TỜ TRÌNH
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
_____________
Kính gửi: Quốc hội khóa XV.
Tại Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện một số cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Kết luận Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tại Thông báo số 3263/TB-TTKQH ngày 11 tháng 01 năm 2024 của Tổng Thư ký Quốc hội, Chính phủ báo cáo Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị quyết). Cụ thể như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT
1. Căn cứ, cơ sở đề xuất
- Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
- Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó: “nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, báo cáo Quốc hội khi tiến hành giám sát tối cao chuyên đề về 03 chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp thứ 6”.
- Báo cáo số 550/BC-ĐGS ngày 21 tháng 10 năm 2023 của Đoàn Giám sát của Quốc hội; kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (đã được tổng hợp tại Báo cáo số 3077/BC-TTKQH ngày 15 tháng 11 năm 2023 của Tổng Thư ký Quốc hội).
- Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tại Phiên họp thứ 29 tại Thông báo số 3263/TB-TTKQH ngày 11 tháng 01 năm 2024; Báo cáo thẩm tra số 1350/BC-HĐDT15 ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Hội đồng Dân tộc Quốc hội.
2. Sự cần thiết
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, đã đạt được một số kết quả bước đầu: Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã cơ bản được ban hành đầy đủ; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%; tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62%; cả nước có 73,65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 40,8% đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 05 tỉnh
[1] đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương được giao còn rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu do một số khó khăn, vướng mắc cần phải được kịp thời tháo gỡ về: Phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương (chi thường xuyên) hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng;... Những khó khăn, vướng mắc nêu trên liên quan đến các quy định của một số Luật có liên quan, vượt thẩm quyền của Chính phủ và cần phải báo cáo Quốc hội.
Trước thực trạng đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định một số giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ. Các giải pháp này nếu được thông qua sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp.
II. VỀ SỰ PHÙ HỢP VỚI CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 ban hành theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn về nếp sống tới từng thôn, bản, ấp, hộ gia đình và cuộc sống trực tiếp của mỗi người dân sinh sống ở nông thôn”; “Quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; “Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên tự thoát nghèo; hạn chế bất bình đẳng xã hội”. Trên tinh thần đó, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư 03 chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội), giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội), xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội); Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022, số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định; các bộ, cơ quan trung ương theo thẩm quyền đã ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; các bộ, cơ quan trung ương ban hành các thông tư, văn bản sửa đổi, bổ sung một số quy định để giải quyết những vướng mắc khó khăn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Chính phủ kịp thời rà soát, đề xuất giải pháp xử lý các khó khăn khi áp dụng các quy định của một số Luật chuyên ngành trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc đề xuất giải pháp đặc thù này đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các chương trình và phù hợp với chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết: số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020, số 24/2021/QH15 và số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021.
III. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT
1. Mục tiêu
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
2. Quan điểm
- Bảo đảm tuân thủ các quy định Hiến pháp năm 2013, phù hợp với chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia tại các Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020, số 24/2021/QH15 và số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu của Đại biểu Quốc hội và của các cử tri cả nước.
- Quy định một số cơ chế đặc thù nhằm thể chế hóa đầy đủ các quy định, chính sách về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đoạn 2021 - 2025 theo hướng tăng cường phân cấp, trao quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, hoàn thành mục tiêu từng chương trình theo yêu cầu của Quốc hội.
IV. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI
1. Thực hiện kế hoạch giám sát của Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã tích cực phối hợp với Đoàn Giám sát của Quốc hội khóa XV để đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đã có các báo cáo số 100/BC-CP ngày 01 tháng 4 năm 2023; số 388/BC-CP ngày 16 tháng 8 năm 2023, số 445/BC-CP ngày 12 tháng 9 năm 2023, Tờ trình số 444/TTr-CP ngày 12 tháng 9 năm 2023 báo cáo Đoàn Giám sát, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
2. Thực hiện kết luận Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tại Thông báo số 2901/TB-TTKQH ngày 19 tháng 10 năm 2023 của Tổng Thư ký Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan xây dựng hồ sơ trình Quốc hội; lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì cuộc họp ngày 16 tháng 10 năm 2023 với các bộ, cơ quan: Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội để cho ý kiến và thống nhất với Hồ sơ trình Quốc hội; Chính phủ thông qua Tờ trình số 557/TTr-CP ngày 16 tháng 10 năm 2023 về các cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
3. Thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; trên cơ sở các Báo cáo số 550/BC-ĐGS ngày 21 tháng 10 năm 2023 của Đoàn Giám sát của Quốc hội, số 3077/BC-TTKQH ngày 15 tháng 11 năm 2023 của Tổng Thư ký Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan xây dựng, tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương đối với Hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo quy định.
4. Thực hiện Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; Bộ Tư pháp thẩm định Hồ sơ đề xuất theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (văn bản số 262/BCTĐ-BTP ngày 05 tháng 12 năm 2023).
5. Trên cơ sở ý kiến các Thành viên Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 210/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2023 thông qua dự thảo Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các cơ chế đặc thù để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết.
6. Thực hiện Kết luận Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tại Thông báo số 3263/TB-TTKQH ngày 11 tháng 01 năm 2024 của Tổng Thư ký Quốc hội và trên cơ sở Báo cáo thẩm tra số 1350/BC-HĐDT15 ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Ngày 12 tháng 01 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP thông qua Hồ sơ dự thảo Nghị quyết; đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 1 năm 2024.
V. BỐ CỤC DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VÀ NỘI DUNG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ ĐỀ XUẤT ĐƯA VÀO NGHỊ QUYẾT
1. Về tên gọi dự thảo Nghị quyết
Trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề xuất tên gọi là: “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”.
2. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù khác quy định hoặc chưa được quy định tại các một số Luật (như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
3. Về đối tượng áp dụng (Điều 2)
Nghị quyết áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
4. Về giải thích từ ngữ (Điều 3)
Tại dự thảo Nghị quyết, đề xuất 01 Điều quy định về giải thích một số từ ngữ được sử dụng trong Nghị quyết để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong cách hiểu, áp dụng quy định pháp luật trong tổ chức, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Nội dung cụ thể:
a) “Dự án thành phần” bao gồm: Dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; nội dung thành phần, nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; dự án, tiểu dự án, nội dung, nội dung thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm.
Việc giải thích từ ngữ “dự án thành phần” được sử dụng tại dự thảo Nghị quyết nhằm phân biệt giữa “dự án thành phần” thuộc nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia với “dự án đầu tư phát triển” hoặc “dự án hỗ trợ phát triển sản xuất”. Trong đó, mục tiêu, nhiệm vụ và cơ quan chủ “dự án thành phần” được xác định cụ thể tại từng Quyết định của Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia trong từng giai đoạn. Danh mục dự án thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Phụ lục I.
b) “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị” bao gồm: Dự án, kế hoạch phát triển sản xuất do doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là chủ trì liên kết) hợp tác với cá nhân, hộ gia đình thuộc đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, các tổ nhóm cộng đồng, tổ hợp tác (gọi chung là các đối tượng liên kết) xây dựng, đề xuất và được cấp có thẩm quyền phê duyệt để liên kết hình thành chuỗi giá trị thực hiện các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Việc giải thích từ ngữ “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị” được sử dụng tại Nghị quyết nhằm xác định thuật ngữ thay thế cho các loại hình liên kết trong phát triển sản xuất. Các từ ngữ “Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị”, “Phương án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị” đã được quy định tại các Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
c) “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng” bao gồm: Dự án, phương án phát triển sản xuất do cộng đồng người dân (tổ, nhóm dân cư hoặc hộ gia đình) xây dựng, đề xuất và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc giải thích từ ngữ “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng” được sử dụng tại Nghị quyết nhằm xác định thuật ngữ thay thế cho các loại hình phát triển sản xuất do cộng đồng đề xuất và tự thực hiện. Các thuật ngữ “Dự án phát triển sản xuất cộng đồng”, “Phương án phát triển sản xuất cộng đồng” đã được quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và một số thông tư cấp bộ hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí, thực hiện nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia.
d) “Chủ dự án phát triển sản xuất” là chủ trì liên kết, cộng đồng người dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt cụ thể tại dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng.
đ) “Cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất” là cơ quan nhà nước được giao dự toán thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, được xác định cụ thể tại quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
e) “Dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp” là dự án đầu tư xây dựng đáp ứng các tiêu chí: Thuộc nội dung đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia, được thực hiện trên địa bàn 01 đơn vị hành chính cấp xã, do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; có tổng mức đầu tư dự án không vượt quá 05 tỷ đồng; kỹ thuật không phức tạp, có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình hoặc các thiết kế sẵn có đã áp dụng trên địa bàn cấp huyện; thuộc danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
5. Về nội dung cơ chế đặc thù (Điều 4)
Tại dự thảo Nghị quyết, Chính phủ trình Quốc hội quyết định thí điểm 08 cơ chế, chính sách đặc thù. Cụ thể:
a) Khoản 1 quy định về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm:
Hằng năm, Quốc hội quyết nghị phân bổ dự toán chi thường xuyên thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến từng lĩnh vực chi sự nghiệp. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chi tiết chi thường xuyên theo dự án thành phần, lĩnh vực chi sự nghiệp. Tuy nhiên, quy định này không tạo được sự chủ động, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong phân bổ, sử dụng nguồn lực theo điều kiện thực tiễn của địa phương; các địa phương không được chủ động, linh hoạt điều chỉnh từ nội dung chi không còn đối tượng chi, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để tập trung vốn cho những nội dung có đối tượng hoặc các dự án đang có hiệu quả cao nhưng thiếu nguồn lực. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân kinh phí thường xuyên của 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023 chỉ đạt khoảng 23%. Trước thực trạng đó, các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương kiến nghị Trung ương giao dự toán chi ngân sách trung ương cho các địa phương theo từng chương trình; phân cấp cho địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết đến dự án thành phần.
Trên cơ sở rà soát quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tổng hợp đề xuất của nhiều địa phương, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách nhà nước[2] để thực hiện phân cấp, tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương, đồng thời để thống nhất quy định về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên hằng năm thực hiện giữa các chương trình mục tiêu quốc gia[3]. Nội dung cơ chế đặc thù bao gồm các quy định:
- Quốc hội quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng mức kinh phí từng chương trình mục tiêu quốc gia.
- Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng kinh phí chi thường xuyên từng chương trình mục tiêu quốc gia.
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
b) Khoản 2 quy định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm:
Kết quả giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua, đặc biệt là vốn sự nghiệp, chưa đạt được mục tiêu một phần do các địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong áp dụng các quy định của pháp luật chuyên ngành. Trong đó: (1) Đối với dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương các năm 2021, năm 2022, năm 2023, năm 2024 được giao chi tiết theo dự án thành phần, lĩnh vực chi làm cho các địa phương không được điều chỉnh vốn giữa các nội dung, dự án thành phần, lĩnh vực chi đã được Trung ương giao do Luật Ngân sách nhà nước không có quy định cho phép địa phương được điều chỉnh dự toán ngân sách trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ giao; (2) Các địa phương không thực hiện được việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài sang thực hiện trong năm 2024 do Luật Đầu tư công không có quy định cho phép điều chỉnh nguồn vốn được kéo dài.
Trước thực trạng đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho phép địa phương điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước (chi thường xuyên) năm 2024, dự toán, kế hoạch ngân sách nhà nước từ các năm trước được kéo dài sang năm 2024 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương và đảm bảo đồng bộ với cơ chế giao dự toán chi thường xuyên đề xuất tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết (Chính sách 1). Trong đó, nội dung cơ chế đặc thù bao gồm các quy định:
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước 2024 (chi thường xuyên) và dự toán ngân sách nhà nước chưa giải ngân hết trong năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên được chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2023) của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được chuyển sang năm 2024 theo quy định tại các Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 và Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, theo thẩm quyền phân cấp, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024 theo quy định tại các Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 và Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội.
- Nguyên tắc thực hiện:
+ Điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước từ các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ, hoặc không đủ điều kiện để giải ngân kinh phí theo quy định, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung dự toán thực hiện các dự án thành phần khác trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo không vượt tổng dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao.
+ Điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm giữa các dự án đầu tư trong danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo không vượt quá tổng mức vốn đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch cho từng chương trình.
c) Khoản 3 về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất:
Tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ) đã quy định phân cấp cho địa phương quyết định trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Thực hiện theo quy định phân cấp này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chính sách theo thẩm quyền theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đến nay, về cơ bản đã có 44 địa phương (Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo) đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo, ghi nhận nhiều địa phương phản ánh gặp khó khăn, mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số địa phương cho rằng việc ban hành quy định trình tự, thủ tục là nội dung điều hành của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa xem xét thông qua. Việc chậm trễ ban hành quy định này đã làm chậm tiến độ triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất tại địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phản ánh, do lần đầu xây dựng, ban hành quy định về trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, nên trong quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh một số vướng mắc cần điều chỉnh. Để rút ngắn quá trình thực hiện điều chỉnh này, hầu hết các địa phương tiếp tục đề xuất, kiến nghị giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất (bao gồm cả ban hành mới và điều chỉnh các quy định đã ban hành).
Trên cơ sở rà soát quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổng hợp đề xuất của nhiều địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, nội dung cơ chế đặc thù quy định:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia.
- Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy định về trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
d) Khoản 4 quy định về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất:
- Việc áp dụng quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 trong trường hợp giao cho chủ dự án (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) thực hiện mua sắm hàng hóa từ vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ không gặp vướng mắc, khó khăn. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023 đã phát sinh khó khăn, vướng mắc, chưa đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục áp dụng cơ chế giao chủ dự án tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể:
+ Các đối tượng chủ dự án phát triển sản xuất đều là đối tượng ngoài nhà nước, việc bắt buộc phải thực hiện các quy trình đấu thầu gặp nhiều khó khăn, nhất là đối tượng người dân không thuộc đối tượng “bên mời thầu” theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 để thực hiện các quy trình đấu thầu theo quy định.
+ Chủ dự án phát triển sản xuất không đủ điều kiện, hoặc không có khả năng thực hiện (nhất là người dân vùng dân tộc thiểu số) các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 22 (Đấu thầu hạn chế), Điều 23 (Chỉ định thầu), Điều 24 (Chào hàng cạnh tranh), Điều 25 (Mua sắm trực tiếp), Điều 26 (Tự thực hiện) của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15.
+ Chủ dự án không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại Điều 27 (Tham gia thực hiện cộng đồng) do hình thức này chỉ áp dụng cho tổ, nhóm thợ tại địa phương tham gia gói thầu xây lắp.
- Bên cạnh đó, hàng hóa để thực hiện hoạt động phát triển sản xuất không chỉ được đầu tư từ ngân sách nhà nước mà còn được đầu tư từ nguồn vốn tự có của chủ dự án. Nếu bắt buộc chủ dự án phải thực hiện các quy định về đấu thầu mua sắm với cả nguồn vốn tự có sẽ không thu hút được các đối tượng này tham gia thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng nông thôn, vùng khó khăn.
- Qua tổng hợp, nhiều địa phương kiến nghị cho phép giao các đối tượng ngoài nhà nước (chủ trì liên kết, tổ, nhóm cộng đồng) được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa (không bắt buộc phải thực hiện đấu thầu mua sắm theo các hình thức đấu thầu tại Luật Đấu thầu); cơ quan nhà nước sẽ thanh toán phần hỗ trợ sau khi có hóa đơn, chứng từ chứng minh việc mua sắm theo đúng nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để giải quyết vướng mắc nêu trên, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định tại Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15. Trong đó, cho phép chủ dự án phát triển sản xuất (gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa trong phạm vi nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Chính sách này được Quốc hội thông qua sẽ cho phép các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện được cơ chế mua sắm hàng hóa như đã thực hiện trong năm 2023 như đã quy định, hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ Tài chính. Nội dung cơ chế đặc thù như sau:
- Chủ dự án phát triển sản xuất được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được quyết định phương thức mua sắm hàng hóa thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với nội dung hỗ trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Căn cứ quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thanh toán tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho chủ dự án phát triển sản xuất để thực hiện việc mua sắm hàng hóa như sau:
+ Trường hợp chủ dự án phát triển sản xuất trực tiếp sản xuất, cung ứng giống cây trồng vật nuôi, cơ quan quản lý dự án thanh toán trực tiếp chi phí sản xuất, cung ứng giống cây trồng vật nuôi theo giá thị trường tại địa bàn thực hiện dự án, hoặc theo định mức hỗ trợ theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Cơ quan tài chính cùng cấp, hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường của hàng hóa trong trường hợp thanh toán theo giá thị trường.
+ Trường hợp chủ dự án ký kết hợp đồng mua sắm hàng hóa với bên cung cấp hàng hóa không phải là thành viên tham gia dự án phát triển sản xuất, chủ dự án có văn bản (hoặc đơn) đề xuất (kèm theo bản gốc hợp đồng mua bán có chứng nhận của cơ quan quản lý dự án) gửi cơ quan quản lý dự án để thực hiện thanh toán cho bên cung cấp hàng hóa. Chủ dự án phát triển sản xuất có trách nhiệm cung cấp đầy đủ chứng từ chứng minh hoạt động mua sắm (bao gồm tài liệu đánh giá, so sánh mức giá bán hàng hóa của bên cung cấp với giá bán hàng hóa cùng loại của tối thiểu 03 nhà cung cấp khác trên thị trường) làm cơ sở quyết toán dự án.
- Đối với các trường hợp cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện việc mua sắm hàng hóa để bàn giao lại chủ dự án, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất phải thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hóa theo quy định Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15.
đ) Khoản 5 quy định về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất:
Tài sản hình thành từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia được hỗ trợ từ cả nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn tự có của chủ dự án (chủ trì liên kết, cộng đồng người dân). Tuy nhiên, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ) chỉ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản dự án sử dụng vốn nhà nước; không quy định về việc xử lý tài sản của dự án hỗn hợp trong đó có một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án. Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai cho thấy các tài sản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trong các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phần lớn có giá trị không lớn. Do vậy, các địa phương đang gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; đồng thời, đề nghị thực hiện cơ chế chuyển giao quyền quản lý, sử dụng và sở hữu tài sản này cho các đối tượng chủ trì liên kết, người dân; đề xuất quy định rõ tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất không phải là tài sản công.
Trên cơ sở rà soát quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành và xét tính đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với đối tượng chính sách, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 và các quy định khác có liên quan. Trong đó, đề xuất 02 phương án như sau:
Phương án 1: Trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Chính phủ đề xuất quy định các nội dung cơ chế như sau:
- Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án phát triển sản xuất. Việc xác định từng loại tài sản cụ thể cho từng đối tượng cụ thể do cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định khi phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
- Ưu tiên thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ trì liên kết vay để đầu tư tài sản phục vụ hoạt động phát triển sản xuất có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước.
Cơ chế đề xuất tại Phương án 1 có thể tổ chức thực hiện ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, không phải ban hành các quy định chi tiết và cơ bản bám sát giải pháp đề xuất tại Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, việc xác định mức giá trị tài sản để thực hiện chính sách hỗ trợ mới dựa trên cơ sở tham khảo mức giá trị tài sản theo quy định về xác định giá trị tài sản, vật tư, vật liệu trong quá trình tổ chức thanh lý tài sản công quy định tại Điều 31 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 và quy định về giá trị tài sản lớn của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương (quy định theo phân cấp) như: Bộ Tài chính (tài sản lớn là tài sản có giá trị từ 500 triệu trở lên)
[4], Hải Phòng (có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên)
[5], Sơn La (có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên)
[6], Cao Bằng (có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên)
[7], Nam Định (có giá trị từ 01 tỷ đồng trở lên)
[8], Hải Dương (có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên)
[9]...; chưa có một đánh giá, tính toán đầy đủ cho từng loại tài sản sử dụng cho từng loại dự án phát triển sản xuất cụ thể.
Phương án 2: Đề xuất nội dung chính sách đặc thù như phương án tại Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Quốc hội. Theo đó, quy định các nội dung:
- Chủ dự án phát triển sản xuất quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong thời gian thực hiện dự án. Cơ quan quản lý dự án chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài sản.
- Sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
+ Trường hợp chủ dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị có nhu cầu tiếp tục sử dụng tài sản của dự án, chủ dự án phát triển sản xuất nộp lại ngân sách nhà nước phần giá trị còn lại của tài sản hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để được tiếp nhận quyền sở hữu tài sản.
+ Trường hợp cộng đồng người dân tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng cùng thống nhất đề xuất tiếp tục sử dụng các tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án xem xét, quyết định giao những tài sản này hỗ trợ cho người dân tiếp tục thực hiện phát triển sản xuất (tài sản đã chuyển giao không phải là tài sản công).
- Cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, căn cứ điều kiện thực tiễn, quyết định việc hỗ trợ, chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ được hình thành từ hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cho đối tượng người dân, hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
- Chính phủ quy định tiêu chí xác định các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ; cơ chế đặc thù trong xác định giá trị còn lại và xử lý tài sản được hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Cơ chế đề xuất như tại Phương án 2 đảm bảo tính chặt chẽ, hạn chế tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công, hạn chế thất thoát ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Cơ quan quản lý nhà nước tại các cấp sẽ phải bố trí thêm nhân lực, nguồn lực thực hiện công tác theo dõi, giám sát đối với các tài sản này; đồng thời, Chính phủ chưa xây dựng được dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về “tiêu chí xác định các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ; cơ chế đặc thù trong xác định giá trị còn lại và xử lý tài sản được hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước” để báo cáo Quốc hội ngay tại kỳ họp này. Do vậy, dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là tại cấp cơ sở.
e) Khoản 6 quy định về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội:
Qua tổng hợp báo cáo, nhiều địa phương chưa có đủ cơ sở pháp lý để sử dụng vốn đầu tư công để ủy thác qua hệ thống các ngân hàng chính sách hỗ trợ các đối tượng người dân thuộc đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm do Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước chưa quy định cơ chế sử dụng vốn đầu tư công ngân sách địa phương để ủy thác cho vay. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị việc ủy thác ngân sách nhà nước qua hệ thống các ngân hàng chính sách từ nguồn chi đầu tư phát triển (không sử dụng kinh phí thường xuyên để thực hiện cơ chế ủy thác). Như vậy, các địa phương không được bố trí chi thường xuyên để thực hiện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh địa phương như đã thực hiện trong giai đoạn trước.
Trên cơ sở rà soát quy định Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và tổng hợp đề xuất của Ngân hàng chính sách xã hội, các địa phương, Chính phủ đề xuất cơ chế sử dụng ngân sách cân đối của địa phương để ủy thác cho vay ưu đãi chưa được quy định tại các Luật nhằm tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, linh hoạt bố trí ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn ưu đãi. Trong đó, nội dung cơ chế quy định như sau:
- Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được quyết định việc bố trí vốn ngân sách cân đối của địa phương (bao gồm: vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên) để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới thông qua việc giao Ủy ban nhân dân cùng cấp ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương để thực hiện một số hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định sinh kế và phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong triển khai các dự án thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định điều kiện, nội dung, mức cho vay ưu đãi để thực hiện từng chính sách tín dụng cho các đối tượng được hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo cơ chế ủy thác quy định tại điểm a khoản 6 dự thảo Nghị quyết.
- Đối tượng được vay vốn ưu đãi bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng nông thôn, huyện nghèo; cá nhân người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, người lao động tại địa bàn thuộc phạm vi thực hiện của các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và giao dự toán, kế hoạch để thực hiện ủy thác:
+ Việc lập dự toán, phương án phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước (bao gồm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) hằng năm để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương thực hiện theo cơ chế lập dự toán, phương án phân bổ ngân sách địa phương theo quy định Luật Ngân sách nhà nước.
+ Việc lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương theo trình tự quy định tại Điều 62, Điều 63 Luật Đầu tư công. Giao kế hoạch đầu tư công theo nội dung thực hiện ủy thác (không theo danh mục chương trình, dự án đầu tư công).
g) Khoản 7 quy định về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia:
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất cơ chế thí điểm phân cấp để triển khai quy định tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội như sau:
Phương án 1: Chưa thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện ngay trong giai đoạn 2021-2025; quy định cơ chế định hướng cho tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030. Nội dung đề xuất cụ thể:
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tiêu chí lựa chọn huyện thực hiện cơ chế thí điểm, trong đó ưu tiên lựa chọn huyện đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; có nhiều điển hình cách làm hay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; có kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đạt trên 70%. Tổng số huyện được lựa chọn thí điểm không vượt quá 50% số đơn vị cấp huyện trên địa bàn.
- Nội dung phân cấp:
+ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm cho huyện được lựa chọn thí điểm theo tổng số vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030 và hằng năm giao cho huyện được lựa chọn thí điểm.
+ Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định việc phân bổ vốn thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia; danh mục dự án đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Quy định cơ chế thí điểm như Phương án 1 để làm cơ sở cho quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030 sẽ đảm bảo tính thận trọng; không làm xáo trộn các kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và hằng năm đã được Quốc hội quyết nghị.
Phương án 2: Thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025 như tại Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ. Nội dung cụ thể như sau:
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, căn cứ điều kiện thực tiễn, được quyết định lựa chọn một huyện (01 huyện) thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện được lựa chọn thí điểm.
- Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
- Nguyên tắc thực hiện:
+ Điều chỉnh phương án phân bổ vốn, cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách, chế độ hỗ trợ cho người dân, hộ gia đình thuộc nội dung thực hiện của các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc sử dụng từng loại nguồn vốn sau khi được điều chỉnh cơ cấu giữa chi đầu tư, chi thường xuyên phải tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan.
+ Tổng hợp, giải trình quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm của các huyện thực hiện cơ chế thí điểm được thực hiện theo dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm đã được Hội đồng nhân dân cấp huyện điều chỉnh theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 4 của dự thảo Nghị quyết.
Mặc dù đẩy mạnh phân cấp sẽ tạo sự chủ động cho cấp huyện tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, linh hoạt điều chỉnh theo thực tiễn của địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện thí điểm theo các đề xuất tại Phương án 2 sẽ làm phát sinh những bất cập như: (1) Địa phương phải mất thời gian xây dựng, ban hành các quy định cụ thể để triển khai thực hiện cơ chế, dự kiến sẽ làm chậm tiến độ thực hiện các chương trình tại địa bàn thí điểm; (2) Có thể xảy ra tình trạng địa phương chỉ ưu tiên vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, không ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng chính sách theo mục tiêu Quốc hội giao tại các Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư từng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; (3) Việc điều chỉnh cơ cấu vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa vốn đầu tư, vốn sự nghiệp sẽ làm thay đổi cơ cấu vốn thực hiện các chương trình đã được Quốc hội quyết nghị trong giai đoạn 2021-2025. Do vậy, đề xuất cho phép các địa phương được quyết định lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện cơ chế thí điểm tùy theo điều kiện thực tiễn; đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cấp trong triển khai thực hiện cơ chế.
h) Khoản 8 quy định về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp:
Thực hiện quy định tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành quy định về cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022. Trong đó, từ Điều 13 đến Điều 19 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP đã quy định tiêu chí lựa chọn dự án quy mô nhỏ kỹ thuật không phức tạp, quy trình lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ, lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án này,...
Trong quá trình tổ chức thực hiện, cơ chế này đã tạo điều kiện cho địa phương phân cấp cho cấp xã thực hiện các loại dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp. Tuy vậy, địa phương phản ánh còn gặp khó khăn khi không thể xác định chính xác từng dự án này từ đầu giai đoạn để giao kế hoạch đầu tư công trung hạn; hằng năm phải mất nhiều thời gian thực hiện quy trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, phê duyệt dự án, phân bổ, giao kế hoạch hằng năm theo quy định của Luật Đầu tư công.
Trên cơ sở đề xuất của nhiều địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định tại Luật Đầu tư công. Trong đó, đề xuất quy định:
- Giao kế hoạch đầu tư công trung hạn thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp theo tổng vốn thực hiện các dự án; không bắt buộc giao tên danh mục dự án trong trung hạn.
- Phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn hằng năm thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp chi tiết đến từng dự án theo nguyên tắc tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước lũy kế đến thời điểm giao vốn không vượt quá tổng vốn thực hiện các dự án này trong kế hoạch trung hạn.
(Chính phủ báo cáo chi tiết nội dung đánh giá tác động của các cơ chế đặc thù tại Báo cáo đánh giá tác động của các cơ chế đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia).
6. Về tổ chức thực hiện Nghị quyết (Điều 5)
a) Trách nhiệm của Chính phủ tổ chức thực hiện Nghị quyết; tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2026, hoặc cùng thời điểm đề xuất chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026 - 2030.
b) Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Quốc hội.
c) Trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
7. Về điều khoản thi hành (Điều 6)
a) Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 01 năm 2024 cho đến khi có quy định mới.
b) Cơ chế, chính sách quy định tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết để điều chỉnh dự toán, kế hoạch vốn hằng năm không áp dụng đối với quản lý, sử dụng nguồn vốn nước ngoài huy động cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
c) Trường hợp trước thời điểm dự thảo Nghị quyết có hiệu lực thi hành, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã thực hiện việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn năm 2023 (bao gồm dự toán, kế hoạch đã được kéo dài sang năm 2023 theo quy định) phù hợp với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết thì được tiếp tục thực hiện.
VI. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH, THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ VIỆC LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI, VIỆC THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT
1. Về đánh giá tác động các chính sách
Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề xuất tại dự thảo Nghị quyết được trình kèm theo Tờ trình.
2. Về đánh giá thủ tục hành chính
a) Các quy định không làm phát sinh thủ tục hành chính (bao gồm cả thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước, thủ tục hành chính giữa nhà nước và đối tượng ngoài nhà nước) so với quy trình thực hiện theo pháp luật hiện hành, bao gồm: (1) Phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương hằng năm; (2) Thẩm quyền ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất.
b) Các quy định giúp đơn giản quy trình thủ tục hiện hành, bao gồm: (1) Sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; (2) Quản lý tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; (3) Giao danh mục dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm.
c) Các quy định làm phát sinh thêm các quy trình, thủ tục hành chính (bao gồm cả thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước, thủ tục hành chính giữa nhà nước và đối tượng ngoài nhà nước), bao gồm: (1) Cơ chế ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương; (2) Cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
3. Đánh giá về vấn đề bình đẳng giới
Dự thảo Nghị quyết không có yếu tố gây nên vấn đề bất bình đẳng giới.
4. Đánh giá về thực hiện các điều ước quốc tế
Dự thảo Nghị quyết đã đề xuất quy định không áp dụng cơ chế đặc thù đối với quản lý, sử dụng nguồn vốn nước ngoài huy động cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Do vậy, dự thảo Nghị quyết không có nội dung liên quan đến thực hiện các điều ước quốc tế.
VII. DỰ KIẾN NGUỒN LỰC, ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO VIỆC THI HÀNH VĂN BẢN SAU KHI ĐƯỢC THÔNG QUA
Phạm vi dự thảo Nghị quyết không có quy định làm phát sinh thêm nguồn lực so với nguồn lực đã được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư từng chương trình mục tiêu quốc gia: số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020, số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021, số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021. Đồng thời, quy định tại Nghị quyết là cơ sở pháp lý để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn lực đã được Quốc hội thông qua một cách có hiệu quả.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, nguồn lực và điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết không thay đổi so với các quy định có liên quan quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
VIII. BÁO CÁO GIẢI TRÌNH VIỆC XỬ LÝ CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN THỰC HIỆN KẾT LUẬN KIỂM TOÁN CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC VỀ 03 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG
1. Các vấn đề cần xử lý theo kết luận của Kiểm toán nhà nước
a) Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Tại Báo cáo kiểm toán kèm theo văn bản số 59/KTNN-TH ngày 28 tháng 6 năm 2023, Kiểm toán nhà nước kiến nghị các nội dung:
- Kiến nghị về xử lý tài chính tại một số địa phương như sau: (1) Thu hồi nộp ngân sách nhà nước, giảm thanh toán và bố trí vốn hoàn trả Chương trình, hủy dự toán là 13.674,128 triệu đồng
[10] tại 6/12 tỉnh được kiểm toán; (2) Xử lý tài chính khác là 19.991,234 triệu đồng
[11] tại 02/12 tỉnh được kiểm toán.
- Kiến nghị về chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo chương trình, công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công cụ thể tại Ủy ban Dân tộc và 12 địa phương được kiểm toán.
b) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Tại Báo cáo kiểm toán kèm theo văn bản số 60/KTNN-TH ngày 28 tháng 6 năm 2023, Kiểm toán nhà nước kiến nghị các nội dung:
- Kiến nghị về xử lý tài chính tại một số địa phương như sau: (1) Thu hồi nộp ngân sách nhà nước các khoản chi sai chế độ là 161,829 triệu đồng
[12] tại 04/12 tỉnh được kiểm toán; (2) Hủy dự toán, thu hồi kinh phí thừa là 930,084 triệu đồng
[13] tại 04/12 tỉnh được kiểm toán; (3) Giảm thanh toán dự toán năm sau là 132,285 triệu đồng
[14] tại 03/12 tỉnh được kiểm toán; (4) Bố trí nguồn ngân sách địa phương để hoàn trả kinh phí Chương trình là 14.634,133 triệu đồng
[15] tại 04/12 tỉnh được kiểm toán; (5) Nộp trả ngân sách trung ương kinh phí còn dư đến 31 tháng 12 năm 2022 chưa sử dụng là 26.785,293 triệu đồng
[16] tại 6/12 địa phương được kiểm toán.
- Kiến nghị về chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo chương trình, công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công cụ thể tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và 12 địa phương được kiểm toán.
c) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới:
Tại Báo cáo kiểm toán kèm theo văn bản số 57/KTNN-TH ngày 28 tháng 6 năm 2023, Kiểm toán nhà nước kiến nghị các nội dung:
- Kiến nghị về xử lý tài chính tại một số địa phương như sau: (1) Thu hồi nộp ngân sách nhà nước các khoản chi sai chế độ là 46,321 triệu đồng
[17] tại 01/13 tỉnh được kiểm toán; (2) Thu hồi kinh phí thừa là 36.724 triệu đồng
[18] tại 03/13 tỉnh được kiểm toán; (3) Giảm dự toán, giảm thanh toán năm sau là 6.597,644 triệu đồng
[19] tại 09/13 tỉnh được kiểm toán; (4) Bố trí nguồn ngân sách địa phương để hoàn trả kinh phí Chương trình là 102.360,848 triệu đồng
[20] tại 05/12 tỉnh được kiểm toán.
- Kiến nghị về chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo chương trình, công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công cụ thể tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và 13 địa phương được kiểm toán.
2. Về tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các địa phương liên quan đến thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước
Để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiêm túc thực hiện các kết luận của Kiểm toán nhà nước về 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện trước 31 tháng 12 năm 2023.
Theo thông tin từ Kiểm toán nhà nước; tổng hợp sơ bộ của các cơ quan chủ chương trình, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương được kiểm toán đã và đang triển khai thực hiện các kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước về 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiến độ thực hiện như sau:
- Các cơ quan: Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã thực hiện: (1) Sửa đổi, bổ sung hoặc trình sửa đổi, bổ sung một số quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; hoàn thiện việc ban hành các chương trình, kế hoạch còn thiếu; thông báo dự kiến mức kinh phí sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương theo từng chương trình; (2) Đang tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết lập Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia của quốc gia; (3) Đang xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về quản lý từng chương trình mục tiêu quốc gia.
- Các địa phương được kiểm toán đã và đang tổ chức triển khai thực hiện các kết luận của Kiểm toán nhà nước; chưa có báo cáo, kiến nghị về vướng mắc, khó khăn trong thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
3. Về thực hiện yêu cầu của Quốc hội đối với xây dựng cơ chế thí điểm xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước
a) Tại Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023, Quốc hội giao Chính phủ đề xuất cơ chế thí điểm xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, như báo cáo nêu trên, hiện tại Chính phủ và các bộ, ngành chưa nhận được đề xuất, kiến nghị của các địa phương liên quan đến thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Do vậy, chưa có đầy đủ cơ sở để tổng hợp, đề xuất cơ chế đặc thù, thí điểm xử lý các vấn đề liên quan đến thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước ngay tại Hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 01 năm 2024.
b) Qua rà soát, nội dung kết luận xử lý tài chính đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia của Kiểm toán nhà nước tập trung vào xử lý các khoản chi đã chi sai đối tượng, hoặc chi sai nội dung của từng chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các khoản chi không rõ nhiệm vụ, hoặc không gắn với nhiệm vụ; các khoản chi chưa thực hiện, bị hủy dự toán, cần nộp trả ngân sách trung ương theo quy định; các khoản chi nộp thuế giá trị gia tăng đã được giảm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; các khoản chi của ngân sách địa phương. Do vậy, Chính phủ chưa có cơ sở để đề xuất cơ chế đặc thù, khác quy định của pháp luật hiện hành để xử lý các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Tuy nhiên, theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương ghi nhận có một số địa phương đã có Nghị quyết điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước (chi đầu tư, chi thường xuyên) đối với phần kinh phí được kéo dài thời hạn thực hiện sang năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn. Mặc dù việc điều chỉnh này góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn trong năm 2023, nhưng chưa đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định Luật Ngân sách nhà nước và một trong những trường hợp phải hoàn trả ngân sách nhà nước theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Do vậy, để tạo điều kiện cho địa phương trong sử dụng nguồn vốn đã được giao, Chính phủ đề xuất bổ sung điều khoản thi hành tại Điều 6 dự thảo Nghị quyết để chấp thuận cho các trường hợp đã có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện điều chỉnh dự toán, kế hoạch vốn kéo dài từ năm trước sang năm 2023.
IX. KIẾN NGHỊ CỦA CHÍNH PHỦ
Trên cơ sở các nội dung báo cáo nêu trên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị thông qua Nghị quyết
của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ một cách triệt để các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chính phủ gửi kèm theo Tờ trình này các tài liệu, gồm: (1) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (2) Báo cáo đánh giá tác động của chính sách; (3) Báo cáo rà soát các văn bản pháp luật có liên quan; (4) Báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến Thành viên Chính phủ; (5) Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp; (6) Báo cáo tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; (7) Báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan trung ương; bản chụp ý kiến góp ý; (8) Phụ lục I: Tổng hợp danh mục các dự án thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; (9) Phụ lục II: Tổng hợp danh sách các địa phương đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất.
Trên đây là Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét, quyết nghị.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (để b/c);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Chủ tịch Quốc hội (để b/c);
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (50);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
các Vụ: QHĐP, NN, KGVX, PL, TH;
- Lưu: VT, KTTH (02).
|
TM. CHÍNH PHỦ
TUQ. THỦ TƯỚNG
BỘ TRƯỞNG
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
(Đã ký)
Nguyễn Chí Dũng
|
[1] Bao gồm các địa phương: tỉnh Nam Định, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Hà Nam, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương.
[2] Cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương của các chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết theo lĩnh vực, nhiệm vụ chi đang được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Ngân sách nhà nước.
[3] Theo quy định tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội, việc phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương theo tổng mức vốn của Chương trình.
[4] Tại Quyết định số 409/QĐ-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tài chính.
[5] Tại Quyết định số 43/2020/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng.
[6] Tại Quyết định số 45/2020/QĐ-UBND ngày 02 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.
[7] Tại Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.
[8] Tại Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định.
[9] Tại Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương.
- Thu hồi nộp ngân sách nhà nước các khoản chi sai chế độ là 2.198,701 triệu đồng, gồm: (1) Tỉnh Gia Lai có 2.134 triệu đồng do phân bổ không đúng đối tượng hỗ trợ của Chương trình; (2) Tỉnh Kon Tum có 57,227 triệu đồng do nghiệm thu, thanh toán sai khối lượng; (3) Tỉnh Đăk Nông là 7,424 triệu đồng do phân bổ vượt hạn mức diện tích rừng nhận khoán.
- Giảm dự toán, giảm thanh toán năm sau là 150,801 triệu đồng tại các tỉnh Lạng Sơn (68,661 triệu đồng), tỉnh Bắc Cạn (71,364 triệu đồng), tỉnh Kon Tum (10,776 triệu đồng) do nghiệm thu sai khối lượng.
- Bố trí hoàn trả vốn Chương trình là 9.616,897 triệu đồng, gồm: (1) Tỉnh Lạng Sơn là 9.471,867 triệu đồng do bố trí vốn của Chương trình thanh toán cho công trình đã hoàn thành trước khi kế hoạch thực hiện Chương trình được phê duyệt; phân bổ vốn cho các dự án không phù hợp với quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; (2) Tỉnh Sơn La là 145,03 triệu đồng do sử dụng vốn Chương trình trả nợ các công trình không thuộc danh mục dự án đầu tư công trung hạn của Chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Hủy dự toán là 1.707,720 triệu đồng của tỉnh Lạng Sơn do phân bổ cho công trình, dự án không thuộc danh mục dự án đầu tư Chương trình đã được cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc phân bổ không đúng đối tượng của Chương trình.
- Tại tỉnh Lạng Sơn: (1) Chưa giảm trừ thuế giá trị gia tăng khi nghiệm thu một số gói thầu là 206,234 triệu đồng; (2) Chưa làm rõ được cơ sở phân bổ công trình, dự án thuộc nội dung thực hiện của Chương trình là 3.600 triệu đồng.
- Tại tỉnh Điện Biên phân bổ vốn Chương trình thực hiện các dự án tại địa bàn không thuộc phạm vi, đối tượng hỗ trợ của Chương trình là 16.185 triệu đồng.
[12] Các địa phương: Tỉnh Quảng Trị là 72,106 triệu đồng do phân bổ không theo nhiệm vụ; tỉnh Nghệ An là 20,075 triệu đồng do nghiệm thu sai khối lượng công trình, xác định chi phí lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ thầu… sai quy định; tỉnh Bến Tre là 42,053 triệu đồng do nghiệm thu sai khối lượng công trình, sai đơn giá khảo sát tại địa phương; tỉnh Yên Bái là 27,595 triệu đồng do phân bổ kinh phí cho các đơn vị cấp xã không phù hợp với quy định.
[13] Các địa phương: Tỉnh Hòa Bình là 567,690 triệu đồng hủy dự toán do chưa sử dụng hết; tỉnh Quảng Trị là 27,894 triệu đồng hủy dự toán do phân bổ sai đối tượng; tỉnh Quảng Nam là 34,5 triệu đồng và tỉnh Bến Tre là 300 triệu đồng hủy dự toán do phân bổ sai đối tượng.
[14] Các địa phương: Tỉnh Quảng Nam là 49,202 triệu đồng do tính sai khối lượng công trình; tỉnh Yên Bái là 24,123 triệu đồng do nghiệm thu sai khối lượng công trình; tỉnh Khánh Hòa là 58,960 triệu đồng do nghiệm thu sai khối lượng công trình.
[15] Các địa phương: Tỉnh Điện Biên là 7.439 triệu đồng phân bổ sai đối tượng thụ hưởng; tỉnh Lai Châu là 1.925,349 triệu đồng phân bổ vốn trả nợ công trình chưa đúng quy định của Luật Đầu tư công; tỉnh Sơn La là 700 triệu đồng phân bổ cho nội dung không thuộc nội dung Chương trình; tỉnh Bến Tre là 4.569,784 triệu đồng phân bổ trả nợ xây dựng cơ bản để trả nợ đầu tư công trình không đúng quy định của Luật Đầu tư công.
[16] Nộp về ngân sách trung ương kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp và an toàn lao động đã được tích hợp trong nội dung của Chương trình. Trong đó: Tỉnh Lào Cai đã nộp trước khi có kết luận của Kiểm toán nhà nước (8.000 triệu đồng), tỉnh Nghệ An (1.575,045 triệu đồng), tỉnh Yên Bái (14.000 triệu đồng), tỉnh Điện Biên (98,232 triệu đồng), tỉnh Cao Bằng (38.984 triệu đồng), tỉnh Sơn La (3.073,032 triệu đồng).
[17] Tỉnh Thanh Hóa là 46,321 triệu đồng do sai khối lượng công tác khảo sát địa hình và các chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.
[18] Các địa phương: Thành phố Hải Phòng là 432,621 triệu đồng (vốn ngân sách địa phương) hủy dự toán do sai khối lượng công tác khảo sát địa hình và chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 36.138,411 triệu đồng (vốn ngân sách địa phương) hủy dự toán các khoản kinh phí thừa hết nhiệm vụ chi; tỉnh Tây Ninh 152,977 triệu đồng hủy dự toán do hết nhiệm vụ chi.
[19] Các địa phương: Thành phố Hà Nội là 1.633,888 triệu đồng (vốn ngân sách địa phương) do sai khối lượng nghiệm thu thanh toán, giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; thành phố Cần Thơ là 1.726,512 triệu đồng (vốn ngân sách địa phương) do giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; tỉnh Bình Dương là 401,674 triệu đồng (vốn ngân sách địa phương) do trùng hạng mục chi và giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; thành phố Hải Phòng là 826,612 triệu đồng (vốn ngân sách địa phương) do sai khối lượng nghiệm thu thanh toán; tỉnh Thanh Hóa là 7,661 triệu đồng do sai khối lượng công tác khảo sát địa hình và chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; tỉnh Vĩnh Long là 1.586,816 triệu đồng do sai khối lượng nghiệm thu thanh toán, giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; tỉnh Bình Phước là 129,879 triệu đồng do sai khối lượng nguyên vật liệu, đơn giá; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 217,135 triệu đồng (vốn ngân sách địa phương) do giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; tỉnh Tây Ninh là 67,467 triệu đồng do sai khối lượng, định mức chi.
[20] Các địa phương: Tỉnh Hải Dương là 54.400 triệu đồng, tỉnh Phú Thọ là 3.958,848 triệu đồng và tỉnh Tây Ninh là 23.801,482 triệu đồng do phân bổ vốn sai quy định; tỉnh Vĩnh Long là 7.286,664 triệu đồng và tỉnh Bình Phước là 12.913,854 triệu đồng do chi không đúng nội dung chi, bố trí kinh phí sự nghiệp để nâng cấp, cải tạo công trình không đúng quy định.