"Vượt xa ngưỡng chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới"
- 12/04/2012
Tại tọa đàm do Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tổ chức, Bà Trần Thị Trang- Vụ Pháp chế, Bộ Y tế- cho biết: Dự thảo luật gồm 5 chương, 36 điều xoay quanh các nội dụng như: biện pháp giảm cầu; biện pháp kiểm soát nguồn cung và các điều kiện kiểm soát phòng chống tác hại thuốc lá.
Đây là dự thảo phòng chống tác hại thuốc lá theo cách tiếp cận của y tế cộng đồng, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm, đồng thời, kiểm soát nguồn cung phù hợp với điều kiện thực tiễn hài hòa với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Phạm Kiến nghiệp- Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam- cho rằng: Các giải pháp thực hiện phòng chống tác hại thuốc lá của dự thảo mới chỉ là phần ngọn, điều cốt lõi để giảm nhu cầu sử dụng không được đề cấp đến. Bên cạnh đó, nhiều điều trong dự thảo vượt xa ngưỡng chuẩn của Công ước Khung kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (FCTC) mà Việt Nam đã tham gia từ năm 2005. Chẳng hạn như theo FCTC quy định “kiểm soát” tác hại thuốc lá thì dự thảo luật lại quy định “phòng chống” tác hại, hay cần “nguồn tài chính” (FCTC) thì dự thảo lại xây dựng thành “quỹ phòng chống”…
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Đức Thụ, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến nhất trí về sự cần thiết phải ban hành dự án Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, cho đến nay, dự thảo vẫn còn một số ý kiến khác nhau xung quanh những nội dung của dự thảo như in cảnh báo sức khỏe trên bao thuốc lá; quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá; vấn đề quản lý, sử dụng quỹ như thế nào cho phù hợp; xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá; các biện pháp phòng chống thuốc lá giả, nhập lậu...
Nổi bật nhất là vấn đề quỹ phòng chống tác hại thuốc lá. Bên cạnh một số ý kiến tán thành việc thành lập quỹ để tạo điều kiện huy động nguồn lực cho công tác phòng chống theo hướng xã hội hóa từ cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá... Ngược lại, nhiều ý kiến không đồng ý thành lập quỹ mà nhất trí phải tăng cường kinh phí cho công tác bằng các giải pháp khác. Bởi việc hình thành nhiều loại quỹ sẽ khó kiểm soát hoạt động, có thể nảy sinh tình trạng lạm dụng quỹ.
Đối với nguồn hình thành quỹ, cũng có rất nhiều quan điểm theo các hướng khác nhau. Tuy nhiên, đa phần đều thống nhất quan điểm các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng góp một khoản bắt buộc không tối đa quá 2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Ông Phạm Kiến Nghiệp kiến nghị, trong nửa năm đầu sau khi luật có hiệu lực nên thu thêm ở mức 0,5% sau đó xem xét nâng dần lên không quá 2%.
Về diện tích ghi cảnh báo tác hại thuốc lá, hầu hết các ý kiến cho rằng, phần ghi cảnh báo tác hại thuốc lá chỉ nên quy định 30%. Bà Quách Kim Anh Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam kiến nghị, việc in cảnh báo nên giao cho Chính phủ tùy thuộc điều kiện kinh tế xã hội, tình hình chống buôn lậu thuốc lá để quy định lộ trình in cảnh báo sức khỏe cho phù hợp…
Tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp- Đinh Trung Tụng cho biết, Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội do tác động lớn về mặt kinh tế, xã hội và về sức khỏe con người. Chính vì vậy, những ý kiến đóng góp cho dự thảo sẽ được xem xét cụ thể để chỉnh sửa dự thảo cho phù hợp với thực tiễn xã hội.
Tại Tp.HCM Hội LHPN thành phố đã phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tham gia hội nghị có 86 đại biểu là đại diện của câu lạc bộ (CLB) Nữ trí thức TP, tổ trợ giúp pháp lý Hội LHPN TP, CLB Nữ luật sư TP, CLB Nữ nhà báo TP, Hội LHPN 24 quận huyện và các đơn vị lực lượng vũ trang thuộc Hội LHPN TP.
![]() |
Tại hội nghị, đa số đại biểu nhất trí với tên gọi của luật, thống nhất bố cục của dự thảo luật; sự cần thiết phải ban hành luật nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Về cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh phải chiếm ít nhất 50% diện tích vỏ bao thuốc lá thì mới phát huy tác dụng của việc cảnh báo. Các đại biểu cũng thống nhất ý kiến về việc thành lập quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nguồn quỹ này được sử dụng cho công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định của luật; giúp chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh thuốc lá…