Để hợp tác xã tồn tại và phát triển: Cần cơ chế đặc thù hơn
- 31/07/2012
Ngày 30-7, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã tổ chức tham vấn ý kiến các tỉnh/thành phía Nam về dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi).
HTX – Tổ chức của những người yếu thế
Khẳng định mô hình hợp tác xã (HTX) còn có cơ hội phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng nhiều ĐBQH tỏ ra lo ngại khi nông dân không mặn mà vào HTX. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ, cho đến nay mô hình HTX trong nước đa số vẫn được hiểu như một tổ chức kinh tế của những người yếu thế có cùng nhu cầu và lợi ích, liên kết lại để chống lại sức ép của tư thương, cũng như tự bảo vệ mình khỏi biến động của thị trường. Còn ở các quốc gia phát triển, HTX đã tự tổ chức sản xuất kinh doanh và quản lý một cách hiệu quả, bảo đảm lợi nhuận bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác. Trên thực tế, ấn tượng về những mô hình HTX kiểu cũ hiện nay vẫn còn khiến nông dân chưa sẵn sàng gia nhập. Trong khi HTX cũng chưa chứng minh được với nông dân bằng chính giá cả và những dịch vụ cung cấp. "Tôi cho rằng, người nông dân cần cơ hội được "sống thử” với HTX, quá trình này sẽ giúp người nông dân tự đánh giá là nên hay không nên gia nhập vào HTX”.
Nhiều ĐBQH cũng đặt vấn đề về các chính sách cho HTX nông nghiệp và HTX phi nông nghiệp (dịch vụ công, vận tải, thủ công nghiệp, hàng tiêu dùng,…) do trên thực tế các loại hình này chưa được quan tâm đúng mức. Đại biểu Trần Du Lịch cho biết, hiện nay Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho HTX, như: vốn vay từ các ngân hàng chính sách, các quỹ hỗ trợ phát triển HTX; cơ sở vật chất kỹ thuật; phát triển nguồn nhân lực;… "Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải xem xét lại chỗ này vì thực tế chính sách thì cái gì cũng ưu đãi hết nhưng HTX cuối cùng chả nhận được ưu đãi gì. Mặt khác, nhiều ưu đãi của Nhà nước, như trợ giá, trợ đất,… hiện nay dù tốt cho HTX nhưng lại vi phạm luật WTO. Do đó, nhất thiết Quốc hội phải ngồi lại để nghiên cứu lại những vấn đề này”.
Chậm đổi mới là chết
Góp ý vào dự án Luật HTX (sửa đổi), đại diện nhiều tổ chức, doanh nghiệp HTX phản ánh, từ năm 1998 đến nay, do thiếu kiến thức về thương nghiệp và phải cạnh tranh với các loại hình doanh nghiệp khác nên nhiều HTX đã vỡ nợ, phá sản, làm ăn thua lỗ hoặc phát triển èo uột, cầm chừng nhờ các nguồn hỗ trợ từ Nhà nước. Những mô hình HTX còn tồn tại đến hôm nay đều nhờ quản lý tỉnh táo hơn và có hướng đổi mới khỏi mô hình cũ. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, tại HTX do ông trực tiếp tham gia quản lý hiện nay – Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), đã sớm nhận ra nhu cầu cần đổi mới để tồn tại và mở rộng phát triển.
Được thành lập sau Đổi mới, Saigon Co.op đã chú trọng tới công tác phát triển nguồn nhân lực ngay từ đầu, thông qua việc tăng cường 10 thạc sĩ chuyên ngành được đào tạo từ nước ngoài trong chương trình 300 tiến sĩ, thạc sĩ về làm việc. Ngoài ra, Liên hiệp còn cho phép cử cán bộ diện quy hoạch dài hạn đi đào tạo tại nước ngoài, trong đó hỗ trợ 50% kinh phí cho cán bộ chủ chốt. Ngoài ra, Liên hiệp HTX cũng nhanh nhạy trong các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành phố trên cả nước. Cho đến nay, vốn sở hữu của Saigon Co.op đã vượt 1.250 tỷ đồng, với hệ thống 59 siêu thị Co.opMart, 45 cửa hàng chuyên dụng Co.op Food và 100 cửa hàng liên kết trên cả nước.
Với quy mô nhỏ hơn, một dẫn chứng như HTX dịch vụ nông nghiệp Hữu Đức (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) đã tập hợp 90% nông dân vào HTX nhờ cung cấp cho các địa bàn nông thôn nhiều dịch vụ hiệu quả, như: giao thông thủy lợi nội đồng, dịch vụ làm đất, máy kéo – máy gặt liên hợp, vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc BTTV… Tính riêng năm 2011, Hữu Đức đã đem lại doanh thu trên 8 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng, nộp ngân sách gần 90 triệu đồng và đem lại thu nhập bình quân 3 triệu đồng/xã viên/tháng. "Nông dân rất tin tưởng vào HTX vì hầu hết các báo cáo tài chính, kinh doanh, kế hoạch sản xuất, kinh doanh đều được đưa ra thảo luận công khai tại cuộc họp hộ xã viên ở đội sản xuất. Sau đó, đọc công khai trên hệ thống truyền thanh, niêm yết ít nhất 5 ngày nơi công cộng, sau đó mới triệu tập Đại biểu xã viên họp Đại hội thường niên quyết định”, ông Thuận Văn Tài – Chủ nhiệm HTX Hữu Đức chia sẻ kinh nghiệm.
Để tồn tại trong môi trường hội nhập quốc tế, thời gian qua, nhiều địa phương đã mạnh dạn tạo điều kiện cho một số HTX nhận hỗ trợ từ các nguồn tài trợ của nước ngoài. Tiêu biểu như UBND tỉnh Sóc Trăng đã cho phép chính phủ Canada tài trợ vào dự án "Nâng cao đời sống nông thôn của tỉnh Sóc Trăng” qua mô hình HTX nông nghiệp Evergrowth. Ngay khi được thành lập, chính phủ Canada phối hợp với tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật, xây dựng hệ thống thu mua, tiếp cận thị trường cho trên 1.300 xã viên thuộc 4 huyện: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú và Châu Thành. Nhờ cách quản lý minh bạch, khoa học, năm 2011, HTX đã đạt doanh thu trên 53 tỷ đồng, với sản lượng trung bình 12,2 tấn sữa/ngày.
Đánh giá về các mô hình HTX kiểu mới, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết, những mô hình HTX nhanh nhạy với thị trường hiện nay đa số đặt mục tiêu trước hết là đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung của các thành viên về kinh tế, đời sống, phục vụ và hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện địa vị kinh tế và xã hội của họ. "Do đó, thông qua các ý kiến tham vấn cho Dự án Luật HTX (sửa đổi) từ chính chủ nhiệm các HTX, cũng như ĐBQH, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ xem xét thấu đáo những vấn đề còn tồn tại của Luật HTX năm 2003 để sửa đổi và bổ sung cho phù hợp”.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, dự kiến vào tháng 10-2012 tới, Quốc hội sẽ chính thức thông qua luật này tại kỳ họp thứ 4.