Xác định lại mô hình bảo hiểm tiền gửi để luật hóa
- 31/10/2011
Lộ bất cập
Hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện nay thuộc mô hình giảm thiểu rủi ro, ngoài chức năng chi trả còn có thêm chức năng thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm; hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia bảo hiểm khi gặp khó khăn trong việc chi trả; can thiệp vào hoạt động nội bộ của tổ chức tham gia bảo hiểm.
Tuy nhiên, thực trạng hoạt động tỏ ra chưa hiệu quả. Pháp luật hiện hành cho phép bảo hiểm tiền gửi có quyền thanh tra tại chỗ, giám sát trực tiếp, giám sát từ xa đối với cả quy định về bảo hiểm tiền gửi và an toàn hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm. Cụ thể, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nghĩa vụ phải báo cáo kịp thời với tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi gặp khó khăn về khả năng chi trả cũng như thay đổi các thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc/giám đốc; gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi các báo cáo tài chính năm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính; tổ chức bảo hiểm tiền gửi được quyền kiểm tra việc chấp hành các qui định về bảo hiểm tiền gửi của các tổ chức tham gia bảo hiểm, được quyền theo dõi, giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước, việc trao quá nhiều quyền cho bảo hiểm tiền gửi như trên là chưa thực hợp lý bởi chức năng thanh tra, giám sát đã được trao cho Ngân hàng Nhà nước. Nếu để hai cơ quan cùng thanh tra sẽ gây tốn kém chi phí cho xã hội, tạo gánh nặng và gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng vì phải chịu sự thanh tra của hai cơ quan khác nhau, nhất là khi các kết luận thanh tra không thống nhất.
Cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống bảo hiểm tiền gửi giảm thiểu rủi ro cũng khá phức tạp. Trong đó, sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có sự phân định quyền hạn và trách nhiệm, cơ chế rõ ràng thì mới hiệu quả. Mô hình hiện nay trao nhiều quyền hạn cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi như đánh giá và quản lý rủi ro, thanh tra và giám sát hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm, quản lý và thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị đổ vỡ. Muốn thực hiện tốt các chức năng này, lượng thông tin cần chia sẻ giữa bảo hiểm tiền gửi và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính là rất lớn.
Trong khi đó, năng lực và kinh nghiệm thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng của bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam còn yếu. Thực tiễn hơn 10 năm hoạt động thanh tra, giám sát của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mới chủ yếu tập trung vào các quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 89,6%), số cuộc kiểm tra các ngân hàng thương mại trong nước mới chiếm 6,1%, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 3,2%, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 0,1%, công ty tài chính là 1%.
Pháp luật hiện hành trao cho bảo hiểm tiền gửi quyền xem xét và quyết định hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia bảo hiểm dưới các hình thức cho vay, bảo lãnh, mua lại nợ... Thế nhưng, việc thực hiện chức năng này thực tế cũng chưa hiệu quả như mong đợi. Trong số 05 quỹ tín dụng nhân dân khó khăn đã được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hỗ trợ (khoảng 7 tỷ đồng), đã có 1 tổ chức (chiếm 20%) bị đổ vỡ dẫn đến nguy cơ tổ chức bảo hiểm tiền gửi bị mất vốn.
Pháp luật hiện hành cũng trao cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi thẩm quyền yêu cầu các tổ chức tham gia bảo hiểm thực hiện các biện pháp chấn chỉnh kịp thời nếu vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, hoặc xét thấy tổ chức tham gia bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng chi trả, thất thoát lớn về tài sản, tác động nghiêm trọng tới các tổ chức tín dụng khác... Thực tế hơn 10 năm hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng chưa thể hiện được chức năng này.
Hướng khắc phục
Để khắc phục bất cập, các chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, cần xác định lại mô hình bảo hiểm tiền gửi cho phù hợp hơn đảm bảo tính hiệu quả của cơ chế giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tham gia bảo hiểm, đảm bảo phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia, giảm gánh nặng cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trên cơ sở đó luật hóa.
Mô hình các chuyên gia ngân hàng đề xuất để luật hóa (Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi đang được cơ quan chức năng xây dựng) là không trao cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chức năng thanh tra tại chỗ và giám sát trực tiếp việc thực hiện các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của tổ chức tham gia bảo hiểm; không để tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện chức năng hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia bảo hiểm khi gặp khó khăn về chi trả; không trao cho bảo hiểm tiền gửi chức năng can thiệp vào hoạt động nội bộ của tổ chức tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, cần để cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện chức năng thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo hiểm tiền gửi, thực hiện chức năng giám sát từ xa việc thực hiện các quy định về về an toàn hoạt động ngân hàng của tổ chức tham gia bảo hiểm theo hướng tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin nhằm phát hiện và báo cáo Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời những rủi ro gây mất an toàn hệ thống ngân hàng...Mô hình này được cho là vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng, không chồng chéo, tiết kiệm chi phí cho xã hội, phù hợp với bộ máy tổ chức và nhân sự hiện có của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam./.