Đề nghị bồi thường thiệt hại cho người dân phòng, chống thiên tai
- 21/09/2012
Đó là việc kê khống, nâng khống thiệt hại vật chất để xin hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các tổ chức từ thiện rồi bằng các thủ đoạn như lập khống giấy tờ, hóa đơn để chiếm đoạt tiền, tài sản. Điều này khiến nhiều địa phương, bão, lũ chưa vào đã rốt ráo đếm thiệt hại và việc báo cáo khống xảy ra khá phổ biến, mục đích nhằm nâng thiệt hại lên cao để được hỗ trợ nhiều, có cơ hội trục lợi. Trên quan điểm xã hội, hành vi này được xem là “ăn chặn lòng nhân ái” diễn ra ở nhiều nơi và cần phải có biện pháp mạnh để quản lý, xử lý sai phạm.
Để tránh việc các địa phương kê khống thiệt hại nhằm xin hỗ trợ cao từ ngân sách cũng như hành vi lợi dụng trục lợi, tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Điều 8 của dự thảo luật về nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng, chống thiên tai. Theo đó, quy định vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước trong hỗ trợ thiệt hại nhưng phải có dự toán nhiệm vụ ngân sách cho phòng, chống thiên tai hằng năm và phải được quản lý, sử dụng chủ động, đúng mục đích và hiệu quả; quy định cơ chế giám sát việc sử dụng nguồn ngân sách này chống bị “xà xẻo”.
Đi sâu vào nội dung dự luật, các thành viên Ủy ban đề nghị cần xác định rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước, không thể chỉ “hỗ trợ” trong phòng, chống thiên tai. Nhất là trong việc xây dựng năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động ứng phó, cứu nạn và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bồi thường thiệt hại cho người dân tham gia phòng, chống thiên tai. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ hơn nguyên tắc áp dụng phương châm “4 tại chỗ” để đảm bảo tính khả thi trong tình hình hiện nay, nhất là với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và khi thiên tai xảy ra thường xuyên, quy mô lớn, địa bàn bị chia cắt nghiêm trọng.
Cùng với đó, nhiều ý kiến lo ngại vấn đề “nhân tai” bởi tuy không trực tiếp gây ra thiên tai, nhưng những tác động của con người như phá rừng, đào núi... cũng khiến thiên tai gây hậu quả nặng nề hơn. Sau một số thiệt hại đau lòng do hậu quả của thiên tai gần đây như cây đổ trong mưa bão gây chết người, trẻ em tử vong do sụt xuống cống thoát nước..., vấn đề cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi có những tổn thất về người và tài sản do thiên tai cũng cần được làm rõ hơn. Vai trò chủ chốt của lực lượng vũ trang; trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận, bảo quản, tổ chức phân phối hàng cứu trợ... cũng cần được quy định cụ thể