Cần có nghị định về giá dịch vụ thủy lợi
- 27/05/2017
Từ ngày 1/1/2017, thủy lợi phí được chuyển thành giá dịch vụ thủy lợi. Các địa phương đang lúng túng chưa biết cách giải quyết kinh phí cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, trong khi cung cấp nước để kịp sản xuất đang đang thực sự bức thiết.
Băn khoăn cấp bù, trợ giá
Từ năm 2008, Nhà nước thực hiện chính sách miễn thu thủy lợi phí bằng Nghị định 154/2007/NĐ-CP; Nghị định 115/2008/NĐ-CP và Nghị định 67/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Theo đó, mức thu thủy lợi phí được Chính phủ quy định chỉ một mức giá (cũng là mức cấp bù) đối với từng biện pháp tưới tiêu, từng vùng và được hỗ trợ toàn bộ từ ngân sách nhà nước.
Phạm vi miễn thủy lợi phí được tính từ cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước đến công trình đầu mối. Người dân phải đóng góp để duy tu sửa chữa công trình từ vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước đến mặt ruộng. Khoản chi cấp bù do miễn thu thủy lợi phí là khoản chi phục vụ an sinh xã hội.
Hiện nay, trong quá trình thực tế triển khai chính sách mới, các địa phương gặp một số khó khăn. Cụ thể như ngân sách để cấp bù do miễn thu thủy lợi phí được cân đối hàng năm cho các địa phương trên cơ sở diện tích, mức thu, và biện pháp tưới tiêu. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản nào quy định việc miễn giá dịch vụ thủy lợi, miễn cho ai, miễn rồi cấp bù như thế nào, cấp cho ai, thực hiện cấp bù và quyết toán như thế nào?
Bên cạnh đó, khi thực hiện giá dịch vụ công ích, thủy lợi phí được miễn, ngân sách nhà nước cấp bù, do vậy sẽ không còn cơ chế cấp bù mà chỉ là trợ giá, hỗ trợ tài chính. Vậy nông dân có được miễn không và thực hiện miễn như thế nào thì đến nay chưa có hướng dẫn. Nếu trợ cấp, trợ giá trực tiếp cho sản phẩm nông nghiệp sẽ vi phạm quy định WTO và ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Các địa phương hiện nay rất đang lúng túng chưa biết cách giải quyết kinh phí cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi. Các địa phương cũng cho rằng, những vướng mắc nêu trên không thể giải quyết trong phạm vi thông tư của các bộ, ngành mà cần phải quy định trong các luật chuyên ngành hoặc các nghị định, nghị quyết.
Sớm khai thông về thủy lợi phí phục vụ sản xuất
Trên cơ sở vướng mắc từ thực tiễn và đề xuất của các địa phương, thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ NN&PTNT(NN&PTNT) đang hoàn thiện Dự thảo Luật Thủy lợi dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra, theo hướng đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật khác. Trong chức trách nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính cũng đã có một số ý kiến góp ý để dự thảo luật phù hợp hơn với các quy định hiện hành.
Theo đó, về vấn đề giá sản phẩm, dịch vụ công ích; cơ chế tài chính đối với giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, Bộ Tài chính đề nghị xác định cụ thể sản phẩm dịch vụ công ích công ích thủy lợi là gì, được tính theo khối lượng nước (m3) hay diện tích (ha)?
Đối với quy định về phân loại sản phẩm dịch vụ thủy lợi, cần làm rõ sản phẩm cấp nước cho chăn nuôi là gì, cấp cho ai, tính như thế nào? Nếu cấp nước cho hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ đề nghị là không đưa vào sản phẩm dịch vụ công ích vì liên quan đến xác định đối tượng hỗ trợ miễn giá dịch vụ công ích.
Riêng nguyên tắc và căn cứ định giá dịch vụ thủy lợi nên xác định rõ việc định giá dịch vụ thủy lợi có bao gồm khấu hao tài sản cố định của các công trình thủy lợi, hồ đập, kênh mương, công trình xây đúc và bằng đất, máy bơm nước có công suất 8.000 m3/h trở lên hay không(?). Các tài sản này trước đây không tính khấu hao, nếu tính khấu hao thì giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi sẽ làm tăng rất lớn so với thủy lợi phí hiện tại.
Về lợi nhuận do các sản phẩm, dịch vụ công ích nhà nước định giá cũng cần làm rõ được xác định như thế nào, bởi vì liên quan đến hỗ trợ tiền sử dụng dịch vụ thủy lợi: Không thể cấp tiền từ ngân sách để hỗ trợ lợi nhuận cho đơn vị thụ hưởng dịch vụ công ích thủy lợi.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị quy định cụ thể kinh phí hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Ngoài ra, còn có những vấn đề cần cụ thể như: ưu đãi về đất đai, ưu đãi về lãi suất, mức vay vốn, thời hạn vay vốn tín dụng, ưu đãi về thuế...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng bổ sung ý kiến, cần có nghị định riêng về xây dựng giá dịch vụ thủy lợi. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng phương pháp xác định giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi cụ thế dưới dạng thông tư.
Khi ban hành giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, Bộ Tài chính sẽ ban hành 3 văn bản: Hướng dẫn lập dự toán, cấp phát, thanh quyết toán; hướng dẫn đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch; quy chế quản lý tài chính đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi (doanh nghiệp, trung tâm, chi cục)..../.