục tiêu hiệu quả.
 
Huyên Nguyễn/Báo Điện tử Lao động