Cần có những sửa đổi căn bản để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển
- 21/02/2019
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hai yêu cầu cốt lõi cho việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Ý kiến này được ông Lộc đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, do VCCI và Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức sáng 20/2 tại Hà Nội.
Theo ông Lộc, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cần có những sửa đổi căn bản chứ không phải điều chỉnh, sửa đổi nhỏ.
“Chúng ta phải tính đến thu hút đầu tư nước ngoài, mặt khác phải tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Tôi cho rằng hai dự án luật này phải sửa khá căn bản trong lúc này. Bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài, cần chính thức hóa hàng triệu hộ kinh doanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Đây là hai yêu cầu cốt lõi cho sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư” – ông Lộc nêu ý kiến.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cho đến nay cả nước có khoảng 750 nghìn doanh nghiệp (số lượng doanh nghiệp trong 3 năm gần đây tăng 70%).
“Có thể nói, Luật Đầu tư giai đoạn 3 năm qua (2016 - 2018) là giai đoạn thăng hoa nhất. Đặc biệt là công tác giải ngân. Riêng trong năm 2018 đã giải ngân gần 20 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay” – ông Thắng nói.
Tuy nhiên theo ông Thắng, bên cạnh những mặt được thì Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế. Đó là sự vênh nhau giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với Luật Môi trường, Luật Đô thị và Luật Xây dựng...
“Về đầu tư nước ngoài, dù 3 năm qua có kết quả tốt, nhưng rà soát trong 30 năm qua đã nhận định một số hạn chế như thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên, chưa chuyển giao công nghệ, công nghệ chưa cao so với yêu cầu… Trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực như vậy, việc điều chỉnh, sửa đổi một số điều khoản của 2 luật này là xác đáng. Và đây chính là thời điểm cần xem xét, bổ sung” – ông Thắng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nêu ý kiến: “Hiện nay chúng ta không thu hút được nguồn đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, đặc biệt là từ Mỹ và EU. Phải chăng môi trường đầu tư tại Việt Nam chưa phù hợp với nguồn công nghệ cao từ các nước tiên tiến? Trong đề xuất lần này, Ban soạn thảo nên đưa vào đổi mới chính sách tạo sự kết nối trong nước. Đây là điều kiện để chúng ta khắc phục được những điểm yếu, phát huy lợi thế đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Chúng ta phải chọn lọc công nghệ cao, công nghệ nguồn có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, hạn chế công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường, không để nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng nhà đầu tư Việt Nam kiếm lợi...”.